Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Phần Giới Thiệu Việt Sử



Nam quốc sơn hà nam đế cư        Nước nam sông núi vua nam ngụ
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư   Phân định sách thiên đã vạch rành
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?    Nếu bọn giặc thù sang lấn chiếm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!    Bọn ngươi sẽ bị đánh tan tành
                     Lý Thường Kiệt                            Quên Đi

Lời Mở Đầu

      Ghi ơn những bậc Tiền Nhân đã b rất nhiều tâm huyết ghi lại những chặn đường, những thăng trầm của Dân Tộc cho các thế hệ Con Cháu.
      Xin giới thiệu đến Quý Độc Giả ba bộ Sử có giá trị nhất của Việt Nam:
1- " Đại Việt Sử Ký Toàn Thư"
          Đây là bộ sử được các đời Sử gia nhà Hậu Lê, chủ yếu là Lê Văn Hưu, kế đến là Phan Phu Tiên, sau cùng là Ngô Sĩ Liên... Các sử Gia trên đã biên soạn chỉnh sửa bổ sung từ năm 1272 đến 1697 mới hoàn thành.
          Bộ Sử bắt đầu từ đời Kinh Dương Vương Lộc Tục đến đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê.
          Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa và cũng là một bộ sử có giá trị văn học. Các bộ quốc sử sau này của Việt Nam như Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều được biên soạn dựa trên cơ sở của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
2- "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục"
          Đây là bộ sử được Biên soạn lại dựa vào quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Vua Tự Đức giao cho Quốc Sử Quán do Phan Thanh Giản chủ biên, dựa vào những quyển sử các đời trước nhất là quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư làm căn bản. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục được soạn từ năm 1856 đến năm 1881 mới hoàn tất. Bắt đầu từ thời Kinh Dương Vương đến cuối nhà Hậu (Lê Chiêu Thông) 1789.

3 - "Việt Nam Sử Lược "
           Trần Trọng Kim là một nhà nho theo tây học. Ông tham khảo, nghiên cứu và đối chiếu các sách sử chữ Hán có từ trước của Việt và Tàu, theo phương pháp của phương tây. Do đó bộ Việt Nam Sử Lược được biên soạn tương đối đầy đủ, rõ ràng và mạch lạc. Quyển sử bắt đầu từ thời Thượng cổ đến đời Vua Thành Thái ( Bửu Lân).
     Như đã nêu trên, bộ  " Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục" Viết theo lối Biên Niên. Tuy có những lời bình, lời ghi chú nhưng không tiện theo dõi, theo chúng tôi, nếu dùng làm tài liệu tham khảo thì tốt hơn. Riêng bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim được biên soạn rất khoa học, rất dể hiểu, tiện sử dụng trong việc giảng dạy.
          Để Quý Vị tiện theo dõi, chúng tôi sẽ tuần tự giới thiệu từng chương của quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.

      Đối với những Đọc giả muốn tìm hiểu, tham khảo trước, xin mời vào các đường dẫn bên dưới:
1- " Đại Việt Sử Ký Toàn Thư "

2- "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục"

3 - "Việt Nam Sử Lược "
- Quyển 1:


4 - An Nam Chí Lược - Lê Tắc

5 - Đại Việt Sử Lược- Tác Giả Khuyết Danh

6 - Việt Sử Tiêu Án - Ngô Thời Sĩ

7 - Đại Việt Thông Sử - Lê Quý Đôn

8 - Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn


                                                    Trân trọng kính chào 
                                 Ban Biên Tập longhovinhlong.blogspot.com

* * *

Việt Nam Sử Lược Phần mở Đầu

Lệ Thần
TRẦN TRỌNG KIM

越 南 史 略
V I Ệ T - N A M
S Ử - L Ư Ợ C
(HISTOIRE DU VIÊT-NAM)

IN LẦN THỨ TƯ
Sửa-chữa cẩn-thận

NHÀ XUẤT-BẢN
TÂN VIỆT - HANOI
In và phát-hành tại Saigon
1951

Viet Nam Su Luoc 1.djvu


Lệ thần
TRẦN-TRỌNG-KIM
VIỆT-NAM
SỬ-LƯỢC

QUYỂN I
BỘ GIÁO-DỤC
-------------------
TRUNG-TÂM
HỌC-LIỆU
xuất-bản


BỘ GIÁO-DỤC
TRUNG-TÂM HỌC-LIỆU XUẤT-BẢN
Lần thứ nhất, 1971 : 80.000 cuốn
(Thêm Phụ-lục và Sách-dẫn)

M Ụ C - L Ụ C

Tựa
Nước Việt Nam
Chương I.
Chương II.
Chương III.
Chương IV.
Chương I.
Chương II.
Chương III.
Chương IV.
Chương V.
Chương VI.
Chương I.
Chương II.
Chương III.
Chương IV.
Chương V.
Chương VI.
Chương VII.Giặc nhà Nguyên — I133 — 150
Chương VIII.Giặc nhà Nguyên — II151 — 162
Chương IX.Nhà Trần ( Thời-kỳ thứ hai )163 — 172
Chương X.Nhà Trần ( Thời-kỳ thứ ba )173 — 188
Chương XI.Nhà Hồ189 — 197
Chương XII.Nhà Hậu-Trần199 — 206
Chương XIII.Thuộc nhà Minh211 — 216
Chương XIV.Mười năm đánh quân Tàu217 — 245
Chương XV.Nhà Lê247 — 276
Phụ-lục.Phiên âm bài Bình Ngô đại-cáo277 — 280
Những-sách soạn-giả dùng để kê-cứu281
BẢN-ĐỒ
1. Nước Tàu về đời nhà Tần27
2. Nước Tàu về đời Tam-quốc45
3. Nước Tàu về đời Ngũ Quý69
4. Nước Nam khi nhà Trần chống với Mông-cổ135
BIỂU-ĐỒ
1. Ngô-triều thế-phổ83
2. Đinh-triều thế-phổ88
3. Tiền-Lê triều thế-phổ92
4. Lý-triều thế-phổ117
5. Hồ-triều thế-phổ197
6. Trần-triều thế-phổ207
7. Lê-triều thế-phổ271
TỰA

     

Sử là sách không những chỉ để ghi-chép những công-việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy-xét việc gốc-ngọn, tìm-tòi cái căn-nguyên những công-việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận-hội trị-loạn của một nước, những trình-độ tiến-hóa của một dân-tộc. Chủ-đích là để làm cái gương chung-cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh-hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm-giữ được cái địa-vị ở dưới bóng mặt trời này.




Người trong nước có thông-hiểu những sự-tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố-gắng học-hành, hết sức làm-lụng, để vun-đắp thêm vào cái nền xã-hội của tiên-tổ đã xây-dựng nên mà để lại cho mình. Bởi những lẽ ấy cho nên phàm dân-tộc nào đã có đủ cơ-quan và thể-lệ làm cho một nước độc-lập, thì cũng có sử cả. Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế-kỷ thứ XIII. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan-trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn-tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải-thích cái gốc-ngọn và sự liên-can việc ấy với việc khác là thế nào.
Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự-do, thường có ý thiên-vị về nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện quan-hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan-hệ đến sự tiến-hóa của nhân-dân trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên-chế, vẫn cho việc nhà vua là việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ-nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích-lợi cho sự học vấn là mấy.
Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học-tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hể ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ-phú văn-chương gì cũng lấy điển-tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất-thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ-mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc-văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm-hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc-sắc, thành ra thật rõ như câu phương-ngôn: «Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!»

Cái sự học-vấn của mình như thế, cái cảm-tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở-mang ra làm sao được?
Nhưng dẫu thế nào mặc lòng, nước ta đã có sử ta thì cũng có thể bởi đó mà biết được những sự đã qua ở nước ta, và có thể bởi đó mà khảo-cứu được nhiều việc quan-hệ đến vận-mệnh nước mình từ xưa đến nay xoay-vần ra làm sao. Hiềm vì sử nước ta thì làm bằng chữ Nho cả, mà chữ Nho thì từ rày trở đi chắc rồi mỗi ngày một kém đi. Hiện nay số người đọc được chữ Nho còn nhiều, mà trong nước còn không có mấy người biết được chuyện nước nhà, huống chi mai sau này chữ Nho bỏ không học nữa, thì sự khảo-cứu về những việc quan-hệ đến lịch-sử nước mình sẽ khó biết bao nhiêu!


Nay nhân sự học ở nước ta đã thay-đổi, chữ quốc-ngữ đã phổ-thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà, ta soạn ra bộ VIỆT-NAM SỬ-LƯỢC, xếp-đặt theo thứ-tự, chia ra từng thời-đại, đặt thành chương, thành mục rõ-ràng, để ai ai cũng có thể xem được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình được tiện-lợi hơn trước.


Bộ VIỆT-NAM SỬ-LƯỢC này, soạn-giả chia ra làm 5 thời-đại. Thời đại-thứ nhất là Thượng-cổ thời-đại, kể từ họ Hồng-bàng cho đến hết đời nhà Triệu. Trong thời-đại ấy, từ chương thứ III, bàn về xã-hội nước Tàu trước đời nhà Tần, phần nhiều là những chuyện hoang-đường huyền-hoặc cả. Những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại, chứ không có di-tích gì mà khảo-cứu cho đích-xác. Tuy vậy, soạn-giả cũng cứ theo sử cũ mà chép lại, rồi cũng phê-bình một đôi câu để tỏ cho độc-giả biết rằng những chuyện ấy không nên cho là xác-thực.


Thời đại thứ nhì là Bắc thuộc thời-đại, kể từ khi vua Vũ-đế nhà Hán lấy đất Nam-việt của nhà Triệu, cho đến đời Ngũ-quí, ở bên ta có họ Khúc và họ Ngô xướng lên sự độc-lập. Những công-việc trong thời-đại ấy, thì sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm. Vì rằng trong thời-đại Bắc-thuộc, người mình chưa được tiến-hóa, sự học-hành còn kém, sách-vở không có, cho nên về sau những nhà làm sử của ta chép đến thời-đại này cũng không kê-cứu vào đâu được, chỉ theo sử Tàu mà chép lại thôi. Vả, người Tàu lúc ấy vẫn cho mình là một xứ biên-địa dã-man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên những chuyện chép ở trong sử, cũng sơ-lược lắm, mà đại-để cũng chỉ chép những chuyện cai-trị, chuyện giặc-giã, chứ các công việc khác thì không nói đến.


Thời-đại Bắc-thuộc dai-dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời-đại ấy dân-tình thế-tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn-minh của Tàu một cách rất sâu-xa, dẫu về sau có giải-thoát được cái vòng phụ-thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh- hưởng của Tàu. Cái ảnh-hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc-túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ-bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy-gội cho sạch được. Những nhà chính-trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu-tâm về việc ấy, thì sự biến-cải mới có công-hiệu vậy.


Thời-đại thứ ba là Thời-đại tự-chủ, kể từ nhà Ngô, nhà Đinh cho đến Sơ-diệp nhà Hậu-Lê. Nước mình từ thời đại ấy về sau là một nước độc-lập, tuy đối với nước Tàu vẫn phải xưng thần và chịu cống, nhưng kỳ thực là không ai xâm-phạm đến cái quyền tự-chủ của mình.


Buổi đầu, nhà Đinh, nhà Lê mới dấy lên, còn phải xây-đắp cái nền tự-chủ cho vững-bền, phải lo sửa-sang việc võ-bị để chống với kẻ thù-nghịch, cho nên sự văn-học không được mở-mang lắm. Về sau đến đời nhà Lý, nhà Trần, công-việc ở trong nước đã thành nền-nếp, kẻ cừu-địch ở ngoài cũng không quấy-nhiễu nữa, lại có nhiều vua hiền tôi giỏi nối nhau mà lo việc nước, cho nên từ đó trở đi việc chính-trị, việc tông-giáo và việc học-vấn mỗi ngày một khai-hóa ra, làm cho nước ta thành một nước có thế-lực, bắc có thể chống được với Tàu, nam có thể mở rộng thêm bờ-cõi. Nhà Lý và nhà Trần lại có công gây nên cái quốc-hồn mạnh-mẽ, khiến cho về sau đến đời Trần mạt, nhân khi họ Hồ quấy-rối, người Tàu đã toan đường kiêm-tính, người mình biết đồng tâm hiệp lực mà khôi-phục lại giang-sơn nhà. Kế đến nhà Lê, trong khoảng một trăm năm về buổi đầu, nước mình cũng có thể gọi là thịnh-trị, nhất là về những năm Quang-thuận (1460-1469) và Hồng-đức (1470-1497), thì sự văn-trị và võ-công đã là rực-rỡ lắm. Nhưng về sau gặp những hôn-quân dung chúa, việc triều-chính đổ-nát, kẻ gian-thần dấy-loạn. Mối binh-đao gây nên từ đó, người trong nước đánh giết lẫn nhau, làm thành ra nam bắc chia rẽ, vua chúa tranh quyền. Ấy thật là một cuộc biến lớn ở trong nước vậy.




Thời-đại thứ tư là Nam-bắc phân-tranh, kể từ khi nhà Mạc làm sự thoán-đoạt cho đến nhà Tây-sơn. Trước thì nam Lê, bắc Mạc, sau thì Nguyễn nam, Trịnh bắc, sự cạnh-tranh càng ngày càng kích-liệt, lòng ghen-ghét càng ngày càng dữ-dội. Nghĩa vua tôi mỏng-mảnh, đạo cương-thường chểnh-mảng: nước đã có vua lại có chúa. Trong Nam ngoài Bắc mỗi nơi một giang-sơn, công việc ở đâu chủ-trương ở đấy. Tuy vậy việc sửa-đổi ở ngoài Bắc cũng có nhiều việc hay, mà việc khai-khẩn trong Nam thật là ích-lợi. Nhưng cuộc thành-bại ai đâu dám chắc, cơn gió-bụi khởi đầu từ núi Tây-sơn, làm đổ-nát cả ngôi vua cùng nghiệp chúa. Anh em nhà Tây-sơn vẫy vùng không được 20 năm, thì bản-triều nhà Nguyễn lại trung-hưng lên, mà đem giang-sơn về một mối, lập thành cái cảnh-tượng nước Việt-nam ta ngày nay vậy.


Thời-đại thứ năm là Cận-kim thời-đại, kể từ vua Thế-tổ bản-triều cho đến cuộc Bảo-hộ bây giờ. Vua Thế-tổ khởi đầu giao-thiệp với nước Pháp-lan-tây để mượn thế-lực mà đánh Tây-sơn. Nhưng về sau vì những vua con cháu Ngài đổi chính sách khác, nghiêm-cấm đạo Thiên-chúa và đóng cửa không cho ngoại-quốc vào buôn-bán. Những đình-thần thì nhiều người trí-lự hẹp-hòi, cứ nghiễm-nhiên tự-phụ, không chịu theo thời mà thay-đổi. Đối với những nước ngoại dương, thì thường hay gây nên sự bất hòa, làm cho nước Pháp phải dùng binh-lực để bênh-vực quyền-lợi của mình. Vì những chính-sách ấy cho nên mới thành ra có cuộc Bảo-hộ.


Đại-khái đó là những mục lớn trong những phần mà soạn-giả đã theo từng thời-đại để đặt ra. Soạn-giả đã cố sức xem-xét và góp-nhặt những sự ghi-chép ở các sách chữ Nho và chữ Pháp[1], hoặc những chuyện rải-rác ở các dã-sử, rồi đem trích bỏ những sự huyền-hoặc đi mà soạn ra bộ sách này, cốt để người đồng-bang ta biết được chuyện nước nhà mà không tin nhảm những sự huyễn-hoặc. Thời-đại nào nhân-vật ấy và tư-tưởng ấy, soạn-giả cứ bình-tĩnh cố theo cho đúng sự thực. Thỉnh-thoảng có một đôi nơi soạn-giả có đem ý-kiến riêng của mình mà bàn với độc-giả, thí-dụ như chỗ bàn về danh-hiệu nhà Tây-sơn thì thiết-tưởng rằng sử là của chung cả quốc-dân, chớ không phải riêng cho một nhà một họ nào, cho nên mới phải lấy công lý-mà xét đoán mọi việc và không vị tình riêng để phạm đến lẽ công-bằng vậy.

Độc-giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ Sử-lược chỉ cốt ghi-chép những chuyện trọng-yếu để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là đích-đáng, kê-cứu và phê-bình rất tường-tận, thì xin để dành cho những bậc tài-danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử. Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu-xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu-niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự-tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc-hồn. Ấy là cái mục-đích của soạn-giả, chỉ có thế thôi. Nếu cái mục-đích ấy mà có thể tới được thì tưởng bộ sách này là bộ sách có ích vậy.

TRẦN TRỌNG KIM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét