Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Mùa Thu Nơi Giáo Đường

Lá mùa uống giọt sương rơi
Tình người thấm mát ân Trời tuôn ban
Hồi chuông nhẹ tiếng ngân vang
Giáo Đường thu tịnh bình an bên Ngài
Bóng nhỏ lặng lẽ tìm về
Tạ ơn Chúa xót vỗ về đời con.
(Kim Oanh)












Thơ& Hình Ảnh: Kim Oanh
Mùa Thu Mt. Macedon, Melbourne2018

Trăng Quên Về Bến Cũ Đêm Nay


Trăng quên về bến cũ đêm nay
Đèn hoa đăng rực rỡ phương này
Tim ta buốt lạnh hồn băng giá
Nhớ ánh trăng vàng theo gió lay

Trăng u hoài thênh thang bến sông
Màu trăng xưa huyền ảo vô cùng
Lung linh bóng nước chìm cơn mộng
Sương khói chập chùng ai nhớ mong

Trăng thưở tự tình trăng mến thương
Hôm nao ngây ngất khúc nghê thường
Trăng nghiêng tha thướt chìm trong gió
Giữa muôn trùng trăng gieo vấn vương

Trăng khuất xa rồi đêm ước ao
Ta ngủ say dưới cội hoa đào
Thuyền ai lặng lẽ trôi trên sóng
Người đợi trăng về trong khát khao …..

Khiếu Long

Bạn Thơ



Nhớ thời kỷ niệm - bạn làm thơ!
Có phải thời gian gió bụi mờ?
Chữ bạn mượt mà đan lối mộng
Bút ta tha thướt dệt đường mơ
Quanh năm mòn mỏi đìu hiu đợi
Suốt tháng ngẩn ngơ rã rượi chờ
Ngoảnh lại xem trời - mây ảm đạm
Thôi đành tạm biệt - bạn làm thơ

Trương Văn Lũy 
18/9/2018

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 21


Tôi vẫn xuôi ngược Sài Gòn - Rạch Giá nhưng lúc sau này nhờ có dịp làm chứng minh nhân dân lại có chụp hình tôi cũng nhân cơ hội đó điền đơn làm CM, nên có được tấm giấy bỏ túi, còn tên công an trên phường nhắn ba tôi nói tôi chịu chút tiền thì y cho tôi nhập hộ khẩu nhưng tôi không chịu tôi nói với ba:
Nhập hộ khẩu làm gì vài bữa tôi vượt biên nữa lại phải gạt ra
Ba tôi bảo: 
- Tại sao mày cứng đầu quá dzậy, lúc trước mày xin người ta không cho, giờ người ta cho mày lại không chịu, tại sao mày cứ muốn vb đàn bà con gái ai bắt nghĩa vụ mày chớ. 
Ba nói mặc ba tôi có ở Rạch Giá thường đâu, tôi chỉ xin giấy tạm trú mà thôi khi thì bên nhà khi thì bên cô tư tôi... nghe có tức cười không chớ là con trong nhà mà xin tạm trú như khách vãng lai, tôi như một người khách trọ trên chính quê hương mình, sao tôi không tìm một bến đổ bình yên...? nào ai biết tôi nghĩ gì !?

Có một hôm tôi đi Sài Gòn về má tôi bảo bà 5 vợ thứ hai của ông Tám Cảnh bạn má hỏi cưới tôi cho Đổ, má hỏi tôi chịu không? (Đổ là bạn tuổi thơ của tôi mà có đi Hà Tiên chung đó, hồi nhỏ phá làng phá xóm đá banh tắm sông chung mờ, sau 75 gđ má nó dời nhà lên gần cầu đúc ở, nhà ở xóm tôi thì gđ má lớn nó. Tía nó thì đi đi về về giữa ba bốn nhà ba bốn bà, lúc tôi làm ty bưu điện thì nó làm bên nhà văn hoá cũng gần bưu điện gần cầu cá đồng... nó vẫn thường đạp xe trở về xóm cũ ngồi tán dóc với bạn bè xưa, tụi tui cũng mày tao mi tớ như xưa, dầu đứa nào cũng hai mươi ba hai bốn tuổi.

Nghe má tôi nói thế tôi bảo để hỏi nó rồi chiều hôm sau nó chạy xe xuống xóm đậu ở nhà Nghiềl chưa kịp xuống yên xe tôi bước đến gác tay lên vai nó hỏi: 
- Ê ...Đổ ...bộ mày định cưới tao hả ?
- Ai nói ...? 
- Má mày hỏi má tao kìa 
Mặt nó đỏ rần trả lời tui: 
- Tao hỏng biết 
- TRỜI.... mày hỏng biết sao tao dám ưng? mà mày có thương tao không chớ?
- Đã nói tao hỏng biết ?.

Hai đứa tui nói chuyện hỏi qua hỏi lại mấy đứa bạn cũ ở xóm cười quá chừng làm nó thêm mắc cở nói tôi VÔ DUYÊN. Mà tui cũng hơi vô duyên thiệt ai đời con gái mà đi hỏi con trai thẳng thừng dzậy, mà nó nhìn cũng đẹp trai 
Vài ngày sau má tôi lại nhắc hỏi tôi có ưng không? 
- Tao thấy mày với nó cũng xứng đôi, bằng tuổi nó cũng đẹp trai
- Tôi hỏi nó rồi (Đổ) nó nói nó hỏng biết ...
- Mày vô duyên vừa phải thôi chớ đi hỏi thẳng người ta 
- Nó bạn tui mà mắc cở gì... cưới về đánh lộn tiếp à. TUI sẽ đi vượt biên nữa ...
Duyên nợ hỏng thành nhưng tui với nó vẫn là bạn mỗi lần gặp tôi nó thường nhắc chừng nào có chuyến nhớ rủ nó đi chung cho có bạn ....Ừ .. 
Tôi hứa rồi lại quên.... nên sau này gặp lại nó vẫn trách: 
- Mày xấu quá đi không rủ .....


Tôi chờ... tôi đợi... nhưng chuyến này rồi tới chuyến khác, nay thấy vắng người này mai nghe tin kẻ khác, lúc sau này chú ghé thường hơn nhưng cứ bảo chờ... chờ hoài... chờ đến khi nào, nói để làm thêm vài chuyến có chút đỉnh vốn 
Có khi chú ghé mượn tiền mua xăng dầu (sao tôi ngu quá không thừa cơ hội hỏi dùm bạn bè hoặc bắt mối kiếm vàng) nhưng tôi chỉ than phiền hoàn cảnh chế ba, chú bảo để chú lo cho chế đi với em Liên (thế còn tôi? .. lại bảo chờ đi chung với chú... đi một mình ai lo) đúng là lo con bò trắng răng chị ta đã từng đi một lần rồi sao. Nhưng em Liên không ra kêu chế ba mà rủ bạn đi cùng ... rồi cũng đến Songkhla

Tôi chờ hoài nên gần cuối năm 80 tôi dắt chế ba với thằng em út đi xuống tàu 
Nhưng nằm điểm thì chế ba bỏ về không đi còn tôi và thằng em út đi ..
Ghe chạy được gần một ngày đêm thì hư một máy tấp vào một hòn đảo ngoài khơi mênh mông là trời nước chúng tôi không biết đây là đâu? Đã ra khỏi hải phận hay còn lảnh thổ Việt nam .
Trời ơi ...! xuống tàu kiểm lại thì cả tàu vừa đàn ông đàn bà con nít trên trăm mạng chiếc ghe thì nhỏ xíu chưa đi đến đâu mà máy đã hư (cũng hên trong cái rũi có cái may, nếu máy không hư thì ra khơi gặp sóng to gió lớn chắc làm mồi cho cá mập rồi, mới thấy dân vb điếc không sợ súng đem sinh mạng và tài sản phó mặc cho người, có những người tổ chức chẳng lương tâm tổ chức sơ sịa để lấy vàng sống chết mặc ai phó cho trời, ghe tàu cũ kỹ máy móc tồi tàn la bàn hỏng có tài công tài tay ngang thợ máy thì không rành có khi chỉ là anh thợ sửa xe Honda, không biết chế hai tôi bắt mối ở đâu mà ghê quá, đến ngày đi thì đổi ý nhường cho tôi, may mà hư máy trước khi ra hải phận nếu không chắc Ngọc Hoàng giũ sổ rồi, giờ nhắc lại còn thấy sợ.
Xin cắt bớt một đoạn trong chuyến vb này vì chuyện cũ đã qua nhắc lại làm gì 
lần này tôi thật sự sợ hải, định không đi vb nữa về tu tỉnh làm ăn, nhưng người ta ai cũng có số cả, số đi xa là phải đi xa.
Sống ở đó được hai ngày thì xa xa thấy một chiếc ghe câu hỏi ra mới biết còn trong vn, máy thì sửa không được nên năn nỉ cho tiền kêu ông già vô báo công an ra bắt dùm... đúng là cười ra nước mắt... bỏ tiền ra để được ở tù..
Ở tù còn có ngày ra, đi tiếp chắc gì đã sống !!!
Thế là tôi lại ở tù nhưng lần này ở cà mau tận cùng đất nước, lần này chị ta kinh nghiệm khai người sg có con nhỏ lại tật nguyền nên khỏi đi lao động 
Lúc bị bắt thì tiền bạc bị lấy hết rồi... (kinh nghiệm xương máu tôi không mang theo gì cả chỉ có vài bộ đồ chút tiền ăn dọc đường) để lỡ có bị bắt hoặc thoát được cũng chẳng có gì để mất...

Nên khi ở tù tôi không có gì kể cả lon đựng cơm, tôi lượm bọc nylon rách rửa sạch đựng cơm, rồi họ múc cho cả đám một gùa muối hột đen thui loại mới cào lên từ ruộng muối chưa nấu lại, khi mới bị bắt họ nhốt ghe chúng tôi ở trại nào tôi không nhớ, giống như trại nhốt bò xung quanh đóng bằng thân cây tràm không có vách chỉ có những hàng tràm cách đều nhau, trên thì có một dãy dài cao một mét lót phiên liếp làm gường, bốn bề gió lộng trên nóc thì lợp bằng lá dừa nước. Trời ơi muỗi cà mau thật là khủng khiếp giống như muỗi đòn sóc chích vào một cái nhức thấu xương ....
Bạn có nghe câu: 
Muỗi kêu như sáo thổi 
Đĩa lền tựa bánh canh 

Có cô bạn bán thuốc tây và hai chị em con gái bạn trẻ đi chung chuyến này, có một chiếc mùng đơn tụi tui giăng ngang, năm mạng đút đầu vô, khúc chân thì mặc thêm hai cái quần, một cái kéo lên nữa chừng thôi phần ống phủ cặp giò 
mà muỗi cũng tấn công, sáng ra mình mẩy chân tay tàn là hột xoàn 5 ly 

Ở đó một tuần thì giải về trại cầy gừa cà mau, quí vị có thử mười ngày không tắm chưa? ...Ôi ngày đầu tiên về trại cây Gừa phát 2 người một sô nước để tắm 
tôi đi tắm trước (lần này tắm riêng vì trại có nhiều nhà tắm đơn và trong trại mọi người đi lao động chưa về) tôi úp ca nước trên đầu cho nước nhiểu từ từ mà gội đầu, rồi xối nửa ca cho ướt mình mà kỳ cọ
kỳ tới đâu rét bẩn (hồm) ra cả cục thế là tôi xài hết cả sô nước, thôi ra năn nỉ cô kia nhịn tắm một ngày nữa, mai tôi khỏi tắm ...... Trời ơi tắm xong tôi tưởng mình sắp lên thiên đàng, người nó nhẹ lâng lâng...hạnh phúc nào hơn.
Có nhiều thứ hạnh phúc mình tưởng nó cao xa nhưng thật ra rất gần, nó xảy ra hằng ngày trong cuộc sống mình không thấy quí, lúc mất đi thì thấy hối tiếc em tôi thèm ăn thêm miếng cơm cháy 5 giờ sáng người ta phát cơm sớm cho những người đi lao động, em cứ giở mùng chung ra chung vào chờ người ta phát cơm để xin thêm miếng cơm cháy rồi mới cất đi ngủ tiếp để sáng thức dậy ăn....Ôi cao lương mỹ vị gì đâu có hôm cơm khét cháy đen em vẫn xin 
Nói hơn khét thôi ăn cũng thơm ....

Lần này tôi không phải đi lao động vì có con nhỏ tật nguyền, tôi không biết cách nào để nhắn gia đình thăm nuôi, vì ai đâu ngờ tôi ở tù tới tận cà mau
Năm ấy gần đợt tết nên có lệnh ân xá cho đám đàn bà và trẻ con (nuôi làm gì cho tốn cơm không có đi lao động) nên mẹ con tôi được thả, trong đợt này có bà bầu ở xóm cầu tầu mỹ đi chung ghe với tôi cũng thả về cùng lúc, buổi trưa có tên được thả đi ra trại cũng mấy chục mạng tôi thì cõng em trên lưng,em tay xách giỏ đồ từ trại ra tới đường cái cũng gần 5 cây số, nên đi riết một hồi chỉ còn hai mẹ con tôi và bà bầu vì vừa đi vừa nghỉ 

Ra tới đường cái gặp mấy người dân tốt bụng cho quá giang xe bò đi một đoạn rồi đi bộ đến bến xe hai đứa lại không tiền, tiền đâu mua vé tôi hỏi bà bầu có mấy bộ đồ em bé chưa sanh mua sẵn đem theo khi sanh ở trại tỵ nạn, giờ vb không thành thì về nhà sanh, tôi đứng tại bến xe cầm mấy bộ đồ kêu gọi năn nỉ khách vãng lai mua ủng hộ tiền xe, cuối cùng tôi cũng bán được vì toàn đồ mới, nhưng xe từ Cà Mau- Rạch Giá không còn chỉ có chạy buổi sáng mà thôi... tôi tính toán mình không tiền, thì ngủ đâu nơi xứ lạ quê người rồi nào tiền ăn từ chiều nay đến sáng hôm sau chưa chắc mua được vé xe... ôi khi túng nghèo, con người ta tính từ miếng cơm ly nước.... nghèo tận cùng bằng số, đói quá chỉ dám mua hai ổ bánh mì không và chai nước lạnh, tôi phải tìm cách đi về nội chiều nay... tôi để bà bầu và em tôi ngồi đó mình thì chạy đi hỏi thăm và tìm cách rời cà mau...

Xin hẹn kỳ 22 để xem cô ta làm sao về đến quê nhà cho kịp ngày đưa ông Táo

Hình Toàn



Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Thơ Tranh: Hạnh Ngộ


Thơ: Yên Nhiên
Thơ Tranh: Kim Oanh


Hỏi Thu


Hỏi Thu đến đã lâu chưa
Vàng theo chiếc lá rụng vừa nghiêng qua
Cúc vàng nghiêng cánh mượt mà
Sao lòng man mác nhớ xa, xa vời

Hỏi Thu đến tự xa xôi
Có mang về những nụ cười xa xăm
Kéo trời xa lại rất gần
Những lời chim hót ân cần gọi nhau

Có nghe tiếng sóng qua cầu
Dìu đôi tà áo vàng màu Thu xưa
Cho chiều lất phất cơn mưa
Nép vào nhau ấm chiếc dù che thương

Tóc em ướt mấy sợi buồn
Khăn tay lau mãi còn vương giọt tình
Hàng cây nghiêng xuống lặng thinh
Lắng nghe mưa kể chuyện mình đó thôi

Hỏi Thu xa cách lâu rồi
Về đường cũ có bồi hồi lòng Thu
Có hay phố đứng lặng chờ
Hàng cây giăng võng nằm mơ bóng người

Có về bến cũ nước trôi
Con đò xuôi ngược một thời tóc bay
Cột thời gian với Thu gầy
Cột tình với những ngất ngây hẹn hò

Có nghe tiếng gió đưa đò
Trong vàng thương nhớ lá khô cựa mình
Cố xanh, lá cố vươn xanh
Trở về cái thưở chòng chành nhớ nhung

Hỏi Thu đồi núi chập chùng
Nơi nào là chốn vô cùng tình yêu
Thiên đàng đôi trái tim reo
Mắt người hồ biếc thơ chèo ngụp bơi ?

Trầm Vân

Trăng Mơ



Trăng muôn đời như nguyệt
Lơ lửng giữa bầu trời
Lung linh mầu diễm tuyệt
Soi sáng đẹp trần gian

Trăng dịu dàng như nguyệt
Nằm nghe gió tỏ tình
Giữa bầu trời huyễn hoặc
Gió ru tình lung linh

Ta tìm trăng như nguyệt
Mơ tưởng chuyện một thời
Mối tình xưa biền biệt
Lòng vẫn nhớ một đời

Ta nhìn trăng như nguyệt
Gom nhặt lại nhẫn nha
Của chàng trai xứ Việt
Hồn hướng về quê xa

Trong đêm sầu như nguyệt
Chênh chếch dưới mặt hồ
Trăng treo lầu vọng nguyệt
Vằng vặc chốn hư vô

Trăng cô đơn như nguyệt
Một bóng nơi cung hằng
Lẻ loi kìa chú cuội
Âm thầm mơ hằng nga

Ta mơ trăng như nguyệt
Rung mãi khúc nguyệt cầm
Cho đời luôn cuồng nhiệt
Một mối tình lặng câm

Ta chờ trăng như nguyệt
Ghé xuống góc phòng này
Trái tim ta minh nguyệt
Tim ta nầy, dâng đây!

Đỗ Hữu Tài
(Trung Thu tưởng nhớ Bạn Thơ)

Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn


Những giai điệu ngọt ngào, những lời ca tha thiết hợp với chất giọng làm say đắm lòng người. Những ca khúc quen thuộc khơi dậy kỷ niệm như khúc phim cũ vọng từ ký ức đưa ta trở về quá khứ kéo thời gian và không gian lùi lại. Viết về một người đã khuất rất khó, người đó còn nổi tiếng có những nhạc phẩm vang bóng một thời lại càng khó hơn! 

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn lấy tên thật làm bút hiệu, ông sinh 01 tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bắt đầu viết nhạc từ năm 1946, những tác phẩm đầu đời: Đừng Quên Nhau, Trăng Lại Sáng, Thuyền Lãng Tử, Lời Việt Nữ, Ngày Mai Trời Lại Sáng, Nắng Chiều…vv….Ông có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ nên tự học nhạc, sau đó xin học hàm thụ tại một trường dạy âm nhạc tại Pháp. Ông là hội viên của Nhạc Sĩ Pháp (S.A.C.E.M), từng dạy âm nhạc tại trường học Nguyễn Duy Hiệu. Nhờ thông minh và giỏi ngoại ngữ, lại biết phương pháp quản trị nên vào năm 1965 ông được nhiệm điều hành một số Công ty thương mại ngoại quốc của Pháp và Mỹ tại Đà Nẵng, Công ty Mekong của VN ở Khánh Hội. Năm 1970 ông lập gia đình. Sau biến cố 1975 ông mở lớp nhạc tại tư gia và làm đàn để sinh sống. 

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác nhạc vì nghệ thuật không sáng tác vì thương mại, ngay những lúc còn cơ hàn ông cũng không chạy theo theo phong trào nhạc thời trang để sáng tác bán nhạc. Dù bận rộn công việc làm ảnh hưởng đến sáng tác nhưng nhạc sĩ vẫn mê viết nhạc nên đã hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết chung ca khúc Lá Rơi Bên Thềm. Đây là một chuyển hướng trong sáng tác của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Ca khúc Lá Rơi Bên Thềm rất hay giai điệu lạ. nhưng mùa thu của Lê Trọng Nguyễn là mùa thu xứ Quảng, thu Đà Lạt và thu Sài Gòn, còn mùa thu của Nguyễn Hiền là mùà thu xứ Bắc, mùa thu Hà Nội. 

( Lá Rơi Bên Thềm – Ca Sĩ Mỹ Thể, Thu Âm Trước 1975)

Ngày đó nhạc sĩ Nguyễn Hiền rất nổi danh qua những ca khúc Gởi Người Em Nhỏ viết 1945 phổ thơ Thiệu Giang, ca khúc Tìm Đâu 1961, ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân 1962 phổ thơ Kim Tuấn, ca khúc Mái Tóc Dạ Hương phổ thơ Đinh Hùng… Từng đảm nhiệm Chủ sự phòng Chương trình Đài Phát thanh Sài Gòn, Phụ tá giám đốc Đài Truyền Hình VN. Trong khi nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn viết nhiều ca khúc hay và gía trị nhưng ít phổ biến, nhất là ông không sống trong giới âm nhạc vì phải đảm nhiệm các công ty thương mại, do đó công chúng thuộc bài Nắng Chiều nhưng quên tên tác giả! Thuở đó một số người trong công chúng còn lầm giữa nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên tác giả ca khúc tiền chiến Trăng Mờ Bên Suối, ca khúc được phát thanh hàng tuần trên các Đài phát thanh Sài Gòn và Quân Đội trong những chương trình nhạc chủ đề, nhạc thính phòng…

(Trăng Mờ Bên Suối - Ca Sĩ Thanh Thúy)

Từ năm 1965 dòng nhạc Boléro được nhiều nhạc sĩ tài danh của Miền Nam viết nên đã đưa dòng nhạc này lên đến đỉnh cao kéo dài cho đến 30 tháng tư năm 1975 mới bị chính quyền CS nghiêm cấm và mới được hồi sinh rực rỡ vài năm gần đây. Ca khúc Nắng Chiều điệu Boléro năm xưa vẫn có một chỗ đứng riêng trong lòng công chúng mãi đến nay.

Người ta bảo “Thơ là Người“, nhưng đôi khi tác phẩm và tác giả có khác nhau, nhưng tác giả vẫn phải sống thật với chính mình mới có cảm xúc thật để có được tác phẩm hay. Lê Trọng Nguyễn là nhạc sĩ có tài, tâm hồn đầy lãng mạn nhưng cuộc sống của ông lại ngăn nắp cần cù chí thú làm ăn xa cách thế giới thăng trầm của nghệ sĩ! 
Những cái hay cái đẹp về con người và tác phẩm của ông đã có nhiều người viết làm tôi chẳng biết viết gì thêm! Ở Paris trong giới văn nghệ sĩ có nhiều người quen biết anh chị Lê Trọng Nguyễn từ lâu, nay có người còn kẻ mất, tôi đã liên lạc muốn các vị đó thay mặt các bạn viết những cảm tưởng về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn nhưng tuổi đời của họ quá cao nên ngại cầm bút! Tôi xin có đôi dòng cảm nghĩ về nhạc Lê Trọng Nguyễn: 
Vào mùa thu, ngày 23 tháng 10 năm 2005 chị Nguyễn Thị Nga có sang Paris và muốn thăm một số bạn văn nghệ quen biết với người bạn đời của chị là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Tình yêu của chị đối với chồng thật là son sắt làm chúng tôi cảm động. Do đó CLB Văn Hóa VN Paris đã tổ chức một buổi vinh danh nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, ra mắt 2 tác phẩm: Tuyển Tâp Nhạc Lê Trọng Nguyễn và CD “Lá Rơi Bên Thềm“. 
Hôm đó quy tụ nhiều khuôn mặt nổi tiếng trong giới văn học nghệ thuật: Nhạc sĩ Xuân Lôi, Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, Nhạc sĩ Trịnh Hưng, Nhạc sĩ Phạm Đình Liên, Nhạc sĩ, Nhạc sĩ Minh Nhật,Thi sĩ Phương Du, Thi sĩ Kim Thành Xuân, Thi sĩ Quyện Tâm…Nhà thơ nữ Như Ninh, Nghệ sĩ Bích Thuận, Nghệ sĩ, Nghệ sĩ Thúy Hằng, nghệ sĩ Thy Như, nghệ sĩ Minh Cầm, Nhiếp ảnh gia Hùynh Tâm, Nhiếp ảnh gia người Pháp Bernard, Lan Phương, Đỗ Bình ….vv... 


Hôm đó rất nhiều người lên phát biểu cảm tưởng và tâm tình. Có người trình bày những ca khúc của Lê Trọng Nguyễn, có người làm thơ tặng. Thi sĩ Phương Du, BS Nguyễn Bá Hậu sau khi nghe hát bài Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn đã lên nhận xét về ca khúc. BS Nguyễn Bá Hậu tác giả nhiều thi tập, tuổi đời cao hơn nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và cũng là một nhạc sĩ chuyên viết Thánh Ca. BS Nguyễn Bá Hậu phát biểu:“Không phải ca từ trong Nắng Chiều tất cả đều hoàn hảo, lời lẽ sau đây trong ca khúc chưa được hoa mỹ: giọng hát câu hò thôi hết đưa , hình dáng yêu kiều kề hoa tím biết đâu mà tìm…nhưng những câu khác thì thật rung cảm. Từ cái đẹp trong ca khúc đã gợi cho tôi có cảm hứng đồng thanh đồng tình với tác giả làm bài thơ để họa ý nhạc lời ca:

«Lạnh lùng trong nắng lưa thưa
Tới nơi thôn cũ chân đưa không hồn
Nhớ em màu má tươi hồng
Tóc thề vương nhẹ dáng trông gầy gầy
Long lanh cặp mắt thơ ngây
Qua sân chạnh nhớ phút giây em thề
Tim anh hầu quá tái tê
Duyên em chẳng biết ghé về nơi đâu
Nay thời lá úa nương dâu
Giọng hò điệu hát đưa sầu chia phôi
Mây chiều lướt thướt vương đồi
Nắng chiều nhạt chiếu ngừng trôi gợi buồn.»
( Phương Du) 

Có thể nói từ trước đến nay thông thường người ta phổ thơ thành nhạc, đây là lần đầu tiên Nhạc được họa từ Thơ, bài thơ rất hay lấy từ ý nhạc và lời ca . Thi sĩ Phương Du phải yêu bài ca lắm chất nhạc mới thẩm thấu vào tâm hồn bằng âm thanh mà cảm được cái vô hình chuyển thành hữu hình thành con chữ tỏa hồn trên mặt giấy. Về nghệ thuật nhạc sĩ chú trọng nhiều đến giai điệu cốt cho âm thanh véo von trầm bổng, còn thi sĩ thì chú trọng về vần điệu, ngôn ngữ mạch lạc giản dị v.v…
Nhạc sĩ có thể ngắt danh từ kép lướt thướt thành hai nhịp như: mây lướt // thướt trôi // nhưng thi sĩ thì không viết như thế được: mây chiều // lướt thướt // vương đồi...

Hôm đó Chị Nguyễn Thị Nga xúc động mắt rưng lệ vì vui, làm sao mà không vui khi gặp lại một số nghệ sĩ đã từng có những tác phẩm vang bóng một thời. Thơ là tiếng lòng, chẳng có lời phát biểu nào hơn là chị đọc một bài thơ của mình mới làm để tưởng nhớ những năm tháng cùng chồng trải qua bao ngọt bùi gian khổ mà tâm hồn vẫn đẹp. Trong số người có mặt hôm ấy có nhiều người bạn thời con gái, có người là bạn đồng nghiệp của chị. Đó là kỷ niệm đẹp, một món quà tinh thần đầy tình nghĩa mà anh chị em Paris tặng chị mang theo khi trở về Mỹ.

Mang một tâm hồn đa cảm, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác không nhiều, “cầu tinh bất cầu đa,“ nhưng lại có một số ca khúc hay và giá trị, mỗi nhạc phẩm mang một nét riêng, độc đáo. Cấu trúc, giai điệu và ca từ đều chăm sóc chọn lựa từng hình nốt, cung bậc. Nhạc phẩm Nắng Chiều đưa tên tuổi Lê Trọng Nguyễn ra khỏi đất nước hòa chung dòng nhạc các nước để giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam với thế giới. Nắng Chiều cung Sol trưởng có chút âm hưởng dân ca Nhật, chất Á Đông trầm lắng được phối với thể điệu Rumba Boléro của vùng trời xa xăm Nam Mỹ. Chất nhạc lãng mạn trữ tình mềm mại réo rắc buồn man mác làm lâng lâng người nghe. Vào đầu thập niên 50 điệu nhạc Rumba Boléro mới du nhập vào nước ta rất ít nhạc sĩ sáng tác thể điệu này. Những ca khúc Bolero, Rumba được phổ biến ở các phòng trà Hà Nội như ca khúc Trăng Sơn Cước của nhạc sĩ Văn Phụng, Cô Hàng Nước của nhạc sĩ Vũ Huyến, Gió Mùa Xuân Tới của Hoàng Trọng, Hoa Soan Bên Thềm Cũ của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Làn điệu Rumba vui tươi lãng mạn, chưa buồn bã da diết như dòng Boléro sau này trong thời chiến.


Về ca khúc Nắng Chiều tôi được GS, Học giả Võ Thu Tịnh kể cho tôi và GS Nguyễn Thùy nghe tại nhà ông, anh Nguyễn Thùy quê quán Quảng Nam, là nhà nghiên cứu văn học, tác giả trên 20 bộ sách, hiện còn sống và đang ở Marseille, tôi xin thuật lại:“ GS Võ Thu Tịnh, tác giả nhiều bộ sách viết về văn hóa VN, ông Sanh ngày: 2 07 1920, tại làng Long Phước, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cử nhân giáo khoa Việt Hán, tốt nghiệp khoa chính trị Đại học Indiana, Hoa Kỳ. Nguyên Giám Đốc Thông tin Trung phần (Huế 1955-56), rồi Nam phần (Sài Gòn 1955- 1961). 
Trong thời gian ấy, làm trưởng phái đoàn Báo chí Cộng Hòa Miền Nam VN dự hội nghị Ban Dung (Nam Dương 1955) với tư cách quan sát viên. Năm 1961 từ chức Giám đốc, làm giáo sư các tư thục Sàigòn (Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Công Trứ, Thăng Long...). Giáo sư Võ Thu Tịnh và Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cùng quê Quảng Nam, nhưng lớn tuổi hơn và ở chung trong Liên khu 5, sau đó cùng bỏ về thành. Trong một lần đến thăm nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Sài Gòn, nhạc sĩ muốn nhờ GS Võ Thu Tịnh phổ biến bài Nắng Chiều. 

Nhân dịp đó có phái đoàn Nhật Bản sắp sang thăm hữu nghị trao đổi văn hóa với VN, GS Tịnh liên lạc với LS Trần Thanh Hiệp lúc đó đang ở trong nhóm có nhiệm vụ đón phái đoàn Nhật Bản. Có lần chúng tôi đến thăm LS Trần Thanh Hiệp, ông là cựu bộ trưởng Lao Động thời chính phủ Phan Huy Quát. Trong câu chuyện văn học nói về nhóm Sáng Tạo mà ông và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà văn Mai Thảo là những người đồng sáng lập. Câu chuyện chuyển sang âm nhạc và có nhắc đến Ca khúc Nắng Chiều, ông cho biết lúc còn là sinh viên ở Hà Nội thường chơi đàn cho ban nhạc, có lúc chơi đàn ban nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ông đã kể cho chúng tôi nghe ,gồm: BS Nguyễn Bá Linh, Nhà văn Từ Thức và tôi: 
“ Năm 1958, để tỏ tình hữu nghị với VN trong phái đoàn Nhật có Đoàn Ca Vũ Nhạc Nhật Bản Toho Geino sang trình diễn suốt hai tuần lễ tại hội chợ Thị Nghè, họ muốn trình bày một nhạc phẩm VN. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền lúc đó là người điều hợp viên chương trình văn nghệ của hội chợ Thị Nghè, trong đoàn có nữ danh ca trẻ Satsuki Midori người Nhật Bản, Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã chọn Ca khúc Nắng Chiều và tập cho cô ấy hát. Từ đó Ca khúc chấp cánh bay xa“.

(Nắng Chiều - Ca sĩ Nhật Bản Midori Satsuki)

Kể từ sau năm 1945 văn hóa Nhật du nhập nước ta ngày càng nhiều vì lý do trong đó có tính chất Á đông gần gũi với Việt Nam, hơn nữa văn hóa Nhật mới lạ, khoa học tiến bộ cũng như Tây phương. Sau năm 1954 ở Miền Nam, Sài Gòn một số rạp cinê chiếu toàn phim Nhật, ở một số tụ điểm ca nhạc đã mời được các đoàn vũ công Nhật Bản sang trình diễn. Thời điểm đó có một số Ca khúc, bài hát Dân ca Nhật phổ biến trong công chúng. Ca khúc Nắng Chiều xuất hiện trong thời điểm này lại do nữ danh ca Nhật trình bày nên được ưa chuộng. Sau năm 1954 trong số nững người từ Bắc di cư vào Nam có nhiều nhạc sĩ có tài, viết những ca khúc hay và giá trị nhưng không có dịp phổ biến nên không đến được với công chúng!

Vài Cảm Nhận Về Một Số Nét Trong Nhạc của Lê Trọng Nguyễn:
Ca khúc “Khi Bóng Đêm Về“ viết năm 1958, Cung Sol Trưởng, điệu Valse lente như một lời thỏ thẻ, thể hiện một tình khúc dang dở đầy lãng mạn. Đặt ở Cung Sol Trưởng nhạc sĩ muốn nâng hồn mình bồng bềnh theo nốt nhạc du dương để lướt qua niềm đau, rồi buông thả nỗi buồn. Nhạc sĩ giải bầy ở đoạn cuốn ca khúc:“…Làn tóc thanh xuân qua mất, Biết em vào lúc này. Tưởng có yêu nhau ngây ngất , sống qua ngày tháng gầy. Mà rượu ôi sao mặn chát, Lại còn đắng như cuộc đời. Gục đầu vào ly ta quên mất thời gian.“

Ca khúc Bến Giang Đầu viết năm 1959, Cung Rê Trưởng theo điệu Boléro, cấu trúc nhạc cầu kỳ hơn Nắng Chiều, giai điệu âm hưởng Trung Hoa. Ca từ lãng mạn hoa mỹ, tác giả quá đãi lọc làm đẹp văn chương nhưng xa dời thực tế nên kén người nghe, do đó không phổ biến rộng như ca khúc Nắng Chiều.


Ca khúc Chiều Bên Giáo Đường viết 1962 Cung Mi giáng Trưởng, hành âm Andante, đây là ca khúc hay, âm hưởng bán cổ điển Tây phương, những ca khúc theo thể loại này cho đến ngay nay vẫn khó hợp với sở thích nhiều người, nhưng lại giúp cho nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn chỗ đứng vững chắc trong làng âm nhạc về giá trị nghệ thuật, chứng tỏ khả năng lãnh hội âm nhạc của mình. 

Ca Khúc Cát Biển viết 1964, Cung Sol Trưởng theo điệu Swing có nguồn gốc Mỹ Quốc. Nhạc và lời hay, đối với ca khúc Việt Nam thời bấy giờ đây là ca khúc mang thể điệu mới và ít người viết. 
Ca khúc Cung Điệu Buồn viết năm 1965, Cung Mi Thứ, điệu Bolero lent. Đây là ca khúc rất hiếm của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn viết ở Cung thứ.

Ca khúc Lá Rơi Bên Thềm viết 1966 chung với nhạc sĩ Nguyễn Hiền Cung Mi giáng Trưởng, điệu Slowly. Cấu trúc nhạc cầu kỳ, ca từ chọn lọc. Hình ảnh mùa thu trong nhạc là mùa thu Hà Nội, hương thu mang sương mù Đà Lạt mà người Sài Gòn chưa cảm được hương thu! Lê Trọng Nguyễn có viết một ca khúc Nhớ Thu Hà Nội 1965 rất hay, ca khúc vẫn Cung Mi giáng trưởng điệu Blues:“ …Trời thu Hà Nội quá xa vời, Lòng ta vời vợi nhớ, Dáng thơ em khuất rồi. Nào xác lá sấu úa, Hồ Gươm con tim ơi! “
Em trong ca từ được nhân cách hóa là Hà Nội, nhạc sĩ ví như người tình.

Ca khúc Bóng Nước Viễn Phương viết năm 1980, nhịp ¾ Cung Mi giáng Trưởng điệu Andente moderato, lời của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Nhạc và lời diễn tả thân phận con người tìm tự do bềnh bồng trên sóng nước đại dương, bóng quê nhà mờ khuất! Một ca khúc buồn có giá trị. 
Khi ca khúc Sao Đêm ra đời tình hình chính trị của Miền Nam lúc đó có nhiều biến động, một số phòng trà đóng cửa, khiêu vũ bị cấm, lãnh vực âm nhạc cũng bị những xáo trộn chính trị làm ảnh hưởng nên bị giới hạn!

Ca khúc Sao Đêm viết năm 1963, Cung Mi giáng Trưởng điệu Slowly, ca khúc này thật độc đáo, có thể nói là một ca khúc tuyệt vời.diễn tả câu truyện tình lãng mạn nhưng ẩn bên trong ca từ có tính cách giáo dục. Cấu trúc nhạc không viết theo thể điệu Jazz nhưng “air“nhạc có chất Blues Jazz. Trong sáng tác Nhạc sĩ có thể để thả hồn theo tiếng kèn đồng trầm bổng đẩy tiết tấu theo cung bậc ngẫu hứng nhập vào từng ca từ toát ra chất nhạc Blues Jazz thể điệu chưa quen thuộc ở VN thời đó. Cái độc đáo của nhạc phẩm là tả được trạng thái của con người trong trong đắm say, trong lạc thú.

Trong thi ca, văn chương Việt Nam có nhiều bài viết về chốn ăn chơi phòng trà, cô đầu, á phiện…như một lời cảnh giác, nhưng chất ma túy được các nhà thơ thời xưa ví von ngôn từ:“ nàng thơ“, Yến sĩ phi lý thuần (inspiration), có người mượn nó làm chất liệu gợi cảm hứng sáng tác, trong số đó có một số nghệ sĩ trình diễn cũng như sáng tác. Dù cảm hứng bắt nguồn từ nội tâm, ngoại cảnh, đôi khi bắt nguồn từ những câu chuyện kể bạn bè. 
Để hòa mình vào những cảm xúc của tha nhân, của ngoại cảnh kẻ sáng tác phải hóa thân thành người đam mê chạy theo những lạc thú để hoàn thành tác phẩm. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cũng thế, tâm hồn ông phong phú giàu tưởng tượng để có thể hóa thân vào những ngõ tối, xóm nghèo để nhìn thấy th ảm cảnh của sa đọa, hoặc vào những chỗ sang trọng hhộp đêm ở Sài Gòn, New York, Paris nơi ánh đèn màu, âm thanh của tiếng nhạc hòa trong khói thuốc trở nên huyền ảo mà Lê Trọng Nguyễn chưa bao giờ đặt chân đến. 

Lời Ca của ca khúc Sao Đêm được đãi lọc rất lãng mạn, thật hay được danh ca Lệ Thu trình bày trước năm 1975 ở Sài Gòn. Lời ca đầy ẩn dụ. Em, Sao Đêm trong ca từ là ẩn dụ. Đôi mắt tiên nâu, trạng thái đang thả hồn vào cõi huyền hoặc. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn quả thực có thực tài, trí tưởng tượng thật phong phú nhậy bén nên ca từ giai điệu đã vẽ được con người trong cảnh đắm say, do đó ca khúc Sao Đêm trở thành độc đáo chưa có một nhạc sĩ khác viết về "tiên nâu ".


(Sao Đêm - Ca Sĩ Quỳnh Giao)

Xin chép phần ca từ 1 và 2 đẹp như một bài thơ của ca khúc Sao Đêm:

"Còn gì nữa? Mà ôi! Thương đau gieo mãi không thôi. Thân xác héo mòn. Đời ta lạnh trống, đôi mắt tiên nâu chờ ta giữa trời sao….Còn gì nữa? Bầu trời rạn nứt rồi. Mà ôi! Tâm tư đen tối chơi vơi. Đâm nát phím ngà người yêu tàn phá. Chờ qua năm tháng rủ áo trần gian…Em, ánh sao đẹp xa cuối trời đi về đâu ? Đêm quá sâu hồn ta rã rời trong trời nâu. Tìm em không gian hồ đổ vỡ theo tinh cầu bay. Hằng đêm gối sách mơ trăng sao…Vội vàng hái cả trời sao chín mọng. Mà ôi! Thiên thai aao tắt mây vương. Lạc bước thiếu tàinhạc lôi rượu cuốn, người yêu xa mãi tìm gió ngàn phương…"

Lời 2: 

"Vời vợi sáng 
Một trời hương gió vàng 
Ngàn sao bâng khuâng trên bên sông Ngân 
Lời suối réo đàn 
Lệ hoen tà áo 
Đôi mắt giai nhân tìm đâu giữa trời sao. 
Đồi lạnh vắng 
Lạc loài ta với đàn 
Hồn thơ lâng lâng theo áng mây hoang 
Lời gió hú buồn 
Biển sao gợn sóng 
Thuyền trăng đưa khách lạc giữa đại dương. 
Ôi cánh sao đẹp xa cuối trời di về đâu 
Đêm quá sâu hồn ta rã rời trong trời nâu 
Tìm em không gian hồ đồ vỡ theo tinh cầu bay 
Thời gian tím ngắt như đêm nay. 
Vội vàng hái cả trời sao chín mọng 
Mà ôi thiên thai sao tắt mây vương 
Lạc bước thiếu tài nhạc lôi rượu cuốn 
Người yêu xa mãi tìm gió ngàn phương. "

Một tác phẩm vượt thời gian khi tác phẩm đó sống bằng chất liệu thật, thay đổi lời ca để được hoa mỹ hơn như thế cái hồn ca khúc sẽ biến hóa thành một phiên bản khác! Tâm hồn nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn luôn trong sáng, lạc quan yêu đời nên từ những ca khúc ban đầu cho đến lúc cuối đời ông vẫn thích viết ở cung trưởng hướng về tương lai, dù ca từ đôi khi có buồn thì cũng chĩ man mác rồi qua đi nên rất ít bài ở cung thứ. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã về cõi vĩnh hằng nhng vẫn để lại cho đời những ca khúc giá trị của dòng nhạc bán cổ điển Tây phương. Những ca khúc của ông dù đã qua bao thời gian vẫn còn được công chúng yêu mến qua nhiều thế hệ mãi hôm nay.

Paris 21.11.2017 
Đỗ Bình

Xa Vắng



Xướng: Xa Vắng

Giọt buồn rải suốt canh thâu
Nửa đêm thức giấc mối sầu miên man
Nhớ ai ở chốn mây ngàn
Phong sương gió cát giữa đàng quạnh hiu

Người ơi …còn nhớ một chiều
Tiễn đưa ….nước mắt hoen nhiều bờ mi
Tạ từ…. cất bước ra đi
Bỏ ta ở lại sầu bi một đời

Xuân về hoa lá tốt tươi
Nhưng lòng mãi nhớ tới người xa xăm
Hè qua Thu lại bao lần
Đông về tuyết trắng, lạnh căm rã rời


Trong lòng giá buốt tả tơi
Vẫn còn luyến nhớ người nơi ngàn trùng.

Trịnh Cơ (Paris)
09 Juil. 2017
***
Các Bài Họa: 

Mong Ước… 


Mưa trăng thả giọt đêm thâu
Bến bờ cô tịch khơi sầu mơn man
Bơ vơ mây trắng đỉnh ngàn
Phiêu phong lạc nẻo địa đàng,buồn hiu!

Sông xuân biếc thủy đưa chiều
Thuyền xa mịt bóng vương nhiều sầu mi
Hải âu cánh sóng,người đi
Nghìn trùng cách biệt hoài bi thiết đời

Xuân thì vội úa xuân tươi
Tình thu ở lại khóc người xa xăm
Mong đời ước thỏa một lần
Yêu thương hội ngộ,hờn căm mãi rời 

Mồ hôi xới đất quê tơi
Dậy mầm nhân ái khắp nơi điệp trùng…

Lý Đức Quỳnh
***
Người Đi Không Về


Đèn mờ bóng chiếc trăng thâu,
Lòng buồn cô quạnh giấc sầu mê man.
Nhớ người xa mấy dậm ngàn,
Ngày nào cất bước lên đàng buồn hiu.

Thu về lá đổ muôn chiều,
Ngân hà hai bến ướt nhiều lệ mi.
Sông Tương rời bến người đi,
Là ngày mang nỗi thương bi vào đời.

Xuân về trời đất vui tươi,
Sao chưa thấy bóng một người xa xăm.
Giai kỳ lỡ hẹn bao năm
Vì sao biệt tích buồn căm chẳng rời.

Hai nhà chung dậu mùng tơi,
Tiếc thay đôi trẻ hai nơi nghìn trùng.

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc. 
***
Hoài Thương


Trăng gieo giọt nhớ đêm thâu
Lòng nghe thổn thức dạ sầu mênh mang
Lặng nhìn núi thẳm non ngàn
Thương cho cánh nhạn lạc đàng quạnh hiu

Hoàng hôn mái rạ ru chiều
Buồn vương mắt lệ dâng nhiều tràn mi
Tương tư theo bóng ngày đi
Ngậm ngùi mưa nắng ai bi úa đời

Đông tàn xuân lại ngàn tươi
Lòng ta vẫn nhớ mơ người xa xăm
Hồn đau dạ đắng bao lần
Đoạn trường gấp đoạn lạnh căm rạc rời 

Tình nghe chai sạn tớt tơi
Ru hoài năm tháng nhớ nơi muôn trùng

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm 

9.9.2018
***
Xa Người...

Tơ lòng bủa kín đêm thâu
Sợi thương, sợi nhớ nỗi sầu cơ man
Mình ên ruổi bước dặm ngàn
Ưu phiền giăng phủ mọi đàng hắt hiu!

Ngược xuôi tấp nập ga chiều
Sao người chẳng đến lệ nhiều ướt mi
Thôi đành lặng lẽ quay đi
Tim côi khắc khoải ai bi trọn đời!

Dạ buồn cây cỏ kém tươi
Ta hoài ngóng đợi dẫu người biệt tăm
Khi xưa nhỡ hẹn một lần
Niềm tin đánh mất...hờn căm chẳng rời

Nhớ ngày chung mảnh áo tơi
Chừ đây cách trở hai nơi nghìn trùng!

Như Thu
***
Nhớ! 


Một mình lặng ngắm trăng thâu
Canh khuya trở giấc ý hầu lan man.
Quê hương xa cách dặm ngàn,
Ngoài hiên thơ thẩn trăng tàn đìu hiu.

Lòng ta còn nhớ buổi chiều,
Ai kia đăm đắm mỹ miều làn mi.
Mắt em ràn rụa ngày đi,
Lệ mưa âm ấm còn ghi suốt đời.

Cảm sầu liễu hết xanh tươi,
Con tàu rẽ nước biển trời xăm xăm.
Mặt còn ngoảnh lại mấy lần
Đằng xa tay vẫy bâng khuâng chửa rời.

Kẻ đi người ở sầu tơi,
Khuất dần làng cũ, sóng khơi trùng trùng!


Mailoc

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Mưa Buồn Tháng Chín


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mấy Vầng Song Thất Đầu Thu - Bài Xướng: Mai Lộc



Bài Xướng: Mấy Vầng Song Thất Đầu Thu

Cảm Thu

Trời lành lạnh sớm mai gió nhẹ,
Dậy một mình rèm hé nhìn ra
Một làn sương mỏng thướt tha
Ô hay! Thu đẹp đâu là riêng ai.

Vì Đâu?

Vì đâu con dế ngâm đêm trường, sầu ai ?
Vì đâu con én than ngoài sương, nhớ ai ?
Vì đâu con bướm bay lạc loài, tìm ai ?
Vì đâu ta thấy tâm hồn ta cô đơn !!
Vô Danh

Nắng Chiều
Nắng chiều nhạt, bên hè lựu đỏ,
Lạnh đã về nhạn bỏ trời không.
Hành lang vắng lặng mênh mông
Chopin dạ khúc tơ lòng còn run.

Chiều Lên Đồi
Lòng sầu dâng, bóng chiều bảng lảng
Lái một vòng lên quảng đồi xưa
Chiều thu đẹp tuyệt, say sưa
Là khi sẫm tối lúc vừa hoàng hôn.

Vườn Thu
Trăng chảy khắp vườn thu hoa lá
Lạnh hiên ngoài ghế đá bơ vơ
Đầu ai bạc trắng bơ phờ
Chút gì xao xuyến ý thơ nghẹn ngào!

Một Tuần
Gió thu về vàng bay lác đác
Lại một tuần thùng rác đẩy ra
Quên đi tuổi tác đi bà,
Sống vui đùa cợt như ngày mới yêu.

Bóng Thời Gian
Mới thấy sáng chưa gì nắng tắt
Mới thứ hai đã thoắt cuối tuần
Trong thu đã thấy gió xuân
Gió thu hiu hắt bâng khuâng mắt già.

Gặp Người
Gặp người xưa hơn nửa thế kỷ
Nét dịu dàng thùy mị còn vương.
Đâu rồi sóng mắt lạ thường?
Bờ mi lay láy để thương một thời.!

Nhật Tụng
Thân, khẩu, ý dè chừng từng phút
Xa lìa dần ái dục sân si.
Con đường còn lại phải đi
Hai bàn tay trắng chẳng gì mang theo.

Tuổi Thu
Đường trường xa, xe lăn rộn rã
Mặt in hằn tóc đã sương pha.
Một đời sự nghiệp bôn ba
Tuổi thu ngồi ngắm chiều tà mây bay!

Mailoc
( Cali vào thu 2018 )
***
Xem Các bài Họa:


Những Vầng Thơ Trong Mùa Thu - Bài Họa: Phương Hà



Bài Họa:Những Vầng Thơ Trong Mùa Thu

(Dựa theo Mấy Vầng Song Thất Đầu Thu của anh Mai Lộc )

Cảm Thu
Lành lạnh hơi thu buổi sớm mai
Vén rèm hé cửa ngó ra ngoài
Một màn sương mỏng buông hờ hững
Thu đẹp nào dành riêng tặng ai.

Vì đâu ?
Đêm trường dế khóc gọi tên ai ?
Sương lạnh, én sầu, nhớ bóng ai ?
Vườn vắng, bướm tìm ai gởi phận ?
Đêm dài, ta khắc khoải mong ai ?

Nắng chiều
Lựu đỏ nhạt phai dưới nắng chiều
Lạnh về, nhạn bỏ chốn cô liêu
Hành lang vắng lặng mênh mông gió
Dạ khúc Chopin giữa quạnh hiu.

Chiều lên đồi
Một vòng dạo bước lúc chiều buông
Lòng thấy nửa vui lại nửa buồn
Đồi vắng ngày xưa bao kỷ niệm
Tuyệt vời cảnh đẹp buổi hoàng hôn.

Vườn Thu
Trăng chảy khắp vườn, nhuộm lá thu
Bơ vơ ghế đá dưới sương mù
Đầu ai bạc trắng lơ phơ sợi
Hoài cảm dâng trào, nghẹn ý thơ.

Một Tuần
Lá vàng lả tả buổi thu sang
Thùng rác tuần qua lại ngập tràn
Tuổi tác quên đi, bà nó nhé
Ta kề vai giẫm lá thu vàng...

Bóng Thời Gian
Vun vút thời gian chẳng giảm phanh
Một tuần thoáng chốc lướt qua nhanh
Giữa thu đã thấy hơi xuân đượm
Hiu hắt mắt già lệ ứa quanh.

Gặp Người
Gặp lại người xưa lúc cuối đời
Vẫn còn nét đẹp thuở đôi mươi
Nỗi buồn vời vợi trong đôi mắt
Làm nhạt nhòa đi ánh rạng ngời.

Nhật Tụng
Thất tình buông bỏ không vương vấn
Thanh tịnh giữ lòng luôn ổn an
Phía trước cuộc đời còn mấy chốc
Thả trôi tất cả chẳng vương mang.

Tuổi Thu
Xe lăn chầm chậm quãng đường xa
Dầu tóc lơ phơ sương tuyết pha
Một kiếp bôn ba giờ đứng lại
Lặng nhìn hiu hắt ánh dương tà.

Phương Hà
( Saigon, 08/09/2018 ) 

Bài Xướng: Mấy Vần Song Thất Đầu Thu - Bài Xướng: Mai Lộc

Thơ Thẩn Giữa Mùa Thu - Bài Họa: Mai Xuân Thanh



Bài Họa: Thơ Thẩn Giữa Mùa Thu 
(Dựa theo Mấy Vầng Song Thất Đầu Thu- Mai Lộc )

Thu Cảm
1) Gió nhẹ trời thanh một sớm mai
Mơ màng tỉnh giấc ngó ra ngoài
Thu ơi tha thướt sao mà đẹp
Tròn mắt bồ câu dáng dấp ai...

2) Nghe gió vi vu hơi lành lạnh
Buổi ban mai lấp lánh sương hoa
Một mình đứng lặng nhìn ra
Nàng thu đâu có mặn mà một ai !


Vì Đâu ?
Dế rít đêm thâu trách móc ai ?
Buồn sao nhạn khản tiếng vì ai ?
Lạc loài giấc bướm tìm ai đó
Mà thấy hồn thơ thẩn nhớ ai !


Nắng Chiều
Chiều xuống cuối hè cây lựu trái
Chạnh hơi thu chẳng hái còn xanh
Ngoài kia đâu thấy yến anh
Chopin vũ khúc cũng đành bó tay

Chiều Lên Đồi
Chiều nghiêng xế bóng buồn hiu quạnh
Xe chạy loanh quanh lạnh thấu xương
Cuộc đời cảm thấy vô thường
Mới hay ráng đỏ tây phương non bồng

Vườn Thu
Vườn thu trăng tỏa thay màu lá
Ngồi đợi công viên đá ghế trơ
Mái đầu ai tóc bạc phơ
Chạnh buồn cắn bút hồn thơ dật dờ !

Một Tuần
Rừng phong lác đác vàng thay lá
Tờ lịch rơi tuần đã hết mau
Tay gầy đẩy rác trước sau
Xinh sao da trắng ngẫn đầu mến yêu

Bóng Thời Gian
Đầu ngày mới đó sao mau thế
Tờ lịch rơi tuần lễ qua rồi
Tàn thu, gió lạnh đông thôi
Xuân đi hè lại đứng ngồi bâng khuâng !

Gặp Người
Dung quang đài các xưa lưu luyến
Ánh mắt nụ cười khiến nhớ lâu
Còn đâu môi má đỏ au
Da mồi răng rụng nhuốm màu truân chiên

Nhật Tụng
Lão lai nhớ lại thời niên thiếu
Ôn chuyện xưa ai chịu thị phi
Tang thương, thành bại ra đi
Xã buông, tha thứ tu trì kệ kinh

Tuổi Thu

Ai ngờ bảy mấy mùa thu tuổi
Lại nhớ tri âm cuối cuộc đời
Nghỉ hưu xướng họa ai ơi
Vào Vườn Thơ Thẩn nghỉ ngơi tự tình...

Mai Xuân Thanh
Ngày 10/09/20/18
(Thu Cảm - California 2018)

Nhũng Dòng Thơ Đầu Thu - Bài Họa: Đỗ Chiêu Đức



Bài Họa: Những Dòng Thơ Đầu Thu 

(Dựa theo Mấy Vần Song Thất Đầu Thu- Mai Lộc )

Cảm Thu
Trời trong gió nhẹ sớm mai,
Một mình thức giấc rèm ngoài nhìn ra.
Ô , nàng thu đã thướt tha,
Một trời thu đẹp la đà quanh đây!

Vì Đâu ?

Ri rỉ vì ai dế rỉ sầu ?
Vì ai én liệng bởi vì đâu ?
Vì đâu bướm mãi vờn hoa rụng ?
Hoa rụng vì ai vẫn mãi sầu !!

Nắng Chiều
Hoa lá buồn thiu dưới nắng chiều,
Lạnh lùng giọt nắng ngã xiêu xiêu.
Không hồn chân bước nghe xa vắng,
Mây trắng ngừng trôi giữa nắng chiều!

Chiều Lên Đồi
Bóng chiều bảng lảng sầu dâng,
Lên cao lặng ngắm mênh mông núi đồi.
Chiều thu đẹp muốn chết người,
Hoàng hôn quê cũ ngậm ngùi hoàng hôn!

Vườn Thu

Vườn thu hoa lá trăng soi,
Im lìm ghế đá hiên ngoài nằm trơ.
Tóc xanh giờ đã bạc phơ,
Nghẹn ngào xao xuyến hồn thơ lạnh lùng!

Một Tuần
Lịch bay như lá vàng bay,
Một tuần theo lá lịch dày mỏng đi.
Lịch bay mấy vạn qua thì,
Qua thì thì qúa qúa thì vẫn yêu !

Bóng Thời Gian
Nắng sáng lóe lên chiều lại tắt,
Thứ Hai qua lật đật cuối tuần.
Thu tàn đông hết lại xuân,
Hè qua thu đến bâng khuâng mắt già!

Gặp Người
Người xưa giờ đã da mồi,
Đâu rồi ánh mắt bồi hồi nhìn nhau.
Má hồng xưa thẹn đỏ au,
Giờ đà nhăn nhíu theo màu thời gian!

Nhật Tụng
Ngồi nhàn ôn lại chuyện xưa,
Thị phi thành bại như vừa xảy ra.
Khoan dung từ ái vị tha,
Thứ người mà cũng thứ ta khác gì!

Tuổi Thu
Đường đời sau bảy mươi thu,
Tòng tâm sở dục ôn nhu thuận hòa.
Giờ thì đã hết bôn ba,
An nhàn tùy cảnh ấy là thần tiên!

Đỗ Chiêu Đức
( Houston thu 2018)
Bài Xướng: Mấy Vần Song Thất Đầu Thu - Bài Xướng: Mai Lộc

Đàn Ca Tài Tử Nam Bộ

(Đàn Ca Tài Tử - Sài Gòn 1911)

Nhạc Tài Tử bắt nguồn từ năm nào? Ở đâu? Đến bây giờ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo các sách ghi lại (Cổ Nhạc Tầm Nguyên – Võ Tấn Hưng và Nhạc Tài Tử Nam Bộ - Nhị Tấn) thì vào giữa thế kỷ XIX, lác đác vài bài nhạc lễ tấu miền nam do các thầy đàn miền trung và những sĩ tử ra kinh đô Huế ứng thí rồi mang về. 

Đến năm 1885, sau cuộc binh biến kinh thành Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiếu Cần Vương, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình xuôi nam lánh nạn, sinh sống và hành nghề dạy nhạc, thâu nhận học trò. Vốn sẵn có trình độ học vấn, hiểu biết tinh hoa nền âm nhạc ngũ cung đông phương, các cựu nhạc quan đã ra công cải biên những bài bản ca nhạc Huế nói chung, Nhã Nhạc Cung Đình nói riêng, và đồng thời sáng tác một số bài bản mà âm thanh và ngôn ngữ giản dị thích hợp với cư dân vùng đất mới, tạo thành một thể “Nhạc Tài Tử” thính phòng. Thời sơ lập đó, công lớn phải kể đến hai vị: Nguyễn Quang Đại, còn gọi là Ba Đợi, đứng đầu Nhóm Miền Đông (ông người gốc Quảng Trị nhưng tạo dựng hệ phái âm nhạc tại huyện Cần Đước tỉnh Long An, thuộc miền đông) và ông Trần Quang Quờn (1875-1946) tức Ký Quờn hay Kinh Lịch Quờn, đứng đầu Nhóm Miền Tây (Vĩnh Long là nơi ông chào đời và mở lớp thâu học trò sau này) đã đóng góp rất lớn trong việc cải soạn, sáng tác bài bản (kể cả chế tạo nhạc cụ), giảng dạy và truyền bá Nhạc Tài Tử, mỗi người theo phương thức riêng của mình.

Đàn ca tài tử

(Tác Giả Trúc Tiên& Nhóm Đàn Ca Tài Tử - Paris) 

Nhạc Tài Tử cải danh thành Đàn Ca Tài Tử là vì thoạt đầu chỉ có đàn, sau có thêm tiếng hát kèm theo và từ đó gọi là “đàn ca”. Còn hai chữ “tài tử” ở đây không phải là “không chuyên nghiệp” (amateur) như một số người, thậm chí một số sách báo sau này vẫn nhầm lẫn, mà “tài tử” đây với nghĩa là người tài năng lão luyện (talent), như một câu trong Truyện Kiều : “Dập dìu tài tử giai nhân / Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Đàn Ca Tài Tử được ưa chuộng rồi dần lan tỏa khắp miền nam.

20 Bản Tổ

Vào đầu thế kỷ XX Đàn Ca Tài Tử lớn mạnh, ngày càng phong phú hơn, được hệ thống hóa thành bốn “hơi” Nam, Bắc, Hạ, Oán gồm 20 bản tiêu biểu gọi là 20 Bản Tổ:

3 bản Nam: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo 
6 bản Bắc: Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn, Bình Bán Chấn, Cổ Bản Vắn, Xuân Tình Chấn và Tây Thi Vắn 
7 bài Hạ, còn gọi là nhạc Lễ : Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Xàng Xê, Long Ngâm, Long Đăng, Vạn Giá và Tiểu Khúc 
4 bản Oán: Tứ Đại Oán, Phụng Cầu, Cửu Khúc Giang Nam và Phụng Hoàng. 

“Ca ra bộ”: từ đơn ca sang đối ca, từ tư gia lên sân khấu


Tiếp theo, Đàn Ca Tài Tử có hai bước đột phá ngoạn mục phát sinh Cải Lương.
Bước thứ nhất, theo ông Vương Hồng Sển trong Hồi Ký 50 Năm Mê Hát và ông Trần Văn Khải, tác giả Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam kể lại thì vào năm 1906, Mỹ Tho có nhóm Đàn Ca Tài Tử của ông Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia, tục gọi Tư Triều (chuyên đàn kìm), cùng với các ông Mười Lý (tiêu), ông Chín Quán (đàn bầu), ông Bảy Vô (đàn cò), và các cô Hai Nhiễu (đàn tranh), cô Ba Đắc (ca sĩ) được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp (Exposition Coloniale de Marseilles). Khi về, họ cho biết ban tổ chức Pháp đặt họ đàn ca biểu diễn trên sân khấu và được công chúng đến xem đông đảo...

Được thuật cách "đàn ca trên sân khấu" thì chủ rạp chiếu bóng Casino (sau chợ Mỹ Tho) thời đó là Ông Hộ bèn mời nhóm ông Tư Triều đến trình diễn mỗi tối thứ tư và thứ bảy trong tuần trên sân khấu trước khi vào phần chiếu bóng. Hình thức trình tấu mới mẻ này đã làm thay đổi không ít phong cách trình diễn của nghệ sĩ, vì không gian rộng lớn hơn, và được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt.

Bước thứ nhì là trong thời kỳ này, Mỹ Tho là trạm đầu tuyến xe lửa từ Miền Tây đi Sài Gòn nên người các tỉnh Miền Tây như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá... đều phải ghé Mỹ Tho ngủ qua đêm rồi sáng hôm sau mới lên xe lửa đi Sài Gòn. Trong số hành khách có ông Tống Hữu Định, tức Phó Mười Hai ở Vĩnh Long là người say mê cầm ca. Khi ghé Mỹ Tho nghỉ chân đợi xe, ông đến xem hát và được nghe cô Ba Đắc ca điệu Tứ Đại Oán, bài Bùi Kiệm - Nguyệt Nga. Hôm đó cô Ba Đắc đóng ba vai, vừa Bùi Kiệm, vừa Nguyệt Nga, vừa Bùi Ông; cô hát với giọng gần như có đối đáp (trước chỉ đơn tấu kiểu tự sự), đặc biệt hơn nữa là cô không ngồi chung với giàn nhạc như các ca sĩ xưa nay mà đứng riêng về phía trước.

Khi về lại Vĩnh Long, ông Tống Hữu Định liền bày cho nhóm Đàn Ca Tài Tử của mình cách đứng trên bộ ván ngựa ca Tứ Đại Oán, bài Bùi Kiệm - Nguyệt Nga với điệu bộ minh họa. Và thay vì một ca sĩ diễn nhiều vai, ông phân vai cho mỗi người ca và diễn xuất một nhân vật. Điệu “Ca Ra Bộ” phát sinh từ đó, khoảng năm 1915-1916 và hóa thân thành Sân Khấu Cải Lương sau này.

Cũng theo ông Vương Hồng Sển: vào năm 1918, gánh hát của Đốc Phủ Bảy và Đặng Thúc Liêng rút gọn từ “Ca Ra Bộ” thành “Hát Bộ” để gọi cách diễn mới, khiến về sau nhiều người nhầm lẫn “Ca Ra Bộ” với Hát Bội của người Tàu.

Bài Tứ Đại Oán - Bùi Kiệm-Nguyệt Nga nói trên của soạn giả Mạnh Tự, tức nhà cách mạng ái quốc Trương Duy Toản (1885-1957), người Vĩnh Long, trở thành tác phẩm “ca ra bộ” đầu tiên và đã khơi nguồn cho các soạn giả khác viết những bài ca có đối đáp, yếu tố kĩ xảo cho điệu Cải Lương sau này. Các soạn giả thời đó lấy điệu Tứ Đại Oán làm bài chánh cho tuồng, rồi thêm vào các câu trích từ các điệu khác trong Đàn Ca Tài Tử. Đến năm 1918, ông Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) cho ra đời bài Dạ Cổ Hoài Lang, mới đầu là 20 câu nhịp 2, năm 1924 tăng lên nhịp 4, từ khoảng 1934 đến 1944 tăng lên nhịp 8, nhịp 16 rồi 32. Đến đây thì bài Dạ Cổ Hoài Lang 32 nhịp có tên tóm tắt là “Vọng Cổ”, trở thành bài bản lớn của Cải Lương, thay thế bài Tứ Đại Oán, khiến các nhà nghiên cứu văn hóa Miền Nam phải thừa nhận: “Phi vọng cổ bất thành cải lương."

Cải Lương và Tân Cổ Giao Duyên

(Cải Lương)

Nền tảng Cải Lương là Đàn Ca Tài Tử, tuy nhiên vì là tuồng diễn – có thể gọi là nhạc kịch – diễn xuất là chánh, phần đàn ca phải ngắn gọn và lắp ghép, thay đổi theo tình tiết, không giữ nguyên vẹn một bài. Về sau thêm Dân Ca (phần nhiều là Dân Ca Miền Nam), nhạc Quảng (Việt hóa từ nhạc Quảng Đông - Triều Châu) và những sáng tác mới theo phong cách Cải Lương.

Năm 1964, soạn giả Viễn Châu (1924-2016) có sáng kiến pha đoạn tân nhạc và cổ nhạc xen kẽ với nhau, đó là bài Chàng Là Ai (tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết, sáng tác năm 1958) do Lệ Thủy, một tài danh đương thời trình bày. Kiểu cách mới mang tên Tân Cổ Giao Duyên, thoạt đầu gây ra nhiều tranh cãi ồn ào trên mặt báo, nhưng trường tồn đến hôm nay nói lên phần nào vòng tay đón nhận của giới thưởng ngoạn.

Tân nhạc cũng được đưa vào tuồng Cải Lương với vai trò như vũ công để gợi không gian kịch tính, gồm: nhạc chào, nhạc chuyển cảnh, nhạc múa, nhạc nền và ca khúc kết hợp Tân Cổ Giao Duyên.
Cải Lương kết tụ từ kịch nói với hai nguồn, chính là cổ nhạc và tân nhạc phụ họa.

Khác biệt không nhỏ giữa Đàn Ca Tài Tử và Cải Lương

Tác giả Trúc Tiên - Khúc Nhạc Uyên Ương của Hoàng Song Việt 

Dù Cải Lương được bắt nguồn từ Đàn Ca Tài Tử nhưng có lẽ khác nhau ở không gian nghệ thuật hay môi trường diễn xướng. Đàn Ca Tài Tử, một thể nhạc thính phòng, người đàn người hát đều được xem là “tài tử” như nhau, không phân chánh phụ, và thường tấu trọn nhạc phẩm. Trong khi đó, các vở Cải Lương là tuồng diễn trên sân khấu. Diễn để xem là chánh cho nên “đào”, “kép” là nhân vật nổi, đàn hát không quan trọng bằng. Các điệu Đàn Ca Tài Tử “bị” cắt xén tùy nghi để làm mối lấy hơi cho các câu vọng cổ. Vì thế, như ta thấy, các bài bản cổ chỉ lèo tèo vài câu rải rác nơi này nơi kia.

Một nhạc sĩ Đàn Ca Tài Tử tâm sự: "Cùng một điệu, đàn cho tài tử giai nhân hát khác với đàn cho đào kép hát trên sân khấu Cải Lương. Với Đàn Ca Tài Tử, mỗi tài tử đàn và hát giữ đúng nhịp đúng hơi của lòng bài ca, không ai theo ai, đợi ai. Ngược lại, đàn cho đào kép Cải Lương hát, thì các nghệ nhân (thầy đàn) phải để ý lúc vô ra nhanh chậm của đào kép mà lấy nhịp, vì bộ môn này thì “đàn phải theo hát”, người hát không những hát không mà còn phải diễn, và diễn mới là chánh."

Thời nay, nhắc đến Cổ Nhạc Miền Nam là người ta nghĩ ngay đến 6 câu vọng cổ, mấy ai còn nhớ đến tiền thân của nó, là Đàn Ca Tài Tử. Các bài bản của bộ môn nghệ thuật này đã lu mờ rồi dần vào quên lãng. Buồn là: đến nhưng Câu Lạc Bộ Văn Hoá ở Việt Nam cũng dụng thuật ngữ “Nhạc Tài Tử Cải Lương”, góp thêm phần vào hỏa mù khiến người ta không còn biết điểm khác biệt của hai thể loại âm nhạc. Hơn nữa, với cách hát trích câu các bài bản dùng xen vào tuồng diễn, thử hỏi còn bao người được thưởng thức trọn một bài Nam Ai (63 câu) hay Tứ Đại Oán (38 câu).

Còn có chút an ủi cho nghệ nhân và những ai đam mê bộ môn Đàn Ca Tài Tử là: tính đến nay văn hóa ta đã có 8 bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gồm:

Nhã Nhạc cung đình Huế (2003), 
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), 
Dân Ca Quan Họ Bắc Giang - Bắc Ninh (2009), 
Ca Trù (2009), 
Lễ Hội Thánh Gióng (2010), 
Hát Xoan (2011), 
Lễ Hội Hùng Vương (2012), và 
Nghệ thuật Đàn Ca Tài Tử được chính thức công nhận vào ngày 5 tháng 12 năm 2013. 

Trúc Tiên

Nguồn:
– Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống – Kiều Tấn
– Cầm Ca Tân Điệu - Lê Văn Tiến
– Đờn Ca Tài Tử - Trần Ngọc Thạch
– Một số Lý Thuyết của Tân Cổ và Cải lương - Mười Phú
– Hồi ký - Vương Hồng Sển
– Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam - Trần Văn Khải
– Việt Nam Văn Hóa Sử Cương - Đào Duy Anh
– Các bài viết của Chín Tâm, Nguyễn Vân Thinh, Phạm Văn Nghi
– Một số cuộc nói chuyện (conférences) của Trần Văn Khê
– Ca nhạc cổ điển bạc liêu – Trịnh Thiên Tư
– Nhạc cổ điển Việt Nam - Nhóm nhạc sĩ Hậu-Giang (1974)

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Mùa Thu - Thơ & Nhạc: Tuyết Phan Tiếng Hát: Doãn Hà


Thơ& Nhạc: Tuyết Phan
Tiếng Hát: Doãn Hà
Thực Hiện: Sieu Pham

Chợt Nhớ



Vô tình em liếc nhìn tôi
Rồi quay mặt ngó xa xôi mỉm cười
Vô tình mắt đã giết người
Thêm vạt áo trắng chết tươi hồn này!
Đa tình nhuốm bịnh từ đây
Ước mơ trộn với ngất ngây lạ lùng
Đêm ngày nghĩ ngợi lung tung
Làm sao gặp lại mi nhung một lần!
Chợt nhớ sao lắm bâng khuâng
Tim lòng vẫn nóng dù thân héo gầy?
Chút vui để sống lất lây
Khi ta còn được tặng ngày cho thêm!

Anh Tú
September 18, 2018
* Ảnh Tác Giả chuyển

Canh Rau Mồng Tơi


Nhà chúng tôi ở cạnh nhau – chúng tôi đây là… bố cô nhỏ và tôi – nên ông thường mời tôi sang nhà dùng cơm, nhất là vào những buổi chiều cuối tuần. Và những khi sang chơi thì thường xuyên được đãi món canh rau mồng tơi, là món ăn dân dã của người mình – phổ biến và lại rẻ tiền vì không cần mua sắm gì nhiều, chỉ thoắt ra vườn là có ngay, thêm vài con tôm khô cho ngọt nước nữa thôi.

Canh rau mồng tơi nấu với lá mồng tơi có cả đọt. Mồng tơi là loại cây leo lá dày hình tim, hoa trắng – cũng có loại màu tím nhạt – và quả của nó thì màu tím sẫm, tròn như viên bi trẻ con mà các nữ sinh lớn bé (cả cô nhỏ) thường hay mang về… chế biến mực tím viết thư tình, thế mới lâm ly.

Người ta bảo canh rau mồng tơi ăn mát và nhuận trường vì có nhiều chất thuốc. Nhưng phải biết ăn cơ, vì rau mồng tơi nhờn, nhờn lắm, mà hơi chát nữa. Nhưng khi đã ăn đôi lần thì có thể, như tôi, trở thành nghiện vì nước canh ngọt dịu như cái hôn thủa ban đầu, và những lọn rau mềm mại như những vòng tay. Đó là chưa kể đến cái thoảng hương quấn quýt…

Nấu canh rau mồng tơi thì các bà các cô nội trợ đun nước sôi, cho tôm khô cộng một giúm muối vào rồi ít phút sau thì cho thêm vào ấy là rau mồng tơi, úp vung rồi vài phút sau nữa thì tắt lửa. Chỉ thế thôi. Thế mà cô nhỏ nấu thật khéo. Nước canh màu lục nhẹ, trong, tỏa khói trắng mỏng, và những lọn rau. Thích nhất là khi đưa bát canh lên miệng thì cái hương rau nó tỏa ra ngan ngát; với ngụm canh đầu khi trông thấy sự chờ đợi tán thưởng, ôi sao mà ngọt lịm. Cái ánh mắt ân cần ấy như thấm vào từng lá rau mềm nhũn. Bảo sao không mê.

Tôi chịu khó sang chơi nhà ông láng diềng, lâu dần thành thói quen không thể thiếu. Như người ta cần ngủ với nằm mơ, cần thở và cần yêu. Tôi cũng không đặt vấn đề rằng: vì bát canh rau mồng tơi hay gì gì khác? Chỉ hiểu rằng không sang thì nhớ lắm. Cái nhớ nó cồn cào! Cái nhớ nó day dứt! Cái nhớ sao mà quay quắt đến lạ!


Đứng trên gác cạnh cửa sổ trông sang, sau hàng giậu mồng tơi, cô nhỏ đang ngồi học bài; có khi ngồi yên, dáng vẻ suy tư, mộng mơ; có hôm cô nhỏ bê cả cái giá vẽ ra bày ngoài vườn, vẽ cái giậu mồng tơi xanh điểm những vệt tím, những chấm trắng, có vài con bướm –  bướm thì chỉ thêm vào chứ quanh đây những đứa bay qua lượn lại là trai tơ loài khác – cũng đôi khi cô nhỏ bế đứa em bé tí tẹo trong lòng, cho bú… với cái bình sữa cũng không to lắm, giọng ru khe khẽ mà tôi nghe loáng thoáng:

"Gần nhà mà chẳng sang chơi
Ðể em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu…"
(Ca dao)

Cái giậu mồng tơi xanh rì, sao mà rậm. Những chùm hoa nhỏ, trắng ngần sao mà xinh. Tôi chợt nhận ra – ơ hay! – cái giậu mồng tơi có một khoảnh không còn ra mồng tơi, mà là tả tơi, đến tiều tụy; cành thì thưa thớt lại hoe vàng, không hoa, chẳng quả, chỉ lác đác một ít lá xơ xác, “xanh xao”, trông mà tội. Cái khoảnh ấy nằm tận đầu kia, sát chân tường nhà, trong một góc khuất; có lẽ vì ít nắng, có lẽ vì thiếu chăm sóc, cũng không chừng vì cô nhỏ hay tiện chân đến đấy để hái lá ngắt đọt nấu canh nên nó mới thế… Cái khoảnh gần như trần trụi nầy đã to được bằng nửa cái lối đi thế mà mãi bây giờ tôi mới nhận ra. Nào phải vì tôi cố ý không thấy, mà vì tôi cứ luôn mơ màng nơi xa hơn chỗ ấy, mắt phóng rào sang bên kia. Rõ tệ!


Nghiêng đầu ngắm nghía cái khoảnh thưa, tôi lẩm bẩm: "Thêm ba bát canh nữa dám có thể lách sang bên ấy bằng đường nầy đấy."

Chợt, tiếng ông hàng xóm bên kia vườn vọng sang ồm ồm làm tôi giật bắn mình, cứ như bị bắt quả tang:
– Hồi nữa rảnh qua ăn cơm nghe mậy.
– Vâng ạ!

Có cánh gió nhẹ băng qua cái hàng giậu mồng tơi làm lao xao những chiếc lá xanh…

Vũ Hạ