Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

Đàn Không Tiếng Hát - Nhạc Sĩ Châu Kỳ - Tiếng Hát Trang Mỹ Dung


Nhạc Sĩ: Châu Kỳ
Tiếng Hát: Trang Mỹ Dung
Thực Hiện:Đặng Hùng

Ta Nhớ Lắm



Bài Xướng:

Ta Nhớ Lắm 


Ta nhớ em như rừng thu nhớ lá
Cây trơ cành chờ đợi nụ xanh vươn.
Hai đứa mình lại mỗi đứa một phương
Mơ tái ngộ đến bao giờ thỏa nguyện

Ta nhớ em như mây trời nhớ gió
Một nơi này còn một tận nơi nao
Bầu trời kia trong vắt sắc xanh màu
Im lặng quá một khoảng không cô độc

Ta nhớ em như mùa xuân nhớ én
Như bướm chờ hoa nở thỏa tình mơ
Hình bóng ai như ảo ảnh lượn lờ
Ta nhớ lắm em ơi ta nhớ lắm.

Quên Đi 
***
Bài Họa:

Thuở Đợi Chờ


Thu nhớ lá mà cành trơ trụi lá
Xuân chín mùa xuân nụ chẳng buồn vươn 
Họp rồi tan xuôi ngược khắp muôn phương
Nắng cuối ngày tình nhạt như màu nắng

Gió nồng reo mây kia còn lờ lững
Mê mãi lưng trời trôi giạt chốn nao
Bên kia đồi đâu muôn sắc vạn màu
Mơ mộng lắm thêm vướng sầu đơn lẻ

Nô nức én sẽ cùng xuân đúng hẹn
Bướm đa tình vờn lượn thỏa ước mơ
Vóc dáng hao gầy biếng lược gương lờ
Có còn đâu nữa một thời để nhớ


Kim Phượng

Mưa Thu - Hoài Cảm



Bài Xướng:
Mưa Thu

Ngoài hiên thánh thót giọt mưa thu
Rừng núi xa xa bóng mịt mù
Thấp thoáng lá vàng rơi lác đác
Rì rào gió lạnh thổi vi vu
Trà ngon lại thiếu người tri kỷ
Rượu quý nhưng không khách tạc thù
Đốt chút hương trầm cho ấm áp
Lặng nhìn khói tỏa giữa âm u

Ngân Sơn
***
Bài họa:
Hoài Cảm

Heo may nhè nhẹ báo tin thu
Bụi lốc thời gian vội cuốn mù
Ta nhớ mênh mang trời Phú Giáo
Bạn nằm miên viễn đất Tầm Vu
Quê hương vẫn đó niềm thương hận
Chứng tích còn đây dấu đạn thù
Thoáng hiện chập chờn trong giấc mộng
Bóng người xa khuất rặng mù u

Nguyễn Kinh Bắc

Cúc Hoa - 菊花 - Nguyên Chẩn

Nhìn đầu đề của bài thơ thì tưởng Nguyên Chẩn tả hoa cúc. Đọc sơ qua bài thơ thì thấy rằng dường như ông chỉ thích loại cúc mùa Thu. Đọc kỹ câu 4 thì vỡ lẽ rằng ông không vì hoa cúc mà làm bài này; ông chỉ muốn nói rằng ông ghét mùa đông vì lúc đó chả còn loại hoa nào cho ông ngắm cả. Nói cách khác, Nguyên Chẩn thích mọi loại hoa (chứ không riêng hoa cúc) và còn thích nói ỡm ờ với thiên hạ! Mời các bạn xét xem Ông Cò có nói oan cho Nguyên Chẩn không?


Nguyên tác           Dịch âm

菊花                     Cúc Hoa 

秋叢繞舍似陶家 Thu tùng nhiễu xá tự Đào gia, 
遍繞籬邊日漸斜 Biến nhiễu ly biên nhật tiệm tà. 
不是花中偏愛菊 Bất thị hoa trung thiên ái cúc, 
此花開盡更無花 Thử hoa khai tận cánh vô hoa.

Chú Giải: Đào gia: Nhà riêng của Đào Tiềm đời Tấn, yêu hoa cúc nổi tiếng.

Dịch nghĩa

Hoa cúc mùa thu nở tưng bừng khắp nhà như nhà của họ Đào,
Bước theo hàng rào thăm hoa trong lúc chiều dần xuống.
Chằng phải vì đã sẵn yêu hoa cúc, 
Khi đợt hoa cúc này tàn, thì không còn hoa nào nở trong năm này nữa.

Dịch thơ

Hoa Cúc

Cúc thu loạn nở giống nhà Đào
Chiều bước ven rào đẹp biết bao
Chẳng phải vì ta thiên vị cúc 
Đợt hoa này hết có hoa đâu!

Lời bàn 

Hai câu đầu nói cúc mùa thu của nhà mình nhiều và đẹp như cúc nhà Đào Tiềm 
Hai câu cuối phân trần rằng ông không thiên vị cúc mùa thu mà chỉ vì khi loại cúc này tàn thì sẽ tới mùa đông (cái mùa chả còn bất cứ loại hoa nào nữa).
Cái kiểu tả cảnh này thật láu cá nhưng cũng thật dễ thương. Ông Cò gọi lối tả cảnh này là thơ tả-cảnh-kiểu-liêu-trai.

Con Cò
***
Góp ý của Mirordor: 

Hình như rằng ta có thể hiểu ý Nguyên Chấn lối khác. Những người đọc bài thơ này đồng ý với nhau rằng Đào gia đây chỉ nhà của 陶潛=Đào Tiềm, và Đào Tiềm để lại tiếng cho đời như một người khí khái, thà làm ẩn sĩ rồi chết đói, để tiếp tục được sống thanh cao, thanh bạch qua hai câu thơ:

採菊東籬下 thái cúc đông li hạ 
悠然見南山 du nhiên kiến Nam san [飲酒=Ẩm tửu]

Nếu Nguyên Chẩn, một người sống sau Đào Tiềm quanh 400 năm nghĩ đến họ Đào khi ngắm hoa cúc thì phải chăng nhà thơ đang cám cảnh tinh thần thanh cao đáng quý của nhà ẩn sĩ? Trong cổ thi Hoa Lục, cúc là một trong bốn 四季名花= tứ quý danh hoa tượng trưng cho tinh thần cao quý, trong sạch, bất khuất. Có phải chăng nhìn cúc như thế đáng để bõ công làm thơ ca ngợi hoa hơn không?

Mirordor 
***
Hoa Cúc

Tưng bừng thu sắc tựa Đào gia
Thả bước rào thưa bóng xế tà
Chẳng giữa muôn hoa, yêu Cúc sẵn
Hoa này nở hết, hết muôn hoa!

Lộc Bắc
***
Dịch Nghĩa: 
Hoa Cúc

Mùa thu hoa cúc nở khắp nơi như nhà của họ Đào, 
Đi theo bờ giậu xem hoa lúc ngày dần xuống.
Không phải vì đứng giữa hoa mà thiên vị yêu hoa cúc 
Nhưng đợt hoa cúc này tàn thì không còn hoa nào nở trong năm nữa.

Chú Thích:

Cúc là loài hoa nở quanh năm. Hai vụ chính là xuân hạ và thu đông.
Đào Tiềm (365 - 427) tự Uyên Minh đời Đông Tấn, là nhà thơ nổi tiếng yêu hoa cúc.
Thi nhân thích hoa cúc không phải vì chính hoa cúc mà vì mùa đó không có hoa khác. Gặp mùa nhiều hoa thì chưa chắc. Đáng thương hại cho thân phận hoa cúc.

Dịch Thơ: 
Hoa Cúc

Thu sang cúc nở khắp nhà nhà
Rảo bước xem hoa lúc xế tà
Chẳng phải tình riêng ưa thích cúc
Cúc này rụng hết chẳng còn hoa.

Phí Minh Tâm 
***
Chrysanthemum  

In autumn, chrysanthemum flourishes everywhere like at Tao Qian’s house.
I walk along the hedge watching flowers as the day slowly goes down.
I like chrysanthemum not because I am surrounded by flowers.
However, when this chrysanthemum season is gone there will be no more flower blossoming this year.

Yuan Zhen
***

Cúc thu nở rộ tựa Đào gia
Rảo bước ven rào lúc xế tà
Chẳng phải bên hoa mà mến cúc
Mà vì cúc úa, hết muà hoa.

Hoàng Xuân Thảo  
***
Nhìn Hoa Cúc Nhớ Ông Đào

Cúc hoa rộ nở cửa ông Đào 
Thư thả thưởng hoa mọc cạnh rào 
Chẳng phải say mê màu rực rỡ
Mà quên bông khác bị hư hao 

 Lạc Thủy Đỗ Quý Bái

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Thơ Tranh: Đón Thu


Thơ: Mặc Khách
Thơ Tranh: Kim Oanh



Nửa Vời



Nửa thương nửa nhớ nửa quên
Nửa giông nửa gió nửa chìm mưa rơi
Thương ta thi sĩ nửa vời
Nửa say nửa tỉnh nửa ngồi tương tư

Nửa xuân nửa hạ nửa thu
Nửa mưa nửa nắng che dù tình ai?
Nửa đêm trăng gió thở dài
Nửa trong cay đắng nửa ngoài ngọt tươi

Nửa say nửa khóc nửa cười
Nửa mừng khoan thứ nửa phơi muộn phiền
Giữa đời nửa thực nửa điên
Trần gian nửa cõi gieo mềm câu thơ

Nửa thiền định nửa nằm mơ
Nửa xơ xác đất nửa bờ chiêm bao
Nửa tình đau nửa ngọt ngào
Nửa em- tôi- nửa xanh xao- xa vời

Trầm Vân

Thu - Tình Thu



Bài Xướng:

Thu


Thu mùa vàng lá cảnh chia phôi
Kỷ niệm trong nhau vụn vỡ rồi
Thả mảnh ân tình bay tứ xứ
Mong gì vá víu trái tim côi

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Tình Thu


Lá vàng em trách cánh phai phôi!
Khơi dậy hồn Thu say đắm rồi
Một chút tình thơ còn đậm nét
Có hàn vá được vết thương côi?

Song Quang

Tảo Thu Sơn Cư 早秋山居 - Ôn Đình Quân



Tảo Thu Sơn Cư 

Sơn cận giác hàn tảo,
Thảo đường sương khí tình.
Thụ điêu song hữu nhật,
Trì mãn thuỷ vô thanh.
Quả lạc kiến viên quá,
Diệp can văn lộc hành.
Tố cầm cơ lự tĩnh,
Không bạn dạ tuyền thanh.

Ôn Đình Quân 
***
 Dịch nghĩa: 


Tiết Thu Sớm Ở Trong Nnúi

Ở gần núi biết trời lạnh sớm
Nhà thảo đường sương bay lúc trời tạnh
Cây héo lá, ngoài cửa sổ có ánh mặt trời
Ao đầy nước lặng lẻ
Quả cây rụng thấy vượn đến
Lá khô nghe rõ chân hươu đi
Gảy đàn, lòng lo nghĩ đều yên
Chỉ bạn với nước suối về đêm.


***
Thu Sớm Trong Núi
(1)
Trong rừng núi, đã nghe lạnh sớm
Mái tranh nghèo, thu chớm, mờ sương
Ngoài song lá úa nắng vương
Ao đầy vắng lạnh, khói dường như mây.
Hoa trái rụng trên cây vượn hú
Đạp lá vàng một lũ hươu nai
Gảy đàn thanh thoát lòng ai
Bạn cùng suối nước đêm nay riêng mình
(2)
Trong núi lạnh heo may
Mái nghèo sương khói bay
Song ngoài nắng lá úa
Ao vắng nước tràn đầy
Qủa rụng , vượn đâu đến
Lá vàng vẳng hươu nai
Gảy đàn lòng tĩnh lặng
Suối nước bạn đêm nay


Mailoc
***
Thu Sớm Nơi Thảo Trang

Núi rừng se lạnh bởi heo may
Nhà cỏ sương giăng tựa khói bay
Lá úa ngoài song trời sáng tỏ
Ao sâu cạnh chái nước tràn đầy
Trái cây rụng khắp khêu bầy vượn
Khô lá rơi đều gợi lũ nai
Vắng vẻ khẩy đàn lòng tĩnh lặng
Bạn bè với suối chảy đêm nay

songquang
***
Thu Sớm Trong Núi

Cái lạnh mùa thu đến sớm hơn
Nhà tranh tĩnh lặng vắng hơi sương
Lưa thưa lá úa trên cành nắng
Lạnh lẽo hồ trong tựa mặt gương
Thấp thoáng vượn tìm hoa quả rụng
Xạc xào nai đạp lá vàng vương
Gẩy cây đàn mộc ngân cùng suối
Thanh thản lòng ta nhẹ lạ thường.


Phương Hà
***
1. Nguyên bàn chữ Nho của bài thơ:

早秋山居        Tảo Thu Sơn Cư

山近覺寒早, Sơn cận giác hàn tảo,
草堂霜氣晴。 Thảo đường sương khí tình.
樹凋窗有日, Thụ điêu song hữu nhật,
池滿水無聲。 Trì mãn thuỷ vô thanh.
果落見猿過, Qủa lạc kiến viên quá,
葉幹聞鹿行。 Diệp can văn lộc hành.
素琴機慮靜, Tố cầm cơ lự tịnh,
空伴夜泉清。 Không bạn dạ tuyền thanh.
溫庭筠             Ôn Đình Quân

2. Chú Thích:
- THẢO ĐƯỜNG 草堂 : ĐƯỜNG là Hall trong tiếng Anh, là cái phòng rộng lớn. Nhưng THẢO ĐƯỜNG ở đây là căn nhà cỏ, nhà tranh của những văn nhân thi sĩ ngày xưa khi ở ẩn. Gọi là Thảo Đường cho có vẻ cao nhã thanh thoát mà thôi.
- TÌNH 晴: là Tạnh, là Nắng ráo. Sương Khí Tình là chỉ Hơi sương đã tan.
- THỤ ĐIÊU 樹凋 : là Cây héo. Ở đây chỉ Lá cây vàng rụng nên cành lá thưa thớt. LINH là Điêu Linh là lưa thưa héo úa.
- TỐ CẦM 素琴 : là Cây đàn chay. Có nghĩa Cây đàn không có trang trí thêm hoa văn gì cho đẹp cả.

3. Nghĩa bài thơ:
Thu Sớm Trong Vùng Núi

Vì ở gần với núi non nên có cảm giác là cái lạnh của mùa thu đến sớm hơn. Trong gian nhà cỏ đã tạnh hơi sương, ta nhìn qua song cửa thấy ánh nắng đã le lói qua các cành cây lưa thưa lá úa, và một ao nước thu đầy lạnh lẽo trong veo trong yên tĩnh. Trái cây cũng vàng rụng nên thấp thoáng bóng của các con vượn thoáng qua. Bên tai lại nghe tiếng xạc xào của các con nai đạp trên lá vàng khô. Ta gãy chiếc đàn mộc mạc mà lòng lâng lâng yên tịnh, đến khi đêm xuống thì chỉ còn nghe có tiếng suối trong thanh thoát hòa lẫn với tiếng đàn mà thôi.

Câu thứ tư trong bài "池滿水無聲 Trì mãn thuỷ vô thanh" làm cho ta nhớ đến Tam nguyên Yên Đỗ với ...
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo!
và... câu thứ sáu "葉幹聞鹿行 Diệp can văn lộc hành" trong bài, lại làm cho ta liên tưởng đến thi sĩ Lưu Trọng Lư với ...

Con nai vàng ngơ ngác...
Đạp trên lá vàng khô !


Quả là một bài thơ đẹp cho cảnh mùa thu đến sớm với những người ẩn cư tại các vùng núi non xa xôi hẻo lánh : Yên tịnh, thanh thoát và cao nhã !

4. Diễn Nôm:

Thu Sớm Trong Núi

Hắt hiu núi gần lạnh sớm,
Nhà tranh vừa tạnh sương mù.
Cây rụng lưa thưa song nắng.
Nước đầy trong trẻo ao thu.
Bóng vượn chập chờn trái rụng,
Tiếng nai xào xạc lá khô.
Thanh thoát tiếng đàn mộc mạc,
lẫn trong tiếng suối như thơ.

Lục bát:

Hắt hiu xóm núi lạnh tràn,
Hơi thu nhà cỏ một gian sương mờ.
Nắng xuyên song cửa lơ thơ,
Cây cành thưa lá ao hồ nước dâng.
Vượn buồn trái rụng bâng khuâng,
Xạc xào nai đạp lá rừng vàng khô.
Đàn tranh mộc mạc lửng lơ,
Hoà cùng tiếng suối như mơ đêm trường.


Đỗ Chiêu Đức

Vitamin D Hay Calcium

Người lớn tuổi uống vitamin D hay Calcium không chống được loãng xương.

(Hình: Đằng-Giao/Người Việt).

- Bác Sĩ Ngô Bá Định khuyên: “Uống vitamin D hay Calcium chỉ phòng ngừa loãng xương nếu được uống đều đặn lúc còn trẻ khi xương còn trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển.” 

- WESTMINSTER, California (NV) – Bác Sĩ Ngô Bá Định, sáng Thứ Bảy, 15 Tháng Sáu, có buổi thuyết trình về phương pháp phòng chống bệnh loãng xương tại hội trường nhật báo Việt Báo, Westminster.

Dùng một câu đố làm “ice-breaker” để tạo không khí thân mật, Bác Sĩ Định hỏi mọi người: “Cách tốt nhất để không bị gãy xương là gì?”

“Là đừng để bị té ngã,” ông nhấn mạnh.

Không khí cả hội trường, như mong muốn, trở nên nhộn nhịp, thân thiện như một cuộc trò chuyện hơn là buổi thuyết trình.

Loãng xương là một chứng bệnh rất phổ biến cho những ai hơn 50 tuổi và có sức tác hại rất lớn. Ông cho biết: “Tới 50% các bà từ tuổi này trở đi sẽ bị gãy hay nứt xương.”

“Thống kê hằng năm cho thấy số người bị ảnh hưởng sâu rộng vì chứng loãng xương nhiều hơn tai biến mạch máu não, co thắt cơ tim và ung thư rất nhiều,” ông nói. “Và cũng như tai biến mạch máu não, loãng xương không có triệu chứng rõ rệt mà chỉ âm thầm, rồi đến khi té ngã, bị gãy hay dập xương thì bác sĩ mới biết.”

Theo ông Định, người gốc Việt nói riêng và gốc Á nói chung, thường bị loãng xương vì lý do chủng tộc. “Người mình thường có vóc dáng nhỏ bé, lại thêm hay ăn uống kiêng khem nên không đủ chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi xương,” ông cảnh báo. “Phải ăn đầy đủ cá, tôm, thịt, trứng thì mới mong có được một thân thể khỏe mạnh.”

Bác sĩ khuyên hai năm nên đi kiểm tra chỉ số T một lần để tránh loãng xương.

Nhất là những người từng sống nhiều năm trong tại tù “cải tạo,” bị suy dinh dưỡng liên tục gây ra nhiều tác hại lâu dài cho xương cốt.

“Các bác càng cao tuổi càng hay ăn chay kiểu Việt Nam và như vậy, cơ thể càng suy dinh dưỡng, rất dễ cho chứng loãng xương phát triển,” ông tiếp.

Bác sĩ nhận định, một quan niệm sai lầm được phổ biến trong cộng đồng chúng ta là uống vitamin D hay calcium sẽ chống được loãng xương.

“Điều này không chính xác. Những sinh tố này có thể phòng ngừa loãng xương nếu được uống đều đặn lúc còn trẻ khi xương còn trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển,” ông nhấn mạnh.

Thông thường, phụ nữ bắt đầu bị loãng xương vào thời kỳ hậu mãn kinh. Ông Định nói: “Để có kết quả tốt nhất, chúng ta phải điều trị ngay lập tức. Vì trong vòng từ năm đến bảy năm sau khi mãn kinh, các bà bị mất tới 20% lượng xương. Đây là con số rất lớn và xin đừng ai coi thường.”

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn, nhất là chú trọng đến thao tác chân.

“Ngoài các bộ tấn, phương pháp chống té ngã là khiêu vũ,” ông Định khuyên. “Khiêu vũ giúp tim mạch rất nhiều mà còn giúp đôi chân tăng cường phản ứng nhanh lẹ.”

Y khoa hiện đại khuyên mọi phụ nữ sau khi mãn kinh nên đi kiểm tra mật độ xương hai năm một lần để được chụp xương. Hình ảnh của việc kiểm tra này tên DXA (đọc là đếchxa). Kế quả thử nghiệm cho thấy chỉ số T (T-score).

Các bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào chỉ số T này để lên kế hoạch điều trị.

Hỏi han thân mật với từng người. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt).

- Tuy nhiên, không phải chỉ có phụ nữ mãn kinh mới có nguy cơ mãn kinh. Ước tinh y khoa cho thấy, hằng năm, có tới 2 triệu người đàn ông có nguy cơ bị loãng xương. Đàn ông, khi cơ thể giảm hay ngưng sản xuất nam tố “cholesterol,” sẽ có những chất hoại cốt, làm xương mỏng và giòn ra, như phụ nữ nên cũng rất dễ bị nứt hay gãy, vẫn theo ông.

Ông tiếp: “Triệu chứng nhẹ nhất của chứng loãng xương ở đàn ông là bị thấp đi so với lúc trẻ.”

Nhưng y học không bó tay trước căn bệnh nguy hiểm và phổ biến này, bởi vì đã có thuốc ngăn chận.

Bà Trương Thị Ổn, ở Huntington Beach, cười vui vẻ: “Kỳ này, hai vợ chồng tui sẽ ghi tên học nhảy đầm, vừa vui, vừa đề phòng té ngã.”

Ông Nguyễn Văn Thông, cư dân Garden Grove, chia sẻ: “Tôi đến để nghe nói về chứng loãng xương. Bà nhà tôi, hai năm trước bị vỡ xương chậu, phải nằm mãi rồi vì không hoạt động nên đâm ra buồn chán, bỏ ăn, bỏ uống rồi đuối sức dần. Đến khi yếu quá, phải uống sữa rồi bị tiêu chảy liên tục rồi chết.”

“Trước tôi nghĩ loãng xương là bệnh đàn bà. Hôm nay mới biết rằng đàn ông cũng bị luôn,” ông tiếp.

 Đằng-Giao 


Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

U.S.A Halloween



Xướng:
U.S.A Halloween

Chào mừng quí khách một ngày vui,
Phá phách hồn nhiên nếm đủ mùi.
Mấy lớp người già thân quấn vải,
Hàng đàn bọn trẻ mắt che đui.
An bình cả phố không lo ngại,
Thoải mái từng nhà chẳng sợ xui.
Ác hiểm trong lòng bay tản hết,
Tâm từ hiển hiện đẫy buồn lui.

Bảo Trâm
***
Mừng Lễ Halloween

Cuối tháng Mười luôn có cuộc vui,
Trẻ reo khắp phố kẹo ngon mùi.
Hí ha hí hửng kêu đoàn trít (treat),
Hô hố hả hê gọi nhóm đui.
Phố xá bấm chuông quay tiếng tốt,
Nhà nhà mở cửa tránh luồng xui.
Đưa từng miếng bánh trao thân thiết,
Đám nhỏ mừng ngày lễ tới lui.

Hồ Nguyễn
(30-10-2019)
***
Rước Hồn Ma Mùa Halloween

Quỷ xứ lưng tưng nhảy nhót vui
Diêm vương mở cửa thoát tanh mùi
Nhe răng lé lưởi, tay xương xốc
Tóc rối nanh dài, mắt tròng đui
Áo rộng thùng thình ôm xác, đói
Râu ria rậm rạp thấy hài, xui
Đêm nay thả ngục ma làm loạn
Kẹo mấy tiền xen* đuổi chúng lui 

*Xen: Tiền cent
Trần Đông Thành
***
Lễ Hội Halloween 

Lễ hội ma về thật nhộn vui
Bày ra đủ kiểu quậy đầy mùi
Người già vẽ mặt nhe răng khểnh
Trẻ nhỏ bôi mày bịt mắt đen
Lắm chỗ liềm dao giăng chẳng sợ
Nhiều nơi ổ nhện bủa nào lùi
Từng đoàn gỏ cửa chờ xin kẹo
Quỷ đến chơi cùng chủ ...khỏi xui 

Minh Thuý Thành Nội
***
U.S.A Halloween

Ma nhát màn giăng gió lạnh vui
Hồn nhiên phá phách biết bao mùi
Nơi nào quỷ sứ người ta đói
Chốn ấy sa tăng bọn họ đui
Hùng mạnh an cư không sợ hãi
Công bình lạc nghiệp chẳng lo xui
Trẻ em ăn mặc như âm phủ
Người lớn hoá trang có kẻ lui 

Mai Xuân Thanh
Ngày 24/10/2019
***
Halloween Ở ST Lambert

Náo nức mọi người được tối vui
Trẻ em chửng rỡn,thiếu chi mùi !
Cải trang giả dạng :đây sao sáng
Đổi áo thay hình: đó kẻ đui
Hải tặc vô nhà không sợ xúi
Cà rồng * gõ cửa chẳng lo xui
Kẹo ngon,trái ngọt xin đầy túi
Đã nửa khuya rồi, phải rút lui

*tên ma

Thanh Hoà
***
 Happy Halloween

Mỗi năm thành quỷ một lần vui
Thơm ngát son tô phấn điểm mùi
Không có ma nghèo tai giả điếc
Chẳng còn mãnh khoẻ mắt vờ đui
Chuyện tà nhưng vẫn luôn chờ đọc
Thơ mị xem ra muốn xả xui
USA Halloween đã dự
Âm cung lỡ tới, sợ chi lui...

Happy Halloween 2019
Cao Mỵ Nhân

Halloween Và Chuyện Tái Ông Mất Ngựa


Trong cuộc sống hàng ngày, khi một chuyện xấu xảy ra ngày hôm qua lại dẫn đến một chuyện lành cho ngày hôm sau, hay một cái phước chúng ta nhận được tháng này lại đưa đến một tai họa cho tháng tới, chúng ta thường nghe bạn bè bàn, "Cuộc đời này đúng là một chuỗi Tái Ông mất ngựa. " 

May đó, rủi đó, trong cái may có cái rủi, trong cái rủi có cái may. 
Cứ bình-tỉnh mà chờ xem sự biến-dịch kỳ-diệu của đất trời. 

Chuyện "Tái Ông mất ngựa" là một câu chuyện rất phổ-biến mà chúng tôi chắc trong chúng ta không ai không biết. 
Nhưng câu chuyện này thì có dính dáng gì đến lễ Halloween sắp tới?
Xin mời quí anh chị bỏ ra 2 phút. 

Chuyện kể một phú ông nọ có một con ngựa cái rất quí, một hôm chạy lạc mất vào rừng. Ngựa lạc vào rừng chứ không phải phú ông lạc vào rừng. 
Hàng xóm lập tức sang chia buồn. 
Phú ông tiếc con ngựa quí, nhưng với kinh-nghiệm sống của một người từng trải, cười mếu máo trả lời, "Chưa chắc đã là rủi!"

Ba ngày sau, con ngựa cái rất quí kia trở về, dắt theo một con ngựa đực rất dại gái, ra mắt phú ông. Ngựa đực mà không dại gái thì người ta gọi là con lừa. 
"Trai khôn tìm vợ chợ đông, Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân." Chốn ba quân mày không kiếm, lại đi vào rừng lôi ra một thằng chồng dại gái thì mày chỉ khổ thân thôi con ơi! Một khi "con ong đã tỏ đường đi lối về", ngựa rừng "quất ngựa truy-phong" chạy về rừng lại thì mày chỉ có khổ thân nuôi con dại thôi ! 
Ông bà hàng xóm, đã về hưu, không có việc gì làm, suốt ngày chỉ để ý đến việc nhà người khác, thấy ngựa cái đưa ngựa đực về, lập tức đon đả chạy sang chia vui. 
Phú ông vuốt râu, mỉm cười cám ơn, gật gù, "Chưa chắc đã là may!" 

Ngày hôm sau, cậu con trai của phú ông, từ trước đến nay chỉ cưỡi ngựa cái, nay thấy con ngựa đực, thích quá, có mới nới cũ, dắt ngựa mới ra cưỡi. Ngựa rừng chưa được huấn-luyện, hất tung cậu trai xuống đất, cậu bị té gãy chân. 
Ông bà hàng xóm, vừa lập tức chia buồn với phú ông, vừa mắng con ngựa đực đang đứng đực mặt kia một trận thật thậm tệ. 
Phú ông ngửa mặt nhìn trời, lầm bầm gì đó trong miệng không ai nghe được. Bị hỏi mãi phú ông mới quát lên, "Cũng chưa chắc đã là rủi!"
Cậu con trai nghe bố phán như vậy mà thấy đau đớn cả cõi lòng. Con gãy chân mà bố còn cho là chưa rủi thì cái gì mới là rủi. Ức bố lắm nhưng cậu không cãi với bố được vì ngoài cái chân bị gãy ra, xương quai hàm của cậu cũng bị bể trầm trọng, số răng mất và còn ngang ngửa. 

Rồi chiến-tranh bùng nổ. Giặc Tàu ỷ mình đông, lại thích Hoàng Sa và Trường Sa, nên đem quân xâm-lăng xứ ta. 
"Giặc đến nhà đàn bà phải đánh", nhưng rất tiếc lúc bấy giờ bà Trưng bà Triệu chưa sinh ra nên công việc đánh giặc đành phải tạm giao cho đàn ông con trai cáng đáng. 
Trai tráng trong làng ai cũng phải vào lính, nhưng cậu con trai của phú ông, nay chỉ còn một chân, được miễn-dịch vì lý-do sức khỏe. Ông bà hàng xóm lại lập-tức sang chúc mừng. Và phú-ông, rất kinh-nghiệm như thường-lệ, "Chưa chắc đã là may!"

Quả y như rằng, một đêm nọ cả làng bị hỏa-hoạn, trong khi mọi người kẻ trước người sau chạy thoát được thì cậu con trai của phú-ông chạy không được nhanh, bị phỏng nặng. May mà sau đó được cứu sống, được gia-đình lo chữa-trị đàng-hoàng. Nhưng hình-hài của cậu nhìn thì rất kinh-khủng, mặt mũi đầy cả sẹo. 
Ông bà hàng xóm lại lập-tức chia buồn, và phú-ông lại gân cổ, "Chưa chắc đã là rủi!"

Cuối tháng Mười năm đó, cả làng được biết cậu con trai của phú ông đoạt được giải nhất trong một Halloween Contest được tổ-chức trong tỉnh. 
Thật sự thì cậu có biết gì về Halloween Halloweet gì đâu mà ghi danh dự thi. Bạn bè rủ đi xem thì đi vậy thôi. 
Nào ngờ ban giám-khảo vốn dày kinh-nghiệm, toàn là những chuyên-viên hoá-trang bậc thầy về Halloween, lại được Trời phú cho những cặp mắt thật tinh-đời, thấy cậu trai ngồi ngay hàng đầu, nghĩ là mình phát-hiện ra được một tài-năng xuất-chúng mà lại quá khiêm-tốn, kéo cậu trai lên sân-khấu tặng ngay cho giải nhất trong tiếng reo hò cổ võ hoan-hô của cả ngàn người xem.
Giải có tên rất dài, "Hoá-trang như vậy mới gọi là hoá-trang!"
Một điều thật đáng tiếc là trong số khán-giả đi xem hôm đó không có hai vợ chồng ông bà hàng xóm của phú ông, cặp vợ chồng chuyên sang nhà phú-ông để chia vui chia buồn khi có dịp.


Nửa khuya hôm đó, đang say giấc nồng, ông bà hàng xóm giật mình thức giấc vì tiếng đập cửa dồn dập. Cả hai vợ chồng đang hốt hoảng không biết chuyện gì xảy ra, vừa mở cửa thì đã thấy phú ông đứng đó dậm chân thình thịch, hậm hực, "Tôi không thể ngồi nhà mà chờ hai bác mãi được. Sang chia vui đi chứ." 
Hai vợ chồng ông bà hàng xóm nhìn nhau ngơ ngác, có biết chuyện gì đâu mà chia vui với phú ông. 
Phú ông hiểu ra, giả lả, "Số là thằng con nhà tôi tối nay vừa may mắn được tỉnh thưởng cho cái giải nhất Halloween được..." 
Người ta nghe có tiếng cánh cửa đóng sầm, và tiếng ông bà hàng xóm, rất ngái ngủ, gắt tướng lên, "Chưa chắc đã là may!" 

Từ đó, chuyện "Tái Ông mất ngựa" được đổi tên thành "Tái Ông mất bạn"

Happy Halloween!

Sống ở trên đời chuyện rủi may,
Thường nối tiếp nhau tạo đổi thay,
Cái Phước hôm nay vừa nhận được,
Có thể tạo Họa cho ngày mai,
Cho nên, khi vui không vui quá,
Bởi vậy, lúc buồn chớ buồn dai,
"Tái Ông Mất Ngựa" thành "Mất Bạn",
Halloween chỉ là cái cớ đây!

Lê Xuân Cảnh



Đại Tặng Nhị Thủ - 代贈二首


Nguyên Tác:           Phiên Âm:

代贈二首                 Đại Tặng Nhị Thủ

樓上黃昏欲望休     Lâu thượng hoàng hôn dục vọng hưu
玉梯橫絕月中鈎     Ngọc thê hoành tuyệt nguyệt trung câu
芭蕉不展丁香結     Ba tiêu bất triển đinh hương kết
同向春風各自愁     Đồng hướng Đông phong các tự sầu.

東南日出照高樓     Đông nam nhật xuất chiếu cao lâu
樓上離人唱石州     Lâu thượng ly nhân xướng thạch châu
總把春山掃眉黛     Tổng bả xuân sơn tảo mi đại
不知供得幾多愁     Bất tri cung đắc kỷ đa sầu.

 李商隱                     Lý Thương Ẩn  
***
Dịch nghĩa: 

Viết Thay Lời Tặng 

Trên lầu cao từ lúc hoàng hôn, đứng trông ngóng tin vui (chờ chàng) 
Cầu ngọc [do ô thước nối nhịp trên trời] bị trăng như lưỡi liềm cắt ngang 
(Trong sân, lòng chàng như) lá chuối non chưa nhú, kết hợp với(tình nàng như) nụ đinh hương 
Cả hai cùng hướng về gió xuân mà buồn rầu. 
Mặt trời mọc hướng đông nam chiếu vào lầu cao,
Người chia biệt ly ở trên lầu hát khúc Thạch Châu.
Cô gái thường hay vẽ chân mày với phấn đen như nét đẹp của núi xuân,
Nào hay chỉ được thêm bấy nhiêu sầu? 

Ghi chú: 

Thơ của Lý Thương Ẩn có nhiều ẩn dụ và điển tích khó hiểu. 
Hai bài thơ nói lên tâm trạng thiếu nữ ngóng chờ người yêu (có lẽ đã nhiều ngày qua) trên lầu cao nên có thể nhìn cảnh vật xung quanh, nhìn trời nhìn trăng mây… Gần đến sáng khi trăng đã khuyết tà, người yêu không thấy đâu. Lòng sầu muộn nhìn xuống vườn ví người yêu như đọt chuối non chưa nhú và ví mình như các nụ búp đinh hương. Cả hai kết quyện vào nhau, cùng buồn chịu đựng cái lạnh của gió Xuân. 

Không thấy đâu nói về thời lúc của hai bài thơ. Nhưng có lẽ nàng đã chờ từ hoàng hơn đến sáng, cho đến khi mặt trời mọc chiếu vào cao lầu. Nhìn và nghe khách biệt ly hát khúc Thạch Châu (một bản nhạc phủ không phải Thạch Châu Từ đời Bắc Tống). Dù nàng có dùng phấn đen vẻ chân mày đẹp như núi Xuân, thì cũng không biết chỉ được thêm bấy nhiêu sầu muộn. 

đại tặng: lời một thiếu nữ, viết tâm tình của nàng trông nhớ tình nhân, gửi tặng chàng. 
hoàng hôn: chờ từ lúc hoàng hôn vì trai gái ít khi hẹn nhau ban ngày. 
dục vọng hưu: muốn trông ngóng tin vui. Ở đây hưu là la danh từ có nghĩa là việc tốt lành, tin vui ; không là động từ có nghĩa là nghỉ ngơi như thường được dịch. 
ngọc thê: thang ngọc, cũng chỉ nhà ngọc, nhưng ở đây nhà ngọc không nghĩa. Có thể là các từng mây từ thấp lên cao và bị liềm trăng cắt ngang. Muốn đến lầu với nàng, phải lên thang. Như một ẩn dụ, thang trống là người không đến, thang gẩy ngang là khó khăn trở ngại. Ngọc thê được xử dụng trong nhiều điển tích: 
. Giang Yêm đời Nam Triều nhà Lương viết trong bài “Xướng Phụ Tự Bi Phú”: 

Thanh đài tích hề ngân các sáp 青苔积兮银阁涩 
Võng la sanh hề ngọc thê hư     网罗生兮玉梯虚 

Rêu xanh được tích lũy trong gian hàng bạc 
Lưới được sinh ra trong thang ngọc. 

. Đỗ Mục trong bài “Quý Du”: 

Môn thông bích thụ khai kim tỏa 門通碧樹開金鎖 
Lâu đối thanh san ỷ ngọc thê       樓對青山倚玉梯 

Cánh cửa được kết nối với cây và khóa vàng 
Tòa nhà nằm trên bậc thang ngọc bích của Thanh Sơn. 

Đinh hương kết: nụ hoa tử đinh hương. Có một ý nghĩa gần như cố định với người Trung Hoa hợp với tâm sầu muộn của con người. Thơ thường sử dụng như một phép ẩn dụ cho ưu sầu kết đọng phức tạp mà không lý giải được. Nhiều thi nhân, ngoài Lý Thương Ẩn, dùng ẩn dụ này như : 

· Lý Cảnh (李璟): 

Thanh điểu bất truyện vân ngoại tín 青鸟不传云外信 
Đinh hương không kết vũ trung sầu 丁香空结雨中愁 

Chim xanh không chuyển thư tín bên ngoài mây 
Đinh hương chỉ kết nụ trong mưa sầu. 

· Ngưu Kiệu (牛峤): 

Tự tòng nam phổ biệt      自从南浦别
Sầu kiến đinh hương kết 愁见丁香结 

Tự ý rời Nam Phố 
Buồn nhìn thấy nụ đinh hương. 

· Lục Quy Mông (陸龜蒙): 

丁香                     Đinh Hương
江上悠悠人不問, Giang thượng du du nhân bất vấn
十年雲外醉中身, Thập niên vân ngoại túy trung thân
殷勤解卻丁香結, Ân cần giải khước đinh hương kết 
縱放繁枝散誕春, Túng phóng phồn chi tán đản xuân. 

Thong dong tự tại trên sông, không hỏi chuyện với người 
Mười năm thân say sưa ngoài mây trời. 
Ý tình thâm hậu, thôi đừng giải thích về nụ đinh hương 
Buông thả nhiều cành để giải buồn ngày Xuân. 

Đông phong: là gió Xuân thổi từ hướng Đông. 
đông nam nhật xuất: Lấy ý từ bài "Mạch thượng tang" trong cổ nhạc phủ: "Nhật xuất đông nam ngung hành 艷歌羅敷行” của Lục Ky đời Tây Tấn. 
thạch châu: Tên một khúc hát cổ nhạc phủ, tả nỗi mong nhớ chồng đi lính của chinh phụ. 
xuân sơn tảo mi: Vẽ lông mày như nét núi mùa xuân. Tương truyền: "Nàng Trác Văn Quân xinh đẹp, lông mày như nét núi trông từ xa". Tướng pháp gọi loại lông mày này là thanh tu mi từ tục ngữ:" Mi tự thanh sơn" 

Dịch Thơ: 
Đại Tặng 

Hoàng hôn ngóng đợi chốn thư lầu 
Thang ngọc gẩy ngang trăng móc câu 
Ôm ấp đinh hương chuối chẳng nhú 
Gió Xuân lạc hướng cũng buồn rầu. 
Vành trời chiếu sáng nắng từ lâu 
Khách tiễn ca vang khúc Thạch Châu 
Vẽ đẹp núi Xuân mày sắc đậm 
Nào hay lại được bấy nhiêu sầu. 

Phí Minh Tâm
***
Great Gift 
On the upper floor, she has been waiting the good news (him) since dusk 
The jade ladder is (empty and) broken horizontally by the crescent moon 
In the yard, the plantain (his love) has not unfurled and still wraps the clove knots (her heart) 
Both facing the Spring wind share self inflicted sadness. 
The sune rises from the southeast shining the tall buliding 
Where people are singing the Shizhou farewell 
She painted her eyebrows with black powder in the shape of Sping mountains 
Without knowing she only acquires so much more sorrow.

 Li Shangyin 


Xót Những Tàn Phai



Xướng:
Xót Những Tàn Phai

Một mai ta cũng hóa thành mây
Vươn tít tầng cao, thỏa tháng ngày
Sơn thủy hữu tình du phách lạc
Giang hồ vô hạn lãng hồn say
Đêm rằm thanh thản giăng tơ mảnh
Ngày nắng an nhiên soãi bóng dài
Chợt thấy cõi trần như vói gọi
Nghe sao mặn đắng những tàn …phai

Cao Bồi Già
27-10-2019
***
Bài Họa:
Lòng Già Cảm Thấu Thương Cao Vỡ

Trẻ thả hồn phiêu lộng gió mây,
Già ngồi nhặt nắng rụng chân ngày.
Thôi lời phách lối khi thi hứng,
Bớt giọng ngang tàng lúc tửu say.
Tiễn tuổi qua mùa,...khâu khắc lậu,
Dọn thu xuống bóng,...liệm canh dài!
Lòng già cảm thấu hương cau vỡ,...
Ngùi xót thế nhân sắc lạt phai?

27-10-2019

Nguyễn Huy Khôi
***
Thương Xót Trần Gian


Ngang trời lơ lửng những tầng mây
Phiêu bạt không trung mải miết ngày
Thiếu nữ mơ màng ...xây mộng ảo
Thi nhân đắm đuối...ước mơ say
Trườn tay ôm ấp dòng sông rộng
Xoải cánh tung bay bãi biển dài
Ngó xuống trần gian đau xót lệ
Thu tàn mầu sắc sớm phôi phai

Thanh Hoà
***
Tiếc Cánh Hoa Tàn

Tiếc những đài hoa sắp nhạt phai
Rồi mau tàn tạ tháng năm dài
Tình ong ấp ủ men sầu đắm
Đời bướm chờ mong cuộc tỉnh say
Khiến kẻ phong sương thương sắc dạ
Cho người phiêu lãng nhớ hương ngày
Cánh hồng trong gió....trời Xuân mộng
Tựa cánh bèo trôi...tựa áng mây

songquang
***
Điểm Mộng

Lãng đãng du hồn đến ngọn mây
Lòng luôn huyễn hoặc tiếp bao ngày
Mơ hoa cuối bãi dâng tình đắm
Mộng cảnh đầu đường lạc mắt say
Kiếm nắng lùa sương hoài kiếp tận
Tìm trăng tựa gối suốt đêm dài
Cho vơi mệt mỏi niềm cay đắng
Điểm lại bên mình những nhạt phai

Minh Thuý ( Thành Nội )
***
Chút Nắng Thu Phai

Đã biết đời người tựa bóng mây
Sao còn khắc khoải suốt đêm ngày!
Non xa bàng bạc màu thu quạnh
Đông lạnh chập chờn giấc mộng say
Gợi mãi...bao lần câu chuyện cũ
Khơi hoài...một thuở nét mi dài
Ai về giữa bến sông thương đó
Giữ hộ dùm em chút nắng phai!
Thy Lệ Trang
***

1/ Hẳn Không Phai

Đời sau nếu được cưỡi làn mây
Ngắm lại nơi nơi của những ngày
Cánh ruộng cày gieo bông lúa mẩy
Bờ hồ hò hẹn nợ duyên say
Vui vui, mỹ cảnh nhiều tua thú
Ngán ngán, giường tim lắm đận dài
Xướng họa thi bài đà mạng quản
Khoảng thơ thú vị hẳn không phai 


Trần Như Tùng
***
Chiu Chắt Tình Phai
Thành San khói phủ tưởng lầm mây
Ta đếm thời gian từng mỗi ngày
Biển bỗng như là xô sóng nổi
Sương vừa thất lạc hút trời say
Người chưa kịp đến hồn thơ lạnh
Khách vẫn buông lơi mái tóc dài
Đứng trước mênh mông, thầm tiếc lạ
Tình sầu chiu chắt sẽ dần phai...

Hawthorne 27 - 10 - 2019

Cao Mỵ Nhân
***
Nếu Có Kiếp Sau

Tôi muốn biến thành một áng mây
Che tia nắng gắt giữa ban ngày
Bao người lao động vơi cơn nhọc
Những buổi hẹn hò thỏa mộng say
Làm gió qua nương gieo phấn chín
Khiến đòng chắc hạt trĩu bông dài
Vầng trăng lồng lộng soi thề ước
Đôi lứa chung tình dạ chẳng phai.

Sông Thu
***
Mơ Mộng

Nếu một ngày kia sẽ hóa mây,
Ta bay thanh thản suốt đêm ngày.
Qua vùng Tây trúc đời sung sướng,
Đến chốn Thần Tiên kiếp đắm say!
Ngắm tóc nhung xinh trao vuốt ngắn,
Nhìn môi thắm đẹp đặt hôn dài.
An nhàn hạnh phúc không lo ngại,
Mãi mãi êm đềm chẳng nhạt phai.

Hồ Nguyễn
(24-10-2019)
***
Dễ Nào Phai

Tuổi già kề cận phút lên mây
Bận bịu mà chi, chẳng mấy ngày
Nước biếc non xanh, luôn quyến rũ
Thơ hay rượu quý, mãi vui say
Vầng trăng sáng tỏ niềm mơ ngắn
Thế tục dần vơi tiếng thở dài
Sông núi chưa tàn cơn gió bão
Tang bồng chí lớn dễ nào phai

Người Nay
***
Chẳng Hề Phai

Đường về cát bụi mịt mù mây
Một kiếp nhân sinh lặng lẽ ngày.
Lụy sắc tham danh người đắm mộng
Say quyền đắm lợi kẻ mơ say.
Giai nhân bịn rịn xuân hồng thắm
Thiếu phụ xót xa lệ ngắn dài.
Ngơ ngác mắt già nhìn lá úa
Có gì xanh mãi chẳng hề phai?

Mailoc
***
Dấu Mờ Phai

Có lần ngồi ngắm gió đùa mây
Thay đổi bao nhiêu khoảnh khắc ngày
Muôn vạn sắc màu đầy quyến rũ
Trăm nghìn hình dạng đủ mê say
Ráng vàng về muộn trên đồi vắng
Chiều tím ngủ mê dưới ngõ dài
Thầm ước cuộc đời thôi héo hắt
Để đừng khoác mãi áo sờn phai!

Phượng Hồng
***
Như Mây

Lờ lững phương trời như đám mây
Lang thang khắp nẻo …để quên ngày
Núi rừng bát ngát lòng thanh thản
Sông nước bao la dạ đắm say
Nắng quái chiều hôm màu ráng đỏ
Trăng thanh gió mát bóng cây dài
Trời thu lộng lẫy hoà muôn sắc
Mộng đẹp ôm hoài chẳng nỡ phai!

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Thương Người Như Thể Thương Thân


Rồi một ngày, ba đưa về nhà con bé, trạc tuổi cậu em út của tôi và rằng “Đây là con gái út của ba, không đứa nào được ăn hiếp nghe.” Câu giáo đầu có ý nhắc khéo, nhưng có trời mới tin được, cô bé tên Lòng kia là con gái út của ba. 

Lòng có làn da bánh mật, tóc bum bê ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nhỏ, có duyên ở nụ cười, để lộ hàm răng trắng ngần. Con bé với bọc đồ nhỏ trong tay, đứng nép sát vào ba, vẻ ngơ ngác, đôi chút rụt rè, nhìn chúng tôi. Ba cho biết Lòng đến giúp má, phụ việc trong nhà. Trong bỡ ngỡ lẫn xót xa, tôi thầm nghĩ, tuổi đời còn quá nhỏ nhưng bé phải rời gia đình đi giúp việc cho nhà người. 

Ba, lúc ấy là chủ một nhà máy xay lúa, sống xa gia đình ở cùng với gia đình Cậu Tư tôi, đôi ba ngày hay cả tuần lễ mới về thăm nhà. Có việc cần, má bảo tôi xuống nhà máy gọi ba về. Với khoảng thời gian đợi chờ ba không lâu, nhưng là một khúc phim dài, đầy ý nghĩa, mãi đeo đẳng theo tôi.

Dù là chủ nhà máy, nhưng nếu không tận mắt nhìn thấy nơi ăn, chốn ở và việc ba làm, khó tưởng nổi ba là chủ nhân ông, chỉ biết ngồi yên trước bàn để thu tiền công xay lúa từ khách hàng như những ông chủ khác. Tiếng ồn ào của máy xay lúa lẫn động tác của đôi tay không ngừng nghỉ, ba phụ người này nâng cái thúng gạo lên, giúp người kia mở bao bố để đổ cám vào. Mái tóc ba trắng phơ bởi bám đầy bụi cám. Trên con đường trở về Vĩnh Long, đầy “ổ gà”, tôi ngồi ôm chặt lấy ba, trên chiếc xe gắn máy Yamaha. Lưng ba còn vương vương mùi bụi cám. Trái tim tôi như có lời vọng ra...”sao thấy thương ba quá đổi”.

Qua lời của ba, con của ba được cho ăn học, đứa con nào muốn học đến đâu, ba lo cho tới đó. Nhưng, có những đứa trẻ khác không được như vậy. Công việc ba làm, dù cực nhọc, nhưng có những người khác đã cực nhọc và kém may mắn hơn ba rất nhiều. Ba kể rằng, mỗi lần một bà mang lúa đến xay, luôn có một con bé lẽo đẽo bên cạnh phụ giúp. Thấy sự vất vã của bà và tương lai mờ mịt của Lòng, ba thương cảm cảnh đời của con bé. Con bé được sinh ra trong một gia đình nghèo, lam lũ với miếng cơm manh áo. Và xót xa hơn mà ba nhận ra, là qua đôi mắt trong sáng đó, con bé không may lại mù...mù chữ.

Sau những lần đắn đo, ba ngỏ ý và bà đã bằng lòng cho con bé về với gia đình chúng tôi, giúp má làm việc lặt vặt trong nhà. Ở tuổi này, bé làm gì có thể quán xuyến nổi một bữa ăn, Lòng chỉ phụ hợ, má sai đâu làm đó, bảo gì nghe nấy. Lòng suốt ngày lẽo đẽo bên má, được má may quần áo mới cho mặc, học cách sử dụng bếp núc, giặt giũ, học cách ăn, cách nói và cả học chữ. Phần giặt giũ, con bé chỉ lo cho ba má tôi, còn áo quần của chúng tôi thì mỗi đứa phải tự liệu. Đến giờ cơm, Lòng được ngồi cùng bàn, ăn chung mâm. Khi má nghỉ trưa, Lòng cũng được ngủ trưa. Tối đến má xem tivi, Lòng cũng được xem cải lương, thưởng thức nhạc. Lúc các em tôi ngồi vào bàn học, Lòng được má tôi dạy tập viết ngoài ra dạy thêm tiếng Pháp nữa.

Khi cô bé lớn thêm một chút, Lòng được tập chạy xe đạp. Con bé ham học và thích thú lắm. Ngồi chưa tới yên xe, một chân thọt bên này, một chân với bên kia, thế mà con bé cũng chạy được. Suốt ngày, bé luôn mong mỏi má tôi sai bảo đi mua đồ lặt vặt. Con bé còn đạp xe đến trường, bé chờ, bé đợi, đến giờ tan học của hai em gái tôi, để chở một trong hai cô chủ nhỏ về nhà.

Thời gian lặng lẽ trôi, cô bé từ giả để về quê lập gia đình. Ngày Lòng rời nhà, má tôi đã cho bé một ít tư trang. Lòng không còn sống chung dưới mái gia đình của tôi nữa. Thật đáng tiếc cho gia đình tôi và cả Lòng!

Hôm nay ngày giỗ thứ 22 của ba. Nhớ ba, hình bóng con bé Lòng lại thấp thoáng, từ ngày đầu đến lúc rời xa chúng tôi. Cái tình của con bé cho đi là kỷ niệm đẹp, khó quên. Đó là lần, sau giấc ngủ trưa, con bé chìa ra hai củ khoai lang luộc và thỏ thẻ với má tôi, “con cất riêng hai củ khoai, để dành cho ông mười bà mười”. Tình ba má tôi cho đi, tình con bé đáp lại, đơn giản qua hai củ khoai lang luộc, nhưng đậm tình người. Một bài học gián tiếp, không lời, nhưng rất thực tế. Ba đã dạy chúng tôi biết thế nào là tình thương giữa người và người. 

Ba không còn, nhưng tôi vẫn nhớ ba mà thương, thương ba mà nhớ, nhớ những gì ba đã trải qua lúc thiếu thời, nhớ những gì ba đã nói khi ba sắp sửa lìa khỏi cuộc đời… Ba đã dạy chúng tôi biết thế nào là tình thương giữa người và người qua Lòng, một nhân vật có thật. Đó là hành trang ba đã trao truyền lại cho các con, sự rắn rỏi chống chỏi với đời và từ tâm của một con người.

Kim Phượng
30.10.2019


Lời Cuối Cho Cụ Ông Lê Văn Sang (Điếu Văn 30/10/1997)


Ba thương yêu ơi! 
Thời gian thật nhanh, mới đó mà đã 22 năm ba rời xa chúng con.
Với chừng thời gian ấy con chưa thể nào quên được. Hôm nay lục lại những kỷ niệm của ba má, con đọc lại những lời của Ông Trần Văn Quản, Thành Viên của Hội Nghi Lễ Liên Bang Úc Châu, viết và đọc Điếu Văn trong ngày tiễn đưa ba. Ngậm ngùi lắm ba ơi.

Úc đang xuân, hoa đua sắc thắm, con lại nhớ ba nhiều hơn. Nhất là ngày con cất được căn nhà đầu tiên, một tay ba trồng trọt, chăm chút vườn tược được đơm hoa kết trái xinh tươi. Hình ảnh ấy mãi mãi trong tâm trí con và các cháu của ba. Con nguyện cầu nơi Thiên Đàng ba an hưởng thanh nhàn, hạnh phúc đời đời cùng má nha ba.

Muôn hoa sắc thắm rộn ràng
Mùa Xuân năm cũ lòng chan chứa về
Nguyện cầu nơi chốn Trời Quê
Ba Má an hưởng tràn trề ân Thiên
Làm con Ba Má là duyên
Mong thêm kiếp nữa con nguyền khắc tâm!

Con gái Chín của Ba.
Lê Thị Kim Oanh
Melb.30-10-2010
***
Điếu Văn của Ông Trần Văn Quản

Cuộc Đời và Sự Nghiệp



Trước khi bắt đầu phần nghi lễ, tôi xin chuyển lời cảm ơn chân thành của tang gia đến toàn thể quí vị, trước cảm tình ưu ái nồng nàn, đến phân ưu và chia sẻ những mất mát lớn lao nhất và tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghĩ cuối cùng. 
Trong lúc tang gia bối rối có điều chi sơ sót mong quí vị vui lòng lượng thứ và bỏ qua cho.

Sự ra đi vĩnh viễn của Ông Lê Văn Sang đã khiến chúng ta tạm gác lại các sinh hoạt hàng ngày để cùng nhau đến đây bày tỏ niềm mến tiếc luyến thương người quá cố. Một điểm chung của tất cả chúng ta hiện diện nơi đây cùng có với ông Sang một tấm chân tình yêu thương và quý trọng.

Cuộc sống ở đời này, là mạch sống nối tiếp liên tục với người xưa. Chúng ta là di sản, là thọ hưởng các công trình và ân huệ của người xưa để lại. Hôm nay nhân lúc chúng ta thành tâm đưa tiễn thêm một người nữa ra đi. Sau khi đã hoàn thành trách nhiệm của cõi đời. Cũng là lúc tốt nhất để chúng ta gác lại những bận rộn của cuộc sống để tâm tư mình lắng đọng, bình tâm suy gẫm về cuộc đời. Một cuộc đời đã sống cùng phấn đấu dài, đã hoàn tất nhiều công trình còn để lại cho người sau thừa hưởng, những người thừa hưởng đó có thể có ảnh hưởng đến cho cả chính chúng ta.

Ông Lê Văn Sang sinh ngày 16-12-1914 tại Xã Trung Ngãi, Quận Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình khá giả. Cha của ông là Bang Biện thời trước, nhưng gia đình rất đổi thanh liêm, Mẹ ông ở nhà cũng phải tảo tần nuôi dạy bảy người con, 5 gái, hai trai.
Khi còn trẻ ông Sang rất chăm chỉ học hành nên được gia đình gởi lên Sài Gòn đi học theo chương trình Pháp. Nhưng đến thời kỳ khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam. Ông phải trở lại quê nhà sinh sống. Ông sớm ý thức được rằng, nông nghiệp là căn bản của nền kinh tế Việt Nam, ông say mê trồng trọt. Đỡ đần công việc cho Cha mẹ.

Đến năm 1939, ông được 25 tuổi, sự nghiệp vững vàng nên ông vâng lời cha mẹ cưới vợ. Bà Võ Thị Thoại khi đó là người thiếu nữ đẹp nổi tiếng tại địa phương. Đôi uyên uơng lúc ấy là cặp trai tài gái sắc, xứng đôi vừa lứa.

Đến năm 1945 chiến tranh xảy ra, Ông là nhà nông nên không bị lôi cuốn nhiều về cuộc chiến. Nhờ đó ông có cơ hội và thời giờ phụng dưỡng mẹ cha trong lúc tuổi già cùng nuôi dạy các con.

Gần đến 1954 cuộc chiến sôi động. Theo luật pháp thời đó ai có trên 5 người con không phải đi lính. Nhờ vào cơ duyên này ông cảm thấy mình may mắn nên ông phát tâm làm việc thiện. Ông thường khuyên răn con cái làm lành lánh dữ, thường xuyên giúp đỡ mọi người.

Theo quan niệm xưa của người Việt, gia đình đông con là biểu tượng gia đình có phước đức. Ông tự hảnh diện, cám ơn Trời Phật về điều này. Rồi tự đặt cho mình một trách nhiệm lớn lao là sẽ nuôi dạy con cái trở thành người hữu dụng. Rút kinh nghiện bản thân qua những gian khó vì chiến tranh cho nên ông cố gắng tránh cho con mình bị lôi vào vòng quỹ đạo đó, bằng cách khuyến khích các con tích cực làm các công việc xã hội, đồng thời khích lệ con chuyên cần học tập.

Đến năm 1975, ông 61 tuổi được 10 người con đều khôn lớn và thành đạt. Tưởng đâu ước nguyện đã trọn vẹn. Ngờ đâu một biến cố xảy ra làm cho gia đình ông nhiều ly tán.  Một lần nữa khiến ông bà hết lòng lèo lái đàn con để sớm gồm chung về một nơi đoàn tụ. Không có một thành công nào mà tự nó đến mà không có chông gai, công lao, mồ hôi, tim óc và nước mắt.  Hơn nữa dù ai có tài giỏi, cố gắng đến đâu cũng không bao giờ đạt được một thành công tuyệt đối.

Năm 1984 ông bà được con bão lãnh đoàn tụ gia đình theo diện di dân sang Úc.

Cuối cùng sau hơn 84 năm cuộc đời, 68 năm chung sống cùng vợ lăn lóc với đàn con, ông đã để lại cho đời 10 đứa con thành đạt, 6 ở Úc, 1 ở Mỹ, 1 ở Canada, và 2 ở Việt Nam, tổng cộng 29 cháu nội ngoại. Ông rất sung sướng và  hãnh diện về con cháu ông.

Ba năm gần đây bệnh tim ông trở nặng, các con đồng lòng chăm sóc chạy chữa tận tình, có lẽ định mệnh an bài, ông đã êm ái ra đi lúc 3g30 sáng ngày 30-10-1979. Nguyện ước của ông là các con phải hiếu thảo với mẹ cha và anh em hòa thuận cùng nhau. Ông ra đi trong niềm tiếc thương to lớn của tất cả chúng ta.

Đặc điểm của ông Sang là người thích hoạt động, thích thể thao, thời niên thiếu ông chuyên cần luyện tập võ thuật. Có lẽ nhờ võ thuật ông tập tánh hiền lành, biết nhường nhịn, thương người, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó.

Về âm nhạc ông thích nghe nhạc buồn như phản ảnh một tâm sự thầm kín riêng tư với chí trai hồ hãi nhưng phải bó gối cầm chân. Ông thích nhất giọng hát của nữ  ca sĩ Thanh Thúy. 

Xuất thân từ nông nghiệp, ông yêu thích thiên nhiên và du lịch. Việt Nam đối với ông là một hình ảnh tuyệt vời, mãi mãi ghi sâu trong tiềm thức. Ông tỏ ra vô cùng ưa thích những gì liên quan đến Việt Nam, ông thích nghe Đài phát thanh Việt Ngữ SBS Melbourne, ông tham gia những buổi sinh hoạt của Cộng Đồng  Việt Nam.

Tóm lại ông Sang đã sống một cuộc đời dài hữu dụng, đã đóng góp, xây dựng biết bao là công nghiệp, yêu thương nhân hậu. giúp đỡ tận tình, cụ thể nhất là cho vợ cho con trong tinh thần tích cực. Một cống hiến lớn lao cho thế hệ con cháu mai sau.

Một vài phút ngắn ngủi không làm sao kể hết công lao của một đời người, nhất là một người như ông Sang.
Trước nhất nét nổi bậc của ông là chứng nhân vô tư của lịch sử xã hội Việt Nam, trải qua biết bao biến cố 1945, 1954, 1975, biết bao vật đổi sao dời, vậy mà ông vẫn lèo lái con thuyền gia đình vượt qua muôn trùng sóng gió.

Kế đến, ông xứng đáng là một người chồng mẫu mực, một người chồng dành trọn vẹn yêu thương cho vợ trong suốt 68 năm trường. Một biểu tượng văn hóa chứa đựng giá trị cao quý của Việt Nam, xứng đáng được đề cao, tôn trọng không phải chỉ là gương mẫu cho tây phương mà cả đông phương. 

Thêm nữa ông là người cha gương mẫu cho các con cháu noi theo. Và sau cùng ông là một người con  hiếu thảo của gia đình, ông sống quá xứng đáng không uổng phí,  đã để lại cho đời nhiều hơn những gì ông hưởng được, nhiều hơn cả những gì ông mang đi.

Kính thưa bà Sang cùng tang quyến, những người có mặt tại đây xin thành kính phân ưu. Chúng tôi vô cùng chia sẻ những ray rứt khổ đau mà gia đình gánh chịu. Khi chúng ta đau khổ vì thương người quá cố, xin hãy vì người mà suy gẫm về công trình gầy dựng, những tâm tư và gương sáng của người để lại, vì yêu ông chúng ta cùng nhau làm sáng tỏ thêm gương sáng của ông.

Cuộc đời là vô thường, họp tan, biến đổi. Đó là định luật của thiên nhiên và vũ trụ, là một sự hiển nhiên không sao tránh khỏi. Cái buồn vui thật sự của mỗi người phải là cái lý do của chính đời sống của mình, xem có ý nghĩa không có làm được gì hữu ích để cho đời sau không. Trong ý nghĩa đó ông Sang chắc chắn vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ và êm ái ra đi. Vì vậy chúng ta hãy cùng hãnh diện và chia sẻ niềm vui đó với ông Sang.

Sau đây tôi xin mạn phép đọc một đoạn thơ ngắn gọn mô tả tâm tình của ông Sang, được trích trong tập Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi:

Ở phải có nhân có nghì,
Thơm danh vã lại làm bia miệng người.

Hiền lành lấy tiếng với đời,
Lòng người yêu dấu, là trời hộ ta.
Tai ương hoạn nạn đều qua,
Bụi trần giũ sạch thực là từ đây.
Vàng trời tuy chẳng trao tay,
Bình an hai chữ xem tày mấy mươi.
Mai sau bạc chín tài mười,
Sống lâu ăn mãi của đời về sau.


Kính thưa quí vị, trong chốc lát nữa đây, ông Sang thân yêu của chúng ta sẽ được đưa về nghĩa trang hỏa táng theo di chúc của người, chúng ta thân ái chuẩn bị tiễn đưa người thân yêu vào miền miên viễn.

Trong tinh thần ca ngợi, một công nghiệp hoàn thành, một cuộc đời đáng sống. Chúng ta kính cẩn cầu chúc Hương Hồn người quá cố nghe Thanh Thúy ca bản nhạc cuối cùng để kỷ niệm với ông Sang ngày chia tay vĩnh biệt.

(Melbourne City 1992)

Melbourne 3--10-1997
Trần Văn Quản
(Kim Oanh Lưu Niệm)

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Vision - Pop Music - Nguyễn Đức Tri Tâm


Vision - Lyrics, Music, All instruments & vocal arrangement, synthesizing, recording © 2007 Nguyen Duc Tri Tam 

Thoát Vòng Cương Tỏa Vùng Nhân Thế



Cuộc đời hư ảo kiếp vô thường 
Chớ để lợi danh nặng vấn vương
Hãy sống nhẹ nhàng tâm tĩnh lặng
Vô ưu nhân ái sáng soi đường

Ta sẽ ung dung lánh cõi trần
Thoát vòng hệ lụy kiếp trầm luân
Nợ đời vay trả đều trong sạch
Thanh thản tâm tư chẳng ngại ngần

Nguyên Trần

Tha Hương Ngộ Cố Tri



Houston ba đứa gặp nhau
Thời gian khoảng khắc quá mau: ba giờ
Chuyện gì ngày trước bâng quơ
Tuổi già hợp mặt không ngờ chẳng quên
Hai gầy một mập tình bền
Mỗi năm đôi lúc hú tên om xòm
Ba ly trà đá lảng òm
Vậy mà tiếng nói làm xôm tụ đời

Nguyễn Cao Khải

Chiều Lữ Thứ



Xướng:
Chiều Lữ Thứ

Nắng ngủ trên cành dỗ giấc say
Giục chim về tổ tiễn chân ngày
Chiều còn bãng lãng bên bờ vắng
Đêm vội nhá nhem suốt dặm dài
Lê gót tha hương mờ cát bụi
Nghe sầu viễn xứ mịt trời mây
Cho ta xin khói hoàng hôn trước,
Ấp ủ hồn quê thương nhớ đầy.

Quang Tuấn
(Trích tập thơ Quê Hương của Quang Tuấn, trang17).
***
Họa:
Buồn Lữ Thứ

(Sau khi anh Quang Tuấn mất mấy ngày)

Nắng chiều rớt nhẹ giục hồn say
Mấy cánh chim bay tiễn cuối ngày
Mây tím hoàng hôn giăng phố vắng
Đêm mờ sương giá trải đường dài
Bước đi chân mỏi trời nghiêng dốc
Nghĩ đến thân gầy tóc kết mây
Mong ước thời gian quay trở lại
Về quê ta tắm nước sông đầy!

Nguyễn Cang
***
Sống Ly Hương

Mắc võng đu đưa giấc ngủ say,
Trên cành chim hót véo von ngày.
Chiều mưa lất phất xe qua vắng,
Đêm gió lưa thưa khách thở dài
Cám cảnh ly hương đời tựa bụi,
Thương người lữ thứ kiếp như mây.
Nhìn về xứ sở mờ quan tái
Man mác tình quê nỗi nhớ đầy...


Mai Xuân Thanh
Ngày 30/11/2019

Hồi Hương Ngẫu Thư 回鄉偶書 - Hạ Tri Chương  

Tình cờ đọc bài Hồi Hương Ngẫu Thư Biến Cải  của Trần-Lâm Phát, tôi tìm bài Hồi Hương Ngẫu thư của Hạ Tri Chương.  


回鄉偶書 變改                 Hồi Hương Ngẫu Thư Biến Cải 

三 十 離 鄉 六 十 回        Tam thập ly hương lục thập hồi 
鄉 音 無 改 鬢 毛 衰         Hương âm vô cải tấn mao suy
同 門 相 見 不 相 識         Đồng môn tương kiến bất tương thức  
笑 問 客 君 尋 找 誰         Tiếu vấn khách quân tầm trảo thùy  

Diễn dịch: 

Biến chế Bài Ngẫu nhiên viết khi về quê 
Ba mươi đi sáu mươi về lại 
Giọng nói quê mùa rụng tóc mai 
Bạn học nhìn nhau nhưng chẳng nhận 
Vừa cười vừa hỏi ông tìm ai 

Trần-Lâm Phát 
Sài gòn 2011 
(Phỏng bài Hồi Hương Ngầu Thư của Hạ Tri Chương) 
***
Bài thơ Hồi Hương Ngẫu Thư là bài thơ thứ 261 trong quyển "Đường Thi tam Bách Thủ" lưu trữ trong thư viện Trường Đại Học Virginia và trong trang web 300 Tang shi: 

回鄉偶書                Hồi Hương Ngẫu Thư  

少小離家老大回     Thiểu tiểu ly gia lão đại hồi 
鄉音無改鬢毛衰      Hương âm vô cải tấn mao suy 
兒童相見不相識      Nhi đồng tương kiến bất tương thức 
笑問客從何處來      Tiếu vấn khách tòng hà xử lai 

賀知章                      Hạ Tri Chương 
***
Dịch nghĩa: 

Tuổi trẻ ra đi, già mới về,
Giọng nhà quê vẫn không đổi, râu tóc đã rụng hết.
Trẻ con trong thấy, không nhận ra,
Cười hỏi, khách từ phương nào đến? 

Đây là 1 trong 20 bài thơ của Hạ Tri Chương (659-744). Ông là một nhà thơ nổitiếng thời Đường, người Quảng đông, tự là Quý Chân. Ngoài thơ ra, ông còn viết truyện. Ông đậu tiến sĩ năm 695, làm Thái tử tân khách rồi đến Bíthư giám. Đầu đời Thiên Bảo, ông từ quan về làng tự xưng là Tứ Minh cuồng khách. 
Bài thơ mang tâm trạng ngậm ngùi của tác giả khi từ quan về quê cũ sau hơn 50 năm xa cách và trẻ em ngỡ là khách lạ mới đến. 
Nhiều người đã dịch và biến cải bài thơ trên. 

Ngẫu Nhiên Viết Khi Về Quê 
Lúc trẻ ra đi già trở lại 
Tóc râu đã bạc giọng chưa thay 
Trẻ con thấy mặt không quen biết 
Cười cợt hỏi đùa ông là ai.
 
Phí Minh Tâm
***
Diễn Dịch: 

Tuổi trẻ ra đi biệt cố hương 
Khi già trở lại luống bi thương 
Người xưa tiếng nói nghe còn rõ 
Trẻ nhỏ ngỡ rằng khách bốn phương 

Hương Lệ Oanh 
***
Diễn dịch qua thất ngôn bát cú: 

Chạnh Lòng Hồi Hương

Xa quê biền biệt biết bao năm 
Cuộc sống công danh lúc lại trầm 
Khi nhỏ ra đi cầu sự nghiệp 
Về già trở lại chẳng ai thăm 
Giọng quê rành rõ người nơi cũ 
Tóc bạc thưa dần chẳng tiếng tăm 
Trẻ nhỏ trông qua ngờ khách lạ 
Quay về thoáng chốc đã nhiều năm 

Hương Lệ Oanh 
***
Hoài Hương

Biền biệt tha phương hai mấy năm 
Chạnh nghe ngao ngán những thăng trầm 
Bồi hồi ngoảnh lại dòng sông nhớ 
Ngơ ngác trông về ngọn núi thăm. 
Vẫn đấy trường xưa thêm rạng rỡ, 
Mà sao bạn cũ lại mù tăm? 
Tuổi già, tóc bạc, lòng đâu bạc 
Ôm nỗi hoài hương suốt tháng năm. 

Minh Tâm 
***
Tự Thán: Tấm Thân Lưu Lạc 

Thấm thoái ly hương mấy chục năm; 
Thân ta trôi dạt, đủ thăng trầm. 
Nhớ thời oanh liệt, bao người viếng; 
Gẫm lúc suy tàn, hiếm khách thăm. 
Núi chắn làng xưa... xa mút chỉ ; 
Biển ngăn quê cũ...cách mù tăm. 
Cuối đời lưu lạc, buồn hiu quạnh, 
Mơ ước ngày về, đếm tháng...năm. 

Thảo Chương TQV 
17-10-2019 
***
 Vọng Cố Hương (I) 

Tha hương tị nạn mới mười năm 
Ngẫm lại đời như nốt nhạc trầm 
Mộ mẹ bìm leo chưa buổi viếng 
Mồ cha cỏ mọc chẳng lần thăm 
Người nơi đất khách còn xa dạng 
Kẻ chốn phương trời vẫn vắng tăm 
Nhớ lúc ra đi thầm ước nguyện 
Cầu xin cách biệt chỉ vài năm. 

 Vọng Cố Hương (II) 

Ngày đi những tưởng chỉ đôi năm 
Đâu biết đời đang bỗng lại trầm 
Tuế nguyệt xoay vần quê chửa viếng 
Tang thương biến đổi xứ chưa thăm 
Người xưa nhớ mãi mơ hình bóng 
Bạn cũ đi dần vắng dạng tăm 
Thất quốc vong gia sầu lữ khách 
Thời gian lặng lẽ tháng rồi năm. 

Đinh Tường 
***
Ngày Về

Xa cách quê nhà mấy chục năm 
Cuộc đời trôi nổi bước thăng trầm 
Ra đi xứ khác không ai biết
Bỏ lại mẹ già chẳng kẻ thăm...
Nay nhớ quay về tìm quá khứ
Trẻ con thấy lạ chạy mù tăm
Lòng buồn lặng lẽ quay chân bước
Lạc lõng quê người mấy chục năm! 

Nguyễn Cang 
***
Trở Lại Quê Nhà

Biệt bóng quê nhà ngần ấy năm 
Trải bao gian khó bước thăng trầm 
Ngày đi trai trẻ xây đời mộng 
Giờ đến làng xưa nhã ý thăm 
Cảnh đổi bạn đâu tìm chẳng thấy 
Đò trôi bến vắng mịt mờ tăm 
Bé con tưởng khách nhìn ngơ ngác 
Mái tóc nhoà sương bởi tháng năm. 

Kim Trân 
***
Vọng Cố Hương

Tuổi đời xót lại đếm hằng năm 
Sự thế tang thương bỗng hóa trầm 
Mấy thuở nhà xa chưa trở lại 
Bây giờ quê cũ đã về thăm 
Đâu vì núi thẫm chim vang bóng 
Hay bởi sông dài cá biệt tăm 
Khách lạ chiều nay tìm dĩ vãng 
Vỡ òa kỷ niệm nén hằng năm. 

Nguyên Triêu Dương