Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Tình Yêu Đóa Hoa Trà

 Tình yêu lãng mạn đóa Hoa Trà 
Duyên dáng ẩn trong sắc hồng pha 
Biểu tượng khát khao lòng luyến nhớ
Tuy không hương đượm vẫn mặn mà.





Thơ &  Hình Ảnh: Kim Oanh
Xuân Melbourne 10 /2020

Xuân Tình

Ảnh: Kim Phượng)

Bầy sẻ nhỏ cất tiếng chim buổi sáng
Khẽ gọi đàn sớm họp bạn mùa xuân
Giây phút ấy tim một lần rất lạ
Vườn tâm tư ai đó đã vừa qua


Kim Phượng

Xuân Sang

(Mùa Xuân Úc Châu 2020- Ảnh: Kim Oanh)

Mùa Xuân đến nắng trong veo mắt ngọc
Ấn sắc hồng lên từng dấu môi duyên
Con đường trải mùa xuân về phía trước
Nắng lao xao trong vạn sắc lụa mềm

Bóng tôi lạc giữa rừng mơ hoa nở
Xuân đã về chín mùa trái yêu thương
Tôi sóng sánh đi về trong men tết
Thoáng hương xưa nào rụng xuống vô cùng

Bàn chân bước theo Xuân về lối cũ
Áo mơ bay theo nắng cuối phương ngàn
Tôi ngồi ngắm én xuân về đánh thức
Nụ mai nào gỏ cửa gọi xuân sang

Bằng Bùi Nguyên

Người Tình

Mỗi tối, trước khi ngủ
Mỗi sáng vừa thức dậy
Nằm trên giường
Ta ôm ấp
Em
Người tình
Khuôn mặt chữ điền,
Thật hiền.
Em nhỏ bé
Mà thông minh đáo để
Em lặng thinh
Mà kiến thức bao la
Em mang tin bạn từ xa
Đến với ta…
Em còn biết nói, biết hỏi,
Biết trả lời
Điều người ta mong mỏi…
Nhiều chuyện nay, xưa
Chuyện nắng chuyện mưa
Chuyện trưa chuyện tối
Chính trị rối bời
Thơ văn, âm nhạc
Tin tức nóng hổi
Sao cái gì em cũng rành
Cái gì em cũng biết…
Nên
Xuân sang hoa nở
Nắng hè rự rỡ
Đông qua tuyết đổ
Tình thu bồi hồi…
Bốn mùa em vẫn cùng ta
Chia sẻ mặn mà
Ân cần niềm nở
Khiến ta không nỡ
Rời em!
I Pad!

Sao Khuê

Xuân Ước Mơ - Thơ Đỗ Thị Minh Giang - Diễn ngâm: Vân Khánh



Thơ Đỗ Thị Minh Giang
Diễn ngâm: Vân Khánh 
PPS: Hương Hoài Điệp

Vĩnh Biệt Vĩnh Bình


(Ảnh; Nguyên Trần)

Rồi tôi lại trở về xứ Vĩnh
Nghe lòng mình chợt tĩnh chợt mơ
Vĩnh Bình xưa có bao giờ
Hoang tàn đỗ nát trơ vơ não nề
Ao Bà Om lối về tình cũ
Hàng tre già ủ rủ hắt hiu
Nước trong soi bóng tiêu điều
Gió lay sầu muộn nắng chiều rưng rưng
Chùa Chim bỗng lạnh lùng mấy độ
Tường rêu phong chim vổ cánh xa
Đất trời nổi trận phong ba
Quê hương tan tác nhà nhà ra đi
Đường Trà Cú lắm khi khúc khuỷu

Gái Tiểu Cần nặng trỉu ân tình
Cầu Ngang nguyện ước ba sinh
Giờ đây hiu quạnh chỉ mình mình thôi
Biển Ba Động rã rời cát lỡ
Long Toàn nay những dở cùng dang
Giặc về gieo rắc điêu tàn
Hàng dừa xanh cũng than van kiếp người
Tiếng oán hận ngút trời vang dội
Khóc cho đời tăm tối phủ giăng
Vì đâu dậy sóng đất bằng
Oan khiên cả nước nhục nhằn đắng cay
Thăm đất Vĩnh lần nầy lần cuối
Biệt ly rồi trăn trối gì không
Mai thuyền trôi giạt biển Đông
Tương lai phó mặc cho dòng nước xanh.


Nguyên Trần

(viết trong những ngày cuối cùng
trước khi vượt biên tại Vĩnh Bình 
tháng 6 năm1980)

Lòng Mẹ


Mồ hôi tôi vã ra như tắm. Tôi mím môi, hai tay nắm chặt lấy thành giường để cố kìm hãm một tiếng rên, nhưng không được. Cổ tôi bỗng kêu gừ gừ, và tôi nghe tiếng rên rỉ: “đau quá, trời ơi, tôi chết mất…”. Tôi vặn người qua bên phải, buông vội một tay để xoa mạnh trên làn da bụng, bụng tôi lúc đó cứng như gỗ và đau đến rợn người. Hình như đứa nhỏ bên trong đang ngọ ngoạy…không hiểu nó là con trai hay con gái? Ước gì nó là con trai. Tôi sẽ đặt tên nó là Dũng. Cha nó là Hùng và nó là Dũng. Nó sẽ giống chàng như hai giọt nước. Ôi! Dũng sao con làm khổ mẹ thế này, ôi! Con đừng đạp nữa cho mẹ nhờ, đau lắm! ừ, như vậy đó, chóng ngoan, như vậy đó. Đỡ đau rồi. Mẹ sẽ may cho con một bộ đồ lính thủy thật đẹp để con đi dạo phố, mẹ sẽ mua cho con thật nhiều đồ chơi, mẹ sẽ…

Cơn đau đã dứt hẳn làm tôi trở về thực tại và hơi ngượng vì những lời lảm nhảm của mình vừa rồi. Từ ngày lấy Hùng, tôi thường hay mong mỏi ngày hôm nay, ngày lịch sử của tôi và Hùng, ngày mà tôi sinh đứa con đầu lòng. Những khi tâm sự, Hùng thường mỉm cười và bảo tôi:

Anh muốn em sinh con gái. Nó sẽ giống em như đúc, mũi dọc dừa, môi trái tim, mắt bồ câu xanh biếc. Anh sẽ đặt tên nó là Quyên. Nó sẽ suốt ngày líu lo tập nói như chim quyên ca hót…

Bụng tôi lại bắt đầu gò. Cơn đau lại nổi lên. Hình như cơn đau càng ngày càng kéo dài và dồn dập… Tôi chịu không nổi nữa. Lại mím môi, lại xoa bụng, lại rên. Người tôi mệt lả đi, hơi thở như muốn hụt. Tai tôi nghe tiếng kêu vo vo không khéo sắp ngất. Bác sĩ bảo tôi bị bệnh tim và đứa bé phải kéo ra bằng ống hút. Chắc nó đau dữ lắm, nhưng biết làm sao? Tôi đã kiệt lực và chắc không thể nào rặn con ra nổi.

Một người y tá đang đo huyết áp cho tôi và một người nữa sửa soạn ống bơm. Tôi sợ hãi nhắm nghiền đôi mắt, trong khi cơn đau cũng vừa nổi lên dữ dội. Tôi nghe văng vẳng tiếng người thì thầm, tiếng ống bơm kêu canh cách và tiếng tôi rên nhè nhẹ. Bỗng nhiên cơn đau của tôi dịu hẳn xuống, bụng tôi xẹp đi, ruột gan hình như vừa tuột hẳn ra ngoài. Cảm giác dễ chịu đến với tôi thật chớp nhoáng. Tôi thở dài như vừa trút được gánh nặng. Tôi nghe tiếng trẻ khóc. Tiếng thật dễ yêu và nũng nịu gợi trong lòng tôi một niềm trìu mến vô biên. Người y tá nhìn tôi và nói:

Con gái nghe bà! Sanh lúc 10g20. Tôi mỉm cười. Chắc Hùng sẽ sung sướng lắm. Tôi đã sinh con gái như ước vọng của chàng.

***

Đứa nhỏ nằm đây là Quyên, con của tôi. Nó không giống tôi một chút nào và cũng chẳng giống một ai trên cõi đời cả! Nó là một quái thai. Đầu nó vừa dài vừa nhọn, con mắt bên trái lồi to như quả mận, đầy lòng trắng, trong khi con mắt bên phải thì bị bít hẳn không hé được một chút nào. Sống mũi bẹt dí và hai lỗ mũi lại hếch lên. Môi trên sứt một mảnh lớn để hở cả lợi và lưỡi. Cánh tay trái của nó co lại, dính vào vai. Tay phải tuy cử động được nhưng ngón trỏ và ngón giữa lại dính nhau và thừa một ngón út. Đôi chân mới thảm hại: nó cong vòng và hai chân dài ngắn hơn nhau 10 phân.

Nó là con tôi đó! Hôm đầu tiên được phép thăm con, cả hai vợ chồng tôi đều bàng hoàng tê tái. Tôi không diễn tả nổi cảm tưởng lúc đó của tôi, chỉ biết tôi đã ôm chầm lấy Hùng gục đầu vào ngực chàng và khóc như một đứa trẻ. Tôi nghe tiếng Hùng nghẹn ngào:

Nín đi, Vân. Trời đã không thương chúng ta thì em còn khóc làm gì? Chỉ tội nghiệp cho con bé! Không hiểu kiếp trước chúng ta đã mắc phải tội gì?
Lúc nhìn lên, tôi thấy mặt Hùng cũng chan hòa nước mắt.

Từ ngày đón đứa nhỏ về nhà, tôi vất vả không sao tả xiết. Tôi không lấy đó làm khổ sở nhưng tôi tủi thân và thương con vô hạn. Tôi không tài nào mượn được người để trông con, dù tôi đã trả một giá đắt gấp mấy giá thường. Họ sợ. Họ sợ con tôi như sợ ác quỷ và họ tránh con tôi như tránh người cùi. Cả những người thân thuộc cũng vậy. Họ sợ con tôi và tôi thì sợ họ. Tôi sợ những tia nhìn ghê tởm của họ đối với con tôi, tôi sợ những tia nhìn thương hại của họ đối với vợ chồng tôi. Tôi sợ những lời an ủi nhạt nhẽo và giả tạo của họ.

Họ đến thăm tôi càng ngày càng đông, nhưng tôi thừa biết họ đến vì tính hiếu kỳ…Họ xem con tôi như xem một món đồ triển lãm, và họ bình phẩm một cách lộ liễu cốt để cho tôi nghe.

Bệnh giang mai chứ gì! Trông thì biết ngay. Chỉ có giang mai mới sinh ra đứa con như vậy.
Ai bảo ngày trước chơi bời cho lắm vào.
Không hiểu tại chồng hay tại vợ
Chỉ có trời mới biết!...

Khốn nạn! Tôi chỉ muốn chửi vào mặt những kẻ vô giáo dục đó, nhưng tôi cứ phải giả vờ như không nghe tiếng. Họ ác đến thế là cùng. Hình như họ chỉ sung sướng khi làm cho kẻ khác đau đớn nhục nhã ê chề.

Có tiếng nói nheo nhéo ngoài cửa, lại một kẻ hiếu kỳ. Tôi miễn cưỡng ra chào. Mụ phủ Đức. Mụ là họ hàng với tôi thế nào chẳng hiểu, chỉ thấy mẹ tôi bắt chúng tôi gọi mụ là Bác. Tôi cười gượng:
Lạy bác ạ!

Mụ cười toe toét:
Lạy mới lục gì. Nghe mợ mới sinh cháu gái, bác đến thăm. Ấy định đến từ hôm nọ cơ đấy nhưng cứ mệt hoài. Bác hồi này già yếu quá rồi, ăn không ngon, ngủ chẳng yên, nhức tay, nhức chân, đau lưng, đau bụng…

Tôi biết tính hay kể bệnh dông dài của mụ nên vội ngắt lời:
Bác cứ nói vậy! cháu trông bác tốt lão nhất họ.
Mụ cười dụt cả cổ lại và ghé vào tai thì thầm như có việc gì quan trọng lắm.
Ấy, uống mấy lạng cao hổ cốt đấy!
Tôi chỉ ậm ự. Mụ dục:
Nào cho xem cô bé tí nào.

Và mụ xăm xăm đi lại cái nôi. Thì ra mụ chưa biết. Tôi yên lặng đứng nhìn: Mụ vén màn định bế đứa bé và đột nhiên mặt mụ tái ngắt. Mụ rụt phắt tay lại và lùi về phía sau hai ba bước.

Nhìn dáng điệu của mụ, tôi giận lên đến cổ. Mụ lắp bắp:
Mợ…mợ…đẻ…ôi, khiếp quá!
Khiếp quá! Hai tiếng đầy vẻ khinh bạc làm tôi mất hẳn lý trí. Tôi vung tay tát vào mặt mụ và hét lớn:
Khốn nạn! tôi đẻ ra quái thai đấy! Tôi cần bà đến thăm để nói như vậy hay sao?

***

Đứa bé khóc lên oẹ oẹ. Tôi bế nó vào lòng và ru khe khẽ. Có lẽ nó đói. Tôi muốn cho con bú nhưng lại sợ hãi. Cảm giác buồn buồn và nhột nhạt của chiếc môi sứt cọ vào đầu vú làm tôi rùng mình. Tôi khốn nạn thật, tôi không còn xứng đáng để làm mẹ. Thì ra tôi cũng ghê tởm con tôi như mọi người đã ghê tởm nó! Tôi có hơn gì họ đâu, và tôi thì ươn hèn không dám thú nhận điều đó.

Con bé giẫy giụa khe khẽ trong vòng tay tôi. Bàn tay của nó có 2 ngón dính liền và thừa ngón út đang quờ quạng trước mặt. Con mắt trái độc nhất của nó lim dim, con ngươi đảo qua đảo lại lờ đờ chậm chạp. Hai lỗ mũi hếch thở phập phồng và chiếc mồm nhỏ có khoảng môi sứt đang chum lại, lưỡi thò ra thụt vào như đang bú. Nó nhếch miệng da mặt co lên, tôi không hiểu nó cười hay mếu nữa. Lòng tôi se lại. Tôi thương nó vô hạn. Tôi ôm con chặt hơn và tay tôi vuốt nhè nhẹ trên da đầu nó. Làn tóc thưa mềm mại, cọ vào lòng bàn tay buồn buồn. Cái bướu nho nhỏ do ống hút tạo nên vẫn còn đó, tròn và nhão. Chắc con đau lắm phải không Quyên. Mẹ ốm để con phải đau như vậy đó! Khốn khổ con tôi, nhưng lớn lên rồi con còn khổ gấp mười! Giữa cái xã hội đầy thành kiến và độc ác này, con làm sao mà sống được với một hình thù như vậy! Họ sẽ coi con là một quái vật, họ sẽ chế giễu con, hành hạ con cho đến nhục nhã ê chề. Và mẹ nữa, mẹ cũng là một đề tài cho người ta đàm tiếu! Hay là hai mẹ con ta cùng chết, hả Quyên?

Tôi chợt nhớ đến ống thuốc ngủ còn 19 viên. Hai mẹ con ta cùng chết. Mẹ chia cho con 3 viên, và phần còn lại là của mẹ. Phải rồi, như vậy mẹ con ta sẽ được mãi mãi yên lành.

Tôi đặt đứa bé xuống giường và đi pha một chút sữa, một chút thôi. Tôi cẩn thận tán nhỏ 3 viên thuốc để nó hoà tan vào trong sữa và cho con bú. Nó bú ngon lành và thiếp đi, không hiểu vì ngấm thuốc hay nó ngủ. Tôi rót một ly nước lạnh và uống dần dần 16 viên thuốc còn lại. Tôi uống như một cái máy, không còn suy nghĩ, không còn lưỡng lự. Chỉ thoáng một chút buồn nôn…và bây giờ, cơ thể tôi bắt đầu tê dại. Tôi chợt nhớ tới buổi đầu tiên tôi gặp Hùng, đến những ngày yêu nhau tha thiết, đến những ngày chờ đợi một đứa con…con trai sẽ giống Hùng, con gái sẽ đẹp như tranh…và bây giờ con tôi như vậy đó. Nó không giống ai cả. Nó là một quái thai. Tôi muốn đưa tay lên mặt khóc nhưng không sao điều khiển nổi cử động của mình. Tôi mơ màng nghe tiếng chân người đi lại, nghe tiếng Hùng hốt hoảng kêu lên:
Vân, em làm sao vậy, Vân?

Chàng bế xốc tôi chạy ra phía cửa. Chắc chàng đã thấy ống thuốc ngủ trống không! Tôi muốn bảo với chàng là tôi giết con, tôi muốn nói với chàng những nỗi day dứt trong lòng tôi, muốn nói với chàng những nỗi lo sợ cho tương lai đứa nhỏ. Mồm tôi mấp máy, lúc này thì tôi muốn cứu sống con tôi. Hình như tôi đã hét lên:
Con Quyên, con Quyên. Trời ơi!

Nhưng không ai nghe tôi cả. Không ai ngờ là tôi đã đầu độc con tôi!

Tôi thức dậy sau một cơn mê sảng. Tôi thấy con Quyên tập tễnh đi lại phía tôi, nó nhìn tôi ai oán và đưa bàn tay 6 ngón giá lạnh cầm lấy tay tôi. Tôi rùng mình và tỉnh dậy. Hùng đã ngồi bên tôi và tay chàng còn nắm chặt tay tôi. Tiếng Hùng dịu dàng:
Em có nhận ra anh không Vân?
Tôi thều thào:
Con Quyên! Em muốn gặp mặt con.
Hùng bóp mạnh bàn tay tôi và một lúc sau chàng mới thở dài nhè nhẹ:
Con mất rồi. Bác sĩ bảo con bị ngạt thở.
Tôi chợt rụt tay tôi ra khỏi tay Hùng và ôm lấy mặt. Nước mắt tôi trào ra.

Anh Hùng, em đã giết con, anh biết không?


Nguyễn Thanh Bình

Đêm Từ Dũ


Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Đôi Mắt Người Xưa - Trúc Phương - Đan Nguyên


Sáng Tác: Trúc Phương
Ca Sĩ: Đan Nguyên
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Mùa Hè Khép Cửa


Tháng Bảy buồn lên giọt mưa rả rích
Rơi quanh co qua những lối hẹn xưa
Trái tim anh thấm đẫm những giọt mưa
Lau sao hết giọt tình vương ký ức

Phượng còn đó nghiêng cành hoa đỏ rực
Như môi em nhan sắc gọi xuân về
Áo dài bay ngan ngát tỏa hương mê
Đường lịm chết những hàng cây hò hẹn

Có cuống quít là tay cầm cuống quít
Có hân hoan là ánh mắt hân hoan
Trái tim run hơi thở chạm nồng nàn
Tiếng chim hót qua lòng xanh rất vội

Con đường cũ mà tình ta rất mới
Mỗi ngày qua là xuân mới đang qua
Nụ cười em trổ vội những bông hoa
Nụ hôn cháy bừng lên mùa diễm tuyệt

Ngày - tình đỏ lên nắng hồng tha thiết
Đêm - vầng trăng vàng chiếu nỗi nhớ nhung
Tóc dài em xõa xuống sợi thương mong
Cột tình với thiên đàng anh đắm đuối

Em xa quá mùa hè xa vời vợi
Anh ngắm cành phượng đỏ nhớ môi hồng
Nhớ trời xa cành phượng tím trổ bông
Ôi đỏ tím đôi màu đau cách trở

Em xa quá cả mùa hè khép cửa
Tiếng ve rơi thảng thốt rụng về đâu
Tháng Bảy ăn năn mưa rớt tím sầu
Vần thơ gửi vụng về câu chờ đợi

Câu thơ vẽ lòng anh đầy sám hối
Cuộc tình buồn đôi phía xót đành sao
Vết cắt tình xa, vết cắt ngọt ngào
Tim rỉ máu vẫn đập tràn nỗi nhớ

Trầm Vân

Đường Xưa Vắng Bóng



 Anh vẫn nhớ chiều Thu bước vội
Về tìm Em sưởi ấm cùng Anh
Một cuộc tình còn vương sót lại
Giữa đời ý thức hệ phân tranh

Lòng ngỡ ngàng nghe như xa lạ
Phố im lìm lác đác mưa rơi
Anh ngại ngùng bước chân buồn bả
Gió thì thào len lén khắp nơi

Tìm ai đây? Đường Xưa Vắng Bóng
Em đi rồi nắng nhạt vàng phai
Hồn rã rời đời nghe vô vị
Bao ân tình để lại cho ai ?

Em đi rồi sầu dâng ngập lối
Người hiểu anh rồi cũng rời xa
Xã hội đổi đời tình dang dở
Anh chẳng còn gì để thiết tha!

Em đi rồi còn ai nhung nhớ
Linh hồn anh trống rỗng hư không
Tuổi trẻ vùi chôn nơi rừng thẳm
Thời gian còn lại có như không!

Mặc Khách
(1983)

Thơ Tranh: Hương Tóc Buồn

 

Thơ:Tường Thúy

Thơ Tranh:Kim Oanh

Dạng Thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn


Dựa vào các thi phẩm của Tiền Nhân Tàu cũng như Việt, các học giả Việt Nam đã đưa ra nhiều dạng đặc biệt của Đường Luật Thi. Nhưng có lẽ độc đáo nhất của Việt Nam chính là "Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn".
Đây là một dạng thơ Thất Ngôn Đường Luật, do các thi nhân Việt Nam sửa hai câu Thực hoặc hai Luận từ 7 chữ còn lại 6 chữ.
Dạng thơ này xuất hiện từ thời này? Do ai khởi xướng?

A - Nguồn Gốc và Thời Kỳ Xuất Hiện

Kể từ khi Nguyễn Thuyên viết bài "Văn Tế Cá Sấu" bằng chữ Nôm, được ca tụng, đã khiến các thi nhân của ta có thêm động lực, bắt đầu sáng tác thơ Nôm theo Luật Đường. 
Vào Thời Trần,Thơ Nôm phát triển rất mạnh, nhưng hầu hết là các dạng thơ Đường Luật, Lục Bát..., riêng thơ Nôm Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn không hề xuất hiện trong triều đại Nhà Trần. Mãi đến thời kỳ đầu của Nhà Hậu Lê, ta mới thấy xuất hiện trong "Quốc Âm Thi Tập "của Nguyễn Trãi. Từ đó dạng thơ này được thi nhân các triều Hậu Lê, Nguyễn tiếp tục sáng tác. 

- Theo bài biên khảo của Nguyễn Phạm Hùng trong  hopluu.net :

 [Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn (TNXLN))]

"...nó được đánh dấu bởi tên tuổi những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi (1380-1442) với Quốc âm thi tập  (trong đó có 186 bài TNXLN trên tổng số 254 bài), Lê Thánh Tông (1442-1497) và các thi sĩ thời Hồng Đức với Hồng Đức quốc âm thi tập (trong đó có 135 bài TNXLN trên tổng số 328 bài), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với Bạch Vân quốc ngữ thi tập y (trong đó có 97 bài TNXLN trên tổng số 161 bài), Trịnh Căn (1633-1709) với Ngự đề Thiên Hoà doanh bách vịnh (trong đó có 10 bài TNXLN), Nguyễn Hữu Chỉnh ( ? - 1787) với Ngôn ẩn thi tập (trong đó có 5 bài TNXLN)...
..Có người cho rằng, thơ TNXLN xuất phát từ thơ Nôm Đường luật, trải qua những thử nghiệm sáng tạo mới nhưng bất thành, cuối cùng lại quay trở về với thơ Nôm Đường luật. Chúng tôi lại nghĩ khác, nó xuất phát từ Đường luật, trải qua những thử nghiệm sáng tạo với mong muốn "hoán cốt đột thai" để tạo ra thể thơ mới, "tồn tại song song" với thơ Nôm Đường luật (ngay trong cùng một tập thơ Nôm của các nhà thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm… cùng tồn tại song song hai lối thơ này), nhưng do không tạo được một thi luật ổn định và vững chắc, nên cuối cùng đã tự tiêu vong. Đến thế kỷ XVII, XVIII(*), thể thơ này không còn thích hợp nữa ..."

- Theo bài Biên Khảo của Trần Trọng Dương trong  nguvan.hnue.edu.vn:

"...Quãng vài chục thập kỷ trở lại đây, giới nghiên cứu văn học đã bỏ ra nhiều công sức để đi tìm lời giải mã cho hiện tượng câu thơ Nôm sáu chữ của nhiều tác giả nổi tiếng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Có thể kể đến các ý kiến của Dương Quảng Hàm, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Ngọc San, Lê Hoài Nam, Nguyễn Hữu Sơn, Ngô Văn Phú, Phạm Luận, Phạm Thị Phương Thái… Kết luận hiện nay dễ được chấp nhận hơn cả, là giả thuyết coi đây là một thể loại mới - một sáng tạo độc đáo của Việt Nam mà người đi đầu là Nguyễn Trãi. Thể loại mới ấy được định danh là thể “thất ngôn xen lục ngôn” [Nguyễn Phạm Hùng 2006]. Nguồn gốc của thể thơ này chính là thất ngôn Đường luật, một thể thơ đồng thời xuất hiện trong hàng loạt thi tập nổi tiếng và cổ kính như Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân Am thi tập,… Một số nhà nghiên cứu khẳng định như vậy đã ngầm thực hiện một phương trình khá bất tiện, rằng Nguyễn Trãi đã “sáng tạo thể loại thất ngôn xen lục ngôn” bằng cách “cải tạo thất ngôn Đường luật”; ở khía cạnh thi luật học cổ điển thì “các câu lục ngôn thất luật” ấy là sự phát triển từ thể thơ gò bó có nguồn gốc Trung Hoa. Sự “sáng tạo/ cải tạo” ấy được chứng minh bằng cách: các câu lục ngôn/ ngũ ngôn là sự sáng tạo về mặt số lượng âm thanh và nhịp điệu. Và những nhịp điệu lạ lẫm (thực ra là thất luật ấy) lại là những đóng góp lớn của Nguyễn Trãi cho văn hóa Việt Nam..."  

Như thế, chúng ta có thể khẳng định dạng thơ này do cụ Ức Trai khởi xướng và được các thi nhân đời sau tiếp tục dùng trong sáng tác.

B - Các bài thơ  Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn

       Trần Tình Số 9
                    
Bảy tám mươi bằng một bát tay,
Người sinh ở thế mấy nhàn thay.
Lan đình tiệc họp mây ảo,
Kim cốc vườn hoang dế cày.
Nhật nguyệt soi đòi chốn hiện,
Đông hè trãi đã xưa hay.
Ta còn lãng đãng làm chi nữa,
Tượng có trời bày đặt vay.
                         Nguyễn Trãi
----
       Cây đánh đu 
               
Bốn cột lang nha cắm để chồng, 
Ả thì đánh cái ả còn ngong. 
Tế hậu thổ khom khom cật, 
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng. 
Tám bức quần hồng bay phới phới, 
Hai hàng chân ngọc đứng song song. 
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy, 
Nhổ cọc đem về để lỗ không.
            Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập

(Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sửa bài thơ "Cây Đánh Đu" thành bài Thơ  "Đánh Đu" mà chúng ta từng biết)
-----
   Đêm thu vô nguyệt 

Lề la vặc vặc rạng tơ hào
Phải mịt mù nay vì cớ sao 
Nhân bởi hắc vân ngất phủ 
Há rằng ngọc thỏ hèn sao 
Hằng nga chiếm lấy làm song viết
Thục đế tuồng ni dám ước ao 
Mựa dắng (*) đêm nay trăng thấy nguyệt
Thu qua đông đến quế càng cao.
                            Nguyễn Toàn An

(*)  Mựa dắng: Tiếng cổ có nghĩa là “chớ nên bảo rằng”.

Sách Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề ghi chép về Bảng nhãn Nguyễn Toàn An, có đoạn viết:  

Ông người làng Thời Cử, huyện Đường An (nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng), thuở hàn vi phải sung làm lính cắt cỏ nuôi ngựa trong cấm cung.  

Một đêm trung thu, vua Lê Thánh Tông cùng quần thần hội họp trước sân điện đón trăng. Chẳng ngờ đêm ấy trăng thu không tỏ, nhà vua bèn ra đề: “Đêm Thu Vô Nguyệt” (Đêm trung thu không trăng), sai các quan ngâm vịnh. Bữa ấy Nguyễn Toàn An đến phiên hầu tiệc, ông cảm xúc nảy nở ra tứ thơ, bèn mạnh dạn dâng lên.

Nhờ bài thơ này Nguyễn Toàn An được vua ban thưởng cho rất hậu, lại cho giải ngũ về nhà theo việc đèn sách. Năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) ông thi đỗ Bảng nhãn.

-----
     Nhân Tình Thế Thái 12

Cầu may cuốc nguyệt gánh yên hà
Nào của nào chăng phải của ta
Đêm đợi trăng lồng bóng trúc
Ngày chờ gió thổi tin hoa
Thấy cơ doanh mãn (*) cho hay chửa
Phải đạo trung thường chớ có qua
Dẫu lấy thánh kinh noi thửa học
Ví chưng xuất xử đạo thờ cha
                Nguyễn Bỉnh Khiêm
(*) Doanh mãn: đầy đủ
----

     Trách Chiêu Hổ

Anh đồ tỉnh, anh đồ say 
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hầm chớ mó tay
                             Hồ Xuân Hương

Dạng thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn đã thể hiện tinh thần tự chủ của Cha Ông.
Từ ngàn xưa, dân tộc ta đã có tinh thần độc lập, lại ham học hỏi, biết gìn những gì tốt đẹp, đồng thời lưu giữ những cái hay của Người và tìm cách biến đổi thành nét riêng của Mình.
Hy vọng truyền thống này sẽ mãi được con cháu trân trọng để văn hóa và bản sắc riêng không bị mai một.
 
Huỳnh Hữu Đức

Hoài Thương Hỷ Hội Lương Xuyên Cố Nhân 淮上喜會梁川故人- Vi Ứng Vật


淮上喜會梁川故人 Hoài Thương Hỷ Hội Lương Xuyên Cố Nhân 

江漢曾為客, Giang Hán tằng vi khách, 
相逢每醉還。 Tương phùng mỗi túy hoàn. 
浮雲一別後, Phù vân nhất biệt hậu, 
流水十年間。 Lưu thủy thập niên gian. 
歡笑情如舊, Hoan tiếu tình như cựu, 
蕭疏鬢已斑。 Tiêu sơ mấn dĩ ban. 
何因不歸去? Hà nhân bất qui khứ ? 
淮上對秋山。 Hoài thượng đối thu san. 
韋應物             Vi Ứng Vật

2. XUẤT XỨ CỦA BÀI THƠ:
VI ỨNG VẬT vốn có một thời gian làm thị vệ cho vua Đường Huyền Tôn, hiệu là Tam Vệ Lang, nên tung hoành dọc ngang hống hách, vô pháp vô thiên. Sau ông phát chí học hành, từng giữ các chức vụ Huyện Lệnh và Ngự Sử ở đất Giang Hoài, bài thơ nầy ông làm lúc ở Hoài Thượng ( thuộc Hoài Âm Giang Tô ngày nay ), mừng vì gặp lại cố nhân ở Lương Châu. Đây là người bạn mà mười năm trước ông đã quen biết ở vùng Giang Hán. 

3. GHI CHÚ :
HOÀI THƯỢNG 淮上 : Ở bên dòng Hoài Thủy, tức là vùng Hoài Âm Giang Tô hiện nay.
LƯƠNG CHÂU 梁州 : tên một châu quận đời Đường, nay thuộc vùng đất phía đông huyện Nam Trịnh tỉnh Thiểm Tây. 
GIANG HÁN 江漢 : là con sông chảy ngang Lương Châu. 
TẰNG 曾 : là Đã từng. 
BAN 斑 : là Đốm, là Vệt. Ở đây chỉ tóc đã lốm đốm bạc.
HÀ NHÂN 何因 : là Vì Lí Do Gì ? Vì Nguyên Nhân nào ?

4. NGHĨA BÀI THƠ :
Mừng Gặp Lại Cố Nhân Lương Châu Ở Hoài Thuơng

Chúng ta đều đã từng làm khách ở đất Giang Hán, mỗi lần gặp mặt nhau đều " không say không về ". Nhưng rồi, mỗi người đều như đám mây trôi nổi kia phiêu bạt khắp nơi, như dòng nước nọ trôi chảy muôn phương, thoát cái mà đã mười năm trường. Gặp lại đây tay bắt mặt mừng tình vẫn như xưa, chỉ có điều là tóc mai đều đã lốm đốm bạc cả rồi ! Vì lí do gì mà ta chẳng muốn quay về ư ? Vì ở đất Hoài Thượng nầy có núi Thu San quá đẹp đã níu lấy chân ta rồi !

5. DIỄN NÔM:
Mừng Gặp Lại Cố Nhân Lương Châu Ở Hoài Thuơng

Giang Hán từng là khách,
Gặp nhau " Xỉn " mới cam.
Mây trôi người ly biệt,
Nước cuốn chốc mười năm.
Gặp lại mừng như cũ,
Lốm đốm tóc hoa răm.
Vì sao còn lưu luyến,
Nàng thu giữ bước chân !

Lục bát:

Giang Hán là khách năm xưa,
Gặp nhau mỗi độ say sưa mới về.
Chia tay mây trắng bốn bề,
Hoa trôi nước cuốn đi về ... mười năm.
Gặp nhau mừng rỡ khôn cầm,
Thoắt mà tóc đã hoa răm mất rồi !
Vì sao chưa chịu qui hồi ?
Núi thu Hoài Thượng bồi hồi giữ chân !

Đỗ Chiêu Đức
***

Cố Nhân 
Đất Khách

Cố nhân nơi đất khách
Mỗi gặp mỗi say thôi
Mây nổi từ lần cuối
Mười năm nước chảy rồi
Cười vui tình cố cựu
Đầu bạc cả nào hay
Há chẳng biết về nhỉ
Thu vàng đâu đợi ai

Phạm Khắc Trí
***
Gặp Lại Cố Nhân

Người xưa giáo chức gặp đây rồi
Bia bọt hàn huyên mới nhấp thôi
Tan hợp như mây trời gió thổi
Rẽ chia tựa nước lũ bèo trôi
Thân tình cố cựu vui bằng hữu
Quý mến anh em rượu thấm môi
Hẹn mãi đâu còn cơ hội nữa
Rừng phong thay lá mới bồi hồi...

Mai Xuân Thanh
***
Mừng Gặp Cố Nhân

Từng là khách ở nơi Giang Hán
Ta gặp nhau nhắp cạn chén say
Tản ra như áng mây bay
Như dòng nước chảy, thoắt rày chục năm
Gặp lại nhau, mặt mừng tay bắt
Tình như xưa, tóc bạc phơ rồi
Cố hương chẳng muốn qui hồi
Bởi yêu phong cảnh khôn dời bước chân.

Phương Hà

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Còn Chút Gì Ðể Nhớ - Vũ Hữu Định - Phạm Duy - Sĩ Phú


Thơ: Vũ Hữu Định
Phổ Nhạc: Phạm Duy
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Thu Nhớ


Hè vừa tắt nắng, Thu đến đây rồi
Tựa bên song cửa, nhìn lá Thu rơi
Chợt nghe lòng mình nhớ người năm cũ
Hai ta mất nhau mấy chục Thu rồi
Quê Mẹ Thu về, Em có nhớ tôi?

Anh đang ở phương nào, Anh yêu ơi?
Nhìn chiếc lá vàng bay theo gió cuốn
Em thương Anh lạc lõng giữa chợ đời.
Mỗi độ mùa Thu về trên quê Mẹ
Em nhớ Anh nhiều, nhiều lắm Anh ơi!

Mỗi độ Thu sang, quê nhà, đất khách
Có hai bạn lòng gởi Nhớ cho nhau.

Hoa Đô, 01-10-2020.
Lão Mã Sơn

Haiku 95

(Ảnh: Kim Phượng)

Thu
thao thức
thẩn

dovaden2010
***

Cảm Tác:


Thương
nhung nhớ
thu


Kim Phượng

Bởi...


Hơn bốn mươi năm
Em cống hiến cho đời
Thời gian cũng khá dài
So với đời người ngắn ngủi
“em ơi sáu mươi năm cuộc đời”
Em nghỉ là vừa
Làm thêm chi nữa
Cho người đời ganh ghét
(cũng tại em tài hoa và nhan sắc)
Người ta mới ganh ghét
Bằng như chị
Mong được một ai ganh ghét –Cũng khó tìm ra
Thôi thì
Em hãy noi gương ông cha
Từ bỏ công danh
Về vườn ẩn dật
Sớm sớm chiều chiều
Chăm hoa, ngắm cảnh
Vẽ tranh soạn nhạc làm thơ
Đêm đêm
Tịnh Tâm, Niệm Phật
Dứt sạch ưu phiền
Vậy mà hay đó em ạ

Hay là
Xa lánh phồn hoa
An dưỡng tuổi già
Thảo Lư Am Điện
Lạc Đạo An Bần
Thoát vòng sinh tử
Là đường hay nhất
Em gái mến Thương ơi

Hoàng Long

Thôi Chẳng Còn Chi


Ai sợ ve kêu gọi nắng hè?
Chiều về ngơ ngẩn bóng so le
Bên hồ phản chiếu trăng đơn độc
Một nửa kia chìm khuất đáy khe

Ai ngại nhìn hoa lúc mãn khai?
Hoa tươi! Sao mắt nhuốm u hoài
Gió ơi gửi gió lời tâm sự
Có một người thơ nhỏ lệ cay

Ai máng tình tôi trên võng ru
Treo nghìn sợi nhớ nhánh tương tư
Ôi bao ngày tháng dài trăng lạnh
Men rượu thay tình say ngất ngư

Đêm tàn trăng vắng ? Dế tỉ tê
Ai ngồi như tượng đá u mê
Mờ mờ bóng ngả... tâm ô nhiễm
Tứ đại bùng phun ngọn lửa hè

Thôi chẳng còn chi, vệt nắng tà
Ngày vui lùi lại... bóng chiều qua
Người ta xoá cả khung trời mộng
Sao có người ngồi khóc dưới hoa

Kiều Mộng Hà
June 08th2020


Lạnh Về Rẻo Cao


Bố con anh Tủa đã thu hoạch ngô từ cuối tháng bảy, những bắp ngô đã già đã khô trên cây ngô héo cuối mùa. Nhà anh chỉ có mấy vạt ngô trồng quanh chân núi nên không vất vả nhiều như những hộ khác.

Hôm nay hai chị em Súa và Mỷ sẽ đi hái lá cây về cho bò ăn như mọi ngày. 
Nhà anh Tủa mới nuôi một con bò do anh Vừa người cùng thôn cho nuôi rẽ, khi nào bò đẻ thì con bê đầu tiên thuộc về anh Vừa con bê thứ hai mới là của anh Tủa. Nhà anh Vừa ở phía sau quả đồi bên kia là hàng xóm gần nhất của anh Tủa. 

Anh Tủa thuộc diện hộ đói nghèo kinh tế khó khăn trong thôn bấy lâu nay, đã mấy lần thôn hứa giúp đỡ sửa lại nhà hay cho mượn tiền nuôi lợn phát triển kinh tế nhưng chờ hoài hết tháng nọ đến năm kia thôn vẫn chưa có kinh phí. Nếu trông chờ vào chính quyền thôn xã thì biết đến bao giờ. May có anh Vừa hàng xóm tốt bụng. 

Anh Tủa đang buộc những lồng chim vào thành một chùm xong anh ra góc nhà chất mấy nải chuối, những bó rau dớn xanh, bịch ớt đỏ chỉ thiên, mớ cà tím, mớ dưa leo vào chiếc thùng gỗ trên chiếc xe máy Trung Quốc cũ kỹ anh mua lại của người ta làm phương tiện đi lại trong vùng cao Hà Giang này. Toàn là những thứ nhà trồng, trừ món rau dớn mọc hoang dại trên những triền đá và khe suối anh Tủa chịu khó đi thu hái về. 

Anh khéo tay lắm, chặt tre đan những lồng chim thật đẹp mỗi tuần mang ra chợ bán cùng với các thứ rau củ. Lòng anh vui vui vì mỗi buổi chợ anh sẽ kiếm thêm tí tiền mua gạo mua muối. 
……………………

Buổi chiều Súa và Mỷ đã địu về nhà một đống lá cây lá cỏ. 
Trời sắp tối rồi, mặt trời đã rơi xuống núi. Chiều nay trời bỗng nhiều mây xám âm u khác thường. Trong nhà thiếu ánh sáng vì không có cửa sổ, trần nhà kèo cột đều đen bồ hóng vì nhiều năm đun bếp trong nhà càng làm cho nhà tối tăm hơn. 

Súa bật ngọn đèn năng lượng mặt trời treo giữa nhà, ánh sáng tờ mờ nhưng có còn hơn không. Một chốc đã thấy những con mối bay quanh ánh đèn, nó biết cơn giông to sẽ đến và lo lắng không biết bố có kịp hết hàng trở về nhà trước khi trời mưa gió không? 

Súa trèo lên chiếc thang đã cũ, chiếc thang này bố nó đã đóng từ khi nó chưa sinh ra nhưng vẫn chắc chắn vì làm bằng gỗ soan. Nhìn đống ngô chất gọn gàng trên gác sát mái nhà Súa yên chí mừng thầm nhà đã kịp thu hoạch trước những cơn mưa, nếu không thì chỉ vài cơn mưa thất thường những quả ngô già trên nương sẽ ẩm ướt nước mưa và bị mốc bị mọc mầm mất thôi. Có nghĩa là ba bố con sẽ bị đói. 

Hai chị em Súa và Mỷ đứa 9 tuổi đứa 7 tuổi mà khôn ngoan đảm đang như người lớn. Trẻ con H’mong không có tuổi thơ, chúng vất vả ngay từ khi còn địu trên lưng cha lưng mẹ. 
Hai chị em bắt đầu thái lá cây cho bò. Con chị ngồi bên đống lá to kềnh, nó nhanh chóng sắp xếp thành một bó nhỏ vừa đủ cho vào giữa bàn và lưỡi dao, con Mỷ đứng ở đầu kia cầm cần dao chỉ đợi chị nó lùa bó lá vào là nó ấn phập cần dao sắc bén xuống cắt lìa bó lá kia ra thành đoạn ngắn. Nhưng con Mỷ nhỏ tuổi sức yếu, mỗi khi chị nó đút bó lá vào giữa bàn dao thì nó phải nhảy tưng lên lấy sức người đè xuống cán dao mới cắt được, mỗi lần Mỷ nhảy tưng lên cái váy H’mông của nó cũng tưng lên, rung rinh lắc qua lắc lại nhịp nhàng như một điệu múa tuyệt vời. 

Cuối cùng thì hai chị em cũng cắt xong mớ lá cây lá cỏ, con Súa hốt mang ra đổ vào cái máng treo bên chuồng bò. Chuồng bò bố nó đã rải tro để sát trùng, con bò sẽ mạnh khỏe ăn no chóng lớn và đẻ con. Đó là niềm ước mơ lớn lao của cả ba bố con. 
Mẹ của Súa Mỷ đã bỏ nhà đi 5 năm rồi, khi ấy Súa lên 4 và Mỷ 2 tuổi. 
Những ngày đầu thiếu mẹ hai chị em nhếch nhác vì bố vắng nhà bận làm nương, làm vườn và chúng khóc vì đói cơm khi bố chưa kịp cho ăn. 
Một tấm hình cưới của bố mẹ được bố cẩn thận bọc một lớp ni lông treo trên vách. Hai chị em Súa- Mỷ nhìn hình và nhớ mặt mẹ. 

Chúng nghe bố nói mẹ bỏ sang Trung Quốc và lấy chồng bên ấy, mẹ đã đẻ hai thằng con trai. Súa và Mỷ đều mong mẹ về cùng hai đứa em trai là chúng sẽ vui lắm. 

***

Chợ đã tan tầm nhưng anh Tủa chưa về được, hãy còn lại vài nải chuối, mấy bó rau, quả cà… anh muốn bán nốt cho nhẹ chuyến về, kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy . 
Anh dắt chiếc xe đến một góc phố chợ nơi có cửa hàng tạp hóa vẫn còn người đang mua bán, họ sẽ để ý đến hàng của anh. Lần nào cũng thế, đây là trạm chót để anh bán nốt những rau quả. 
Anh Tủa lúi cúi cân bán được nải chuối cho một khách hàng xong khi ngẩng lên thật bất ngờ thấy một chị khách đang chờ. Anh Tủa bàng hoàng và vui mừng đến luống cuống: 
- Em…em…ôi em…đã về.. 

Đó là May vợ anh, 5 năm rồi anh mới gặp lại, nàng vẫn xinh đẹp, đầu chít khăn màu tím pha sắc hồng, lọn tóc dài thả lửng lơ sau tấm khăn. Nàng mặc chiếc áo cánh trắng và váy màu xanh chàm. Nàng hỏi: 
- Hai đứa Súa và Mỷ khỏe không? 
- Hai chị em nó biết cắt cỏ cho bò ăn rồi… 

Anh vui mừng khôn xiết, vội hớn hở khoe: 
- Nhà mình mới có bò của anh Vừa cho nuôi rẽ, em về nhà đi, rồi chúng ta sẽ có một con bò, hai con bò, ba con bò…. anh sẽ nuôi ong lấy mật, chẳng mấy chốc mà chúng ta thoát cảnh đói nghèo… 
Nàng nhếch môi cười nửa đùa nửa thật: 
- Thế thì tôi chúc mừng cho anh.. 
Anh Tủa say sưa tiếp giấc mộng: 
- Rồi anh sẽ lên rừng đốn cây sa mộc về dựng căn nhà khác to hơn đẹp hơn, anh sẽ làm nương trồng lanh cho em dệt vải … 

Hình như nàng không muốn mất thì giờ nghe anh dài dòng. May ngắt lời anh: 
- Tôi về đây chỉ muốn hỏi thăm con Súa và Mỷ thôi. Tôi đã có hai con trai với người ta rồi, chồng tôi yêu tôi và yêu con lắm. Chúng tôi có cửa hàng buôn bán tấp nập ở ngay con phố sát biên giới Việt Trung này. 

Đôi mắt anh Tủa cụp xuống thất vọng. Anh từng cầu mong thằng chồng Trung Quốc kia đối xử tệ bạc ruồng rẫy May để nàng sẽ chán ngán quay về gia đình cũ, nhưng nàng khoe cuộc sống giàu có đang hạnh phúc bên chồng con làm anh bẽ bàng. Anh cố nói như van nài: 
- Bố con anh luôn chờ đợi em trở về, bất cứ lúc nào . Anh vẫn là người chồng tốt của em trước kia, không uống rượu say sưa như những đàn ông H’mông khác. 

May thẳng thừng: 
- Anh lấy vợ khác đi, tôi không bao giờ trở về dù anh thế nào. Tôi chán cuộc sống nghèo nàn trong căn nhà vách tre mưa ướt gió lùa nơi dãy núi hoang lạnh ấy lắm. 
Anh Tủa thật thà than thở: 
- Anh không có tiền cưới vợ, chắc anh sẽ sống một mình cả đời thôi. 
Nàng móc túi lấy ra một mớ tiền giấy đã cuộn lại gói ghém cẩn thận, chắc là món tiền này nàng đã dấu chồng dành dụm: 
- Anh mang về mua gạo cho con. Tôi phải về đây, 
Anh cầm món tiền và ngỡ ngàng: 
- Ít ra em cũng theo anh về nhà thăm hai con chứ?. Súa và Mỷ sẽ ngạc nhiên và mừng vui lắm. Chúng nó nhìn hình em trên vách và luôn hỏi về em . 

- Không thể được, hôm nay chồng tôi mang hai con về thăm bên nội, tôi lợi dụng thời cơ này vượt biên giới đến chợ gặp anh rồi phải về ngay kẻo không kịp khi chồng tôi trở về nhà. Biết anh vẫn ra chợ bán hàng và hai đứa Súa, Mỷ mạnh khỏe là đủ rồi. 

Nói xong nàng dứt khoát và tất tả quay bước đi. Anh Tủa ngẩn ngơ nhìn theo bóng dáng nàng, người phụ nữ từng làm vợ anh, đẻ cho anh hai đứa con. 
Anh chua xót, mới ngày nào nàng còn sống bên anh, hai vợ chồng cùng chung vất vả nhưng hạnh phúc biết bao. 

Khi con Súa còn bé hai vợ chồng thỉnh thoảng đi chơ phiên. Họ hào hứng đi bộ từ sáng sớm vượt mười mấy cây số từ nhà đến chợ, anh Tủa địu con, May đeo quẩy tẩu trên lưng, họ đi chợ phiên để mua mấy con dao mới, để ăn bát thắng cố hay bát phở, ăn gói xôi nếp thơm mùi lá cẩm hay ăn cái bánh rán nóng hổi vừa vớt ra trong chảo chưa kịp ráo dầu và để vui với cảnh chợ nhộn nhịp người, ồn ào tiếng cười nói. Khu hàng quần áo la liệt váy khăn đầy màu sắc, khu hàng bán lợn inh ỏi tiếng lợn kêu khi người ta nhấc bổng nó lên để xem và trả giá…Hai vợ chồng đều ước mơ có tiền mua một con lợn con, anh Tủa sẽ trồng củ dong, May sẽ cắt cỏ voi non về băm nhỏ cho lợn ăn no chóng lớn. 


Họ đã trải qua mùa đông giá lạnh sương mù che khuất nẻo đường đi, sương muối chĩu nặng trên lá cây, trên những ngọn cỏ gai nằm bẹp dí xuống mặt đất không thể ngóc đầu dậy trong sương muối phũ phàng ấy. 
Rồi mùa xuân về núi rừng thức dậy. Hoa lê hoa mơ hoa mận nở trắng xóa từng vách núi đầu non, màu hoa trắng tinh khôi trên những con đường quanh co về bản. 
Tháng ba hoa gạo nở đỏ góc trời, rực rỡ ở ven sông… 
Họ cuốc đất bón phân gieo hạt ngô chờ nẩy mầm 

Tháng tư hai vợ chồng cùng vun ngô bón phân lần nữa, tháng năm cây ngô ra quả. 
Chiều hè hai vợ chồng đi làm nương về chuẩn bị bữa cơm chiều nghe tiếng ve kêu râm ran vui tai bên cây đào trước sân nhà đang ra những quả xanh non đầy cành. 

Tháng bảy tháng tám là thời điểm thu ngô, mang ngô về hong trên gác bếp. 
Và rồi tháng 12 gió lạnh lại về, những bắp cải trồng sau nhà đang cuộn bắp, nhà sẽ có rau ăn và mang ra chợ bán những ngày đông. 
Mới được mấy mùa trồng hái, mấy mùa yêu, người vợ đã nỡ phụ bạc ra đi khi một lần nàng theo người trong thôn vượt biên giới sang Trung Quốc tìm viêc làm và ở lại cho đến bây giờ… 

Căn nhà mà người vợ chê trống trước hở sau đó với Tủa thật là ấm êm hạnh phúc nếu May không bỏ đi. Anh treo vài lồng chim trước cửa nhà, anh còn làm một cái rọ to sát bên mái hiên nhà làm tổ cho chim bồ câu để quanh nhà từng mùa lúc thì có tiếng chim hót, khi thì tiếng ve kêu và cánh chim bồ câu bay ra bay vào tổ như người ta đi đâu cũng sẽ về nhà của mình. 

Chim bồ câu vẫn bay về tổ nhưng vợ anh thì đi mãi không về nhà. 

Anh Tủa bán thêm được mấy mớ rau dớn thì trời đã tối từ lúc nào, anh giật mình nghe tiếng gió thổi rít qua đầu, chắc là trời sắp chuyển cơn giông, mưa sẽ to lắm, anh không thể bán hết chỗ còn lại rồi. Anh lo lắng mình không kịp về nhà, càng thêm lo lắng cho người vợ cũ của anh. Cơn giông tố đang ở hướng của anh đừng kéo sang phương hướng nàng đang về kẻo mưa gió đường xa tội nghiệp.. 

Trong thùng xe, bên cạnh mấy quả cà tím hẩm hiu lăn lóc, nải chuối vô duyên ế ẩm còn có bịch muối, chai dầu ăn, miếng thịt lợn nửa ký và mấy miếng đậu hũ trắng anh đã mua lúc nãy, chốc về nhà cha con sẽ có một bữa ăn ngon, thịt lợn bản xào măng và đậu hũ luộc . 
Anh kiểm lại các món hàng và yên lòng quay đầu xe về nhà sau khi đã cẩn thận đeo lên đầu chiếc đèn soi đi vào lúc tối trời. 
Người H’mong nào cũng có cái đèn soi này để làm việc trong nhà (nếu nhà không có điện thắp sáng) và khi đi ra ngoài lúc trời tối, người đi tới đâu ngọn đèn trước trán soi sáng tới đó. 

Chiếc xe máy phóng nhanh rời khu phố chợ càng lúc càng đi vào những khúc đường quanh co tăm tối dẫn về thôn làng, phía trước mặt và sau lưng anh Tủa là bóng tối, hai bên đường cũng là bóng tối, dù anh đã quen đường rồi anh vẫn căng mắt lái xe cẩn thận kẻo lạc tay lái ngã xuống vực bên dưới là thung lũng, là đá núi lởm chởm.. 

Tiếng gió rít vù vù bên tai, anh không nhìn thấy gì trên bầu trời tối đen nhưng đoán là những đám mây đang vần vũ nổi cơn thịnh nộ. Không gian bỗng đầy hơi lạnh. 

Vùng rẻo cao ngày nóng đêm lạnh là thường nhưng lạnh đây là lạnh của bão giông đang kéo đến, lạnh của lòng anh Tủa khi vừa gặp lại người vợ cũ anh rất thương yêu và biết chắc rằng anh có chờ đợi cũng hoài công vô ích vì nàng chẳng hề hối hận hay muốn trở về cùng bố con anh. 

Nguyễn Thị Thanh Dương. 
(August, 25, 2020) 

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Buồn Thu -Thơ Phong Tâm - Nhạc Kiều Minh - Hòa Âm: Nguyễn Văn Thơ


Thơ: Phong Tâm 
Nhạc: Kiều Minh 
Hòa Âm: Nguyễn Văn Thơ 
Ca  Sĩ: Nguyên Trường 
Thực hiện: Yên Dạ Thảo

Lá Thắm Đưa Duyên


Ai ở trên dòng ai cuối sông
Tình ai trên chiếc lá trôi bồng
Lênh đênh lai láng tình theo sóng
Gởi nước dùm trao mối duyên nồng
 
Ai vớt tình ai nhé hỡi ai
Đưa duyên lá thắm đến từng ngày
Ai ơi có thấu tình ai đó
Chờ đợi ai kia phút sum vầy


Quên Đi


Thấy Thu Trong Cả Bốn Mùa



Đâu chỉ heo may cuốn lá vàng
Mới là dấu hiệu của thu sang ...
Mùa nào chẳng có thu bàng bạc
Hiu hắt sầu thu gợn nhẹ nhàng 

Ngay giữa xuân hồng đã có thu:
Thu buồn vời vợi mắt chinh phu 
Thu gieo thương nhớ vào quan tái
Như giục như khơi mộng hải hồ ...

Hạ trắng ngập tràn nước mắt ngâu
Mầm thu trong nắng đã phô mầu
Tiếng ve nức nở vang theo gió
Nhắc nhở tình thu sắp biển dâu ...

Đông sang đầy rẫy xót cùng thương!
Quan san cách trở vạn cung đường
Sầu ai thê thiết,ai lưu luyến?
Sen ngó lìa cành tơ vấn vương ....

Lạc Thủy  Đỗ Quý Bái

Tiếng Đàn Thu Muộn


Cảm ơn nhạc khúc cuộc đời
Cảm ơn người đã chuyển lời gấm hoa
Sống vui từng phút chan hòa
Quên đi quá khứ khiến ta ngậm buồn

Tiếng đàn thấm đượm hoàng hôn
Con tim nức nở bồn chồn nhớ ai
Đàn buông từng tiếng thở dài
Làm quên nắng rũ chân đồi cuối thôn

Lá vàng phủ xác bên sông
Nước đi, đi mãi ngùi trông non chờ
Xuân em khuất bóng ngẩn ngơ
Nửa chừng đứt gánh chẳng ngờ cho nhau

Mùa xưa hồng cốm trầu cau
Mục đồng nghé ngọ rước trâu trở về
Cánh diều thả gió bờ đê
Những đàn cò trắng bay về đầu non

Đàn rung nhạc khúc vuông tròn
Tiếng thương tiếng nhớ héo hon chữ tình
Người đi về phía bình minh
Ta còn ở lại vẽ hình đơn côi...

Locphuc

Lá Thu - Tháng Mười Ơi

Lá Thu

Tháng mười rõ dáng thu yêu
Đậu trên cánh lá diễm kiều thanh tao
Ngõ hồn dợn sóng lao xao
Niềm vui trở lại ngọt ngào bao lâu?
Bâng khuâng khoảnh khắc theo sau
Ba tháng em lại úa màu chia ly
Cuốn theo dòng chảy đến, đi
Vô thường có biết là gì....hởi thu?
Khi rực rỡ lúc âm u
Bình tâm thanh thản nhàn du bước trần!

Anh Tú
September 29, 2020
Chia cho đời chút lạnh tàn phai!

***
Bài Cảm Tác: Tháng Mười Ơi


Chiều Thu vội vã đi vào ngõ tối
Để mùa Đông bối rối đến bên hè
Em lúc đi xa chắc lòng phơi phới
Khi nắng tháng Mười bóng rợp mây che.

Tháng Mười ơi hoa xưa rơi đầy áo
Tự nhủ lòng người ấy quá xa xôi
Trời đọa ai khiến tôi đầy mộng ảo
Cho đôi tay làm dấu thánh chia phôi !

Tháng Mười nào chúng mình còn vui vẻ
Chào mùa Đông mát mẻ phút tần ngần
Để bây giờ hai ta thành xa lạ
Nhìn hoa nở cuối mùa, nhớ cố nhân.

Tháng Mười nay quay về sao buồn quá
Hàng cây ngẩn ngơ ủ rủ sương chiều
Có một người bơ vơ bên quán lá
Nhớ một người tim chai đá rong rêu!..

Dương hồng Thủy
04/10/2020

Đêm Chờ Đợi - Thu Đợi Chờ


 

Đêm Chờ Đợi

Sớm mai thức dậy lòng đã buồn
Vì sao cứ mãi nghĩ đến luôn
Bao nhiêu vương vấn mang vào nhốt
Thầm kín trong tim đọng giọt buồn

Từ dạo biết buồn biết khổ đau
Tơ lòng chôn chặt nỗi khát khao
Nén tiếng yêu một thời áo trắng
Cánh phượng ngày xưa đã nhạt màu

Hạ chuyển sang mùa mang đắng cay
Nhìn từng chiếc lá nhẹ bay bay
Thu bao nhiêu lá là bao nhớ
Ép nhớ vào tim giả hững hờ

Đợi lúc đêm về có ai hay
Gọi khẽ tên người mi nặng cay
Thở dài khép lại tình ngang trái
Trải một đêm dài...đợi đến mai

Kim Phượng
***
Cảm Tác:


Thu Đợi Chờ

Thu bao nhiêu lá là bao nhớ
Ép nhớ vào tim giả hững hờ*

Chẳng dám nhìn ai, giả bộ kiêu
Nhưng lá Thu rơi ép đã nhiều
Giữa trang nhật ký thời đi học
Tình sầu giấu kín tráí tim yêu

Nhạt nhòa giấu lệ nhớ thương ai
Bén gót sau ta dọc phố dài
Những buổi tan trường Đông-Xuân-Hạ
E thẹn mở lời mây trắng bay

Thương nhớ người xưa mộng vỡ tan
Ra đi mang trọn mảnh hồn hoang
Để lại cho ta từ độ ấy
Nuối tiếc tình duyên bị lỡ làng

Từng đêm tưởng tượng bóng ai về
Vòng tay tròn mộng giấc si mê
Tả tơi lá rụng hồn khuê phụ
Chờ đợi bao Thu dạ não nề.

ChinhNguyên/H.N.T. Sept.11.20

* Thơ Kim Phượng

Mymosa


May mà một tuần sau ngày bãi trường My mới bị bệnh. Không biết con bé ăn phải món gì hay lây ở đâu mà bị thương hàn, người ngợm chỉ còn da bọc xương. Mái tóc chấm vai óng mượt ngày nào bây giờ le hoe, xơ xác. Nhìn vào gương con bé còn không nhận ra mình! Mẹ cứ vuốt đầu con gái mà xót xa. Điều khổ nhất là My thèm ăn đủ thứ, nhưng chỉ được húp cháo hoặc nước súp. Mẹ nói ăn cơm vào là thủng ruột tức thì. Ba cũng kể, ngày xưa cô Út của My năm lên bảy bị thương hàn. Lúc khỏi bệnh, bà nội vì dốt, cứ ép cô Út ăn cơm, vài hôm sau cô chết vì bị thủng ruột. Ông nội khóc quá chừng, dòng họ đã hiếm con gái, mà cô Út lại đẹp nhất trong số tám người con. My nghe xong, sợ chết nên ráng húp cháo (đôi khi còn chan thêm nước mắt mới là thảm sầu!). 

Còn cả tháng nữa mới tựu trường nên ba mẹ bàn nhau cho My lên Đà Lạt dưỡng bệnh. Dì Hai của My theo chồng lên trên ấy cả chục năm nay. Dượng Hai là công chức đổi lên làm việc ở Tòa Thị Trưởng. Mẹ sẽ dẫn My lên Đà Lạt, ở chơi với dì ít hôm rồi về. My ở lại độ ba tuần để hưởng không khí trong lành, mát mẻ của xứ hoa đào. 
Vì là lần đầu đi trên con đường này nên mọi thứ đều rất mới mẻ lạ lùng đối với My. Hai hòn đá chồng ở Định Quán khiến con bé hơi rét, thầm nghĩ “nó” mà rớt xuống thì mấy cái nhà phía dưới chắc sẽ dẹp lép như cái bánh tráng! Những đồi trà ngút ngàn, thẳng tắp chạy vào tận chân núi xa xa, thấp thoáng từng đoàn phụ nữ mang giỏ hái trà, toàn bộ đẹp như một bức tranh thủy mạc. 

Xe đò ngừng tại Bảo Lộc cho hành khách dùng cơm trưa. Mẹ kêu một đĩa cơm sườn nướng thơm phức. Phần My thì mẹ đã chuẩn bị sẵn một hộp cơm nhão gần như cháo đặc ăn với ruốc! Thấy bộ mặt ỉu xìu của con gái, mẹ an ủi ráng kiêng cữ thêm ít hôm nữa sẽ được ăn uống bình thường. Xe qua khỏi Di Linh là không khí thay đổi hẳn. My cảm thấy mát mẻ khỏe khoắn hẳn ra và xe cũng bắt đầu lên dốc, có những chỗ con đường ngoằn nghoèo như ruột gà. Càng lên cao, thông hai bên đường càng nhiều, không khí thơm ngát mùi nhựa thông. My không dám nhìn ra cửa sổ, vì xe chạy trên cao, một bên là vực thẳm, sâu hun hút phía dưới. Mỗi lần hai chiếc xe ngược chiều qua mặt nhau là con bé thấy thót cả ruột vì sợ! 
Ba đã đánh điện báo trước nên dì sáu ra tận bến xe đón. My thấy càng ngày dì càng đẫy đà. Tuy ngoài bốn mươi mà da mặt dì không một nếp nhăn, trắng mịn rất đẹp. Mẹ thua dì hai tuổi, nhưng cái nắng gay gắt của Sài Gòn khiến mẹ trông già hơn dì chút xíu. 

Nhà dì Hai là một căn biệt thự xinh xắn nằm gần cuối đường Phan Đình Phùng. Không phải nhờ số lương công chức của dượng hai, mà chính nhờ cửa tiệm bán phụ tùng và sửa xe gắn máy của dì mới có tiền mua căn biệt thự này. Dì vốn có tay buôn bán nên khách hàng rất đông. Qua khỏi cánh cửa sắt ngoài cổng là một khoảng sân trồng rất nhiều hoa. Trong góc vườn, sát hàng rào có một cây khá cao, nở từng chùm hoa vàng rực rỡ, sau này My mới biết tên là Mimosa. Trong những ngày còn ở Đà Lạt, chị Trúc đèo My đi chơi trên những con đường dẫn vào những làng mạc xa xa, nơi có vườn trồng nhiều trái cây như mận, dâu. Những công rẫy trồng đủ thứ rau đã làm nên danh tiếng "Rau Đà Lạt" lẫy lừng. Dọc hai bên đường, My thấy nhiều ơi là nhiều những đóa hoa màu vàng. Những đóa hoa này vừa giống hoa cúc lại từa tựa hoa quỳ. Thân cây cao khỏi đầu người cho hoa chi chít, làm nên hai hàng rào thiên nhiên rực rỡ vàng. My cũng hỏi chị Thanh Trúc, chị bảo đó là Dã Quỳ. Chao ơi, cái tên thật là đẹp và hoa cũng thật là đẹp. Từ đó bỗng nhiên My đâm ra yêu nhất hoa Dã quỳ. Tại My thấy loài hoa này có chút gì đó hoang dại chứ không kiêu sa như hồng, như lan, cũng không "tiểu thư" cổ điển như những loại cúc thường. 

Dì dượng có ba người con. Chị Thanh Mai lớn nhất đã lập gia đình và theo chồng xuống Nha Trang. Anh Minh học trường Trần Hưng Đạo. Anh vừa đậu Tú tài hai, khóa tới đây sẽ xuống Sài Gòn học Kỹ Sư Phú Thọ. Chị Thanh Trúc sẽ lên lớp Đệ nhị trường trung học Bùi Thị Xuân. Hai năm rồi My không gặp anh chị, từ sau đám cưới chị của My, con bé nghĩ chắc họ thay đổi nhiều lắm. Quả thật, nghe tiếng chó sủa, một thanh niên cao lớn từ trong nhà chạy ra. Anh chàng cười thật tươi, lên tiếng chào dì Ba, rồi quay qua My, nheo mắt: 
- My còn nhớ anh Minh không? Ủa, sao ốm nhom vầy nè! 
Con bé chỉ biết cười bẽn lẽn, mẹ phải lên tiếng: 
- Em nó bị thương hàn cả tháng nay nên dì mới đem nó lên đây dưỡng bệnh đó cháu. 
- Vậy mà cháu có biết gì đâu. Bảo đảm ở đây một thời gian là bé My sẽ mập mạp trở lại. Để cháu xách valy cho dì. 


Phòng khách nhà dì Hai rộng, chưng bày trang nhã. Phòng ăn có chiếc bàn dài với tám chiếc ghế. Bàn ghế bằng gỗ cẩm lai chạm trổ tinh xảo. Nhà có bốn phòng ngủ. Chị người làm ngủ ở căn phòng nhỏ cạnh nhà bếp. Phía sau vườn trồng rau, cải. Có hai cây mận và một giàn su su. 
Dì cho biết Thanh Trúc phải ra tiệm thế dì bữa nay. Căn phòng dành cho mẹ con My nhìn ra bên hông nhà. Sát tường rào có mấy gốc hồng đang trổ hoa. Khóm màu vàng, khóm màu hồng nhạt, nhưng My thích nhất là cụm hồng màu đỏ san hô. Con bé vốn thích những màu tươi thắm. 
My mệt quá nên ngủ một giấc ngon lành cho tới khi mẹ đánh thức dậy ăn cơm tối. Dượng Hai vẫn vậy, nhưng chị Trúc thì thay đổi rất nhiều. Da mặt mịn màng, hai má hồng tự nhiên chớ không còn mụn đầy như hai năm trước. Chị cao hơn và mái tóc cũng dài hơn xưa. Dưới mắt của con bé My mười ba tuổi thì chị Trúc rất đẹp. Thấy My từ trong phòng đi ra, Thanh Trúc chạy lại nắm tay, ngắm con bé từ trên xuống dưới rồi kêu lên: 
- Trời đất, nghe nói em bị bệnh, không ngờ lại ốm nhom ốm nhách như vầy. Không sao, dì Ba cứ để em My lại đây, cháu bảo đảm vài tuần nữa là My sẽ thành... bé bự Michelin cho dì coi. Khí hậu trên này tốt lắm. 

Chiều nay My được ăn cháo gà. Trời lành lạnh, sau một giấc ngủ không mộng mị, My đói bụng nên ăn thật ngon lành. Mẹ vui lắm. Chị em lâu ngày mới gặp nên chuyện trò như bắp rang. Ăn xong Thanh Trúc kéo My vô phòng. Con bé choáng ngợp trước những màu xanh trong phòng cô chị. Rèm cửa màu xanh lơ, khăn trải giường, áo gối màu xanh hồ thủy, thậm chí cái mền bằng len cũng xanh rêu luôn. Trước cặp mắt tò mò của cô em họ, Thanh Trúc cười: 
- Tên chị có nghĩa là cây trúc xanh đó nhỏ. Vì vậy chị thích màu xanh lắm. 
Sau này My còn biết lúc nhỏ, chị Trúc hay bị tụi nam sinh chọc ghẹo: 
Trúc xinh Trúc mọc đầu đình. 
Em xinh ... 
Những câu sau cứ bị “cải biên” nham nhở nên đôi khi Thanh Trúc tức đến phát khóc! Tên của người ta hay như vậy mà bị đem làm trò cười! 
Mẹ chỉ ở chơi có ba hôm là phải trở về Sài Gòn. Sợ ba ở nhà ăn uống thất thường, sợ anh Trung không ai nhắc nhở sẽ theo bạn bè đi chơi mút mùa. Mẹ lo, lo, lo... như tất cả những người vợ, người mẹ Việt Nam khác. Dì Hai thở dài, chẳng mấy khi em có dịp lên chơi mà không ở lâu lâu một chút! Chả là dì lấy chồng sớm nên chị em xa nhau cũng sớm! 

Ba tuần ở Đà Lạt là thời gian đẹp nhất của My. Con bé được anh Minh và chị Trúc dẫn đi chơi khắp nơi và chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm. Thác Prenn hùng vĩ, Hồ Than Thở êm đềm, thơ mộng. Chuyện tình bi thảm của hai nấm mộ nơi đây khiến trái tim non nớt của My bồi hồi cả buổi. Chị Trúc dẫn My đi ăn mì Quảng và chè đậu ván bên hông chợ Đà Lạt. Những thứ này ở Sài gòn con bé chưa bao giờ được ăn nên thấy ngon miệng lạ lùng. Mì Quảng không giống chút xíu nào với những thứ mì mà My đã được ăn như mì hoành thánh, mì vịt tiềm... Nghe chị Trúc nói loại mì này là món đặc sản của vùng Quảng Nam. Mà thật vậy, nhìn tô mì Quảng được người chạy bàn đặt xuống trước mặt, My không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy trong tô mì, ngoài những sợi mì dẹp dẹp, còn được tô điểm vài con tôm nho nhỏ cùng vài lát thịt heo. Ngoài ra còn có rau húng lủi, rau quế, hoa chuối thái mỏng, sà lách, vài lát ớt xanh, bánh tráng mè nướng, và đậu phụng rang giã nhỏ. Nước chỉ chan chút xíu chứ không nhiều như những loại mì thông thường. Nhưng mà ngon lạ lùng. Trước khi về Sài Gòn, My còn xin chị Trúc cho trở lại ăn lần nữa cho đã thèm. Rau cải ở xứ này thì tươi ngồn ngộn mà lại rẻ rề. Hoa thì vô số. Muôn màu muôn vẻ. Nhớ cái hôm My hỏi tên những chùm hoa vàng trước sân nhà, chị Trúc nói là hoa Mimosa, rồi chị reo lên: 
- À, Mimosa có chữ Mi. Từ đây chị sẽ gọi My là Mimosa...hay quá! Vậy là bỗng dưng My có cái biệt danh Mimosa. Con bé nghĩ thầm, về lại Saigòn, kể cho đám bạn nghe, có khối đứa ganh tị với My vì cái biệt danh diễm lệ này cho coi. 

Chị Trúc dẫn My lên trường của chị cho biết. Trường Bùi Thị Xuân có hai dãy lầu đối diện nhau, cách một khoảng sân rộng. Nữ sinh ở đây nổi tiếng là đẹp. Đứng ở cổng trường nhìn thẳng qua rặng núi LangBian bốn mùa mây phủ đẹp mơ màng. Mỗi ngày chị Trúc phải leo lên con dốc, ngang qua ngôi Chùa Linh Sơn cổ kính để đến trường. Có lẽ nhờ leo đồi xuống dốc hàng ngày mà các cô gái Đà lạt cô nào cũng ngực nở eo thon, thân hình lý tưởng. Cũng chẳng cần thoa kem kiếc lôi thôi, cô nào cô nấy làn da cứ trắng mịn như nhung, đôi má hồng tự nhiên không khác những cánh hoa anh đào, năm nào cũng nở rộ dọc theo hai bên bờ hồ Xuân Hương mỗi độ Xuân về. 
Anh Minh có người yêu tên Thục Anh. Cô nàng học lớp seconde bên Lycée Yersin. Thục Anh cắt tóc tém, mặc đầm. Chị chạy chiếc xe đạp mini màu trắng mỗi lần tới chơi. Chị nói chuyện liếng thoắng, cười luôn miệng, đôi khi lại xổ tiếng tây với anh Minh. My có cảm tình với Thục Anh, nhưng dì Hai thì chê con nhỏ "đầm" quá. Dì thích con gái phải dịu dàng hơn. Thanh Trúc nói nhỏ với My là mẹ sợ sau này khi lấy nhau, Thục Anh sẽ “ăn hiếp” anh Minh! Nhưng anh Minh yêu Thục Anh lắm. Anh đã từng cầm đàn guitard gẩy từng tưng và ca ông ổng: Đời tôi chỉ yêu có một người...và Thục Anh ngó bộ rất cảm động. Nhưng anh Minh còn phải học bốn năm nữa mới ra trường. Ở đời chuyện gì cũng có thể xảy ra. Một mối tình học trò biết có bền vững với thời gian? Người ta nói xa mặt cách lòng, huống hồ Sài Gòn hoa lệ lại dập dìu tài tử giai nhân... 

Anh Tuấn là bạn trai của chị Thanh Trúc. Anh học Chính Trị Kinh Doanh bên Viện Đại Học Đà Lạt. Anh hơn chị Trúc ba tuổi, bố anh là đồng nghiệp của dượng Hai. Anh Tuấn đẹp trai, dáng người thanh nhã nhưng ít nói. Thường thường chỉ nhìn chị Trúc nói rồi cười. Tuần lễ đầu My không gặp Tuấn vì anh đi Nha Trang thăm ông bà nội. Anh Tuấn về đem biếu nhà dì sáu bao nhiêu là quà, nào tôm, nào cua, cá biển. Nhưng My thích nhứt món mực khô. Buổi tối nướng lên rồi đập cho tơi ra, mấy anh em ngồi nơi bộ ghế mây đằng sau vườn, vừa ăn mực nướng chấm tương ớt vừa nói chuyện quên thôi. Có hôm anh Minh kể cho My nghe chuyện con ma ở căn biệt thự màu trắng nằm trên đồi nhìn xuống hồ Xuân Hương, làm con bé không dám ngủ một mình, phải xách gối qua xin tị nạn bên phòng chị Thanh Trúc. Hôm sau dì Hai rầy anh Minh lớn đầu rồi mà còn bày đặt hù con nít! Buổi tối anh Tuấn đến chơi, My hỏi chuyện đó có thật không, anh cười bảo là anh cũng chỉ nghe nói chớ chưa được diện kiến con ma nên không thể trả lời là có hay không! 


Hít thở không khí trong lành, ăn rồi đi chơi, đêm nào cũng ngủ một giấc quên cả trời đất, nên chỉ hai tuần sau là mặt mày con bé đã thấy phinh phính. Mái tóc cũng óng ả hơn. Thanh Trúc nói đùa chỉ còn một tuần lễ để “vỗ béo” bé My. Phải làm sao cho dì dượng Ba không nhận ra con gái mình nữa mới là tài. Sáng nào Thanh Trúc cũng ép My ăn một khúc bánh mì trét bơ có phết một lớp mứt dâu, cộng thêm một ly sữa nóng. Con bé vỗ cái bụng căng phồng kêu lên chị Trúc ơi, em ú nu, sắp thành con heo rồi đây nè! Chị Trúc cười, My tuổi Hợi, không thành con heo vậy muốn thành con chuột hả. My dẫy nẩy nói không không, em chúa là sợ chuột! 
Chúa Nhật, ăn trưa xong, chị Trúc rủ My ra nhà sách Hòa Bình mua báo. Hai chị em từ trong tiệm đi ra chợt thấy anh Tuấn cùng với một người con gái rất đẹp mặc đầm, cũng từ trong tiệm phở Đắc Tín đi ra. Cô gái quàng tay anh Tuấn có vẻ thân mật. Họ nói chuyện với nhau rất vui vẻ, lên xe Vespa của anh Tuấn phóng đi, không nhìn thấy chị em My. Mặt chị Trúc sa sầm như bị phủ một áng mây đen. Thay vì mua báo xong hai chị em sẽ đi ăn kem, nhưng chị Trúc kêu nhức đầu muốn về. My biết tỏng cái nguyên nhân của bệnh nhức đầu bất thình lình này nên cũng yên lặng đi theo chị. Về nhà chị Trúc không nói không rằng đi thẳng vô phòng. My biết chị đang giận anh Tuấn nên cũng không dám nói năng gì, đi về phòng dở báo Tuổi Xanh ra đọc. Buổi chiều chị Trúc ăn có nửa chén cơm rồi lại vào phòng, mặt buồn rười rượi. Dì hỏi chị có bệnh không thì chị lắc đầu. My biết lý do nhưng đời nào dám xì ra cho mọi người hay. 

Khoảng bảy rưỡi anh Tuấn đến chơi. Nghe tiếng xe Vespa của anh, chị Trúc vội vàng qua phòng nhờ My ra nói với anh Tuấn là chị nhức đầu, không tiếp anh được. Nghe chị Trúc bị nhức đầu, anh Tuấn có vẻ lo lắm, hỏi My lung tung. Con bé thấy tội, tự hỏi không biết có nên nói thật với anh hay không? Sau cùng thấy anh lo lắng, dùng dằng không muốn về, My đành nói mí mí là hồi trưa hai chị em đứng bên nhà sách Hòa Bình thấy anh từ trong tiệm phở Đắc Tín đi ra... Anh Tuấn ngẩn người ra ít phút, như chợt hiểu anh kêu lên: 
- Chết anh rồi! Có phải hai người thấy anh đi với một cô gái? 
My gật đầu. Anh Tuấn vò đầu bứt tai: 
- Oan cho anh quá. Cô đó là con ông chú anh vừa mới ở Sài Gòn lên chơi. Thúy Hương muốn anh chở đi ăn phở. Anh đâu có ngờ hai em đứng bên tiệm sách! Tối nay anh định tới rủ hai em ngày mai đi chơi với anh và Thúy Hương. Tụi mình sẽ đi picnic ở Thung lũng Tình Yêu. Thiệt tình!... Suy nghĩ một hồi anh nói: bây giờ My làm ơn vô nói rõ chuyện này với chị Trúc giùm anh được không? Chắc chị sẽ hết giận anh. 

My gật đầu, nói anh chờ chút rồi đi vào phòng chị Trúc ráp bo y chang những gì đã nghe và không quên tả oán thêm rằng anh Tuấn buồn lắm, mặt ỉu xìu như cái bánh tráng bị nhúng nước! Thanh Trúc nghe xong có vẻ dịu xuống một chút, nhưng bỗng xí lên một tiếng, nói My trở ra hỏi tại sao anh Tuấn không “thông báo” với chị chuyện cô em họ của anh lên chơi, để chị “bắt gặp” rồi mới nói? Như vậy là anh... gian! 
Anh Tuấn nghe xong thì kêu trời, nói chính anh cũng không biết, Thúy Hương theo chú anh đi công tác trên này có năm ngày mà thôi. Anh định ngày mai sẽ giới thiệu hai người với nhau, không ngờ... nói xong anh thở dài, gãi đầu gãi tai... My nói anh đợi rồi lại chạy trở vô phòng cô chị năn nỉ giùm. Lần này Thanh Trúc mới chịu ra gặp người yêu. Tuấn mừng quá chạy lại nắm tay nhưng Trúc giựt tay lại, chu mỏ cật vấn: 
- Anh em họ mà sao hai người khoác tay nhau thân mật quá vậy? giống như là...là... 
- Tại Thúy Hương học trường tây nên tự nhiên như vậy đó. Em có muốn anh thề... 
- Thôi lần này em tha cho anh. Vừa nói Thanh Trúc vừa háy người yêu, cặp mắt có đuôi... 
My thở phào nhẹ nhỏm. Vậy là trời quang mây tạnh, cuộc đời trở lại màu hồng! 


Trước ngày về lại Sàigòn My buồn quá. Ba tuần ở Đà Lạt qua nhanh như một giấc mơ. Nhưng giấc mơ dù có đẹp đến đâu thì cũng phải thức giấc. My sẽ về lại Saigòn với anh Minh. Chị Mai Khanh của My đi lấy chồng nên phòng của chị bỏ trống từ hai năm nay. Anh Minh sẽ ở nhà My để đi học. Dì Hai và Thanh Trúc mua không biết cơ man nào là đồ cho My đem về Saigòn. Rượu dâu, mứt dâu, khoai lang mật phơi khô (món này My có thể “gặm” quanh năm không hề chán!). Một gói khô nai to tướng cho ba My nữa chứ. Anh Tuấn tặng My một tấm bản gỗ để bàn hình bầu dục. Chính giữa khắc chữ MYMOSA (thay vì Mimosa với i ngắn) thật bay bướm. Góc trên khắc chùm hoa mimosa vàng rực rỡ, góc dưới khắc hình một chú nai vàng ngơ ngác. Anh Tuấn thật đáng yêu! Chị Thục Anh, dù đang buồn thúi ruột vì sẽ phải xa anh Minh, cũng đi mua tặng bé My một chiếc gùi con con thật xinh xắn do đồng bào Thượng đan. My an ủi chị bằng cách hứa sẽ chăm sóc thật tốt cho anh Minh. Chị Thục Anh ghé tai My nói nhỏ "cần nhất là My canh chừng, không cho anh Minh quen thân với cô nào nhé." My gật đầu nheo mắt với chị ra cái điều em hiểu tâm sự của chị rồi. 

... Sáng sớm hôm đó, sương mù còn giăng đầy trên những rặng thông xanh, la đà trên mặt hồ Xuân Hương như mây như khói, cả nhà đã đưa anh Minh và My ra bến xe. Chị Thục Anh cũng đạp xe ra tiễn anh Minh. Dì Hai căn dặn con trai đủ thứ. Minh cười, ôm mẹ hôn chụt vào má, nói: 
- Má làm như con xuất ngoại không bằng. Đà Lạt – Sàigòn đi có mấy tiếng đồng hồ thôi mà! Con ở với dì Ba có gì mà má lo dữ vậy. Thục Anh đang cười con kìa. 
Tại anh Minh muốn chọc chị Thục Anh, chớ My thấy cặp mắt chị đang long lanh, giống như những giọt nước mắt đang chực trào ra. Có lẽ vì vậy mà miệng chị cười méo xẹo! Trái tim nhỏ bé của My mà cũng còn thổn thức trước cảnh chia ly này, huống hồ... 
Xe chạy đi rồi mà bên tai My vẫn còn văng vẳng tiếng chị Thanh Trúc: tạm biệt Mimosa. Đừng quên chị nha. Mimosa... Mimosa.... 

Tiểu Thu