Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Mối Hờ - Lãng Quên




Mối Hờ

Không duyên chẳng nợ vì đâu
Vô tình hay đã thắt sâu mối hờ
Mắt xanh chi lắm đục lờ
Tình trong chẳng thấy dật dờ mù sương
Tim ngoan trăn trở còn vương
Hoa đời thôi đã nhạt hương sắc màu
Bóng ai dần khuất Cầu Lầu
Trời ơi kẻ ở nhặt sầu đánh rơi

Giấc mơ vàng đá chưa vơi
Phòng không lạnh ngắt rõ nơi điêu tàn
Thời gian lặng lẽ nhịp nhàng
Hồn đây lá chết trút vàng hiên thu
Cô đơn trở giấc thâm u
Não nùng ai oán điệu ru chẳng rời
Niềm đau chôn giấu một đời
Chiêm bao thảng thốt vang trời tiếng la

Xa nhau mình đã mấy xa
Mong tin cánh én lượn qua chốn này
Tương tư chất ngất tình đầy
Trời cao ông hỡi chỉ đày thân tôi
Bao giờ sao sớm đổi ngôi
Nụ hôn kỳ tích trên môi lạ lùng
Cho xin một chút ngại ngùng
Nói lên thầm kín trĩu chùng con tim
 

Kim Phượng
***
Lãng Quên


(Từ Mối Hờ của Kim Phượng Úc Châu)

Cải trời vàng rực đường đi
Bước chân nhẹ hẫng thầm thì lối quen
Chìa vôi ngồi đứng không yên
Trách ai lỗi hẹn nỡ quên đường về

Mưa phùn rơi nhẹ bốn bề
Đêm mù sương tỏa tỉ tê đắng lòng
Nhìn sang bến đợi bên sông
Chờ ai mòn mỏi bóng hồng còn xa

Đâu đây vang tiếng lời ca
“Bậu đi phận bậu để ta một mình"
Thương cây trúc mọc bên đình
Tháng ngày đơn lẻ chung tình với ai ?

Thôi đành vàng đá nhạt phai
Nửa đêm trở giấc thở dài nhớ em
Lặng thầm ngõ vắng mông mênh
Dư hương người cũ còn bên… lối nầy


Dương Hồng Thủy

(12/10/2014)

Thi Thánh Đỗ Phủ Và Thi Hào Nguyễn Du

       Những ai thích và nghiên cứu thơ Đường đều không thể không biết qua 8 bài THU HỨNG của Đỗ Phủ, nhất là bài thứ nhất đã ảnh hưởng rất nhiều đến các thi nhân Việt Nam, kể cả Thi Hào NGUYỄN DU của ta nữa...
      Bây giờ đang là mùa thu, xin kính mời tất cả cùng đọc lại bài thơ nầy và các bài thơ " bị ảnh hưởng " khác....

   秋興     其一                       Thu  Hứng        K nhất

玉露凋傷楓樹林,    Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 

巫山巫峽氣蕭森。    Vu sơn Vu giáp khí tiêu sâm. 

江間波浪兼天湧,    Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng, 
塞上風雲接地陰。    Tái thượng phong vân tiếp địa âm. 
叢菊兩開他日淚,    Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ, 
孤舟一繫故園心。    Cô chu nhất hệ cố viên tâm. 
寒衣處處催刀尺,    Hàn Y xứ xứ thôi đao xích, 
白帝城高急暮砧。    Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
                杜甫                                                  Đỗ Phủ

DỊCH NGHĨA:
Ngày Thu Cảm Khái - Bài 1

1. Sương móc phủ trắng làm cho rừng phong thêm tiêu điều .

2. Núi Vu, khe Vu hơi thu hiu hắt thâm u .

3. Sóng trên mặt sông từng đợt như nhảy tận lưng trời 

4. Trên cửa ải mây mù cùng sương khói như giăng sát mặt đất 
5. Bụi cúc đã hai lần nở hoa làm rơi nước mắt của ngày xưa cũ.
6. Sợi dây của chiếc thuyền đơn lẻ còn buộc chặc tình cố hương. 
7. Ở đây nơi nơi ai nấy đều đang lo cắt may áo rét .
8. Trên thành Bạch Đế cao cao nầy, tiếng chày giặt áo về chiều
    nghe như càng hối hả hơn thêm.

     Năm Đại Lịch Nguyên niên (766), Đỗ Phủ lưu lạc ở đất Quì Châu, do loạn An Lộc Sơn nên vẫn còn cảnh chiến tranh loạn lạc. Lúc bấy giờ ông đã 55 tuổi rồi mà hùng tâm tráng chí chưa thi thố được gì cả, lại nhiều bệnh tật, bạn bè lại cách trở sơn khê, nên trong cảnh núi non ảm đạm, gió thu hiu hắt của mùa thu, xúc cảnh sanh tình, khơi niềm cảm hứng mà sáng tác 8 bài THU HỨNG nầy. 8 bài đi liền một thể, nhưng cũng có thể tách riêng mà thưởng thức từng bài một. Bài THU HỨNG thứ nhất là bài được mọi người biết đến nhiều nhất và được các danh nhân Việt Nam ta diễn nôm nhiều nhất.       Mời tất cả cùng đọc các bài diễn nôm sau đây :

Lác đác rừng phong hạt móc sa, 

Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa. 

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm, 
Mặt đất mây đùn cửa ải xa. 
Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ, 
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà. 
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước, 
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.
Nguyễn Công Trứ
***

Vàng úa rừng phong, hạt móc bay, 

Non Vu hiu hắt phủ hơi may. 
Dòng sông cuồn cuộn, trời tung sóng, 
Ngọn ải mờ mờ, đất rợp mây. 
Lệ tủi: sợ coi chòm cúc nở, 
Lòng quê: mong buộc chiếc thuyền đầy. 
Giục ai kéo thước lo đồ lạnh, 
Đập vải trời hôm rộn tiếng chày.
Ngô Tất Tố: 


Móc trắng rừng phong vẻ úa gầy, 

Vu Sơn, Vu Giáp khí thu dày. 
Lòng sông sóng tận lưng trời nhảy, 
Đầu ải mây sà mặt đất bay. 
Lệ cũ nở hai mùa cúc đó, 
Lòng quê buộc một chiếc thuyền đây. 
Nơi nơi áo lạnh địi dao thước, 
Bạch Đế thành hôm rộn tiếng chày.
Khương Hữu Dụng

***
Sương đọng rừng phong héo hắt cây 

Vu Sơn, Vu Giáp, khí mù bay 

Trên sông sóng cuộn, trời liền nước 
Ngoài ải hơi đùn, đất giáp mây 
Một chiếc thuyền đơn tình cũ buộc 
Hai phen cúc nở lệ xưa đầy 
Nơi nơi áo lạnh tìm dao thước 
Bạch Đế chiều hôm rộn tiếng chày.
Bùi Khánh Đản
***
Dịch ra thơ Lục Bát 

      

Rừng phong xơ xác sương bay, 
Vu sơn Vu giáp hơi may lạnh lùng. 
Ngất trời sóng dội lòng sông, 
Mịt mù mặt đất, mây lồng ải xa. 
Con thuyền buộc mối tình nhà, 
Hai lần cúc nở, lệ sa hai hàng. 
Áo đông may cắt rộn ràng, 
Tiếng chày đập vải, hôm vang Bạch thành.
Trần Trọng Kim
***
Bài Diễn Nôm:


Rừng phong hiu hắt phủ mờ sương,

Núi Giáp non Vu lạnh buốt xương.
Sóng vỗ ngất trời sông nước cuốn,
Hơi mù rợp đất gió mây vương.
Hai lần cúc nở thương ngày cũ,
Một mối thuyền con luyến cố hương.
Thành Bạch nhà nhà may áo ấm,
Tiếng chày đập vải rộn muôn phương.
Đỗ Chiêu Đức

 

     Bài thơ này vừa là bức tranh phong cảnh mùa thu ảm đạm, hắt hiu, vừa là bức tranh tâm trạng trĩu nặng u sầu của Đỗ Phủ trong cảnh loạn ly. Ông lo cho vận nước đang cơn bĩ cực và ngậm ngùi xót xa cho thân phận bất hạnh của mình nơi đất khách quê người.

      Cùng một tâm trạng như Đỗ Phủ...
     Ta thấy  hai bài Thu Dạ của Nguyễn Du, cũng làm lòng người cảm thấy nao nao cho tâm trạng  của ông trong hoàn cảnh khốn đốn tản cư lánh nạn giữa thời ly loạn . Hai bài thơ nầy được trích trong Thanh Hiên Thi Tâp ( 78 bài ) nằm trong phần " Mười năm gió bụi" ( 1786-1795 )thời gian ông lẫn trốn ở Quỳnh Côi quê vợ thuộc Thái Bình. Hai bài thơ  tả cảnh ĐÊM THU thật buồn, nhất là Bài 2 nói lên cái hoài bão trong lòng của ông và nhất là lại sử dụng lại các VẦN của bài THU HỨNG 1 của Đỗ Phủ làm cho ta lại càng cảm thấ lí thú và xúc động hơn.  Mời tất cả cùng đọc lại bài thơ nầy...

      秋夜 其二                   Thu Dạ   Bài 2

 白露為霜秋氣深,     Bạch lộ vi sương thu khí thâm,

 江城草木共蕭森。  Giang thành thảo mộc cộng tiêu sâm. 

 剪燈獨照初長夜,    Tiễn đăng độc chiếu sơ trường dạ, 
 握髮經懷末日心。  Ốc phát kinh hoài mạt nhật tâm. 
 千里江山頻悵望,    Thiên lí giang sơn tần trướng vọng, 
 四時煙景獨沉吟。  Tứ thời yên cảnh độc trầm ngâm. 
 早寒已覺無衣苦,    Tảo hàn dĩ giác vô y khổ, 
 何處空閨催暮砧。  Hà xứ không khuê thôi mộ châm.
               阮攸                                                Nguyễn Du

CHÚ THÍCH :
- Tiễn đăng 剪燈 : Cắt hoa đèn để cho ngọn lửa cháy sáng. Có lẽ tác giả liên tưởng đến hai câu thơ của Lý Thương Ẩn:

    "Hà đương cộng tiễn tây song chúc,    何當共剪西窗竹,

     Khước thuyết Ba Sơn dạ vũ thì"         卻說巴山夜雨時?
(Bao giờ mới được cùng nhau cắt hoa đèn nơi song cửa phía tây, (để) Kể cho nhau nghe nỗi lòng nơi Ba Sơn lúc đêm mưa lạnh đây ? ).

- Ốc Phát 握髮 : Ốc 握 Có bộ THỦ là Tay bên trái, nên chỉ động tác của tay, có nghĩa là NẮM, như ỐC THỦ là Bắt Tay ( ta gọi là " Bonjuor " ). Chữ nầy còn được đọc là ÁC, nên Ốc Phát còn đọc là Ác phát:
   Theo điển ỐC PHÁT THỔ BỘ 握髮吐哺 là viết gọn lại của câu : 一沐三握髮,一飯三吐哺  Nhất mộc tam ỐC PHÁT, Nhất phạn tam THỔ BỘ, có nghĩa : Một lần gội đầu phải vắt tóc lên 3 lần, Một lần ăn cơm phải nhả cơm ra 3 lần, nên " Ác phát thổ bộ" là vắt tóc nhả cơm: Do tích Chu Công là một đại thần của nhà Chu rất chăm lo việc nước. Đang ăn cơm, có khách đến nhả cơm ra tiếp; đang gội đầu có sĩ phu tới, liền vắt tóc ra đón, hết người này đến người khác, ba lần mới gội đầu xong, ba lần mới ăn cơm xong. Câu thơ của Nguyễn Du ý nói: Chí nguyện được đem tài mình  ra giúp nước như Chu Công, cuối cùng không biết có toại nguyện hay chăng  ? Nghĩ đến mà lòng vô cùng lo ngại.

DỊCH NGHĨA :
1. Móc trắng thành sương , hơi thu đã già,
2. Cây cỏ quanh thành bên sông đều có vẻ tiêu điều .
3. Một mình khêu ngọn đèn lẻ loi ,đêm bắt đầu dài .
4. Vắt tóc vẫn lo cho cái chí nguyện trong những ngày cuối đời .
5. Non sông nghìn dặm nhìn mà buồn ngơ ngẩn.
6. Phong cảnh bốn mùa riêng mình luống ngậm ngùi
7. Mới rét mà đã thấy khổ vì không áo ấm ,
8. Văng vẳng nơi đâu tiếng đập vải của người khuê phụ rộn rã trong bóng chiều tà .

DIỄN NÔM:
                  Đêm Thu - Bài 2   

                                                              

Móc trắng thành sương thu đã sâu,
Bên thành hoa cỏ cũng rầu rầu.
Chong đèn một bóng đêm vằng vặc,
Vắt tóc toàn tâm Ý những sầu.
Ngàn dặm núi sông hằng trông ngóng,
Bốn mùa cảnh trí gợi lo âu.
Khổ thay lạnh sớm chưa may áo,
Tiếng chày giặt tối vẳng đâu đâu!

Đỗ Chiêu Đức

      Sát sao hơn NGUYỄN DU, NGUYỄN LỘ TRẠCH sử dụng lại một cách đầy đủ hơn để họa  các VẬN trong bài THU HỨNG của Đỗ Phủ, nhưng... không phải để than van oán trách buồn thảm cho số phận hẫm hiu của mình, mà là... một tấm chân tình của một Nhà Nho Ưu thời mẫm thế lo cho thời cuộc, cho đất nước trong buổi tàn thu. Ta hãy cùng đọc bài thơ THU HOÀI sau đây của ông...

1. BẢN CHỮ HÁN CỔ CỦA BÀI THƠ :
        

            Thu Hoài                                                 秋懷

Cực mục tiêu sơ hồng diệp lâm                      極目蕭條紅葉林,
Thiên Sơn tĩnh lập ảnh sâm sâm                    千山靜立影森森。
Tiểu lâu đoạn giác minh sương lãnh              小樓斷角鳴霜冷,
Chiến lũy trầm luân khốc nhật âm                  戰壘沉淪哭日陰。
Thảo muội kinh dinh tiên thế nghiệp              草昧經營先世業,
Giang hồ ưu ái hủ nho tâm                              江湖優愛腐儒心。
Vạn gia chinh phạt hàn y tận                          萬家征伐寒衣盡,
Sầu sát thu khuê xứ xứ châm                           愁殺秋閨處處砧。
               Nguyễn Lộ Trạch                                          阮露澤

           Nguyễn Lộ Trạch sinh ngày 15 tháng 2 năm 1853 tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, quê gốc của ông là làng Kế Môn, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
          Tổ tiên ông trước ở vùng châu Hoan-châu Ái (tức vùng Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh ngày nay), đến thế kỷ 16, theo tướng Nguyễn Hoàng vào vùng Thuận Hóa. Cha ông là Nguyễn Thanh Oai, đỗ Tiến sĩ năm 1843 dưới triều vua Thiệu Trị (cùng khoa với danh thần Phạm Phú Thứ), từng giữ chức quyền Thượng thư bộ Hình, Tổng đốc Ninh Thái (gồm Bắc Ninh và Thái Nguyên)...

         Nguyễn Lộ Trạch là người đọc nhiều sách, biết nghề thuốc, có kiến thức sâu rộng, nhưng không đi thi, chỉ chú tâm vào con đường thực dụng. Ông thường ngao du khắp các tỉnh miền Trung, tìm người cùng chí hướng kết giao, được người đương thời goi là "cậu ấm tàng tàng" .

   2. CHÚ THÍCH:
       CỰC MỤC : là nhìn mút con mắt.

       TIÊU SƠ : là Thưa thớt, Lèo tèo.

       ẢNH SÂM SÂM : là Cái bóng Âm U, Mờ Mịt.
       TIỂU LÂU : là Lầu Nhỏ, Ở đây là Vọng Gác.
       ĐOẠN GIÁC : là Dứt tiếng Tù Và( thổi khi gác ).
       MINH 鳴 : là Thổi, là Kêu, là Hót, là Gỏ.
       TRẦM LUÂN : là Chìm Đắm. Ở đây Nghĩa là Bị Che Phủ, Mờ Mịt.
       THẢO MUỘI : là Buổi Ban Sơ,
       HỦ NHO : là Nhà Nho Hủ Lậu, đây chỉ là lời nói khiêm nhường.
        CHÂM : là Tấm Thớt. Ngày xưa dùng lót ở dưới để đập chỉ, tơ hoặc quần áo... cho sạch. Đây là cách giặt giũ ngày xưa, vì vải vóc ngày xưa rất thô kệt, đọc thơ Đường ta hay thấy từ nầy, tiếng ĐẬP( GIẶT ) quần áo hay làm cho người ta buồn hoặc nhớ nhà....

   3. NGHĨA BÀI THƠ:
                                     Thu Hoài Cảm

             Nhìn mút con mắt cũng chỉ thấy rừng lá đỏ tiêu điều lèo tèo thưa thớt. Ngàn núi đứng yên trong cảnh thâm u mờ mịt của mùa thu. Trên vọng gác đã dứt tiếng tù và thổi lên trong sương lạnh, và chiến lũy thì mờ mịt như đang khóc trong trời thu ảm đạm. Sự nghiệp kinh doanh của đời trước mờ mịt như thuở ban sơ. Sông hồ thì như còn ưu ái với lòng của kẻ hủ nho nầy. Muôn nhà vì chinh chiến mà  hàn Y đã cạn kiệt, nên kẻ trong phòng khuê buồn muốn thúi ruột khi nghe tiếng chày giặt áo quần vải vóc vang lên khắp nơi ( để gấp rút may thêm áo lạnh gởi ra chiến trường ).
   4. DIỄN NÔM:

Mút mắt tiêu điều rừng lá đỏ,
Đứng yên ngàn núi bóng thâm u.

Gác canh vắng ngắt trong sương sớm,

Chiến lũy mịt mờ lúc sáng thu.
Sự nghiệp cha ông con cháu giữ,
Tấc lòng nho hủ nước sông lưu.
Muôn nhà chinh chiến hàn Y hết,
Tiếng giặt chày vang buồn chiến khu!

Đỗ Chiêu Đức 

Mơ Về Nơi Xa Lắm - Phú Quang- Gia Huy

Trong đêm ngồi một mình nhớ người yêu nơi xa ,chắc có lẽ người ấy cũng thao thức cô đơn một mình,trong đêm Hà nội có gió heo may về,để tưởng nhớ em. Anh viết giai điệu cho bản nhạc này trong đó đầy ấp tình yêu trong nỗi nhớ cô đơn và là đêm dài không ngủ để tặng em bài hát này cho tình yêu chúng mình thăng hoa ngày gặp lại . . .


Sáng Tác Phú Quang
Tiếng Hát Gia Huy
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Đà Lạt Mến Yêu


Tôi đến bên em chỉ một lần
Một lần thôi cũng đủ bâng khuâng
Cam Ly suối bạc vương ghềnh đá
Than Thở chiều xưa tiếng xa gần

Xuân Hương in bóng người năm cũ
Mơ màng ru ngủ những hàng thông
Đêm thâu ánh điện vàng thung lũng
Thương mãi người xa một tấm lòng.

Đà Lạt ôi bao giờ trở lại?
Mimosa còn nở
 mãi trong tim
Tiếng người yêu nay biết đâu tìm
Tôi lạc lõng giữa giòng thơ năm cũ.

Biên Công Danh

Hò Hẹn Đêm Thu - Thu Trong Mắt



Xướng: Hò Hẹn Đêm Thu

Anh hãy ngồi đây uống với em
Lung linh trăng rọi trước hiên thềm
Giọt vương giọt vấn bờ môi ấm
Giọt nhớ giọt thương khoé mắt mềm
Nâng chén tương phùng say đắm đuối
Nhấp ly giao ước mộng êm đềm
Lâng lâng hồn lạc vào vô thức
Hẹn mỗi đêm rằm, anh với em...

Phương Hà



Họa: Thu Trong Mắt


Ta thích nhìn sâu thẳm mắt em!
Xem thu lặng lẽ đến bên thềm
Hàng cây ngã bóng mơn vai nhỏ
Vòm lá len mưa đọng tóc mềm
Gió lộng ráng chiều buông vội vã
Rèm lay ánh điện tỏa êm đềm
Vầng trăng lủi thủi niềm cô quạnh
Tâm sự mơ màng lại nhớ em! 

Nguyễn Đắc Thắng


Đêm nhớ

(Từ Hò Hẹn Đêm Thu của Phương Hà)

Đêm khuya lặng lẽ nhớ về em!
Gió lạnh đìu hiu lá rụng thềm
Mưa lất phất bay từng hạt nhẹ
Mây buông hờ hững dải bông mềm
Mơ màng đôi mắt buồn xa vắng
Thoang thoảng bên tai vọng tiếng đềm
Quạnh vắng đêm nay sao nhớ quá
Bao giờ ta mới hết mong em!

10/2014

Thiên Thu

Thơ Tranh: Thơ Và Thi Nhân


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Tìm Hiểu Bệnh Ebola (Ebola Virus Disease)


Hiện nay đang có dịch bệnh Ebola gốc từ Phi Châu gây tử vong rất cao, khiến toàn thế giới xôn xao e ngại. Các nhà hữu trách đang tìm phương pháp chữa bệnh và ngăn ngừa không để lan tràn. Cho đến nay chỉ có chừng gần 3 ngàn người chết vì bệnh này trong  kỳ phát bệnh bắt đầu tháng 3/2014 vừa qua, tuy nhiên vẫn chưa có thuốc chữa bệnh và chích ngừa.
​Anh Thomas Duncan ở Dallas, người đầu tiên mắc bệnh Ebola ở Hoa Kỳ vừa chết vì bệnh này.

Ở Hoa Kỳ, một người đàn ông ở Dallas, tên Thoma Duncan, từ Liberia về nước cách đây khoảng hai tuần lễ. Trên máy bay anh ta không có triệu chứng, nhưng khi về đến nhà vài ngày thì thấy sốt cao, đi khám bệnh chỉ cho thuốc trụ sinh thông thường, vài ngày sau trở nặng, thí nghiệm máu xác định anh ta mắc bệnh Ebola, anh được cách ly và điều trị chu đáo, nhưng anh đã qua đời ngày 8 tháng 10, 2014. Đây là trường hợp nhiễm bệnh Ebola đầu tiên tại Hoa Kỳ và đã qua đời khiến cho nước Mỹ, kể cả tổng thống Obama lo ngại, đang tìm những biện pháp ngăn ngừa thích đáng. Sự thiếu sót trong việc điều trị bệnh nhân này là đã không tìm ra bệnh sớm và điều trị sớm mặc dù anh đã có đủ yếu tố có thể nghĩ đến bị virus Ebola (trở về từ Liberia nơi có dịch bệnh, có sốt).

Để quý vị biết về bệnh nguy hiểm này, chúng tôi xin được trình bày tổng quát về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị, cách đề phòng... Dưới cùng có các danh từ y học để tham khảo.
Nếu quý vị muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc với các các cơ quan y tế hoặc bác sĩ gia đình, hoặc vào các website của cơ quan CDC, Webmd, Mayo Clinic...

Định nghĩa:
​Siêu vi khuẩn Ebola

Bệnh Ebola, trước đây còn được gọi là bệnh “sốt xuất huyết Ebola”, là một bệnh hiếm, nhưng rất  nguy hiểm, có nguồn gốc từ Phi Châu do một loại siêu vi khuẩn (virus) có tên là Ebola gây ra. Virus này gây xuất huyết cơ thể (chảy máu trong người), các chức năng bộ phận cơ thể bị suy kiệt trầm trọng đưa đến cái chết rất nhanh. Bệnh  có thể lây từ người này sang người khác.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc trị bệnh hữu hiệu, hoặc thuốc ngừa, tỷ lệ tử vong rất cao có thể lên đến 90%.

Nguyên nhân và cách lây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh là do siêu vi khuẩn có tên Ebola (tên một con sông của nước Congo, nơi người ta tìm thấy bệnh lần đầu tiên vào năm 1976), có trên xác thú vật như loài khỉ, dã nhân, dơi trái cây… ở Phi Châu. Một siêu vi khác có tên Marbug cũng gây ra bệnh tương tự.

​Địa điểm đang có dịch bệnh tại Phi Châu
 
Bệnh có thể lây từ súc vật qua người khi người tiếp cận với chất dịch từ con bệnh, thường thường từ xác thú vật có bệnh như qua đường máu, chất thải như phân, nước tiểu của thú vật hoặc dơi mắc bệnh. Bệnh có thể lây từ người qua  người cùng một cách thức như nhau.

Vòng lây bệnh:
Từ thú vật hoang dã ở Phi Châu như khỉ, dơi, thú hoang lây sang người, từ người sang người hoặc thú vật, rồi lại sang cho người…

Những người chôn xác bệnh nhân nếu không mặc quần áo đặc biệt có thể lây bệnh. Chuyên viên ý tế nếu không mang vải che miệng (mask), găng tay, hoặc bị kim tiêm đã dùng cho người bệnh đâm trúng phải có thể lây bệnh. Bệnh không lây qua côn trùng như muỗi..

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Những trường hợp sau đây làm người ta dễ có cơ hội nhiễm bệnh:
-          Du lịch đến vùng có dịch bệnh (hiện nay một số nước Phi Châu đang có dịch như Liberia, Guinea, Sierra Leone, Nigeria…
-          Những chuyên viên nghiên cứu các loại thú vật đã kể trên.
-          Các chuyên viên ngành y tế trực tiếp săn sóc bệnh nhân.
-          Những người chôn xác thú vật hoặc xác người mắc bệnh.
-          Thân nhân trong gia đình có người mắc bệnh..
-          Người có sự đề kháng kém.
-          Nếu định bệnh chậm và điều trị bắt đầu chậm, người bệnh có nguy cơ chết rất cao.

Triệu chứng:
Triệu chứng ban đầu của bệnh rất giống như các bệnh thông thường như cảm, cúm, sốt rét.., nên rất khó nhận dạng.
-          Triệu chứng sở khởi của bệnh Ebola bao gồm: Nóng sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức bắp thịt, đau khớp xương, cơ thể suy yếu...
-          Khi bệnh trở nặng hơn, người bệnh có triệu chứng: nôn, ói, tiêu chảy, mắt đỏ, nổi sẩy ngoài da, tức ngực, ho, đau bụng, sụt cân mau lẹ, xuất huyết ở mắt, mũi, tai, tím bầm ngoài da, nội xuất huyết...

Biến chứng
Bệnh có thể gây ra biến chứng rất nặng, là nguyên nhân đưa đến tử vong như: nhiễm trùng các bộ phận cơ thể, bệnh nhân suy kiệt; xuất huyết trầm trọng bên ngoài cũng như trong nội tạng (nội xuất huyết); vàng da (do xuất huyết); mê man; co giật; bị sốc (trụy tim mạch).. và dĩ nhiên là “chết”, rất khó cứu chữa.
Một biến chứng nguy hiểm khác là suy giảm hệ miễn nhiễm khiến cho cơ thể không đủ khả năng đề kháng chống với siêu vi Ebola cũng như với các loại vi trùng khác.
Một số người may mắn được bình phục có thể vì hệ miễn nhiễm của họ không bị mất, sức đề kháng cao nên sống sót, nhưng số này rất ít, đa số đều chết vì suy hệ miễn nhiễm và hởi sự điều trị quá trễ.
Người thoát chết sẽ phục hồi rất chậm, có thể nhiều tháng, trong lúc đó siêu vi khuẩn vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Những dư chứng của những người này là suy nhược, rụng tóc, viêm gan, mệt nhọc, nhức đầu, sung dịch hoàn, sưng mắt..

Chẩn đoán bệnh (diagnosis)
Việc chẩn đoán bệnh rất khó khăn vào lúc ban đầu, như đã nói ở trên, vì triệu chứng rất giống các bệnh thông thường như cảm, cúm, sốt rét. Chỉ thử  máu mới tìm ra được siêu vi Ebola.
Vì thế, một người ở trong hoàn cảnh dễ lây bệnh như vừa du lịch nơi có dịch, có cơ hội tiếp xúc với người mắc bệnh, khi có triệu chứng như sốt, nhức đầu, bác sĩ sẽ cho thử máu ngay để xác định có mắc virus Ebola hay không.

Điều trị
Hiện chưa có thuốc điều trị hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Thường thường kết quả điều trị khả quan khi  các nguyên tắc như sau được áp dụng:
-          Điều trị thật sớm. Vì vậy nên tìm ra bệnh càng sớm càng tốt
-          Người bệnh có hệ miễn nhiễm cao.
-          Điều trị “chống đỡ” và điều trị những biến chứng
Người ta chỉ có thể giúp người bệnh ở tình trạng đủ sức chống cự với siêu vi và biến chứng như: truyền nước biển, huyết tương, máu tươi (nếu mất máu), giữ huyết áp bình thường, cho thở dưỡng khí đầy đủ, điều trị những biến chứng nhiễm trùng khác… Phương pháp này được gọi là “điều trị chống đỡ” (supportive treatment).
Cơ thể người mắc bệnh có thể tự tạo ra chất kháng thể (antibody) sau 10 ngày và kéo dài trong 10 năm.

Phòng bệnh (prevention)
Đề phòng là phương pháp tốt nhất và quan trọng để tránh bệnh nhiễm vi khuẩn Ebola và Marburg bằng những cách sau đây:
-          Tránh không đến những vùng đang có dịch bệnh. Nếu có phải đến thì nên có những biện pháp đề phòng thích nghi.
-          Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nếu phải tiếp xúc thì nên mặc quần áo đặc biệt chống nhiễm trùng.
-          Rửa tay bằng xa phòng thường xuyên. Làm sạch tay bằng dung dịch diệt trùng được gọi là “hand sanitizer” (vệ sinh tay); hoặc rửa bằng cồn mạnh.
-          Tránh ăn thịt thú rừng, thú đi rong (nhất là thịt khỉ), vì các loại thú này dễ mang virus bệnh.
-          Không tiếp xúc với xác người chết hoặc xác thú vật mắc bệnh mà không có biện pháp an toàn. Việc chôn cất xác người bệnh phải được chuyên viên vệ sinh phụ trách.
-          Không để người măc bệnh sống chung trong nhà. Người có bệnh phải được cách ly đặc biệt.
-          Khi nghi là có bệnh nên đi khám bác sĩ ngay, đặc biệt nên khai rõ mình đã đến nơi nào, đã tiếp xúc với người hoặc thú vật có bệnh hay không. Nếu tìm ra bệnh sớm và được điều trị sớm, cơ may khỏi bệnh khá cao nếu bệnh nhân có miễn nhiễm tốt.
-          Chuyên viên y tế cần áp dụng những phương pháp khử trùng hiệu quả (đeo khẩu trang, mặt nạ, bao tay, hoặc các dụng cụ cách trùng..)
-          Những người vừa từ các vùng nghi ngờ có bệnh như ở Phi châu, hoặc có dịp tiếp xúc với người hoặc thú mắc bệnh, nếu có sốt cần phải được thử máu siêu vi ngay, hoặc cách ly.
Bệnh này không dễ lây như bệnh cúm, sởi, tiêu chảy.., do đó nếu biết cách đề phòng, người ta có thể tránh được việc lây bệnh và kiểm soát được bệnh dịch.
***
Tóm lại, bênh Ebola do một siêu vi trùng đặc biệt có tên Ebola (hoặc Marbug), triệu chứng ban đầu gồm sốt, nhức đầu, nôn, mửa, tiêu chảy, sau đó có các biến chứng nặng như xuất huyết, suy nhược toàn thân, tỷ lệ chết rất cao. Thử máu mới có thể xác định được bệnh. Chưa có cách điều trị và thuốc ngừa hữu hiệu, việc phòng bệnh rất quan trọng. Không nên tiếp xúc với xác thú vật hoặc người mắc bệnh. Khi có triệu chứng nghi ngờ nên gặp nhân viên y tế ngay để được thử máu và điều trị càng sớm càng tốt.


BS Đỗ Văn Hội
Hoàng Dũng sưu tầm

Tài liệu tham khảo:
- Ebola disease: Mayo Clinic, WHO, CDC, Wikipedia…

Danh từ y học cần biết:
Siêu vi khuẩn (virus): là loại vi trùng cực nhỏ, cần phải có kính hiển vi tối tân mới nhìn thấy được.
Miễn nhiễm (immunity): là sự đề kháng của cơ thể chống lại một loại bệnh. Miễn nhiễm có được do đã tiếp xúc với bệnh, hoặc chính ngừa tạo ra kháng thể (antibody) có khả năng chống lại vi trùng khi nó xâm nhập vào cơ thể như bệnh sởi (measles), quai bị (mump), thủy đậu (rubella); tê liệt trẻ em (polio), phong đòn gánh hay sài uốn ván (tetanus), bệnh lao, bệnh cúm (flu), đậu mùa, viêm gan A, B (không có thuốc ngừa viêm gan C)…
Xuất huyết (hemorrhagia): chảy máu do thiếu tố chất giúp đông máu vì suy gan.
Viêm gan (hepatitis): các siêu vi trùng có thể làm cho tế bào gan tổn thương, nếu nặng gan không tạo được những chất cần thiết giúp ích cho cơ thể. Viêm gan như viêm gan A, B, C… hoặc do rượu làm chai gan, hoặc chất hóa học gây ung thư gan..
Thử máu: có nhiều kỹ thuật thử máu để xác định một số bệnh khi tìm thấy có siêu vi, như Enzyme-linked immunosorbent assay (ELISA); Reverse transcriptase polymerase chain reaction (PCR). Chỉ một số phòng thí nghiệm lớn mới có các loại thử nghiệm này.
Chẩn đoán (diagnosis): phương  pháp xác định chính xác là có bệnh, không “đoán mò”, thường thường do kết quả của phòng thí nghiệm như phim X ray, MRI, CT Scan, thử máu, nước tiểu..
Phòng bệnh; phòng ngừa (prevention): là phương pháp phòng ngừa không mắc bệnh, hoặc nếu đã mắc bệnh đề phòng những biến chứng có thể làm giảm thiểu sự bất khiển dụng của cơ thể. Ta gọi là y khoa phòng ngừa hay phòng bệnh (Preventive Medicine).
 
Nếu quý vị muốn biết thêm chi tiết xin gọi:
BS Võ Đình Hữu (MD) 714-928-3038drhvo@yahoo.com (Cali)
BS Bùi Quang Dũng (MD) 407-443-4829drdavidbui@bellsouth.net (Florida)
BS Đỗ Văn Hội: 407-234-3596Hoivando@gmail.com (Florida)
Hoặc bác sĩ gia đình của quý vị.

Chào Mừng Đại Hội Phan Thanh Giản Và Đoàn Thị Điểm

      Ngày 10/10/2014 là ngày họp mặt của đồng môn 2 trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, năm nay ở Phoenix, Arizona. Hơn 300 người đã ghi danh tham dự, từ Úc, từ Pháp, từ Canada, và từ các tiểu bang Hoa Kỳ. Một Chút Tình được gửi đi như lời chào mừng của một nhà giáo dạy Toán ở Phan Thanh Giản từ 1968 đến 1975. Cầu chúc mấy ngày họp mặt trong nhà sẽ được thật vui, thật tình nghĩa. 

Một Chút Tình

Năm nay Đoàn-Phan họp mặt 
Tôi qua Phoenix tìm vui.
Mong ngược thời gian gặp lại 
Ngày Xưa, năm tháng, ngậm ngùi.

Bạn quí ai còn ai mất
Trò yêu lạc lõng khắp nơi 
Dòng đời ba chìm bảy nổi 
Nhớ nhau nói không nên lời.

Trường cũ nửa vòng trái đất
Nhạt nhòa hình bóng đong đưa.
Một thuở bảng xanh phấn trắng 
Ôi chao thương mấy cho vừa. 

Đồng môn tình nghĩa còn đó 
Dù bao thay đổi bể dâu.
Chúc cho đá mềm chân cứng 
Gìn vàng giữ ngọc cho nhau.

Phụ Chú: 
      Cách đây 1 tháng, xúc động trước tình đồng môn của các cựu học sinh và cựu giáo chức 2 trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm thấy được ở hải ngoại từ gần 20 năm qua, tôi đã gửi đến mọi người Một Chút Tình. Hôm nay tôi ngồi chép lại và sửa đến từng chữ từng câu cho gần đúng ý hơn. Xin được phép nhắc lại ở đây. Lời vụng tâm thành , mỗi chữ mỗi tình , tình tôi đối với mọi người.
10/06/2014
Phạm Khắc Trí

Trọn Kiếp Không Phai - Quách Nam Dung Sáng Tác



Sáng Tác - Quách Nam Dung
Hình Ảnh: Trương Văn Phú (Hoàng hôn trên sông Tiền - Vĩnh Long, ghi lại 10/2014)
Thực  Hiện: Kim Oanh

Hữu Không - Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116)

      Lời kệ xưa của tiền nhân, có thể nhiều phần là tôi đã hiểu không đúng. Chép lại và chuyển dịch rồi gửi đi với tin tưởng, chân tình đối với nhau, dù trong hoàn cảnh nào, cũng luôn vượt qua được mọi trở ngại, nếu có, về ngôn ngữ.


Hữu Không - Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116)

Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu vô như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không

Dịch Xuôi :
Có Không

Cho là có thì đến hạt cát nhỏ li ti ỏ thế gian này nên kể là có
Cho là không thì hết thảy cũng có thể nói đều là không cả
Chuyện có hay không có đặt ra như chuyện thấy trăng dưới nước
Chớ quyết đoán cho rằng trăng có hay trăng không có ở đây

Có Không

Bảo là có thì muôn vật đều có,
Nói là không thì hết thảy đều không.
Có hay không, vầng trăng dưới đáy nước?
Hỏi chi thừa trong cảnh giới sắc không.

Phạm Khắc Trí
07/15/2014
* * *
Có Không

Hạt bụi li ti là đã có
Muôn loài hiện hữu kể như không
Có không, bóng nguyệt trong làn nước 
Ai dám bảo rằng có thật không?!

Phương Hà phỏng dịch

Tình Quê Êm Đềm


Mây trôi lãng đãng trên cao
Rèm thưa gió nhẹ rạt rào ý thơ
Cỏ hoa lóng lánh sương mờ
Tựa như giọt nắng bên bờ yêu thương

Cúc vàng rực nở ven đường
Liễu xanh buông tóc vấn vương êm đềm
Khói lam lờ lững ngoài thềm
Ru hồn lữ khách lênh đênh khẽ khàng


Tiếng gà gáy sớm vọng vang
Ban mai chim hót dịu dàng quanh đây
Đưa ta vào giấc mộng đầy
Hương tình ngan ngát đắm say lòng người

Lối mòn thảm cỏ vời vời
Chân trần nhẹ bước chơi vơi mơ màng
Phất phơ mây trắng bay ngang
Ngẩn ngơ ta nhặt lá vàng vừa rơi

Saigon, ngày cuối tháng 9 năm 2014
Đông An
 ***
Cảm Tác:
Tâm Sự Đêm Về

Người xa luôn nhớ về nơi xa
Có mái tranh thô dưới bóng tà
Có con lạch nhỏ len dòng nước
Có lối đi vào nắng nở hoa!

Có đời lam lũ nghiệp nông gia
Chai sạn bàn tay tuổi ngọc ngà
Mộng ước đơn sơ con sáo nhỏ
Vươn mình bay vút tận trời xa!

Đắc Thu

Đêm Buồn Tâm Sự


(Từ Tình Quê Êm Đềm của Đông An)

Đom đóm lập lòe soi bóng tối
Đèn chong leo lét mái nhà tranh
Đình làng cổ thụ vờn sông nước
Bến cũ quạnh hiu xóm vắng tanh

Vài tiếng chó tru trăng xóm dưới
Xuồng câu bì bõm ngọn hoa đăng
Giật mình ngoảnh lại đêm vừa sáng
Không hiểu người xa có biết chăng ?

Dương Hồng Thủy

(07/10/2014)

 ***
Cảm Tác: 
Tâm Sự Đêm Về


Người xa luôn nhớ về nơi xa
Có mái tranh thô dưới bóng tà
Có con lạch nhỏ len dòng nước
Có lối đi vào nắng nở hoa!


Có đời lam lũ nghiệp nông gia
Chai sạn bàn tay tuổi ngọc ngà
Mộng ước đơn sơ con sáo nhỏ
Vươn mình bay vút tận trời xa!

Đắc Thu

Thơ Tranh: Thơ Và Thi Nhân


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Thu Hát Cho Mình


Có cô nhỏ bên kia bờ giậu trúc
Tóc thậm thoài với đôi mắt nhung đen
Hai lúm đồng tiền trông thật có duyên
Khi cười nói, khi mơ màng hong nắng

Ngày hôm nay, một ngày dài đăng đẳng
Anh ôm đàn. Buồn. Đứng tựa thềm hoa
Biếng làm thơ tình, biếng cả đàn ca
Vì cô nhỏ biệt tăm, chờ không thấy

Gió lay động làm lá hoa run rẩy
Bóng ngã dài theo chín đợi mười trông
Nghe xôn xao từng đợt sóng trong lòng
Nghe hờn giận vu vơ bầy bướm lượn

Biết tình cảm của thế gian vay mượn
Biết vướng vào sẽ nghiệt ngã trầm luân
Nhưng sao lòng cứ ray rứt, bâng khuâng
Như thuyền nhỏ lênh đênh không bến đậu

Trăng đã úa còn long lanh bên bờ giậu
Đẹp nhưng buồn như tiếng dế tàn canh
Chuốc tình sầu từ hố thẳm mông mênh
Nghe sóng vỗ từ ghềnh xưa bến cũ

Chớm Thu 2014
Yên Sơn

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Hoa Cát Đằng - Thơ Lâm Tẻn Cuôi


Thơ: Lâm Tẻn Cuôi
Thực hiện: Khúc Giang


Em Hiểu Vì Sao Cây Trơ Lá


( Tặng Thanh Nhàn )

Cây đổi màu thu, anh nhớ em
Đường lao xao bóng, nắng nghiêng thềm
Đôi mắt trông vời, chờ em đến
Tha thiết duyên tình, hương sắc đêm.

Thu đã len cành, em có hay?
Giọt mưa thánh thót ở hiên ngoài
Hạt mưa như lệ.. càng nặng trĩu
Ai đợi chờ ai? Ai nhớ ai ?

Sợi buồn năm tháng cuối chiều sương
Trả sầu về lại ngõ diệu thường
Một mình lặng lẽ, em hong tóc
Mỗi lá rơi vàng, mỗi nhớ thương!

Nghe trong thu lạnh chút lệ cay
Hạt bụi len qua hạnh phúc này
Em hiểu vì sao cây trơ lá
Làn khói vô thường nghi ngút bay…

VA, vào thu ( Sept.18, 08)
Bùi Thanh Tiên

Sợi Nhớ - Mối Hờ

Xướng: Sợi Nhớ
Em mang sợi nhớ về đâu
Nơi này còn những đêm sâu hững hờ
Đời như bóng tối lặng lờ
Tình mờ nhân ẩn dật dờ khói sương
Em đi bỏ lại tơ vương
Tình buồn nửa đoạn sắc hương phai mầu
Trăng non chưa gác mái lầu
Tình non tan lúc giọt sầu vừa rơi

Em đi sợi nhớ chơi vơi
Hồn nghe hụt hẫng chìm nơi hoang tàn
Con tim lịm chết nhẹ nhàng
Nhẹ như một chiếc lá vàng chiều thu
Nắng rơi vào chốn âm u
Lá buồn nghe tiếng gió ru rã rời
Hoàng hôn bao phủ dòng đời
Lá nằm lặng lẽ giữa trời bao la

Em mang sợi nhớ đi xa
Sợi buồn hiu hắt trôi qua nơi này
Tình ta chưa thể đong đầy
Em ơi sao nỡ đọa dầy tình tôi
Em đi sợi nhớ lên ngôi
Nhưng lòng lưu luyến bờ môi lạnh lùng
Trái tim không biết ngượng ngùng
Chập chờn hình bóng chập chùng trong tim

Đỗ Hữu Tài ( Sept. 27- 2014)
***
Họa thơ Sợi Nhớ của Đỗ Hữu Tài:

Mối Hờ

Không duyên chẳng nợ vì đâu
Vô tình hay đã thắt sâu mối hờ
Mắt xanh chi lắm đục lờ
Tình trong chẳng thấy dật dờ mù sương
Tim ngoan trăn trở còn vương
Hoa đời thôi đã nhạt hương sắc màu
Bóng ai dần khuất Cầu Lầu
Trời ơi kẻ ở nhặt sầu đánh rơi

Giấc mơ vàng đá chưa vơi
Phòng không lạnh ngắt rõ nơi điêu tàn
Thời gian lặng lẽ nhịp nhàng
Hồn đây lá chết trút vàng hiên thu
Cô đơn trở giấc thâm u
Não nùng ai oán điệu ru chẳng rời
Niềm đau chôn giấu một đời
Chiêm bao thản thốt vang trời tiếng la

Xa nhau mình đã mấy xa
Mong tin cánh én lượn qua chốn này
Tương tư chất ngất tình đầy
Trời cao ông hỡi chỉ đày thân tôi
Bao giờ sao sớm đổi ngôi
Nụ hôn kỳ tích trên môi lạ lùng
Cho xin một chút ngại ngùng
Nói lên thầm kín trĩu chùng con tim

Kim Phượng

Sợi Nhớ


Em mang sợi nhớ về đâu
Nơi này còn những đêm sâu hững hờ
Đời như bóng tối lặng lờ
Tình mờ nhân ẩn dật dờ khói sương

Em đi bỏ lại tơ vương
Tình buồn nửa đoạn sắc hương phai mầu
Trăng non chưa gác mái lầu
Tình non tan lúc giọt sầu vừa rơi

Em đi sợi nhớ chơi vơi
Hồn nghe hụt hẫng chìm nơi hoang tàn
Con tim lịm chết nhẹ nhàng
Nhẹ như một chiếc lá vàng chiều thu

Nắng rơi vào chốn âm u
Lá buồn nghe tiếng gió ru rã rời
Hoàng hôn bao phủ dòng đời
Lá nằm lặng lẽ giữa trời bao la

Em mang sợi nhớ đi xa
Sợi buồn hiu hắt trôi qua nơi này
Tình ta chưa thể đong đầy
Em ơi sao nỡ đọa dầy tình tôi

Em đi sợi nhớ lên ngôi
Nhưng lòng lưu luyến bờ môi lạnh lùng
Trái tim không biết ngượng ngùng
Chập chờn hình bóng chập chùng trong tim

Đỗ Hữu Tài
(Sept. 27- 2014)

Về Miền Nhớ


(Từ Sợi Nhớ của Đỗ Hữu Tài)

Em về miền nhớ xa xôi
Đi tìm nửa giấc mơ đời bỏ quên
Từ thu, gió khẽ gọi tên
Niềm xưa khơi lại buồn mênh mang buồn

Em về miền nhớ yêu thương
Tìm hương xưa đọng quanh vườn ngày xa
Để rơi nửa mảnnh trăng ngà
Em đi bỏ lại quê nhà cuối đông

Em về tìm nắng xuân hồng
Đã vương mùa cũ, tơ lòng đổi trao
Em về lại bến giang đầu
Lắng nghe gió hạ đêm sâu tự tình

Em về hứng giọt bình minh
Để nghe hương nhớ biết mình còn nhau
Em về nhặt lá phai màu
Gió thu lay rụng bên cầu sông thương!

Yên Dạ Thảo
06.10.2014

Thơ Tranh: Tím


Thơ Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức