Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Sao Đành Phụ Em - Nhạc Sĩ Diệu Hương - Tiếng Hát Ý Lan


Nhạc Sĩ:Diệu Hương 
Tiếng Hát: Ý Lan
Thực Hiện: Đặng Hùng

Mắt Đời Giữa Cuộc Bể Dâu



Ước mơ chi cõi thiên đường
Về lo chăm sóc mảnh vườn diệu tâm
Đời thường khuya sớm thâm trầm
Hoa thơm, trái ngọt, pháp âm nhiệm mầu.
Đã rằng; trong cuộc bể dâu!
Cõi lòng thanh thoát, tươi màu thời gian.
Nhục vinh, mấy nhịp cung đàn
Tơ chùng, phím loạn, nghe hoang nỗi sầu!
Rồi mai mốt, nữa... ra sao?
Con đường hẹp lối dẫn vào hư vinh
Thương ta nên phải nghĩ mình
Lối đi dù nhỏ, nhưng tình mênh mông.
Đời đi như một dòng sông
Chở phù sa đến khắp cùng bờ xa
Tình thơ, tình nước non nhà
Tình muôn dặm ruỗi, tình hoa cỏ nầy.
Bóng hình, hình bóng rồi đây
Bóng nghiêng, hình có đứng ngay bao giờ !
Ta về dưới ánh trăng thơ
Nghe dư âm vọng bên bờ tử sinh.
Câu kinh kệ, nhịp chày kình
Vó câu muôn dặm đăng trình mây qua
Ta về lại mảnh vườn ta
Sớm hôm chim hót, cỏ hoa tươi màu.
Mắt đời giữa cuộc bể dâu!.

South Dakota, lập đông 2018.

Măc Phương Tử


Vọng Âm Mưa



Bài Xướng: 
Vọng Âm Mưa

Mưa núi vọng về từ cõi xa
Cho ai cuống quýt đường về nhà
Mưa rơi lất phất buồn vai áo
Bùn vấy lưa thưa lấm gót ngà
Lặn lội trong màn mưa trắng xóa
Âm thầm giữa phố vắng người qua
Mưa xưa rền rĩ dư vang cũ
Sũng ướt cõi hồn nghe thiết tha

Yên Nhiên
***
C
ác Bài Họa:
Vọng Âm Buồn

Đưa người sương khói mịt mù xa
Lặng lẽ hàng cau đợi trước nhà
Bốn mấy năm tàn trăng ánh ngọc
Là bao tháng lụi tuổi xuân ngà
Hải âu viễn xứ không về nữa
Cánh hạc biên thùy đã ghé qua
Tóc trắng cùng mây nhòa cố quận
Miên sầu lưới nhện kéo la tha

Lý Đức Quỳnh
***
Mưa Hoàng Thành


Nghe lòng thổn thức nhớ quê xa
Viễn xứ hoài mang cảnh phố nhà
Bến Ngự mưa tràn mờ núi xám
Sông Hương nước ngập phủ mây ngà
Đông Ba chợ họp thưa người tới
Đập Đá thuyền chèo vắng khách qua
Những buổi chiều tàn chuông vọng lại
Hoàng Thành gió ,bão ,lụt nào tha

Minh Thuý
1 tháng 10 _ 2018
***
Ray Rứt

Người ấy bây giờ ở rất xa
Để buồn quạnh quẽ khắp ngôi nhà
Cô đơn, thiếu phụ hờn đêm lạnh
Thương cảm, vầng trăng phủ vóc ngà
Bếp lạnh tro tàn, mưa thấm dột
Màn thưa cửa mục, gió luồn qua
Ước mong gặp lại dù trong mộng
Để nói rằng em đã thứ tha.

Phương Hà
***
Thay Lời Người Ấy...


Người xa,...tâm não chẳng hề xa
Quên được làm sao thuở một nhà
Tay gối ,đắm say bầu má ngọc
Môi kề nồng ấm tấm thân ngà...
Ước chi về lại,...hờn bù đắp
Để được bên nhau,...giận bỏ qua
Người ấy nghĩ gì ân nghĩa trọng
Khi mà người ấy rộng lòng -"tha"???!

3-10-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
1/ Vọng Âm Buồn

Đã những buồn mây với núi xa
Mưa rơi quán trọ góc quê nhà
Áo tơi kín mít chân mang " ghệt "
Nón lá bùn leo quấn gót ngà
Đường sóc xe qua từng viễn xứ
Quê nghèo em gái lội mưa qua
Biên thùy cảnh cũ mưa ray rứt
Giọt thả rơi đều tiếng thiết tha ....

2/ Vọng Âm Xưa
Có những vọng âm xa rất xa
Cây đa bến cũ khóm tre ngà
Trong nhà điệu võng ru bà cháu
Ngoài ngõ chim gù tiếng thiết tha
Gió bụi một cơn lùa tứ xứ
Bức tranh dâu biển xóm không nhà
Quê người chợt lắng hồn quê cũ
Giọt giọt âm thầm mãi chửa qua 

10.02.2018
Locphuc
***
Đụt Mưa To


Mưa như trút nước vọng từ xa
Luống cuống chạy đâu đụt mé nhà
Tung tóe áo thun, trên tóc rối
Bon chen nước đẫm dưới chân ngà
Lăn xăn luồn lách tìm nơi núp
Lúp xúp nghiêng che kiếm chỗ qua
Rã rích đêm về đi bén gót
Cũng may trời tạnh mới buông tha

Mai Xuân Thanh
Ngày 02/10/2018
***
Vọng Âm Mưa

Vọng về mưa núi nẽo xa xa,
Cuống quýt kìa ai trở lại nhà.
Lất phất mưa rơi trên áo mỏng,
Lê thê bùn lấm gót chân ngà.
Âm thầm lê bước trên đường vắng,
Lặn lội vấy bùn chẳng kẻ qua.
Rền rĩ dư âm ngày tháng cũ,
Cỏi hồn đeo đẳng mãi không tha !

Đỗ Chiêu Đức

***
Đông


Đông về gió lộng trãi khơi xa
Đông giọt mưa rơi bỗng nhớ nhà
Đông hát muôn trùng vui biển cả
Đông trôi ảo não tẻ trăng ngà
Đông mong đất Mẹ bình minh tỏ
Đông vọng quê mình bão tố qua
Đông cảnh công bình hoa thắm nở
Đông lòng rộng lượng sẽ buông tha…

Đức Hạnh 
 03 10 2018
***
Đồng
(Thủ nhất thanh)

Đồng quê ly biệt lạc trời xa
Đồng cảnh khôn nguôi nỗi nhớ nhà
"Đông khí tương cầu",...thơ hứng khởi
"Đồng thanh tương ứng",...tửu la ngà
Đòng tâm ,bão tố càng kiên định
Đồng sức ,sương mưa vững vượt qua!
Đồng chí một thời chung chiến tuyến
Đồng Lòng trượng cả,oán thù-tha. 

03-10-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
Người Đi Trong Mưa

Mưa chiều vẳng tiếng rạt rào xa
Bước vội vàng xoay trở ngõ nhà
Hạt đổ ngâm nhàu vai áo đẫm
Bùn vây bám chặt mũi hài tha
Âm thầm nhịp thở nương hồn phố
Lặng lẽ đèn soi đuổi gót ngà
Gió thổi đêm lùa hương nhạt nhẽo
Em về ướt sũng mộng ngày qua.

Mai Thắng
181005
***
Mưa Sầu

Mưa chiều nhớ mẹ… bóng hình qua,
Vọng tưởng hồn quê gió thướt tha.
Thưa thớt liễu xuân buồn nắng nhạt,
Hắt hiu vườn hạ tiếc tre ngà!
Xưa tình mộng đó lòng ngây ngất,
Thảm cảnh đời nay dạ xót xa!
Lừa lọc thế trần bao nghẹn uất…
Mưa sầu hận tủi nước non nhà!

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân

Tuổi thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 22


Tôi chạy đi hỏi thăm thì được người dân chỉ, giờ mua vé xe đi về Bạc Liêu từ Bạc Liêu qua Cần Thơ rồi từ Cần Thơ về Rạch giá....
Thế là tôi cõng em và bà bầu mua vé đi Bạc Liêu, tới BL thì đi qua Cần Thơ nội chiều hôm đó, trên đường chúng tôi không dám ăn gì để dành tiềm mà mua vé xe, nhưng xuống đến Cần Thơ thì không còn chuyến xe nào về Rạch giá.

Ở bến xe thì người ta vẫn nằm ngồi sắp hàng dành chỗ để mua vé ngày mai 
chúng tôi cũng lại ngồi xếp hàng chắc là đêm nay phải ngủ tại bến xe rồi 
Tôi chợt nhớ chị Nữ bạn chế hai có chồng người CT, mà tôi gọi là anh 6 anh nói gia đình ông bà già có quán cơm tại bến xe nhưng tôi không biết tiệm nào, còn anh 6 xuống rg sống cùng bên vợ, vợ chồng cùng bán thuốc tây vĩa hè giống chị em tôi, tôi mua cho em và bà bầu hai chai nước uống cầm hơi ngồi đó giữ chỗ tôi đi hỏi thăm tiệm cơm nào.

Tôi đi dài dài hai dãy phố gần bến xe tiệm cơm nào cũng vô hỏi nhưng ngặt một nỗi tôi không biết tên anh 6, nên người ta cũng không biết là ai, rất may có một tiệm nói, tiệm cơm bên kia đường có thằng con lấy vợ rg, cô qua đó hỏi coi có phải không tôi qua tiệm hỏi tìm anh 6 ông chủ quán nói:
- Bây...ở đâu mà biết nó, nó ở bên vợ dưới rạch giá
- Tôi cùng quê với vợ ảnh, nhưng vì lở đường mua vé về rg hỏng có nên ngũ tại bến xe đêm nay...ông chủ quán lại gần hỏi nhỏ:
- Bộ bây ..ở trỏng mới ra..?
- Sao bác biết ..
- Nhìn là biết liền (tàn tạ quá) ..bây về mấy đứa 
- Dạ 3 đứa ..
- Thôi ra bến xe kêu tụi nó vô đây ..
- Bác cho tụi con ngủ nhờ ?
- Bộ bây... muốn ngủ bến xe ?

Tôi mừng quá chạy trở lại bến xe cõng em và dắt bà bầu tới quán cơm.
Bác ấy nói tụi bây ra sau nhà nói bác gái chỉ chỗ đi tắm rửa ráy gì đi hôi hám quá (hỏng hôi sao được trong trại ra lội bộ 5 cây số, đứng bến xe bán quần áo 
đi xe từ cà mau qua Bạc Liêu xuống tới Cần Thơ, ngồi chà lết ở bến xe tới giờ này) tắm xong bác kêu ra trước tiệm ăn cơm 
- Tụi bây ăn gì cơm sườn hay cơm tôm kho tàu ?

Hai chị tôi chọn hai món khác nhau, để chia ăn được hai món, còn bà bầu thì cơm sườn ...Ăn xong bác gái giăng cho ba đứa tôi ngủ trên bộ ván nhà sau 
Ôi ... những tấm chân tình, không biết chúng tôi là ai, nghe nói quen với con trai mình và ở trại mới ra thì giúp vậy thôi, giúp người cơ nhở giữa đường không cần suy nghĩ ...Đáng qúi thay những tấm lòng vàng... không hỏi tên hỏi tuổi, nhà cửa ở đâu làm nghề gì? Chỉ biết vb bị bắt mới được thả ra....vậy thôi ...

Đến nửa đêm gần 1 giờ sáng bác vào kêu tôi dậy nói:
- Có chiếc xe hàng chở nước đá về Rạch sỏi tụi bây muốn quá giang về không ?
- Bác hỏi dùm cho hỏng tốn tiền, vì chờ sáng mai xếp hàng chưa chắc mua được vé. 
Tôi hỏi bà bầu cổ nói chị tính sao cũng được miễn về tới nhà....

Thế là chúng tôi chào từ giả hai bác quán cơm tốt bụng lên xe hàng về quê
Tụi tui leo lên chỗ cabin có cửa sổ nhỏ lên trên xe có lót khoảng ván rộng như chiếc gường (hình như xe hàng nào cũng thế chắc là chạy đường xa nên làm chổ nghĩ lưng) mới đầu thì không sao nhưng chạy một hồi thì gió thổi luồn qua cửa sổ hơi lạnh từ những cây nước đá bốc lên mặc dù có ủ rất nhiều trấu
Tụi tui đánh bò cạp trong giỏ có mấy bộ đồ đem ra mặc hết ngồi bó gối gần nhau cho đỡ lạnh ...chạy một hồi mệt quá nên ngủ thiếp đi .

Cuối cùng rồi chúng tôi cũng về tới Rạch Sỏi, xe phải xuống hàng chúng tôi đi xe lam vô rạch giá, tui kéo bà bầu và đứa em ngồi tuốt ở trong về tới bến xe lạc hồng ở cổng Tam Quan tôi chờ cho người ta xuống xe hết rồi nói mình không có tiền nhờ đưa về xóm hoà lạc rồi trả tiền luôn, mới đầu họ không chịu, nhưng tôi bảo, ở đây thì không có tiền trả thì chú bị mất còn chạy dùm thêm một chút thì chú tính thêm tiền xe chú có mất gì đâu....
Rồi chị em tôi cũng về tới nhà lúc 5 giờ sáng, kêu cửa thật lâu mà không ai mở, ba má tôi sợ (chắc tưởng hồn mà bóng quế hiện về, vì tôi đi gần một tháng mà không có tin tức gì cả không nghe bị bắt không nghe tới đảo chắc tưởng tôi chầu hà bá rồi ...) hôm ấy là ngày đưa ông táo....

Vị chi chuyến này tôi gở lịch ở trại Cây Gừa Cà mau 20 ngày, trên tàu trên đảo trong chuồng bò tuần lễ tính ra cũng gần một tháng ....
Chuyến đi này tôi sợ thật sự định xếp lại giấc mơ chôn vùi quá khứ, tôi không đi buôn đường dài nữa, tôi sợ vào tù ra khám nếu đi buôn lậu thì có ngày cũng bị bắt rồi lại ủ tù, tôi oải chè đậu rồi ...
....nên tôi đổi qua bán đồ hộp ở góc đường sau chùa Quan Đế, dựng cái sạp cũng đồ sộ chưng bày nhiều mặt hàng trái vãi hộp nhản hộp rượu thuốc hút, bánh tây (giống như đường Nguyễn Tri Phương trên Chợ Lớn ...)
Những mặt hàng nặng nề tôi phải thuê xe cây sáng chở hàng ra chiều kéo hàng về ....tôi buôn bán như thế đâu được vài tháng thì chú về thăm tôi kêu tôi mà hỏi:

- Giờ Toàn tính sao ? Không thèm chờ chú ? 
- Quyết định ra sao tuần sau cho chú biết ...đừng đi chỗ lạ sợ người ta gạt vừa mất của vừa ở tù ....

Thôi chào tạm biệt hẹn kỳ 23 tôi quyết định ra sau ....???

Hình Toàn

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Đông Ơi!

Thời gian lặng lẽ nhịp nhàng
Hồn đây lá chết trút vàng hiên thu
Cô đơn trở giấc thâm u
Não nùng ai oán điệu ru cuối mùa





Thơ & Ảnh: Kim Phượng



Về Quê...



Chiều nay trở về thăm quê
Đường làng sạch đẹp bốn bề khang trang
Ngày xưa bên cổng đình làng
Đợi em bên cội mai vàng ngẩn ngơ.

Đến năm đệ tứ mộng mơ
Kèm em lớp nhất - thi vô trường Đoàn (*)
Em đậu đệ thất dễ dàng
Tôi lên nhị cấp - dùng dằng đi xa.

Từ khi chấp nhận xa nhà
Tôi rời cô bé nết na dịu dàng
Sợ khi gặp em bên đàng
Tưởng cô gái lạ ngỡ ngàng hàn huyên.

Thế rồi bị tổng động viên
Ra trường Thủ Đức về miền thượng du
Quanh năm suốt tháng mây mù
Sương treo đỉnh núi, địch hù đầu non.

Mấy năm lòng dạ héo hon
Về thăm em : đã có con, có chồng
(...Em đi sư phạm Vĩnh Long
Gặp người đồng nghiệp động lòng bén duyên).

Buồn thay đời lính nghèo tiền
Làm sao được gái thuyền quyên hẹn hò
Hôm nay đi ngang bến đò
Nhớ em chợt thấy buồn so... phận mình.

Dương hồng Thủy

(*) trường nữ Đoàn thị Điểm - Cần Thơ.

Ý Thơ - Hồn Thơ


Xướng: 
Ý Thơ

Tâm sự dễ thường những giấc mơ 
Gieo duyên đồng cảm nối đôi bờ 
Ngày kia bất chợt đem giàn trải 
Mảnh vụn chấp thành những ý thơ 

Mời người xa đọc lấy làm vui 
Đâu dám mong chờ họa tới lui 
Hồi đáp năm vần như hiểu ý 
Ước gì năm tháng kéo đi lùi. 

Đoạn trường chắc đã đôi lần bước? 
Gãy nhịp cầu duyên đau mấy lượt 
Rẽ thúy chia uyên thế cũng đành 
Chúc người vượt khổ thêm nhiều phước. 

Cao Linh Tử 
***
Họa: Hồn Thơ 

(Hai đoạn từ Ý Thơ của Cao Linh Tử)

Hồn du thơ thẩn lạc trời mơ 
Đồng cảm tâm giao dẫu cách bờ 
Mấy thuở bên nhau cùng xướng họa 
Tâm tình trút hết cạn nguồn thơ 

Bên tách cà phê sáng thật vui 
Thơ người ta đọc tới xem lui 
Thẩn thờ dăm phút hồn bay bổng 
Kỷ niệm ngày xưa chợt trở lùi 

Kim Oanh

Le Sonnet (Félix Arvers) - Tình Thầm Kín



Le Sonnet 

« Mon âme a son secret, ma vie a son mystère :
Un amour éternel en un moment conçu.
Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire,
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.
Hélas ! j'aurai passé près d'elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,
Et j'aurai jusqu'au bout fait mon temps sur la terre,
N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.

Pour elle, quoique Dieu l'ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d'amour élevé sur ses pas ;
À l'austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d'elle :
« Quelle est donc cette femme ? » et ne comprendra pas. »

Félix Arvers
***
Tình Tuyệt Vọng

Lòng ta chôn một khối tình, 
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu. 
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu, 
Mà người gieo thảm như hầu không hay. 

Hỡi ơi, người đó ta đây, 
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân? 
Dẫu ta đi trọn đường trần, 
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi? 

Người dù ngọc nói hoa cười, 
Nhìn ta như thể nhìn người không quen. 
Đường đời lặng lẽ bước tiên, 
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình. 

Một niềm tiết liệt đoan trinh, 
Xem thơ nào biết có mình ở trong. 
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng: 
"Người đâu ta ở mấy dòng thơ đây ?" 

Arvers Sonnet d'Arvers 
Khái Hưng dịch
***
Bản dịch của Mai Lộc

1/Tình Thầm Kín


Chôn bí mật, một đời ta u uẩn,
Gặp một lần , tình vương vấn muôn niên.
Nỗi thảm sầu tuyệt vọng cứ triền miên,
Người gieo thảm lại hồn nhiên chẳng thấu.

Ôi ! Buồn tủi, cạnh người, người không thấy,
Mãi bên người sao ôm lấy cô đơn!
Cho dẫu ta đi trọn cả cuộc đời,
Cũng chẳng dám một lời xin hay nhận.

Người khả ái dịu hiền Trời ban phận,
Bước đường trần người hờ hững không hay
Tiếng thì thầm dưới gót khối tình ai.
Ôi tiết liệt! Đẹp thay đời đức hạnh.

Rồi có lúc đọc thơ, lòng người chạnh,
Những vần thơ sầu quạnh viết về mình.
Vẫn ngây ngô người se sẻ hỏi lòng
“ Nàng nào vậy? thật tình ta không hiểu. “

2/Tình Câm

( Song thất lục bát )

Hồn bí mật , đời ta uẩn khúc,
Khối tình si giây phút, muôn niên.
Khổ đau câm lặng triền miên
Mà người gieo khổ hồn nhiên biết gì !

Người chẳng thấy ta đi bên cạnh,
Vẫn cô đơn sầu quạnh bên người.
Dẫu ta đi tận cuộc đời,
Âm thầm, chẳng dám ngỏ lời yêu thương.

Người khả ái Trời dường ân sủng
Bước đường trần hờ hững không hay
Xéo giày dưới gót tình ai ?
Chao ôi! Tiết liệt đẹp thay hạnh người!

Bùi ngùi đọc những lời bi thiết,
Những vần thơ toàn viết về mình.
Ngây ngô người sẽ hỏi lòng
“ Nàng nào ? chẳng hiểu người tình trong thơ “

Mailoc
***
Bản dịch của Hoàng Nguyên Chương  

1/Điều Bí Mật 

Tôi chôn bí mật vào tim.
Mối tình vĩnh cửu lặng im với người.
Nỗi đau tuyệt vọng không lời.
Lòng hoa đâu rõ tơ trời oái ăm.

Tôi qua, nàng chẳng để tâm.
Bên người trong mộng vẫn thầm đơn côi.
Đành mang theo suốt cõi đời.
Nào mong dám nhận được lời yêu thương.

Diệu hiền, trời để sắc hương.
Sao nàng lơ đãng trên đường lặng câm.
Không nghe dẫm đạp dưới chân.
Tình yêu lên tiếng thì thầm xót xa.

Dẫu rằng bướm lượn đường hoa.
Nàng luôn giữ phận đàn bà tiết trinh.
Đọc thơ u uẩn về mình.
Nàng cho: “ Ai đó?”, nỗi tình nào hay!

2/Điều Bí Mật 

Tâm hồn tôi suốt đời mang bí mật.
Một tình yêu bỗng chốc hóa thiên thu.
Tình tuyệt vọng nên tôi đành câm nín.
Người gây ra nào hay nỗi thảm sầu!

Ôi! Tôi đi qua, nàng vẫn không để ý.
Ở cạnh nàng mà tôi vẫn cô đơn.
Đành chôn kín suốt thời gian cõi thế.
Không cầu xin, không dám nhận gì hơn.

Dù trời ban vẻ dịu dàng quyến rũ.
Trên đường đi, nàng lơ đãng vô tâm.
Không nghe được tình yêu theo mỗi bước thì thầm.

Với bổn phận giữ đoan trang, chung thủy .
Thơ về mình, nàng xem không suy nghĩ.
Hỏi: “Ai đây ?” và chẳng hiểu gì hơn!...

Hoàng Nguyên Chương  
 9-28-18
* Chú thích: 

Bài thơ “Un Scret”(Điều bí mật) là một bài thơ Sonnet kiểu Ý do Feslix Arvers sáng tác, nó vốn không có đầu đề. Sau này vì nó quá nổi tiếng nên giới văn học đặt cho nó cái tên là “Un Secret” hoặc thường gọi là “Sonnet d’Arvers” (Bài Sonnet của Arves). Bài thơ này được trích trong tập “Mes heures perdues”( Thời gian đánh mất, có người dịch là “Những giờ uổng phí”).đây là bài thơ nổi tiếng duy nhất của ông và văn học Pháp đã xem Arvers là “Nhà thơ của một bài thơ duy nhất”.

Dư luận thời ấy đã phỏng đoán người phụ nữ trong thơ mà ông đã mang mối tình tuyệt vọng chính là cô Marie Nordier, con của ông Charles Nodier (1780 – 1844) - một nhà văn và là Viện sĩ Hàn lâm Pháp. Ông này đứng đầu một văn đoàn thuộc trường phái lãng mạn, thường tổ chức bình thơ tại thư viện Arsenal, quy tụ nhiều nhà thơ nổi tiếng đương thời như Victor Huygo, Lamartine, Alfred de Vigny, Alfred de Musset. v.v...trong đó có Félix Arves. Cô Marie lại làm thư ký cho hội này. Cô có chồng vào năm 1833 và trở thành bà Marie Mennessier Nodier. Có lẽ Arvers đã quen và yêu cô với một mối tình đơn phương trong các thời gian kể trên.

Bài thơ trên được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam nó được Khái Hưng dịch ra lần đầu tiên trong một truyện ngắn có trước năm 1940, bản dịch này đã gây được tiếng vang vì lối dịch tài hoa , làm bài thơ giống như sáng tác bằng tiếng Việt chứ không phải là thơ dịch. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến ngược lại...Từ ấy đến nay, đã có nhiều người dịch bài Sonnet trên bằng nhiều thể thơ khác nhau nhưng đa phần là thơ lục bát. Theo ý kiến của các nhà phê bình, tuyển tập thì họ cho rằng “ Qua các bản dịch, có người dịch theo nghĩa, có người dịch theo lối phóng tác, hoặc kết hợp cả hai nhưng rất hiếm bài sát nghĩa trọn vẹn , thậm chí có bài mà số câu, số khổ lại trái nghĩa so với nguyên tác”...Biết khó như vậy nhưng với tinh thần yêu thơ, chúng tôi cũng mạnh dạn góp mặt các bản dịch của mình ở trên để giúp vui cùng bạn đọc tuy biết rằng nó khó có thể vượt qua những hạn chế đã biết.
( Hoàng Nguyên Chương )
***
Các Bản dịch Khác:

Một Tình Yêu Phong Kín

Phong kín tình yêu thảm một đời
Nhìn ai vương vấn khổ chơi vơi
Thầm thương sắc đẹp ai nào biết
Trộm nhớ người dưng kẻ nghẹn lời

Gặp mặt sao lơ là chẳng ngó
Bên nhau mà cảm thấy xa vời
Vô duyên trách phận cô đơn mãi
Ai dám tỏ lòng với bạn ơi

Khả ái làm sao Thượng Đế ban
Ai hay hờ hững bước gian nan
Thì thầm dưới gót tình yêu nặng
Tiết liệt trên đời đức hạnh ngoan

Chạnh đọc câu thơ mà chửa thấu
Bâng khuâng lời lại viết về nàng
Hỏi lòng ai đó không suy nghĩ
Ngơ ngẩn vô tình mới dở dang !

Mai Xuân Thanh
Ngày 29/09/2018
***
Tình Thầm Lặng


Lòng ta chôn chặt mối tình sầu
Gặp gỡ một lần, nhớ mãi sau
Tình giấu đáy hồn không dám ngỏ
Mà người trong mộng có hay đâu !

Nàng vẫn vô tâm chẳng biết gì
Mặc ta ôm nặng mối tình si
Vói nàng, ta vẫn đi song lối
Mà vẫn im lìm chẳng nói chi

Nàng luôn khả ái với ngây thơ
Nên chẳng quan tâm, chỉ hững hờ
Nào biết mối tình theo sát gót
Đoan trinh, tiết hạnh , mãi thờ ơ

Thư không người gởi nắm trong tay
Nàng có biết rằng thư gởi ai
Hay vẫn ngây thơ lòng tự hỏi
Thư tình này viết gởi ai đây ?

Phương Hà 

Xem chi tiết về Tác Giả Và Tác Phẩm qua Link này:

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Nỗi Buồn Đêm Trăng - Thơ Hà Thượng Nhân - Nhạc Lê Minh Luân


Lấy ý từ bài thơ " Mưa Buồn Long Giao "

Thơ: Hà Thượng Nhân
Nhạc Sĩ: Lê Minh Luân
Guitar:Nhạc Sĩ Hoàng Minh
Tiếng Hát:Quỳnh Lan
Thực Hiện: Ngọc Huệ


Tháng Mười Nhớ Bạn Hà Thượng Nhân



Bài Xướng: 

(Nhớ Hà Chưởng Môn)

Tháng Mười Nhớ Bạn Hà Thượng Nhân

Tiễn biệt anh đi cũng tháng Mười
Bây giờ thu mấy giọt mưa rơi
Thơ văn bác cổ ôi tài trí
Tình nghĩa nhân sinh ấy nụ cười
Vườn hạnh đêm trăng còn rượu ấm
Liêu chùa sáng nắng vẫn chè tươi
Đường xa Xóm Núi be^n rừng hú
Chờ mãi còn ai nữa ghé chơi

San Jose, October 4, 2018
Thiền Sư Xóm Núi
***
Các Bài Họa:

Nhớ Hà Chưởng Môn 

Bác tháng Mười, tôi cũng tháng Mười
Tôi sinh, Bác tử lệ ai rơi
Mưa Thu Hà-nội buồn tôi khóc
Nắng Hạ Ca-li vui Bác cười
Đoàn tụ trời ơi Mai đã héo
Chia ly đất hỡi Cúc còn tươi
Austin, Texas nơi tôi đến
Thung Lũng Hoa Vàng chốn Bác chơi

October 2018

Hồ Công Tâm
(*) HCT sanh ngày 15 tháng 10 tại Hà Nội (VN).
Hà Chưởng Môn mất tháng Mười tại San Jose (USA)
***
 Tưởng Niệm Hà Chưởng Môn 

Khói sương vừa đón tháng qua mười
Chợt nhớ thu vàng sóng lệ rơi
Buổi ấy hình như ai cũng khóc
Giờ đây có vẻ khách chưa cười
Heo may hoa nở chừng hiu hắt
Mưa bụi cây buồn thoáng thắm tươi
Xóm núi trầm hương chuông mõ thỉnh
Kinh chiều kệ sớm tạm rong chơi

Hawthorne, October 3, 2018

Cao Mỵ Nhân

Khoảnh Khắc Thôi



Xướng: 
Khoảnh Khắc Thôi

Cuộc đời khoảnh khắc bấy nhiêu thôi
Kỳ vọng, hư danh, ảo ảnh rồi
Cõi tạm xa rời, còn mấy chốc
Tấm thân già cỗi, chẳng nên lời
Nhân tình tri kỷ, phai duyên nợ
Bạn hữu tâm giao, cạn chén bôi
Cánh hạc bay đi, không trở lại
Cổ lầu hiu quạnh những chiều rơi..!

Thanh Trương
***
Các Bài Họa:

Khoảnh Khắc Cuộc Đời


Khoảnh khắc cuộc đời chỉ bấy thôi
Tựa như giấc bướm đã qua rồi
Một thời niên thiếu, còn da diết
Bao thuở mộng mơ, chẳng chút vơi
Nắng sớm Đà thành vui bạn hữu
Mưa chiều Phố Hội cạn ly bôi
Chừ đây tuổi hạc nơi quê khách
Hiu quạnh chiều tà, chút lệ rơi.

Mạnh-Trương
(Virginia-USA)

Hỡi Ơi…!!


Phản kháng hay không cũng thế thôi

Đô thành lễ cưới đã xong rồi.
Trắng trong gìn giữ không nên chuyện
Lem luốc đổi trao nói nghẹn lời.
Một thoáng trao thân non cũng xóa
Trăm năm gởi phận nước đành bôi!
Tham tiền coi rẻ ơn nòi giống
Khiếp nhược cúi đầu. Mắt lệ rơi!!

Lộc Bắc

Jul18
***
Cũng Là Sân Khấu

Cũng là sân khấu cả mà thôi
Khi cánh màn nhung đã hạ rồi
Son phấn nhạt nhòa, ho khản tiếng
Tóc tai rũ rượi, nói rung lời
Cháo ăn bát đá, bầy phi nghĩa
Bạc lấy tình chôm, lũ đãi bôi
Bóng nguyệt chập chờn bao dấu hỏi
Khuya về đắm mộng ngỡ hồn rơi...

Phan Tự Trí
***
Ảo Ảnh Cuộc Đời


Chất chứa u sầu mãi khổ thôi
Tình theo sóng biển cuốn đi rồi
Từng hôm tiễn biệt nào tròn giấc
Lắm buổi chia xa chỉ đắng lời
Dạo ấy trăng nhoà đêm ước mộng
Bây chừ chén cạn rượu ly bôi
Đời như ảo ảnh tan mây khói
Lặng ngắm chiều tà nhặt nắng rơi

Minh Thuý
Tháng 7_2018
***
Gửi Tỷ Minh Thúy

Quên đi cảnh ngộ,...bớt sầu thôi
Mọi chuyện,...xem như sự đã rồi.
Nghĩa cũ mặn mòi gìm đáy dạ
Niềm riêng xa xót gói trong lời(!)
Tương liên thi phú vui chung cuộc
Tri ngộ tửu trà thú hợp bôi!...
Ảo ảnh,...màng chi tàn khói dụi
Mở hồn thơi thảnh ngắm trăng rơi.

7-7-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
Về Thôi!

Chiều xuống ngang trời, quay lại thôi !
Thuyền đà xa bến, biệt tăm rồi
Sương mù mịt tỏa che mờ lối
Gió lạnh lùng qua thổi bạt lời
Lòng vẫn nghẹn ngào giờ tiễn biệt
Môi còn đắng ngắt giọt ly bôi
Về đi, nán lại làm chi nữa
Mưa tự bao giờ lặng lẽ rơi.

Sông Thu
***
Khoảnh Khắc Chia Xa


Hình bóng tàu bay đã khuất rồi
Ta về góp lại nổi buồn thôi !
Nhớ ngày gặp mặt bao xao xuyến
Thương phút chia tay quá nghẹn lời
Men đắng chưa vơi đà chếnh choáng
Rượu nồng chửa cạn phải ly bôi
Mai nầy biết nói gì them nữa
Để mặc lệ sầu lặng lẽ rơi ....!

songquang
***
Thăm Bạn


Ngắn ngủi ngày về có thế thôi
Bên nhau thoáng chốc đã qua rồi
Hàn huyên rỉ rả chưa xong chuyện
Tâm sự miên man chửa hết lời
Giáp mặt vừa đây lo giã biệt
Cầm tay mới đó nhấp ly bôi
Mai này xa cách, người đôi ngả
Nghe buốt trong hồn,lá rụng rơi

Thanh Hoà
***
Mưa Lòng!


Ai bảo yêu người tội quá thôi!
Dù em lỗi hẹn...chóng xa rồi!
Tìm quên cứ mãi còn hoen lệ
Cố nén mà sao vẫn nghẹn lời
Dẫu biết tơ hồng khôn thắm chỉ
Đâu ngờ duyên phận chẳng chung bôi
Bâng khuâng lữ thứ hoài trăn trở!
Có phải mưa lòng tí tách rơi?

Như Thu

Đất Phương Nam 1 - Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định ( Phần 2)


Lịch Sử Mở Cõi Từ Vùng Đất Gia Định:

Nói về cuộc Nam tiến thì ngoài quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ra, Nguyễn cư Trinh là người có công rất lớn trong việc đánh dẹp cũng như bình định lãnh thổ. Về phía người Minh Hương ngoài 2 ông Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ ra, còn có các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng có công rất lớn. 

Về cương vực của toàn thành theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, phía đông nam Gia Định giáp với biển, có tất cả 17 cửa biển lớn: Xích Ram, Tắc Ký, Cần Giờ, Đồng Tranh, Lôi Lạp (Soai Rạp), cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Ba Lai, Băng Côn, Ngao Châu, Cổ Chiên, Ba Thắc, Mỹ Thanh, Hào Bàn (Gành Hào), Long Xuyên, Kiên Giang và Hà Tiên. Các cửa nhỏ thì nhiều gấp đôi. Tuy vậy, các cửa nầy do bùn cát nên khi mở khi lấp, khi cạn khi sâu, dời đổi bất thường. Ở đây sông ngòi chằng chịt như mắc cửi, nếu không phải là dân địa phương quen thuộc ắt không biết đường đi. 

Về vị trí thời đó phía tây bắc Phiên Trấn giáp với Cao Miên, phía đông bắc giáp với phủ Bình Thuận. Và thành Gia Định có nhiệm vụ trông coi các việc binh dân cho toàn miền Nam, bao gồm thuế dịch và hình án của 5 trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên, đồng thời cũng trông coi luôn trấn Bình Thuận ở phía Bắc. Phàm việc binh thì do thành Gia Định chỉ huy, còn các việc khác thì các trấn tự sắp đặt lấy. 

Nhìn lại lịch sử mở cõi về phương Nam, chúng ta mới thấy công lao chẳng những của những bậc tiền nhân vô danh, mà công lao của các chúa Nguyễn cũng không nhỏ. Khởi đi từ Tiên chúa Nguyễn Hoàng, đến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn, chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát, vân vân. Chính những chính sách khôn khéo của các ngài đã tuần tự đưa cả miền Nam Kỳ Lục Tỉnh vào sổ địa bạ của xứ Đàng Trong. 

Vì hiện tại chưa có tài liệu lịch sử chính xác nào về những lưu dân Việt Nam đã đến đây khai hoang lập ấp, nên không ai biết họ từ đâu đến và đến đây từ hồi nào. Có thể họ đã đến đây trước khi hoặc ngay từ lúc chúa Tiên Nguyễn Hoàng đi vào Thuận Hóa. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, các lưu dân Việt Nam đã đến vùng Mô Xoài Bà Rịa từ thời các tiên hoàng đế, tức là ngay từ thời các chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. 

Nhưng đây chỉ là những cuộc di dân lẻ tẻ, không có qui mô, không có kế hoạch của các chúa. Mãi đến năm 1620, khi Miên vương Chey Chetta II cưới công nữ Ngọc Vạn, con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì lưu dân người Việt bắt đầu đổ xô đi vào khai phá vùng đất mới nầy. Về phương diện ngoại giao giữa hai xứ Cao Miên và Đàng Trong, thì cuộc hôn nhân nầy chẳng những là bước mở đầu cho sự can thiệp triền miên của xứ Đàng Trong trên đất Cao Miên, mà còn là khởi điểm của công cuộc mở cõi chính thức về phương Nam. 
Nghĩa là kể từ năm 1620 trở về sau nầy, vùng đất bao la bạt ngàn với toàn là rừng rậm hoang vu “Thủy Chân Lạp” đã trở thành vùng đất “ước mơ” cho dân Việt, nhứt là dân các vùng Thuận Quảng. Chỉ 3 năm sau khi công nữ Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu Sam Đát của Cao Miên, chúa Nguyễn sai phái bộ xứ Đàng Trong qua Cao Miên yêu cầu nhà vua cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế, một ở Prei Nokor và một ở Kas Krobei(7). 
Hai đồn nầy cũng còn là điểm nghỉ chân của các thương nhân từ Việt Nam qua Chân Lạp. Từ khi có các đồn thu thuế, vùng Sài Gòn Gia Định đã trở nên một vùng thị tứ sầm uất, còn hơn cả những vùng thị tứ trong nội địa đất Chân Lạp thời bấy giờ. Năm 1658, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Thọ, đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, vua Chân Lạp là Nặc Ong Chân đem quân xâm phạm vùng Trấn Biên(8), nên chúa Nguyễn sai Phó Tướng quân Yến Vũ, Tham Mưu Minh Lộc Hầu và Tiên Phong Cai Đội Xuân Thắng Hầu đem 3.000 quân chinh phạt và bắt Nặc Ong Chân đem về Quảng Bình. 

Tuy đã chiến thắng quân Chân Lạp nhưng tình hình chưa cho phép nên mãi đến năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu mới sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất nầy, lấy đất Nông Nại lập ra phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, đặc các chức giám quân, cai bạ và ký lục. Như vậy quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh nghiễm nhiên là vị quan Kinh Lược đầu tiên ở miền Nam. Kể từ đó đất Gia Định được chính thức khai sanh vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử của vùng đất nầy, Gia Định được ghi danh vào sổ bộ của xứ Đàng Trong. Nghĩa là quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố xác lập chủ quyền của xứ Đàng Trong trên vùng đất mới nầy. 

Từ năm 1698, dinh Phiên Trấn chia ra làm một phủ và một huyện. Đó là phủ Gia Định và huyện Tân Bình. Huyện Tân Bình chính là vùng đất mang tên Kas Krobei ngày trước hay là vùng Sài Gòn ngày nay, trong khi phủ Gia Định là một vùng đất rộng lớn chạy dài từ Tây Ninh, xuống Hậu nghĩa, Tân An, Chợ Lớn... Đây là vùng đất mà cha anh chúng ta đã từng làm bàn đạp để mở cõi về phương Nam, vùng đất nổi tiếng với hào khí Đồng Nai, mà bây giờ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa cho cả miền Nam. Dinh Phiên Trấn, thành Gia Định, tỉnh Gia Định... hay vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là vùng Sài Gòn-Gia Định là một vùng có lịch sử cư dân lâu đời, chứ lưu dân Việt Nam không phải là những cư dân đầu tiên của vùng đất nầy. 

Vào thời đó vùng Biên Hòa có tên là Trấn Biên, trong khi đất Gia Định xưa là một vùng rộng lớn bao gồm cả Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An và một phần của tỉnh Định Tường bây giờ. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng như vậy vào thời nầy thì cương vực của xứ Đàng Trong đã nhảy vọt thêm một bước xa lắm rồi. 

Mùa Đông năm 1735, đời Lê Cảnh Hưng thứ 14, triều đình xứ Đàng Trong sai Cai Đội Thiện Chánh Hầu làm Thống Suất, Ký Lục Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tham Mưu điều khiển tướng sĩ 5 dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ đi kinh lược đất Cao Miên, quan quân đồn trú ở xứ Bến Nghé, lập nên dinh trại, gọi tên là Đồn Dinh(9), lo luyện tập binh sĩ tính kế mở mang vùng biên địa. Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Nguyễn Cư Trinh lo dàn xếp và lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới. Năm 1754, quân Gia Định chia làm hai đạo, Nghi Biểu Hầu đem kỵ binh từ sông Bát Đông tiến phát, quân Nam đi đến đâu quân Chân Lạp thua đến đó. Sau đó quân của Nghi Biểu Hầu hợp cùng với binh của Thiện Chánh Hầu tại vùng Tiền Giang. Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên xin nhượng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp(10) cho xứ Đàng Trong để tạ tội, đồng thời xin cống nạp lễ vật còn thiếu ba năm trước đó. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. 

Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên(11), Rạch Giá, Trấn Giang(12) và Trấn Di(13). Năm 1757, Nặc Ong Nguyên băng hà, chú của Nặc Nguyên là Nặc Ong Nhuận dâng thêm các phủ Trà Vang và Ba Thắc để được chúa Nguyễn phê chuẩn cho lên ngôi. Sau đó, cũng cùng năm 1757, vua Nặc Tôn lại dâng luôn phần đất còn lại là phủ Tầm Phong Long cho xứ Đàng Trong để được lên ngôi quốc vương Cao Miên. Như vậy, tính đến năm 1757, vùng đất mà người dân vùng ngoài thời mở cõi thường gọi là đất Gia Định đã liền một dãy từ Mô Xoài-Bà Rịa xuống Cà Mau rồi bọc lên đến tận Hà Tiên.

Vùng Đất Gia Định Và Nguyễn Ánh Thời Bôn Tẩu:

Thành Gia Định

Năm 1776, quân Tây Sơn đánh chiếm toàn vùng và truy đuổi Nguyễn Ánh ra khỏi thành Gia Định. Tuy vậy, Nguyễn Ánh vẫn được các cựu thần phò giá và che chở. Bằng chứng là dầu trong lúc bôn tẩu, năm 1780 Mạc Thiên Tứ vẫn dâng những vùng đất thuộc trấn Hà Tiên mà ông mới vừa khai khẩn xong, bao gồm các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ. Cùng năm đó, Nguyễn Ánh được các tướng sĩ tôn làm Đại Nguyên Soái, ông đã xưng vương và quyết định chọn đất Gia Định làm ‘Kinh Gia Định’. 

Tuy nhiên ông vẫn dùng niên hiệu của vua Lê và chỉ dùng ấn ‘Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo’ mà thôi. Kể từ ngày đó đến năm 1783, đại quân Tây Sơn đã năm lần đem quân vào Gia Định và cả năm lần quân Nguyễn Ánh đều bị đánh bật ra khỏi đất liền. Nguyễn Ánh và tàn quân phải lẩn trốn trên các hải đảo xa xăm như Côn Sơn hay Thổ Châu. Phải nói, Gia Định là vùng đất đã từng chứng kiến những trận đánh lịch sử giữa nghĩa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong những năm hậu bán thế kỷ thứ XVIII. Kỳ thật, tên gọi dinh Phiên Trấn đã có từ khi nghĩa quân Tây Sơn chiếm thành Gia Định. Nguyễn Lữ đã đổi Gia Định ra làm Phiên An Trấn và cắt đặt chức quan cai trị. 

Sau đó Nguyễn Ánh tiến quân tái chiếm và cho thiết lập bản dư đồ ở miền Nam, phân định địa giới dinh Phiên Trấn, tức là toàn vùng Gia Định, Sài Gòn, Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An ngày nay. Năm 1782, đại quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ kéo vào đánh tan quân Tôn Thất Cốc và Võ Di Nguy của Nguyễn Ánh trên sông Bến Nghé. Nguyễn Ánh bèn rút tàn quân về vùng Tam Phụ(14), rồi sau đó chạy xuống Hậu Giang để lẩn trốn sức mạnh như vũ bão của nghĩa quân Tây Sơn. 

Cuối cùng Nguyễn Ánh phải trốn ra Phú Quốc. Tuy nhiên, nghĩa quân Tây Sơn lại phải rút về Qui Nhơn để đối đầu với quân chúa Trịnh đang hà hiếp vua Lê ở Bắc Hà, nên Châu văn Tiếp kéo quân từ Phú Yên về giúp Nguyễn Ánh chiếm lại thành Gia Định. Năm 1783, Nguyễn Huệ lại kéo đại quân vào tái chiếm Gia Định. Nguyễn Ánh lại phải trốn ra Phú Quốc lần nữa. Năm 1784, theo lời cầu viện của Nguyễn Ánh, vua Xiêm cử hai tướng Chiêu Sương và Chiêu Tăng sang hợp cùng binh của Nguyễn Ánh đánh phá các vùng phía Nam Gia Định, nhưng đã bị quân của Nguyễn Huệ đánh tan tác ở Rạch Gầm Xoài Mút. Nhưng một lần nữa nghĩa quân Tây Sơn phải kéo ra Bắc để đánh đuổi quân Thanh đang tràn vào Thăng Long (1788), Nguyễn Ánh nhân cơ hội nầy vừa gởi 500 xe lương ra giúp quân Thanh, mặt khác chuẩn bị kéo quân về đánh phá và tái chiếm Gia Định. 

Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, trong khi nghĩa quân Tây Sơn đang quyết tử với quân Thanh ở Thăng Long thì Nguyễn Ánh kéo quân về chiếm thành Gia Định vàcho khởi công xây thành Gia Định. Sau khi xây thành Bát Quái, tức thành Gia Định, tại thôn Tân Khai, huyện Bình Dương vào cuối năm 1790, Nguyễn Ánh cho tái lập Kinh Gia Định, tức là nơi đóng đô của nhà Nguyễn. Như vậy Kinh Gia Định tồn tại 22 năm, kể từ năm 1780 đến năm 1802, nghĩa là sau khi Nguyễn Ánh dời đô về Phú Xuân(15). 

Lịch sử Việt Nam đã trải qua những năm tháng cay nghiệt sau năm 1792, nghĩa là sau khi vua Quang Trung băng hà. Tưởng cũng nên nhắc lại, vua Quang Trung là một vị tướng bách chiến bách thắng, một vị hoàng đế có đầu óc canh tân đất nước. Tài võ nghệ thao lược của ngài những tưởng chúng ta không cần phải nói nhiều, nhưng rất tiếc ngài đã mất quá sớm, nên chưa có cơ hội thi thố được tài kinh bang tế thế, đem lại vinh quang cho đất nước Việt Nam. Vua Quang Trung băng hà, không chỉ triều đại Tây Sơn phải yểu mệnh, mà kể từ đó vận mệnh đất nước Việt Nam cũng trôi nổi theo dòng lịch sử đen tối của vương triều nhà Nguyễn. Thôi thì chuyện nầy hãy để cho các sử gia bàn luận, trong bài nầy chúng ta chỉ gói gọn trong phạm vi Phiên Trấn và tỉnh Gia Định mà thôi.

Người Long Hồ

Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Links xem tiếp:

Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 6(Gồm 40 phần)
1/Đất Phương Nam 1-Từ Đất Phiên Trấn - Tỉnh Gia Định ( Phần1)
2/ Đất Phương Nam 1-Từ Đất Phiên Trấn-Tỉnh Gia Định(Phần 2)

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Như Cánh Chim Di – Thơ Yên Dạ Thảo – Nhạc Bùi Kim Cương


Thơ & Thực hiện: Yên Dạ Thảo 
Nhạc: Bùi Kim Cương 
Hòa âm: Phan Thanh Hùng
Ca sĩ: Bạch Lan 

Hương Sài Gòn


Yêu làm sao những làn hương
Hương Sài Gòn ngát yêu thương dịu dàng
Mùi hương tà áo bay ngang
Cây nghiêng cành đón dìu làn nắng rơi

Mùi hương của bóng lứa đôi
Bầu trời ngan ngát tiếng cười trổ hoa
Mùi hương giọng nói thật thà
Nè anh, à hén thật là dễ thương
Mùi hương của ánh trăng sương
Dỗ ngon dỗ ngọt nỗi buồn vướng vai
Hàng cây nghiêng nỗi nhớ ai
Mùi hương một mái tóc dài quấn quanh

Mùi hương một khoảng trời xanh
Trường xưa kỷ niệm dỗ dành thời gian
Ngày xanh mưa đẹp nắng vàng
Con đường đến lớp thênh thang gió lùa

Mùi hương của ký ức xưa
Theo dòng xe chạy quẹo cua vào lòng
Hẹn hò sáng nhớ chiều mong
Giờ người tay bế tay bồng đành sao ?

Mùi hương tô phở ngọt ngào
Mùi hương gỏi cuốn món xào món chiên
Mùi hương của trái sầu riêng
Thơm môi người, ngát cả thềm gió mây

Sài Gòn thương nhớ đong đầy
Rót vào ly rượu uống say nghĩa tình
Nhịp đời có lúc chông chênh
Hương Sài Gòn mãi quanh mình chở che
Người đi phố đợi người về
Bóng đêm ngan ngát lời thề trăng sao
Tình quê sóng vỗ dạt dào
Hương Sài Gòn mãi ngấm vào trong tim

Trầm Vân

Độc Thoại


Độc Thoại 

Thôi đã ba chìm bảy nổi
Đổi đời bão táp đẩy đưa
Xứ người sớm chiều mưa nắng
Có nói gì thêm cũng thừa
Sống sót một thời chiến loạn
Hồn nhiên tuổi dại không còn
Ngồi nghe gió đùa tóc rối
Mà vui với tấm lòng son

Phạm Khắc Trí
***
Cảm Hoài
( Kính tặng thầy Phạm Khắc Trí )

Xót thân nầy ba chìm bảy nổi
Vận nước buồn cứ mãi đẩy đưa.
Xứ người sớm nắng chiều mưa,
Tuổi thu tóc trắng gió lùa heo may.
Lửa chinh chiến còn may sống sót,
Tuổi hồn nhiên đã trót mây bay.
Nỗi lòng biết tỏ cùng ai
Trái tim son sắt nguyệt cài đáy gương.

Mailoc
10-2-18
***
Cảm Tác: Sống Ly Hương

Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh
Loạn lạc bèo trôi nước dập dềnh
Hạ nắng quê hương lòng ấp ủ
Đông mưa đất khách dạ buồn tênh
Tạm dung sống sót ơn ghi nhớ
Nương náu cưu mang nghĩa đáp đền
Hồi tưởng tuổi thơ đâu trở lại
Cao niên tình bạn giữ lâu bền !

Mai Xuân Thanh
Ngày 01/10/2018
***
Đối Thoại

Dẫu đã ba chìm bảy nôi,
Dẫu đời bão táp đẩy đưa.
Xứ người có thêm mưa nắng
Cũng đừng thành kẻ sống thừa.

Đời người bước trong ly loạn,
Học được mưu chước sống còn.
Gảy bước góp thêm kinh nghiệm
Giúp ta một lòng sắt son.

Gì đâu, nói lời than vản,
Gì đâu, mà phải ngất ngư ?
Cuộc đời nếu toàn bình thản
Còn chi thích thú nữa chừ !

Hãy cứ vui lên, các bác
Giang tay đứng giữa đất trời.
Một ngày còn nước, còn tát
Bước đi, chẳng thẹn với đời.

Danh Hữu
2 octobre 2018
***
Chia Sẻ Với Thầy

Dẫu bấy buồn vui cũng một đời
Đường trần đâu phải để rong chơi
Khi thì đắc chí đầy hoa gấm
Lúc lại sa cơ tối đất trời
Không có xoay vòng nhanh chẳng thoát
Ít nhiều uống vị khổ không ngơi
Trước qua sau đến đều như vậy
Chia sẻ mong người được thảnh thơi.

Cao Linh Tử
2/10/2018
***
Độc Thoại

Cám mỗi chiều buông nắng lặng lờ
Năm dài mụ mẫm ngó hồn trơ
Từng cơn sóng vỗ chìm tan tác
Những ngọn triều dâng chảy dật dờ
Ấm lạnh không làm thân đói khát
Vui buồn chẳng khiến óc ngu ngơ
Cô đơn giữa cảnh đời hoang mạc
Nỗi tủi nhiều hơn khấn niệm chờ.

Mai Thắng 
 181003
***
Cảm tác:

Độc Thoại

Bóng dáng hư linh đã đến gần
Xem đời chẳng khác áng phù vân
Công thành danh toại chưa tròn giấc
Tần Lĩnh vân hoành đã lạnh chân
Mấy chốc đầu xanh nay nhuộm trắng
Bao nhiêu mộng lớn cũng tan dần
Tha phương thấm thía mùi kê cháo
Một phút cầu kinh chắc cũng cần …

Cao Linh Tử
9/10/2018
***
Độc Thoại Cảm Tác

Non Bồng ẩn hiện chắc đâu gần
Bóng khuất mây thành lộ cẩu vân
Con nghĩ thế thời ai thử vận
Phụ người sao gảy súng chùn chân
Bông như trắng tóc buồn năm tháng
Hỏi thử tươi hoa cánh héo dần
Công toại huyển hư đời tệ quá
Lòng êm khẩu tịnh, dạ an cần

Mai Xuân Thanh

Tưng Tửng Khều Chơi



Xướng: Tưng Tửng Khều Chơi

Ngồi buồn tưng tửng mà chơi
Câu thơ câu phú lắm người hót hay
Ông Bùi Chí Vinh giả ngây
Ông Võ văn Trực thơ say điên khùng
Ngây mà thương tiếc núi sông
Tửng mà buồn tủi tấc lòng ngổn ngang
Nguyễn Duy ấy thực ngang tàng
Ví von đã lắm thơ càng quạu đeo
Bút tre thơ ngả thơ xiêu
Điếu Ga Ga Rỉn khen ngài Phạm Tuân
Vui, hay, tí tửng ta mần
Khen phi công khéo núp tầng mây khô
Điếu cày ta kéo thở phò
Đợi phi công địch ta vồ chết tươi
Tưng tửng số dách kịp thời
Ta vồ Bùi Giáng ta chơi thơ lèo
Thi sĩ Việt biết bi nhiêu
Khều ông Bùi Giáng ta bêu ta cười

Chân Diện Mục
***
Họa: Hăm Hở Trình Làng 

Học đòi họa lục bát chơi 
Bởi vì chữ nghĩa lắm người thật hay 
Mở trang mạng thấy phát ngây 
Lắm bài vông tưởng như say như khùng 
Và đây biển tụ nhiều sông 
Thi đàn Thơ Thẩn thỏa lòng dọc ngang 
Thầy Danh thầy Trí ẩn tàng 
Thầy Chân xót nước buồn càng nặng đeo 
Đọc thơ thầy Lộc lòng xiêu 
Kim Oanh lục bát ít ngài đồng tuân 
Đạo tâm Linh Tử hay mần 
Vườn nhà giờ cũng mấy tầng lá khô 
Chỉnh chu Đắc Thắng luôn phò 
Xuân Thanh thích họa hay vồ thơ tươi 
Hán thi Chiêu Đức kịp thời
Thủy, Quang, Hà, Phượng chẳng chơi thơ lèo (*)
Cạn vần kể được bấy nhiêu 
Góp vui chẳng ngại phải bêu tiếng cười.

Quên Đi
(*)Dương Hồng Thủy, Song Quang, Phương Hà, Kim Phượng

Khúc Nhạc Uyên Ương - Đàn Ca Tài Tử - Trúc Tiên


Hồi nhỏ, khi bên ngoài trời mưa, mưa rỉ rả, mưa bên nhà chứ không phải mưa Paris, nội Trúc Tiên thường đem cây đàn kìm ra so dây rồi nói : « Trúc Tiên đâu rồi bây, ra hát vài câu Tứ Đại Oán với nội con ơi ! »
Hồi đó tôi hay nhăn nhó, lẩm bẩm: « Mưa buồn thấy mồ mà nội kêu con hát Tứ Đại Oán, chắc bà con đi tự tử hết !… » Vậy, nhưng tôi vẫn miễn cưỡng sà đến ngồi kế bên nội, phụng phịu: « Lan và Điệp hở nội ? » Bài hát mà nội tôi yêu thích. 

Sau này qua Pháp sống, không còn nội nữa thì khi buồn ba tôi ưa nói: « Buồn quá, làm vài câu vọng cổ nghe cho vui đi Trúc Tiên. » Ba tôi đàn còn tôi hát, thỉnh thoảng tôi nghe trong tiếng đàn có lẫn tiếng thở dài rười rượi. “Buồn quá, làm vài câu vọng cổ nghe cho vui”, thật là tôi cũng không hiểu nổi, chắc như các nhà vật lý học nói : trừ với trừ thì ra cộng ; buồn với buồn nó ra vui thế mà. 

Paris mấy hôm nay se lạnh, lá vàng đã lià cành từng đàn, để lại thân cây trơ trọi một mình, đầu đông cuối thu rồi, buồn ! Bắt chước ông bà mình, Trúc Tiên mời các bác các anh chị nghe Trúc Tiên hát vài câu Tứ Đại Oán nhé. Một sáng tác của Hoàng Song Việt tên Khúc Hát Uyên Ương. Nhạc phẩm này chứa đựng nỗi niềm của những đôi uyên ương như vợ chồng ông Sáu Lầu thương nhớ nhau rồi cho ra đời bài Dạ Cổ Hoài Lang. 

Điệu Tứ Đại Oán là một trong hai mươi bản tổ của Đàn Ca Tài Tử, nằm trong 4 bài oán. Như có lần Trúc Tiên đã kể cho các anh chị nghe rằng 20 bản tổ được chia làm 4 mùa (xuân, hạ, thu, đông) và 4 hướng (Đông, tây, nam, bắc). Thì bài Tứ Đại Oán được xếp vào mùa đông, điệu nhạc buồn, hiền hoà chân chất. Như đã có lần nhắc qua, các bài bản Đàn Ca Tài Tử được các nhạc quan đem vào Miền Nam vào cuối thế kỷ XIX. Dựa vào âm hưởng Nhạc Cung Đình, Tứ Đại Oán là hậu thân của Tứ Đại Cảnh, tương truyền Tứ Đại Cảnh do chính vua Tự Đức sáng tác để ca ngợi cảnh sắc 4 mùa của trời đất là Xuân-Hạ-Thu-Đông, nhưng cũng có người cho là vua Tự Đức có ngụ ý tôn vinh 4 cảnh đời vua Gia Long, Minh Mạng, Triệu Trị và Tự Đức (chữ "đại" là đời); hay dựa trên thuyết Phật Giáo, Tứ Đại Oán như Tứ Đại Càn Khôn (nước, lửa, gió, đất) luôn bị khổ đau bởi sanh-lão-bệnh-tử. Các thuyết này đúng sai ra sao Trúc Tiên không biết, chỉ biết là mỗi khi hát lên điệu Tứ Đại Oán thì cảm thấy buồn sâu thẳm, sâu thẳm nhưng không bi lụy. 

Chắc vì thế mà từ khi xuất hiện (đầu thế kỷ XX) Tứ Đại Oán đã ngự trị trong lòng khán giả cho đến lúc bài Dạ Cổ Hoài Lang ra đời (1920) và tiếp nối các bài vọng cổ nhịp 4, 8, 16,… Đến nay, chúng ta ít nghe hát trọn bài Tứ Đại Oán (7 lớp, 38 câu), thỉnh thoảng chỉ được vài câu trong các trích đoạn Cải Lương. Hôm nay Trúc Tiên mời các bác các anh chị nghe lại điệu nhạc cổ một thời khiến ông bà mình say đắm, được tổng hợp bởi những tinh hoa thuần túy của nhạc ngũ cung chính thống Việt Nam, không hề bị ảnh hường của dòng nhạc Triều Châu, Quảng Đông hay Khờ Me như một số người đã nói : điệu Tứ Đại Oán. Trúc Tiên


Điệu Tứ Đại Oán: lớp 1, lớp hồi thủ (1 trong 20 bài tổ của Đàn Ca Tài Tử)
Trình bày: Trúc Tiên
Đàn kìm: Út Tỵ
Đàn tranh: Duy Kim
Đàn guitare phím lõm: Văn Môn
Đàn bầu: Huỳnh Tuấn
Đàn cò: Minh Hoàng

Thực Hiện: Trúc Tiên & Vũ Hạ

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Chờ Em Lá Thu Rơi - Đoàn Chuẩn - Từ Linh - Tuấn Ngọc


Sáng Tác: Đoàn Chuẩn - Từ Linh
Ca Sĩ: Tuấn Ngọc
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình



Quán Chiều



Chiều nay quán vắng lạ lùng
Tiếng ve bớt rộn bậc cung bẽ bàng
Gió thu sớm nhẹ mơn man
Lá vàng chưa rụng mưa đan kín trời

Bao lần thu đến rồi qua
Bao lần mình lại nhớ ra đã buồn
Mặc cho vận rũi không buông
Mặc cho chớp biển mưa nguồn xá chi!

Nguyễn Cao Khải
2018

Âm Thầm



Am mây từ thủa theo người
Ta đi hong nắng bên trời đợi ai
Khói sương phủ kín đồi mai
Hỡi anh yêu dấu có hoài nhớ ta

Người rằng: Anh nào đâu xa
Lắc đầu, cúi mặt, lệ sa ướt đường
Am mây lóng lánh vạt sương
Hỏi anh yêu dấu vấn vương tình này

Một người ngó bè mây bay
Một người xuống núi, vòng tay ai chờ
Ôi anh yêu dấu trong thơ
Cho ta nhận lại ước mơ thủa nào

Lỡ khi mộng mị trăng sao
Dấu thân khổ luỵ ta vào gối chăn
Am mây ủ kín mê lầm
Bởi anh yêu dấu âm thầm đắm say ...

Cao Mỵ Nhân



Tiêu Điều



Xướng: Tiêu Điều
“yết hậu”

Huơ gậy đi về phía quạnh hiu

Cầm tay sợi khói vắt lên chiều
Bến xưa tàn tạ màu rêu cũ
Tiêu...

Như Thị
***
Các Bài Họa:
"Yết Hậu"
Tiêu

Hạ bút khai đề hoạ chữ hiu
Nhà ai đã phủ khói lam chiều
Trung thu trống rộn mùa lân múa
Tiêu

Trần Ngộ
***
Tiếng Tiêu

Thu tàn bến vắng cảnh buồn hiu
Thuyền dạt bờ lau gió gọi chiều
Thoáng vọng dư âm ngày tháng cũ
Tiêu

Thanh Hoà
***
Liêu Xiêu


Mơ màng vọng nguyệt cõi đìu hiu
Lưu luyến bóng câu tuổi xế chiều
Khắc khoải năm canh hoài vọng quốc
Xiêu 

Kim Oanh 
***
Hắt Hiu


Đất Mẹ mây mù cảnh hắt hiu
Phong ba bão táp lạnh trong chiều
Mặt trời mãi ngủ không còn chiếu
Tiêu…

Đức Hạnh 
21 09 2018
***
Thanh Thản

Quên thẩy sự đời,mặc hắt hiu
Nhẹ thân thanh thản buổi về chiều
Theo vòng tạo hóa hòa mưa bụi...
Tiêu...

Nguyễn Huy Khôi
***
Chiều Vắng

Nghe lòng trống trải cảnh đìu hiu
Góp nhặt niềm riêng thả nắng chiều
Ngõ vắng mình tôi chầm chậm bước
Tiêu

Minh Thuý
20 tháng 9-2018
***
Tiêu Điều

Làng quê vắng ngắt cảnh đìu hiu,
Vườn tược ruộng nương úa nắng chiều.
Thành thị đổ xô tìm kế sống,
Tiêu!

Đỗ Chiêu Đức
***
Nhà Tan

Phận số dân nghèo quá hẫm hiu,
Lo toan tất bật sớm qua chiều.
Quan tham chiếm hết vườn, nhà, ruộng
Tiêu. 

Bảo Trâm
***
Vô Đề


Người cảm đìu hiu,...chớ tưởng hiu
Đồng thanh đôi lúc lệch sai chiều?
Lời vàng ý ngọc tan mây khói
Tiêu... 

22-9-2018

Nguyễn Huy Khôi
***
Tiêu 

Lò thò mé cũ ngóng chàng hiu
Bấm đốt tay xưa đã lắm chiều
Phong thủy cơ cầu không đổi phận
Tiêu… 

Lý Đức Quỳnh 
***
Già Vui

Nắng vàng chiều xế gió hiu hiu
Vọng tiếng chu6ng chùa giữa tịch liêu
Dạ thản già vui miền núi thẳm
phiêu

Hương Thềm Mây
***
Cảm Yết Hậu:

Hỡi Ôì
“Yết hậu”
Bếp lửa nồng êm tắt lụn rồi
Phòng không, một bóng lạnh đơn côi
Có còn chi nữa mà mong đợi
Ôi!
Thanh Hoà
***
Ôi

Tri giao đã có lửa tim rồi
Bớt lạnh phòng đơn,bớt cút côi
Thi-tửu cầm say trong mộng điệp
Ôi!...

Nguyễn Huy Khôi
***
Tiêu

Chống gậy ra vườn buổi xế chiều
Sau cơn bão táp cảnh đìu hiu
Tìm xem buồng chuối còn hay mất

Tiêu

Đất Phương Nam 1 - Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định ( Phần1)


Tổng Quan Về Vùng Đất Gia Định

Là một con dân đất phương Nam, dầu tôi có muốn viết một cách hết sức khách quan về vùng đất khai sinh ra Nam Kỳ, nhưng phải thành thật mà nói không thể nào không phạm phải thiển kiến chủ quan của một người đã từng sinh ra và lớn lên trên vùng đất nầy. Mặc dầu đất Gia Định của miền Nam chúng tôi không có bề dày lịch sử như những vùng đất khác, nhưng đối với chúng tôi, nó là cái nôi sanh ra cả vùng đất trù phú của miền Nam Việt Nam ngày nay. 

Dầu bài viết nầy không phải là một bài biên khảo chuyên đề về lịch sử hay dân tộc học, cũng không phải là một bài luận thuyết với đầy đủ chi tiết nhằm bênh vực cho chủ quyền hay lãnh thổ của quốc gia Việt nam chúng tôi, nhưng thế nào đi nữa thì người viết bài nầy cũng hy vọng rằng ít nhất những tình tiết trong nội dung của bài viết sẽ sưởi ấm được phần nào những cảm nghĩ của những con dân Nam Kỳ còn cất giữ trong thâm tâm mình những kỷ niệm của một thời yêu dấu nào đó trong cuộc đời mình. 

Dầu trong quá khứ đã từng có bao nhiêu bộ tộc hay dân tộc sinh sống trên vùng đất nầy đi nữa, thật tình mà nói, chưa có chứng cớ về sự xác lập chủ quyền của bất cứ dân tộc nào khác, ngoại trừ người Việt Nam. Hơn nữa, theo Châu Đạt Quan trong “Chân Lạp Phong Thổ Ký”, từ thị trấn Chân Bồ(1), đoàn của ông đi dọc theo bờ biển đến các cửa sông. Cửa sông thì có đến hàng chục cửa, nhưng chỉ có thể vào được cửa thứ tư, tính từ Chân Bồ, có lẽ đây là cửa Tiền Giang đi vào Mỹ Tho ngày nay. Khi nhìn lên bờ thì ông chỉ thấy toàn là những đám cây mây quấn vào các cây cổ thụ cao vút, bên dưới thì cát vàng và lau sậy trắng, mà nhìn thoáng qua không dễ gì biết được lối vào. 
Từ cửa thứ tư thuận dòng nước đi về hướng Bắc chừng 15 ngày thì đến vùng Tra Nam(2). Trong chương 18, phần Sơn Xuyên (núi và sông), ông Châu Đạt Quan kể lại rằng từ Chân Bồ đến Tra Nam, hầu hết tất cả các vùng đều là bụi rậm của những khu rừng thấp, những cửa rộng của các con sông dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú xum xuê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào đến nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bị bỏ hoang, không một gốc cây. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng nầy.
Ngay từ các triều đầu đời vua Lê, các ngài đã biết vùng đất Gia Định nguyên là của Chân Lạp (Chenla). Theo Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, vào năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Mô Xoài-Bà Rịa, đất Gia Định được thành lập từ đó. Đây là vùng đất đai phì nhiêu mầu mỡ, nhưng chưa được khai phá nên đa phần hãy còn hoang vu. 
Tài liệu lịch sử cho thấy phủ Gia Định do Nguyễn hữu Cảnh thành lập gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình, có cương vực rất rộng lớn, bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Long, Phước Long (nay là Bình Phước), Bình Dương, Tây Ninh, Sài Gòn, Gia Định, và Long An ngày nay. Tuy vậy, theo ước tính của những người đi theo ông Nguyễn hữu Cảnh thì tổng dân số thời bấy giờ chưa đầy 40 ngàn hộ gia đình, khoảng trên dưới 200.000 người. 

Nghĩa là sự phân bố dân cư rất thưa thớt, vì đất đai chưa được khai phá bao nhiêu. Đa số dân cư chỉ co cụm lại tại những bờ sông, bến nước, hay những khu mới vừa được xây đắp những con đường đất nung (đất hầm). Thời đó các ngài chưa để ý đến việc chinh phục vì mỗi năm vua xứ Nam Phiên(3) đều triều cống. Đến thế kỷ XVII, sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gã công nữ Ngọc Vạn cho Miên vương Chey Chetta II (1620), thì lưu dân người Việt từ Thuận Quảng mới bắt đầu đổ xô vào đây khai phá đất mới theo lời kêu gọi của công chúa. Như vậy trước khi những lưu dân người Việt đến đây khai phá đất hoang thì chủ quyền của cả một vùng đất bao la bạt ngàn nầy thuộc về ai? 
Thời đó, các chúa Nguyễn cho phép người dân được tự nhiên khai phá và chiếm hữu đất đai, lại còn cho họ có quyền thâu nhận những người mọi(4) để làm đầy tớ. Theo các di chỉ khảo cổ từ thời Pháp thuộc đến nay cho thấy văn hóa của các dân tộc cư trú trên vùng đất nầy có liên hệ đến văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo. Như vậy vùng đất nầy đã từng thuộc về người Phù Nam từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ bảy. Về danh nghĩa mà nói thì từ thế kỷ thứ bảy trở về sau nầy nó trực thuộc Chân Lạp. Tuy nhiên, trên thực tế thì mãi đến thế kỷ thứ XIII khi Châu Đạt Quan đi ngang đây và mãi đến thế kỷ thứ XVII khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây, vùng đất nầy vẫn còn là một vùng đất hoang vu vô chủ. Có thể lưu dân người Việt đã đến đây từ rất lâu, trước khi các chúa Nguyễn có chương trình dòm ngó về phương Nam, nhưng công cuộc di dân và khai phá chỉ thật sự bắt đầu được đẩy mạnh tại vùng Đồng Nai-Gia Định kể từ sau khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào kinh lược đất phương Nam để lập ra phủ Gia Định(5). 
Chính nhờ vậy mà chưa đầy một thế kỷ sau đó, chính nhờ nơi chính sách sở hữu ruộng đất dễ dàng của các chúa Nguyễn mà vùng đất nầy đã trở thành một vựa lúa lớn nhất cho cả xứ Đàng Trong. 

Như vậy, trên thực tế, thì ‘Gia Định’ đã được khai sanh từ năm 1698. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, hồi đó diện tích của phủ Gia Định là diện tích của toàn cõi Nam Kỳ, rộng khoảng 64.743 cây số vuông. Đến thời kỳ 1790-1802, vùng nầy được gọi là Kinh Gia Định, vì lúc nầy Nguyễn Ánh đang trốn chạy nghĩa quân Tây Sơn, nên ông quyết lấy đất Gia Định làm hậu cứ cho cuộc chiến lâu dài. Vào năm 1790, Nguyễn Ánh đã cho xây thành Bát Quái tại xã Tân Khai, huyện Bình Dương. 

Năm Nhâm Tuất, 1802, vua Gia Long đổi phủ Gia Định ra làm trấn Gia Định. Năm 1808, nhà vua lại đổi trấn ra làm Thành Gia Định bao gồm 5 trấn khác là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trấn Phiên An đất rộng việc nhiều, đường thủy đường bộ thông thương. Về phía bắc giáp với Trấn Biên, phía trên từ sông Đức Giang, tục gọi là sông Thủ Đức đến Bình Giang hay sông Bến Nghé thuộc huyện Bình Dương, rẽ xuống ngã ba cửa Phù Gia, tức là ngã ba sông Nhà Bè, rồi chảy thẳng ra cửa biển Cần Giờ. Bờ nam của sông là địa giới trấn Phiên An hay Phiên Trấn. Phía nam giáp trấn Định Tường, trên từ Quang Hóa, Quang Phong, về phía tây đến Vàm Dừa, Rạch Cỏ, đến sông Bát Chiên, chuyển xuống phía đông đến Vũng Gù, qua Trà Giang rồi ra cửa biển Lôi Lạp (Soi Rạp), lấy bờ bắc của sông nầy làm địa giới trấn Phiên An. Phía Đông trấn Phiên An giáp với biển Đông. Phía tây giáp Cao Miên. Lúc mới thành lập trấn Phiên An được gọi là Phiên Trấn với 1 huyện gồm 4 tổng, lỵ sở đóng tại thôn Tân Lân, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương ngày nay. 

Theo Phủ Biên Tạp Lục(6) của Lê Quí Đôn: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Đại, Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm. Khi thành lập phủ Gia Định, quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ những người có tài sản từ các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Qui Nhơn đến khẩn hoang, khiến cho đất đai bằng phẳng, rồi cho phép họ tự do chiếm hữu làm vườn trồng cau, hay làm nhà ở. Lại cho thu con trai, con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tỳ... cho chúng lấy nhau, sanh đẻ, nuôi nấng, lớn lên lấy việc cày ruộng làm nghề nghiệp, vì đó mà lúa rất nhiều. Ở các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà đều có từ 50 đến 60 điền nô, từ 300 đến 400 trâu bò, cày cấy gặt hái rộn ràng không rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, giã lúa, sàng gạo, bán lấy tiền để dùng vào lễ chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xay giã nữa. 

Bình thời bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc như lụa, lãnh, áo quần tốt đẹp, ít dùng vải bô.” Trong khi đó, Trịnh Hoài Đức cũng đã ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Lúc ấy đất đai mở rộng ngàn dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ những lưu dân từ châu Bố Chính trở vô Nam, đến ở khắp nơi, đặt ra phường ấp xã thôn, chia cắt địa phận, cho mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn bị thuế đinh, điền và lập bộ đinh điền. Địa phương Nông Nại nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú. Khi đầu thiết lập 3 dinh, mộ dân đến ở, có đất ở hạt Phiên Trấn mà kiến trưng làm đất của hạt Trấn Biên, có đất ở hạt Trấn Biên mà kiến trưng làm đất của hạt Phiên Trấn. 

Như vậy cũng tùy theo dân nguyện, không ràng buộc chi cả, chủ yếu là khiến dân mở đất khẩn hoang, chia thành điền, lập thành thôn xã mà thôi.” Quả thật, chính nhờ sự dễ dãi trong việc chiếm hữu ruộng đất do chính mình khai khẩn nầy mà chẳng bao lâu sau đó, toàn vùng đã thành khoảnh rõ ràng. Cũng chính nhờ chính sách ruộng đất dễ dãi nầy mà nông sản vùng Gia Định luôn dư thừa, nên để tránh sự tồn đọng và hư nát, chánh quyền địa phương lại cũng dùng chánh sách dễ dãi cho sự thành hình ngành thương mãi về hàng hóa. Chẳng bao lâu sau đó, rất nhiều Hoa kiều đã thành hình xong một đội ngũ trung gian về mua bán nông phẩm tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, và việc mua bán lúa gạo đã nhanh chóng trở thành một trong những hoạt động chủ yếu trong hoạt động doanh thương ở đây. 

Hàng năm, thường là sau các vụ mùa, nhiều tàu thuyền trong nước và ngoại quốc đến xứ Gia Định thu mua thóc gạo chở ra bán lại tại các vùng Ngũ Quảng và các xứ lân cận, như Hồng Kông, Tân Gia Ba, vân vân. Thật tình mà nói, ngay từ những ngày đầu Nam Tiến, nhiều người đã nghĩ rằng nếu không có nguồn cung cấp nông phẩm từ Gia Định, không biết vùng Ngũ Quảng và Thuận Hóa sẽ sống bằng cách nào. 
Chính giáo sĩ Halbont đã ghi lại trong một bức thư vào tháng 7 năm 1775 như sau: “Mỗi năm từ Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng nầy mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng.” Khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bộc phát tại vùng Qui Nhơn, Lê Quí Đôn đã ghi lại trong Phủ Biên Tạp Lục như sau: “Ngày trước, việc buôn bán với xứ Đồng Nai được lưu thông, thì tại kinh thành Phú Xuân, giá gạo một hộc mười thăng, chỉ có ba tiền đồng, mà có thể đầy đủ cho một người ăn trong một tháng, cho nên nhân dân ở Thuận Hóa chưa hề phải lưu tâm chú ý đến việc làm ruộng. Lúc quân Tây Sơn đang khởi nghĩa, thành Qui Nhơn bị loạn lạc, thành Gia Định bị núi cách sông ngăn, nên nhân dân ở đây lấy việc thiếu ăn làm điều lo lắng.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Links xem tiếp:

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Thơ Tranh: Bức Hình Lưu Lại


Thơ & Hình Ảnh:Cao Linh Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh

Dấu Chân



Hoàng hôn sóng nuớc chập chùng
Dấu chân ai đó một lần vui chơi
Mai còn chi lại duới trời
Kiếp sau có nhớ một thời cùng nhau

Cùng nhau qua những chốn nào
Bờ sông sóng vỗ lao xao buỗi chiều
Cánh đồng nắng gió hiu hiu
Đêm về gối mộng, chắt chiu những lần

Mộng tàn trời đất bâng khuâng
Còn gì đâu, chỉ dấu chân những ngày
In trên hủ cốt của ai
Tro tàn theo gió bay bay phiêu bồng


Khánh Hà

Bóng Người Chung Trăng


Mảnh trăng vằng vặc tợ như gương
Soi thấu tình chăng những đoạn trường
Sóng mắt hồ thu chưa ráo lệ
Dòng tơ định mệnh khép yêu đương
Luyến lưu chi thế mà lờ lững
Tơ tưởng xua hoài mãi vấn vương
Thuở ấy xa rồi mùa trăng cũ
Có còn lưu bóng kẻ chung đường

Kim Phượng