Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Khúc Tình Lơi - Thơ PhamPhanLang - Nhạc Mai Hoài Thu - Ca sĩ Vân Khánh


Thơ: PhamPhanLang
Nhạc: Mai Hoài Thu
Ca sĩ:  Vân Khánh

Tất Niên Năm Cũ (Lớp 10 A Tại Trường Kỹ Thuật Nông Thôn Vĩnh Long - Năm 1974)

Học trò năm cũ tôi ơi
Rưng rưng ngấn lệ tiếng lời vô ngôn*
Bây giờ các bạn lớn khôn
Mỗi người mỗi ngã hoàng hôn tuổi già
Ngày xưa tất niên la cà 
Cơ may đươc gặp mượn trà mời nhau
Nhân đây xin gởi lời chào 
Ước mơ trở lại thuở nào năm xưa

Từ trái: ( - ), ( - ), Huỳnh Phương Trạch ( áo trắng), Nguyễn Quang Trung, Lý Chí Thiện, Nguyễn Hồng Nhân, Võ Văn Mỹ, ( - ), ( - )

Thơ & Ảnh: Huỳnh Phương Trạch
*Lời thơ của cô Kim Phượng

Em Về Áo Tím!


Em về áo tím lịm chiều
Líu lo những tiếng chim reo đón mừng
Tình tôi gọi nắng về hong
Cho em chân bước thong dong lối về
Em về áo tím cơn mê
Tình tôi hoa cúc bên hè ngóng trông
Tay em mười ngón bao dung
Giữ mùa thu thả đôi dòng lá rơi
Em về áo tím bồi hồi
Giấc mơ phiêu lãng thơ tôi mơ màng
Dòng sông gió mát thênh thang
Nghiêng qua vòm mắt thiên đàng hồ thu
Em về áo tím mộng mơ
Ru dài giọt nắng lửng lờ chiêm bao
Những lời hẹn ước trăng sao
Bỗng nghiêng cánh gió lạc vào tim em
Em về áo tím êm đềm
Câu thơ tôi vẽ hoa trên nụ cười
Tình xin trú trọ bờ môi
Em về áo tím một đời nhớ thương

Trầm Vân (Họa)

Tuổi Học Trò


Tuổi học trò muôn thuở vẫn mộng mơ
Là cánh phượng nâng niu ép vào vở
Tóc thề, áo trắng, mực tím dệt vần thơ
Từng nắn nón chép đầy vào lưu bút

Chuyện thương nhớ không tên đà có lúc
Để con tim tìm giây phút thoảng  bay
Thần tượng hoá Ai rồi  thầm ước một ngày
Nhìn tạng mặt một lần cho ... thỏa mộng

Tuổi học trò có những ngày tan học
Tán gẫu, ăn hàng,  đùa nghịch chọc người
Khóc chuyện vu vơ chợt nghỉ lại tức cười
Đường đến trường thoáng mong cây si chờ đợi

Tuổi học trò đẹp như trang vở mới
Không phiền lo, vô tư đến ... ngu ngơ
Tưởng tương lai đẹp như chuyện tình cờ
Có hoàng tử chờ với lâu đài tình ái

Nhưng đường đời mấy khi có hoa thảm trải
Bước gập ghềnh giờ chai sạn gót chân
Bao phong trần mới nghiệm được dần dần
Hẳn bạn đã biết “Tuổi học trò “ đẹp nhứt

Trúc Lan KTP 
07/20

Xin Viết Cho Người (2)


Xướng:

Xin Viết Cho Người (2)

Xin Viết Cho Ngườ ikhúc biệt ly
Viết  thay lời nói buổi phân kỳ
Cho tình thắm mãi câu chung thủy
Người mãi xa rồi một chuyến đi...

Xin Viết Cho Người đã liệt oanh
Viết câu từ biệt nói sao đành?
Cho thêm héo hắt sầu cô quạnh
Người ngủ say nồng nấm mộ xanh...

Xin Viết Cho Người một khúc ca
Viết xin dâng tặng một cành hoa
Cho vơi bớt nỗi hồn băng giá
Người mãi nằm yên dưới nguyệt tà...

Xin Viết Cho Ngườitrọn ý thơ
Viết bằng tất cả trọn niềm mơ
Cho ai nằm xuống ru tình lỡ
Người cũ trăm năm vẫn đợi chờ...

Xin Viết Cho Người khúc nhạc ru
Viết lời đưa tiễn cõi thiên thu
Cho tình vẫn đẹp ngày vân vũ
Người hãy yên lòng...giấc mộng du...!!!

Bạc Liêu/6/3/2020
Hồng Vân
***
Họa Vận: 

Xin Viết Cho Người

Xin  người hát lại khúc từ ly
Viết bản tình ca nhớ định kỳ
Cho cố nhân tròn câu toại ý
Người qua vạn lý cũng còn đi

Xin  người quý mến giọng Hoàng Oanh
Viết giã từ ai thế cũng đành
Cho héo lá gan buồn quạnh quẽ
Người về chốn cũ nấm mồ xanh

Xin  người chép nốt một bài ca
Viết cả buồng tim một đóa hoa
Cho kẻ cô đơn hồn giá buốt
Người thương yên nghỉ bóng trăng tà

Xin  người viết lại một bài thơ
Viết trọn niềm vui với ước mơ
Cho kẻ tình si luôn quyến luyến
Người yêu trong mộng vẫn mong chờ

Xin  người tặng nhạc khúc êm ru
Viết tiễn chân ai gió lạnh thu
Cho dẫu ngày mai tình vẫn đẹp
Người yên tâm nhé bước phiêu du...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 13/09/2020 

Hùng Ca Sử Việt Phần 2 - Ngô Vương Quyền


Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
----oOo---
Mục Lục

1 - Lời Mở Đầu
2 - Ngô Vương Quyền
3 - Chiến tranh Lý - Tống
   - Lý Thường Kiệt
   - Tôn Đản
4 - Bài ĐọcThêm
   - Dương Thái Hậu (Dương Vân Nga?)
   - Tìm hiểu nghi vấn Ngoạ Triều của Vua Lê Long Đỉnh
   - Vương Phi Ỷ Lan

***
Lời Mở Đầu

Trong Hùng Ca Sử Việt Phần Một từ thời Huyền Sử Một Mẹ Trăm Con cho đến Bố Cái Đại Vương
tức từ năm 2879 trước Công Nguyên(Tây Lịch) cho đến năm 935 sau Công Nguyên là khoảng thời gian dựng nước:
- Năm 2879 trước Công Nguyên – 258 trước Công Nguyên là thời đại Họ Hồng Bàng.
- Từ năm 258 trước Công Nguyên – 111 trước Công Nguyên: triều đại Nhà Thục và Nhà Triệu tuy còn thuộc về huyền sử, nhưng đã hình thành guồng máy quân chủ.
-Từ năm 111 trước Công Nguyên – 43 sau Công Nguyên là thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ Nhất trong khoảng thời gian này có những cuộc nổi lên khởi nghĩa. Đáng kể nhất là cuộc khởi Nghĩa của Hai Bà Trưng.
- Từ năm 43 – 602: Bắc Thuộc lần thứ Hai. Có các cuộc khõi nghĩa thành công như Bà Triện, Lý Bôn
(Lý Bí), Triệu Quang Phục, Hậu Lý Nam Đế.
- Từ 602 - 939 bắt đầu chính sử của nước ta cũng bắt đầu thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ Ba. Với những
cuộc nổi dậy của dân tộc ta đứng lên đánh đuổi giặc xâm lăng phương Bắc nhưng chưa thể giữ được
nền độc lập lâu bền. Như Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương, Khúc Thừa Dụ, Dương Diên Nghệ. Đến
Ngô Quyền, nước ta mới thoát khỏi ách đô hộ lâu dài của Phương Bắc.
Sang Hùng Ca Sử Việt Phần Hai trở đi, khởi sự từ triều đại Nhà Ngô, nước Ta thực sự độc lập hoàn
toàn, các triều đại tiếp nối theo như Lý, Lê, Trần...thay nhau bảo vệ và mở rộng đất nước.
Tiền Nhân đã đổ biết bao là xương máu mới có được dãy giang sơn gấm vóc để lại cho chúng ta như
hôm nay.

*** 
Ngô Vương Quyền


Theo truyền thuyết kể rằng, vào năm Mậu Ngọ(898), nơi Gia đình của Châu Mục họ Ngô, vốn là dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm, vừa sinh một quý tử. Lúc mới sinh, nơi lưng hài nhi có ba nốt ruồi son. Các thầy tướng số cho là đặc biệt, chắc chắn sau này cậu bé sẽ làm chúa một phương. Nghe thế, Vợ chồng Ngô Mân đặt tên là Ngô Quyền. 
Từ thuở nhỏ đã được luyện tập cung, kiếm, võ nghệ tinh thông, đèn sách văn thơ đều tỏ ra thông minh, tiếng tăm lẫy lừng khắp nơi. Càng lớn, Ngô Quyền càng khôi ngô tuấn tú, dáng đi tuy khoan thai nhưng vẫn lộ nét oai dũng tựa như rồng như cọp. Sức khoẻ khó ai bì, có thể cử nổi ngàn cân. Được nuôi dưỡng trong gia đình võ nghệ, lại thêm thông minh hơn người, nên Ngô Quyền có được tài kiêm văn võ, trí lực vẹn toàn. 

Năm 920, Ngô Quyền đi theo Dương Diên Nghệ, một tướng của họ Khúc ở đất Ái Châu (Thanh Hóa). Dương Diên Nghệ là anh hùng dân tộc từng có công đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm được thành Đại 
La năm 931, thúc đẩy bước tiến của cuộc chiến giải thoát dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Dương Diên Nghệ lên cầm quyền, tự xưng Tiết độ sứ. Yêu mến tài năng cũng như tấm lòng yêu nước thương dân của Ngô Quyền, Dương Diên Nghệ nhận làm con nuôi và gả con gái là Dương Thị Như Ngọc, đồng thời giao cho ông coi giữ vùng đất Ái Châu – Thanh Hóa. 
Trong suốt 7 năm nơi đất Ái Châu, Ngô Quyền đem tài trí của mình, mang đến yên vui no ấm cho dân trong đất Ái. 

Năm 937, Dương Diên Nghệ bị Kiều Công Tiễn, một thuộc tướng và là hào trưởng đất Phong Châu 
giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Hành động phản trắc của Kiều Công Tiễn đã gây nên một làn sóng 
căm phẫn trong lòng người dân, khắp nơi lòng người đều oán ghét. Ngô Quyền vô cùng căm giận, liền bí mật kéo quân từ Ái Châu ra đóng ở vùng Hải Phòng chiêu một thêm binh lực, lập đại bản danh ở vùng Lương Sâm, ra công bố trí thành lũy luyện tập binh sĩ chờ ngày ra quân diệt trừ quân phản trắc. 
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Kiều Công Tiễn đã bí mật cho người đem vàng bạc châu báu sang đút lót 
vua Nam Hán xin cứu viện. 
Cuối năm Mậu Tuất (938), thấy khí thế của ba quân dâng cao, cùng lòng mong đợi của muôn dân, 
trước nguy cơ thù trong giặc ngoài, Ngô Quyền cùng người em vợ là Dương Tam Kha đem 5 vạn quân đi đánh Kiều Công Tiễn ở Giao Châu. 
Trời đang tiết mưa dầm gió bấc. Đoàn quân Ngô Quyền, người người lớp lớp vượt đèo Ba Dội tiến ra 
bắc. Quân xâm lược còn đang ngấp nghé ngoài bờ cõi thì đầu tên phản bội Kiều Công Tiễn đã bị bêu 
ở ngoài cửa thành Đại La (Hà Nội). Mối hoạ bên trong đã được trừ khử. 
Vua Nam Hán lúc đó là Lưu Yểm muốn nhân cơ hội này sang cướp nước ta, bèn sai con trai là Vạn 
Vương Lưu Hoằng Tháo chuẩn bị binh lực sang xâm lược nước ta và phong sẵn chức cho con là Giao Vương. 
Cuối năm 938, Hoằng Tháo thống lĩnh đội thủy quân gồm 20 vạn quân và hàng ngàn chiến thuyền theo bờ biển vùng đông bắc ồ ạt tiến vào nước ta. Còn Lưu Yểm mang quân đóng giữ Hải Môn (thuộc tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc) để sẵn sàng tiếp ứng cho Hoằng Tháo. 
Hoạ trong đã giải quyết xong, trước cảnh đất nước sắp bị quân thù xâm lấn, nhân dân đã bao đời bị thống trị, lầm than cực khổ. Ngô Quyền luôn luôn suy tính để tìm cách đánh đuổi bọn xâm lược cứu 
nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than. Ông tập trung lực lượng khắp nơi về để chống giặc xâm lăng. Anh hùng khắp nơi kéo về phục vụ dưới cờ của Ngô Quyền.


Trai tráng các làng Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Đằng Châu (Kim Động, Hải Hưng), người mang vũ khí, kẻ mang chiến thuyền, tìm đến cửa quân xin diệt giặc. Ba anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý 
Khả ở Hoàng Pha (Hoàng Động, Thủy Nguyên), ông tổ họ Phạm ở Đằng Giang (An Hải, Hải Phòng) 
cũng chiêu mộ dân binh, hăng hái tham gia chiến đấu. 38 chàng trai làng Gia Viễn (Hải Phòng) do 
Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận dẫn đầu, đã tự vũ trang, xin theo Ngô Quyền phá giặc. 
Sau khi ổn định quân tình, Ngô Quyền họp các tướng tá, bàn rằng: 
- "Chiến thuyền của Quân Nam Hán sẽ theo cửa sông Bạch đằng tiến vào, Hoằng Tháo là một đứa trẻ 
dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có 
người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được! 
Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng trước thì chuyện được thua cũng chưa thể biết được! 
Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của chúng 
nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hay hơn kế ấy cả". 

Chư tướng đều phục kế sách ấy là tuyệt vời. Chiến trường được ông chọn là cửa Sông Bạch Đằng. Ngô Quyền kéo quân về vùng ven biển Đông Bắc chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. 
Theo truyền thuyết dân gian, các làng thuộc xã Nam Hải, Đằng Hải đều nói rõ từ Bình Kiều, Hạ Đoạn tới Lương Khê (thuộc An Hải, Hải Phòng) là khu vực đóng quân của Ngô Quyền. Hơn 30 đền miếu thờ Ngô Quyền và các tướng phá giặc Nam Hán đã được phát hiện, đều phân bố tập trung ở vùng hạ lưu sông Bạch Đằng. Đồn trại của Ngô Quyền đóng tại các thôn Lương Xâm (An Hải, Hải Phòng), Gia Viên (nội thành Hải Phòng) 
Sông Bạch Đằng rộng hơn hai dặm (hơn 900 m), ở đó có núi cao ngất, nhiều nhánh sông đổ lại, sóng 
cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến, là cửa ngõ phía đông bắc và là đường giao thông quan trọng từ Biển vào nội địa Việt Nam. Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ vùng đồng bằng đổ ra biển. Từ cửa biển ngược lên gần 50 dậm (khoảng 20km) là đến cửa sông Chanh. Phía hữu ngạn có dãy núi vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch và thung lũng hiểm trở. 
Hạ lưu sông Bạch Đằng thấp, độ dốc không cao nên chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạnh. Lúc triều dâng, nước trải đôi bờ đến vài cây số. Lòng sông đã rộng, lại sâu, từ 8m-18m. Triều lên xuống vào độ nước cường, nước rút đến hơn 30cm trong một giờ, ào ào xuôi ra biển, mực nước chênh lệch khi cao nhất và thấp nhất khoảng 2,5 - 3,2m. 
Lợi dụng sự chênh lệch nhiều của mực nước thuỷ triều, Ngô Quyền gấp rút bày một thế trận hết sức 
mưu trí, lợi hại để chủ động phá giặc.Ông huy động quân dân vào rừng đốn cây, vót nhọn, bịt sắt rồi 
cho đóng xuống lòng sông thành hàng dài tạo thành một bãi cọc, một bãi chướng ngại dày đặc nơi lòng sông. Khi triều lên mênh mông, thì cả bãi cọc ngập chìm, khi triều xuống thì hàng cọc nhô lên cản trở thuyền qua lại. Bãi cọc tăng thêm phần hiểm trở cho địa hình thiên nhiên. 

Theo kế hoạch, Ngô Quyền giao Nguyễn Tất Tố, vốn giỏi bơi lặn và quen thuộc sông nước,chuẩn bị 
200 chiến thuyền nhẹ tới chỗ giặc đóng quân để khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy, nhử chiến thuyền của giặc, vượt qua bãi cọc vào cạm bẫy bên trong, lọt vào trận địa mai phục để phản công. Dương Tam 
Kha chỉ huy đạo quân bên tả ngạn, Ngô Xương Ngập và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đạo quân bên hữu ngạn, mai phục ở hai bên bờ sông để cùng phối hợp với thủy binh đánh tạt ngang vào đội hình quân địch và sẵn sàng tiêu diệt số quân địch trốn chạy lên bờ. Ngược lên phía thượng lưu là một đạo thủy quân mạnh phục sẵn làm nhiệm vụ chặn đầu, chờ khi nước xuống sẽ xuôi dòng đánh vỗ mặt đội binh thuyền của 
địch. 
Tháng 10 năm đó (938). Đúng như tiên liệu, cả một đoàn binh thuyền lớn của giặc vừa vượt biển tiến 
vào, lợi dụng nước thủy triều dâng lên, lại có gió mùa đông bắc, đoàn chiến thuyền của giặc do chủ 
soái Hoàng Thao chỉ huy ồ ạt tiến vào sông Bạch Đằng, gặp đoàn thuyền chiến nhẹ của ta ra khiêu 
chiến, đoàn thuyền giặc đốc thúc đuổi theo. Chờ cho nước thủy triều rút, Ngô Quyền hạ lệnh phản công từ các mũi. Bị đánh bất ngờ quân giặc vô cùng kinh hoàng hạ lệnh cho quân quay mũi thuyền định tháo 
chạy, vừa lúc thủy triều rút, thuyền giặc càng lao nhanh càng đâm vào mũi cọc. Thuyền bị tan vỡ, toàn 
bộ quân sĩ của giặc phần thì bị giết, phần thì bị chìm, xác chật cả một khúc song, máu loang đỏ dòng 
nước. Tên tướng giặc Lưu Hoằng Tháo bị giết trong đám loạn quân. Âm mưu xâm lược của Nam Hán 
bị đại bại. 
Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra nhanh, gọn, đến mức độ vua Nam Hán đang đóng quân ở sát biên giới 
mà không sao kịp tiếp ứng. Nghe tin quá bất ngờ và kinh hoàng, chúa Nam Hán chỉ biết thương khóc 
con, rồi gom quân quay về nước, không còn dám mơ mộng xâm chiếm nước ta. Y hèn hạ đổ tội cho 
Trước Tác Tá Lang Hầu Dung "làm cho khí thế quân binh không phấn chấn lên được". Lúc này Dung 
đã chết, Vua Nam Hán còn sai quật mả, phơi thây Dung để trả thù! 
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc. Đất nước không còn bóng dáng quân xâm lược, Ngô Quyền bắt tay xây dựng quốc gia. 
Ngài xưng vương, bãi bỏ chức Tiết độ sứ, định đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). 
Tại kinh đô Cổ Loa, Ngô Vương bước đầu tổ chức một triều chính độc lập: "đặt trăm quan, chế định 
triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của đế vương". 
Bà vợ họ Dương, con gái Dương Đình Nghệ, được lập làm hoàng hậu. Triều đình của Ngô Vương tuy 
còn đơn sơ, nhưng được xây dựng theo thể chế của một vương triều hoàn toàn độc lập. 
Các tướng sĩ có công trong cuộc chiến tranh chống Nam Hán đều được phong tước, cấp thái ấp như 
Phạm Lệnh Công được phong đất ở miền Nam Sách Giang (Nam Sách, Hải Dương). Ông đặt ra chức 
quan văn, võ, nghi lễ trong triều. 
Nhưng đáng tiếc thời gian tại ngôi của ông thật ngắn ngủi, chỉ được 6 năm (939-944). Ông mất ngày 
18 tháng Giêng năm Giáp Thìn, thọ 47 tuổi. 
Sự kiện Ngô Quyền xưng Vương lập ra nhà Ngô đã đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ đô hộ của phong 
kiến phương Bắc, đập tan tham vọng chiếm lĩnh nước Nam của chúng, đưa nước ta vào một thời kỳ 
mới - thời kỳ độc lập lâu dài, bứt ra khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Lịch sử đã ghi nhận: Ngô Quyền là 
vị vua đã khai tử thời đại Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm (từ năm 111 TCN đến năm 938, trừ ba năm 
40-42 nước ta được độc lập dưới triều Trưng Vương). Ông là người có công tái tạo, đã khai sinh ra thời 
đại tự chủ của dân tộc Việt với các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hồ - Hậu Trần - Hậu Lê - 
Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn...


Về chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, các nhà sử học Việt Nam thời trung đại như Lê 
Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đề cao và ca ngợi công trạng của Ngô Quyền. 
Lê Văn Hưu nhận định về ông rằng : 
"Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương bắc không dám sang nữa. Có thể nói là một cơn 
giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi 
niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được". 
Ngô Sĩ Liên ca tụng ông là mưu tài đánh giỏi, làm nên công dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua, đồng 
thời cho rằng cách thức cai trị của ông có quy mô của bậc đế vương. 
Nhà sử học Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII) đã nhận xét đúng vị trí và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng khi viết: "Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là căn bản sau này cho việc phục lại Quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy lẫm liệt để lại ấy." 
"Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy 
giờ mà thôi đâu” 
Phan Bội Châu và Trần Quốc Vượng đều tôn vinh ông là "Vua Tổ Phục Hưng Dân Tộc" 
- Đền Thờ và Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm Hà Nội: 
Đền được xây dựng bằng gạch, lợp ngói mũi hài, quay về hướng đông, có tường bao quanh. Qua tam 
quan, hai bên có tả mạc, hữu mạc, mỗi dãy nhà gồm năm gian nhỏ. Đại bái có hoành phi khắc bốn chữ "Tiền Vương bất vọng". Ngày nay tòa đại bái được dùng làm phòng trưng bày về thân thế, sự nghiệp 
của Ngô Quyền và nhà triển lãm chiến thắng Bạch Đằng. Hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ đinh (丁), 
có tượng Ngô Quyền, đã được tu tạo vào năm 1877. Lăng Ngô Quyền có mái che, cao 1,5 mét, bia đá được khắc thời Tự Đức, có ghi bốn chữ Hán "Tiền Ngô Vương lăng"

 
Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm

Năm 1953 - 1954, nhân dân địa phương phát hiện được những cọc gỗ gần cửa sông Chanh, cách sông
Bạch Đằng hơn 400 m, thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.Ngoài ra, còn phát
hiện những cọc tương tự ở cửa sông Kênh (đồng Vạn Muối), cửa sông Nam giáp sông Bạch Đằng, phía dưới sông Chanh...
- Sông Bạch Đằng có tên nôm là sông Rừng. Dân gian ở đây đã có câu ca dao:

Con ơi nhớ lấy lời cha
Gió to sóng cả động qua sông Rừng

Sông Rừng thường có sóng bạc đầu nên mới có tên gọi Bạch Đằng giang

Bối Cảnh Lịch Sử

I.— TIỀN NGÔ-VƯƠNG (939-965). Năm kỷ-hợi (939) Ngô Quyền 吳權xưng vương, đóng đô ở
Cổ-loa 古螺(thuộc huyện Đông-anh, tỉnh Phúc-yên). Ngô-vương đặt quan chức, chế triều-nghi, định
phục-sắc và chỉnh-đốn việc chính-trị trong nước, chí muốn dựng nghiệp lâu dài, nhưng chỉ làm vua
được có 6 năm, đến năm giáp-thìn (944) thì mất, thọ 47 tuổi.

2. DƯƠNG TAM KHA (945-950). Ngô-vương trước lấy con Dương diên Nghệ là Dương-thị lập làm vương-hậu; đến lúc mất, vương ủy-thác con là Ngô xương Ngập 吳昌岌cho Dương tam Kha 楊三哥 là em Dương-hậu 楊后. Dương tam Kha bèn cướp lấy quyền của cháu, tự xưng là Bình-vương 平王.
Ngô xương Ngập thấy biến, chạy trốn sang Nam-sách 南 册(thuộc Hải-dương) vào ẩn ở nhà Phạm
Lịnh-công 范令公ở Trà-hương 茶鄕(huyện Kim-thành). Tam Kha sai quân đi đuổi bắt. Phạm Lịnh
công đem vào dấu trong núi. Dương tam Kha bắt em Ngô xương Ngập là Ngô xương Văn 吳昌文nuôilàm con nuôi.
Năm canh-tuất (905) có dân ở tại thôn Thái-bình (thuộc Sơn-tây) làm loạn. Dương tam Kha sai Ngô
xương Văn cùngvới tướng là Dương cát Lợi 楊吉利và Đỗ cảnh Thạc 杜景碩đem quân đi đánh. Đi đến
Từ-liêm, Ngô xương Văn mưu với hai tướng đem quân trở về bắt Dương tam Kha.
Ngô xương Văn nghĩ tình cậu cháu không nỡ giết, chỉ giáng xuống làm Trương Dương-công 張楊公.

3. HẬU NGÔ-VƯƠNG (950-965). Ngô vương Văn bỏ Dương tam Kha đi rồi, xưng là Nam-tấn-vương
南 晉王và sai người đi đến làng Trà-hương rước anh là Ngô xương Ngập về cùng coi việc nước. Ngô xương Ngập về xưng là Thiên-sách-vương 天策王. Cả hai anh em làm vua, sử gọi là Hậu Ngô-vương.
Làm vua được ít lâu, Thiên-sách vương đã toan giữ lấy quyền một mình, nhưng đến năm Giáp Dần
(954) thì mất.
Thế-lực nhà Ngô bấy giờ mỗi ngày một kém, giặc-giã nổi lên khắp cả mọi nơi. Nam-tấn-vương phải thânchinh đi đánh dẹp. Khi đi đánh giặc ở hai thôn Thái-bình, không may bị tên bắn chết. Bấy giờ là
năm ất-sửu (965), Nam-tấn-vương làm vua được 15 năm.

II. THẬP-NHỊ SỨ-QUÂN (945-967). Từ khi Dương tam Kha tiếm-vị rồi, những người thổ-hào ở các
nơi như bọn Trần Lãm, Kiểu công Hãn v. v... đều xướng lên độc-lập, xưng là Sứ-quân 使君. Về sau
Nam-tấn-vương đã khôi-phục được nghiệp cũ, nhưng mà các sứ-quân vẫn không chịu về thần-phục.
Bởi vậy nhà vua cứ phải đi đánh dẹp mãi, mà không yên được. Đến khi Nam-tấn-vương bị giặc bắn
chết, thì con Thiên-sách-vương là Ngô xương Xí 吳昌熾lên nối nghiệp, nhưng thế nhà vua lúc ấy suy nhược lắm, không ai phục-tùng nữa. Ngô xương Xí về đóng giữ đất Bình-kiều. Tướng nhà Ngô là Đỗ
cảnh Thạc cũng giữ một chỗ xưng là Sứ-quân.
Lúc bấy giờ trong nước có cả thảy 12 Sứ-quân, gây ra cảnh nội loạn kéo dài đến hơn 20 năm.

Mười hai Sứ-quân là:

1. Ngô xương Xí 吳昌熾giữ Bình-kiều 平橋(nay là làng Bình-kiều, phủ Khoái-châu, Hưng-yên)
2. Đỗ cảnh Thạc 杜景碩giữ Đỗ-động-giang 杜洞江(thuộc huyện Thanh-oai)
3. Trần Lãm 陳覧, xưng là Trần Minh-công 陳明公giữ Bố-hải-khẩu 布海口(Kỳ-bố, tỉnh Thái-bình)
4. Kiểu công Hãn 矯公罕, xưng là Kiểu Tam-chế 矯三制giữ Phong-châu 峰州(huyện Bạch-hạc)
5. Nguyễn Khoan 阮寬, xưng là Nguyễn Thái-bình 阮太平giữ Tam-đái 三帶(phủ Vĩnh-tường)
6. Ngô nhật Khánh 呉日慶, xưng là Ngô Lãm-công 呉覽公giữ Đường-lâm 唐林(Phúc-thọ, Sơn-tây)
7. Lý Khuê 李奎, xưng là Lý Lang-công 李郞公giữ Siêu-loại 超類(Thuận-thành)
8. Nguyễn thủ Tiệp 阮守挾, xưng là Nguyễn Lịnh-công 阮令公giữ Tiên-du 仙逾(Bắc-ninh)
9. Lữ Đường 呂唐, xưng là Lữ Tá-công 呂佐公giữ Tế-giang 細江(Văn-giang, Bắc-ninh)
10. Nguyễn Siêu 阮超, xưng là Nguyễn Hữu-công 阮右公giữ Tây-phù-liệt 西扶烈(Thanh-trì, Hà-đông)
11. Kiểu Thuận 矯順, xưng là Kiểu Lịnh-công 矯令公giữ Hồi-hồ 回湖(Cẩm-khê, Sơn-tây)
12. Phạm bạch Hổ 範白虎, xưng là Phạm Phòng át 範防遏giữ Đằng-châu 滕洲(Hưng-yên)

Những Sứ-quân ấy cứ đánh lẫn nhau, làm cho dângian khổ-sở. Sau nhờ có ông Đinh bộ Lĩnh ở Hoa Lư đem quân đi đánh, mới dẹp xong cái loạn sứ-quân, đem giang-sơn lại làm một mối, và lập nên cơ
nghiệp nhà Đinh vậy.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn
 

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Tình Là Hư Không - Phạm Anh Dũng - Xuân Thanh


Nhạc Sĩ; Phạm Anh Dũng
Hoà Âm: Huỳnh Nhật Tân
Ca Sĩ: Xuân Thanh

Đà Nẵng Dị Thường

Nhắc lại năm nào thêm vấn vương!
Ghé thăm thắng cảnh tợ Thiên Đường
Đây chùa Non Nước ươm huyền diệu
Kia Ngũ Hành Sơn phủ dị thường
Núi Chúa uy nghi tăng vẻ đẹp .
Cầu Tình thắm đượm dậy yêu đương
Đèo Hải Vân đó sao hùng vĩ!
Đà Nẵng tuyệt vời! Ôi! Nhớ thương

Lâm Hoài Vũ

Sỏi Đá Khô Cằn Vẫn Có Đôi

  
(Ảnh: Hồ Công Tâm)


Anh hỏi: Bao giờ làm đám cưới?
Tuổi đời sang thất thập rồi nhe
Em cười nheo mắt - Còn le lưỡi
Ơ! Sớm mà anh, mới cuối hè

Anh nhíu trán, so vai... cự nự
Bắt đền nhe! Tóc muối rồi nè
Nửa đời chinh chiến vào sinh tử
Buông súng. Tù. Đời bỗng rách te

Xứ lạ, ba mươi năm... lặng lẽ
Đêm từng đêm lệ nuốt vào trong
Trời thương thưởng truyện nghìn đêm lẻ
Phù phép đưa hai đứa phải lòng

Đời người huyễn mộng trong hư ảo
Đất vốn vòng tròn, trời chuyển xoay
Được/Mất... hãy trao cho con Tạo
Bên nhau, duyên số tự an bài...

Anh nguyện yêu em làm chú rể
Lời cầu hôn thật nhất trong đời
Tình yêu không tuổi nên không trễ
Sỏi đá khô cằn vẫn có đôi

Kiều Mộng Hà
Sept 21-2019

Ao Thu Vớt Ngọc Nghiêng Thành


Bài Xướng:

Ao Thu Vớt Ngọc Nghiêng Thành

Ao thu vớt ngọc dỗ dành
Lá vàng khói áo thơm lành mộng em
Hồng trần trong giọt thơ mềm
Chung môi hứng giọt tình khen tiên bồng

Tình thu chung áo mưa bông
Cỏ non xanh bướm hoa đồng sương thơm
Ngọt ngào chăn gối da ôm
Bờ thương bến nhớ hoàng hôn sóng nào

Hồn thu hò hẹn chiêm bao
Ngây thơ nho nhỏ trầu cau đợi chờ
Lòng thu gió đói rừng mơ
Lửng lơ yêu dấu ỡm ờ dấu yêu

Hương thu vời vợi nâng niu
Ao bèo cá bóng nắng chiều giăng câu
Mặc đỏ đen mặc bể dâu
Lên bể cạn xuống đồng sâu quê nhà

Lửa thu sóng mắt tình ca
Ôm trăng nằm ngủ trên hoa dưới trần
Hồi sinh nẩy lộc đào xuân
Rong chơi chữ nghĩa chín tầng xanh mây ...

MD.09/04/11
LuânTâm
***
Bài Họa:

Vàng Thu


Vàng thu ai lượm để dành
Cho thơ rung động ngọt lành môi em
Gió đong đưa mái tóc mềm
Dáng duyên gót ngọc lời khen bềnh bồng

Mắt thu lấp lánh ngàn bông
Lắt lay hoa núi ngập đồng hương thơm
Tay ngà bỏng cháy vòng ôm
Môi hồng gợi nhớ nụ hôn thuở nào

Cảnh thu lãng mạn dường bao
Vườn xưa hò hẹn hàng cau đứng chờ
Bao giờ thì trọn ước mơ
Tình chung đã gửi theo bờ bến yêu

Đồi thu gió nhẹ hiu hiu
Nước trong cá lượn suối chiều vờn câu
Mênh mông ruộng lúa nương dâu
Tình quê đằm thắm ao sâu vườn nhà

Hồn thu trổi khúc hoan ca
Ánh trăng buông mảnh tình hoa nhập trần
Mênh mang thơ rộn lời xuân
Đôi tim chồng chất tầng tầng gió mây

Phương Hoa 
 Sep 19th 2020

Chuyện Tôi Lảm Nhảm

(Hình Ảnh: Trương Văn Phú)

Một trong thất tài tử thư của nước Tàu, có truyện Tây du ký của tác giả Ngô thừa Ân, nhân vật chính là ngài Tam Tạng sang Tây thiên thỉnh kinh Phật. thật ra là học và nghiên cứu chính gốc nơi phát xuất ba tạng kinh giáo Phật thừa. Đoạn đường quá vời vợi, vô vàn gian nan, núi cao rừng thẳm, chưa kể phải kinh qua sa mạc, Ngô tiên sinh đã nêu lên hành trang mà hành giả phải nhất thiết có trong hành trình, với tâm thức sẵn đủ rồi- Ngộ không- Ngộ năng và Ngộ tịnh. Trên đường hành cước, cũng vùa đi vừa hóa đạo bằng tâm từ ái, bi mẩn và theo truyền thuyết bài Bát nhã ba la mật đa tâm kinh cũng được trao truyền cho ngài Tam Tạng, giúp vượt qua sa mạc, mới có thể hoàn thành tâm nguyện lớn là đến Tây Thiên. Trong thời trên đường sang tây, các vị đồng đạo ở Tây Thiên mắc một nạn vấn.
- Người tỏ "ngộ" đạo làm sao biết.
Các vị bên ấy không ai trả lời được, mãi đến khi Tam Tạng sang ngài nói:
- Như uống nước nóng lạnh, tự biết.

Đầu khóa tụng "Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời…", Quán tự tại là đạo hiệu của bồ tát Quán thế Âm. Tôi lại không nghĩ vậy, theo kinh ngài thành đạo đã vô lượng vô biên kiếp nào rồi, và thường trú trong bát nhã ba la mật đa mới có thể đồng một sát na, mà thị hiện và ban bố vô số đại từ, đại bi cứu khổ cứu nạn cho vô số chúng sinh đang đau khổ đồng lúc niệm danh hiệu cầu xin ngài. Từ điểm này hành trình tôi phải đi là đi ngịch hành, bát nhã trong tâm bất chợt phát khởi, hiện hành, tồn tục, không từ một nguyên do nào, không dựa vào quá trình tu chứng đương trường nào, dường như không nhơn duyên nào có thể nương bịn làm cho bát nhã hiện khởi trong tâm thức mình, nhưng không có kinh sách, giới định cùng chuyên tâm hành tìm thì cũng không bao giờ có bát nhã được. Thành thử nhân sinh phải thường quán thâm nhập vào bản tánh tự tại của tâm thức, từ đó khởi phát tâm Bồ Tát
 " muốn truy tìm sao bắc đẩu phải ngó hướng nam tào vậy" bát nhã vô thường trong tôi đó mà.


Trong bao la thiên kinh vạn quyễn, rồi còn cũng không biết bao nhiêu là sớ giải, trong kinh khẳng định chỉ cần thông suốt tứ cú kệ, rồi giãng nói cho dù chỉ một người thì công đức vô lượng vô biên. Vậy tứ cú kệ là câu nào, nằm ở đâu trong cơ man kinh luận. Tìm rồi cơ may cũng thấy nhiều nhà đưa lên rồi luận giãi, đều đúng hết cho các câu tứ cú kệ, riêng tôi tìm gặp chuyện vầy.
Trong thời lâu xa, đức Phật còn là bồ tát, ngài ngụ trên cây cao, lẩm nhẩm hai câu mà không biết được toàn bộ bốn câu để giải nghi cho mình.

Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp

Chỉ biết được bấy nhiêu rồi tịch ngòi, lẩn quẩn mãi không xong, thấy quỷ vô thường đứng dưới gốc cây, ngài hỏi quỷ biết hai câu cuối không, quỷ nói biết sẽ đọc cho ngài với điều kiện khi đọc xong ngài phải cho quỷ ăn thịt, ngài đồng ý, quỷ đọc hai câu cuối "Đây có lẽ là con quỷ có văn hóa, văn minh, hợp đồng xong mới hành"

Sanh diệt diệt dỉ
Tịch diệt vi lạc


Từ trên cây ngài buông tay vào miêng quỷ. Tôi tâm đắc đoạn này mà không tiêu hóa được, thông thường gọi là sình bụng, ăn không tiêu ấy mà…Ăn cơm Phật gia không được thì ăn cơm chúng sanh, mà chúng sanh là Phật sẽ thành, nếu không những kinh đã thuyết, chúng đâu tự độ được, bản lai vẫn sáng có điều tự mình che cái sáng của mình, nhiệm vụ kinh sách là chỉ ra phương cách tháo gở, mỗi người mỗi cách, gở ra xong thì đồng kết quả,. Tôi xin mạn phép không dám lạm bàn quả vị, chỉ vì có vô biên quả vị, tức tạm trú rồi đi tiếp, vì quả vị tức phi quả vị vậy- Vô thường- Có câu chuyện này xin kể lại. Một đệ tử của vị thiền sư, sau những nhão nhề của kinh luận, bèn hỏi thầy mình như một nạn vấn
- Đệ tử nghe nói, Thế Tôn có một mật ngữ mà Ca Diếp không che dấu, kính mong thầy từ bi cứu hộ, rộng độ quần sinh, nói rõ là mật ngữ gì vậy.
Vị thầy từ tốn trả lời.
- Nếu con xem kinh mà không thông là mật ngữ của Thế Tôn, còn nếu con thông Suốt là Ca Diếp không che dấu.

Trương Văn Phú
* Hình Ảnh: Trương Văn Phú


Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Dựng Lại Cầu Tre ( Kỷ Niệm Ngày Giỗ Má 24/9)


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hạnh Phúc Nào!

     Mười sáu tuổi! Cái tuổi trăng tròn lẻ của thời con gái biết mộng mơ. Vậy mà, tôi vẫn còn chơi trò đánh bún, nhảy tràm với con nít cùng xóm, trong ba tháng nghỉ hè, mỗi khi trở về gia đình ở Giồng Ké. 

    Mười sáu tuổi! Cái tuổi trăng tròn lẻ của thời con gái còn cao tầm với. Vậy mà má tôi...đã rời xa gia đình, về làm dâu, bước vào cuộc sống mới, xa lạ.

                
    Cùng tuổi đời mười sáu, hai thế hệ, niềm vui, nụ cười, hạnh phúc hay hệ lụy đeo mang...làm sao đoán được, ở tuổi mười sáu trăng tròn lẻ này!? Má thành thân, do sự xếp đặt của gia đình. Má có đến mười đứa con, mỗi đứa cách nhau, hai hoặc ba tuổi. Nhưng chưa một lần nào, tôi nghe ba má to tiếng. Một gia đình tràn đầy hạnh phúc, biết khoan dung, chăm sóc và lo lắng cho nhau. Đến lúc sắp lìa đời, ba vẫn còn lo...“Ba mất rồi ai lo cho má con!”

    Còn tôi, được tự do chọn lựa người kết tóc trăm năm, nhưng có gì để nói!? Hoàn toàn ngược hẳn, so với cuộc đời của má. Nỗi đau này người! 

    Trong giây phút hai má con tôi, có dịp gần gũi nhau, nhưng đau đớn thay, gần để rồi vĩnh viễn chia xa. Những đêm trong bệnh viện, giấc ngủ chập chờn không yên, tôi phập phòng lo sợ, mỗi khi má trở mình trên chiếc giường nhỏ. Những đêm nghe má kể chuyện, qua hơi thở mệt nhọc, nhưng không giấu được sự rạng rỡ trên khuôn mặt, khi má nhắc về thời thơ ấu, đi học với thầy giáo Phụng, thời bước chân vào ngưỡng cửa nhà chồng. Má kể, như thể sợ không còn đủ thời gian để nhắc về những năm tháng đã qua. Má lập gia đình ở tuổi mười sáu và ba đã là chàng thanh niên, chững chạc, hai mươi sáu tuổi đời. 

    Ngày xa xưa ấy...
    Cô bé Thoại ở tuổi mười ba, nhà ngang chợ Rạch Bàng, xã Đức Mỹ. Theo thú vui của người dân quê, chiều chiều cô cùng các chị em cô cậu ra hóng mát trên chiếc cầu cây, trước nhà. Ghe thu lúa của cậu Sang đang bập bềnh trên sông, tình cờ trông thấy cô, cậu bảo với các người làm công… “con nhà ai đẹp quá, đợi lớn lên tìm người làm mai làm mối”. Bẳng đi vài năm, khi cậu Sang trông coi kho lúa tại chợ Rạch Bàng, cũng là lúc cô Thoại đến tuổi mười lăm trăng tròn. Và “ông mai ông mối” của ngày nào, phải lòng cô bé năm xưa, khi trông thấy cô trong phiên chợ. 

    Rời chợ Rạch Bàng, về đến nhà, cô Thoại thủ thỉ...“ Má ơi, hôm nay con đi chợ, có bà nào cứ theo con hoài”.
    - Con gái lớn rồi, có lẽ họ theo để ý con đó. Nhớ nghe con, con gái lớn rồi phải ăn mặc chỉnh tề, đi đứng nghiêm trang, nói năng lựa lời. Má cô nhẹ nhàng dạy bảo.
    Một lần, cô theo má đến nhà ông Bang biện Lê Như Thiết, ở ấp Phú Hữu, thuộc xã Giồng Ké, mua mía về trồng. Trong thời gian chờ đợi người nhà đốn mía, cô Thoại vào trốn nắng trong một căn chòi cất gần đó, và nhìn thấy một quyển sách tiếng Pháp. Tò mò, cô mở ra xem, đoán rằng... chủ cuốn sách là “người có học!”. Cô nào biết “người có học” đó chính là cậu Sang, con trai út của ông đại điền chủ Lê Như Thiết. Từng là học sinh trường Pháp, cậu quen với sự dạn dĩ, bặt thiệp và lịch sự. Trong những phiên chợ, trông thấy cô, cậu chỉ trộm nhìn, không buông lời chọc ghẹo, nhưng lại cho người bơi xuồng qua nhà cô, nhờ trao thư bày tỏ ý mình. Cô sợ quá, không dám nhận, giả vờ bắt thang hái trầu và đứng hoài trên cây thang. Người nhà của cậu đành chuyển thư đến má cô.

    Cậu Sang đã làm quen với gia đình, ghé qua thăm và gặp gỡ ba cô Thoại. Len lén nhìn đôi bên chuyện trò, cô “ưng bụng” lắm. Bởi, trước mặt ba cô, cậu nói năng lễ phép, đầy tự tin, không khúm núm như những chàng thanh niên khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình cậu đến dạm hỏi và không bao lâu, lễ cưới được long trọng cử hành với thuyền hoa đón cô về tổ ấm. Đôi trai tài gái sắc cùng hòa lòng với tiếng người nô nức hai bên bờ sông, với mùi quê hương, mùi yêu thương từ những cánh đồng bát ngát. 

    Cô dâu mới mười sáu, trong gia đình ông Bang biện, vườn đất bề bề, có kẻ hầu người hạ, nhưng cô luôn giữ cương thường đạo lý, theo lời dặn dò trước khi xuất giá. Ngoài ra, cậu Sang tâm lý lắm, sau lễ hỏi, cậu đã gửi cho cô một tập nhỏ, trong đó gợi ý cho người con gái, biết cách cư xử và gìn giữ hạnh phúc như thế nào, khi về nhà chồng.

    Cô Thoại và cậu Sang đó chính là má ba của tôi.

    Má về làm dâu, mọi việc đều để mắt tới, phụ người này, giúp người kia. Ai ai cũng mến yêu, từ ông bà nội, ngay cả người ăn kẻ ở trong nhà. 

    - Canh hôm nay hơi cứng. Lời của ông nội trong bữa cơm.
    - Dạ thưa tía, con đã hầm lâu lắm. Má trả lời.

    Ông chỉ cười, nói cứng có nghĩa là hơi mặn, rồi quay sang nói nhỏ với bà nội... “Con nó còn nhỏ, để rồi chỉ bảo thêm”. Chỉ câu nói dịu dàng ấy thôi, đã in sâu vào lòng má. Và đáp lại, má luôn kính trọng, thương yêu ông nội. Từng thang thuốc bắc của nội, do một tay má, ngồi canh lửa, sắc đúng liều lượng, không phó mặc cho người giúp việc.

    Với ba, dĩ nhiên, má được yêu thương hết mực. Mặc dù sống trong thôn ấp nhỏ, nhưng khi má sắp sửa sinh nở, ba lên tận tỉnh Vĩnh Bình, thuê nhà cho má ở tạm, đợi chờ ngày đứa con đầu lòng chào đời. Cuộc sống ngỡ mãi êm đềm như lòng người mong muốn. Nhưng khi ông bà nội qua đời và loạn lạc ngày một leo thang, ba má gạt lệ rời Phú Hữu, dọn lên xã Giồng Ké. Và mãi đến năm 1984, ba má sang Úc định cư. Úc là thiên đường so với ấp Phú Hữu, xã Giồng Ké, nhưng má vẫn an phận thủ thường, lo cho con cháu, thân nhân còn bên nhà và giúp cả những tá điền trung thành ngày xưa, bằng những số tiền hay quà cáp nho nhỏ.

(Di vật Ba tặng ngày cưới Má)
    
     Một ngày đã đến, má thanh thản vĩnh viễn ra đi!

    Má ra đi, để lại cho mỗi cô con gái, một món nữ trang làm kỷ vật. Trong sáu cô con gái, má cho tôi sợi dây chuyền. Đó là vật sính lễ trong ngày cưới của má. Sống trong vùng Việt minh, trải qua bao trận Tây ruồng bố, mất nhà cửa, ruộng vườn, có thể mất cả tính mạng. Nhưng tôi không hiểu, bằng cách nào, má còn giữ được sợi dây chuyền cho đến hôm nay. 

    Nâng niu sính lễ của má trong tay. Nhìn sâu thẳm vào, tôi thấy được bàn tay ba chọn lựa, bàn tay má giữ gìn, và cả trời hạnh phúc của ba má, từ thời ly loạn ở Phú Hữu, chật vật ở Giồng Ké, cho đến thiên đường Úc châu.

    Má cho tôi!? Một món quà hạnh phúc trao cho người có cuộc tình không trọn vẹn!?

    Sợi dây chuyền đang nằm trong lòng tay tôi. Ngấn lệ âm thầm rưng rưng, không cần che giấu. Còn có ai để mà che giấu!?
    Má ơi! Phải chăng má đã trao lại cho con... niềm hạnh phúc trọn vẹn của má và có phải ý má cầu mong con có hạnh phúc, hạnh phúc đó là...

“Đấu tranh với nghịch cảnh, và chinh phục chúng, là hạnh phúc lớn nhất của con người.”*

Kim Phượng
Ngày Giỗ Má - Thứ 18 
24.9.2020
* Lời của Samuel Johnson


Immigration Museum, Melbourne - Viện Bảo Tàng Di Dân. Melbourne, Úc Châu

(Hình Ảnh: Sưu tầm)

Viện Bảo Tàng Di Dân được thành lập từ năm 1998, tại số 400 Flinders St. ngay trung tâm thành phố Melbourne, Tiểu Bang Victoria, nên phương tiện công cộng di chuyển rất tiện lợi, nhất là cho du khách từ khắp nơi đến viếng thăm.

Nơi đây được trưng bày lịch sử của những sắc tộc di dân đến Úc nhập cư, nơi được tổ chức nhiều cuộc triển lãm khác nhau, cung cấp tài liệu các chương trình giáo dục. 
Ở tầng trệt là một quán cà phê nhỏ nhắn, chúng ta vừa giải lao, có thể ngắm hay mua những món quà lưu niệm. Ngoài ra còn có một phòng tham khảo để nghiên cứu thêm.
Hai tầng lầu trên, những di tích của những người di dân mang từ nước họ trên đường đi tìm tự do được trưng bày, cũng như trình chiếu lại những câu chuyện của lịch sử qua màn ảnh. 
Theo tài liêu cho biết, sân của Viện Bảo Tàng được sử dụng để tổ chức các lễ hội của các cộng đồng bao gồm âm nhạc, ẩm thực và văn hóa. Khu vườn Tribute, nơi tôn vinh những người nhập cư từ hơn 90 quốc gia khác nhau.

Khi bắt đầu thành lập, họ có thông báo, nếu những gia đình di dân nào muốn ghi tên, chi tiết cùng phương tiện nhập cư đến Úc. Họ sẽ khắc tên lên vách 150 đô. khắc dưới nền gạch 100 đô. Tôi đã ghi tên cho ba má tôi. Ngày 16 tháng 7 năm 1998, họ gửi thư xác nhận, nếu tôi không thay đổi ý định xem như họ tiến hành. Tôi muốn khắc tên ba má tôi xem như một cách tri ân công đức của đấng sinh thành, một mặt lưu giữ  về sau cho con cháu có thể tìm lại cội nguồn của mình. 


Sau khi được khánh thành, khoảng vài chục gia đình được khắc tên, nhìn dòng nước chảy êm đềm từ trên vách chảy xuống dọc theo tên khắc. Phía dưới như một dòng sông hai bên có hai lối đi. Nước nhẹ nhàng êm trôi lên tên khắc. Thật là tuyệt vời! Đưa gia đình đến đây, tôi nhìn gương mặt má tôi ánh lên niềm vui, mỉm cười sung sướng lắm.

Có những dịp anh em từ ngoại quốc sang Úc, tôi đưa anh chị, đến thăm. Ai nấy lăng xăng đi tìm tên ba má, trông thật hồn nhiên.

Những năm nước Úc thiếu nước, để giới hạn nước, trên vách tường không có nước chảy. Nhưng tên khắc phía dưới nền gạch con nước vẫn lung linh bóng cây, ánh mặt trời phản chiếu…Chỉ vài giờ dừng lại nơi này nhưng chúng ta có thể tìm được sự thanh thản tâm hồn, lắng lòng để ôn lại kỷ niệm ngày xưa, cảm như đang cận kề bên người thương yêu của mình. 

(Hình Ảnh: Hoàng Dan)

Hai năm trước, con trai tôi từ bên Anh về thăm nhà, cháu muốn cùng tôi đi viếng thăm Ông Bà. Lần đầu cháu đến còn nhỏ tuổi. Sau mấy mươi năm trở lại, tên khắc đã đầy cả vách, lẫn dưới nền gạch. Hai mẹ con tôi chia nhau hai lối đi tìm. Ngày xưa tên ngưòi Việt rất dễ nhận, nhưng giờ quá đông. 
Cháu nói: “ Mẹ ơi con tìm không ra Ngoại”. Tôi thầm khấn nguyện Ba Má:” Ba Má ơi, có linh thiêng, ba má cho Hoàng Đan thấy ba má nha ba má”. Vừa dứt lời khấn, cháu mừng rỡ: “Mẹ ơi, con thấy Ngoại rồi”. Tôi bồi hồi xúc động. Nhìn con trai hạnh phúc tràn đầy trên gương mặt, y hệt gương mặt  má tôi lần đầu tiên đến đây.


Ba má biết không, Khu vườn Tribute ngày nay cây cao che mát, có những băng ghế ngồi nghỉ ngơi, ăn trưa, chim hót líu lo, chim đáp xuống dòng nước trong mát tìm mồi thật nên thơ ba má ơi..Con và cháu ngoại của Má vừa ăn vừa nhắc chuyện ngày xưa.


Chắc ba má cũng còn nhớ, chính Viện Bảo Tàng này, đứa con trai Út của Ba Má đã vinh dự có hợp đồng vẽ tranh và triển lãm. Những bức tranh vẽ về cuộc hành trình của người Việt Nam vượt biển đi tìm tự do sau biến cố 1975. Tất cả đã được lưu giữ nơi đây.


Má ơi, hôm nay ngày Giỗ Má lần thứ 18, vì nạn dịch Covid19 hoành hành, anh em, con cháu chúng con không được tề tụ để nhắc chuyện xưa. Nơi đây tạm thời đóng cửa, con cũng không đến thăm ba má được. Nhưng trong lòng chúng con vẫn có ba má hiện hữu. Ánh mắt, nụ cười, hình dáng ba má đã khắc sâu trong tim chúng con, dòng nước mắt cũng nhẹ nhàng rơi nhớ Má.. nhớ Ba….
 
Một lịch sử sống mãi tồn tại trong Viện Bảo Tàng Di Dân này, trên đất nước Tự Do, Đa Văn Hóa này,  là nơi tuyệt vời nhất để khởi đầu!

Thương nhớ về Ba Má

Melbourne 24/9/2020 
Kim Oanh
(Hình ảnh: Hoàng Đan)

Mùa Thu Chín


Em theo gió nhẹ bước vào mùa Thu,
Mùa đã chín cho nhân gian tình tự,
Như máu về tim mùa Thu lá đỏ,
Quả tim em tình chín đỏ mấy mùa.

Lá cây làm dáng rủ bóng mặt hồ,
Như cô gái mặn mà soi nhan sắc,
Bờ đá, cỏ dại ven hồ say đắm,
Muốn nước hồ xanh, muốn lá đỏ hoài.

Chiếc cầu gỗ bắc qua hồ chơi vơi,
Chìm khuất trong chùm lá cây rực rỡ,
Lá rụng trên cầu, lá bay theo gió,
Quấn quýt chân người vừa bước qua đây.

Mùa Thu chín vàng u uẩn trời mây,
Màu vàng trên cây, màu vàng dưới đất,
Em một mình giữa con đường im vắng,
Nghe mùa Thu lá đổ ở xung quanh.

Em nghiêng vai cho mùa Thu mong manh,
Lá rơi xuống một câu thơ bất chợt,
Con đường dài màu lá vàng vô tận,
Em đi hoài chưa hết một bài thơ.

Mùa Thu trong vườn xào xạc lá khô,
Quả táo chín rụng rơi nằm trên lá,
Cắn miếng táo tươi da căng mọng đỏ,
Em nếm mùa Thu thơm ngọt lạ lùng.

Sáng mai những qủa táo chưa kịp buồn,
Mùa Thu rộng, góc vườn này quên lãng,
Vài con sóc đã về đây gặm nhấm,
Quả táo lăn theo chân sóc vui đùa.

Em mê man với đất trời mùa Thu,
Lá đỏ, lá vàng gọi tình yêu đến,
Quả táo thơm của tình em vừa chín,
Mùa Thu này sẽ rụng giữa vườn anh.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
(Thu, 2011)

Lá Vàng - Bến Sầu Đông

  

(Ảnh: Nguyễn Thành Tài)
 
Bài Xướng:

Lá Vàng

Lá đã vàng thu về anh có biết!
Trời vào thu lạnh lẽo buổi chớm thu
Gió heo may rờn rợn buị sương mù
Em hoài tưởng thu rồi tan tác quá.

Mấy thu qua sầu đau theo chiếc lá
Thương về anh mòn mỏi tháng năm chờ
Bên thềm hoang sương xuống sớm tinh mơ
Lá vàng ướt , vàng hoe trong khóe mắt…!

Nguyễn Thành Tài
2020-9-16
***

Bài Họa:

Bến Sầu Đông

Bao thu qua rồi em nào hay biết
Anh âm thầm ngồi đợi bến sông Thu
Trải nắng mưa sương lạnh tỏa mịt mù
Đò qua lại khiến lòng nôn nao quá

Cây sầu đông đã chớm màu vàng lá
Tương tư sầu khắc khoải ngóng trông chờ
Bóng hình xưa luôn hiện hữu trong mơ
Chợt tỉnh giấc thẩn thờ đầm nước mắt


Văn Ngọc
22 Septembre 2020

Giọt Thu


(Tình khúc mưa số 61)

Chiều em qua giọt mưa rơi rơi
Tiếng mưa gieo nỗi nhớ không lời
Đèn rưng rưng mờ soi đêm tới
Mưa chập chùng lên mắt chơi vơi.

Tình yêu ơi giờ xa nơi đâu?
Mưa lắt lay gió cuốn u sầu
Đời xa nhau tình xưa dấu ái
Đêm mộng tàn quay quắt niềm đau.

Giờ nơi đây hàng liễu giăng giăng
Mưa phố vắng thênh thang thu vàng
Trần gian buồn cung thương réo rắt
Phím tơ chùng duyên thắm lìa tan.

Biệt ly nhau đường về cô liêu
Mưa lãng quên trong tiếng kinh chiều
Thu vẫn vàng lao xao lá úa
Đóm lửa tàn sám hối quạnh hiu .

Ngọc Quyên

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Thơ Tranh: Cô Đơn Nỗi Nhớ

 

Thơ: Hai Hùng Sài Gòn
Thơ Tranh: Kim Quang


Trà Sáng


Hiên ngoài mỗi sáng cứ ngồi đây
Thấp thoáng bóng câu đầu nhuốm bạc
Não nề tuổi hạc mắt sè cay!
Vô thường vạn pháp không lay chuyển
Dâu biển muôn đời mãi đổi thay
Kẻ trước người sau về cát bụi
Ngàn năm mây trắng vẫn còn bay!
Bên chén trà sen bạn tháng ngày.

Mailoc

Giao Mùa



Tháng mấy mà sao ngày chợt ngắn
Đêm mênh mông trong gió rủ nhau về
Nhốt chút nắng vào lòng tay xứ lạ
Tiếng ve ngừng theo cánh rụng buồn ghê

Vài con đường rất quen trong ký ức
Vài môi cười nheo đuôi mắt ngày xưa
Nay chắc cũng nhăn theo chiều năm tháng
Nhớ thương tàn bong bóng vỡ chiều mưa

Tháng mấy mà heo may chớm lạnh
Một dòng sông trong trí nhớ hao gầy
Con nước còn bịn rịn khóc bàn tay
Qua bến vắng bóng người nghiêng tóc xõa

Em yêu dấu nụ giao mùa hương lá
Vẫn về thơm từng vết cắn môi lành
Nếu biết sẽ đời này không gặp lại
Xin nợ người mây trắng khoảng trời xanh...


Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam

Phân Vân

Đường đời lặng lẽ bước sầu
Người đi để lại vài câu...lỡ làng
Buồn! vì em đã sang ngang
Con tim rạn vỡ vết loang mấy đường
Tình yêu đang độ còn đương...
Mà em vội để đoạn trường ái ân
Lòng anh cứ mãi phân vân
Đợi chờ... hay để tim lần đổ xiêu

Song Quang

Sâm - Thương



Sâm - Thương hai ngã cách ly
Tình ta chẳng lẽ phân kỳ như sao
Tinh mơ lòng nhớ nao nao
Hừng đông ló dạng anh vào tìm em
Ô hay em đã buông rèm
Good bye đi ngủ không thèm nhìn anh
Tại sao tình cứ loanh quanh
Anh tìm phương Bắc em đành vào Nam
Vì thương anh quá tham lam
Mong trời đất bỏ đừng làm ngày đêm
Không gian một cõi ấm êm
Đôi ta gặp lại bên thềm yêu đương.

Hà Quế Linh

Lá Hát Xa Rừng


Thu về
Lá hát xa rừng
Màu tinh thể rụng
Lưng chừng...úa hoen
Soi tâm chờ mãi ngọn đèn
Soi thân trăng cổ mái hiên bóng mờ.

Thịt đa
Luồn những mạch thơ
Tiếng con dế khóc
Rợn bờ cõi Không
Một làn gió nhẹ bềnh bồng
Quét sương ươm lạnh... nguyệt cong đôi mày

Vườn Thu
rộng cổng chờ ai?
Dạ quỳnh nhú nụ
Hương khai ngạt ngào
Mùa trăng biêng biếc trúc đào
Đoá hoa nguyệt quế phai màu thời gian

Kiều Mộng Hà
Sept 21st2020

Ga Cuối Tàu Đời



Bài Xướng:

Ga Cuối Tàu Đời

Em đừng tựa nữa, đến nơi rồi
Tàu sắp vào ga, anh xuống thôi
Ga nhỏ đơn sơ nằm cuối dốc
Tên anh vẳng gọi tự xa vời

Như thúc như thôi, nhắc nhở anh
Đã xong trọn vẹn cuộc hành trình
Vé đời ghi rõ ga cần đến
Giữa chốn điệp trùng hun hút xanh.

Anh thấy tâm hồn bỗng nhẹ lâng
Không gì vướng bận phải phân vân
Hành trang để lại cùng em đấy
Như vẫn còn anh ở cõi trần

Tàu đời ta đã đáp chung nhau
Thời khắc lên tàu dẫu trước, sau
Nhưng đã cùng đi bao chặng tiếp
Sẻ chia hạnh phúc lẫn lo sầu

Đã đến giờ ta phải cách xa
Chỉ là anh xuống trước thôi mà
An tâm em nhé, rồi em sẽ
Cũng bước xuống tàu khi đến ga

Bỏ hết hành trang giữ một đời
Ra đi thanh thản nhẹ nhàng thôi
Xả buông tất cả bao ràng buộc
Vũ trụ xanh trong sẵn gọi mời...

Sông Thu
( 20/08/2020 )
***
Các Bài Họa:

Ga Cuối Tàu Đời

Có phải tình ta sắp mất rồi
Ôm em lần cuối một lần thôi
Sợ lắm cô đơn đời lắm dốc
Đừng đi… ôi chỉ chuyện mơ vời!...

Còn nhớ một thời em với anh
Đôi ta chung sức tạo công trình
Niềm vui nho nhỏ thường đem đến
Những ước mơ đời phủ ngát xanh

Thuở ấy hồn em nhẹ bỗng lâng
Không lo chẳng nghĩ chuyện phù vân
Yêu là như thể mình anh đấy
Quên hết chung quanh cõi thế trần

Hãy nói đi anh ta có nhau
Bên nhau mãi mãi đến ngàn sau
Nắm tay thật chặt mình đi tiếp
Không để tình em chịu khổ sầu

Đừng bảo chia lìa chớ nói xa
Đời nay li biệt biết đâu mà ...
Bao la thế giới làm sao sẽ ...
Giận đó ... anh đừng nhắc xuống ga
...
Ôi!... gánh hành trang nặng cuộc đời
Từ nay ấm lạnh mình em thôi
Chỉ hồng Nguyệt Lão duyên dù buộc
Cháo lú ... trời ơi!… sợ tiếng mời!

Chu Hà
***

Tàu Hú Gọi Người Đi

Tàu hú, em ơi, đã tới rồi
Chúng mình còn lại phút giây thôi
Vòng tay đã lỏng, anh đi nhé
Đã nửa trăm năm, vẫn tuyệt vời

Thủa đó, giờ đây, ôi vẫn anh
Vẫn bên nhau mỗi bước đăng trình
Trong em, dáng dấp người yêu dấu
Nào có quên đâu, trời biển xanh

Hồn bỗng như hương toả ngát lâng
Anh ơi, mọi sự vốn phù vân
Bởi chưng tất cả là hư ảo
Thì có chi vương chút bụi trần

Nhưng mốt mai rồi sẽ nhớ nhau
Sẽ như đường sắt chạy về sau
Tàu mang dĩ vãng theo dồn dập
Để lại tình xa xót muộn sầu

Tàu hú mênh mông, sắp biệt xa
Như con giông lửa quặn đau mà
Như tim quằn quại lời chung cuộc
Gởi lại buồn thương trạm cuối ga

Dang dở thơ trao chút trối đời
Một đôi đường sắt thả dài thôi
Mỉm cười đau đớn rời nhau nhé
Lệ đẫm hành trang, tàu hú mời ...

Hawthorne 23 - 8 - 2020
Cao Mỵ Nhân
***
Sân Ga Cuối Đời

Ga cuối đời ta đã đến rồi
Thong dong bước xuống, giả từ thôi
Hành trình khúc khuỷu qua bao dặm
Yên nghĩ giờ đây cũng tuyệt vời

Huyền thoại tàu đi, chẳng có anh
Từ đây chấm dứt mộng đăng trình
Hồn theo mây gió vui trăng nước
Như cánh nhạn chiều với biển xanh

Một kiếp phù du tựa gió lâng
Chuyện đời trôi nổi, áng phù vân
Phận duyên trắc trở, dòng dư lệ
Khổ ải triền miên khắp thế gian

Một chuyến tàu đi, kề cận nhau
Người lên kẻ xuống, trước rồi sau
Đồng cam cộng khổ qua nhiều chặng
Tủi nhục, quang vinh, lẫn lụy sầu

Chân trời góc biển cũng đâu xa
Viễn xứ, quê nhà, bạn hữu mà
Bóng dáng thân yêu trên mọi lối
Người thân đón đợi ở sân ga

Nguyệt quế vòng hoa đẹp cuối đời
Tàu về ga cuối, sẽ trao thôi
Non sông, trách nhiệm. niềm kiêu hãnh
Quách cũ, thành xưa, mãi đón mời.

Người Nay
Saigon 21/8/2020
***
Lỡ Chuyến Tàu Đời

Tàu vắng từ lâu đã đến rồi,
Em đâu không thấy thế đành thôi!
Bao ngày ngóng đợi nay hờ hửng,
Tim tợ như đơ bóng khuất vời.

Từ nay đừng nhắc đến tên anh,
Như chẳng còn đâu ở bến trình.
Như bóng tan theo năm tháng đợi,
Như tàu xa khuất chốn mây xanh.

Tim như lắng đọng nhịp lâng lâng,
Hồn bỗng tan dần theo bóng vân.
Em thuộc về ai chăn gối ấm,
Để anh vui kiếp sống phong trần.

Nhớ thuở kia cùng vui có nhau,
Nay nhìn mới rõ biết ..mình sau.
Thôi em đừng bận gì thêm nữa,
Hãy để tàu ga cuốn mổi sầu.

Từ nay ta sẽ cách chia xa,
Bến chỉ mình anh chẳng ngại mà!
Tàu đổ bước lên từng bước xót,
Không còn tàu đợi đến chi ga?

Sông thu vàng lá xót xa đời,
Trở lại nhà ga kiếm bến thôi.
Chia rả rời tim đau nhói quặn,
Cà phê không kẻ đón người mời.

Hồ Nguyễn
 (21-8-2020)
***
Ga Cuối - Chuyến Tàu Hoàng Hôn

Chúng ta đã tới Bến đây rồi
Tàu chậm vô ga vĩnh biệt thôi
Kẻ ở buồn thiu chân nặng nhọc
Người đi ảm đạm bước cao vời

Văng vẳng nghe tên họ nhắc anh
Dường như nhanh chóng cuộc đăng trình
Đúng như kỳ hạn ga tàu cuối
Rũ bỏ thời gian mất tuổi xanh

An nhiên tự tại bỗng lâng lâng
Vướng bận gì đâu dưới vũ vân
Trút gánh hành trang “mình“ nhận lấy
Ra đi giã biệt chốn dương trần

Tàu đời đôi lứa đáp cùng nhau
Thời điểm đi chung trước hoặc sau
Có bạn đường đời ta sánh bước
Niềm ân nỗi ái cũng vương sầu

Cái già xồng xộc sống còn xa
Sinh ký tử qui cát bụi mà !
Thương tiếc tình chung em cũng sẽ...
Xuống tàu xa vợ ở sân ga

Hành trang buông bỏ chuyến tàu đời
Thanh thoát nhẹ nhàng chiếc bóng thôi
Hỉ xả trắng tay không vướng bận
Ta bà rũ sạch cõi trên mời !...

Mai Xuân Thanh

Ngày 24/08/2020

All I Have To Do Is Dream(1958)

 

All I Have To Do Is Dream(1958)

Drea-ea-ea-ea-eam, dream, dream, dream
Drea-ea-ea-ea-eam, dream, dream, dream
When I want you in my arms
When I want you and all your charms
Whenever I want you, all I have to do is
Drea-ea-ea-ea-eam, dream, dream, dream
When I feel blue in the night
And I need you to hold me tight
Whenever I want you, all I have to do is
Drea-ea-ea-ea-eam
I can make you mine, taste your lips of wine
Anytime night or day
Only trouble is, gee whiz
I'm dreamin' my life away
I need you so that I could die
I love you so and that is why
Whenever I want you, all I have to do is
Drea-ea-ea-ea-eam, dream, dream, dream
Drea-ea-ea-ea-eam
I can make you mine, taste your lips of wine…

The Everly Brothers
***
Phỏng Dịch:

Tất Cả Những Gì Tôi Đã Làm Chỉ Là Mơ Thôi

1/
Mộng mơ mơ mộng mộng mơ
Anh mơ em ngã trên bờ vai anh
Được ôm nhan sắc khuynh thành
Tỉnh ra chỉ thấy mong manh tơ trời
Đời anh toàn giấc mơ thôi
Mộng mơ cho lắm cũng rồi mất em
Màu xanh anh thấy trong đêm
Bâng huâng anh muốn ôm em trong lòng
Lòng thì cứ mãi hoài mong
Có em như có màu hồng trong tim
Theo vầng mây trắng đi tìm
Tìm em còn khó hơn tìm chim muông
Lang thang lạc bước suối nguồn

2/

Hồn hoang mỏi mệt mưa tuôn sông dài
Rượu vang say khước tháng ngày
Vẫn không vói được trang đài mỹ nhân
Anh từng khao khát bao lần
Nụ hôn ngọt mật lâng lâng môi mềm
Đề rôì trăn trở ngày đêm
Bọt bèo lại dám thương em yêu kiều
Muốn em tới chết không xiêu
Nhớ nhung đến độ đánh liều tương lai
Tương tư quên cả tháng ngày
Say môi em ngọt áo cài tuổi xuân.

Toronto 7/26/2020
Nguyên Trần

Cuối Cuộc Hành Trình


Tuy không nổi tiếng bằng những đồng đội- như "lưỡng thủ vạn năng" Phạm Văn Rạng, hay "đầu sói" Đỗ Thới Vinh, tả biên Nguyễn Văn Ngôn ( Ngôn I ) hoặc "bức tường thành" Phạm Huỳnh Tam Lang và những "mũi tên vàng" bao gồm trung phong Nguyễn Văn Chiêu của đội tuyển VNCH vô địch Merdeka 1966, hay Nguyễn Ngọc Thanh của năm 1959 tại giải Vô Địch Túc Cầu Đông Nam Á- nhưng tài nghệ của ông cũng đủ để được tuyển vào đội Thanh Niên Sài Gòn cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đồng thời, ông cũng được hai ký giả kỳ cựu của làng báo thể thao Sài Gòn là Thiệu Võ trên tờ Đuốc Thiêng và Huyền Vũ, trên tờ tuần báo Nguồn Sống, nêu tên hàng tuần, mỗi khi ông ra sân trong màu áo của đội Thương Khẩu và sau đó là Quan Thuế.

Ngay sau khi giúp đội Quan Thuế đoạt Vô Địch Quốc Gia Hạng Danh Dự mùa 1962- 1963, ông nhận được lời mời gia nhập Đội Tuyển Quốc Gia của Tổng Cục Túc Cầu VNCH. Nhưng cái duyên của ông với đội tuyển Việt Nam chỉ được đúng ...1 ngày! Vì trước đó không lâu, ông đã nhận lệnh gọi nhập ngũ để thụ huấn Khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Khóa 14 SQTB/Thủ Đức có tới hơn 2200 SVSQ, bao gồm đủ mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giới trí thức và quân nhân tái ngũ theo lệnh đôn quân của chính phủ Đệ I Cộng Hòa.

Trong thời gian theo học, ông đã được Đại tá Sội- nhà dìu dắt của đội cầu Tổng Tham Mưu- hứa sẽ đưa ông về đá cho Tổng Tham Mưu là đội cầu đương kim vô địch quốc gia ( hạng Danh Dự ) lúc đó. Nhưng do Đại tá Lam Sơn, Chỉ Huy Trưởng đương nhiệm của quân trường Thủ Đức dành nhiều ưu ái cho ông, nên sau khi mãn khóa, ông nhận lời ở lại Trường làm Huấn Luyện Viên khoa Vũ- Tác- Mìn ( Vũ Khí- Tác Xạ - Mìn Bẩy) thuộc Khối Huấn Luyện của Trường Võ Khoa Thủ Đức. Ngoài thì giờ huấn luyện, ông còn tham gia vào đội túc cầu của quân trường Thủ Đức, lúc đó đang tranh giải vô địch các đội Hạng Nhứt. Vừa khoác áo nhà binh, lại vừa có cơ hội giữ gìn phong độ trong bộ môn thể thao mình ưa thích, mấy ai được như ông?

"Cần gì phải nổi danh mới thấy sung sướng hay khoái trá! Chỉ cần mỗi lần gặp nhau, mấy tay cựu tuyển thủ còn nhớ và gọi ba là 'ông giáo Phát' cũng đủ vui rồi! Đa số trong bọn họ nổi tiếng hơn ba nhiều. Nhưng ba ra sân trước họ. Đặc biệt là ba đã có thành tích không giống ai, mà cũng không ai có được. Đó là được ký giả Huyền Vũ ủng hộ trong việc 'đầu tư' Mẹ của tụi con. Hồi đó ổng cưng Mẹ lắm! Đồng nghiệp của ổng trong đài Phát Thanh Sài Gòn mà! Có trận nào ba ra sân mà thiếu bóng Mẹ tụi con trên khán đài đâu!? Ổng làm công tác trực tiếp truyền thanh các trận túc cầu trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, lại thường hay đi lấy tin để tường thuật trên tuần báo Nguồn Sống, nên luôn kéo Mẹ tụi con đi theo để vỗ tay ủng hộ ba!..."


Người Mẹ mà ông đề cập tới, là Xướng Ngôn Viên Song Hạnh của Đài Phát Thanh Sài Gòn, đồng thời cũng là người (cùng với Xướng Ngôn Viên Đào Hiếu Thảo) phụ trách trực tiếp truyền thanh cuộc xổ số Kiến Thiết mỗi Thứ Ba hàng tuần tại rạp Thống Nhứt. Chắc chắn người dân miền Nam vẫn chưa quên giọng đọc như có chất "mật ong"- mà một vị thân hữu kiêm nhà văn đã đặt cho bà- qua những lần đọc tin tức hay trong câu giới thiệu chương trình, cùng những lời gọi mời, đại loại như " Sau đây là lô trúng độc đắc 1,000,000 đồng. Lô này sẽ được quay 6 lồng cầu và quay 1 lần. Mời các em ra quay số..." Tiếc thay, vào cuối năm 2012, cơn biến chứng của Parkinson's Disease đã cướp đi người bạn đời của ông sau đúng 50 năm chia ngọt, xẻ bùi. 

Trong những năm cuối đời của bà, một tay ông lo lắng và chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Công việc mà ông nhứt định chỉ làm một mình, không cần các con phụ giúp hay mướn người săn sóc, chăm lo. "Tụi con đứa nào cũng có gia đình riêng. Thêm bận bịu để lo cho Mẹ sẽ ảnh hưởng không ít tới sinh hoạt gia đình và công việc. Để ba lo cho mẹ. Ba còn khỏe và biết cách. Chỉ có ba mới hiểu ý và biết rõ bệnh tình của mẹ. Đừng lo cho ba! "

Người ta thường nói "Uyên ương liền cánh như cây liền cành! Cây giờ đã khô và chim cũng "mồ côi". Vì vậy, nỗi cô đơn đã làm ông thấy vô vị trong cuộc sống dù các con nài nỉ ông cứ xoay vòng mà đến ở từng nhà, để sống chung với con cháu. Nhưng vốn cầm tinh "con Chuột đồng", ông thích an nhiên, tự tại và thường nói là "Ba thích tự do sống với thiên nhiên, ruộng rẫy.." Ông cũng không muốn làm phiền con cái, nên sau khi vượt qua cơn cám dỗ của "tiếng gọi về nguồn", ông chọn qua California, an hưởng tuổi già ở quận Cam để tha hồ ăn uống và gặp bạn bè, đa số là những đồng đội cũ trên sân cỏ, thay vì về Việt Nam sống cho hết đời như nhiều người cùng hoàn cảnh và tuổi tác như ông đã làm.

Lúc đầu ông định qua quận Cam sống thử chừng một, hai tháng xem sao. Nhưng chỉ mới vài tuần lễ là đã nghe cô chủ của căn nhà mà ông mướn phòng suýt xoa "Ối giời! Ông cụ vui thích lắm! Sáng nào cũng 'đóng thùng' thật bảnh bao với áo gió, kính đen và nón, gậy đường hoàng. Cứ thế mà cụ tà tà qua bên kia đường, ngồi quán cà phê tán chuyện với bạn cho tới trưa. Thần thái cứ như là điệp viên...'00 Thấy' vậy đó!" Tuy nhiên, cô chủ nhà cũng không quên lưu ý con cháu bên miền Đông là "...Ông cụ ăn uống không có giờ giấc nhất định. Lại còn hay ăn vặt lắm! Mà toàn là thứ chiên, xào, nhiều dầu mỡ, cùng với ba mớ bánh kẹo và đồ ngọt không hà!..."

Hậu quả tất yếu của việc ăn uống xả láng, cộng thêm quan niệm "...Ăn gà bỏ da, ăn thịt heo quay không có mỡ thì đâu có ngon miệng?!", là sau đúng 8 tháng tận hưởng hạnh phúc được sống tự do, ăn uống thoải mái, thì cơn suy thận vì tiểu đường, trụy tim vì cao huyết áp và bệnh thống phong (gout) đã vật ông ngã cùng một lúc. Khi Ambulance đưa vào bệnh viện thì tim của ông chỉ còn khả năng hoạt động có 5% và thận thì đã hoàn toàn suy sụp. Có nghĩa là ..."đứt bóng" bất cứ lúc nào! Hôm đó là thứ bảy 28/5/ 2016. 

Thận suy ( Acute Kidney Failure ) nên phải lọc máu một tuần 3 lần. Trụy tim (Congested Heart Failure) thì có thuốc uống và máy trợ tim tạm thời để bấm nút báo động cho y tá biết mỗi khi tim đập loạn nhịp. Nhờ sự tận tâm của các bác sĩ trong bệnh viện, ông dần dà "khấm khá" trở lại. Cho đến 02/06/2016, khi tim hoạt động được chừng 55% và sức khỏe đã tương đối khả quan, thì Bác Sĩ cho chuyển ông về Dưỡng Đường Convalescent Hospital ở Garden Grove để được chăm sóc thường xuyên và dài hạn. Chuỗi ngày cô đơn của ông trên giường bệnh bắt đầu! 

Niềm vui của ông là những lúc được ngồi trên xe lăn, và cùng với những bệnh nhân khác vừa nhâm nhi cà phê, vừa nghe những người yêu thích văn nghệ tình nguyện vào ca hát giúp vui. Họ, những tấm lòng từ ái pha lẫn đam mê nghệ thuật, đã bỏ thì giờ tới các Trung Tâm Điều Dưỡng và Viện Dưỡng Lão để mang lại chút hào hứng và an ủi tinh thần cho những người "mộ điệu" như ông. Họ đàn với cả tâm tình và hát bằng trái tim hành thiện cho dù đa số khán giả trong thính phòng không còn đủ "tỉnh táo" để thưởng thức, mà chỉ lan man giữa hư và thực bởi những bệnh tình của họ. 


Xen kẽ với những niềm vui nho nhỏ có được trong Viện Dưỡng Lão đó, là hạnh phúc được xem những trận túc cầu nội địa lẫn quốc tế, được phát hình trên làn sóng TV. Ngoài ra, ông còn được một người quen biết thời thanh niên trên sân cỏ, thường xuyên ghé qua thăm tại phòng, để cùng kể lại cho nhau nghe những trận tranh tài thuở xưa mà hai người từng đối diện trên sân cỏ. " Hồi đó tui giữ gôn. Bị ổng đá lọt lưới hoài... Ổng có cú xỉa chân phải độc đáo lắm!...". Những câu chuyện về bộ môn túc cầu của thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước là liều thuốc an thần mang đến sinh lực nội tại cho ông. 

Lời kể của người cựu cầu thủ, một thời giữ khung thành cho đội banh trường Đạt Đức, trước khi tình nguyện nhập ngũ và trở thành thủ môn gạo cội của Khóa 19 VBĐL, làm ông càng thêm nhớ sân cỏ của thuở thanh niên lẫn lúc sau này, khi cùng với những cựu tuyển thủ như Võ Thành Sơn, Quang Kim Phụng, Quang Đức Vĩnh, Nguyễn Văn Ngôn và vài người khác, ra sức huấn luyện hoặc tổ chức các giải vô địch Vùng, Miền cho các đội banh thanh niên, sinh viên- học sinh ở miền Đông và miền Tây Hoa Kỳ.

" Chỉ có khi nào nằm một chỗ, người ta mới có thể dễ dàng nghiền ngẫm lại đời mình. Bằng không thì chỉ biết loay hoay với công việc, với hoàn cảnh, rồi lu bu với sinh hoạt gia đình nên nhiều khi mình chẳng có chút suy nghĩ nào dành cho mình. Nói thật với con, ba không có mơ ước cao xa. Chỉ mong cuối đời có được một miếng đất, hay mảnh vườn đủ rộng để có ao thả cá, có sân trồng cây, bón cảnh. Ba không thực hiện được ước mơ của mình nhưng bù lại, ba có Mẹ, có mấy đứa tụi con. Đứa nào cũng đã ổn định cuộc sống. Vậy cũng đủ gọi là có phước lắm rồi!"

Trong hai năm đầu gặm nhấm cô đơn trong Garden Grove Convalescent Hospital, thỉnh thoảng ông được một người cháu vợ ghé vào hỏi han, giúp mua vài món ăn ông ưa thích, còn con cái thì vì bận mưu sinh và lo cho các cháu đi học nên chỉ qua thăm mỗi năm 2 lần vào dịp hè và lúc cuối năm. Gia đình cũng có nhờ vài nhân viên trong Viện Dưỡng Lão, cũng như thân nhân của những bệnh nhân khác, giúp chăm sóc ông lúc ăn uống. Nhưng vì họ cần phải chu toàn bổn phận và trách nhiệm riêng, nên không đủ thời gian cần thiết để đáp ứng được nhu cầu vì ông ăn rất chậm, mà hầu như bữa ăn nào cũng chỉ nuốt được tối đa chừng 40%. 

Ăn ít, nên sức khỏe sa sút. Cho dù mỗi ngày được cho thêm sữa đặc trị ( Nepro ) để có sức đi lọc máu, bệnh trạng của ông cũng lần hồi suy giảm trầm trọng. Ông thường bị nhiễm trùng máu và hay sưng phổi nên cứ phải ra vào bệnh viện "như đi chợ!". Vị bác sĩ Giám Đốc Y Tế của Viện Dưỡng Lão và cả người bác sĩ tim của ông đã nói đùa như vậy, khi cứ cách một, hai tháng là ông phải vào phòng cấp cứu! Có thể nói ông là bệnh nhân quen thuộc của cả 6 bệnh viện tại quận Cam, mà "thường trực" hơn hết là Garden Grove Hospital! Đến mức mà các Bác Sĩ, Y tá và nhân viên đều quen mặt, biết tên không chỉ một mình ông, mà cả thân nhân từ miền Đông qua nuôi bệnh. 

Tháng 10/2018, sau gần 2 tuần bỏ ăn, rồi lần hồi bỏ cả uống sữa Nepro, ông được đưa vào Garden Grove cấp cứu rồi nằm trong phòng săn sóc đặc biệt ( ICU ) Đến lúc đó bác sĩ mới khám phá ra ông bị viêm túi mật, đồng thời ống lọc máu trên cánh tay phải ( Permacath, còn gọi là Central line ) đã bị nghẹt. Bác Sĩ trưởng của khu vực ICU quyết định cho gắn ống lọc máu mới ngay chân phải ( Femoral Catheter ) ngay dưới háng, đồng thời tăng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng. Ngay khi vừa lọc máu xong, là ông được đưa xuống phòng mổ để cắt túi mật. Quyết định táo bạo nhưng vẫn phải làm, vì phải chạy đua với thời gian do mức độ nhiễm trùng tại túi mật đã khá trầm trọng.

Sau 4 tiếng giải phẫu và nằm chờ hồi sức dưới phòng mổ, ông được đưa trở lên ICU, nhưng không bao lâu sau là tim yếu dần rồi ngưng đập. Mạch không có và hơi thở chỉ là do máy ( ventilator ) trợ giúp. Cả dãy lầu 4, tức khu vực ICU được đặt trong tình trạng báo động ( Code Blue Alert ). Sau 2 lần làm CPR không có kết quả, Bác sĩ quyết định cho dùng máy chập điện ( Defibrillator ) để kích thích cho tim đập trở lại và kích động luôn máy trợ tim trong ngực ( Pacemaker ). Ông được cứu sống, nhưng sức khỏe sa sút trầm trọng và chỉ vài tuần sau là phải trở vào bệnh viện. Lần này cũng là vì bị nhiễm trùng máu và do đó dẫn đến viêm gan ( Liver Abscess ) Ngoài ra còn có một cục bướu 10cm ( cyst ) tích tụ từ máu bầm lúc giải phẫu cắt bỏ túi mật.

Ngần ấy bệnh làm ông thường bị sốt cao và mê hoảng ( confused/ delirious ). Lần này nhóm Bác Sĩ điều trị quyết định đưa ông vào một dưỡng đường chuyên trị về nhiễm trùng. Đó là Kindred Hospital ở Santa Ana. Dưỡng đường này có đầy đủ phương tiện như một bệnh viện với bác sĩ thường trực, phòng tiểu giải phẫu, ngân hàng máu, phòng săn sóc đặc biệt...v/v.... Chỉ khác với bệnh viện là nơi này không có phòng cấp cứu ( ER ) mà thôi. Việc điều trị bằng kháng sinh được ước tính là 4 tuần lễ, nhưng nhiễm trùng máu rồi sưng phổi cứ tái đi, tái lại hoài nên thay vì 4 tuần, ông đã phải nằm lại Kindred đúng 4 tháng.

Lúc rời Garden Grove Hospital, tháng 11/2018 để qua Kindred, Bác sĩ chuyên khoa về Thận đã cho biết là ống lọc máu gắn bên đùi trái ( Dialysis Femoral Catheter ) là lần lắp đặt sau cùng vì các nơi trên ngực, trên 2 cánh tay và bên đùi phải đã xài qua cả rồi. Chuyên viên lọc máu rất sợ gắn máy vào ống lọc đặt dưới háng vì nơi đó rất dễ bị nhiễm trùng, nhứt là với những bệnh nhân đã không còn làm chủ được khả năng bài tiết như ông. Biết vậy, nên bác sĩ Thận của Trung Tâm Kindred đã gắn một ống lọc máu trên ngực phải ( Arteriovenous Graft, còn gọi là Arteriovenous Fistula), nơi mà 2 năm trước đó đã có đặt ống lọc. Nhưng chỉ 2 tháng sau, ống lọc trên ngực bị nghẹt nên lại chuyển xuống đùi phải. Cũng là nơi đã có đặt ống 3 tháng trước đó.

Có thể nói đội ngũ nhân viên y tế của Kindred Hospital- từ Bác Sĩ đến Y tá và nhân viên phục vụ- đều rất tận tâm và yêu nghề. Nhưng họ cũng không làm sao ngăn chận được sự nhiễm trùng do việc lọc máu một tuần 3 lần, cộng thêm kháng lực trong cơ thể của ông đã mỗi ngày một suy yếu. Sau 4 tháng điều trị, khi thấy tạm ổn, bác sĩ cho ông rời Kindred để trở lại Viện Dưỡng Lão. Nhưng chỉ được 4 tuần là ông lại phải vào Garden Grove Hospital rồi trở qua Kindred lần nữa cũng vì bị sưng phổi ( Pneumonia ) và hụt đường huyết một cách bất thường đến mức phải đục thẳng vào xương ống quyển (intraosseous infusion) để lập tức bôm thuốc vào tủy cho kịp hòa tan trong máu. Hôm đó lượng đường trong người ông chỉ còn 26% lúc cấp cứu và 16% khi đang nằm trong phòng ICU của bệnh viện. "Chỉ có thể là phép lạ!" Bác sĩ của ICU đã nói như vậy khi chuyển ông trở lại Kindred Hospital để trị bệnh viêm phổi trong hai tuần lễ.

Sau đúng 3 năm vật vã vì cơn bạo bệnh, ông lần hồi trở nên trầm ngâm, chỉ nhìn mà không nói. Ông không muốn nói, có lẽ vì muốn giữ cho mình những gì sâu lắng nhứt trong tâm khảm. Người ta chỉ cần bị ngẹt mũi, nhức đầu cũng thấy khó chịu. Huống chi ông có cả mấy thứ bệnh "hạng nặng" bắt phải giữ giường triền miên là suy thận, trụy tim, cao máu, thống phong, xơ gan, lở lưng, loét mông. Mỗi lần đi cầu hay tiểu tiện là cả một cực hình. Là người có tánh tự lập, ông không muốn ai phải lo cho mình. Nhưng vì bệnh tình trầm trọng, nên ông phải trân mình chịu đựng cảnh nằm một chỗ, để y tá hoặc y công thay tả, rửa ráy, thay áo quần, cùng những công việc khác liên quan đến việc điều dưỡng.

"Nhiều lúc đau đớn quá, ba muốn chết cho rồi để khỏi làm phiền ai săn sóc mình. Nhứt là các con phải bỏ hết mọi chuyện để qua đây lo cho ba." Ông thường buồn bã than van với con cái, nhứt là vợ chồng người con gái lớn khi cả hai vợ chồng thay phiên nhau từ Pennsylvania qua túc trực bên giường bệnh. Có họ bên cạnh ông thấy đỡ cô đơn, bớt muộn phiền, nhưng ông cũng biết rõ tình trạng sức khỏe của mình mỗi ngày một suy yếu và chẳng thấy tha thiết với bất cứ một thứ gì, khi lúc nào cũng cảm thấy đau nhức toàn thân và mệt mỏi, bần thần sau mỗi lần lọc máu.

Những câu chuyện trao đổi với bệnh nhân trong dưỡng viện, hay với thân nhân của họ cũng dần dà trở nên nhạt nhẽo. Ông càng buồn thêm khi không còn đủ sức ngồi xe lăn để xem ca nhạc và nhâm nhi cà phê như trước. Cả tờ báo biếu mỗi ngày cũng không được ông ghé mắt tới. Câu đối thoại chỉ quanh quẩn trong vài tiếng "Cám ơn" hay câu trả lời "Tôi thấy khỏe" khi có ai hỏi thăm, an ủi, hoặc sau khi được săn sóc. Tuy vậy, cũng không thiếu vắng những nụ cười đây đó, khi mấy cô y tá cố ý làm trò cho ông vui, hoặc những lúc có điện thoại facetime của con cháu từ miền đông gọi qua thăm. Câu nói dài nhứt sau gần 2 tháng "tịnh khẩu" và trước khi vào phòng cấp cứu lần sau cùng là "Trời ơi! Yếu như vậy mà cũng ráng chống gậy vô đây thăm tui!"

Đó là khi vị cựu Huấn Luyện Viên môn Địa Hình ở Thủ Đức và cũng là đơn vị trưởng của Liên Đoàn 1 BĐQ vào thăm, khi ông vừa từ Kindred Hospital trở lại Viện Dưỡng Lão. Vị Đại tá BĐQ này thường vào thăm ông mỗi khi đi tập thể dục ở một phòng Gym gần đó. Nhưng điều làm ông thêm có cảm tình với người thầy kiêm "đồng nghiệp” trong Khối Huấn Luyện này là ngay ngày đầu tiên, khi vị đại tá ghé thăm, đã tự giới thiệu mình là bạn cùng đơn vị với con rể của ông ấy. Sự khiêm nhường và chân tình của vị Liên Đoàn Trưởng BĐQ càng làm ông thêm cảm động khi Đại Tá Trần Kim Đại luôn ngỏ ý:
" Anh cố gắng bớt bệnh để tôi còn mời về nhà ngắm vườn rau và cây trái rồi ăn với tôi một bữa thanh đạm..."

Lời mời ấy đã không có cơ hội trở thành hiện thực, vì sáng ngày Thứ Hai 16/9/2019, đang lúc lọc máu thì huyết áp của ông tăng giảm bất thường rồi tuột xuống tới mức báo động, nên Trung Tâm lọc máu Da Vita ở Westminster cho chuyển ngay vào Orange Coast Hospital. Trong phòng cấp cứu, ông không ngớt " Cám ơn mọi người đã lo lắng cho tôi bấy lâu nay. Ba cám ơn con đã lo cho ba mọi thứ. Có con bên cạnh, ba thấy yên tâm lắm! Cầu Trời, cầu Phật, cầu Chúa cho con lành bệnh. Không thì cho con 'đi' sớm để không còn làm phiền ai nữa!" Câu nói nghe như được " thâu băng" ở đâu đó trong đầu nên ông lập đi lập lại liên tục không ngừng nghĩ trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ lúc nằm trong phòng cấp cứu. Câu nói rõ ràng là từ tâm thức, không phải từ một bộ não còn sinh khí phát ra. Sau đó, khi đang nói nửa chừng thì ông tắt tiếng và tim yếu dần, mạch đột nhiên biến mất trên biểu đồ.

Ông lại được chập điện và đưa ngay lên phòng săn sóc đặc biệt để tiếp tục cuộc chiến đấu với Tử Thần. Nhưng tất cả đều vô vọng vì cơ thể của ông đã suy sụp hoàn toàn. Hai bịt máu sau cùng để tiếp sức cho ông đều bị cơ thể thải ra ngay lập tức nên việc lọc máu và khử trùng không thể thực hiện được. Người ông lạnh dần do hoại tử bắt đầu tàn phá cơ thể, đặc biệt là từ dưới chân lạnh dần lên. Do đó, để giữ cho thân nhiệt được ấm, y tá cho bơm khí ấm vào một loại "áo phao" choàng quanh mình (Forced air warmer) sau khi những mũi kim và ống truyền dịch hay nước muối ấm (IV / Foley Catheter/ warm salt water) đều không được mạch máu tiếp nhận để đưa vào buồng phổi, vùng bụng (abdominal/ peritoneal cavity) và bàng quang (Bladder).


Mọi phương thức cứu chữa để níu kéo ông đều vô vọng. Sau hơn hai ngày bất động trên giường bệnh và sau những cố gắng chớp mắt, nhướng mày, để hồi đáp lời của người con rể kề tận tai han hỏi, ông lìa đời một cách êm thắm. Phút cuối của ông được ghi nhận bằng những dấu hiệu "vẫy vùng" của chiếc pacemaker- khi nó không nhận được tín hiệu hoạt động từ trái tim đã ngừng đập - và qua những lằn ngang trên biểu đồ (Monitor) trước sự chứng kiến của người con rể và cô y tá đồng hương tận tụy với nghề nghiệp và hết lòng với bệnh nhân. Lúc đó là 20h 06’ ( PST ) tối ngày thứ Tư 18/9/2019.

Huỳnh Văn Của
Để nhớ Nhạc Phụ TRƯƠNG PHÁT, Pháp Danh THIỆN TẤN.
- Cựu cầu thủ đội Quan Thuế và Thương Khẩu.
- Cựu tuyển thủ Đội Tuyển Thanh Niên Sài Gòn thập niên 1950.
- Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 14 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức ( Khóa Nhân- Trí- Dũng Nguyễn Ngọc Điệp ).
- Cựu Đại Úy, Sĩ Quan Quan Thuế (Sở Kiểm Nã Toàn Quốc/Tổng Nha Quan Thuế/ Bộ Tài Chánh- VNCH).