Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Biết Bao Giờ Trở Lại - Ngô Thụy Miên - Nguyên Khang


Sáng Tác: Ngô Thụy Miên
Ca Sĩ: Nguyên Khang
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cảm Tác Qua Cầu Mỹ Thuận



Một dòng sông xanh biêng biếc chảy
Gió lộng rạt rào muôn dặm khơi
Thuyền vội về đầu chiều đứng đợi
Mây trôi lờ lững nắng buông rơi
Mộng theo nước biếc xanh màu mắt
Bóng gởi chim bay hát với trời
Cây bẹo* lòng người vương vấn mãi
Lòng chơi vơi tình đi muôn nơi

*Cây treo trái rau củ..thường thấy ở ghe thuyền ở chợ nổi
Bằng Bùi Nguyên

Chiếc Cầu Mơ Ước




Xướng:
Chiếc Cầu Mơ Ước

Chiếc cầu cao tít giữa tầng không
Nối nhịp thành đô gắn ruộng đồng
Nặng gánh ưu tư nhiều thế hệ
Thỏa niềm khao khát nỗi hoài mong
Sông chia khoảng cách xa xôi bóng
Nếp nghĩ dòng ngăn diệu vợi lòng
Kết hợp tình người hơn tất cả
Đôi bờ ý thức mối tương thông. 

Mai Thắng 
 (2014)
***
Các Bài Họa:
Thay Cũ Đổi Mới


Đổi mới bắc cầu có được không! 
 Thông đường xe chạy thẳng sông đồng
Người đi phương tiện thôi trông ngóng
Khách đến bộ hành khỏi đợi mong
Lũ lượt học sinh chưa trễ lớp
Nhộn nhàng xe cộ sẽ an lòng
Bến xưa hoài niệm trong tiềm thức
Kiến thiết mở mang đại lộ thông

Mai Xuân Thanh 
Ngày 11 tháng 11 năm 2017
***
Cầu Cao Lãnh

Nhịp cầu cao vút vượt trên không
Nhìn xuống sông xanh giữa cánh đồng
Kết nối hai bờ năm tháng đợi
Thỏa lòng bao kẻ cả đời mong
Nhớ con phà thủy, ưu tư dạ
Ngắm những dòng xe, rộn rã lòng
Rút ngắn thời gian, người hớn hở
Thẳng đường, tiện lợi việc giao thông.

Phương Hà
( 12-11-2017 ) 
***
Cầu Cao Lãnh

Chiếc cầu sừng sửng giữa trời không,
Ngự trị sông sâu cả ruộng đồng.
Đồng Tháp , An Giang tròn ước nguyện,
Mối tình bến nước đã hằng mong.
Ào ào xe cộ hân hoan khách,
Heo hút phà xưa se sắt lòng.
Lớp trẻ biết gì ngày tháng cũ?
Bom mìn cầu gẫy khó lưu thông!

Mailoc
11-12-17
***
Đôi bờ bắt nhịp


Cầu bắc đôi bờ em biết không ?
Từ đây,mơ ước thỏa chờ mong
Nhìn qua xe cộ đang xuôi ngược
Ngó xuống cò bay rợp ruộng đồng
Lữ khách vui cười vì thuận tiện
Dân tình thích thú bởi đường thong
Phà xưa,bến củ vào tâm thức
Hiện đại,tương lai rộn rã lòng !

Song Quang
***
Theo Đà Tiến Hóa

Cao vút nhịp cầu giữa khoảng không,
Như sau mưa móng hiện ngoài đồng.
Lự ưu ngày trước đà ưu việt,
Mơ ước giờ đây thỏa ước mong.
Trông chiếc cầu treo vun vút xế,
Nhớ phà vọng cổ xót xa lòng.
Bể dâu thoáng chốc thành dâu bể,
Hiểu được lẽ trời vạn sự thông !

Đỗ Chiêu Đức
11/14/2017
***
 Cầu Qua

Thích,cầu đã nối chứ sao không!
Thành quả b̉ỏ ra cả tỷ đồng
Giúp đó thăm đây thành ước nguyện
Cho anh gặp bậu thỏa mơ mong
Đẹp tình Chức nữ tròn tâm ý
Vui cảnh Ngưu lang vẹn tấc lòng
Chấm dứt ưu phiền vì cách trở
Dài lâu hạnh phúc với hanh thông.

Thái Huy

***
Chiếc Cầu Bắc Nhịp

Sương biếc tỏa mờ một khoảng không
Sông sâu ai xới mối tương đồng
Bao giờ toại nguyện niềm mơ ước
Thôi hết ngậm ngùi nỗi nhớ mong
Ngày ấy kề nhau soi bóng nước
Chiếc cầu bắc nhịp kết đôi lòng
Thể như vương vấn người qua lại
Thắm thiết tình gần tỏ cảm thông

Kim Phượng
***
Những Chiếc Cầu Mơ Ước


Sừng sững trụ cầu giữa khoảng không
Dây giăng giữ nhịp nối hai đổng
Tiền Giang xứ Vĩnh thôi ngăn cách
Đồng Tháp An Giang thỏa đợi mong
Đại Ngãi (*) cũng đang chờ cất tiếng
Cổ Chiên (*) hoàn tất đẹp nơi lòng
Sông Tiền sông Hậu nay liền dãy
Kinh tế miền tây ắt sẽ thông.

Quên Đi

Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu nối liền huyện Long Phú (Sóc Trăng) và Tiểu Cần (Trà Vinh) sắp sửa được xây dựng. Cầu Cổ Chiên nối huyện Mỏ Cày (Bến Tre) với huyện Càng Long (Trà Vinh).
***
Duyên Tình Trên Bến Xưa.

Mỹ Thuận duyên tình ai nhớ không
Phà xưa gặp gỡ mối tâm đồng
Dư âm bài hát còn vương vấn(*)
Ký ức hương tình lưu luyến mong
Khép kín tâm tư sầu chất ngất
Dìm sâu kỷ niệm chết nơi lòng
Cầu nay bắc nhịp người qua lại
Có nối được tình hai bến thông

Kim Oanh
(*) Bài hát Trăng Rụng Xuống Cầu - Vợ chồng mù đàn hát trên chuyến Phà xưa

Lai Lịch Của Chữ Song Hỉ


An Vương Thạch và hai chữ Song Hỉ
Sau đây, xin kính mời Quý Thầy Cô, Quý đồng môn Cựu Học Sinh Trung học PTG & ĐTĐ, các bạn Vườn Thơ Thẩn và Các Em học sinh trường TÂN HƯNG cũ, cùng nghe lai lịch của chữ SONG HỈ 囍 rực rỡ đỏ tươi trong các Hôn Lễ Trung Hoa xưa và mãi cho đến ngày nay, bất cứ nơi nào trên thế giới có Lễ cưới của người Hoa, người Việt thì ta sẽ thấy chữ SONG HỈ vui tươi rực rỡ nầy xuất hiện. Nó được viết bằng 2 chữ HỈ 喜 liền nhau, nên gọi là SONG HỈ 囍, ý chỉ đây là ngày vui của 2 HỌ. Nhưng, lúc đầu nó là 2 niềm vui đến cùng một lúc với Văn, Thi Hào và là Tể Tướng VƯƠNG AN THẠCH đời Tống. Xin kính mời Quý vị cùng tiêu khiển với câu chuyện Văn chương lý thú sau đây....


Vương An Thạch ( 18-02-1021-- 21-05-1086 ), Tự là Giới Phủ, hiệu là Bán Sơn, được phong là Kinh Quốc Công, nên người đời còn gọi là Kinh Công. Người đất Lâm Xuyên thuộc Vũ Châu đời Bắc Tống. Ông là Thừa Tướng của triều Bắc Tống, lãnh tụ của Tân Đảng ( Đảng Cải Cách ). Âu Dương Tu đã ca ngợi ông như sau:

Hàn lâm phong nguyệt tam thiên thủ, 翰林風月三千首,
Lại bộ văn chương nhị bách niên. 吏部文章二百年。
Lão khứ tự lân tâm thượng tại, 老去自憐心尚在,
Hậu lai thùy dữ tử tranh tiên. 后來誰與子爭先。 
Có nghĩa :
Ba ngàn bài gió trăng phong nguyệt,
Hai trăm năm Lại bộ văn chương.
Già đi tự cảm thương thân phận
Hậu thế ai người dám sánh ông ?!

Tác phẩm gồm có " Vương Lâm Xuyên tập, Lâm Xuyên tập Thập di,... ". Ông còn giỏi về thi, từ. Lưu truyền nổi tiếng nhất trong dân gian là 2 câu thơ trong bài " Bạc thuyền Qua Châu ( Thuyền ghé bến Qua Châu ) là :
Xuân phong hựu LỤC Giang nam ngạn, 春風又綠江南岸,
Minh nguyệt hà thời chiếu ngã hoàn ? 明月何時照我還。
Có nghĩa :
Gió xuân lại thổi làm cho bờ Giang nam XANH biếc,
Trăng bao giờ mới soi sáng trên đường ta về quê ?!

Chữ LỤC 綠 là Hình Dung Từ, có nghĩa là : Màu xanh lá cây. Ở đây được tác giả sử dụng làm Động Từ một cách thật khéo léo và thật gợi hình :
" Gió xuân lại làm cho XANH cả bờ bãi của xứ Giang Nam."
Có nghĩa :
Khi gió xuân về tức là mùa xuân cũng đã về làm cho cây cỏ đâm chồi nẩy lộc mang đến màu xanh cho xứ Giang Nam, chớ bản thân gió xuân không thể làm cho xứ Giang Nam xanh lên được. Nên...
Chỉ một chữ XANH ( Lục ) thôi đã mang lại đầy đủ sức sống của hoa cỏ mùa xuân và như chiếc đủa thần của tạo hóa : Gió xuân thổi tới đâu là mang màu xanh đến nơi đó ngay!

" 囍 " 的来历
Lai Lịch Của Chữ Song Hỉ

Chữ SONG HỈ lớn màu đỏ, treo ở trước cửa phòng Hoa chúc, chẳng những tạo thêm không khí vui tươi mà còn tượng trưng cho SONH HỈ LÂM MÔN ( Hai niềm vui đến nhà cùng một lúc ). Căn cứ theo ghi nhận của Sử liệu, thì lai lịch của chữ SONG HỈ nầy xuất phát từ Tể Tướng Vương An Thạch đời Bắc Tống, Câu chuyện như sau.....
Tương truyền năm 20 tuổi, khi từ Lâm Xuyên Vũ Châu đến kinh đô Lạc Dương để ứng thí, khi nghỉ ở khách sạn Mã gia trấn để chờ dự thi. Một hôm, sau buổi cơm tối, ông thả bộ ra phố, khi đi ngang qua nhà Mã viên ngoại, thấy phía trước cửa nhà treo 2 cái lồng đèn kéo quân, bên cạnh có đôi câu đối như sau :

Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.
走 馬 燈, 燈 走 馬, 燈 熄 馬 停 步。
Có nghĩa :
Tẩu Mã Đăng là Đèn Chạy Ngựa, ta gọi là Đèn Kéo Quân.
Nên câu trên có nghĩa : 
Đèn chạy ngựa, ngựa chạy trên đèn, đèn tắt ngựa ngừng chạy.
Theo nghĩa của ta thì là :
Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt quân ngừng kéo.

2 loại Đèn Kéo Quân

Vương An Thạch xem xong trầm ngâm giây lát, bỗng vỗ tay đánh đét một tiếng khen : " Câu đối hay tuyệt, nhưng rất tiếc là không có vế đối lại ! ". Người quản gia nghe thấy vội vàng chạy vào bẩm báo với Mã viên ngoại, nhưng khi Mã viên ngoại ra tới cửa thì Vương An Thạch đã đi xa rồi.
Sự đời cũng lắm việc trùng hợp ngẫu nhiên, hôm sau khi đi thi, vì văn tài mẫn tiệp,làm bài nhanh nộp quyển sớm, nên được quan chủ khảo chú ý ngợi khen và gọi lên hạch miệng. Ông chỉ ra cột cờ trước sân, nơi có treo lá cờ thêu hình một com hổ bay với đôi cánh vươn ra và đọc :
Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.
飛 虎 旗, 旗 飛 虎,旗 捲 虎 藏 身。
Có nghĩa:
Cờ cọp bay, cọp bay trên cờ, cờ cuốn cọp ẩn mình.

Vương An Thạch buộc miệng đọc ngay câu đối của Mã viên ngoại :" Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ ", để đối lại. Quan chủ khảo vô cùng tán thưởng và kinh ngạc trước tài ứng đối mau lẹ và chính xác của Vương An Thạch, và không ngớt lời ngợi khen.
Rời khỏi trường thi, Vương vô cùng đắc ý, trong lúc hớn hở đi về nhà trọ, thì người Quản gia nhà họ Mã nhận ra Vương và mời về phủ ra mắt viên ngoại. Khi vào đến phòng khách thì đã thấy trên bàn bày sẵn văn phòng tứ bảo, giấy mực hẳn hoi. Mã Viên ngoại đọc ngay câu đối " Tẩu mã đăng..." cho chàng đối . Vương An Thạch chẳng ngần ngừ chút nào cả, hưu bút viết ngay câu đối mà Quan chủ khảo đã ra cho chàng là " Phi hổ kỳ..." để đối lại. Viên Ngoại vô cùng đẹp dạ, kinh ngạc trước tài ứng đối mau lẹ của Vương và rất vui vẻ mà cho Vương biết rằng, ông ra câu đối nầy là để kén rể, nay mến tài mẫn tiệp của Vương nên quyết định gả con cho chàng. Chọn ngày lành tháng tốt và làm lễ thành hôn ngay tại Mã phủ.
Trong lúc cô dâu chú rễ sắp làm lễ bái đường, thì có sứ đến tuyên đọc kết quả kỳ thi vừa qua, và cho biết Vương An Thạch vừa đậu Tiến sĩ cập đệ, ngày mai được mời vào cung Quỳnh Lâm dự yến. Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, truyền bày thêm tiệc rượu để khoản đãi quan khách. Riêng Vương An Thạch cũng vui mừng vô hạn, đang cơn hứng chí bèn sẵn giấy bút viết ngay HAI chữ Hỉ sát vào nhau dán lên cửa để mừng cho Hai niềm Vui lớn đến cùng một lúc, Hỉ thượng gia Hỉ, Đại tiểu Đăng Khoa cùng một lúc. 

Các kiểu chữ Song Hỉ

Từ đó dân gian mới có lệ, chú rể được mặc áo Trạng Nguyên Tiến Sĩ trong ngày cưới và dán chữ SONG HỈ ở khắp nơi trong nhà khi làm lễ Thành hôn cho đến hiện nay. Ngay cả ở nước Mỹ nầy, trước mắt các nhà hàng đều có sẵn chữ SONG HỈ và hình rồng phụng hai bên trong các phòng ăn rộng dành riêng cho cô dâu chú rể đãi khách trong ngày lễ Tân Hôn.

Đỗ Chiêu Đức Biên sọan

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Thơ Tranh: Mộng Đường Thi


Thơ: Phạm Kim Lợi
Thơ Tranh: Kim Oanh
* * *
Họa từ Tranh: Thơ Đường

Đường Thi khó đạt, ngủ mơ màng
"Bát cú thất ngôn" luống thở than
Mặc khách ngâm thơ lên đắc ý
Tao nhân vịnh nguyệt xuống hiên ngang
Anh em tứ hải đều đi lại
Tỷ muội tam sơn hãy bước sang
Căn bản gieo vần niêm đúng luật
Đôi câu luận đối quý như vàng.

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 10 năm 2017

Bận Lòng



Saigon đêm tháng mười.
Chợt thức giấc, trời khuya.
Hình như em chưa ngủ.
Có gì như nhắn nhủ.
Lại nhắc ta bận lòng.
HaNoi sớm vào đông.
Ước chia đều cái lạnh.
Để tìm trong chăn ấm.
Một chút gì mong manh.
Ngoài kia chìm tĩnh lặng.
Sao riêng ta bồi hồi.
Giá như đừng xa vắng.
Để lỡ làng buông trôi..

            ***
Một năm vắng tin em.
Đêm nào nằm cũng lạnh.
Ước tình yêu có cánh.
Bay tìm em nẻo đường.
Giờ đã cách dặm trường.
Nghe tin đài báo rét.
Thương em mình đơn chiếc.
Trong cái lạnh đầu mùa.
Của những chiều đông mưa...

Hhai

Lời Cảm Tạ Nàng Thơ



Nàng Thơ phơi phới hây hây
Rải bao run cảm chốn nầy thế gian
Ban tình vui thú dịu dàng
Bên Nàng tôi được khẽ khàng khỏa khuây

Nguyễn Cao Khải


Vợ Than



Xướng: Vợ Than

Ai bày xướng họa rứa trời ơi?
Chồng mãi mê say ốm cả người
Bận rộn quanh năm không thấy đói
Rảnh rang cả tháng chẳng đòi xơi
Trăng vương nhánh liễu mơ màng ngó
Gió niú tàn cau chúm chím cười
Năm nỉ mình ơi lo dưỡng sức
Thơ hoài lụn hết - cả trời ơi!

Trương Văn Luỷ 
27/10/17
***
Các Bài Họa:
Thuận Vợ

Làm thơ chớ mải quá ông ơi!
Nếu để bà than ắt nẫu người
Khát nước không chờ, tìm lấy uống
Đói cơm chẳng đợi, lục ra xơi
Nhịn lâu ruột thắt,đâu trò rỡn?
Nín quá bình teo,nỏ chuyện cười!
Muốn được tìm vần cho thoải mái
Thường xuyên nựng nịu :ới em ơi!

Thanh Hoà
***

Thi Sĩ Già

Thật là tốt số, ấy người ơi
Thi sĩ già nua dễ mấy người
Ai nấy hằng ngày đều chẳng bận
Món gì đến bữa cũng đành xơi
Vía bay theo gió, tha hồ mộng
Hồn gữi cõi tiên, thích thú cười
Xướng họa quên đi đời thế tục
Bạn bè thơ rượu, ấy người ơi.

Thanh Trương
***
T
ội Làm Thơ

Cái bệnh mê ghiền tội lắm ơi
Bao nhiêu công việc đẩy về người
Ngày cày mệt lả dường quên uống
Tối nghỉ mõi đừ chẳng muốn xơi
Hoa rụng hiên nhà thơ thẩn ngắm
Sương che bóng nguyệt mộng mơ cười
Đêm khuya say mãi theo thi hoạ
Sức lực hao mòn tội lắm ơi

Minh Thuý

Tháng 2__2017
***
Lời Vợ

Lòng bà khó chịu lắm phiền ơi
Sao cứ say thơ ốm nhách người
Suốt buổi loay hoay câu tứ gặm
Luôn ngày hý hoáy ý vần xơi
Nhìn hoài dạ bực mồm cay nói
Ngó mãi lòng cau miệng đắng cười
Thôi nhé ông này mau chấm dứt
Thơ thơ thẩn thẩn khổ già ơi.

Hương Thềm Mây
(GM.Nguyễn Đình Diệm)

28.10.201
***
Lời Vợ Chàng Thi Sĩ

Chớ mơ mộng nữa hỡi chàng ơi
Mê mẫn nàng thơ đến rạc người
Vợ trẻ phây phây không thích ngắm
Món ngon hấp dẫn chẳng buồn xơi
Nhiều khi lặng lẽ, âm thầm khóc
Có lúc xôn xao, rúc rích cười
Hí hoáy sưốt ngày bên giấy bút
Chàng làm em khổ quá chàng ơi !

Sông Thu
***
V
ợ Ngâm

Chi mà ác thế hả chồng ơi
Đem cái thanh cao quyến rũ người.
Tối tối mang xưa ra tận hưởng
Trưa trưa giở mới để ngon xơi.
Tre đà nên lũy xum xuê múa
Thơ chất thành non rúc rích cười.
Chàng hỡi em mê nhiều đối tốt
Mà niêm dính luật mến vần . . . Ơi !


Trần Như Tùng
***
Chẳng Kịp Ơi


Lại khiến anh hùng chẳng kịp ơi
Nào buông nửa khắc để theo người
Ươm vần trước sảnh vừa toan viết
Vọng tiếng bên phòng đã giục ngơi
Ruộng thấp thưa cày, sương giá nổi
Đồi cao năng đến, nắng xuân - cười
Tơ hồng nguyệt lão xe đằm thắm
Lại khiến anh hùng chẳng kịp ơi

Phạm Duy Lương
***
Nhắn Cuội

Đã bị ai lừa thế Cuội ơi
Mà sao thườn thượt chẳng ra người
Cung Hằng gái đẹp thôi đừng dụ
Đồng Quảng cỏ mềm chớ có xơi
Móng dưới đâu còn đau miếng khóc
Hàm trên đã mất dở câu cười
Mau về hạ giới trâu thôi khổ
Đừng bởi ham giàu, chết Cuội ơi.

Phan Tự Trí
***
Lời Chồng Nàng Thi Sĩ


Tui muốn thở dài lắm hỡi ơi
Bởi ai biếng nhác chảy thây người
Chồng còn đẹp lão không ưa ngó
Bếp có ngon cơm sẵn chực xơi
Cửa sổ mưa rơi ngơ ngẩn hát
Vàng thu lá rụng xuyến xao cười
Căn nhà bề bộn thơ và giấy
Thi hoạ say mèm quá hỡi ơi

Minh Thuý 
 Tháng 10_2017
***
Ngàn Xa Nối Lại

Xướng họa vui cùng gọi ới ơi
Ngàn xa nối lại kết thân người
Câu thơ ngọt lịm hoài mong nếm
Chữ nghĩa cay xè cũng muốn xơi
Bóng lẻ đèn chong phờ phạc viết
Hình côi góc lặng tửng tưng cười
Nhờ nay có mạng vèo như chớp
Chẳng ngóng thư lòng não nuột ơi

Lý Đức Quỳnh

Mừng Hội Ngộ Thầy Nguyễn Trung Quân


Từ trái : Phước - Tư - Hiệp - Kim Quang - Tòng - Thành- 
thầy Quân - Tùng - Tu Bé - Duyên - Thảo

Thính lực của tôi ngày càng tệ. Tại nhà, khi có các cú phone đến tôi đều nhường cho má nó nghe. Buổi chiều, má nó hồ hởi : " thầy Nguyễn trung Quân về đến Cần thơ rồi. Mời ông và các bạn đến nhà luật sư Hồ trung Thành lúc 16 giờ chiều, ngày 14/11/2017".

Sức khỏe bây giờ cũng càng kém. Không dám chạy xe 2 bánh. Đi đâu nhờ bạn Kiến trúc sư Đào thanh Tòng đèo phía sau.

Chúng tôi đến nhà bạn Thành chưa được 4 giờ chiều. Trời đang chuyển mưa. Có gió lộng ào ào trên đường phố. 

Tưởng mình đến sớm, không ngờ trên bàn tiếp khách là bạn Thành và thầy Quân đang nói chuyện với chị Phạm thị Tư Bé và chị Lê thị Thảo. Gặp tôi thầy mừng lắm, còn tôi quá cãm động vì tính cởi mở của thầy. Thầy đứng dậy siết chặt tay tôi dường như sợ nó tuột ra mà thầy không níu lại được.

Rồi kẻ gần người xa lục đục kéo đến : Anh Trương văn Hiệp (con thầy Hòa), anh Lê đình Phương, anh Võ trung Liệt, chị Nguyễn kim Quang, anh Huỳnh văn Tư (rễ PTG) và phu nhân nhà thơ, nhà giáo Đinh thị Hiệp, anh Nguyễn tấn Phước, Anh Huỳnh phước Duyên. Sau cùng là giáo sư Hồ hữu Hậu cùng phu nhân nhà giáo Nguyễn thị Khâm (nhà thơ Hồ Nguyễn)...

Thầy mừng lắm đứng dậy ân cần bắt tay từng người một. Tôi được phân công ngồi cạnh thầy - phía bên kia là chủ nhà anh luật sư Hồ trung Thành. ( bạn Thành bị tai biến cách đây vài tháng. Nguyên cánh tay mặt hạn chế hoạt động nhưng chúng tôi rất mừng là bạn nói chuyện còn phần nào lưu loát dễ nghe).

Anh Trương văn Hiệp con thầy Hòa là người bạn tôi mới gặp lần đầu. Nhìn anh dáng người làm tôi nhớ đến thầy Diệp văn Điểu, giám học ngày xưa. Thầy Điểu có chiếc mô tô phân khối lớn 400cc hiệu TWN rất ngầu thuở đó. Thầy có 2 con trai là bạn Diệp văn Ngọc và Diệp văn Ngà cùng vào đệ thất E PTG với chúng tôi năm 1955. Thầy Hòa cũng là giám học hiền từ. Hàng ngày, ngoài giờ, thầy phụ bán thuốc tây cho pharmacie Khương bình Tịnh...

Cuộc hội ngộ lần nầy chỉ có giáo sư Hồ hữu Hậu là bạn cùng lớp với thầy. Nhà thầy Hậu gần nhà tôi. Anh thường đi bộ ra ghé nhà tôi hàn huyên tâm sự. Gần đây sức khỏe hai ông bà càng kém, đi đứng khó khăn. Đi đâu hai ông bà cũng dìu nhau đi bằng xe bus...

Từ trái: Ls Thành, thầy Quân, Gs Hậu, Tư Bé,  
Thảo, Khâm (nhà thơ Hồ Nguyễn)

* Có ai đó nhắc thầy kể chuyện bài thơ Vịnh cây tre. Thầy hồ hởi:

VỊNH CÂY TRE

Mượn danh dối thế chúng chê đè
Quân tử gì nà thứ giống tre !
Có mắt không tròng, hay cót két
Rung chà trơ gốc, giỏi cò ke
Dùng làm than củi trong giây lát
Để lót vạt giường chắc dữ be
Ngoài lớp xanh um trong trống phọc
Kêu cho rền lắm chẳng ai nghe.

P.T.H.H

Bài họa: của cụ TRẦN VĂN HƯƠNG

Nài bao mưa dập với giông đè
Giúp thế âm thầm tội nghệ tre
Cành nhỏ chuốt cần câu lục chốt
Cây già dẻo gậy duỗi chà ke
Chọc trời trước gió, mây ngờ đến
Ngắn nước trong vườn, nước cậy tre
Dở nắng che sương, phên giại giỏ
Nhịp canh đêm vắng há không nghe!

T.V.H

Bài thơ Vịnh Cây Tre tác giả là em nữ sinh Phạm thị Hồng Hạnh, sanh năm 1940, sáng tác năm 1958, lúc cô là nữ sinh lớp đệ ngũ A trường trung học Phan thanh Giản.

Rất tiếc hôm nay chúng ta họp mặt, thầy có mời em Hồng Hạnh nhưng em đang ở Texas thăm thân nhân, nên vắng em hơi buồn. Ngoài bài thơ vịnh Cây Tre em Hạnh còn một bài nữa là vịnh Cái Chén. 

Cả 2 bài thơ vịnh trên đúng là một giai thoại văn chương ly kỳ nhất thời buổi ấy. Cái thời dân tộc miền Nam sống dưới chế độ gia đình trị và công an mật vụ là nỗi lo sợ thường xuyên của mọi người. Chỉ vì bài thơ châm biếm Cây Tre mà em Hồng Hạnh bị công an mời lên mời xuống và bị đuổi khỏi trường PTG. làm việc học bị dở dang và gây rất nhiều phiền phức cho em và gia đình. Em là người có tài nhưng sinh không nhằm thời.

Điểm đáng khen của em Hạnh là sau năm 1975, chính quyền mới mời em làm việc nhưng em khai rằng em làm thơ vì sở thích hơn là có ý đồ chính trị, nên em từ chối hợp tác .

Dù thầy không đọc bài thơ Vịnh Cái Chén, nhưng người viết bài xin ghi ra đây để các bạn cùng thưởng thức vì có khi các bạn chưa có dịp đọc qua:

CÁI CHÉN

Lò gốm ra lò trước mắt tôi
Bát, tô, tiềm, tượng chất hằng ngôi
Miệng còn lưỡi mất ăn không nói
Khu có trôn không vẫn sống đời
Ở chợ dùng làm đồ bán nước
Trong đình để đựng loại chè xôi
Sẵn lòng rộng rãi tùy người dụng
Dẫu phải cơm canh như vậy thôi.

P.T.H.H

Có ai đó xin thầy kể sơ qua những kỷ niệm vào trường PTG. Thầy mĩm cười và thao thao bất tận:

Từ trái : Trương võ Hiệp - Phước - Tư -
Đinh thị Hiệp - Kim Quang .

* Đầu niên khóa 1952-1953, tôi với 200 bạn nam nữ cùng đậu vào 4 lớp đệ thất trung học PTG ( khóa 2 của chương trình trung học VN) trên 800 thí sinh tham dự. Đề văn của năm đó là :" Trong các thú nhà quê và thú ở chợ em thích thú nào ? Hãy nói tại sao?" Tôi nghĩ rằng 1/2 của số thí sinh dự thi bị rớt vì đã tả thú nhà quê là trâu bò, gà vịt thậm chí cả chuột đồng, rắn nước... còn thú ở chợ là chó berger, mèo Thái Lan, cọp beo sở thú...Vào trường chúng tôi là cấp thấp nhất. Tôi đặc biệt thích lớp bán quân sự học đường của các anh các lớp đệ nhị cấp chương trình Pháp do thiếu tá Nguyễn Khánh chỉ huy...

Thời gian theo học trường PTG có 3 vị hiệu trưởng là quý thầy Nguyễn băng Tuyết, Bữu Trí và Nguyễn văn Kính. 

Năm cuối cấp lớp đệ nhị đậu xong Tú Tài I tôi phải lên trường Petrus Ký Sài Gòn học lớp đệ nhất (vì trường PTG chưa có lớp đệ nhất)...

* Đầu niên khóa 1962-1963, đúng một thập kỷ sau ngày tôi đậu vào trường PTG, tôi trở lại trình diện ông hiệu trưởng Lưu Khôn để bắt đầu nghiệp nhà giáo.

Nhóm chúng tôi tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn cùng về trung học PTG gồm có 8 người (mà có bạn gọi đùa là bát tiên): cô Nguyễn thị Loan Anh và tôi (văn), anh Nguyễn văn Quang (pháp văn), anh Vũ công Định (anh văn), anh Võ văn Vạn (nhà thơ Trầm Vân) toán, anh Nguyễn văn Ánh (lý hóa), anh Phạm văn Nghiêm (vạn vật) và anh Quản Hùng (sử địa).

Công bình mà nói trường PTG, thầy cô, bằng hữu và học trò mình đã cho tôi nhiều ân nghĩa suốt đời tôi giữ như những kỷ niệm êm đềm. Đáp lại, tôi có những cơ hội giúp cho trường công sức cùng cố gắng giáo dục học trò với những tấm chân tình. Vì vậy, đa phần những bước âm thầm của tôi có để lại chút dấu vết nào nơi ngôi trường Mẹ (mà ngày nay không còn nữa). Tôi tin đó là những nét khá êm đềm. Có điều tôi biết rõ cuộc hành trình nào dù chu đáo dến đâu cũng vướng nhiều bước lỗi lầm, băn khoăn, hụt hẩng. Tôi mong có cơ hội rút từ những áy náy đó ra những bài học và hối tiếc thực lòng.

* Thầy nhắc lại lời gs Phạm văn Đàm thường nói :" Trường chúng ta có thể không nổi tiếng bằng một số trường khác nhưng điều quý là chúng ta sống có tình với nhau ". Và giáo sư Lưu Khôn đã từng viết câu liễn Tết :" Vui buồn vẫn nhớ tình thầy cũ, Sướng khổ nào quên nghĩa bạn xưa ".... . . . . . . . . .
* Thầy bảo tôi sống ở Mỹ đã 40 năm nhưng vãn giữ vững nguồn gốc VN đúng nghĩa. Cuộc đời tôi hay không bắng hên. Thầy cho rằng nhờ có may mắn, có hên chứ không hay gì cả...
Thầy ngừng, với tay mở nấp chai nước suối để thấm giọng.
* Tôi đã ăn chay trường nhờ vợ tôi khuyến khích và phục vụ. Trong đời tôi sợ nhất là hai điều :

1./- thứ nhất: tôi sợ nước Mỹ và người Mỹ. Họ lúc nào cũng nghĩ đến hay làm gì thì phải có lợi cho nước Mỹ...

2./- thứ hai: điều tôi sợ thứ hai là.... thầy ấp úng mãi không nói ra rồi thầy nói lảng sang chuyện khác. Nhưng chúng em hiểu thưa thầy. Cái mà thầy sợ thứ hai là cái mà bọn em sợ nhất trong cuộc đời đó thầy ơi !...

Thưa với thầy,

Em có nhiều chuyện tâm đắc với hoạt động của thầy ở hải ngoại. Thí dụ với một bức thư viết tay của thầy cho bạn Bùi hữu Trạng nhân kỳ đại hội 10 năm sinh hoạt cựu học sinh PTG-ĐTĐ tại Úc Châu năm 2008. " Thầy cãm thông sâu sắc với tất cả ban tổ chức đại hội ở các nước về những bận rộn, những sự kiện khó khăn phức tạp gặp phải trong tiến trình tổ chức đại hội, mà động lực căn bản của chúng ta là tình sư đệ, nghĩa đồng môn và mối cãm hoài với trường xưa, quê cũ. Thầy xem những người có đóng góp công sức và thiện chí vào việc chung là bạn đồng hành của thầy mà như các em đều rõ, thầy vẫn tự hào là một cựu học sinh trường trung học PTG Cần Thơ"...

Thưa thầy, 
Bây giờ là nửa đêm. Khó ngủ em ra máy gỏ lại những tình cãm thắm thiết của thầy dành cho chúng em chiều nay. Nhân tiện, em kính gởi đến thầy bài thơ nhỏ để ghi nhớ cuộc hội ngộ ban chiều :

VIẾT VỀ THẦY NGUYỄN TRUNG QUÂN
(kỷ niệm chiều hội ngộ 14/11/2017 tại nhà Ls Hồ trung Thành)

Chiều nay hội ngộ tiếp rước người thầy
Giáo sư hiệu trưởng thân thương kính trọng
Từ nơi xa thầy không quên truyền thống
Gặp lại trò ngày nhà giáo Việt nam.

Trước mặt thầy là phấn trắng bảng đen
Em cúi đầu chào người đưa đò thầm lặng
Tuổi thanh xuân thầy bắt đầu đi vắng
Cuối ga buồn bóng xế phủ quạnh hiu.

Chúng ta hiện diện vào một buổi chiều
Thầy vẫn vậy - giọng cười còn trong sáng
Câu nói mượt mà nghiêm trang tiến thẳng
Tha thiết nầy thầy để lại mai sau.

Giờ tuổi thầy như nắng Hạ trời cao
Tóc bạc trắng theo hành trang dạy học
Thật xấu hổ nhìn thầy em muốn khóc
Chỉ biết chúc thầy hưởng lộc - an khang.

 Bài và ảnh: Dương hồng Thủy
(đêm 14 rạng 15/11/2017)

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Thơ Tranh: Hồ Gương Soi Bóng


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Chợt Như Có Gió Lạ Về



Chợt như có gió về nay lạ
Mở nụ hoa cười sắc đỏ thay..!
Và như chim hót xanh mùa lá
Lay tiếng chân về ta có hay

Lòng ta bỗng chợt từ e ấp
Nhớ đóa hoa hồng nở sáng nay
Thơm thơ từ thuở trăng tròn lẻ
Rung động len vào tim thoáng say

Hình như người ấy đi đi miết
Chẳng biết bao lâu...Ta vẫn say
Chiều nay phố rộng lòng tha thứ
Kỷ niêm phôi phai dấu lạc loài

Vỉa hè quán cốc cà phê đắng
Nhỏ giọt thời gian nối tiếp bay
Bâng khuâng có lẽ lay hồn lắng
Để chạm đôi bờ mi mắt cay ...

Bằng Bùi Nguyên

Giọt Tình - Lệ Tình



Xướng: Giọt Tình

Giọt tình rơi xuống tim thơ
Ướt nhem nỗi nhớ ngày cô quạnh buồn
Ướt nhem chữ nghĩa vô ngôn
Bỗng buông xác thoát thành hồn linh thơ


Phạm Hồng Ân
***
Các bài Họa: 

Lệ Tình

Giọt sầu nhoè ướt trang thơ
Tường in chiếc bóng thân cô đơn buồn
Lệ tình viết chẳng thành ngôn
Tuông tràn hồ mộng quyện hồn người thơ


Kim Oanh
***
Biển Tình

Biển tình sóng vỗ bờ thơ
Tan theo bọt nườc thành cô thôn buồn
Sầu nào viết được ngụ ngôn
Yêu là mơ mộng tựa hồn ngây thơ

Song Quang
***
Y Đề

Từ xưa tập tểnh làm thơ
Nghe lời than thở về cô tôi buồn.
Nếu không suồng sả, lộng ngôn,
Cho tôi được tỏ tâm hồn yêu thơ.

Khôi Nguyên
***
Hương Tình

Hương tình quyện lấy vần thơ
Cho người thương thấy bớt cô đơn buồn
Đường yêu có lắm châm ngôn
Khi mơ lúc mộng đưa hồn vào thơ.

Nguyên Hương
***
Thuyền Tình


Thuyền tình vừa ghé bến thơ 
Giúp người bạn gái gở tơ rối buồn 
Thương ai "tứ tuyệt, thất ngôn"
Ngâm nga sầu mộng tâm hồn yêu thơ

Mai Xuân Thanh 
Ngày 08 tháng 11 năm 2017
* * *
Sóng Tình

Sóng tình dào dạt Hương thơ
Chòng chành nghiêng ngã 
Thuyền cô lữ buồn
Giọt sầu đọng xuống thành ngôn
Biển cuồng Lệ  xót đau hồn nàng thơ

Song MAI Lý Lệ
11/9/17
Phạm Hồng Ân(Giọt Tình), KimOanh(Lệ Tình) , SongQuang (Biển Tình), Nguyên Hương (Hương Tình), MaiXuânThanh(Thuyền Tình)
* * *
Ngôn Tình

Giọt Tình thả xuống dòng thơ
Lệ Tình đẫm ướt bến cô liêu buồn
Biển Tình bạc trắng vô ngôn
Hương Tình theo gió gọi hồn người thơ
Thuyền Tình vớt bóng trăng mơ
Sóng Tình nghiệt ngã tràn bờ xoá tan

Kim Oanh
Phạm Hồng Ân(Giọt Tình), KimOanh(Lệ Tình) , SongQuang (Biển Tình), Nguyên Hương (Hương Tình), MaiXuânThanh(Thuyền Tình), LýLệMai( Sóng Tình).

Dòng Mộng



1. Con sông nào
Tháng ngày xuôi dòng chảy
Chở bao nỗi đời đau
Âm thầm trôi đi mãi,
Từ vạn cổ xưa sau.

2. Con thuyền nào
Ngàn phương về bến đổ
Ngừng nhịp sóng thời gian
Vầng trăng tròn gương cổ
Mưa gió tạnh tràng giang.

3. Lênh đênh
Lênh đênh thuyền một chiếc
Sông dài, bể rộng thênh
Giữa sắc màu sinh-diệt
Từng ý niệm lênh đênh.

4. Rẻ sóng
Con thuyền rẻ sóng nước
Dòng trôi xanh tự tình
Mái chèo khua nhịp nước
Bỏ sau mùa tử-sinh.

5. Hướng phương
Đường mây xuôi dòng sông lạ
Hỏi chi nhánh cỏ, cành lau
Giọt lệ từ khi hoá đá,
Người về từ cõi chiêm bao.

6. Bến xưa
Bến xưa, thuyền đổ bến
Chèo xưa, gát mái chèo
Bóng chim cùng bóng nước
Nơi nào không trăng theo!

7. Bến đổ
Bình yên sau cơn sóng gió
Thuyền về với ánh trăng khuya
Mái chèo thôi chao nhịp nước,
Trong ngần nỗi nọ, niềm kia.

8. Trong hồ
Con cá quẩy đuôi hớp nước
Nước tung trắng bọt theo dòng
Vẫn ta giữa đời đếm bước
Vẫn ta giữa đời đục trong.

9. Vũng nước
Gió ru mây ngàn soi bóng
Râm râm giọt nắng giao mùa
Thanh âm rơi vào tĩnh lặng
Chim về tắm mát ban trưa.

10. Nghiêng
Quán chiều nghiêng sóng bụi
Sông chiều nghiêng khói sương
Đò chiều nghiêng mây nổi
Ta chiều nghiêng vô thường.

11. Như dòng trôi
Đi như dòng trôi mây nước
Bình yên như cỏ, như hoa
Bỏ sau những gì mộng ước
Thênh thang đời vẫn muôn nhà.

12. Cái bóng
Bóng mây cùng bóng nước
Bóng ảo khói sương mù
Bóng vô thường thoáng trước
Bóng ta, người.Thực-hư.

13. Vẫn còn
Ai theo lời mây nước
Từ buổi hồng sơ nguyên
Nước mây trôi chảy miết
Còn lại cõi bình yên.

14. Cõi thực nào
Không là vầng trăng diệu pháp
Tìm chi vết nhạn qua sông
Ngàn năm tỉnh lòng hạt bụi
Cành sương chợt nắng mai hồng.

Mặc Phương Tử

Chốn Cũ Đường Xưa.- Chàng Hiu 374



Hồi trước, ở Sài gòn, cánh đây lâu lắm, tròm trèm…nửa thế kỷ lận nhen… Tất cả cái loại xe hơi, hai đèn trước, đều phải có “mắt mèo” nghĩa là phải sơn màu vàng lên 1/3 bên trên mặt kiếng của đèn trước, ý là… hỏng cho bác tài pha đèn ban đêm, làm chói mắt người hay xe chạy ngược chiều! 
Bởi vậy, bác tài có muốn… chơi ác pha đèn, cũng… bó tay!!! 
Khúc đường gần bịnh viện đều có bảng “cấm nhận kèn” để bịnh nhân khỏi giựt mình! 
Xe đậu trong đường Sàigon đều phải tuân theo bảng đậu “ngày chẵn lẻ”… 

Tất cả xe tắc-xi đều sơn trùng một màu xanh hoặc vàng xanh, ý là để “khách bộ hành” biết nó từ đàng xa để… quơ tay đón và cũng. có ý là nếu, hỏng… phải xe tắc xi, mà là xe du lịch tư nhân lại đi ”dù” rước khách… kiếm chúc cháo là biết liền, cũng dĩ nhiên, xe nào “nhảy dù” như vậy, bị bắt là bị phạt, lớ quớ còn bị tịch thu bằng lái! 

Xe tắc xi phải có đèn hộp “bắt chết luôn” trên mui xe, về đêm, hộp đó có đèn cháy sáng để khách biết mà… dơ tay đón… để cho khỏi lộn với xe du lịch! 
Xe buýt cũng phải sơn một màu đặc trưng riêng để dể phân biệt với xe đò… 


Ví dụ Xe Buýt Vàng thì… sơn màu vàng đặc trưng… khác thiên hạ… 
Bến xe nầy ở gần Bà Quẹo… mà bà con gọi là Bến-Tô-Bít-Vàng… 
Kế bến xe buýt vàng nầy có hãng cơm xấy Hồng Hoa (?) làm cơm xấy cho lính… 
Xe cộ phải đàng hoàng, cái nào ra cái đó, lộn xộn… hỏng nên thuốc! 
Bắt đầu 18 – 20 tuổi… mới cho thanh niên lái xế hộp 4 bánh du lịch… để lấy le, sau đó vài ba năm, bác tài… trẻ mới lên được 1 “hạng”, rồi cày vô lăng… vài năm nửa, mới cho… mó tới xe tải, rồi “chạy xe” thêm vài niên, mới “đủ ngày” để lấy dấu E để lái xe đò, nghĩa là khi bác tài lái… mấy chục tánh mạng hành khách, thì bác tài… vô tuổi trung niền rồi, nên… hết máu thanh niên, háo thắng, ưa nóng gà… chạy ẩu!!! 
Chớ không có cái chuyện “giao trứng cho ác” được! 

Ở ngã tư đèn đỏ, có vạch sơn trắng, tất cả xe cộ đều ngừng sau vạch đó, xe nào cáng mức sơn, mà nhè ông đạp xích lô thấy được… ổng chửi cho tắt bếp, quê lắm nhen!!! 
Nhà bán thuốc tây, thì bảng hiệu đề Nhà Thuốc Tây hoặc Nhà Thuốc Gác (đó là danh từ chung) chớ khộng ai lấy Tên Riêng (danh từ riêng) để đề bảng hiệu bán thuốc tây! 
Hai bảng hiệu nầy luôn luôn là bảng màu xanh đậm và chữ trắng, nó còn có hộp đèn chữ thập xanh gắn thêm, để đêm hôm, người mua thuốc… đứng ở xa, cũng thấy! 

Tiệm nào bán thuốc bắc thì có chữ “đường” ở sau, Ví dụ: Vĩnh Sanh Đường, Nhị Thiên Đường, Thiên Hòa Đường… 
Còn chùa thì có chữ “tự”… dính ở sau, ví dụ: Huỳnh Kim Tự, Thới Hòa Tự, Long Vân Tự, Linh Sơn Cổ Tự… 
Tiệm bán vàng thì bảng hiệu chỉ có 2 chữ, chũ đầu luôn luôn là chữ “kim”, ví dụ: Tiệm vàng…Kim Hưng, Kim Liên, Kim Sen, Kim Hoàng, Kim Phát…


Địa Danh ít khi dùng chữ Thái (kỵ húy vua Thành Thái ?) mà dùng chữ Thới: Ví dụ: Thới Bình (Cà Mau), núi Châu Thới ( Biên Hòa), Bình Thới (quận 11), Tân Thới Hiệp (chỗ tập lính QT) Thới Tam Thôn, Thới Hòa (Vinh Lộc) Thới Nhứt, Thới Nhì, Thới Tam, Thới Tứ (Hóc Môn), Xuân Thới Sơn (chỗ đương trạc, giỏ tre… ) 

Nhà dân cất dọc đường lớn, xa lộ, người ta luôn luôn tự động cất nhà thụt lùi vô trong, ở xa lộ, cách Xa Lộ ít nhứt là 50 mét! Lý do là để cho an toàn chuyện xe cộ, thứ 2 nếu có mở rộng đường xá thì khỏi phải dời nhà… 
Nhà mà dời đi, dời lại là điều ông bà xưa kiêng kỵ, nên, hỏng ai ham lú mặt ra đường! 
Dọc đường cái trống trơn, hỏng ai… dám gan, tới chỗ đó… tự nhiên cất nhà… 
Nếu gan cùng mình, cất nhà đại… thì cứ cất, đợi cất xong, bên Điền Địa hỏi Bằng Khoán đất, hỏng có, thì “coi như”… gia chủ xách tụng đi ăn mày… ở tòa bố! 
Còn những tên cất nhà, mà lấn từng tất đất, bà con nói nhẹ rằng “thằng đó hết xài”! 
Thằng nào “hết xài”… thì nó, chỉ còn nước… đội quần mà đi, nhục lắm!!!…

Ở Sàigon, cái vụ học hành, có ba thứ trường để học: 

(Trường Trung Học Tư Thục Huỳnh Thị Ngà Sàigòn 1947-1975)

Trường Công Lập, Trường Tư Thục và Trường Hàm Thụ 
TRƯỜNG HÀM THỤ là trường… mà… hỏng ai tới trường! 
Bất kể ai, vì hoàn cảnh gì đó không tới trường học trực tiếp được, thì cũng có cách học để tiến thân, đó là “học trường hàm thụ”. Nghĩa là, cứ… đi làm sở, làm sùng tà tà hay làm việc nhà nấu cơm hoặc cày sâu cuốc bẩm đồng sâu nước mặn… 
Nếu muốn tiến thủ trong cuộc đời… thì ghi danh học Trường Hàm Thụ, trường sẽ gởi Bưu Điện bài học, bài làm tới nhà và làm bài xong, gởi bưu điện tới cho trường chấm bài, rồi trường gởi bài tiếp… 
Cứ thế… cứ thế… 
Chỉ tới ngày thi, thì thí sinh phải đi thi mà thôi… 
Bởi vậy, anh em nào có tinh thần cầu tiến, cứ học, nếu thi đậu thì đáng nể lắm!!!

(Trường Công Lập Nữ Trung Học: Lê Văn Duyệt)

TRƯỜNG TƯ THỤC thì học sinh phải “đóng tiền trường” hàng tháng và bằng Tú Tài cũng giống y như học sinh Trường Công Lập… 

TRƯỜNG CÔNG LẬP là… trường công, học sinh không đóng tiền trường suốt 7 năm Trung Học… 
Đặc biệt, trường Công Lập nam nữ… lại cho học riêng, như: 
Trường Công Lập Nữ Trung Học: Lê Văn Duyệt, Gia Long, Trưng Vương… vv… 
Trường Công Lập Nam Trung Học: Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Pétrus Ký, Lý Thường Kiệt, Quốc Gia Nghĩa Tử… vv… 
Ở trường công nam, Nam Sinh mặc đồng phục Quần xanh áo trắng… bỏ áo vô thùng, trên miệng túi áo, có ghi tên trường hẳn hẹ… nên đố thằng nào… dám hó hé! 
Ở trường công nữ, Nữ Sinh đồng phục là mặc áo dài trắng, quần trắng… 
Có… thời khắc “mấy nhỏ áo dài trắng”… bắt chước mấy cô ca sỹ Sàigòn, bận áo dài vạt “lửng”… còn tay áo thì kiểu “rặc lăn”… là… tay áo dài nối vô thân áo… 
Thiệt… quả là báo đời…một phen!!!

(Trường Công Lập Nam Trung Học: Hồ Ngọc Cẩn)

Mấy anh chàng Nam Sinh trường công vì học chung “tòn-là đực rựa”… nên nhiều thằng dòm… quí nàng áo dài… vạt lửng… bước đi với tà áo (cố tình) thước tha yểu điệu, tụi đực rực… áp nhau thấy, tụi nó…rụng rúng bầy bầy!!! Hì hì… 
Bởi vậy, mới có chuyện, mấy “tay tổ” trường công nam, cúp cua vô Lăng Ông Sở Thú Tao Đàn… để “trồng cây si” mấy nàng áo trắng, thây kệ chuyện, bị… cồng-sing!!! 

Và… thấy tiếp… ở Sàigòn năm xưa… 
Cây xăng nào cũng có “vòi bơm bánh xe gắn máy, xe hơi” đứng ở giữa hai trụ xăng… 
Đang chạy xe, thấy bánh xe mềm, tấp vô cây xăng, dựng xe trước “cây bơm”, lấy tay “quây” cây kim hơi, về số 5 (5 năm ký hơi)… rồi ung dung ngồi xuống, mở nấp vòi, ịnh đầu bơm hơi vô vòi ruột xe… để cho nó tự bơm, cây kim bơm hơi, quơ quơ nghe cạch cạch cạch, tới khi, nghe kêu cái teng, đủ hơi, là máy bơm tự động ngừng bơm… 
Bơm xe như vầy, nghe… nó phẻ cách gì, chớ 2 tay “thụt ống bơm”… mệt lắm!!! 
Nhưng… úi chà… cứ bom cây xăng riết, ruột xe Honda tòn – là… nước không hà! 

Biết được ruột xe có nước là do vô vá xe tại tiệm sửa xe “Sĩ Solex” kề bên trường Lê văn Duyệt và bên kia đường… có rất nhiều ruộng rau muống xanh um! 

Trên đường Phan Đình Phùng Sàigòn 3, kề bên chợ Vườn Chuối có đường xe lửa chạy ngang và bên kia đường rầy, có căn nhà 3 từng, đó là nhà “cho mướn sách” Cảnh Hưng. Cho mướn sách là cho độc giả… mượn sách về nhà đọc, nhưng phải “đóng tiền thế chưn” bằng 1/2 giá tiền sách in ở trang bìa, khi đem trả sách, Cảnh Hưng trừ tiền mướn vô tiền thế chưn, tiền mướn, cứ 1 cuốn 1 đồng 1 ngày… răng rắc! 
Mấy nhà bán sách và tác giả có sách xuất bản… hỏng vui với Cảnh Hưng… 

Nhà Cảnh Hưng chứa sách để cho mướn… hỏng biết mấy chục ngàn cuốn, vì sách nằm trong kệ… đen nghẹt, bít kín từng trệt và 2 từng lầu… 
Ông Cảnh Hưng… tướng tá… hơi nhỏ con nhưng vui tánh, học trò khoái lắm! 
Thằng học trò nào mê Kiếm Hiệp, muốn luyện chưởng hay… muốn đột nhập “cái bang vài ba túi”… thì tới đây… tìm bí kíp!!! 
Ông Cảnh Hưng… biết tẩy học trò hết ráo nhen, thấy mặt, ổng cười hì hì, liền cho mượn cả tuần mới trả, với 2 đồng một tuần… là cái… giá-ghẽ-ghề… 
Bởi vậy, học trò “mê đọc sách” Cảnh Hưng… quá xá cỡ là vậy đó đa!!! 
Phụ việc ông Cảnh Hưng là bốn năm đứa nhỏ, chuyện môn, chạy đi lấy sách… theo sự “chỉ chỗ” của ông chủ hay lấy sách độc giả trả, rồi đem sách để “chỗ cũ”… 
Ông Cảnh Hưng có trí nhớ… siêu phàm tàn canh gió lốc… 
Khi ai tới mướn sách, chỉ cần nói tên sách, là ông Cảnh Hưng, nói liền, thí dụ: 
– Bộ Tam Quốc Chí có 3 cuốn, nhưng khách đang mướn cuốn 1 và 2… 
– Ủa ? Ông chủ có cả chục bộ lận mà ? 
– Thì ờ… người ta mượn hết ráo rồi, giờ còn cuốn 3… Cuốn 1 và 2 mai trả… 
–… vậy đi… lấy tui cuốn 3… cũng được! 
Ông Cảnh Hưng ra lịnh: 
– Tèo, mầy lên từng 2 kệ số 7 ngăn 6 lấy cuốn 3 bộ Tam Quốc Chí cho ông Hai! 
Học trò Đệ Lục nghe ông Cảnh Hưng… nhớ từng vị trí cuốn sách nằm ở đâu trong rừng sách từ trên lầu xuống tới đất… thấy mà xám hồn luôn!!!


Ông Cảnh Hưng có quen với nhiều nhà xuất bản, như Yên Sơn (Phú Nhuận) chẳng hạn, khi đang sách in, ông… được ưu tiên “thộp” một mớ… đem về cho mướn trước, khi nào in đủ số, sách… mới phát hành! Bởi vậy, coi sách “nóng hổi” là vậy! 
Mỗi loại sách, Cảnh Hưng có ít lắm 15 bộ mới đủ cho mướn… 
Đặt biệt, những cuốn sách hồi xưa, xa lắc, xa lơ… xuất bản từ hồi…bà cố hỉ cố lai 8 đời vương ông hoãnh… nhà Cảnh Hưng cũng có!!! 

Như cuốn Tôi Kéo Xe của Tam Lang hay cuốn Con Trâu của Trần Tiêu in năm 1940 hoặc cuốn Chồng Con in năm 1941!!! 
Biết “rõ” như vậy là do Cô dạy Việt Văn cho “thuyết trình” ở lớp những Tiểu Thuyết xưa, mà sách… xưa ơi là xưa, thì chỉ có ở nhà Cảnh Hưng!!! 
Thế là học trò Đệ Lục tức tốc mượn về, để… mần thuyết trình trong lớp… 
Sách cho mướn, được bao thêm bìa giấy xi măng, trên đó, viết chi chít ngày mượn… 

Ngoài ra, học trò muốn mượn “cuốn nào hây hây”, thì… hỏng hiểu “do đâu”, ông Cảnh Hưng liền nói tuốt luốt một lèo cho nghe, cái nội dung cuốn “sách hây” hoặc là bất kể cuốn nào mà học trò còn… mù mờ, nghe xong, thế là học trò mượn liền! 
Ông Cảnh Hưng còn… quảng cáo cuốn sách… thứ dữ… “chỉ tao mới có”… 
Sách nầy thuộc loại “cái ban môn phái” mà học trò khi ấy… đang muốn luyện thử! 
Đó là cuốn Lục Tàn Ban (quên tên tác giả) 

Đây là cuốn sách viết về… cái bang bảy tám túi, coi… hay hết kỵ luôn: 
Lục Tàn là 6 nhân vật (tàn tật) gồm: Thằng đui, thằng điếc, thằng mất 2 giò, thằng mất 1 tay, thằng mất 1 chưn, thằng cụt 2 tay 
Thằng đui làm… Ban Trưởng Lục Tàn!!! (ối trời… *&%#?><… ) Sáu ông cố tàn nầy… luyện chưởng, luyện gồng, luyện nghe, luyện thấy, luyện chạy… thuộc hàng cao thủ võ lâm… để trả thù cho sư phụ bị sát hại năm xưa… Giới giang hồ cho rằng “môn phái” đó bị tiêu diệt, khi 6 đệ tử sau cùng bị thương nặng trong rừng, không ai cứu chữa và ai cũng tưởng… chết hết rồi! Mấy thằng học trò Đệ Lục coi say mê Lục Tàn Ban luôn!!! Có thằng còn “luyện thử”… cách dòm xuyên màn đêm của cao thủ Lục Tàn Ban!!! Bởi vậy, thằng nào… non tay ấn, luyện nhản riết, tới độ mang kiếng cận dầy cui, chớ ở đó mà đổ thừa “tại bị”… rồi nói dóc là “tao lo học” tới cận thị!!! Ba-xạo quá nha mấy cha!!! 

Trên đường Phan Đình Phùng, sáng sáng có xe lấy rác, có gắn cái chuông kêu leng keng. Cuối hẻm 376 là đình Phú Thạnh, là chỗ con nít ưa tụ tập, thả diều, bắn đạn… Trước nhà số 380 Phan Đình Phùng Sàigòn 3 có “phong tên” nước công cộng… Ở đó có đông người “chuyên gánh nước mướn”, được bà con các hẻm xung quanh “mướn” gánh nước mỗi sáng sớm, gánh từng đôi nước về nhà… Mấy bà (cô) gánh nước khoái đọc cuốn tiểu thuyết Rặng Trâm Bầu của Lê Xuyên!

(Nước máy công cộng - Saigon1956)

Nước phong tên ở đây được chảy từ cái sa-tô-đô cũng nằm ở đường Phan Đình Phùng… và và… nếu ai… hà tiện, thì khi khát nước, cứ lại phong-tên khòm lưng mở vòi uống… chùa… Bà con gọi là “uống nước khum”… 

Cùng phe gánh nước mướn ở phong-tên, cũng có mấy người “ở đợ” nhưng được gọi nghe cho… nhẹ hơn là “con sen”, sáng sớm cũng ra gánh nước về nhà cho chủ… Lúc đó và sau đó, Tân Nhạc với điệu Boléro thịnh hành trên khắp nẻo đường và có nhiều bản nhạc “hợp với tâm trạng – hoàn cảnh” nên Ca Sỹ thứ thiệt hát là rung động trái tim, nên được mấy bà chị gánh nước khoái, cứ nhè mấy bản đó hát mãi, tiếng ca “nhảo nhẹt” mà hát… hoài hoài hỏng biết chán, bà con nghe riết phát nhàm… 

Dần dà, cộng thêm mấy chị… ma-ri-sến ”làm sở Mỹ”, rồi dân vũ nữ quán Bar, phòng trà… thuộc loại quá “date”… cũng hát những bản điệu Boléro thịnh hành! Ma Ri Sến thất nghiệp cũng về gánh nước và cũng hát “bản tủ” như mấy chị kia… Cứ hát riết, phát ngấy, bà con gọi giọng hát đó là… giọng rên… ma ri sến!!! 

Mấy chị… sáng sớm vừa chờ nước vô thùng vừa hát tân nhạc véo von, chỉ có vài bài tủ, mấy chị cứ hát riết nghe… phát mệt… (Đã vậy, nó còn “cộng hưởng” rồi “trùng tên” với… cái vụ con gái rơi của ngài thượng sĩ – tổng thống da đen Bocasa bên châu phi, tên cô là Mary… Cô Mary gái lai đen nầy ở vùng Ngã Năm chuồng chó, ngài tông-tông Bocasa nhờ báo Trắng Đen tìm dùm, thế là cô Mary… trở thành ngọc ngà châu báu… ) Và “miệng thế gian”… đặt cho chết tên cho giọng ca… mới nổi, giọng ma-ri-rến! 

Giọng marisến… làm mệt lỗ tai… thính giả! Hát “bản nhạc tủ” miết, làm cho nó… lờn, tới độ, bà con nằm nhà hay đi ngang… nghe… thì biết là tiếng hát của con Sến nào!!! Khi ở nhà bà chủ, tên là Con Sen, sau đó, nàng ra Vũng Tàu làm “ma ri sến”… ở mấy cái Bar Thiên Thai, Ạc-ăng-Sen… ở Bãi Trước… Vì vậy, giọng ca con sen hay con sến… đều như nhau… Và bà con… giận, khi nghe hoài mấy bản nhạc “tủ”, nên nói: – Mấy con nhỏ đó… là sến nướng… nên ca hoài!!! – Mấy con sến đó… ca đi ca lại miết, nghe mệt thấy mẹ!!! 

Ở đầu đường Phan Đình Phùng, có nhà số 3 đó là Đài Phát Thanh Sàigòn… Ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt có tòa đại sứ Miên, bên kia đường là cây xăng rất lâu đời và ở ngã tư nầy, năm 63 hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu… Cũng ở ngã tư nầy, có tiệm cơm tàu, ở đây có món “cơm thố”… ngon bá chấy!!! Cơm thố được hấp trong cái xửng tre có cả chục ngăn, thố là chén nhỏ rí, chừng 3 muỗng cơm, vì vậy, ăn xong, thố chất 1 chồng 15 cái… cao như núi!!! Một số… dân chơi cầu 3 cẳng, loại tứ hải giai huynh đệ… tới ăn cơm thố ở đây, ý là, để khoe chồng thố cao nghệu… để “lấy le” với thiên hạ… đó nha bà con!!! 

Phan Đình Phùng… cụng vô đường Lý Thái Tổ… ngay tại ngã ba… Ở ngã ba nầy, có Phòng Trà Lệ Liễu và chủ Phòng Trà là chị Ba Liễu! Quán “Chị ba Liễu” là chỗ gặp mặt mỗi chiều tối của rất nhiều Nhạc Sỹ – Ca Sỹ Sàigon trước khi đi hát Phòng Trà hay Hát Rạp hoặc quán Bar… Đây là “quán ruột” của Thanh Kim, Đệ Nhất Danh Cầm Hạ Uy Di… DK, HC, MLQ, GL… hát ở Phòng Trà Lệ Liễu cho khách (rất đông) thưởng thức… 

Thí dụ: DK ca bài Ai Ra Xứ Huế thì chị ba Liễu “trả công” là 1 ngàn 8… Có “chàng – lính” bận đồ trận bốn túi, đội Bê Rê đen, vì là em (đệ tử) của Thanh Kim, nên chàng ta… xâm mình, bậm gan, đổ lỳ, dám… thót lên sân khấu Lệ Liễu để hát bài Đường Xưa Lối Cũ và bài Tàu Đêm Năm Cũ… (cũ mèm không hà) .Chàng hát… một cách khơi khơi, trong khi Nghệ Sỹ thứ thiệt ngồi lủ khủ ở đó… 

Chàng lính trận nầy, vì ỷ có Thanh Kim… lo, nên hỏng lo trật nhịp, chàng ta cất tiếng… véo von liên tiếp hai bài tân nhạc, thì Chị Ba Liễu… coi bộ… nghe được được, chị… tức tốc tiến ra sân khấu, liền… móc bóp, xỉa cho chàng 9 trăm đồng… gọi là “lính góp vui”, rồi Chị Ba còn… xúi… (quá đã) – Đêm nào, nếu rảnh… em tới hát nhen!!! Lính mà… hát vậy, được đó…!!! – Dà dà… $%%$!!! (vô mánh) Anh chàng lính nầy, về đơn vị… móc xấp tiền, dứ dứ lên trời… hét: – Bữa nay, tao đãi anh em cả làng một chầu… cơm tấm – cà phê – thuốc lá!!! – Chắc còn… dư bộn tiền đó ông thầy!!! – Thì thì… Băm 3 mí lỵ tôm khô củ kiệu… cho sạch nhách luôn!!! – Hoan hô thẩm quyền!!! – Hé hé…cho xin chữ ký đi ông… khò khò…

(Cô Ba Liễu)

Phòng trà Lệ Liễu là chổ Nghệ Sỹ Sàigòn… tụ lại nói dóc, trước khi đi hát… Và cũng là chỗ “tụ tập” của những tay tổ đờn vọng cổ Văn Vỹ, Năm Cơ, Ngọc Sáu… Khi Ca Sĩ hát xong tới khua, trước khi về nhà, lại tụ nhau ở quán Cháo Đêm sau hàng cây… dái ngựa cổ thụ ở đường Hồng Thập Tự, quán cháo cũng gần đường xe lửa từ bên đường Phan Đình Phùng chạy qua… 

Cũng ở đường Phan Đình Phùng, ngay trong vòng chợ Vườn Chuối là nhà của Soạn Giả Nguyễn Phuong, khi ấy anh Nguyễn Phương có đứa con gái nhỏ cỡ trên 10 tuổi và nó cùng với Ba Má… đặt lời thoại cho vở cải lương!!! Cô gái nhỏ cùng ba má ngồi 3 góc trong phòng, đóng làm 3 nhân vật… nói chuyện, rồi đánh máy luôn, đó là ”làm thoại” để Nguyễn Phương “lấy câu trẻ con” soạn tuồng cải lương… Đó là cách Nguyễn Phương đang soạn tuồng và… bị bắt tại trận… hì hì… 

Nguyễn Phương là Đạo Diển cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga và mỗi tuồng cải lương được đánh máy sáu bảy bản để cho anh em “nhắc tuồng” đứng sau màn nhung hay cánh gà… đọc câu cho Đào Kép đứng ở ngoài sân khấu… nói hay ca!!! (cứ tưởng Đào Kép học thuộc lòng hết vở tuồng, hỏng có đâu nhen!!!) Nguyễn Phương là trưởng ban kịch Tân Dân Nam , chuyên kịch trên đài truyền hình Sàigòn chiều thứ bảy hàng tuần, gồm có hề TV, TT, NĐT.vv… và bà vợ của Nguyễn Phương là chị của phu nhân tướng CVV… Bởi vậy, do đó, Nguyển Phương… mới “tó” được cái giấy phép ngon lành… là mượn tàu Hải Quân để đóng phim xi-la-ma!!! Đó là phim “Hải Vụ 709” định quay ở Rạch Giá… Nhưng vì tình hình chiến sự ác liệt ở đó, nên phim Hải Vụ 709 bị đình chỉ… kéo dài và sau cùng phải bãi bỏ, nếu không, thì anh chàng Thủ Đức sẻ làm… tài tử xi-nê mà lại đóng vai Trung Úy Hải-Quân… nhảy xuồng đổ bộ rồi! Uổng thiệt nhen… 

Cũng thời gian đó, ban Tân Dân Nam đang “dợt tuồng” kịch truyền hình, đó là vở “Ai Là Thủ Phạm” tại nhà anh Nguyễn Phương… Lúc đó chàng (vì là lính) được Nguyễn Phương giao đóng vai Cảnh Sát Trưởng… Úi chà chà… Nguyễn Phương biểu chàng ta phải “tập” trước… cách còng tay thủ phạm ăn trộm kim cương, em NĐT đóng vai thủ phạm… Còng tay… mà phải “tập” ý là… để chàng… còng… mà hỏng đau tay NĐT!!! Tới khi lên sân quay 2 tại đài Truyền Hình Sàigòn… ngài Cảnh Sát Trưởng, bước vô, làm mặt ngầu, liền móc còng (hân hạnh) còng tay NĐT… ngay tức khắc nhen!!! Bàn tay NĐT đẹp như chính NĐT, chàng lính cầm 2 tay người đẹp, tra vô còng số 8… mà chàng ta thấy… quá đau lòng!!! Hì hì…

Trên truyền hình, anh chàng lính, chỉ… lộ diện trên màn ảnh nhỏ của Đài Truyền Hình Sàigòn chỉ được có… 30 giây cuối cùng của vở kịch… thôi hà! Soạn Giả Nguyễn Phương chuyên môn hút Thuốc Gò khi soạn tuồng và điếu nào cũng bự tổ nái, đốt cháy liên tục, khói bay mờ mịt như đống un buổi chiều tà! Và trên bàn viết thường có… rờ vẹt… ba bốn khúc Thuốc Gò loại “nặng” đô, đó là… phòng khi, nửa đêm soạn tuồng… mà hết thuốc hút! 

Từ ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt chạy lên tí nữa là Ngã 6 Sàigon, ngay “bùng binh” ngã 6 nầy, có xe lửa chạy qua và là chổ bắt đầu của đường Yên Đổ, ở đây, trên đầu đường Yên Đổ, có khu Kiều Lộ (sửa, tráng dầu đường hư… ) Nằm chung trong khuôn viên khu Kiều Lộ… là Sở Phú De đó đa!!! Phú De là chổ… nhốt chó chạy rong, bị “xe bắt chó” bắt được trong đường phố! Ai mất chó, cứ vô Phú De tìm là y như rằng… nó ngự ở đó và bỏ tiền chuộc chó về! Bởi đó, hồi xưa, DA trong báo CO có viết bài Phú De Giao Chỉ, đọc nghe nhức xương Trong khu Kiều Lộ nầy có cái… cưa tay, bự chà bá, dùng xẻ gổ lóng… Ở đây có Kỹ Sư Bê và Hồ Lợi và Hồ Lợi là dân chơi tài tử… chánh cống bà lang trọc. Trong văn phòng khu Kiều Lộ của Hồ Lợi… có tùm lum… đờn cò, gáo, xến, ghi ta thùng, ghi ta phím lỏm… treo tá lả trên tường, để nhân viên nào… quởn mà khoái đờn vọng cổ thì cứ vô… tập vợt thả giàn và… Hề Minh và danh cầm Thanh Kim, Tạo Minh Đời… vv… xuất thân từ đây! Hề Minh là danh hề diễu có tiếng trên bầu trời Cải lương một thời… Tạo Minh Đời cười được 18 giọng riêng biệt và còn có khiếu một mình vừa nói giọng ông nội, giọng cháu nội trai, gái, giọng con gái… rất hay, giống y giọng… như trong “gia đình bác tám”… nhất là giọng chó mèo cắn lộn… là nghe hay hết phản luôn!

(Hề Minh)

Nhứt là… mở đầu câu… a… bê… cê… ca… nháy giọng xe lửa đề pa… của bản Chuyến Xe Lửa Mồng Năm của Trần văn Trạch… y chang Trần văn Trạch!… nhưng “hỏng có thời” nên anh Đời không nổi tiếng như anh Minh và anh Kim… Thanh Kim là Đệ Nhất Hạ Uy Di Cầm chuyên đờn 6 vọng cổ… nhưng né… ló mặt trước bàn dân thiên hạ truyền hình, Thanh Kim chỉ đờn cho gánh hát và chơi tân nhạc cho quán Bar và Phòng Trà và học trò Thanh Kim là TKH… – Anh Kim, sao anh chỉ “thâu dỉa” mà hỏng thấy anh lên sân khấu hay truyền hình ? – Tao… xí-giai thấy bà… miệng rộng tàn hoạt, cười hô hố, tướng tá như đấu bò! – Thì… có sao đâu… – Tao… trốn… để khán thính giả tưởng tao… đẹp trai đó mầy… hỏi hoài!!! – Ờ ờ… hehehe…

(Xa lộ Biên Hòa 1961)

Năm 1965 đường Xa Lộ Saigon – Biên Hòa làm xong và dọc bên đường xa lộ đang đào để xuống ống cống vuông vuông lọt lòng trên 2 mét của Sàigòn Thủy Cục… Lúc đó, chạy xe gắn máy ở Xa Lộ thiệt… là êm, êm như mơ… Do đó, mấy tay anh chị… mới dám đi Gobel, Sachs, Rummi… chui lòn qua bụng xe be trên có 3 lóng gỗ… dài thòn bự tổ kền, đó là… chọt lét tử thần!!! Cũng thời… xa xưa ấy, khi chở “người đẹp” ngồi đằng sau Xe Gắn Máy thì hai chân người đẹp Để Về 1 Bên, không Cô nào… dám gác cẳng 2 bên! Nếu xe chở là chiếc Vespa Spring… thì thấy “nàng” ngồi sau… ôm eo ếch bác tài… thì… thì… ngó, thấy… đẹp như mơ luôn!!! 
Còn nói gì “mấy nhỏ áo dài trắng” đi Vélo Solex… thì dòm… hết phản nghen!


Gỗ rừng đem về đổ đống ở chỗ ngã ba xa lộ đi Vũng Tàu, nên ngã ba nầy có tên Ngã Ba Bến Gỗ… Từ ngã ba Bến Gỗ tới một xí là Căn Cứ Long Bình của Quân đội Mỹ… Chỉ mỗi con đường Phan Đình Phùng mà có… quá xá chuyện xưa tích cũ... 

Chàng Hiu 374
( NTS chuyển bài)

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Thơ Tranh: Ru Con


Thơ: Phương Hà
Thơ Tranh: Kim Oanh

Sao Bằng



Bài Xướng: Sao Bằng 

Dù có bao nhiêu luỵ sóng thành
Sông còn sâu đó, núi còn xanh.
Đã qua giấc mộng sương tan nắng
Lại thấy niềm đau mây rũ mành.
Những nghĩ hoài mơ màu cẩm tú,
Mà sao chưa vẹn nét đan thanh.
Ô hay, mới biết đời trăm ngã,
Biết ngã nào đây giữa bại thành!

Giữa bại thành, ta vẫn một trời
Sá chi phương ngoại nước mây trôi
Sắc son những lúc nên thân ấy,
Cơm áo đôi khi nát chữ rồi.
Mộng tưởng đêm về trăng chếch bóng
Hư danh chiều xuống lệ rưng ngươi.
Sao bằng nghĩa cử Nhơn-Trung-Hiếu
Cho cả tình quê, cả cuộc đời.

South Dakota, tháng 10.2017

Mặc Phương Tử
* * *
Các Bài Họa:
Buông Thôi

Cuộc lữ mơ chi chuyện giữ thành
Sáng chiều thay đổi úa rồi xanh
Nhện đan gió lặt đau thềm trúc
Hoa nở mưa quăng tủi giậu mành
Sân khấu chưa lên màn chính diện
Cổ chinh đã trệ bậc âm thanh
Lều bều bèo giạt về muôn nẻo
Thì hãy quên đi chuyện bại thành

Thì hãy nhìn xem một góc trời
Mà đường lãng đãng mấy màu trôi
Mở bầu chính khí nguồn khô kiệt
Bươi mớ phong tư mạch cạn rồi
Thấy cuộc vô thường nên quý bạn
Nhìn thân hữu hạn hãy thương người
Đến,đi…về,ở như sương khói
Giành giựt đua chen chẳng sống đời

Như Thị 
* * *
Cũng Không 

Tầng mây quyện khói trắng xây thành
Biếc tỏa lưng trời núi ngát xanh
Nước chảy rì rào khe trổi nhạc
Liễu bay phấp phới gió buông mành
Vô vi rảo bước miền hoan lạc
Lặng lẽ thư nhìn cõi tú thanh
Hân thưởng sắc hương chiều quảng đại
Hòa trong tan hợp giữa nhiên thành

Giữa nhiên thành biến…luật quy trời
Thuận đến,thuận về…rõ dạt trôi
Mất được bao lần,đau biết thế
Nên hư lắm bận,khổ hay rồi
Vò tai thế sự cùng thương cảm
Mở mắt nhân tình tự hổ ngươi
Dẫu chẳng công gì gìn cội vững
Cũng không lạc lõng nẻo xuân đời

Lý Đức Quỳnh
* * *
Mở Rộng Tâm Bi

Khói cuộn theo mây thả trắng thành
Lưng đồi bát ngát thẳm ngàn xanh
Xôn xao cuộc mộng chừ tan khói
Rạo rực tình mơ cũng xếp mành
Ổn dạ châm đèn soi tục lụy
Yên tâm đốt đuốc rọi trần thanh
Trăm năm một kiếp luân hồi chuyển
Ánh nguyệt thiên thu mãi chiếu thành

Ánh nguyệt hoài đây giữa đất trời
Neo lòng cổ tự thản mây trôi
Im chiều vượn hú bờ đau ấy
Lặng sớm mây qua bến khổ rồi
Mộng gửi đường lành hòa dạ thế
Mơ trao lối thiện hợp hồn người
Lòng vô ngại giữa tình nhân loại
Mở rộng tâm bi vạn nẻo đời

Hương Thềm Mây - (GM.Nguyễn Đình Diệm)

Quà Cáp

(Nét thư pháp Chiêu Đức tặng Xuân Thanh)
Quà Cáp

Quà cáp đây rồi anh Đức ơi
Cám ơn thịnh ý, gởi đôi lời
Bình an sức khỏe tin vui đến...
Vạn sự hanh thông sống ở đời...

Mai Xuân Thanh
Thật cảm động, MXT không biết nói gì hơn để cảm tạ anh, chỉ xin anh thể nhận nơi đây một tấm lòng biết ơn sâu sắc. Nay kính,
***
Nhỏ Mọn


Chút qùa nhỏ mọn bạn hiền ơi,
Nhớ bạn nhờ thầy gởi mấy lời.
Năm tới tháng năm Đại hội Bắc-
Cali mong gặp thỏa tình đời!

Đỗ Chiêu Đức

Đào Hoa Phiến - Khổng Thượng Nhiệm

Dưới đây là tài liệu về tuồng hát " Đào Hoa Phiến " của Khổng Thượng Nhiệm ( 1648-1718 ), cháu đời thứ 63 của Đức Khổng Phu Tử, là một kịch tác gia cuối đời Minh đầu đời Thanh Trung Hoa. 


孔尚任 (1648-1718 )
Bài từ mà anh nêu là một ca khúc trong kịch bản Đào Hoa Phiến, màn thứ 38 như sau:

走江邊,                Tẩu giang biên,
满腔愤恨向谁言。Mãn xoang phẫn hận hướng thùy nghiên (ngôn)?
老淚風吹面,         Lão lệ phong xuy diện, 
孤城一片,            Cô thành nhất phiến,
望救目穿,            Vọng cứu mục xuyên
使盡残兵血戰。     Sử tận tàn binh huyết chiến.
跳出重圍,             Khiêu xuất trùng vi, 
故國悲戀,             Cố quốc bi luyến,
誰知歌罷剩空筵。 Thùy tri ca bãi thặng không diên.
長江一線,             Trường Giang nhất tuyến,
吴頭楚尾路三千。 Ngô đầu Sở vĩ lộ tam thiên,
盡歸别姓,            Tận quy biệt tính,
雨翻雲變。            Vũ phiên vân biến.
寒濤東卷,            Hàn đào đông quyển,
萬事付空烟。        Vạn sự phó không yên. 
精魂顯,                Tinh hồn hiển ,
《大招》聲逐海天遠。" Đại chiêu " thanh trục hải thiên viễn. 

" ĐÀO HOA PHIẾN " là kịch bản được sáng tác sau mười năm tâm huyết của Kịch Tác gia Khổng Thượng Nhậm đời Thanh sơ, gồm 44 màn, kể lại chuyện tình của 2 vai chính là Hầu Phương Vực và Lý Hương Quân, là một vở kịch ( tuồng hát ) phản ánh xã hội sắp bị diệt vong của nhà Minh. Vở tuồng nầy nổi tiếng vì đã kể lại chuyện người thật việc thật trong một bối cảnh xã hội rất thật, phản ánh được hiện thực của xã hội lúc bấy giờ, nên có tính nghệ thuật và lịch sử rất cao...

NHỚ...
Hồi tháng 3 năm 2014 anh đã hỏi tôi về TRẦM GIANG KHÚC cũng ở trong kịch bản nầy:
" Trầm Giang Khúc " là một khúc hát trong "Đào Hoa Phiến " mà thôi, cũng ví như bài " Khóc Hoàng Thiên " trong vở " Lan Và Điệp " của ta vậy, chắc anh bạn của anh trác anh đó thôi !...

Trầm Giang Khúc của anh đưa ra là bài dịch của Dịch Giả Hàn Giang Nhạn dịch tác phẩm LỘC ĐỈNH KÝ Hồi thứ 34 của nhà văn KIM DUNG, với Nguyên tác và bản dịch gởi kèm theo đây cho anh đối chiếu xem chơi ....

  風雨聲中,忽聽得吳六奇放開喉嚨唱起曲來:

「走江邊,滿腔憤恨向誰言?
老淚風吹,
孤城一片,望救目穿,使盡殘兵血戰。
跳出重圍,故國悲戀,誰知歌罷剩空筵。
長江一線,吳頭楚尾路三千,盡歸別姓,雨翻雲變。
寒濤東卷,萬事付空煙。精魂顯大招,聲逐海天遠。」

曲聲從江上遠送出去,風雨之聲雖響,卻也壓他不倒。馬超興在後梢喝采不迭,叫道:「好一個『聲逐海天遠』!」韋小寶但聽他唱得慷慨激昂,也不知曲文是什麼意思,心中罵道:「你有這副好嗓子,卻不去戲台上做大花面?老叫化,放開了喉嚨大叫:『老爺太太,施捨些殘羹冷飯』,倒也餓不死你。」 
  忽聽得遠處江中有人朗聲叫道:「千古南朝作話傳,傷心血淚灑山川

Dịch đoạn văn trên:

Giữa lúc mưa gió ào ào, bổng nghe Ngô Lục Kỳ lớn tiếng hát:
Đầy lòng phẫn nộ ngỏ cùng ai?
Giọt lệ già nua dạ ái hoài
Trong chốn cô thành mong cứu viện
Tàn quân huyết chiến luống bi ai
Đoái trông cố quốc lòng đau xót
Trùng vi khôn nỗi vượt ra ngoài
Trường giang một dải ba ngàn dặm
Nỡ để về tay kẻ khác loài
Vạn sự biến thành mây khói hết
Dạt dào phong vũ sóng vang trời

Tiếng hát trên sông vọng đi rất xa. Mưa to gió lớn không lấn át được thanh âm của Ngô Lục Kỳ.
Mã Siêu Hưng ở đằng lái thuyền lớn tiếng hoan hô.
Vi Tiểu Bảo nghe giọng hát khẳng khái hiên ngang mà chẳng hiểu ý tứ gì trong từ khúc. Gã mắng thầm:
- Gã đã tốt tiếng như vậy, sao không lên sân khấu làm kép hát? Lại đi ngoác miệng ra mà van xin "Ông bà cô cậu! Bố thí cho chút cơm thừa canh cặn" để ăn cho khỏi chết đói.

Bỗng nghe đằng xa có tiếng người hô:
Non nước ngàn thu để tiếng truyền
Đau lòng huyết lệ khắp Tây Xuyên

Đỗ Chiêu Đức
Sưu tầm & Biên soạn