Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

Đôi Mắt Thuyền Độc Mộc - Thơ: Phạm Thiên Thư - Nhạc: Võ Tá Hân - Trình Bày: Nhóm It's Time


Thơ Phạm Thiên Thư
Nhạc Võ Tá Hân
Trình Bày: Nhóm It's Time

Bóng Mắt Lung Linh!

 

Lung linh bóng nước đẹp nhiệm mầu
Ngỡ hồn lạc bước giữa chiêm bao
Ánh mắt long lanh như thầm bảo
Một lần chợt gặp nhớ nghìn sau...

Sương mỏng nhẹ buông nắng đầu ngày
Chim ca ríu rít đậu nhành cây
Có nghe khe khẽ lời chim hát
Gió nhẹ vờn lay...hồn gửi đây

Đôi bóng tung tăng bước dạo vườn
Mắt môi tròn nụ khép dư hương
Tay đan tay ấm vương tình ý
Vũ trụ hoà theo khúc nghê thường

Bước đến thật gần soi bóng mây
Bóng ai ngơ ngác những hao gầy
Bóng người năm cũ hay hiện tại
Mộng giữa đầu ngày chợt vụt bay...

Vốc nước biết đời như khói mây
Hình như... bóng mắt vẫn còn đây!!!

Kim Oanh


Coi Mắt Vợ

 

Theo Mẹ...đến nhà em
Mùa Xuân thuở ấy...lụa mềm!
Hoa bướm rộn ràng...bay nhảy
Nắng vàng vổ cánh...đẩy thuyền êm!
Đến ngỏ nhà em...anh chẳng hay ...
Hồi họp lo âu...héo mặt mày!
Nghe Mẹ nhắc...anh mới sực nhớ...
Cố vâng lời Mẹ dặn lâu nay!
Ba Mẹ em ...đón chào
Hình như hai họ đã đổi trao...
Anh như rơi vào khoảng trống...
Vừa thấy em...như quen biết thuở nào!
Liếc nhìn anh...em thẹn thùng!
Xô đẩy hồn anh...vào Cõi mông lung!
Mặc cho con tim hồi họp... niếu kéo...
Ôi chao...Tiên đã giáng trần!
Mẹ ơi...con đã đến Thiên đàng!
Đây lâu đài quyền qúy cao sang
Ngẩn ngơ...quên mọi người có mặt
Hăng say xây giấc mộng vàng!
Theo Mẹ...từ giã quay về...
Anh bàng hoàng...nửa tỉnh nửa mê
Mơ ước mùa Xuân...vừa xao lảng
Bờ tre, sóng lúa ...lại vỗ về...
Giờ đây nhớ quá em ơi
Hình ảnh xa xưa...vẽ một đời!
Mãi nhớ thương về thăm quê cũ...
Suối tình thuở ấy...chẳng hề vơi!


Tô Đình Đài

Bài Thơ Tặng Em

( Ảnh: Tác Giả)
Gặp em lúc tuổi chớm mười lăm
Sao bỗng dưng ngơ ngẩn nhớ thầm
Mắt lánh đen tròn như hạt nhãn
Mặt thơ ngây sáng tựa trăng rằm
Nụ cười chúm chím phô duyên ẩn
Chân sáo tung tăng vẻ liến ngầm
Cứ ngỡ là vu vơ bất chợt
Mà rồi thành chuyện, chuyện trăm năm

nhất hùng


Đôi Mắt Người Ban Mê!



Đôi Mắt Người Ban Mê!(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhà Văn, Đồng Môn Đồng Hương Nguyễn Thị Dung và Đồng Môn Nguyễn Văn Sáu đã sáng tác và chuyển từ Hoa Kỳ đến ngày 27/02/2024
“một trong những truyện ngắn dể thương nhất trong Văn Học Việt Nam Hải Ngoại” mang tựa đề “Đôi Mắt”!)

“Đôi mắt” Nàng! Sinh ra từ Hải Dương! Lớn lên tại Ban Mê Thuột!
Xem lại “lịch sử đa đoan” thì “triệu đôi mới có một”! Quỷ phải nhịn khóc, Thần lo nén sầu!
“Rèm sưa (thưa) ba bức mành mành! Mắt cô thế ấy tu hành được đâu?
Lại thêm “cận nặng” từ lâu! Nhiều khi rầu thúi ruột!

“Cho nó chắc ăn”! Căn dặn suốt!
“Kìa cây lay động”! Réo mừng hoài!
Hai lần giải phẩu! Cả nhà lo lắng đến mệt nhoài!
Hồi đi dạy, bảo học trò “đọc Thông Cáo Trường cho Cô nghe”! Thật là “bi hài” quá sức!

Từ đấy “phải có kính cận”! Để trong . . . ví xách tay! Chẳng thích đeo! Phát tức!
Rồi cũng có kẻ sa vào “đôi mắt cận”! Mơ huyền! Tỉnh thức! Hò hẹn! Đợi mong!
“Mắt Phượng, mi mỏng, mày cong”
“Tính tình vui đẹp, giữ lòng thủy chung”
Hỏi ra “Bà ấy tên Dung”
Quốc Gia Hành Chánh “thất tung” lâu dài!
Giờ thì xuất hiện “thiên tài”! (1)

Đức Hùng

Sydney, Úc châu, 27/02/2024
Cước chú :
(1) Thiên tài : Tức “thiên tài lạc lối” (vì mắt cận, nhìn không thấy đường đến chỗ hẹn), biệt danh của Tác Giả Nguyễn Thị Dung do Ông Xã đặt!

 


Đôi Mắt


Người ta thường nói “ Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn “ hay “ Hồn lỡ sa vào đôi mắt em” …mà nếu đôi mắt đó che bằng một cặp kính dày thì làm sao mà “ thấy” được cái tâm hồn đầy thơ mộng và lãng mạn để…sa vào đôi mắt đây? …nên tôi nhất định không đeo kính cận khi đi học hay đi chơi để mong có cơ hội chớp được anh chàng nào đó lỡ dại sa vào đôi mắt mơ huyền của tôi

Tôi bắt đầu nhận ra mình bị cận thị khi học trung học vì không thấy rõ được chữ thầy cô viết trên bảng, ngay cả khi ngồi trên ghế ở bàn đầu trong lớp. Nhà nghèo, không có tiền đi bác sĩ để lấy toa và mua kính nên tôi thường mượn sách của bạn xem lại những thiếu sót. Và cứ như thế tôi học xong trung học, đỗ Tú tài và vào đại học.

Cho tới bây giờ, tôi cũng không nhớ là mình có kính cận từ khi nào? Chỉ nhớ có một lần khi tôi đi dạy toán tại một trường trung học tư, vì một lý do nào đó mà trường đóng cửa và viết thông báo trên bảng để ngay sau cổng trường. Tôi đang đứng trước cổng trường, cố gắng nhíu mắt tập trung để đọc thông cáo trên bảng qua khoảng trống trên cánh cổng thì thấy có một cậu học trò đến gần bên tôi và cũng đang nhìn vào bảng. Tôi nhìn lại thì nhận ra cậu bé là học trò lớp toán của mình. 
- Em đọc thông cáo trên bảng cho cô nghe.
Cậu học trò nhìn tôi, thoáng chút ngạc nhiên nhưng nghe lời cô giáo và đọc bản thông cáo một cách rõ ràng
- Cám ơn em.

Cậu bé cúi đầu chào tôi rồi đi qua đường. Tôi cảm thấy buồn cười khi nhớ lại đôi mắt mở lớn của cậu học trò nhìn tôi, tự nhiên tôi nghĩ ngay đến chuyện cần phải mua kính cận, và tôi bắt đầu có kính cận sau sự việc xảy ra ngày hôm đó.

Khi tôi ra trường và trở thành công chức, lúc nào trong ví xách tay cũng có cặp kính cận để chỉ sử dụng trong lúc làm việc khi cần phải đọc nhiều. Còn khi không cần thiết hay đi bát phố thì tôi không đeo kính và vẫn ung dung với đôi mắt tự nhiên như thiên hạ vậy. Mỗi khi thấy ai đi gần thoáng như đang cười hay đưa tay chào thì tôi lập tức nở một nụ cười thật tươi chào lại ngay cho chắc ăn dù thật tình chưa nhận được người đó là ai, lý do vì tôi đã từng bị tiếng oan là kiêu căng…mình chào mà mặt “cô nàng” cứ tỉnh bơ như không biết quen biết.!!! Tội không?

Bất ngờ cũng có một chàng lạng quạng sa vào đôi mắt của tôi... đến lúc ngộ ra thì đã rơi quá sâu vào đôi mắt "mơ huyền" ấy mất rồi !!! Anh yêu tôi tha thiết và bằng lòng với tất cả những gì tôi có. Mỗi khi đưa đón hẹn hò thì chàng luôn dặn cẩn thận là đứng chờ đúng chỗ để chàng đến đón, vì ngoài có đôi mắt "mơ huyền", tôi còn là một “ thiên tài lạc lối “ ( biệt danh mà chàng tặng cho tôi) vì chỉ trong vài khu đường phố quen thuộc mà tôi vẫn bị lạc, không nhớ ra đường nào là đúng …Có khi đi loanh quanh mãi mới tìm ra điểm hẹn… Chàng luôn phải than thở: "Anh không hiểu sao đọc gì em cũng nhớ được ngay mà chỉ có vài góc phố quen thuộc em đi hoài không tới ?” Thấy mặt tôi ỉu xìu chàng lại thương nên dỗ dành “ Anh chạy xe lòng vòng tìm em mãi, đi qua chỗ hẹn cả chục lần mới thấy người đẹp của anh, thiên tài lạc lối lên xe đi, mình đi ăn kem cho đỡ khát nhé “.

Cuộc tình của chúng tôi vẫn tiếp tục và tình càng nồng thì độ cận cũng tăng theo. Đã nhiều lúc tôi phải đeo kính khi đi đường hoặc khi vào thương xá mua đồ vì thị lực quá kém. Rồi đến khi mất nước… lo buồn sợ hãi cho tương lai cũng ảnh hưởng đến đôi mắt của tôi. Mỗi lần phải đi xuống tỉnh miền Tây để dự định vượt biên, tôi không dám đeo kính vì sợ bị nghi ngờ là .. .người trí thức tìm đường trốn. Cũng may là hầu như lần đi nào cũng có chàng đi cùng, tôi thường lấy dáng quen của anh làm chuẩn và biết là có người luôn để tâm đến mình nên .. cứ như là nhắm mắt đưa chân.

Nhờ trời, sau chín năm theo đuổi việc vượt biên, chúng tôi đã đến xứ Mỹ an toàn và bắt đầu cuộc sống mới. Để dễ dàng cho việc đi học và đi làm, anh đã có bằng lái và mua được một chiếc xe cũ cho tiện việc di chuyển và dậy tôi …lái xe!!! Công việc mới đầu thì có vẻ dễ vì tôi chỉ lo ôm tay lái và đi theo sự chỉ dẫn của anh, nhưng đến khi tập tự nhìn kính xe để sang lane thì tròng kính cận quá dày lẫn với gọng kính làm khó tôi, cùng lúc với mùa đông đến và chuẩn bị đón con đầu lòng nên chúng tôi đồng ý tạm ngưng.

Thấm thoát thế mà đã ba năm từ ngày chúng tôi định cư ở Mỹ, chúng tôi đã có một cháu gái đầu lòng và cả hai đều đi làm cho hai công ty nhỏ, tiếp tục thi tuyển vào Bưu Điện để mong có công việc làm ổn định và lương cao hơn. Khi được gọi đi làm, anh chọn nghề sửa máy sort thư và làm đêm. Còn tôi thì không có nhiều lựa chọn vì lúc bấy giờ, chỉ có việc làm ở window là không cần có bằng lái xe, tôi trở thành window clerk và làm ban ngày. Chúng tôi mua nhà chỉ cách sở làm của tôi hơn 5 phút đi bằng xe, và khoảng 30 phút đi bộ. Mỗi sáng, tôi đưa con ra đón xe đi học, ngay sau đó thì anh đi làm về và đưa tôi đến sở rồi về nhà ngủ, chiều đón con rồi đón tôi về nhà lo nấu ăn cho gia đình. Đến 10 giờ tối anh mới phải đi làm. Mọi việc tạm ổn định nên anh không nghĩ đến việc tiếp tục dậy tôi lái xe và mua xe cho tôi tự lái đi làm nữa.

Việc bán tem, nhận và phát bưu phẩm cũng không đến nỗi quá khó ngoài việc phải đứng và nhìn nhiều vào computer. Đứng thì quá dễ vì tôi còn trẻ, nhưng tận dụng mắt nhiều làm độ cận của mắt tôi tăng nhanh. Sau một thời gian dài, tròng kính cận của tôi dày khoảng một centimeter, quá nặng dù đã được ép cho mỏng và mài chung quanh cho thấy đỡ dày, tôi phải tập đeo contact len. Điều làm tôi buồn là bác sĩ mắt cho biết độ cao nhất của contact len là - 10 độ, mà độ cận của tôi lúc đó là khoảng -16 độ, nên dù có dùng contact len, tôi vẫn phải đeo thêm kính để nhìn được rõ. Tôi đồng ý vì không thể nào chỉ đeo contact len rồi dí mắt sát gần màn ảnh của computer.!!!

Cũng tưởng như thế là tạm yên vì tôi đã trải qua một thời gian khá vất vả với việc thay contact len, nhưng chỉ mấy năm sau độ nhìn càng yếu dần. Bác sĩ nói không còn độ kính mắt để tôi nhìn rõ được nữa, vì mắt bị cườm và thực sự thị lực của mắt gần tương đương với người mù. Tuy nhiên trong cái rủi có may, độ dày của cườm mắt đủ để tôi có thể giải phẫu để thay thủy tinh thể của mắt ( cataracts), nhưng… lại nhưng… vì độ cận quá cao, có thể có vài kết quả không tốt.

Tôi còn quá trẻ để trở thành một bà mù và về hưu sớm, tôi cần đôi mắt để chăm sóc gia đình tôi. Tội nghiệp các con tôi, đi đâu tụi nó cũng phải để ý đến tôi… mommy, đi đường này …Ngày tụi nó còn nhỏ, mỗi khi ra đường tôi luôn nắm tay chúng cho chắc ăn và hầu như các con tôi không bị té ngã khi còn bé. Anh và hai con khuyên tôi nên đi giải phẫu mắt, tôi nghe lời vì thực sự không có sự lựa chọn nào khác.

Tôi có một người cháu rể là bác sĩ mắt nên đến hỏi những thắc mắc về việc giải phẫu mắt và nhờ giới thiệu bác sĩ tin cậy để yên tâm trong công việc quan trọng này. Thật là may, bạn thân của cháu là bác sĩ giải phẫu mắt cườm nổi tiếng và cháu đích thân đưa tôi đến gặp người bạn này để nhờ chăm sóc cho tôi. Theo lời đề nghị của bác sĩ, tôi chọn cặp tròng giả để thay thủy tinh thể của tôi có nhiều chức năng… có thể nhìn gần và nhìn xa, mặc dù loại tròng kính đặc biệt này bảo hiểm y tế không trả tiền và tôi phải tự mua bằng tiền của tôi, họ chỉ trả cho loại tròng kính căn bản thôi.

Vì cả hai mắt tôi đều bị cườm nên bác sĩ cho hẹn để giải phẫu cho cả hai mắt và hai lần mổ cách nhau khoảng một tháng. Sau khi làm đủ mọi thủ tục để chuẩn bị giải phẫu lần đầu cho con mắt phải của tôi, anh và Annie, con gái út đưa tôi đến nhà thương. Khi mới được gây mê, tôi vẫn hơi tỉnh nên còn nghe bác sĩ và y tá nói chuyện lao xao rồi thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, cảm thấy mình đang nằm trong phòng và lờ mờ thấy anh ngồi bên cạnh bằng một con mắt mơ huyền còn lại. Thấy tôi tỉnh lại, anh nắm tay tôi và cho biết bác sĩ bảo cuộc giải phẫu đã thành công tốt đẹp, còn đang ở trong phòng phục hồi, chờ y tá khám lần chót rồi về nhà và ngày hôm sau đến phòng mạch của bác sĩ để mở băng che mắt. Tôi nhẹ gật đầu và nắm tay anh như để cám ơn rồi nhắm mắt lại vì cảm thấy ảnh hưởng của thuốc mê còn vương vất trong tôi.

Trưa ngày hôm sau, Annie đưa tôi đến phòng mạch của bác sĩ. Sau khi khám cẩn thận, bác sĩ nói mọi việc đều tốt rồi mở băng che con mắt phải mới được thay thủy tinh thể. Miếng băng vừa được mở ra là tôi đã thấy rõ ràng cái góc vuông bàn giấy của bác sĩ, tôi reo lên đầy vui mừng
-Tôi nhìn thấy rồi, thưa bác sĩ, tôi đã nhìn thấy rõ cái góc bàn giấy của bác sĩ.

Người bác sĩ cười hiền hòa, trên mặt thoáng chút vui như muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của tôi. Sau khi nhỏ thuốc vào mắt và khám lại cẩn thận. Ông nói với giọng thật vui
-Tôi đã khám lại cẩn thận, cuộc giải phẫu thay thủy tinh thể mắt của bà đã thành công mỹ mãn, tôi chỉ sợ có thể có vấn đề sau võng mô vì mắt của bà bị cận nặng quá, nhưng thật may vì không có vấn đề gì cả. Bà chỉ cần nghỉ làm việc một ngày, nhỏ thuốc vào mắt đúng giờ, cần nhất là phải tránh bụi và đeo kính mát thường xuyên cho đến một tháng sau thì lấy hẹn khám mắt lại.

Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên
-Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
Annie nhìn tôi, ánh mắt long lanh với nụ cười vui
-Mommy nhìn rõ được sự vật con mừng lắm. Ba nói sẽ đưa mommy và tụi con đi ăn mừng ờ nhà hàng mommy à.

Tôi nhìn con gái và bây giờ mới thấy rõ hàng mi dài cong và đôi mắt trong suốt của con bé, lòng dậy lên mối cảm hoài…Ông trời đã cho mẹ lại ánh sáng, mẹ hứa sẽ chăm sóc cho ba và các con chu đáo.

Ngày đầu tôi nghỉ ở nhà, mấy cha con không cho tôi nấu ăn và dọn dẹp vì sợ hơi nóng của thức ăn khi nấu và bụi vào mắt …” cho nó chắc ăn”, anh nheo mắt nhìn và cười trêu tôi vì nhớ tôi hay dùng những từ đó khi anh hỏi sao mà cẩn thận quá vậy…tôi như chìm trong hạnh phúc của ánh sáng và sự yêu thương của gia đình.

Đến khi mắt bên trái của tôi được giải phẫu thì mọi sự dễ dàng hơn, sau đó tôi có thể đọc sách và nhìn xa không cần kính nữa. Tuy nhiên bác sĩ cũng cho biết là độ nhìn của tôi không đạt được 100 phần trăm như người có độ nhìn tốt và muốn được như thế, tôi phải đeo kính với độ nhẹ. Tôi không muốn đeo kính nữa, tôi đã đeo kính gần hết cuộc đời của tôi rồi, và độ nhìn của tôi bây giờ đã quá đủ. Đây là món quà quý báu nhất mà Thượng Đế đã ban cho tôi, tôi luôn luôn biết ơn mỗi khi mở mắt nhìn thấy sự sống quanh tôi và vẻ đẹp của thiên nhiên.

Ý Nhi

Thuyền Ngược Bến Không


Dưới hiên mưa vắng hồn khua nước
Thả chiếc thuyền con ngược bến không
Thơ Viên Linh, Thủy mộ quan

Tôi sinh ra thì thế chiến II đang hồi kết thúc. Lớn lên chút nữa, khi biết nghe và hiểu, những chuyện vãn người lớn về việc đánh nhau đâu đó, lúc nào đó, bao giờ cũng hấp dẫn như chuyện cổ tích. Mà hình như đó lại là những chuyện mà tuổi con nít của tôi được nghe nhiều hơn là chuyện cổ tích. Trong gia đình tôi, thỉnh thoảng thấy vắng đi một người lớn. Rồi lại nghe những câu chuyện thì thầm. Mấy chú, mấy anh lớn, đã từng ẳm bồng tôi, bỗng chốc họ trở thành nhân vật trong truyện cổ tích. Cách mà người lớn kể chuyện, lại làm cho không khí của chuyện cổ tích ấy càng trở thành huyền bí.

Cho đến khi lai rai đọc được tiếng nước ngoài, chuyện kể về chiến tranh bỗng thành hoài niệm; hay chỉ hình như là hoài niệm thôi, vì đấy là quá khứ mà mình không thấy, không nghe. Có điều, hoài niệm ấy không làm sao mờ đi được. Vì nó đã trộn lẫn quá khứ với hiện tại. Quá khứ ấy, khi chợt biết, nó đã có quá nhiều mất mát. Vì những người đã đi, chưa thấy ai trở lại. Rồi cả những người cùng trang lứa cũng lần lượt ra đi. Mình thì may mắn được ở lại. Nhìn quanh, bảng đen, lớp học, sân trường. Sự sống vẫn băng băng lôi người đi tới, với những cạnh tranh vất vả.

Chiến tranh, thù hận, và đâu đó, từ sâu thẳm của khát khao, tình yêu và sự chết là nỗi ám ảnh, và như chất liệu cho ý thức sinh tồn. Có một cõi thi ca riêng biệt như vậy. Dành cho những tâm hồn nhạy cảm. Nhìn con chim giãy chết trong tranh mà ngơ ngẩn, bàng hoàng. Nhưng ngôn ngữ của nó cũng biến hình. Tình yêu, thất vọng, đam mê, như những con sóng nồng nhiệt trên mặt nước, mà dưới đáy sâu ai biết ẩn chứa những gì.

Nước xa cuồn cuộn ra khơi
Sâu trong tâm thể có đôi giọt gần
(Dư tập, Thủy mộ quan)

Những câu thơ như vậy thật hiếm hoi cho một đời bận rộn. Không bận rộn sao được, khi quanh mình những bạn bèn trang lứa lần lượt ra đi. Một số người vượt suối, vô rừng. Đi theo tiếng gọi của hận thù, máu lửa, trong trái tim đang bốc cháy bởi chủ nghĩa anh hùng. Để lại cho thành phố khúc hát “Người đã đi, đi trên non cao…” Một số khác ra đi, để lại tiếng khóc nghẹn ngào, điên loạn: “Ngày mai đi nhận xác chồng. Say đi để thấy mình không là mình.” Tình yêu, thù hận, bỗng trở thành mâu thuẫn biện chứng.

Mấy chục năm sau, một thế hệ đang lớn, như nắng trưa xích đạo che lu ánh đuốc quá khứ lập lòe của mình; thỉnh thoảng tôi đi tìm lại một vài câu thơ đâu đó, mà cũng không dễ gì tìm được, để cho hoài niệm quay lại một thời, trong đó mình đã sống, đã suy nghĩ, ưu phiền, và cả đến những dại dột ngông cuồng của tuổi trẻ. Trong tình trạng mà người cũ lánh xa, vì hiểm nguy rình rập mơ hồ, thì chuyện biển rộng sông dài chỉ có trong tranh, và trong trí nhớ. Lại vẫn điệp khúc hoài niệm bâng quơ.

Tôi không đoán được bạn trẻ yêu thơ ngày nay, nếu tình cờ đọc được bốn câu thơ dưới đây sẽ gợi lên ấn tượng gì. Nhưng người đã sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, mà tình yêu và thù hận là những xung đột, khắc khoải trong lòng, những câu thơ ấy gợi nhớ một thời, hay đúng hơn là một ấn tượng, có thể thoáng qua chốc lát:

Chiều về trên một nhánh sông
Bên tôi con nước đỏ lòng quanh co
Nước loang dưới đáy trời dò
Buồn tôi thánh thót trên lò nhân sinh
(Một Nhánh Sông, Dư Tập, Thủy Mộ Quan)

Đó là một chút hơi thở tàn sinh, như bóng nắng là đà trên mặt nước, không có những trầm mặc thăm thẳm trong lòng đại dương. Một nhúm cỏ xanh nhởn nhơ trên cánh đồng khô cháy. Nhưng ai có thể phê bình nhúm cỏ vô tình? Ấn tượng của một người đọc thơ từ trong hủy diệt bạo tàn của chiến tranh là như thế.

Rồi đất nước hòa bình, dân tộc đang trở mình từ trong khói lửa, để cho hận thù hóa thân thành tình yêu. Và cũng là lúc bắt đầu một thế hệ cầm bút bị khước từ. Vì đã không thể nhận thức tình yêu theo định nghĩa của biện chứng. Trong đó, tình yêu chỉ có thể trưởng thành bằng hận thù và hủy diệt. “Máu của người đem lại tình thương.”

Ngồi trên đỉnh đồi Trại thủy, giữa thành phố Nha trang, nhìn xuống bên dưới, từ trong làng kéo ra một đoàn thiếu nhi Tiểu học, hô vang khẩu hiệu chào mừng cách mạng, đả đảo văn hóa giáo dục phản động, đồi trụy. Tôi biết mình đang bị chối bỏ. Và bị chối bỏ thật. Từ chỗ là thành phần ăn bám, rồi trở thành phần tử nguy hiểm, và được liệt xuống hàng cặn bã xã hội, tạm tha tội chết để được ân huệ khoan hồng sống hết kiếp sống thừa. Lại một lần nữa, những người cũ của tôi theo nhau lần lượt ra đi. Thời chiến tranh, một lớp bạn lên rừng. Thời hòa bình, một lớp bạn xuống biển. Dân tộc chợt quay trở lại với huyền thoại mở nước. Những người con theo Mẹ, đã có lúc khinh ghét anh em mình, bỏ lên rừng. Một thời gian sau, những người con theo Mẹ lên rừng nay quay trở về đô thị. Lại những người anh em khác sợ hãi, vội bỏ trốn theo, tìm về biển:

Vua gặp Âu Cơ lúc thủy du
Cùng nàng rung động nước thiên thu
Duyên tan nàng bắt con về núi
Những đứa theo cha khổ đến giờ
(Thủy Mộ Quan)

Ba chục năm, một nửa theo Cha, một nữa theo Mẹ. Nhưng huyền thoại của nhà thơ này vẫn còn quên một số anh em trở thành côi cút. Cha thì ở đâu không thấy, mà tự thân thì bị ruồng rẫy bởi chính anh em mình ngay trên đất Mẹ. Không Cha, cũng không Mẹ, ta đi tìm dấu tích Trường sơn, “Quê người trên đỉnh Trường sơn. Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu.”(Thơ Tuệ Sỹ).

Tôi không nói đến hận thù. Nhưng một nỗi oan khiên nào đó, khiến cho lời nói của mình như trong cơn mê sảng. Bạn cũ ở quanh đây thôi, vẫn gần như những ngày nào, một thời buồn vui. Có lẽ bạn cũ ngại ngùng, ngại nghe những điều được giả thiết là tôi sẽ nói. Thật sự, tôi chẳng được phép nói gì cả. Vẫn được chỉ định phải đứng bên lề xã hội đang hội nhập văn minh. Còn những bạn khác, hãy gọi là cố nhân, bấy giờ mỗi kẻ một phương trời. Tôi chẳng biết họ đang làm gì, đang nghĩ gì. Mỗi người một phong cách, trong một thế giới mở rộng, đa văn hóa. Tôi nghe nói như vậy.

Dù ở phương này hay phương kia, dù có hay không có hai trận tuyến văn chương cùng chung loại hình ngôn ngữ của Mẹ, vẫn còn hàng vạn nắm xương dưới lòng biển:

Lưu vực điêu tàn ở Biển Đông
Xương bầy như thú cháy rừng hoang
Nhưng rừng không cháy nào đâu thú
Người chết thân chìm Thủy Mộ Quan.
Viên Linh, Thủy mộ quan

Hận thù có thể xóa được dễ dàng thôi, nhưng u uẩn của những hồn oan đáy biển vẫn ám ảnh tâm tư. Người sỗng vẫn mang mãi ân tình của người đã chết, dù trên rừng hay dưới biển, vì oan nghiệt riêng tư hay vì tình chung dân tộc. Xưa Nguyễn Du đã làm “Văn tế thập loại chúng sinh”; không chỉ là món nợ văn chương cho người đã chết, mà đó còn là tình tự thiết tha từ cõi chết vọng về. Tôi đọc bài “Gọi hồn” trong Thủy mộ quan cũng với tâm trạng tương tợ:

Trên Huyết Hải thuyền trồi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương.
(…)
Trong rêu xanh ngân ngật bóng sơn hà
Lướt hải phận về dưới trời cố quốc.
(…)

Bài thơ không mang tiết nhịp gây cảm xúc bàng hoàng tức khắc, nhưng những ấn tượng rải rác trong cả tập Thủy mộ quan làm cho bài thơ phảng phất nỗi kinh sợ, rùng mình:

Trinh nữ trầm oan nổi giữa dòng
Thân băng ngàn hải lý về sông
Xung quanh không một người than khóc
Chỉ cá trùng dương theo hộ tang.

Dù sao thì đất nước cũng đang hồi sinh. Những người ra đi, lần lượt kéo nhau về. Ấy thế, hờn giận giữa anh em vẫn còn là vết thương nhức nhối. Văn chương bây giờ vẫn là một lựa chọn, hoặc một nhân cách. Thi ngôn chí. Thiên cổ văn chương thiên địa tâm. Trong tận đáy sâu tâm khảm, mỗi nhà thơ vẫn chung một tình tự nghìn đời, dù biểu hiện có hận thù cay nghiệt. Tôi mong được như lời Viên Linh nói:

Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
Ngày mai nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.

Tuệ Sỹ
Saigon, đông 2004

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Lặng Lẽ Tình Tôi - Thơ: Phạm Oanh - Nhạc Nguyên Bích - Ca Sĩ: Vũ Khanh


Thơ: Phạm Oanh
Nhạc Nguyên Bích
Ca Sĩ: Vũ Khanh

Xuân Cảm



Xuân về khoe sắc hoa đua nở
Én liệng trời xanh, bướm lượn hoa
Đồi thông ánh nắng mờ sương tỏa
Đàn sẻ chuyền cành rộn tiếng ca.

Hôm nay dậy sớm nhấp ly trà
Vừa uống, vừa nghe nhạc Thúy Nga*
Nhạc Xuân muôn điệu mừng năm mới
“Hạnh Phúc Vui Tươi đến mọi nhà.”

Vui Tết bao năm ở xứ người
Nhưng lòng luôn tưởng nhớ Xuân xưa
Nhớ thời còn trẻ khoe áo mới
Theo Mẹ dâng hương lạy cúng Chùa.

Thiên hạ đón Xuân ba ngày Tết
Bà con, hàng xóm đến mừng vui
Xuân ở quê hương còn lưu luyến
Xuân đến, Xuân đi cũng ngậm ngùi.

Đại Bàng.


Lối Thực Hư

  

Em tri tình buồn…đêm xuyến xao
Quanh đây tĩnh lặng lá hoen màu
Chợt nghe thổn thức lòng cô quạnh
Hỏi cõi trần ai vạn nỗi sầu !

Em vẫn ngọt ngào trong ý thơ
Mây ngàn tóc rối chiếu chăn hờ
Bờ môi khao khát đêm tình tự
Cuồng loạn dâng tràn giữa giấc mơ

Nỗi nhớ quay cuồng quyến rũ hương
Nẻo về đâu ? phải lối Thiên đường ?
Chợt nghe thương quá mùi hương lạ
Một cõi bồng lai mãi vấn vương!

Đêm lắng mơ hồ rượu ngất ngư
Kề môi muốn nói chẳng ngôn từ
Bàn tay thèn thẹn xuân đang dậy
Ta muốn vào xem…Lối Thực Hư?

Mặc Khách

Cô Đơn Lẻ Bóng

  
Thơ & Trình Bày: Minh Lương

Bạch Hoa Mai

  

Hôm nay lễ kính Tết mồng hai 
Rả rích bên song giọt vắn dài 
Như nhắc cháu con trên cõi thế 
Chớ quên tiên tổ dưới tuyền đài 
Với cha thời thích chùm đào đỏ 
Còn ngoại lại ưa cánh bạch mai 
Ôi thật thân thương người quá vãng! 
Hôm nay lễ kính Tết mồng hai. 

Thái Huy 
Feb/11/24

Anh Em Nhà Họ Trần


Thủy và Sơn là hai anh em cách nhau hơn một tuổi và là bạn học cùng lớp với tôi. Thủy làm anh, Sơn em. Tên đầy đủ là Trần Hồng Thủy và Trần Ðại Sơn. Hai anh em nhà họ Trần này tánh tình rất khác biệt và không bao giờ hòa thuận. Sơn và tôi đều nhỏ con như nhau, nên được cô giáo chủ nhiệm xếp cho ngồi bàn đầu với Lan và Ngọc.

Ở trường trung học cơ sở Vĩnh Lương, nơi chúng tôi học, năm đó có năm lớp 6, bốn lớp 7, ba lớp 8, và hai lớp 9. Ban đầu hai lớp 9 trong trường là lớp 9A và 9B. Nhưng học được vài tháng thì một phần tư học sinh nghỉ học và cô giáo chủ nhiệm của lớp 9B nghỉ phép để sinh con nên cả hai lớp gộp chung lại thành một. Chúng tôi gọi là lớp học mới là lớp 9AB.

Lớp học chúng tôi sau khi gộp chung lại có 47 học sinh. Mỗi bàn được chia từ ba đến bốn đứa bao gồm trai và gái xen kẽ lẫn nhau. Lan ngồi đầu bàn, tới Sơn, Ngọc, rồi tới tôi. Ngoài chung bàn trong lớp học ra, nhà Sơn và nhà tôi đều ở trên một con đường. Tôi ở đầu đường còn Sơn cuối đường, trong con hẻm nhỏ gần con sông Cóc.

Tuy Thủy và Sơn là hai anh em ruột, nhưng hai đứa nó sống khác nhà. Nghe Sơn kể lại, hai anh em tách biệt từ khi chúng lên năm lên sáu. Ba của chúng tên Tân là một tài công, người thợ chính làm thuê trên tàu đánh cá, trong thị xã chúng tôi ở. Một lần đi biển, chủ tàu đánh cá và gia đình họ vượt biên nên ông Tân cũng đi theo trên chuyến tàu đó.

Sau khi ba của Thủy và Sơn vượt biển được vài năm, má chúng cũng đi lấy chồng khác. Vì vậy hai anh em tách rời nhau. Thủy sống cùng ông bà nội và chú bác của mình ở xóm Chài, gần biển. Còn Sơn sống với gia đình bên ngoại gồm ông bà ngoại và dì Út, bên xóm sông con Cóc.

Kể từ khi má của Thủy và Sơn lấy chồng khác, rời khỏi thị xã Vĩnh Lương này, hai gia đình nội ngoại chúng cũng không còn nhìn mặt nhau. Cũng từ đó hai anh em cũng kình nhau như nước với lửa.

Thủy ở bên nội. Nhà nội của Thủy làm thuê cho những người chủ tàu đánh cá trên biển. Nhà nội Thủy có đông anh em chú bác, nên cuộc sống của Thủy cơ cực. Ngược lại, nhà ngoại Sơn có vườn trái cây ăn trái và gian hàng buôn bán trái cây, rau củ trên chợ thị xã, nên có đồng ra đồng vào. Vả lại Sơn là cháu trai duy nhất trong nhà nên được ông bà ngoại và dì Út cưng chiều. Ông bà ngoại và dì Út luôn cho tiền Sơn tiêu vặt mỗi ngày, khi đi học.

Trần Hồng Thủy, tên tuy giống con gái, nhưng nó rất đẹp trai. Thủy cao hơn Sơn và tôi. Chúng tôi chỉ đứng tới vai của Thủy. Thủy có làn da nâu, rám nắng, mũi cao, mày rậm. Nó mới mười sáu, nhưng Thủy có thân hình to lớn và hàm râu quai nón để tới cằm nhìn rất phong trần. Thủy có khiếu vẽ và nó vẽ rất đẹp. Ngược lại với Thủy, Trần Ðại Sơn có nước da trắng nõn, cũng khá đẹp, nhưng nét đẹp của nó có phần giống con gái. Sơn nói năng nhỏ nhẹ, dáng đi và tay chân hơi ẻo lả. Nghe bạn bè gần nhà nó kể lại hồi nhỏ nó được dì Út coi như con gái, nên cho nó mặc quần áo con gái. Nó cũng không thích chơi những trò chơi mạnh bạo như con trai trong xóm mà chỉ chơi những trò chơi như nhảy dây, bán đồ hàng, hay ô quan. Sơn cũng có hoa tay giống anh, nó viết chữ rất đẹp và sách vở lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Mỗi lần trong lớp đứa nào nghỉ học đều mượn vở của nó để chép bài. Vào những dịp lễ lộc hay có văn nghệ lớp đều do hai anh em Thủy Sơn vẽ và trang trí và viết chữ.

Ở trong và ngoài lớp học Sơn rất sợ Thủy vì nó luôn bị Thủy đánh đòn. Hễ có việc gì không vừa lòng là Thủy rượt nó để đánh. Trong lớp chúng tôi sau khi gộp lại, bạn bè chia ra làm nhiều nhóm chơi với nhau. Mỗi nhóm chừng mười đứa. Thủy là một thủ lĩnh của một nhóm chuyên gây gổ và đánh lộn với nhóm của Tèo, lớp trưởng. Với thân hình cao to và rắn chắc, Thủy không sợ ai trong lớp.

Hôm đó là thứ Sáu, giờ Sinh Học. Do gia đình cô Hồng có việc đột xuất, nên chúng tôi được thầy giám thị cho về sớm. Sơn rủ chúng tôi về nhà nó chơi và hái ổi ăn.
Nhà ngoại Sơn ở có vườn cây ăn trái bên cạnh con sông Cóc chảy từ quốc lộ số Một ra tới cửa biển Vĩnh Lương. Trên đường từ trường về, nơi ngã ba đường, chúng tôi thấy Thủy bị nhóm của Tèo đè ra đánh. Một nhóm năm sáu đứa đánh Thủy. Thấy vậy chúng tôi cứ tưởng là Sơn sẽ bênh vực anh mình, nhưng không. Sơn thấy anh bị đánh, nó còn la lớn:
- Ðánh nữa đi. Ðánh cho nó chết. Ðánh cho nó chừa.

Sơn vừa hét vừa chạy lại đá vào mông anh mình vài cái rồi bỏ chạy ra xa. Nó vừa chạy vừa cười trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Có lẽ nhóm của Tèo đã đánh Thủy hả hê, nên thấy chúng tôi đi tới họ dừng tay, không đánh nữa. Họ lặng lẽ bỏ đi.
Thủy lồm cồm đứng dậy. Mặt mày nó bầm tím, sưng vù. Ðầu tóc bù xù vì bị nhóm của Tèo đánh. Nó đau. Nhưng nó không nhìn đám của thằng Tèo đang rời khỏi, mà nó đưa mắt căm phẫn nhìn Sơn. Nó chỉ tay về phía Sơn, nghiến răng, nói như thét:
- Cái thằng biến thái kia. Tao mà bắt được mày là bầm mình với ông nhe con.
Sơn nhìn anh nó cười ngặt nghẽo và trêu chọc:
- Mày làm gì được tao. Bắt được tao, tao cho năm ngàn mua thuốc hút. Tao biết mày thèm thuốc... Nè... Nè.... Tới đây lấy tiền nè.

Thủy đứng im, nghiến răng trèo trẹo. Nó cố lê chân tính đuổi theo thằng em trời đánh. Nhưng nó biết sức của nó giờ không thể chạy đuổi theo được. Nó nhìn qua chúng tôi rồi hỏi:
- Tụi bây đi theo thằng biến thái đó hả?
- Ừa... Tụi tao tới nhà ngoại mày hái ổi. Sơn nói nhà ngoại mày nhiều ổi lắm. Mày có đi với tụi tao không?
- Thôi bọn mày đi đi. Tao không đi. Mà tao có muốn cũng không được. Ông bà ngoại tao ghét tao lắm, cả bà dì của tao nữa. Ngoài đó chỉ biết có thằng biến thái đó là cháu thôi.
Thủy chua chát trả lời.
Lan và Ngọc nhìn Thủy ái ngại hỏi:
- Bạn có sao không, Thủy?
- Thủy có sao không?
- Tui không sao. Chuyện nhỏ. Hôm trước tui đánh bạt tai thằng Tèo, nên giờ nó chận đường trả thù. Có vay có trả, ăn thua gì. Chỉ tức cái thằng biến thái kia kìa.

Ba đứa chúng tôi nhìn Thủy. Thấy vậy, nó xua tay nói:
- Tụi bây đi đi. Tui không sao hết.
Nói rồi nó lê đôi chân của mình đi về hướng của tụi thằng Tèo để đi về nhà. Thủy đi rồi, ba đứa chúng tôi mới tới chỗ Sơn đứng. Tôi hỏi nó:
- Sao mày thấy anh bị đánh không binh vực mà còn hùa theo đám thằng Tèo?
- Tại nó thôi. Ai biểu nó đánh tao miết. Nên có dịp tội gì không đá nó vài cú cho bỏ tức.
Nhỏ Lan và nhỏ Ngọc nhìn Sơn lắc đầu rồi cười.

Buổi trưa, cơn gió nhẹ thổi từ bờ sông con Cóc mát rượi. Càng trèo lên cao, gió càng thổi mạnh. Cơn gió thổi lồng lộng mỗi khi tôi vói tay hái những trái ổi xa tầm tay. Cơn gió chui vào tay áo, nhồn nhột. Tôi hái những trái ổi có làn da láng bóng rồi gọi nhỏ Lan và nhỏ Ngọc để hứng lấy. Nhưng tôi ném trái nào, trái nấy đều rớt xuống đất, mặc dầu những trái ổi đã rơi vào tay hai nhỏ. Hai cô nàng cứ la lên bảo tôi ném trúng tay đau quá nên không chụp được. Nghe hai cô nàng nói vậy, tôi không ném xuống nữa mà bỏ vào hai túi quần và túi áo. Khi tôi hái đầy cả hai túi quần và áo, tôi hái thêm vài chùm ngậm vào miệng rồi mới từ từ trèo xuống.
Nhìn những chùm ổi trên tay tôi, nhỏ Lan tặc lưỡi hỏi bạn:
- Ngọc nè... Bà nghĩ ổi này chấm muối ớt ra sao héng?
Thì ngon tuyệt vời ông mặt trời chứ sao.
Nói rồi Ngọc quay qua hỏi Sơn:
- Sơn, vườn nhà bạn có ớt không? Hái mấy trái làm muối ớt ăn cho ngon.
- Có! Tưởng gì chứ ớt nhiều lắm. Chim ăn ỉa mọc tùm lum cạnh bờ sông kìa.

Chúng tôi đi theo Sơn ra gần bờ sông để hái ớt. Những trái ớt Xiêm rừng nhỏ bằng móng tay thơm lừng. Nhỏ Ngọc hái vài trái, nói:
- Mình hái bốn trái chắc đủ rồi. Ớt này cay và thơm lắm.
- Chưa ăn mà nước miếng muốn trào ra rồi.

Bốn đứa chúng tôi vào nhà Sơn để tìm muối làm muối ớt để ăn ổi. Khi đi ngang qua cái giếng nước, chúng tôi thấy cây khế sai trĩu. Ngọc hỏi:
- Sơn, mình hái mấy trái khế được không?
- Ðược. Nhưng khế này chua kinh khủng lắm. Dì tui hái lên chợ bán cho người ta nấu canh chua thôi. Ðố mấy bạn ăn hết một trái.
- Lo gì, nhỏ Ngọc trùm ăn chua đó nha.
Nhỏ Lan chen vào nói.

Ngọc vói tay lên hái một chùm khế rồi cả bốn đứa chúng tôi đi ra bờ sông ăn trái cây. Những trái ổi sẻ giòn rụm chấm muối ớt xanh thơm nồng vừa ăn vừa hít hà thật đã. Ăn vài trái ổi, tôi không ăn thêm được nữa vì quá cay.

Ăn ổi xong, Ngọc lấy trái khế ra, cắn bỏ đầu rồi chấm vào chén muối ớt. Vừa bỏ vào miệng nhai cô nàng rùng mình, nhắm mắt thè lưỡi ra nói:
- Chu cha mẹ ơi nó chua còn hơn giấm.
Thấy vậy, Sơn cười toe, nói:
- Tui nói rồi mà bà không tin.
Ở nhà Sơn chơi gần một giờ, nhỏ Lan nhỏ Ngọc muốn về, nên Sơn đưa chúng tôi ra tới ngõ rồi tạm biệt.
Ba chúng tôi chia tay ở ngã ba đường.

Chúng tôi học hết học kỳ một rồi nghỉ ăn Tết. Tết xong, chúng tôi trở lại trường lớp học và chuẩn bị ôn thi cuối cấp hai. Chúng tôi đứa nào cũng bận rộn học bài và học thêm những môn học cho kỳ thi tốt nghiệp, nhất là môn toán đại số và hình học.

Gần phân nửa lớp chúng tôi đều đi học thêm ở lớp toán ban đêm do một người thầy nghỉ hưu dạy. Lớp học bắt đầu vào 6 giờ chiều và kết thúc 8 giờ tối. Lớp học thêm của chúng tôi nằm cạnh chuồng heo nhà thầy. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe tiếng heo en éc, ụt ịt, khi thấy bóng chúng tôi đi lên bản để chứng minh một phương trình toán học. Nhỏ Thúy, là học sinh giỏi nhất lớp có làm một bài thơ tả về lớp học thêm của chúng tôi như sau:

Lớp em ở cạnh chuồng heo
Mỗi khi lên bảng làm theo phương trình
Con heo nó nằm chình ình
Thấy em đi tới thình lình đòi ăn
Nhìn nó em thấy băn khoăn
Em đang đi học hay chăn heo này
Nhưng em không dám nói thầy
Sợ làm thầy giận tặng đầy phân heo


Ăn Tết xong, chúng tôi thêm một tuổi, những suy nghĩ cũng khác hơn. Thủy không còn rượt đánh Sơn như hồi đầu năm nữa. Tuy thỉnh thoảng Sơn vẫn còn cà khịa anh trai. Sơn không còn gọi anh nó bằng mày xưng tao nữa mà đổi thành ông với tui.

Có lần Thủy thèm thuốc lá, nhưng không có tiền mua thuốc. Thủy gọi Sơn lại, nhỏ nhẹ nói:
- Sơn nè…
- Cái gì? Muốn gì? Tui nghi lắm đa.
- Mày có tiền không, cho anh vài ngàn đi.
- Tui biết mà. Ông thèm thuốc rồi chứ gì.
- Mày biết rồi còn phải hỏi.
- Cho ông cũng được. Nhưng ông để tui tát ông hai cái.
- Thằng này hỗn. Ðòi tát anh mày?
- Ông không chịu thì thôi. Tui không ép ai đâu à nha.
Suy nghĩ một lúc, Thủy đi tới gần Sơn, nghếch mặt lên chờ đợi. Sơn đưa tay lên thẳng tay tát mạnh hai cái vào má anh trai. Tát xong, Sơn rút trong túi ra tờ tiền năm ngàn màu xanh cho anh.
Cho tiền xong, Sơn khoái chí cười. Thủy xoa xoa lên má mình rồi hít hà nói:
- Cái thằng....
Nó kịp ngừng lại hai chữ "biến thái"...

Chúng tôi ngơ ngác nhìn hai anh em nhà nó rồi phì cười. Trên má Thủy hằn lên những vết đỏ rần. Nhưng cũng kể từ đó anh em Thủy Sơn không còn gây gổ nữa.

Võ Phú

Thăm Viếng Canada và New England


Đầu mùa Thu năm nay khi khí hậu mát mẻ, trời se lạnh ban đêm, hoa  cúc nở rộ khắp nơi, nhóm bạn chúng tôi lên đường thăm viếng Canada và New England bằng du thuyền, xem lá vàng. Chuyến đi 9 ngày và khởi hành từ bến cảng Baltimore, Maryland.

Tôi cư ngụ Virginia, cách bến cảng khoang 90 phút lái xe nên rất tiện không phải ngồi máy bay như những lần khác. Tuy nhiên trong nhóm10 người có ba vị cư ngụ tiểu bang khác, hai người ở Florida và một người ở Texas. Những vị này bay đến vùng Hoa Thịnh Đốn trước ngày khởi hành một ngày. Chuyến đi đã mua từ mấy tháng trước và phần lớn là phụ nữ. Trong nhóm chỉ có hai người là nam và 8 bà từ 70 đến 90 tuổi, sẽ thăm Boston, Massachusetts; Portland (Maine), Saint John và Halifax, Canada.

Chúng tôi đi tàu Vision of The Seas của hãng Royal Caribbean. Tàu này nhỏ và cũ, ra đời từ 1998, chỉ có 11 tầng nhưng cũng tiện nghi và chở được 2416 du khách. Thủy thủ đoàn 765 người, dài 279 mét. Tôi đến đến tầng một rộng rãi có bar rượu, phòng khiêu vũ, nhà hàng Á Châu nhưng tài liệu ghi có 10 tầng?

Chúng tôi đến bến cảng làm thủ tục lên tàu rất nhanh có thể vì tàu có nhiều nhân viên thạo việc. Hành lý giao cho người chuyển lên phòng, mỗi người chúng chỉ mang theo túi xách nhỏ hay kéo cái carry on, lên lầu 9 ăn trưa, chưa được vào phòng mình vì họ dọn dẹp chưa xong. Thật là nhóm này đi, nhóm kia đến. Khi ăn trưa xong là phòng đã sạch sẽ sẵn sàng cho người mới đến. Du thuyền rời bến cảng lúc một giờ, nhẹ nhàng êm ru, khi ánh nắng còn chiếu lấp lánh trên mặt biển xanh. Mở cửa ra ngoài boong tàu, có gió và lạnh. Hồ bơi vắng teo không ai tắm, chỉ có mấy nhân viên đi tới đi lui.

Boston, Massachusetts:


Tàu lướt sóng ra khơi suốt một ngày hai đêm và cập bến   Boston, Massachusetts vào 8 giờ sáng cho đến 6g chiều. Du khách muốn lên bờ viếng cảnh tự túc hay theo tua du thuyền tùy ý nhưng phải ghi danh trước. Có nhiều tua, dài mấy tiếng hay ngắn độ hơn tiếng cũng có. Ngoài ra còn có loại xe bus, lên xuống trạm nào cũng được, chụp ảnh hay đi bộ mỏi chân chỉ đến trạm xe chờ xe đến rồi lên (hop on hop off bus), không phải trả thêm tiền vé. Cách đây vài năm nhóm thân hữu và chúng tôi trên 40 người đã viếng Boston rồi, đi bằng đường bộ, ghé thăm trường Đại học nổi tiếng Harvard ở

Boston, đến nhà nguyện, phòng ăn, thư viện Harvard… Ngôi trường rộng lớn nơi cựu Tổng Thống Obama và cựu Phó Tổng Thống Al Gore từng học. Lần này xe bus chạy ngang qua, không ai rời xe bus xuống thăm trường.
Boston thành phố đẹp, lớn nhất vùng New England có khoảng hơn 4 triệu dân với nhiều cao ốc, công viên xinh xắn, có sông dài, tàu thuyền tấp nập dưới bến. Nhà thờ, bảo tàng viện… đều xưa nhưng còn chắc chắn. Boston có trên 100 học viện và viện Đại học với nhiều môn học khác nhau
Tàu rời bến 6 giờ chiều nhưng 5 giờ tất cả hành khách đều phải trở về du thuyền

Portland, Maine:

Tàu chạy suốt đêm và cập bến cảng Portland, Maine sáng ngày hôm sau. Du khách được lên bờ từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Du khách nếu không mua tua với du thuyền có thể đi tự túc. Ra khỏi cầu cảng lên bờ có cái information house lớn với nhiều quầy bán vé thăm viếng các nơi. Các tài xế Taxi quanh quẩn nơi đó đón khách viếng cảnh hay vào thị trấn mua sắm. Xe bus hop on-hop off đậu bên kia đường, chiếc này đi, chiếc kia đến. Chiếc xe lửa dài ngoằn vừa thả khách xuống. Chúng tôi đến trạm bán vé xe lửa mua vé. Nơi đây cũng là nơi bán quà lưu niệm và có nhiều tài liệu nói về Maine. Chúng tôi mua vé xe lửa đi dọc theo bờ biển khoảng gần hai tiếng là trở về bến cũ, thấy một bên đường là rừng rậm núi non, phía đối diện là sông nước và tàu thuyền. Có nơi cho thuê tàu nhỏ đi trên sông, nhiều lắm. Con đường gần bến cảng có nhiều cao ốc, tiệm bán quà lưu niệm, tiệm ăn… Tiêm bán tôm hùm cũng là tòa nhà mấy tầng lầu. Nhà hàng ở tầng một. Một vị trong đoàn cho biết thiên hạ sắp hàng thưởng thức tôm hùm dài ngoằn. Hỏi người tiếp tân phải chờ bao lâu thì được trả lời khoảng một tiếng. Thế mà vẫn có người đứng chờ.

Cây lá nơi đây còn xanh,chỉ lác đác vài cây có lá vàng mà thôi. Du thuyền rời bến cảng êm ru lúc 5 giờ chiều. SAINT JOHN (Bay of Fundy):

Du thuyền ra khơi chạy suốt đêm và cập bến Saint John, Canada (Bay of Fundy) vào 9 giờ sáng. Du thuyền đậu nơi đây cho đến 3 giờ chiều ngày hôm sau. Saint John là thành phố cổ, hải cảng lớn thứ 3 Canada? Theo tờ quảng cáo Saint John, Canada có nhiều nơi thăm viếng: thác nước, công viên, sở thú, chợ ở thị trấn cũng to (city market). Ở St John Park & Garden có thú rừng và trên 250 loại chim khác nhau. Mùa hè có thể chèo thuyền, mùa Đông trượt tuyết… Chi em chúng tôi không đi xa. Ra  khỏi cầu cảng đã thấy nơi bán hàng hóa, đồ lưu niệm nhiều lắm: khăn quàng, áo len (laine), mỹ phẩm, ví to nhỏ, loại thông dụng và loại mắc tiền, rượu, bánh kẹo, các sản phẩm đặc biệt của

Canada. Phố lầu trên các đường gần bến cảng toàn bằng gạch, chắc chắn và đẹp, trông trù phú, giàu có như các thị trấn ở Hoa kỳ. Nhà hàng, tiệm ăn dọc theo con đường…

Halifax, Nova Scotia: 


Du thuyền rời bến cảng Saint John lúc 15 giờ và cập bến cảng Halifax, Nova Scotia vào 10 giờ sáng hôm sau. Chúng tôi thuê một xe van chở 7 người thăm Halifax. Ba người khác không đi, ở nhà đọc sách. Từ bến cảng đến Hải đăng Halifax khoảng hơn 1 tiếng lái xe. Trên đường đi có khi hai bên đường là đồng cỏ, có khi là rừng cây nhưng lá cây vẫn còn xanh, thỉnh thoảng mới có cây lá hơi ửng vàng. Thiên hạ đến trước chúng tôi khá đông vì ngoài du thuyền chúng tôi đi còn có vài du thuyền khác to và mới hơn đậu ở bến cảng. Từ bãi đậu xe nhìn ra hải đăng thấy những tảng đá thật to, hình thù khác nhau, nhẵn thín rất đẹp, chồng chất lên nhau hay nằm rải rác bên đường.

Chúng tôi chỉ đứng ngắm và chụp ảnh. Những người trẻ tuổi rủ nhau đi đến tận hải đăng, leo lên những hòn đá cheo leo. Gần bãi đậu xe có mấy cửa tiệm bán quà lưu niệm, post card, nước giải khát, thức ăn… cũng đông khách. Gió lạnh dù ai cũng mặc áo khoác. Trên đường trở về du thuyền, bác tài ghé thêm mấy nơi cho chúng tôi chụp ảnh. Chú cho biết ai muốn đến thương xá mua sắm chú sẽ đưa đi nhưng phải đi xe khác về du thuyền vì chú không thể chờ các chị em la cà ở thương xá. Chúng tôi đồng ý về du thuyền vì ngay bến cảng cũng có nơi bán các quà lưu niệm của Halifax, những cái cup uống nước, khăn quàng, áo ấm có in hàng chữ Halifax, Canada…

Ngày hôm ấy 19 giờ tàu rời bến ra khơi trở về bên cảng Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ. Những ngày lênh đênh trên biển, du thuyền có nhưng sinh hoạt khác: xem chiếu phim, đố vui, chơi bingo, sòng bài, các gift shop mở cửa cho quý du khách tiêu tiền, học khiêu vũ, làm sushi, trang hoàng bánh Sinh Nhật …

Trong 9 ngày trên du thuyền có hai ngày ăn mặc đẹp. Quý bà quý cô lộng lẫy thướt tha trong những chiếc áo, giày đẹp, quý ông mặc đồ lớn, cà vạt tử tế. Các nhiếp ảnh gia đến phòng ăn mời chụp ảnh cá nhân hay chụp chung cả bàn, ít nhất họ cũng chụp được vài kiểu dù ai cũng có cell phone có thể chụp kiểu này kiểu nọ nhưng

không bằng những người chuyên nghiệp có máy ảnh tốt. Ngoài ra có ngày mọi người mặc toàn trắng nhưng ai không mang theo y phục trắng cũng chẳng sao. Những ngày mặc đẹp trên đường đến phòng ăn hay phòng sinh hoạt các nhiếp ảnh gia bày phong cảnh có tên chiếc tàu hay cảnh đẹp nào đó để mời khách chụp ảnh gia đình hay cá nhân.

Những người chờ chụp ảnh sắp thành một hàng dài, người lớn và trẻ em. Chụp hôm trước, hôm sau có ảnh bày trong phòng ảnh. Ai thích thì lấy, 25$/một tấm, còn không thích thì cho vào… thùng rác bên cạnh. Trong chuyến đi này tôi bất ngờ gặp nhóm thân hữu Việt Nam, những vị cùng đi thăm Canada, Quebec cách đây vài năm. Thật là vui mừng vì bất ngờ. Như thế trên du thuyền có 20 du khách Việt Nam vì nhóm kia cũng 10 người.

Theo người viết chuyến đi tuy ngắn ngày nhưng   vui vì cơ hội chuyện trò, gặp gỡ nhau hằng ngày. Khi về nhà tuy cùng địa phương nhưng ai cũng bận rộn công việc nọ kia ít khi gặp gỡ nhau, nói chi các chi em ở tiểu bang khác. Vả lại người nào cũng có tuổi nên việc đi lại không dễ dàng như lúc trẻ, phải nhờ con hay bạn đưa đi phiền phức. Một vị trong đoàn tặng cả hai nhóm bài thơ vui:


Đi Du Thuyền Mùa Thu 2023  

Xuân đến người ta du Xuân
Thu đến chúng ta đi du thuyền
Chuyến này nam thiểu, nữ đa
Đoàn ta toàn người tuổi cao
Nhưng trông vui vẻ như còn trẻ trung
Ăn uống đã có nhà hàng
Sức khỏe có người lo
Bác sĩ dược sĩ ngay bên cạnh
Văn thi nhạc sĩ đều có mặt
Thời tiết tuy có hơi ngặt
Áo ấm khoác lên lo sợ gì
Các chị tha hồ chưng chưng diện diện
Màu sắc đỏ xanh ta xài luôn cho tiện
Chuyến ni họp mặt chín ngày
Hãy vui, chung ta cùng vui vẻ với nhau
Chuyện trò thân mật, quên hết buồn phiền
Ngày vui qua mau, bóng câu qua cửa sổ
Ngày mai biết đâu trong số quý vị
Có kẻ theo trời bỏ cuộc vui…
(Túy Hiệp)

Người viết xin cầu chúc quý thân hữu trong chuyến đi và gia đình dồi dào sức khỏe, vạn sư an lành, nhiều niềm vui, hạnh phúc. Cũng xin cám ơn anh chị Hiệp là người rủ rê và cám ơn con trai đã chịu khó đưa mẹ đi du thuyền dù cháu là người trẻ tuổi nhất trong nhóm, chỉ ở trên tàu đọc sách khi các Bác và Mẹ lên bờ du ngoạn.

Cũng xin cám ơn nhà nước Hoa Kỳ tạo điều kiện dễ dàng cho đồng bào Việt Nam, những người xa quê hương có cơ hội học hành, ổn định đời sống, ấm no, thoải mái nơi đất khách. Xin ơn trên ban phước lành cho người Việt Nam ở quê nhà như hải ngoại được mọi sự tốt lành, như ý…

Xin có bài thơ tặng quý độc giả:

Mùa Thu Xem Lá Vàng Canada ** 

Tháng chín rủ nhau xem lá vàng 
Ngỡ rằng xứ lạnh lúc Thu sang 
Lá xanh sẽ đổi vàng, cam, đỏ
Nào hay màu lá vẫn chưa thay 
Du thuyền lướt sóng thật êm rơ 
Bạn bè gặp gỡ là tình cờ
Vui mừng trò chuyện vui như 
Tết Phúc lộc tràn đầy thỏa ước mơ

Ngọc Hạnh

Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Nếu Như - Thơ: PhamPhanLang - Nhạc: Mai Hoài Thu - Ca Sĩ: Vân Khánh


Thơ: PhamPhanLang
Nhạc: Mai Hoài Thu
Ca Sĩ: Vân Khánh

Lắng


Này lắng mà nghe nhịp trái tim
Không gian tĩnh lặng rất im lìm
Hương người có phải len trong gió
Đừng loạn này tim hãy ngủ yên 


Kim Phượng

Sách Quý

 

Cuốn sách quý thơm lừng mùi giấy cũ
Trải tâm tư tác giả tựa hương hoa
Truyền nỗi niềm rung cảm rất sâu xa
Từng dòng chữ mượt mà bao mỹ ý.

Những tinh túy từng lao tâm, khổ trí
Tôi mân mê, nghe gần gũi lạ kỳ
Tưởng như ai đang dẫn dắt mình đi
Theo những áng văn chương người, tuyệt tác!

Ý Nga, 
3-2-2011


Tâm Sự Của Sách!

 

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Huynh Trưởng Nguyễn Phụng và Đồng Môn Nguyễn Văn Sáu đã chuyển đến một bài viết hay, “Sách” của Nhà Văn Ngô Nhân Dụng.
Kính mời Quý Thi Hữu họa lại bài Hát Nói này.)

Trong ngôn ngữ Việt, tôi là “Sách”!
Tôi ra đời từ khi loài người đã “văn minh”, đã biết cách “viết lại” tâm tư!
Đã phát triển “ngôn ngữ”, truyền đạt những tài liệu, lịch sử, diễn từ!
Và nhất là từ khi phát minh ra giấy, máy in! Những “chân sư” đích thực!

Mặc Khách tôn sùng qua giấy mực!
Văn Nhân kính trọng tới từ chương!
Có những thời tôi bị đốt, bị chôn cùng với các “học trò” tay trắng, cùng đường!
Có những thời tôi được quý trọng, nâng niu! Tư cách đường đường, siêu việt!

Tôi vốn bên trong gồm đủ, nhưng bên ngoài đơn sơ! Không cần ai biết!
Tôi chứa cả gia tài kiến thức, tinh hoa tột bực, minh triết, túi khôn!
Thương biết bao những tác giả bỏ cả đời, mồ hôi, nước mắt, tâm hồn!
Mới hoàn thành được một “Cuốn Sách”! Như vượt “Vũ Môn” thành “rồng” bay lượn!

Những gì của Xê Za hãy trả lại cho Xê Za! Tôi không muốn ai “vay mượn”!
Tôi muốn “mình là mình” dù chỉ được “vài mươi trang”!
Nhưng đừng “coi thường” tôi! Bí Kíp Võ Công thường không viết “tràng giang”!
Chỉ cô đọng lại rất ngắn gọn như “Cửu Âm Chân Kinh” đủ làm bàng hoàng, sửng sốt!

Bản chất của tôi, Sách, luôn luôn là “Người Tốt”!
Tôi căm hờn những Kẻ Xấu lợi dụng tôi, thui chột tôi, tha hóa tôi thê thảm, hận sầu!
Tôi có đời sống dài lâu!

“Tuổi” tôi? “Bành Tổ” dám đâu so bì!
Hàng “trăm năm”! Đã có gì!
Muôn, ngàn, triệu kỷ bước đi trùng trùng!
Sách tôi lặng lẽ, ung dung!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 28/01/2024
18 Tháng Chạp âm Lịch Năm Quý Mão, Ngày Tân Mão. Hành Mộc, Trực Mãn, Sao Mão. Cát Thần: Nguyệt ân, Dân Nhật, Phúc Đức.

Rồng Long Thìn


Trong 12 địa chi, người Hoa và người Việt hơi khác nhau.
Tý của mình, Tầu gọi là Thử, Sửu là Ngưu, Tỵ là Xà… Tầu không có Mão, con mèo, mà có Thố là con Thỏ. Cũng tương tự như vậy, chi thứ 5, Long, là Rồng, mình gọi là Thìn, vì Thìn là một loại rồng, và là thần sấm.

Năm nay là năm Thìn nên nói chuyện Rồng.

RỒNG TÂY PHƯƠNG VÀ ĐÔNG PHƯƠNG. 

Rồng là một con vật trong huyền thoại, chưa ai thấy và chẳng ai biết con rồng ra sao, nên mỗi xứ, mỗi nước vẽ con rồng theo trí tưởng tượng của họ. Rồng Tây Phương có 10 loại, theo thần thoại Hy Lạp: Typhon, Ladon, Hydre de Lerne, Python, Drag on de Colchide, Dragon Isménien, Dracaena Scythe, Chimère, Monstre Marin d’Ethiopie, Monstre Marin de Troie.

Nổi tiếng nhất trong các con rồng này là Hydre de Lerne, sống ở đầm lầy Lerne, có 9 đầu, bị chặt lại mọc ra, hơi thở, móng vuốt và máu của nó đều rất độc. Việc giết được con rồng này là một trong 12 chiến tích của Hercule. Tên Hydre được dùng để đặt tên cho một chòm sao.

Một con rồng khác cũng nổi tiếng là Draco, có cánh, có chân, vẩy cứng, đuôi dài, phun lửa được. Người ta cũng dùng Draco để đặt tên cho một chòm sao.

Nói chung, rồng Tây phương đều dữ dằn, hung ác, giết hại dân lành, bị mọi người thù ghét. Rồng Đông Phương, trái lại, là một trong 4 linh vật, “Long, Lân, Quy, Phượng“ được dân chúng thờ phụng, tôn kính, được tạc tượng ở cung vua, đình, chùa, lăng miếu.

Ở Trung Hoa, còn hai loại giống như rồng gọi là giao và cù.
Rồng ở Việt Nam, Nhật Bản, Cao Ly cũng khác biệt đôi chút với rồng Trung Hoa.
Rồng tôn quý tới nỗi mấy ông vua Tầu và Việt coi mình như rồng: áo là Long Bào, thêu 9 con rồng, giường là Long Sàng, thân mình là Long Thể, mặt là Long Nhan.

HUYỀN THOẠI VỀ RỒNG CỦA TRUNG HOA. 


Từ thời thượng cổ của Tầu, các nhà Hạ, Thương, Chu, Hán… tôi nhớ vài huyền thoại, hoặc tôi không biết, như việc vua Vũ nhà Hạ đang đi thu yền trên sông thì có con rồng vàng đội thuyền lên. Cũng ông vua Vũ này, khi đi trị thủy, thấy ở thượng lưu sông Hoàng Hà, có một mỏm đá hình cánh cửa, liền làm cho rộng ra, và người ta gọi chỗ đó là Vũ Môn (Cửa vua Vũ). Tục truyền rằng, vào tháng 3 hàng năm, lũ cá chép tới đây thi nhầy, con nào vượt qua được Vũ Môn thì hóa rồng. Nước chỗ này chảy rất mạnh, vượt Vũ Môn rất khó, nên bên mình ví như thi đậu ngày xưa (một phen cá vượt Vũ Môn).

Đời nhà Chu, Tần Mục Công có cô con gái tên Lộng Ngọc, rất đẹp và thích thổi tiêu. Ban đêm, nàng thường nghe tiếng tiêu rất du dương từ xa vọng tới và sinh bệnh tương tư. Mục Công biết chuyện, liền sai người đi tìm, thì gặp được Tiêu Sử, vốn là tiên, bị đầy xuống núi Hoa Sơn. Mục Công cho hai người kết hôn.

Một hôm, hai vợ chồng cùng thổi sáo, thì có rồng và phượng tới đậu trước sân.
Tiêu Sử cưỡi rồng, Lộng Ngọc cưỡi phượng, cùng bay lên trời.
Đó là tích Thừa Long giai tế. Thừa long là cưỡi rồng.
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng tích này trong câu” phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”
Về sau, khi truyện và truyền kỳ thịnh hành, chúng ta mới có nhiều huyền thoại về rồng, và lạ lùng là toàn xẩy ra vào đời Đường. Theo huyền thoại thì vũ trụ có 4 tầng khác nhau:
- Trên thượng giới có Ngọc Hoàng Thượng Đế, các Tiên, Phật.
- Hạ giới có Hoàng Đế, quan, dân…
- Âm phủ có Diêm Vương, ma, quỷ.
- Những chỗ có nước như biển, sông ngòi, hồ, ao, giếng nước là thế giới của RỒNG.

Theo Tây Du Ký thì có 4 biển (tứ hải), được trị vì bởi 4 vua rồng là Đông Hải Long Vương Ngao Quảng, Nam Hải Long Vương Ngao Khâm, Tây Hải Long Vương Ngao Nhuận, Bắc Hải Long Vương Ngao Thuận. Bốn Long Vương này ở Long cung, cai quản các loài thủy tộc, nhưng vẫn dưới quyền Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tam thái tử của Tây Hải Long Vương, tên Quảng Tấn, lấy Vạn Thánh Công Chúa, được Ngọc Hoàng ban cho một viên ngọc quý làm quà cưới. Ngờ đâu, bà vợ lại ngoại tình với Cửu Đầu Trùng, nên thái tử tức giận, đập vỡ viên ngọc. Đáng lẽ bị tội chết vì phạm thượng, nhưng Quan Âm xin Ngọc Hoàng tha, nhưng bị biến thành con ngựa có tên là Bạch Long Mã cho Tam Tạng cưỡi, và phụ giúp Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng đưa ông này đi thỉnh kinh Phật ở nước Thiên Trúc.

Trong Tiết Nhân Quý Chinh Đông, cũng có truyện hoang đường về một con Rồng Xanh. Khi Đường Thái Tông đem quân đi đánh Cao Ly, Tiết Nhân Quý chỉ là người nấu bếp, tức hỏa đầu quân. Khi động đất, có một hang xâu lộ ra, Quý xung phong xuống do thám, thấy như lạc vào bồng lai tiên cảnh, lại nghe tiếng kêu cứu, bèn lại coi thì thấy một con rồng xanh bị trói vào núi đá bằng 9 sợi dây sắt. Quý thả ra, con rồng liền bay về hướng đông bắc. Sau đó, Quý được Cửu Thiên Huyền Nữ gọi vào mà phán rằng:

“Ngươi thả con Thanh Long, là con rồng dữ, chuyên gây rối loạn, là tướng tinh của nguyên soái Cáp Tô Văn, xứ Cao Ly. Hắn có tài, sức mạnh trùm đời, sẽ làm ngươi khốn khổ. Vậy để giúp ngươi lập công, ta ban cho mãnh lực và 5 bảo bối là Bạch Hổ Tiên (roi), Thuỷ Hỏa Bào (áo chống nước và lửa), Chấn Thiên Cung với 5 mũi Xuyên Vân Tiễn (cung và tên) cùng cuốn Vô Tự Thiên Thư. Sách này không có chữ, khi nào gặp nguy hiểm hay việc nan giải thì ngươi khấn vái, chữ sẽ hiện ra để giúp đỡ. Quả nhiên, sau 3 năm, sau bao nhiêu vào sinh ra tử, Quý mới nhờ Vô Tự Thiên Thư chỉ cách lập trận Long Môn mà giết Cáp Tô Văn, và chinh phục được Cao Ly.

HUYỀN THOẠI VỀ RỒNG CỦA VIỆT NAM. 
#Theo tục truyền thì Đế Minh, cháu 3 đời vua Thần Nông, đi tuần du phương Nam, gặp và lấy một nàng tiên, sinh ra Lộc Tục. Đế Minh cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ, vào khoảng năm 2879 trước Công Nguyên.

Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là LONG NỮ, đẻ ra Sùng Lãm.

Sùng Lãm, khi lên ngôi, xưng là Lạc Long Quân, lấy bà Âu Cơ, đẻ ra 100 trứng, nở ra 100 người con trai. Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là dòng dõi Long Quân, nàng là dòng dõi Thần Tiên, ăn ở lâu với nhau không được, vậy nàng đưa 50 đứa con lên núi, ta đem 50 đứa xuống bể Nam Hải.

Vì vậy, người Việt mình thường tự hào là con Rồng, cháu Tiên.

Lạc Long Quân Sùng Lãm phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương thứ nhất, đóng đô ở Phong Châu. Văn Lang chính là nước Việt Nam, nhưng ngày đó chỉ tới phía nam Quảng Trị.

Theo Trần Trọng Kim thì Sùng Lãm vốn họ Hồng Bàng, các con cháu làm vua đều là Hùng Vương, được 18 đời, chấm dứt vào năm 258 trước Công Nguyên.

Nếu tính từ Kinh Dương Vương, thì họ Hồng Bàng làm vua được 20 đời (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, và 18 vua Hùng ) cả thẩy là 2621 năm, từ 2879 tới 258 TCN, thì mỗi người trị vì khoảng 131 năm, rõ ràng là không hợp lý. Có lần, học giả Nguyễn Bá Triệu đã nói, thay vì 18 vua Hùng, mà là 81 vua thì mỗi người trị vì 32 năm thì có vẻ hợp lý hơn.

Cách đây mấy chục năm, khi viết bài cho một tờ báo, cũng nói về con rồng cháu tiên, nhân truyện
Lạc Long Quân chia tay và chia con với bà Âu Cơ, tôi viết như sau đây: người Việt Nam, nếu có ly thân ly dị lia chia thì cũng là theo gương của tổ tiên mình mà thôi, đâu có gì đáng chê trách. May là hồi đó, con người còn hiền lành, chân chất, lương thiện, nên Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay rất êm đẹp. Phải như bây giờ, xã hội quá văn minh, có nhiều luật sư làm thầy cò thì Âu Cơ đã đem cả trăm con lên núi, và Lạc Long Quân một mình xuống biển, hùng hục “lao động vinh quang“ để kiếm tiền cấp dưỡng.

Họ đăng bài của tôi, nhưng đoạn trên bị kiểm duyệt vì sợ đụng chạm.

# Còn một huyền thoại nữa liên quan tới rồng, là tích Lý Thái Tổ: Mùa thu năm 1010, trong khi rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, nhà vua thấy có con rồng vàng bay lên trời, cho là điềm lành nên đổi tên thành là Thăng Long.

NHỮNG ĐỊA DANH, CA DAO CÓ RỒNG VÀ LONG.


Người Việt mình có vẻ rất thích Rồng và Long nên dùng 2 chữ này để đặt tên cho rất nhiều thứ, như tên thành phố, tên tỉnh, tên sông, tên đảo… Khi viết bài, tôi nhớ đâu thì ghi đó, chắc còn nhiều thiếu sót, mong quý độc giả lượng thứ.

Nếu tính từ Bắc vào Nam, ta có:

Kinh đô Thăng Long, ở đó có cầu Long Biên, bắc ngang sông Hồng Hà, do người Pháp xây từ 1899, hoàn tất năm 1903. Trong truyện Hồn Bướm Mơ Tiên, nhân vật chính là Lan, tu ở chùa Long Giáng, nơi xẩy ra mối tình thơ mộng giữa Lan và Ngọc.

Ở ngoài biển, vịnh Hạ Long là nơi phong cảnh rất đẹp, đã thu hút rất nhiều du khách.
Trong rặng Hoàng Liên Sơn, có một ngọn tên là núi Hàm Rồng, trông xa giống như hàm con rồng. Ở Thanh Hoá, có cầu Hàm Rồng, bắc qua sông Mã, do Pháp xây năm 1904.

Ngoài Trung, tôi không nghĩ ra chỗ nào có long và rồng, nhưng trong Nam thì nhiều vô kể. Bến Nhà Rồng là một thương cảng sầm uất của Sàigon ngày xưa.

Long Hải là một thị trấn thuộc quận Long Điền, Vũng Tầu.
Long Bình là kho đạn của mình ngày xưa. Có rất nhiều tỉnh mang chữ long, như Vĩnh Long, Long An, Long Xuyên…

Nhiều quận cũng vậy, như Long Hồ, Long Mỹ…. Trên dòng Tiền Giang mênh mông, có 4 hòn đảo do phù sa bồi đắp, mình gọi là cù lao hay cồn, và lấy 4 con vật trong tứ linh để đặt tên: Long, Lân, Quy, Phụng, trong đó có 2 rất nổi tiếng ngày xưa là cù lao Phụng, nơi cư ngụ của ông Đạo Dừa, tức kỹ sư Nguyễn Thành Nam, và CÙ LAO RỒNG. Cù lao này cũng thuộc tỉnh Mỹ Tho, ngày xưa là nơi để cho những người bị bệnh cùi sinh sống, và do ty Y Tế Mỹ Tho lo việc điều trị, cho tới sau đệ nhị thế chiến, các bệnh nhân mới được rời đi nơi khác.

Nhưng nổi tiếng nhất và ai cũng biết, đó là sông Cửu Long. Sông này là một trong những sông lớn nhất thế giới, phát nguyên từ Tây Tạng, dài 4350 km, chạy qua rất nhiều nước. Khi tới Nam Vang, sông chia thành hai nhánh lớn là Tiền Giang và Hậu Giang. Hai nhánh này lại chia thành 9 nhánh nhỏ, đổ ra biển tại 9 cửa là Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc, và Trần Đề. Vì có 9 cửa đổ ra biển nên sông mới được đặt tên là Cửu Long, nhưng hiện giờ chỉ còn 7 cửa: cửa Ba Thắc đã bị lấp từ thập niên 60, chỉ còn 2 rạch nhỏ là Cồn Cộc và Cồn Tròn; cửa Ba Lai thì bị đắp đập ngăn chặn.

Những ca dao liên quan tới long và rồng của mình chắc cũng nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ câu sau đây:

Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai,
Sông kia sao cứ chảy hoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây.

Hồi năm 1975, một thân một mình lưu lạc tới Montreal, xứ lạ quê người, câu ca dao đã nói lên đúng tâm trạng của người viết, và nghe lòng bồi hồi cảm động. Ở đây không có dòng Tiền Giang, nhưng có sông Saint Laurent mênh mông không kém, chỉ thiếu những ghe thuyền qua lại, và đám lục bình hoa tím bềnh bồng…

RỒNG VÀ LONG TRONG TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG.

Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã làm say mê bao nhiêu triệu độc giả.

&- Trong Anh Hùng Xạ Điêu, tác giả viết về Giáng Long Thập Bát Chưởng.

Đó là một trong 2 tuyệt kỹ của bang chủ Cái Bang đời thứ 18 là Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công. Pho chưởng này có 18 chiêu, tôi không viết ra đây vì quá dài và rắc rối, chỉ ghi những chiêu được nhắc nhiều lần như Phi Long Tại Thiên, Kiến Long Tại Điền, Kháng Long Hữu Hối, Thần Long Bài Vĩ… Hồng Thất Công truyền thụ pho chưởng này cho đồ đệ là Quách Tĩnh, sau này góp công trong việc trấn thủ thành Tương Dương của nhà Tống chống lại Mông Cổ.

&- Ỷ Thiên Đồ Long Ký, là bộ truyện rất hấp dẫn, xoay quanh thanh đao Đồ Long và thanh kiếm Ỷ Thiên, trong ruột cất giấu bộ Vũ Mục Di Thư của Nhạc Phi và bí kíp võ công Cửu Âm Chân Kinh. Vai chính là Trương Vô Kỵ.

&- Thần Điêu Đại Hiệp, với nhân vật chính là Tiểu Long Nữ: nàng mồ côi, được trưởng môn phái Cổ Mộ đem về nuôi, nhận làm đệ tử. Nàng đẹp như tiên nữ, thanh khiết, ngây thơ, chỉ ở trong cổ mộ, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chỉ mặc đồ trắng. Tên nàng do sư phụ đặt. Khi sư phụ qua đời, nàng vẫn sống cô đơn như vậy với bà người hầu, cho đến khi Dương Quá lạc vào cổ mộ. Theo lời trăn trối của bà này, Tiểu Long Nữ nhận Quá làm đồ đệ, dậy võ công. Không ngờ, thầy trò nẩy sinh tình cảm, và bị mọi người chê trách. Sau bao nhiêu gian lao, đau khổ, hai người cũng nên duyên phu phụ.

&- Thiên Long Bát Bộ: một tiểu thuyết dựa theo kinh Phật Đại Thừa, là 8 loài hữu tình, trước hung ác, sau được Phật chuyển hóa thành thần vật hộ trì Phật Pháp.

Nếu kể cả 8 bộ thì quá dài dòng, đôi khi khó hiểu, tôi chỉ nói tới 2 bộ mà thôi:

THIÊN là 12 thiên thần, tượng trưng cho 8 hướng và 4 tinh thể của vũ trụ là mặt trời, mặt trăng, bầu trời và mặt đất. Nhân vật chính trong truyện là Kiều Phong, hay Tiêu Phong, tượng trưng cho Thiên.

LONG là rồng, cuốn thành tàn che cho đức Phật. Đoàn Dự tượng trưng cho Long.

TRUYỆN BA HOA CÓ LIÊN QUAN TỚI RỒNG VÀ LONG.

Air VietNam Logo

&- AIR VIỆT NAM. Trước 1975, Air Việt Nam là một hãng hàng không có uy tín ở vùng Đông Nam Á Châu: phi cơ tối tân, phi công đầy kinh nghiệm, các nữ tiếp viên đều xinh đẹp, tới nỗi, có người đã kết

duyên với Thủ Tướng, sau thành Phó Tổng Thống VNCH. Huy hiệu của hãng là hình một con Rồng rất đẹp, nhưng mấy ông nhà báo thì nhất định gọi là hãng hàng không con rồng lộn.

&- LỠM CÔ NGỌC HỒ. Ngọc Hồ là một gái làng chơi rất nổi tiếng ở Hà Nội vào thập niên 1930. Ông Tú Mỡ có làm 2 bài thơ, đăng báo, để trêu chọc cô, chê trách cô và cả những người đi với cô để mua vui. Đăng hết thì hơi dài, tôi chỉ trích 2 câu quan trọng nhất, có tên cô, và tác giả đã dùng cách nói lái, nhưng đối rất chỉnh làm mọi người vừa tức cười, vừa thán phục:

Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn,
Ngọc vỡ thương tình kẻ cố đeo.

&- SONG LONG TRIỀU NGUYỆT. Chắc mọi người đều biết, Từ Hy Thái Hậu là người đàn bà quyền lực nghiêng trời vào cuối nhà Thanh. Thiên hạ cho rằng bà rất đẹp, có quý tướng, nhưng nhìn hình thì thấy cũng vậy vậy, không biết quý tướng ở chỗ nào. Theo Vũ Tài Lục, bà có quý tướng ẩn, không lộ ra ngoài: bộ phận sinh dục của bà có rất nhiều lông, trong đó có 2 sợi dài, khi kéo ra thì tới đầu gối, buông ra là chúng cuộn lại, trở về chỗ cũ. Đó là tướng song long triều nguyệt, đại quý, nhờ nó mà nên sự nghiệp.

&- LONG DIÊN HƯƠNG. Để kết thúc bài này, tôi xin kể một truyện ly kỳ trong cuốn Nam Hải Truyền Kỳ của Hư Chu Nguyễn Kỳ Thụy, xuất bản năm 1952:

Đời vua Lê Thần Tông, cai bạ ở thừa ty, trấn Kinh Bắc là Dương văn Văn. Văn ít giao du, rất kín tiếng, chỉ có vài người bạn. Một lần, người bạn đồng học họ Phùng đến chơi, ở lại, đêm không ngủ được, ra thư phòng tìm sách thì vô tình đọc được cuốn gia phả của họ Dương, kể về ông tổ 4 đời của Văn là Dương Hòa Hạ.

Hạ quê ở làng Nam Xuân, huyện Đông Ngạn, sinh đúng vào năm thìn, tháng thìn, ngày thìn, và giờ thìn, được thầy số, xem tử vi, khen rằng mai sau sẽ gặp chuyện phi thường.

Nhà Hạ không giầu, chỉ đủ tiền nuôi con ăn học, nhưng lười, nên Hạ chữ nghĩa lam nham, trái lại, tửu lượng rất khá, lại hào phóng, bất cứ thân, lạ, sang, hèn đều đãi như bạn thiết, và thường cầm cố áo khăn để tiêu dùng.

Năm 20 tuổi, cha mẹ đều mất, tiền bạc còn chút nào thì bay theo rượu. Đến nhờ thầy, bạn, họ hàng, đều bị đuổi. Bèn bỏ làng ra đi, khi qua sông, trỏ tay xuống nước mà thề: “Chừng nào sông này cạn thì ta áo gấm về làng”.

Hạ lang thang, kết bạn cả với lũ ăn mày, thường say xỉn.
Có lần, Hạ say quá, bị lũ ăn mày khiêng tới ném vào vườn một nhà quyền quý.

Khi tỉnh dậy, thấy có ánh đèn, mò lại nhìn qua cửa sổ thì thấy một cô gái đẹp như tiên nữ. Hạ lên tiếng gọi, thiếu nữ sợ quá kêu ầm lên, gia nhân ùa ra, bắt được Hạ, đem vào trình chủ nhân. Đó là quan Tào Vận Lệnh, họ Mai, nhà giầu, nhưng bị mọc một cục bướu trên cổ, không ai chữa khỏi, nên thông báo, nếu ai chữa khỏi, sẽ gả con gái cho. Đêm trước, Mai công nằm mơ, thấy thần nói ban đêm có người chữa được bướu cổ sẽ tới nhà, nay thấy Hạ, mừng lắm, cho tiền bạc, nhờ đi mua dãi rồng. Hạ nào biết mua thuốc ở đâu, liền đem tiền kéo lũ ăn mày đi nhậu. Hết tiền, đang lo sợ thì Mai công lại sai người đưa thêm tiền. Hạ ngượng và hối hận, mới đi dò hỏi, thì được chỉ tới nơi tu hành của một Sư ông. Ông này cho Hạ một bình rượu Bách Gia Thái Hôi, dặn vẽ rồng, đổ rượu lên tranh, rồng thật sẽ hiện ra, chỉ việc hứng lấy nước dãi của nó mà chữa bệnh. Hạ vẽ mấy con rồng, đều bị chê không đúng. Muốn vẽ đúng, phải qua Tầu, mà chỉ có 2 con là đúng thôi. Hạ nản quá, liền ôm bình rượu mà đi. Tới khi mệt, thấy có cái miếu, bèn vào nằm nghỉ; trong lúc chán nản, Hạ lấy bình rượu uống hết, say bí tỉ, nôn mửa rất nhiều. Đang lúc mơ màng, thấy có một ông già tới, chắp tay cung kính hỏi:
Hạ kinh ngạc hỏi: sao mà gọi nhau là chúa công?
- Vì chúa công là đức Ông Rồng, còn bầy tôi là thần giữ miếu. Nay chúa công cần gì, xin cứ truyền lệnh.
- Cô gia muốn hay chữ mà không thích học. Thần bèn đem mấy chồng sách lại đốt, lấy tro cho Hạ uống.
Hỏi dãi rồng Long Diên Hương thì thưa: những thứ mà chúa công vừa nôn ra chính là Long dược đó.
Nghe vậy, Hạ thích chí cười lớn, giật ḿnh thức dậy, liền hốt những thứ mình mửa ra, đem về chữa bệnh cho Mai công, và được làm rể họ Mai .
Khi trở về làng, Hạ chỉ dòng song, nhắc lời thề, thì nước cạn đi 3, 4 thước.
- Chúa công hạ cố, có điều chi dậy bảo?

Nhân năm Thìn, xin chúc quý độc giả khỏe mạnh, song thọ như rồng, và được duyên may như Dương Hòa Hạ.

Bát Sách Nguyễn Thanh Bình.
Mùa Xuân năm Thìn, 2024.
( Đăng trong Giai Phẩm Xuân  Giáp Thìn 2024, Hội  Y Nha Dược Florida)