Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Mưa Rơi Rớt Đêm Qua - Thơ: Như Nguyệt - Phổ Nhạc: Nguyễn Tuấn



Thơ: Như Nguyệt
Phổ Nhạc: Nguyễn Tuấn
Trình bày: Thùy Dương
Hòa âm: Đỗ Hải
Karafun by: Dĩ Vãng Buồn

Bạch Đằng Dậy Sóng!...



Thật mến phục nhà ngoại giao Mỹ
Một hành vi tuyệt kỹ thâm cao
Đầu năm lịch sử đón chào
Ted thăm mộ cổ từ trào nhà Ngô
Đánh xâm lược xé cờ Nam Hán
Trận Bạch Đằng giết đám Bắc phương
Ngàn năm lịch sử còn gương
Ngô Quyền quật khởi con đường phải đi
Giờ vận nước thế suy yếu nhược
Đám quan tham bán nước buôn dân
Biển Đông các đảo mất dần
Lòng người đau thắt tinh thần đảo điên
Từ Mỹ quốc pháp quyền quan hệ
Đại sứ gia tính kế giúp dân
Ted đi thăm viếng mộ phần
Ngô Quyền gương sáng đánh quân Hán tàu
Giặc phương Bắc lâm đầu xâm lấn
Hãy theo gương phấn chấn tinh thần
Hồn thiêng sông núi độ thân
Bặch Đằng dậy sóng diệt quân Hán tàu

Nguyên Khang
06/01/2017

Gọi - Phương Hà



Gọi cánh bướm vàng hãy đến đây
Vườn ta hoa nở ngát hương bay
Nhụy tơ chờ đón người gieo phấn
Cho quả no tròn thơm ngất ngây

Gọi gió về ngang ruộng trổ đòng
Dập dờn uốn lượn những chồi bông
Cho hương cốm mới vui mùa cưới
Phất phới tung bay vạt áo hồng

Gọi mây phiêu lãng khoảng trời xa
Hãy đợi đàn chim di trú qua
Đôi cánh mong manh chừng sắp mỏi
Đưa về phương ấy nắng chan hòa

Gọi nắng long lanh những hạt mềm
Trên vòm lá biếc đẫm sương đêm
Chồi non hé nở vươn mầm sống
Đón ánh mai hồng rộn tiếng chim

Gọi mưa tưới đẫm khắp không gian
Cho đất hồi sinh, ruộng ngập tràn
Cây trái, hoa màu xanh ngút mắt
Oằn sai trĩu nặng những mùa vàng

Gọi thủy triều lên cho nước dâng
Bến đò tấp nập kẻ sang sông
Người đưa kẻ đón bao tình nghĩa
Hội ngộ, chia ly vẫn ấm lòng

Gọi trăng đến trước khoảng sân nhà
Ánh sáng ngập tràn trên cỏ hoa
Cho kẻ yêu nhau tròn ước nguyện
Kề vai dạo bước, mộng chan hòa.

Phương Hà
( 02/01/2017 )

Buồn Thu


Khi bóng chiều đến,chèo gác mái.Mây vương trên mái tóc,mùa vàng đã rụng rơi ngoài hiên xa,nghe âm vang một tiếng thu về! Ở nơi phương Nam này nhận biết mùa thu qua một mùa lá rụng,ngoài ra chẳng có một âm vang nào. 
Ở Huế mới rõ đâu là xuân, hạ, thu, đông. Mỗi nàng đều mang một sắc màu riêng,rõ nét và mùa nào cũng đáng yêu vì nét duyên thầm của nó.Riêng thu đến hay làm gục ngã những chàng thi sĩ và giai nhân. 
Thu Huế đến thật nhẹ nhàng. Một sớm mai thấy mưa sương ướt đẫm cây lá trong vườn và nắng lên thật muộn vì phải chen qua những đám mây xám nên rãi xuống đất trời một màu sáng bàng bạc,phải chăng đó là nắng”thủy tinh” của mùa thu Huế mà chàng nhạc sĩ tài hoa đã đưa màu nắng ấy đi vào bất tử của ca từ? 
Rồi gió heo may về làm ta se se lạnh,mưa bay bay trong nắng vàng,rơi trên tóc,trên áo ai lấp lánh như muôn vàn hạt kim cương.

“Long lanh từng sợi mưa bay, 
Nửa như quấn quít chân ai đến trường. 
Ngọt ngào thu đến, tình vương. 
Câu thơ,nét chữ, con đường tình si.”

Ơi những con đường mờ trong hơi sương."Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.."(HMT) Dù cho trời mờ sương nhưng lòng cứ mong đường về dài thêm cho ta và em không nói nhưng mắt kia đã thầm trao nhau mối tình đầu.Một mùa thu và một tình yêu như thế thì chỉ có ở Huế mà thôi. 
Rồi đêm đến,bầu trời trong và sâu để đón nàng Nguyệt tròn trịa, rực rỡ kiêu sa đang rãi xuống cõi trần những mâm vàng, quả bạc. Đêm trăng thu ngọt ngào đã về trên cây lá, thành quách một màu trăng trong ngần.Tôi bước đi phải thật nhẹ nhàng như sợ vỡ vụn ánh trăng và không gian lạnh mát của đêm thu. Tôi cứ men theo bờ tường thành, hình dung nơi đây xưa các cung nữ đang vũ khúc nghê thường, áo trắng huyền ảo bay bay lấp lánh dưới cung Hàn. Trong mơ tưởng tôi lại trôi về dòng Hương, dưới bầu trời sâu thẳm chỉ để lộ khuôn mặt nàng Nguyệt đang vui chơi, trị vì trên ngai Hậu. Sông Hương đã biếh thành sông trăng từ trên thượng nguồn mờ xa lấp lánh sáng rãi từng nắm vàng đến tận nơi tôi mơ. 
Trong suốt một đời người,có bao người được trở lại quê xưa. Trong một đêm thu về lại chốn cũ ngắm lại cảnh xưa?Ta già, trăng có già đâu.Ta rộng, hẹp, so đo, chứ trăng luôn sáng và rộng đến vô cùng. Dưới trăng thu, bao nhiêu kiến thức,danh,lợi…tan biến mất và ta thấy hồn ta nhỏ lại như tan vào hư không. 
Kìa đứa trẻ đang ngắm trăng thật vô tư và nhẹ nhàng tinh khôi. Người nghệ sĩ trẻ tuổi đắm đuối nhìn trăng và suy tư. Còn lão già, sau bao thương hải tang điền của đời người, được về lại một lần nơi quê xưa và có được một đêm mơ hạnh phúc như vậy thì ơi người, tâm có tịnh, lòng có an vui sau những vinh nhục đời thường để cung Hàn vọng lại một tiếng thu. Dưới những đêm trăng thu với một không gian trong sâu, im lắng như vậy thì có lẻ tất cả mọi người, từ anh lữ khách,người nghệ sĩ cho đến người phu quét lá ven đường kia sẽ có một vài phút giây lắng lòng lại và thốt lên tiếng thầm:”Đẹp quá Huế ơi” 

Huế với những sắc màu riêng của bốn mùa để cho mỗi người Huế tha hương đều nhớ về với từng góc nhỏ kỷ niệm riêng cho mỗi sắc màu. Mùa thu có phải là mùa chia tay,người đi,kẻ ở và sân ga buồn? Mùa thu Huế, tôi lại đưa em tới trường,đón đợi em về, đưa nhau qua phố,qua bao con đường đầy lá vàng rơi, đi giữa mưa sương hay nắng hanh vàng. Suốt cả một đời người có lẽ đây là khoảng thời gian đẹp, có ý nghĩa nhất khi tình yêu và những ước mơ thăng hoa.. 

Ơi Huế và trăng thu, ta chỉ có một tầm tay qua ngắn mà sao trời thì quá cao. Ta không đớn hèn để trách người, trách đời, chỉ nhớ về quê hương với một chút xót xa cho mình. Đất mẹ ơi-xin một ngày thật gần thật xa con sẽ về Đông xuyên,sẽ về An xuân đốt nén nhang tưởng nhớ cuộc đời. 

Hoành Trần

Phiền Muộn Thơ



Chúng ta một lũ ngông cuồng
Uống sương thiên cổ, diễn tuồng khùng điên
Quanh năm luẩn quẩn một miền
Si mê tình tự, khiến phiền muộn thơ

Cát vàng thốc bụi hoang sơ
Ngàn câu tình tự trên bờ pha phôi
Kinh văn chương niệm suốt đời
Kệ bâng quơ tụng xa vời thủa nay

Chúng ta một lũ đắm say
Đã quên thân phận còn đầy đọa nhau
Bây giờ tới tận muôn sau
Đừng ai nhắc chuyện công hầu dở dang

Một trời mũ áo sô tang
Lẫn trong khói tỏa suối ngàn mong manh
Vạn niên tâm sự long lanh
Như kim cương vỡ tan thành lệ mưa

Chúng ta một lũ cuồng xưa
Hẹn nhau trễ chuyến đò trưa lỡ thời
Để rồi cạn chén rong chơi
Tỉnh ra, không thấy một người nào quen ...

Cao Mỵ Nhân


Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

ThơTranh: Gửi Một Nỗi Đau


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đền Công Cho Em
(Riêng tặng cô 9 Kim Oanh,người designer tranh)

Đền công em vẽ bức tranh thơ
Biết thưởng gì đây?? cứ thẩn thờ 
Nếu tặng "lời khen" đâu đủ nghĩa 
Mà mua "quà biếu" lại ngu ngơ
Tấm lòng - có lẻ - người vừa ý ?
Chân thật - chắc là - nẩu * ước mơ
Ừ nhé! Anh xin làm tổ kén
Thân tằm mãi mãi phải vương tơ

Song Quang
1/11/17
* Nẩu: tiếng mien Trung vùng Tuy Hòa hay dung đề chỉ"người ta
        Thí dụ: Của nẩu là của người ta
***
Thơ Tranh Khởi Sắc Thêm Hay
(Thơ tặng cô Kim Oanh và Kim Phượng)

Nhìn kỹ tranh thơ có cảm tình,
Trước thềm năm mới buổi bình minh.
Tỏ lòng ái mộ người trong mộng,
Tạc dạ ghi tâm vóc dáng xinh...
Bông tím tinh khôi mà chung thủy,
Nền hoa lá mạ, chuối non xanh.
Khen em khéo tạo nên trang ảnh,
Giá trị biết bao ấn tượng hình...

Mai Xuân Thanh
Ngày 11 tháng 01 năm 2017

Hoa Từ Bi Bác Ái


Xuân về rực rỡ ngàn hoa
Đỏ hồng đào đẹp nõn nà dáng mai
Xuân đi hương sắc tàn phai
Hạ về phượng đỏ hiên ngoài sân trong

Hạ tàn vàng cúc trổ bông
Ngát chùm hoa sữa thơm lừng gió bay
Mùa thu lưu luyến vòng tay
Dã quỳ rạo rực vàng đầy đồi thu

Đông về lá héo cành khô
Trổ bông hoa cải bất ngờ ven sông
Vàng đưa con gió bềnh bồng
Tử linh lan nở tím lòng đông sang

Mùa hoa cứ thế tuần hoàn
Hoa này nở tiếp hoa tàn mùa kia
Nhụy rơi hoa héo chia lìa
Bóng đêm buồn bã đầm đìa sương rơi

Có loài hoa nở khắp nơi
Bốn mùa ấm áp tình người cưu mang
Hoa từ bi óng ả vàng
Hoa lòng bác ái thiên đàng từ tâm

Đóa hoa hương ngát cõi trần
Cánh nghiêng hồng phước lâng lâng gió luồn
Ngát từng ngõ ngách tâm hồn
Xòe ra những cánh yêu thương dịu dàng

Hoa không tàn với thời gian
Mùi hương cứu rỗi ngày càng thơm hơn



Trầm Vân

Một Kỷ Niệm Ấu Thơ

(Trường Quốc Học xưa)

Gió trăng mây nước là những chất liệu gây cảm hứng cho các nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ cổ chí kim, từ đông sang tây và có lẽ cho cả ngàn năm sau! Mấy mươi năm trở lại đây, con người đặt chân xuống mặt trăng, đem về thế gian một nắm đất đá, rồi tuyên bố rằng trên mặt trăng không có sự sống. Báo chí nói thế, tôi tin thế, vì tôi có hiểu biết gì nhiều về những vấn đề khoa học cao siêu đó. Những thi sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ thì mê trăng lắm. Thi sĩ Hàn Mạc Tử đau thương của văn học chúng ta có lần đã viết ‘’như sao sương anh nằm chết như trăng’’. Ông thi hào Lý Bạch thì ôm trăng mà chết trên sóng nước. Nàng Kiều lao đao, ở lầu Ngưng Bích cũng ngắm trăng với ‘’ vẻ non xa tấm trăng vàng ở chung’’ để cho tâm tư lắng đọng. Riêng tôi cũng có lúc bồi hồi thương trăng, nhớ trăng ! Trăng của tôi là trăng của ấu thơ kỷ niệm, trăng thiên nhiên mát rượi trên sân nhà, trăng vằng vặc trên bờ biển Thuận An. Đặc biệt là trăng mơ màng trong một hoạt cảnh cách đây đã hơn bốn mươi năm do các anh chị học sinh trường Quốc học Huế trình diễn.

Chiều hôm đó, anh tôi xin phép mẹ cho tôi được đi xem văn nghệ do các bạn của anh, những anh chị học sinh trường Quốc Học, tổ chức. Tôi nín thở đế theo dỏi phản ứng của mẹ. Sở dĩ tôi hồi hộp đến thế, vì hồi đó, trường Quốc Học là trường lớn bậc nhất (miền Trung chưa có trường Đại học). Này nhé, Trường Quốc Học với cơ sở vĩ đại, phong cảnh hữu tình. Một số lượng thầy cô đông đảo giảng dạy cho cả mấy nghìn học sinh lớn. Này nhé, chiếc cửa gỗ ra vào thật lớn, thật nặng nề, nhưng oai nghi ngăn cách khuôn viên trường với đại lộ Lê Thái Tổ. Nhìn vào trong, hai dãy tầng lầu nguy nga thâm kín im lìm quét nước vôi màu gạch. Sân trường được chia thành những ô vuông đầy hoa lắm màu sắc tươi thắm. Hai hàng phượng vĩ vươn cao trong gió sớm đìu hiu. Đặc biệt một trăm sáu mươi tám nhịp chuông đồng ngân nga báo hiệu giờ học. Trường Quốc Học với tôi hồi đó là bề thế vậy. Tôi úy phục và thích thú mơ rằng tôi sẽ được học tại ngôi trường này lúc lên trung học. Niềm vui sướng tràn ngập lòng tôi khi thấy mẹ vui tươi gật đầu theo lời xin của anh. Tôi thầm biết ơn mẹ và cám ơn anh.

Tôi ngồi ở yên sau xe đạp của anh mà hồi hộp lạ thường. Xe băng qua cầu Trường Tiền (bấy giờ cầu chưa có tên là cầu Nguyễn Hoàng), quẹo qua phía đài phát thanh Huế, rồi băng qua đường là đến hội trường trình diễn văn nghệ. Đây là rạp chiếu bóng Morin, một phần của khách sạn Morin cũ, tên của một người Pháp vừa là chủ nhân vừa là quản lý cơ sở thương mại này (về sau rạp chiếu bóng trở thành giảng đường của trường đại học khoa học). Vào đến hội trường tôi thấy đầy người trong ánh sáng lờ mờ. Trên sân khấu, một chị mặc áo dài hồng đang cất cao giọng hát’’thấy hối tiếc nhiều, thuyền đã sang bờ, đường về không lối, lòng trần thôi đã về chiều mà lòng mến còn nhiều, đập gương xưa tìm bóng...’’ Tôi không theo dỏi bài hát được nữa vì phải thận trọng đưa từng bước chân nhỏ, lách người theo sự dẫn dắt của anh tôi. Cuối cùng tôi được ngồi gần bìa của dãy ghế giữa. Tôi nhìn lên sân khấu, chị áo hồng đang nhìn xuống phía khán giả buông lời ngọt ngào‘’gửỉ gió cho mây ngàn bay, gửi bướm đa tình về hoa, gưỉ thêm ánh trăng màu xanh ái ân về đây với thu trần gian’’. Giọng chị nhỏ dần và kéo dài ra rồi chấm dứt. Chị cúi đầu chào trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt gần như không muốn dứt. Tôi cũng cảm thấy thích thú quá nên cũng vỗ tay thật mạnh như người lớn. Nhưng mà tại sao lại gưỉ gió cho mây ngàn bay? mà không ‘’gửi mây cho gió’’, vì chính gió đưa mây đi chứ ? Ý nghĩ ngộ nghĩnh của tôi kịp chấm dứt để nghe giới thiệu tiết mục mới. Đó là hoạt cảnh‘’đêm trăng trên vịnh Hạ Long‘’theo nội dung của bài hát cùng đề tựa của nhạc sĩ Hoàng Quí. Tôi nhớ không rõ tên của người trình diễn bài hát; nhưng nhớ tên ngưòi thổi sáo là Châu Trọng Ngô. Anh tôi đôi khi nói rằng ở Huế thầy Ngô là cây sáo số một, người thứ hai là họa sĩ Côn Sơn. Tôi biết họa sĩ Côn Sơn có xưởng vẽ nhỏ và cũng là phòng trưng bày ở đường Gia Long (bấy giờ chưa gọi là đường Phan Bội Châu). Tôi chưa bao giờ được nghe ông thổi sáo nhưng cũng dành cho ông ít nhiều nể trọng vì mỗi lần đi ngang qua phòng vẽ của ông tôi thấy có hai cây sáo nhỏ và dài màu đen huyền. Điều này thật là lạ đối với tôi vì hồi đó tôi chỉ thường thấy cây sáo đánh dầu láng trong suốt còn giữ được màu vàng nhạt của cây hóp dùng làm sáo, chứ chưa thấy cây sáo màu đen huyền óng ánh bao giờ!

Ánh sáng trên sân khấu bỗng phụt tắt. Sau ba tiếng đập mạnh, hai cánh màn màu đỏ sẩm được kéo từ từ sang hai bên sân khấu để lộ một tấm ‘’cảnh’’lớn với màu sắc tuyệt vời... Kìa mấy mỏm đá cao thấp không đều, màu đậm lạt khác nhau đang nhô cao lên khỏi mặt nước biển xanh thẩm với mấy gợn sóng trắng nhấp nhô. Sau mỏm đá, chị ‘’ca sĩ‘’ hiện ra bán thân với chiếc áo trắng ngắn tay, mắt nhìn về phía chiếc thuyền xa xa. Một mảnh trăng lưỡi liềm trắng đục đang lơ lửng. Tôi tự hỏi bâng quơ, trăng mùng chín hay mùng mười đây? Bao nhiêu con mắt đổ dồn lên sân khấu trong tiếng vỗ tay rào rào. Tiếng sáo trầm ấm buông ra ngọt ngào. Tôi ngồi thật yên, lắng nghe. Tiếng sáo ngân dài rồi cao dần và thanh thoát. Rồi bỗng vút lên chất ngất dồn dập. Tim tôi đập mạnh theo. Tôi thấy mơ hồ như có một làn mây trắng mong manh đang chuyển về phía chiếc thuyền xa. Âm thanh chiếc sáo xuống thấp, dịu dần rồi im bặt. Tôi lấy lại được hơi thở bình thường! Ánh sáng vẫn mờ ảo, con thuyền vẫn nhấp nhô trên sóng nước. Giọng hát cất lên thật êm ‘’Chiều rơi trong gió khơi đềm êm, Đằng chân mây dần trăng non lên, Ánh vàng tha thướt nước mờ trong xanh...Gió đưa hơi gợn sóng... Chữ ‘’gợn’’ chị ấy hát nghe vừa đủ ngọt ngào rồi uyển chuyển lên vừa cao để bắt qua chữ ‘’sóng’’’ rung rung...Tiếng sáo lại như vang vọng từ xa đưa theo giọng hát để rồi hoà lẫn theo tiếng sóng êm đềm của vịnh Hạ Long. 
Con trăng lưỡi liềm di chuyển thật chậm về phía xa. Giọng trầm ấm ngọt lịm lên dần lan ra như những vầng mây lãng đãng nghe thanh thản lạ thường’’Đằng xa xôi bóng non chập chùng, nằm im nghe mờ trong không trung, tiếng đàn thánh thót theo ngàn lời ca... Tàu đi trong ánh trăng đềm êm, đàn theo ca tàn rơi trong đêm... Bỗng giọng ca bắt cao như đang quyện hút vào mơ tưởng xa xăm huyền diệu nào đó, đưa hồn tôi lên chỗ ngút ngàn xa thẳm chơi vơi ‘’Đợi con thuyền tới bến, bến mơ thần tiên’’... Âm thanh lại kéo dài, nhỏ dần rồi tắt lịm, nhưng âm hưởng còn vang xa thổn thức... Tiếng sáo bây giờ đang lơ lửng ở khung trời êm lắng thanh cao khiến lòng tôi cũng dịu dần. Cả hội trường đang để hết tâm hồn vào giọng ca tha thiết đang đưa người về khung trời kỷ niệm ‘’tàu đi trong ánh trăng đềm êm, ngồi bâng khuâng mình ai trong đêm, Mắt nhìn con nước tấm lòng vẩn vơ. Mơ đi tìm trong gió phút giây ngày xưa.’’... Chị ấy đang để hết lòng mình vào’’phút giây ngày xưa. Nhưng riêng tôi thì đang băn khoăn về bến mơ thần tiên... 


Mấy năm sau tôi lên trung học. Thỉnh thoảng tôi vẫn cảm thấy nhớ những hoạt cảnh ấy đêm trăng ấy. Một dạo, tôi đến thăm anh bạn ở kiệt một đường Âm Hồn, ở Huế, (bấy giờ chưa gọi là đường Nguyễn Hiệu). Bạn cho tôi xem tập bài hát đã đóng thành sách. Tôi giở chậm rãi. Bài hát thứ hai trong tập là bài Trương Chi của Văn Cao. Hình vẽ ngoài bìa của bài này là khuôn mặt đài các của một thiếu nữ đang hướng mắt nhìn vào lòng một tô nước với hạt nước mắt trên má. Trong tô nước hiện ra hình bóng anh Trương Chi đang cúi mặt thổi sáo trên chiếc thuyền. Màu sắc của bức vẽ chỉ là một màu hồng đậm lạt khác nhau...Bản nhạc thứ ba của tập nhạc là Bên Sông Vắng của Tạ Tấn... Bản cuối cùng làm tôi thú vị, đó là Đêm Trăng Trên Vịnh Hạ Long. Tôi nhìn nhanh vào bức tranh bìa... Mấy mũi đá nhô lên khỏi mặt nước, một cây ở triền núi. Gần đó có một chiếc thuyền. Trên bầu trời có hình ảnh mặt trăng không tròn lắm! Hoạ sĩ của bức tranh ký tên là Vinh 51. Bản nhạc do nhà Tinh Hoa Huế xuất bản... Tôi nhìn nhanh vào phần trong của bài hát, nhận ra ngay: đợi con thuyền tới bến, bến mơ thần tiên. Tôi nhìn xuống phần cuối của bài hát: Mơ đi tìm trong gió phút giây ngày xưa. Tự nhiên tôi cảm thấy bùi ngùi rồi chậm rãi xếp xấp nhạc lại như cũ và kiếu từ bạn. 

Ngày tháng qua dần, thăng trầm cũng lắm. Thế mà cũng có lúc tôi buộc miệng hát nghêu ngao như để ru tôi ‘’người xưa ơi nhớ chăng nơi này, một đêm kia dần trăng non lên... Trông con tàu tới bến, bến mơ thần tiên...

Một lần nằm trong trại tù Thanh Hoá, khoảng năm 1981, tôi hướng mắt ra phía cửa sổ để nhìn lên con trăng lưỡi liềm thượng tuần đang lửng lơ cô đơn trong màn sương mờ đục, tôi chạnh nhớ đến hình ảnh và âm thanh của hoạt cảnh ngày xưa. Lòng bâng khuâng, mơ màng tưởng nhớ đến âm giai ré trưởng của nhạc sĩ Hoàng Qúi... Một cơn gió lạnh chạm vào da mặt, tôi rùng mình, vội kéo mền đắp kín đầu...



Nguyễn Nguyên




Mơ ước thái bình bạn ở đây,
Gọi đâu có đó cánh chim bay.
Quê hương chào đón người lưu lạc,
Đất khách vui mừng ta ngất ngây.
Dương lịch đầu năm mười bảy mới,
Tân niên Tây Tết tuổi xuân này.
Vườn thơ xướng họa lời tha thiết,
Giấc mộng thiên đường thoảng gió mây

Mai Xuân Thanh
Ngày 03 tháng 01 năm 2017

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Thơ Tranh: Rụng Cánh Đại Bàng



Thơ:Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Qua Cầu Mỹ Thuận



"Mời thầy ăn dĩa cơm tôm
Uống ly trà đá nghỉ chơn đợi đò
Mời cô mua giùm đi cô
Quít đường, cam mật, chuối khô, bánh phồng
Quán nghèo lồng lộng gió sông
Người qua Mỹ Thuận để lòng vấn vương
Cần Thơ xa mấy độ đường
Vĩnh Long, Sa đéc một vườn trái ngon
Ai về đây buổi hoàng hôn
Nhìn bờ xanh tiếp bãi cồn xa xa
Mặt sông lồng bóng chiều tà
Một vùng mây nước hồng pha sắc trời
Ước gì đò cứ mãi trôi
Để ta theo nước một đời biển sông
Bây giờ cầu nối tây đông
Nối giùm đi những tấm lòng cách xa
Cầu dài mấy nhịp ai qua
Nhớ khi sáng sớm chiều tà sang sông
Trường giang một dải mênh mông
Đò xưa đâu nhỉ hỡi dòng nước xuôi?
Khánh Hà ( Norway )

Viết Cho Người Trở Về Từ Cát Bụi


Khoảng năm 70 – 71, tôi chơi thân với Sáu Em, Bảy Em, Tám Bạn là anh em ruột với nhau. Nhà của ba người bạn này có khu vườn rộng nằm ngoài rìa của phi đạo, ăn thông với ”xóm Lương Sơn Bạc” là một khu nghĩa địa hoang vắng, có nhiều lung bàu, cây cối rậm rạp như đám rừng, nơi lục lâm, thảo khấu hay vô gia cư thường hội tụ. Lúc ấy, thân phận của tôi rất bấp bênh, phải trốn chui trốn nhũi cảnh sát để khỏi bị bắt quân dịch nên thường xuyên hiện diện ở đó. Gia đình của ba người bạn này đã cưu mang tôi trong những ngày tháng ấy! 

Một hôm, khi đang nằm tòn teng trên võng ngoài vườn, có một cậu thiếu niên ốm nhom ốm nhách đến tìm gặp tôi với thái độ rụt rè, tay cầm một xấp giấy, bảo với tôi rằng cậu ta có năng khiếu vẽ, có ý nhờ tôi “xem” dùm các “tác phẩm” của cậu! Tôi lớn hơn cậu ta mấy tuổi, có dịp tiếp cận với mỹ thuật sớm hơn, nên thỉnh thoảng góp ý cho cậu. Thế là chúng tôi quen nhau! Cậu thiếu niên này chính là họa sĩ Nguyễn Thế Đệ sau này!

Lúc ấy, hai mẹ con Thế Đệ vừa từ Kampuchea hồi hương sau vụ “cáp duồn”, Thế Đệ cũng vừa vào học ở trường Thủ Khoa Huân, ông Lê Minh Thuận làm Hiệu trưởng và ông Nguyễn Hữu Chánh làm Giám học. Ngày trước, trường Thủ Khoa Huân là trường Nam Trung học, được tách ra từ trường Tống Phước Hiệp năm 1969, để trường Tống Phước Hiệp sẽ trở thành trường Nữ (giống như các trường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân ở Định Tường, hay như Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm ở Phong Dinh). Khi trường Thủ Khoa Huân phát động phong trào học sinh của trường vẽ chân dung cụ Thủ Khoa Huân để treo nơi phòng Khánh tiết, có hai học sinh của trường là Quách Xuân Vinh và Nguyễn Thế Đệ cùng vẽ, và bức vẽ của Thế Đệ đã được chọn! Lúc đó, học sinh cả trường Thủ Khoa Huân xôn xao, và cái tên Thế Đệ nổi tiếng như cồn trong trường từ đó!

Bấy giờ, ở Vĩnh Long có một thành viên của bút nhóm Khai Phá là họa sĩ Lê Triều Điển, chủ quán café Đỡ Buồn trong cầu Công Xi. Anh Điển là người rất tốt, đã chỉ dẫn rất nhiều cho tôi trong hội họa. Rồi theo đà quen biết đó, tôi đã giới thiệu Thế Đệ cho anh Điển…

Sau ngày 30-4-1975, chính anh Điển đã đưa tôi và Thế Đệ vào làm ở Tổ Hội họa trực thuộc Phòng Văn hóa-Thông tin Thị xã Vĩnh Long. Tổ Hội họa lúc mới thành lập, anh Điển làm Trưởng tổ, các tổ viên gồm: chú Trọng Đông, hai Hồng, Triều Văn Ngọc, Bảy Ngô, tôi, Đặng Can, Thế Đệ, Bửu Lộc, Bửu Tràng, Thanh Thanh…. Sau đó, tiếp nhận thêm Văn Tấn, Lâm Quý, Liêm… Thời kỳ này, Thế Đệ làm việc rất tích cực, năng nổ, hoạt động nhanh nhẹn, được mọi người đặt biệt danh là “Pa-ven” (nhân vật trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”). Đặc biệt, Thế Đệ là người sở hữu chiếc xe đạp nhôm láng coóng -thời đó là rất xịn-. Và Thế Đệ là người đầu tiên trong Tổ Hội họa được kết nạp vào Đảng. Sau đó, họa sĩ Thế Đệ được kết nạp Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long và là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; đồng thời, được Nhà nước tặng thưởng Huy chương “Vì Sự nghiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam” và Kỷ niệm chương “Vì Sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam”.

Thời gian thắm thoát trôi qua, mới đó mà đã hơn bốn mươi năm! Trong quãng thời gian đó, có rất nhiều thứ đã trở thành vật đổi, sao dời. Tôi vẫn còn trụ lại ở Phòng Văn hóa-Thông tin cho đến ngày về hưu, còn Thế Đệ ra ngoài làm ăn từ lâu! Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp nhau ở quán café của Hội hoặc trong các buổi họp ở Hội Văn nghệ. 

Năm 2014, chúng tôi có chuyến đi du lịch chung qua Tà Lơn và Phnom-Pênh. Lúc xe dừng lại cho khách giải lao ở chân núi Sam lúc giữa đêm, mọi người trên xe đã hết sức thú vị khi đoàn xe tình cờ ngừng ngay chỗ Khu Vườn tượng của các Điêu khắc gia quốc tế sáng tác trong kỳ hội trại Điêu khắc Quốc tế tổ chức tại An Giang năm 2003, trong đó, có một bức tượng của họa sĩ Thế Đệ!

Gần đây, sức khỏe của Thế Đệ sa sút rất nhiều. Đệ mắc bệnh Parkinson và trở thành người nói nhiều! Thế Đệ cũng ít khi xuất hiện ở quán café Hội Văn nghệ…


Sáng ngày 7/12/2016, Thế Đệ đã ra đi! 

Sự ra đi của Thế Đệ, phải chăng đó là cuộc lữ hành để đi tìm chân lý giải thoát, để phân biệt rõ ràng ranh giới giữa yêu, ghét, tham đắm và ràng buộc? 

Ta nằm trong ván trông ra
Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười
Ta toan giận dỗi xa đời
Ngờ đâu khăn liệm bên người vẫn thơm
Nát thân không nát nỗi buồn 
Len trong cái chết vẫn còn nỗi đau.
(thơ Mai Thảo)

Không đâu, có lẽ Thế Đệ hiểu rõ rằng chết không phải là sự chấm dứt của kiếp sống mà chỉ là một bước, đi từ giai đoạn này qua giai đoạn sống khác mà thôi, bởi vì mọi tạo vật đều có muôn vạn kiếp luân hồi!

Xuôi đôi tay buông bỏ cuộc đời
Xin làm dòng suối khởi nguồn trôi
Lặng lẽ đi về miền tĩnh lặng
Qua bờ miên viễn một mình thôi…
(thơ Tín Đức)

Tín Đức

Mưa Từng Sợi Nhớ Đong Đưa


Mưa về từ cõi xa xăm
Bay trên phố cũ âm thầm xót xa
Tường tình rồi cũng phôi pha
Khi yêu thương đã không là của nhau

Mưa dày vò mãi nỗi đau
Dù ký ức đã phai màu dấu yêu
Ta đi từng bước lêch xiêu
Tìm em kỷ niệm những chiều mưa xưa

Mưa từng sợi nhớ đong đưa
Bay trên qúa khứ chơt vừa vỡ tan
Mưa chiều xưa chuyến đò ngang
Ngày em bỏ bến ngỡ ngàng xa nhau ... 

Khiếu Long

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Biết Người Còn Nhớ Hay Quên - Thơ: Tuyền Linh - Nhạc: Nguyễn Văn Thơ



Thơ: Tuyền Linh
Nhạc Nguyễn Văn Thơ
Trình bày: Quỳnh Lan

Kiếp Hải Hồ


Chàng lính thủy quen sống đời phiêu bạt
Nay rày đây mai đó kiếp hải hồ
Đường tàu đi dài lượn sóng nhấp nhô
Phỉ chí làm trai nước trời ngang dọc

Như cơn lốc lao mình vào cuộc chiến
Nhiệt huyết đầy bao ước vọng tương lai
Giữa trùng dương đêm thao thức lẫn ngày
Từng tấc đất nguyện giữ yên bờ cõi

Ngày rời bến nhìn sao trời lấp lánh
Biệt ly nào không tránh khỏi xót xa
Kẻ ở người đi trong những chiều tà
Nỗi nhớ nhung trải dài nghìn dặm biển

Kim Phượng

Gởi Bạn Xa



(gởi đến những người bạn của tôi)

Mình xa nhau khoảng cách thật nghìn trùng
Mong gặp lại mừng vui sao nói hết
Ta đã chia tay chiều ba mươi Tết
Đến hôm nay đã mấy chục năm ròng…

Dù cách biệt ta bạn vẫn cảm thông
Bao thương mến dù là tình bằng hữu
Chia ngọt xẻ bùi thật ra chưa đủ
Dựa vào nhau bươn chải sống trên đời !

Tuần vừa rồi bạn đã gọi cho tôi
Rất cảm động người bạn hiền thân mến
Cầu mong sao vững bền như ước nguyện
Cùng hiến dâng với tất dạ chân thành.

Sức khỏe chúng mình giờ thật mong manh
Không nói - nhưng nhớ tuổi thơ thấy tiếc
Bạn ta hởi dù phương trời cách biệt
Kỷ niệm xưa hãy gợi lại tìm vui…

Hãy an nhiên đừng lặng lẽ bùi ngùi
Hãy nói lên khó khăn cùng chia sẻ
Đừng thở than dừng buồn rầu lặng lẽ
Bỡi trọn đời mình là bạn của nhau...

Dương hồng Thủy

Thất Sơn, Miền Tây Nam Nước Việt


Đường vào núi Sam

Từ sau năm 1975 ít khi mấy anh em chúng tôi có dịp họp mặt đông đủ, chuyến về thăm quê nhà lần này (June 2016) là dịp may mắn lắm có đủ cả 3 anh em. Để có kỷ niệm chung, chúng tôi đề nghị đi tham quan vùng Thất Sơn. Lâu lắm rồi trên dưới 50 năm chúng tôi chưa có dịp trở lại nơi này. Riêng tôi thì chỉ còn vài ký ức lờ mờ về Châu Đốc khi có lần công tác qua đây, bây giờ thì chắc chắn có nhiều thay đổi. Anh tôi Lê Hữu Quyền, thuở xưa là một Hướng Đạo Sinh nên anh muốn thăm lại nơi mà anh ấy đã từng đi cắm trại, khám phá núi non “Thất Sơn Huyền Bí”. Cô em gái Lê Thị Tú Uyên thì mỗi lần về thì đi Vũng Tàu, Đà Lạt hay Nha Trang, nên khi nghe ý kiến đi tham quan Bảy Núi, miền Tây Nam nước Việt thì Cô cũng như mấy đứa cháu ở quê nhà có dịp được tháp tùng đi du lịch thì háu hức lắm.

Mặc dù đã hơn nửa thế kỷ qua mà máu Hướng Đạo của ông anh vẫn còn tốt, trước khi đi anh lấy tấm bản đồ và tập note-book ra “soạn thảo chương trình”, ghi đầy đủ các chi tiết: “Đặt mục tiêu” chuyến đi, “chấm tọa độ” những nơi muốn khám phá. Ấn định thời gian: “xuất phát”, các “địa điểm tham quan” và dự trù thời gian “trở về”.
Vâng, anh em tôi đều là cựu Hướng Đạo Sinh, “Hướng Đạo một ngày, Hướng Đạo mãi mãi” mà!

Chúng tôi lấy xe 14 chổ nhưng chỉ đi 10 người (gồm lớn bé, cộng thêm tài xế), chừa vài chổ trống để mua đặc sản như nước và đường thốt nốt, mắm Châu Đốc, hàng hóa của người dân tộc anh em bên kia biên giới miễn thuế ở chợ Tịnh Biên, hay mua bất cứ món đặc sản gì mình thích, bắt gặp khi đi ngang qua, ...

Sau buổi ăn sáng ở Long Xuyên, chúng tôi đến Châu Đốc khoảng 10:30 am. Điểm đến đầu tiên là ghé qua Điện Bà Chúa Xứ, ngôi Điện thờ khá khang trang, nghe thiên hạ đồn Bà rất linh thiêng, nhiều người từ khắp nơi về đây cầu nguyện, khấn vái để được may mắn, làm ăn phát tài.

Lễ vía Bà nhằm ngày 23 đến 27 âm lịch hàng năm, lễ chính là ngày 25. Theo tài liệu của nhà khảo cổ học Mallret, người Pháp (1941), tượng Bà là tượng thần Vishnu có từ thế kỷ thứ sáu (6) thuộc nền văn minh Ốc Eo, đặt trên đỉnh núi Sam, sau này người Việt mặc y phục và đeo trang sức rồi đặt trong đền thờ nên gọi là Bà Chúa Xứ. Miếu Bà xây dựng từ năm 1870, trùng tu nhiều lần, đến năm 1972 kiến tạo đến năm 1976 mới hoàn thành như hiện nay (theo tài liệu Wikipedia).

Tôi định phỏng vấn anh bảo vệ đang đứng gát trước bàn thờ Bà, anh này nhìn tôi từ đầu tới chân với ánh mắt soi mói, phán một câu cộc lốc như đinh đóng cột: “Đây là nơi linh thiêng, không được chụp hình” và mời tôi ... “đi ra ngoài”! Làm đoàn chúng tôi cụt hứng bèn cùng nhau đi tham quan mục tiêu kế tiếp.
Miếu Bà
Chánh điện
Sân điện

Chúng tôi rời điện Bà để đi thăm di tích lịch sữ Lăng Thoại Ngọc Hầu, đối diện bên kia đường. Nếu đến Châu Đốc mà không thăm Lăng là một thiếu sót. Vị danh tướng Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, có công khai phá vùng đất miền Tây Nam thời vua Gia Long sang đến đời vua Minh Mạng. Công trình to lớn nhất là đào kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc qua Hà Tiên dài hơn 90 km, nối liền sông Hậu đến vịnh Thái Lan, thi công sau 6 năm mới hoàn tất (1819-1824). Vĩnh Tế là tên của Nhất phẩm Phu nhân Châu Vĩnh Tế của Ông Thoại Ngọc Hầu được vua Minh Mạng ban đặt tên cho con kinh. Bà là người Việt gốc Khmer, công cuộc đào kinh Vĩnh Tế người Khmer đóng góp công sức một phần do thời đó Việt Nam bảo hộ Cao Miên (Campuchia ngày nay). Để ghi công lao to lớn của Thoại Ngọc Hầu, vua Minh Mạng cho đúc 9 đỉnh đồng trong đó có 1 đỉnh chạm khắc ghi công trình Kinh Vĩnh Tế, hiện nay đang trưng bày tại thành nội Huế.

Tiền điện lăng Thoại Ngọc Hầu, phía sau là đỉnh núi Sam cao 284 m.
Phái đoàn tham quan – Tác giả đứng bìa từ trái, cô em Tú Uyên (hàng thứ 6 từ trái sang), Ông anh Lê Hữu Quyền (hàng thứ 8 từ trái sang)
Mộ phần Bà Châu Vĩnh Tế
Mộ phần Ông Thoại Ngọc Hầu
14 phần mộ của dân phu bất hạnh trong khi đào kinh Vĩnh Tế

Chúng tôi tiếp tục “di hành” đúng theo “lịch trình” tiến về phía bắc để đến chợ Tịnh Biên bên bờ kinh Vĩnh Tế. Trong chợ nhiều mặt hàng như đồ dùng, giày dép, vãi, quần áo từ Campuchia và Thái Lan, cũng có hàng “made in China” luôn, giá cả không rẻ hơn ở thành phố Cần Thơ bao nhiêu. Chúng tôi chú ý vào các thổ sản nhiều hơn, lạ mắt, có món mới biết qua lần đầu.

Đường lên Tịnh Biên
Kinh Vĩnh Tế, trước chợ Tịnh Biên
Chợ Tịnh Biên
Khô nhái, một đặc sản độc đáo có nhiều tại địa phương, có thể mua làm quà cho bạn bè ở thành phố thích mồi lạ nhâm nhi lai rai
Rượu rắn, rắn ngâm các vị thuốc nổi tiếng của người Campuchia, nghe nói rất tốt cho quý ông (Tác giả không dám thử nên không biết kết quả ra sao, có đúng như quảng cáo vậy không?)

Điểm chính của chuyến đi là tham quan khu du lịch Núi Cấm, trung tâm của vùng Bảy Núi, nổi tiếng với “Cáp treo Núi Cấm”.
Bảy núi (Thất Sơn) gồm:

Núi Dài (Ngọa Long Sơn), cao 580 m, nổi tiếng có đồi Ma Thiên Lãnh và hang động kỳ bí.
Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), với đồi Tức Dụp (theo nghĩa tiếng Khmer là trên đỉnh có nước quanh năm).
Núi Dài Nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), cao 265 m. Có 5 giếng nước trên núi nên gọi là Ngũ Hồ Sơn, dọc theo triền núi trồng nhiều cây ăn trái như ổi, xoài, bưởi, sầu riêng, thanh long, ...
Núi Két (Anh Vũ Sơn), cao 225 m, trên đỉnh có phiến đá giống đầu con két.
Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), cao 145 m, nằm trên địa phận thị trấn Ba Chúc, quận Tri Tôn.
Núi Nước (Thủy Đài Sơn), là ngọn đồi thấp chỉ cao hơn 20 m, diện tích khoảng 300 m2, nằm giửa đồng ruộng ngập nước, cách núi Tượng chừng 500 m, tuy nhiên có điều kỳ lạ cái đồi nhỏ xíu nơi đây cũng được gọi là núi, một trong bảy núi của dãy Thất Sơn.

Núi Cấm, là ngọn cao nhất trong bảy núi, cao 710 m so với mặt nước biển, còn gọi là Thiên Cấm Sơn. Trên đỉnh có một số kiến trúc quy mô phục vụ tâm linh và du lịch. Chùa Vạn Linh cùng với ngôi bảo tháp uy nghi, Thiền viện chùa Phật lớn, tượng Phật Di Lạc cao nhất trên đỉnh núi tại châu Á, cao 33,60 m, bên bờ hồ Thủy Liêm. Tháp Xá Lợi bên bờ hồ trước Thiền Viện chùa Phật Lớn. Chung quanh còn các thắng cảnh khác như suối Thanh Long, hồ Thanh Long. Con đường duy nhất quanh co lên đỉnh núi Cấm đi bằng xe khoảng 30 phút, dành cho quan khách thích quan sát cận cảnh núi rừng, khám phá thảm thực vật bên sườn núi; Nếu đi cáp treo khoảng 10 phút, quan khách có thể quan sát cảnh hùng vĩ của núi Cấm, những mảnh vườn, thuở ruộng xinh xinh hay những vuôn ô mượt mà của mạ hoặc ánh vàng óng ả khi mùa lúa chín bên dưới trải dài đến chân trời.

Núi Cấm có 5 ngọn đồi nhô cao gọi là “năm non” hay tiếng địa phương gọi là “vồ”, gồm: Vồ Bồ Hong (cao 710 m), vồ Đầu (cao 584 m), vồ Bà (cao 579 m), vồ Ông Bướm (Ông Voi) cao 480 m và vồ Thiên Tuế (cao 541 m), nên người ta thường nói vùng “Năm non, bảy núi” là vậy.

Đi du lịch ngoài cái thú ngắm danh lam, thắng cảnh, thăm di tích lịch sữ là thưởng thức các món đặc sản địa phương:

Nếm qua hương vị ngọt ngào đặc biệt của nước giải khát thốt nốt, nhiều người lầm tưởng là nước của trái thốt nốt. Không phải, nước lấy từ cùi của cụm hoa. Cây thốt nốt trổ hoa quanh năm có thể khai thác nước tinh túy này từ 3 đến 6 tháng, trung bình mỗi cây cho từ 100-160 lít mỗi năm. Để tránh bị nhanh chóng lên men nên nước thốt nốt vừa đem xuống là đem đun sôi có thể giử được lâu hơn.

Bánh xèo trứng đà điểu, nóng giòn, chế biến bằng gạo lúa sóc (loại lúa mùa của người Khmer trồng), nhân bánh được làm từ măng tươi, thịt ba rọi, tép rang, giá sống, ăn kèm theo rau rừng rất phong phú: Đinh lăng, đọt vông, lá bứa, kim thất, lá sung, ngành ngạnh, cát lồi, ... toàn là loại rau mà người dân thành phố ít khi biết đến.

Gà tre hấp lá chúc, một món đặc sản với hương vị kỳ diệu làm du khách khó quên. Gà tre tơ nguyên con làm sạch, ướp tiêu, củ hành đặt trên lớp lá chúc, đem chưng cách thủy. Lá chúc là lá của loại cây đặc hữu vùng bảy núi, họ nhà chanh nhưng tinh dầu có mùi thơm đặc biệt làm tăng thêm sức hấp dẫn của khứu giác cũng như vị giác, cộng thêm gà tre khi hấp chín vàng ươm hấp dẫn luôn thị giác nữa.

Mắm Châu Đốc thì khỏi phải nói, nổi tiếng nào là mắm thái, mắm trộn đu đủ, mắm của các loại cá đồng như mắm lóc, mắm trèn, mắm sặc, mắm cá linh, .... đủ cả các loại khô cá đồng, đặc biệt vùng Thất Sơn có nhiều khô nhái, làm không ít ngạc nhiên cho du khách.

Đã hơn 3:00 pm, theo lịch trình chúng tôi rời khu du lịch “Cáp Treo Núi Cấm” trở về theo lộ trình đi ngang Nhà Bàng, Tri Tôn, đến núi Sập, qua Long Xuyên rồi theo đường từ Long Xuyên trở về Cần Thơ như dự định.
Chuyến đi trong ngày nên không đủ thời gian để “khám phá” hết những khía cạnh, những điều kỳ bí của nơi mình đến, tuy nhiên mình cũng ghi nhận được đôi nét đã thay đổi của quê hương sau nửa thế kỷ, khám phá thêm những điều mình chưa biết. Còn nhiều lắm, vô vàn thắng cảnh có thể đến tham quan, tìm hiểu thêm nơi một góc trời mở rộng trên mảnh đất quê nhà.

Lê Hữu Uy
Phoenix, Arizona – Jan 10-2017

Đường vô Núi Cấm
Cáp treo ngang hồ Thanh Long
Tượng Phật Di Lạc bên bờ hồ Thủy Liêm.
Tháp Xá Lợi bên bờ hồ Thủy Liêm. Ngày 14 tháng 10 năm 2015, ngọc “Xá Lợi” thỉnh từ Ấn Độ được an vị trong ngôi tháp.
Thiền viện Chùa Phật Lớn bên hồ Thủy Liêm
Chùa Vạn Linh với ngôi tháp to lớn uy nghi soi bóng nước
Trạm cáp treo trên đỉnh núi Cấm
Khu du lịch “Cáp treo núi Cấm” nhìn từ trên cao
Suối Thanh Long đẹp mê hồn
Khám phá thảm thực vật bên triền núi cung cấp nhiều đề tài thu hút những du khách thích môn nhiếp ảnh
Trái thốt nốt
Sản phẩm thốt nốt: Trái, nước, đường thốt nốt và bánh bò thốt nốt có bán khắp nơi trong chợ
Bánh xèo trứng đà điểu ăn với rau rừng, món ẩm thực độc đáo của Núi Cấm
Gà tre hấp lá chúc cũng là món ăn độc đáo của Núi Cấm
Lá và trái chúc, một loại cây đặc hữu của vùng Bảy Núi

Khu du lịch Cáp treo Núi Cấm
Cây thốt nốt trên các đồng lúa là hình ảnh đặc trưng của vùng “Năm Non, Bảy Núi”
HINH 088, Đường vô thị trấn Tri Tôn
Kinh Núi Sập
Xế chiều, trên đường về ngang qua thành phố Long Xuyên