Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Một Thuở Tình Ta Dại Khờ - Thơ Tha Nhân - Nhạc Trần Chương Lương


Thơ: Tha Nhân
Nhạc: Trần Chương Lương
Hòa âm: VCD
Ca Sĩ: Quốc Duy



Tình Đầu Của Tôi


Theo em qua phố Ngô Quyền 
Nón sau cặp mắt che nghiêng liếc dài 
Gió vờn qua ngọn tóc mai 
Hương bay ngây ngất trang đài gấm thêu. 

Chiều nay qua bến Ninh Kiều 
Khoan thai dưới nắng vàng xiêu cuối mùa 
Theo em - nhìn em bông đùa 
Nữ sinh Đoàn thị - ngày xưa - nhớ người ! 

Xóm Chài - bãi vắng đất bồi 
Em ngồi băng đá bồi hồi lặng thinh 
Phải chi em có chút tình 
Sẻ chia đôi chút - chúng mình có nhau. 

Bây giờ em ở nơi đâu 
Hỡi người có nhớ thư đầu tôi trao?! 

Dương hồng Thủy

Il Pleure Dans Mon Cœur - Crying In My Heart - Khóc Trong Hồn Tôi



Il Pleure Dans Mon Cœur

Il pleure dans mon cœur
Comme il pleut sur la ville
Quelle est cette langueur
Qui pénètre mon cœur?

Ô bruit doux de la pluie
Par terre et sur les toits
Pour un cœur qui s’ennuie
Ô le chant de la pluie!

Il pleure sans raison
Dans ce cœur qui s’écœure
Quoi! Nulle trahison
Ce deuil est sans raison.

C’est bien la pire peine
De ne savoir pourquoi
Sans amour et sans haine
Mon cœur a tant de peine!

Paul Verlaine
***
Translation:
Crying In My Heart


Crying in my heart
As raining on the town
What is this languor
Piercing my heart?

The soft sound of the rain
On the ground and roofs
To an empty heart
Is a boring eternal song!

Crying without reason
In this broken heart
Yet there no betrayal
The mourning is unreasonable.

It’s the worse pain
Not knowing the reason
Without love nor hatred
My heart has so much pain!

Phí Minh Tâm
***
Phỏng dịch:

Khóc Trong Hồn Tôi

Nước mắt trong hồn tôi
Như mưa trên phố đồi
Với nổi buồn dai dẳng
Xuyên thấu tim đơn côi.

Tiếng mưa rơi êm đềm
Khúc ca dài trong đêm
Tan tát trên mái, đất
Cho lòng buồn buồn thêm

Hồn khóc đâu đắn đo
Tim nát đang dày vò
Nào có ai phụ bạc
Đau lòng không nguyên do.

Còn nỗi buồn nào hơn
Chẳng biết lý do hờn

Không tình không thù hận
Lòng đau trong cô đơn!


Phí Minh Tâm

***
Lệ Mưa Trong Lòng Tôi

Lệ mưa trong lòng tôi
Như mưa rơi trên phố
Nỗi chán chường nào đây
Đang thẩm thấu lòng tôi?

Ôi tí tách hạt mưa
Trên đường và trên mái!
Cho tấm lòng tả tơi
Ôi thánh thót hạt mưa!

Lệ mưa không căn nguyên
Trong lòng này se sắt
Sao! Chẳng hề phụ tình?
Tang này không căn nguyên.

Thật quá đỗi ưu phiền
Chẳng hiểu sao nên nỗi
Không tình, không hờn ghen
Lòng tôi nặng ưu phiền.      

Hoàng Xuân Thảo

Gọi Em Trong Đêm Say



Bài Xướng:
Gọi Em Trong Đêm Say

Đêm nay lồng lộng ánh trăng ngà
Em hãy về đây say với ta
Đây chén mặn nồng ngày gặp gỡ
Nọ ly đắng chát phút chia xa
Giọt chồng giọt vợ tràn lưu luyến
Giọt nghĩa giọt tình đượm thiết tha
Lấm tấm sương rơi trên mái tóc
Bờ mi ướt đẫm, lệ hoen nhòa.

Sông Thu
***

Các Bài Họa:

Sầu Độc Ẩm 


Dăm chén mềm môi, rượu ngật …ngà
Khát khao tri kỷ ẩm cùng ta
Hơi nồng thúc dạ, ôn ngày ấy
Men đắng cào lòng nhớ kẻ xa
Tình cuối tình đầu sâu lẫn nặng
Tiếng chồng tiếng vợ thiết cùng tha
Thoáng trông như bóng nàng trong chén
Chẳng khóc mà sao mắt lệ…nhòa…

Cao Bồi Già
10-09-2018
***
Vấn Tình?

Vẫn dáng hình xưa vẻ ngọc ngà
Người ơi sao nỡ phụ tình ta?
Lạt phai nhân ngãi hồn day trở
Lỡ dở tơ duyên dạ xót xa !
Oán hận ngậm đau,..cam phận gánh
Dỗi hờn thầm kín chỉ mình tha !
Giọt thương, giọt nhớ...sầu men rượu
Thao thức năm canh giấu lệ nhòa!

9-9-2018
Nguyễn Huy Khôi
***

Đêm Trăng Say

Giọt thấm mềm môi ánh Nguyệt ngà
Ai còn thấu hiểu nỗi lòng ta
Người thương khổ luỵ đời chia cách
Kẻ nhớ đau buồn cảnh vắng xa
Sáng muộn vần thơ tràn bám víu
Đêm tàn cốc rượu khó buông tha
Lung linh ảo ảnh sầu nhân thế
Bóng phủ mình tôi mắt lệ nhoà

Minh Thuý

8 tháng 9_ 2018
***
Nỗi Niềm

Biết rằng em vóc ngọc thân ngà
Vời vợi cao sang, cách biệt ta
Đâu dám đèo bồng mong tiếp cận ?
Nên đành thủ phận ngắm từ xa
Dẫu còn ấp ủ, còn mơ mộng
Và cứ ra vào, cứ thẩn tha
Lại thấy ước mong vô vọng quá
Mà sao nhung nhớ chẳng phai nhoà

Thục Nguyên
***

Vương Vấn 

Vương vấn làm sao một dáng ngà
Từ khi ngăn cách giữa đôi ta
Mãi thương ánh mắt huyền lưu luyến
và nhớ bóng người đẹp thướt tha
Tình cuối càng sâu lời hẹn ước
Duyên đầu đã đậm chữ phai nhoà
Đêm nay hãy uống vài ly rượu
Men đắng có làm cạn xót xa?

Songquang
***

Nhớ Xưa

Nhớ em mắt phượng với thân ngà
Dan díu tình si, đắm đuối ta
Nồng cháy nụ hôn giờ hội ngộ
Đầm đìa nước mắt lúc ly xa
Buồn vui khoảnh khắc còn lưu luyến
Sầu khổ thời gian chẳng thứ tha
Tuổi hạc mơ màng bao ký ức
Đường xưa lối cũ, mắt mờ nhoà…

Thanh Trương
***
Đoạn Tuyệt


Còn đâu mộng mị gối tay ngà
Cố quận đêm tàn lẻ bóng ta
Lãng gót phong trần vui hiện hữu
Buông niềm đỗ vũ nhớ xôi xa
Đồng quê cổ độ hòa tươi tắn
Ngọn gió tân kỳ quyện thướt tha
Những nỗi sầu riêng lòng đoạn tuyệt
Mù sương khói cũ hết phai nhòa…

Lý Đức Quỳnh
***
Em Có V
?

Xào xạc vườn bên ngỡ gót ngà
Hương lài thoang thoảng ấm hồn ta
Thuyền xưa bến đổ ai còn nhớ?
Gió lạnh đêm chờ mộng đã xa
Những lúc sai giờ e bậu dỗi
Bao mùa khất hẹn hỏi lòng tha?
Gìn trang nhật ký phai màu mực
Kỷ niệm trong tôi chửa nhạt nhoà!

Như Thu
***
Tàn Đêm


Rượu cạn men dâng chớm ngật ngà
Đêm tàn nhói buốt một mình ta
Hương tình mới hé đành ly biệt
Nắng ấm chưa nồng vội cách xa
Giọt đắng khơi sầu hoài níu giữ
Cơn buồn nhỏ lệ chẳng buông tha
Thôi thì cứ uống vời hư ảo
Tỉnh giấc mơ say khó nhạt nhoà

Bảo Trâm
***
Thầm Gọi Tên Nàng


Đêm nay nguyệt rọi những tia ngà
Lưu mảnh vườn quê của chúng ta.
“Na chín em bày” vương cảnh cũ
Trái thơm anh chọn hướng phương xa.
Phũ phàng hoàn cảnh gây tình hận
Day dứt tâm hồn mộng nghĩa tha.
Thầm gọi tên nàng trong nghẹn nấc
Chìm vô tê tái, lệ trăng nhòa 

Trần Như Tùng
***
Sóng V
 Hồn Say

Ô ánh trăng thu toả sáng ngà
Nghe người rót rượu gọi hồn ta
Bao năm còn nhớ ngày chia cách 
Mấy thủa càng thương lúc biệt xa
Tuý tuyệt sa trường chưa nỡ hỏi
Sầu vương đất trích khó buông tha
Cúi nhìn mặt nước, hình mê loạn
Nhân diện chinh phu sóng vỡ nhoà ...

Hawthorne. 9 - 9 - 2018
Cao Mỵ Nhân
***
Nhớ Anh

Nhớ anh tha thiết những đêm ngà
Nguyệt tỏ vaikề, chỉ chúng ta
Chén rượu giao bôi tình ngát mãi
Bàn tay tương bái nghĩa bền xa
Đâu ngờ duyên phận không thông suốt
Vì lẽ số trời chẳng chịu tha!
Lãng đãng thu vàng thay lá biếc
Yêu thương vẫn đậm khó phai nhoà...

Thanh Hoà
***
S
ầu Tư

Thổn thức tay nâng chén tửu ngà
Nàng về bến cũ ở cùng ta
Vì đâu chín đợi mà không lại
Bởi đã mười chờ chẳng nỡ xa
Cuộc sống khôn lường nên thông cảm
Thời gian cách trở biết vị tha
Đêm nay chợt nhớ hương tình cũ
Để giọt sầu tư mắt lệ nhoà

Phạm Kim Lợi
***
Chuyện Chàng Trương


Ngẫm chuyện chàng Trương chua xót ta
Một khối tình si chẳng nhạt nhòa
Chi soi gương nước...thân buồn tủi
Nương chốn lầu son...dáng thướt tha
Sợi nhớ, sợi thương đành đứt đoạn
Hồn mơ, hồn mộng cũng lìa xa
Ngàn năm tiếng sáo còn vang mãi
Dù lệ làm tan chén ngọc ngà!

Thy Lệ Trang
***
Liên Tưởng


Trầm ngâm độc ẩm tửu ngà ngà
Nhoi nhói dạ sầu khóc bạn xa...
Nhung nhớ hẳn là muôn vạn nỗi
Xót thương đâu chỉ một mình ta?
Người nhơ nhác bóng,...thân ve rạc
Kẻ bặt tăm hơi,...xác mối tha (!)...
Ước được cùng ai chung chén cạn
Cho vơi khóe lệ ứa đau nhòa!

10-9-2018
Nguyễn Huy Khôi

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Xin Mãi Còn NhauThơ Hồng Thúy - Nhạc Nguyễn Tuấn


Thơ: Hồng Thúy 
Nhạc Nguyễn Tuấn 
Ca sĩ: Ngọc Mỹ 
Hòa âm: Đỗ Hải 
PPS: Hùng Đặng

Vẫn Còn Thơ Thẩn



Mỗi ngày thức dậy, mừng thay!
Ơn Trên, gìn giữ hôm nay vẫn còn
Còn bằng hữu, còn vợ con
Bình minh còn đến, mình còn thẩn thơ!
Cứ thơ thẩn đến bao giờ
Đứt phim rồi sẽ sang bờ bên kia!
( Linh Sơn hoa lạ ... coi kìa
Chắc gì Ca Diếp có bia để đời!)

Trần Quốc Bảo

Richmond, Virginia

Nguyệt Dạ Ức Xá Đệ - Đỗ Phủ



Nguyệt Dạ Ức Xá Đệ

Thú cổ đoạn nhân hành
Thu biên nhất nhạn thanh
Lộ tòng kim dạ bạch
Nguyệt thị cố hương minh
Hữu đệ giai phân tán
Vô gia vấn tử sinh
Ký thư trường bất đạt
Huống nãi vị hưu binh

Đỗ Phủ
***
Bài Dịch:

Đêm trăng nhớ cậu em họ
Dừng chân nghe trống đồn canh
Ngập ngừng cánh nhạn biên thành Thu sang
Đêm nay sương đẫm trăng vàng
Sáng soi vằng vặc xóm làng quê ta
Anh em ly tán, không nhà
Tử sinh nào biết đâu mà hỏi thăm
Thư đi biền biệt mất tăm
Hỡi ơi binh lửa biết năm nào tàn

Hồ Công Tâm


Hoa Dạ Quỳnh Hương Chóng Tàn



Bài Xướng:
Hoa Dạ Quỳnh Hương Chóng Tàn

Hoa đẹp thơm tho lại chóng tàn
Không gì tồn tại với thời gian.
Một đêm hương sắc rồi khô héo!
Trần cảnh vô thường mãi bất an.

Minh Lương
***
c Bài Họa:
Hoa Dạ Quỳnh Hương Chóng Tàn

Hoa Quỳnh đặc biệt nở mau tàn
Khoảnh khắc sinh tồn ngắn quá gian
Hương sắc vừa khoe nhanh héo úa
Lòng người thưởng lãm tiếc thay an

Minh-Hồ
15.06.2019
***
Hoa

Hoa nào rồi cũng chóng phai tàn
Hoa góp cho đời dưới thế gian
Hoa sẻ chia vui buồn lễ lạc
Hoa là quà tặng chúc bình an.

Nguyễn Thành Tài
15-6-2019
***
Hoa Dủ Dẻ

Dủ dẻ thơm lâu lại khó tàn,
Núp lùm tồn tại mãi thời gian.
Cánh hoa dày chắc nên không héo,
Hương toả thơm lừng rất bình an.

Thanh Khang
Toronto 15-6-2019
***
Hoa Thiên Tuế 

Ngàn năm hoa tưởng khó phai tàn
Hình trái bầu non của thế gian
Chan chứa sắc vàng mầu lụa sống
Bấm vô đài nhuỵ, thấy bằng an ...

Hawthorne 15 - 6 - 2019

Cao Mỵ Nhân
***
Hương Đời 

Sớm nở chiều hôm gió thổi tàn
Đâu gì bền bĩ giữa trần gian
Tu tâm dưỡng tánh hương thơm mãi
Luyện “ sắc , không “ rằng sẽ định an 

Minh Thuý
***
Hương Quỳnh Lan


Quỳnh Lan sớm nở lại mau tàn
Vẫn luyến lưu tình với thế gian
Vẽ đẹp thanh tao hồn tỏa sáng 
Hương lòng dâng trọn.. Đóa tâm an!

Kim Oanh
***
Hoa Quỳnh

Hoa nở trắng tinh đẹp chóng tàn
Cánh xoay đều đặn thoáng thời gian
Nửa đêm khoe nhuỵ rồi phai sắc
Hương toả vài giờ, ngắn thịnh an

Đặng Xuân Linh

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Ký Ức Tuổi Thơ



Tàu dừa khơi lại thuở xưa
Cùng bạn xe kéo những trưa đường làng
Gió mùa nhè nhẹ đưa sang
Xứ người hồn ngỡ lang thang quê nhà...
Nhớ dáng chầm lá của Ba
Võng ru của Má thiết tha thuở nào
Luyến lưu chẳng vội bước mau
Ôm ghì ký ức đẹp màu tuổi thơ...

(Kim Oanh)
(Kỷ niệm trên đoạn đường ở Nam Úc)




Thơ: Kim Oanh
Hình Ảnh: Kim Phượng
Nam Úc (Aldelaide) - 2019

Ký Ức Tuổi Thơ - Nhớ Quê




Bài Xướng;
Ký Ức Tuổi Thơ


Tàu dừa khơi lại thuở xưa
Cùng bạn xe kéo những trưa đường làng
Gió mùa nhè nhẹ đưa sang
Xứ người hồn ngỡ lang thang quê nhà...
Nhớ dáng chầm lá của Ba
Võng ru của Má thiết tha thuở nào
Luyến lưu chẳng vội bước mau
Ôm ghì ký ức đẹp màu tuổi thơ...

Kim Oanh
(Kỷ niệm trên đoạn đường ở Nam Úc)
***
Bài Họa:

Nhớ Quê

Tàu dừa bóng rợp đường xưa
Chơi trò xe kéo sớm trưa thôn làng
Quê nhà cách trở quan san
Xứ người đất rộng thênh thang xóm nhà...
Rổ đan thoăng thoắt tay Ba
Võng đưa dáng Mẹ thướt tha chiều nào
Thời gian đừng có qua mau
Để ta tìm lại sắc màu ngày thơ...

Duy Anh
Father's Day 2019

Xóm Nhỏ



Xóm nhỏ còn đây mấy liếp dừa
Mà người trong xóm đã dần thưa
Xác xơ trước ngõ tàu cau rụng
Quạnh quẽ bên hè nhịp võng đưa
Một sớm ghé thăm bằng hữu cũ
Dăm thằng gục ngã chiến trường xưa
Tìm về kỷ niệm bao năm tháng
Mai lại phiêu bồng giữa nắng mưa


Nguyễn Kinh Bắc

Tình Ca Biển Nhớ



Bài Xướng:
Tình Ca Biển Nhớ

Bóng nắng chiều soi giải lụa vàng
Tình người viễn xứ cách quan san
Chim bằng vỗ cánh mây phiêu lãng
Âu biển rong chơi nước bạt ngàn
Đợt sóng xóa tan hồn mộng tưởng
Vầng trăng in dấu cát mơ màng
Ru trong ngọn gió hương tình cũ
Khơi dậy vần thơ nỗi nhớ tràn

Tiểu Vũ Vi
***
Bài Họa:
Một Thuở Say Tình 

Nhẹ bước chiều phai nhạt nắng vàng
Vấn vương hình ảnh chiếc khăn san
Ngọt ngào hương cũ sầu tê tái
Tan tác tình xưa nhớ ngút ngàn
Mây trắng lững lờ chừng ủ mộng
Trời xanh e ấp thoáng mơ màng
Giấc h̀ồ phiêu lãng lời tình tự
Giã biệt người xưa lệ thấm tràn.

Toronto 18/6/2019
Nguyên Trần

Thơ Phổ Nhạc



Hành trình vào cõi thơ là làm một cuộc phiêu lưu vô tận. Thơ bắt nguồn từ cảm xúc tâm hồn nơi ẩn chứa những mối tình thiêng liêng sâu kín nhất. Phải chăng làm thơ là đi giữa cõi mộng và thực, để đời trổ nhánh đâm hoa và đưa thực vào mộng, cho hồn vơi đi những nỗi đau trần thế, nên thi nhân nặng nợ với tình thơ, nào khác chi kiếp tằm nhả tơ. Người nghệ sĩ ước mơ lớn nhất của họ là để lại cho đời dăm ba tác phẩm hay ít bài thơ đắc ý, cho dù mai sau tác giả có đi vào quên lãng, thì những vần thơ trác tuyệt đó vẫn là những đóa hoa muôn sắc. 

Hồn thơ tựa làn khói, mùi hương; mà hương thì vô ảnh. Người đời chỉ cảm nhận chứ không thấy được hình tướng. Nhưng ngay cả lúc hữu hình, hồn thơ hóa thể thành sợi khói vầng mây, chúng ta đều nhìn thấy nhưng nào ai nắm bắt được? Phải đợi đến lúc con tim rung cảm, thúc đẩy hồn thơ nhập vào thi nhân thơ mới bật. Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa, nhưng hình ảnh và nhạc điệu của ngôn ngữ thơ lại rất khác với văn xuôi, mà chỉ có những tâm hồn thơ mới cảm nhận được. Nhà thơ không làm công việc của nhà lý luận, nhà khoa học, nhà thần học hay triết gia…để tìm cái mới lạ trong thế giới hiện hữu, cái huyền bí của vũ trụ vv...nhưng thi nhân có thể sống với tôn giáo, luân lý qua tâm linh để phát hiện thêm lẽ đạo của cuộc đời, và sống triết qua thơ. 
Thi sĩ Bùi Giáng đã thở bằng thơ. Trong bài “Đi vào cõi thơ”, thi sĩ minh họa: "Cõi thơ là cõi bồng phiêu". Nhập vào thơ là thả hồn phiêu bồng rong chơi trong cõi không gian vô tận, không có ý niệm thời gian. Tâm hồn thi nhân hòa với ngoại cảnh để nghe tiếng buồn của hoa lá. Thi sĩ muốn diễn tả những rung cảm đó cần phải có thi hứng, nhưng từ thi hứng đến nghệ thuật là bước khá dài đòi hỏi nhiều nghiên cứu học hỏi. Thơ có thể là bài có vần hay không vần, nhưng đó chỉ là một trong những chất liệu dự phần của cấu trúc trong quá trình hoàn thành thơ. Một chuỗi câu, nhóm từ cắt ráp kiểu tiền chế, nếu được kết lại không có ý thơ mà chỉ dựa vào vần dễ biến thành bài vè. Và một số câu, nhóm từ không vần theo thể tự do, nếu không có các yếu tố khác như ý tưởng… phụ thêm để hoàn chỉnh thơ thì cũng biến thành đọan văn xuôi thiếu mạch lạc và trong sáng. 

Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt nhưng rất khắn khít nhau làm say đắm lòng người. Thơ là nghệ thuật của "lờì", nhạc là nghệ thuật của "âm thanh". 
Trong cấu trúc để hình thành nên bài thơ, ngoài những chất liệu như ngôn từ, hình tượng, vần điệu, niêm luật, ẩn dụ, hoán dụ trong thơ còn chứa: tư tưởng, triết lý, tôn giáo, hội họa, âm nhạc …, riêng thơ Việt Nam và thơ Trung Hoa còn có thêm chất họa và nhạc. 

Âm nhạc là một môn nghệ thuật dùng âm thanh làm ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng và tình cảm con người. Ngày nay người ta còn dùng âm nhạc trị bệnh tâm thần (musicothérapie). 

Âm nhạc gồm những đặc tính: cao độ, trường độ, cường độ, và âm sắc, được ký hiệu bởi những hình nốt. Nghe những giai điệu dìu dặt khoan thai người thưởng lãm có cảm giác lạc vào cõi thiên thai, thơ mộng. Riêng thơ chưa có một định nghĩa nào là mẫu mực, "người ta chỉ cảm thơ là một môn nghệ thuật của nghệ thuật, phát xuất từ cảm xúc tâm hồn". 

Nói đến ca khúc, người ta thường có thói quen nghe nhạc qua cảm âm, dựa trên lời ca mà ít chú ý đến thẩm âm, phần cấu trúc gồm giai điệu, tiết tấu, hay cách phối khí hòa âm v.v… 
"Thơ phổ nhạc là nghệ thuật đem thêm âm hòa với âm thanh sẵn có trong thơ, hoặc thay đổi âm thanh của thơ chuyển thể thành những nốt nhạc để hát”. Nhưng đọc thơ, hát thơ hay còn gọi là ngâm thơ hoàn toàn khác với nhạc thơ. Ðọc và hát thơ không cần áp dụng những quy tắc kỹ thuật cũng như mỹ thuật quá phức tạp của âm nhạc, vì nhạc trong thơ là những âm phát từ thanh bằng trắc của câu thơ; trong khi thơ trong nhạc, hay còn gọi là tính nhạc gồm những hình tượng, ngôn ngữ được ngắt nhịp theo tiết tấu riêng để diễn tả giai điệu toàn bài chuyên chở tứ thơ. 
Ví dụ: “Thuyền Viễn Xứ”, thơ Huyền Chi, Phạm Duy phổ nhạc. “Mộng Dưới Hoa”, thơ Ðinh Hùng, phạm Ðình Chương phổ nhạc. “Nguyệt Cầm”, thơ Xuân Diệu, Cung Tiến phổ nhạc. “Tình Khúc Thứ Nhất”, thơ Nguyễn Ðình Toàn, Vũ Thành An phổ nhạc. “Màu Tím Hoa Sim”, thơ Hữu Loan, Dzũng Chinh phổ nhạc. “Mái Tóc Dạ Hương”, thơ Ðinh Hùng, Nguyễn Hiền phổ nhạc. “Chiều Tím”, thơ Ðinh Hùng, Ðan Thọ phổ nhạc. “Áo Lụa Hà Ðông”, thơ Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên phổ nhạc v.v….Trong giai đọan đất nước còn mịt mù khói lửa chiến tranh, ở miền Nam người nghệ sĩ vẫn tự do sáng tác, đa số những nhạc phẩm trữ tình diễn tả về thân phận con người trong thời ly loạn hay sự nuối tiếc những cuộc tình dang dở, đều có ca từ đượm chất thơ. 

Nhiều ca từ thời đó đượm chất hương thơ hơn một số bài thơ "làm dáng" sáng tác vội vã cho có số lượng được gọi là dòng thơ "cách tân" hôm nay. Sự vung vít chữ nghĩa đó đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến những bài thơ có "tính khai phá sáng tạo" của những tâm hồn chân chính! Trong lãnh vực nghệ thuật những người làm công việc khai phá, tìm kiếm những cái mới lạ là những người đã có sẵn vốn căn bản về thơ, cộng thêm kiến thúc. Trong cõi bất tận của nghệ thuật, những dòng thơ nhạc quyện nhau, nhạc nhập vào thơ giúp những con chữ nằm bất động trên trang sách được thưởng lãm bằng mắt, cảm nhận bằng tâm, nay hồn thơ cất lên tiếng hát giai điệu truyền cảm diễn tả tâm trạng, cảm xúc từng nhân vật trong tác phẩm bằng một thực thể sống động thoát khỏi thế giới ảo, mơ hồ. Người nhạc sĩ hôm nay phổ thơ có nhiều sáng tạo nên không chỉ dựa vào cái thanh bằng trắc có sẵn cao độ trầm bổng trong thơ, mà phổ cái hồn thơ, cái tư tưởng, hay những hình ảnh ngôn ngữ trong thơ mang màu sắc hội họa…Chẳng có nhạc sĩ nào nhân danh sự sáng tạo dám viết lệch cảm xúc của thi sĩ? Không ai lại soạn một khúc nhạc giai điệu thật buồn, khi ý bài thơ mừng ngày vui hội ngộ, và ngược lại không thể viết những tiết tấu giai điệu của thể loại nhạc kích động, cuồng loạn trong chốn thiền tu!


Xin hãy bước vào vườn hoa nghệ thuật để thưởng thức những ca từ trong nhạc chứa đầy chất thơ và tính nhạc. Những mùa xuân bất tận của thơ nhạc đã đi sâu vào lòng người: 

Trịnh Công Sơn: 

… "Gió sẽ mừng vì tóc em bay 
Cho mây hờn ngủ quên trên vai 
Vai em gầy guộc nhỏ 
Như cánh vạc về chốn xa xôi..."
(Như Cánh Vạc Bay) 

Phạm Ðình Chương: 

"Người đi qua đời tôi 
trong những chiều đông sầu 
Mưa mù lên mấy vai 
Gió mù lên mấy trời... 
Hồn lưng miền rét mướt 
Vàng xưa đầy dấu chân" 
(Người Ði Qua Ðời Tôi) 

Lam Phương: 

"Người đi hoa lá chết trong mùa nhớ
Người về lạng lẽ, tình vẫn bơ vơ!
Thà rằng ôm kín mộng ước xa nhau
Quên đi cho hết một kiếp thương đau... "
(Thu Sầu) 

Ngô Thụy Miên:

"Nhớ tới năm xưa bên nhau 
Bước trong chiều mưa phiếm du nhẹ đưa 
Bến cũ đam mê say xưa lá thu còn rơi... 
Mắt biếc năm xưa nay đâu, cánh sao còn đây 
Tóc mây nào bay...Tình đã xa rồi" 
(Mắt Biếc) 

Y Vân: 

“Đừng Lừa dối nhau, đừng nói yêu khi ta gần nhau
Đừng lừa dối nhau vì biết đâu tin nơi tình yêu
Hãy giữ lấy hồn ta đừng cho ước mơ gợi lòng say sưa
Thấy khi đôi vai kề, chắc đâu duyên thề mà mơ”
(Đừng Lừa Dối Nhau)

Từ Công Phụng:

"Thôi đừng tìm đến nhau làm gì! 
Thôi, đừng tìm nhau nữa mà chi! 
Ðường về nhà em xa lắm, 
Tương lai chưa vừa tầm hái tay này. 
Trời đọa đày cho cay đắng 
Nên ta không còn nương cánh nhau mà đi…"
(Lời Cuối) 

Lê Uyên Phương: 

"Ngày em thắp sao trời 
Chờ trăng gió lên khơi 
Mùa mưa bão tơi bời 
Một ngày mưa bão không rời 
Trên vai thanh xuân ướp hôn nồng trên gối đắm say 
Ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy 
Cùng rót bao nhiêu ngày hoang 
Cùng đếm bao nhiêu mộng tàn... "
(Dạ khúc Cho Tình Nhân) 

Vũ Thành An:

"Một làn khói trắng 
Ru đời vào quên lãng 
Nâng sầu thành hơi ấm 
Hơ dịu tình đau. 
Ngày tàn im lắng 
Yêu người làn tóc trắng 
Tâm sự rồi đến đắng 
Như lệ giờ biết nhau... " 
(Bài Không Tên Số 7) 

Trường Hải:

"Những chiều không có em 
Ngõ hồn sao hoang vắng. 
Ôi! Dừng chân đây, 
đường phố cũ 
ngùi nhớ tới người em thơ 
cùng bước dưới trời mưa lòng trao chuyện lòng..."
(Những Chiều Không Có Em) 

Trường Sa: 

"Tiếng hát bay trên thành phố bâng khuâng 
Chiều đông đưa những bước chân đau mòn 
Chợt nghe mùa thu bay trên trời không 
Còn ai giữa mênh mông đời mình? 
Cho nỗi đau mù lấp tuổi thơ!..."
(Xin Còn Gọi Tên Nhau) 

Phạm Duy:

"Nha Trang ngày về 
ngồi đây tôi lắng nghe 
đê mê lòng tôi khóc 
như oan hồn trách móc 
Ôi trăng vàng lẻ loi! Ôi đời! 
Trời biển ôi! Không có nuôi tình tôi. 
Nha Trang biển này tình yêu không có đây 
Tôi như là con ốc chui sâu vào thân xác lưu đày 
Dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này!" 
(Nha Trang Ngày Về)


Không thể trích hết lời ca đã từng vang bóng một thời của làng âm nhạc miền Nam. Những nhạc sĩ mang chút hồn thơ như: 
Cung Tiến, Vũ Ðức Sao Biển, Hiếu Nghĩa, Thanh Trang, Hoàng Thi Thơ, Thu Hồ, Trịnh Hưng, Minh Kỳ, Hoài Linh, Phạm Mạnh Cương, Dương Thiệu Tước, Ưng Lang, Khánh Băng, Huỳnh Anh, Châu Kỳ, Lâm Tuyền, Tuấn Khanh, Vũ Thành, Trầm Tử Thiêng, Anh Bằng, Lê Dinh, Trần Thiện Thanh, Thanh Sơn, Hoàng Trang, Ðỗ Lễ, Lê Hoàng Long, Thanh Bình, Văn Giảng, Y Vũ, Mai Châu, Phó Quốc Thăng, Thúc Ðăng, Hoài An, Duy Khánh, Anh Việt Thu, Nhật Ngân, Trần Trịnh, Nguyễn Ánh 9, Trọng Khương, Trúc Phương, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Hoàng Trọng, Nam Lộc, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang v.v… Ðó là chưa kể đến những nhạc sĩ thời tiền chiến. Họ là những nhạc sĩ mang tâm hồn thơ, đã cống hiến cho đời những lời ca đượm đầy chất hương thơ hòa trong ý nhạc, dệt lên những giai điệu đặc sắc trong vườn hoa nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. 

Phổ nhạc một bài thơ "cho có" thì rất dễ, vì chữ Việt Nam có dấu, âm điệu bằng trắc trầm bổng, uốn éo tự nó cũng đã chứa nhiều yếu tố âm nhạc. Ví dụ như câu hò xứ Huế, người phổ chỉ cần biết qua hai âm giai trưởng thứ hay ngũ cung cũng có thể phổ bài thơ, nhưng đó chỉ là khai triển cái âm bằng trắc sẵn có trong câu thơ, nên thiếu vắng tính nghệ thuật của âm nhạc. Ðó là chưa kể người phổ đôi khi cắt xén bừa bãi câu thơ vô tình làm hỏng ý thơ! Tiếng Việt vốn đơn âm nhưng lại hàm xúc nhiều ý nghĩa; nhất là ngôn ngữ của thi ca chứa nhiều ẩn dụ và hoán dụ. Ðối với những từ đơn, từ kép, từ ghép và từ láy là những chất liệu, giúp, cho tiết tấu câu nhạc thêm phong phú. Trong một câu, nhóm từ, nếu chỉ cần thay đổi vị trí cao độ, thanh âm những từ đó sẽ đổi, hay chỉ cần đảo chữ, thanh âm và ngữ nghĩa cũng thay đổi, đôi khi rơi vào trường hợp biến cung nghịch với quy luật âm nhạc. 
Ví dụ: 

"Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát, 
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông…"
(Nguyên Sa) 

Nếu người hát vô tình đổi vị trí cao độ và đảo ngữ ở hai câu cuối: "chợt mát, Hà Ðông" thành "mát chợt, Ðông Hà" thì qủa tội nghiệp cho thơ lẫn nhạc! Nhưng có những bài thơ được nhạc sĩ cắt xén đảo chữ để hợp với giai điệu câu nhạc lại làm tăng phần nghệ thuật của bài thơ. 

Trong thế giới đầy quyến rũ vật chất của thời đại, cái không khí xô bồ ồn ào đã át tiếng thơ, thân phận của thơ hôm nay bị lãng quên! Trong cái thật hẩm hiu của thơ vì quá kén chọn người thưởng thức, cũng may nhờ có giới nhạc sĩ và dịch giả, thơ mới có chỗ hòa điệu nương cánh. Thơ được phổ thành nhạc đễ phổ biến rộng rãi đến công chúng, nhưng một bài thơ tuyệt vời, nếu đem phổ nhạc hoặc đem chuyển ngữ chắc hẳn sẽ làm nhạt đi ít nhiều "chất kỳ bí" chứa trong thơ. Một bài thơ có thể được nhiều người phổ nhạc nhưng sẽ chỉ có duy nhất một bài "hay" như đóa hoa chỉ nở một lần. Nếu bài thơ được người nhạc sĩ có tài sẽ bắt được cái "tính nhạc" trong thơ để phổ thành ca khúc tuyệt vời.

Phổ một bài thơ thành ca khúc hay là một việc làm rất khó. Cái khó nhất là vì đòi hỏi nhạc sĩ phải nắm bắt được cái tinh hoa của hồn thơ, tính nhạc. Nhạc sĩ phải dàn trải giai điệu, nhịp điệu, sắp đặt thể loại soạn thành những cấu trúc đoạn nhạc khác nhau; nhưng vẫn hài hòa, tạo ra từng phân đoạn hợp với tình tiết câu thơ. Đối với thơ lục bát, cái khó là nhịp mạnh thường rơi vào cuối câu vần bằng, do đó nhạc sĩ phải khéo dùng những biến cung để dòng nhạc chuyển tiếp linh động không nhàm chán lê thê giai điệu, không sao chép giống những ca khúc khác. Từ trước đến nay những bài thơ lục bát của nhiều nhà thơ nếu được phổ thành nhạc, hầu hết những bài thơ đó không dài quá 30 câu để nhạc sĩ dễ cảm nhận phổ thành ca khúc.

Muốn thực hiện bản trường ca phổ từ bài trường thi, nhạc sĩ phải bỏ thời gian để phân tích dàn trải cấu trúc toàn thi tập, tạo những thể điệu, những chuỗi hình nốt, giai điệu, tiếp nối nhau diễn tả dựa trên lời thơ không gián đoạn ý mà soạn cấu trúc nhạc theo lối tây phương, nhưng vẫn giữ được chất nhạc Việt. Điểm khó nữa đối với một thi phẩm là không được sửa lời thơ, hay đổi thứ tự chữ để giai điệu, câu nhạc có cái kết hay. Do đó nhạc sĩ phải dừng nhiều biến cung thăng, giảm để dòng nhạc ít quay về chủ âm (tonique), hoặc khéo léo dùng những thể điệu, tiết tấu, uyển chuyển của dòng nhạc đương đại... tạo sự biến đổi cấu trúc giai điệu thành từng đoạn khác nhau làm phong phú ý nhạc. 

Cứ thử tưởng tượng thơ ẩn trong phiến lá, nếu ta đem đốt chiếc lá tiếng lá reo trong lửa là tính nhạc, và khi chiếc lá chỉ còn mùi hương sợi khói phảng phất trong cõi mong manh bồng bềnh phải chăng là hồn thơ? Một bài thơ phổ nhạc được gọi là "xuất sắc" đòi hỏi người phổ phải am tường cả hai nghệ thuật thơ nhạc. Nếu không, âm thanh của nhạc sẽ lấn át âm thanh của thơ, làm biến thể chất thơ, biến bài thơ (poème) thành bài ca (chant, chanson). Do đó, trước tiên người phổ phải yêu bài thơ và thuộc để có thể thả hồn theo ý thơ, để bắt được cái tính nhạc trong bài thơ. Sau đó, người phổ phải nắm vững quy luật và mỹ thuật của âm nhạc để có thể ghi lại và diễn tả những tình cảm luyến láy, dìu dặt, nức nở, buồn vui qua nét nhạc… giúp hồn thơ thăng hoa, nhiễm cảm vào từng tế bào, thớ thịt người thưởng lãm. Người nghe không còn cảm thấy như nghe đọc thơ ở một giọng cao, do những âm bằng trắc trầm bổng, lấn át nhau tạo nên.

Sau cùng, nếu đem bản nhạc trình tấu và tách phần ca từ, phần nhạc, phải mang đầy đủ tính mỹ thuật của nó, như một bản nhạc không lời làm gợi cảm lòng người. Phải chăng đó mới là lúc hồn thơ nhập vào nốt nhạc chấp cánh.     

Đỗ Bình

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Tôi Muốn Về Nha Trang



Tôi muốn về Nha Trang
Thăm lại đèo Rù Rì
Nơi chàng “ thao diễn nghỉ “(*)
Chỗ mười năm đóng quân.

Tôi muốn về Diên Khánh
Xem tàn tích Cổ thành
Rừng cao su bao phủ
Cây dầu đôi uốn quanh.

“Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
Em nằm xỏa tóc đợi chờ anh!”*

Tôi muốn về Cầu Đá
Thăm hồ cá Trí Nguyên
Từ lâu chắc xa lạ
Nhắc lại kẻo tôi quên.

Tôi muốn về Càphê Lý 
Hoàng tử Cảnh quán đông
Cặp hông đường Độc Lập
Trần quý Cáp song song.

Muốn về trường Võ Tánh
Thăm em gái ngày xưa
Tóc thề - màu áo trắng
Nhớ ơi mấy cho vừa,

Nhớ lắm Nha Trang ơi
Nơi làm lính đầu đời
Những người quen thuở ấy
Bây giờ đang ở đâu ?!

Dương hồng Thủy
* bức tượng trên đỉnh Hòn Khô trường HSQ Đồng Đế Nha Trang

Còn Vạn Khối Tình



Ta còn chút nắng, chút sương
Chút hoa lá cỏ, chút vương vấn lòng.
Thì đây núi, Thì đây sông
Cõi quê hương ấy...Thuở Hồng-Lạc xưa.
Đất trời dù chuyển sang mùa 
Nắng mưa nào...Những sớm trưa cung đàn!
Trải lòng theo dặm quan san
Nghe tê tái. Nỗi niềm mang phận người!
Kể từ độ ấy em ơi
Trời Vạn Xuân đã lạnh lời phù vân
Suối nguồn lệ cũ bâng khuâng
Nghe âm ba vọng hồn dân tộc mình.
Thì thôi đấy...Chuyện đã đành,
Thì thôi nhỉ,Gió qua mành tuyết sương.!
Một mai. Rồi nữa... còn hương
Đêm tàn rựng ánh trời Phương Nam hồng.
Thì đây núi. Thì đây sông
Thì đây muôn vạn tấm lòng nở hoa
Hoàng hôn thế kỷ đi qua
Còn đâu bóng đổ chiều xa gập ghềnh.
Cuối mùa hoạn lộ lênh đênh
Bên trời chim thức ngày lên an bình
Còn đây,Với cả niềm tin
Và còn đây,Vạn khối tình quê hương.

South Dakota, tháng 4. 2016.
Mặc Phương Tử

Cho Đời Tất Cả



Trang sách cũ còn nguyên dòng hệ lụy
Thương người xưa cũng đá nát vàng phai
Đành cúi mặt ôm nỗi sầu nhân thế .......
Trầm luân từng khắc lụn tháng năm dài.

Ta có lúc bước trên đường hoa rụng
Nghe tàn phai ủ dột cánh hoa lòng
Ai xuôi chi cơn gió chiều lồng lộng
Cho hoa sầu tàn sớm…kiếp long đong!

Thấy tàn phai ủ dột giấc mơ đời
Chẳng giữ được chút gì tay đang nắm
Tài sản nào rồi cũng phải …rơi rơi!
Từng bước đi là thời gian héo rụng

Sao rõ đường đi đến chốn chân như.
Đêm khuya vắng trầm tư từng tiếng kệ
Mong nhẹ nhàng phong nhụy cánh hoa thơ!
Ta đóm lửa chưa soi bằng ngọn nến

Còn chút lửa thôi cho đời tất cả
Giữ làm gì ta chấm nhỏ nhân gian
Trong rừng lớn mình chỉ là chiếc lá
Lúc thu về cũng héo úa phai tàn.!

Hàn Thiên Lương

Chỉ Là Mơ


Anh mong đợi một ngày kia nắng mới
Nhịp tim thơ làm rung động tình em
Như con thuyền lướt sóng biển trời êm
Cũng đến được bến bờ thương nhân ái

Bởi yêu em phải qua nhiều cửa ải
Nhưng rồi tình cũng chỉ gọi là mơ
Tình yêu em xin được để tôn thờ
Và giữ mãi trong tâm hồn muôn thuở

Chỉ thế thôi mong gì hơn thế nữa
Làm người thơ cứ thích chuyện mơ hồ
Cứ vui đời cứ dệt những vần thơ
Cùng chia xẻ chút tâm tình vụn vặt

Tránh sao khỏi nhiều khi buồn hiu hắt
Anh âm thầm than thở tiếng thơ đau
Chỉ có em anh vơi được nỗi sầu
Để quá khứ vùi sâu trong kỷ niệm

Anh trao em đời này chiếc vương miện
Gọi em là hoàng hậu của tình yêu
Anh đón em bằng vạn đoá hoa điều
Để em bước êm đềm vào cõi mộng

Nhiều lúc mơ để điểm tô cuộc sống
Và tâm hồn không cằn cỗi em ơi
Thực hay hư anh vẫn cứ vui cười
Thế mới gọi là người thơ chứ nhỉ!!!

Hoa Văn

Dưới Ánh Trăng




Nơi đây hồi tưởng trăng xưa
Kể sao cho hết nắng mưa trong lòng
Chòm cây, vườn, ruộng, rạch, sông...
Lục bình hờ hững xuôi dòng nước trôi
Mấy mươi năm tưởng quên rồi
Nào ngờ dạ những bồi hồi xót xa
Ánh trăng thanh thoát ngọc ngà
Mơn man gợi nhớ đưa ta trở về

Một trời kỷ niệm hương quê
Mãi còn thao thức trăng thề năm nao
Rời trường bạn khoác chiến bào
Giữ gìn bờ cõi ra vào tử sanh...
Còn ta ôm giấc mộng lành
Xây dựng thôn xóm, thị thành gấm hoa
Bình yên hạnh phúc mọi nhà
Miền Nam luôn được thái hòa thắm tươi
Đêm nay tră​ng chiếu bên trời
Khiến ta thổn thức ngậm ngùi bâng khuâng
Ánh trăng thanh khiết tỏa dần
Nhớ về cố quốc tưởng gần mà xa...
Trăng ơi, sao vẫn mặn mà?
Đã bao nhiêu tuổi, có già hay không?

Hắt hiu mòn mõi chờ mong
Đau thương tiềm ẩn cõi lòng tơ vương
Từ mang vận kiếp tha phương
Lạc vào xứ lạ thiên đường trần gian
Nơi đây nếp sống an nhàn
Mà sao ta vẫn bàng hoàng xót xa

Dư Thị Diễm Buồn
***
Tâm Sự Với Trăng

Đêm nay trăng sáng trời trong
Ánh vàng trãi khắp rừng Phong cuối đồi
Lưng trời một áng mây trôi
Lang thang vô định như người tha hương.
Quê người gác trọ đêm trường
Thương nhà, nhớ nước sầu vương nỗi niềm
Đêm khuya vạn vật ngủ yên
Lá vàng theo gió rơi xuyên qua cành.
Có người bỏ cả tuổi xanh
Chống giặc giữ nước không thành, lưu vong
Đêm nay đứng tựa cửa song
Ngắm trăng tâm sự nỗi lòng với trăng.
Trên cao trăng có biết chăng?
Tuổi đời của Lão nay gần đủ trăm
Hết vinh rồi nhục, thăng trầm
Đường đời cuối nẽo, cầm bằng như không.
Bao năm đứng đợi, ngồi trông
Ngày hồi cố quốc như trong mộng dài
Nỗi lòng chia sẻ cùng ai?
Chỉ đem tâm sư tỏ bài với Trăng.

Trần Gò Công/Lão Mã Sơn



Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

R​ay Rứt


Số kiếp con người rồi sẽ nhanh qua
Ngày nào còn trẻ nay tuổi đã già
Cơm áo gạo tiền trọn đời vất vả
Thời gian trôi dài bóng cũ mờ xa.

Dọc lối đi sỏi đá luôn gập ghềnh
Chân chao đảo mong nhịp bước bình yên
Tìm đường sáng cho gia đình hạnh phúc
Cùng dắt tay nhau lẫn tránh ưu phiền.

Giây cuối cùng như hoang mạc hư vô
Rồi dại khờ tợ ánh mắt trẻ thơ
Đi nhanh chậm cũng xa dần tuổi dại
Sắp phủi tay mới cảm nhận bơ vơ...

Bạn tri âm người thân thích xa gần
Cố nắm níu hai bàn tay một lần
Bịn rịn giã từ cõi đời ô trọc
Hành trình nào trong ray rứ​t phân vân?!


Dương hồng Thủy

Thu

Cành thu vàng lá tuôn rơi
Chiều trông nhạn trắng lưng trời vút cao
Biệt ly lệ đẫm má đào
Sắc thu ảm đạm đượm màu thê lương






Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Mùa Thu Vườn Sau 2019

Hẹn Em Về ...



Hẹn em về chợ Cái Răng
Thăm người em gái nói năng dịu dàng
Tháng 5 phượng đỏ hai hàng
Thêm cây hoa tím em trồng năm xưa.

Ngày nào phượng đỏ đong đưa
Em cài mái tóc cho vừa lòng anh
Bây giờ dạo bước loanh quanh
Em đi mất biệt sao đành hở em!

Tạt vào quán nhỏ mưa đêm
Ngày nào dột nát như thêm mấy phần
Tìm người dọ hỏi ân cần
Người xa đến cưới theo chồng đã lâu.

Anh buồn nhìn trước ngó sau
Dường như thấp thoáng sang giàu tìm quên
Ân tình đâu dễ đáp đền
Nghĩa đành trả lại dấu tên người cười..

Dương hồng Thủy

Mưa Tháng Sáu


Mưa Sài Gòn như chải sợi tóc huyền
Anh bỗng nhớ tóc em mềm sợi nhỏ
Cành phượng hồng trổ chùm hoa môi đỏ
Tháng Sáu về dào dạt tiếng cười bay

Anh nghe lòng ấm áp một vòng tay
Nụ hôn cháy trên môi xưa mật ngọt
Có góc phố xôn xao lời chim hót
Thuở hẹn hò cuống quít đắm say mê

Có dáng em thon thả mái tóc thề
Bàn tay gió vẫy chào ngày hạ đến
Có ánh sáng đôi hồn thơm thắp nến
Mừng mỗi ngày sinh nhật của tình yêu

Mừng tiếng lòng ta thương thả cánh diều
Chiều bát ngát và tình ta bát ngát
Có phố hẹn môi chiều rung tiếng hát
Và lòng đêm nhung nhớ ánh trăng thơm

Mưa Sài Gòn như ngày ấy dỗi hờn
Em xa xứ mối tình đau ly biệt
Có mưa đổ vào tháng ngày lịm chết
Bong bóng phập phồng tình lỡ nổi trôi

Mưa Sài Gòn ngồi nhớ tận xa xôi
Em ướt tóc, ai lau buồn sũng ướt
Ai ngụp lặn trong dòng sông mắt biếc
Chèo con đò ngược ký ức tìm xưa

Mưa Sài Gòn đỏ tháng Sáu phượng chờ
Tiếng ve gọi vào rưng rưng nỗi nhớ
Em có về kịp hòa nhau hơi thở
Vòng tay ôm da diết cuộc tình đau...

Trầm Vân



Trăm Năm Một Cuộc

Đôi lời tạ từ gửi thân quen và đám học trò cũ ở Sa Đéc và Cần Thơ khoảng thời gian 1955-1975.



Trăm Năm Một Cuộc

Đất khách cuối đời mất gốc,
Chút tình chữ nghĩa còn vương.
Bể dâu, tấc lòng con đỏ,
Những ngày, những tháng tha hương.
Tuổi già quay đầu nhìn lại,
Trăm năm, một cuộc vô thường!

Phạm Khắc Trí
***
Chân

Một kiếp quê nhà trôi nổi
Tháng năm xưa cũ đa vương
Bước tương lai chừng lụn tắt
Dĩ vãng mơ tìm chút hương
Nỗi buồn chừng như tìm đến
Nhân sinh đâu đã bình thường

Quên Đi
***

Chân Như

Hải ngoại, quê nhà xa cách
Bỏ đi, bao mối tơ vương
Chạnh lòng, mai sau tiếp bước
Quá khứ qui về cố hương
Nặng tình nên chi quay lại
Ta bà nghiệp trả vay thường

Mai Xuân Thanh
Sunday 16/06/2019 
***
Y Đề
(Trao về bác Tri Khac Pham)

Đất khách, một đời tim óc,
Quê nhà, bao nỗi vấn vương.
Thăng trầm, nước non còn đó !
Vui buồn, ta kẻ tha hương.
Cuộc Hẹn, ngày về chưa định,
Nhưng mong, nó sẽ phi thường.

Danh Hữu
***
Thời Gian!


Ôi! Cái già trong cơn gió lốc,
Mái đầu xanh mấy chốc mờ sương.
Quê người lặng lẽ sầu vương
Cảm hoài từng phút vô thường về đâu?
Thời gian tựa bóng câu qua cửa
Dằng dặc buồn một nửa lòng quê !

Mailoc
***
Nghiã Cũ Một Thời

Làm thân lữ khách cuối đời
Còn đây nghĩa cũ một thời vấn vương
Xứ người quạnh quẽ sấu thương
Rồi bao năm tháng tha hương mỏi mòn
Đượm buồn nghĩ đến nước non
Ngày về đất Mẹ có còn... tình không ??

songquang

Tình Ca Quê Hương



Anh dắt tay em
Trên con đường vào thôn
Hai bên đường cỏ mềm như chăn bông
Thơm như mùi áo len
Tiếng mưa xuân du du
Giọng đàn buông xa xăm
Cành mận rung như hơi thở em yêu
Tàu lá chuối phất không
Cành bưởi buông tơ
Mắt em nhìn xa xăm
Anh dắt tay em lên thềm
Hoa vàng bay bông bông
Vườn rau êm như nhung
Vườn khoai thơm hơi sương
Trái ổi ngọt môi em
Anh hôn nhẹ làn mi
Tiếng nhện giăng tơ
Cành thông chim bay
Em cúi xuống êm đềm
Tiếng guốc đi thánh thót
Như tiếng pha lê
Như tiếng ngọc rơi
Anh dắt tay em ven bờ sông
Bước đi trên cát nàng Tiên Dung
Trường Giang mênh mông
Gió xanh ngàn năm
Gió du ngàn dâu
Tiếng ngựa ai hý trong thế giới Thần Tiên
Tiếng bò ai gặm cỏ
Tiếng sáo diều vi vu
Bên trời Tây lãng đãng
Mầu vỏ trai rực rỡ
Dưới gầm cầu nước trong
Thuyền ai buông câu bên xóm nhỏ
Anh dắt tay em bên bờ ruộng non
Tháng ba lúa con gái
Gió hiu hiu lạnh se
Gió luồn qua ngọn cỏ đầu gà
Mùi cỏ thơm dưới gót chân em
Hoa đồng nội bay trên tóc em
Anh hôn lên làn tóc nhỏ
Trời lồng lộng mắt em yêu
Chiều mầu tím hoa soan
Sáng mùi thơm hoa cau
Gió hiu hiu lạnh se
Tóc em nhẹ bay
Hoa đồng nội vương vương
Gió se lạnh đôi tay
Anh say xưa hôn lên làn môi em

Em muốn ăn một trái nhót
Ôi mầu đỏ đẹp làm sao
Phấn nhót vàng điểm trên mầu áo len nâu
Anh muốn hái nhãn Hưng Yên
Anh muốn hái hồng Lạng Sơn
Cho đôi môi háu ăn của em thêm xinh
Cho hàm răng em thêm ngọc ngà
Cho anh vuốt nhẹ chiếc cằm nhỏ xinh

Đêm nay trời mưa
Trong căn phòng nhỏ
Tiếng mưa rơi vào tim
Gió lùa qua gầm bàn
Quai guốc lạnh gót chân
Ngọn bút nằm bơ vơ
Tờ lịch bay tung
Tiếng tình yêu đâu đây
Hơi thở hay hình bóng hay mái tóc người yêu
Đôi mắt u ẩn nhìn xa xăm
Anh yêu em
Anh thương nhớ em
Anh muốn ôm em trong đôi tay
Anh nắm chặt đôi vai tròn
Anh hôn vào sau cổ sau tai em
Tờ lịch bay tung
Tiếng cửa kính rung
Bình bông gắn hình em
Bìa sách dán hình em
Em ơi
Em ơi
Thương biết mấy cho vừa
Đôi vai tròn thương yêu
Bước chân em lung linh
Nền gạch sao mỏng quá
Gió lùa mong manh
Anh vùng lên ôm choàng em
Gió tan biến trong sương
Từ khung trời hoang đảo
Trăng vàng trên cành khô
Rễ si xỏa trên sông
Đêm hoang sơ lạnh buốt sương mờ
Đêm hoang sơ cầu tre đơn côi
Đêm hoang sơ lục bình trôi lang thang
Đêm hoang sơ bay vào phòng em
Trên mi cong đượm hồn Liêu Trai

Chân Diện Mục

Canada Trong Lãnh Vực Truyền Thông Và Văn Nghệ

(Bài viết Hoàng Xuân Thảo,  Từ Uyên Tham Luận)

Truyền Thông Và Truyền Thanh

(Alexander Graham Bell)

– Cú phone đầu tiên trên thế giới được thực hiện bởi Alexander Graham Bell gọi từ Branford, Ontario tới Paris cho người phụ tá là Watson ngày 10.8.1876: “ Mr. Watson, come here, I want to see you.” và ông được mệnh danh là cha đẻ của Điện thoại.
Tuy nhiên ông không để điện thoại trong phòng làm việc vì ông cho là nó quấy rối sư yên tịnh. Nếu ông sống tới bây giờ khi nhìn thất mọi chỗ, mọi lúc, mọi người đều có trong tay một điện thoại di động thì không biết ông nghĩ sao? Bell còn thiết kế cho việc chế tạo máy bay Silver Dart bay cao hơn và lâu hơn chiếc máy bay của anh em Wright chế tạo sáu năm về trước.
- Điện thoại viễn liên được thực hiện bởi BlackBerry năm 1998, một công ty đứng hàng đầu về truyền thông, có trụ sở tại Waterloo.
– Thông điệp đầu tiên với Morse được gửi qua Đai tây dương tới Signal Hill, Newfoundland nhận được bởi Guclielmo Marconi ngày 12.12.1901. Điện tín đầu tiên tại Canada không dùng Morse thực hiện ngày 19.12. 1946 giữa Toronto và Hamilton, Ontario.
- Hệ thống điện thoại toàn Canada hoàn tất năm 1932.
- Điện thoại khẩn cấp đề xuất ra trước tiên ngày 21.6.1959 bởi thị trưởng Winnipeg Stephen Juba và số này là 999 sau được đổi ra là 911 từ ngày 22.6.1975.
- Hệ thống truyền tin do microwave thay thế cho cable được thực hiện lần đầu tiên giữa Nova Scotia và Prince Edwards Island ngày 19.11.1948.
- Đài truyền thanh thương mại đầu tiên tại Canada và có thể trên cả thế giới là đài Montreal XWA sau còn có tên là CFCF, CIQB và AM940 phát thanh từ 1919. Đài này đã ngưng họat động từ tháng 1.2010.
- Đài phát thanh truyền đi khắp Canada phát thanh bài nói chuyện của Thủ tướng MacKenzie King với đồng bào ngày 1.7.1927.
- Nhạc lần đầu qua radio là bài “O Holy Night” do Fessenden diễn tấu bằng violin ngày 24.12.1906.
- Đài truyền hình đầu tiên tại Canada được thực hiện vào tháng muà hè 1932 tại Montreal nhưng chỉ được chứng kiến bởi rất ít người, tới tháng 10.1932 mới có hàng ngàn người coi. Tin tức về khí tượng chỉ được phát hình từ 6.9.1952. 

- Trước kia mỗi vùng trong một nước cũng có thời gian khác nhau chưa kể trên toàn cầu thì thời khắc rất khác biệt. Sir Sandford Fleming đã nghĩ ra Standard Time khiến việc liên lạc giữa các vùng, giữa các nước được dễ dàng hơn rất nhiều.

Điện Ảnh Và Truyến Hình

(Mack Sennett)

- Bảng hiệu HOLLYWOOD tại Los Angeles, California từ năm1923 được thiêt kế bởi Mack Sennett, người Quebec vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn và nhà sản xuất phim ảnh. Ông là đồng sáng lập viên Công ty Keystone và đã khám phá ra nhiều tài tử Hollywood trong đó có Charlie Chaplin.
- Dấu in tay trên nền xi-măng tại Hollywood trong đo có dấu tay của Mary Picford, người Toronto và chồng là Douglas Fairbanks được thực hiện ngày 30.4.1927. Bà được mệnh danh là “ America ‘ s Sweetheart.”
- Nụ hôn đầu tiên trên điện ảnh là do nữ tài tử May Irwin, người Whitby, Ontario trong phim ngắn “The Kiss”. Vụ hôn này đã gây ra một tai tiếng bởi nhiều khán giả.
- Hãng phim Warner Bross thành lập ngày 2.8.1892 là do ba anh em Jack, Albert và Sam Warner sinh tại London, Ontario. Hãng Warner Bross đã thực hiện cuốn phim đầu tiên trong đó âm thanh thu ngoài được phối đồng với âm thanh trong phim theo phương pháp synchronized sound. Đó là phim The Jazz Singer năm 1927.
- Tài tử điện ảnh người Canada đầu tiên là Florence Lawrence, Hamilton, Ontario trong phim The Broaken Oath năm 1909. Lawrence diễn xuất trong khoảng 300 phim còn được coi là tài tử điện ảnh đầu tiên của thế giới.
- Phim Canada ăn khách đầu tiên là phim “Ten Years in Manitoba” quay năm 1898 của nhà làm phim James Freer từ Anh di cư sang Canada năm 1888. Chính phủ Anh đã trợ cấp để Freer đem cuốn phim đi chiếu khắp nước Anh.
- Phim tài liệu đầu tiên: Nanook of the North, 1922 về cuộc sống của một nhóm người Inuit tại bên vịnh Hudson.
- Phim tài liệu đầu tiên được giải Oscar: Churchill ‘s Island, 1941 về cuộc chiến tại Anh.
- Tài tử được giải Oscar 2012 lớn tuổi nhất: Christopher Plummer, Toronto, 82 tuổi về vai phụ trong phim Beginners.
- Tài tử Donald Sutherland đóng trong phim Six Degrees of Separation lấy vợ là con của cựu thủ tướng Saskatchewan Tommy Douglas, cha đẻ ra chế độ bảo hiểm y tế phổ thông và toàn diện của Canada hiện nay.
- Đạo diễn và viết phim bản James Cameron, người Kapuskasing, Ontario đã thực hiện hai cuốn phim thu hoạch được bộn tiền nhất: Titanic năm 1997 và Avatar năm 2009. Phim Titanic thu được $ 2,186.8 triệu trong khi phim Avatar thu được $2,782,3 triệu.
- Hai anh em cùng được giải Oscar năm 1931, Douglas Shearer giải Âm thanh trong phim The Big House còn Norma Shearer giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong phim The Divorcee.
- Rạp chiếu bóng đầu tiên tại Bắc Mỹ khai trương ngày 1.1.1906 tại Montreal với tên rạp Ouimetoscope với 500 chỗ ngồi, vốn là một nhà hàng cải biến thành.
- Đại hội điện ảnh Toronto là đại hội lớn nhất tại Bắc Mỹ và thứ hai trên thế giới sau đại hội Cannes, đã tổ chức hàng năm từ năm 1976. Đại hội điện ảnh đầu tiên tại Bắc Mỹ là tại Yorkton, Saskatchewan tổ chức năm 1942.
- Ernie Coombs từ Pittsburgh tới Toronto , trở thành Mr. Dressup trong một chương trình TV của đài CBC kéo dài 29 năm từ 1967 tới 1996.

Báo Chí



- Tờ báo đầu tiên tại Canada: Halifax Gazette từ 23.3.1752.
- Nhật báo đầu tiên: Montreal Daily Advertiser, năm 1883.
- Nhật báo đông độc giả nhất: Toronto Star, khai trương dưới tên The Evening Star ngày 3.11.1892, hiện có số độc giả 350,000 không kể số ra ngày thứ Bảy lên tới 450,000.
- Tuần báo đông độc giả nhất: MacLean với khoảng 310,000 độc giả.
- Tạp chí lâu đời nhất: United Church Observer xuất bản từ năm 1829 dưới tên Christian Guardian tại Toronto.
- Hãng xưởng sản xuất giấy đầu tiên: tại St. Andrews, Quebec, năm 1805. Tại Canda hiện có khoảng 140 xưởng làm giấy với 85,000 nhân viên.
- Phóng viên Robert MacNeil, Montreal nổi tiếng trong chương trình của PBS “ Tường trình của MacNeil/Lehrer”, được ghi danh trong Television Hall of Fame 1999 và được giải thưởng Walter Cronkite về Báo chí năm 2008.
- Phóng viên báo chí đài ABC Peter Jennings được xem như người kiểu mẫu cho các phóng viên mới cuả các đài Hoa Kỳ.

Văn Chương


- Khi Thư viện Quốc hội được thành lập năm 1802 chưa có một cuốn sách nào của Canada để sưu tập trong đó. Một trong những cuốn đầu tiên của Canada là cuốn The Backwoods of Canada ấn hành năm 1836. Năm sau tới cuốn sách tiếng Pháp đầu tiên của Philippe Ignace Francois Aubert de Gaspe nhan đề L’influence d’un livre. Lần lượt tiếp theo là Roughing it in the Bush của Susanna Moodie năm 1852 rồi Anne of Green Gables của Lucy Maude Montgomery năm 1908 và tập thơ Confederation Poets gồm các thi sĩ đều sinh trong thập niên 1860 gồm Charles Robert, Archibald Lampman, Bliss Carman, Duncan Campbell Scott và William Wilfred Campbell.

- Cuốn tiểu thuyết đầu tiên: St. Ursula ‘s Convent của tác giả Julia Catherine Hart, Fredericton, xuất bản 1824 viết về di sản của hai nền văn hóa Anh và Pháp.
- Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đầu tiên: The Clockmaker của tác giả Thomas Chandler Haliburton, Windsor, Nova Scotia ấn hành năm 1836.
- Cuốn tiểu thuyết đầu tiên ăn khách nhất: Beautiful Joe: Autobiography of a Dog do tác giả Margaret Marshall Saunders, Milton, Nova Scotia ấn hành năm 1894, bán được 1 triệu bản.
- Cuốn Anne of Green Gables của Lucy Maude Montgomery ấn hành năm 1908 sau hơn 100 nămvẫn còn được tái bản và còn được chiếu trên TC theo mini series năm 2017. Tác giả ngoài ra cũng viết 530 truyện ngắn khác.
- Tiểu thuyết đầu tiên được giải Goncourt là cuốn Pélagie-la-charette ấn hành năm 1979 do tác giả Antonine Maillet, New Brunswick.
- Robert Munsch tại Guelph, Ontario được mệnh danh là “ Vua truyện trẻ em/ King of Kid-Lit” đã viết trên 40 truyện cho trẻ em, bán được 30 triệu cuốn, riêng cuốn Love You Forever bán được 18 triệu cuốn.
- Tác giả được giải thưởng Toàn quyền Canada đầu tiên năm 1936 là Bertram Booker với cuốn Think of the Earth, loại hư cấu và T.B. Roberton về một loạt bài trên báo.
- Tác giả được nhiều giải thưởng của Toàn quyền Canada là Hugh MacLennan và Michael Ondaatje, mỗi người được năm lần.
- Tiểu thuyết được giải Prix Femina Étranger đầu tiên là Gabrielle Roy, St. Boniface, Manitoba với cuốn Bonheur d’ occasion/ The Tin Flute lọai ngọai quốc năm 1945.
- Tác giả được giải Man Booker dành cho các công dân trong Liên Hiệp Anh là Michael Ondaatje với cuốn The English Patient. Truyện này sau được quay thành phim rất ăn khách, bán được cả triệu cuốn trong 12 nước và đoạt 9 giải Academy Awards.
- Nữ văn sĩ Margaret Atwood nổi tiếng với các cuốn The Handmaid’s Tale, Alias Grace.
- Trong thập niên 1960 văn chương đươc muà nở rộ nhiều bông hoa: Margaret Atwood, Alice Munro, Al Purdy vv... 
- Văn sĩ Mordecai Richler nổi danh với cuốn The Apprenticeship of Duddy.
- Romance novel khởi đầu năm 1949 do sáng kiến của một người Winnipeg là Richard Bonnycastle. Hơn 3 tỷ cuốn đã bán ra trên 100 thị trường sách. Thịnh đạt nhất là khi trên nửa số sách tại thị trường Bắc Mỹ là romance novel do Harlequins xuất bản.
- Superman được sáng tạo bởi Joe Schuster, người Canada và Jerome Siegel, người Mỹ ra mắt lần đầu tiên năm 1938 với nhan đề Action Comics.
- Giải Nobel Văn chương: người được giải này đầu tiên là Saul Bellow, khôi nguyên năm 1976. Người thứ hai là nữ văn sĩ Alice Munro, năm 2013.
- Canada góp phần sáng tạo ra chữ nghiã mới, trong đó thông dụng là các tiếng mới như sau:
Canuck: danh từ chỉ người Canada, bluenoser: chỉ người Nova Scotia, double-double: chỉ coffee pha với 2 đường và 2 cream, down east chỉ các tỉnh duyên hải, drop the gloves chỉ đánh nhau, mickey chỉ chai rượu 375 ml, Texas mickey chỉ chai rượu 3 lít, toque hay tuque chỉ mũ nỉ mùa đông, poutine chỉ khoai tây chiên chấm với gravy, soft drink chỉ nước có chất carbonate vv...

Âm Nhạc


- Bản nhạc Canada top hit đầu tiên tại Mỹ là bản American Woman trình diễn bởi ban nhạc The Guess Who, Winnipeg, Manitoba trong ba tuần lễ May 9, 16 và 23, năm 1970.
- Bản nhạc O Canada được trình diễn lần đầu tiên ngày 24.6.1880 tại Quebec City. Bản nhạc sau trở thành quốc ca ngày 1.7.1980. 
- Nữ nhạc sĩ Alanis Morissette, Ottawa với album 1995 Jagged little Pill đoạt bốn Grammy, Album of the Year và bán được 33 triệu bản.
- Nhạc sĩ Bryan Adams, Kingston, Ontario là nhạc sĩ đầu tiên bán được một triệu album Reckless năm 1984.
- Nhạc sĩ Shania Twain, Windsor, Ontario đoạt kỷ lục về country music với bản The Woman in Me, đưng top hit liền trong 29 tuần với số bán là 7.7 triệu bản.
- Ban Nhạc April Wine, Halifax đi tour với bản The Whole World ‘s goin’ Crazy sáng tác năm 1976 thu được một triệu đô-la. Đây là ban nhạc đầu tiên bán được 100,000 bản nhạc trên nên được thu lần đầu tiên bằng đĩa platinum vào tháng 9.1976. 
- Nhạc sĩ Céline Dion, Charlemagne, Quebec là người đầu tiên được tặng đĩa vàng tại Pháp năm 1983 khi mới có 15 tuổi. Trong thời gian trình diễn thường trực tại Caesars Palace, Las Vegas từ 15.11.2011 tới 9.6.2018 nàng đã thực hiện 1.090 show. 
- Nhạc sĩ được 5 lần trên bảng top hit là Justin Bieber, Stratford, Ontario. Bieber năm 2013 với album Believe Acoustic khi mới 19 tuổi. Các bản top hit khác là Under the Mistletoe, 2011, Never say never và The Remixes, 2011, My World, 2010.
- Anne Murray, Springhill, Nova Scotia là nữ nhạc sĩ đầu tiên năm 1970 được tặng American Gold Album (bán được 500,000).
- Nhạc sĩ Burton Cummings, một thành viên trong ban nhạc The Guess Who là người Canada đầu tiên có album Quadruple platinum tại Mỹ với album Dream of a Child năm 1978. 
- Oscar Peterson, sinh tại Montreal năm 1925, đoạt hơn một chục giải thưởng trong đó có 8 Grammy, được nhiều nhạc sĩ coi là một trong những người chơi piano hay nhất thế giới.
- Leonard Cohen một nhạc sĩ nổi tiếng, rất được Bob Dylan khâm phục. Ông mất năm 2016, 82 tuổi trước sự thương tiếc cuả các nhạc sĩ trên thố giới. Trước đó Cohen làm thơ từ thập niên 1950 tới 1967 ông chuyển sang soạn nhạc.
- Nhạc sĩ Quebec Daniel Lanois họat động chung với Bob Dylan, U2, Neil Young, Willie Nelson, Emmylou Harris và Peter Gabriel, đoạt 11 Grammy. Ông cũng soạn nhạc đệm cho nhiều cuốn phim. Tạp chí Rolling Stone cho ông là người sản xuất nhạc vào tầm cỡ lớn nhất trong thập niên 1980.
- Nhạc ca sĩ Glenn Gould là một cây piano trứ danh tuy nhiên quan niệm về âm nhạc của ông lại gần như lập dị khi ông cho rằng nhạc sĩ Orlando Gibbons là nhà sọan nhạc vĩ đại nhất qua các thời đại và cho rằng Petula Clark nặng ký hơn ban Beatlles.
- Nhạc sĩ Ian Tyson nhận định rằng nhạc sĩ country music Gordon Lightfoot có ảnh hưởng sâu đậm trong lọai nhạc này hơn ai hết. Lightfoot có nhiều fan trong đó có Bob Dylan và Hoàng hậu Elizabeth. Một trong các bản nhạc tượng trưng cho ông là Canadian Railroad Trilogy.
- Ban nhạc nổi tiếng The Band gồm 4 nhạc sĩ Canada và 1 nhạc sĩ Mỹ. Ban nhạc thoạt đầu cộng tác với Ronnie Hawkins rồi Bob Dylan sau tách ra họat động riêng rẽ.
- Nhạc sĩ Toronto Aubrey Drake Graham soạn 154 ca khúc liệt kê trên Billboard Chart và đoạt thành tích nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc. Chỉ nội trong một tuần 24 bản nhạc trong top 100 là do ông soạn. Thân phụ ông, Dennis Graham là tay trống trong ban Jerry Lee Lewis.
- Nữ nhạc sĩ Sara McLachlan nổi danh qua album nhạc Surfacing được hai Grammy. Sarah cũng là người đầu tiên một nhạc hộn gồm toàn phụ nữ đi ngạo du trình diễn ba năm thu được $16 triệu trong đó trích ra $7 cho các chương trình bác ái.
- Nữ ca sĩ opera và hoà tấu Measha Brueggergosman giọng soprano nổi tiêng thế giới, đã trình diễn trước nữ hoàng Elizabeth II.
- Ca sĩ Ben Heppner từng trình diễn tại Metropolitan Opera, New York thay thế cho danh ca tenor Luciano Pavarotti trong bản Idomeneo của Mozart.
- Jazz Festival tại Montreal tổ chức mỗi năm vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 từ năm 1972 được coi hư lễ hội Jazz lớn nhất trên thế giới, quy tụ hơn 3,000 nhạc sĩ của 30 quốc gia trình diễn hơn 1,000 hoà tâu đã htu hút khoảng hai triệu khán thính giả. 
- Lễ hội âm nhạc ngoài trời được tổ chức hàng năm vào giữa mùa hè từ năm 1993 tại Camrose, phía tây nam Edmonton, Alberta được Alberta Travel khoe là lớn nhất tại Bắc Mỹ với bốn ngày trình diễn country music. 
- Lễ hội Elvis được tổ chức hàng năm tại Collingwood vào tháng Bảy để tưởng niệm Elvis Presley. Các nhạc sĩ tứ xứ tới tham dự đều có lối trình diễn và phục sức như Elvis để đoạt giải thưởng Elvis.
- Quebec Symphony Orchestra thành lập năm 1902 là dàn nhạc hoà tấu đầu tiên của Canada.
- Năm 1968 là năm được mùa âm nhạc của Canada: Joni Mitchell ra mắt album đầu tiên Song to a Seagull, The Band tung ra Music from Big Pink, Stepperwolf cho ra Born to be wild, và Magic Carpet Ride, Gordon Lightfoot: Did She mention my Name, Gilles Vigneault: Le Nord du Nord, Anne Murray: What about me, The Irish Rovers: The Unicorn, William Shatner: The transformed Man.
- Ca nhạc thường được trình diễn trong những giải chung kết về khúc côn cầu/hockey và các nhạc sĩ đã sáng tác 15 bản về hockey: Honkey the Christmas Goose trình bày bởi một cầu thủ của Toronto Leafs Johnny Bower, Gretzky Rocks bởi The Pursuit of Happiness, Fifty-Mission Cap bởi Tragically Hip, The Hockey Song do Stompin Tom Connors rất nổi tiếng:

Hello out there!
We’re on the air
It’s Hockey Night tonight
Tension grows
The whistle blows
And the pucks goes down the ice
The goalie jumps
And the players bump
And the fans all go insane
Someone roars
Bobby scores!
At the good of hoaket game.

- Năm 1971 sau khi đạo luật về hệ thống MAPL cho các nghệ sĩ về Music, Artist, Performanc và Lyrics tình trạng có vẻ sống động và phát triển cho các nhóm hay cá nhân như The Guess Who, Ian & Sylvia, Stan Rogers, Robert Charlebois, Murray McLaughlan, Bruce Cockburn, Beau Dommage, Bachman-Turner Overdrie, Loverboy, Bryan Adams, Rush, The Tragically Hip, Blue Rodeo, Avril Lavigne, Shania Twain, Barebaked Ladies, Sarah McLachlan, Alanis Morissette, Nickelback, Arcade Fire và nhiều nữa...
- Các buổi trình diễn của nhóm Don Messer ‘s Jubilee trên đài CBC rất được ái mộ trong suốt 10 năm nhưng sau đó bị đài ngưng lại và thay thế bằng chương trình khác bị khán thính giả biểu tình tại quốc hội đòi can thiệp. Một fan của ban nhạc là John Diefenbaker cũng biểu đồng tình là chương trìng ban nhạc nên được tiếp tục. Một thành viên trong nhóm Lorne Michaels sang New york lập ra chương trình Saturday Night Live rất thành công.

Sân Khấu


- Cuộc trình diễn đầu tiên trên sân khấu Bắc Mỹ xảy ra tại Port Royal, Nova Scotia năm 1606 do thi sĩ kiêm kịch sĩ Pháp Marc Lescarbot với vở Théatre de Neptune.
- Vở kịch đầu tiên do một tác giả khuyết danh Canada là vở Acadius trình diễn tại Halifax năm 1774, nội dung nói về sự ngọai tình của một doanh nhân với một người làm da đen.
- Toronto có nhiều hí viện tại Bắc Mỹ chỉ xếp hạng sau New York và xếp hạng thứ ba trên thế giới sau London, Anh quốc.
- Công ty vũ nhạc Royal Winnipeg Ballet là công ty lâu đời nhất tại Canada thành lâp năm 1939 tại Winnipeg bởi Gweneth Lloyd và Betty Farrally.
- Stratford, Ontario có sân khấu trình diễn lớn nhất Bắc Mỹ hoạt động từ năm 1953. Riêng năm 2013, lễ hội tại đây đã thu hút 480,000 khán thính giả. Hiện nay lễ hội Shakespear tại Stratford là một trong các lễ hội kịch nghệ lớn nhất thế giới chuyên trình diễn các nhạc kịch của Shakespear.
- Kịch sĩ Christopher Plummer từng xuất hiện trong Iago in Othello tại Broadway và thường xuyên tại lễ hội Stratford. Ông còn đóng trong phim Sound of Music 1965 và là tài tử lớn tuổi nhất khi được giải Academy Awards năm ông đã 82 tuổi trong phim Beginners năm 2010.
- Năm 1955 kịch sĩ William Shatner xuất hiện tại lễ hội Shakespear tại Stratford trong Julius Caesar rồi năm sau trong Henry V cùng với Christopher Plummer. Hai tài tử Montreal này tái ngộ năm 1991 khi Plummer đóng vai tướng Chang trong Star Trek VI: The undiscovered County. William được giải Emmy do các trình diễn trên TV.
- Công ty Canadian Opera là công ty opera đầu tiên tại Canada thành lập năm 1950. Viện Canada’s Royal Conservatory of Music mở trường dạy opera năm 1946. Công ty National Ballet of Canada thành lập năm 1951 và trình diễn vở đầu tiên là Giselle.
- Diva đầu tiên là ca sĩ opera Emma Albani, nhũ danh Marie Louise Emma Cécile Lajeunesse, sinh tại Quebec có danh tiếng quốc tế sau những trình diễn tại Pháp, Ý, Anh, Mexico và Úc.
- Lễ hội Ca vũ nhạc Caribbean còn gọi là Caribana tại Toronto vào tháng 7-8 hàng năm là lễ hội Caribbean lớn nhất Bắc Mỹ kéo dài ba tuần với cái đinh là cuộc diễn hành.

Nhiếp Ảnh Và Hội Họa



(Hugh Lee Pattinson)

- Bức ảnh về Canada đầu tiên là bức ảnh chụp thác Niagara vào tháng 4.1840 bởi hóa học gia Anh H.L. Pattinson khi thăm viếng Canada. Trong chuyến du lịch này Pattinson chụp tất cả 8 bức ảnh.
- Phòng triển lãm mỹ thuật đầu tiên tại Quebec City do họa sĩ Joseph Légaré mở năm 1833. Ông cũng được coi là hoạ sĩ đầu tiên vẽ phong cảnh của Canada với bức tranh thực hiện năm 1848 với nhan đề View of Fire in St. Jean District of Quebec City.
- Viện bảo tàng đầu tiên là do người Anh Thomas Barnett đã sưu tầm tranh từ đầu thập niên 1820 tại Niagara Falls, sau trở thành viện bảo tàng Niagara Falls.
- Viện bảo tàng lớn nhất Canada là viện Canada Museum of History tại Gatineau, Quebec có tới 5 triệu sử vật, thu hút hàng năm 1.3 triệu người thăm viếng. Tại đây đặc biệt có trưng bày các cột totem nhiều nhất trên thế giới.
- Winnipeg Art Gallery được coi là viện Bảo tàng lớn nhất về các sản phẩm mỹ thuật của người Inuit với hơn 10,730 045 phẩm vật.
- Viện bảo tàng hoàng gia Tyrrel về khảo cổ học là viện lưu giữ lớn nhất thế giới các di vật của loài dinosaurs.
- Đại hội Nhiếp ảnh hàng năm tại Toronto vào tháng 5 được coi là lớn nhất thế giới quy tụ 1,500 nhiếp ảnh gia Canada và thế giới khỡi đầu từ năm 1997 với số khán gỉa trung bình 1.8 triệu.
- Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Thiết kế Ontario thành lập năm 1876 có tới 3,500 sinh viên toàn thời gian và 1,000 sinh viên bán thời gian.

- Nhóm Thất bang/Group of Seven gồm bảy họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh Canada thành lập sau Thế chiến I, 1920 – 1933, đã tạo nên một phong trào tìm vẽ những cảnh đẹp của Canada.

(Nhóm Thất Bang)

Nhóm thọat đầu gồm có Franklin Carmichael (1890–1945), Lawrence Harris (1885–1970), A. Y. Jackson (1882–1974), Frank Johnston (1888–1949), Arthur Lismer (1885–1969), J. E. H. MacDonald (1873–1932), and Frederick Varley (1881–1969).
Tiếp theo là A. J. Casson (1898–1992) gia nhập năm 1926, Edwin Holgate (1892–1977) năm 1930, và LeMoine FitzGerald (1890–1956) năm 1932. 
Hai hoạ sĩ khác được coi là có liên hệ mật thiết với nhóm Thất Bang là Tom Thomson (1877–1917) và Emily Carr (1871–1945.





Hoàng Xuân Thảo
***

Đại Cương Về Văn Hoá Quebec Qua Cắc Thời Đại (Từ Uyên tham luận)


(Quebec City)

Ngay từ khi Jacques Cartiers và sau đó Samuel de Champlain đặt chân tới vùng đất mới, họ đã bắt đầu đặt nền tảng văn hoá tại đây.

Đặt tượng ghi chủ quyền nước Pháp và tuy đi không và về lại tay không qua ba kỳ thám hiểm nhưng ý đồ muốn bành trướng ảnh hưởng của Pháp cũng đã rõ. Và sau này Samuel Champlain qua và ở lại và từ nay liên hệ mật thiết hơn với thổ dân. Khai thác qua tinh thấn hợp tác, Champlain đã chứng tỏ được lòng tin của người Huron và nhờ đó tìm hiểu thêm địa lý và cũng tìm được mối lợi buôn da và lông thú, thu hút đưọc thêm người Pháp tới đông hơn.

Tuy nhiên các giáo sĩ cũng tìm cách phát triển tôn giáo tại đây và vô hình chung người gốc Pháp tuy không nhiều nhưng mang nặng ảnh hưởng vương quyền Pháp và thần quyền Thiên chúa giáo. Và họ cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng của văn hoá thô sơ của người bản địa dù người bản địa từ xưa tuy những người này chưa có chữ viết và tâm hồn còn đôi nét đơn giản.

Các cuộc hôn nhân lưỡng chủng cũng mang lại những điểm mới từ phương thức giao thông tới sử dụng các phương tiện và ảnh hưởng thổ ngữ cũng đáng kể.

Sau này khi hoàn toàn trở thành Nouvelle France và qua đợt chiến tranh với thuộc điạ Anh tại Mỹ quốc và với chính quân nước Anh, nhóm loyaliste ở lại định cư tại Quebec và cũng thay đổi nếp sống và văn hoá Quebec
Chúng ta thử tìm hiểu văn hoá khá phức tạp này qua các hình thức:
Văn chương
Âm nhạc
Kịch nghệ qua mỗi thời kỳ
Thời kỳ tiếp xúc với người Pháp qua các nhà thám hiểm.

(Jacques Cartiers)

Ông Jacques Cartier 1534 tới vùng đất mới này và ngoài việc xây cất một tượng đài tượng trưng cho chủ quyền Pháp và không mang được lợi ích nào cho Pháp và cho đất mới ngoài 5 chương của bản báo cáo về ba chuyến thám hiểm đất này. Cuốn Relation mà Lescarbot và Charlevoix sau này sao lục lại và cho rằng đây là có thể chính ông đã viết. Và bản báo cáo này được coi như bản văn đầu tiên về văn hoá nơi đất mới.

Samuel de Champlain 1608 tới Canada nhưng trước đó khi thăm Nam Mỹ đã viết một số The brief discourse nói về cuộc sống của thổ dân và coi như tài liệu xác thực nhất nhờ đó sau này khi gặp thổ dân tại Quebec ông đã đạt được một sự hợp tác chân thành của người Huron và nhờ đó việc buôn lông thú dễ dáng

Giai đoạn này có thể coi như Văn hoá hiếu hoà và văn chương chỉ gồm tài liệu tìm hiểu và giao dịch
Các giáo sĩ cũng bắt đầu tới và mong cảm hoá thổ dân theo tín ngưỡng mới

Ảnh hưởng cuả thương gia và giáo hội 1627-1662

Thấy công việc buôn bán dễ và thổ dân còn hiền hậu các thương gia lập hội Compagnie de la Nouvelle France do Hồng Y Richelieu giao cho khai thác đất này nhưng không đem lại một tài liệu văn hoá chỉ còn các giáo sĩ vừa truyền giáo vừa mở trường và mở các bệnh viện.

Marc Lescarbot năm 1609 viết thêm về Les murs de la Nouvelle France sau khi thăm vùng Acadi.
Baron de Lahontan viết về:"Dialogue avec un sauvage"

Giáo sĩ Lafitan khảo sát về "Mœurs des sauvages comparées" và ông cũng cho biết người Pháp tới nơi này đã làm hư nếp sống hiền hoà của thổ dân bằng cách dùng ruợu và thuốc súng để đổi chác với lông thú khiến thổ dân bắt đầu biến cải.
Trong khi đó cha Francois de Laval viết "Mendements et lettres pastorales" và Monseigneur de St Valier cũng viết"Ordonnances et lettres pastorales" nhằm mang lại tôn giáo mới cho dân đất này.

Mặt khác các bệnh viện được giáo hội mở Quebec và Montreal cùng mang tên Hotel de Dieu. Bà Jeanne Mance phụ trách tại Montreal. Các trường học cũng mở và Margueritte Bourgeoys phụ trách. Cha Laval mở Seminaire du Quebec
Các bà Mère de Ste Ignate viết về ‘ Histoire de l’Hotel Dieu.

Giai đoạn này nhằm khai hoá thổ dân và Văn hoá gồm Bệnh viện và vài cuộc tham khảo tính tình thổ dân và mong nhờ tín ngưỡng giáo dục và y tế mong họ đổi nếp sống lưu động qua nếp sống tập trung.
Tuy nhiên tài chính vẫn do các thương gia nắm giữ.

Vương quyền và các qúy tộc 1663 - 1760.

Tới 1663 thấy cần có một cơ sở lớn hơn các thương gia bắt đầu qua giai đoạn buôn quan bán chức. Họ bán chức quyền cho một số dân Pháp muốn có chức phận hàm với một giá cao và sau đó cấp đất cho các vị này khai thác và mang tên hầu tước hay bá tước và khai thác các khoảng đất tới nay còn vô chủ. Các vương hầu này còn nhận lương bổng của thương gia. Có tới 300 chức quyền mới và các dân cũ trở thành người làm thuê và phải khai thác da thú xa hơn. Danh từ Coureur de bois bắt đầu xuất hiện và nhiều người này lập gia đình với thổ dân và số người lai bắt đầu hiện diện.
Trong thời gian này không thấy tài liệu văn chương nào và là giai đoạn nhiễu nhương, học đòi thói trưởng giả và bắt đầu bị chiến tranh đe dọa.

Văn hoá dưới thời thuộc Anh quốc 1763 - 1867

Sau khi thua trận, Nouvelle France rơi vào tay người Anh và ban đầu người thua cuộc bị chèn ép. Bắt bỏ tiếng Pháp, bỏ đạo Thiên chúa và hội nhập vào Anh quốc hoàn toàn nhưng vì từ thời gian trước ngưới gốc Pháp ít học nên không có một bản văn nào chứng tỏ nét phản kháng. Nhưng hành động không tuân lệnh xảy ra và vì muốn an dân Tuớng Carlton đã xin ban hành Acte de Quebec trả lại quyền tín ngưỡng và quyền sử dụng tiếng Pháp cho dân Nouvelle France cũ nay trở thành Quebec.

Thế nhưng văn hoá gốc Pháp chưa trở lại vì nhóm thuộc địa Anh tại Mỹ xâm lấn và ở lại một phần tại Quebec và ảnh hưởng của nhóm loyaliste cũng không nhỏ.

Xã hội Quebec lại biến chuyển qua các cuộc tranh đấu, nổi dậy đòi quyền bảo vệ tiếng nói và tín ngưỡng. Papineau với những bài diễn văn trên Lập pháp Saint Laurent đã nói lên tinh thần tranh đấu và sau đó lãnh đạo cuộc nổi dậy tuy không thành nhưng thức tỉnh dân Quebec.
Thời gian này đã thấy một số tác phẩm văn chương ra đời;
Philippe Aubert de Gaspe cho ra cuốn "L’influence d’un livre"
Hector Bertholet viết "Mystères de Montreal" tả cảnh sa đọa của thành phố trái ngược với những lời của cha Casgrain khuyên các văn sĩ nên viết về giá trị, đạo đức

Trước ý đồ khuyên dân bỏ thôn quê ra thành thị nhằm bỏ các giá trị của nông thôn để trở về thành thị khiến tư tưởng của Durham một lần nữa muốn đồng hoá dân gốc Pháp cấm dùng tiếng Pháp và triệt bỏ Thiên chúa giáo lần này đã có các văn sĩ mà đầu đàn là Philippe Lacombe đã viết « La terre paternelle » theo đường hướng Roman de terroir ca tụng nông thôn, khuyên đừng đổ vào thành thị đang kỹ nghệ hoá và chuyển ngữ Anh đang thông dụng. Và ý định của Durham không thành nên sau cùng bản Hiến pháp 1867 ra đời và Quebec có một chỗ đứng mới.

Thời trở lại tỉnh bang Quebec trong liên bang Canada. 

Tới 1867 khi hiên pháp Canada ra đời, tỉnh bang Quebec bắt đầu trở lại một khuôn mặt mới và văn hoá lúc này đã ấn tượng hơn.
Các tư tưởng về tự chủ đã rõ qua các tư tưởng không khác nhau như;.
Henri Bourrassa mong muốn Canada độc lập về chính trị và Anh không nên can thiệp vào nội bộ Canada và mong muốn người gốc Pháp và gốc Anh cùng chung sống hoà đồng 
Lionel Groux cho rằng:
Gia đình là nền tảng học vấn.
Thiên chúa giáo bảo vệ niềm tin.
Canh nông là căn bản kinh tế Quebec.

Honoré Mercier muốn Liên bang hoàn toàn không gây ảnh hưởng trên mọi lãnh vực của Quebec.
Tất cả các tư tưởng được bàn cãi rộng lớn trong toàn quốc. 

Tuy nhiên chỉ thực sự tham gia đệ nhất thế chiến rồi du nhập nếp sống phồn hoa hậu chiến tiếp theo cuộc suy thoái kinh tế năm 1929, rôi sau đó lại trải qua thế chiến thứ hai, nhưng lần này nhờ kinh nghiệm trước, chính phủ Liên bang trung ương đã phân quyền và áp dụng các biện pháp cung ứng cho dân nhiều quyền lợi cần thiết như y tế , trợ cấp xã hội, v/v

Tuy trải qua thời gian 14 năm đen tối do Duplessis và giáo hội đè nén nhưng sau cùng qua cuộc Cách mạng thầm lặng do Jean Lesage chủ trương Quebec đã ra thoát tình trạng thiếu tiến bộ và Văn chương, Âm nhạc, Kịch nghệ ngày nay vô cùng phát triển.

Theo thời gian về văn chương phải kể từ đầu thế kỷ thứ XX:

Nữ sĩ Francoise Gaudet Smet viết nhiều về đời sống phụ nữ nông thôn Gabielle Roy từ Manitoba qua đóng góp
Felix Leclerc Văn sĩ và Nhạc sĩ khuynh hướng đòi chủ quyền cho Quebec.
Gille Vigneault viết bài và nhạc ủng hộ chủ quyền Quebec.
Alice Parizeau vợ Jacques Parizeau gốc Ba lan viết về đời sống dưới thời Hitler. Bài nổi danh nhất là: Les lilas fleurissent à Varsovie,
Nelly Arcan tương tự như Bùi Giáng của Việt Nam viết về Influence de l’image sur les femmes và La peur pour le vieillissement.
Artelle Couture viết về La fille de Calef. 
Marie Laberge văn giản dị viết kịch và nổi tiếng qua L’homme gris và Le Faucon. 
Denise Bombardier viết bình luận và phê bình.
Mordelcai Richter viết rất độc đáo về "Sur les petits finaciers juifs du quartier" 
Guy Fournier đạo diễn điện ảnh.
Lise Payette nữ sĩ nổi tiếng trong đảng Parti quebecois và qua chương trình Appelez moi Lise.
Rene Bourgault cây viết quan trọng trong việc đòi tự chủ cho Quebec.
Gerald Godin thi sĩ và văn sĩ khuynh hường tự chủ Quebec.

Lãnh vực Âm nhạc 



Kể ra không thiếu vì tài năng quá đông chỉ xin kể một vài danh ca như sau. 
Celine Dion đã mang về cho Quebec danh tiếng và tiền tài cho cá nhân. Trình dỉễn 1200 lần trong 15 năm và thu nhập tới 800 triệu, ca sĩ sinh năm 1968 tại thị trấn nhỏ bé Charlemagne đã tạo nên lịch sử. Đàn chị của tài năng này tại Quebec còn có Ginette Reno cũng không kém nổi tiếng rồi Diane Dufresne rồi Michele Richard, Marjo, Martine St Clair, và nay Marie Mai Bouchard đang nổi danh.

Nam nghệ sĩ cũng không thiếu:
Jean Pierre Ferland, Mario Pelchat , Roch Voisine, Gilles Vigneault, Daniel Lavoie,Michel Rivard, Robert Charlebois, René Simard, Felix Leclerc, Dan Bigras luôn luôn có mặt trong các cuộc đại hội và lễ lớn.
Thực ra còn rất nhiều và người gốc Việt cũng đóng góp vào kho tàng văn hoá Quebec. Michèle Viroly, Céline Galipeau, Kim Thúy, tác giả cuốn tiểu thuyết  "RU” cũng được dân Quebec chú ý.
Gregory Charles và Normand Brachwaite gốc Trinidate cũng giữ nhiều vai trò trong nghệ thuật âm nhạc Quebec.

(Céline Galipeau - Gốc Việt)
Tạm Kết

Ngày nay vào thời đại kỹ thuật mới các tư tưởng đòi hoàn toàn độc lập không còn cần thiết. Đảng Parti Quebecois do René Levesque nắm quyền lần đầu trong 9 năm và sau đó có lúc được Parizeau, Bouchard, Landry. Marois thay nhau làm Thủ tướng Quebec, nay gần như tan rã với 9 ghế trong Quốc hội Quebec và đảng Liberal do Robert Bourrasa nhằm chống trả Parti Quebecois nay cũng không còn đông đảng viên và xã hội Quebec hình như đang đi vào thực tế mong muốn kinh tế phồn thịnh và tôn giáo hoà đồng và đa văn hoá nhưng rất tiếc chính phủ Francois Legault của đảng Coalition amelioration du Quebec còn vài phần tử quá đam mê trong việc hủy bỏ huy hiệu tôn giáo trong ngành y tế, giáo dục và tư pháp khiến cảm tưởng kỳ thị có phần ló rạng.

Ước mong vài nhận định vừa viết về các diễn tiến của văn hóa Quebec đáp ứng được vài ý muốn của các bạn. 

Từ Uyên