Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Hồ Điệp – Quân Sinh


(Tân liễu trai chí dị)       

Suốt nhiều chục năm qua, ta vẫn tìm về cố hương để bớt đi nỗi nhớ, cảm giác buồn của một kẻ tha hương. Vẫn với cái ba lô cũ kỹ, đượm chất giang hồ khoác trên vai, ta đi để được nhìn lại những nơi chốn kỷ niệm trong ký ức của một người không và chưa bao giờ quên được cố hương. Đến miền Bắc nơi ta đã chào đời, khơi nhớ lại cảm giác đói nghèo của tuổi ấu thơ. Xuống miền Nam nơi ta đã tìm được bệ đỡ vươn lên và cũng đã từng nhập cuộc trong khói bụi chiến tranh. Đi để mong tìm thấy những dấu tích đau thương của thời bom đạn qua ánh sáng hoả châu, qua tiếng thét vang của thân người ngã xuống.

Một lần, cách nay 3 năm, ta lại tìm về quê hương như bao lần ta đã tìm về trong ký ức trước kia. Saigon, nơi ta đã có quá nhiều kỷ niệm tuổi mới lớn, yêu đương. Hôm đó ta lang thang vào khu vườn nho nhỏ trong Lăng Ông Bà Chiểu, mong dẫn dụ ký ức của mình trở về với một lần hoài niệm xa xưa. Chính nơi đây ta đã cùng với một người con gái nguyện cầu nhưng rồi thời gian và định mệnh đã xô đẩy chúng ta ra xa và xa nhau mãi mãi.

Sau một lúc ngắm nhìn cảnh cũ khơi lại hoài niệm chuyện xa xưa. Mỏi chân, ta ngồi nghỉ trên một chiếc ghế đá trong Lăng, đưa mắt bâng quơ nhìn tha nhân, kẻ đi qua, người đi lại. Bất chợt thấy một con bướm nho nhỏ xinh đẹp bị vướng vào vài sợi tơ của lưới nhện trong lùm cây. Con vật bất hạnh cố quẫy đạp mong thoát khỏi lưới tơ. Gần đó một con nhện khá to đang chầm chậm tiến đến chỗ con mồi đang cựa quậy. Vội vàng ta lấy ngón tay móc con bướm ra khỏi lưới nhện, nhẹ nhàng tháo gỡ những sơi tơ trên thân, trên cánh của con bướm. Sau đó ta nhẹ nhàng để nó lên bàn tay, con bướm nằm im như có vẻ nghỉ mệt vì đã phải quẫy đạp tìm lối thoát trên lưới nhện vừa qua. Sau một lúc nằm im trên bàn tay ta, con bướm thình lình cất cánh bay đi.

Việc làm của ta, cứu con bướm tưởng như là một sự bình thường không ai chú ý. Nhưng khi con bướm bay mất, ta quay lại phía sau, thấy một nữ nhân xinh đẹp, tuổi cỡ đôi mươi, cô ta đang im lặng nhìn ta mỉm cười. Với chút ngạc nhiên, ta đưa mắt nhìn trả lại nữ nhân xinh đẹp đó. Không ra vẻ gì e thẹn, nữ nhân vẫn nhìn ta, cười mà nói với ta rằng:
-Chàng vừa cứu được một sinh linh, một dạng người rất tốt, làm cho thiếp cảm phục, mến thương chàng lắm.

Dù có chút ngỡ ngàng với lời nói quá bộc trực nhưng rất đáng yêu của người đẹp, ta mỉm cười mà trả lời:
-Không, ta không tốt như nàng nghĩ đâu. Ta cứu con bướm bởi vì nó đáng thương và nó chẳng có gì để hãm hại ta. Ta cũng không giết con nhện bởi vì ta làm cho nó mất một món ăn, ta có lỗi. Nhưng nói rất thật cho nàng biết, ta sẵn sàng giết con ruồi, con kiến khi nó làm phiền phức lúc ta đang ăn cơm hay làm ta mất cảm giác ngon lành khi đang uống ly nước ngọt. Tóm lại ta không là người tốt như nàng nghĩ đâu, xin suy nghĩ để không hiểu lầm về ta.

Nữ nhân mỉm cười rất duyên dáng, nhìn ta mà trả lời :
-Nhân gian chỉ cần có thế, biết suy nghĩ lý do, đúng sai, phải trái như chàng, đã là điều hạnh phúc cho xã hội lắm rồi.

Nói xong, nữ nhân rất tự nhiên, không một chút e dè ngồi xuống bên cạnh ta trên chiếc ghế đá mà ta đang ngồi. Nàng thỏ thẻ sát bên tai, kể cho ta nghe câu truyện “ Hồ Điệp – Quân Sinh “ . Ta nghe xong câu truyện, mang cảm giác như bị dìm mình vào mơ màng, thờ thẫn. Cho đến một lúc, ta chợt bừng tỉnh, đưa mắt tìm nữ nhân thì không biết cô ta đã đi đâu? Đi lúc nào? Mà ta hoàn toàn không biết. Rồi ta tự hỏi cô ta là ai? Là con bướm hiện hình? Là hồn ma, bóng quế muốn đùa giỡn với ta ? Là hồ ly tinh đang dẫn dụ ta như dẫn dụ tên học trò trong thư phòng giữa đêm khuya?... Tất cả những cái đó, đã được ta gò nắn văn chương trong những câu truyện liễu trai mà ta thường thức khuya để viết? Hay nữ nhân, người đẹp cũng là người bằng da, bằng thịt như thế nhân, chỉ vì cái ngớ ngẩn của ta mà trêu chọc cho vui ?

Tự hỏi như vậy để mong muốn lại được dìm mình vào tưởng tượng, suy tư mong tìm được cái khoái cảm văn chương để viết về câu truyện tân liễu trai “ Hồ Điệp – Quân Sinh “ mà nữ nhân đã kể cho ta nghe, ta gửi đến bạn bè thân hữu đọc cho vui. Xin đừng chê bai cho cái lẩm cẩm tìm hứng thú viết văn của kẻ buồn chán kinh niên, nhưng giàu tưởng tượng này. Cảm kích lắm ru !
(Lưu An)

Vào truyện.

Vợ chồng Đàm Khánh Minh, người đất Mã Yên, một địa danh nhiều núi non hiểm trở vùng cực bắc đất Giao Chỉ. Gia thế trung lưu, làm nghề buôn bán được liệu và bốc thuốc cho toa, chữa bệnh. Khánh Minh không phải là đại gia, giầu sang nứt vách đổ tường nhưng cũng thuộc giới nhà cao cửa rộng, danh gia trong xã hội địa phương.

Khánh Minh có ba người con, nữ tử đầu lòng đã thành hôn từ lâu, theo chồng xuống phương Nam lập nghiệp, nhiều năm chưa có dịp thăm lại cố hương. Hai người con sau là nam tử. Trưởng Nam cũng đã lập gia thất, vợ chồng sinh nhai bằng nghề buôn gỗ nên cũng thường đi xa, thi thoảng mới tạt về thăm viếng mẹ cha và em trai út.

Quân Sinh là con trai út nên được gia đình nuông chiều hết mực. Tuổi vừa 21, học hành chăm chỉ, vừa xong được bằng cử nhân nên được gia đình coi như ngọc quí. Quân có ý hướng theo nghiệp cha, giúp cha khám bệnh, cho toa. Nhờ trẻ tuỗi năng nổ lại có tính ham học nên y nghiệp càng lúc càng tinh trường, được nhiều người biết tiếng là y nhân có tài . Đã thế, Quân Sinh với dáng vẻ điển trai, ăn nói nhỏ nhẹ nên được nhiều nữ nhân cho là mỹ nam tử, tìm đủ mọi cách lân la làm quen mong kết nghĩa phu thê. Sinh không lấy đó làm vui, có phần khó chịu, mà tìm đủ lý do để tránh xa. Nhiều người thấy thế cho là lạ, kháo nhau rằng Quân bất bình thường về giới tính. Lời đồn thổi đến tai, Quân chỉ mỉm cười, bỏ ngoài tai, không thèm đếm xỉa. Quân Sinh sống riêng biệt trong một căn nhà sát cạnh nhà song thân, Quân yêu thiên nhiên, thú vật nên vườn hoa quanh năm hoa lá khoe mầu, chim bướm bay lượn như một khu rừng nhỏ.

Một hôm, vào tháng 10, giữa thu Quân Sinh du hành xuống phía nam một địa phương nhỏ giữ vùng núi để tìm mua dược liệu. Mua xong đang định chuyên chở về thì gặp trận mưa bão gây ra đất chuồi làm tắc nghẽn giao thông nên đành phải lưu lại khách điếm. Trong lúc đợi chờ không có gì làm, Quân thong dong vào khu rừng sát bên chân núi đi dạo tìm vui. Len lỏi theo những đường mòn sát vách núi, đi sâu vào rừng. Gặp một giòng suối dọc bên đường, do trận mưa bão mấy ngày vừa qua trên triền núi đổ xuống, như một con sông nhỏ chẩy xiết. Trong lúc lang thang , Quân Sinh thấy một nhánh cây rừng bị vướng vào một khối đá nhỏ nhô lên giữ giòng suối. Trên nhánh cây, sát mặt nước chẩy có một con bướm mầu sặc sỡ, to cỡ 4 ngón tay bị vướng vào nhánh cây đang cố gắng đập cánh muốn thoát ra. Nhưng vô ích vì cả thân con bướm như bị phủ trùm bởi vài nhánh cây nhỏ.

Quân nhìn con bướm xoay trở một cách vô vọng, dù nó quẫy đạp mà thoát ra khỏi nhành cây nhưng cũng bị nhấn chìm dưới giòng chẩy của nước lũ. Dừng lại đứng nhìn một lúc, Quân cảm thấy thương hại, muốn cứu con bướm. Đang định kiếm một cành cây dài phá những cành cây nhỏ cho con bướm thoát ra , nhưng Quân chợt suy nghĩ, làm như vậy, con bướm thoát ra nhưng cũng bị nhấn chìm bởi giòng nước. Sau một lúc nghĩ ngợi, càng thương hại, muốn cứu con bướm, Quân nói to như để cho con bướm nghe:
-Con bướm kia, chờ một tí, ta sẽ lội nước ra để giúp ngươi!

Nói xong chẳng chút chần chừ, Quân xắn vội 2 ống quần rồi cầm một cành cây làm gậy chống, chậm chạp lội ra giòng suối đến gần mỏm đá thận trọng gỡ bỏ những nhánh cây nhỏ bao quanh con bướm. Tay nhẹ nhành bắt con bướm để lên trên khối đá, nghĩ rằng con bướm sẽ bay đi. Nhưng con bướm đáng thương chỉ đập cách được vài cái, không thể bay lên được vì một bên cánh đã bị rách. Nhìn con bướm đáng thương, Quân nói nhẹ với nó:
-Thôi đừng cố nữa vô ích, để ta đem ngươi vào bờ suối, chữa trị cho ngươi.

Mang con bướm vào bờ, để nó nằm trên chiếc túi xách rồi kéo ống quần xuống, đi dép vào xong xuôi, quay sang nói với con bướm:
-Ngươi nằm im đó mà nghỉ ngơi, chờ ta đi tìm một vài sợi tơ nhện ra cột tấm cánh bị rách rồi chữa trị vết thương cho ngươi. Cứ yên tâm, ta là thầy thuốc, không làm bừa đâu mà ngươi phải sợ.

Hình như con bướm hiểu lời nói của Quân, nó không quẫy đạp như ban đầu nữa nhưng cũng có lẽ đã thấm mệt vì bị giòng nước nhấn chìm rồi lại cố gắng mấy lần bay lên khi được tự do. Không khó khăn để tìm được những sợi tơ nhện từ lùm cây bên đường, Quân nhẹ nhàng cầm con bướm lên, với bàn tay khéo léo, thuần thục của một y nhân, chỉ sau vài ba phút, tấm cánh bướm bị rách đã được Quân nối vá một cách rất tề chỉnh. Làm xong việc chữa trị , Quân để con bướm bên cánh của nó vừa được chữa trị trên bàn tay, thổi nhè nhẹ vào nó như sởi ấm, làm khô những giọt nước còn dính trên thân thể con bướm. Khi thấy con bướm đã có phần khoẻ mạnh, Quân hơi đưa nhẹ bàn tay tung lên trên, miệng nói :
-Ngươi hãy cố thử bay xem có được không ?

Với đà bung tay của Quân, con bươm đập cánh bay lên, dù có vẻ vẫn chưa khoẻ hẳn, nó lảo đảo một tí rồi mới bay lên cao được. Nhìn thấy con bướm đã khá ổn Quân bâng quơ nói với nó:
-Chắc chắn ngươi vẫn còn đau khi quạt cánh, nhưng cố gắng luyện tập, sau khoảng 5 6 ngày nữa, ngươi sẽ khoẻ như bình thường mà thôi.

Hình như con bướm hiểu được lời nói của Quân, nó bay vòng vòng 3, 4 lần trên đầu Quân như nuốn từ giã Quân rồi nó hướng vào khu rừng biến mất. Sau khi làm xong công việc cứu chữa con vật bé nhỏ bị thương, coi như chẳng có việc gì xẩy ra, Quân lại khoác túi xách tiếp tục đi theo đường mòn sát vách núi tìm lại thú lang thang. Cho đến khi nắng chiều xuất hiện, Quân mới trở về khách điếm tắm rửa, ngủ nghỉ chuẩn bị cho ngày mai trở về nhà.

Sáng hôm sau khi đang ngồi ăn điểm tâm trong đại sảnh của khách điếm, một thiếu phụ khá đứng tuổi đi cùng với một cô bé trạc tuổi 13, 14 từ bên ngoài khách điếm đi vào. Hai người trang phục đơn sơ nhưng gọn gàng đưa mắt nhớn nhác nhìn khách trong đại sảnh như muốn tìm kiếm ai. Nhìn thấy Quân, họ ra vẻ mừng rỡ đến trước bàn Quân đang ngồi, lễ phép mà thưa rằng:
-Tiên sinh có phải là lang y phải không?

Quân chau mày, nghĩ rằng có người muốn giúp đỡ về y sự, nhìn thiếu phụ mà hỏi:
-Thưa vâng, ta có thể giúp gì cho phu nhân.

Đáp:
-Tiểu phụ thay mặt cho tiểu thơ mang chút quà mọn, nói lời cám ơn đến tiên sinh đã rộng lòng y đức mà ra ân cứu sống tiểu thơ vừa qua. Tiểu thơ bịnh tình chưa thuyên giảm nên không thể trực tiếp đến gặp tiên sinh được. Xin ngài rộng lượng mà tha lỗi cho.

Quân chau mày, tỏ vẻ ngạc nhiên và nghĩ rằng thiếu phụ đã lầm mình với ai nên vội vàng đính chính:
-Phu nhân lầm người rồi, bản mỗ chẳng chữa bệnh hay cứu sống ai cả.
Thiếu phụ mạnh miệng trả lời :
-Tiểu phụ, không lầm lẫn đâu. Tiên sinh làm việc phúc đức mà không biết đó mà thôi.

Nói xong phụ nhân chẳng cần xét nét vẻ ngỡ ngàng của Quân, đưa tay lấy cái túi trên vai bé gái, để trên bàn mở ra cho Quân nhìn thấy vật dụng bên trong và nói:
-Tiểu thơ biếu tiên sinh vài chiếc bánh ngọt do chính tiểu thơ làm để tiên sinh ăn dọc đường. Còn hộp quà, có một ít kim tiền cho tiên sinh tiêu pha doc đường cùng với vài ba món nữ trang dành cho tiên sinh dùng làm quà tặng cho phu nhân khi hồi gia.

Đến lúc này thì Quân Sinh đoan chắc là thiếu phụ đã lầm lẫn mình với người khác, đưa tay đẩy túi quà về phía thiếu phụ mà nói rất minh bạch:
-Phu nhân đã lầm rồi, ta vẫn còn độc thân, chưa có vợ con.
Với vẻ bực bội, Sinh nói tiếp :
-Hãy nhận lại món quà to lớn đó, bản mỗ không muốn rắc rối với những chuyện không đâu! Đến giờ mỗ phải lên đường rồi.

Nói xong chẳng cần nhìn thái độ ngẩn ngơ của 2 bà cháu, Quân đứng dậy, lách người bước ra khỏi hàng ghế mà bước đi hướng về phía ngoài đại sảnh. Thái độ của Quân đã làm thiếu phụ và cô bé gái luống cuống không biết làm sao. Thẫn thờ một lúc, thiếu phụ chạy theo Quân, đưa tận tay Quân gói bánh và nói:
-Bản phụ không nhầm lẫn đâu,nhưng tiên sinh đã quyết như vậy thì cũng đành chịu. Nhưng xin ngài hãy nhận món quà nhỏ mọn, chỉ vài chiếc bánh ngọt do chính tay tiểu thơ đã thức suốt đêm làm cho tiên sinh đó.
Chẳng cần lịch sự, Quân gạt mạnh tay thiếu phụ, nói như hét:
-Ta đã nói rồi, ngươi đã nhận lầm ta với người khác. Đừng bắt ta phải mạnh bạo với ngươi.

Thiếu phụ có vẻ sợ vì hành động quyết liệt của Quân nên chững lại, đưa mắt nhìn Quân bước lên chiếc xe ngựa kéo. Nhưng ngay lúc chiếc xe chuẩn bị lăn bánh, bà ta chạy vội đến nhét vào tay Quân một túi vải nho nhỏ rồi nói với theo :
-Tí nữa thì bản phụ quên mất. Tiểu thư có dặn đưa cho tiên sinh gói bột phấn hoa, bất cứ khi nào tiên sinh muốn gặp tiểu thơ, chỉ mở nó ra, phấn hoa sẽ tự động bay theo gió, mùi thơm sẽ báo cho tiểu thơ biết mà đến gặp tiên sinh.

Thấy túi phấn hoa bé nhỏ, không đáng gì, cũng không muốn dây dưa với thiếu phụ nên Quân im lặng bỏ nó vào túi áo khoác như chuyện đã rồi. Mãi đến khuya Quân mới về đến nhà, mệt mỏi rã rời vì cả gần một ngày rong ruổi đường xa. Ra lệnh cho người xà ích mang dược phẩm vào kho rồi Quân vội vàng tắm rửa vào phòng ngủ cho đến gần trưa ngày hôm sau.

Mọi chuyện khám chữa bệnh của cha con Quân lại bình thường. Cho đến khoảng hơn một tuần lễ tiếp theo, buổi chiều, sau khi làm việc xong, ăn bữa cơm tối với song thân, ngồi nói chuyện vu vơ với mọi người một lúc rồi Quân trở về nhà. Thấy còn sớm, Quân ra ngồi thư dãn, uống trà tại chiếc bàn đá trong vườn. Bất chợt bịch phấn hoa từ túi áo rơi xuống đất, làm Quân nhớ lại cuộc tao ngộ kỳ lạ vừa qua. Đưa túi phấn hoa lên mũi ngửi, mùi thơm nhẹ nhàng tạo ra cảm giác lâng lâng đã làm cho Quân tò mò mà nhớ lại lời dặn dò của thiếu phu khi nhét túi phấn hoa vào tay mình.

Tò mò Quân mở túi phấn hoa ra, có lẽ vì gió thổi nên phấn hoa trong túi lan toả mùi thơm rất lạ kỳ ra khắp không gian của khu vườn nhỏ quanh nhà. Khoảng vài ba khắc, từ mọi phía những con ong, con bướm, bay đến lượn lờ trong vườn như chúng bị hấp dụ bởi hương thơm từ chiếc túi toả ra. Dù có chút ngỡ ngàng nhưng Quân cũng không thắc mắt, nghĩ rằng mùi thơm của phấn hoa đã hấp dụ ong, bướm, đến cũng là lẽ tự nhiên.

Nhớ lại lời dặn của thiếu phụ lúc bà ta nhét chiếc túi vào tay, cho biết khi mở túi phấn hoa ra tiểu thư của bà ta sẽ ngửi thấy và tìm đến, Quân cho rằng đó là chuyện tầm phào, vô lý. Suy luận như vậy nên Quân không có một tí gì lưu tâm, vẫn vô tư ngồi ghế nhâm nhi ly trà. Ngồi một lúc khá lâu, cơn buồn ngủ đến, Quân đứng dậy đi vào nhà, chưa kịp đóng cửa, một nữ lang tuổi chừng đôi mươi, xinh đẹp, thuỳ mị như tiên nữ giáng trần, miệng cười tươi như hoa từ bụi cây ở góc vườn chậm chạp đi đến. Quân đờ đẫn như một kẻ mất hồn, giương mắt nhìn người đẹp. Có lẽ nữ nhân không nhìn thấy vẻ chết sữn, thẩn thờ của Quân, mỹ nhân bình thản, cất tiếng chào ngọt thanh như âm nhạc :
-Thiếp tên tự là Hồ Điệp, họ Vương xin chào công tử, suốt mấy ngày qua, lúc nào thiếp cũng ngóng trông được công tử rắc phấn hoa mà gọi thiếp đến để được nói lời cảm ơn, nhờ công tử gia ơn mà thiếp còn giữ được mạng sống đến nay.

Hình như vừa hiểu lý do ngơ ngẩn của Quân dành cho mình, người đẹp có chút e thẹn mà nhắc lại lời chào, nhưng vẫn thấy Quân đờ đẫn chưa tỉnh. Mỹ nhân đến gần đưa ngón tay xinh xắn như ngó sen dí sát vào trán Quân rồi lập lại lời chào thêm một lần nữa, lần thứ 3. Lần này thì Quân tỉnh giấc, giật mình ra vẻ ngượng ngùng, lắp bắp:
-Ta họ Đàm, tên tự là Quân Sinh, người chính quán tại đây, hiện đang cùng với thân phụ làm nghề lang y. Nàng có lầm ta với ai khác không? Ta chưa bao giờ quen biết nàng thì làm sao mà là ân nhân cứu mạng của nàng được? Xin chớ lầm lẫn mà gieo những phiền phức cho ta.

Đáp:
-Thiếp không nhầm lẫn đâu, chàng làm ơn mà không biết đó mà thôi. Hoá thân của thiếp chính là con bướm suýt bị chết đuối giữ giòng suối, đã được chàng cứu sống mà còn chữa trị đôi cánh cho thiếp đó.

Lúc này thì Quân đã hiểu sự việc. Không ngờ việc làm vô tình, không mục đích của mình lại tạo ra một kỳ tích mà quen biết được giai nhân. Hơi chau mày, hồi tưởng lại chuyện vừa qua, Quân hỏi nữ nhân:
-Nhưng tại sao nàng lại nhờ phụ nhân mang vàng ngọc làm quà tặng cho hiền thê của ta, trong khi ta vẫn còn độc thân?
Mỹ nhân ngập ngừng trả lời:
-Thiếp đã lầm lẫn, cho rằng mọi y nhân đều có gia đình, giờ thì thiếp biết mình sai rồi, xin chàng rộng lượng bỏ qua….

Khuôn mặt ửng hồng, đưa tay ve vãn tà áo, người đẹp cúi gầm mặt xuống ậm ừ, nói không thành tiếng nhưng đôi mắt vẫn kín đáo liếc nhìn Quân. Ngắm nhìn vẻ ngượng ngùng của giai nhân càng làm Quân Sinh mê mẩn hơn, chẳng một tí do dự, Quân làm liều ôm lấy người đẹp vừa hôn, vừa hít khắp khuôn mặt xinh tươi, thơm lừng mùi phấn hoa của nữ nhân. Có lẽ vì bất thình lình, không phản ứng kịp lại thêm quá ngượng ngùng đã làm cho mỹ nhân không kịp phản ứng trước hành động quá nhanh của Quân. Người đẹp cuống quýt không biết xoay trở ra sao, chỉ biết ú ớ mà chịu trận cho Quân hôn hít, cho Quân sờ soạng khắp thân người. Giai nhân không phản ứng lại càng làm cho Quân hung hăng hơn vì nghĩ rằng mỹ nhân đồng cảm giác. Sau một lúc, nữ nhân như lấy được bình tĩnh, thấy Quân càng lúc càng làm quá, dùng hết sức đẩy tung kẻ sàm sỡ ra xa, kèm theo một cái tát như trời giáng vào khuôn mặt điển trai của Quân mà hét lên:
-Ta không ngờ ngươi là một kẻ vô sỉ như vậỵ.Ta đã tưởng rằng ngươi là một lương y đạo đức chứ có ngờ đâu ngươi chỉ là một tên dâm dục đáng khinh….

Chẳng để cho mỹ nhân nói hết lời, với vẻ ngương ngùng, ân hận lộ rõ trên khuôn mặt, Quân lí nhí trả lởi:
-Xin nàng bao dung mà tha thứ cho ta. Thật tình sắc đẹp của nàng đã làm ta si mê quá mức mà quên đi sỉ diện của một người biết lễ giáo nho gia. Xin nàng hãy vì kẻ si tình này mà tha thứ.

Lời nói cũng như hành động dù rất thành khẩn của Quân cũng không làm Mỹ nhân nguôi cơn giận dữ. Đưa tay chỉ thẳng vào mặt kẻ tội phạm, mỹ nhân đay nghiến:
-Ta đi đây, con người hành xử đốn mạt như ngươi không còn gì để ta phải mang ơn cứu mạng nữa.

Nói xong mỹ nhân không thèm nhìn ngoái lại, bước nhanh vào bụi hoa mà biến mất. Quân chỉ biết đưa mắt ngẩn ngơ, nói với theo:
-Ta sẽ chờ đợi nàng, dù có phải chết vì tương tư. Xin nàng hay thương hại kẻ si tình này mà đến với ta.

Người đẹp biến mất sau lùm cây đã một lúc nhưng Quân Sinh vẫn ngơ ngẩn đứng nhìn theo mong người đẹp quay trở lại. Nhưng chỉ là vô vọng, không gian thì vẫn vậy nhưng lùm cây vẫn im lìm, mỹ nhân đã thực sự rời xa.

Từ buổi chiều tối hôm đó, Quân Sinh như kẻ mất hồn, không sang nhà song thân để giúp phụ thân bắt mạch ra toa như thường lệ. Mọi người cho rằng Quân chỉ bị bận rộn chuyện riêng tư nên không đến làm việc, nhưng sau đó người gia nhân cho biết Quân bị nhuốm bệnh đã làm song thân lo lắng. Quân bỏ ăn, thẩn thờ suốt ngày không nói gì mà chỉ thở dài than vắn ra vẻ chán chường, thường nhìn lên trần nhà, ánh mắt lơ mơ, đôi khi nói nhảm như kẻ mất hồn. Ban đầu phụ thân của Quân nghĩ rằng qúi tử bị phong hàn vì thời tiết nên làm đủ mọi y thuật như xông lá thuốc, châm cứu chữa bệnh cho Quân, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Thân thể Quân càng lúc càng toi tóp, tái xanh, mắt lờ đờ, lúc mê man thường than khóc, than van kêu réo tên nữ nhân Hồ Điệp mà xin tha lỗi. Phụ thân đoán rằng qúi tử đang bị bịnh thất tình với nữ nhân Hồ Điệp nào đó, mà cố tìm cách dò hỏi nhưng Quân không nói, chỉ ậm ừ, thở dài ra vẻ chán chường.

Tình trạng nửa mơ nửa tỉnh, bỏ ăn bỏ uống như vậy kéo dài khoảng 5, 6 ngày, sức khoẻ của Quân sa sút thấy rõ. Song thân thấy qúi tử càng lúc càng yếu, có phần lo lắng, nghĩ rằng nếu không mau tìm được giải pháp chữa trị thì chắc quí tử sẽ phải về với tổ tiên. Vợ chồng người anh cả dù bận rộn bán buôn, vì thương em trai nên cũng phải bỏ công việc trở về chăm sóc, khuyên nhủ em trai nhưng cũng chỉ vô ích.

Đang lúc, tưởng chừng như tuyệt vọng thì bất thình lình một nữ nhân xinh đẹp như tranh vẽ xưng tên là Hồ Điệp. Tên người mà Quân vẫn gọi trong mê sảng, bất chợt xuất hiện, nàng muốn được vào thăm nom, chăm sóc cho Quân. Phụ thân và gia đình Quân ngạc nhiên, sung sướng vì biết chắc người mà Quân réo gọi trong mê sảng đã tới. Thấy Quân gầy ốm, xanh xao, mất đi vẻ điển trai khoẻ mạnh lúc gặp nhau tại vườn hoa, Hồ Diệp cảm động, nước mắt dàn dụa, nắm tay Quân mà nói:
-Vì thiếp mà chàng khốn khổ đến thế sao? Hãy tha thứ cho thiếp. Vì quá vô tình và tức giận nên thiếp đã không nhìn thấy được tình yêu của chàng dành cho thiếp. Từ nay thiếp nguyện chăm sóc, yêu thương chàng để mong báo đáp tình yêu của chàng .

Tiếng than van của Hồ Điệp dù nhỏ, cũng làm Quân thức giấc. Mở mắt nhìn thấy Hồ Điệp, Quân thì thào trong vui mừng:
-Nàng đã đến với ta đó sao? Xin hãy thương cho kẻ si tình này mà đừng ruồng rã. Ta sẽ khoẻ mạnh trở lại, nàng chính là nguồn sống, là tiên dược cho căn bệnh tình si của ta đó.

Bệnh tình của Quân hồi phục như phép lạ. Chỉ qua một ngày Quân đã tự ngồi dậy, ăn uống, không cần người khác phải bón, đút như trước nữa. Vài ngày tiếp theo sức khoẻ đã trở lại gần như bình thường, Quân đã đi đứng, ra vườn cùng với Hồ Điệp ngắm nhìn cây cỏ, bướm chim rồi trở lại công việc, cùng với phụ thân cắt thuốc cho toa như thường lệ với.

Không lâu sau đó, một đám cưới đông vui, hoành tráng dù chỉ có gia đình, thân hữu bên nhà trai! Hồ Điệp là một cô nhi, cha mẹ mất từ khi Điệp còn bế trên tay và không có ai là thân thích. Khách mời hầu hết là họ hàng, bạn bè thân quen của gia đình Quân, những danh gia, vọng tộc trong địa phương. Ai ai cũng trầm trồ khen ngợi, cho rằng song thân Quân đã tu dưỡng, tích đức nhiều đời mới có được nàng dầu hiền hậu, xin đẹp như tiên giáng trần. Hồ Điệp lại khéo ăn, khéo nói, tài nấu nướng rất giỏi, nhất là nghề làm bánh… nên ai ai trong gia đình Quân, ngay cả những gia nhân qúi mến.

Ba năm sau ngày cưới, Hồ Điệp sinh con trai đầu lòng lại càng được song thân của Quân cưng chiều. Thấy qúi tử đã thành nhân, vững trãi chuyên môn dư đủ tài năng trông nom gia sản, song thân chuyển hết cơ ngơi, tài sản cho quí tử rồi về ẩn cư tại một vùng quê hẻo lánh.

Một hôm, Quân Sinh thấy ái thê có vẻ bồn chồn lo lắng, thở dài ra vẻ không vui. Thắc mắc mà hỏi :
-Hình như nàng đang lo lắng việc gì thì phải?
Hồ Điệp ứa nước mắt buồn thảm trả lời:
-Thiếp gần phải vĩnh biệt chàng rồi! Định số của thiếp như vậy thì biết làm gì đây. Xin chàng hãy vì tình yêu của thiếp mà chăm sóc cho nhi tử nên người.
Quân Sinh giật mình, giương mắt nhìn vợ, mà hỏi :
-Nàng nói gì ta không hiểu, có chuyện bi đát đến thế sao? Hãy nói cho ta biết, xin đừng làm ta sợ.

Hồ Điệp buồn bã cho Quân biết, phụ thân khi còn sinh tiền có giao du thân quen với Lục Phán Quan. Hôm nay nhân dịp lể song thập, có phần rảnh rỗi nên Hồ Điệp làm vài món ăn đến Phán Quan miếu để vấn an người thâm giao của cha. Trước là cầu mong cho gia đạo an vui, sau là trả nghĩa thân tình của phụ thân với bạn cố tri. Trong lúc chuyện trò, Phán Quan cho biết mệnh số của Hồ Điệp đã gần hết, nếu không có gì bất thường thì chỉ kéo dài được khoảnv 6 tháng nữa mà thôi.
Cho rằng lời nói của Phán Quan với hiền thê là nhảm nhí, Quân Sinh nói :
-Ta là lang y không lẽ không biết được thể trạng của nàng sao?Đừng tin vào lời nói vu vơ mà rước khổ vào thân.

Đáp:
-Lục Phán Quan không có ý bỡn cợt với thiếp đâu, xin chàng đừng coi thường. Phần số của người ta không phải cứ nhìn thể trạng mà biết được đâu. Chàng nên cùng với thiếp đến gặp Lục Phán Quan, bàn tính mà tìm ra kế sách giúp cho thiếp thoát được kiếp nạn này, đó mới là điều chàng nên làm cho thiếp. Thiếp không muốn xa chàng và con của chúng ta.

Thương vợ, lo lắng cho hạnh phúc gia đình, Quân Sinh giúp vợ chuẩn bị vài món ăn rồi cùng với vợ mang đến miếu Phán Quan của địa phương. Hồ Điệp bầy các món ăn trên chiếc phản gỗ trước bệ thờ xong, rồi lấy ra 2 tấm thẻ bùa nhỏ bằnh hạt đậu dán vào trán hai vợ chồng rồi miệng lâm râm như đọc thần chú. Tự nhiên cặp mắt của Quân nhấp nháy vài lần, nhìn thấu suốt mọi vật thể trong khán thờ. Đúng lúc đó từ sau bệ thờ, một nam nhân, hình tượng Lục Phán Quan đầu đội mũ cánh chuồn, khoác áo dài bằng gấm nhiều mầu, mặt hiền hậu với chùm râu chớm bạc bước ra. Miệng nở nụ cười dễ dãi, Phán Quan nhìn Hồ Điệp mà nói:
-Con bé họ Vương kia lại mang món nhậu cho ta đó sao?
Chẳng để cho Điệp trả lới, Phán Quan hất mặt về Quân, nói tiếp:
-Còn thằng đẹp trai kia chắc là phu quân của cháu gái ngoan của ta đó chăng?

Đáp:
-Chính là bản nhân. Đã nghe hiền thê nói nhiều về thần nhân, hôm nay mới được tiếp kiến. Hân hạnh cho bản nhân lắm thay!
Phán Quan đưa tay ra ý cho vợ chồng Quân cùng ngồi vào bàn ăn, rồi nói tiếp :
-Ta nghe cháu gái yêu của ta cho biết ngươi là một lang y có tài. Ta hỏi ngươi, ngươi có thuộc hết vị trí các huyệt mạch trên cơ thể con người không ?

Đáp:
-Ty chức không dám loạn ngôn mà nói là lang y siêu tuyệt, nhưng với khoảng 400 huyêt đạo trên cơ thể, bản nhân dù có nhắm mắt cũng châm đúng huyệt mạch. Nhưng sao thần quân lại hỏi tiểu nhân như thế?
Nghe xong lời nói quá tự tin của Quân, Phán Quan ra vẻ vui mừng, đưa mắt nhìn Hồ Điệp mà nói:
-Thế là tạm xong rồi. Phần số ngắn ngủi của ngươi được giải quyết hay không là do tài năng, sự biến trá, lanh lợi của thằng phu quân đẹp trai của ngươi đó.

Rồi suốt thời gian trong bữa tiệc Phá Quan cùng với vợ chồng Quan Sinh cùng nhau tính toán ra một sách lược để tìm cách hoá giải vận số ngắn ngủi của Hồ Điệp.

Đại lược là Hồ Điệp với tài nấu nướng, chuẩn bị 2 mâm đồ nhậu phải có mùi vị thơm ngon bất cứ ai ngửi thấy cũng phải thèm thuồng, muốn ăn. Chiều tối ngày mai mang đến Diêm Vương Điện, bầy ra trước sân. Mâm đặc biệt dành riêng cho Diêm Vương, mân thứ 2 dành cho 2 tên qủi sứ cận vệ của Diêm Vương. Rồi Hồ Điệp phải tìm cách chuốc rượu, mời chào thế nào để cho Diêm Vương và 2 qủi sứ chúi đầu vào ăn uống mà lơ là, mất cảnh giác. Trong khi đó Quân Sinh kín đáo lẻn vào trong Điện, đến phía lưng của tượng Diêm Vương, nhanh nhẹn khoét một lỗ nhỏ đúng huyệt đạo Hạ Cốt tại đốt xương sống số 21, châm vào đó một cái kim châm cứu ngắn khoảng 2 phân ( 2cm), rồi nhanh nhẹn lấy thạch cao pha phẩm mấu bít lại như bình thường. Thế là xong, nhanh chóng rời hiện trường, tuyệt đối tránh bị phát hiện rồi về nhà. Hồ Điệp sau khi cung phụng đồ ăn, thức uống cho thầy tớ Diêm vương cũng về nhà chờ đợi diễn tiến tiếp theo.

Với cái kim châm vào huyệt đạo Hạ Cốt đó sẽ gây ra đau nhức cho Diêm Vương càng lùc càng mạnh. Ngày đầu chỉ đau nhức nhè nhẹ, Lục Phán Quan làm như vô tình viếng thăm Diêm Vương, bâng quơ đề cập đến một lần cũng bị đau nhức hành hạ, nhưng đã được y lang Quân Sinh chữ trị bằng thủ thuật châm cứu, nắn huyệt mà khỏi. Chỉ nói bâng quơ như vậy rồi Phán Quan từ giã ra về. Chiếc kim châm sẽ làm cho Diêm Vương càng lúc càng đau hơn, sang ngày thứ ba thì đau đến mức điên khùng, chết còn hơn. Lúc đó chắc chắn Diêm Vuong nhớ lại lời nói của Lục Phán Quan và sai qủi sứ đến mời Quân Sinh chữa trị.

Tuỳ theo hoàn cảnh, nhất là sự khôn ngoan, xếp đặt, Quân Sinh sẽ tìm cách bắt ép Diêm Vương sửa đổi lại sổ SINH TỬ mà gia tăng vận số cho Hồ Điệp. Sau khi trình bầy, dặn dò kỹ lưỡng sách lược cho vợ chồng Quân, Lục Phán Quan nhìn 2 người mà nói :
-Kế sách này thành công hay thất bại đều do sự khôn ngoan, lanh lợi và khéo của vợ chồng ngươi đó. Ta chỉ có thể giúp đỡ cho hai ngươi được như thế mà thôi.
Ngưng lại tí chút, Phán Quan nói tiếp:
-Cũng không thừa, ta cảnh giác hai ngươi nếu lơ là mà lộ ra thì vợ chồng ngươi không thoát được cảnh tra tấn kinh hoàng của Diêm Vương Phủ đâu. Đốt cháy trên than hồng, nhúng vào thùng dầu đang sôi, xé xác bằng trâu rừng… không phải một lần mà cả chục lần đó. Ta nói vậy để 2 ngươi thận trọng mà cố làm cho trôi chẩy. Thôi hai ngươi mau về mà làm đi. Ta chúc hai ngươi may mắn

Nói xong Lục Phán quan đứng dậy đi vào trong điện rồi biến mất.

Đúng như lời dậy của Lục Phán Quan, ngày hôm sau vợ chồng Quân Sinh làm 2 mâm đồ nhậu, nào thịt trừu nướng, gà quay… bất cứ ai chỉ nhìn thấy, ngửi mùi đã phải thèm nhỏ rãi. Lại kèm theo vài hũ danh tửu chính hiệu “ Nếp than đầu mùa xứ Gò Đen “. Đúng vào lúc hoàng hôn vừa xuống Hồ Điệp mang đến bầy biện ra 2 chiếc bàn trên sân trước Điện thờ Diêm Vương rồi cũng nhẩm đọc vài câu thần chú gì đó. Diêm Vương từ trong Điện thủng thẳng đi ra, mặt đỏ như gấc chín, râu ria xồm xàm đen nháy dựng ngược như Trương Phi thời hậu Hán. Kèm sát bên cạnh là 2 tên quỉ sứ cũng không thua phần dữ tợn với đôi mắt ốc bưu, đỏ như son, lồi hẳn ra ngoài hốc mắt. Cả 3 thầy tớ nhấp nháy lỗ mũi, vừa hít vừa khà như muốn tận hưởng tất cả mùi thơm của các món nhậu và hơi men đang bốc lên từ 2 chiếc bàn giữ sân điện thờ.
Diêm Vương và 2 tên Quỉ Sứ nhìn Hồ Điệp, rồi hách dịch hất hàm mà hỏi Hồ Điệp :
-Vì cớ gì, nguơi chiêu đãi chúng ta những món nhậu thơm ngon như vậy?

Cũng chẳng cần lịch sự chờ câu trả lời của Điệp, Diêm Vương ngồi ngay vào chiếc bàn đặc biệt nhiều đồ nhậu nhất. Hai Qủi Sứ như đã quá quen thuộc với việc cúng dâng của tín hữu thế nhân nên cũng bình thản ngồi vào chiếc bàn thứ hai, ít đồ nhắm hơn. Hồ Điệp vội vàng rót rượu cho Diêm Vương và 2 tên Quỉ sứ, rồi bình thản mà trả lời :
-Thưa Diêm Vương, tiểu nữ chẳng có gì để cầu xin ngài, xin ngài đừng lo mà mất đi cái đậm đà của các món nhậu mà tiện thiếp đã phải thức suốt đêm chế biến ra, cung ứng cho ngài và 2 vị cận vệ thưởng thức. Bữa nhậu này chỉ thay lời cám ơn Đại Vương Gia đã cho vợ chồng thiếp một thằng con trai thông minh, ngoan ngoãn mà thôi.

Thế là mọi chuyện xẩy ra như bình thường. Diêm Vương và 2 qủi sứ cận vệ cứ chén ông, chén bác không biết rằng lúc các ngài khề khà khen ngon do mỹ nhân Hồ Điệp dâng đưa. Quân sinh đã kín đáo lẻn vào trong hậu Điện, nhét kim châm rất chính xác vào huyệt Hạ Cốt của tượng thờ Diêm Vương, đúng như dự tính rồi lẻn ra, trở về nhà ngồi đợi ái thê.
Mọi việc đúng như kế sách, 3 ngày sau khi vợ chồng Quân Sinh đang quây quần với thằng con trong phòng khách. Không biết từ nơi nào một trong 2 Qủi sứ, cận vệ của Diêm Vương hiện ra. Dáng vẻ sấc lổi, quan quyền hất hàm về phía Quân Sinh mà lớn tiếng:

-Tên Lang y kia , ngươi có phải họ Đàm, tự Quân Sinh, ngươi đã dùng thủ thuật kim châm, nắn huyệt mà chữa bệnh đau nhức cho Lục Phán Quan đó phải không ?
Sinh nhỏ nhẹ trả lời 
-Đúng là mỗ, Quan ngài có gì dậy bảo
Quỷ sứ vẫn với vẻ ngạo mạn, hống hách mà nói rằng
-Ngươi hãy mau mau chuẩn bị dụng cụ, không được chậm trễ theo ta đến Diêm Vương Phủ chữa bệnh đau nhức cho Diêm Vương ngay.

Đưa mắt nhìn Qủi sứ, với ánh mắt bình thản, chậm rãi Quân Sinh trả lời:
-Thưa ngài, xin ngài cho biết, bổn nhân hay Vương gia của ngài ai là bệnh nhân, ai là thầy lang chữa bệnh?
Chẳng một tí đắn đo, Qủi sứ vẫn vẻ xấc lối mà nói:
-Ngươi không có đầu óc hay sao?Đại vương là người bị bệnh còn ngươi là kẻ phải theo ta đi chữa bệnh cho Đại Vương.
Chẳng tỏ vẻ sợ xệt, Quân trả lời :
-Vậy xin ngài đi về mà báo lại với Đại Vương của ngài là kẻ hèn này không bao giờ chữa bệnh cho bất cứ ai, dù là vương chúa hay Ngọc Hoàng Thương Đế mà hốc hách ra lệnh cho mỗ được. Xin ngài về cho !

Chẳng cần đếm xỉa đến nét mặt ngỡ ngàng của tên Qui sứ, Quân nói tiếp
-Bổn nhân chỉ đi chữa bệnh khi được mời chào tiếp rước đàng hoàng chứ nhất định không đi đâu nếu không có xe rước đón đưa. Xin ngài về báo với Đại vương của ngài như thế! Xin ngài đi về cho!

Nói xong, chẳng cần chú ý đến nét mặt ỉu xìu của Qủi sứ, Quân sinh quay ra đùa giỡn với thằng con trai. Qủi sứ hình như đã hiểu vấn đề, không dễ mà bắt ép tên thầy lang kiên cứng này, bèn xuống nước êm nhẹ mà nói:
-Được rồi ta sẽ về bẩm báo với Đại Vương, sẽ mang xe song mã đến thỉnh ngươi đi cho đúng phép tắc. Ngươi hãy chờ ta!

Nói xong Quỉ sứ biến mất. Vợ chồng Quân Sinh thích thú nhìn nhau cười vui, đợi chờ. Được một lúc khoảng cháy hết nửa cây nhang, Qủi sứ lại hiện ra, nhưng lần này nét mặt rất hoà nhã, miệng cười vui ra vẻ rất hiền hoà mà nói với Quân Sinh:
-Thưa tiên sinh, xe song mã đã có, xin mời tiên sinh mau chóng lên xe. Đại vương của tiểu nhân đang khốn khổ, muốn điên khùng vì đau nhức!

Thế là, với xe song mã, Quỉ sứ qụi luỵ đón đưa, Quân Sinh đến Điện Qủi Sứ. Chưa bước vào trong điện, đã nghe thấy tiếng rên la như bò rống của Diêm Vương vọng ra. Quân Sinh mỉm cười, chậm rãi bước vào thấy Diêm Vương đang nằm trên tấm phản gỗ ở phòng bên ngoài điện thờ oằn oại rên la, mồ hôi tiết ra như tắm, ra vẻ đớn đau lắm. Vội vàng Quân tiến nhanh đến dùng ngón tay ấn vào vài huyệt đạo gây tê trên cơ thể làm cho Diêm Vương bớt đau, chỉ rên nhè nhẹ. Sau một lúc nghỉ ngơi nhờ cơn đau thuyên giảm, Diêm Vương nhìn Quân Sinh thều thào mà nói :
- Tiên sinh mau mau chữa bệnh cho vương chức, nếu không thì chắc mỗ phải chết vì không thể nào chịu nổi nữa. Cơn đau dầy đoạ mỗ như xẻ thịt, bẻ xương vậy !

Quân Sinh vờ vĩnh đưa tay bắt mạch cho Diêm Vương rồi nhắm nhẹ mắt ra chiều suy nghĩ, bình thản nói với Diêm Vương:
-Thưa Đại Vương, bệnh tình của ngài rất giống với căn bệnh của Lục Phán Quan mà tiểu nhân đã cứu chữa. Hiện giờ bổn nhân chỉ tạm dùng chỉ lực làm cho Đại vương giảm cơn đau trong chốc lát mà thôi, bệnh chưa thể dứt hẳn được. Nhưng chắc chắn với y thuật châm cứu, nắn huyệt của bổn nhân, chỉ trong khoảng 3 hay 4 ngày, không những ngài khỏi bệnh mà cơ thể còn cường tráng hơn xưa nữa. Xin đại vương đừng quá lo lắng.
Diêm Vương vui mừng, tỏ vẻ an tâm, mà trả lời Quân Sinh :
-Ta biết tài năng của tiên sinh là do Lục Phán Quan giới thiệu đó. Tiên sinh cứ an tâm chữa bệnh cho bổn nhân. Ta sẽ không tiếc rẻ bất cứ gì, tiền bạc, châu báu… bổn nhân sẽ cung ứng cho tiên sinh mọi thứ như tiên sinh yêu cầu.

Ra vẻ trầm tư, Quân Sinh trả lời :
-Thưa Đại Vương, tiền bạc, châu báu không phải là thứ mà bổn nhân mong đợi, những cái đó với bổn nhân nó chỉ là vật phẩm phù du. Hơn nữa bổn nhân chưa bao giờ thiếu thốn đến mức phải chịu đói khổ vì nó. Bổn nhân nguyện chữa chạy hoàn toàn căn bệnh đau nhức cho Đại Vương, nhưng chỉ mong Đại Vương đền bù cho bổn nhân một cái mà bổn nhân không có, trong khi lại rất dễ dàng với Đại Vương.

Diêm Vương ngước mắt nhìn Quân, không một tí đắn đo mà trả lời :
-Tiên sinh nói vậy thì ta còn gì mà không chấp nhận được. Miễn là đòi hỏi của tiên sinh không vượt ranh giới của 2 chữ đạo đức. Xin tiên sinh cứ mạnh dạn nói cho ta nghe.

Đáp:
-Ái thê của bổn nhân là giống bướm, nhờ tu hành mà hoá kiếp ra giống người nên số kiếp không được dài lâu như kiếp người chính gốc. Có lẽ không lâu nữa nàng sẽ từ bỏ cha con bổn nhân mà trở về với đất đá. Xin Đại Vương trả công cho bổn nhân bằng cách sửa chữa sổ sinh tử cho ái thê để nàng có được vận số như loài người chính thức.
Chau đôi mắt, với vẻ ngạc nhiên, Diêm Vương hỏi Quân :
-Nhưng sao tiên sinh biết được mệnh số của phu nhân gần hết ? Ai đã dám hé lộ thiên cơ trong sổ sinh tử cho tiên sinh biết mà xin ta ?
Quân bình thản trả lời :
-Song thân cũng như ngoại tổ phụ, ngoại tổ mẫu của ái thê cũng là giống bướm nhờ tu hành mà hoá kiếp làm người. Nhưng tất cả các vị đó đều chết yểu, ở khoảng trên dưới 30 tuổi. Ái thê của bổn nhân hiện nay đã xấp xỉ tuổi đó rồi. Bổn nhân dù ngu cũng đoán được thời gian ra đi của ái thê đã gần kề rồi. Chính vì lẽ đó bổn nhân nhờ Đại Vương gia ân mà chỉnh sửa lại sổ sinh tử cho ái thê để mỗ không phải làm kẻ khổ đau vì mất vợ hiền.
-À thì ra như vậy, tiên sinh cũng là giống đa tình, thì ta làm sao mà chối từ cho được.

Nói xong Diêm Vương sai qủi sứ mang sổ sinh tử ra tra xét rồi nói với Quân :
-Đúng như vậy, mệnh số của phu nhân chỉ còn khoảng 6 tháng nữa mà thôi. Tiên sinh cứ an tâm chữa trị bệnh cho ta xong, ta hứa sẽ sửa lại số sinh tử cho phu nhân.
Quân Sinh ngần ngừ đôi chút rồi đáp:
-Xin Đại Vương viết cho bổn nhân một tờ giấy cho minh bạch, để dễ dàng cho bổn nhân mà cũng tốt cho Đại Vương không phải là những lời hứa xuông .
Diêm Vương mĩm cười nhìn Quân mà nói :
-Đúng là người nguyên tắc, đáng khen. Được rồi bổn nhân sẽ làm ngay cho tiên sinh an tâm mà chữa bệnh cho ta.
Rồi chẳng cần lịch sự. Diêm Vương ra giá:
-Ta sửa cho ái thê của tiên sinh thêm một can ( 12 năm, ứng với 12 con giáp )có được không ?

Đáp:
-Với chỉ một can, ái thê của bổn nhân chết đi vẫn còn quá trẻ. Bổn nhân vẫn rơi vào cảnh gà trống nuôi con. Xin Đại vương ra ân rộng rãi hơn.
Diêm Vương hơi chau mày, ra vẻ suy nghĩ rồi nâng giá:
-Tiên sinh nói cũng phải, thôi ta quyết định là 3 can, như vậy phu nhân được tăng thêm 36 năm tuổi thọ, tiên sinh đã đồng ý chưa ?
Quân Sinh chẳng một tí ngại ngần, nhìn Diêm Vương mà ra giá:
-Xin Đại Vương sửa mệnh số cho ái thê của bản chức thêm 4 can, tức 48 năm. Nếu Đại Vương đồng ý mà gia ân cho bổn nhân, xin viết cho một tờ giấy để làm bằng.

Thế là cuộc trao đổi đã được thành hình. Quân Sinh nhận tờ giấy làm bằng để khởi đầu đóng một vở kịch mà chỉ có vợ chồng Quân và Lục Phán Quan biết mà thôi.
Rồi Quân Sinh lại giở trò châm huyệt ngủ, huyệt đê mê, huyệt mơ màng… trên khắp thân thể Diêm vương, làm cho Diêm Vương không bị cơn đau nhức hoành hành nữa. Quân cũng không quên yêu cầu 2 tên qủi sứ nhấn ngón tay vào vài ba huyệt đạo vô ích nào đó trên thân thể Diêm Vương để chúng không có dịp đi lung tung mà nhìn thấy Quân hoá bùa, làm phép.

Sang ngày thứ 2, thứ 3 cũng vậy mọi chuyện xẩy ra đúng như xếp đặt. Ngày thứ 4, Quân cho Diêm Vương biết là ngày chữa trị cuối cùng, đoan chắc Diêm Vương sẽ bình phục. Cũng như các lần trước, sau khi giữ chân 2 quỉ sứ, Quân nhanh nhẹn vào hậu điện giả vờ lấy tro hương, đến phía sau lưng tượng Diêm Vương, dùng đá lâm châm thu hồi cây kim châm mà mình đã châm vào mấy ngày trước rồi dùng thạch cao pha phẩm mầu trét lại như cũ.
Làm xong mọi việc như tính toán, Quân ra ngoài, cũng giả bộ rờ rờ, nắn nắn những huyệt đạo trên cơ thể Diêm Vương và cho 2 quỉ sứ tự do. Quân Sinh vui vẻ nói với Diêm Vương :
-Hôm nay Đại Vương cảm thấy sao? Bổn nhân chắc chắn ngày mai là Đại Vương hoàn toàn hết bệnh mà còn khoẻ hơn trước nữa. Bổn nhân xin ra về, ngày mai đúng giờ Thân (6 giờ chiều ) bản nhân sẽ đế thăm bệnh lần cuối cho Đại Vương cũng để đốt tờ biên nhận mà Đại Vương đã viết cho bổn nhân trước khi chữa bệnh.

Hôm sau, ngày thứ 5, khi chiếc xe song mã chở Quân Sinh, vừa dừng lại trước Điện thờ, Diêm Vương tươi cười ra vẻ rất yêu đời từ trong Điện thờ đi ra đến tận cửa xe song mã đón chào Quân mà nói :
-Tiên Sinh đúng là thần y! Bản mỗ đã khỏi hoàn toàn rồi, chẳng còn đau nhức tí nào nữa, đã thế sức khoẻ còn dồi dào hơn trước rất nhiều.

Rồi chẳng nề nà cầm tay Quân kéo vào trong điện, bắt ngồi xuống chiếc phản gỗ đã sắp sẵn vài món nhậu ( chắc do quỉ sứ làm bếp ?), rót rượu mà trịnh trọng mời Quân. Quân lịch sự uống cho vui vài chén rồi móc túi lấy ra tờ biên nhận đưa tận tay Diêm Vương . Hiểu ý , Diêm Vuong sai Qui sứ mang cuốn sổ Sinh Tử đến, Diêm Vương mở ra, lấy bút hí hoáy sửa chữa như đã hứa. Cùng lúc đó Quân cũng cười vui đốt tờ biên nhận trước mặt Diêm Vương.

Mọi chuyện xong xuôi, Diêm Vương sai qủi sứ mang ra một bịch khá nặng để trước mặt Quân, vui vẻ mà nói:
-Bổn nhân biết tiên sinh không thiếu kim lượng nhưng đây là một tí chút coi như tặng riêng cho phu nhân, xin tiên sinh vui vẻ mà nhận cho bổn vương được vui..

Chẳng cần mở ra, Quân cũng biết đó là cái gì, đẩy cái bich về phía Diêm vương, Quân Sinh nói rành rọt:
-Xin ngài tha lỗi, dù ít hay nhiều nhưng bản chức không dám nhận. Sai một lời hứa hẹn với bản nhân là một điều mà kẻ sĩ chân chính không nên làm. Xin đại vương cảm thông cho bản nhân mà đừng cưỡng bức.
Nghe Quân nói vậy, Diêm Vương có chút ngỡ ngàng, gật gù vài cái nhìn Quân Sinh ra vẻ thích thú mà nói :
-Tuyệt vời thay! Đáng nể trọng thay !Một kẻ sĩ ngạo nghễ như tiên sinh.
Rồi Diêm Vương vuốt râu, rung đùi mà ngâm to :

Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ , sĩ vi chi tiên

NCT
( Diễn nôm rằng: Trong thiên hạ có 5 tước, Sĩ cũng được liêt kê vào; Ngoài xã hội, nhân gian có 4 dạng người dân thi Sĩ chiếm ngôi đầu ).

Trở về nhà, kể lể cho ái thê nghe mọi sự việc, vợ chồng Quân Sinh ôm nhau cười nức nẻ, cả hai biết rằng mọi sự đã đi qua trong may mắn. Từ nay không còn gì để lo lắng vì chia ly sinh tử lúc còn non trẻ nữa. Chân nguyên của giống bướm trong cơ thể Hồ Điệp cũng đã được tẩy xoá để rồi những đứa con, đứa cháu và thế hệ mai sau không còn phải lo lắng vì cuốn sổ sinh tử đó nữa.

Năm sau, Hồ Diệp sinh đôi, cho ra đời một trai, một gái rồi cứ thế hạnh phúc tiếp nối nhiều thế hệ trong hoan ca!

Lưu an, Vũ Ngọc Ruẩn
(Switzerland , December, 2021)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét