Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Vì Bởi Em Là Thu - Lời: Minh Thúy Thành Nôi - Nhạc: Lê Hữu Nghia- Ca Sĩ: Ngọc Quy Quy


Lời: Minh Thúy Thành Nôi
Nhạc: Lê Hữu Nghia
Ca Sĩ: Ngọc Quy

Bài Thơ Buông Rơi

 

Em đứng lên buông thả lá thư

Bài thơ rơi rụng lá thu bay

Linh hồn tan nát trong đau xót

Thành phố mưa thu giọt ướt tay.

 

Trí nhớ em còn thấy vấn vương

Một lần buông bỏ mối tình thương

Lòng nghe gió chướng mùa thổn thức

Những vệt sương bay mờ phố phường.

 

Lôi kéo buồn vui vào cõi không

Chẳng còn nhận thấy người thương trông

Cố ôm lầm lỗi đầy cay đắng

Tan nát trời thu gió bụi hồng.

 

Tiếng nhạc tình ca nơi góc phố

Âm xưa vang vọng xót xa về

Giấc mơ gợi nhớ cùng say đắm

Bài hát lời thơ đã hẹn thề.

 

Tô vẽ phấn hồng cho mặt hoa

Kiếm tìm dung ảnh của ngày xưa

Lời thơ cào xước hồn đau buốt

Tiếng khóc lòng đau như ướt mưa.

 

Em cố ngăn từng giọt nước mắt

Giọt Cà phê sóng sánh màu đen

Tưởng chừng thu nhớ khung trời lạ

Chắng biết bao giờ còn thấy em.

 

Sao vẫn thương đời đi giữa thu

Tìm nhau nỗi nhớ đến bao giờ

Lá thu vàng úa bao nhiêu đợt

Chồng chất lên nhau mấy lớp bờ.

 

Ngọn gió thu phong hưu hắt thổi

Dòng đời lạnh buốt mối tình si

Lá rơi phủ lấp bàn chân mỏi

Những tiếng âm vang từ bước đi.

 

Em bước chân đi trong nước mắt

Lá thu làm chứng dấu ân tình

Đèn đêm thức giấc đầy thương nhớ

Mơ sáng thu về soi bóng mình.


Tế Luân

Nhớ Lắm Em Ơi

 

Nhớ Lắm Em Ơi!

Hai đứa đi dưới hàng me bưu điện
Nắng lưa thưa rải lối trưa học về
Anh lớp nhất - em lớp nhì, hai phía
Trường nam và nữ, cách biệt sơn khê.

Thời gian đó sao mà vui chi lạ
Mỗi buổi chiều hai đứa hẹn sân banh
Chạy than đá - nhà đèn cao khói tỏa
Vĩnh Long ồn - như tiếng sấm vây quanh. (*)

Ta cùng nắm tay vui như chim sáo
Bước tung tăng trong sân bóng, khán đài
Chiều tĩnh lặng ráng hoàng hôn cuối ngõ
Cùng đi về đường Võ Tánh chia tay.

Giờ trở lại đượm buồn con phố cũ
Vắng người em nghe chuếnh choáng hơi men
Người bạn báo giờ em nơi xứ lạ
Luyến lưu nào, anh hát: vỗ tay khen!

Chiều về bên cội me già bến nước
Cạnh trường em dạy trước lúc đi xa
Thành công viên bên sông Tiền gió ngược
Ước làm sao em hiện diện quê nhà!

Anh trở lại bến sông đầy kỷ niệm
Con tim anh cô bé nọ chưa rời
Chờ đợi mãi bóng hình em chẳng thấy
Em phương trời - anh nhớ lắm em ơi!

Dương Hồng Thủy
(*) bối cảnh năm 1954
Ảnh: Kim Phượng
Cây Me Già Trong Khuôn Viên Trường Nguyễn Trường Tộ Ngày Xưa.
***

Cảm Tác:
 

Những Tưởng

Tưởng không còn nhớ hàng me bưu điện
Với nắng lụa vàng mây lờ lững cao
Với tuổi thơ theo bốn mùa réo gọi
Vĩnh Long ơi những hồi ức ngọt ngào

Ừ! Thời vụng dại sao vui chi lạ
Rảo sân banh vòng ngược rạp Lê Thanh
Nhìn cột khói nhà đèn lan lan tỏa
Khẽ mỉm cười hai đứa giục đi nhanh

Chạm đầu ngõ ngập ngừng đôi chân sáo
Buồn vì đâu buồn vớ vẩn lạ thay
Chút lưu luyến hoàng hôn dần sắp tắt
Đến cuối đường bịn rịn vội chia tay

Như chiếc thoi đưa sẽ không dừng lại
Hương thời gian mau chếch choáng hơi men
Đời ngược dòng bao năm hai phương cách
Lối cũ trở về lạ bước chân quen

Đến cội me già thi gan tuế nguyệt
Mái trường xưa dấu tích chẳng tìm ra
Con kỳ nhông đang bám cây ngơ ngác
Xót kẻ tha hương số kiếp xa nhà

Cám ơn người khơi tàn tro kỷ niệm
Xoa dịu ít nhiều nghịch cảnh bể dâu
Cô bé xưa mang nét buồn góa phụ
Nửa đời hơn vơi bớt lệ u sầu

Kim Phượng
Ảnh: Kim Phượng
Cội Me Già Với Con Kỳ Nhông, Trong Khuôn Viên Trường Nguyễn Trường Tộ Ngày Xưa.

Điệp Luyến Hoa - 蝶戀花 Triệu Lệnh Chỉ


Triệu Lệnh Chỉ 趙令畤, tự là Cảnh Phú 景貺, rồi lại đổi thành Đức Lân 德麟, hiệu là Liêu Phục Ông 聊復翁. Ông vốn là hoàng thân, chít (cháu 5 đời) của Yến vương Triệu Đức Chiêu 燕王趙德昭. Cuộc đời hoạn lộ của ông cũng đã từng bị bãi chức 10 năm. Ông còn để lại bộ Hầu chinh lục 候鯖录 gồm 6 quyển và bộ Liêu Phục tập 聊復集 gồm 1 quyển.

蝶戀花 - 趙令畤 Điệp Luyến Hoa - Triệu Lệnh Chỉ

卷絮風頭寒欲盡。 Quyển nhứ phong đầu hàn dục tận.
墜粉飄香, Trụy phấn phiêu hương,
日日紅成陣。 Nhật nhật hồng thành trận.
新酒又添殘酒困。 Tân tửu hựu thiêm tàn tửu khốn.
今春不減前春恨。 Kim xuân bất giảm tiền xuân hận.

蝶去鶯飛無處問。 Điệp khứ oanh phi vô xứ vấn.
隔水高樓, Cách thủy cao lâu,
望斷雙魚信。 Vọng đoạn song ngư tín.
惱亂橫波秋一寸。 Não loạn hoành ba thu nhất thốn
斜陽只與黃昏近。 Tà dương chỉ dữ hoàng hôn cận

Chú Thích

1- Điệp luyến hoa 蝶恋花: tên từ bài, còn gọi là thước đạp chi 鹊踏枝. Bài này có 60 chữ, đoạn trước và đoạn sau đều có 5 câu, 4 trắc vận. Cách luật:

X T X B B T T vận
X T B B cú
X T B B T vận
X T X B B T T vận
X B X T B B T vận

X T X B B T T vận
X T B B cú
X T B B T vận
X T X B B T T vận
X B X T B B T vận

B: bình thanh, T: trắc thanh, X: bất luận, cú: hết câu, vận: vần.
2- Quyển nhứ phong đầu 卷絮風頭: cành liễu bị gió lắc mạnh và cuốn lại, ám chỉ mùa xuân tới.
3- Trụy phấn phiêu hương 墜粉飄香: hoa nở, phấn hoa rụng bay mùi hương tứ tán.
4- Hồng thành trận 紅成陣: hoa rụng bay trong gió từng trận một.
5- Khốn困: say sưa khốn đốn.
6- Điệp khứ oanh phi 蝶去鶯飛: bướm đi và chim oanh bay mất (ám chỉ người tình bỏ mình đi mất).
7- Vô xứ vấn 無處問: không biết hỏi nơi đâu, không biết chàng ta ở đâu.
8- Vọng đoạn 望斷: nhìn xuyên qua, nhìn thật xa, nhìn kỹ. Trong bài này có nghĩa là trông chờ mong mỏi ghê lắm.
9- Song ngư tín 雙魚信: 2 con cá đem thư, tức là thư tín.
10- Não loạn 惱亂: Đầu não quay cuồng bấn loạn.
11- Hoành ba thu nhất thốn 橫波秋一寸: sóng ngang một tấc thu hay thu ba 秋波, chỉ đôi mắt mỹ nhân.
12- Tà dương 斜陽: ánh nắng buổi chiều.

Dịch Nghĩa

Cành liễu gió lay khí lạnh sắp hết.
Phấn rơi hoa tàn,
Ngày ngày từng trân hương hoa bay.
Hơi rượu cũ chưa hết lại uống thêm rượu mới, làm say khốn đốn.
Mối hận xuân năm ngoái đến xuân này vẫn không giảm.

Bướm đi chim oanh bay mất không biết hỏi nơi đâu (người tình bỏ đi).
Dòng nước chẩy trước lầu,
Mong chờ mãi phong thư đến (hoặc tin tức của người tình đến).
Đầu não quay cuồng, đôi mắt cảm một nỗi lòng thu (u buồn),
Trong ánh tà dương, chỉ mình đón 1 hoàng hôn nữa sắp đến.

Phỏng Dịch:

1 Điệp Luyến Hoa - Buồn Đơn Côi

Đầu gió liễu lay ngày lạnh tận.
Phấn rụng hương bay,
Buổi buổi hồng thành trận.
Rượu mới lại thêm say khốn đốn.
Xuân này không giảm xuân xưa hận.

Bướm lượn oanh bay không thấy chốn.
Bờ nước lầu cao,
Nhìn suốt trông thư bạn.
Ánh mắt quay cuồng thu ý vận.
Một mình dưới nắng hoàng hôn đón.

2 Buồn Đơn Côi

Liễu điều cuốn gió, lạnh đang tàn,
Tung phấn hoa bay hương tỏa lan.
Rượu mới lại thêm say khốn đốn,
Xuân này không bớt hận thêm tràn.

Oanh bay bướm lượn về đâu đó?
Dòng nước quanh lầu, mãi vắng tin.
Áo não thu ba tình tự ấy,
Hoàng hôn tâm sự chỉ riêng mình.

HHD 
06-2021
***
Điệp Luyến Hoa, Triệu Lệnh Chỉ

1-

Liễu cuộn gió lay lạnh sắp hết
Phấn rụng hương bay
Hoa từng chập ngày tiếp
Rượu mới, rượu cũ say đến khiếp
Xuân nay chẳng giảm hận xuân trước

Không chốn hỏi, oanh bay bướm biệt
Nước chảy trước lầu
Mong cá mang tin tức
Não cuồng, sóng ngang thu một tấc
Tà dương riêng đón hoàng hôn sắp.

2-

Bông liễu cuộn gió lay, lạnh hết
Phấn hương bay, ngày tiếp hoa bay
Rươu cũ mới, khốn đốn say
Xuân nay chẳng giảm hận dày năm qua

Không chốn hỏi oanh xa, bướm biệt
Nước trước lầu, tin tức ngóng trông
Não cuồng, đôi mắt thu trong
Tà dương một bóng, ráng hồng đón đưa!

Lộc Bắc
Dec23
***
Phỏng Dịch:

Buồn Đơn Côi

Cành liễu gió lay ngày lạnh tan
Hương bay phấn rụng úa hoa tàn
Ngất say rượu mới thêm đau đớn
Chờ trông vô vọng mỗi xuân sang

Bướm biệt chim di biết hỏi đâu
Thản nhiên dòng nước chảy trước lầu
Bao thu tin bặt mong chờ mãi
Tâm sự riêng mình dạ khắc sâu.


Kim Oanh
Dec 2023

Chỉ Cần Nhìn Nhau Thôi Cháu Ơi - Mone Dompnier - Thái Lan Dịch


- Bà ơi, năm nay bà nhiều tuổi rồi. Bà sắp đi theo ông rồi phải không bà? Cháu không muốn bà đi đâu bà ơi. Rồi sau đó cháu sẽ không được nhìn thấy bà nữa, và cháu sẽ rất buồn, bà ạ.
Trả lời như thế nào cho một cô bé bảy tuổi, đôi mắt long lanh ngấn lệ, đang phải đối mặt với nỗi lo sợ về sự ra đi, sự chia ly, không thể tránh được, và vĩnh viễn đây? Câu trả lời vụng về có thể làm cho bé bị tổn thương, khiếp sợ. Làm thế nào để trấn an bé đây?
A, hay là...
- Charlotte cháu cưng của bà, cháu nghe câu chuyện này nhé:

Ở một nơi nào đó trong Vũ trụ, xa thật xa, xa hơn cả những vì tinh tú mà cháu vẫn thấy sáng rực trên bầu trời mỗi buổi tối, có một cái hồ vô cùng rộng lớn, chứa nước thật trong sạch và thật tinh khiết giống như nước trong hồ trên núi của ta đây. Từ cái hồ đó, có một nguồn nước vừa tuôn chảy ra vừa hát ngân vang trên đá cuội, và rồi bỗng dưng chia làm hai con suối nhỏ. Và ở nơi đó, bên cạnh những con suối, có những linh hồn đang ẩn nấp để chờ đợi đến lúc ngự trong thân thể các em bé được sinh ra mỗi ngày trên khắp thế giới. Khi đến lúc phải ra đi để xuống Trái Đất, mỗi linh hồn sẽ phải uống nước từ hai con suối ấy. Nước của một con suối là nước của sự khôn ngoan, còn nước của con suối kia là của tình yêu. Nhưng các linh hồn sẽ không uống cùng một lượng nước từ suối này hoặc suối kia. Hai cái cốc để uống thì luôn luôn có kích cỡ khác nhau. Đôi khi, một linh hồn nhận một cốc lớn nước khôn ngoan và một tách nhỏ xíu nước tình yêu để uống. Hoặc có trường hợp thì ngược lại. Như thế, có vài em bé sẽ trở thành người lớn rất thông minh, họ sẽ thực hiện nhiều cuộc phát mình vĩ đại, thí dụ như những phương thuốc để chữa bao nhiêu bệnh tật. Còn những người khác, khi đã uống nhiều nước tình yêu sẽ hoàn thành được rất nhiều điều tuyệt vời chung quanh họ. Và trong mỗi con người của chúng ta, sẽ vừa có sự thông minh và tình yêu, có khi điều này nhiều hơn, có khi ít hơn điều kia...
- Nhưng mà ngoại ơi, như thế thì không công bằng tí nào cả!
- Này nhé, Charlotte cưng yêu của bà, cháu nghĩ thế nào nếu một thế giới mà chỉ có một loại cây, thí dụ như chỉ có toàn cây thông

1/Thế thì chúng ta không thể biết đến cây sồi, cây liễu, cây thông rụng lá? 
2/Cây phong và bao nhiêu loại khác nữa. Rồi hoa nè? Cháu có thích trên cánh đồng chỉ toàn hoa cúc dại (xuyến chi) không? Sẽ không bao giờ có hoa khuy vàng, hoa thủy tiên cả? Không có hoa anh túc trên cánh đồng lúa? Không có hoa phi yến trên sườn dốc, dọc theo những con đường? Còn trong vườn thì chẳng có bông hoa hồng nào cả? Nếu mọi thứ đều như thế thì thật là đơn điệu và chán ngắt! Cháu thấy không, và đối với loài người, thì cũng giống vậy thôi cháu ạ: cái đẹp là ở trong sự khác biệt. Điều quan trọng, đó là mỗi người biết xử dụng cách tốt nhất những năng khiếu mà họ sở hữu. Nhưng nè cháu, cháu hãy nghe phần tiếp theo của câu chuyện nhé...
Một khi ta đã sống hết quãng đời của ta, thì thân thể của ta phải tan đi, cháu biết rồi đó, nhưng mà linh hồn của ta, cái linh hồn ấy, nó lại trở về suối nguồn của nó. Rốt cuộc thì nó được men theo con đường sẽ đưa nó đến cái hồ, và ở nơi đó, lần đầu tiên nó sẽ đến trước cánh cửa mở ra phía thung lũng thần tiên.
Đôi khi cánh cửa chưa mở ra ngay tức khắc, bởi vì không phải lúc nào linh hồn cũng biết cách để gieo rắc sự thông minh và tình yêu của nó trên Trái Đất, thế nên nó phải chờ ít lâu thì mới có thể đi đến cái hồ được.

Nhưng rồi cũng có những linh hồn phải chờ đợi rất lâu để vượt qua khỏi cánh cửa và đến được hai bên bờ của cái hồ, đó là những linh hồn đã xử dụng không đúng sự khôn ngoan mà con suối đã giao cho chúng, hoặc là cũng có những linh hồn đã quên bẵng rằng chúng còn phải trao tặng tình yêu nữa.
Nhưng nếu linh hồn đã hoàn thành mỹ mãn công việc được giao phó dưới Trái Đất, thì tất cả cửa ngõ đều được mở ra. Linh hồn sẽ xâm nhập vào bên trong quang cảnh tuyệt diệu ấy, nơi đó có những bông hoa xinh đẹp nhất, và đó là nơi sinh sống của những con vật dịu hiền nhất, và bây giờ nó sẽ uống cho hết cơn khát, uống nước thần diệu của hồ, nước của sự khôn ngoan và nước của tình yêu, uống cho thỏa thích. Ở nơi này, sẽ không còn sự lãnh đạm hoặc hận thù nữa, không còn chiến tranh, và cũng không có sự thiếu hiểu biết! Linh hồn sẽ sống trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu bên cạnh tất cả những người mà nó từng yêu mến khi còn ở dưới Trái Đất và họ đã đến trước ở Khu Vườn Vũ Trụ. Và linh hồn ấy sẽ chiếu rực rỡ bằng muôn vàn tia sáng trên bầu trời.

Và thế là, đến một ngày, khi linh hồn của bà cất cánh bay xa, bay đến tít một nơi nào đó trên vòm trời lấp lánh muôn ngàn tinh tú, vào buổi chiều tối, thì cháu sẽ thấy một ngôi sao, và ngôi sao ấy sẽ chỉ lấp lánh cho mỗi mình cháu của bà thôi. Và sao đó sẽ nói với cháu rằng: bà đang ở đây này, bà nhìn thấy cháu...và bà rất yêu cháu, cháu cưng à.
Đôi mắt của con bé con đã ráo hoảnh. Và nụ cười đã trở lại trên môi bé.
Và đó là điều quan trọng nhất.

Mone Dompnier - tháilan dịch


GHI CHÚ
*1/-Cây thông (Giáng sinh)- sapin: nhánh lá kim dài, màu xanh lá đậm, lá rời ra, lá kim không rụng, và cây sống ở nhiều địa hình khác nhau
**2/-Cây thông rụng lá (mélèze): lá kim của chúng nhỏ, màu xanh lá nhạt, mọc thành chùm, chúng sẽ trở nên vàng úa, rơi rụng vào mùa thu, và chỉ sống trên núi-

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

Mùa Đông Canada

 

Hình Ảnh:Trúc Lan KTP


Bài Rộn Ràng Thứ Nhất

 

Mùa đông má nhỏ đỏ au
Môi ngoan đỏ mận hồng đào, lứa tơ
Sang xuân áo lụa, ơ hờ
Nhỏ qua sân nắng, tôi mờ mắt tôi 
Trở hè, lớp vắng thì thôi
Tôi về nhặt lá ... ô môi, nhớ người.

Cao Vị Khanh

Hòn Ngọc Viễn Đông

  

“Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi...”
Câu hát tôn vinh vẻ tuyệt vời
Phố mỹ miều trẻ trung náo nhiệt
Người chân thật hiếu khách vui tươi
Trên đường xe dọc ngang muôn hướng
Dưới bến thuyền xuôi ngược khắp nơi
Du khách viếng thăm đều mến tặng
“Viễn đông hòn ngọc” của muôn thời


Nhất Hùng

Đông Lại Về

 

Gió lạnh từng cơn réo vi vu
Mây giăng kín rủ với sương mù
Gió về gieo rắc lòng se lạnh
Đem mùa hạ cũ để xa đi

Thôi nhé niềm vui còn nắng ấm
Trở về đêm lạnh buốt mùa đông
Chiều ngồi yên lặng bên sưởi nóng
Sao thấy sáng ngày trôi quá nhanh

Hồng Vân

Rời Bỏ Chốn Lao Xao


Em theo anh đi về phía mặt trời
Ở nơi đó tình mình không chao đảo
Ở nơi đó có mối tình diễm ảo
Thật êm đềm đời nhàn nhã, thanh tao

Em theo anh rời bỏ chốn lao xao
Em theo anh bắt đầu thiên tình sử
Sáng tư duy mình cùng nghe chim hót
Lúc ngồi thiền, lúc nhẩy nhót vui ghê
Sống tỉnh thức hai ta cùng tập nhé
Chánh niệm từng giây phút, thương nhau!

Em theo anh, là thật, chẳng ước ao
Quẳng vất hết mình sống đời ẩn dật
Em bỏ hết, vẫy tay chào quá khứ
Bỏ sau lưng dẫu dĩ vãng ngọt ngào!

Em theo anh, gật đầu không ngần ngại
Chuyện ngày mai mình hãy để ngày mai
Em yêu anh chẳng thể nào chối cải
Em yêu anh, tình vững chải, mãi hoài

Thật đó anh, chẳng phải là mơ ước
Sống trong mơ, em sống đã nhiều rồi
Thật đó anh, mình cùng nhau đi nhé
Phía chân trời mình dìu dắt nhau đi

Em theo anh, mình ra ngoài sa mạc
Sống lẻ loi nhưng lại thấy yên bình
Có hai ta và căn nhà trống vắng
Dòng suối hiền róc rách chẩy vây quanh

Em theo anh, mình sống ở rừng già
Sáng sáng ra nghe gà gáy và vượn hú
Chung quanh ta cổ thụ xanh xanh biếc
Khỉ chuyền cành xốn xáo lúc bình minh

Em theo anh đến bất cứ nơi nào
Ở bên anh nơi nào cũng ngọt ngào
Chỗ đồng quê, vùng núi đồi hùng vĩ
Giấc mơ em thật nhỏ nhoi giản dị
Ấy thế mà… nào có được đâu anh?!...

Quách Như Nguyệt

Đám Cưới Của Ai?


Caden hí hửng mang về khoe cha mẹ tấm thiệp cưới:
- Có nhiều mẫu thiệp cưới, con và Sophia chọn mẫu thiệp cưới này . Đơn giản dễ thương lắm.
Chị Bông cầm tờ thiệp cưới, một mặt là hình Caden đang âu yếm kề môi hôn Sophia, mặt kia là hàng chữ: Together With Their Families
Sophia Pham & Caden Nguyen

Chị Bông tiếp tục đọc hết những dòng chữ trên tấm thiệp không thấy tên cha mẹ đôi bên đâu, rất sửng sốt:
- Con quên ghi tên cha mẹ nhà trai, nhà gái hả?
Caden ngơ ngác:
- Kiểu bên Mỹ nhiều mẫu thiệp chỉ có tên cô dâu và chú rể.
Chị Bông bừng bừng phản đối:
- Thiệp cưới phải kiểu Việt nam mới đầy đủ và trang trọng. Nghe đây: Ông bà Nguyễn Văn Bông và ông bà Phạm văn Huê trân trọng báo tin lễ thành hôn của con chúng tôi là Caden Nguyễn và Sophia Phạm. Hôn lễ sẽ tổ chức ngày…tại nhà hàng…trân trong mời ông bà, cô bác…đến tham dự chung vui với gia đình chúng tôi. Sự có mặt của ông bà cô bác là niềm hãnh diện cho chúng tôi…
Caden ngạc nhiên:
- Đám cưới con mà cha mẹ đứng ra mời hả?
- Đúng thế, con ở đâu chui ra? Phải có cha mẹ mới có con cái. Bổn phận cha mẹ dạy dỗ nuôi con và dựng vợ gả chồng.
Chị Bông khăng khăng bắt Caden phải chọn mẫu thiệp cưới khác, có tên cha mẹ đôi bên đàng hoàng.
Đã trái qua bao cản trở và đợi chờ Caden và Sophia mới có ngày đi chọn thiệp cưới hôm nay.
Ngay từ khi Caden đang học đại học gần ra trường chị Bông đã ngắm nghé cô Mika xinh xắn nhà chị Tiên, Mika đang học dược sĩ. Chị Tiên cũng khôn khéo tinh đời lắm, chấm Caden đẹp trai cao ráo con nhà đàng hoàng cho con gái mình. Đã mấy lần chị Tiên nhờ con gái chở đến nhà chị Bông chơi, Caden và Mika đã gặp mặt nhau, đã trò chuyện. Hai bà bạn thân hí hửng đợi chờ tình yêu nảy mầm giữa đôi trẻ.

Caden tốt nghiệp computer science. Gặp thời, chàng xin được công việc lương cao ngay thành phố nhà. Chị Bông bắt đầu gợi ý con trai nên tìm hiểu Mika. Thế mà một hôm Caden mang về một cô gái lạ và giới thiệu :
- Đây là Sophia người yêu của con.
Chị Bông chưng hửng và thất vọng, Sophia cũng là người Việt như chị Bông mong muốn nhưng Sophia không xinh đẹp và hiền dịu bằng Mika, Sophia nói tiếng Việt ngọng ngịu, cách đi đứng nhanh nhẩu như con trai. Chị Bông cho “rớt đài” ngay phút đầu gặp gỡ.
Biết mẹ không thích Sophia, Caden tìm mọi cách lấy lòng mẹ, nào Sophia học giỏi, cùng tốt nghiệp computer science và xin được việc vừa ý như Caden.
Một hôm Sophia theo Caden về nhà, nàng mang tặng chị Bông một ổ bánh bông lan tự làm vì biết chị Bông thích ăn bánh bông lan. Chị Bông từ chối thẳng thừng:
- Cám ơn cháu tặng bánh bông lan, nhưng bác không nhận đâu, lúc này bác “cao đường” nên phải kiêng cử ngọt.
Sophia tiu ngỉu mang ổ bánh về .
Một hôm khác, cuối tuần Caden đưa Sophia về ăn cơm với gia đình, ăn uống xong Sophia ra rửa chén bát nhưng chị Bông gạt đi:
- Cháu cứ để đấy bác rửa.
Sophia ngoan ngoãn vâng lời, nàng ra sofa ngồi chơi với Caden, hai đứa
chuyện trò cười nói trong khi chị Bông cặm cụi với đống bát trong sink.
Sau đó chị Bông đã tức tối phê phán với chồng:
- Con Sophia không có “ý tứ” gì cả, vụ bánh bông lan em từ chối đáng lẽ nó phải …năn nỉ mời mọc em và để ổ bánh lại, ai dè nó bưng về luôn. Vụ rửa bát đáng lẽ nó phải “giành “ với em để rửa bát cho bằng được chứ. Mai mốt vào làm dâu nhà mình em sẽ dạy bảo nó.
Anh Bông bênh vực Sophia:
- Nó sinh ra và lớn lên ở Mỹ nghe sao hiểu vậy, làm sao hiểu bụng dạ lắt léo của em, em đừng dạy nó kiểu người Việt mình nói một đàng làm một nẻo, nói có là không, nói không là có.
Chị Bông càng chê Sophia càng tiếc rẻ Mika xinh đẹp mặc cho Caden và Sophia đã luôn tìm cách lấy lòng chị. Anh Bông dứt khoát:
- Em yêu Mika thì…em cưới Mika cho em đi, còn Caden yêu Sophia nó phải cưới Sophia.
Thế là chị Bông đành chịu thua, hai vợ chồng chị Bông đến nhà gặp cha mẹ Sophia nói chuyện cho đôi trẻ nên duyên. Chị Bông đã cất công hỏi mấy nhà hàng, những món ăn, giá cả và chọn được một nhà hàng Việt Nam ưng ý nhất để tổ chức tiệc cưới rồi.

Hôm sau Caden mang về một mẫu thiệp cưới khác, chàng lại hí hửng tưởng mẹ sẽ ưng ý. Chị Bông kiểm duyệt ngay:
Mr.& Mrs. Hue Pham with Mr. & Mrs. Bong Nguyen
Request the honor of your presence at the marriage of their children
Sophia Pham & Caden Nguyen
Chị Bông vẫn chê:
- Tên cha mẹ hai bên đã theo kiểu Mỹ không bó dấu lại nhỏ xíu ở trên ai mà để ý, chưa kể tên nhà gái để bên trái, nhà trai “lép vế” bên phải. Thiệp kiểu Việt Nam tên nhà trai bao giờ cũng đứng bên trái trên đầu tấm thiệp. Người ta sẽ đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.
Caden giải thích:
- Ở Mỹ nữ trước rồi mới đến nam mà mẹ.
Anh Bông nói với Caden:
- Thiệp cưới đầy đủ tên hai bên cha mẹ, chữ to nhỏ, bên phải bên trái không thành vấn đề. Ba đồng ý các con in thiệp kiểu này.
Chị Bông vội cản lại:
- Khoan, khoan, còn vụ nhà hàng em chưa đọc tới. Xem nào, sao lại tổ chức đám cưới ở trong tòa nhà “center music Hall” mà không là nhà hàng Việt Nam hả con? Con mà đặt món ăn tây không thích hợp với khách mời của cha mẹ đâu, người Việt mình ăn cưới quen với những món như súp măng cua, bò lúc lắc, chả đùm, gỏi ngó sen tôm thịt, cơm chiên Dương Châu…

Anh Bông ngắt lời chị Bông. Hỏi:
- Đám cưới này là của ai vậy em?
- Dĩ nhiên là đám cưới Caden và Sophia.
- Vậy mà anh tưởng đám cưới… chị Bông chứ, em chọn “ngày lành tháng tốt”, em đòi hỏi tên anh chị Bông phải in to, em đòi hỏi kiểu in thiệp cưới, kiểu nhà hàng và món ăn thích hợp với khách mời của em. Chúng ta sống ở Mỹ thì theo kiểu Mỹ đi, Caden và Sophia là nhân vật chính, chúng ta là cha mẹ chỉ góp ý kiến chứ không thể toàn quyền quyết định giùm con cái.
Thấy chồng luôn ủng hộ Caden chị Bông hậm hực:
- Để em gọi phone bàn bạc với anh chị suôi gia cho cha con anh biết ai đúng ai sai.
Chị Bông gọi ngay cho chị Huê, kể lại đầu đuôi vụ tấm thiệp cưới và nơi tổ chức tiệc cưới. Chị Huê nghe xong mới thong thả lên tiếng:
- Con Sophia cũng mang về tấm thiệp vợ chồng tôi xem rồi, ưng ý hết sức chị ạ. Đám cưới của chúng chứ của mình đâu mà nó phải theo ý mình.
Chị Bông cụt hứng và ngạc nhiên:
- Ủa…Chị nói y hệt như anh Bông nhà tôi.
- Tôi kể chị nghe chuyện một gia đình tôi quen biết nhé: Cô gái xinh đẹp học giỏi con nhà giàu, tốt nghiệp bác sĩ đang nội trú, là niềm hãnh diện và hạnh phúc vô bờ của cha mẹ. Cha mẹ cô đang mơ một đám cưới, đang kén chọn một chàng rể học cao hiểu rộng tương xứng với con gái mình.
Chị Bông xuýt xoa:
- Chứ còn gì nữa…
- Bỗng cô mang về nhà giới thiệu người yêu, chàng là nhạc sĩ, gia đình gốc Ý di dân sang Mỹ, chàng chơi nhạc trong một Night Club mà thỉnh thoảng những lúc học hành căng thẳng cô vào đây giải khuây. 

Cha mẹ cô đau đớn bàng hoàng như từ 9 tầng mây bị thảy rớt xuống đất, phản đối kịch liệt bắt cô phải bỏ ngay thằng nhạc sĩ quèn kia. Càng bị cha mẹ cấm cản cô bác sĩ càng yêu anh nhạc sĩ hơn. Họ đã sống chung như vợ chồng và sinh một đứa con. Bây giờ cha mẹ phải xuống nước năn nỉ cô và chàng nhạc sĩ làm đám cưới để khỏi bị miệng đời khinh chê. Thế mà chúng nó vẫn không thèm làm đám cưới. Cho đến nay họ cũng chưa biết mặt mũi ông bà suôi gia là ai.
Chị Bông tiếc rẻ:
- Trời, cành vàng lá ngọc vậy mà tình cho không biếu không.
Bên kia đầu dây chị Huê tươi cười:
- Caden và Sophia con chúng ta đã học hành xong, đã trình diện cha mẹ đôi bên và tổ chức đám cưới là chúng tử tế ngoan ngoãn hơn cả ước mơ. Chúng nó ở Mỹ làm đám cưới kiểu Mỹ cứ để chúng như ý thoải mái. Gia đình đôi bên chúng ta thảnh thơi tới ngày đi dự tiệc là vui vẻ sung sướng rồi anh chị Bông nhé.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( November, 24, 2023)


Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Âm Thầm Nhớ - Thơ: Lê Thị Hàn - Nhạc: Văn Duy Tùng -Tiếng Hát:Tuyết Mai


Thơ: Lê Thị Hàn
Nhạc: Văn Duy Tùng  
Tiếng Hát:Tuyết Mai
Diễn Ảnh: Trúc Tiên

Tìm Bắt Được Mồi! Thời Vận Đã Đến!

  

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhiếp Ảnh Gia taotran Trần Đức Tạo đã chuyển đến bộ ảnh “Night Heron and Crawfish”.)

Cò đi săn cá, bắt được mồi! Giữ chặt!
Phải rồi! Thời đã đến! Phải nắm chắc thật nhanh!
Không dễ gì con mồi lại dẫn xác đến lanh chanh!
Bước vào ngay tầm ngắm của anh Cò lò dò cầu may ngớ ngẩn!

Thời cơ lắm lúc như đang ẩn!
Thịnh vượng nhiều khi chẳng phải tìm!
Cứ làm ăn lương thiện, siêng năng, chăm chỉ, từ bi, bác ái trong tim!
Rồi đến lúc “Ong về làm tổ tấp nập. Cá bơi dưới nước hàng đàn”! Chẳng phải tìm đâu xa cho mệt!

Thời vận đã đến! Xin gì cũng ưng cho! Làm gì cũng thành công! Vui như Tết!
Anh Cò có muốn nhắn gì sau khi ngậm chặt con mồi?
“Siêng năng, chăm chỉ gấp đôi”!


Hình Ảnh: Trần Đức Tạo
Hát Nói: Đức Hùng

Sydney, Úc Châu, 17/09/2023
3 Tháng 8 Âm Lịch Năm Quý Mão, Ngày Mậu Dần. Hành Thổ, Trực Chấp, Sao Tinh. Cát Thần : Giải Thần, Ngũ Hợp, Thanh Long
Tướng tinh con cọp, tượng trưng lòng can đảm, quyết tâm và tài nghệ săn bắt mồi xuất chúng của Chúa Sơn Lâm!

Tôi Muốn Thơ Tôi

 

Tôi muốn thơ tôi là nhánh sông
Chở đầy nỗi nhớ vào mênh mông

Thêm nhiều triệu bó hoa hồng thắm

Tặng những đau thương một đóa hồng.

 

Tôi muốn thơ tôi lá mạ non

Cánh đồng lúa chín hạt ươm vàng

Ngôn tình rực rỡ thêm nguồn sống

Thổn thức trong thơ nét dịu dàng.

 

Tôi muốn thơ tôi những nốt nhạc

Du dương âm điệu vọng thiên thai

Tình yêu thổn thức lời âu yếm

Như lá thu rơi trải gót hài.

 

Tôi muốn tình yêu đầy ý thơ

Cả trong giấc ngủ vào đêm mơ

Nồng nàn quyến rũ nguồn ân ái

Buông thả hồn mơ đến bến bờ.

 

Tôi muốn thơ tôi chảy ngược dòng

Trở về tuổi trẻ lòng hoài mong

Thăm từng nỗi nhớ đời son trẻ

Những tiếng âm vang từ tấm lòng.

 

Tôi muốn thơ tôi vào cuộc sống

Chuyện vui buồn viết hết trong thơ

Để khi nhớ vẫn còn rung động

Giấc mộng vàng say đắm tuyệt vời.

 

Tôi muốn thả rơi lòng hận thù

Cuộc đời phiêu bạt lắm gian truân

Tám năm biệt xứ là vô tận

Trời đất xoay vòng chuyện thế nhân.

 

Tôi muốn thơ tôi những đóa hoa

Xuân về rực rỡ niềm đam mê

Lòng vui chất chứa đầy nỗi nhớ

Trong mối tình quê bước trở về.

 

Tế Luân

10-03-23

Tuổi Vàng

 

Nắng mưa là chuyện của trời
Nhớ nhung là chuyện của đời người ơi
Nhớ thưở xưa ngày còn bé
Thuở yên vui như hoa hé nở bừng

Thuở yêu đời mộng thanh xuân
Thuở không đau khổ trầm luân chuyện đời
Sớm chiều tiếng hát vành khuyên
Vui đùa cùng bạn huyên thuyên nói cười

Giờ tuổi cao niên tới rồi
Không còn mộng mị xa rồi thanh xuân
Nhìn quanh chỉ thấy bạn già
Cùng nhau bóng xế hiệp hoà lời ca

Xin hãy chờ tôi bạn nhé
Chúng ta rồi cũng đến cùng một nơi
Nơi đó an nghỉ muôn đời
Với thần Phật độ yên vui Suối Vàng


Hồng Vân

Vị Nữ Tu


Nhóm bạn Caritas Saigon xưa, nhắn tôi là cố xuống khu đình Phước Lộc Thọ ở thủ đô tị nạn Bolsa, để gặp soeur Maria Theresa T H vừa từ Đalat qua thăm gia đình họ đạo lâu đời của soeur.

Khi tôi đến nơi hẹn, là nhà một thân hữu của soeur, đã thấy vài bạn Caritas ngồi quanh bộ salon rồi ...
Bà chủ nhà và soeur đều là dân ở Đalat thủa chúng tôi còn đang học Cán sự xã hội Thevenet, khoá đầu tiên dành cho Nha Xã Hội Quân Đội VNCH.
Sau đổi tên là Cục Xã Hội Quân Đội thuộc QL/VNCH .
Soeur bây giờ không mặc bộ áo thụng trắng, đội Cornette hồ cứng mầu trắng, hay mùa lạnh ở cao nguyên như Đalat, Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột...thì quý soeur có áo nỉ mầu xanh bleu mặc cho ấm áp.
Soeur mặc đồ tây của phụ nữ bình thường như quần đen, áo chemise tay dài mầu xám vừa, đội mũ có tấm voan mầu xanh bleu qua vai thôi.
Tất cả chủ khách tươi cười bắt tay nhau vui vẻ ở xứ người ...
Thời gian soeur "du lịch" ở Mỹ nửa tháng, tôi hỏi đã mất công đi xa quá thế này, sao soeur không xin đi lâu hơn.

Soeur cho xem sổ thông hành Việt Nam, có những via Pháp, Đức vv...và visa vô Mỹ hiện tại.
Bà nói có thể đi vài tháng, nhưng công việc nhiều lắm ở nơi mà cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng tôi cứ mỗi năm 2 kỳ Pâques và Noel được nhà trường cho lên tĩnh tâm ở biệt thự Thánh Tâm của cha Gérard Gagnon Đalat.
Soeur bảo cả miền "thánh địa" Domaine de Marie Dalat ngày xưa, chỉ còn mấy soeur thôi, có những người không thuộc tu viện tới làm việc thêm lâu rồi.
Những luống vườn rau ở lưng đồi mà chúng tôi phải tới để tập sự cũng không phải như cũ nữa, nó đã biến thành hợp tác xã, tổ hợp tuỳ theo lớn, nhỏ ...
Tôi bỗng buồn bã chi lạ, tức khắc nhớ lại vạt đồi xanh mướt các thứ rau: rau cải, bắp su, su lơ, hành tây, tỏi tây ...tất cả những rau trồng ăn ngay và trồng cho ngày Tết.

Thấy tôi ngó sững ra đường, không biết có hoàn toàn nhớ Đalat với Domaine de Marie, ngôi nhà thờ trên đỉnh đồi, có con đường tam cấp, thoai thoải từ dưới chân đồi lên thẳng cửa nhà thờ, giữa vạt thông non, lá nõn nà, mát rượi.
Tôi đã chụp hình ở đó, rất nhiều, cùng với liên tiếp những sự tình cờ ...những niềm vui của tuổi trẻ, vô tư, hồn nhiên.

Gặp lại soeur như gặp một chứng nhân của một phần đời mình, song năm tháng đã chồng chất lên tất cả từ suy nghĩ đến cử chỉ ...những ngộ nhận hay lỡ lầm, bất cứ của người cho hay kẻ nhận, tôi thấy soeur và cả tôi đang ở đôi bờ của hồ Xuân Hương Đalat...
Nhưng soeur lại là người tinh tế nhất. Vâng, có tinh tế mới ở nhà tu được, chứ sôi nổi như tôi, dẫu sấp mặt xuống nền phòng tĩnh tâm chủng viện, tôi cũng bị kéo sốc đứng lên để xa rời nơi yêu mến âm thầm ấy.
Soeur vỗ vào vai tôi, cười nhẹ:
" Em vẫn để tâm hồn đi vắng thế à ? "

Có tiếng cười rúc rích của bạn bè, một giọng nói hơi có vẻ ganh hờn cất lên:
Soeur à, hình như nàng Mỵ của chúng ta đang bị một " anh chàng " giận lắm, là vì cái lỗi ấy không phải tự Mỵ ta, mà từ đâu đưa đến, oan uổng quá, nên buồn hoài đấy.
Soeur cười lớn hơn: " Không sao, Chúa bảo mọi sự sẽ chẳng còn gì băn khoăn khi Đức tin tròn vẹn, hãy can đảm đợi chờ "
Tôi ngó soeur như cầu khẩn, bởi vì soeur ở gần Chúa hơn tôi, ít nhất soeur còn giữ được kỹ luật để ...tránh lỗi lầm .

Bỗng tôi tiếc những tháng ngày ở nội trú trong trường ma soeur xưa, tiếc luôn cả thời gian trong Quân Đội VNCH, bởi vì, có lẽ tôi phải có một môi trường nghiêm ngặt trong thân ái, để chính tôi tránh được những sơ xuất bốc đồng ...

Cao Mỵ Nhân

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Mẹ Là Tất Cả - Nhạc & Lời: Cao Minh Hưng - Ca Sĩ: Thuý An


Nhạc & Lời: Cao Minh Hưng
Ca Sĩ: Thuý An

Có Phải Vì Em

  

Tôi đi qua buổi chiều
Lòng thoáng gió hiu hiu
Một vì sao nháy mắt
Như mắt người tôi yêu

Hởi em xa muôn trùng
Thời gian trôi, trôi qua
Sao em còn đứng lại
Em chờ ai, chờ ai?

Đêm chong đèn thức mãi
Ngàn năm em chẳng già
Tôi một đời ngưỡng vọng
Có phải vì em xa?

Khánh Hà


Từng Mây

 

Mây ôm cánh gió mấy từng
Bao la bát ngát lưng chừng khoảng không
Trời xanh, mây trắng phập phồng
Gió đưa gió đẩy bềnh bồng mây trôi
Nền xanh - mây trắng giữa trời
Đẹp thay cảnh sắc biển trôi tuyệt vời
Lượn vòng vờn quyện chao ôi…
Ta như cởi sóng lướt đời thong dong

Hoàng Mai Nhất

Cô Gái Xếp Hoa Giấy

 

Lương sinh nhà nghèo, ham học, đêm ngày đọc sách ra rả như cuốc kêu mùa hè.
Một hôm đang đọc sách, Lương sinh có cảm giác như ai đang nhìn mình, ngẩng đầu lên thì thấy bên ngoài cửa sổ có bé gái mắt tròn đen láy như hạt nhãn, môi xinh chúm chím như hoa hàm tiếu đang nhìn mình.

Ngỡ là trẻ con hàng xóm, sinh liền đứng lên, mở cửa cho vào, miệng hỏi: “Em bé, cho cái kẹo đây này. Thích kẹo vừng hay kẹo bột?” Chả là trẻ con hàng xóm hay sang nhà Lương sinh chơi vì biết Lương sinh thích ăn vặt. Cứ khi trẻ con đến thì chàng lại cho chúng cái bánh, cái kẹo có sẵn trong lọ.

Cô bé ung dung bước vào, trả lời rằng: “Chả thích kẹo vừng, chả thích kẹo bột.” Hỏi: “Thế cho cái bánh đa to tướng nhé.” Đáp: “Chả thích bánh đa to tướng.” Lại hỏi: “Thế thích gì?” Trả lời: “Thích nghe đọc sách.”

Lương sinh ngồi xuống. Cô bé cũng ngồi bên cạnh, hai tay chống cằm, có vẻ lắng nghe. Lương sinh đọc: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.” (*) Cô bé hỏi: “Sách gì thế? Có khó không?” Lương sinh đáp: “Câu này mở đầu cho sách Đại Học, khó lắm.”

Cô bé hỏi: “Đã thuộc chưa?” Đáp: “Khó quá, chưa thuộc.” Cô bé nói: “Dễ thế mà không thuộc à?” Lương sinh phì cười: “Dễ! Dễ thì đọc đi.” Cô bé đọc ngay, trơn tru như miệng có bôi mỡ: “Đại học đi dạo, lại ăn bánh mứt, lại tăng cân, lại chỉ ưa thích diện.” Lương sinh cười to: “Đọc sách Đại Học như thế này thì thầy đồ đét cho đấy!”

Im lặng một lúc Lương sinh nói: “Nhưng mà em bé lanh lợi thật. Tiếc là còn bé quá! Giá lớn được một tí thì làm bạn ta được đấy.” Cô bé hỏi: “Lớn bằng ngần nào thì làm bạn được?” Lương sinh đáp: “Khoảng mươi tuổi, tầm thiếu nữ mười sáu, mười bảy.”

Thoáng một cái, cô bé biến thành một thiếu nữ mười sáu, mặt đẹp như trăng rằm, xiêm y tha thướt. Lương sinh hốt hoảng, hỏi: “Ma à?” Đáp: “Chả phải ma.” Lại hỏi: “Chồn à?” Đáp: “Chả phải chồn.” Lương sinh nói: “Chả phải ma. Chả phải chồn. Họa có là tiên mới đẹp như thế này được.” Thiếu nữ đáp: “Đúng là tiên đây!”

Lương sinh không hỏi nữa. Là ma, là chồn hay là tiên không quan trọng. Có cô bạn đẹp người như thế này, chàng thích mê.
Một lúc sau, Lương sinh buồn rầu nói: “Mấy cái câu nàng đọc lúc nãy, đúng một nửa, sai một nửa.” Hỏi: “Nửa nào đúng? Nửa nào sai?” Đáp: “Nửa đầu đúng, nửa sau sai… Đại học đi dạo. Ừ, ta hay đi dạo thật. Lại ăn bánh mứt. Ừ, ta hay ăn kẹo, bánh, mứt thật. Lại tăng cân. Quái, ta ăn nhiều đồ ngọt mà vẫn không tăng cân. Lại chỉ ưa thích diện. Ta làm gì có áo đẹp mà diện.”

Thiếu nữ vỗ tay cười, nói: “Câu trong sách thì không thuộc mà cái câu người ta thuận miệng nói ra thì lại thuộc. Anh này cũng lạ. Nhưng mà này, nếu có áo đẹp thì có diện không?”

Lương sinh đáp: “Diện chứ!” Thiếu nữ cho tay vào tay áo rộng, rút ra một xấp giấy màu, rồi với hai bàn tay thoăn thoắt, chỉ trong chốc lát cô làm cho xấp giấy màu trở thành những bông hoa bằng giấy xinh đẹp lạ thường.


Lương sinh trố mắt nhìn. Cô gái bảo: “Ngồi im để người ta làm áo đẹp cho.” Thế rồi cũng với hai bàn tay khéo léo, cô gắn những bông hoa giấy lên áo Lương sinh. Bây giờ tấm áo vải thô của Lương sinh trở thành tấm áo đẹp tuyệt vời. Xong xuôi, cô gái bảo: “Nào, đứng lên xem!”

Lương sinh nghe lời, đứng lên. Cô gái ngoẹo đầu ngắm rồi bảo: “Được đấy! Diện được rồi.” Quả tình lúc ấy trông Lương sinh rõ ra là một công tử con nhà giàu với tấm áo đẹp lạ lùng hiếm có.

Từ đấy cứ thỉnh thoảng cô gái lại đến chơi. Lương sinh đọc sách, cô gái ngồi nghe. Chỗ nào Lương sinh không hiểu thì cô gái giảng nghĩa rành mạch. Chẳng mấy chốc Lương sinh thành một nho sinh giỏi nhất trường. Thầy và các bạn đều lấy làm lạ.

Có một bọn đồng song nghi ngờ Lương sinh có thầy dạy riêng, mới đến nhà chàng rình xem. Thầy đâu chả thấy, chỉ thấy một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, miệng giảng kinh sách cho Lương sinh, tay thoăn thoắt xếp giấy thành hoa. Bất chợt cô gái ngẩng lên nhìn qua cửa sổ, ánh mắt sắc như dao, bọn nho sinh sợ hãi chạy biến.

Mấy hôm sau, cô gái lại đến, mặt có sắc buồn. Cô nói với Lương sinh: “Định đến thăm mãi nhưng không được nữa. Ta tên Ái Hoa, vốn là tiên coi vườn nhà Trời, thích văn chương hạ giới nên xuống trần nghe kinh sách thơ văn. Không ngờ để dung nhan lọt vào mắt bọn người trần tục, không sớm dứt đi, chuyện đến tai Trời, thế nào cũng bị phạt nặng. Thôi, từ nay vĩnh biệt.”
Lương sinh buồn đứt ruột, hai hàng nước mắt chảy xuống. Ái Hoa an ủi: “Ta để lại cho một kỷ vật. Thấy kỷ vật cũng như thấy ta vậy.” Nói rồi dẫn Lương sinh ra trước cửa.

Ở đấy, không biết từ đời nào có một cái cây, thân khẳng khiu lại đầy gai, rất nhiều năm rồi chỉ ra mấy cái lá, chẳng có hoa bao giờ. Đứng dưới gốc cây, Ái Hoa đưa hai tay áo rộng lên cao.

Từ trong tay áo, bao nhiêu là mảnh giấy màu ào ạt bay ra, thoắt chốc đậu cả vào thân, vào cành cây, biến thành những bông hoa tuyệt đẹp.

Ái Hoa dặn: “Hoa này rất lâu tàn vì nó vốn bằng giấy. Cây thì chẳng cần tưới bón nhiều mà hoa vẫn cứ tươi, cứ rực rỡ. Kỷ vật đấy. Nhìn hoa cũng như thấy người. Ta không đến thăm nhưng tình bạn của chúng mình bền chặt mãi nhé.”

Một đám mây hạ xuống, Ái Hoa ung dung bước lên. Mây đưa Ái Hoa về Trời.
Cây ấy bây giờ là cây bông giấy, trổ hoa rực rỡ, tươi thắm quanh năm.

Quyên Di

(*) Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện: Trích sách Đại Học, có nghĩa là: đường lối đại học ở chỗ làm cho sáng tỏ cái đức sáng, làm cho con người đổi mới luôn luôn, lo cho đến chỗ hoàn toàn tốt lành mới thôi.

Tống Vi Phán Quan Đắc Vũ Trung Sơn 送韋判官得雨中山 - Lư Luân (Trung Đường)


Lư Luân 盧綸 (748-800) tự Doãn Ngôn 允言, người Hà Trung (nay là tỉnh Sơn Tây). Trong thời Đại Lịch, đời Đường Đại Tông, thi nhiều lần không đậu, sau có người tiến cử ra làm quan chức uý tại Văn Khanh, lần lần thăng đến chức Hộ bộ lang trung, giám sát ngự sử. Tham gia quân đội nhiều năm, thơ ông phóng khoáng, quan tâm nhiều đến đời sống nhân dân.

Lư Luân là một trong mười tài tử thời Đại Lịch (chín người kia là Cát Trung Phu, Hàn Hoành, Tiền Khởi, Tư Không Thự, Miêu Phát, Thôi Động, Cảnh Vi, Hạ Hầu Thẩm, Lư Đoan).

Nguyên tác              Dịch âm

送韋判官得雨中山 Tống Vi Phán Quan Đắc Vũ Trung Sơn 

前峰後嶺碧濛濛 Tiền phong hậu lĩnh bích mông mông,
草擁驚泉樹帶風 Thảo ủng kinh tuyền thụ đới phong.
人語馬嘶聽不得 Nhân ngữ mã tê thính bất đắc,
更堪長路在雲中 Cánh kham trường lộ tại vân trung.

Chú giải

前峰後嶺 tiền phong hậu lĩnh: trước là núi (phong) sau cũng núi (lĩnh).
碧濛濛 bích mông mông: chữ bích nghĩa là xanh; mông mông là mờ mịt; cụm từ bích mông mông đặt sau cụm từ tiền phong hậu lĩnh ám chỉ (mưa bụi hoặc mây dầy) làm cho núi non trông mờ mịt.
擁 ủng: cầm, nâng lên, ủng hộ. 草擁 thảo ủng: ám chỉ cỏ cao.

Dịch nghĩa
Tiễn phán quan họ Vi gặp mưa núi

Trước là núi (phong), sau là non (lĩnh), (trong màn mưa bụi) mờ mịt,
Cỏ cao, suối chảy gấp, cây bị gió lay động.
Không thể nghe tiếng người nói và tiếng ngựa hý (vì gió thổi bạt tai),
Còn phải chịu cảnh đường dài đi trong mây.
(Vi phán quan thân thế không rõ).

Dịch thơ

Tiễn phán quan họ Vi gặp mưa núi

Sau non trước núi phủ mưa bay,
Suối gấp cỏ cao cây gió lay.
Người nói ngựa kêu nghe chẳng được,
Đường dài thăm thẳm ẩn trong mây.

Lời bàn 
28 chữ của bài thất ngôn tứ tuyệt này tả rất rõ nét cái đầu đề Tiễn phán quan họ Vi gặp mưa núi:
Cuộc tiễn bạn của Lư Luân gian nan chưa từng thấy trên thế gian này. Lư đã đi theo bạn một chặng đường dài toàn là núi non (trước núi sau non). Cỏ trên đường mòn thì qúa cao. Suối chắn ngang đường thì chảy gấp. Lại còn gặp mưa bay và gió lớn nữa! (Ấy là chưa kể đến việc ông còn phải một mình đi ngược đoạn dường này để về nhà sau khi chia tay bạn).
Câu 3 còn tiếp thêm cái mức khó khăn trong cuộc tiễn đưa: tiếng ngựa hí còn không thể nào nghe được (vì gió thổi ù tai) cho nên Lư đã phải gào lên mà vị phán quan cũng vẫn không nghe được Lư kể lể những gì. (Thà đừng đi tiễn còn hơn!).
Còn một ẩn ý nữa: Không thấy nói vị phán quan họ Vi này là chỗ thân tình với Lư! Bạn sơ mà Lư còn hết lòng như vậy; nếu là bạn thân thì Lư sẽ như thế nào?
Càng dịch thất ngôn tứ tuyệt Con Cò càng thấy nó là một thể thơ vô địch của hành tinh này!

Con Cò
***
Tiễn Vi Tiên Sinh

Trùng điệp non xanh mưa bụi rây
Cỏ cao nước xiết gió lay cây
Tiếng người ngựa hý nào nghe thấy !!!
Khổ thật đường xa… mây lấp mây

Kiều Mộng Hà
Dec02nd2023
***
Tiễn Vi Phán Quan Đi Núi Vũ Trung.

Non sau núi trước khói sương dầy,
Suối động cỏ cao gió lộng cây.
Ngựa hí lời người nghe chẳng được,
Đường dài nhẫn nhục vượt trùng mây.

Mỹ Ngọc
Dec. 2/2023.
***
Như đã bàn trong kỳ trước, mình phải ghi LÔ hay LƯ?
Lời bàn của Đạo Mò có lẽ đúng, Vũ Trung là tên núi. Đắc là tới, đến, không phải là được (đắc, thất) như mình vẫn hiểu. Vũ không phải là mưa. Nếu tiễn bạn mà bị mưa trong núi thì phải viết là đắc trung sơn vũ chứ. Mưa trong bài này là 2 chữ Mông Mông, mưa nhỏ, mưa phùn, mưa bụi….

Ủng là giúp đỡ, ngăn trở, che lấp... (tuyết ủng lam quan, mã bất tiền của Hàn Dũ) Ở đây, thảo ủng có nghĩa là cỏ dầy, che lấp lối đi.
Kinh là kinh sợ. Kinh tuyền là suối nước chảy mạnh, đáng sợ.
Đới là cái đai, thắt lưng, mang, đeo, bao quanh, hộ, giùm, chịu đựng...
Chữ Thính trong câu 3 có lẽ phiên âm là Thinh mới đúng luật bằng trắc.

Bản dịch của ÔC hay quá, dùng vần bay, BS phải bắt chước. Mưa nhỏ nên bắt chước luôn chữ PHỚI của Vũ Hoàng Chương khi dịch bài thơ của Vương Ngư Dương. (Đậu bằng qua giá vũ như ti: Dây dưa, giàn đậu, phới tơ mưa).
Đúng như ÔC nói, họ Lư tiễn bạn vô cùng vất vả.

Tiễn Phán Quan Họ  Vi Tới Núi Vũ Trung.

Non sau, núi trước phới mưa bay,
Suối xiết, cỏ dầy, cây gió lay,
Người nói, ngựa kêu, nghe chẳng được,
Đường về thăm thẳm giữa từng mây.

Bát Sách.
(Ngày 03/12/2023)
***
Tiễn Biệt Phán Quan

Núi non tiền hậu mịt mờ,
Trong màn mưa nhỏ, lặng lờ nước trôi.
Cỏ cao, suối chảy khôn ngơi,
Cuồng phong lay động bên trời muôn cây.
Tiếng người, vó ngựa chớ hay,
Lại thêm chịu cảnh ngợp mây đường dài.

Khánh-Hưng
***
Tiễn Vi Phán Quan Gặp Mưa Trong Núi 

Trước núi, sau non mưa não nùng
Cỏ cao, suối gấp, gió cây rung
Tiếng người, ngựa hý nghe không rõ
Thêm nỗi đường mây tối mịt mùng!

Lộc Bắc
Nov23
***

Tiễn bạn qua núi gặp mưa
Núi non trùng điệp phất mưa bay
Rậm cỏ suối trong gió tốc cây
Ngựa hí tiếng người nghe loáng thoáng
Lộ trình xa thẳm mịt mù mây

Thanh Vân
***
Góp ý của Phí Minh Tâm:

Nguyên tác:              Phiên âm:

送韋判官得雨中山 Tống Vi Phán Quan Đắc Vũ Trung Sơn

盧綸 Lư Luân

前峰後嶺碧濛濛 Tiền phong hậu lĩnh bích mông mông
草擁驚泉樹帶風 Thảo ủng kinh tuyền thụ đới phong
人語馬嘶聽不得 Nhân ngữ mã tê thính bất đắc
更堪長路在雲中 Cánh kham trường lộ tại vân trung

Bài thơ có mộc bản trong sách:

Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁

Ghi chú:

Sách của Hồng Ngoại cho tựa bài thơ đơn giản Tống Vi Phán Quan, dễ dịch là Tiễn Quan Phán Họ Vi. Với tựa dài như trên, ta có thể dịch là Tiễn Quan Phán Họ Vi Gặp Mưa Ở Trung Sơn (địa danh) hoặc Tiễn Quan Phán Họ Vi đến Vũ Trung Sơn.

Trung Sơn: địa danh ở huyện Trường Ninh, Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên 四川省宜賓市長寧縣境內的一座山峯. Ngày nay, Trung Sơn nằm trong khu du lịch Thất Đỗng Câu,Tứ Xuyên 四川七洞溝, được đặt tên là Trung Sơn vì nó nằm trong năm ngọn núi.


Vũ Trung Sơn: không có địa danh này thời Đường. Toàn Đường Thi có 4 bài thơ có dùng 3 chữ vũ trung sơn trong bài:
Thu Độc Dạ 秋夜獨坐 của Vương Duy, với câu 3 Vũ trung sơn quả lạc 雨中山果落 trái cây trên núi rụng trong mưa.
Đề Tu Thượng Nhân Viên 題岫上人院 của Hứa Hồn, với câu 4 Sơ khánh vũ trung sơn 疏磬雨中山 tiếng chuông thưa thớt trên núi trong cơn mưa.
Túc Nhất Công Tinh Xá 宿一公精舍 của Ôn Đình Quân. với câu 4 Vũ trung sơn điện đăng 雨中山殿燈 đèn cung điện trên núi sáng trong cơn mưa.
Đồ Trung Thi 途中詩 của Dương Kỳ Côn, với câu 2 Vũ trung sơn sắc tẩy hoàn thanh 雨中山色洗還青 cảnh vật núi trong mưa rửa sạch trở lại màu xanh.

Ngoài bài của Hứa Hồn, rõ ràng địa danh Vũ Trung Sơn không phù hợp cho 3 bài thơ còn lại bên trên. Tuy nhiên, ta có thể dịch vũ trung sơn theo nghĩa thông thường núi…trong mưa cho cả 4 bài thơ.

Ngày nay Google Maps có cho địa điểm của một ngọn Vũ Trung Sơn ở cách thành phố Du Lâm, Thiểm Tây 榆林陕西, hơn 50 km phía Tây Nam. Phán quan họ Vi đi nhậm chức phải đến nơi có dân cư, chắc không phải đi qua một nơi hoang vu mà ngày nay còn hẻo lánh này.


Khi tìm Vũ Trung Sơn 雨中山, máy xem như cụm từ thường, nên cho hình núi điển hình có mưa/mây mù, mà không cho hình của địa danh

雨中山 - Google Search


Dịch nghĩa:

Tống Vi Phán Quan Đắc Vũ Trung Sơn

Tiễn Quan Phán Họ Vi Gặp Mưa Ở Trung Sơn

Tiền phong hậu lĩnh bích mông mông
Khắp núi (đỉnh trước hông sau) một màu xanh bích, mưa nhẹ mịt mờ
Thảo ủng kinh tuyền thụ đới phong
Cỏ um tùm suối róc rách cây lay động trong gió.
Nhân ngữ mã tê thính bất đắc
Không nghe được tiếng người nói cũng như tiếng ngựa hý,
Cánh kham trường lộ tại vân trung
Còn phải đi đường dài trong sương mù (mây).

Dịch thơ:

Tiễn Quan Họ Vi Trong Mưa Ở Trung Sơn

Nơi nơi mưa nhẹ xanh xanh mờ,
Cỏ rậm suối reo cây lắc lơ.
Gió át tiếng người tiếng ngựa hý,
Đường dài mù mịt còn đang chờ.

Seeing Off Wei Magistrate in the Rain at Zhong Shan by Lu Lun
The entire mountain (the front top and the back side) is blueish and hazy with a light rain,
The grass is tall, the creek is noisy, and trees swing in the wind.
One cannot hear the human voice nor the horse neigh,
Furthermore, one has to walk a long way in the fog (clouds).

Phí Minh Tâm

***
Góp ý:

雨中山=vũ trung sơn nghĩa là gì? Chữ 得=đắc trong tựa đề có nghĩa là đến; khi tiễn nhau, người đưa và người đi ở đầu lộ trình dẫn đến một nơi nào đó; không ai tiễn người đi "đến" một cơn mưa; 4 chữ 前峰後嶺=tiền phong hậu lĩnh cho người đọc hiểu là cảnh tiễn đưa ở xảy ra giữa núi và 盧綸=mông mông cho biết trời đang mưa nhẹ, hay ít nhất mù sương. Vũ Trung phải là tên của một ngọn núi. Có lẽ núi không có tiếng tăm gì lắm nên không có trong Wikipedia hay các trang du lịch Hoa Lục, nhưng người ni cũng tìm ra là một bản thư pháp của họa sĩ Tề Bạch Thạch (齊白石, tk XIX-XX).


不教磨墨苦人 bất giáo ma mặc khổ nhân nan
一日挥毫十日闲 nhất nhật huy hào thập nhật nhàn
且喜杨枝慰愁寂 thả hỉ dương chi úy sầu tịch
一春家在雨中山 nhất xuân gia tại Vũ Trung san

và hình chụp tựa đề [雨中山雾=Vũ Trung San vụ mây mù núi Vũ Trung]

Bản đồ Google cho chúng ta Yu Zhongshan-雨中山 ở Thiểm Tây, 60 km hướng Nam của Yulin/Du Lâm.


Huỳnh Kim Giám