Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Tản Mạn Về Collège De Vinhlong

(Lộc& Kiệt- Vĩnh Long 1955)
Mở Đầu:

Đọc “Đặc San Giáp Thân 2004-Mái Trường Xưa” do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp ấn hành, tôi hết sức vui mừng thấy đôi bạn đồng nghiệp Đào Khánh Thọ-Võ thị Ngọc Dung cuối cùng thực hiện được hoài bão của chính mình, của nhiều thế hệ cựu giáo sư, cựu học sinh, cựu nhân viên của trường.

Đó cũng là niềm ước vọng từ lâu của nhóm cựu học sinh khóa đầu tiên chúng tôi qua nhiều buổi họp mặt trước năm 1975 tại Sài Gòn, và gần đây, năm 1994 tại Lake Forest, California. Nhưng cho tới nay chúng tôi vẫn chỉ là nhóm vận động và chỉ làm được công việc tương thân tương trợ quí thầy cô và các bạn đồng khóa, hoặc bằng hiện kim hoặc bằng quà cáp nhân dịp Tết. Có lẽ vì chúng tôi ở quá rải rác khắp năm châu, quá già yếu, lại thiếu phương tiện tối tân liên lạc nhanh chóng.
Đồng thời, tôi cũng thấy phần nào buồn tủi: Collège de Vinhlong, nếu được nhắc tới cũng chỉ còn là một thứ bóng mờ vất vưởng bên lề như “Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than...” Điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì các cựu học sinh Collège de Vinh Long phần lớn đã “lụm cụm.” Vả lại họ chỉ là một nhóm nhỏ so với tập thể vô cùng to lớn cựu học sinh Nguyễn Thông-Tống Phước Hiệp, mà đại đa số hầu như còn rất “mạnh giỏi.”

Điều thiếu sót vô tình của chúng tôi là không có cơ hội góp mặt, góp tiếng nói thân tình với các anh em cựu học sinh các lớp sau, để phần nào bổ túc, điều chỉnh một vài sai sót vô ý của các anh em. Chẳng hạn như:
Cho rằng: “Trung tuần tháng 10 năm 1955, nếp sinh hoạt của hai lớp Cinquième Moderne A và B (tương đương với lớp đệ ngũ sau này) sôi động lên...” là không đúng. Collège de Vinhlong (năm 1951, đổi tên Việt: Trường Cao Tiểu Vĩnh Long, năm 1954 đổi tên lần nữa: Nguyễn Thông) không hề có chương trình Enseignement Moderne. Cho tới năm 1955, trường vẫn chỉ áp dụng độc nhứt chương trình Bốn Năm (đệ nhứt niên, đệ nhị niên, đệ tam niên, đệ tứ niên: 1 ère, 2 è, 3 è, 4 è Année). Chuẩn bị cho học sinh thi lấy bằng D.E.P.S.I (Diplôme d’Études Primaires Supérieurs Indochinoises), gọi nôm na là bằng Đíp-Lôm hay bằng Thành Chung. Chương trình Moderne chỉ được giảng dạy ở các Lycée Chasseloup-Laubat, Pétrus Ký, nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản. Lớp 5 è: Moderne tương đương với lớp đệ lục chương trình Việt lúc đó. Năm 1956 trường Nguyễn Thông mở hai lớp đệ tam mới, đón nhận hai lớp đệ tứ niên cũ vừa mới mãn học trình bốn năm. Sau đó, các học sinh này phải sang trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho tiếp tục học lớp đệ nhị.

Dưới tên tác giả Bào Mỹ Nguyễn văn Kính mà phụ chú: “Nguyễn văn Kính, hiệu trưởng lâu năm nhứt của trường Trung Học Nguyễn Thông-Tống Phước Hiệp” là không đúng hẳn, vì theo thứ tự thời gian, cần phải nêu thật rõ như sau mới trung thực: Nguyễn văn Kính, le Premier Directeur du Collège de Vinhlong (1949-1951), Hiệu Trưởng trường Cao Tiểu Vĩnh Long (1951-1953), Hiệu Trưởng trường Trung Học Nguyễn Thông (1953-1956). Thầy Nguyễn văn Kính không thể nào làm Hiệu Trưởng trường Tống Phước Hiệp vì thầy đã rời Vĩnh Long năm 1956 và năm 1957 thầy đã là Hiệu Trưởng trường Pétrus Ký.

Vào Truyện:

*Thầy Tư “Hón”

Người đàn bà luống tuổi vẫn còn giữ được phong cách nhanh nhẹn của một vị cao niên mà sức khỏe vẫn còn tốt, ánh mắt đã bớt long lanh, đã có phần “hom hem” nhưng vẫn không sút giảm nét linh động, nụ cười vẫn tươi tắn... đã không nhận ra tôi lúc tôi cúi đầu chào: “Thưa chị Tư...” Năm mươi năm rồi không gặp. Nửa thế kỷ! Không nhìn ra nhau cũng là lẽ đương nhiên. Tôi ước đoán ít nhứt chị cũng hơn tôi mười tuổi. Mà lúc đó tôi đã tròm trèm “thất thập cổ lai hi”!
-Lộc-Nguyễn Trãi đây mà chị Tư!
Người đàn bà trọng tuổi lộ vẻ bối rối không bắt được mạch hoài niệm. Cũng dễ hiểu. Làm sao chị còn nhớ được cậu bé con non choẹt chưa bể tiếng, lớp đệ nhứt niên bậc Thành Chung của Collège de Vinhlong, đã cất tiếng hát thảnh thót: “Chim kêu não nùng trên non bao la...” trong vở kịch dã sử ‘Hận Nam Quan’, do chính Thầy Tư Hón, người chồng lỗi lạc của chị biên soạn năm mươi ba năm về trước? Làm sao chị còn nhớ nổi chàng thiếu niên bắt đầu bể tiếng, đã hùng hồn, tha thiết trỗi giọng rền vang trong nhạc cảnh “Khúc hát sông Thao,” cũng do chính thầy Tư dàn dựng hai năm sau đó?

Văn Chinh, đứa em họ của tôi nhắc khéo: “Thưa cô, anh năm Lộc của em từ nước ngoài trở về thăm quê hương sau hai mươi ba năm biệt xứ, anh vẫn còn nhớ đường qua cầu Thiềng Đức và nhớ căn nhà của thầy cô, nên nhờ em đèo Honda đến tìm gặp ‘anh Tư Hón yêu dấu của mình.’ Anh Lộc đã từng là ‘kép chánh của trường Cao Tiểu Vĩnh Long’ suốt bốn niên khóa, và là ‘đệ tử ruột của thầy Tư’...”
Người đàn bà tuổi đã xế chiều, nhan sắc vẫn còn phảng phất nét kiều diễm vẫn chưa đánh thức được hồi ức, mời chúng tôi ngồi đợi trên bộ salon gỗ cổ kính bằng gõ đỏ...
Tôi nghẹn lời, ứa nước mắt ôm chằm lấy người đàn ông già yếu đang được “chị Tư” dìu từ trong buồng bước ra chậm rãi từng bước một, mà tôi chỉ còn nhìn ra được nụ cười thoảng nhẹ trên môi, tóc đã thưa thớt gần hói trọc, mắt đã thờ thẫn nhìn lơ đãng, nhưng nét cường tráng một thời vẫn còn ẩn hiện sau bộ đồ ngủ.

- Anh Tư! Em đây! Lộc-Nguyễn Trải, Lộc-Lê Lai, Lộc-Ngô Quyền đây, anh Tư!
Người đàn ông già nua vẫn không chút xao động. Ký ức người đã rong chơi xa rồi! Anh Tư “Hón” yêu dấu muôn thuở của tôi, người thầy khả kính luôn luôn cận kề học trò mình ở nhiều thế hệ mà tôi và các bạn đồng liêu, niên khóa đầu tiên của Collège de Vinhlong (1949-1950) đã được may mắn thụ huấn, anh Tư (biệt hiệu “Hón”, vì thuở còn học trường Taberd có tính hay phá phách, nên các sư huynh gán cho biệt hiệu là “Diable Hun”), anh Tư Hón thần tượng thuở niên thiếu của tôi đã hoàn toàn lạc thực vì chứng bệnh Alzheimer...
Bốn bức tường của căn nhà mà năm mươi năm qua bạn bè và tôi không có dịp bước đến vui họp đoàn với gia đình thầy cô (đúng hơn, gia đình anh chị Tư: Thầy Tư yêu cầu và chỉ cho phép nhóm văn nghệ lớp tôi gọi thầy cô bằng “anh chị” cho thân mật), treo đầy ảnh sinh hoạt văn nghệ, thể thao của trường, sưốt thời gian anh Tư phục vụ.

Tôi huyên thuyên nhắc nhở kỷ niệm, kể cả kỷ niệm đau thương, lần chỉ có mình tôi có mặt khi anh chị mất đứa con trai thứ hai. Chị Tư chăm chú nghe, khi nhớ khi không. Lúc tôi hỏi thăm Tùng, đứa con trai đầu lòng của anh chị, cả một vùng kỷ niệm như chợt hồi sinh với chị Tư. Còn anh Tư thì tuyệt nhiên vẫn lơ lửng. Nhưng khi tôi vói tay cầm cây mandoline “khẩy” bản “Tuổi Thơ”, mắt anh hình như có ngấn lệ. Và khi tôi đánh guitare bản “Thu Quyến Rũ”, đôi mắt lạc thần đó dường như có dấu hiệu tập trung và đôi môi anh hình như mấp máy... Nước mắt tôi thực sự tuôn trào...
Hai năm đã trôi qua, từ lúc tôi gặp lại anh chị Tư Hón. Đầu óc tôi chật cứng hoài niệm thân thương về ngôi trường thuở mới lớn, biết mơ mộng, biết tương tư, biết vỡ mộng, thuở mới chập chửng bước lên sân khấu học trò và...vướng vào nghiệp chướng văn nghệ.

Cơ duyên nào đưa đẩy tôi gặp được Thầy Tư Hón? Tôi nghĩ phần lớn có lẽ vì thuở còn lỏi tì (lớp tư, lớp ba), các thầy đã “khám phá” chất văn nghệ nơi tôi. Suốt ba năm tản cư vì chiến cuộc, tôi và thằng em út tôi (Kiệt Tấn sau nầy) đã ca múa “Mừng Xuân”, “Mắng Lê Tắc” vân vân để vận động đồng bào nuôi kháng chiến quân chống thực dân Pháp. “Mầm non văn nghệ” nầy được quí thầy lớp nhì, lớp nhứt nuôi dưỡng trong các kỳ văn nghệ phát thưởng cuối năm.
Rời Bạc Liêu lên Vĩnh Long học, lúc mới vào lớp 1 ère anneé, trong giờ huấn luyện thể dục, tôi vô ý đánh rơi trên sân vận động bài thơ học trò và thầy Tư tình cờ lượm được: Đời tôi là cả một bài thơ, Cả một bài thơ rũ bụi mờ, Cả một bài thơ không đầy ý, Là đời nghệ sĩ sống vì mơ...
Thêm vào đó, không rõ ngẫu nhiên hay tiền định, hai nơi tôi cư trú ở Vĩnh Long, một bên kia, một bên nầy cầu Lộ đều gần rạp hát. Hằng ngày máy phóng thanh cứ ra rả hết cải lương tới “nhạc cải cách” (tân nhạc).

Con đường Krautheimer (sau là Võ Tánh), trước rạp hát Lạc Thanh thường dẫn bước tôi tới góc đường Châu văn Tiếp, cạnh cầu Bà Điều, để tôi đứng lặng yên cho tiếng dương cầm của chị Bé từ một biệt thự réo rắt ru hồn mình.
Cũng trên con đường Võ Tánh nhiều sắc thái văn nghệ nầy, hai hình ảnh tuyệt đẹp vẫn còn hiện rõ nét trong ký ức tôi: chàng thanh niên trắng trẻo đẹp trai, gầy gầy, dõng dõng cao, dáng điệu rất thư sinh trong bộ bà ba trắng, thong thả đếm bước, tên Thế (hình như có họ hàng với G.S. Nguyễn văn Trường) và Xuân Lan, cùng lớp tôi, đẹp như tranh, đài các, kiêu sa nhưng vẫn pha lẫn với e dè, thẹn thùng, bẽn lẽn, thướt tha tung tà áo trắng phất phơ trong nắng sớm... Xuân Lan sau nầy có thời là Dân biểu đệ I Cộng Hòa, là thần tượng yêu đương... “Cao nguyên ngực, sóng trùng dương mắt biếc” của cố thi sĩ Tạ Ký, qua tập thơ “Sầu Ở Lại.”

Nghiệp chướng văn nghệ... cho tới nay tôi vẫn còn đa mang! Tôi thường ca đùa với hai đứa bạn cùng lứa, một thời, khi đã ông ông mụ mụ rồi có dịp “mần” văn nghệ chung: “bạn bè mình còn có ba thằng. Đứa đi (Đào Khánh Thọ), đứa ở (Lâm Võ Huỳnh), đứa đang tật nguyền (LTL, tiếp tục lãnh thẹo văn nghệ dài dài...)”.
Điểm trớ trêu của số phận: Đ.K.T. cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) “chăm sóc” Hội AHCHSTống Phước Hiệp (Vĩnh Long). Còn tôi, cựu học sinh Collège de Vinhlong lại “chăm lo” Hội AHCHSTHMT (Mỹ Tho)...

Thầy Nguyễn Văn Kính

Đêm nay tình cờ xem cuốn video do anh Đ.K.T gởi tặng và chăm chú theo dõi câu chuyện thầy trò Tống Phước Hiệp trao đổi, cũng như đọc qua Đặc San của Hội AHCHSTPH, tôi thấy cả một vùng hoài niệm xanh về ngôi trường thân yêu nói riêng và tỉnh Vĩnh Long hiền hòa nói chung được khơi động dậy. Và thấy cần góp ý kiến bổ túc, bởi vì anh Hội trưởng có đề cập tới ông Nguyễn văn Kính, người thầy mà hầu hết học sinh tỉnh Vĩnh Long, nếu có dịp tiếp xúc đều hết lòng mến mộ và kính phục.

Thầy Nguyễn văn Kính không những là một ông thầy đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh tài danh mà còn có công đầu trong việc phát triển giáo dục bậc trung học tại tỉnh nhà. Thầy còn là một tay đánh quần vợt xuất sắc, với các cú “Xì- mách” (smash) ác liệt và độc đáo. Ngoài công việc của một nhà mô phạm, thầy còn khuyến khích và tham dự các sinh hoạt xã hội và văn hóa trong tỉnh, nên được dân chúng quí trọng như một Nhân Sĩ.
Sau khi ráo riết vận động thân hào, nhân sĩ, các cấp chính quyền từ địa phương tới trung ương, thầy Kính thành công trong việc khai sinh ngôi trường trung học công lập thứ năm cho miến Nam Việt Nam tại tỉnh Vĩnh Long (sau các trường Chasseloup-Laubat, Collège de Mytho, Lyceé Pétrus Ký, Collège de Cantho, Collège Gialong), mang tên Collège de Vinhlong, khai giảng tháng 10 năm 1949 với hai lớp 1 ère anneé A (Nữ) và 1 ère anneé B (Nam), mỗi lớp 55 học sinh, sau kỳ thi tuyển qui tụ học sinh các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc và Trà Vinh.

Trường sử dụng một công ốc vốn là nhà Dưỡng Lão, đối diện với cổng chính dẫn vào Thánh Thất Cao Đài. Con đường trước trường lúc đó vẫn còn trải đá xanh lởm chởm. Từ trong trường nhìn ra, bên phải là Miễu Bà Cố với Cây Da Cửa Hữu (di tích lịch sử), bên trái là Tiểu Chủng Viện (Petit Séminaire) Công giáo.
Năm 1951 và 1952, trường phát triển, cất thêm hai dãy phòng, một song song với Petit Séminaire, một song song với phía sau nhà Dưỡng Lão. Lúc bấy giờ trường có ba cấp lớp, mỗi cấp hai lớp. Trường đổi tên Việt: Trường Cao Đẳng Tiểu Học Vĩnh Long, gọi tắc là trường Cao Tiểu Vĩnh Long.
Năm 1953, với 4 cấp lớp, mỗi cấp 2 lớp, lần đầu tiên trường gởi học sinh 2 lớp 4 è anneé A và B sang Mỹ Tho dự thi lấy bằng “Diplôme”. Kết quả rất khả quan.
Năm 1954, trường đổi tên mới: Trung học Nguyễn Thông. Sau đó Collège de Vinhlong nguyên thủy dời đi địa điểm mới với tên mới: Trung Học Tống Phước Hiệp. Trụ sở cũ được cải biến thành trường Trung học Bán Công Nguyễn Thông.
Một vài nét sinh hoạt của Collège de Vinhlong được tôi ghi lại trong bài “Gối Rơm”, viết năm 1991, kèm theo bài viết nầy.

Kỷ niệm học trò nói bao giờ cho hết. Tôi chỉ xin nêu ra đây vài sự việc mà tôi nghĩ có thể còn trong trí nhớ của một số học sinh thời đó:
Từ năm 1949 tới năm 1953, Ban Giám Đốc gồm có các thầy: Nguyễn văn Kính (Hiệu trưởng), Nguyễn văn Kỷ Mậu (Tổng Giám thị). Ban Giảng Huấn gồm các thầy cô: Phạm văn Thàn (Toán, Lý Hóa), Nguyễn thị Sương (Pháp và Anh văn), Dương văn Tường, bút hiệu Dương Bích Thủy (Việt văn), Phạm văn Tệt (Pháp văn), Thầy Bảo (Vạn vật, Hán văn), Lê văn Sĩ (Hội họa), Nguyễn văn Tư, tự Hón (Thể dục và Âm nhạc), thầy Bá (Việt văn), Phạm hữu Thiết (Pháp văn và Sử Địa), thầy Khiêm (Toán, Lý Hóa), Vũ đức Chang (Toán và Anh văn), thầy Trương (Vạn vật và Sử Địa), thầy Chánh (Pháp văn), thầy Sến (Pháp văn), cô Hưng (Nữ công Gia chánh), vân vân. Ban Giám Thị các thầy Mẫn, Còn...
Năm 1952, hai vị Thanh tra Tiểu học, thầy Ân và thầy Quế cùng tài xế bị Việt Minh phục kích giựt mìn sát hại. Cả tỉnh xôn xao, học sinh toàn tỉnh, tiểu và trung học mặc toàn màu tang trắng tham dự lễ tống táng, đã diễn hành trên các đường phố lớn dưới cơn mưa tầm tã.
Cũng năm đó, thầy Kính mất một đứa con trai, té lầu tử nạn. Cả tỉnh một lần nữa, xôn xao, nhứt là giới học đường. Học sinh trung tiểu học cũng diễn hành đưa đám con thầy Kính. Tất cả đều rất xúc động.

Năm 1953, do lệnh tổng động viên, một số các thầy phải lên đường nhập ngũ. Cha sở Joseph Trần văn Thiện (sau này là Cha Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt, Đức Cha Tổng Giám Mục địa phận Mỹ Tho), lúc bấy giờ là Giám đốc Tiểu Chủng Viện cùng một số linh mục được cử sang thay thế các thầy, giảng dạy các môn Toán, Lý Hóa, Pháp văn...
Cũng năm nầy và nhiều năm sau nữa, đã nổ ra một loạt “xì căng đan” mà các nhân vật liên lụy đều có tên bắt đầu bằng chữ T. Thầy Tư “Hón” cũng chữ T, hoàn toàn trắng trong, tác phong đạo đức vẫn gương mẫu.
Điểm đáng nêu ra nơi đây là ở thời điểm đó, dù tình thầy trò còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo, ban Giám Đốc và tuyệt đại đa số các thầy cô đều rất rộng lượng, nhân ái đối với đám môn sinh “quỷ phá nhà chay” chúng tôi!

Các Sinh Hoạt Khác:

@Thể Thao

Sân vận động (sau nầy được cải biến thành Tòa Hành Chánh và Tiểu Khu Vĩnh Long) là nơi lúc nào cũng đông nghẹt học sinh các trường C.T.V.L., tư thục Long Hồ và Nguyễn Trường Tộ, các nam nữ học sinh tiểu học trong tỉnh. Chạy đua nước rút (sprint), đường trường (marathon), tiếp sức (relais), nhảy cao, nhảy xa, leo dây, barre fixe, anneaux, parallèles, đá banh, bóng chuyền thể dục đồng diện (mouvements d’ensemble), diễn hành với đồng phục đặc biệt (défilé folklorique) là những bộ môn phổ thông nhứt. Một đội bóng chuyền, một đội đá banh của trường Cao Tiểu Vĩnh Long được thành lập, dưới sự huấn luyện và chỉ đạo của thầy Tư Hón, vừa là giáo sư Thể dục vừa là “ông bầu” văn nghệ của trường.
Năm 1951, trường Cao Tiểu Vĩnh Long gởi phái đoàn học sinh tham dự Đại Hội Thanh Niên và Thể Thao toàn quốc, tổ chức tại Sài Gòn. Trường về hạng nhứt về diễn hành, hạng nhì về chạy đua tiếp sức. Đa số các thành viên trong phái đoàn đều là thành phần văn nghệ nòng cốt của trường.

Trường cũng đưa các đội bóng chuyền, bóng đá đi đấu giao hữu với các đội bạn ở Mỹ Tho, Sa Đéc, Cần Thơ, Trà Vinh. Cũng như đã đón tiếp các đội bạn này ở tỉnh nhà. Và hầu như lần nào đội của trường cũng thắng.
Một số không ít các “đệ tử” của thầy Tư Hón nối nghiệp thầy, trong số có chị Liễu, cùng lớp với tôi, nữ huấn luyện viên Thể dục đầu tiên của tỉnh nhà, xuất thân từ trường Cao Tiểu Vĩnh Long.
Một môn đệ khác của thầy Tư, Võ văn Hải, hỗn danh “Hải cử tạ” đã nhiều lần đoạt giải Lực Sĩ Đẹp, thập niên 60. Hai môn đệ khác cũng nổi tiếng “đô con” trong giới thể dục thẩm mỹ: Trang Sĩ Tấn và Hồ Văn Hòa. Tấn có thời “mần” rất “bự” trong ngành phú lít và lính kín. Hòa, nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 35 Biệt Động Quân, vừa đánh đấm xuất sắc, vừa văn nghệ văn gừng một cây xanh dờn, đã tạo được thành tích đáng kể trên sân khấu học trò với bản đơn ca “Bánh Xe Lãng Tử” năm 1956.

@Văn Nghệ

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn văn Kính, còn được thuộc cấp và học sinh thân mật gọi là Mơ xừ Te (thanh tra liên tỉnh: inspecteur interprovincial), ông “Đìa” (Giám đốc trường Directeur du Collège)) trực tiếp và thường xuyên yểm trợ, khuyến khích, đốc thúc sinh hoạt văn nghệ của trường, với sự hỗ trợ tối đa của thầy Tổng giám thị Nguyễn văn Kỷ Mậu. Thầy Tư Hón trực tiếp điều khiển sinh hoạt nầy với sự trợ lực tận tình của Nhóm Văn Nghệ Hướng Dẫn gồm các thầy cô Nguyễn thị Sương, Dương văn Tường, v...v...Sự kiện nầy tạo sự đôi co giữa một vị giáo sư “công thần chủ nghĩa” với Nhóm Văn Nghệ Hướng Dẫn. Thầy T.G.T. Kỷ Mậu “thố lộ” với tôi, trong một buổi họp hội đồng giáo sư bàn cãi trao phần thưởng danh dự toàn trường cho một học sinh “nòng cốt văn nghệ,” thầy T. đã “xỉa xói” “Nhóm V.N.H.D.: “Chỉ có mấy ông bà rung chuông (ám chỉ thầy Kỷ Mậu), kéo màn (ám chỉ thầy Tư Hón), vẽ mặt (ám chỉ cô Nguyễn thị Sương) mới có triển vọng thăng tiến nghề nghiệp (!). Thầy Kính nghiêm khắc cảnh cáo và yêu cầu thầy T. rút lời phát ngôn “bừa bãi”, cùng xin lỗi các đồng nghiệp.
Nhóm V.N.H.D. được sự cộng tác đắc lực của Ban Nhạc “Ly Tao”, gồm có thầy Nh. bên Tiểu học (accordéon), quí thầy công chức và quân nhân: Thầy Ba Ca-Đát (cadastre) guitare, thầy Lợi-Sở Bách Phần (mandoline, banjo), thầy Duy, thầy Vạng (violons), vân vân. Lúc ấy “batterie” chưa thông dụng nên phần nhịp điệu (rythme) được biểu diễn bằng cách “lắc” maracass “gõ” muỗng, “đánh bát” (basse) trên mandoline. banjo và bằng những ắc-co (accords) “giựt” xập xình trên guitare!

Ban Văn Nghệ học trò thời đó gồm các khuôn mặt nòng cốt quen thuộc với phụ huynh học sinh: L.T.L.-Nguyễn Trải, Võ Trung Thứ-Lê Lợi, Nguyễn văn Thục-cha già Phi Khanh, Lê Hoàng Tông-Ba Tàu Tông, Nguyễn văn Giác-Tướng Chệt, Võ ngọc Các “dùi đục văng tục”, Nguyễn thế Hưởng, Nguyễn Phát Phước, Võ minh Kiểng (3 danh hài), Nguyễn Trưởng Nhi-Trầu Cau. Lê thị Lý Lan Anh-“Le Médecin malgrélui”, Lê thị Nguyệt Yến-Liễu Nhi, Nguyễn thị Hảo- Huyền Trân, Võ kim Ngọc Hà-Chế Võ, Duyên-Chế Mân, Hồng Cúc-giọng oanh vàng, thinh sắc vẹn toàn, Phan Nguyệt Vân-“Tuổi Thơ”, Lê thị Nguyệt Ánh-chim sơn ca, Nga-cung phi, Nguyễn Nguyệt Ánh (vợ K.T. sau nầy) trong đoàn vũ nón, lụa và vũ Hận Đồ Bàn, vân vân.

Phần giải trí lành mạnh do thầy Mai bên Tiểu học phụ trách: chiếu bóng cho học sinh toàn tỉnh trong một phòng hội nằm trong khuôn viên trường Nam Tiểu Học tỉnh lỵ. Thuở đó, Tiểu học và Trung học hợp thành một thực thể giáo dục thuần nhất dưới quyền điều khiển của thầy Nguyễn văn Kính.
Trong số các nữ sinh văn nghệ C.T.V.L., tới nay tôi còn giữ một hình ảnh rất cao đẹp, thương tâm, vì đó là một mối tình “câm nín” (Thì thôi người cứ yên tâm nhé, Tôi chẳng bao giờ dám nói đâu) về một người nữ “thinh sắc vẹn toàn, giọng oanh vàng”: Hồng Cúc. Để “tỏ tình” tôi chỉ dám chép thơ Nguyễn Bính gởi cho nàng!
Rồi đây, đi lại trên “con đường xưa em đi” quen thuộc khi xưa ở Vĩnh Long tôi chỉ còn biết thì thầm: Chỉ một lần anh gọi tên em, Một lần môi say rượu đêm rằm, Anh nằm trong khối sầu tưởng nhớ, Phố cũ hè xưa đâu dấu chân? “Xin còn gọi tên nhau” cho tới nay vẫn còn là ca khúc tôi “thấm” nhứt!

@Học Hành và Chọc Phá

Hai học sinh “già” xuất sắc thuở đó, chuyên viên học nhảy... lớp là hai anh Nguyễn văn Vẹn và Lương ngọc Ẩn. Cả hai sau đó trở thành giáo sư Toán và Pháp văn của trường Nguyễn Thông-Tống Phước Hiệp.
Mức độ chăm sóc, khích lệ học sinh được thể hiện qua “dấu ấn” đặc biệt của “ông Đìa”. Mỗi cuối tháng, thầy N.V. Kính, với sự tháp tùng của các thầy cô đến từng lớp một đọc bảng xếp hạng. các học sinh lần lượt xếp hàng theo thứ tự được xướng danh. Sụt hạng hay lên hạng đều được “ông Đìa” hỏi thăm sức khỏe. Học sinh đương sự phải lập lại lời thầy nhận xét: Tôi hạng thứ... Tôi đã đứng hạng thứ... Vậy, tôi lên được mấy hạng... (hoặc) tôi sụt xuống mấy hạng... Lên: ưu hạng (c’est excellent!). Xuống: Thảm hại quá cở (c’est énorme!). Đội sổ: Vậy, tôi cầm đèn đỏ (Donc, je tiens la lanterne rouge!)”. Trò Trọng (lớp tôi) và trò Kiểng (lớp kế) thường là mục tiêu “xạ kích” của thầy Kính. Nhờ đó mà hai “nạn nhân” luôn luôn cố gắng lên hạng!

Một trong những đặc điểm của lớp tôi là châm chọc: sửa tên, ghép tên, kèm danh hiệu cho bạn bè. Chẳng hạn, Trần văn Giêng thành T.V. Điên, Lê an Lòng thành Lê ăn..., Bùi thế Xương thành Bò té Sông, Trần Bá Xử thành Hà Bá Xử, “Các-Thứ-Lòng-Tông-Giáo-Giác”, “Sáu” Trọng, Hưởng-dầu thơm, Phong-chủ Mạnh, Huỳnh quang Nhựt-cá thòi lòi, Nhi-hột mít, Yến-cá bống mú, Ánh-chim chìa vôi (thay vì “con chim sơn ca” do thầy Tư khen tặng giới thiệu trên sân khấu), vân vân.

Còn Lại Gì...Sáng Mai Đây?..

Lần về thăm lại Vĩnh Long, tháng 3 năm 2003, tôi đã đứng tần ngần rất lâu trước trường Collège de Vinhlong cũ: cửa vào Thánh Thất Cao Đài, Tiểu Chủng Viện vẫn còn, dù chỉ là cái xác không hồn. Miễu Bà Cố vẫn còn đấy, nhưng khung cảnh trang nghiêm, không khí huyền bí đã tan loãng. Cây Da Cửa Hữu có vẻ tiều tụy, mà hẳn nét mầu nhiệm và lôi cuốn thơ mộng, từ muôn thuở vẫn là chứng nhân cho bao cảnh vật đổi sao dời, cho những “cuộc tình không tới”. Cây da trước miễu ai biểu cây da tàn, Bao nhiêu lá rụng anh thương nàng bấy nhiêu. Thương nàng bấy nhiêu hay thương bấy nhiêu nàng?

Đất Vĩnh Long là đất của mỹ nữ, hoa khôi. Xuân Hương, Xuân Đào, Liệt, Oanh và một số người đẹp khác đã về với tro bụi. Những Xuân Lan, những Hồng Cúc, những Hảo-Huyền Trân, những Lucie Minh, những Pauline Nho và biết bao mỹ nhân sắc nước hương trời khác giờ xiêu lạc hà phương? Sóng xô một buổi tan khuê các, Khói dậy vài phen nát liễu bồ...
Chiều hôm đó, sau khi từ giã anh chị Tư Hón trong bịn rịn nắm nuối, một bữa cơm thân mật tại nhà Văn Chinh, gần trường Thủ Khoa Huân cũ, cho tôi cơ hội gặp lại một số cựu học sinh C.T.V.L.-N.T.-T.P.H. Có anh, có chị đã mất liên lạc với tôi từ lúc tôi rời trường năm 1953. trong bàn tiệc, Ban Văn Nghệ học trò khi xưa giờ chỉ còn Trưởng Nhi, Lê thị Lý, Nga... Vắng mặt: Nguyệt Ánh-Sơn Ca, hoàn toàn rơi vào cõi huyễn mộng tâm thần. Danh hài Nguyễn thế Hưởng nghe đâu cũng “lơ lửng” như thầy Tư Hón! Tất cả đều tan tác. Tôi nhắm mắt hồi tưởng.. Hỡi ơi một thoáng dư hương cũ, Bỗng chập chùng xô động tháng ngày!
Lê ăn Lồ…, Bò té Sông, Giác-Tướng Chệt, Sáu Trọng, hiện còn sống ở Việt Nam. Giác Chệt lái xe hơi phóng như điên, hơn cả tài xế taxi Sài Gòn. Ba Tàu Tông, Thứ-Lê Lợi, Thục-Phi Khanh, Hà Bá Xử, Bảy Bùi, Phong-Chủ Mạnh, Thoại-tiệm vàng, Nhựt-thòi lòi, hiện định cư ở California.
Đa số đồng liêu của tôi chọn hai nghề: gõ đầu trẻ và cắc bùm! Những khóa kế tiếp hình như cũng vậy. Ảnh hưởng thời cuộc. Chưa nghe nói có ai đi tu. Theo V.C. thì...có!
Về viết lách, Collège de Vinh Long có hai cây bút đã thành danh: Hồ Trường An (Nguyễn Viết Quâng) và Kiệt Tấn (Lê tấn Kiệt). Viết lai rai, có Lê tấn Lộc… Trường Nguyễn Thông và Tống Phước Hiệp có Viễn Du, Hứa Hoành (đã thành danh và đã qua đời), Võ Trung Hiền (Cao Vỵ Khanh), Võ Minh Thế, Phan Các Chiêu Hằng, Khai Nguyên v.v… Có thể còn nhiều cựu học sinh khác Viễn Du, nữa cầm bút mà tôi chưa được rõ.

Trong nhóm hướng dẫn và bảo trợ văn nghệ học sinh, các thầy N.V. Kính, N.V. Kỷ Mậu, D.V. Tường đã vĩnh viễn ra đi. Cô Nguyễn thị Sương, trước năm 1975 tôi có gặp lại ở trường Gia Long. Sau đó cô sang Pháp đoàn tụ với G.S. Trần văn Khê. Nhưng rồi không rõ vì lý do gì cô trở về V.N. sống với Quang Minh, em của Trần quang Hải, và cô con gái út tại làng Đại Học Thủ Đức cũ. Tới thăm cô, tôi nhận ra ngay người thiếu phụ son sắc, kiều diễm, có học thức, cách đây hơn năm mươi năm đã chăm sóc, hướng dẫn và...”trang điểm” (hóa trang) cho tôi lúc tôi trình diễn văn nghệ phát thưởng cuối năm học tại Miễu Quốc Công, dù cô nay đã 83 tuổi đời...
Một đoạn thơ của Phan Các Chiêu Hằng gây cho tôi nhiều xao xuyến, cơ hồ như nghe chính Phan Nguyệt Vân “tâm sự”: Thôi chào giấc mộng ngày xanh, Vầng trăng buộc cũng hóa thành hư không, Hỡi người xưa chốn nghìn trùng, Còn lên dốc núi bâng khuâng dạo đàn...
Khó khăn lắm tôi mới có thể dừng bút. Chuyện Collège de Vinhlong viết đến bao giờ mới hết, nhứt là Vĩnh Long ngày nay, tuy vẫn còn là “đất lành chim đậu” nhưng giờ đây thì “chim CÚ đậu” (chữ của Đ.K.T.)!

Không hẹn mà gặp, anh Hội trưởng Đ.K.T. và tôi đã vài phen “bước trùng nhau một ngả đường”: anh, Hiệu trưởng trường T.P.H., thối thân của Collège de Vinhlong; tôi, một trong những cựu học sinh đầu tiên của trường. Anh và tôi cũng đã “bước trùng nhau” hai lần khác: hai đứa là cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho và đều đã có lần “trông coi” một khu Học Chánh. Đó là nguyên nhân “thầm kín”, riêng tư thôi thúc tôi cầm bút ghi lại một số chuyện vui buồn về trường Trung Học T.P.H.
Bên ngoài trời đang mưa, những giọt mưa thu đầu mùa, lành lạnh, ray rứt, tức tưởi. Buông bút, nâng ly, tôi xin nhắn gởi người bạn phương xa:

Tiếng mưa có não lòng tri kỷ
Thì xin một chén cũng là say
Bước khẽ cho mùa không trở giấc
Nâng niu cánh mộng kẻo mù bay..

Thôn trang Rêu Phong, Xứ Tuyết, Chớm Thu 2004
Lê Tấn Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét