Vào thời nhà Trần, ở xứ Nam-định có NGUYỄN HIỀN đỗ Trạng lúc 12 tuổi. Vua chê còn nhỏ chưa thông lễ nghĩa, không phong quan tước mà cho về quê. Đến khi triều đình có việc mới cho sứ đi tìm. Tương truyền, khi sứ giả của Vua đến làng, thì thấy một đám thiếu niên đang chơi ở bên đường, trong đó có một đứa mặt mày sáng sủa, sứ nghi là Trạng, bèn đọc câu đối để thử rằng :
Tự (字) là chữ, cất giàng đầu, chữ tử (子) là con, con ai con ấy ?
Chữ TỰ 字 bỏ đi phần đầu, còn lại phần dưới là chữ TỬ 子, có nghĩa là CON. Ý muốn hỏi: Mày là con của ai vậy?. Trạng nghe câu hỏi vô lễ, bèn đáp rằng:
Vu (于) là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh (丁) là đứa, đứa nào đứa này?
Chữ VU 于 nghĩa là CHƯNG ( Vì Chưng, Bởi Chưng ), bỏ đi nét ngang ở chính giữa còn lại là chữ ĐINH 丁, có nghĩa là ĐỨA ( Gia Đinh là Đứa ở trong nhà ). Ý rằng: Mày là đứa nào mà dám hỏi ta là con ai ?.
Nữ sĩ HỒ XUÂN HƯƠNG cũng có đôi câu đối Chiết Tự bất hũ là:
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang!?
Duyên thiên là duyên trời định, chữ THIÊN 天 khi nhô đầu theo chiều dọc lên trên thì thành chữ PHU 夫 là CHỒNG. Ý muốn nói là Duyên trời chưa run rủi, chưa lấy chồng.
Phận liễu là phận LIỄU BỒ, chỉ phái nữ yếu đuối. Chữ LIỄU 柳 là cây Liễu đồng âm với chữ LIỄU 了 là Hết, và chữ Liễu 了 mà thêm nét ngang vào là thành chữ TỬ 子 là CON. Ý nói Phận gái sao mà đã có con rồi !( trong khi chưa có chồng ).
Bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm tập thơ Chinh Phụ Ngâm Khúc hay như thế nào, ai cũng biết cả rồi. Bà còn có một ông anh tên là Đoàn Viết Luân cũng rất giỏi thơ văn mà ít người biết đến.
Có lần, ông Đoàn Viết Luân từ ngoài đi vào nhà, thấy em gái đang ngồi bên rổ kim chỉ, liền đọc:
•Huynh lai đường thượng tầm song nguyệt. 兄来堂上尋双月
Có nghĩa là:
Anh lên nhà trên tìm 2 vầng trăng .
Song nguyệt là 2 mặt trăng, mà theo chữ Hán, 2 chữ Nguyệt 月 ghép lại là chữ Bằng 朋 là Bè bạn, bằng hữu, nên câu trên còn có nghĩa là:
Anh lên nhà trên tìm BẠN BÈ, chứ không phải tìm 2 mặt trăng.
Bà Điểm liền đối lại rằng:
•Muội đáo song tiền tróc bán phong. 妹到窗前捉半風
Có nghĩa là:
Em đến trước cửa sổ bắt nửa làn gió.
Bán phong là nửa làn gió, mà cũng có nghĩa là phân nửa ở bên phải của chữ Phong 風 tức là chữ Sắt 虱 nghĩa là con rận. Nên câu đối trên có nghĩa là :
Em đến trước cửa sổ để bắt rận.
Khi hay tin chị dâu sanh được con gái đầu lòng trong đêm rộn rịp vui mừng, Bà Điểm đã đùa với anh rằng:
•Bán dạ sinh hài, Hợi Tý nhị thời vị định.
半 夜 生 孩,亥 子 二 時 未 定 .
Có nghĩa là :
Nửa đêm sanh con, Hợi Tý 2 giờ chưa định, ý muốn nói không biết là giờ Tý hay giờ Hợi.
Đoàn Viết Luân liền đối lại
•Lưỡng tình tương phối, Kỷ Dậu song hợp nãi thành.
两 情 相 配,己 酉 双 合 乃 成 .
Có nghĩa là:
Hai tình phối hợp nhau, Kỷ Dậu 2 bên hợp lại mà thành.
Với lối chơi chữ, 2 chữ Hợi và Tý 亥 子 ghép lại thành chữ Hài 孩 ; chữ Kỷ và chữ Dậu 己 酉 ghép lại thành chữ Phối 配 . Ta cũng gọi đây là một lối đối chiết tự.
Như ta thấy ở trên, Câu đối chiết tự 折字 (chiết: bẻ gãy, phân tách; tự: chữ): là những câu do sự tách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra từng nét hoặc từng phần mà đặt thành câu. Đó là Câu Đối chiết tự của Việt Nam ta.
Bây giờ, ta nói về câu đối chiết tự của văn học TQ nhé ! Mời các bạn cùng xem đôi câu đối sau đây:
Thử mộc vi sài, sơn sơn xuất, 此木為柴,山山出,
Bạch thủy thành tuyền, tịch tịch đa. 白水成泉,夕夕多.
Nghĩa là:
Câu 1:
Thử là nầy, Mộc là cây, Vi là làm, Sài là Củi. " Thử mộc vi sài " là Cây nầy dùng làm củi. Sơn sơn là núi núi, có nghĩa bất cứ núi nào. Xuất là ra, là sản xuất ra. Nghĩa cả câu là : " Cây nầy dùng để làm củi, núi nào cũng có cả ! ". Cái hay của câu nầy là : Chữ THỬ 此 chồng lên trên chữ MỘC 木 thì thành chữ SÀI 柴. 2 chữ SƠN 山 chồng lên nhau thành chữ XUẤT 出.
Câu 2:
" Bạch thủy thành tuyền " là nước trắng xóa chảy thành dòng suối. " Tịch tịch đa "là mỗi đêm mỗi nhiều thêm ra. Cũng như câu 1, chữ BẠCH 白 chồng lên trên chữ THỦY 水 thành chữ TUYỀN 泉. 2 chữ TỊCH 夕chồng lên nhau thành chữ ĐA 多.
Cái hay của Chiết tự là ở chỗ đó ! Trong Truyện Kiều, khi thất thân với Mã Giám Sinh, cô Kiều đã hối tiếc mà than rằng:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhụy đào thà bẻ cho người TÌNH CHUNG.
Tại sao Nguyễn Du không viết là " người tình XƯA ", hoặc " người tình LANG "... mà phải là " người tình CHUNG ". Thì ra, cụ Tiên Điền nhà ta đang chơi trò Chiết tự. Các bạn hãy xem đây, chữ CHUNG 鍾 gồm có 2 chữ KIM 金 và TRỌNG 重 ghép lại với nhau mà thành. Không phải tôi đoán mò, cũng không phải tại hên mà Nguyễn Du ngáp phải ruồi. Nói có sách, mách có chứng đàng hoàng. Trong câu đối Chiết tự xưa có câu như sau:
Bát đao phân mễ phấn 八刀分米粉
Thiên lý trọng kim chung 千里重金鍾
Có nghĩa:
Câu 1:
Phân hạt gạo bằng 8 dao, hạt gạo sẽ nhuyễn ra như bột ( phấn ). Chữ BÁT 八 chồng lên chữ ĐAO 刀 thành chữ PHÂN 分, chữ PHÂN 分 ghép với chữ MỄ 米 thành chữ PHẤN 粉.
Câu 2:
Cái chuông vàng mang đi ngàn dặm sẽ rất nặng nề. Cũng vậy, chữ THIÊN 千 chồng lên chữ LÝ 里 thành chữ TRỌNG 重, và chữ TRỌNG 重 ghép với chữ KIM 金 thành chữ CHUNG 鍾.
"Nhụy đào thà bẻ cho người tình CHUNG" là bẻ cho người tình tên KIM TRỌNG đó vậy! NGUYỄN DU đã rất thâm thúy và tài hoa trong phép dùng chữ, chả trách TRUYỆN KIỀU là tác phẩm lưu danh thiên cổ!
Đỗ Chiêu Đức biên soạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét