Y HỌC THƯỜNG THỨC
Dùng Thuốc Đúng Cách Thức
Đại cương
Các loại thuốc chữa bệnh bao gồm thuốc chích, thuốc uống, thuốc nhỏ mắt, thuốc bơm mũi và thuốc hít. Mỗi thứ thuốc đều phải dùng đúng theo chỉ định để đạt hiệu quả và tránh các biến chứng có hại cho bệnh nhân. Tất nhiên đa số bệnh nhân đều tuân theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng cũng có người tự ý thay đổi cách dùng thuốc như trong một số trường hợp sau đây:
1 - Trong vòng 3 tháng, một bệnh nhân đi khám bệnh 2 lần cùng là bệnh viêm họng. Lần thứ nhất dùng liều thuốc trụ sinh nhẹ rồi khỏi viêm. Lần sau khám bệnh gặp lúc bác sĩ gia đình đi vắng và có người thay thế. Bác sĩ này cho liều thuốc mạnh hơn. Bệnh nhân tự ý giảm liều thuốc theo như lần trước.
2 - Trẻ nhỏ 12 tuổi được bác sĩ ghi toa thuốc liều lượng giống như trong toa thuốc của người cha. Ông bố liền giảm liều thuốc cho con uống.
3 - Hai bệnh nhân bị viêm xoang đi khám bệnh tại 2 phòng mạch khác nhau rồi gặp nhau tại tiệm thuốc. Họ nghĩ rằng cùng bị 1 bệnh vì nói ra thì thấy triệu chứng giống nhau. Khi mua xong thuốc thì thấy 2 người đều dùng cùng 1 loại thuốc trụ sinh nhưng thời gian điều trị khác nhau, một người phải uống thuốc 2 tuần lễ, người kia uống trong 4 tuần lễ. Bệnh nhân phải dùng thuốc lâu dài tự ý ngưng thuốc sau 2 tuần lễ nghĩa là ngưng sớm hơn chỉ định.
Trong các trường hợp kể trên bệnh nhân tưởng nhầm rằng trong y khoa cứ bệnh nào thì thuốc đó rồi liều lượng và thời gian trị liệu thì ai cũng như ai. Họ không hiểu rằng toa thuốc phải tùy theo tình trạng sức khỏe tổng quát và bệnh trạng của từng cá nhân mà thay đổi.
Cho nên lời giải thích về các trường hợp kể trên là: Có lẽ bác sĩ gia đình kia có tính bảo thủ nên cho liều thuốc nhẹ hơn thông thường chăng. Có nhiều loại thuốc mà trẻ em từ 12 tuổi trở lên phải dùng cùng liều lượng với người lớn mới đủ mạnh để trị liệu. Bệnh nhân bị bệnh nhiễm trùng nhiều lần liên tiếp phải dùng thuốc trụ sinh trong thời gian dài hơn người bị nhiễm trùng lần đầu tiên.
Dưới đây là danh sách của 6 loại thuốc thông dụng trong y khoa hiện tại và chỉ định cách dùng cho mỗi loại. Sau cùng phải kể tới dược thảo tuy liệt kê trong danh sách “các chất bổ sung dinh dưỡng” nhưng lại quảng cáo là dùng để chữa dược nhiều thứ bệnh.
1-Thuốc hạ huyết áp
Thuốc điều trị huyết áp cao hiện nay có rất nhiều loại không sao kể siết được. Tuy nhiên những thuốc đó đều sử dụng theo chỉ định như sau đây:
Về liều lượng thuốc: Thuốc hạ huyết áp thường có hiệu lực chậm, phải dùng trong vài tuần lễ mới biết kết quả có như ý hay không. Vì vậy bệnh nhân đừng nóng ruột khi đã uống thuốc nhiều ngày mà chưa thấy có hiệu quả. Nếu thấy có triệu chứng bất thường hoặc thấy số đo huyết áp lên xuống quá độ xảy ra trước ngày hẹn tái khám thi hãy thông báo cho bác sĩ chứ đừng tự ý thay đổi liều lượng thuốc. Nên uống thuốc hạ huyết áp vào lúc nào? Phần lớn các thuốc hạ huyết áp nên uống vào buổi sáng để đạt hiệu lực tối đa vào lúc 10 giờ sáng, lý do là để tránh các cơn đau tim thường xảy ra vào thời điểm này. Tuy nhiên cũng có một vài loại thuốc hạ huyết áp có tác dụng rất chậm, lối 12 tiếng đồng hồ sau khi uống mới có hiệu lực tối đa. Bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc loại này vào buổi tối trước khi đi ngủ. Phối hợp các thuốc hạ huyết áp: Theo thống kê thì đa số bệnh nhân bị bệnh huyết áp cao sẽ có lúc phải dùng nhiều loại thuốc hạ huyết áp uống chung mỗi ngày. Khi đó, bệnh nhân đừng lo là bệnh mình đã trở nặng hơn và bị giảm thọ. Bệnh nhân bị huyết áp cao dù cần uống một thứ hay nhiều thứ thuốc, nếu điều hòa được huyết áp thì sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm.
2-Thuốc trị bệnh nước tiểu đường loại 2
Bệnh nước tiểu đường loại 2 hiện có rất nhiều loại thuốc để điều trị, kể cả thuốc uống lẫn thuốc chích.
Thuốc uống: Khởi đầu trị liệu, bác sĩ cho người bị bệnh nước tiểu đường dùng thuốc uống và theo dõi định kỳ. Rồi tùy theo bệnh trạng, bệnh nhân sẽ phải tăng hay giảm liều lượng thuốc hoặc phối hợp với thuốc uống khác.
Thuốc chích: Thuốc chích điều trị bệnh nước tiểu đường dùng phối hợp với thuốc uống tùy thuộc bệnh trạng và tùy thuộc tình trạng tim mạch của bệnh nhân.
Chỉ định: Tất nhiên bệnh nhân cần tuân theo chỉ định về liều lượng và thời điểm sử dụng các loại thuốc uống và thuốc chích kể trên. Nhưng đặc biệt đối với thuốc trị bệnh nước tiểu đường thì phản ứng phụ hạ thấp đường huyết quá độ lại rất nguy hiểm.
Triệu chứng đường huyết quá thấp gồm có: hồi hộp, chóng mặt, mỏi mệt và đổ mồ hôi. Nếu đường huyết tiếp tục xuống thấp, bệnh nhân có thể bị hôn mê. Đây là trường hợp duy nhất mà bệnh nhân có thể bớt thuốc chút ít và cấp tốc liên lạc với bác sĩ để hỏi cách giải quyết. Trường hợp đường huyết thấp tới độ gây hôn mê thì phải tới bệnh viện ngay.
3-Thuốc trụ sinh
Dùng thuốc theo liều lượng chỉ định: Khi uống thuốc trụ sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường thì đa số bệnh nhân đều dùng cùng một liều lượng đã định sẵn. Tuy nhiên liều lượng này có thể thay đổi tùy thuộc tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, thí dụ như người suy thận sẽ dùng liều thuốc nhẹ hơn người bình thường.
Thời gian trị liệu: Thời gian uống thuốc trụ sinh thay đổi tùy theo bệnh trạng nhiễm trùng và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Chỉ định có thể là dùng thuốc trong thời gian từ 5 ngày cho tới nhiều tuần lễ. Bạn đừng rút ngắn thời gian dùng thuốc vì sẽ làm cho những vi trùng còn sống xót bị lờn thuốc. Khi con vi trùng lờn thuốc này lại gây bệnh cho bạn thì việc điều trị gặp khó khăn vì thuốc trụ sinh dùng kỳ trước không còn hiệu lực nữa. Rồi thì bất kỳ người nào tiếp xúc với bạn mà bị lây con vi trùng này cũng sẽ lâm vào tình trạng khó chữa trị tương tự.
Cấm kỵ: Có những thuốc trụ sinh bị phản ứng phụ bất lợi khi tiếp xúc với một số thực phẩm đặc biệt hoặc những loại thuốc khác. Thí dụ như thuốc tetracyclin kỵ sữa và các thực phẩm có chất sữa. Bạn hãy nhớ lời dặn của bác sĩ hoặc đọc lời chỉ dẫn kèm theo thuốc về vấn đề này để tránh hậu quả bất lợi.
4-Thuốc giảm đau
Trong các loại thuốc uống để giảm đau thì acetaminophen, cũng có tên là paracetamol (thương hiệu Tylenol) có dược tính riêng biệt và ít phản ứng phụ còn ASA (thương hiệu Aspirin) và những loại thuốc giảm đau khác đều có phản ứng phụ tương tự như nhau.
Điều chú ý khi dùng thuốc giảm đau: Tuy rằng thuốc uống acetaminophen ít gây ra phản ứng phụ nhưng có 2 điều cần chú ý khi sử dụng.
-Thứ nhất là phải tránh uống rượu khi dùng acetaminophen vì rượu phối hợp với acetaminophen có thể gây tác hại cho gan và thận.
-Điều chú ý thứ nhì là khi phải dùng acetaminophen dài hạn thì mỗi tháng chỉ nên uống thuốc này trong thời gian tối đa là 20 ngày mà thôi nghĩa là mỗi tháng phải chia ra mà nghỉ thuốc 10 ngày hoặc 11 ngày. Người có bệnh gan không dùng được acetaminophen. Ngoài acetaminophen ra thì các loại thuốc giảm đau khác đều có thể tác hại tới bộ tiêu hóa, máu và thận. Cho nên người có bệnh về bộ tiêu hóa, bệnh về máu hoặc bệnh về thận không dùng được những thuốc này. Thuốc giảm đau còn có thể tăng hay giảm hiệu lực của những nhóm thuốc trị liệu khác cho nên không được đồng thời dùng những thứ thuốc kỵ nhau. Hãy đọc lời chỉ dẫn kèm theo toa thuốc. Còn về các thuốc giảm đau dùng để thoa ngay chỗ bị đau thì không có phản ứng phụ quan trọng, chỉ cần sử dụng theo đúng liều lượng mà thôi.
5-Thuốc trị bệnh hô hấp
Có 2 thứ bệnh hô hấp cần trị liệu lâu dài bằng thuốc hít là bệnh suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các thuốc hít này hoặc chứa thuốc steroids hoặc chứa thuốc làm dãn phế quản hoặc do cả 2 loại thuốc đó pha trộn chung với nhau. Có khi bệnh nhân hiểu nhầm là thuốc hít steroids dùng nhiều có hại hoặc thuốc dãn phế quản dùng thường xuyên sẽ bị lờn mà tự ý bớt thuốc khi thấy triệu chứng thuyên giảm. Tất nhiên các thuốc hít này không được lạm dụng nhưng nếu dùng thiếu liều lượng sẽ dễ gây biến chứng bất lợi.
6-Thuốc uống chứa steroids
Loại thuốc này dùng chống viêm và trị liệu dị ứng. Thuốc steroids dễ bị lạm dụng vì người dùng thuốc này còn có cảm tưởng thoải mái toàn thân và ăn ngon miệng hơn. Phản ứng phụ của steroids bao gồm: giảm sức đề kháng chống vi trùng, có khi là nguyên nhân gây ung thư, làm rối loạn kích thích tố, gây loãng xương. Thuốc steroids dùng trị liệu phong thấp, dị ứng cấp tính cùng mạn tính. Loại thuốc này sử dụng dài hạn cho bệnh nhân được ghép tạng phủ.
Thuốc steroids chỉ dùng liều mạnh và dài hạn trong trường hợp ghép tạng phủ mà thôi. Thông thường thì thuốc này dùng ngắn hạn trong vòng 14 ngày trở lại. Khi bắt buộc phải dùng steroids liều nhẹ và dài hạn bệnh nhân đồng thời phải dùng thuốc trị loãng xương. Ngoài ra còn có 2 điều nữa cần ghi nhớ về thuốc steroids: -Thuốc bơm mũi và thuốc hít steroids dùng dài hạn không có hại. -Sau mỗi lần hít thuốc steroids, phải xúc miệng kỹ để tránh bệnh nấm trong cổ họng.
7-Thuốc dược thảo
Các loại thuốc dược thảo tự quảng cáo là lấy từ cây cỏ bào chế ra cho nên hoàn toàn là chất thiên nhiên. Thực ra các thuốc này đều chế tạo trong các xưởng hóa chất. Dược thảo không theo quy luật thông qua nhiều giai đoạn kiểm soát như thuốc do các hãng dược phẩm chế tạo ra cho nên chúng ta không thể tin được rằng dược thảo có hiệu lực thần diệu như họ quảng cáo. Ngoài ra cũng không có gì bảo đảm là dược thảo không bị nhiễm thêm hóa chất khác có thể tác hại cơ thể. Và cũng không ai biết rõ được là dược thảo có kỵ loại thuốc nào khác hay không. Nói tóm lại thì dùng dược thảo thường có hại nhiều hơn là lợi.
Tóm tắt
Mọi thứ thuốc đều có chỉ định rõ ràng, nhưng các chỉ định này cũng thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân. Vậy bạn nên chú ý nghe lời giải thích của bác sĩ khi nhận toa thuốc. Có điều gì thắc mắc thì hỏi lại ngay khi đó. Bệnh nhân không nên tự ý quyết định về thuốc men sau khi đọc sách hay coi trên Internet. Khi dùng thuốc mà gặp phản ứng phụ nghiêm trọng hay điều gì bất thường xảy ra là lúc cần liên lạc với bác sĩ để tham khảo ý kiến. Không nên dùng dược thảo vì mọi điều ghi trong quảng cáo của các thuốc này đều không có căn cứ gì hết.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Bệnh huyết áp cao High blood pressure
Bệnh tiểu đường loại 2 Diabetes mellitus type 2
Thuốc trụ sinh Antibiotíc Thuốc giảm đau Pain killers
Thuốc dược thảo Herbal medicines
Lờn thuốc trụ sinh Antibiotic resistance
Cấm kỵ (về thuốc) Contra-indications
Ống thuốc hít Inhaler
Ghép tạng phủ Organ transplantation
Bác Sĩ Đinh Đại Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét