Sau vụ sửa bài thơ " Trường Tín Oán " của Vương Xương Linh, mặc dù bị Văn Phòng TGT giũa cho một trận, nhưng tiếng tăm của anh lao công Đỗ Chiêu Đức giỏi văn thơ cổ lại nổi như cồn. Các bậc chức sắc và một số thầy cô tìm đến phòng trọ của lao công ở trong trường để đọc những bài thơ, văn bằng tiếng Hán Cổ mà anh đã viết và dán nhan nhản khắp phòng...
Giữ đúng lời hứa, Ngài Tổng Vụ Chủ Nhiệm Hà Đức Phương tốt bụng đã giới thiệu anh ta đi Ban Mê Thuộc để dạy ở trường Tiểu học DỤC ANH, mặc dù năm đó anh ta thi rớt Tú Tài 1. Từ lao công trường học, phủi chân cái rụp, nhảy lên làm thầy giáo, anh ta cảm thấy lâng lâng như bước trên mây, niềm vui phơi phới, cảm thấy cuộc đời sao lại đẹp đẽ thế nầy ?!.... Thì ra giữa những kẻ xấu còn có người tốt, giữa những đứa ác còn có những ông thiện...
Từ một đứa bé quê mùa ở xã Thường Thạnh Đông, mười tuổi ra Thị Trấn Cái Răng học mới thấy được chiếc xe hơi, mười lăm tuổi tha phương cầu thực lên Sài Gòn mới thấy được cảnh phồn hoa đô hội, với ngựa xe như nước, áo quần như nen. Bây giờ lại được ngồi máy bay từ Sài Gòn đi Nha Trang, rồi từ Nha Trang mới đáp xe đò lên Ban Mê Thuộc. ( Trong thời buổi chiến tranh, tuyến đường xe Sài Gòn- Ban Mê Thuộc thường xuyên bị cắt, nên vé máy bay SG- BMT đã được các thương gia chiếu cố hết rồi. Nha Trang nhiều chuyến bay hơn, nên phải đi vòng như thế !).
Chàng thanh niên nhà quê Lục Tỉnh lần đầu tiên thấy được cảnh núi rừng hùng vĩ hiễm ác, với vách đá cheo leo, với cỏ cây rừng bí hiểm, với những khe suối róc rách bên đường.... không khỏi xúc động tâm tình, nhất là khi xe lên đèo Rù Rì, ở trên cao, xa xa lại nhìn thấy biển cả mênh mông ngút ngàn, trời nước như liền nhau với một màu xanh bát ngát.... Trước kia, có nằm mơ anh ta cũng không bao giờ thấy được những cảnh trí như thế nầy, nên quá xúc động tâm tình, bèn rút cây viết bấm mà thằng bạn lao công mới mua tặng anh ta trước khi lên đường, mò mẫm viết bài thơ Ngũ Ngôn sau đây:
芽邦途中作 NHA BAN ĐỒ TRUNG TÁC
綠綠青青峯, Lục lục thanh thanh phong,
銀銀海色重. Ngân ngân hải sắc trùng.
奔流溪裡水, Bôn lưu khê lý thủy,
颯吹野外風. Táp xúy dã ngoại phong.
山道嶂嵐襲, Sơn đạo chướng lam tập
前途煙雨中. Tiền đồ yên vũ trung.
他鄉尋食者, Tha hương tầm thực giả,
忽覺感懐濃. Hốt giác cảm hoài nùng.
Chú Thích:
1. Phong 峯: Chữ Phong nầy có bộ Sơn phía trên , chỉ phần trên của núi, ta thường gọi là Ngọn núi.
2. Trùng 重: là Chồng lên, là lặp lại, Chữ nầy còn đọc là TRỌNG : Có nghĩa là nặng.
3. Bôn lưu: là chảy xiết, chảy cuồn cuộn.
4. Táp xúy: là Thổi phần phật, thổi ào ào.
5. Chướng Lam: là Sơn Lam Chướng Khí, những hơi độc và mây mù trong núi. TẬP: là đánh ụp, là tấn công : như Tập công. Ở đây chỉ lấn chiếm.
6. Tiền đồ: Tiền là phía trước, Đồ là con đường. Tiền Đồ : có nghĩa là Con đường trước mắt, nghĩa bóng là chỉ con đường trong tương lai.
7. Tha Hương Tầm Thực: Xa quê để kiếm cái ăn, chỉ những người đi làm ăn xa quê hương xứ sở.
8. Nùng: là nồng, là đậm.
Dịch nghĩa:
Cảm tác trên đường từ Nha Trang đi Ban Mê Thuộc.
Những ngọn núi xanh xanh chập chùng nối tiếp nhau, và biển trời mênh mông trắng xóa như nối tiếp chồng lên nhau ở phía chân trời. Bên đường, dòng suối trong khe chảy ra cuồn cuộn và gió ngoài rừng trống phần phật rít từng cơn. Sơn lam chướng khí mịt mù lấn chiếm cả con đường đèo trên núi và con đường trước mắt chìm trong mưa khói mông lung. ( Không biết tương lai sẽ ra sao ? ). Khiến cho người cầu thực tha phương, bỗng nhiên càng thấy niềm cảm xúc dào dạt dâng trào!
Diễn nôm:
Xanh xanh rừng núi thẳm,
Trắng xóa biển mênh mông.
Nước khe tuôn róc rách,
Gió núi rít não nùng.
Sơn lam đường mờ mịt,
Mây khói nẽo mông lung.
Kẻ tha phương cầu thực,
Nghe cảm khái ngập lòng!
Lục bát:
Chập chùng rừng núi xanh rì,
Mênh mông biển cả thấy gì chân mây.
Suối tuôn róc rách bên tai,
Gió rừng rít mạnh khiến ai chạnh lòng.
Đường đèo mờ mịt vời trông,
Tương lai sương khói mịt mùng biết đâu!
Tha phương cầu thực nghe sầu,
Lòng càng cảm khái, lần đầu xa quê!
Thấy anh ta hí hoáy viết, ông Hiệu Trưởng ngồi bên liếc nhìn rồi ngạc nhiên hỏi : Anh biết làm thơ ?!. Sau khi đọc xong bài thơ trên, ông tỏ vẻ rất hài lòng và khi vừa về đến Ban Mê Thuộc, ông bèn gởi bài thơ ngược trở về Sài Gòn để đăng trên báo Á Châu tiếng Hoa bấy giờ. Chính lòng tốt nầy của ông đã cứu ông khỏi một phen rắc rối, vì một tuần sau, Ban Quản Trị của Hội Phụ Huynh Học Sinh chất vấn ông là : Bộ hết người rồi sao mà phải mướn một thằng nhỏ miệng còn hôi sửa về làm thầy giáo thế nầy ?!.
Ông ta bèn chìa bài thơ được đăng báo ra và giải thích : " Anh ấy còn trẻ nhưng có khả năng, lại viết chữ rất đẹp ! ". Sẵn ông ta cũng cho xem luôn bản viết tay của bài thơ mà anh thầy giáo trẻ đã nắn nót viết tặng cho ông khi vừa về tới trường.
Sẵn đây, cũng xin trình bày luôn để mọi người được biết là : Trước đây, tất cả các trường Hoa ở khắp Miền Nam, trừ một vài trường của tư nhân lập ra ở Chợ Lớn, còn tất cả đều là TRƯỜNG CÔNG LẬP , do Ngũ Ban ( Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hải Nam và Ban Hẹ ). với Hội Phụ Huynh học sinh đứng ra tổ chức, xây dựng và điều hành mọi sinh hoạt và hỗ trợ toàn bộ kinh phí hoạt động của nhà trường.
Đối với Nhà Nước, thì là trường Tư Thục, còn đối với đồng bào người Hoa, là trường Công Lập. Ban Quản Trị của Hội phụ huynh học sinh chịu trách nhiệm tìm người giỏi, có học thức, có kinh nghiệm tổ chức điều hành giáo dục làm Hiệu Trưởng. Hiệu Trưởng chịu trách nhiệm đi tìm giáo viên về hợp tác với mình. Nên cứ Hè đến là tất cả Hiệu Trưởng của các trường Hoa ở các Tỉnh đều đổ xô về Sài Gòn Chợ Lớn để tìm thêm giáo viên về dạy cho trường mình. Thường thì, Hợp đồng của BQT Hội PHHS ký với Hiệu Trưởng là 2 năm. Nếu điều hành không có thành tích, thì sau 2 năm, Hiệu Trưởng sẽ tự động rút lui, còn nếu là HT giỏi thì Hội PHHS sẽ giữ lại tiếp tục 2 năm nữa !. Vì thế, nên HT tìm được giáo viên, thì chỉ ký hợp đồng 1 năm mà thôi, sau 1 năm, nếu là GV giỏi, thì Hiệu Trưởng sẽ ký tiếp 1 năm nữa, còn nếu HT nín thinh, thì GV tự động cuốn gói đi tìm trường khác ! Nguyên tắc là thế, nhưng có nhiều Hiệu Trưởng trụ lại 8 năm, 10 năm hoặc định cư luôn ở
Đối với Bộ và Ty giáo dục, thì mỗi địa phương đều phải tìm một người địa phương có bằng cấp thích hợp ( Tú Tài 1, 2, hoặc Đại học ) để đứng tên làm Hiệu Trưởng và phụ trách tất cả giấy tờ và thủ tục hành chánh của nhà trường. Trước đây vì chiến tranh, nam phải đi lính, nên thường là nữ đứng tên làm Hiệu Trưởng ( Như trường hợp Cô Nguyễn Kim Quang là Hiệu Trưởng Hành Chánh của trường Tân Hưng Cái Răng vậy ). Vì thế mà mỗi trường HOA đều có 2 vị Hiệu Trưởng, một điều hành bên chuyên môn tiếng Hoa, và một chịu trách nhiệm về thủ tục hành chánh bên tiếng Việt.
Đôi hàng giải thích, để mọi người hiểu được là tại sao anh lao công Đỗ Chiêu Đức phủi chân cái rụp là nhảy lên thành thầy giáo trong nháy mắt liền một khi !....
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét