Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm Và Nền Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do, Trước 1975



Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm qua đời, cái tang chung cho nhiều thế hệ học trò Sài gòn, Gia định. Trước khi nhận nhiệm vụ Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh niên, Thầy là Giáo sư Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, về sau là Hiệu Trưởng. Không phải là học sinh của Thầy, nhưng xem Giáo sư như một vị thầy khả kính vì mỗi năm hai lần, nhận Sự Vụ lệnh về nha Khảo Thí để sung vào Hội Đồng Giám Thị tại các Trung tâm thi Tú Tài ll, quanh Sài Gòn, Gia Định. Tôi hay gặp Thầy ở Nha Khảo Thí, có lúc Ông đang là Chánh Thanh Tra, Trưởng Ban soạn thảo đề thi Bộ Giáo Dục. Cũng có lúc về Nha Khảo Thí nhận SVL làm Thư Ký Hội Đồng Giám Khảo ở một tỉnh miền Tây.Tính Thầy thật hiền lành, bình dân và dung dị. Nhất là những năm sau, 1973, 1974, khi về Nha Khảo Thí chấm Tú Tài IBM tôi lại thường gặp Thầy nhiều hơn. Thật thân thương và gần gũi ! Khi nghe tin Thầy mất, tôi vì sức khoẻ không về Nam Cali tiễn biệt Thầy. Giống như Thầy là ông Thầy sau cùng của tôi đã khuất bóng. 

Cố Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm và Di bút của Thầy.

Không thắp được cho Thầy một nén nhang để nguyện cầu Hương linh Thầy sớm siêu thoát, thấy cõi lòng mình thật bực bội, xốn xang. Rồi nhìn lại mình, quỷ thời gian không còn nhiều nữa, cạn dần, cạn dần theo năm tháng vô tình. Kể từ đó tôi tập lặng im, có khi không nói như để tâm tư lắng đọng, xích lại gần hơn với chính mình, xích lại gần hơn với người thân yêu của mình và cuộc sống. Như ông Thầy sau cùng của mình đã ra đi, vĩnh biệt! Trong niềm đau trống vắng, tôi đọc thêm Tâm Kinh Bát Nhã Ba-la-mật-đa, lại thấy thương mình hơn, thương người nhiều hơn, biết buông xả hơn, biết cười, biết thở, biết im lặng. Quỷ thời gian còn ít, lại quên nhiều hơn. Phải kiên nhẫn tập hằng ngày. Phải ráng tập. Cái cốt lõi của Tâm Kinh là thực hành. Là thực tập luyện ! Không phải là Kiến thức. Cái gì biết cũng có lợi, nhưng nó chỉ thoả mãn tri thức. Biết thì thành một trí thức. một học giả. Thêm gánh nặng thôi! Hành là làm cho cái biết rõ hơn, soi sáng cái biết và sẽ giúp trở thành một “Hành Giả”. Tóm lại, chỉ có trẻ con mới vào được nước Thiên Đàng. Cái nước thiên đàng đó, có khi gọi là niết bàn, thực ra ở ngay đây thôi. Bây giờ và ở đây. Tìm kiếm bên ngoài là vô ích. Thiền sư Trần Nhân Tông đã nói:”Gia trung hữu bảo hưu tầm mích” là ý nghĩa đó. 

Hôm nay, từ tiếng gọi thúc dục của Việt Hải từ Nam Cali, bỗng dưng muốn chổi dậy lên tiếng hát cho đồng nghiệp, cho phụ huynh….cho những người đồng điệu. Những suy nghĩ về “Tôn Sư Trọng Đạo”, “Cái Đạo Thầy Trò”. Đã có lần Thầy mời gọi anh chị em Cựu Giáo Sư, Cựu học sinh tập họp về Nam Cali như để ôn lại cái thuở “ Ngày Xưa Hoàng Thị”. Để gợi nhớ “Cái Đạo Thầy Trò”. Năm 2009, anh chị em nhà giáo cũ cũng có, cựu học sinh cũng có đề nghị tôi làm Trưởng Ban Tổ Chức Ngày Hội Ngộ Cựu Giáo Sư và Học Sinh Liên Trường Trung Học QuảngNgãi tại San Jose, Bắc Cali. Thầy đã đáp lời mời của Ban Tổ Chức về San Jose tham dự Ngày Hội Ngộ và không quên mang tăng tôi, tặng Ban Tổ Chức quyển sách mới xuất bản của Thầy: “Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do Trước 1975”. Nhiều bạn đồng nghiệp đã viết nhiều về cuốn sách này của thầy rồi. Tôi ghi lại đây để nhớ về hình ảnh cùng di bút của Thầy, để tri ân một người Thầy cao quý, suốt đời vì sự nghiệp Giáo dục và Văn hoá.

Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Tiến Sĩ Giáo Dục, Cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hoà. Ông là một trong những người đồng thời và là tiếp nối những vị Giáo sư nổi tiếng, những nhà trí thức khoa bảng của Miền Nam Việt Nam lãnh đạo bộ Giáo Dục VNCH trong suốt chiều dài lịch sử phát triển Miền Nam Việt Nam với thể chế Việt Nam Cộng Hoà, từ Đệ Nhất đến Đệ Nhị Cộng Hoà với triết lý giáo dục Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng. Từ thời Đệ Nhất Cộng Hoà , Tiến sĩ Trần Hữu Thế là Bộ Trưởng Giáo Dục, Giáo Sư Nguyễn Văn Trường, hai lần đảm trách Tổng Trưởng Giáo Dục từ Đệ Nhất đến Đệ Nhị Cộng Hoà và thời kỳ chuyển tiếp. Bs Nguyễn Ngọc Ninh, Bs Nguyễn Lưu Viên, hai vị bác si, vừa lãnh trách nhiệm Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục, Dược sĩ Ngô Khắc Tĩnh, Tổng Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh niên….Ngoài tài ba của những nhà lãnh đạo giáo dục tại Nha, Bộ, hàng ngủ giáo dục gồm những nhà giáo tại các trường học có ý thức trách nhiệm và lương tâm chức nghiệp cao đã sống cuộc sống khiêm nhường, trọn vẹn đóng góp cho nghề nghiệp, cùng với hệ thống Hội Phụ Huynh Học Sinh các trường từ Tiểu học đến Trung học đã đóng góp nhiều công sức cho việc xây dựng và phát triển nền Giáo dục Quốc gia một cách tốt đẹp.

Mặc dù chỉ tồn tại có 20 năm - từ 1955 đến 1975 - bị ảnh hưởng trầm trọng bởi chiến tranh tàn khốc cùng những bất ổn về chính trị của Miền Nam thường xảy ra, phần thì ngân sách giáo dục eo hẹp bởi dành ưu tiên cho Quốc phòng, nhưng nền Giáo dục của VNCH phát triển vượt bậc, đã đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn, không những đã đóng góp vào việc xây dựng quốc gia VNCH mà còn tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển như chúng ta đã chứng kiến.

Quan trọng hàng đầu là chính sách Giáo dục. Hiến pháp VNCH nhấn mạnh quyền tự do giáo dục và cho rằng:” Nền Giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí”,”Nền giáo dục Đại học được tự trị” và “Những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đở để theo đuổi học vấn”.Chương trình học bổng cho học sinh các cấp ra đời đã giúp được rất nhiều cho những học sinh nghèo mà học giỏi….

Quyển sách “GIÁO DỤC Ở Miền Nam Tự Do, Trước Năm 1975” của Gs. Nguyễn Thanh Liêm đã nói lên Triết Lý Giáo Dục của VNCH. Năm 1958, dưới thời Bộ Trưởng bô Quốc Gia Giáo Dục Trần Hữu Thế, VNCH đã mở Đại Hội Giáo Dục Quốc Gia lần thứ nhất tại Sài Gòn, quy tụ nhiều thân hào nhân sĩ, Phụ huynh học sinh, học giả, các nhà trí thức của Miền Nam, đại diện ngành Văn hoá Giáo dục các cấp. Ba Nguyên tắc “Nhân Bản”(Humanistic), “Dân Tộc”(Nationalistic),và “Khai phóng” (Liberalic) đã chính thức chấp nhận trong Đại Hội này. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý Giáo dục của VNCH đã được ghi lại cụ thể trong tài liệu: “ Những Nguyên Tắc Căn Bản” do Bộ QGGD ấn hành năm 1959 và sau đó đựơc ghi trong Hiến pháp VNCH năm 1967.

- Giáo dục VNCH là nền giáo dục Nhân Bản: Lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản. Xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái hay tổ chức nào khác. Với triết lý Nhân Bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

- Giáo dục VNCH là giáo dục dân tộc: Một nền giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của Dân tộc trong mọi sinh hoạt lien hệ tới gia đình, nghề nghiệp và quốc gia. Giáo dục phải phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hoá Dân tộc.

- Giáo dục VNCH là giáo dục khai phóng: Giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học tân tiến trên thế giới,không bảo thủ. Giáo dục phải tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hoá nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, tiếp cận với văn minh thế giới.

Song song với triết lý giáo dục, VNCH còn xác định rõ mục tiêu của Giáo dục là:

1- Phát triển toàn diện mỗi cá nhân trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý.

2- Phát triển tinh thần Quốc gia Dân tộc ở mỗi học sinh. Thực hiện bằng cách: Giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống và lối sống của người dân. Giúp học sinh biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngơị tinh thần đoàn kết bất khuất chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc. Cho học sinh nhận biết những nét đẹp của quê hương, những tài nguyên phong phú cùng những phẩm hạnh truyền thống tôt đẹp của dân tộc. Giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực và tự lập.

3- Phát triển tinh thần Dân chủ và tinh thần khoa học. Giúp học sinh tổ chức chia nhóm làm việc độc lập qua đó sẽ phát triển tinh thần công đồng và ý thức tập thể. Giúp phát triển tinh thần trách nhiệm, kỹ luật…Giúp các em co khả năng tiếp nhận những giá trị văn hoá của nhân loại….
Nghiên cứu về triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục của VNCH, chúng ta có thể tóm lược qua định nghĩa của Institut Pedagogique National, Paris:”Mỗi giáo sư, dù toán, lý hoá, vạn vật…hay chi chi khác đều phải là một nhà giáo dục.” Như vây, giáo dục không những là truyền lại kiến thức hay dạy nghề. Giáo dục nhằm giúp trẻ học làm người !

Tóm lại, để kỹ niệm với Thầy Nguyễn Thanh Liêm, nhân ngày giỗ của Thầy, tôi chỉ lược qua những nét đại cương của nền giáo dục VNCH trong tác phẩm có gía trị lớn về Giáo dục của Thầy bao gồm nhiều bài viết của nhiều nhà giáo dục lão thành và tài ba: “GIÁO DỤC Ở Miền Nam Tự Do, Trước 1975” để tri ân một người Thầy cao quý, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm đã trọn cuộc đời hy sinh cho Giáo dục và Văn hoá.

Nguyễn Cao Can

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét