Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Chuỗi Khổ


Thơ&Thơ Tranh: Kim Oanh

Qua Đèo Blao



Đến rặng đèo Blao núi chập chùng
Đường lên dốc đứng uốn vòng cung.
Thông chê triền thấp , vươn lên đỉnh
Thác ngại non cao , đổ xuống rừng.
Vách đá mây chen, sầu chót vót
Rừng cây sương trĩu, lệ rưng rưng.
Suối reo điệp khúc buồn sơn cước
Cho gió Cao nguyên khóc lạnh lùng.

Quang Tuấn


Dạ Sầu



Bài Xướng: Dạ Sầu

( Nhớ Quang Tuấn )

Vò võ tơ sầu quạnh quẽ đêm
Lai rai mấy chén đã say mèm.
Nhẹ nhàng chiếc lá buông trên mái,
Lấp lánh sao khuya rụng trước thềm.
Tri kỷ người đi biền biệt mãi,
Mái đầu sương nhuộm não nề thêm.
Trăng tà chênh chếch gà eo óc,
Ngoài ngõ ai về nhẹ bước êm 

Mailoc
7-7-17
***
Các Bài Họa:
Dạ Sầu

Một mình ngồi lặng dưới sương đêm
Nhớ chuyện ngày xưa dẫu cũ mèm
Có đứa thả hồn theo tiếng nhạc
Có thằng đắm nguyệt ngẩn bên thềm
Trước vì biến loạn đành ly tán
Nay đã yên bình lại nản thêm
Chả biết bạn bè còn được mấy
Lòng đầy khắc khoải chẳng hề êm

Quên Đi
***
Dạ Sầu
(Hoán vận)

Tơ sầu vò vỏ quạnh sương đêm,
Mấy chén lai rai khó uống thêm.
Chiếc lá nhẹ nhàng buông trước gió,
Sao khuya lắp lánh rụng bên thềm.
Người đi người đã đi biền biệt,
Kẻ ở kẻ đang ở ấm êm.
Chênh chếch trăng tà gà gáy sáng,
Chưa vơi mấy chén đã say mèm!

Đỗ Chiêu Đức
***
Dạ Sầu


Não nùng bóng chiếc mịt mù đêm
Thơ thẩn nhìn quanh cảnh cũ mèn
Xào xạc lá reo từ vạn nẽo
Ào ào gió rít khuấy bên thềm
Tuổi đời chồng chất ê chề quá
Sương tuyết nhuộm pha áo não thêm
Định mệnh lá lay người mỗi ngã
Thả tơ lòng vỗ giấc ru êm

Kim Phượng
***
Dạ Sầu


Dường như có tiếng khóc trong đêm
Tìm lại vườn hoang phế cũ mèm
Thổn thức ve rầu nằm cạnh phượng
Xót xa cánh rả gục bên thềm
Tiếc thương hương nhụy hoa phai nhạt
Day dứt sắc hồn đóa nhầu thêm
Ánh nguyệt dần tan sau rèm vắng
Vọng hoài miền hạ lắng sầu êm

Kim Oanh
***
Các Bài Cảm Tác:

Độc Ẩm Trong Đêm

Độc ẩm, ta ngồi suốt cả đêm
Rượu cay thấm mãi khiến môi mềm
Ánh trăng bàng bạc trên bờ cỏ
Ngọn gió lao xao trước mái thềm
Hình bóng người xưa còn đậm mãi
Vần thơ buổi ấy lại nồng thêm
Sương khuya vương áo, hồn se lạnh
Một ánh sao trời rơi rất êm....

Phương Hà
***
Nhớ Thương Hoài Tri Kỷ 


Cung Thiềm nguyệt thẹn thức canh đêm
Đối ẩm cùng ai chén ngọt mềm
Lấp lánh trăng sao rơi ngoài ngõ
Lung linh ánh điện rụng bên thềm
Thân già lẻ bóng buồn hiu quạnh
Tri kỷ cô đơn lạnh lẽo thêm
Chuốt rượu mềm môi không muốn uống
Mơ màng ngỡ bạn hiện về êm!

Mai Xuân Thanh
Ngày 09 tháng 07 năm 2017
***
Uống Trà Môt Mình

Trà ngon độc ẩm thức thâu đêm
Vị ngọt men theo thấm lưỡi mềm
Ngó trước sân nhà trăng đã lặn
Nhìn sau vườn cỏ ,lá đầy thềm
Gật gù hồi tưởng người tri ngộ
Khất khưởng thương nhiều lại nhớ thêm
Bình cạn hương thơm còn phản phất
Tưởng ai vừa đến bước chân êm!

Song Quang

Danh Ngôn Về Phụ Nữ (Phần 1)

-Trong đàn bà, tình bạn gần với tình yêu
[Thomas Moore]

-Gió thay đổi chiều mỗi ngày, người đàn bà thì thay đổi mỗi giâỵ
[tục ngữ Tây Ban Nha]

-Đàn bà hoàn toàn thấy rõ rằng họ càng vâng lời bao nhiêu thì họ càng chỉ huy bấy nhiêu.
[Jules Michelet]

-Khi chúng ta không theo hút được người đàn bà thì đừng đeo đuổi họ nữa.
Người đàn bà chỉ bị chinh phục khi người đàn ông đủ sức hấp dẫn họ. Một khi họ thấy bị đeo đuổi, họ sẽ từ khước.
[Krassovsky]

-Đối với người đàn bà, không được yêu là một tai họa; nhưng không được yêu nữa mới thực là một cái nhục.
[Montesquieu]

-Nơi nào có người đàn bà đẹp, thì nơi đó có người đàn ông thở dài,
[Tục Ngữ Hung-Ga-Ri]

-Người ta có thể quyến rũ người đàn bà bằng sự dối trá, nhưng người ta chỉ có thể chinh phục được họ với tấm lòng thành thật.
[Krassovsky]

-Im lặng là vật qúi gía hơn vàng, nhưng trong tình yêu người đàn bà lại ghét cay ghét đắng.
[P.]

-Khen tặng người đàn bà khác trước mặt người yêu là một sự sỉ nhục không thể tha thứ được.
[Bà De Stael]

-Ai có thể cai trị được một người đàn bà thì người ấy có thể cai trị được một nước.
[Honoré De Balzac]

-Khi một người đàn bà hứa yêu anh, anh không nên luôn luôn tin họ, nhưng khi họ bảo không yêu anh. Ấy, anh cũng không đáng tin họ nữa.
[Edouard Bourdet]

-Tiền bạc cũng như phụ nữ, muốn giữ nó thì phải săn sóc nó một chút, bằng không.... nó đi tạo hạnh phúc cho kẻ khác.
[Edouart Bourdet]

-Ra đời trăm trận trăm thắng, về nhà không thắng nổi người đàn bà.
[Napoleon ler]

-Có hai loại đàn bà: một loại muốn chữa những sai lầm của người đàn ông, còn loại kia muốn là một lỗi lầm.
[Hy Sheridan]

-Hỡi ôi! Được người đàn bà yêu thì ai cũng biết là điều thích thú, nhưng dễ sợ lắm.
[Lord Byron]

-Phụ nữ làm cho cách xử thế ở đời được trau chuốt và khiến cho người ta chuộng sự lễ đô.. Họ là thầy dạy chân chính về mỹ quan và là người khích lệ mọi sự hy sinh. Hiếm có người đàn ông nào yêu thương họ mà lại là người man rợ
[Gabriel Legouvé]

-Người đàn bà nào qúi trọng đạo đức của tâm hồn mình hơn sự thông minh và bóng sắc của mình, là hạng người đứng trên đồng loại của mình. Kẻ nào qúi trọng bóng sắc của mình hơn tài đức của mình, là hạng đàn bà tầm thường. Nhưng kẻ nào qúi trọng địa vị và giai cấp của mình hơn bóng sắc của mình, là hạng người đàn bà đứng ngoài lề đồng loại của họ : họ không phải là người đàn bà.
[Chamfort]

-Bí quyết hạnh phúc của người đàn bà là tự tin cái vui trong bổn phận
[Dr. Auton]

-Có một cách khen tặng người đàn bà mà họ thích nhất là nói xấu người đàn bà đối thủ của ho.. Khen tặng người đàn bà mà đồng thời cũng khen tặng một người đàn bà khác, thì sự khen tặng của mình thành vô gía tri..
[Bà De Girardin]

-Người đàn bà mà thật thà là lúc họ thấy không cần thiết phải dùng đến sự dối trá vô ích.
[Anatole France]

-Mê người đàn bà thì dễ, yêu người đàn bà thì khó.
[Marcel Aymé]

-Người đàn bà đẹp là thiên đàng của cặp mắt, mà là địa ngục của tâm hồn.
[Pope]

-Cái đẹp của người đàn bà không khác nào những mùi thơm thoảng qua và tan đi rất mau chóng, hễ ngửi quen rồi thì không ai còn để ý nữạ
[Bà De Lambert]

-Đẹp là ở con mắt người khác ngắm nhìn
[Le Wallace]

-Người đàn bà đẹp khó mà sống được an thân, cũng như ngọc qúi là mồi của trộm cướp
[Jean Jacques Rousseau]

-Người đàn bà nói thích giản dị là người ít giản dị nhất. Người đàn bà nào nói ít làm dáng chính là người làm dáng nhất đờị Người đàn bà nào nói ít trang sức lại là người khéo trang sức hơn ai hết
[André Maurois]

-Không có người đàn bà nào xấu cả, chỉ có những người dàn bà không biết làm cho mình được quyến rủ mà thôi
[Christian Dior]

Đàn bà thường hay giữ lâu anh tình nhân đầu tiên, khi nàng chưa tìm được anh tình nhân thứ hai
[La Rochefoucauld]

-Không có gì làm đau khổ cho người đàn bà đẹp bằng thấy có người đẹp hơn mình
[Philippe De Varenne]

-Trước con mắt của người yêu, không có người đàn bà nào xấu cả
[Ronsard]

-Một người đàn bà xấu mặt nhưng đẹp lòng là người đàn bà đẹp. Một người đàn bà đẹp mặt nhưng lòng dạ không đẹp là người đàn bà xấu
[Helvétius]

Nguyễn Thúc Soạn Sưu tầm

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Tạ Từ



"Cầu thệ thủy im ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong lặng đứng rũ tà huy"(*)
Có buồn hỏi hoa nắng vàng đầu sóng
Lạc lõng trôi rồi biết mất đi đâu

Cõi cát bụi như nửa hư nửa thực
Kiếp nhân sinh đã những lắm bể dâu
Ba chìm bảy nổi chút thân luân lạc
Môi đỏ tóc xanh nay đã bạc đầu  ̣

Đất khách quê người cuối đời thương khó
Tuổi già lụm cụm quên trước quên sau
Thôi nhỉ đủ chưa buồn vui thế sự
Mòn mỏi tháng ngày còn vẫn nhớ nhau

Phạm Khắc Trí
Mây Tần - 11/11/2014
Phụ Chú : (*)Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Cụ Nguyễn Gia Thiều có câu:
"Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ / Quán thu phong đứng rũ tà huy"

Tìm An Lạc


(Hình Ảnh: Phan Tự Trí)

Tôi viết bài này do cảm xúc từ sự việc một cặp chim hoạ mi: Giữa mưa to gió lớn đã tìm về làm tổ trên cây bông giấy ở sân thượng nhà mình. Đẻ trứng và nuôi con bất chấp giông bão cho đến khi chim non đủ lông cánh bay vào trời rộng, cất tiếng hót tung bừng.
Thật hạnh phúc khi tìm được an lạc giữa phong ba.
Hình ảnh rình chụp khi bố mẹ chim đi vắng.



Tìm An Lạc

Cảm mến đàn chim đến cửa nhà
Biết tìm an lạc giữa phong ba
Tổ xây che chắn phòng gian hiểm
Trứng nở ấp iu chặn ác tà
Há mỏ chiều chiều con ngóng đợi
Nóng lòng sáng sáng mẹ đi xa
Đủ lông sải cánh vào cao rộng
Thử giọng tưng bừng khúc tráng ca.

Phan Tự Trí




Các Bài Họa:Chuyện Chi Họa Mi...

Đất lành chim đậu đến ngôi nhà.
Tìm được giàn cây tránh thủy ba.
Xây tổ nuôi con bao nắng sớm
Dạy truyền học hót những mây tà.
Ra ràng chấp chới theo cành bổng.
Vỗ cánh dập dờn đến khoảng xa.
Chim mẹ bên con theo dõi sát
Dìu lên trời rộng véo von ca.

Trần Lệ Khánh

21-5-2017
***
Họa Mi Trong Nhà

Họa mi trú ngụ ở trong nhà
Để được yên bình tránh gió ba
Tổ nhỏ lao xao trên gác xép
Chim non ríu rít giữa chiều tà
Giao hòa cảnh đẹp lồng hơi ấm
Quyến rũ người gần đến kẻ xa
Bạn hữu về chơi khen tấm tắc
Cây bông cũng biết cất lời ca

Phạm Kim Lợi
***
Đàn Chim Quen Nhà


Chim quen tụ đậu phía sau nhà
Cứ mỗi chiều về chụm bảy ba
Mùa đổi hoa cành cây trụi lá
Cùng tông trống mái bóng là tà
Xù lông mỏ cụn dường yên chổ
Vổ cánh đuôi kề chớp nhảy xa
Chíu chít ra chìu âu yếm tỏ
Quây quần tựa bước điệu tình ca

Hải Rừng

21/5/2017
***
Mộng Tương Phùng

Đã lâu giã biệt chốn quê nhà
Lữ thứ chân chùng giữa ngã ba
Nỗi nhớ giày vò khi sáng sớm
Niềm thương thúc giục buổi chiều tà
Lòng luôn khắc khoải dù ngăn trở
Dạ cứ thẫn thờ dẫu cách xa
Mong mỏi trùng phùng khơi mạng mạch
Cội nguồn đồng vọng khúc âu ca.

Như Thị***
Tình Chim


Chim yêu tổ tựa ta yêu nhà
Chăm chút con dường nghĩa “má ba”
Lúc mớm mồi thơm trong nắng ấm
Khi che gió lạnh trước dương tà
Mong ngày cất tiếng vang lời mãi
Ước buổi tung trời vút cánh xa
Gọi ánh bình minh cùng thức dậy
Dâng đời mỗi sáng những bài ca.

Nguyễn Gia Khanh
***
Chim Vườn

Mỗi sớm vườn mơ chim hát ca
Ríu ran chiếp chiếp thoắt lan xa.
Bắt sâu kiếm hạt nuôi con đỏ
Giữ tổ yêu nhau ghét thói tà.
Ấm áp tâm can người chí thú
Rạng ngời sắc diện nét thu ba.
Chích chòe, dẻ quạt vành khuyên nữa
Vẻ đẹp bình yên của mọi nhà .

Trần Như Tùng
***
Nghe Chim Hót


Đôi chim về lượn hót quanh nhà
Rồi đậu quen thường ở nhánh ba
Thánh thoát du dương cùng nắng rực
Thanh tao trầm bổng với huy tà
Hồn nhiên trổi khúc vi vu lộng
Giản dị buông tràng lả lướt xa
Những lúc mưa cuồng vây gió dập
Nghe lòng nhớ tiếng ngọt ngào ca.

Lý Đức Quỳnh
***
Hoa, Hạnh Phúc Và Thơ


Chùm lan mới nở trước hiên nhà
Bám gốc cây già nơi chạc ba
Đón nắng, đài phô trong gió sớm
Chào đêm, hương ngát dưới trăng tà
Bướm ong lượn cánh, tình chan chứa
Trai gái kề vai, mộng vút xa
Bè bạn ngắm hoa, vui xướng họa
Nghe lòng rộn rã khúc hoan ca.

Sông Thu
***
Cảm Tác


Ấm áp vườn quê, ấm phúc nhà
Đất lành chim đậu ,...ríu đôi ba...
Sớm ra sải cánh vui đường nắng
Chiều đến chao thoi rỡn ánh tà.
Lảnh lót lời chim chào khách đến
Rì rào tiếng lá đón người xa!
Nhàn ngâm phong nguyệt xem hoa nở
Trời đất giao hòa khúc xướng ca!

Nguyễn Huy Khôi. 
21-5-2017
***
Gia Đình Chim

Đôi chim dọn tổ trước sân nhà
Xinh xắn nằm ngay nhánh chỉa ba
Há mỏ chờ ăn từ sáng sớm
Lùng mồi tung cánh tận chiều tà
Còn non ,thỏa ngắm vì kề cận
Chừng lớn,khôn nhòm bởi khuất xa
Mỗi độ xuân về bao ước vọng
Oanh tìm chốn cũ,rộn lời ca .

Thanh Hòa
***
Tổ Ấm


Chim non ríu rít rộn sau nhà 
Mong dáng mẹ hiền lẫn tiếng ba
Run rẩy nghiêng mình xua gió lạnh
Âu lo rũ cánh ngại trăng tà
Luyến lưu con trẻ không đành biệt
Bịn rịn mẫu từ chẳng muốn xa
Nắng dậy chan hoà bên tổ ấm
Sân vườn náo nhiệt bản đồng ca.

Như Thu


Nâng Bi


Có người nói rằng, thuật ngữ “nâng bi” có ở xứ ta từ trước khi Sài Gòn “giải phóng”, nó được nói chệch ra từ “Lobby” chỉ sự “vận động hành lang” để giành được ưu thế, sự ủng hộ cho đối tượng cần “Lobby”.

Trong tiếng Việt “nịnh” là động từ chỉ hành động ” khen ngợi người trên một cách quá đáng và hèn hạ để cầu lợi”, còn “xu nịnh” chỉ kẻ “nịnh” và “ưa nịnh” chỉ đối tượng mà kẻ nịnh nhằm tới để cầu lợi. Tuy không có trong từ điển nhưng “nâng bi”(cùng nghĩa với nịnh) được dùng khá nhiều ở thời điểm hiện tại nhất là vào mục đích châm biếm mỉa mai. Nịnh thì thời nào cũng có nhưng khác nhau ở số lượng, cách thức hành nghề của đội ngũ xu nịnh.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có anh chàng nọ chơi bida vào hạng khá. Xếp của anh ta cũng thích bida nhưng chơi rất xoàng. Để làm vui lòng xếp, mỗi lần chơi anh chàng thường giấu tài và liên tục đi những đường cơ khéo léo để bi nằm vào vị trí dọn cỗ mời xếp “xơi”. Tất nhiên anh chàng cũng đủ tài diễn kịch để thi thoảng tạo ra một game ngang ngửa, kịch tính. Xếp khoái anh chàng ra mặt, cất nhắc anh ta vào chức trợ lý, cho hưởng nhiều bổng lộc.

Trò siêu nịnh bợ này được người đời gọi là “nâng bi” và nó được phổ biến dần trong xã hội như một từ mới với ý nghĩa như vậy. Và thú vị thay, hai từ “nâng bi” và “nịnh bợ” đều được viết tắt bằng 2 chữ “NB” giống nhau.
Về sau “nâng bi” ngày càng được hiểu theo nghĩa bợ đỡ, nịnh nọt, thậm chí nghĩa đen của nó còn được ngầm hiểu là thò tay nâng hộ xếp 2 viên… bi méo nữa. Kể cả xếp là nữ không hề có… bi cũng được “nâng bi” như bình thường.

“Nâng bi” vốn chỉ có một chiều, dưới “nâng bi” cho trên, bé “nâng bi” cho lớn. Ngang hàng với nhau chẳng ai “nâng bi” mà chỉ rình… sút vỡ bi của nhau mà thôi. Nếu khéo “nâng bi”, người ta có thể thu được nhiều món lợi hơn so với công sức, tiền bạc bỏ ra để nâng. 
Thời phong kiến, triều đại nào vua hiền thì lắm tôi trung, ít nịnh thần, triều đại nào vua hôn quân vô đạo thì ít tôi trung và lắm nịnh thần. 

Một trong những bậc thầy “nâng bi” mà trở thành người giầu có quyền thế bậc nhất là Hòa Thân, đời vua Càn Long, nhà Thanh TQ.
Khi Càn Long thấy mình hơi béo bèn hỏi Hòa Thân, Hòa Thân bẩm: “Cơ thể bệ hạ như thế này là cực kỳ chuẩn, thêm một tí là béo, bớt một chút là gầy!”. “Nâng bi” tinh tế đến thế là cùng.
Còn khi Càn Long làm thơ thì Hòa Thân tuôn ra những lời có cánh: “Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Nước ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế!”.

Chưa hết, mỗi khi có dịp Hòa Thân đều nhả ngọc, phun châu ra những câu đại loại: “Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!”. Thói đời, nói một lần vua chưa tin, nhưng nói nhiều lần Càn Long đâm ra tưởng thật, ngài khoái ra mặt. Và khi đó tài “nâng bi” của của Hòa Thân phát huy hiệu quả tột đỉnh!
Cái tài của Hòa Thân là biết chọn đúng thời điểm để “nâng bi”, khiến những câu nói hành động của ông ta có sức nặng ngàn cân.
Có một câu cửa miệng mà người đời hay dùng để miêu tả thói bợ đỡ đó là “nịnh thối”. Câu này có nguồn gốc từ truyện tiếu lâm dân gian Việt Nam sau:

Có ông quan huyện đang lúc thăng đường thì vô tình phát ra một cái rắm rõ to. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc, ngài đang ngượng chín người thì một tên lính hầu nức nở: “Mùi vị thực dễ chịu, âm thanh nghe như tiếng đàn, tiếng sáo!”. Tên lính còn lại thì xun xoe thốt lên: “Chao ôi, thoang thoảng hương quế, hương lan!”. Quan huyện tuy có đỡ ngượng nhưng ngài chợt nghĩ rồi nói: “Thường thì trung tiện phải có mùi thối, nay rắm của ta mà các ngươi thấy thơm thì hẳn ta chẳng còn sống được bao lâu nữa!”. Nghe vậy hai tên lính hầu vội rối rít: “Bẩm quan lớn, bây giờ thì có mùi rồi, thối lắm ạ!”. Quả là nịnh… thối đến cỡ đó là cùng!

Chuyện xưa kể rằng, vào thời nhà Tề, Tề Uy Vương là một ông vua làm gì cũng được quần thần tung hô “anh minh, sáng suốt”. Tề Uy Vương cũng lấy làm thích thú. Đại phu nước Tề là Trâu Kị tâu với Tề Uy Vương cần phải nghe nhận xét của dân chúng. Tề Uy Vương cho là phải và ra chiếu: “Ai vạch ra được lỗi lầm của nhà vua trước mặt bá quan triều đình, thưởng 300 nén vàng. Ai dâng biểu vạch ra được tội của vua, thưởng 200 nén vàng. Ai có lời chỉ trích vua xác đáng, thưởng 100 nén vàng”. Chiếu vừa ban ra chưa ráo mực, dân chúng đã kéo đến cổng thành xếp hàng chờ vạch tội vua lấy thưởng đông như trẩy hội. Lúc này Tề Uy Vương mới tỉnh ngộ, xấu hổ gần chết. Hóa ra lâu nay ngài toàn được nghe những lời xiểm nịnh, thiếu trung thực.

Sử sách xưa cũng ghi: Thời Xuân Thu, vị vua thứ 25 của nước Sở là Sở Trang Vương lúc nào cũng lo lắng việc nước nên rất hay hỏi quần thần kế sách. Nhưng đáp lại lũ nịnh thần chỉ luôn tìm cách ca ngợi Sở Trang Vương tài giỏi, sáng suốt. Sở Trang Vương buồn chán mà than rằng: “Ta đây vốn đã ngu si mà quần thần lại còn ngu si hơn ta nữa thì nước ta có lẽ khó mà giữ được”. Rồi Sở Trang Vương lập tức đuổi hết nịnh thần, tuyển dụng người tài, khiến nước Sở ngày càng mạnh và thu phục được khá nhiều chư hầu khiến tên tuổi của Sở Trang vương được liệt vào trong Ngũ bá thời Xuân Thu.

Con người khi đã “nâng bi” thành chuyên nghiệp, thì từ miệng họ các câu xu nịnh cứ tự nhiên tuôn ra một cách không dừng lại được. Có một gã nhân viên quen thói “nâng bi”, lúc nào gặp xếp gã ta cũng tìm ra được một câu gì đó để làm xếp vui lòng. Một lần, gặp xếp trong nhà vệ sinh, anh ta buột miệng: “Ôi xếp bận đến trăm công ngàn việc mà anh vẫn… đích thân đi vệ sinh cơ ạ!?”.
Câu nói bợ đỡ, nói nhanh hơn suy nghĩ của anh ta vô tình thành trò cười cho công ty cả tuần sau đó.
Ngẫm cho cùng, mục đích của “nâng bi” là nhằm chiếm tình cảm của cấp trên để mưu cầu lợi ích cá nhân. Thường những người kém tài, thiếu thực lực thì lại có khả năng “nâng bi” và chịu khó “nâng bi” bất kỳ lúc nào có cơ hội. Tất nhiên nói như vậy không hẳn là những người có tài họ không biết “nâng bi”, chẳng qua là họ tự trọng và liêm sỉ hơn mà thôi.

Chuyện ngày nay, cũng gần đây thôi, có người nhờ nâng bi nên làm “công chức” lớn trong ngành lập hiến. Nâng bi lâu ngày bị mỏi tay, không tự mình nâng cho mình được nữa, gọi là "tự nâng hay là “self nâng” cho nên chổ nào có hội hè đình đám đều vác mặt đến nhờ mấy thằng khác nâng bi dùm. Vì thế cho nên vì rằng thì là, nhân một hội chợ Tết, hắn đến tham dự, kẻ hèn này được một tên nâng bi có tầm cở (có chức trong ngành y tế hay trường đại học gì đó) kéo kẻ hèn này lại chụp hình với ngài, kẻ hèn này lấy cớ đau bụng cần vào toilette xã xú báp, chạy một mạch vì sợ đứng lâu nó bay mùi.

“Nâng bi” có hại cho sự phát triển của xã hội, khiến những người tài thực sự và ngay thẳng, ăn nói khó nghe dễ bị gạt ra bên ngoài những công việc quan trọng. Các vị lãnh đạo nhận ra kẻ “nâng bi” không khó, tuy nhiên có bản lĩnh để loại bỏ kẻ “nâng bi” chuyên nghiệp lại là một chuyện khác. Bởi nghe ngọt bao giờ cũng lọt tai hơn và dễ gây nghiện, tuy cũng dễ sinh hoang tưởng và từ đó dẫn tới chứng vĩ cuồng cũng không bao xa.

Hãy luôn nhớ rằng nếu một kẻ thường xuyên “nâng bi” cho bạn thì hắn cũng sẽ dễ dàng “bóp bi” và “sút vỡ bi” bạn khi có cơ hội.

Tổng hợp
TNS- Lệnh Hồ Công Tử
Montreal, 19-07-2017

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Chỉ Còn Lại Nỗi Nhớ - Thơ: Hồng Thúy, Nhạc Phạm Mạnh Cương,



Thơ:Hồng Thúy 
Nhạc: Phạm Mạnh Cương 
Hòa âm: Đặng Vương Quân 
Ca sĩ Tâm Thư 
Karafun by: Dĩ Vãng Buồn

Nỗi Nhớ Dịu Dàng


Tặng em nỗi nhớ dịu dàng
Sáng nay bỗng thấy mênh mang đất trời
Tiếng cười em đỏ bờ môi
Ly cà phê khuấy bồi hồi giọt xưa

Không là nắng chẳng là mưa
Bầu trời đỏng đảnh như vừa ốm đau
Đôi bờ con sóng xô nhau
Ly cà phê khuấy nỗi sầu mênh mông

Câu thơ anh thả trôi dòng
Phương em có thấy mây mong gió chờ
Con đường cây ngả nghiêng mơ
Em về tóc xõa đôi bờ hanh hao

Tặng em nỗi nhớ ngọt ngào
Tháng Năm hoa điệp nghiêng vào lòng em
Vàng lời chim hót bên thềm
Vàng con gió thoảng tình bên cạnh người

Trầm Vân
 

Chỉ Dành Tặng Em Thôi


Em đi rồi chẳng còn vết chân lưu
Biển và sóng nối dài giăng kín mãi
Một mình Anh, chỉ một mình trên bãi
Ngắm sao trời nhấp nháy phía hoàng hôn!

Chẳng thể nào nghĩ được xa hơn
Nơi trần thế Em chỉ là ảo ảnh...
Thôi cứ sống kiếp người chóng vánh
Chờ kiếp sau biết gặp lại Em không?

Trái tim Anh đỏ thắm tựa bông hồng
Dẫu ngàn năm Anh vẫn chờ, vẫn đợi
Dẫu xa cách đến muôn trùng vời vợi
Bông hồng này chỉ dành tặng Em thôi.

Huy Phương

Chu Trung 舟中 - Huyền Quang Thiền Sư

Đất trời hoà một, trời là đất, đất là trời, không còn ranh giới giữa cõi Phật và nhân gian, chỉ có Chân Như trong sáng thôi.



舟中                    Chu Trung

一葉扁舟湖海客 Nhất diệp biển chu hồ hải khách
撐出葦行風慼慼 Sanh xuất vy hành phong thích thích
微茫四顧晚潮生 Vi mang tứ cố vãn triều sinh
江水連天一鷗白 Giang thuỷ liên thiên nhất âu bạch

玄光禪師             Huyền Quang Thiền Sư

Dịch Nghĩa: Trong Thuyền

Kẻ đang phiêu bạt biển hồ, ngồi trên con xuồng mong manh như chiếc lá
Chống xuồng qua đám lau, nghe tiếng gió buồn buồn rên rỉ
Bốn phía mịt mù, trong khi con nước buổi chiều đang lên
Giữa vùng trời và sông nước như liền nhau, xuất hiện một cánh chim hải âu trắng.

Diễn ý:

Từ bài Thơ Thiền này, Quên Đi nảy sinh liên tưởng:
Đây có phải là chiếc Thuyền không đáy của Tiếp Dẫn Tăng, và người khách là thầy trò Đường Tăng? Rời bến Lăng Vân, bỏ lại phía sau chốn mê, Tiếp Dẫn Tăng đưa thầy trò Đường Tăng sang đất Phật.

Dịch Thơ:

Kẻ phiêu bạt ngồi trên xuồng nhỏ
Vượt ngàn lau trong gió thì thào
Chiều mờ con nước dâng cao
Giữa trời đất quyện hiện màu trắng âu.


Quên Đi
***
Các Bài Dịch Khác:
Trong Thuyền

Phiêu bạt một chiếc thuyền con
Hàng lau xào xạc dập dồn gió than
Chiều lờ mờ nước dâng tràn
Hải âu trắng xóa mênh mang đất trời

Kim Oanh
***
***
Trong Thuyền

Khách hải hồ trên thuyền bé nhỏ
Vượt ngàn lau lướt gió rì rào
Bốn bề mù mịt tràn dâng nước
Trời đất liền nhau hiện cánh âu


Kim Phượng

***
Trong Thuyền

Như chiếc lá rong chơi thuyền khách,
Gió xạc xào lau lách vượt qua.
Triều lên mù mịt chiều tà,
Giữa trời mây nước xa xa cánh cò.

Mailoc 
***
Trên Thuyền

Chiếc thuyền con chở theo người hồ hải,
Gió se se rời khỏi khóm lau xanh.
Con nước tối chung quanh chừng bát ngát,
Một cánh cò giữa trời nước thanh thanh!

Đỗ Chiêu Đức
***
Trong Thuyền

1/
Mong manh thuyền nhỏ trên hồ rộng
Qua đám lau già, nghe gió than
Mờ mịt bốn bên, trời nước quyện
Cánh chim ẩn hiện giữa mây ngàn.


2/
Biển hồ rộng, mong manh thuyền nhỏ
Vượt lau ngàn, nghe gió thở than
Bốn bên triều ngập mênh mang
Giữa vùng trời nước, nhịp nhàng cánh âu.


3/
Mong manh thuyền nhỏ giữa hồ
Thở than, tiếng gió trong bờ lau cao
Bốn bên trời nước một màu
Cánh chim âu trắng từ đâu lượn về.


4/
Thuyền nhỏ trên hồ rộng
Trong lau, tiếng gió than
Mênh mang trời nước quyện
Trắng hiện cánh chim ngàn


Phương Hà
***
Một Lá Xuồng Con


1/

Biển hồ phiêu bạt lá xuồng con
Lau lách chèo qua gió nỉ non
Mù mịt triều dâng chiều vắng lặng
Một màu trời nước trắng âu bon

2/ 
Biển hồ một lá xuồng phiêu bạt
Lau lách đìu hiu dạt gió buồn
Mịt mù tứ phía chiều buông
Hải âu trời nước, trắng luôn cánh bằng


3/
Xuồng bơi phiêu bạt cỏn con
Băng qua lau lách gió lòn đìu hiu
Mịt mù con nước buổi chiều
Trời sông một sắc âu xiu cánh bằng 


Mai Xuân Thanh
Ngày 13/07/2017


Tiểu Sử Phan Đình Phùng


Đôi nét về Tác Giả: Phan Đình Phùng 

Phan Đình Phùng (chữ Hán: 潘廷逢; 184 - 1895) hiệu: Châu Phong, là nhà thơ và là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê(1885-1896) trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.
Phan Đình Phùng sinh ra và lớn lên tại làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nho học. Cha ông là Phó bảng Phan Đình Tuyến, các bác ông là chí sĩ Phan Đình Thông và Cử nhân Phan Đình Thuật; chú ông là Phó bảng Phan Đình Vận.

Phong Trào Cần Vương:

Năm 1885, vua Hàm Nghi mưu việc kháng Pháp không thành phải chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) lẩn tránh. Phan Đình Phùng đã quên nỗi hiềm khích riêng, để cùng với Tôn Thất Thuyết chống Pháp. Hưởng ứng phong trào " Chiếu Cần Vương "của vua, dù đang cư tang mẹ, Phan Đình Phùng vẫn đứng ra chiêu tập lực lượng từ khắp các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, để chống ngoại xâm.

Phan Đình Phùng được nhà vua phong chức tán lý quân vụ, lãnh đạo nghĩa quân xây dựng căn cứ tại hai huyện Hương Sơn (đồn Hà Tân), Hương Khê (đồn Quy Hợp (Phú Gia)), thuộc Hà Tĩnh. Theo giúp sức ông có các trí thức như Tiến sĩ Phan Trọng Mưu, Cử nhân Phan Quảng...và nhiều võ tướng xuất thân từ nông dân và nhiều thành phần khác như Cao Thắng, Cao Nữu, Lê Ninh, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Lê Văn Tạc, Phan Đình Phong, Phan Đình Can...

Suốt mười năm (1885-1896), bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ, cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo đã giao chiến với Pháp nhiều trận, và đã gây cho đối phương nhiều tổn thất nặng nề, tiêu biểu nhất là trận Vụ Quang vào năm 1894.

Thấy không thể dùng sức mạnh quân sự để tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa, người Pháp dùng mọi cách dụ dỗ, mua chuộc Phan Đình Phùng. Người Pháp còn lợi dụng các cộng sự như Lê Kinh Hạp, Phan Trọng Mưu, Võ Khoa, Hoàng Cao Khải viết thư lấy "tình xưa nghĩa cũ" để khuyên hàng, nhưng trước sau ông vẫn một lòng cự tuyệt. Người Pháp lại dùng Nguyễn Thân và những cộng sự khác ra sức đàn áp, bắt thân nhân và khai quật mồ mả tồ tiên ông, vẫn không làm ông sờn lòng.

(Phan Đình Phùng và Cao Thắng)

Năm 1893, Cao Thắng tử trận khiến Phan Đình Phùng bị mất đi một cộng sự đắc lực. Năm 1895, Pháp điều Nguyễn Thân đến phối hợp với công sứ Nghệ An là Duvillier đem 3.000 lính đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Quân chủ lực của Phan Đình Phùng bị đối phương bít đường tiếp vận, nên vũ khí, lương thực, quân số thảy đều thiếu thốn, khó bù đấp. Mỗi lần đối phương tấn công, nghĩa quân chỉ có thể chạy quanh từ núi Quạt rồi trở về núi Vụ Quang, và không thể ở đâu lâu quá 3 ngày.

Ngày 17 tháng 10 năm 1894, Phan Đình Phùng đã tập hợp lực lượng, đánh thắng một trận lớn, đối phương mất nhiều vũ khí và bị giết chết rất nhiều. Ban đầu, ông cho quân lên tận nguồn sông chặt cây đóng kè chặn nước lại, đồng thời chuẩn bị sẵn nhiều khúc gỗ lớn. Khi quân Pháp và quân triều thân Pháp đến giữa dòng sông, thì ông cho phá kè trên nguồn, và tuôn cây xuống. Đối phương phần bị nước cuốn, phần bị cây lao vào người, lại bị nghĩa quân ở hai bên bờ xông ra đánh nên bị thương vong rất nhiều. Theo Phạm Văn Sơn thì sau trận này, phía Pháp ngoài số quân trang và đạn dược bị mất mát, còn có ba sĩ quan và trên trăm lính bị tiêu diệt.

Đây là trận thắng cuối cùng, vì gần 3.000 quân do Nguyễn Thân cầm đầu ngày càng xiết chặt vòng vây. Trong một trận giao tranh ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương nặng, rồi hy sinh vào ngày 28 tháng 12 năm 1895.

Mười hai ngày sau khi thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất, Nguyễn Thân mới tới được núi Vụ Quang và núi Quạt. Sau đó, Nguyễn Thân cho quật mồ Phan Đình Phùng ở chân núi Quạt, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La.

Sang đầu năm 1896, một số chỉ huy lần lượt mất vì ở lâu nơi rừng sâu nước độc, một số bị tử trận hoặc bị bắt, một số khác thì rút qua Xiêm La hoặc ra hàng...Cuộc khởi nghĩa Hương Khê mà Phan Đình Phùng cùng các cộng sự đã dày công xây dựng đến đây là kết thúc.

Tác Phẩm:

Hiện nay thơ văn của Phan Đình Phùng chỉ mới sưu tầm được một số bài.
Câu đối: Điếu Lê Ninh, Khóc Cao Thắng
Thơ: Đáp hữu nhân ký thi, Thắng trận hậu cảm tác, Kiến nguy binh thi cảm tác, Phúc đáp Hoàng Cao Khải, Lâm chung thời tác...
Thư: kính ký Hoàng Cao Khải thư
Sử địa: Việt sử địa dư (越史地輿): Sách viết bằng Hán văn, hoàn thành năm Kiến Phúc thứ nhất (Tây lịch năm 1883), hiện chỉ còn một bản viết tay. Sách được dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu tiên năm 2008. Nguyễn Hữu Mùi dịch và chú giải, Chương Thâu viết lời dẫn.

Giai thoại về Ông:

Năm 1886, anh của Phan Đình Phùng là Phan Đình Thông đang giữ cánh quân ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), bị thủ hạ làm phản nên bị Pháp bắt. Lê Kinh Hạp vốn là bạn thân Phan Đình Phùng, nên viết thư khuyên bạn về hàng để cứu lấy anh, để mồ mả cha ông khỏi bị khai quật.

Phan Đình Phùng cười lạt, nói với người đưa thư:Tôi có một ngôi mộ rất to nên giữ là đất nước Việt Nam, có một ngôi mộ rất to là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về hàng, để sửa sang phần mộ của cha ông mình, thì ngôi mả cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh mình, thì anh em trong nước ai cứu?

Sau khi cho khai quật mồ mả tổ tiên của Phan Đình Phùng ở làng Đông Thái vào năm 1894, Pháp cho bắt giam luôn những người thân tộc của ông.

Hoàng Cao Khải lúc đó đang là kinh lược sứ Bắc Kỳ, vốn là người đồng hương và là thông gia với Phan Đình Phùng, liền gửi cho ông một bức thư chiêu hàng bằng những lời lẽ hết sức thân mật, để khuyên bạn đừng chống đối tân triểu (sau vua Hàm Nghi là Đồng Khánh) và Pháp nữa. Sau khi xem xong, Phan Đình Phùng thở dài nói:Tôi đã quyết làm cái công việc của vua (Hàm Nghi) ủy thác, dân trông mong tới cùng, thì dầu cho sấm sét búa rìu, quyết cũng không lay chuyển và thay đổi chí hướng được.

Phan Đình Phùng viết thư phúc đáp, rồi ân cần dặn Phan Văn Mân, người anh nhà bác và là người mang thư, đừng trở lên núi Vụ Quang nữa. 

Bài thơ tuyệt mạng 

臨終時作

戎場奉命十更冬,
武略依然未奏功。
窮戶嗷天難宅雁,
匪徒遍地尚屯蜂。
九重車駕關山外,
四海人民水火中。
責望愈隆憂愈重,
將門深自愧英雄。
潘廷逢
 
Lâm Chung Thời Tác

Nhung trường phụng mệnh thập canh đông,
Võ lược y nhiên vị tấu công.
Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,
Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong.
Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,
Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung.
Trách vọng dũ long ưu dũ trọng,
Tướng môn thâm tự quý anh hùng.

Dịch nghĩa:
Làm trong khi sắp mất
Vâng mệnh ở chốn binh nhung đã mười năm,
Mưu lược đánh giặc vẫn chưa nên được việc gì.
Dân chúng cùng đường đói khổ kêu trời như đàn nhạn không có chỗ ở,
Bọn xâm lược còn đóng đồn như ong khắp mọi nơi.
Xa giá của vua (Hàm Nghi) đang ở ngoài quan san,
Nhân dân bốn bể như sống trong nước sôi lửa bỏng.
Trách nhiệm càng cao thì mối lo càng lớn,
Nghĩ mình cũng trong cửa tướng, mà riêng thẹn với tiếng Anh hùng.

Dịch thơ:
Làm lúc sắp mất
Việc quân vâng mệnh trải mười đông,
Chiến sự nay còn tính chửa xong.
Dân đói kêu trời tan ổ nhạn,
Quân thù chật đất dậy đàn ong.
Chín trùng thánh chúa nơi quê lạ,
Bốn bể nhân dân chốn lửa nồng.
Trách vọng càng cao, lo lại lặng,
Tướng môn những thẹn với anh hùng.

Phan Đình Phùng
 
BBT. Trích từ nguồnwikipedia


Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Vòm Trời Kỷ Niệm


Ôm bờ vai tóc mây huyền óng ả
Tiếng cười vui rộn cả góc sân trường
Nàng vô tư chân nhẹ thoát hài xinh
Dưới tàng phượng cùng bầy ve ra rả

Vạt nắng chiều mơn man từng kẽ lá
Rơi điểm đầy trên tà vạt trắng tinh
Rạng rỡ soi môi sắc phượng hữu tình
Trong thoáng chốc vấn vương hình bóng ấy

Giờ thấy nhau mai sân trường trống vắng
Có còn ai cho len lén trộm nhìn
Nghe buốt tim hằn dấu gót hài in
Giấc mộng đầu yêu thương đành để lại

Kim Phượng

Lệ Khuya



Bài Xướng: Lệ Khuya

Đêm thẳm sao buồn thế hở trăng?
Sương khuya cô lạnh sắc phơ vàng
Trần gian đây tủi âu nào lạ
Cung quảng bóng sầu đến vậy chăng?
Mượn chén ta quên phiền bám víu
Nhìn Hằng mình quặn đớn vây giăng
Ô hay nhân cảnh sao tương cảm
Giọt lệ dưng không rớt bẽ bàng!

Cao Bồi Già
***
Các Bài Họa:

Mời Trăng...


Bên hoa bút nở dưới vầng trăng.
Gió lật tờ tiên tắm ánh vàng.
Nguyệt điện Đường vương nay đã vắng!
Nghê thường Hàn quảng có còn chăng..?
Hằng nga hãy xuống...làn mây lướt.
Thi khách thân mời giải lụa giăng.
Trần thế-Bồng lai xưa vẫn kết.
Người thơ đang đợi tiếp câu Bàng...

Trần Lệ Khánh
10-7-2017
***
Đêm Hạ Tuần

Bên trời, ủ dột một vầng trăng
Bóng lẻ đơn côi, sắc úa vàng
Nghiêng mặt suy tư, rầu rĩ quá!
Cúi đầu trầm mặc, nhớ nhung chăng?
Vườn khuya thiếu sáng, quỳnh e ngại...
Bến vắng không thuyền, sương bủa giăng
Cô phụ thẫn thờ ôm gối chiếc
Ngoài hiên xào xạc lá cây bàng.

Sông Thu
***
Đêm Đông

Giận dỗi chi mà vắng mãi, trăng?
Mịt mờ đêm lạnh, chỉ mây giăng
Mùa thì xởi lởi vung tia bạc
Tháng lại bo bo giữ ánh vàng
Có phải vòng quay gây tạo thế?
Hay là thiên vị dựng nên chăng?
Mong sao bóng Nguyệt mau về sớm
Từ biệt cảnh đông bẽ với bàng.

100717.

Đoàn Đình Sáng
***
Mù Sương Đêm

Thấm đẫm sương mù lịm khuyết trăng
Bâng khuâng chạnh nhớ buổi thu vàng
Trong veo vẻo trước còn đâu nhỉ
Tối thẳm thăm chừ mãi đó chăng?
Xếp cánh chim ngàn mơ chốn sải
Ôm niềm khách lữ trốn mây giăng
Đêm thờ thẫn lạc bay hồn vía
Gió cuốn tình côi giữa bạc bàng

Lý Đức Quỳnh
***
Dưới Trăng Khuya


Ấm cúng cả nhà vui dưới trăng
An nhiên tận hưởng phút giây vàng.
Con mời bánh trái bà vui chứ
Cháu múa cờ sao ông thích chăng.
Tiến tới ngày ngày mây gió tạnh
Vượt lên lúc lúc bão dông giăng
Mùa theo mùa tới chồi xanh nảy
Dẫu trụi qua đông những gốc bàng 

Trần Như Tùng
***
Trăng Buồn

Đầu non lơ lửng một vành trăng
Nơi góc trời mây nhuộm sắc vàng
Trống vắng đường xưa, cô quạnh nhỉ!
Hoang sơ lối cũ, khổ sầu chăng!
Thân già thơ thẩn, buồn tràn ngập
Cảnh vật âm thầm, nhớ bủa giăng
Ánh nguyệt lu mờ, sương giá lạnh
Đêm khuya đối cảnh, bẽ cùng bàng

Thanh Trương
***
Lá Bàng


Đêm rằm sáng tỏ bóng tròn trăng
Mái ngói nghiêng nghiêng nửa ánh vàng
Thơ thẩn lặng nhìn làn mây cuốn
Bâng khuâng hồi tưởng sợi tơ giăng
Thời gian vùn vụt trôi đi mãi
Tuổi trẻ xa mờ có nhớ chăng?
Cầu gió nổi lên cho thật lớn
Để em nhặt lá úa nâu bàng…

Thiên Hậu
***
Đếm Lá


Đã có một thời hận dưới Trăng
Cũng do hoang phí tuổi son vàng
Đêm ngày thao thức vì yêu đắm
Năm tháng vầy vò đáng thẹn chăng?
Sao cứ xót xa, sầu tủi bám ?
Để rồi hứng chịu gió sương giăng!
Người đi biền biệt từ lâu lắm
Ta vẫn ngồi đây đếm lá bàng

Thục Nguyên
***
Xa Vắng

Nghìn khuya thao thức đợi vầng trăng
Tháng lụn, năm phai, úa mộng vàng
Một thuở ngỡ ngàng cung phím vỡ
Bao mùa mờ mịt tuyết sương giăng
Đường xa, gối mỏi...chân đau chứ?
Bóng lẻ,đêm buồn...dạ xót chăng?
Ai nhắn nhở chi lời thấm thía
Để tơ tưởng mãi bóng cây bàng!

Thy Lệ Trang

***
Chờ Trăng

Trông đợi thiên đường dậy ánh Trăng
Gợi chi nhung nhớ bóng chiều vàng
Chim bay thoả thích vui thì phải?
Bướm lượn tha hồ thú lắm chăng ?
Mấy độ tương tư hoa lá trải
Bao mùa thương nhớ khói sương giăng
Mơ màng nhịp điệu buồn xa vắng 
Cúi nhặt tàn phai chiếc lá bàng

Minh Thuý

Quái Kiệt Trần Văn Trạch (1924-1994)

 

Khi nghe nhạc buồn, con người cũng lắng hồn vào tiếng nhạc và có cảm giác buồn. Ngược lại khi nghe nhạc vui, tâm hồn người cũng mở rộng chào đón hân hoan. Những bản hùng ca lại làm khơi động những ý chí hào hùng, yêu nước. Nghe những bản du ca thấy muốn dấn thân làm việc xã hội. Những bản nhạc nhi đồng làm người nghe thấy tâm hồn trẻ lại.

Một loại nhạc có thể nói khó sáng tác nhất là nhạc hài hước, loại nhạc nghe có thể vui đến bật tiếng cười.

Tân nhạc Việt Nam có nhiều bản tình ca buồn, số lượng đến hàng ngàn bản nhạc. Nhạc hài hước Việt Nam có lẽ chỉ có độ chừng vài chục bản, do những nhạc sĩ thật đặc biệt sáng tác. Một trong những người đó là tác giả Trường Ca Hòn Vọng Phu. Chính Lê Thương là người đầu tiên viết nhạc hài hước Việt Nam với những bản nhạc Hòa Bình 48, Liên Hiệp Quốc, Làng Báo Sài Gòn…

Nhưng nói đến chuyện viết nhạc hài hước và rồi tự trình diễn lấy, nổi tiếng cả nước, trong lịch sử âm nhạc Việt Nam chỉ có một người: Trần Văn Trạch.

Ca nhạc sĩ Trần Văn Trạch, tên thật là Trần Quang Trạch, sinh năm 1924 ở Mỹ Tho, sinh trưởng trong một gia đình toàn là những nhân vật có tiếng về Cổ Nhạc Việt Nam. Tuy trong gia đình có những nhân vật khoa bảng lỗi lạc về âm nhạc như anh ruột là giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê, cháu ruột là tiến sĩ âm nhạc Trần Quang Hải… Trần Văn Trạch phải nói được nhiều người Việt Nam biết đến hơn cả.

Trần Văn Trạch có khiếu âm nhạc từ nhỏ, biết nhiều về Cổ Nhạc, thông thạo đàn kìm và tỳ bà, hát Vọng Cổ rất “mùi”, nhưng lại thích Tân Nhạc hơn. Sau khi học xong trường Trung Học Mỹ Tho, Trần Văn Trạch bắt đầu với nghề thương mại, lập lò làm chén bán ở Vĩnh Kim nhưng không đuợc khá lắm.

Năm 1945, Trần Văn Trạch bỏ nghề buôn bán, lên Sài Gòn “giang hồ” và tìm cách đi hát cho những phòng trà, vũ trường nhỏ. Đến khoảng năm 1947, nghệ sĩ Trần Văn Trạch bắt đầu trình diễn những bài hát hài hước. Những bản nhạc hài hước đầu tiên ông trình bày là những bản sáng tác bởi nhạc sĩ Lê Thương đã kể ở trên.

Nhưng về sau, vì nhu cầu trình diễn, Trần Văn Trạch đã tự sáng tác ra những bản nhạc hài hước để tự mình trình diễn lấy. Bản nhạc Anh Phu Xích Lô là sáng tác đầu tiên của Trần Văn Trạch:

Có ai mà muốn đi tới Chợ Lớn
Có ai mà muốn đi tới Chợ Mới
Có ai mà muốn đi chóng cho mau tới
Ê ! Tôi xin mời lại đây…

Những bài hát nổi tiếng ngày đó là Cái Đồng Hồ Tay, Cây Bút Máy, Anh Chàng Thất Nghiệp, Sở Vòi Rồng, Đừng Có Lo, Tôi Đóng Xi-Nê, Ba Chàng Đi Hỏi Vợ, Chiếc Ô-Tô Cũ… Bài nhạc nào của Trần Văn Trạch cũng làm người nghe cười… bể bụng. Thí dụ bài Tai Nạn Tê-lê-phôn:

Từ đâu nạn đưa tới
Gắn chi cái tê-lê-phôn
Bởi tôi muốn làm tài khôn
Khiến tôi muốn thành ra ma
Không vào Chợ Quán, cũng ra Biên Hòa…


Tuy vậy, không phải Trần Văn Trạch chỉ sáng tác nhạc hài hước. Chuyến Xe Lửa Mùng 5, kể chuyện đi thăm mẹ của một anh chàng. Đây là một bản nhạc lúc đầu nghe thấy có vẻ là nhạc hài hước, với những tiếng động của nhà ga, xe lửa… Nhưng đoạn cuối là một khúc thương ca, khi người về đến nhà mới biết mẹ đã qua đời.

Một bản nhạc có cả hài hước pha lẫn chút triết lý là Khi Người Ta Yêu Nhau:

Khi người ta yêu nhau
Yêu trong lúc hai mươi tuổi đầu
Thì không phải vì tiền đâu
Nhưng mà chẳng được bao lâu…
Những đoạn giữa nói về các tuổi ba mươi, bốn mươi, năm mươi, sáu mươi và:
Khi người ta yêu nhau
Yêu trong lúc bẩy mươi tuổi đầu
Thì không phải vì tiền đâu
Nhưng mà chẳng còn bao lâu.

Hai câu Nhưng mà chẳng được bao lâu và Nhưng mà chẳng còn bao lâu nghe có vẻ giống nhau. Nhưng suy nghĩ cho kỹ thấy hai ý nghĩa khác hẳn nhau và cho thấy Trần Văn Trạch là người có đầu óc, biết dùng chữ khá thâm thúy. Cái triết lý giản dị, có thể học được từ bài hát là nếu vì vấn đề tiền mà yêu nhau, thì đó không phải là tình yêu chân thật.

Một bản nhạc phải nói hầu như ngày xưa người Việt Nam nào cũng phải biết đến, vì được ông hát đi hát lại mỗi tuần khi có xổ số tại rạp Thống Nhất, Sài Gòn và sau này trực tiếp truyền thanh qua đài phát thanh Sài Gòn. Tuần lễ nào người dân nước Việt ở khắp nơi đều nghe qua làn sóng điện. Đó là bài hát Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia, do Trần Văn Trạch viết và hát:

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà
Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơi
Năm mười đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam
Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số… gần… đến…

Một bản nhạc khác Trần Văn Trạch sáng tác không hài hước một chút nào cả là bản nhạc hùng mạnh Chiến Xa Việt Nam, bài được hát đi hát lại trong những dịp đài phát thanh cần chạy nhạc hùng như Ngày Quân Lực, Ngày Quốc Khánh… hay khi có… đảo chánh.

Ca sĩ Trần Văn Trạch cũng có hát nhạc không hài hước và hát thật hay. Một thí dụ điển hình là bản Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã nổi tiếng sau Trần Văn Trạch hát rất điêu luyện, với phần nhạc đệm từ một băng nhạc thu sẵn, của một ban nhạc bên Pháp. Lúc đó vào khoảng thập niên 1960, phương pháp trình diễn này coi như rất mới. Từ đây, đã phát sinh ra những loại hát có nhạc đệm sẵn (karaoké).

Ngoài sáng tác nhạc, hát ông còn là trưởng ban nhạc Sầm Giang của đài phát thanh Pháp Á, vào khoảng thập niên 1950. Ban này gồm những ca sĩ nổi tiếng đương thời như Linh Sơn, Tâm Vấn, Minh Diệu, Mạnh Phát, Tôn Thất Niệm…

Trần Văn Trạch không chỉ hoạt động trong lãnh vực âm nhạc. Cũng trong thập niên 1950, khi điện ảnh vẫn còn là một môn nghệ thuật phôi thai ở Việt Nam, Trần Văn Trạch đã đóng cùng với nữ nghệ sĩ Kim Cương trong những phim như Lòng Nhân Đạo, Giọt Máu Rơi… và về sau còn làm đạo diễn điện ảnh cho những phim như Thoại Khanh Châu Tuấn (do Kim Cương và Vân Hùng đóng), Trương Chi Mỵ Nương (do Trang Thiên Kim và La Thoại Tân đóng)…

Nhưng có lẽ công trình ông đóng góp nhiều nhất cho nghệ thuật là những buổi Đại Nhạc Hội, với chuyện sáng tác và sự trình diễn những bản nhạc hài hước đã kể trên của ông.

Danh từ Đại Nhạc Hội chỉ những buổi trình diễn ca nhạc xen kẽ với kịch, ảo thuật… tại các rạp hát do chính Trần Văn Trạch đặt ra và từ đó cũng do chính ông đã phát huy chủ trương, bắt đầu từ khoảng năm 1949. Dĩ nhiên một trong những tiết mục quan trọng nhất của những buổi Đại Nhạc Hội này là màn hát nhạc hài hước của Trần Văn Trạch.

Nghe Trần Văn Trạch hát thấy vui và lạ. Ông có biệt tài bắt chước được những âm thanh như tiếng còi tầu xe lửa, tiếng xe hơi chạy, tiếng những cầm thú… Nhưng nếu chỉ nghe không cũng chưa thấy hết cái hay của ông, mà phải nhìn ông trình diễn mới thấy hết được cái linh hoạt của bài hát do ông sáng tác. Giọng hát mộc mạc, đơn giản của người Nam và cách trình diễn hoạt náo những bản nhạc hài hước của chính mình, đã làm nên tên tuổi Trần Văn Trạch, người được dân chúng Việt Nam gọi là Quái Kiệt.

Với những chương trình Đại Nhạc Hội, Trần Văn Trạch đã trình diễn rất nhiều tại Sài Gòn. Danh tiếng của ông nổi như cồn. Ông đã đi khắp các tỉnh ở miền Nam và trước khi Hiệp Định Genève 1954 chia cắt đất nước, có lần ông ra cả miền Bắc trình diễn.

Về sau có những người khác theo quan niệm như vậy của ông tổ chức Đại Nhạc Hội cũng rất thành công như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nữ nghệ sĩ Kim Cương…

Sau năm 1975, Trần Văn Trạch bị kẹt lại Việt Nam và ông cũng vẫn đi lưu diễn thường xuyên cho đến khi qua Pháp năm 1977. Từ đó, ở Paris, ngoài việc mưu sinh hàng ngày, ông cũng vẫn có những hoạt động âm nhạc như băng nhạc và video Hài Hước Trần Văn Trạch, trình diễn nhạc ở Pháp hay ở Úc, Hoa Kỳ… và hoạt động xã hội nhất là trong những buổi hát giúp quyên tiền cho những con tàu về lại biển Đông vớt người Việt tỵ nạn vượt biển.

Năm 1994, nghệ sĩ Trần Văn Trạch qua đời tại Paris, vì bệnh ung thư gan.

Nhớ lại hình ảnh ngày xưa của người nghệ sĩ quá cố, có dáng dấp giang hồ với mái tóc dài và phong trần, lái chiếc xe mui trần cũ kỹ và bụi bặm, thân thiện hiền hòa vẫy chào mọi người ở đường phố Sài Gòn, phải công nhận một điều: Ca nhạc sĩ Trần Văn Trạch, người có một không hai trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, quả là một Quái Kiệt tài hoa trong tâm tưởng của nhiều người…

Phạm Anh Dũng

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Diễm Xưa - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly


Sáng Tác: Trịnh Công Sơn
Ca Sĩ: Khánh Ly
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Độc Thoại Mưa



 Xướng: Độc Thoại Mưa

- Này hãy nghe mưa đang xích lại?
- Ờ lời than của biển đưa về
- Sao chừng như gió mây hờn dỗi?
- Có lẽ vì lòng dạ tái tê
Kìa xã tắc bao người gánh vác
Để giang sơn lắm lúc ê hề
- Nghe mưa sao ngập đầy tâm sự?
- Tức cảnh sanh tình Bạn chớ chê


Quên Đi
***
Các Bài Xướng:
Nghe mưa đêm


Mưa rơi, rơi mãi không dừng lại
Từng lớp mây đen cứ kéo về
Cây cối bơ phờ trong ướt át
Không gian trĩu năng dưới sầu tê
Tiếng mau hối hả như điên dại
Giọt nhẹ ngân nga tựa giỡn hề
Dằng dặc đêm dài nghe nước đổ
Tạnh rối giấc ngủ vẫn còn chê!


Phương Hà
***
Trông Mưa


Cây cao bóng mát dừng chân lại
Trời thấp mây đen đỉnh núi về
Đợi mãi mưa rơi đồng lúa tốt
Mong hoài nước tưới ruộng nương tê
Mai kia xã tắc chung vai gánh
Mốt nọ giang sơn góp sức hề
Sấm chớp bủa giăng chừng rớt hạt
Trút bầu tâm sự mặc khen chê.!


Mai Xuân Thanh
Ngày 05 tháng 07
***
Cảm Tác: Mưa Bay Cuối Nguồn

Đàn ai gảy khúc nguyệt cầm
Nhớ em nhớ cả dáng nằm cô đơn
Trăng khuya vằng vặc dỗi hờn
Dế mèn bãi vắng gáy mòn cả đêm.

Thương em mò mẫm đi tìm
Triều dâng bến đục cánh chim lạc loài
Bàn chân in đậm dấu hài
Mà sao hình bóng liêu trai chập chờn.

Câu thơ nắn nót ru hồn
Ánh trăng đưa gió thâm sơn đêm ngày
Thôi rồi ! xa một vòng tay
Như chiều bãng lãng mưa bay cuối nguồn…


Dương hồng Thủy

Tranh Thơ


Xướng: Tranh Thơ

Trân tặng:Hiền Huynh Bảo Trâm!

Trăng nước vào thơ hồn khởi tứ
Gió mây nhập họa bút sinh hoa
Lung linh tâm ảnh bừng hương sắc,
Trong trẻo từ ngôn rộn xướng ca!
Đồng điệu thâm giao duyên gắn kết,
Tương liên tri ngộ ý chan hòa!
Nương nhờ cánh nhạn...tình trao gởi
Nghĩa ở trong nhau mãi đậm đà! 

Hạ 2017

Nguyễn Huy Khôi
***

Họa: Tranh Thơ

Nắng tỏa vàng mơ thơ gợi tứ
Hòa tranh tạo kiểu sáng ngàn hoa
Tràn nghiên giấc mộng êm câu xướng
Khỏa bút lời văn ấm tiếng ca
Họa cảnh chim bay theo ý hợp
Pha mầu bướm lượn với tình hòa
Vẽ vời chút vụng như mây thoảng
Đồng cảm nhìn qua cũng điệu đà

Bảo Trâm

Những Bàn Tay Đã Nắm

Một lần ông xã ngồi mân mê bàn tay tôi rồi hỏi: “Nói anh nghe, bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay rồi?” Một câu hỏi không hề dễ trả lời, thậm chí là không thể trả lời cho chính xác. Có những bàn tay ta nắm rồi buông, và chẳng bao giờ còn nhớ lại. Có những bàn tay, nắm rồi nhớ mãi dù năm tháng đi qua

Bàn tay tôi nắm đầu tiên là của ai, là bố hay là mẹ? Tôi chắc chắn không biết. Nhưng tôi biết đó là hai bàn tay tôi đã nắm nhiều nhất thuở ấu thơ. Những bàn tay to, thô ráp bởi cày cuốc ruộng đồng, những bàn tay như thần thánh có thể làm hết thảy mọi việc. Bàn tay bố dắt tôi chập chững bước đi. Bàn tay mẹ cầm tay tôi uốn từng nét chữ. Bất cứ khi nào tôi ngã, hay khi tôi buồn khóc, ốm đau, sẽ có bàn tay rộng lượng chìa ra cho tôi nắm vào để biết rằng mình đang được vỗ về an ủi. Sau này lớn lên, tôi lấy chồng xa, thỉnh thoảng đưa con về thăm nhà, ngủ chung với mẹ. Những đêm chờ mẹ ngủ say, tôi cầm bàn tay mẹ áp vào ngực mình. Bàn tay vẫn to, đầy những nốt chai sần và nay đã nhăn nheo gầy guộc. Và tôi khóc, cảm giác nhớ tiếc một cái gì đó. 

Tôi nhớ bàn tay người con trai đầu tiên mà tôi gọi đó là mối tình đầu. Đôi bàn tay đẹp, dài với những chiếc móng được cắt gọt cẩn thận. Người ấy thường nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, dùng ngón tay mình vẽ vẽ vào lòng bàn tay tôi rồi hỏi: “Đố em biết anh vừa viết gì?”. Tôi lắc đầu. Anh cười nói anh viết rằng: “Anh muốn nắm tay em đi hết con đường đời dài rộng” .Nhưng rồi mọi lời hứa hẹn đều như gió thoảng mây bay. Bàn tay ấy đã buông lơi, thôi không còn nắm tay tôi mà tìm đến một bàn tay khác. Những lúc buồn, tôi vẫn vô thức tự vẽ vẽ lên lòng bàn tay mình. Rồi lại tự cười một mình khi nhận ra mình giống hệt một kẻ ngốc. 

Ngày có người con trai cầm tay tôi nói lời cầu hôn, tôi cảm nhận rõ sự gai góc xù xì trong bàn tay ấy. Cảm giác ấy khiến tôi liên tưởng đến bàn tay mềm mại của mối tình đầu, rồi chợt thốt lên: “Sao bàn tay anh xấu thế?”. Anh nhìn tôi, bật cười giải thích, vì nó không được lớn lên trong mượt mà nhung lụa mà lớn lên bởi những gánh nặng mưu sinh, vì nó không được nâng niu mà đã bao phen trầy da chảy máu. Rồi anh nhìn vào mắt tôi, bàn tay siết chặt bàn tay: “Em cứ tin, nó không đẹp nhưng chẳng ngại khó khăn nào cả, hãy cứ vững tâm mà nắm lấy, được không?”.


Cuối cùng thì tôi đã nhận lời nắm lấy bàn tay ấy, để anh dắt lên xe hoa, để anh lồng vào ngón tay chiếc nhẫn cưới, để anh lau những giọt nước mắt ngày tôi về nhà chồng. Bàn tay ấy đã tự vào bếp nấu cho tôi bát cháo ngày tôi ốm, tự cắm hoa vào lọ những ngày kỉ niệm yêu đương. Bàn tay ấy đã dắt tôi đi qua bao nhiêu ngày tháng chông chênh đan xen những lo toan và niềm hạnh phúc. Đôi bàn tay xù xì nhưng cứng cáp và ấm áp vô ngần. 

Ngày tôi đau tưởng chừng xé ruột để cho chào đời một sinh linh, đứa con gái bé bỏng của tôi sau khi được y tá tắm rửa sạch sẽ được đặt nằm cạnh mẹ. Hai bàn tay nhỏ xíu yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng chạm vào bàn tay con, hạnh phúc đến ứa nước mắt. Đó là khi tôi biết rằng mình đã thực sự trưởng thành, và tin rằng mình sẽ mạnh mẽ hơn để có thể che chở cho con, để dắt con đi suốt những tháng năm thênh thang phía trước. 

Những đêm nằm bên con, cầm lấy tay con đặt nhẹ lên môi hôn, chợt nghĩ rằng có lẽ ngày xưa mẹ mình cũng nâng niu và yêu thương mình nhiều đến thế. Rồi một ngày con gái mình sẽ lớn, sẽ lại đặt bàn tay vào một bàn tay khác mà con thương yêu. Chỉ mong con gặp đúng người để tin, và bàn tay không bị buông lơi trong nỗi đớn đau thất vọng.


Ngày ông nội mất, tôi nghẹn lòng nhìn bà nội cầm tay ông kể lể về những tháng ngày xưa cũ khi ông bà còn trẻ. Hai người đã cùng nhau sống chung hơn nửa thế kỉ với bao nhiêu yêu thương, giận hờn, khổ đau, hạnh phúc. Vậy mà nay tay bà còn ấm, tay ông đã lạnh ngắt rồi. Chẳng ai cưỡng được số mệnh, chẳng ai đâu. Ai rồi cũng sẽ một ngày về nằm trong lòng đất. Có người ra đi trong ồn ào khóc lóc, có người lìa khỏi thế gian trong lạnh lẽo cô đơn. Người ra đi bởi đã trả xong nợ cõi trần. Chỉ là người ở lại sẽ mang nhiều nuối tiếc xót xa khi biết rằng bao nhiêu yêu thương lúc này cũng không thể sưởi ấm cho người được nữa. 

Thỉnh thoảng tôi vẫn đưa tay mình lên trước mặt rồi tự hỏi lại câu chồng mình đã hỏi: Bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay? Nhiều, nhiều lắm. Có những cái nắm tay khiến mình nhớ mãi, có những cái nắm tay buông rồi là quên ngay. Có những cái nắm tay thật chặt, cũng có cái nắm tay buông lơi hờ hững. Chợt nhận ra một bàn tay đẹp không phải là bàn tay thon dài mềm mại với những chiếc móng được tỉa tót sơn màu. Một bàn tay đẹp là chìa ra đúng lúc mình cần, nắm tay mình qua những đoạn đường đời chông chênh sỏi đá, dẫu mệt mỏi cũng không buông, dẫu xa xôi cũng không nản. 

Nếu chúng ta đang có những bàn tay để nắm, xin hãy trân trọng từng phút giây. Đừng mơ mộng những bàn tay xinh đẹp của ai kia mà buông lơi bàn tay gần gũi ấm áp ở bên mình. Nắm lấy tay nhau, cử chỉ ấy ấm áp hơn mọi lời nói yêu thương đầu môi chót lưỡi. 

Bởi cuộc đời nhiều bất trắc, ai biết được khi nào ai nhắm mắt xuôi tay. Ai biết được khi nào tay mình vẫn ấm áp đây mà bàn tay ai kia đã vô chừng lạnh lẽo. Vậy nên khi sống không đem đến cho nhau sự ấm áp, thì khi lìa khỏi nhân gian có bịn rịn tiếc thương cũng còn ý nghĩa gì? 

Lê Giang
Nguyễn Thúc Soạn sưu tầm

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Lần Cửa Khép


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Đêm Buồn


(Tung hoành trục khoán)

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi

Trăng của xưa ngàn ánh vẫn chơi
Nằm ru hạ thế toả mơ đời
Sóng trùng mở hội gom hoài bão
Soải cánh phi bằng vượt biển khơi
Trên đỉnh tầng cao mù mãi bám
Cành khô nhánh cỗi nụ không rời
Liễu buông dáng rũ che tình gợi
Đợi gió đông về để l lơi!

Mai Thắng


Lục Bát Tình Bốn



Sáng nay em mặc áo dài
Bên kia màu pháo, bên này màu hoa
Màu trời lẫn với màu da
Chia nhau một chút kiêu sa đầu ngày.
Sáng nay anh bỗng say say
Thì ra... Xuân đã về ngay tim mình.

Phạm Hồng Ân

Áo Lụa Màu Vàng


Em đưa tôi về thăm lại Phan Rang
Đồi cát dài ngổn ngang Phan Rí cửa
Gió thổi ngược trên đường đi hai đứa
Trời vào Thu hốc đá lạnh hồn hoang.

Nắm tay nhau cùng dạo bước lang thang
Qua cánh đồng bạt ngàn thu hoạch tỏi
Tiếng xe bò - lời gọi nhau ơi ới
Rộn biển chiều Ninh Chữ tiếng cồng chiêng.

Mái tóc em đang no gió bay lên
Bám vào mặt nghe thơm mùi mận chín
Tháp Chàm cổ - cô gái Chăm chúm chím
Chắc không ngờ hai trẻ lạc vào đây.

Nắng lên cao mây hội tụ xum vầy
Tụi mình chở nhau lên đèo Ngoạn Mục
Đến lưng chừng ta cùng ngừng một lúc
Rừng dã quỳ thơm áo lụa màu vàng…

Dương hồng Thủy

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Mến Tặng Kim Phượng

Thầy kính mến! Em kính tặng Thầy và Học trò của Thầy.
Kính chúc thầy dồi dào sức khoẻ ( Em Kim Oanh)


Thơ: Thạch Trong(HĐN)
Thơ Tranh; Kim Oanh

Giọt Buồn - Vũ Hoàng - Khánh Hà


Sáng Tác: Vũ Hoàng
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Vàng Trong Câu Thơ Chiều



Nhớ nhau đồi nghiêng thác mây
Tìm nhau sương chiều bay lây quây
Vóc liễu cài sương nghiêng lối cũ
Tình xa vàng úa câu thơ chiều

Em vàng trong tôi nỗi nhớ
Bay theo tà áo vàng lối thơ
Tôi buồn như con dơi nhỏ
Ngược đầu ngửa mắt tìm quãng mơ.

Con gà trên nóc nhà thờ cổ
Mổ lên hồi chuông bình an
Nhớ em thường ngang qua đó
Thướt tha tà áo chiều vàng

Em đi tà huy buông xuống
Để gió thương ai gọi lá buồn
Bâng khuâng về lưa thưa nắng
Buồn vàng chênh choáng bóng chiều tan


Bằng Bùi Nguyên

Chiều Ðổi Sắc - Tuổi Chiều Trôi!



Bài Xướng: Chiều Ðổi Sắc

Mỗi khi chiều đổi sắc
Tôi ngắm người hay tôi
Sợi mây chùng bàng bạc
Hay tuổi đổi vào người

Mỗi khi đời đổi sắc
Ai giấu mặt ai vui
Mây trùm như bụi cát
Hay trăm họ chôn vùi

Mỗi khi đèn bật tắt
Ngã vật một bóng người
Ký ức vừa khai quật
Non nước trắng hơn vôi

Mỗi khi chiều giấu mặt
Ai còn chút nghĩ suy
Có nghe triều thủy mạc
Gọi thét cõi biên thùy

Mỗi khi chiều đổi sắc
Tôi ngắm lại cuộc đời
Chuyện buồn như thác đổ
Cuộn lật kiếp nổi trôi

Tịnh
***

Bài Họa: Tuổi Chiều Trôi!

Khi bình minh pha sắc
Tôi tự tìm bóng tôi
Nhạt nhòa trong sương khói
Hòa lẫn bóng của người

Khi hoàng hôn phai sắc
Cố níu kéo niềm vui
Môi gắng nở nụ tươi
Mang phiền não lấp vùi

Lập loè diêm sắp tắt
Phảng phất nét vẽ người
Đậm trong tâm trí tôi
Chẳng bạc màu như vôi

Khi màn đêm cúi mặt
Lòng bảo dạ tự suy
An tâm đừng lo nghĩ
Sống chết một biên thùy

Miền an nhiên nhuộm sắc
Gắn chặt giữa đạo đời
Hạnh phúc đẹp rạng ngời
Thanh thản tuổi chiều trôi

Kim Oanh

***
Bài Cảm Tác:
Màu Thời Gian

Bình minh xuân khởi sắc
Muôn hoa nở đẹp tươi
Chim hót chào ngày mới
Xao xuyến len hồn tôi

Sân trường phượng đỏ sắc
Hạ vắng tiếng cười vui
Trưa ve sầu gọi nhớ
Kỷ niệm xưa ngủ vùi

Chiều thu vàng nắng tắt
Bỗng chợt nhớ đến người
Soi hồ gương tìm bóng
Giọt mưa lòng đầy vơi

Mây hoàng hôn tím sắc
Hư thực tình cõi đời
Đông rơi hoa tuyết trắng
Tiếng đêm buồn lặng trôi …

Yên Dạ Thảo

Bí ​Mật Của Phong Thủy


Xưa nay người ta vẫn chú trọng về phong thủy, và thường coi phong thủy ở phần mộ tổ tiên hoặc nhà ở, đất cát…
Tuy nhiên điều trọng yếu ở phong thủy lại không phải nằm ở đó.

Vậy như thế nào là phong thủy?

“Phong” là sự chuyển động của không khí, di động liên tục từ nơi này đến nơi khác.
“Thủy” có nghĩa là “nước”, là dòng chảy lưu động.

Phong thủy nguyên lai là gì đây? Đặc biệt trọng yếu chính là ở bốn chữ “tâm sinh vạn pháp”, vô cùng đơn giản, nhưng cũng đúng đắn phi thường. Tất cả trong phong thủy bao gồm:

Đầu tiên trong phong thủy là gì? Chính là Người.
Thứ hai trong phong thủy là gì? Là Tâm.
Thứ ba trong phong thủy là gì? Là Hành vi.

Người có lòng biết ơn, luôn nghĩ tốt cho người khác, cái này gọi là tụ quang. Quang hướng về phía trước, biểu hiện ở trên mặt, chính là nụ cười. Khuôn mặt vui vẻ mỉm cười, miệng tựa như đóa hoa sen, khẳng định sẽ phát tài.

Người thường xuyên có ý nghĩ không tốt, oán hận người khác, ghen tị với người khác, cái này gọi là tụ âm. Khí âm thì trầm xuống, biểu hiện ở trên mặt, chính là vẻ mặt u ám rầu rĩ, cáu bẳn, khẳng định là gặp xui xẻo, vận xui.

Ngọn nguồn của phong thủy, ở chỗ hiếu thân tế tổ, yêu quý gia đình, cung kính tổ tiên, thì sẽ tự nhiên ăn sâu bén rễ, cành lá tự nhiên tốt tươi. Sự nghiệp thịnh vượng, gia đình thịnh vượng, gặp nhiều quý nhân, mọi sự đều hưng thịnh.

Một người mà không hiếu thuận với cha mẹ, là tuyệt đối không thể làm đại quan, bởi vì anh ta bất hiếu thì liền sẽ không tôn trọng thượng cấp, đồng sự và mọi người, anh ta hằng ngày cuộc sống lẫn công tác cũng sẽ không thuận lợi, cả đời liên tục suy sụp, ở thời khắc trọng yếu mà bại trận.

Trong phong thủy, phúc nhân cư phúc địa. Nghĩa là, người nếu như có phúc, thì chỗ ở của người đó nhất định là phúc địa. Nếu chỗ ở của bạn vốn dĩ không phải là phúc địa, thì bạn cũng có thể ngụ ở đó và biến nó thành phúc địa.

Cho nên, quan trọng nhất của phong thủy chính là bản thân mình phải thay đổi, chính mình cải biến, khi sửa đổi tâm mình, thì các loại vấn đề của phong thủy, nếu như vốn trước đó không thuận lợi cũng sẽ tự nhiên mà tiêu mất.

Xưa nay mọi người đều biết phong thủy ảnh hưởng đến con người, nhưng lại có rất ít người biết rằng con người có thể ảnh hưởng và hình thành phong thủy:

Người:

Thích nỗ lực cố gắng, phúc báo càng ngày càng nhiều
Thích cảm ơn, thuận lợi càng ngày càng nhiều
Thích oán hận, phiền não sẽ càng ngày càng nhiều
Thích hài lòng, khoái hoạt càng ngày càng nhiều
Thích trốn tránh, thất bại sẽ càng ngày càng nhiều
Thích chia xẻ, bằng hữu càng ngày càng nhiều
Thích tức giận, bệnh tật càng ngày càng nhiều
Thích lợi dụng, bần cùng càng ngày càng nhiều
Thích bố thí, phú quý càng ngày càng nhiều
Thích hưởng thụ, thống khổ càng ngày càng nhiều
Thích học tập, trí tuệ càng ngày càng nhiều.

Một cuộc sống hạnh phúc sung sướng thật sự, không có gì ngoài “tích phúc tạo phúc”.

Ban Biên Tập sưu tầm