Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Bóng


BÓNG chữ Nho gọi là ẢNH 影, nên Bóng của Người gọi là NHÂN ẢNH 人影. Theo Đạo Giáo thì đời sống chính thức của con người là ở trên...Trời, còn đời sống trước mắt ở thế gian nầy chỉ là cái hình chiếu, là Cái Bóng ở trên trời rọi xuống mà thôi, nên Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết trong "Cung Oán Ngâm Khúc" là:

Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ NHÂN ẢNH như người đi đêm!

Cái BÓNG đầu tiên mà ta thường thấy trong văn học cổ là BÓNG ÁC, BÓNG ÁC TÀ hay BÓNG TÀ đều có nghĩa giống như nhau. Theo sách Ngũ Kinh Thông Nghĩa 西漢劉向的五經通義 của Lưu Hướng đời Tây Hán đã dùng thuyết âm dương để miêu tả là trong mặt trăng có con Thiềm thừ 蟾蜍 (con Cóc), và Ngọc thố 玉兔 (Thỏ ngọc), còn trong mặt trời thì có con Kim Ô 金烏 (Quạ vàng hay Ác vàng) ba chân. Nên trong văn học cổ gọi mặt trăng là Thiềm Cung (cung của con Cóc ở) như trong truyện Nôm Trinh Thử:

THIỀM CUNG bóng đã tà tà,
Khuyên rằng mau trở lại nhà với con.

... hay còn gọi mặt trăng là Bóng Thỏ (Ngọc thố) như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều :

Khi BÓNG THỎ chênh vênh trước nóc,
Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.

Và gọi mặt trời là Ác Vàng (Kim Ô) như bài học thuộc lòng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư:

ÁC VÀNG đang lúc tỏ trời,
Bỗng đâu mây kéo khắp nơi mịt mù.
Giông giục giục, gió vù vù,
Cây rung lá đổ lao xao chật đường ...

Hay gọi mặt trời chiều là Bóng Tà như trong Truyện Kiều tả lúc Kim Kiều sơ ngộ trong Hội Đạp Thanh của Tiết Thanh Minh :

BÓNG TÀ như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo!

Vì mặt trời là Vầng Kim Ô, nên còn được gọi là BÓNG Ô, như trong truyện Trinh Thử:

Một niềm dạ sắt in vầng thỏ,
Mấy lúc lòng vàng chỉ BÓNG Ô.

Hay gọi chung mặt trăng mặt trời là THỎ LẶN ÁC TÀ để chỉ ngày tháng qua đi một cách nhanh chóng vô tình, như khi Vương Quan kể lể về "Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi", nên khi đã "trâm gãy bình rơi" chết rồi thì chẳng ai đoái hoài :

Trải bao THỎ LẶN ÁC TÀ,
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!

Thỏ lặn Ác tà

Riêng mặt trăng, do tích Hậu Nghệ Hằng Nga theo sách Hoài Nam Tử 淮南子: Hằng Nga (hay Thường Nga) là vợ của Hậu Nghệ đã lén chồng uống thuốc trường sinh của bà Tây Vương Mẫu ban cho Hậu Nghệ, nên thành tiên bay lên cung trăng ở trong cung Quảng Hàn, vì thế mặt trăng còn được gọi là Cung Quảng, Cung Nga hay BÓNG NGA ... như Thúy Kiều sau khi viếng mả Đạm Tiên và gặp Kim Trọng xong thì về nhà tối hôm đó đã: 

Một mình lặng ngắm BÓNG NGA,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
Người mà đến thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi,
Người đâu gặp gỡ mà chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?

BÓNG NGA còn dùng để chỉ người đẹp, như khi anh chàng Sở Khanh gặp người đẹp Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, cụ Nguyễn Du đã viết về Thúy Kiều như sau :

BÓNG NGA thấp thoáng dưới mành,
Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai.

Không gọi là BÓNG NGA thì gọi là BÓNG TỐ, như trong Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện:

Chập chờn BÓNG TỐ trêu ai,
Hoa đâu rụng, lá đâu rơi trước rèm?

Không gọi là BÓNG TỐ thì gọi là BÓNG THỎ, như trong bài Nghĩ Thiên Vấn trong Phó Huyền Tập có câu : "Nguyệt trung hà hữu? Ngọc thố đảo dược 月中何有?玉兔捣药". Có nghĩa : Trong mặt trăng có gì? Có con thỏ ngọc giã thuốc. Như trên đã nói, trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu có câu :

Khi BÓNG THỎ chênh vênh trước nóc,
Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.

Không gọi là BÓNG THỎ thì còn gọi là BÓNG QUẾ (hay Cung Quế, Đan Quế ...) do tích trong Dậu Dương Tạp Trở, chương Thiên Xích 酉陽雜俎·天咫 : Trong mặt trăng có cây quế, có thiềm thừ. Cây quế cao năm trăm trượng, dưới có một người cầm búa đốn cây quế nầy, nhưng chặt đến đâu thì cây lại liền ngay đến đó, Người đó tên là Ngô Cương, người đất Hà Tây, theo tu Đạo học tiên, nhưng vì phạm lỗi nên mới bị phạt đốn cây quế như thế" (Tương truyền Ngô Cương có tình ý với Hằng Nga, nên đến cung trăng để bày tỏ tình ý của mình, bị Ngọc Đế biết được nên mới phạt cho đốn cây quế ở cung trăng mãi mãi như thế). Trong Thơ Nôm bài 23 của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tả cảnh thiên nhiên cũng có tình ý như người. Ông muốn níu lại từng làn hương thoảng qua song cửa, ban đêm nâng chén rượu, ông hồi hộp sợ bóng trăng tan đi, không ở lại với mình, nên mới hạ câu:

Nương song, ngày tiếc mùi hương lạt,
Nối chén, đêm âu BÓNG QUẾ tan...

Để nuối tiếc cho thời gian qua nhanh một cách vô tình không chờ đợi vị nễ ai cả, ta có thành ngữ BÓNG CÂU QUA CỬA SỔ, như trong bài Thành Ngữ Điển Tích về chữ BẠCH, ta đã biết qua về câu nói của Trang Tử trong Tri Bắc Du《庄子·知北游: “人生天地之间,若白驹之过隙,忽然而已. Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược Bach Câu chi Qúa Khích, hốt nhiên nhi dĩ ". Có nghĩa :" Con người sống trong trời đất cũng giống như là bóng ngựa trắng thoáng qua khe cửa, chỉ trong chốc lát mà thôi". Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều có câu:

BÓNG CÂU thoáng qua mành mấy nỗi,
Những hương sầu phấn tủi sao xong.

Để tả vẻ đẹp hấp dẫn gợi tình của nàng cung phi trong Cung Oán Ngâm Khúc ta còn đọc thấy câu:

BÓNG GƯƠNG lấp loáng trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.

Để chỉ những nàng con gái đẹp, những giai nhân ngày xưa, ta còn thấy từ BÓNG HỒNG. Từ nầy có xuất xứ từ từ Hồng Quần 紅裙 mà ra, vì ngày xưa các nàng con gái Trung Hoa đi ra ngoài hay mặc quần màu hồng, như cụ Nguyễn Du đã nói về chị em của Thúy Kiều là : "Phong lưu rất mực HỒNG QUẦN" vậy, nên BÓNG HỒNG là bóng dáng của những giai nhân, của những nàng con gái đẹp, cũng trong Truyện Kiều, khi Kim Trọng du xuân đạp thanh gặp chị em Thúy Vân Thúy Kiều, cụ Tiên Điền cũng đã viết:

BÓNG HỒNG nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai!

BÓNG XUÂN, Xuân là cây Xuân 椿, một loại cây cao bóng cả. Theo sách Trang Tử,chương Tiêu Dao Du 庄子·逍遥游: Thượng cổ hữu đại xuân giả; dĩ bát thiên tuế vi xuân; bát thiên tuế vi thu 上古有大椿者;以八千岁为春;八千岁为秋。Có nghĩa : Đời thượng cổ có cây xuân to; lấy tám ngàn năm là mùa xuân; tám ngàn năm là mùa thu. Nên người xưa lấy cây xuân nầy để chỉ người cha là cột trụ chống chỏi cho gia đình. Trong truyện cổ tích Thạch Sanh có câu :

Kể sao xiết nỗi khóc than,
BÓNG XUÂN lành lạnh, nhà lan rầu rầu.

Thường thì trong văn học cổ gọi cha là XUÂN ĐƯỜNG 椿堂, Đường 堂 tiếng Anh là Hall, tiếng Việt không có từ tương đương để dịch, là cái phòng rộng vừa là phòng khách vừa là nơi thờ phượng tổ tiên, lại vừa nơi cha mẹ hay ngồi để cho con cháu vấn an. Trong Truyện Kiều, lúc đêm, khi Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư, thì Thúc Sinh mới:

Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.

BÓNG CHIM TĂM CÁ là Bóng dáng của con chim và tăm hơi của con cá, cả hai thứ đều khó thể cầu mà có được, nên để diễn tả cái gì đó cách xa biền biệt không có âm hao tin tức gì cả ! CHIM ở đây là chim Hồng Nhạn, loài chim chuyên dùng để đưa thư; còn CÁ là cá Lý Ngư, theo sách Hán Thư, truyện Tô Võ 汉书·苏武传: Có ghi chép chuyện buộc thư vào chân chim nhạn để truyền tin; Hán. Thái Ung 汉·蔡邕: Trong bài thơ "Ẩm Mã Trường Thành Quật hành" có câu : Khách tòng viễn phương lai, Di ngã song lý ngư, trung hữu xích tố thư 客从远方来,遗我双鲤鱼,呼儿烹鲤鱼,中有尺素书. Có nghĩa : Khách từ phương xa đến, để lại cho ta hai con cá chép, trong bụng cá chép có tờ thư. Người đời sau ghép hai truyện trên vào với nhau thành CHIM CÁ để chỉ thư từ tin tức, nói cho êm tai thành thành ngữ bốn chữ là BÓNG CHIM TĂM CÁ, như trong Truyện Kiều tả lúc Kim Trọng đã thi đậu làm quan rồi muốn đi tìm Thúy Kiều, nhưng ...

Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
BÓNG CHIM TĂM CÁ biết đâu mà tìm!?

Bóng chim tăm cá

Trong truyện cổ tích dân gian "Con Tấm Con Cám" của ta thì có câu :

BÓNG BÓNG BANG BANG,
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Đừng ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người!

Như phần đầu đã nói...
BÓNG là Ảnh 影, còn tia Chớp là Điện 電. Bỏ chữ Điện trước chữ Ảnh, ta có từ ĐIỆN ẢNH 電影 là Chớp Bóng. Nhờ Điện Chớp sáng ta mới thấy được Bóng, mà muốn thấy được Bóng cho rõ ràng thì Điện phải được chớp trong phòng tối... Từ đó hình thành thêm một nghệ thuật mới cho cuộc sống nhân sinh : Nghệ Thuật Thứ Bảy : là Điện Ảnh 電影 mà giới bình dân quen miệng gọi là "Đi xem CHỚP BÓNG!".

Đỗ Chiêu Đức

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét