Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Coober Pedy - Town in Adelaide, Australia


Coober Pedy là một thị trấn ở phía bắc Nam Úc. Thị trấn này được mệnh danh là thủ đô opal của thế giới do sản lượng lớn opal được khai thác ở đây. 
Dân số năm 2011 là 1695 người. Coober Pedy nổi tiếng với các công trình ngầm, hầu hết đều sống dưới lòng đất, nơi họ xây dựng những nhà thờ, nhà hàng, khách sạn. 
Nhìn hình ảnh này, bạn có nghĩ đó là hang của loài cầy mangut hay một loài nào đó sống dưới lòng đất? Không. Đó là hình ảnh phía trên của thị trấn Coober Pedy, Australia.


Coober Pedy là một trong những khu vực khắc nghiệt nhất thế giới, với nhiệt độ ban ngày có thể lên đến 50 độ C nhưng ban đêm có thể giảm xuống dưới 0 độ C. Để chống đỡ với sức nóng như chảo lửa ở phía trên, người dân nơi đây đã đào hầm, xây dựng nhà cửa dưới mặt đất
Tên của vùng đất Coober Pedy xuất phát từ thuật ngữ của thổ dân địa phương "kupa piti", có nghĩa là "hang của người da trắng dưới lòng đất.
Nay có 3.500 người sống trong thị trấn dưới lòng đất.


Các căn phòng được bài trí khá tiện nghi, không khác gì trên mặt đất với giường ngủ sạch sẽ, tủ quần áo, tivi, bếp nấu. Việc cung cấp nước cho thị trấn đến từ một nguồn dẫn ngầm dài 24 km về phía bắc của thị trấn.

Ngoài nhà ở, thị trấn này có cả bảo tàng, nhà thờ, phòng trưng bày nghệ thuật, khu vui chơi, quầy bar. Thậm chí, họ có hẳn một khách sạn cho thuê, phục vụ những du khách muốn trải nghiệm cuộc sống dưới lòng đất.



Một nhà thờ nhỏ dưới lòng đất, đáp ứng được nhu cầu tôn giáo của người dân thị trấn.
Cảnh quan trên bề mặt chẳng khác nào mặt trăng, nhưng ở dưới thì lại sầm uất và náo nhiệt với khoảng 3.500 người sinh sống.

Coober Pedy vốn là một khu khai thác mỏ. Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 150 triệu năm trước, Coober Pedy nằm dưới đại dương, khi nước mặt đất bị đẩy lên cao, nước biển rút làm các khoáng chất silica cát chảy vào khe nứt đá. Trải qua hàng chục triệu năm, chúng chuyển thành các loại đá quý nhiều màu.


Năm 1915, các thợ mỏ bắt đầu làm nhà sống dưới lòng đất trong để thoát khỏi cái nóng của mùa hè và đêm sa mạc lạnh của mùa đông. Lâu dần họ định cư, sinh con đẻ cái và tạo lập hẳn một thị trấn dưới lòng đất. Nhà ở trước đây trên mặt đất bị bỏ hoang.


Phía trên măt đất cũng có trạm xăng hay vài cửa hàng nhỏ phục vụ du khách.
Cổng vào phòng trưng bày nghệ thuật dưới đất, nơi du khách có thể mua các mặt hàng lưu niệm và đá quý.

Hàng năm, một lễ hội nhỏ cũng được tổ chức vào cuối mùa hè, người dân thị trấn đến với nhau để ca hát, nhảy múa, diễu hành và tham gia các hoạt động trên mặt đất.


Thị trấn này cũng từng được sử dụng làm bối cảnh cho các bộ phim như Quái vật hành tinh lạ, Hành tinh đỏ. 


Ảnh: Getty Images/Lonely Planet Images.
Tiến Đỗ sưu tầm

Có Một Lần Qua Làng Long Neck-Thái Lan


Cảnh trí buồn như một bức tranh
với cây nhiệt đới rõ màu xanh
với thân thảo uốn vờn trên đất
một cõi nguyên sinh đã biến hình

Mây ở cao và núi ở xa
em bên nay một mảng quê nhà
sầu đôi mắt đục lưng chừng mở
nghe cổ cao dài vói nắng cao

Thoảng tiếng gà chiều xao xác gáy
bên giàn mướp khía đậm đà hương
gốc me, vòm nhản trơ mình đứng
(em có gầy thêm để nhớ thương…?)

Đàn ở trong tay, y phục cổ
còn nghe bản sắc một Akha…

Lâm Hảo Dũng
(PTT)
Ảnh: Làng Long Neck- Chiang Rai-Thái Lan
Van,BC,Can- Nov 25-15- 4H23’pm

Vòm Trời Kỷ Niệm



Ôm bờ vai tóc mây huyền óng ả
Tiếng cười vui rộn cả góc sân trường
Nàng vô tư chân nhẹ thoát hài xinh
Dưới tàng phượng cùng bầy ve ra rả

Vạt nắng chiều mơn man từng kẽ lá
Rơi điểm đầy trên tà vạt trắng tinh
Rạng rỡ soi môi sắc phượng hữu tình
Trong thoáng chốc vấn vương hình bóng ấy

Giờ thấy nhau mai sân trường trống vắng
Có còn ai cho len lén trộm nhìn
Nghe buốt tim hằn dấu gót hài in
Giấc mộng đầu yêu thương dành để lại

Kim Phượng
21.4.2016

Tóc Mây - Phạm Thế Mỹ - Sĩ Phú

Bài hát ca ngợi mái tóc dài của người con gái,mà nhiều người đã yêu mái tóc đó cả đời không quên..


Sáng Tác: Phạm Thế Mỹ
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Nghĩ Về Học Giả Trương Vĩnh Ký

LGT:Trong bài viết của tác giả Huỳnh Ái Tông tham khảo từ "Các Nhà Văn Quốc Ngữ Tiền Phong ", cùng với bài viết "Tầm vóc quốc tế của Pétrus Ký" của tác giả Mai Bá Triều về nhà báo tiên phong của Việt Nam, một học giả uyên thâm về ngôn ngữ học và một nhà văn hóa có những nổ lực đóng góp tích cực cho quê hương Việt Nam, bài viết này xin đi qua những nét giá trị và trân quí về hình ảnh của Petrus Trương Vĩnh Ký.(Việt Hải Los Angeles)


Theo Huỳnh Ái Tông cho biết về nguồn gốc và cuộc đời của học giả Petrus Ký như sau:

“Tên thật của ông, là Trương Chánh Ký sau đổi thành Trương Vĩnh Ký, tên thánh là Jean Paptiste, tên chữ là Pétrus, tự Sĩ Tải. Vì vậy người ta thường viết tên ông là Pétrus Jean Paptiste Trương Vĩnh Ký, sanh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại làng Vĩnh Thành (tục danh Cái Mơn), tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long, sau nầy thuộc tỉnh Bến Tre.

Ông là con thứ ba của Lãnh binh Trương Chánh Thi và Nguyễn Thị Châu, năm 1842, được 5 tuổi, ông học chữ hán với ông giáo Học. Năm 1847, cha ông qua đời trong khi trấn nhậm ở một vùng gần Nam Vang (Phnom Penh), có lẽ sau đó, mẹ ông giao ông cho giáo sĩ Tám, với sự dìu dắt của vị giáo sĩ nầy, ông học chữ Quốc ngữ, sau đó giáo sĩ Tám mất, có nhà truyền giáo người Pháp tên Việt là linh mục Long, đem về nhà dòng chánh ở Cái Nhum (Bến Tre) cho học chữ La tinh. “

Đó là về gia cảnh, còn về đường hoạt dộng ngoài xã hội, ông có những thành công về văn học, nhưng con đường phù du chính trị lại nhiều trắc trở theo tác giả Huỳnh Ái Tông. Trong sự thân tình với quan Toàn quyền Paul Bert khi nhờ ông giúp cho việc liên lạc với triều đình Huế, sau sung Cơ Mật Viện và làm Giám quan, cố vấn cho vua Đồng Khánh. Ngày 11-11-1887 khi Paul Bert mất, ông từ bỏ sân khấu chánh trị mà cả phía Pháp cũng như quan lại Nam triều đầy đố kỵ, vì kẻ không tin cẩn, người lại ghen ghét ông. Ở giai đoạn cuối đời, ông dành nhiều thời giờ cho sáng tác và vui thú văn chương.

"Dưới triều vua Minh Mạng, năm 1835 hạ Chiếu cấm đạo, nên năm 1848, Linh mục Long đưa Trương Vĩnh Ký qua học tại Trung Học Pinhalu ở Campuchea, đây là trường đạo dành để dạy học trò người Việt, Miên, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Hoa , nhờ ở chung với học sinh các nước Đông Nam Á mà ông học nói và viết thông thạo các ngôn ngữ kể trên. Năm 1851, Trương Vĩnh Ký theo Linh mục Long qua họctại Tổng Chủng Viện Viễn Đông Quốc Ngoại Truyền Giáo ở Poulo-Pénang (Hạ Châu). Trong 6 năm theo học ở Pénang, ông đã học về văn chương, khoa học, triết lý qua chữ La tinh, và ở tại đây, công có dịp học thêm các ngôn ngữ Pháp, Anh, Hy Lạp, Ấn Độ và Nhật.

Năm 1858, được tin mẹ mất, ông rời Poulo-Pénang trở về Cái Mơn, năm nầy ông được 21 tuổi. Hai năm sau, qua sự giới thiệu của Linh mục Lefèvre, Trương Vĩnh Ký ra làm thông ngôn cho Đại úy Jauréguiberry. Năm 1861, ông lập gia đình với bà Vương Thị Thọ rồi lập gia cư ở Chợ Quán (nay ở ngay tại góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng, quận 5 Sàigòn). Năm 1862, ông bị chuyển ra làm việc ở Huế.

Năm 1863, Trương Vĩnh Ký được Pháp phái theo sứ bộ Nam triều do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, phái bộ sang triều kiến Pháp hoàng Napoléon III. Nhờ sứ trình nầy, ông có dịp viếng các nước Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ai Cập, Ý, La Mã. Tại La Mã, ông được Giáo hoàng Pio IX tiếp kiến, còn trong lúc ở Paris, ông kết thân với các nhà thông thái, danh vọng nước Pháp như Paul Bert, Duruy, Littré ... Ông được cử vào Hội viên của hội chuyên khảo về Nhân loại, và hội chuyên học tiếng Đông phương.

Từ năm 1886-1888, Trương Vĩnh Ký được bổ nhậm chức Giám đốc và dạy ngôn ngữ Đông Phương ở Trường Thông Ngôn ( Collège des Interprètes).

Ngày 16-9-1869, ông được Thống soái Nam Kỳ Ohier bổ nhiệm Chánh Tổng Tài tờ Gia Định Báo. Ông đã điều hành tờ báo nầy cho đến năm 1872, Năm nầy ông được thăng Tri Huyện và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Sư Phạm (Ecole Normal). Năm 1874, ông là giáo sư dạy chữ Quốc ngữ và chữ hán ở Trường Hậu Bổ (Collège des Stagiaires).

Từ 1866-1886, khoảng thời gian 20 năm nầy, ông chuyên về vấn đề văn hóa và giáo dục. Nhưng năm 1886, người bạn cũ của ông là Paul Bert sang làm Thống Đốc Nam Kỳ, vì tình bạn ông đã bước sang sân khấu chánh trị, một bước phù du mà cuối cùng cuộc đời ông nghèo nàn, danh vọng một thời đã mai một! "


Trong bài viết của tác giả Cao Tự Thanh bàn về văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký trong quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam hậu bán thế kỷ 19, tác giả viết:

"Nhìn chung, có thể chia các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký thành bốn mảng: Sưu tầm – chuyển ngữ (phiên dịch các tác phẩm chữ Hán, phiên âm các tác phẩm chữ Nôm, văn bản hóa các tác phẩm truyền miệng trong dân gian...), Sáng tác (du ký, thơ...), Khảo cứu (về tiếng Việt và một số ngôn ngữ nước ngoài, lịch sử, địa lý, phong tục...), Từ điển, trong đó hai mảng đầu được nhiều người biết tới nhất. Quả thật những đóng góp học thuật và xã hội chủ yếu của ông là nằm trong hai mảng này, mặc dù trên phương diện khảo cứu ông cũng có một số đóng góp đáng chú ý, chẳng hạn quan điểm của ông về tiếng Việt đã được những nhà ngữ học như Cao Xuân Hạo đánh giá cao. Có thể nói hai mảng tác phẩm này của Trương Vĩnh Ký là chứng nhân tại bước ngoặt lớn cuối thế kỷ XIX của văn hóa sử Việt Nam, bước ngoặt mà ảnh hưởng lâu bền đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên Trương Vĩnh Ký không có học vấn sâu rộng về các lãnh vực khoa học kỹ thuật và tự nhiên, nên hoạt động của ông chủ yếu chỉ giới hạn trong các lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn vốn có những mối quan hệ trực tiếp với tư tưởng và chính trị. Hoạt động học thuật và xã hội của ông do đó cũng chịu tác động nhiều hơn của bối cảnh lịch sử đương thời ở Nam Kỳ thuộc địa, khi sự có mặt của người Pháp đã hủy diệt xã hội phong kiến đồng thời tạo ra những tiền đề cho sự hình thành một xã hội khác ở Việt Nam."

Kiến thức uyên bác, năng khiếu thiên bẩm đã tạo cho Petrus Ký là một hình ảnh nổi bật trong văn học sử Việt Nam. Sự nghiệp văn học của ông hình thành trong bối cảnh chuyển đổi từ nền nho học sang tân học với chữ Quốc ngữ theo hệ thống mẫu tự La tinh. Và ông đã thật sự đóng góp nhiều áng văn tiền phong cho sự phát triển chữ Quốc ngữ của chúng ta dùng ngày hôm nay:

"Có thể chia văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký làm hai thời kỳ trước 1879 và từ 1879 trở đi. Các tác phẩm được nhiều người biết tới nhất trong thời kỳ đầu có Chuyện đời xưa (sưu tầm, 1866), Abrége de gramaire annamite (biên soạn, 1867), Cours pratique de langue annamite (biên soạn, 1868), Mẹo luật dạy học tiếng Pha Lang Sa (biên soạn, 1869), Poème Kim Vân Kiều (phiên âm, 1875), Petite cours de Géographie de la Basse Cochinchine (biên soạn, 1876), Đại Nam quốc sử ký diễn ca (phiên âm, 1875), Alphabet quốc ngữ (biên soạn, 1876) và nổi bật là hai tác phẩm gắn liền với nhiều tai tiếng của ông tức Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi (du ký, 1876) và Cours d’histoire annamite (à l’usage des écoles de la Basse – Cochinchine) (biên soạn, 1875 – 1877), trong thời kỳ sau thì gồm nhiều tác phẩm như Chuyện khôi hài (sưu tầm, 1882), Kiếp phong trần (sáng tác, 1882), Trương Lưu hầu phú, Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ vịnh, Kim Gia Định phong cảnh vịnh (phiên âm, 1882), Bất cượng chớ cượng làm chi (sáng tác, 1882), Phép lịch sự An Nam (biên soạn, 1883), Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca, Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (dịch Hán Việt, 1884), Ước lược truyện tích nước An Nam (biên soạn, 1887), Lục Vân Tiên truyện (phiên âm, 1889), Đại học, Trung dung, Minh tâm bửu giám (dịch Hán Việt, 1889) và nổi bật là tờ Miscélannées, tờ báo tư nhân đầu tiên ở Việt Nam (1888 – 1889).... So sánh về ngôn ngữ thì có thể thấy trong thời kỳ đầu ông viết tiếng Pháp nhiều hơn đồng thời phiên âm, phiên dịch tài liệu Hán Nôm ít hơn trong thời kỳ sau, điều này cũng phản ảnh những thay đổi trong sinh hoạt văn hóa đương thời trên địa bàn Lục tỉnh."

Tương tự như hình ảnh thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Độ xuất dương ra xứ ngoài để lại những ấn tượng văn minh, những nỗi cảm thông sâu xa về văn hóa, Petrus Ký đã tạo hình ảnh cho người nước ngoài hiểu và cảm thông với văn hóa Việt Nam. 
Theo tác giả Mai Bá Triều đề cập về những tác phẩm Việt Nam đầu tiên trên diễn đàn khoa học quốc tế:

"Trong chuyến tháp tùng phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam bộ (từ 14-7-1863 đến 18-3-1864) với vai trò thông dịch viên, Pétrus Trương Vĩnh Ký đã viết tác phẩm đầu tay Khái quát về vương quốc Khơme hay Campuchia (Notice sur le Royaume de Khmer ou de Kambodje) đăng trên nội san của Hội Địa lý (Bulletin de la Société de Géographie) xuất bản năm 1863 ở Paris. Đây được xem là bài viết đầu tiên của một người Việt Nam đăng trên một diễn đàn khoa học quốc tế, cũng là tác phẩm mở đầu cho sự trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và thế giới."


Đối với Pétrus Ký, đây cũng là bước khởi đầu sự nghiệp văn hóa ngoài phạm vi xứ sở của mình. 

Ban biên tập nội san đã đánh giá:

 “Tác phẩm này của Pétrus Trương Vĩnh Ký, một thông dịch viên cho phái bộ An Nam, sang thăm nước Pháp tháng 10, 11-1863. Tuy còn trẻ (26 tuổi) nhưng kiến thức rất sâu rộng, lại biết nhiều thứ tiếng Tây Âu và phần lớn các ngôn ngữ chính của Á Đông. Tác phẩm này cho thấy ông là người thông thạo tiếng Pháp y như tiếng mẹ đẻ của mình”. Gần bảy trang viết của Pétrus Trương Vĩnh Ký là những lời giới thiệu đầu tiên về vương quốc Khơme hay Campuchia, những phác họa đời sống, phong tục tập quán của xứ này; điều quan trọng là ông đã thông báo cho thế giới sự hiện diện của di chỉ Angkor và các di chỉ khác, nhờ vậy các nhà khoa học trên thế giới đã quan tâm đến nền văn minh Đông Dương. Để nắm vững xứ Campuchia như vậy, Pétrus Trương Vĩnh Ký đã có ba năm lưu trú tại chủng viện Pinhalu ở Campuchia với nhà truyền giáo Bouilleveaux (thường được gọi với tên Việt là cố Long), người được coi là đã phát hiện di tích Angkor."

Trở lại lịch sử của phương Đông vẫn có những tinh thần sáng suốt từ Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bổn đến Rabindranath Tagore của Ấn Độ cổ xúy theo đà văn minh tiến hóa của thế giới, những ý thức về thời cuộc, những thay đổi hiện đại cần thiết từ bên ngoài biên cương xứ sở còn lạc hậu, đi một ngày đàng học một sàn khôn, Việt Nam có Nguyễn Trường Tộ, có Petrus Trương Vĩnh Ký, những ý thức canh tân Việt Nam. Áp dụng cái khôn của phương Tây không có nghĩa là trao tâm thức cho ngoại nhân. Những đố kỵ hẹp hòi khi quân CS tiến chiếm miền Nam Việt Nam, lên án khắt khe Petrus Ký và cho hạ bệ bức tượng của ông. 

Huỳnh Ái Tông cho nhận xét tiếp về Petrus Ký:

“Cộng tác với Pháp, nhưng chắc chắn Trương Vĩnh Ký không thích con đường chính trị, ông lại thiết tha với nền văn học chữ quốc ngữ, ông có chủ đích quay về sự nghiệp văn chương của mình, khi Paul bert mất, ông không ngần ngại từ bỏ sân khấu chánh trị, trở lại nghề dạy học, viết sách dạy các thứ tiếng Đông phương, về phương diện nầy, ông là nhà ngôn ngữ học quảng bác, vì ông có thể nói và viết 15 ngôn ngữ Tây phương và 11 ngôn ngữ Đông phương.

Viết sách dạy người Pháp học tiếng Việt và ngược lại, dịch bộ Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử), cũng như một số sách chữ Hán ra chữ quốc ngữ, cốt để phổ biến ngôn ngữ và tư tưởng Đông phương, chính ở phương diện nầy chúng ta thấy ông là nhà văn hóa, ở sân khấu chánh trị ông mong tạo sự thông cảm giữa người Việt và người Pháp, giữa những xung đột lớn lao về chánh trị, kinh tế, văn hóa giữa hai nước. Tuy theo đạo Thiên chúa nhưng phải nhận ông vẫn giữ được phong hóa Đông phương, thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh trong những tác phẩm của ông. "


Tác giả Mai Bá Triều bên Bỉ cho thấy hình ảnh của Petrus Ký mang nét văn minh phương Tây khi xuất ngọai. Ông hòa đồng trong tập thể của các nhà khoa học thế giới:

"Năm 1873 ông Léon de Rosny, nhà Đông phương và ngôn ngữ học nổi tiếng người Pháp (tác giả bài viết Khái quát ngôn ngữ An Nam năm 1855), đã tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên về Đông phương học (Congrès International des Orientalistes) với đại diện từ 33 quốc gia tham dự.

Pétrus Trương Vĩnh Ký không những đại diện xứ An Nam mà còn là thành viên ban tổ chức hội nghị, hiển nhiên ông trở thành một trong những người tiên phong về ngành Đông phương học trên thế giới. Ông hiện diện trong “sân chơi lớn” này, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa cùng những nhà khoa học tầm cỡ như Henry Schliemann, người đã tìm ra thành Troy và kho tàng thành Mycènes; Andrew Dickson White, đồng sáng lập và viện trưởng đầu tiên của Đại học Cornell (Mỹ, 1868) cùng hàng trăm học giả nổi tiếng khác trên thế giới. Trong số 33 đại biểu dự hội nghị, trừ trưởng đoàn Nhật Bản chỉ có Pétrus Ký là người châu Á (đại diện của các nước Ấn Độ, Trung Hoa, Thái Lan tại hội nghị lại là người châu Âu). Sau đó, nhân triển lãm quốc tế 1889 (Expo 1889) tại Paris, Hội Dân tộc học Paris đã tổ chức hội nghị quốc tế về dân tộc học (Congrès International des Sciences Ethnographiques) và đại diện cho xứ An Nam vẫn là Pétrus Trương Vĩnh Ký. 
Hai tư liệu vừa được sưu tầm này cho thấy các hoạt động trên diễn đàn văn hóa quốc tế của Pétrus Ký, và chắc hẳn sẽ còn nhiều điều về nhà bác học này chưa được khám phá hết. Có thể chúng ta sẽ còn thấy tên ông trong biên bản của những hội nghị khoa học tương tự. Tuy nhiên chúng ta đều biết ông đã có mặt trong Từ điển bách khoa Larousse với cương vị là một nhà bác học về ngôn ngữ.”

Sau những tranh chấp Pháp Việt, nhất là thời kỳ hậu Paul Bert, khiến cho Pertrus Ký gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời chính trị xã hội của ông hơn.

“Từ chuyến sang Pháp tháp tùng phái bộ Phan Thanh Giản cho đến các hội nghị khoa học quốc tế mà ông tham dự, Pétrus Ký đã đặt mối quan hệ, trao đổi thư từ thường xuyên với các học giả trên thế giới, những người có ý tưởng nhân đạo cao đẹp, với mong muốn sau này họ có thể giúp đỡ người Việt trên nhiều lĩnh vực: khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội... Trong số đó có ông Paul Bert, người mà Pétrus Ký đã có được mối quan hệ có lẽ là thân thiện nhất. Ông Paul Bert là bác sĩ, giáo sư Đại học khoa học ở Bordeaux và Paris, thành viên Hàn lâm viện Pháp, bộ trưởng Bộ Giáo dục và nghị sĩ Quốc hội Pháp. Giữa hai ông đã có hơn 20 năm liên hệ với nhau qua thư tín, hướng tới mục tiêu cải tổ VN để tiếp cận được với các nước văn minh trên thế giới, theo phương châm “hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” thay vì chính sách “đồng hóa” (assimilation) của thực dân Pháp. Sau này, khi được bổ nhiệm làm toàn quyền Đông Dương, chỉ trong vài tháng đầu tiên ở cương vị mới ông Paul Bert đã cho thành lập một Hàn lâm viện Bắc kỳ (Académie Tonkinoise) để duy trì và phục hưng nền văn hóa truyền thống VN. Cùng sang VN với ông Paul Bert còn có các cộng sự thân tín của ông như J.Chailley; G.Dumoutier (nhà VN học đã kêu gọi sự hợp tác của các nhà Nho học để cùng bảo tồn bản sắc dân tộc qua việc phục hồi chữ Hán - Nôm).

Vào ngày 9-11-1886, trong khi đang làm việc với vua Đồng Khánh tại Huế, ông Paul Bert đột ngột từ trần. Sự kiện này đã gây nên một tổn thất lớn lao nhất cho cuộc đời và sự nghiệp của Pétrus Trương Vĩnh Ký, vì sau đó các cộng sự thân tín của ông Paul Bert đều bị thất sủng bởi những kẻ kế nhiệm ông, vốn luôn muốn duy trì chính sách đồng hóa của thực dân Pháp. Bản thân Pétrus Trương Vĩnh Ký sau đó cũng bị triều đình Huế nghi kỵ và trù dập.”

Giở lại trang lịch sử cũ cho ta thấy rằng Petrus Trương Vĩnh Ký là một nhà ngữ học xuất chúng, một học giả yêu nước, và là một nhà văn hóa anh minh, những đóng góp về văn hóa của ông để lại cho hậu thế rất quí báu. Ông đã thành công về văn hóa, nhưng thất bại về đường chính trị, khi mà triều đình Việt Nam trong buổi giao thời vẫn có những vị quan không có tầm nhìn sâu xa và chiến lược như của xứ Phù Tang trong triều đại của Minh Trị Thiên Hoàng, để ngày hôm nay Nhật Bổn đã nhảy vọt bỏ xa Việt Nam.

Petrus Trương Vĩnh Ký là hình ảnh đẹp đẽ, danh dự Petrus Trương Vĩnh Ký cần được phục hồi và Petrus Trương Vĩnh Ký cần được tri ân xứng đáng, và rằng không mặc cảm.

Việt Hải Los Angeles biên soạn
PK 12B4, 1972.

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Một Thoáng - Thơ Hồng Thúy - Phổ Nhạc Mai Đằng



Thơ; Hồng Thúy
Nhạc:Mai Đằng
Hòa Âm: Đặng Vương Quân
Tiếng Hát: Tâm Thư
Thực Hiện:Nguyệt Nga

Một Góc Tình Thơ



Cũng có thể là tình yêu
Ẩn trong mỗi chiều...Buồn
Hay là giọt nắng vô tư đó
Rụng xuống câu thơ những đợi chờ

Cũng có thể là mơ
Giấu trong chiều vu vơ
Hay là giọt nắng vô tư đó
Rụng xuống mùa mơ những hẹn hò

Cũng có thể là hư vô
Trong cuộc đời đâu đó
Hay là giọt nắng vô tư đó
Rụng xuống vô thường em biết không?

Cũng có thể là mây hoàng hôn
Để anh chận đầu nỗi nhớ
Hay là giọt nắng vô tư đó
Rụng xuống thời gian những mến yêu.

Bằng Bùi Nguyên


Dường Như



Dường như trong mái tóc bay
Có mùi hương nhớ rót đầy chiều trôi
Dường như trong nắng ngút trời
Có lời ly biệt khô môi chiều tàn
Dường như con sóng ly tan
Vỗ về một thưở nồng nàn bên nhau
Dường như con gió ngút sầu
Thổi về những mảnh trăng khâu mối tình
Dường như cuối nẻo thác ghềnh
Có dòng suối mát chảy lênh láng bờ
Dường như trong giấc người mơ
Có ngan ngát nhớ tiếng thơ tôi về

Trầm Vân

Xuân Bất Tận


«Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai» (A)

Thiền sư Mãn Giác dùng «cành mai» để nhắc nhở chúng ta đừng nên nghĩ là lúc xuân tàn bông hoa rụng hết, cây cối trơ trụi vì sân trước đã có một cành hoa mai mới nở. Cành hoa mai ở đây tiêu biểu mùa Xuân của sự tỉnh thức, của sự an lạc, của nét đẹp thế giới tâm linh, đó là mùa Xuân trong cửa thiền.
Cũng như ngài Mãn Giác, thiền sư Chân Không trả lời thắc mắc liên quan tới mùa Xuân bằng hai câu thơ:
«Xuân đến, Xuân đi ngỡ Xuân hết,
Hoa nở, hoa tàn chỉ là Xuân.» (B) 

Nói đến Xuân trong dân gian, chúng ta nghĩ đến sự ấm áp tươi vui, nghĩ đến sự ấm no hạnh phúc, sự nhẹ nhàng thanh thản. vì nghèo hay giàu, ngày đầu Xuân, ai ai cũng mua chút ít bánh mứt cho ba ngày Tết đầu năm. Nơi đồng quê, người dân chất phác mộc mạc, sống nương tựa vào thời tiết, theo mùa màng, theo sự tuần hoàn của thiên nhiên, vũ trụ mà canh tác, không có lo âu, không có «stress» như trong xã hội hiện tại, nên họ vui xuân cả tháng: «tháng giêng là tháng ăn chơi...». Trước đây, ở miền Nam, có một thuở thanh bình sau Hiêp định Genève 1954, người dân quê tuy không giàu, nhà không có điện, Iphone, iPad như bây giờ nhưng họ sống rất an nhàn, rất hạnh phúc, rất hiếu khách. Tôi đã có dịp hoà mình vào bầu không khí thanh thản miệt vườn ấy khi về Trà Ôn chơi với một người bạn. Chúng tôi được đãi ăn bằng các vật thực sẵn có trong vườn nhà. Trưa chúng tôi ra mương quấy đục bùn để cho tôm ló đầu lên khỏi mặt nước rồi bắt đem nướng cuốn với bánh tráng; chiều gia chủ làm thịt gà nấu cháo ăn; tối khuya rồi lại còn được mời ăn chè nấu với dừa hái trên cây nhà trồng, chúng tôi, bụng không đói, nhưng cứ bị ép ăn để chung vui…Tôi cảm thấy nơi họ, luôn luôn tràn ngập niềm vui, vắng mọi nỗi âu lo , dường như mùa xuân luôn có trong lòng họ!

Các cụ đồ nho trí thức nước ta như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê... khi về già, cáo lão từ quan, thường ẩn dật nơi nông thôn để vui thú điền viên, hưởng sự an nhàn, thong dong, thảnh thơi, khi độc ẩm hoặc đồng ẩm với tri kỷ, khi thưởng thức cái thú tắm ao, tắm hồ hoặc hương vị các món ăn dân dã:

«Đông ăn măng cúc, thu ăn giá,
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhấp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao. » 
(Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Cách sống bây giờ của chúng ta làm giảm bớt đi niềm vui, sự an lạc, mùa xuân trong lòng chúng ta, không còn được thư thái như trước đây! Nhiều bịnh lạ bắt đầu xuất hiện như các bịnh «ba cao, một thấp» (cao máu, cao mỡ, cao đường và tê thấp) hoặc bịnh béo phì (obésité). Các nhà thương ở Việt Nam tràn ngập những bịnh nhân bị ung thư, tiểu đường, đau gan … đến nỗi thiếu chỗ, họ phải nằm hai ba người một giường! Ngoài ra, mỗi khi đi mua thực phẩm hoặc đi ăn uống thì lại phải cẩn thận tìm thức ăn “sạch” như rau sạch, cà phê sạch, trái cây sạch mà người Tây phương gọi là “bio” để tránh hậu quả tai hại sau này. Ngay cả ăn chay thường được coi là “tinh khiết” nhưng bây giờ cũng có vấn đề, có lẽ do nêm nếm cho mỡ dầu, bột ngọt nhiều, khiến người ăn “mát da mát thịt” lên ký quá cỡ, trong số đó có ít vị trụ trì các chùa được đệ tử và Phật tử thương yêu, chăm sóc kỹ, cúng đường nhiều đồ ăn bổ dưỡng. Hơn thế nữa, nhiều món ăn chay lại có tên món “mặn” khiến khi ăn, tâm không được “chay” mấy!

Xưa kia, ông cha chúng ta thường nói «Bịnh tùng khẩu nhập», bịnh là do cách ăn uống mà ra; người Tây phương cũng có ý nghĩ tương tự «On creuse sa tombe avec ses dents» (người ta tự đào mồ với hàm răng).Tuy nhiên bây giờ thì phải nói thêm là «Bịnh tùng thủ nhập» vì bịnh còn do cái đầu đem tới như bị “stress”, bịnh trầm cảm...cần các chuyên gia tâm lý (psychologue) chữa trị. Điển hình là trường hợp một bà mẹ có sữa đang cho con bú bỗng nhiên hết sữa. Chuyên gia tâm lý tìm hiểu thì mới biết là bà bị cao áp huyết, do lên cơn máu “Hoạn Thư” (1), vì lý do ông chồng léng phéng đi “ăn phở” nên họ phải chữa bịnh ông này trước, bắt ông ấy về nhà chỉ cho phép tiêu thụ cơm nguội (2) mà thôi! Quả nhiên bà vợ trở nên bình thường có sữa như trước. Một thí dụ khác là một cháu bé khoảng năm hay sáu tuổi bỗng dưng sanh tật đái dầm, sau đó họ khám phá ra là bé này vừa có em trai nên bé làm như thế để được cha mẹ chú ý! Cha mẹ cần phải thay đổi cách đối sử để cháu bé không còn cảm thấy mình bị lãng quên.


Sự thực xuân chỉ là một trạng thái thiên nhiên bất biến; sự đến và đi của xuân, cũng như sự nở và tàn của hoa, do sự tuần hoàn trong thiên nhiên, vũ trụ. Cũng có người cho rằng mỗi một mùa xuân tới là họ già thêm một tuổi; hơn nữa, xuân đến quá nhanh khiến họ không sao trở tay kịp, chưa chi đã lâm vào cảnh mà "cái già sồng sộc nó thì theo sau " (Chơi xuân kẻo hết xuân đi-Tản Đà). Do đó mới có chuyện ngày xưa, bên Trung quốc, một ông vua nhà Tần cho người đi tìm thuốc trường sinh hay một ông vua nhà Hán sai người luyện linh đan để mong được bất tử, nhưng chẳng qua chỉ là ảo mộng (utopie) mà thôi!

Chúng ta bây giờ cần phải điều chỉnh cách sống để mùa xuân có đi qua nhưng trong lòng vẫn còn mùa xuân, dành thì giờ để lo cho thân và tâm, giảm từ từ lối sống hối hả như bị ma đuổi, chỉ biết “ Métro, Boulot, Dodo" (3) đi xe, đi làm, đi ngủ) hay làm hai ba jobs để có nhiều tiền. Tiền bạc có thể mua được đồng hồ tốt, xe hơi đẹp , nhà cửa cao sang nhưng không thể mua được thời gian, sức khoẻ, hạnh phúc! Tịnh độ hay cực lạc nào phải tìm đâu xa mà chính ở hiện tại, trong tâm chúng ta. Ngay cả trong hoàn cảnh đen tối cùng cực ở trại học tập cải tạo cũng có đôi lúc loé ra một vài tia hạnh phúc, ít giây phút an lạc. Đó là trường hợp, buổi tối, các anh em thì thầm chia sẻ cho nhau những mẩu chuyện vui hay những mẩu chuyện tâm tình vì đồng cảnh ngộ, cùng là những công chức hay quân nhân cao cấp của chế độ cũ, không xô bồ tạp nhạp như ở ngoài đời nên họ hiểu nhau, thông cảm nhau rất nhiều. Khi qua Mỹ theo diện H.O., họ thường nhắc nhở, hồi tưởng những kỷ niệm xưa khó quên ấy!

Mùa xuân, nhất thời hay bất tận, là do chúng ta có quyết tâm hướng thượng, chuyển hoá được các tình cảm tiêu cực thành tình cảm cao đẹp, tích cực hay không, để:

“ Tham ái diệt trừ, phiền não dứt .
Ngàn năm mây bạc vẫn thong dong“

Rất trân quý 
Hoài Việt DHĐ

Chú thích:
(A):Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận - Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua sân trước, một cành mai)

(B) :Xuân lai, xuân khứ, nghi xuân tận - Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân. (Xuân đến xuân đi ngờ xuân hết - Hoa nở, hoa tàn, ấy vẫn xuân)
(1)"Hoạn Thư" là nhân vật trong truyện Kiều, biểu tượng của cái ghen khủng khiếp!
(2) Rút từ câu ca dao:“Chàng ơi phụ thiếp làm chi?-Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng”
(3) "Métro, boulot, dodo "est une expression inspirée d'un vers de Pierre Béarn (thành ngữ lấy từ một câu thơ của Pierre Béarn): « métro »: trajet en métro le matin (đi xe điện ngầm buổi sáng)-« boulot »: journée de travail (ngày làm việc)-« dodo »: retour au domicile et nuit de sommeil (trở về nhà rồi tối ngủ)

Loay Hoay Một Kiếp Người



Sáng nay mưa dai dẳng
Nhâm nhi cà phê đắng
Lòng đầy ắp nỗi niềm
Thôi, trụ về một niệm
Tôi chánh niệm ngồi thiền
Mưa cả ngày liên miên
Lòng ăn năn hối lỗi
Xin cho tôi xám hối
Bao lầm lỗi thứ tha
Và cho tôi tha thứ...
Thấy phiền muộn ưu tư
Thôi bỏ qua, buông bỏ
Ai trên thế gian này
Hoàn toàn không đau khổ?
Khổ là chuyện bình thường,
nên chẳng chấp bi thương
Thích lời ngọt như đường
Không thích lời cay độc
Nhưng tôi nhắc nhở tôi
Xá gì đâu ngôn ngữ
Là ngôn từ âm thanh
Do ta “tưởng” mà thành

Những người quen thân thuộc
Cơ duyên nên ràng buộc
Kiếp trước có nợ nần
Nên kiếp này phải trả
Vì cớ gì trách nghiệp?
Nước mắt rơi lả chả

Vì cớ gì than van?
Hết nợ sẽ thảnh thang
Tâm bay bổng nhẹ nhàng
Còn nợ còn vướng bận
Vô thường không thể nhận (ra)
Nên tham hận trầm luân
Loay hoay một kiếp người
Ôi ta tưởng là dài
Nhưng kiếp người ngắn ngủi
Thôi.... hồng trần bụi phủi
Đừng lúi xúi lao xao
Xin cho tâm tĩnh lặng

Bao não sầu cay đắng
Buông bỏ, đừng nặng gánh
Buông bỏ, buông bỏ hết!
Tâm hồn sẽ nhẹ tâng
Tôi ngồi nhìn lại tôi
Tâm an và lòng lắng
Cảm ơn Phật từ bi
Cảm ơn Pháp nhiệm mầu
Tim con ngừng rỉ máu
Hết khổ não, buồn đau

Mưa mau rồi lại nắng
Yêu thương trên chửi mắng
Xin sân hận rời tôi
Xin xem nhẹ “cái Tôi”
Dẹp cái “Ta”, tự ái
Đời sống tiếp tục trôi
Xin mau chóng phục hồi...

Như Nguyệt
12 tháng Giêng tây, 2017

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Thơ Tranh: Cuồng Say!



Thơ : Kim Oanh
Thơ Tranh: An Nguyen

Nỗi Nhớ Dòng Sông



Bao năm trôi dạt bốn phương trời
Thèm được đêm xuân tiếng em cười
Gió rét nhưng lòng tôi sẽ ấm
Vì biết bên tôi có một người

Vườn cũ tôi ngồi đây luyến tiếc
Tôi thèm một cốc nước trà chanh
Thèm nghe em nói lời tha thiết
Thèm ngủ bên em giấc mộng lành

Thuyền ai đổ bến bên sông ấy
Có phải em về từ nhớ mong
Đời tôi phiêu lạc miền đất khách
Thèm tiếng tri âm sưởi ấm lòng

Tôi vẫn đi tìm một dòng sông
Nhưng sao chỉ thấy sóng trong lòng
Bốn mươi năm lẽ đời viễn xứ
Biết bao giờ vơi nỗi nhớ mong!

Biện Công Danh

Mimosa Đà Lạt



Ẩn trong giá rét cuối đông
Em về tô điểm giữa lòng phố hoa
Hỡi em yêu, Mimosa!
Phố phường vàng óng đậm đà tháng giêng

Se se chút lạnh vừa len
Êm êm hương ngát tràn lên núi đồi
Ấp e em nở nụ cười
Dưới trời Đà Lạt rạng ngời tình xuân

Như xa mà lại thật gần
Mới trông lạ lẫm hóa thân thuở nào
Hồn ta năm cũ xanh xao
Bỗng dưng em đến ngọt ngào nõn tơ

Vút bay trong cõi trời thơ
Vàng tươi sắc nắng trên bờ môi thơm
Vui nào, chẳng thể vui hơn
Trăm con chim mộng đến vờn hồn ta

Núi đồi đầy ắp cỏ hoa
Ong bay bướm lượn lân la giao tình
Bình minh chợt rạng rỡ thêm
Nghe như con nắng đắm tình Mimosa

Cám ơn em, một sắc hoa
Đã làm xao động hồn ta bao mùa
Cám ơn ngọn gió hương lùa
Ngát thơm Đà Lạt suốt mùa xuân tươi

Tuyền Linh (Nguyễn Văn Thơ)

Mùa Xuân Anh Yêu Em - Phạm Anh Dũng - Hoàng Quân

"...Này em tôi, anh yêu em màu xanh, yêu trời xanh. 
Anh yêu mùa xuân, yêu nắng xuân. 
Và anh... anh thương em... anh yêu em..."


Nhạc:Phạm Anh Dũng
Tiếng Hát: Hoàng Quân

Bài Tập Thể Dục Trị Đau Lưng, Đau Cột Sống


Bài tập thể dục này có thể nhanh chóng loại bỏ chứng mỏi lưng, đau cột sống nhờ những động tác đưa hệ xương khớp đi vào trật tự vốn có của nó.

Nằm sấp ngóc đầu: Bài tập "đa tác dụng" chống đau lưng, giảm mỡ bụng, săn vòng 2 
Vỗ cánh tay: Bài tập có sức mạnh "kỳ lạ" giúp chữa 7 loại bệnh 
Hơn 90 tuổi khỏe như 60 nhờ bài tập khiến cả làng nô nức làm theo 

Bác sĩ xương khớp, chuyên gia y học chỉnh hình Lâm Thừa Cơ cho biết, mỗi ngày cơ thể hoạt động và làm việc nhiều khiến hệ xương mệt mỏi, đặc biệt là cột sống luôn phải làm việc quá tải.

Muốn 24 giờ khỏe mạnh, ít nhất bạn cần phải làm động tác này mỗi sáng sau khi thức dậy. Đây là động tác dành cho những người muốn duy trì sức khỏe của cột sống một cách bền bỉ. 

Yêu cầu: Phải kiên trì tập vào các buổi sáng, ngay khi bạn thức dậy và vẫn nằm trên giường. 
Bác sĩ Cơ cho rằng, bệnh đau mỏi lưng thường xuyên rất khó được chữa khỏi bằng cách uống thuốc, nếu hiểu được quy luật vận động và phục hồi của xương để phối hợp tập thể dục, bạn sẽ tận hưởng được sức khỏe thật sự của chính mình. 

Phòng chống đau cột sống, thoát vị đĩa đệm gây ra theo cách này sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng. Bài tập này thích hợp cho người làm việc văn phòng, những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính, thương nhân hay phải đi lại, những người làm nghề lái xe hoặc công nhân. 
Làm động tác này giúp bạn tránh được hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, khôi phục lại hệ xương khớp vào trạng thái khỏe mạnh ban đầu. Hãy dành hơn 2 phút để xem video và làm theo hướng dẫn. 
Bác sĩ hướng dẫn chữa đau lưng



Động tác 1: Tư thế di chuyển con sâu


Tác dụng: Khôi phục lại hệ xương cột sống và cơ lưng, kéo dài và làm giãn sống lưng, tăng cường chức năng của tim và phổi. 
Thực hiện từ 2-3 phút, nằm ngửa trên giường, 2 tay để thẳng lên đầu, cả người duỗi thẳng từ bàn tay đến ngón chân. Chú ý mũi chân phải thẳng. 
Khi đẩy hông sang trái thì tay và chân hướng sang phải, di chuyển tại chỗ như dáng con sâu đang bò. 

Động tác 2: Co gối quạt chân 

- Tác dụng: Khôi phục lại hệ xương cột sống và cơ lưng, giảm nhẹ áp lực, căng thẳng của não, tăng cường chức năng của tim và phổi. 
Thực hiện khoảng 50 lần (trái/phải), nằm ngửa trên giường, duỗi tay lên trên đầu, đan ngón tay vào nhau, thả lỏng. 
Co đầu gối, thả lỏng cơ thể, đánh chân sang trái/phải hết khả năng trong khi phần thân trên giữ nguyên, thả lỏng cơ thể khi thực hiện, thả đầu xuống dưới để lưng cong nhẹ khi vận động, nếu khó chịu thì nằm hẳn trên giường. 
- Lưu ý: Những người dễ bị đau đầu chóng mặt khi thực hiện động tác thì nên nằm thẳng đầu trên giường là được. Không cần thả đầu xuống dưới. Người mới tập thử nên làm từng bước một. 

Bác sĩ Lâm Thừa Cơ đánh giá đây là bài tập rất tốt để phòng bệnh đau lưng, mỏi cột sống.

Những người chưa bị bệnh thì nên tập để phòng bệnh. Những người đã mắc bệnh thì cần tập đều đặn vào mỗi buổi sáng. Người bệnh nặng kiên trì tập cũng sẽ khỏi bệnh. 
Nếu bạn tập mang lại tác dụng tốt, hãy chia sẻ ngay cho người thân, bạn bè để mọi người cùng khỏe mạnh. 

Trần Ngọc sưu tầm
*Theo NTDTV

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Thơ Tranh: Mừng Sinh Nhật Kim Phượng


Thơ: Mailoc
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mừng Sinh Nhật Kim Phượng




Mừng Sinh Nhật Kim Phượng

Đến ngày sinh nhật người ta
Mình không biết phải tặng quà gì đây
Thôi thì qua những dòng này
Gởi câu thân chúc vui vầy ngày sinh
Bạn bè thuở nhỏ chúng mình
Phong ba tuế nguyệt nghĩa tình có nhau
Giờ đây lại thấy nao nao
Mong cho Kim Phượng lúc nào cũng tươi
Hai hai ngày rộn tiếng cười
Tháng hai nâng cốc mừng người năm xưa.

Quên Đi
***
Họa :Mừng Sinh Nhật Kim Phượng


Trong thơ ngụ ý bạn ta,
Nhắc chừng sanh nhật có quà gởi đây.
Người ơi ! Quen biết chốn này,
Hương thầm trộm nhớ tháng ngày năm sinh.
Thầy cô bằng hữu chúng mình,
Vui câu xướng họa hữu tình có nhau.
"Tình Nhân" ngày lễ nôn nao!
Tháng hai mừng Phượng lẽ nào kém tươi!
Giữa xuân hoa thắm nụ cười,
Hăm hai sum họp mọi người mới xưa!

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 tháng 02 năm 2017
***
Cảm Tác: Mừng Sinh Nhật Kim Phượng
Ngày 22 tháng 02 ... 

Sinh nhật hăm hai nắng tháng hai,
Trăng tròn xinh xắn kém chi ai
Một thời Trung học hoa tươi thắm,
Giáo chức năm xưa đỏ gót hài.

Xướng họa Đường Thi đều góp mặt,
Thất ngôn tứ tuyệt cũng gom bài.
Vườn thơ đắc lực nên thân thiết,
Bữa tiệc birthday vẫn nhớ hoài...

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 tháng 02 năm 2017

Chúc Mừng Sinh Nhật Kim Phượng



Chúc Mừng Sinh Nhật Kim Phượng

Đang giữa mùa xuân, Phượng nở hồng
Trên trời én liệng vút tầng không
Đón chào sinh nhật đầy may mắn
Cầu chúc niềm vui mãi thắm nồng
Sức khỏe dồi dào, tâm hạnh phúc
Hồn thơ lai láng, ý phiêu bồng
Bạn bè khắp chốn luôn yêu mến
Xướng họa giao hòa thỏa ước mong.

Phương Hà
***
Chúc Mừng Sinh Nhật Kim Phượng

(Mượn vận còn đảo vận bài thơ chị Phương Hà mấy câu cuối)
            
Phượng nầy chẳng tím lại không hồng
Cánh Phượng vàng ròng,có biết không??
Sanh tháng hai đây ngày nắng hạ(*)
Hai hai còn đọng nét Xuân nồng
Chúc mừng sinh nhật tâm an lạc
Sức khoẻ tràn đầy dạ thỏa mong
Vài vận vườn thơ trao mến mộ

Kết tình hòa hợp mộng bềnh bồng


Song Quang
(*) Mùa Hạ ở Úc 

Thơ Tranh: Em Vĩnh Long

Sáu ơi, bài thơ chị làm tặng Em Vĩnh Long
Em Vĩnh Long làm thơ tranh tặng lại Chị Vĩnh Long nè
Chúc chị Sinh Nhật hạnh phúc và dồi dào sức khoẻ....(để chăm sóc em nhe...hi..hi...)
(9Oanh)


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hăm Hai Tháng Hai



Sinh nhật của người ta,
Ai biết phải tặng qùa.
Cứ thơ rồi lại thẩn,
Lải nhải chán thấy bà!

Cứ gởi lời ... lời mãi,
Vốn lại chẳng thấy đâu.
Bạn bè hồi con nít,
Gặp lại thấy mà rầu!

Cũng may...
Nghĩa tình còn có nhau,
Nên lòng cũng nao nao.
Chúc... bất cứ lúc nào,
Cũng vui như ... Sinh Nhật!

Đỗ Chiêu Đức

Mừng Tuổi Cô Học Trò Ở Xa



Mỗi năm Sinh Nhật đến ngày,
Nghe lời chúc tụng, mặt mày cũng tươi.
Tuổi thơ, thì nhoẻn miệng cười,
Tuổi già, thì tiếc cái thời đã qua.
Người bần hàn, kẻ xa hoa
Đến ngày sinh nhật cũng là ... thật vui!
Cuộc đời đâu chỉ ngọt bùi,
Cứ vui đi đã, hên xui sá gì.

Đời người cũng tựa cuộc đi,
Đồng hành nhân loại, ta thi với đời.
Nữa sau, đã đủ tuổi trời,
Xoa tay nhìn lại, mỉm cười, chia tay.


Danh Hữu

Mừng Sinh Nhật



Biết tiếng từ lâu chửa thấy hình
Ngày vui chẳng lẽ lại mần thinh
Hương lài đất mẹ trà đôi chén
Nước mắt quê hương rượu một bình
Kính chúc người thơ đầy phúc lạc
Mong cầu Kim Phượng mãi hồng xinh
Sáng nay sen trắng sân nhà nở
Gởi tặng quà như cả tấm tình.

Cao Linh Tử
18/2/2017

Sinh Nhật Chị Kim Phượng(22/2)



Khéo chọn hạ tuần nắng tháng hai
Dành đôi cặp số bước song hài
Duyên đời đất mẹ tình riêng kết
Sắc phượng quê nhà nạn khó phai
Đón ánh ban mai vờn sóng biển
Tìm hương dân chủ sánh thi tài
Thơ bày xướng họa vui ngày tháng
Giữ sạch tâm hồn cảnh thái lai!

Nguyễn Đắc Thắng

170220

Thơ Tranh:Phượng!

Yên Dạ Thảo  & Khúc Giang thương chúc chị Phượng một Sinh Nhật thật vui bên cạnh người thân và bạn hữu. Em mến gởi tặng chị tranh thơ cho ngày vui của chị.


Thơ&Thơ Tranh: Yên Dạ Thảo & Khúc Giang

Cảm Ơn


Quý Thầy, các Anh Chị và hai cô Em cùng xóm thân mến,

Trong vòng 823 năm, đặc biệt, chỉ xảy ra một lần. Đó là, trong lịch tháng Hai, 2017 năm nay, có 4 ngày Chủ Nhật, 4 ngày Thứ Hai, 4 ngày thứ Ba, 4 ngày thứ Tư, 4 ngày Thứ Năm, 4 ngày Thứ Sáu và 4 ngày Thứ Bảy.
Riêng đối với Kim Phượng, tháng Hai này, đặc biệt hơn, được thêm một tuổi, được rất nhiều thơ đầy tình ý, thay quà, từ quý Thầy và Bằng Hữu trong Vườn Thơ Thẩn. Nơi đây, Kim Phượng không những được học hỏi, trao đổi lời lẫn ý thơ mà còn có sự gặp gỡ của tâm hồn nữa.
Đây là món quà vô giá, đã đưa Kim Phượng trở lại " thời áo trắng" và thời ' Cô giáo ô đen" của Vĩnh Long năm nào.
Thành thật cám ơn.
Kính chúc quý Thầy và các Anh Chị Em luôn an lành.

Thân mến
Kim Phượng


Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Câu Đối: Trang Long Hồ Vĩnh Long Đón Chờ Mặc Khách,Tao Nhân - Huỳnh Hữu Đức

Câu Đối: Huỳnh Hữu Đức
Trình Bày: Kim Oanh

Nhớ Thương




Lỡ bỏ rơi một chữ thương ở Saigòn
Không ai lượm chắc còn nằm nguyên đó
Qua bên nầy còn cầm theo chữ nhớ
Biết bao giờ thành một cặp nhớ thương

Thôi cũng dành ôm một chữ mà buồn
Nhớ cũng hắt hiu thương càng hiu hắt
Một nửa bên đây nhớ đầy nước mắt
Nửa bên kia thương cũng khóc ngậm ngùi

Ví dụ như mình đừng trót đánh rơi
Chắc thương không đau một hình một bóng
Để nhớ đêm đêm vào ra trông ngóng
Chờ gặp nhau đau đáu đợi ngày về

Xa thương rồi không dễ quên đâu
Thương ở đó chờ nhớ về gặp lại
Có thể nào mình chia xa mãi mãi
Đợi nhé ngày về, chờ nhé thương ơi! 

Vĩnh Trinh

Làm Chi Cho Qua Một Ngày



Làm Chi Cho Qua Một Ngày

Làm chi cho qua một ngày
Ngồi im một góc hồn ngoài chân mây
Tưởng như tuổi hồng còn đây
Tóc tơ thả gió bay bay trong chiều

Tim còn rộn rã tin yêu
Bao nhiêu tha thiết bao nhiêu nồng nàn
Tưởng chừng quên dấu thời gian
Hằn trên xương cốt, dung nhan tội tình

Soi trong gương bỗng giật mình
Ai nhìn ta với cái nhìn không quen
Lẽ nào đó lại là "em"
Lẽ nào một giấc mộng len vào đời

Quỹ thời gian sắp cạn rồi
Chia tay chưa kịp nói lời yêu thương
Thì thôi hết kiếp đoạn trường
Hẹn nhau, đã hẹn sân trường ta Xưa

Khánh Hà
***
Ngày Mai Gom Lá Sân Trường


Anh ngồi - ngày lại qua ngày
Mân mê sợi nhớ bạc vài tóc mây
Ước chừng em còn đâu đây
Dang tay đón nhận hồn say nắng chiều.

Em ơi hoang phế tình yêu
Anh đang giữ lại bấy nhiêu nồng nàn
Mưa chiều phủ bụi không gian
Tim đơn hoang lạnh người đang thất tình.

Thương em nghĩ tủi phận mình
Áo ta nhăn dúm người nhìn chẳng quen
Dường như đang gọi tiếng em
Hẩm hiu thân phận buồn len cuộc đời.

Bây giờ ta cách biệt rồi
Nói gì cũng trễ dù lời mến thương
Ngày mai gom lá sân trường
Tìm em dốc nắng phố phường ngày xưa.

Dương hồng Thủy
(Thứ năm 09/02/2017)

Trăm Nhớ Ngàn Thương - Lam Phương - Khánh Ly

Ai ngờ chim trời vỗ cánh tung bay
Người đi để nhớ cho đời
Làm sao tôi đến bên người



Sáng Tác: Lam Phương
Ca Sĩ: Khánh Ly
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cho Quên Người Ai Quên - Thơ Hoài Ziang Duy - Phổ Nhạc Thy Phương


Thơ Hoài Ziang Duy
Phổ Nhạc Thy Phương
Tiếng hát Duyên Quỳnh


Truyện Cổ Tích "Sự Tích Mưa"


Ngày xửa ngày xưa, thuở còn "Tạo Thiên Lập Địa", trái đất chỉ có sông hồ, biển cả, núi non, mây gió, nhưng Ông Trời quên làm "mưa"!

Một hôm, có một áng mây nhỏ bay rong chơi với mây mẹ trên trời.
Vì mê say các phong cảnh thiên nhiên nên áng mây nhỏ cứ theo làn gió bay đi khắp bốn phương trời. 
Khi nhìn lại thì thấy chỉ có một mình mình lơ lửng trên không! 
Không thấy mẹ ở đâu, mây nhỏ hốt hoảng, ngơ ngác tìm mẹ vừa kêu vang:
- Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ đâu rồi!?
Nhưng vì mây nhỏ đi lạc xa quá nên mây mẹ vẫn biệt vô âm tín!
Đang lo sợ không biết làm sao tìm đường về nhà thì đột nhiên, mây nghe tiếng ai vọng từ dưới đất lên:
- Đi lạc rồi hả cô bé!? Đừng lo, ta sẽ chỉ đường cho bé về nhà!
Mây ngạc nhiên nhìn xuống thì thấy tiếng nói phát ra từ một giòng sông hiền lành dưới đất. Giòng sông dài, nước chảy êm đềm.
Và lạ thay, mây nhận ra bóng mình đang nằm trong lòng giòng sông!

Mây bẽn lẽn đáp lời:
- Dạ, em đi lạc, không biết đường nào về nhà! Nhờ anh sông chỉ đường cho em về với mẹ, kẻo mẹ em lo!
Giòng sông vui vẻ nói:
-Được rồi, ta sẽ chỉ đường cho bé về nhà. Nhà mẹ bé khá xa, ở dưới tận nguồn sông. Mây cứ bay theo huớng sông. Thỉnh thoảng nhìn xuống nước sông, nếu thấy bóng mây trong đó là biết đi đúng đường!
Mây mừng quá, cám ơn sông rối rít!
Và nàng mây theo huớng sông, bay về phía nguồn. Thỉnh thoảng, mây nhìn xuống mặt nước sông, thấy bóng mình trong đó, mây vừa yên tâm vì biết đi đúng đường mà cũng vừa e thẹn vì bay ... quá gần sông!


Chẳng bao lâu sông đưa mây về đến nhà.
Mây mẹ gặp lại mây con, mừng lắm. Sau khi cám ơn sông, mây mẹ quay lại dặn mây con:
- Từ nay đừng đi xa kẻo lạc đường nha con! Có đi đâu, hãy đi cạnh anh sông. Nếu lỡ lạc đường, anh sông sẽ dẫn con về nhà với mẹ!
Từ ngày hôm đó, mây nghe lời mẹ, cứ quanh quẩn bên sông và chơi đùa với sông! Mà thú vị nhất là mây thích soi bóng, ngắm mình trên mặt nước sông, dù có đi lạc hay không!

Rồi theo thời gian, áng mây bé bỏng ngày nào, giờ đã trở thành một áng mây... lớn dễ thuơng hiền hòa. 
Có những sáng bình minh, ánh nắng chiếu vào mây làm mây ửng hồng như mây say! 
Và có những chiều hoàng hôn, mây soi mình dưới nước sông. Thấy mình đượm màu tim tím, mây cảm thấy có chút thẹn thùng của một áng mây mới lớn!
Dần dà, mây và sông trở thành đôi bạn tri kỷ.
***

Một hôm, mây phải theo mẹ về thăm mây ngoại ở miền núi, xa đến mấy trăm dặm đường. 
Trước khi đi, mây chia tay tạm biệt với sông và hẹn ngày gặp lại.
Nhưng chẳng may, trong khi mây vắng nhà, Trời sinh ra hạn hán!
Ngày thì nắng chói chan, đêm thì nóng hừng hực! Tất cả cây cỏ đều tàn úa. Còn giòng sông thì cũng khô cạn, không còn một giọt nước!

Khi mây trở về sau một thời gian dài xa nhà, mây tìm sông, bạn cũ để chơi đùa. Nhưng hởi ơi, sông bây giờ chỉ còn là một dãy đất lỏm khô cằn, nằm chơ vơ như cái xác không hồn!
Mây cuống quít, bay từ đầu sông đến cuối sông, gọi sông tỉnh dậy. Nhưng không có nước chảy, sông vẫn nằm yên không động tỉnh!


Không biết phải làm gì để cứu nguy cho sông, mây không màng bay đi đâu cả, chỉ đứng một chỗ, khóc thút thít một mình! Nước mắt mây rơi đầy xuống đất!
Rồi ngày này sang ngày khác, những giọt nước mắt mây rơi làm cho cây cỏ tươi thắm, đất trời mát mẻ trở lại. 
Và những giọt nước mắt ấy của mây cũng cũng chảy đầy vào lòng sông, làm sông tỉnh dậy!
Mây ngạc nhiên trố mắt nhìn xuống. Sông trở nên mạnh khỏe như xưa, nước chảy cuồn cuộn, cá lội đầy giòng! 
Và thú vị hơn nữa, mây tìm thấy bóng dáng mình in lại trên mặt nước sông! 

Từ đó, mây vui trở lại vì có bạn cũ để nô đùa, chỉ đường cho mây về nhà mỗi khi mây bay lạc huớng!
Và cũng từ đó, loài người, sinh vật, cây cỏ, sông hồ... tất cả sự sống trên trái đất đều cảm kích những giọt nước mắt ngọc ngà quí báu của những áng mây lơ lửng trên trời. 

Mỗi khi hạn hán thiếu nước, dân gian khắp nơi đều huớng lên trời tìm mây. Ai cũng cầu mong được hứng những giọt nước mắt từ những cụm mây cao rơi xuống để mùa màng, sông hồ được tươi thắm! 

Về sau này, người đời nhớ lại sự tích áng mây nhỏ rơi lệ, vô tình cứu sống giòng sông ân nhân. 
Họ đặt tên cho hiện tượng ấy là "Mưa! Trời Mưa!"
Và đó là Sự Tích tại sao có ..."Mưa"!

Nguyễn Hà 

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Thơ Tranh: Mùa Xuân Có Còn Hay Không

Xuân này vắng tưởng nhớ về người anh thương yêu đã ra đi....


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tứ Tuyệt Đầu Năm - Kim Phượng



(Họa từ Tứ Tuyệt Đầu Năm của Mailoc)

1/ Xuân Về
Em người con gái tuổi ô mai
Má thắm môi hồng suối tóc lay
Chân sáo tung tăng vờn nắng mới
Hồn xuân nhẹ thả gió cao bay

2/ Mưa Xuân
Hái lộc đầu năm chữ rủi may
Niềm vui mong đợi đếm từng ngày
Từ đâu lất phất mưa xuân lại
Man mát mặt người thêm ngất ngây

3/ Hành Hương
Những cánh mai vàng còn ngậm hương
Trong làn sương sớm thấy mà thương
Hành hương nhàn ngắm tâm thành kính
Cùng đến nơi này khách thập phương

4/ Mắt Xưa
Mỗi độ xuân về nhớ cố hương
Tìm trong nét đẹp cái tầm thường
Mắt xưa lạ quá sao mà nhớ
Mươi mấy năm rồi mãi vấn vương

5/ Chùa Nghèo
Trở lại nhìn quanh cám cảnh nghèo
Rau cà cây trái đã dần teo
Bàn thờ Đức Phật trầm hương lạnh
Hình ảnh sư già mãi xuyến xao

6/ Sơn Tự
Gió thoảng đêm về len lén hương
Lần theo sơn tự cuối con đường
Sương đêm cảnh vật thêm huyền ảo
Rạng sáng mai ngày đón ánh dương

7/ Lên Cao
Trường độ âm thanh dừng nốt La
Thử lên cao ngắm cảnh chiều tà
Hóa thân hạt cát trong trời đất
Nhập thể mây ngàn bay tít xa

8/ Tĩnh Lặng
Chầm chậm chuông chùa nhẹ tiếng buông
Thân tâm an lạc tọa thiền đường
Phút giây tĩnh lặng trong vô niệm
Huyễn cảnh trần gian ấy lẽ thường

9/ Già
Sinh ký tử quy như thế rồi
Gìn nhân tạo đức cố lên thôi
Dẫu già sắp hoại luôn hồn trẻ
Xứng đáng một đời đấy bạn ơi

10/ Hết Tết
Mai tàn trước ngõ biết xuân qua
Hồi ức xưa nào đến với ta
Ai người tỏ rõ lòng tri kỷ
Mau mang xuân đến kẻo hồn già

Kim Phượng

Tứ Tuyệt Cuối Năm - Mailoc




Tứ Tuyệt Cuối Năm

(1)
Giao Thừa
Giao thừa, năm cũ vội vàng đi
Bịn rịn mà chi có ích gì?
Thương cảm năm tàn không níu được,
Hãy mừng năm mới rượu tràn ly

(2)
Tha Hương
Lại thêm năm nữa Tết tha hương,
Lạnh lẽo heo may nhớ lạ thường.
Đất khách xuân về còn bỡ ngỡ,
Một mình ôm ấp mối sầu vương!

(3)
Nhớ Nhà
Mộng ước trở về đã lịm sâu,
Căn nhà xưa cũ mối tình đầu.
Thần tiên ngày tháng bên cha mẹ,
Hình ảnh mẹ hiền con khắc sâu.

(4)
Một Năm
Thời khắc trôi trôi mãi lạnh lùng
Năm tàn mỗi phút qúi vô cùng
Một năm ôn lại trong vài phút,
Mất mác, vui buồn với nhớ nhung!

(5)
Chạnh Lòng
Bàn thờ, hương án đã tàn nhang,
Nến sáp lệ dài, lặng lẽ trang.
Phòng vắng, trở mình nghe gió thở,
Nằm hoài dỗ giấc cứ mơ màng 

Mailoc
Cali 30 Tết 2017

Tứ Tuyệt Cuối Năm - Song Quang


(Mượn vận bài thơ "Tứ tuyệt cuối năm" của MaiLoc)

1/Đầu năm
Đầu năm,mùng một ở đừng đi
Năm cũ hay chi níu kéo gì ?!
Năm mới mong rằng hơn hẳn trước
Ta mừng nhấp rượu chớ ngưng ly

2/ Tha hương
Vẫn còn thêm nữa kiếp ly hương
Tết nhứt mà chi...thấy cũng thường
Xuân đến khi lòng còn ray rứt
Quê nhà vẫn nặng mối tơ vương

3/ Nhớ nhà
Mơ về quê Mẹ đã chìm sâu!
Nơi đó còn in kỷ niệm đầu
Cái thuở tóc dài còn cắp sách
Yêu người, ký ức mãi in sâu

4/Năm tàn
Ngày tháng trôi nhanh đến lạ lùng!
Mới vừa thấy đó...đã năm cùn
Vui buồn tâm trí còn tồn đọng
Được mất chỉ là những nhớ nhung

5/Chạnh lòng
Hương án chạnh lòng thiếu khói nhang
Đèn hoa trống vắng chẳng nghiêm trang
Xuân về,lữ thứ hoài trăn trở
Tết đến sao ta dạ chẳng màng!

Song Quang
Đầu năm Đinh Dậu/2017