Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Trăn Trở về Bệnh - Lỗi trong Đường Luật Thi


Sau khi đăng bài viết "Điệp Tự Trong Đường Luật Thi", có người Bạn chuyển đến vài thắc mắc về Bệnh và Lỗi trong Đường Luật Thi. Nhận thấy đây cũng là một vấn đề được giới trẻ, cũng như những người yêu thích thơ Đường Luật thường quan tâm, nên mình nêu ra đây để hy vọng có thêm những ý kiến chính xác hơn từ những Vị am tường về Đường Luật Thi.

(Bài đưa lên đây có chỉnh sửa thêm một số chữ trong Giải Đáp cho rõ ý hơn) 

Hỏi :

- Lỗi Điệp tự có trong "Các lỗi, bệnh trong thơ Đường Luật".
Vậy "Các lỗi, bệnh trong thơ Đường Luật" bắt nguồn từ đâu?

Đáp 1:

Theo cách nghĩ của các thi nhân từ xưa, Thi Bệnh là những khuyết điểm khi xướng lên sẽ làm bài thơ mất hay. 
Người đầu tiên đề xướng là Thẩm Ước ( 441-513 ) sống vào thời Nam Bắc Triều (420-589), trước đời Nhà Tuỳ bên Tàu. Ông đã đề xướng thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh áp dụng cho các thể thơ Cổ Thể (những thể thơ có trước Thơ Đường Luật). 

Tứ Thanh Bát Bệnh có nghĩa là những lỗi về âm thanh, khi đọc hay ngâm nga bài thơ nghe không hay hoặc chói tai. Mỗi Thanh có hai Bệnh :
1. Bình Đầu - Thượng Vỹ
2. Phong Yêu - Hạc Tất
3. Chánh Nữu - Bàng Nữu
4. Đại Vận - Tiểu Vận
Như vậy Điệp Tự không hề có trong thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh.

Hỏi 2:

- Vì sao không cho phép có điệp tự trong cặp câu Thực và Luận?
Ví dụ (Tên người hỏi) viết điệp tự "tớ" trong cặp luận như thế này: 
...Hẻo bạc, tớ phang cho mạt tiếng
Nhiều tiền, tớ bốc để lừng danh...
thì sao là không được?

Đáp 2:

Trong Đường Luật Thi, không hề cấm Điệp Tự, nên vẫn có thể Điệp Tự ở Thực và Luận. Nhưng từng cặp của Thực hoặc Luận không nên Điệp Tự với nhau, vì như thế dễ sinh ra trùng điệu và trùng ý.

Như 2 câu thí dụ trên:
"tớ phang" câu trên và "tớ bốc" câu dưới ; các chữ "Bạc & Tiếng" của câu trên trùng ý (Điệp Ý) với "Tiền và Danh" ở câu dưới. 

Những Từ Ghép: bạc tiền, dang dỡ, danh tiếng..nếu xé ra, thường vướng phải Trùng Ý. Những bài thơ sử dụng phép Chỉnh Đối thường hay bị những lỗi này 
(Có nhiều bài thơ thường phạm phải lỗi Điệp Ý và Điệp Điệu, hai lỗi này cụ Phan Kế Bính khuyên ta nên tránh vì làm giảm giá trị bài thơ).

Ghi chú: 
Làm Thơ đường Luật, bắt buộc phải tránh phạm Luật. Còn Lỗi Bệnh gì đó, nếu phạm cũng có thể chấp nhận được. Chính vì thế, chúng ta thấy thơ của Tiền nhân đều có phạm những điều mà các người làm thơ ngày nay gọi là lỗi, bệnh.

Hỏi Tiếp:

Còn vấn đề thứ nhất, thuyết "Tứ Thanh-Bát bệnh" là dành cho cổ thi rồi người ta áp dụng luôn cho Đường Luật là vậy!
Còn đối với Đường Luật, tới bây giờ, ... biết có tới 8 bệnh và 12 lỗi, trong đó có lỗi “Điệp Tự”; có thể xem tại đây:
Vậy “8 bệnh và 12 lỗi” này có nguồn gốc từ đâu? Nhận định của các tiền bối, chuyên gia Đường Luật về 20 bệnh lỗi này như thế nào? Kẻ hậu sinh nên tuân theo hay không tuân theo? 

Trong câu hỏi này, xin được tách làm 2 để giải đáp:

Hỏi 1:

- Còn vấn đề thứ nhất, thuyết "Tứ Thanh-Bát bệnh" là dành cho cổ thi rồi người ta áp dụng luôn cho Đường Luật là vậy! 

Đáp Bổ Sung:

Sau khi Thẩm Ước đề xướng thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh, Thi sĩ hưởng ứng rất sôi nổi. Các Thi Nhân thời Hậu Tùy và Sơ Đường dựa vào thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh này bổ sung và chỉnh sửa Luật Bằng Trắc; Luật Niêm... trong Thơ Cổ Thể, đồng thời áp dụng thêm thể Biền Ngẫu mà hình thành dần Thể Thơ Đường Luật, các thế hệ thi nhân xưa đã hoàn chỉnh Đường Luật Thi đến mức áp dụng vào thi cử thời trước, và ngày nay chúng ta sử dụng để tiêu khiển.

Hỏi 2

Còn đối với Đường Luật, tới bây giờ,... (tên người hỏi) biết có tới 8 bệnh và 12 lỗi, trong đó có lỗi “Điệp Tự”; ...
Vậy “8 bệnh và 12 lỗi” này có nguồn gốc từ đâu? Nhận định của các tiền bối, chuyên gia Đường Luật về 20 bệnh lỗi này như thế nào? Kẻ hậu sinh nên tuân theo hay không tuân theo? 

Đáp:

a - Nhiều Lỗi phát sinh do chúng ta áp dụng "Nhất Tam Ngũ Bất Luận..." mà không theo đúng chính luật của Luật Thanh ( Luật Bằng Trắc)

b - Không chỉ riêng Trang vuontho.net nêu trên, mà hầu hết các Trang Mạng ngày nay, khi viết về Luật Thơ Đường đều đề cập đến Bệnh và Lỗi. Tuy nhiên, số lượng không thống nhất. Có trang nói đến cả hơn 30 Bệnh và Lỗi trong thơ Đường Luật. Nhưng tất cả đều không hề chứng minh những điều mình nêu lên.
Các Trang đã "phẫu thuật" thật tỉ mỉ Thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh, cùng Luật Thanh, Luật Vần và Luật Niêm trong 5 Luật được qui định trong Đường luật mà hình thành thêm quá nhiều Bệnh Lỗi như đã thấy. Nhưng họ quên rằng Đường Luật Thi đã dựa vào Tứ Thanh Bát Bệnh để hình thành.

Trước năm 1975, Không hề nghe thấy đề cập đến vấn đề này, kể cả trong các Thư Tịch về Đường Luật trước năm 1960 cũng thế. 
Mấy chục Bệnh Lỗi này chỉ là những ý kiến cá nhân, nhà thơ, các trang mạng trên Internet của thời đại ngày nay, có lẽ muốn chứng minh rằng con cháu ngày nay giỏi hơn Tiền nhân?
Chúng ta hãy xem thơ Đường Luật của các vị Tiền Nhân, nếu áp dụng Bệnh Lỗi của ngày nay, thì các vị ấy đừng nói chi trở thành Ông Cống, Ông Nghè, mà ngay cả Ông Tú cũng đi đong.
Thật ngạc nhiên và tức cười, khi có nhiều người dựa vào những điều vô căn cứ, không có tài liệu chứng minh, mà đi bắt lỗi những bài thơ Đường Luật của người khác. Cũng tựa như những người chỉ biết duy nhất một phép Chỉnh Đối rồi đi bắt lỗi những phép Đối khác.

Tóm lại, những Bệnh và Lỗi nào phạm vào Luật của Đường Luật thì bắt buộc phải tránh. Còn những điều khác thì tùy, ai muốn theo Bệnh Lỗi thì theo.

Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét