Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Bó Hoa Trắng Ngày Em Đi, Giản Dị


Bạn thân ơi, sáng nay nghĩ đến anh
Từng ngày qua, từng ngày qua rất nhanh
Nghĩ đến vô thường, nghĩ đến ngày nằm xuống
Nước mắt rơi nhưng tim em không lạnh

Thấy ấm nồng, đời đẹp lắm mầu xanh
Cảm ơn anh và bó hoa gửi tặng
Hoa hồng nhung tuần lễ cuối tháng Mười
Anh dễ thương và luôn nghĩ đến em
Bảo sao em không thỉnh thoảng mỉm cười

Luôn ước mình sẽ là người đi trước…
Vẫn mong anh đừng quá đỗi muộn phiền
Đời sống này ngắn ngủi, lắm phước duyên
Ta hãy sống từng phút giây hạnh phúc
Để đến lúc phải đi mình chúc phúc
Mừng cho nhau thoát khỏi kiếp hiện tiền

Em mất đi… đừng đau buồn anh nhé
Đừng đọc thơ rồi nhung nhớ muộn phiền
Đừng nhìn hình, đừng khóc, nhớ thương em!
Bó hoa trắng bỏ vào bình, giản dị

Em ra đi, chẳng cần ai đưa tiễn
Bó hoa trắng cắm vào bình cho tiện
Nếu thương tiếc, chỉ nửa giờ là đủ
Đừng kéo dài sầu khổ, nhớ nha anh

Lời trăn trối: chỉ mong anh vui mạnh
Em ra đi tâm an ổn, nghiệp lành
Ngủ một giấc thật bình an miên viễn!

Quách Như Nguyệt
Oct. 24th, 2014

Thú Đi Gác Cu

Tản mạn về thú vui đồng quê:


      Ai đã từng sống qua thời niên thiếu ở đồng quê mà không nhớ những kỷ niệm thời ấu thơ như: thả diều, bắt dế, đá gà, tắm sông, câu cá..v...v.? Với tôi, ngoài những thú vui vừa kể trên còn một thú vui độc đáo nữa mà tôi không bao giờ quên được, đó là thú :ĐI GÁC CU. Thú vui này "duyên nợ" với tôi nhiều lắm mà hôm nay tôi có thể ngồi nhớ lại vanh vách để viết thành hồi ký nho nhỏ này
      Câu chuyện như sau: nåm 13 tuổi học lớp nhứt trường làng, tôi vẫn thắc mắc câu tục ngữ này hoài mà không dám hỏi Thầy đang dạy mình:

Trên đời có bốn cái ngu:
Làm mai, lảnh nợ, gác cu, cầm chầu ..


      Ba cái ngu kia còn có thể hiểu được, còn cái ngu thứ ba là gác cu thì đành chịu thua . Bỗng một chiều kia khi đi học về tôi sực nhớ trong làng có Ông Ba Tàng mà ai cũng cho là người giỏi chữ nho và hiểu rộng nên tất cả dân trong làng đều kính nể,nhờ ông xem ngày lành tháng tôt để cất nhà, làm đám cuới hay chôn cất, ma chay v…v….…Hơn nữa tôi lại biết ông quen thân với Cha tôi , nên liền đánh bạo đến nhờ Ông giải thích hai câu này. Sau khi tôi hỏi, Ông vò đầu tôi mà nói rằng : "dễ quá mà cháu không hiểu sao ? Vì gác cu vất vả lắm mà hễ bắt được bao nhiêu thì người ta lấy hết chỉ chia phần cho mình một con là cùng. Suốt cả ngày nằm bờ núp bụi chỉ được hưởng chừng ấy, không phải ngu thì còn gì nữa ?
Tôi không thoả mãn lắm với lời giải thích này vì nhớ lại chú Tư Sữu ở xóm trên mỗi lần đi gác cu về ngang nhà, bắt được một con là cùng, chớ đâu có nhiều như ông Ba Tàng nói. À tại sao mình không trực tiếp hỏi thẳng chú Tư Sữu là người chơi cu và gác cu hạng chuyên nghiệp, nhà nghề mà ai cũng biết , có đúng chỗ hơn không ?
Cu Ngói
      Chiều hôm sau tôi lại nhà Chú Tư hỏi, thì được Chú giải thích rõ ràng như sau: người viết câu tục ngữ này không phải là dân sành điệu chơi cu nên nói trật lất, chơi cu khôn lắm chớ đâu có ngu. Còn Ông Ba Tàng giải thích cũng không đúng vì gác cu chớ đâu phải bẩy cu bằng lưới chụp mà bắt được nhiều con mỗi lần. Chú nói tiếp:gác cu là gác cái lục trên cây hòng bắt cu Đất hay cu Cườm sống riêng rẻ từng cặp. Còn bẩy cu là giăng lưới dưới đất để chụp Cu Ngói ăn từng bầy.
      Cháu cũng nên phân biệt hai loại cu khác hẳn nhau: gọi là cu Ngói vì có sắc lông phơn phớt đỏ giống như màu ngói lợp nhà; gọi là cu Ðất vì có sắc lông xam xám như màu đất. Cu trống Ðất có lông lốm đốm quanh cổ giống như vòng hạt cườm nên còn gọi là cu Cườm. Cu này quí nhứt vì tiếng gáy rất hay và bộ lông rất đẹp nghiã là thinh sắc đều vẹn toàn ! Cu ngói chỉ biết gù na ná như chim bồ câu gù : cu cù cu ! cu cù cu ! thế thôi chớ không thể gáy trầm bổng và ngân dài hơi như cu Cườm : Cục.. cú ...cu…. cu ! cu ! cu ! Vì tiếng cu Ngói gù giống hệt tiếng "cưa không được …cưa không được! " nên có người cho tiền kiếp nó là người thợ mộc cưa cây nay đào thai lên làm cu Ngói chớ gì!

      Cu có tiếng gáy lớn và trầm thì gọi là cu giọng sấm, còn thanh và cao vút gọi là cu giọng chuông. Nếu chấm dứt tiếng gáy bằng hai tiếng kéo dài cu…cu thì gọi là chầu đôi,
bằng ba tiếng kéo dài cu…cu….cu gọi là chầu ba. Tức nhiên chầu ba phải quí hơn chầu đôi vi hiếm có và tiếng gáy nghe hay hơn nhiều.
      Thấy tôi chăm chú lắng tai nghe, như được gải đúng chỗ ngứa, chú Tư liền cao hứng chỉ tôi mấy lồng cu treo lủng lẳng dưới nóc hiên nhà và say sưa nói tiếp: mấy con kia là cu rừng mới bắt về chưa được thuần hóa gọi là Cu Bổi còn riêng con này đã được thuần hóa, tập luyện và hay số một của chú dùng để làm mồi bắt cu rừng nên gọi là Cu Mồi . Nói xong chú hướng về cu mồi đoạn chúm hai đầu ngón tay giữa và ngón tay cái búng nghe bóc bóc và gật đầu lên gật đầu xuống nhái tiếng cu gáy . Cu mồi liền nổi hứng xù lông cườm lên và gật đầu lên xuống gáy liên hồi . Nó gáy một cách say sưa, hứng thú chẳng khác nào nghệ sĩ hát trên sân khấu làm tôi cũng phát mê luôn .Sau này lớn lên mỗi khi về quê cũ tôi không thích âm thanh nào hơn tiếng cu Đất gáy : nó âm vang trong hồn mình tất cả tiếng xa xưa của tuổi thơ, tiếng gọi của đồng quê, ruộng rẫy Nó còn gợi nhớ nhiều hơn cả tiếng chuông chùa , tiếng chim tu hú hay tiếng bìm bịp kêu nước lớn .
      Tưởng cũng nên nhắc: tất cả những người chơi cu trong vùng đều mặc nhiên coi chú Tư như “sư phụ” trong thú vui này .Thật đúng vậy ! Chú Tư đã sành chơi cu từ thuở còn bé với cha mình nên quá nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về cu . Để đánh giá trị hay dở của Cu chú cho biết như sau : cu qúi là cu “ dầu nhỏ, mỏ đinh, mình băp chuối “ còn qúi hơn nữa là “ Cu đầu nhỏ, mỏ diều hiu hiu tự đắc “ loại cu này sừng sỏ, gan lì như một hiệp sĩ, một samourai kiên cường, vô địch.

Cu Cườm
      Cu cườm luôn có bộ ức tức là bộ ngực chim thật to để khỏe gáy, nên chàng trai nào trong làng có bộ ngực to được gọi là anh chàng ức cu!
      Không như các loài chim khác mỗi khi đậu trên cành thường nhảy nhót, xê dịch, cu Đất chỉ đứng yên một chỗ giống như một thiền sư đang nhập định. Khi nào cao hứng gáy lên để lâm trận đá nhau thì vênh váo như một võ sĩ thượng đài . Vì cu không xê dịch nhiều nên lồng cu luôn nhỏ hẹp hơn lồng các loai chim khác, thường làm bằng nan tre uốn cong lại thành hình trái bí đỏ đường kính của lồng cu khoảng hai gang tay trở lại mà thôi . Với những tay chơi có của thì lồng làm bằng gỗ quí, chạm trỗ tinh vi. Chum đựng nước va đựng thóc thi bằng đồ sứ Trung Hoa rất đắc tiền.
      Những cu quí thì vô giá, nhiều khi mua cả lương vàng cũng không bán. Thấy tôi thích cu, chúTư hẹn hôm nào sẽ cho tôi đi gác cu với chú một phen cho biết.

      Quê tôi là làng Vĩnh Lợi hay Chợ Giồng,quận Hoà Ðồng tỉnh Gòcông, sau năm 1975 được đổi tên là huyên Gòcông Tây tỉnh Mỹ Tho Tiền Giang . Phiá Ðông là đồng ruộng mênh mông giáp ranh với các làng Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trị, Đồng Sơn...Phiá Tây , san sát những vườn dừa và những loại cây ăn trái khác, giáp ranh với các làng Vĩnh Hựu, Thạnh Nhựt, Hòa Bình. ... Cu xuất hiện nhiều nhất khi muà gặt lúa Thu Ðông vừa xong, vào thời gian gần Tết . Lúc bấy giờ các cánh đông chỉ còn trơ cuống rạ, rải rác những hạt lúa còn sót lại đó đây sau mùa gặt, tha hồ cho cu đáp xuống kiếm ăn. Có lẽ vì vậy có câu ca dao này chång:

Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mau mau tới Tết dựng nêu ån chè.

      Sau đó không bao lâu, tôi được chú Tư gọi theo Chú gác cu, tôi mừng thôi hết lớn. Chúng tôi lên đường thật sớm lúc trời lờ mờ sáng và còn đầy sương .Chú giao tôi xách một giỏ nhỏ đưng cơm vắt, một gói đựng mớ tép rang mặn làm thức ăn trưa và một bình nước uống . Còn Chú thì vai mặt gánh một cây sào dài treo lung lẳng ở đầu sào là một cái lồng bẩỵ. Tay trái Chú xách một lồng cu mồi được phủ kín vải chung quanh cho cu khỏi dao đông lúc đi đường. Lồng bẩy nhỏ như lồng cu thường nhưng được ngụy trang bằng lá xanh phủ kín mít phải chăng vì vậy lồng bẩy có cái tên là Cái Lục do màu xanh lá cây chăng? Bên ngoài lục, có một vòng sắt bọc lưới với hai tác dụng vừa bảo vệ cu mồi bên trong vừa làm bẩy chụp bắt cu rừng , hễ chạm nhẹ lên thành bẩy thì lưới chụp xuống ngay.
      Từ làng chúng tôi đến chỗ gác cu là Miễu Bà Nháp thuộc điạ phận làng Vĩnh Viễn chừng non bốn cây số. Nơi này là một vùng cây cối rậm rạp có những cây trâm bầu chen chúc với những bụi gai chùm lé và vài cây me thật cao . Toàn khu miễu nằm giữa vùng đồng lúa bao la giống như một ốc đảo nhỏ giữa sa mạc . Ðặc biệt là nơi này rất âm u ,vắng vẻ ít bóng người lai vảng, rất thuận tiện cho Cu rừng làm tổ và sinh sống.

      Thường thường loài cu sống một vùng nhất định như có phân vùng hẳn hoi mỗi con làm chuá tể một vùng riêng biệt nhu một lảnh chúa·. Nếu có cu lạ nào xâm phạm lảnh thổ mình thì "lảnh chúa " sẵn sàng tấn công ngay, giống như mỗi gà trống làm chúa sân chuồng của mình . Tiếng cu gáy dường như có hai tác dụng : một là để tán tỉnh cu mái , hai là để thị uy với cu trống tình địch khác. Cu đầu đàn thường to lớn, khỏe mạnh gáy hay và hiếu chiến . Ít khi người đi gác cu bạ đâu gác đó mà phải điều tra, săn lùng trước cu mình muốn bắt, phải là cu hay mới khỏi uổng công lặn lội. Lắm khi tốn công cả năm trường mà cũng chưa bắt được, nhất là Cu nào đã có lần vuột bẩy thì về sau càng khó bắt hơn
      Khi tới nơi, chú Tư bỏ cu mồi vào lục rồi dùng sào gác lên cây me thật cao . Sau đó chúng tôi tìm khóm trâm bầu có tàn lớn rậm rạp ẩn núp. Lâu lâu chú làm hiệu cho cu mồi gáy dụ địch . Nơi này quả thật thanh vắng chỉ nghe tiếng lá rì rào trong gió, tiếng chim ríu rít trên cành, giây lát tiếng cu mồi gáy lên làm vang động cả bầu không khí tĩnh mịch . Mặt trời đã chênh chếch về phiá Tây rồi mà chưa thấy bóng cu rừng đến. Bỗng chú Tư chỉ tay về phiá xa và nói thật khẽ: xem kià! Thì ra từ đâu cặp vợ chồng cu rừng bay về đáp xuống ngọn cây so đuả cách cây me treo bẩy chừng hai trăm thước . Chú làm hiệu giục cu mồi gáy hăng lên. Khoảng chừng năm phút sau Cu rừng phát gáy lên đáp lạị Sau đó hai bên tranh nhau gáy rân, gáy dồn dập, gáy liên hồi!
      Bên này như thách thức: có ta đến đây ai mà dám cản ngăn chớ?
      Bên kia như thị uy: sức mấy mà dám ngang nhiên xâm chiếm lảnh thổ ta? 

      Dù sao cu mồi cũng được huấn luyện thuần thục nên rất bản lỉnh, gan lì không nao núng chút nào trước kẻ lạ mặt muốn áp đảo tinh thần mình ! Có nhiều cu mồi "yếu bóng vía", trước đối phương hung hăng đâm ra khiếp sợ nín khe luôn, như vậy gọi là Cu Thụt giống như gà rót,thụt lùi cúp đuôi chạy mặt kẻ thù .
      Không dằn lòng được nữa rồi "chàng dũng sỉ rừng xanh" kia liền vỗ cánh bay sang cây me, để xem kẻ nào ngang ngược như vậy . Lúc này mặt chú Tư sáng rỡ ra , còn tim tôi đập nhanh lên : hồi họp ! khoái trá ! đợi chờ ! Đây là phút hào hứng nhứt mà người gác cu nào cũng say sưa theo dõi cuộc giao chiến sắp mở màn giữ hai địch thủ !
      Lập tức hai bên ngưng gáy rồi xù lông, ngốc mỏ gù lên ráo riết (gọi là cu bo) như thách nhau: cãi lộn làm gì vô ích, có giỏi thì nhào vô, biết tay ta ! Cu rừng nhảy qua, nhảy lại trước bẩy một hồi. Đột nhiên giang thẳng chân, thẳng cánh đá tung vào bẩy . Lưới bẩy sập xuống nghe cái bộp ! Thế là anh hùng sa lưới, vô phương vùng vẫy ! Chúng tôi từ trong bụi cây phóng ra mừng như được vàng và lấy sào hạ lục xuống . Thật không uổng công chút nào vì chàng cu rừng này không những có giọng sấm rất hay như đã nghe, to con, đẹp mã nữa mà chú Tư đã rình rập, mong đợi từ lâu rồi. Người chơi cu quả là một nghệ sĩ đi tìm cái hay trong tiếng gáy , cái đẹp trong hình dáng, sắc lông cuả loài chim qúi này . Hơn nữa thú vui này rất lành mạnh, tao nhã không sát sanh, hại vât như thú câu cá, bắn chim, đá gà…..

      Lúc chúng tôi ra về, mặt trời chiều sắp lặn sau rặng dừa cuối xóm xa để lại khung trời Tây đỏ ối mà bọn trẻ chúng tôi thường bảo nhau rằng đó là Ông Trời đang thổi lửa nấu cơm chiều .Dù qua một ngày lặn lội tuôn bờ, núp bụi nhưng tôi không thấy mệt mỏi chút nào cả. Ngoài vui mừng bắt được cu, tôi còn dịp hiểu được thú gác cu có ngu hay không để giải tỏa thắc mắc từ trước nay. Bây giờ tôi mới hiểu rằng nếu đi gác mà không bắt được cu chăng nữa, nghệ nhân vẫn thích thú như thường Vui trong cái thú đi gác cũng đủ rồi, giống như người đi câu đôi khi bắt được cá rồi gở ra thả lại xuống sông bởi vì vui trong cái thú đi câu hơn là thú bắt được cá . Tôi cũng nghĩ : giống như những thú vui khác của tuổi trẻ ở đồng quê, thú gác cu còn tạo ra dịp để tuổi trẻ gần gũi với thiên nhiên, muông thú, vạn vật trên mảnh đất mình sanh ra và lớn lên theo năm tháng hầu thấm nhuần dần tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc…..!

Ai bảo gác cu là ngu ?
Gác cu khôn lắm chứ !


Quang Tuấn

Chuyện Tinh Buồn - Phạm Duy - Quốc Khanh

      Câu chuyện tình này buồn thật,vì hai người trong một xóm đạo yêu nhau đã từng có chúa chừng giám những lời thề thốt của họ,thế mà vì cuộc sống chàng trai ra đi chưa kip quay về cùng người yêu thì cô gái đã đi lấy chồng.
      Nhưng mãi năm năm sau vào một buổi chiều hắt hiu xóm đạo,nghe tiếng chuông giáo đường vang lẵng lẽ tìm về chốn cũ biết tin cô gái đã đi lấy chồng ,chàng trai vẫn yêu dù bây giờ em đã trở thanh góa phụ bên sông và . . .đã tay bế tay bồng . . không biết khi sáng tác bài hát này nhạc sĩ Phạm Duy có cho họ sum hop hay không.
      Tôi nghĩ chắc là không vì nếu như vậy thì chuyện tình đâu có buồn phải không các bạn..Nhưng với tình trạng chàng trai thì trở về chưa vợ còn nàng thì đã góa bụa cũng chưa biết chuyện gì xảy ra. ..


Sáng Tác: Phạm Duy
Tiếng Hát: Quốc Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cung Đường Lặng


Tôi như say trong sương mù mờ ảo
Lần bước gập ghềnh sáng tối miên man
Gió nhẹ thổi xua mặt trời trốn biệt 
Mây lang thang bay lượn ngập cung đường

Sợi tình chợt rơi rơi theo gió thoảng
Thật dễ thương và ôm gọn vần thơ
Nước sông Tương tuôn dòng cuồn cuộn chảy
Khúc nhạc thần tiên chợt xuống hồng trần

Đứng lặng lẽ ngắm nhìn ngàn tinh tú
Mà tâm tư dìu dịu sóng âm thanh
Nghe sương ru như tiếng gọi xa xăm
Tôi bước nhẹ vào giấc mơ huyền thoại

Gởi cho thơ bao nỗi niềm hoài vọng
Ngọn gió mềm theo tia sáng tình mơ
Mang hồn ai qua điệu nhạc bổng trầm
Con sóng nhỏ lăn tăn hòa nhịp thở

Người là ngọn thủy triều theo trăng lên xuống
Là tiếng sáo ru êm trong vũ trụ vô biên
Tôi lang thang giữa thế giới vô thường
Bỗng lạc bước miền địa đàng miên viễn.

Đông An
Saigon, ngày 6 tháng 10 năm 2014 

Quên và Nhớ


        (Từ Cung Đường Lặng của Đông An)

Những lúc cố quên là âm thầm nhớ
Còn thương nhớ lại quên mãi trong lòng
Cũng như khóc lúc tình trường bỡ ngỡ
Còn nụ cười là buồn tủi mênh mông.

Kỷ niệm hôm nào chung trường nhịp bước
Cùng ra về say khước nắng ban trưa
Một con đường hai lối đi ngày trước
Ta bên nầy người ướt át trong mưa.

Tình chưa lên men - đành chia đôi ngả
Khép kín đau thương lấp những ngậm ngùi
Dù chạm mặt, không chắc gì xa lạ
Phải gật đầu. Chào hỏi để làm vui?

Chiều bên bến sông mắt nhìn thăm thẩm
Suy tư vô tình nghiền ngẫm cuộc đời
Chắc nhà người bến nước chiều nay ấm
Chỉ mình tôi - ngồi đếm lá Thu rơi!

Quên và nhớ lúc lòng đầy lãng mạn
Chôn kín niềm riêng ảo ảnh tình nầy
Chắc bên trời - không có ai cô quạnh
Chỉ mình tôi - hứng gió lạnh đầy tay!

Dương hồng Thủy
(12/10/2014)

Cổ Thi : Đề Trấn Vũ Miếu


題鎮武廟              Đề Trấn Vũ Miếu

惜遊無計復登樓 Tích du vô kế phục đăng lâu,
斜倚欗杆望碧流 Tà ỷ lan can vọng bích lưu. .
君亦多情到煙水 Quân diệc đa tình đáo yên thuỷ
我猶遺恨滿汀洲 Ngã do di hận mãn đinh châu
日斜天地雙蓬鬢 Nhật tà thiên địa song bồng mấn
春凈江湖一白鷗 Xuân tĩnh giang hồ nhất bạch âu
遙想當年行樂處 Dao tưởng đương niên hành lạc xứ
殘花猶自故宮頭 Tàn hoa do tự cố cung đầu.

高伯适                 Cao Bá Quát
***
Dịch Nghĩa: 
Miễu Trấn Vũ Đề Thơ

Không thể dạo chơi được thật là tiếc đành quay lên lầu
Nghiêng người dựa vào lan can nhìn dòng nước xanh
Với khách nhiều tình cảm thì đến vùng khói nước
Còn riêng ta mang oán hận phủ đầy doi đất
Giữa đất trời, ánh nắng nghiêng soi hai bên tóc mai phai rối
Trên sông hồ, mùa xuân về yên lặng chỉ có một con chim âu trắng
Giờ này sao lại tưởng đến thú vui nơi chốn xa kia
Bao cánh hoa phải chịu phai tàn cũng bắt nguồn từ cung điện xưa cũ đó.

Dịch Thơ:
Miễu Trấn Vũ Đề Thơ

Chẳng thể dạo chơi trở lại lầu
Lan can tựa ngắm nước xanh màu
Đa tình mây nước nhiều mơ mộng
Hờn oán bãi doi nặng gánh sầu
Chiều nắng xế nghiêng trơ mái tóc
Hồ xuân lặng lẽ đón chim âu
Nay còn tưởng đến miền vui thú
Điện cũ hoa từng đổ giọt châu.

Quên Đi

***
Miễu Trấn Vũ Đề Thơ

Bước lên lầu, dạo xa khó được 
Bên lan can mắt ngước nhìn dòng 
Đa tình khách ngắm khói sông 
Riêng ta sầu chất mênh mông bãi dài 
Đất trời chiều nhuộm phai làn tóc 
Trên sông xuân cô độc cánh âu
Vui xưa hồi tưởng hằng lâu 
Hoa tàn cung cũ nghe đau đớn lòng

Mailoc phỏng dịch
10 – 16 -14
***
Đề Thơ Ở Trấn Vũ Miếu


Dừng chân dạo bước, trở lên lầu
Đứng tựa lan can ngắm trước sau
Mặc kẻ say sưa nhìn khói sóng
Riêng ta phiền muộn ngó bờ dâu
Đất trời nắng nhuộm phai màu tóc
Sông nước xuân về lẻ bóng âu
Chạnh xót phận người cung nữ cũ
Hoa tàn trong điện ngọc cung lầu.

Phương Hà
( 17/10/2014 )
***

Miễu Trấn Vũ Đề Thơ


Tiếc quá làm sao dạo bước chơi
Tựa lan can ngắm nước dòng trôi
Khách đa tình cảm hòa mây khói
Ta nặng lòng sầu ngập bãi doi
Sợi tóc bạc màu bay lạc lỏng
Chim âu lẽ bạn đậu đơn côi
Thú vui nào để vào tâm tưởng
Cung điện pha nhiều máu lệ rơi.

Nguyễn Đắc Thắng


Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Mưa Đêm


(Tặng Hoa Đăng)

Mưa đêm gieo xuống giọt buồn

Rơi trên mái lá chảy luồn qua hiên
Tí tách đùn đẩy ngả nghiêng
Linh hồn giá buốt vào miền đắng cay
Bóng đen là nỗi đọa đày
Nhẫn tâm đeo đuổi miệt mài đời tôi.

Anh Tú
October 16, 2014

Họa Thu Sơn Thủy & Về Đâu Hỡi Vầng Minh Nguyệt - Thơ Khúc Giang- Hương Nam Diễn Ngâm


Thơ: Khúc Giang
Diễn ngâm: Hương Nam 


Quê Hương Mùa Nước Nổi



Nhớ lại ngày xa mùa nước nổi
Sông Tiền tím bãi lục bình trôi
Xuồng ghe xuôi ngược ngày mưa nắng
Nước vượt ven bờ khỏa khắp nơi

Ngư dân sống dọc bờ sông Cửu
Những tháng được mùa đón cá linh
Nửa bán, nửa mang về ủ mắm
Còn tươi chế biến món quê tình

Nhớ lại miền quê mùa nước nổi
Ruộng vườn lênh láng nước phù sa
Vô tư trẻ nhỏ vui hò hẹn
Bắt cá, chuột đồng ... giúp mẹ cha

Nhớ lại quê tôi mùa nước nổi
Thương người nghèo khó sống lầm than
Nhà xiêu, mái dột ngày mưa lũ
Sông nước tràn dâng ngập xóm làng

Nhớ lại quê hương mùa nước nổi
Hàng cây điên điển nở đầy hoa
Sen hồng, súng tím.... ngầm ươm nụ
Đồng gió lao xao đợi đổi mùa!

Yên Dạ Thảo

Một Nửa Yêu Em


Xa em dăm phút đồng hồ
Lòng sao kỳ lạ ô hô khác thường
Dường như một nửa đã thương
Nửa kia chưa biết có thường lưu tâm

Đêm về một nửa lặng câm
Còn đâu nửa ấy trăng rằm có nhau
Hồn khuya gợi nhớ hôm nào
Một mình tỉnh giấc đi vào đi ra

Sợi tình một nửa thiết tha
Nửa kia có biết ấy là nửa tôi
Nửa hồn một mãi nổi trôi
Nửa ngơ nửa ngẩn nửa côi nửa buồn

Mộng rằng một nửa tình suông
Nửa tình nửa ấy nửa buông nửa vờ
Nửa này vẫn mãi làm thơ
Tình say tôi nữa thẩn thờ đắm say.

Việt Hải , Los Angeles


Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Mộng Tàn Thu - Thơ Lê Kim Hiệp - Hương Nam Diễn Ngâm


 

Thơ: Lê Kim Hiệp
Diễn Ngâm: Hương Nam

Em Có Đi Rồi


Em có đi rồi,
Sao chiều nay anh vẫn đợi?
Nghe lòng buồn như thế kỷ ngừng trôi.
Em có đi rồi,
Mang trọn cả xa xôi,
Bỏ hiện tại với ngày mai anh nức nở.
Em có đi rồi,
Chừng như hoàng hôn đã vỡ,
Nghe màu chiều về lịm kín hồn anh.
Em có đi rồi,
Mang trọn cả xuân xanh,
Để héo hắt nụ yêu đà kết lộc.

Em có đi rồi,
Ôi! Cuồng điên bão lốc
Cuốn phăng đi từng mảnh sống đời anh.
Em có đi rồi,
Nhịp thở quá mong manh,
Đếm bước thời gian dần về hỏa ngục
Em có đi rồi,
Anh ngậm ngùi đơn độc,
Nghĩa trang buồn nằm đó ngắm trăng khơi.
Em có đi rồi,
Ngày tháng quá chơi vơi,
Em đã giết anh rồi, em có biết?

Mùa Đông 1995
Mặc Thái Thủy

Quê Huơng Vào Mùa Nước Nổi


Nhà ngoại nằm cạnh dòng sông
Ngày thường nước lớn rồi ròng bình yên
Sợ con nước nổi rong phiền
Hôm qua nước ngập khuôn viên vườn trầu
Hàng cau thương lá trầu đau
Ngoại tôi, ươm lại tình trầu yêu cau
Nghe mùa nước lũ lòng nao
Gợi bao kỷ niệm năm nào tuổi thơ ...

Phượng Trắng
Canada, 13/10/2014

Nụ Tầm Xuân Nở Ra Xanh Biếc



Trèo lên cây bưởi hái hoa, Bước ra vườn cà hái nụ tầm xuân, Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, Em lấy chồng anh tiếc lắm thay... câu ca dao với lời và ý thật nhã đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhac đóng góp vào những bản nhạc xuân. Từ ngữ "xuân " trong danh từ "nụ tầm xuân " dễ gợi cho mọi người những ý nghĩ về tuổi trẻ; những hoài niệm về thuở ấu thơ với những tưởng tượng mơ hồ về hình dáng của loài hoa: HOA TẦM XUÂN hay NỤ TẦM XUÂN NỞ RA XANH BIẾC. Nhưng, ...thật sự có thứ nụ tầm xuân nở ra xanh biếc hay không? Vì nhiều người cho rằng nụ tầm xuân chỉ là những cánh hoa hồng dại làm gì có màu xanh biếc? Để nhận ra xem có còn loài hoa tầm xuân nào mà nụ nở ra xanh biếc nữa chăng bài viết này sẽ đề cập đên những dữ kiện liên quan đến nụ tầm xuân.Trước hết như nhiều người công nhận rằng hoa tầm xuân chỉ là một chi nhánh của loài hoa mọc hoang dại trong họ hoa hồng. 
Tầm Xuân còn có những tên khác là: Thích hoa, Bạch tàn hoa, Thích mi, Ngưu cúc, Thập tỉ muội, Thất tỉ muội, Dã tường vi. Hoa co' màu trắng hay hồng; còn màu "xanh biếc" trong câu thơ thì tác giả đã túng vận nên chỉ nói cho suôn, cho hợp với vần "iếc" trong từ ngữ "tiếc" của câu sau. Chuyện túng vận đúng hay sai sẽ được đề cập ở phần sau. Và trong nhóm hoa thuộc họ nhà hồng này có những loài có tên khoa học là Rosa tunquinesis hay Rosa cymosa hay Rosa multiflora (Wikipedia) và có nguồn gốc từ Âu châu, Tây Á.Sách Và tài liệu của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ cũng như Võ Văn Chi và Lê Khả Kế chỉ cho thấy Tầm Xuân thuộc họ nhà Hồng (Rosaceae) với các loài sau: Rosa tunquinensis (Tầm Xuân Bắc hay còn gọi là Quầng quầng), Rosa cymosa (Tầm xuân-hồng choắt-hồng roi), Rosa multiflora (Tầm xuân đa hoa). Tự điển của Nguyễn Đình Hoà dịch chữ Tầm Xuân sang tiếng Anh là dogrose: hồng chó hay hồng cẩu, thật không thanh lịch lãng mạn gì hết vì tất cả các loài hoa hồng này chỉ là những loài hoa mà cành cây đầy gai góc và màu hoa thì từ trắng đến màu hường nhạt không có loài nào nở ra xanh biếc.Từ Nguyên tự điển chỉ ghi Tầm Xuân là đi tìm mùa xuân, có mấy câu thơ liên quan đến ý nghĩa của hai chữ Tầm Xuân:Tầm Xuân du thượng lộ Truy yến nhập tiên gia [ Trần Tử Ngang]hay:Ngu hành tương cấm hoa

Thập bộ tưởng tầm xuân [Mạnh Hạo Nhiên].Thi nhân của nền Văn chương Hoa Việt cũ không có nhiều cảm hứng trước loài hoa tầm xuân vì nó hiếm hoi hay vì hương sắc quá khiêm nhường trước những mẫu đơn, hải đường, hoàng mai, tịnh lan, ...nhưng dù hiếm hoi thì "nụ tầm xuân' cũng đã có tên trong nền văn chương Đai Việt. Như đã nói, tình, ý gởi gắm trong mấy câu ca dao thật yêu kiều và lãng mạn và cũng đã có một giai thoại của lịch sử về chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài và vị khai quốc công thần Đào Duy Từ ở Đàng Trong trong giai đoạn mở đầu của thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.Là một đấng thiên tài nhưng lại sinh ra từ một gia đình xướng ca họ Đào không thể tiến thân bằng con đường khoa cử nơi đất Bắc, đành phải dung thân, tìm chân chúa nơi "Đạo Hoành-sơn ". Noi theo chí lập thân của người xưa, theo cách cũ của Bách Lý Hề, Ninh Thích gõ sừng trâu mà đủng đỉnh ngâm khúc "Ngoạ Long Cương ". Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã "già " đoán anh hùng giữa chốn trần ai. Rồng mây gặp hội, Đào Duy Từ đã đem hết tài kinh luân giúp chúa Nguyễn an bang tế thế, vững bền biên thuỳ một cõi nguy nga ở phương Nam, sá gì Trịnh phủ hiếp đáp vua Lê ở Bắc Hà mà không dám đương đầu : dư bất thụ sắc!Thành tích và chiến công của Đào Duy Từ đến tai chúa Trịnh, Trịnh Tráng sai người mang lễ vật cho Đào Duy Từ với lời ân hận đã bỏ lỡ cơ hội cho cuộc tương phùng:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước ra vườn cà hái nụ tầm xuân;
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay.

Lễ vật và tình ý không chiêu dụ được Đào vì ông đã tìm ra chân chúa, ông đã trả lời Trịnh Tráng: 

 Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra!

Lời từ chối nhẹ nhàng nhưng khéo léo; Trinh Tráng lại cho người chiêu dụ một lần nữa; lần này họ Đào quyết liệt hơn:
Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.

Trinh Tráng không còn kiên nhẫn nữa; tức giận:
Có ai vể tới Đàng Trong,
Nhắn nhe Bố Đỏ liệu trông đường về;

Mãi tham lợi bỏ quê quán tổ, đất nước người dù có như không.Không biết ai là tác giả của những câu ca dao ấy, Trinh Tráng và Đào Duy Từ sáng tác hay là chỉ góp nhặt từ trong dân gian như viên đá quý trong đám sỏi đá của văn chương bình dân mà họ đã gặp trên đường đi. Cho dù tác giả là ai thì những viên đá hay những thanh kiếm bắt gặp trong án thư của vương phủ hay của một đại thần phải là một viên đá quý không có tỳ vết hay là thanh bảo kiếm không hoen rỉ. Chúa Trinh đã dùng lời lẽ trong mấy câu thơ để chiêu dụ hiền tài thì đó không thể là cau thơ của một thi sĩ túng vận. Một chút dài dòng văn tự trên đây chắc cũng đủ để nhận chân giá trị bài thơ.Tô Đông Pha chắc phải thẹn thùng nhiều lắm về chuyện sửa câu thơ của Vương An Thạch sau khi nhận ra sự hiện hữu của loài chim có tên Minh Nguyệt và loài sâu có tên Hoàng Khuyển. Hy vọng chúng ta không phạm phải lỗi lầm của người xưa; chớ vội nói rằng câu ca dao câu ca dao trên đã có sự túng vần trước khi nhận dạng ra một loài hoa Tam Xuân nở ra xanh biếc.

Thật vậy.Bàn trở lại về cách gieo vần của bài thơ, đây là bài thơ theo thể lục bát thất ngôn, vần iếc trong chữ biếc của câu thứ ba[câu thất thứ nhất] sẽ được nối vần với chữ thứ năm của câu thất thứ hai [chữ tiếc]. Khi đưa ra chữ biếc để gieo vần tác giả có hoàn toàn tự do vì chưa phải tìm vần. Nếu chữ tiếc, chữ thứ năm của câu thất thứ nhì [câu thứ tư của bài thơ] gieo đúng vần với chữ biếc mà không có nghĩa thì mới nói là câu thơ bị ép vần vì thi sĩ đang bị túng vần. Tóm lại ở đây thi sĩ có hoàn toàn tự do để viết (nói ) ra rằng nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Phải có một thứ Nụ Tầm Xuân nở ra xanh biếcLịch sử còn đó, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng và Nội tán Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ đã đi vào lịch sử, chuyện chiêu dụ và khước từ cũng đã rõ ràng nhưng câu chuyện văn chương thì vẫn còn là những ẩn khuất. lấy gì làm bằng chứng rằng hai bậc vương hầu Trịnh-Đào đã đối đáp với nhau bằng những câu ca dao như thế. Văn khố nào lưu giữ bút tích của người xưa ? Chắc là khó vì xét cho cùng thì đó là những bí mật quân sự. Khó tìm thấy câu chuyện văn chương này trong những thư tịch khả tín nhưng giai thoại thì vẫn đồn đãi, lưu truyền trong dân gian. Không có lửa sao có khói hay là chúng ta dễ dãi một chút, chấp nhận câu chuyện qua lời truyền tụng của nhân gian. Tư-mã Thiên, đệ nhất sử gia Trung quốc đã không tìm tài liệu từ những lời nói lưu truyền trong dân gian đó sao! Và rồi nếu câu chuyện văn chương có thật thì hoa tầm xuân nở ra xanh biếc cũng có thật. 

Phần khẳng định này phải nhờ đến những nhà nghiên cứu văn học và những nhà thực vật họcSách Và tài liệu của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ cũng như Võ Văn Chi và Lê Khả Kế chỉ cho thấy Tầm Xuân thuộc họ nhà Hồng (Rosaceae) với các loài sau: Rosa tunquinensis (Tầm Xuân Bắc hay còn gọi là Quầng quầng), Rosa cymosa (Tầm xuân-hồng choắt-hồng roi), Rosa multiflora (Tầm xuân đa hoa). Tự điển của Nguyễn Đình Hoà dịch chữ Tầm Xuân sang tiếng Anh là dogrose: hồng chó hay hồng cẩu, thật không thanh lịch lãng mạn gì hết vì tất cả các loài hoa hồng này chỉ là những loài hoa mà cành cây đầy gai góc và màu hoa thì từ trắng đến màu hường nhạt không có loài nào nở ra xanh biếc.Vậy tai sao còn có một nhà thơ vẫn ngâm nga:Chạm vào một nhánh Tầm Xuân,

Rosaceae
Vẫn xanh biếc nụ, vẫn ngần ấy hương." vẫn xanh biếc nụ, vẫn ngần ấy hương" xem ra thì thi sĩ đã quen thuộc với hoa Tầm xuân lắm và hy vọng rằng lần này thi nhân nhắc đến tên tầm xuân với màu xanh biếc không phải là một sự mô tả theo lối ước lệ vì tác giả câu thơ đã từng quen nhìn tầm xuân nên thấy "vẫn" xanh biếc nụ và đã từng quen thuộc với mùi hương hoa nên cũng chỉ ngửi thấy "ngần ấy hương". Và như vậy thì phải có một loại hoa tầm xuân có màu xanh biếc.Theo công trình nghiên cứu của Nguyễn Xuân Đức thì có một loại hoa họ đậu được phân phối nhiều ở duyên hải miền Trung Việt nam có tên là Tầm Xuân hay còn gọi là hoa Đâu biếc có màu xanh tím.Theo những nghiên cứu của Nguyễn Xuân Đức thì hoa Tầm Xuân có nhiều ở duyên hải miền trung Việt nam từ Thanh hoá Nghệ an đến Bình Thuận. Hoa thuộc họ đậu sắc màu xanh tím nên còn có tên là hoa đậu biếc.Theo nhà thực vật học, giáo sư Nguyễn Thiện Tích ở Đai Học Khoa Học đường Saigon [nay là Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên] thì giống hoa này có chung một họ mà tên khoa học là Clitoria . Cái tên thật dễ gợi đến phần nhạy cảm nhật trong cái "vưu vật tôn nghiêm" của cơ thể phụ nữ: "Clitoris". Thuộc dòng ho Clitoria này có những chi mariana, blue pea, vine, fragan, macrophylla, alba, ... 
Có lẽ ví lý do thỗ nhưỡng, khí hậu mà loài hoa chỉ xuất hiện ở duyên hải miền trung Việtnam. Có lẽ vùng Thanh hoá Nghệ an, miền đất tổ của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng không hiếm loài hoa này và Thanh Đô Vương đã có dịp hội kiến loài hoa mang nhiều đặc tính lãng mạn, hoa Tầm XuânTự điển Việt Anh của Nguyễn Đình Hoà dịch tên Tầm Xuân từ tiếng Việt sang tiếng Anh là dogrose. Cái tên dễ làm thất vọng những ai có tâm hồn lãng mạn vì nó đã làm mất đi tất cả những thi vị của tên gọi Tầm XuânNhưng ngoài câu ca dao trên còn vài câu thơ như là :Dáng tầm xuân uốn trong tranh tố nữ
Ôi tiên nương nàng lại ngự nơi đây,

 Clitoria Ternatea
Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường, [Bích Khê- Bức Tranh Tố Nữ].Loài hoa hồng thì chắc là không thể khêu gợi, uốn éo như lời thơ của Bích Khê. Có lẽ Bích Khê, thi sĩ của thi sĩ sinh trưởng trên vùng đất của sông Thu Bồn, núi Thiên Ấn có dịp ngắm nhìn những đoá Tầm Xuân thuộc họ đậu lãng mạn Clitoria mariana hay Clitoria ternatea này chăng?
Xem như thế thì có hai nhóm hoa Tầm Xuân: nhóm thứ nhất thuộc loại nhà hồng với Rosa cymosa, Rosa multiflora, Rosa tunquinensis và nhóm thứ hai thuộc họ đậu như: Clitoria mariana, Clitoria ternatea, ... Không biết nhạc sĩ Xuân Tiên đã dề cập đến loài hoa Tầm Xuân nào khi soạn "Khúc Ca Ân Tình" ..."một ngày tìm về phương Bắc, hái hoa Tầm Xuân trao nàng..."Hoa cỏ thì đã có từ bao nhiêu triệu năm trước khi loài người xuất hiện trên hành tinh này, xét cho cùng thì cũng chỉ là những thứ hữu thể vô thường. Có thể chúng ta đã chiêm ngưỡng với nét đẹp tưởng tượng qua mấy ca dao trước khi thực chứng căn cước của loài hoa của Hoa Tầm Xuân. Nét đẹp trong huyễn tưởng bao giờ cũng lãng mạn và mỹ miều hơn trong thực tế và nhắc nhở nhiều đến những hoài niệm ấu thơ.Nụ Tầm Xuân rộn hương ngày cũ,

Hoa bưởi thơm trắng tụ vườn xưa.
Để trời đừng nắng đừng mưa,
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương

Phan Bảo Thư 
Từ nguồn: http://e-cadao.com
(Huỳnh Hữu Đức sưu tầm)

Xướng Hoạ : Trại Thơ

Bài Thơ Xướng

           Trại Thơ

Mụ vợ nhiều khi gọi lão khờ
Tuổi già sanh tật cứ lơ ngơ
Tâm tình trang trải đầy bao thuốc
Mây gió đem giam nhóc lịch tờ
Thi muối thi đường đều xả rác
Tơ trời tơ nhện mãi làm tơ
Ô hay ! mẹ nó đừng khi dễ
Chả được là nhà cũng Trại Thơ !
 


Cao Linh Tử

 Các Bài Thơ Họa:

          Ôi Thơ

Nhìn xem dáng vẻ cứ khù khờ
Chén đũa rửa chưa đứng ngẩn ngơ
Thi phú coi đi còn mấy chữ
Văn từ gẫm lại được bao tờ
Nhíu mày nhíu mặt tìm chương khúc
Moi óc moi tim kết mối tơ
Bà lão cằn nhằn ừa có lý
Cửa nhà bề bộn cũng vì thơ


Quên Đi


           Nghiệp Thơ  

Xét kĩ thì tôi chỉ chút khờ 
Chẳng qua ngớ ngẩn hóa ngu ngơ 
Ghi nhanh xé tạm vài trang lịch 
Viết thảo lưu sơ đống giấy tờ 
Mượn ý trời trăng về chỉnh đối 
Gom từ thêu dệt nối vần tơ 
Nợ vay phải có giờ thanh khoản 
Là trại hay nhà cũng nghiệp thơ. 

Nguyễn Đắc Thắng

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Mâm Cơm Của Người Lục Tỉnh



Cái mâm gắn liền với đời sống ăn uống, lễ nghi, phong tục của tổ tiên ta từ xưa, nhưng ít được lưu ý, nói đến đúng mức.
Cái mâm dọn cơm hình tròn, đáy mâm phẳng, hơi lõm sâu xuống, phần ngoài viền mâm cao hơn độ hai phân tây. Cái mâm xưa làm bằng gỗ, sau này có mâm bằng thau, bằng nhôm. Mâm thời xưa còn có chưn nữa.
Cái mâm công dụng chánh là để dọn cơm, cũng được dùng để đôm xôi, đôm trái cây, xây trầu . . . trong các nghi lễ quan trọng từ nhà đến xã hội.

Đồ ăn được dọn trong mâm, bưng lên trên bàn, trên ván, thậm chí trên chiếu trải dưới đất, thực khách ngồi quanh cùng ăn, cùng nhậu.
Mâm cơm theo tiêu chuẩn cho 4 người ăn, phát triển lên 6 người, 8 người, 10 người như ngày nay và dọn trên bàn không còn có cái mâm nữa.

Tục ngữ ta xưa nhắc đến cái mâm trong nhiều ý nghĩa:
-Mâm cao cổ đầy.
-Mâm cao đánh ngã bát đầy.
-Mâm trầu, hủ rượu.

Mỗi mâm cơm như vậy thường được dọn bao nhiêu món?

Ta biết rằng cơ cấu ăn uống của mình cấu tạo bởi 4 món chánh xếp theo thứ tự ưu tiên là: Cơm, rau, cá, thịt. Trên mâm cơm thường có 4 món ăn căn bản (ngoài cơm) là: Món canh, món kho, món rau và món xào.
Đó là tiêu chuẩn một mâm cơm của người Lục Tỉnh.
Từ 2 vật liệu căn bản là rau và cá, người ta chế biến thành 4 món ăn: Món có nước như canh, món có chất mặn như kho, món có chất sơ như rau và món có dầu mỡ như xào.

- Đói ăn rau, đau uống thuốc.
- Mồ côi cha ăn cơm với cá,
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm.

Xưa người mình không có thói quen uống trong lúc ăn vì cho là không tốt cho sức khỏe, làm cho bụng bự, có người cho ăn uống một lúc làm cho trí khôn chậm phát triển.
Cho nên nói ẩm thực nhưng cái ẩm chánh của ta là uống rượu. Trên mâm cơm thường có rượu và rượu được uống trong khi ăn. Còn trà thì dọn riêng, ăn xong, sau khi rửa miệng mới uống trà.
Quan sát bữa ăn ta thấy trong một chén cơm, người ăn sử dụng một lúc tất cả các món ăn đã có trên mâm làm cho cơm và các thành phần thức ăn thành một hỗn hợp, trước khi được đưa vào bao tử.

Còn người Phương Tây ăn ra sao?


Họ ăn khác ta: Ăn từng món, nhai từng món, vừa ăn vừa uống. Ăn như thế làm cho bao tử sẽ phải làm việc nhiều, phải vừa tổng hợp thức ăn vừa nghiền nhuyễn thức ăn.
Trên mâm cơm người Lục Tỉnh thường hay trò chuyện, thăm hỏi và đặc biệt là dạy dỗ con cái nữa. Ăn cơm của ta là “sinh hoạt gia đình” làm cho bữa ăn không chỉ là “ăn”.
Trong mâm cơm thành viên gia đình còn chia xẻ, nhường nhịn, chia cho nhau tùy theo vị trí tuổi tác trong gia đình. Từ cái nồi cơm, tô canh, dĩa cá hay chén nước mấm mọi thứ đều có sự nhường nhịn chia xẻ mà ưu tiên cho trẻ con và người lớn.
Khác với Tây Phương, phần ai nấy ăn, “hồn ai nấy giữ”. Bình đẳng, công bằng máy móc, “tận cùng bằng số”

Đặc biệt về chén nước mấm dùng chung, chấm chung trong mâm cơm của ta còn thể hiện lối sống gia đình của mình.
Các món ăn của ta dọn lên mâm thường được châm thêm, múc thêm gọi là “rội”, ít nhứt là hai lần nên mới có câu:

Ăn coi nồi, ngồi coi hướng.
Bữa cơm còn thể hiện đời sống tình cảm, gia đình

Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.


Dầu trên mâm cơm người ta trò chuyện vui tươi, náo nhiệt, nhưng tránh khua chén, khua đũa, tránh cãi nhau, “mặt lớn mặt nhỏ” trong lúc ăn.

Cái đôi đũa tre của miệt vườn Lục Tỉnh cũng là một nét văn hóa đẹp nữa.
Đũa tre phải làm bằng loại tre già, phần tre gốc, được trau chuốt đẹp và vừa vặn. Đũa tre chịu nóng tốt, cứng mà dẽo không bị cong quẹo biến dạng. Không bị vênh như người Bắc gọi. Đôi đũa đa dụng lắm, đến đổi phải nói là thần diệu nữa !
Cầm đũa là một nghệ thuật, biểu lộ phong thái người sử dụng.
Đôi đũa tre làm chức năng cái dĩa, cái dao, cái muỗng to trên bàn của người Tây Phương.
Đôi đũa không đâm, không xắn một cách thô bạo miếng ăn như dao, như nĩa.
Đôi đũa giúp ta gắp, xé, xẻ, cắm, trộn, xoắn tròn, vét và cuối cùng là lùa vào miệng. Đôi đũa cũng đủ dài để chuyền thức ăn cho người đối diện tận góc bàn bên kia.
Đôi đũa tre gắn liền với con người từ lúc tập ăn, nên trở thành đời sống văn hóa gia đình.

Vợ chồng như đũa có đôi.
-Ví dầu chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
-Vợ dại không hại bằng đũa vênh.


Trong mâm cơm của người mình cũng không bày các hủ gia vị như người Tây Phương, vì người vợ, người mẹ làm ra món ăn lúc nào cũng vừa ý chồng, con và vì họ biết ý nhau.
Đó là cái khó, nói lên cái tâm, tấm lòng người phụ nữ Việt Nam qua bữa cơm gia đình đối với chồng con.
Trở lại “cơm bữa ngày hai” của người Lục Tỉnh miệt vườn để tìm xem cái gì là côt lõi, và” chiêu thức’, “bửu bối” để làm ra món ngon, đặc thù, mang tánh “Lục Tỉnh Nam Kỳ”.
Ẩm thực Lục Tỉnh tạo được ấn tượng nhờ thức ăn dựa trên 2 yêu cầu co sẵn. Đó là: Tươi và Sống.
Thiếu một trong hai yếu tố Tươi và Sống thì không còn món ngon của Lục Tỉnh miệt vườn nữa.
Món ăn, cung cách ăn, từ Bắc đến Trung vào Nam không chỉ thay đổi khẩu vị mà còn thay đổi lối ăn, phản phất nét văn hóa khác nhau giữa ba miền.
Miền Bắc, xứ ngàn năm vạn vật, nên lối ăn, cách sống của con người ở đây cái gì cũng “khuôn thước”. Ăn uống ở miền Bắc vì vậy mang tánh “kinh điển”.
Miền Trung nơi đóng đô “của Chúa” “của vua Nguyễn” mang tâm tư lúc nào cũng “vừa nhỏ vừa lớn”. Sự mâu thuẫn nội tại làm cho lối ăn, lối sống, ăn uống ở đây trở nên “cầu kỳ” có lúc “tấm mẫn”, “li ti” mang nặng hình thức.
Đến miền Nam, Lục Tỉnh lại phá thế “khuôn thước”, không ưa “cầu kỳ” mà chọn “chơn thực”, thực tế và linh hoạt trong cách ăn lối sống.
Chính cái chơn chất, thực tế, linh hoạt của Lục Tỉnh, dựa trên hai tiêu chuẩn Tươi và Sống để tạo nên các “món ngon vật la”. Tươi và sống là yếu tố thực tế ở Lục Tỉnh, nơi khác ít có và không bằng.
Món ngon Lục Tỉnh dầu có là “quốc hồn quốc túy” hay không nhưng chắc chắn nó đã níu chân người đã một lần thử qua nó.
Cái "chơn thực linh hoạt" trong ăn uống của Lục Tỉnh đã vượt qua rào cản của các đề tài thảo luận nặng về học thuật của các nhà nghiên cứu, lý luận ẩm thực dựa trên "khuôn thước" và chuộng "cầu kỳ".
Thực khách, các người tiêu dùng là các “đại sứ tự nguyện” họ là các “sứ giả tự nguyện” làm cho các món ăn Lục Tỉnh được khẳng định thêm.

Và mâm cơm của người Việt Lục Tỉnh chính là nét chấm phá của văn hóa ẩm thực vùng nầy vậy.

Nam Sơn Trần Văn Chi  

Đan Thu Thành Quạt


Trưa đi tôi lượm lá vàng
Đan thành chiếc quạt ẩn tàng mùa thu
Gửi trong từng lá hoang vu
Những màu mực, những ngôn từ của tôi
Khi nào mùa hạ đến chơi
Xin em phe phẩy những lời tôi bay
Lời tôi rụng nhẹ lên vai
Nằm nghe giấc ngủ em say một lần
Trong từng chiếc lá đỏ, vàng
Là màu rung cảm mỗi lần gió bay
Mùa thu vạn lá rơi đây
Tôi xin đan hết lời này gửi em

Hoài Tử

Đời Lẻ Bóng


(Tặng những bạn cùng cảnh ngộ)

Ôi đời lẻ bóng quá cô đơn
Nó giết lần ta bằng nỗi buồn
Buồn cảnh bơ vơ, đời trống vắng
Chỉ còn da diết những sầu thương.

Gối chiếc, phòng không khiến tủi hờn
Đâu vòng tay ấm thuở yêu đương
Đâu hình bóng cũ ngày xưa ấy…
Muôn thuở lòng ta mãi vấn vương.
Vào ra sớm tối một mình thôi
Chẳng biết gì hơn đứng lại ngồi
Nhìn đất nhìn trời rồi tự hỏi
Làm sao chịu nổi cảnh đơn côi?

Những chiều qua phố bước lang thang
Chạnh nhớ người xưa mắt lệ tràn
Sao nở em ơi về cát bụi
Bỏ ta thui thủi giữa đường trần.

Nhìn những tình nhân tay nắm tay
Thêm buồn nhưng biết tỏ cùng ai
Cháu con nào biết chia tâm sự
Đành vậy, sầu riêng gánh suốt đời.

Đằng đẳng tháng ngày nỗi khổ đau
Ước gì tìm được bạn tâm giao
Hai lòng họp tấu bài tình cuối
Cho bớt lẻ loi tuổi bạc đầu.

Trời cho ta có một con tim
Hạnh phúc yêu đương mãi đi tìm
Đánh mất nghe hồn thôi chới với
Như trong bão tố, ngửa nghiêng thuyền.

Los Gatos 12/10/2014
Quang Tuấn
***
Các Bài Họa: 

Cô Đơn

Đêm nằm lạnh lẽo mảnh chăn đơn
Vò võ năm canh với nỗi buồn
Nghe gió xạc xào qua kẽ lá
Ngỡ là chân bước của người thương.

Chung sống bên nhau chẳng giận hờn
Bao năm trọn vẹn nghĩa yêu đương
Mà trong giây phút đành ly biệt
Nỗi nhớ trong lòng cứ mãi vương.

Dù biết nhớ hoài cũng thế thôi
Thềm trăng, đơn lẻ bóng ta ngồi
Bài thơ dang dở bên nghiên bút
Trà ấm, lạnh lùng thân phận côi !

Đau ốm không ai nhắc thuốc thang
Cô đơn đêm lạnh lệ tuôn tràn
Ra vào thui thủi thân cô quạnh
Còn phải bao lâu ở cõi trần ?

Mân mê cây bút ở trong tay
Muốn viết nhưng mà gởi đến ai ?
Hoa thắm ngoài vườn không hái cắm
Còn đâu tri kỷ ở trên đời !

Chôn chặt trong tim nỗi đớn đau
Biết tìm đâu được bạn tương giao
Đèn in bóng chiếc dài năm tháng
Sầu muộn dâng lên bạc mái đầu.

Nhung nhớ đong đầy trong trái tim
Biết rằng vô vọng vẫn đi tìm
Dù cho bão tố luôn dồn dập
Biển mãi ngàn năm đợi bóng thuyền.

Saigon, 13/10/2014
Phương Hà
***
Đời Lẻ Bóng

Một mình quạnh quẽ vẻ cô đơn,
Có kẻ đủ đôi vẫn thấy buồn.
Lẻ bóng đương nhiên đời trống vắng,
Vợ chồng không hạp cũng sầu thương.

Nước mắt đầy vơi nghĩ tủi hờn,
Lệ rơi lả chả, chán yêu đương.
Ngày xưa kỹ niệm đâu còn nữa,
Hòai niệm trong tim cứ vấn vương.

Chiều hôm, sớm tối phát rầu thôi,
Lẫn thẫn mình tôi đứng lại ngồi.
Mặt đất bình yên, ta tự vấn,
Ông trời ngó xuống tội đơn côi !?

Người dưng dạo phố bước lang thang,
Lẻ bạn buồn thiu rớt lệ tràn.
Sớm biệt thế gian về cát bụi,
Bỏ ta ở lại cõi dương trần.

Vui vẻ yêu nhau khẽ nắm tay,
Buồn thiu lặng lẽ ngắm nhìn ai.
Gia đình đơn chiếc riêng tâm sự,
Tổ ấm người dưng tũi phận đời.

Thấm thóat bao năm vẫn khổ đau,
Thầm mơ gặp được bạn tâm giao.
Chia bùi sẻ ngọt lần sau cuối,
Sưởi ấm lòng nhau đến bạc đầu.

Tình em vẫn giữ vẹn con tim,
Chọn bạn tương thân há dễ tìm.
Lỡ mất em rồi thôi chới với,
Mưa dầm nước lũ lật nghiêng thuyền,...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 19 tháng 10 năm 2014
***
Bài Cảm Tác:

 Đời Lẽ Bóng

Tuổi già viễn xứ sống đơn côi
Thơ thẩn vào ra chỉ đứng ngồi
Đường phố độc hành in bóng chiếc
Công viên cô lẽ mộng chung đôi
Ngày qua thui thủi nào ai hỏi
Đêm lịm mê man được mấy hồi
Gối quạnh nhớ về hương tóc cũ
Phòng không mơ tưởng dáng xa xôi!

Nguyễn Đắc Thắng - 20141017

Thơ Tranh: Khiêm Cung


Thơ & Thơ Tranh: Trầm Vân

Vẫn Ôm Hoài Kỷ Niệm


(Họa vận Cô Bé Ngày Xưa của Dương Hồng Thủy)

Ngày tôi còn bé, vô tư, thơ ngây
Có bao bạn thân, cũng cùng trang lứa
Chỉ biết vui chơi, cơm ăn ba bữa
Nhưng giống Tề Thiên, quậy chẳng ngừng tay

Rồi năm tháng qua, trôi theo từng ngày
Vẫn cô gái tóc cột thành hai bím
Trên đường đi, gặp ai cũng cười mỉm
Thích nô đùa, như chim sóc rộn ràng

Mẹ dạy rằng: con gái phải dịu dàng
Phải nhẹ bước, dù trong cơn nguy cấp
Lên cấp 3, tuy thay đổi dáng dấp
Nhưng tính tình không thay đổi bao giờ

Vẫn chọc phá như lúc tuổi còn thơ
Mẹ luôn trách: lớn rồi phải đứng đắn
Nghe lời mẹ, đầu óc rồi cũng sáng
Tự nhủ rằng: mình phải khác hơn xưa

Nhìn dáng mình qua khe hở song thưa
Luôn cố gắng tập trung vào việc học
Làm người lớn sẽ không còn bím tóc
Chải bảy ba theo gương các chị này

Ai chọc mình, nhất quyết không động tay
Bỗng thấy mình, sao giống một người khác?
Giờ già rồi, nhìn da mồi tóc bạc
Mới thấy ngày xưa đẹp nhất trong đời

Thời thơ ấu, thời vàng son tuyệt vời
Để lại trong tôi, biết bao kỷ niệm
Đời xô tôi đi, nhanh như sóng biển
Vẫn gan lì, ôm kỷ niệm đi theo

22/09/2014
Hồ Nguyễn

Cô Bé Ngày Xưa



Cạnh nhà tôi có bé Hạnh thơ ngây
Chung lớp học vì chúng tôi trang lứa
Từ nhà đến trường trên đường mỗi bữa
Bốn mẹ con tay nắm lấy bàn tay

Gọi em vì nhỏ hơn tôi ít ngày
Luôn mặc đầm tóc tếch cao hai bím
Khi gặp nhau em thường hay cười mỉm
Con tim tôi bỗng bắt nhịp rộn ràng

Lên cấp ba tính nết em dịu dàng
Nhất là những ngày ôn thi cuối cấp
Mặc áo dài thay hình hài dáng dấp
Mãi không còn cô bé Hạnh bao giờ


Dù cạnh nhà nhưng xa dần tuổi thơ
Vào đại học nàng như càng đứng đắn
Những đêm hè đèn nhà em vẫn sáng
Nhưng hình như quên hết chuyện ngày xưa

Bắt bướm, hái me, thuyền nhỏ, lau thưa
Chuyện trốn tìm của những ngày nghỉ học
Còn đâu nữa cô bé hai bím tóc
Nhớ về em, tôi muốn khóc đêm nầy

Bỗng hôm qua, gặp em tay trong tay
Với một bạn thân ngày nào - thấy khác
Tóc vẫn búi cao lẫn vài sợ bạc
Cũng đoan trang đi bên cạnh bạn đời

Đứng gần nàng nhưng khoảng cách xa vời
Nên nhặt ký ức gom vào kỷ niệm
Trời chớm Thu bỗng tim như sóng biển
Đại dương hờn - tôi quyến luyến buồn theo


Dương Hồng Thủy


Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Theo Gót Người Dưng- Thơ Đỗ Hữu Tài- Diễn Ngâm: Nguyễn Xuân Thưởng


Thơ: Đỗ Hữu Tài 
Diễn Ngâm: Nguyễn Xuân Thưởng
Tiếng Sáo: Vũ Phương

Thầm Hỏi


( Trao về DQVN )

Hỏi lòng nay đã hết mưa chưa
để nắng che nghiêng chút duyên thừa
mắt dõi theo ngàn mây xứ lạ
nghe gió thì thầm gọi mùa xưa....

Hỏi người khuya lạnh trước thềm rêu
có gửi về đâu thoáng tình chiều
rót chén men cay cùng trăng lạnh
gửi mộng tao phùng dạ hắt hiu

Hai đầu xa cách hai nỗi nhớ
đầu sông ngồi ngóng cuối sông chờ
lặng lẽ bóng - hình soi vách trắng
vần thơ lạc vận giữa bơ vơ

Bao nẻo đường qua giờ xa lạ
quá khứ, tương lai cũng nhạt nhòa
tình yêu như sóng xô ghềnh đá
đọng lại nơi tim những thiết tha

Đêm vẫn như dòng sông êm chảy
cửa khép then hờ đợi dáng ai
mai có về không trong tình muộn
rưng rưng trao gởi một vòng tay...

Trần Thị Dã Quỳ


Xướng Hoạ : Vịnh Hạ Long


   
Bài Thơ Xướng:

Vịnh Hạ Long

Lơ lửng bồng bềnh nước với mây
Lô nhô núi đá chập chùng vây
Hang sâu luồn lách ngàn con suối
Thạch nhũ buông thòng muôn cánh tay
Buồm đỏ chơi vơi trên sóng biếc
Thuyền nâu thấp thoáng dưới vòm cây
Rồng thiêng thuở ấy bay cao vút (*)
Uốn lượn trăm vòng, đáp xuống đây.(**)

Phương Hà
( 17/10/2014 )
(*) Thăng Long
(**) Hạ Long
***
Các Bài Thơ Hoạ:

Hoạ Hoán Vận: Mơ Hạ Long

Trời trên nước dưới giữa là mây
Đảo nhỏ hằng hà giống bủa vây
Ngắm ảnh đẹp xinh càng muốn đến
Nhìn mình túng quẩn biết sao đây
Hạ Long thắng cảnh đà vang tiếng
Xứ Vĩnh dân nghèo chịu bó tay
Chẳng biết bao giờ đi tới đó
Thôi đành tựa cửa với vườn cây

Quên Đi
 
***
Hoạ Chính Vận: Vịnh Hạ Long

Lênh đênh sông nước gió cùng mây
Một bức đảo hòn cứ bủa vây
Núi đá dị kỳ trồi mặt biển
Dáng hình âu yếm siết vòng tay
Thuyền buồm nho nhỏ len hang động
Suối lạch um tùm phủ cỏ cây
Cảnh sắc nhìn hoài chẳng thấy chán
Bồng lai hạ giới chính là đây

Mailoc
10-17-14
***
Nếu

Bay ra đất Bắc nếu là mây
Cơm áo gạo tiền được giải vây
Không chỉ Hạ Long hòa ánh nắng
Mà còn Bản Giốc rữa bàn tay
Chân quê lập chí nơi đồng ruộng
Bạc tóc chôn đời dưới tán cây
Ráng họa đôi vần cho có tụ
Nhưng chàng ngốc tử vẫn ngồi đây!

Cao Linh Tử
18/10/2014
***
Vịnh Hạ Long

Một vùng trời thẳm nước hòa mây 
Đảo nhỏ chập chùng đứng bủa vây 
Mặt biển phẳng lờ tôn cảnh sắc
 Cánh buồm đỏ thắm nối vòng tay
 Dáng rồng phủ phục chầu vua chúa 
Nền thảm xanh rờn hiện bóng cây 
Nhìn ảnh đề thơ trong tưởng tượng 
Nỗi buồn tụt hậu chính là đây! 

Nguyễn Đắc Thắng 
***
Hạ Long

Hạ Long đây vịnh nước lồng mây 
Lố nhố muôn hòn sóng bủa vây. 
Thuyền nhỏ thuyền to nhô mặt biển 
Buồm nâu buồm đỏ nối vòng tay. 
Thiên Đường sâu thẳm non xây động * 
Đảo Khỉ trải dài lá ru cây. 
Tác phẩm tuyệt vời do tạo hóa 
Bồng Lai tiên cảnh hẳn là đây.

Quang Tuấn
 
* Thiên Đường là 1 địa điểm nổi danh trong vịnh HL Đảo Khỉ ở xa gần Đảo Cát Bà cũng ở trong Vịnh mà tôi đã viếng
 
***
Ước Viếng Hạ Long

Chỉ nghe vịnh đẹp nước hòa mây,
Núi đá chập chùng biển bủa vây.
Thạch nhũ như ngàn muôn vú núi,
Động hang dường trăm vạn chân tay.
Nhấp nhô trên sóng thuyền theo nước,
Vi vút lưng trời gió hú cây.
Những ước như rồng thiêng thuở trước,
Lượn vòng khắp chốn đến nơi đây !

Đỗ Chiêu Đức


***
Bài Cảm Tác: 

Mơ Viếng Hạ Long 

Hạ Long thắng cảnh chính là đây !
Mơ đến nơi nầy bấy lâu nay
Mặt biển nhô cao muôn đảo nhỏ
Trên trời ẩn hiện mấy tầng mây
Thuyền bè lố nhố trong làn nước
Hang động lách luồn giữa khóm cây
Nghe tiếng từ lâu mong được đến
Làm thân viễn xứ phải buông tay!

Song Quang

***

Thơ Tranh: Biệt Mù


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Ngày Đó Chúng Mình


Em là cô gái trời cho xấu
Xấu cả vành môi cả nụ cười


Tình cờ đọc lại những vần thơ này của nữ thi sĩ Lệ Khánh, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Ngày xưa, tôi và Lệ Khánh có chung một hoàn cảnh và vì vậy mà tập thơ của nàng là quyển sách gối đầu giường của tôi...

Dĩ nhiên là tôi không xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn, nhưng khổ nỗi trên gương mặt tròn xoe như cái bánh bao của tôi không có điểm nào xem cho ra hồn cả! Da tôi ngăm đen, cặp mắt mí lót hơi nhỏ, hàm răng hơi vô trật tự, chiếc mũi tuy không thuộc loại cà chua nhưng hơi gẫy và cuối cùng là tôi còn hơi thiếu thước tấc... Dù chỉ là hơi thôi, nhưng tất cả những cái “hơi” này hợp lại thì thật là tai hại vô cùng! Tôi luôn luôn là một cái bóng mờ, một người vô hình bên cạnh những đứa bạn xinh đẹp, từ thuở thơ dại cho đến ngày khôn lớn. Mặc cảm tự ti khiến tôi trở nên nhút nhát kinh khủng. Tôi lại không có tài ăn nói. Nghĩ sao là nói ra tuồn tuột như vậy, nên hay làm mất lòng người chung quanh. Nỗi buồn trong tôi càng ngày càng lớn theo thời gian. Tôi oán ông Trời, oán ba mẹ tôi...

Ngay từ lúc chỉ là một con bé vô tư lự, tôi chỉ thích chạy theo chơi với lũ con trai con của cậu tôi. Tụi tôi bày trò đánh giặc, trèo cây. Chán lại nhảy xuống sông lội đùng đùng cả buổi. Da tôi đen như cục than Cần Đước. Mái tóc cắt bum bê phơi nắng cả ngày nên vàng hoe như râu bắp. Riêng mấy chiếc răng cửa được các anh chị ưu ái kêu là mấy tấm thớt!


Chẳng bù với con Thúy, con Mai con cô Năm tôi. Đứa nào cũng da trắng tóc dài, quần áo sạch sẽ thơm tho. Tụi nó chỉ thích chơi cất nhà chòi, nấu nướng với lũ con gái hàng xóm. Tôi có muốn nhập bọn cũng bị mấy con nhỏ đỏng đảnh này chun chun chiếc mũi xinh xắn, chê tôi khét nắng không cho chơi chung! Thỉnh thoảng mấy bác tôi ở Sài Gòn về chơi, con Thúy là đứa được nhiều quà nhất. Ai cũng nựng nịu, hôn hít và khen nó xinh. Tôi chỉ dám đứng đàng xa, nhìn cảnh đó với tất cả sự thèm muốn. Ngay cả trong trường, tuy rằng tôi học không thua con Thúy, nhưng đứa được cô giáo cưng nhất vẫn là nó. Ngày nào con Mai và nó cũng được cô giáo giao nhiệm vụ ôm chồng vở cho cô về nhà. Tôi nhớ có lần cô cho nó tấm cạt có in hình con mèo lông xù trắng như bông đang giỡn với một cuộn len màu hồng. Con Thúy đem khoe ầm cả lớp và mặt thì cứ vác hất lên trời. Lòng ghen tức bị đè nén từ lâu được dịp bùng nổ. Giờ ra chơi, nhân lúc con nhỏ mê mãi ngắm tấm hình, tôi cầm chiếc kéo nhỏ cắt thủ công, len lén đến sau lưng, lẹ tay cắt phăng một mảng tóc. Sửng sốt vài giây, cô nàng mới ré lên khóc bù lu bù loa. Trả được mối hận lòng, nhưng hậu quả cũng thê thảm. Chẳng những bị cô giáo phạt quỳ ở trường, mà về nhà còn bị mẹ tôi tặng thêm mấy cú roi mây đau thấu trời xanh!

Mẹ bận buôn bán suốt ngày nên ít có thì giờ dòm ngó đến tôi. May mà nhà bà ngoại ở ngay bên cạnh (mẹ ngày xưa là “cô láng giềng” của ba tôi). Lúc tôi được đầy năm thì mẹ đã gửi cho bà để trở ra chợ buôn bán. Chắc vì vậy mà trong đám cháu, bà thương tôi nhất. Có món gì ngon bà cũng để dành cho tôi. Đi học hay đi chơi về là tôi qua thẳng nhà bà. Những hôm thấy tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bà vừa lau mặt mũi cho tôi vừa mắng mỏ:

- Con gái gì mà y như thằng con trai. Tối ngày chạy nhong nhong ngoài đường. Coi nè, đầu cổ tóc tai khét nghẹt mùi nắng! Cái ngữ này mai mốt lớn lên ai mà dám rước! Rồi lại ở giá như con Tâm con chú ba Lầu...
Tôi ôm bà, cười toe toét:
- Lớn lên cháu ở với bà. Cháu không thèm lấy chồng đâu.
Bà cười, mắt hấp háy:
- Cám ơn cô. Tôi lột da sống đời với cô chắc!

Tôi thường xách nước phụ bà tôi tưới vườn rau. Ngoại tôi trồng đử thứ. Quanh năm nhà tôi không mấy khi phải mua rau ngoài chợ, vì vườn ngoại tôi có đủ cả. Nấu nồi canh chua thì đã có sẵn bạc hà, ngò gai, cà chua. Bún bi‘, bún nem đã có tía tô, dấp cá, húng lủi, rau chua... Còn rau muống thì ôi thôi là khủng khiếp! Bà tôi siêng tưới, chăm bón đến nỗi đám rau muống cứ lớn lên phơi phới. Rồi thì rau muống có mặt đều đều trong mỗi bữa cơm: Rau muống luộc chấm tương, rau muống xào, rau muống nấu canh thịt, rau muống chẻ trộn dầu giấm... tóm lại là rau muống bảy món. Có nhiều bữa thấy tụi tôi có vẻ né dĩa rau muống, ngoại tôi phải cổ võ:

- Ăn đi các cháu. Rau muống bổ lắm.
Tụi tôi nhìn nhau cười cười, nhưng thằng Cường nhăn nhó:
- Bà ơi, tụi cháu biết là bổ, nhưng ngày nào cũng rau muống ngán quá hà!
Ngoại tôi lên lớp:
- Tụi bây cứ được voi đòi tiên. Nhà nghèo cầu có rau muống mà ăn!

Sau cùng tụi tôi phải ráng thanh toán dĩa rau muống cho ngoại tôi vui lòng. Nhưng món tụi tôi thích nhất vẫn là bánh xèo. Trong bột bà trộn nước cốt dừa, ngoài thịt ba chỉ xắt mỏng, vài con tép cắt đầu cắt đuôi, bà còn rải thêm một lớp đậu xanh hấp chín nên cái bánh vừa giòn rụm vừa bùi, vừa béo và thơm phưng phức. Cải xanh non mơn mởn nhổ từ vườn vào cùng với đủ thứ rau thơm. Cuốn bánh xèo chấm vào chén nước mắm tỏi ớt, trộn cà rốt xắt chỉ ngâm giấm và củ kiệu thì ngon không thể tả được! 

Ngoại tôi sung sướng khi nhìn thấy đám con cháu thưởng thức tận tình những món ăn do bà nấu nướng. Món bánh canh giò heo của ngoại tôi cũng ngon bất hủ. Bánh bà tự làm lấy vừa dẻo vừa trong vắt. Những khoanh giò heo hầm thật khéo, vừa vặn mềm và giòn. Ngoại không thích đi ăn tiệm. Bà nói tiệm ăn họ làm nhiều dầu mỡ lại kém vệ sinh dễ sanh bịnh. Mà thật, mỗi lần đi ăn phố Tàu là mẹ lại kêu đau bụng! Bà được dịp tố khổ mấy nhà hàng tàu là tổ sư xài bột ngọt!

... Đến năm tôi được mười hai tuổi thì ba tôi bị thuyên chuyển lên một tỉnh lỵ miền cao nguyên Trung phần. Năm này tôi vào lớp Đệ Thất. Có lẽ muốn cho tôi “hiền như ma sơ” nên mẹ xin cho tôi vào trường mấy bà sờ, rặt nữ sinh. Phải tròng lên mình chiếc áo dái trắng lượt thượt là một cực hình cho con nhỏ quen leo trèo, nhảy nhót như tôi. Mỗi lần chơi nhảy dây, nhảy lò cò là tôi cột phăng hai vạt áo dài vào nhau cho khỏi vướng, nên áo tôi không rách cùi cũng tét hông, sứt gấu! Mẹ thường nhìn tôi với cặp mắt ngao ngán. Rầy hoài cũng mỏi miệng, bà đành phó mặc, hy vọng thời gian sẽ đem lại cho tôi ít nhiều thay đổi tươi sáng hơn chăng? 

Những năm Đệ Thất, Đệ Lục tôi học rất thường, vì nghĩ tới nhảy lò cò, nhảy dây, đánh chuyền hơn là bài vỡ. Giáo sư, bạn bè cũng chẳng ai để ý gì đến tôi, bởi lẽ tôi chẳng có gì để lôi kéo sự chú ý của họ. Tôi cứ tà tà lên xuống chút đỉnh khoảng từ hạng mười lăm tới hai mươi trên bốn mươi nữ sinh. Nhưng đến năm Đệ Ngũ thì đúng là kỳ tích xuất hiện! Sơ Francois từ nhà giòng chính đổi lên dạy học. Sơ dạy sử địa, công dân và vẽ. Bà độ hăm hai, hăm ba gì đó, người dong dỏng cao, nước da bánh mật mịn màng như nhung, cặp mắt bồ câu, sống mũi dọc dừa, cặp môi đỏ tươi như thoa son lúc nào cũng cười để lộ hàm răng ngà thẳng tắp. Chẳng những lớp Đệ Ngũ của tôi mà cả lũ nhóc các lớp Đệ Lục, Đệ Thất cũng bị Sơ hớp hồn! Ngay cả khi biết mình vô lầm lớp Đệ Tứ, bà đỏ mặt, lật đật đứng lên đi ra, nhiều tiếng gọi với theo đầy tiếc rẻ: Ma sơ...ma sơ đừng đi...Có lẽ trong lịch sử của tuổi học trò, chưa từng có giáo sư nào bị học trò thương “hội đồng” như sơ Francois! Vì bà mà tôi tụng sử địa, công dân như cháo chảy. Trả bài lúc nào cũng được 18/20. Tôi thấy học cũng không có gì là khó nếu biết cố gắng. Tôi từ từ tiến lên danh sách năm đứa đứng đầu lớp. Mẹ tôi hài lòng ra mặt khi thấy cô con gái chẳng những học khá lên mà quần áo, tóc tai bây giờ cũng sạch sẽ gọn ghẽ hẳn ra. Tuy vậy tôi vẫn là con bé lọ lem khi đứng cạnh những người đẹp trong lớp. Con Mỹ Linh xí xọn trước khi đi học đã biết lén mẹ xoa một lượt phấn nụ lên mặt. Diện áo dài nhấn eo và đánh tóc rối, xịt keo cứng ngắt. Con Bích Ngọc đâu chịu kém với mái tóc uốn dợn sóng xõa ngang lưng. Má lúm đồng tiền và cặp mắt lá răm có đuôi. Ông trời còn phú cho nó một giọng ca ngọt ngào truyền cảm. Năm nào cô nàng cũng lượm giải nhứt đơn ca nữ do Ty Thông Tin tổ chức. Con bé Cẩm Yến còn lộng lẫy hơn, tiệm hình nào cũng chưng ảnh của nó. Con bé này có lối nói chuyện duyên dáng đặc biệt. Mỗi lần nghe nó kể chuyện là mặt tôi cứ nghệt ra! Trong lớp, tôi có cảm tình nhất với con Ái Châu. Con nhỏ này vừa xinh lại học giỏi. Thường thường là đứng đầu lớp. Nó còn là cục cưng của hầu hết các Sơ, từ bà Nhất cho đến sơ hiệu trưởng. Tuy vậy Ái Châu đối với bạn bè thật dễ thương, nhã nhặn, không vênh váo như con Thúy con cô năm tôi ngày xưa. Ngay bây giờ, nhớ lại nét mặt hãi hùng và giọng la thất thanh của nó khi bị tôi cắt mất một mảng tóc, là tôi không nín cười được. Thiệt là uống thuốc liều!

Có đà rồi, qua năm Đệ Tứ tôi vẫn học rất khá. Tất nhiên là cũng được vài đứa bạn tìm cách làm thân. Như con Thu, có biệt danh là người đẹp Phù Tang, bàn tay tháp bút của nó đẹp trứ danh. Nhà còn có vườn rộng trồng đủ thứ trái cây bên Phương Hòa. Thỉnh thoảng nhỏ đem cho tôi khi thì chùm nhãn ngọt ngào, khi thì một miếng mít nghệ thơm như... mít, lúc lại một trái mãng cầu chín mọng. Không phải nó thương yêu đặc biệt gì tôi, nhưng có qua thì phải có lại, khi con bé bí toán, lý hóa thì tôi có bổn phận phải cho nó sao y bổn chánh, nếu không nhỏ sẽ lãnh một cái trứng vịt tròn vo của sơ Madeleine thân tặng. Bà này nghiêm số một, đừng có mà giỡn mặt.

Năm này lớp tôi có thêm chị học trò mới. Bố chị là sĩ quan, gia đình trước đó ở Ban Mê Thuột. Bị bịnh một thời gian nên tuy học cùng lớp mà Lệ Phương lớn hơn tôi hai tuổi. Chị học rất giỏi và đẹp não nùng. Dáng người gầy gầy thật hợp với mái tóc mây đen huyền xõa ngang vai. Đôi mắt nâu to lúc nào cũng mơ màng. Nụ cười của chị thật quyến rũ với chiếc răng khểnh duyên dáng. Đã vậy chị còn làm thơ hay tuyệt cú mèo. Tôi âm thầm ngưỡng mộ chị, chỉ âm thầm thôi vì chung quanh chị còn có cả đám “em tinh thần” bao vây! Nhưng chị thân nhất với Ái Châu. Những tâm hồn đồng điệu dễ cảm thông, con nhỏ Ái Châu cũng làm thơ, viết văn lai rai. Tuy không hay như Lệ Phương, nhưng nhiều bài cũng khiến tụi nhóc chúng tôi phục sát đất. Cỡ tuổi này đang mộng mơ, than mây khóc gió, tuổi của những cuốn lưu bút ngày xanh và sưu tầm thơ Xuân Diệu, Huy Cận v...v... chép đầy vào những trang vỡ bìa màu xanh, màu tím! Thơ chị Lệ Phương phảng phất thơ Hàn Mặc Tử. Nhà thơ bạc mệnh này là thần tượng của chị. Biết Lệ Phương thích hồng bạch, mỗi lần cây hồng bạch, rất cưng của mẹ tôi, trổ nụ hàm tiếu là tôi lén cắt rồi gói trong giấy cẩn thận, sáng đến trường thật sớm, mắt trước mắt sau len lén để đóa hồng vào hộc bàn của Lệ Phương. Chỉ cần thấy nét ngạc nhiên đầy thích thú của chị khi khám phá ra đóa hồng, cái cung cách đưa lên mũi hít một hơi dài, cặp mắt lim dim như đang tận hưởng cái mùi thơm tinh khiết của đóa hoa quý kia, cũng đủ cho tôi vui vẻ cả ngày. Nhưng khi chị hỏi của ai thì tôi cũng làm ra vẻ ngơ ngác như những đứa khác. Cho đến một hôm tôi bị con Thanh Trúc bắt gặp. Bị cả lớp chọc ghẹo, tôi mắc cỡ thiếu điều độn thổ, nhưng chị Lệ Phương nắm tay tôi, nói, giọng đầy cảm động:

- Trời ơi, vậy mà cứ giữ bí mật mãi! Cám ơn Ngân thật nhiều. Lần sau cứ đưa thẳng cho Phương nha. Hồng nhà Ngân đẹp quá.
Tôi ngượng ngịu gật đầu. Và từ đó Lệ Phương đối với tôi thân mật hơn trước. Thỉnh thoảng ngày nghỉ chị rủ Ái Châu và tôi lại nhà chị chơi. Tụi tôi được chị cho ăn những trái hồng quân ngọt lịm, những trái mít non chấm muối ớt, cả bọn vừa ăn vừa hít hà. Ôi, những ngày xưa thân ái!

Cuối năm đó tụi tôi đều thi đậu trung học đệ nhứt cấp. Trường Sơ hết lớp nên tụi tôi phải chuyển ra trường Công. Thanh, Mỹ Linh, Ái Châu Ngọc và tôi. Tụi tôi nhát lắm vì chưa từng học chung với con trai. Nói gì cũng chỉ dám thì thầm với nhau. Nhưng khổ nỗi càng nhát tụi tôi càng bị chọc dữ. Như cái hôm nhỏ Mỹ Linh đi học trễ (con bé này đáng được đời tôn vinh là Nữ Hoàng Trễ Hẹn. Lúc nào tụi tôi cũng phải nói với cô ả sớm hơn độ một tiếng đồng hồ khi cả đám có cuộc hẹn hò ở đâu đó!), xui xẻo là phải đi ngang qua hai dãy bàn nam sinh mới đến chỗ ngồi. Mọi người đang im lặng nghe thầy giảng bài, bỗng mọi ánh mắt đồng loạt hướng ra cửa khi nghe tiếng guốc lóc cóc của con nhỏ này và một giọng nói ồm ồm từ cuối lớp vang lên:

- Quân ơi, má mầy tới! (anh chàng tên Quân này đang tán nhỏ Mỹ Linh sát sàn sạt). 
Đám con trai cười ầm lên, thầy Trung phải suỵt suỵt mấy tiếng mới chịu im. Nhỏ Mỹ Linh mắc cỡ đến phát khóc!

Cái trường công lập kỳ cục này chỉ rặt có nam giáo sư. Riêng lớp tôi có năm thầy. Đặc biệt nhất là thầy Trung. Thầy không đẹp trai. Dáng người trung bình, gương mặt xương xương đầy góc cạnh. Nhưng trên khuôn mặt đó lóng lánh một cặp mắt đen huyền thật linh động. Nó khiến cho gương mặt thầy trở nên quyến rũ lạ lùng. Tụi con gái tặng thầy danh hiệu “Trung mắt nhung”. Với giọng trầm ấm, thầy giảng bài ngắn, gọn và dễ hiểu. Và than ôi, một lần nữa con tim non nớt của tôi lại bắt đầu thổn thức! Như nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu...!

Tôi không biết đó có phải là tình yêu hay không, nhưng đến giờ của thầy là tôi thấy hồi hộp. Tôi say mê nghe thầy giảng. Mắt không rời khuôn mặt thầy để đôi khi tim đau nhói vì thấy ánh mắt thầy thường hay đậu lại trên khuôn mặt khả ái của con nhỏ Ái Châu. Có lần làm như vô tình nói với nó:

- Nè Châu, tao nhận thấy thầy Trung có cảm tình đặc biệt với mi.
Con nhỏ trả lời tỉnh queo:
- Vớ vẩn! Tao có thấy gì lạ đâu?

Trời! Một là con nhỏ này lúc nào cũng ở trên mây, hai là trái tim nó bằng thép! Sau này tôi mới biết nó có mộng đi du học, nên bao nhiêu sức lực nó chỉ dành để gạo bài hầu giựt cho được mảnh bằng tú tài. Yêu đương đối với nó chỉ là chuyện vớ vẩn! Tôi không nén được tiếng thở dài. Ông trời hà tiện gì mà không ban cho tôi được một phần sức quyến rũ của con nhỏ Ái Châu? Trong lớp này thôi, chắc cũng có tới cả chục trái tim thổn thức vì nó. Không kể cái đám mày râu lượn qua lượn lại trước nhà hàng ngày, Ái Châu còn nhận được thơ tình hàng tá. Xanh, hồng, vàng, tím đủ cả. Tất nhiên là chẳng có chàng nào may mắn nhận được hồi âm, dù là một hai dòng ngắn ngủi! Tụi tôi cùng nhau thưởng thức những áng văn chương tuyệt tác này, rồi cùng nhau “bình loạn” với những tràng cười nghiêng ngửa. Riêng tôi tuy cũng cười đùa với tụi nó, nhưng trong lòng buồn lắm! Ai đó nói thật là hay: Cười là tiếng khóc khô không lệ! Biết bao lần tôi đã âm thầm nuốt vào lòng những dòng lệ khô cực kỳ cay đắng này! Mối tình câm với thầy Trung vẫn da diết trong tôi, nhưng thay vì ghen tức với Ái Châu, tôi lại thật tình khâm phục nó và để quên đi mối “hận tình”, tôi cắm cuối học như điên. Kết quả là cả Ái Châu và tôi đều thi đậu. Nhỏ xin đi du học Canada theo chương trình Colombo và tôi được ba mẹ cho về Sài Gòn học tiếp.


Không có bà con ngay trong thành phố, nên tôi ở ký túc xá Regina Pacis đường Tú Xương và ghi tên học Văn Khoa. Tôi muốn trở thành giáo sư Việt văn. Vào đây, giữa một rừng mỹ nhân từ khắp các miền đổ về, tôi có cảm tưởng mình là một cô mán rừng! Chị Mai Thu gái Cần Thơ, có bộ ngực chỉ kém Brigitte Bardo chút đỉnh. Cô đầm lai Alice, với bộ giò trường túc và dáng đi nhún nhẩy khiến phái nam nhìn rớt con mắt. Hai nhân vật này khoái lén đi bùm. Có lần vừa rón rén trở vào là đụng ngay soeur Aimée đang đứng chờ sẵn để chào mừng (chắc ai cũng đoán được đoạn kết!...) Có một gia đình gồm bốn chị em cũng từ một tỉnh miền cao nguyên về trọ học. Tôi không thể nào hiểu tại sao bà cụ lại có thể sanh một lèo bốn cô con gái dung mạo khác hẳn nhau, nhưng có thể nói họ đúng là bốn cô tố nữ, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Chị lớn Mai Loan có làn da trắng như tuyết, cặp mắt bồ câu đen láy, bàn tay búp măng tuyệt đẹp. Cô em kế Thanh Loan, mình hạc xương mai, cao hơn chị cả một cái đầu. Cặp mắt cũng đẹp, nhưng không tròn và đen như bà chị. Tôi chưa từng gặp một cô gái nào nói năng dịu dàng, nhỏ nhẹ hơn Thanh Loan. Tới cô em kế nữa là Tuyết Loan, cũng trắng trẻo như hai chị, nhưng cặp mắt mí lót đầy vẻ huyền bí. Cuối cùng cô em út Vân Loan thì cặp mắt chỉ có một mí, nhưng nụ cười tươi tắn và tính tình liến thoắng khiến ai cũng yêu mến. Có lẽ vì cùng có họ xa gần với sơn nữ Phà Ca nên tôi cũng được bốn chị em nhà này dành cho rất nhiều ưu ái... Ngang phòng tôi là phòng chị Kim. Kim có cặp mắt nâu to tròn và cái miệng móm duyên rất dễ thương. Gia đình chị ở Mỹ Tho rất giàu. Giá tiền một cái áo chị mặc cũng ngang với tiền mẹ cho tôi tiêu hàng tháng. Chị Kim có lần tâm sự:

- Kim mà đậu tú tài như Ngân là Kim lấy chồng liền. Học hoài mau già lắm!

Sự thật thì Kim khoái bát phố lựa vải vóc, son phấn hơn là chúi đầu vô sách vở, nên chị giậm chân ở lớp Đệ Nhị ba năm liền. Thỉnh thoảng tôi được chị rủ về nhà chơi cuối tuần. Má chị nấu ăn tuyệt cú mèo! Thấy tôi mặc cảm xấu xí, chị Kim nói;

- Tại Ngân cứ nghĩ vậy, chớ trời sanh ra đàn bà, không người nào xấu cả. Tại mình không biết cách làm tăng cái ưu điểm của mình mà thôi. Ngân thấy không, con nhỏ Mai Thu cả gương mặt có gì đặc sắc đâu, nhưng nó biết cách khai thác thân hình bốc lửa của mình, vậy là a lê hấp, các ông nhìn nó cứ là... nhỏ dãi!

Tôi nghe lời chị bỏ mái tóc dài, cắt ngắn đến vai, phía trước thả vài lọn lòa xòa. Đôi mắt kẻ một lằn chì đen cho có vẻ to ra và mơ màng hơn. Quần áo cũng chọn những màu hợp với nước da bánh mật của tôi. Đi chơi tôi còn biết xoa một chút phấn hồng lên má, một chút son màu nhạt lên môi. Mỗi lần gội đầu tôi không quên tráng một lần nước chanh tươi cho tóc óng mềm. Nhìn vào gương, tôi thấy mình khác xa con bé lo lem của những năm về trước. 

... Mưa Sài Gòn chợt đến chợt đi... Buổi sáng vội vàng tôi quên không mang dù theo. Trưa ở lại thư viện học bài nên tôi không biết trời đẹp hay xấu. Buổi chiều, ra khỏi thư viện, vừa đi được một quãng ngắn là cơn mưa ập tới. Lính quýnh, tôi đưa cặp lên che đầu, băng qua bên kia đường núp vào hiên của một cửa tiệm. Vậy mà cũng bị ướt nhẹp! Cơn mưa càng lúc càng lớn nên có thêm vài người chạy vào núp chung. Sát bên tôi là một anh chàng trên đầu trùm chiếc áo mưa. Tôi ôm cặp sát vào ngực, mắt nhìn trời lo lắng. Áo ướt khiến tôi lạnh run mỗi khi có cơn gió tạt nước mưa vào chỗ chúng tôi núp. Chợt anh chàng bên cạnh cúi xuống nói khẽ vào tai tôi:

- Chết chưa, áo cô ướt hết rồi. Lấy áo mưa của tôi trùm lên người cho đỡ lạnh. Không khéo bị cảm đó.

Rồi không đợi tôi có đồng ý không, anh ta tự động khoác chiếc áo mưa lên người tôi. Có lẽ do hơi ấm của anh chàng mà tôi thấy mình hết run. Nhưng tôi ngại ngùng cách gì. Phần thì anh ta hoàn toàn xa lạ, sau nữa khi nghe giọng BắcKỳ là tôi «rét». Tụi bạn vẫn kháo nhau con trai Bắc là vua tán gái đó mà! Nhưng cuối cùng tôi cũng lí nhí cám ơn. Có tiếng cười khẽ đáp lại...rồi cả hai im lặng ngó ra đường. Những sợi mưa vẫn mịt mùng đan vào nhau không ngớt. Độ mười lăm phút sau cơn mưa mới chịu dứt hột. Tôi định trả áo thì bị anh chàng ngăn lại:

- Cô cứ mặc về nhà ngày mai trả cho tôi cũng được. Áo cô ướt đi ngoài đường không tiện. Vả lại nhà tôi không còn xa lắm đâu.

Nhìn bộ quần áo toàn tơ màu vàng nhạt của mình đang dán sát vào người, tôi không khỏi đỏ mặt và thầm cám ơn sự tế nhị của anh chàng Bắc Kỳ xa lạ. Tôi hẹn ngày mai gặp chàng ở trường. Anh tên Nhân, năm thứ ba ban Anh Văn.

Trên đường về tôi chợt nhớ đến bài dân ca:
Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi...

Ừ, nếu mẹ hỏi thì anh chàng sẽ trả lời ra làm sao há? Không lẽ nói con cho một người con gái lạ hoắc lạ huơ mượn rồi? Mẹ có sẽ tin hay không? Những câu hỏi lẩm cẩm này theo tôi suốt quãng đường về ký túc xá. Tôi không ngăn được nụ cười cứ chực nở trên môi. Lần đầu tiên trong đời mới có người “săn sóc” như vậy, bảo sao tôi không vui?

Rồi từ đó, không hiểu vô tình hay hữu ý mà tôi gặp anh chàng Bắc Kỳ này rất thường trong thư viện. Chúng tôi cũng chỉ thăm hỏi nhau năm ba câu. Có lần tôi đang hí hoáy biên biên chép chép, không để ý đến người vừa kéo ghế ngồi bên cạnh. Đợi lâu không thấy tôi nhìn sang, anh chàng lên tiếng:

- Gớm, Ngân chăm học quá nhỉ. Anh ngồi đây cả buổi mà cũng chả thèm để ý!
Tôi giật mình. Trời đất! Dám tự động cho mình lên chức, xưng anh với người ta. Tuy vậy tôi chỉ cười:
- A! Xin lỗi, tại Ngân bận viết. Với lại đâu biết là anh Nhân.

Nói chuyện năm ba câu rồi Nhân bỗng hỏi thường thường thứ Bảy, Chúa Nhật Ngân có hay đi chơi đâu không. Tôi trả lời thỉnh thoảng theo chị Kim về Mỹ Tho ăn...hủ tiếu. Khi nhiều bài vở thì ở lại ký túc xá gạo, kẻo cuối năm đạp vỏ chuối mắc công khóc. Đi bát phố một mình thì chán thấy mồ. Nhân cười hỏi tôi có dám đi bát phố với chàng hay không. Bảo đảm hai mình sẽ vui lắm. Nghĩ là anh nói giỡn, tôi đùa lại, bảo rằng phải nghĩ kỹ mới dám trả lời. Hơn nữa có gì bảo đảm đi chơi với anh sẽ vui? Nhân nói muốn biết thì phải thử chứ. Tôi hứ một tiếng rồi vội vàng ra hiệu cho anh chàng im. Có những đôi mắt cú vọ đang chiếu về phía hai đứa. Nhân đứng lên. Trước khi đi ra, anh chàng nói Ngân hứa với anh rồi nhé, xong đi thẳng ra cửa không đợi tôi trả lời. 

Tôi chống tay vào cằm tư lự. Cảm tình của Nhân dành cho tôi có thật hay không? Tại sao trong trường Văn Khoa có đầy dẫy người đẹp mà chàng lại chọn tôi? Tuy thay đổi nhiều, nhưng mặc cảm xấu xí vẫn không thể hoàn toàn biến mất trong tôi. Những lần về nghỉ hè với gia đình, gặp lại vài đứa bạn cũ, tụi nó khen tôi dạo này xinh ra, khác hẳn lúc xưa. Tôi tự hỏi tụi nó khen thật hay muốn cho tôi vui? Vì vậy thấy Nhân săn đón tôi lại băn khoăn, không hiểu chàng có thật lòng hay không?

... Sáng Chúa Nhật trời thật đẹp. Bầu trời trong xanh, vài cụm mây trắng bay hờ hững. Hàng sứ Thái lan nở rộ khoe sắc thắm trước nhà nguyện. Dãy trúc đào đơm bông trắng, hồng lộng lẫy dưới nắng vàng. Tan lễ sáng cũng đã mười một giờ. Theo giòng người bước ra khỏi thánh đường, đứng ngắm hoa một lúc tôi lại lững thững trở lên dortoir- Nhà nguyện nằm trong khuôn viên trường Regina Pacis. Nhìn cái dortoir trống trơn tôi không nén được tiếng thở dài. Sắp chịu một ngày chúa nhật buồn như chấu cắn nữa đây. Vừa định thay chiếc áo dài thì con bé Thúy Linh, trực phòng khách, chạy đùng đùng lên cầu thang, đến trước phòng tôi kêu chị Ngân xuống phòng khách mau lên. Có người kiếm.

Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên :
- Có người kiếm chị? Đàn ông hay đàn bà?
Con bé cười chúm chiếm :
- Đàn ông. Vừa trẻ vừa đẹp trai nữa nè. Chị xuống mau lên.

Tôi vừa đi vừa nhíu mày. Ai vậy kìa? Hay người nào từ Kontum xuống, mẹ tôi nhắn gởi gì chăng?... Nhưng khi bước vô phòng khách, tôi không khỏi sửng sốt khi thấy anh chàng Nhân đang lù lù đứng đó! Nhìn vẻ ngạc nhiên của tôi Nhân cười:

- Bất ngờ quá hả. Anh đến mời Ngân đi ăn trưa. Chàng nhìn đồng hồ rồi tiếp, bây giờ mười một giờ rưỡi, tụi mình ra Thanh Thế ăn. Sau đó nếu không có gì trở ngại anh mời Ngân đi ciné luôn. Rex đang chiếu phim của Catherine Deneuve hay lắm. 

Tôi ngẩn người! Trời đất, cái gì mà đánh mau đánh mạnh quá vầy nè? Chưa biết người ta có chịu đi ăn hay không mà còn thòng thêm cái màn xi la ma. Chưa thấy ai tự tin bằng! Tôi mở miệng định từ chối thì bị chặn ngang:

- Hôm trước trong thư viện Ngân hứa với anh rồi đó.
Tôi lắc đầu chào thua. Vừa tự tin lại vừa bẻm mép. Tuy vậy cũng phải từ chối cho có lệ:
- Ngân không sửa soạn coi luộm thuộm quá...
Mắt anh chàng sáng lên :
- Tưởng gì! Anh thấy như vậy là đẹp rồi. Ngân không cần sửa soạn rườm rà gì cả. Anh chờ Ngân lấy ví rồi tụi mình đi nhé.

Nhìn nét mặt khẩn khoản của Nhân tôi làm sao từ chối được, đành bảo chàng chờ một tí tôi xuống liền. Nói vậy chớ tôi cũng vội vàng thay cái áo dài santung màu ngà điểm những chùm lilas tím nhạt vừa may tuần trước. Xoa tí phấn hồng lên má và một lượt son màu cam lên môi, tôi cầm chiếc ví tay nhỏ trở xuống phòng khách. Nhìn vào mắt Nhân, tôi sung sướng nhận ra mình không đến nỗi tệ!

Nhân đến đón tôi bằng Vespa. Tôi ngượng ngùng ngồi lên phía sau lưng chàng. Trước khi cho xe chạy, Nhân ngoái cổ lại nhìn tôi, cười:

- Cẩn thận nhé. Tốt nhất nên ôm eo ếch anh là an toàn trên xa lộ.

Tôi đỏ mặt nguýt anh chàng một phát và nghĩ thầm “nghèo mà ham”! Nhân cười dòn rồi phóng xe đi.

Món gà quay của nhà hàng Thanh Thế ngon có tiếng, nhưng tôi đâu dám “chiếu cố tận tình” như lúc ăn với mấy nhỏ bạn. Cũng phải ra vẻ nữ thực như miêu chớ bộ. Trong suốt bữa ăn, Nhân kể chuyện làm tôi cười chảy cả nước mắt. Anh chàng có lối kể chuyện thật có duyên. Tôi được biết Nhân có một bà chị đã lập gia đình và hai cô em gái. Tôi hỏi:

- Nhà chỉ có anh là trai, chắc được cưng lắm phải không?
Anh chàng nhăn nhó, ra vẻ đau khổ vô cùng:
- Chết thật, ai cũng tưởng vậy! Có biết đâu những việc được liệt vào loại nặng nhọc trong gia đình là anh lãnh đủ. Nhân liếc tôi một cái thật tình tứ rồi nói bâng quơ, thế có đáng thương không chứ lị! 

Có gì mà đáng thương? Đàn ông con trai thì gánh vác việc nặng nhọc là đúng rồi. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi chớ tôi chỉ cười không phát biểu gì cả.

Lần đầu đi xi nê với một kẻ không phải phe tóc dài nên tôi ngượng lắm. Tôi ngồi cứng đơ, không dám cục cựa vì sợ chạm vào người Nhân. Mắt nhìn trân trối lên màn ảnh, nhưng thật tình hôm đó tôi không biết Catherine Deneuve diễn cái gì nữa! Trong lòng cứ lo lắng, lỡ mà Nhân cầm tay hoặc nổi hứng hôn tôi thì tôi phải đối phó ra sao? Không lẽ tặng hắn một cái tát tai nẩy lửa, hoặc đứng lên bỏ về? … May quá, lần đó không có gì xảy ra và tôi trở về ký túc xá an toàn! Đêm nằm nghĩ lại tôi thấy đi chơi với Nhân thật vui, vì vậy những lần kế tiếp sau đó tôi không còn phải viện cớ để từ chối. Lại còn oái oăm hơn nữa là một vài tuần không gặp Nhân tôi đâm ra… nhớ! Tuy vậy tôi vẫn giữ một khoảng cách với anh chàng, không bao giờ tỏ ra quá thân mật. Cho đến một hôm Nhân rủ tôi đi ciné. Vừa đến ngã bảy Saigòn, để tránh một người băng qua đường, Nhân thắng gấp. Tôi mất thăng bằng ngã chúi vào lưng chàng và suýt nữa té xuống đường. Bị một phen hú vía! Nhân quay lại nói:

- Thấy nguy hiểm chưa. Anh đã bảo Ngân chịu khó ôm ngang lưng anh. Không nghe lời, bị té anh không chịu trách nhiệm à nghen!

Thôi thì đành chịu khó vậy. Rủi té mang thương tích càng nguy hơn. Nghĩ vậy tôi rụt rè vòng tay ôm ngang bụng Nhân. Chàng cười khẽ, đặt một tay lên tay tôi bóp nhẹ. Kỳ ghê, tự nhiên như có một giòng điện thật ấm áp chạy khắp châu thân. Tôi mắc cỡ nhưng không giựt tay lại, mà giả lơ như…không có gì cả!

Lần này trong rạp hát “hắn” tiến thêm một bước. Choàng tay qua vai tôi, anh chàng cúi xuống thủ thỉ:
- Ngân ơi tự nhiên bữa nay anh thấy vui ghê! (vô duyên chưa. Có gì vui đâu? Trên màn ảnh, Roméo và Juliette đang khóc lóc thảm thiết. Vậy mà Nhân tuyên bố là vui quá. Anh chàng này cái đầu chắc là có vấn đề!) 

Tôi liếc anh ta một phát bén ngót ngụ ý trách móc, rồi quay trở lại màn ảnh. Cuốn phim đang hồi gay cấn. Roméo vào nhà mồ, tưởng Juliette chết thiệt chàng ta khóc quá trời. Không cầm được nước mắt, tôi sụt sùi khóc theo. Nhân ôm vai tôi bóp nhè nhẹ tỏ dấu an ủi. Đang xúc động mạnh, tôi ngả đầu vào vai chàng lúc nào không hay. Một lúc sau Nhân cúi xuống thì thầm:

- Tội nghiệp quá. Anh mong là chúng mình không bao giờ gặp hoàn cảnh này!

Như choàng tỉnh một cơn mơ, tôi xấu hổ ngồi thẳng lên và bỗng dưng thắc mắc tại sao Nhân lại nói “chúng mình”? Không lẽ …? Tôi len lén đưa mắt nhìn sang Nhân. Ánh mắt và nụ cười của chàng khiến tôi đỏ mặt, nhưng đồng thời một cảm giác êm dịu, ngọt ngào lâng lâng như sương khói choáng ngợp tâm hồn tôi. Trời đất, không lẽ tôi bị sa chân vào lưới tình? Không đâu, không đâu. Chúng tôi chỉ là bạn thôi mờ!

Xem phim xong, Nhân rủ vào quán kem Mai Hương. Anh chàng đoan chắc kem lạnh sẽ khiến tinh thần tôi dịu xuống, bớt xúc động vì cuốn phim. Ngồi đối diện với Nhân, lần đầu tiên từ hồi quen biết, tôi ngắm kỹ chàng. Nhân không có dáng bạch diện thư sinh. Làn da ngăm khỏe mạnh. Cặp mắt sâu dưới hàng lông mày rậm. Chiếc mũi thẳng, cái miệng tươi, lúc nào cũng sẵn sàng khoe cái núm đồng tiền “ hơi” lõm ở má phải. Tiếng Nhân làm tôi giật mình:

- Quan sát kỹ chưa cô bé? Thấy anh thế nào. Đáng bao nhiêu điểm?
Tôi làm bộ suy nghĩ. Nhân nhìn tôi chăm chăm. Tôi gật gù:
- 18/20 chịu chưa?

Cả hai cùng cười. Nhân hài lòng ra mặt. Bỗng dưng tôi có cảm tưởng nếu không còn được gặp chàng nữa chắc tôi sẽ buồn ghê gớm. Tôi sẽ chết héo chết mòn. Rồi thay vì chất kem lạnh làm tim tôi bớt đập, đàng này nó còn đập mạnh hơn. Tôi e dè đưa mắt ngó quanh, chỉ sợ người ta “nghe thấy!”. Từ giây phút này tôi biết không thể nào thiếu Nhân trong cuộc đời. Tất cả những mối tình câm, những mối tình con, những thầy Trung… phút chốc đã tan thành mây khói. Trong tim tôi bây giờ chỉ có Nhân. Tôi đưa mắt nhìn chàng âu yếm. Nhân hiểu nên đưa tay qua nắm tay tôi để trên bàn siết chặt. Tôi để yên và mĩm cười. 

Hè năm đó Nhân theo tôi lên Kontum chơi hai tuần, tiện thể ra mắt gia đình tôi. Anh yêu cái tỉnh lỵ nhỏ bé, hiền hòa này ngay từ phút đầu đặt chân xuống phi trường. Những ngọn núi xanh lam bao quanh thành phố thật hùng vỹ. Dòng sông Dakbla trôi êm đềm giữa hai bờ cát trắng phau. Đứng bên này ngó về hướng thành phố, hàng phượng vỹ dọc bờ sông trổ bông rực rỡ, đỏ như xác pháo ngày cưới (đó là lời ví von của Nhân!). 

Ban đầu thấy chàng là dân Bắc Kỳ chính cống, mẹ tôi hơi ngại. Một con bé thiếu nữ tính trầm trọng như tôi mà dám lăm le “nhào dô” trong một gia đình người Bắc, thì chao ôi… bà không dám nghĩ tiếp! Bà nói người Bắc vốn rất tế nhị, ăn nói rào trước đón sau, cái kiểu ăn nói thẳng thừng, huỵch toẹt như tôi thì ba bảy hăm mốt ngày, thế nào cũng có đụng chạm… nháng lửa chớ hổng chơi! Tôi vội vàng kể cho mẹ nghe những lần Nhân đưa tôi đến chơi nhà chàng. Cả nhà, có nghĩa là từ bố mẹ đến chị em Nhân đều đối với tôi thật tốt. Tôi còn được thưởng thức những món bắc ngon tuyệt cú mèo như bún chả, bún thang, chả cá… do mẹ chàng đích thân nấu nướng. Bà thương tôi xa gia đình, mà ăn uống trong ký túc xá thì xin miễn bàn! Vì vậy bà hay làm những món ngon mỗi khi có tôi đến chơi. Coi vậy chớ những câu nói đặc sệt Nam Kỳ, đôi lúc ngớ ngẩn nhưng thật thà của tôi đã từng cống hiến cho họ nhiều trận cười đầy thú vị. Nói cho cùng, tôi cũng “khôn” ra nhiều từ khi sống chung với hơn bốn chục nàng trong ký túc xá Régina Pacis. Tôi học được một chiêu thật lợi hại là ai nói gì mình cũng nhe răng ra cười là xong chuyện, không cần tranh hơn thiệt, vừa tốn sức lao động vừa mua thêm oán thù! Tôi biết chắc Nhân yêu tôi vì tôi. Chàng đã từng nói không thích cái nhan sắc thật hoàn hảo nhưng trơ, lạnh. Cô nhỏ Ngân tuy không phải chim sa cá… rụng (rời), nhưng có duyên ngầm! Nhan sắc có thể phai tàn, nhưng cái duyên thì muôn thuở. Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên nhưng có vẻ yên lòng. Chỉ hai tuần thôi mà khi Nhân rời Kontum, ba mẹ tôi tỏ ra rất bịn rịn. Ôi cái anh chàng Bắc Kỳ lém lỉnh của tôi!

Số tôi tiền hung hậu kiết. Sau khi xong cái cử nhân văn chương, tôi và Nhân đồng ca bài Qua Cầu Gió Bay: Yêu nhau cởi áo cho nhau….

Tôi chỉ ước mơ có một mái gia đình, một hạnh phúc thật giản dị, như chuyện cổ tích mà có lẽ ai cũng từng nghe qua:… và họ lấy nhau, sau đó sanh thật nhiều con…!!! 

Tiểu Thu