Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Chính Triêu Lãm Kính 正朝覽鏡 - Lưu Trường Khanh


Chính Triêu Lãm Kính Lưu Trường Khanh

Tiều tụy phùng tân tuế
Phương phi kiến dương xuân
Triêu lai minh kính lý 
Bất nhẫn bạch đầu nhân.
Chú Thích: Chính Triêu là buổi sáng sớm hôm mùng 1 tháng giêng âm lịch
Dịch nghĩa: Soi Gương Sáng Mùng Một Tết Viết


Mỗi độ gặp năm mới, [dung nhan người già] lại thêm tàn tạ, 
[trong khi] cỏ hoa xanh tươi thơm ngát dưới ánh nắng xuân. 
Buổi sáng soi gương, 
không dám nhìn bóng người đầu bạc 
 
Bản dịch của Mai Lộc:

Mỗi đầu năm thấy thêm phờ phạc 
Khi cỏ hoa thơm ngát nắng xuân . 
Sớm mai soi kính bâng khuâng , 

Mái đầu trắng xóa thất thần ngại xem 


Mailoc
***
Các Bài Dịch Khác:

BẢN CHỮ HÁN CỦA BÀI THƠ :
         Bản nầy CÂU THỨ 2 khác hoàn toàn với bản của Thầy ( Câu thứ 2 của Thầy có chữ DƯƠNG bị thất Luật )

正朝覽鏡作         Chính Triêu Lãm Kính

憔悴逢新歲,         Tiều tuỵ phùng tân tuế,
茅扉見舊春。         Mao phi kiến cựu xuân.
朝來明鏡裏,         Triêu lai minh kính lý
,不忍白頭人。         Bất nhẫn bạch đầu nhân
劉長卿                          Lưu Trường Khanh

NGHĨA BÀI THƠ:
CẢM TÁC KHI SÁNG MỒNG MỘT TẾT SOI GƯƠNG

       Thêm tiều tụy võ vàng hơn khi mừng tuổi mới, trên cánh cửa cỏ vẫn còn thấy được dấu vết của mùa xuân cũ (tờ liễn dán trên đó đã bạc hết màu còn chưa được gở xuống: Vì không có lòng ăn Tết ). Sáng nay, nhìn vào tấm gương trong vắt kia, thấy thật là tội nghiệp cho cái người đầu bạc trong đó!

1/
Đón tuổi thêm tiều tụy,
Xuân xưa nay còn đâu.
Sáng nay soi gương thấy,
Thương sao kẻ bạc đầu!  

2/
Võ vàng năm mới lại sang,
Vết xưa xuân cũ ràng ràng chưa phai.
Sáng soi gương thấy u hoài,
Thương sao ai đó bạc phai mái đầu 

Đỗ Chiêu Đức
***
Tết Nhìn Trong Gương

Tết về nghèo khó tuổi thêm già,
Xuân trước lâu rồi nhớ xót xa.
Minh nhựt soi gương mình chột dạ,
Ủa sao mái tóc lão sương sa!

Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 01 năm 2016
***
Quên Đi cũng nhận xét như anh Chiêu Đức. Nên quên Đi thiên về bản của Chiêu Đức.
Tuy nhiên, Quên Đi không đồng ý cách dịch ở câu 2 của anh Chiêu Đức:

茅扉 Mao phi: Cửa bằng cỏ mao. Nhưng ở đây có nghĩa là Cảnh nhà nghèo khó.
Trong bài thơ, hai câu 1 và 2 đối nhau thật rõ

Quên Đi gởi bài dịch:

Sáng Mùng 1 Soi Gương Viết

Thân khó cùng năm mới
Nhà nghèo nhớ tết nao
Sáng nhìn trong tấm kiếng
Xót kẻ bạc đầu phau

Quên Đi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét