Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Sơ Lược Về Hồi Giáo


Thế giới hiện nay có khoảng 2.700 tôn giáo lớn nhỏ. Trong đó, Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai, sau Cơ Đốc giáo, với khoảng 1,8 tỉ người.

Danh từ “Hồi giáo” có xuất xứ từ dân tộc Hồi Hột, một nước láng giềng phương Bắc của Trung Quốc, kéo dài từ năm 616 đến 840 sau Công nguyên. Sử Trung Quốc gọi nước này là Tây Hạ hay Liêu Quốc. Lúc rộng lớn nhất, lãnh thổ của dân tộc này kéo dài từ Trung Á đến tận Mãn Châu. Dân tộc này đã từng giúp vua Đường Huyền Tông của nhà Đường dẹp loạn An Lộc Sơn. 

Hồi giáo có tên quốc tế là Islam (hay Ixlam) có ý nghĩa là “quy phục, vâng mệnh Thượng Đế”. Đây là tôn giáo thờ độc thần, có nghĩa là chỉ thờ duy nhất một Thượng Đế (hay Đức Chúa Trời) và được xếp thuộc nhóm Abraham (có nghĩa là nhóm có cùng nguồn gốc với Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo (gồm Chính Thống giáo, Thiên Chúa giáo và Tin Lành giáo). Theo đó, Thượng Đế hay Chúa Trời của tất cả các tôn giáo này đều là một. Riêng Hồi giáo gọi danh xưng Thượng Đế (hay Chúa Trời) là Ol-Loh (hay Allah).
Theo quan niệm của người Hồi giáo, đạo Hồi khởi sinh từ Adam, người do Thượng Đế tạo ra, chính là tín đồ Hồi giáo đầu tiên.

Trên phương diện khoa học nhân văn, Hồi giáo là tôn giáo ra đời vào thế kỷ thứ VII sau CN, dựa trên những nền tảng có sẵn của Do Thái giáo (Judaism) và Cơ Đốc giáo (Christianity). Muhammah (hay Mohammed) được xem là người được Thiên sứ Grabiel “khải thị” lời của Allah đến cho mọi người. 

Sự ra đời của đạo Hồi xuất phát bởi một loạt nguyên nhân về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng. Nó gắn liền với những chuyển biến xã hội, từ chế độ công xã nguyên thủy sang chế độ xã hội có giai cấp.
Đặc điểm của giáo lý Hồi giáo là rất đơn giản, nhưng luật lệ và lễ nghi rất phức tạp và nghiêm khắc, thậm chí đến mức khắt khe. Nhiều khi nó còn vượt qua khỏi phạm vi tôn giáo để trở thành chuẫn mực pháp lý của xã hội.

Giáo lý cơ bản của Hồi giáo là kinh Qur an (tức Coran), có nghĩa là “tụng đọc”. Bộ kinh này có tổng cộng 30 quyển, nội dung bao gồm những tín ngưỡng cơ bản và chế độ tôn giáo của đạo Hồi, những chính sách về chủ trương xã hội, quy phạm luân lý đạo đức… Giáo lý gồm các điểm chính: Allah là đấng tối cao sinh ra trời đất, sinh ra muôn loài trong đó có con người. Con người bình đẳng trước Allah, nhưng số phận và tài năng đã tạo nên sự khác nhau giữa những con người. Số phận con người có tính định mệnh và do Allah thực hiện. Trong quan niệm Hồi giáo, không hề có sự phân biệt giữa tôn giáo và chính trị, không có gì khác biệt giữa thể xác và linh hồn. tất cả hòa hợp làm một nhất thể, và nhất thể ấy hoàn toàn quy phục dưới một Đấng Tối Cao Toàn Năng (tức Thượng Đế). Người Hồi giáo sống trong đời tức là sống trong đạo, ngay cái ăn, cái uống, cái nhấc tay nhấc chân, nhất cử nhất động không có gì là ra khỏi thiên đạo, bởi vì ngoài thiên đạo chỉ có tội lỗi và hư không. Nói cách khác, giáo lý Hồi giáo đồng thời cũng đóng vai trò của pháp luật và toàn bộ luật ấy được áp dụng cho tất cả giáo dân.

Người theo đạo Hồi, tiếng Ả Rập gọi là Muslim. Luật pháp của đạo Hồi (tức luật pháp của Thượng Đế) có tên là Sharia. Sharia quy định rất rõ 5 điều về bổn phận và trách nhiệm của mỗi giáo dân, được gọi là Ngũ Trụ Hồi (Five Fillars Of Islam). Ngũ Trụ Hồi gồm:
- Xưng tụng đức tin: một người được xem là giáo dân khi người ấy chịu xưng tụng câu: “Không có Chúa nào khác ngoài Allah và Mohammed là kẻ truyền tin của Người”.
- Cầu nguyện: 5 lần một ngày. Giáo dân có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu, nhưng buổi trưa ngày thứ sáu thì phải đến giáo đường, vì đó là lễ quan trọng.
- Bố thí: năng làm việc phúc đức.
- Nhịn ăn trong tháng Ramadan là tháng thứ 9 theo lịch Hồi giáo. Không ăn uống từ bình minh đến hoàng hôn mỗi ngày. Mục đích là để trai giới cho tâm hồn thanh tịnh mà tưởng niệm Thương Đế, và cũng để hiểu thấu nỗi khổ đau của kẻ nghèo.
- Hành hương về Mecca, quê hương của Thiên sứ Mohammed, ít nhất một lần trong đời.

Ngoài ra, người ta còn nhắc đến Jihad như là trụ cột thứ 6 của Hồi giáo. Jihad không phải là “thánh chiến” như người ta vẫn hiểu một cách sai lệch, mà có nghĩa là “đấu tranh vì lẻ phải”. Cuộc đấu tranh ấy có thể diễn ra bên ngoài xã hội hay trong chính nội tâm của một cá nhân. Jihad bao hàm nghĩa thánh chiến, vì một khi đã đấu tranh thì có thể dẫn tới chiến tranh, nhưng thánh chiến không đồng nghĩa với Jihad!

Xuất phát từ nguyên nhân do cái chết của Mohammed không để lại di thư, nên Hồi giáo đã phân rẽ thành hai hệ phái: Sunnites và Shiites. Và khi lan truyền khắp nơi, đạo Hồi đã không còn giữ được sự chính thống, thay vào đó có những dị biệt để trở thành đạo Bahai, đạo Shiksm và đạo Huyền Hồi (Sufism).

Hà Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét