Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

Quán Khuya - Nhạc & Lời: Khanh Phương(Trần Văn Khang) - Ca Sĩ: Bảo Yến


Nhạc & Lời: Khanh Phương(Trần Văn Khang)
Ca Sĩ: Bảo Yến

Tiễn Bạn

  

Lệ An đất lạnh tình nồng
Bạn bè ghé lại trời trong nắng vàng!

Cớ chi vội vã bạn Minh rừng?
Đồng cảnh tương lân một nét chung
Đất khách bôn ba bươn chải sống
Chậm chân nước đục vẫn kiêu hùng
Bạn bè tứ xứ ta bù khú
Thân hữu năm châu tíu tít vung
Vẫn nhớ ngày nào xa đến viếng
Mà nay ly biệt cõi muôn trùng!

Lộc Bắc
Nov23

Bóng Chiều Dần Rơi

 

Ai đang thao thức giữa đêm
Ta còn xa vắng ôm niềm tương tư
Trăng buồn mây khuất trăng lu
Đường về ngõ quạnh mịt mù gió sương!

Người thương ơi hỡi người thương
Niềm vui phút chốc,nỗi buồn mênh mông
Thuyền đời về bến hư không
Mong chi tao ngộ cõi lòng bơ vơ.

Đàn ai réo rắt tiếng thơ
Gợi niềm đau xót mịt mờ biệt tăm
Đường qua mãi bước âm thầm
Đâu còn tính được bao năm đợi chờ.

Bây giờ cho đến bao giờ
Ngày xanh mòn mỏi thẩn thờ chờ trông
Thôi thì ta giữ tấc lòng
Tháng năm cố vẹn thủy chung với người.

Bước đời cứ mãi xa xôi
Thuyền thơ chở mộng nổi trôi giữa dòng
Lỡ làng duyên kiếp long đong
Đã khô dòng lệ cõi lòng hắt hiu!

Tuổi đời còn lại bao nhiêu
Tóc phai màu tóc bóng chiều dần rơi

Hàn Thiên Lương

 

Lá Và Thu

 

Gió ơi đừng thổi nữa
Cho lá vàng khỏi rơi
Để thu không tiếc nuối
Tiễn đưa lá ngậm ngùi

Sương ơi đẫm ít thôi
Đủ làm lá hoa tươi
Lung linh trong nắng sớm
Điểm tô thu rạng ngời

Nắng ơi dịu dàng soi
Từng sợi như tơ trời
Cuộn vào thu say đắm
Theo lá đùa lả lơi

Mây ơi chầm chậm trôi
Rực rỡ giữa bầu trời
Ru hoàng hôn trên lá
Nghe thu từ khắp nơi

Mưa ơi nhè nhẹ thôi
Kẻo lá lạnh biếng cười
Thu lười không khoe sắc
Thi nhân về mất vui

Lá ơi níu chặt cành
Dù có là mong manh
Cùng hồn thu chan chứa
Gieo bao dòng thơ tình

Dương Việt Chỉnh

Cúc Hoa 菊 花 - Huyền Quang

 

菊 花

忘 身 忘 世 已 都 忘
坐 久 茫 然 一 塌 涼
歲 晚 山 中 無 歷 日
菊 花 開 處 即 重 陽

玄光禪師

Cúc Hoa


Vong thân vong thế dĩ đô vong
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô tích nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương

Huyền Quang Thiền Sư (1)
 
***
Bản dịch của Trần Quốc Bảo

Cúc Hoa


Không thân không thế ấy không lường
Ngồi lạnh trầm tư giữa một giường
Trong núi năm cùng ngày chẳng biết
Cúc hoa nở, báo tiết Trùng dương
(2)

Trần Quốc Bảo

(1) Huyền Quang là một Vị Cao Tăng (Thiền Sư). Sinh thời vào đời Nhà Trần (1225-1400) - Sư người làng Vạn-tải, đất Vũ-Ninh (nay là Gia-bình, Bắc-Ninh), lên 9 tuổi đã biết làm thơ văn. 19 tuổi đi tu. Sư Huyền Quang là Tổ thứ 3 của Phái Trúc-lâm ở nước ta.

(2) Trùng dương là ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch (còn gọi là Trùng cửu).
Năm nay, ngày Trùng dương, 9/9 ; nhằm (dương lịch) ngày 23 October 2023 mới vừa qua.


Tình Đông - Lập Đông Hoài Cảm

 

Bài Xướng:

Tình Đông


Thu tàn lá rụng tựa bên song 
Thấp thoáng bên đường chạnh nhớ mong 
Bão tố đi qua buồn ảo vọng 
Phong ba đến lại hắt hiu lòng 
Bao lần nước mắt dòng sũng ướt 
Những lúc hoen mi lệ ngấn hờn 
Một thuở yêu thương nghĩa mặn nồng 
Tình vương ấp ủ lạnh chiều đông 

TH 
6 / 11 /2023
***
Bài Họa:

Có những chiều buồn đứng tựa song 
Người ơi! Có biết kẻ chờ mong 
Thu tàn mấy độ trung trinh dạ 
Xuân đến bao phen tan nát lòng 
Nếu đã nên duyên còn nghĩa tủi?
Cũng đành ôm gối nén tình hờn 
Lá vàng trải thảm niềm tâm sự 
Hương phấn phai nhòa tiết lập đông!!!

Lâm Hoài Vũ

Nov 08 , 2023

Cái Bàn Ủi Của Tôi

 


Ngày xưa tôi có đọc được một câu chuyện vui như thế này:
Một cặp vợ chồng lên đường đi chơi xa. Lên xe đi được ¼ đường thì cô vợ hốt hoảng la lên:
- Thôi chết rồi anh ơi! Hình như em quên tắt bàn ủi. Mình trở về ngay kẻo cháy nhà thì chết!
Người chồng cuống cuồng quay đầu xe trở lại tức thì. Vào nhà thì bàn ủi đã rút dây đàng hoàng.
Lần thứ nhì, hai vợ chồng lại lái xe đi chơi xa. Được ½ đoạn đường bỗng vợ la rối rít:
- Thôi chết rồi anh ơi! Hình như em lại quên tắt bàn ủi nữa rồi. Mình trở về ngay kẻo cháy nhà thì chết!
Người chồng bực bội nhưng chẳng có lý do gì cưỡng lại vợ, đành miễn cưỡng quay về. Bàn ủi đã rút dây đàng hoàng.
Lần thứ ba cặp vợ chồng này lại đi chơi xa. Đi được ¾ đường, gần đến nơi, vợ lại giật mình nằng nặc đòi chồng quay về vì hình như nàng lại quên không tắt bàn ủi. Lần này thì anh chồng điềm tĩnh, từ tốn quay sang trấn an vợ:
- Không việc gì phải lo em ạ. Cái bàn ủi của em anh đã bỏ vào xe mang theo đây rồi.

Diệu kế!
Không hiểu sao những ngày này đầu óc tôi lại nghĩ đến câu chuyện xưa kia. Mẹ tôi năm năm vừa ăn thọ 90 tuổi. Bà ngày càng chậm chạp, mắt không thấy đường, chân tay yếu hẳn, bước đi không vững. Tuần rồi bà ngã đập đầu vào tường u một cục, và hai ngày sau lại ngã lần nữa. Bà mất sức hẳn và trở nên nhút nhát sợ sệt khác trước. Cả hai lần ngã đều có tôi ở nhà cùng với bà, chỉ có cái là tôi không có mặt ngay tại “hiện trường”. Sau hai lần ngã, bà may mắn không bị thương tích gì đáng kể, nhưng vẫn rêm nhức toàn thân, tinh thần ỉu xìu, mặt mày buồn bã trắng bệt, nói năng nặng nhọc, ngồi lâu không được, ăn uống không ngon, chỉ nằm li bì trong giường như người ốm nặng. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, nên đứa con gái tuổi ngọ này cũng thất thểu chao vao theo mẹ. Tôi hồi 2 cuộc hẹn đi chơi với bạn, ngồi nhà len lén canh chừng bà.
Rồi cũng có việc phải đi ra ngoài chứ không ở nhà ru rú suốt ngày được. Cứ nghĩ đến ra khỏi nhà mà ở nhà mẹ ngã một mình nữa thì chết. Tôi sợ lắm. Cuối cùng tôi bảo mẹ lên xe ngồi với tôi, tôi đi đâu bà đi đó. Ngồi buộc dây cứng nhắc vào ghế cạnh bên tôi thì không thể ngã được. Ha ha! Đây là diệu kế “cái bàn ủi” của ông chồng trong chuyện. Chở “cái bàn ủi của tôi” đi một vòng công chuyện rồi hai mẹ con trở về nhà an toàn!

Ngày xưa “cái bàn ủi của tôi” thủ nhiều vai trò rất oách trong đời: ban ngày làm công chức bươn chải đi làm cùng chồng nuôi con, đêm về làm nội trợ rửa chén bát, giặt giũ, may quần áo mới, vá quần áo cũ cho chồng con, làm gia sư kèm con học, ngày nghỉ cùng chồng đưa con đi chơi, ngày giỗ Tết nấu nướng cúng kiến, thăm viếng họ hàng, v.v. Cả thời thơ ấu tôi bình yên núp bóng cha mẹ, an tâm lúc nào cũng có hai cây tùng cao to, vững chắc che chở cho mình trước mọi giông bão thách thức ngoài đời.
Thấm thoát anh em chúng tôi lớn dần, và bước ra đời vật vã gồng gánh gia đình như bố mẹ mình ngày xưa. Mẹ tôi không còn phải tả xung hữu đột giữa chợ đời nữa. Bà rút dần vào bóng tối, lẳng lặng ở nhà giúp đỡ bếp núc dọn dẹp, trông nom, đưa đón con cháu.
Tôi phải đi làm trở lại khi con mới 6 tuần tuổi, nên bà ở nhà cho cháu bú mớm no nê, tắm rửa sạch sẽ trước giờ mẹ về. Đêm cháu ngủ với bà để mẹ được yên giấc hôm sau đi kéo cày, không phải thức giấc nửa đêm. Mẹ đi làm về được bà báo cho biết những dấu mốc trưởng thành của con, khi nào con mọc cái răng đầu, khi ngày nào con tự đứng vững đi bằng hai chân, đưa hai tay thẳng trước mặt giữ thăng bằng, ngày con rụng cái răng sữa đầu tiên, v.v.

Con tôi rất thích nghe bà kể chuyện con hổ và con chuột, con voi và con kiến, cô Tấm cô Cám, v.v. Cứ vòi bà kể đi kể lại bao nhiêu bận. Bà giúp tôi ghi sổ ngày nào thợ đến cắt cỏ, ngày nào bà lau dọn đến để tôi chuẩn bị chuẩn bị để tiền mặt ở nhà cho bà trả công họ dùm tôi. Ngày giỗ ngày Tết bà dạy con tôi chắp tay khấn các cụ, xin cụ phù hộ cho con hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang. Một ngày con tôi buột miệng hứa sau này nó sẽ cúng giỗ bà ngoại. Tôi nghẹn ngào cảm động nhận ra rằng những truyền thống dân tộc bà dạy cháu đã ngấm vào hồn “con Mỹ con”, nhưng vẫn cố làm tỉnh trêu hai bà cháu: “Rồi, bà ngoại tập ăn hamburger đi nha. Nó không biết làm dưa giá thịt kho đâu!”
Thế rồi cháu cũng thoát khỏi vòng tay ôm ấp của bà xách gói ra đi. Bà vẫn ở nhà với mẹ, ngày càng nhẹ đi một tí, lùn đi một tí, còm cõi mong manh. Trí nhớ của bà cũng hao hụt theo năm tháng như cân nặng và chiều cao của bà ngày càng sụt đi vậy. Bà vẫn nhớ chuyện ngày xưa vanh vách, nhưng chuyện nay như vừa làm gì, ăn gì, nói gì thì cứ quên bẵng.
- Má ơi, chiều nay mình đến đón hai bác Điển rồi đi ăn tối ở nhà hàng XYZ đó nha.
- Vậy à? Vui quá! Lâu rồi má không gặp hai bác.
- Vậy má chuẩn bị rồi 5 giờ mình đi nhé.
- Ủa, đi đâu vậy con?
- Thì vừa mới báo cho má biết là sẽ đi ăn tối với vợ chồng bác Điển mà!
- Ờ há!
Sau bữa ăn tối vui vẻ, lúc mọi người đứng lên bà quay lại chào:
- Dạ chào ông bà, mong rằng sẽ có dịp mình gặp nhau nữa.
- Má! Mình đón hai bác đi ăn thì bây giờ mình đưa hai bác về chứ? Sao má đã vội chào?
- Ủa vậy hả?
Lần khác:
- Chiều nay con nấu canh chua thiệt đúng ý má quá. Ngon ghê!
- Thì hôm qua má yêu cầu!
- Ủa, má có nói sao?

Mỗi lần nói chuyện với mẹ tôi về những chuyện mới xảy ra ngày hôm qua hay mới sáng nay, bà cứ như người từ cung trăng rơi xuống. “Ủa, má có nói vậy hả? Hồi nào?” “Ủa, con nói hồi nào sao má hổng biết gì hết vậy?” Trời đất ơi, má có được cho biết tường tận hết mà! Thiệt tình nhiều khi thấy nói chuyện với cái đầu gối đỡ tức hơn! Muốn mẹ tôi “thông thái” thì chỉ có việc gợi chuyện ngày xưa, thời bà còn bé ở quê, thời bà và ông bà ngoại tôi mới chạy giặc lên Sài Gòn tìm cách sinh sống, thời bà nuôi dạy chúng tôi ngày bé. Bà nhớ đủ cả những chi tiết 70, 80 năm trước, và nói đến tên nhân vật nào là bà cho tôi biết cặn kẽ “lý lịch trích ngang” của từng người. Cậu đó là con ông nào, cháu ai, lấy vợ là con cháu nhà ai mà lọt vào gia đình mình, v.v. Chẳng những bà thuộc cả gia phả giòng họ Lê và họ Phan, mà bà con thuộc tất cả gia phả của bất cứ ai trong làng. Hình như ở làng quê nếu truy tìm gốc gác cho cặn kẽ thì mọi người đều là bà con cả!

Mắt mẹ tôi bị đủ thứ bệnh, một con đã mù hẳn vì glaucoma, con kia thì giác mô bị sưng phải mổ thay cái khác nhưng vẫn không bám chặt vào mắt nên chỉ thấy lờ mờ như kiểu ta đeo kính mà bị ướt nước mưa, cảnh vật nhòe nhoẹt hẳn đi. Bên trong con mắt khỏe lại bị rỉ nước (macular degeneration), thật là tứ bề thọ địch. Tôi thì cứ vô tư, cứ cho rằng mẹ mình ngày xưa khỏe thế nào thì bây giờ vẫn như thế không thay đổi. Cho đến một ngày tôi tìm thấy nồi niêu còn bám đầy mỡ mà bà mang cất vào tủ vì không thấy bẩn, thì tôi chua xót ghi nhận thêm một sự “lão hóa” của mẹ mình. Đôi khi bà bảo: “Con đi chợ mua táo đó hả? Tôi phải cải chính: “Đâu có, con mua cà chua má à, để chiều nay con nấu canh chua cá cho má ăn.” Ngồi vào mâm cơm, bà thấy được dĩa đồ chiên chẳng hạn nhưng phải hỏi: “Cái này là cái gì? Cá chiên hay đậu hũ?” Có khi tôi nói tên món ăn cho bà nghe, đôi khi tôi làm khó bảo: “Má ngửi thử xem là món gì? Má nếm thử xem là món gì?” Tôi buộc bà phải làm việc gấp đôi, thị giác bất lực thì phải vận dụng khứu giác hay vị giác để cứu bồ chứ. Đồ vật nằm ngay trước mắt mà bà cứ quanh quẩn đi tìm, quờ quạng rờ rẫm, nên tôi chỉ cho bà biết bằng cách gõ cóc cóc hay keng keng vào món đồ để bà nghe tiếng đưa tay dò dẫm cầm lấy.

Mẹ tôi tính rất can đảm và chịu đựng. Có lẽ bà đã tập được hai đức tính này từ thuở nhỏ khi là con gái trong một gia đình khá nghèo, tất cả tiền bạc ông bà ngoại đều trút vào nuôi cậu con trai trưởng ăn học thành tài, còn bà là con gái phải bỏ học sớm để phụ buôn bán với cha mẹ. Có lẽ bà trau luyện thêm khi lập gia đình trong thời chiến tranh khốn khó, bà phải quên mình, nhịn ăn nhịn mặc lo cho các con. Từ ngày yếu đi và mất dần khả năng sinh hoạt bình thường như ngày xưa thì bà tự đối phó một mình chứ không không than thở sầu não. Đôi khi nghĩ mình hơi một chút là “bà chúa đứt tay bằng ăn mày đổ ruột!” mà tôi hổ thẹn thầm. Thỉnh thoảng bà còn lên tiếng khen ngợi cái số “may mắn” của mình. “Thật là thương cái nước Mỹ quá! Chỉ có nhà thương bên này mới chữa được đủ thứ bệnh cho con mắt má, chớ còn ở Việt Nam là mù trớt ngồi một chỗ từ lâu rồi!” Có lẽ đúng. Ngày xưa tôi nghe kể chuyện bà cố ở quê của tôi bị mù suốt nhiều năm trong tuổi già, chỉ ngồi một chỗ cho con cái săn sóc, và bà ngoại tôi cũng mất thị giác lúc cuối đời. Thế thì mẹ tôi ở tuổi ngoài 80 bị hỏng một con mắt, còn con kia chỉ thấy đường lờ mờ thì đúng là may mắn rồi chứ còn gì.
Càng cao tuổi mẹ tôi càng “trở về nguồn”, cứ thèm được ăn những món dân giả nhà quê như thịt kho khô, cá kho quẹt, tôm rim mặn, v.v. Tôi cố tình “lèo lái” bà tránh những món ăn nhiều muối có hại cho sức khỏe, nên hay trộn xà lách, luộc rau củ thật nhiều. Thấy bà ăn uống chậm rãi e dè là biết bà cố giữ phép lịch sự với tôi chứ chả tha thiết gì những món bổ tỳ bổ vị này. Hôm nào tôi tội nghiệp, cắn răng nấu ăn “phản khoa học, hại sức khỏe” với những món kho quẹt, kho tiêu mặn mặn ngọt ngọt là thấy bà vui hẳn lên: “Hôm nay má ăn được cơm!”

Sau hai lần té ngã mẹ tôi đang tập dùng cái walker để đi lại trong nhà vì hai đầu gối bà nhất định đình công không còn tin tưởng được nữa. Hằng ngày, nghe những tiếng lẹt xẹt của walker đi lại trong nhà, tiếng lịch kịch đụng chân bàn chân tủ, tôi vừa xót xa vừa bị phân tâm không tập trung làm việc được, nhất là khi nghe tiếng động lúc bà vào phòng tắm nửa đêm, tôi lại nín thở theo dõi cho đến khi tiếng động ấy trở về đúng xuất xứ mới yên tâm ngủ tiếp. Rồi phải tự trấn an mình rằng còn nghe những âm thanh quấy rối ấy là biết bà còn đi lại được, không nghe nữa là… mệt rồi đó!
Vậy mà bà vẫn không bỏ việc rửa chén bát sau khi ăn, cái job thường xuyên bà đảm nhiệm hơn chục năm nay, tôi nấu ăn còn bà dọn rửa. Bà chậm chạp đẩy cái walker đến bồn chén bát, để nó cạnh bên rồi xử lý chén bát chồng chất trong bồn. Sau đó lau tay rồi từ từ quay sang nắm lấy cái walker chậm rãi ra đi ghé dzô bến khác. Tôi cũng cắn răng không lay off bà khỏi cái job này. Tough love mà! Đúng là bóc lột lao động của người già! Có lẽ trong thâm tâm tôi vẫn còn đang từ chối chấp nhận sự thật. Mẹ mình vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn làm được việc nhà, rửa bát sạch sẽ không làm đổ vỡ mà! Mẹ tôi chưa trở thành phế nhân!
Tuy nhiên, tôi luôn chuẩn bị tinh thần để nhảy bổ vào can thiệp nếu bà vấp ngã hay sắp quỵ xuống. Tôi ngồi ôm máy computer ra vẻ làm việc chăm chú, nhưng đôi mắt cú vọ cứ như công an phường khóm luôn kín đáo theo dõi “đối tượng”. Sao bà vào phòng tắm lâu quá vậy? Sắp ra chưa? Bà đang bỏ ly cà phê vào microwave hâm nóng lại, có cầm nổi cái ly nóng đi ra bàn không hay cần tôi giúp? Khi nào phải đánh xe một mình ra đường thì tôi lại hoang mang hãi sợ về những điều không may có thể xảy ra ở nhà. Bà vấp góc tường trượt chân? Walker bị kẹt cánh cửa phòng khiến bà bổ nhào xuống đất? Cái tôi bề ngoài cứng rắn tỉnh bơ bị lột mặt nạ. Tôi lo sợ quá đi!

Hôm lễ Vu lan vừa rồi các học trò cùng trường quay quần tại nhà cô giáo. Cô chuẩn bị sẵn một bình hoa hồng đỏ thắm và trắng tươi chưng trong nhà, để khi ra về học trò mỗi người cầm về một đóa hồng xinh tươi; hoa hồng đỏ cho người còn mẹ và hoa hồng trắng cho người đã mất mẹ. Chỉ mình tôi may mắn được nhận một hoa hồng đỏ thắm tươi. Đó là diễm phúc lớn lao của những người không còn trẻ nữa như chúng tôi. Mẹ tôi đáng được nâng niu như hoa hồng đỏ mỏng manh trang đài. Tôi không biết mình có đủ hiếu hạnh để trân quý mẹ như vật báu trên đời không. Con người thô thiển của tôi chẳng biết làm sao nâng niu đóa hồng đỏ thắm của mình. Thôi thì tôi cứ giữ bà như “cái bàn ủi” của tôi, mỗi lần ra xe thì bê theo để đề phòng bất trắc ở nhà. Vật bất ly thân, cẩn tắc vô áy náy!

Thúy Messegee
9/2/22

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Yêu Một Chiều - Thơ: Quách Như Nguyệt - Nhạc: Mộc Thiêng - Ca Sĩ: Duyên Quỳnh


Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Mộc Thiêng
Ca Sĩ: Duyên Quỳnh

Ngọn Gió Hong Sầu

 

Phương trời em mái tóc ngoan
Xõa buồn con phố mơ màng về đâu?
Sao nghe tiếng gió lào xào
Hương bay ngan ngát chiều thao thức chiều

Tiếng chim ríu rít lời yêu
Lòng tôi thấp thỏm bao điều nhớ thương
Chờ em mỏi mắt một phương
Nắng mưa rơi những giọt buồn chênh vênh

Phương trời nắng có nghiêng tình
Sao đường phảng phất bóng hình lứa đôi
Bên tai thoảng tiếng em cười
Công viên ghế đá chỗ ngồi gọi nhau

Tình xa đôi phía rối nhàu
Bóng em nghiêng nón qua cầu còn nghiêng
Tìm về kỷ niệm êm đềm
Nụ hôn nồng cháy đôi tim giam tù

Xạc xào rơi chiếc lá thu
Vàng lên nỗi nhớ câu thơ lạc vần
Biết tình là cõi phù vân
Vẫn thương theo những nhịp trần lao đao

Phương trời bước nhỏ thanh tao
Em về có thấy nắng xao xuyến lòng
Gửi em trăm nhớ nghìn mong
Chờ em, phố đợi gió hong nỗi sầu

Trầm Vân

Thu Vấn Vương

 
 
Nắng thu vàng óng ả
Lửng lơ sợi tơ trời
Chiếc lá bay lơi lả
Làn gió đùa chơi vơi

Dìu nhau chiều thu nào
Tim rộn ràng xôn xao
Cửa tâm hồn hé mở
Mảnh tình hồng vội trao
 
Giờ công viên lặng lẽ
Lá phai màu nhẹ rơi
Bờ mi rưng dòng lệ
Lời hẹn xưa xa vời
 
Tay nâng niu kỷ niệm
Mộng ngày thơ êm đềm
Chia xa chiều hoang tím
Chờ ai đêm từng đêm
 
Giọt sương thu lóng lánh
Điểm trang hoa tầm xuân
Trăng tà bên vườn hạnh
Chào bình minh chuông ngân
 
Mây giăng buồn man mác
Bàng bạc phủ tâm tư
Hạt mưa thu dào dạt
Nồng nàn ướt tờ thư

18-11-10
ĐT Minh Giang



Trời Chiều

 

(Thể sắc thái - Thơ họa)

Trời chiều man mác ánh hồng ru
Xào xạc đồi xanh gió vụt vù
Lá rũ tầng tầng nâu cuối Hạ
Mây vần lớp lớp xám đầu Thu
Nao nao dạ ngọc thân ly xứ
Thờ thẩn lòng vàng khách viễn du
Đất Mẹ mong về chờ đỏ mắt
Đại dương che khuất tím sa mù

Phương Hoa
OCT 24th 2018

Chiếc Lá

  

(Thân tặng anh chị em TTH và TH,
bài thơ cảm đề qua tấm hình) 

Em nghịch chiếc lá rơi
Hay tiếc cho mãnh đời

Mới ngày nào xanh mướt
Giờ đã úa vàng phai…
Ngẫm suy cuộc chia tay
Luyến tiếc rồi…nghỉ nhớ
Định luật nào chừa ai
Nương theo dòng nước chảy
Đến đi mặc ngày mai !!!


Hoàng Mai Nhất
Seattle, Friday 11/3/2023

Nhớ Nguồn - (Mối Tình Non Nước Và Ý Nghĩa Thi Ca) Nguyễn Đăng Trúc


Định Hướng Tùng Thư
Tái bản lần thứ hai
2005

NHỚ NGUỒN

Định Hướng Tùng Thư
13 g rue de l’ILL, Reichstett, France
ESBN 2-912554-33-0
Tái bản lần thứ hai
2005


Lời nói đầu

Đây không phải là một luận văn triết học, nhưng là tập hợp một số suy tư về một vài chủ đề nhất định được đăng trong Tập San Định Hướng. Các chủ đề xem ra rời rạc, nhiều ý tưởng lại được lặp lại nhiều lần; những hiện tượng đó đi ngoài quy ước của một tác phẩm triết học theo khuôn khổ cổ điển; nhưng chúng vẫn được cho ấn hành thành một quyển sách, vì xuyên qua những chủ đề đó tôi chỉ muốn đào sâu câu nói lạ thường của Martin Heidegger:

Điều làm cho chúng ta suy nghĩ hơn cả trong thời đại của chúng ta, một thời đại đang làm ta suy nghĩ, đó là chúng ta chưa từng suy nghĩ.(1)

Chúng ta chưa từng suy nghĩ, vì theo nhà tư tưởng này:" Có thể là con người truyền thống đã quá mải miết hành động và không mấy suy tư suốt qua bao thế kỷ ".(2)

Để hiểu thế nào là hành động theo quan điểm của Martin Heidegger, tôi xin ghi lại một cử chỉ đặc trưng của nhà tư tưởng này khi ông đề tặng cuốn sách của ông: " Kant et le problème de la métaphysique" tưởng niệm triết gia Max Scheler tạ thế bất ngờ vào năm 1924. Vào đầu năm ấy, Max Scheler định cho xuất bản cuốn "Anthropologie philosophique" (Nhân học triết học) nhằm khai triển vấn nạn "con người là gì, vị thế của nó như thế nào trong hữu thể ?". Max Scheler được biết đến như một triết gia đã có công truy cứu về bản tính con người, được gọi là nhân vị, kết dệt bởi các hành vi yêu thương và liên đới.

Martin Heidegger không chỉ trích Max Scheler về việc triết gia này đặt lại vấn đề con người như nền tảng của suy tư triết học, vượt qua những hệ thống duy lý truyền thống chỉ tập chú truy cứu các ý niệm trừu tượng. Nhưng Heidegger cảnh giác rằng những nội dung như nhân vị, yêu thương, liên đới...có nhảy vọt ra khỏi tiền kiến về cách đặt vấn đề căn bản về con người hay không? Tiền kiến đó ở trong câu hỏi khởi đầu của Max Scheler "Con người là cái gì ?". Chữ "cái gì" hàm ngụ một vật thể trụ vào bản chất của mình, không tương quan cần thiết với cái gì khác mình, đồng thời tiên đoán con người như một vật thể có khả năng am tường các bản chất đó. Suy tư biến thành hành động thu tóm toàn bộ các bản chất vật thể thành một tổng thể, một Đại Ngã đang hình thành.

Nhưng truyền thống của lối suy tư đó như lời của Gioan: " Suốt đêm, họ đã chẳng bắt được gì"(3) . Tất cả là đêm tối vì con người không phải là "cái gì", cũng không phải là toàn thể những cái gì cộng lại, nhưng mỗi người là một "ai".

Chữ "ai" không phải là thế giới của hành động qui về mình, nhưng là cảnh vực của Lời nói, để gọi tên mỗi người khác mình, lôi mình ra khỏi cơn mê của "chấp ngã" hành động.

Cả một truyền thống triết học đã hành động quá nhiều để mặc nhiên hay minh nhiên xây dựng cho cái tôi của thế giới vật thể; nên khởi đầu học lại suy tư không phải làm thêm một thế giới của một "cái gì" khác nữa; nhưng là tập lắng nghe âm vang của Lời ẩn kín giúp con người bước vào ngưỡng cửa của cảnh vực của Ai và những ai.

"Ai ?", một chữ mà mọi người đều đã sử dụng, nhưng ngay cả bậc thánh hiền cũng bất cập trước mầu nhiệm của con người khi nó là "một ai".

Reichstett, ngày 05 tháng 03 năm 1994
Nguyễn Đăng Trúc

1/M. HEIDEGGER, Qu'appelle-t-on penser ? bản dịch của Aloys Becker và Gérard Granel, PUF, Paris, 4è éd. 1983, tr. 24
2/M. HEIDEGGER, sd. tr. 23
3/Gioan 21. 3


Mối Tình Non Nước
Ý Nghĩa Thi Ca

Nói và làm

Thắc mắc về con người nếu không bị quên lãng, thì cũng chỉ được xem là một xa xỉ, một lãnh vực giải trí đứng bên ngoài những câu hỏi về các chương trình hành động được xem là đúng đắn và thực tiễn. Chúng ta không phải đã vượt qua thời đại của những thắc mắc "vô ích" đó để sống trong thời đại của hành động hữu hiệu hay sao? Chúng ta không phải đã sống trong thời điểm của ánh sáng do lý trí con người làm nên lịch sử chính mình hay sao? Phải chăng chỉ có kẻ mù mới không thấy thế giới "vinh quang" đó của con người? Thời "vinh quang" của con người không còn là thắc mắc, nói, nhưng là hành động, "biến sỏi đá thành cơm", và rốt ráo là "người làm nên người", không phải vậy sao?

Thực ra, nếu thời đại chúng ta, những kẻ chính thức và triệt để muốn làm nên một xã hội của con người "không nói", thì ý đồ căn cơ đó không phải là phát minh của xã hội tân kỳ ngày nay, nhưng nó gắn chặt với thân phận con người.

Văn hóa Do Thái, Kitô giáo gọi tên con người đó là Adam hái trái cấm; thi ca Hy lạp cô động trong các nhân vật Oedipe, Prométhée; kinh sách Trung Hoa đưa ra hình ảnh Bá Cổn, Tề Thiên, Trư Bát Giới, Sa Tăng; và Tây phương cận đại được Goethe mô phỏng qua nhà thông thái Faust bán hồn cho quỷ: Khởi thủy là hành động.

Hành động gọi là khởi thủy, không phải là làm việc này hay việc khác, nhưng biến ta thành một cái gì do tự ta và vì ta. Ngôn ngữ nhà Phật gọi hành (karma), có căn nơi chấp ngã. "Chấp" là đóng khung lại và biến thể "ngã" thành một cái gì tuyệt đối, bao trùm. Trong vị thế độc tôn của "ngã", không còn có ai, có kẻ nào khác để Lời nối kết mối tương giao. Hành động nguyên thủy đó biến tất cả "kẻ khác" thành dụng cụ làm nên "ngã"; và Lời bấy giờ đã bị biến thành phương thế cân đo, đong đếm phục vụ cho hành động "ta làm nên ta" này.

Đi tìm một trật tự mới cho xã hội con người, phải chăng chỉ là tổng hợp các yếu tố cũ nơi thế giới của Faust mà xã hội đang đeo đuổi, phác họa ra một kiếp hành động khác trong muôn kiếp đọa đày của karma – là bô lô, ba la thảo luận về các chương trình hành động trong khung cảnh của "chấp ngã" như thế?
Trước những đổ vỡ của trật tự cũ, vấn đề ưu tiên và then chốt có phải là tiếp tục nêu lên nhiều câu hỏi "phải làm gì ?"(4) hay dừng lại giây lát lắng nghe một lời của "Ai" nói, một âm vang làm nổ bung vỏ cứng của chấp ngã, để có được lời nói thật sự nối kết người với người, tạo nên hồn của cuộc sống xã hội?

Nhà tư tưởng Jean Brun trong cuộc hội thảo quốc tế về triết học tổ chức tại Roma năm 1978, đã mạnh dạn phát biểu:

    Làm gì?
- Không có gì để làm cả! Không có gì để làm vì không có vấn đề thêm một cái làm khác vào vô số cái làm đã đày đọa chúng ta. Vấn đề là "chân chất tính thể của mình (être) .(5)
Nói cách khác, trước tất cả mọi câu hỏi "làm gì ?", ưu tiên và nền tảng phải là thắc mắc "làm người".

   Hưng ư thi(6)

"Làm người" mà Khổng Tử gọi là Đạo Nhân tức là cuộc sống nối kết trời-đất-người, mà trí năng và hành động của chấp ngã đã biến thể thành phản ứng, tương quan vô hồn giữa vật này với vật khác. Tìm lại người và quê hương của nó cũng là tìm lại lời nói chân thật biểu lộ sự nối kết của Đạo Nhân.

Lời nói là nhà của Tính Thể. Những nhà tư tưởng và thi hào là những kẻ coi sóc chốn ấy (7)

"Lời nói", đơn sơ như thế, nhưng Khổng Tử phải dạy con là Bá Ngư:

Bất học Thi, vô dĩ ngôn
(Không học Thi, không có lời để nói)(8)

Vậy lời nói từ thi ca là gì, mà bậc thầy của nhân loại, một kẻ suốt đời dấn thân cải tạo xã hội như Khổng Tử đã đặt nó làm nền cho sinh hoạt con người?

Cũng mang nỗi lo âu cho tình trạng Nước Non đôi cảnh chia lìa, vì "hồn dân tộc" đã trốn thoát, kẻ sĩ Sảng Đình Nguyễn Văn Thích đã dạy cho ấu nhi của vườn trẻ Hương Linh do người sáng lập tại Huế bài đồng dao:

Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con luôn gìn giữ lấy
Muôn năm nhớ Nước Non Nhà

Cái nhà là nơi cư ngụ cho xã hội tình nghĩa cụ thể của con người, là nơi thể hiện tình Nước và Non.
Cái nhà của cuộc sống tinh thần con người là Lời, tức là tương giao vô vị lợi của Đạo Lý, tình nghĩa, là nơi mà cái tôi, như thánh Phanxicô Assisi nói, "đã chết đi" từ bao giờ: cha sống vì con, vợ sống vì chồng, chồng lao nhọc vì vợ, và con cái an tâm trong niềm tin vào cha mẹ.

Thi ca là cái nhà của lời con người, vì hồn thi ca không phát xuất tự mình, diễn tả sự khôn ngoan hay trí tưởng tượng của mình, nhưng là dấu tích của âm vọng từ Non Cao, của thần nhập từ bên kia bờ thế sự.

Hồn của Thơ và Tình Non Nước

Thơ là một lời nói, nhưng hình thức thô thiển nhất để phân biệt với lời nói thông thường là tiết điệu nhịp nhàng của thơ. Tiến xa hơn nữa, người ta đòi hỏi lời thơ phải đáp ứng những tiêu chuẩn đẹp đẽ của ngôn từ. Cũng còn được đánh giá thật sự là thơ khi lời thơ đủ sức tác động đưa người nghe, người ngâm, đọc, bước qua cảnh vực khác với thế giới đang sống . Từ tác động đó người ta phải nghĩ đến thơ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng cũng còn là trí tưởng tượng không sản xuất ra những ý niệm áp dụng vào hành động thực tiển, hay bị thúc bách bởi lợi ích của cuộc sống thực tiễn. Không gì ngượng ngùng, nếu không nói là xúc phạm với thơ hơn là phải nghe một bản vận văn ca tụng, nịnh hót một chế độ để cầu chức tước hay kiếm ăn. Cũng như không ai xếp những câu vè quảng cáo vào ngôn ngữ của thi ca. Những yếu tố sơ đẳng đó thường là những mẫu mực để những nhà phê bình văn học xếp loại và đánh giá thi ca .

Trực diện với cuộc sống xã hội ngày nay, trong tiềm thức sâu xa và tập thể của một con người gọi là văn minh, của các nhà thông thái, của một Faust đã dùng "bàn tay" tự tạo nên mình thay lời nói, thì Đông cũng như Tây hầu như đã không còn đoái hoài gì đến thi ca nữa. Nếu phía Đông đã chuyển thơ thành dụng cụ phục vụ bộ máy sản xuất, thì Tây cũng chỉ còn mấy câu nói xuôi tai dùng trong quảng cáo. Thi ca đã cáo chung không phải chỉ trong sách báo, mà ngay cả trong cuộc sống dân gian. Một hiện tượng văn học qua đi trong sự hững hờ, không nuối tiếc của ngay những kẻ gọi là làm văn hóa. Thi ca nếu còn được nhắc nhở thì cũng chỉ là một sinh hoạt tối thiểu của một thế hệ quá tuổi sản xuất, một trò giải trí lỗi thời. Đó là dấu chứng của một xã hội mang tiền kiến vô thức thu gọn Chân-Thiện-Mỹ vào hiệu năng của hành động. Hiện tượng vắng bóng thi ca không phải chỉ vì tâm thức con người không còn cảm nhạy về thơ vì đã mãi ưu tư hành động; nhưng trước đó, thực tế của văn học thi ca đã từng mất hồn sống của mình rồi.

Thơ mất hồn vì thơ chỉ được xem là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Nếu lấy ngôn từ của Kant để nói về trí tưởng tượng, thì trí tưởng tượng hướng đến nhận thức sự vật gọi là trí tưởng tượng sản xuất (l'imagination productive). Phải chăng khi trật lề không đóng khung được vào đối tượng nhận thức, ngôn ngữ bấy giờ trở thành đối tượng của ảo ảnh để tạo thành thế giới thi ca! Từ tiền kiến về thi ca là thế giới của không thực, sản phẩm của trí tưởng tượng mông lung, thơ trở thành một lối tự thoát, một hình thức đào ngũ trước thực tế.

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây(9)

Thơ như thế không phải là Lời đến với người, nhưng thơ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người làm nên một thế giới ảo tưởng. Thơ ấy kỳ thực cũng chỉ là lời của một hành động con người: hành động sản xuất của giấc mơ. Nhưng hành động lại phải gắn liền với hiệu năng; trong khuôn khổ này, thơ không đáp ứng tiêu chuẩn của hành động là hiệu năng sản xuất, nên thơ tự mình đào thải chính mình.

Khi Khổng Tử nói "hưng ư thi", toàn nội dung của tư tưởng ngài không cho phép ta quan niệm được thi ca theo nghĩa vừa trình bày. Thơ hưng chấn tâm hồn, thơ tạo nền cho lời nói chân thật như Luận Ngữ đã diễn tả, thơ như thế hàm ngụ việc nghe và nhận. Trong quan điểm "hưng ư thi" đó, Khổng Tử nói rằng ngài thuật lại mà không làm ra.

Chỉ có thể thuật lại khi đã nghe và cảm nhận, khi ngộ được sức hưng chấn của thơ. Chúng ta hãy tạm quên quan niệm lịch sử hàng ngang, một cái nhìn quá tân thời đối với Khổng Tử để cập nhật ngôn ngữ thi ca của ngài khi ngài nói về thuở Nghiêu Thuấn. Nghiêu Thuấn cũng là thời của "Đại Ký Ức", không khác nội dung của Mnemosyne trong văn hóa Hy lạp mà Heidegger giải minh:

Nơi Hoelderlin, Mnemosyne là tên của một nữ thần, con Trời và Đất. Khi đính hôn với Zeus, Đại Ký Ức trở thành mẹ của thi hứng. Đùa chơi, nhảy nhót, thi ca được Đại Ký Ức cưu mang. Chữ đó ở đây hẳn nhiên nói đến một cái gì khác với khả năng được gọi là thuộc về tâm lý: tức là khả năng lưu trử hình ảnh của quá khứ trong lối biểu tượng thông thường. Đại Ký Ức tư tưởng về điều đáng được con người suy nghĩ. Nhưng tên của bà mẹ các niềm hứng khởi không có nghĩa là "trí nhớ" được hiểu như là một hành vi của tư duy hướng đến bất cứ một vật nào có thể tư duy. Đại Ký Ức ở đây là nguồn mạch tư tuởng, một khi tư tưởng quay về với điều người ta đã từng suy nghĩ trước đó, vì điều này luôn muốn được xem là tiên quyết . Đại Ký Ức là nguồn mạch làm ta suy tư đến điều phải lưu ý trước bất cứ một điều gì ... Đại Ký Ức, một kỷ niệm nằm trong ta buộc ta quay về với điều phải suy nghĩ, là vùng đất làm trào vọt lên thi ca.(10)

Qua lối minh giải đó Heidegger muốn nói lên rằng Đại Ký Ức là tiếng vọng khác lạ, một trái tim luôn khắc khoải (theo ngôn ngữ của thánh Augustinô) như đã có từ bao giờ khi con người là người. Tiếng vọng buộc ta phải suy nghĩ về một cái gì ngay cả trước sự suy nghĩ của ta. Một cái gì gần gũi với ta, nhưng là khác với ta, khác đến nỗi nó vượt lên trên tất cả các hình ảnh xa xưa nhất mà trí tưởng tượng và ký ức có thể mô phỏng. Huyền thoại Nghiêu Thuấn, một hình ảnh quá khứ nhưng như không thuộc về thời gian lịch sử, một Đại Mẫu Mực, một "nghĩa" của thân phận làm người và xã hội, khi "nghĩa" được hiểu là "cái phải là như thế". Thi ca cũng như tư tưởng không phải là sinh hoạt của tưởng tượng đẻ ra hình ảnh, nhưng là sự nhớ lại theo ngôn từ thi ca của Platon. Nhớ lại không được hiểu ngây ngô là quay về một thế giới trước khi con người là người; qua hình ảnh thi ca đầy ắp trong các tác phẩm của Platon, thế giới bên kia, trước đây, cũng là đây, trong tâm hồn con người. Trong tác phẩm Phèdre, ông viết:

Một loại nhập thần và xuất thần thứ ba là loại đến từ các Thần Thi, và khi nó đến với một tâm hồn đơn sơ, trong trắng, khi nó thức tỉnh và làm cho tâm hồn đó ngây ngất, trong nhịp điệu của ca nhạc cũng như trong tiết tấu của tất cả các loại thể văn, khi nó ca ngợi các kỳ công của người thuở trước, thì nó giáo hóa cho hậu thế! Ngược lại, ai không ngây ngất bởi thần thi mà chủ tâm đi vào thi ca, với xác quyết rằng bằng kiến thức kỹ thuật có thể đủ làm cho mình trở thành thi sĩ, kẻ đó hẳn chỉ là thi công bất toàn; trước thi ca của người đầy thi hứng, thơ của kẻ sáng suốt bình thường không "có gì là thơ cả (11)

Trong khuôn khổ của ngôn ngữ thi ca, nói đến hồn, Đại Ký Ức, nhập thần, xuất thần tưởng chừng như nói đến một cái gì khác với một chân trời sáng tỏ, mở toang của thế giới nhận thức thuộc lý trí. Đại Ký Ức như ở bên kia bờ của cuộc sống gọi là tự nhiên, với những thúc bách, nhu cầu, kể cả nhu cầu suy tư, tò mò hiểu biết của mình, cùng nhịp điệu với thời gian trôi chảy, thích ứng với những hoàn cảnh không gian, và môi trường sinh hoạt thăng trầm của xã hội. Thánh Phaolô gọi cuộc sống tự nhiên này là cuộc sống của thân xác, mang tất cả ưu tư thế sự, của một loài người có thể có những tài năng được xem là cao độ hơn các loài sinh vật khác; nhưng, chỉ thế thôi thì loài người đã mất hồn, vì "sống" đối với người không chỉ là trôi chảy với thời gian mà còn là khắc khoải về căn nguồn của mình. Thi sĩ Tản Đà nói:

Nước Non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi, không về cùng non(12)

Hai câu thơ tiếp theo, Tản Đà đưa ta vào cốt lõi của hồn thơ:

Nhớ lời nguyện Nước thề Non,
Nước đi chưa lại, Non còn đứng không

Hồn thơ là nhớ lại một lời nguyện thề, gắn Non với thân phận của Nước. Nhưng Nước mãi đi và Non vẫn đứng đấy một mình, như là không gì cả đối với Nước!

Quên Non, Nước mất hồn, và người mất lời nói. Sinh làm kiếp người, bơi vào dòng nước, nhập cuộc với đời, con người mang lấy nghiệp "quên"; văn hóa Kitô giáo gọi là tội nguyên tổ, tội của tự do làm người, vì con người là người. Thi hào Sophocle mượn hình ảnh của Oedipe để biểu tượng cho "kiếp người quên lãng", không hay biết nguồn gốc là Non, nên mãi nghĩ rằng thời gian luôn bung mở và nhận thức hiểu biết của con người là chân lý trọn đầy. Hoặc nói như Héraclite, Non vẫn nói bằng muôn nghìn cách, nhưng con người thế sự đầy ứ ưu lo cho mình mà thôi, nên nghe cũng chẳng hiểu gì :

Họ nghe mà không hiểu gì, không khác những người điếc. Cách ngôn áp dụng đúng trường hợp của họ: Họ hiện diện, nhưng kỳ thực đang vắng mặt(13)

Œdipe, trong kịch bản của Sophocle, có ngờ đâu khi nhập cuộc với thời gian thì cũng chính là lúc gươm của tự tay mình giết chết thân phụ mình là Laios. Ngập vào "Nước" là thời gian, con người đã nhúng tay vào tội nguyên tổ giết cha, tức quên Nguồn. Con người biết thật nhiều, nhưng không biết Cha, nên lầm lạc và mãi lầm lạc. Thi ca như kẻ mù, một sự đối nghịch của "ánh sáng" của thân xác-trần thế, qua hình ảnh người tiên tri mù Tirésias đến báo cho Oedipe hay rằng:

Bởi vì ông sỉ nhục tôi là kẻ mù, tôi sẽ nói cho ông hay việc này: Ông có hai mắt, nhưng ông không thấy ông đã rơi vào hố thẳm, ông không biết ông đang ở đâu và ăn nằm với ai. Ông có hay ai sinh ra ông không? Ông không hay chính ông là thù địch của người thân của ông, kẻ sống cũng như người đã khuất(14)

Cũng như người mù Tirésias, người điên (kẻ không bình thường theo khôn ngoan thế sự) của F. Nietzsche đã một lần nữa hét to:

Người điên có lúc cần phải hét to lên: "Thần đi đâu rồi? Tôi nói cho bà con hay, chúng ta đã giết thần rồi. Bà con cũng như tôi! tất cả chúng ta là những kẻ sát thần.(15)

Chúng ta giết Thần hay nói cách khác, Thần không đóng khung trong thế giới chỉ có mặt ta dưới bóng nước. Thần vô phương, vì không có một nơi nào ta định được cho Thần ở, dẫu Thần ở mọi nơi, như Trang Tử nặng lời nói Đạo ở ngay trong đống phân bò. Hồn thơ là Thần đến, nhưng Thần không cư ngụ trong lời hoa mỹ do tài con người xếp đặt. Một trăm thợ vẽ tài ba dẫu có sao lại tinh tế đến đâu một bức tranh nhỏ của Van Gogh, cũng không làm cho những bức họa đồ đó trào vụt lên cái thần của họa sĩ này.

Hồn thơ như một sức từ ngoài nhập đến. "Nhớ Lời", không phải do suy tư mà nhớ, do "ngã" được định vị từ trong giòng nước thời gian tự quay lại nhìn mình. "Nhớ Lời" của Tản Đà không có chủ từ rõ rệt đi trước, như đã mang âm hưởng câu nói bất hủ của đức Buddhaghosa:

Có khổ, nhưng không thấy người khổ
"Nhớ lời" là hồn thơ đến từ bờ bên kia.
Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày. .

Thánh Augustinô trong cuốn Confessiones gọi nguồn của nhớ là "Misericordia", tức là "Đại từ tâm" của Non.
Nhớ như thế phải chăng là hồn thơ đã nhập vào lời trần, để lời trần không còn nhi nhô hoan lạc với thời gian mở rộng, nhưng vướng lấy âm hưởng của Non trong lối nói khác đời, tiêu cực, thiếu vắng. Augustinô đã hỏi trời, đất, cây cỏ, nhưng Thần không phải chúng. Những nhà đại thi hào muôn thuở của nhân loại đều nhập Thần để khai mở lối nói thi ca này. Tất Đạt Đa gọi nỗi nhớ đó là "khổ", Lão Tử gọi là "vô", Kinh Thư gọi là "Đạo tâm duy vi" không phải là đạo của tâm con người vốn là "duy nguy", Pascal trong Pensées cảm nhận hồn thơ nơi tâm thức về "thinh lặng miên viễn" (17).

Hồn thơ đến như một cơn đau, nỗi khổ vô tận của thời gian và kiếp làm người "hay quên", một cảm xúc thiếu vắng mà không một yếu tố chất liệu nào của trần gian lấp đầy được. Thi hào Hoelderlin gọi là nỗi "nhớ quê - nhớ nhà". Heidegger lấy lại hình ảnh này để nói lên cơn đau đó:

Nỗi nhớ nhà, nhớ quê là cơn đau mà sự gần gũi của cái gì thật xa vắng ập đến trên ta(18)

Cảm được sự gần gũi của Lời thật xa, của lời thề muôn thuở Non-Nước sẽ hưng chấn con người và cộng đồng huynh đệ thật sự, để lời nói không chỉ làm dụng cụ tính toán của hành động, nhưng còn là sự sống nối kết Đất-Trời-Người.

Lời thơ sẽ dẫn đưa lời trần thế, từ ưu lo khai thác, khám phá vật này vật kia đến cảnh giới tương giao giữa người với người, được nối kết với Non cao thật gần và thật xa.
Lời thơ sẽ tuyệt tác khi còn là tiếng vọng của Non cao "khuất mặt" để từ đáy lòng con người cảm nhận nỗi khắc khoải về quê nhà mình, cảnh vực của Nước-Non-Nhà để đón nhận cái "Khổ" cứu thoát.

Nguyễn Đăng Trúc
------------------

4/ GOE 4/ GOETHE, Faust- tập đầu - vần thơ 1237
5/ Jean BRUN - La Politique et le Mal radical, dans Religion et Politique, Actes du Colloque à Rome,1978, Montaigne, Paris, 1978,tr 144
6/ Luận Ngữ - VIII-8.
7/ M. HEIDEGGER, Lettre sur l'humanisme (bilingue), Aubier,tr 27
8/ Luận Ngữ ,XVI-13

9/ XUÂN DIỆU - Thơ Thơ
10/ M. HEIDEGGER - Essais et Conférences - Que veut dire "penser»? - Ed. Gallimard - 1958, tr 161
11/ PLATON, Phèdre 245 a
12/ TẢN ĐÀ, xb Tùng Văn, trang 47
13/ HÉRACLITE, câu 34
14/ SOPHOCLE, Oedipe-Vua, câu 400- 410 .
15/ F. NIETZSCHE – Le gai savoir - l'Insensé 125
16/ Visuddhimagga - Text Society -Londres - tr. 513
17/ cf: Le silence éternel de ces espaces infinis m'effraie.
18/ M. HEIDEGGER - Essais et conférences - Qui est Zarathoustra de Nietzsche? - Gallimard - 1958, tr 125).

(Còn Tiếp)

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

Thu Về Nơi Quán Xưa - Thơ Lê Nguyễn Nga - Nhạc hạnh Cư - Ca Sĩ Tú Uyên


Thơ: Lê Nguyễn Nga 
 Nhạc: Hạnh Cư
Ca Sĩ: Tú Uyên

Mùa Lá Rơi

 

Mùa lá rơi xào xạc tiếng thu
Hàng cây lá đỏ vướng sương mù
Mùa thương nỗi nhớ lòng vương vấn
Em hóa thân hòa nhập điệu ru.

Thung lũng vàng hoa hương cải dại
Áo em bay khuất lấp màu trời
Theo con dốc bóng em nghiêng đổ
Mang cả hồn quê quá tuyệt vời.

Quê em có phải bên kia núi
Mái lá hàng cau cuối ngọn đồi
Cò trắng vờn bay trên ruộng lúa
Em về nỗi nhớ bỗng bồi hồi.

Hình bóng quê em nhòa ánh mắt
Mùa thu lá đỏ tím chiều vàng
Giữ đời duyên dáng như quê mẹ
Đừng để bay đi nét dịu dàng.

Chợt nhớ thương mùa thu trước ngõ
Như người đã ghé đến thăm ai
Bên thềm lá đổ đêm hôm trước
Em biết mùa thu vướng gót hài.

Em mở cửa hoàng hôn ập đến
Vai em gầy lạnh buốt sương mù
Dáng hình em nhạt nhòa sương núi
Em một mình lên tiếng gọi thu.

Tế Luân

 

Ẩm Tửu 飲酒 - Đào Tiềm



飲酒
陶潛


結廬在人境,
而無車馬喧。
問君何能爾,
心遠地自偏。
採菊東籬下,
悠然見南山。
山氣日夕佳,
飛鳥相與還。
此還有真意,
欲辨已忘言。

Ẩm Tửu - Đào Tiềm

Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ,
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến Nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn.
Thử hoàn hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.

Phỏng Dịch:

Uống Rượu


Làm nhà giữa chốn nhân gian
Mà không xe ngựa rộn ràng lại qua.
-Hỏi người sao khỏi phiền hà?
-Cảnh? -Trời sắp đặt. Lòng xa? -Tự mình.
Rào đông hái cúc xinh xinh,
Nam Sơn trước mắt dù hình như xa.
Chiều hôm khí núi nhạt nhòa,
Gọi chim về tổ gọi ta về nguồn.
Bao nhiêu ý đẹp trào tuôn
Mà sao chữ nghĩa như tuồng lãng quên!


Cao Vị Khanh


Hỏi Lá Có Buồn?


Ðưa con đi học sáng nay
mặt trời còn ngủ hàng cây gật gà
sương mù lơ lửng là đà
sân trường vắng lặng như là nghỉ Ðông

Dưới chân vàng lá rêu phong
bóng Thu vừa đến bên song cửa tình
con đường tôi bước một mình
cỏ cây nghe động rung rinh dậy chào

Bỗng dưng lòng thấy xôn xao
ngẩn ngơ nghe gió thì thào bên tai
trên cây chiếc lá xen cài
xanh vàng chín đỏ ngày mai về nguồn...

Vu vơ hỏi lá có buồn
khi mùa Thu tới gọi hồn lá bay?

100523
Y Thy Võ Phú

Tuyệt Vời

 

Tim anh thơ dại mồ côi
Chỉ vừa đủ chỗ em ngồi câu thơ
Yêu anh xin em đừng ngờ
Đâu còn dư chỗ tình cờ bóng ma

Anh quê quà vợ cơm nhà
Cháo rau dưa muối tương cà em khen
Ngọt tối lửa thơm tắt đèn
Đói no ấm lạnh hơi quen cùng mình

Vui buồn hủ hỉ chân kinh
Thuận chồng thuận vợ ân tình trầu cau
Quê người trăng lạnh bóng sao
Thương cha nhớ mẹ chiêm bao đoạn trường

Ngày cày cuốc đêm văn chương
Có em anh vẫn còn nguồn sống vui
Thương em ăn đứng ngủ ngồi
Chợ trưa chợ sớm mồ côi đau lòng

Tủi thân môi đỏ má hồng

Tuyết sương dâu bể chân không thấu trời
Em tiên mắc đọa tuyệt vời
Anh thương đứt ruột nghìn đời cưng ơi ....

MD.07/17/08
LuânTâm

Chợt Buồn

  

Hôm nay trời đã vào Thu, nắng thật dịu, trải nhẹ trên mấy ngọn cây cao. Vài cơn gió hơi lành lạnh lướt qua như muốn đuổi theo những chiếc lá vàng đang nhẩy múa trên mặt đường.
Tôi cố rảo bước đi bộ thật nhanh, cho đủ một vòng hết khu phố tôi đang ở. Bác sĩ về tim khuyên tôi nên đi bộ mỗi ngày nửa giờ cho khỏe.

Mấy tuần qua, tôi bận có khách ở xa đến chơi, lại thêm thời tiết quá nóng nên tôi lười không đi bộ.
Mỗi lần đi qua ngôi nhà có giàn hoa tím thật đẹp, tôi thấy bà cụ già người Mỹ với mái tóc bạc phơ hay ngồi ở cái ghế xích đu trước cửa. Cụ luôn mỉm cười nói “Hi” với tôi.Thỉnh thoảng tôi ngừng lại, nói vài câu xã giao thăm hỏi Hôm nay, cái ghế xích đu đã biến đâu mất. Cửa đi vào nhà mở toang, đồ đạc trống trơn, có vài người Mễ đang lau chùi dọn dẹp.

Tim tôi bỗng đập nhanh như trống chầu, tôi linh cảm đã có gì xảy ra cho bà cụ
Người hàng xóm của cụ đang đứng coi hai đứa bé chừng bốn năm tuổi chạy tung tăng ở trước cửa nhà.
Tôi ngừng lại hỏi thăm, người hàng xóm cho biết cụ đã chết cách đây hai tuần vì bệnh tim. người con trai duy nhất ở xa về đang lo dọn dẹp để bán nhà.
Tôi bước vội đi thật nhanh, để người hàng xóm của cụ không nhìn thấy khóe mắt tôi đã long lanh ướt.

Cụ là một hình ảnh quá thân thuộc với tôi. Mỗi ngày tôi đi bộ qua nhà cụ, cụ đều ngồi trên ghế xích đu, chào tôi bằng tiếng “Hi” thật ngắn, nhưng kèm theo nụ cười và ánh mắt thân thiện, nồng ấm, trải dài theo những bước đi của tôi .
Bao nhiêu năm tháng qua, tôi đã trót yêu giàn hoa tím, yêu nụ cười và ánh mắt thật dễ thương của cụ.
Những hình ảnh mà những ngày đông giá rét, không đi bộ được, tôi thấy nhớ vô cùng.
Tôi vẫn tự hỏi, những ngày đông lạnh phải ngồi trong nhà, cụ có nhớ tới tôi, như tôi đang nhớ cụ không?
Đã bao nhiêu lần tôi tự nhủ, hôm nào tôi phải dừng lại, nói chuyện với cụ thật lâu, cho cụ biết những ngày mùa đông tôi đã nhớ cụ đến thế nào.Hẳn là cụ sẽ vui lắm.
Cứ định như vậy, rồi quên, rồi ngày tháng qua. Cho tới bây giờ, không còn cơ hội nói nữa vì cụ đã đi mất rồi.
Mãi nghĩ ngợi lan man, tôi đã đi đến cái sân banh trên con dốc cao, có những bụi hoa cúc dại màu vàng đang ngả nghiêng trong gió.

Tôi yêu hoa cúc dại màu vàng từ một hình ảnh quá đẹp của những ngày mới đặt chân lên đất Mỹ
Ở lớp học Anh văn mới ra, tôi đang đứng đợi xe cậu em đến đón, ngày ấy nhà cửa còn thưa thớt, bên kia đường trước trường học là một khoảng đất trống đầy hoa cúc dại màu vàng.

Bất chợt có một cái xe đậu lại gần chỗ tôi đứng.Trên xe là một đôi nam nữ còn trẻ. Người đàn ông mở cửa xe bước ra, anh ta cao lớn, dáng dấp thư sinh. Anh chạy băng qua đường, ngắt vội mấy cành hoa cúc dại, trở lại xe, trao cho người con gái và ghé môi hôn thật nồng nàn.

Tôi đứng phía sau, nên chỉ nhìn thấy mái tóc người con gái ngả nhẹ vào vai người đàn ông, tay phải anh ta choàng qua vai nàng như muốn kéo người yêu sát lại gần hơn. Chiếc xe từ từ lăn bánh, rồi mất hút.
Tôi đứng ngơ ngẩn nhìn theo, đến nỗi xe cậu em đậu ngay trước mặt mà tôi cũng không hay.

Lên xe, tôi vẫn còn nhớ mãi đến nét mặt rạng rỡ của người đàn ông, trên tay cầm mấy nhánh cúc dại màu vàng đang băng qua đường, miệng cười mím chi thật có duyên, đôi mắt tình tứ nhìn về phía người con gái đang nhoài người, ló đầu ra khỏi xe nhìn về phía người yêu.
Hình ảnh của ngày hôm ấy, khiến tôi thấy những bông cúc dại màu vàng sao đáng yêu quá.

Sau này, cứ mỗi lần thấy những bông cúc dại màu vàng, tôi lại nhớ đến hình ảnh thật đẹp của bức tranh tình yêu ngày đó . Tôi thầm mong họ vẫn còn hạnh phúc bên nhau và lẩm cẩm tự hỏi chẳng hiểu hai người, có ai còn nhớ đến kỷ niệm với những bông cúc dại màu vàng của thuở nào không?


Riêng người ngoại cuộc như tôi, thì lại chẳng bao giờ quên được.

Những bông hoa vàng mang đến cho tôi bao nhiêu là kỷ niệm ở quê nhà. Thành phố Đà Lạt thơ mộng với những bông hoa Mimosa vàng rực ở góc Biệt thự Tĩnh tâm, nơi tôi theo mẹ cùng phái đoàn nhà Thờ lần đầu tiên đặt chân đến Thành phố sương mù. Ngày ấy tôi còn là con bé ngu ngơ 15 tuổi, chưa biết điệu đà son phấn, nghịch ngợm hồn nhiên như con trai. Vậy mà cũng làm được một anh chàng trong phái đoàn nhà thờ ngơ ngẩn. Những câu tán tỉnh đầy ẩn ý thật hay mà tôi cứ ngẩn tò te chả hiểu gì cả. Bây giờ tóc đã bạc gặp lại nhau trong một chuyến đi chơi qua Canada, chàng ta, không, phải nói là “cụ ta” mới đúng, vui vẻ nhắc lại và thành thật khai báo là lúc đó mặt mũi tôi trông sáng sủa mà chả thông minh tí nào.Nghe kép tán mà mặt cứ ngơ ngơ như vịt nghe sấm. Cũng may còn có dịp gặp lại nhau để kể chuyện thuở ấu thơ . Sau khi lập gia đình với ông chồng Hải quân phải thuyên chuyển nay đây mai đó. Những ngôi nhà tôi ở từ Nha Trang, Vũng Tàu và cuối cùng là Cam Ranh. Nơi nào cũng có những bông hoa vàng với cả một trời nhung nhớ.

Đi bộ khá xa, thấy trời trở gió mạnh và có vẻ muốn mưa, tôi vòng trở lại. Qua nhà bà cụ tôi thấy mấy cái thùng đầy giấy tờ sách báo ngả nghiêng trước cửa. Có cả mấy tấm hình rơi lả tả xung quanh. Cơn gió thổi mạnh mang theo một tấm hình bay dạt vào gốc cây bên đường, thấy hình bà cụ ôm con chó tôi nhặt cho vào túi áo

và chạy vội về nhà vì trời đã chuyển mưa. Tôi nâng niu ngắm nghía tấm hình bà cụ và thầm nghĩ , có phải cụ biết tôi đang nhớ cụ nên cụ cho tôi được giữ tấm ảnh này không? Tôi chợt nghĩ đến cả đống hình của tôi trong mấy cái hộp giấy ở dưới basement . Một ngày nào đó tôi sẽ ra đi như cụ, các con tôi sẽ làm gì với quá nhiều hình ảnh của tôi? Có thể chúng cũng phải vứt bớt đi chứ. Rồi cơn gió vô tình nào sẽ thổi cho những tấm hình của tôi lưu lạc tới đâu. Chỉ nghĩ thôi cũng đã cảm thấy thật buồn.

Hồng Thủy

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

Một Mai Trở Lại - Thơ Phan Khâm - Nhạc Nguyễn Tuấn - Ca Sĩ Mai Thiên Vân


Thơ: Phan Khâm
Nhạc: Nguyễn Tuấn
Ca Sĩ: Mai Thiên Vân

Duyên Nghiệp

 

Con tạo trao mình một gánh tơ
Suốt đời tha thiết với Nàng Thơ
Giang sơn cẩm tú chờ trang điểm
Nhân vật anh tài gợi ước mơ
Ôm gối Đông Pha bên gác vắng
Dong thuyền Lý Bạch dưới trăng mờ
Mênh mang thi hứng bừng hương sắc
Góc khuất tâm tư nghiệp bút chờ.

Trần Thế Vĩnh 

Hình Như



(Thơ họa)

Hình như thu đến ướt môi em
Vàng cõi lá rơi lướt nhẹ mềm
Thấp thoáng tóc ai ngời lộng gió
Có buồn có nhớ lúc tàn đêm?

Hình như em khóc ngắm mây bay
Sương đậu bờ vai ướt dáng gầy
Song ngoại thẩn thờ tơ rối khúc
Có sầu có tủi mượn men say?

Hình như trăng rải giọt nồng thơm
Em má ửng hồng mọng gợi hôn
Ánh mắt ngẩn ngơ bờ liễu rũ
Có chờ có đợi một mùi hương?

Hình như gió ghẹo vóc ngà thon
Lướt nhẹ môi em nhạt nét son
Một nỗi tương tư bao sóng bủa
Có mong xoá hết nỗi đau mòn?

Hình như em vẫn chẳng buông tay
Đếm bước hoang vu đủ tháng ngày
Lá lượn chiều thu mù lệ đẫm
Có còn giữ được mối tình ngây?

Hình như vạc khóc gọi kêu sương
Nức nở châu rơi ướt dặm đường
Vời vợi em sầu vằng vặc nhớ
Có hay ta cũng ngụt trời thương

Phương Hoa
OCT 9th 2019

Tình Đầu Tiểu Long Nữ Dương Qua

 

Trong Cổ Mộ, Em đẹp như một loài chim Phượng!
Chỉ biết Sư Phụ còn mình không biết đến từ đâu!
Rồi có một ngày may mắn như con số tám!
Dương Qua này bỗng nghiệp duyên hội ngộ Mối Tình Đầu!

Tiểu Long Nữ! Em chỉ biết võ công! Ngoài ra chẳng biết gì!
Kìa! Bên kia Cổ Mộ! Võ Lâm Quần Hùng hàng hàng lớp lớp!
Và tình đời, lễ giáo phức tạp! Khi tỉnh, khi mê!
May phước cho tôi được Thầy Tiểu Long Nữ rèn cặp!
Ôi! Sung sướng biết bao! Quên cả cõi đi về!

Nàng hơn tuổi tôi, là Thầy tôi! Có phải là Ác Nghiệp?
Không! Chúng tôi như đôi Vành Khuyên vô tội đậu trên cây!
Yêu nhau tha thiết! Cho hết! Không bao giờ cần đáp lại!
Dù chịu đựng biêt bao gian khổ, cách ly, dù gió táp, mưa bay!
Giang Hồ cực ác, thành kiến, chẳng hiểu tình yêu của chúng tôi là gì?

Dương Qua chỉ ước mong tha thiết một mái gia đình nhỏ!
Nhưng tai họa trùng trùng chẳng hề tiếc thương dùm!
Chỉ một mình Lão Trượng Đông Tà Hoàng Dược Sư thấu hiểu!
Không sao! Yêu nhau cứ tiến tới! Lũ Giang Hồ kia! Hãy câm!

Mười sáu năm trong Tuyệt Tình Cốc, Em vẫn là cánh Phượng!
Đẹp tuyệt vời như Thần Tiên trắng toát bay trong hoa lá, ngàn cây!
Ôi! Hạnh phúc thay! Có ngờ đâu ta đoàn tụ một nhà!
Thô! Hãy bỏ hết bao gian khổ, nhớ thương, xa cách lại!
Cùng Thần Điêu ôm chặt lấy nhau, ta cười vang vang! Vỗ cánh bay xa!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 18/09/2023
4 Tháng 8 Âm Lịch Năm Quý Mão, Ngày Kỷ Mão. Hành thổ, Trực Phá, Sao Trương. Cát Thần : Thiên Ân, Ngũ Hợp, Minh Đường

Tác Phẩm, Tác Giả Và Người Dịch Thơ


Nhân Ngày Lễ Bổn Mạng Thánh Gioan Phaolô II, Kính gửi đến Quý Vị và Các Bạn bài viết dưới đây:
Ngày 27 Tháng 04 Năm 2014, Hội Thánh đã tuyên phong hiển thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phao Lô Đệ Nhị.
Ngài là vị giáo hoàng Ba Lan đầu tiên từ một quốc gia cộng sản, cũng là vị giáo hoàng duy nhất trong lịch sử nhân loại nối kết được các tôn giáo. Đặc biệt nhất là đến thăm các đền thờ Hồi giáo, Do Thái giáo và tiếp đón chính thức Giáo Hội Chính thống Hy Lạp kể từ cuộc ly giáo năm 2054. Ngài cũng là vị giáo hoàng duy nhất bị ám sát nhưng được cứu sống.

Con người, cuộc sống, lòng đạo đức, thánh thiện, nhân cách, tinh thần làm việc và cách lãnh đạo Giáo hội Công Giáo của ngài; Thế giới đã rõ, đã biết, đã tường tận. Nhất là lòng kính trọng, khâm phục, ngưỡng mộ và kính yêu đối với tất cả chúng ta. Không những thế mà còn cảm thương cho cuộc đời của ngài từ khi còn là một cậu bé mồ côi mẹ, rồi lớn lên đi lao động, đi quân dịch; cũng mang ba lô, đội nón sắt, sẵn sàng hy, sinh hiên ngang bảo vệ quê hương tổ quốc của mình. Hết nghĩa vụ quân ngũ, ngài lên đường theo tiếng gọi lương tâm, vào chủng viện đi tu, làm linh mục, giám mục, hồng y, làm giáo hoàng và giờ đây, ngài đang làm thánh cho chúng ta. Cả loài người thiên hạ kể từ đây sẽ gọi và tuyên xưng ngài là Thánh Nhân – Saint.

Bắt đầu năm phụng vụ 2014 và mãi đến suốt đời, Giáo hội khắp nơi trên Hoàn vũ mừng lễ kính ngài là vị Thánh Gioan Phaolô II. Đó là Ngày 22 Tháng 10 hàng năm.

Thưa Bạn,

Nói và viết về ngài, có lẽ với tôi và cả với bạn nữa sẽ rất dè dặt, vì quả thật ngôn ngữ giới hạn của chúng ta không đủ để diễn đạt trong khi sự nhân đức và thánh thiện của ngài thì quá bao la và cao cả. Có nhiều người đã nói, đã viết về ngài, về vị thánh sống từ khi ngài còn nơi dương thế. Vâng, cả thế giới này đã thực hiện và làm những điều đó mỗi ngày ròng rã suốt gần năm mươi năm qua bằng nhiều hình thức qua các phương tiện truyền thông và báo chí, trên các trang mạng kể từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 1978, rồi mãi đến khi ngài qua đời, và vẫn còn khơi dậy cho đến hôm nay. Tôi tin tưởng ảnh hưởng của ngài sẽ còn rộng lớn hơn trong tương lai và sẽ mãi mãi trong dòng chảy của kiếp nhân sinh.

Thánh nhân Gioan Phaolô Đệ Nhị đã đi vào lòng lịch sử của Thế giới, của Giáo Hội Công Giáo và bất biến trong lòng kính yêu, trong mỗi trái tim của người tín hữu hiện diện khắp nơi trên quả địa cầu này.

Tuy nhiên, có lẽ bạn và tôi sẽ không biết đến về một lĩnh vực rất riêng của ngài mà theo Đức Cha Giáo Phận Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt nghiên cứu và tìm hiểu rằng, Ngài là một trong bảy nhà thơ lớn của nền văn học nước Ba Lan, và nếu hôm nay không có Giáo sư Phanxicô Lê Đình Thông, một học giả có tiếng tăm tại Pháp nói riêng và Hải Ngoại nói chung đã khổ công nghiên cứu, chuyển ngữ, rồi dịch thơ của thánh nhân lại bằng tiếng Việt Nam của chúng ta. Một ngôn ngữ mẹ đẻ rất gần gũi bên cạnh như hơi thở, như “cơm với cá, như mạ với con”, thì có thể chúng ta chưa biết trọn vẹn đến ngài.

Qua tập thơ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã được vị giáo sư này dịch lại mà tôi nhận được từ một anh nhạc sĩ bạn. Tôi lắng đọng tâm hồn để đọc từng chữ, từng câu, từng ý tưởng và lần lượt từ bài này qua bài khác. Dòng thơ ấy đã lôi cuốn tôi vào một tri thức của chữ nghĩa và của văn chương, dẫn tôi đến bến bờ không phải là sự trừu tượng mà thực thể cho tôi được cảm, được nhận và biết thêm về cuộc sống đời thường với tình cảm sâu kín rất thật, rất giản dị nơi con người của thánh nhân.

Bài thơ "Mẹ Ơi" (Trích đoạn I) của ngài. Qua một góc nhìn với một lăng kính giới hạn nào đó, tôi thấy được tình cảm của ngài đối với người mẹ của mình, một thứ tình cảm luôn dạt dào nhưng luôn khắc khoải và lắng sâu. Ngài không thể che dấu niềm đau vật vờ và nỗi chua xót thiếu thốn người mẹ trong đời sống.

Chúng ta có thể tưởng tượng và nhận ra được cuộc đời đơn côi của một đứa bé bị mất mẹ. Với những tháng ngày ngỏ vắng, dại khờ, với lờ mờ sớm trưa mà ngài phải gánh lấy trong quãng đời thơ dại đó. Tựa đề bài thơ này chỉ vỏn vẹn có mỗi hai chữ "Mẹ Ơi". Vâng, chỉ có hai tiếng giản dị đó thôi cũng đủ cho chúng ta thấy được sự khao khát tình mẫu tử nơi ngài đến thế nào. Khao khát của một đứa bé luôn cần có mẹ bên cạnh để được che chở và vỗ về, được gọi "mẹ ơi" bất cứ khoảnh khắc nào trong đời sống từ khi bé thơ và thậm chí đến khi đã khôn lớn. Nhưng quả thật, ngài đã bất hạnh vì không được gọi hai tiếng thiêng liêng đó. Hai tiếng gọi đầu đời trên môi của em bé mà không một ai hướng dẫn, không một trường lớp nào dạy dỗ, chỉ bảo. Chỉ có Thượng Đế mới gắn chặt tình mẫu tử thiêng liêng đó ngay từ những giây phút phôi thai khi đứa bé được thụ thai, rồi nên hình nên dạng trong dạ lòng của người mẹ.

Tôi nghĩ rằng, dịch giả Giáo sư Lê Đình Thông đã thẩm thấu và cảm nhận điều sâu xa về cuộc đời thiếu thốn tình mẫu tử của thánh nhân, để chọn và dịch lại hai tiếng "Mẹ Ơi" rồi đặt tên làm tựa đề cho bài thơ này.

Hãy điểm qua một vài câu thơ của ngài được chuyển ngữ và dịch lại sau đây:

Dòng đời trôi nổi bấp bênh
Qua bao năm tháng lênh đênh nỗi sầu
Mẹ tôi mất cũng đã lâu
Làm sao quên được niềm đau vật vờ...

Thế đó! Ôi tình cảm thật chân thiết đã in sâu vào tâm trí, trong tiềm thức của ngài mà khi đọc qua, có lẽ chúng ta không ngăn chặn được cái nghèn nghẹn co thắt đâu đó trong tim, và có thể giọt lệ đang làm ta cay mắt chực ứa trào.

Chưa hết, bài thơ "Hoa Trắng" cũng là một kiệt tác về văn chương nhưng cũng rất đậm sâu về tình cảm mà tác giả đã diễn tả như tiếng kêu rên rỉ âm thầm, xót đau trong lòng của một đứa bé mất mẹ.

Bài thơ Hoa Trắng này đã thật sự dẫn đường tôi đến để nhìn thấy ngôi mộ của mẹ thánh nhân. Tôi tin chắc ngôi mộ này rất đơn sơ và có thể lót đá hoặc quét vôi trắng nằm chênh vênh, đơn độc ở một góc chân trời nào đó mãi tận nước Ba Lan. Bài thơ này đã cho tôi cảm nghiệm thêm nỗi buồn, xót xa, qua những năm tháng trong từng giây phút trống vắng, lạc lõng, đơn côi giữa dòng đời mà thánh nhân đã đối diện và sống trong hoàn cảnh mất mẹ từ khi ngài còn rất nhỏ bé, khoảng tám chín tuổi nếu người viết nhớ không lầm.

Tôi đây cũng đã mất mẹ, mới mất cách đây bốn năm thôi và mất khi tôi đã là năm mươi tuổi. Vâng, năm mươi tuổi mà mất mẹ thì cũng xem như đã vững chân đứng trong dòng đời ngược xuôi, tự lo và xoay xở và tự sống còn về thể lý. Tuy nhiên và mặc dù thế, trong tôi vẫn luôn cảm nhận được sự đau xót, thương tiếc, đơn côi, bơ vơ, lạc lõng đến thế nào ấy. Nhất là khi tôi thất thểu bám sau quan tài để tiễn đưa mẹ tôi xuống lòng huyệt. Dòng lệ và dòng suy tư đã làm tôi ý thức được là kể từ nay tôi sẽ không còn mẹ trong cuộc đời, sẽ không bao giờ được gần bên mẹ, được gọi tiếng mẹ ơi khi cần đến mỗi khi đau khổ hay hoạn nạn để được mẹ ủi an, khi hạnh phúc hay khi sướng vui để kể cho mẹ mừng, khi thất bại hay công thành danh toại để chia sẻ với mẹ... Với những cảm nhận chia ly và mất mát của tôi đó, thì huống chi sự đau đớn, chua xót và đơn côi đối với một đứa bé mới lên tám tuổi. Ôi niềm đau sâu thẳm đó đến chừng nào ? Làm sao và có thể đứa bé tự định hướng được trong cuộc đời?


Những đau xót và thương tiếc của thánh nhân được diễn tả qua các vần thơ trong bài Hoa Trắng, thật sự đã dao động trong tâm hồn tôi, đã làm tôi phải chảy nước mắt khóc thương nhớ đến mẹ của tôi mà giờ đây ngôi mộ và thân xác của mẹ cũng đang nằm cô quạnh dưới lòng đất lạnh:

Mẹ tôi mộ đá trắng ngần
Nở bông hoa trắng xoay vần đời con
Vành tang mất mẹ mỏi mòn
Bao năm xa cách một lòng nhớ thương
Mẹ tôi mộ trắng xót thương
Tình yêu hoa trắng còn vương cõi trần
Mẹ tôi mộ vắng vấn vương...(Trích đoạn trong bài thơ Hoa Trắng)

Hãy dành thời gian để đọc hai muơi lăm bài thơ của ngài, rồi thả dòng suy tư về đời sống và con người của thánh nhân. Ngoài các nhân đức và đời sống thánh thiện, ngài còn có lòng đặc biệt yêu quê hương và đất nước của mình. Có hai câu mà ngài đã nói và đã để lại cho chúng ta thấy được lòng yêu nước, yêu quê hương, thương giống nòi thật mãnh liệt ở trong trái tim của ngài.

Trong thời gian làm giáo hoàng, ngài đã thẳng thắn và can đảm nhưng rất chân thành bày tỏ lòng yêu nước của mình. Ngài nói: "Dù là một vị Giáo Hoàng, nhưng tôi vẫn có trái tim để yêu quê hương và đất nước của tôi". Ngài còn khẳng định lòng yêu quê hương và muốn bảo vệ cho đồng bào dân tộc của mình qua câu nói sau đây: "Tôi sẽ cởi áo giáo hoàng để về bảo vệ và chiến đấu nếu Liên xô hay một quốc gia nào đó tiến quân xâm lược đất nước tôi".

Ngày đắc cử ngôi vị Giáo Hoàng và đứng trên ban lơn, ngài cất tiếng chào mừng và chúc bình an cho mọi tín hữu. Ngoài lời chào mừng và chúc bình an đó, ngài đã dùng một đoạn ngắn của Thánh Matthêu trong Phúc âm để nói với dân chúng: "Các con đừng sợ" Một câu nói ngắn ngủi ấy thôi, thế mà sau này đã làm tan rã các thế lưc tà quyền và những mưu mô của thế tục. Vì "Các con đừng sợ" nên người dân Đông Đức đã mạnh dạn hiên ngang đứng dậy dùng búa thẳng tay phá sập bức tường ô nhục Bá Linh năm 1989 để vượt qua Tây Đức tìm lại bà con, gia đình, tìm lại tự do mà sau bao nhiêu năm run sợ vì phải bị bức tường ngăn cách dòng máu lưu thông trong huyết quản một người mẹ chỉ vì ý thức hệ và lòng tham bá chủ của những đứa con cứng đầu, ngổ nghịch, tham lam và khó dạy !

"Các con đừng sợ", Ngài cũng đã lập lại một lần nữa trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ như để nhắc nhở những thế hệ trẻ sau này đừng sợ mà hãy mạnh dạn chiến đấu với nền văn hóa của sự chết, văn hóa của bóng tối và của tội lỗi...

Lòng yêu quê hương và đất nước của ngài có thể diễn tả qua bài thơ của ngài nói về người diễn viên nơi sân khấu cuộc đời.

Quanh ta có biết bao người
Tác phong chín chắn nói cười thong dong
Ta như thác nước xuôi dòng
Mà không hổ thẹn tấm lòng sắt son... (Trích đoạn trong bài thơ Diễn Viên)

Dù là một vị Giáo Hoàng cao trọng, nhưng tôi nghĩ ngài rất gần gũi với người chân lấm tay bùn, người thấp cổ bé miệng. Từ người lao công của hầm mỏ, đến những công nhân lao động chân tay như xẻ đá, đục, gõ, cưa, bào với những giọt mồ hôi đổ xuống.

Dùng bàn tay chai đá nứt làn da
Giơ búa cao đập tan bao tảng đá
Đá chẻ ra bao ý nghĩ mặn mà
Nhờ chịu khó ta làm nên tất cả... (Trích đoạn trong bài thơ Xưởng Thợ)

Vâng, thơ hay mà người dịch thơ cũng tuyệt vời và khéo léo. Nhưng hình như chúng ta đang nghe có tiếng thở dài mệt nhoài và thấy những giọt mồ hôi nhễ nhãi, lấm tấm trên khuôn mặt và ướt đẫm trên chiếc áo lao động của ngài.

Người thợ điện nghỉ ngơi cơn gió mát
Xẻ non cao đào sông rạch xa gần
Bác nông phu phơi lúa chín ngoài sân
Bầy con nít nắm tay nhau ca hát... (Trích đoạn trong bài thơ Xưởng Thợ)

Gần gũi nhất là tác giả vẽ cho ta một bức tranh, trong đó có hình ảnh sống động của bác nhà nông với con trâu, đồng lúa, với ánh sáng mặt trời đang chiếu rọi trên ruộng nương. Cho ta thấy bác phu đang cày cấy mà có thể bác phu đó cũng chính là ngài với những mong ước rất chi là bình thường và giản dị... Sự mong đợi từ những cây mạ non khi vừa ươm xuống lòng ruộng, rồi từng ngày chăm bón ngóng chờ được nảy mầm, niềm sung sướng khi thấy lúa trổ đòng đòng, thỏa lòng khi được mùa gặt bội thu, hát câu ca vang trên con đường đê, khấp khởi hân hoan kề vai quảy gánh thóc về.

Hãy nhìn vào bức tranh, để thấu và cảm nhận được lòng ngóng trông của bác nhà nông:

"Ánh mắt nào còn mong còn đợi
Mau đến mùa lúa mới đơm bông
Cấy cày vất vả nhiều công
Mong sao mưa thuận
Cầu mong gió hòa... (Trích đoạn trong bài thơ Mùa Lúa Mới)


Tôi nghĩ thánh nhân khi đương thời đã có cái nhìn rất thực tế về nhân sinh quan. Ngài không bao giờ bi quan, nhưng luôn lạc quan trong mọi tình huống của đời sống. Đặc biệt nơi ngài là sự quan tâm đến những người chung quanh và lòng xót thương khi gặp người bị nạn.

Nếu giả sử ngài không phải là vị giáo hoàng mà tôi chỉ biết và tìm hiểu sau khi đọc các vần thơ, tôi sẽ thấy nơi ngài có lòng thương người và rất quan tâm những ai bên cạnh dù thời gian eo hẹp và dù có bận rộn trong đời sống.

"Tâm trí ta mệt nhoài tim bấn loạn,
khu phố đông người qua lại vội vàng.
Lời dặn dò nghe đó đây loáng thoáng,
chớ bỏ qua rồi ra sẽ muộn màng..." (Bài thơ Tiếng Thầm).

Trong cuộc sống và dòng đời vội vã, có lẽ bạn và tôi không dành thời gian nhiều để quan tâm người bên cạnh, mà thật ra người nào cũng có liên quan trong đời sống của chúng ta bằng cách này hay cách khác. Từ người láng giềng, hàng xóm đến những bạn bè, những người Thầy, người Cô dạy dỗ ta, những người cùng mang một dòng máu đỏ da vàng và những người thân trong gia đình... thử hỏi có mấy khi ta mở lời chào và thăm hỏi hay quan tâm đến đời sống và sức khỏe của họ thật lòng?

Xã hội và môi trường bây giờ có xu hướng về chủ nghĩa cá nhân, họ không còn cái xót thương và lòng trắc ẩn khi gặp người bị hoạn nạn hay thiếu may mắn trong đời sống, thậm chí ngoảnh mặt hay vô tâm để rồi phải xảy ra "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (Nguyễn Du).

Cách đây không lâu bên nước Trung Quốc, có một em bé bị xe cán và bị thương khá nặng khi băng qua đường. Biết bao người qua lại đã nhìn thấy em bé tội nghiệp đang nằm dẫy dụa với các vết thương, nhưng tất cả đều vô tâm mặc dù con phố luôn tấp nập và đông người qua lại. Có lẽ vì bận rộn chạy cho kịp cuộc sống để rồi không một ai chịu cúi xuống ra tay giúp đỡ hoặc đưa em bé đi bệnh viện, hoặc băng bó vết thương. Cuối cùng vì kiệt sức bởi máu ra quá nhiều và em đã nhắm mắt lìa trần chết tất tưởi một cách thê thảm và oan uổng. Khi chết rồi, xác em cũng nằm trên góc con phố đó đến chiều tối cũng không có một ai màng đến.

Em nhắm mắt lìa trần nhưng có mở được mắt lương tri cho những người dân cùng mang dòng máu với em trên con phố nào đó ở bên Trung Quốc ? Em nhắm mắt chết tất tưởi, nhưng tôi tin em đã mở mắt loài người trên thế giới để họ nhìn thấu rõ những con người đó đã đánh mất hết lương tâm, chai lì lòng trắc ẩn, coi thường tình người, mất tính nhân bản mà hậu quả là do sự nhồi nhét một thứ chủ nghĩa lạc hậu, lỗi thời, một thứ chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân.

Nếu bạn lên youtube mà người Việt Nam đã đưa lên. Hãy mở xem những cảnh người lớn đánh nhau trên đường phố, trong trường học với các học sinh, thậm chí các học sinh nữ. Biết bao người đứng xung quanh chỉ để xem mà không hề chịu vào để can ngăn và giúp kẻ yếu được thoát nạn. Họ quá dửng dưng như thể con tim và lương tâm của họ không còn một chút xót thương và rung cảm của đồng loại.

Hãy nghe lời khuyên của thánh nhân:
Đừng nhìn nhau vẻ hời hợt bề ngoài,
Đến bên nhau trong sâu lắng khôn nguôi...(Bài thơ Tiếng Thầm)

Vì chủ nghĩa cá nhân đã che lấp cái tình nghĩa con người, xem vật chất là trên hết. Văn hóa của bóng tối và văn hóa của sự chết đã làm tắc nghẽn dòng máu loài người, bóp chết trái tim biết rung cảm và xót thương, đóng cửa và nhốt lý trí lại nơi hàng rào trong bức tường ích kỷ, làm cho kém đi sự nhận thức và lu mờ để không còn có khả năng biết được những "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Hậu quả là biết bao cảnh đau lòng xảy ra trên thế giới từ chiến tranh chết chóc, khủng bố, đánh bom tự sát, nạn bạo hành trong gia đình, học trò đánh thầy, bác sĩ thủ tiêu bệnh nhân xuống sông vì lỡ làm chết để che dấu bởi cách chữa trị hời hợt và thiếu lương tâm. Các tệ nạn, cướp bóc, giành giật, hỗn loạn, đảo lộn mọi thứ trong đời sống. Tất cả điều đó cũng phát xuất từ các chủ nghĩa nói trên và xem thường cách giáo dục ở các nhà trường từ đức dục, trí dục, luân thường đạo lý, nhân lễ nghĩa trí tín, lòng đạo đức, tính thương người...


Có lẽ thánh nhân đã nhìn thấy một xã hội, một thế giới băng hoại đó nên ngài mới viết ra những lời tâm huyết để mời gọi và nhắn gửi đến chúng ta, nhất là nhắn gửi đến các bạn trẻ:

Các bạn trẻ tìm đường bước tới
Đường loanh quanh trăm lối về đâu
Biết chăng muốn bước qua cầu
Con đường chính đạo nhiệm mầu trong tâm...( Trích đoạn trong bài thơ Đường Sáng)

Ôi thật là thâm thúy và nhiệm mầu!

Bạn đọc mến,

Như đã nói từ đầu, tôi chỉ muốn đề cập đến một góc cạnh trong lăng kính rất giới hạn của ngôn ngữ, và chỉ vỏn vẹn những vần thơ mà tôi cho đó là cái nhìn rất nhân sinh quan trong đời sống đời thường của Thánh Gioan Phao lô II. Những bài thơ, vần thơ tôn giáo, đạo đức, tu đức... của thánh nhân mà Giáo sư Lê Đình Thông cũng đã chuyển ngữ và khéo léo dịch thơ lại rất ý nghĩa và thanh thoát... Tôi không dám luận bàn hay phân tích, nhưng sẽ đọc mãi để cảm hóa lòng đạo đức của mình.

Trong tri thức và những gì là của ngài, cũng huyền nhiệm và cao cả. Từ cuộc sống đời thường nơi dương thế, đến khi ngài làm giáo hoàng, bị ám sát với bốn viên đạn xuyên qua ngực nhưng không chết, và thậm chí ngay cả thời gian mà ngài qua đời trong những ngày lễ Phục sinh và Tuần Cửu Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, cũng nằm trong sự huyền nhiệm đó. Mà hễ điều gì, cái gì đã là huyền nhiệm thì con người và khoa học cũng không thể giải thích và chứng minh được.

Xin bạn hãy nhắm mắt suy luận để thấy rõ hơn những gì tôi vừa đề cập. Vâng, tất cả nơi ngài là huyền nhiệm và cao cả đối với tôi.
Tôi xin mời bạn hãy đọc những vần thơ đó sớm có thể, khi đọc những vần thơ đó là chính bạn đang thực sự cầu nguyện, nội tâm và trí đoán của bạn một cách nào đó đang siêu thoát và có thể đang chạm đến Đấng Thượng Trí.

Trong tri thức và lòng đạo đức của ngài, trong tâm tình và văn chương thi phú, kiệt tác, xuất chúng của ngài trải dài trên những vần thơ đó, đích thật là huyền nhiệm nhưng giãi bày, thanh thoát nhưng tình cảm, cao sâu nhưng gần gũi, triết lý nhưng thực tế, có thể sờ mó được, nhất là tấm lòng tình cảm chân chất của ngài đối với mẹ hiền, với quê hương và đối với nhân thế.

Cuộc đời trải dài tám mươi lăm năm nơi dương thế, ngài đã để lại biết bao điều thánh đức và gương sáng, về đời sống mục tử và chứng nhân. Nhân thế cũng đã để lại lòng thương mến, kính yêu, trân quý mà người người khắp nơi trên thế giới luôn hướng về Tòa Thánh nơi căn phòng có ánh sáng lọt qua cửa sổ trong những đêm ngài hấp hối, rồi tiếng khóc vỡ òa khi tin ngài qua đời. Cuối cùng chiếc quan tài bằng gỗ tạp đơn sơ, giản dị và khiêm hạ như chính con người và cuộc đời của ngài. Chiếc quan tài đặt sát xuống mặt đất giữa quảng trường Thánh Phêrô mênh mông biển người. Không có đèn nến, hoa đăng, không có vòng hoa, không có vải lụa, gấm vóc giăng đầy như các chủ tịch của nước Bắc Hàn qua đời, cũng không trầm hương ngào ngạt, khói hương nghi ngút như các vị vua chúa hay các bậc quyền quý, cao sang. Nhưng thay vào đó, ngài có hàng triệu triệu con tim khắp nơi trên thế giới, đủ mọi thành phần và giai cấp đã nhỏ lệ khóc tiếc thương.

Ngài đã sống thánh giữa trần gian và đã mang lại cho con người những điều của Chân - Thiện - Mỹ...

Một nhà thơ người Hoa Kỳ mang tên Ralph Waldo Emerson đã nói: "When you were born you were crying and everyone else was smiling. Live your life so at the end, you're the one who is smiling and everyone else is crying." Tôi xin tạm dịch: Khi bạn sinh ra, bạn khóc mà mọi người đều cười. Hãy sống làm sao đến cuối đời khi bạn ra đi, bạn cười mà mọi người đều khóc.

Vâng, tất cả mọi tín hữu đều đã khóc và thương tiếc sự ra đi của ngài, mặc dù ai cũng biết ra đi là khởi điểm cho ngày trở về. Về với Cha trên trời theo quan niệm và tín lý của Kitô giáo.

Người khôn ngoan thì luôn xây nhà trên đá, luôn nghĩ để dọn đường cho sự sống vĩnh hằng mai sau, còn dưới thế thì sẽ để lại tiếng thơm tiếng tốt muôn đời mà chính bia miệng của loài người sẽ nhắc mãi qua câu tục ngữ: "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".

Thánh nhân biết rõ điều đó nên đã tự nói và luôn nhắc nhở lòng mình qua bài thơ ngắn ngủi của ngài sau đây:

Đời người ngắn ngủi không bằng
Cây đa cổ thụ đầu làng xanh lâu
Hơn nhau cuộc sống đời sau
Linh hồn sống mãi nhiệm mầu huyền vi

Hoặc là:

Đời người thân xác mất đi
Linh hồn như cánh chim di miệt mài
Sau này cát bụi hình hài
Bao nhiêu sự nghiệp một mai còn hoài… (Trích đoạn trong bài thơ Độc Thoại)

Vâng, giờ đây mọi người sẽ không còn khóc nữa, nhưng sẽ cùng với ngài hân hoan tạ ơn Chúa và rồi cùng cười trong tiếng lòng với nước mắt sung sướng, nước mắt của hạnh phúc để đón nhận ơn thánh cao cả nhất mà ngài được tuyên phong là Đấng Hiển Thánh như Thánh Phaolô đã khẳng định: "Qua Thập Giá, sẽ đến Vinh Quang".

Có lẽ như có sự linh ứng khi ngài còn đương thời để rồi bài thơ "Bức Tường" mà ngài đã viết từ hôm nào về một vị thánh, và hôm nay biết đâu vị thánh đó có lẽ cũng chính là ngài ?

Tường thẳng đứng hai bên là hốc đá
Tượng Thánh Nhân còn thanh thản nguyện cầu
Luôn mở ra trang sách thánh nhiệm mầu
Ngập tâm trí trầm hương bao điều lạ...

Ôi, thật là huyền nhiệm ! Vâng, như tôi đã nói: tất cả nơi ngài là huyền nhiệm!

Thưa Bạn!

Đến đây có lẽ bạn và tôi sẽ chợt nghĩ và sẽ đề cập đến người đã chuyển ngữ và dịch thuật hai mươi lăm bài thơ của thánh nhân, đó là Giáo sư Lê Đình Thông mà tôi có đề cập ở phần đầu.

Tôi nghĩ rằng đây là một ơn thánh đặc biệt đã tác động cho vị giáo sư mũi tẹt da vàng, sống đời tị nạn lưu vong trên phần đất không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của quê hương mình, và không phải khi sinh ra; vị giáo sư này được hấp thụ thứ ngôn ngữ của mẹ đẻ, gần gũi như hơi thở, như mẹ với con, mà rất xa lạ qua các ngôn ngữ tiếng Tây, tiếng Tàu, nhất là tiếng Ba Lan.

Nếu bạn có nói một cách rành mạch một thứ tiếng nào mà không phải ngôn ngữ của mẹ đẻ, thì cũng chỉ giới hạn trong một phạm vi nào đó của chuyên môn, trong xã giao, giao dịch hay trong đời sống thường nhật. Nhưng đối vị với vị giáo sư này thì lại khác. Ông ta đã vượt xa điều tôi tưởng. Hai mươi lăm bài thơ của thánh nhân mà ông ta đã dịch lại cũng đủ để chứng minh điều tôi muốn nói. Tôi nghĩ vị giáo sư này không những là một nhà thơ lỗi lạc mà còn là một nhà ngôn ngữ học uyên thâm.

Có lẽ bạn và tôi không thể phủ nhận cách chuyển ngữ và dịch thuật thật tài tình và khéo léo, mà còn diễn chuyển dịch qua thành các bài thơ tiếng Việt với các vần điệu, các thanh âm bằng trắc để hoàn thành trọn vẹn từ các thể loại thơ lục bát, song thất lục bát, thơ đường, thơ tự do qua cách gieo vần thật phong phú, chứa đựng đầy đủ ngữ nghĩa với văn phong lôi cuốn... Nhà dịch thơ này còn lý luận, phân tích những từ của Hán Việt, rồi chọn và áp dụng vào những vần thơ nói trên. Thí dụ chữ "xiển dương" trong bài thơ Magnifica. Đây là văn từ ghép của Hán Tự mà vị giáo sư này đã dịch thuật lại để dùng từ này áp dụng cho thích hợp với cái khung cảnh, ngữ cảnh cũng như các chủ ngữ trong bài thơ Magnificat.


 
Trước đây, từ ngữ này đã có một số người đã dùng, trong đó còn có cả nhà thơ, và nhạc sĩ mà một vị nào đó đã dùng từ này để đặt tên cho một bài hát với tựa đề: "Mẹ Triển Dương" với câu hát đầu: "Mẹ triển dương trên núi Li Ba Nô..." Theo Hán Ngữ thì chữ "xiển" nghĩa là "mở ra" chữ "dương" cũng có nghĩa là "rộng, lớn, bao la..." Như vậy: xiển dương có nghĩa là mở ra bao la, trong đại... "Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều trọng đại..." (Một trong đoạn kinh thánh của Thánh Luca 1, 47-55). Vậy theo ý nghĩa; tôi nghĩ chữ "xiển dương" mới đúng và chính xác như vị giáo sư này đã dùng đến.

Văn chương tiếng Việt rất phong phú với nhiều nét đặc thù lôi cuốn, có lẽ là nhờ âm điệu vì có các thanh âm năm dấu sáu giọng, nên tiếng Việt Nam "dễ thương" đến thế!

Lần đầu tiên khi đến Việt Nam và nghe người Việt Nam nói chuyện, các nhà ngoại quốc đã quả quyết và nói rằng: "Người Việt Nam nói chuyện như hát vậy".

Phải lắm, vì mỗi tiếng được phát ra là có âm điệu lên xuống bởi các thang âm của mỗi chữ mang các dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Cũng thế, tiếng Việt Nam là một ngôn ngữ đơn âm và nếu dùng đơn phương hay lẻ loi một từ thì sẽ rất nghèo nàn. Vì thế mới có các chữ được ghép lại qua sáng kiến của các học giả, nhất là các cụ xưa để cho tiếng Việt Nam thêm phần phong phú.

Những thế hệ đi trước đã ảnh hưởng rất nhiều đến chữ Nho và khi các cụ ghép lại thường là tiếng Nôm, tiếng Hán đi đôi. Thí dụ: dân-chủ, độc- lập, thế-lực, chính-quyền, tà-quyền, v.v... Cũng thế, thiết tưởng hôm nay chúng ta gọi tên nước Việt Nam mà thiếu đi chữ Nam có thiếu xót không nhỉ ? (!).

Tôi chân tình và rất cảm phục cách chuyển ngữ rồi dệt lại và cuối cùng làm cho ra những vần thơ kiệt tác một cách trôi chảy mà bạn đang cầm trên tay. Tôi không có cơ hội đọc các bài thơ nguyên thủy của ngài, mà dẫu có đọc cũng không thể hiểu được vì có thể ngài viết bằng chính ngôn ngữ của ngài (Tiếng Ba Lan). Tuy nhiên, sau khi đọc các bài thơ đã được dịch lại, tôi đã cúi đầu để tạ ơn Chúa vì đã thấy và cảm nhận cách dịch thơ rất tài tình và tuyệt vời của Giáo sư Lê Đình Thông. Tôi nghĩ vị giáo sư này góp một bàn tay rất quan trọng để cho chúng ta hiểu thêm một góc cạnh trong đời sống văn chương của ngài, nhất là chắp cánh cho các bài thơ của thánh nhân đến với chúng ta có thêm hương sắc hương vị và hơi hám của văn học Việt Nam.

Với sự thông thái và uyên bác, vị giáo sư này đã làm cho các bài thơ của thánh nhân ý nghĩa hơn, hay và mượt mà hơn, tô điểm và mặc thêm bộ áo để các bài thơ ấy tươi sáng, rực rỡ và duyên dáng hơn.

Người đời thường nói "dịch" là "diệt". Nhưng với vị giáo sư này thì làm ngược lại, nghĩa là cho nó sống động hơn, đầy cảm xúc hơn qua nghệ thuật văn chương và thơ phú trời ban cho ông ta. Chính vì lẽ đó, các bài thơ ấy đã lôi cuốn tôi và tạo cho tôi nguồn cảm hứng lạ thường, điều mà những người làm công việc của nghệ thuật và của âm nhạc rất cần thiết và cần có để khai triển. Nguồn cảm hứng ấy đã giúp tôi hoàn thành mười ca khúc phổ từ hai mươi lăm bài thơ kiệt tác đó. Tôi chọn chủ đề "Lời Kinh nguyện" đặt tên cho cuốn CD gồm 10 ca khúc phổ thơ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II này.


Một bài thơ hay và ý vị, ắt phải hội đủ những yếu tố cần thiết về bố cục, ý nghĩa, văn chương, cách gọt chữ, vần điệu, câu cú và điệp từ như tôi đã nói ở trên, nhất là chiều sâu của bài thơ. Tạ ơn Chúa, Giáo sư Lê Đình Thông đã có và đã đạt được những điều đó.

Những thế hệ trước đã có các nhà thơ công giáo để đời như Hàn Mặc Tử. Lời thơ của vị này sâu thẳm, chúng ta có thể thấy máu và nước mắt trong từng câu thơ qua sự đau đớn và hy sinh về thể xác, nhưng cũng cho chúng ta cảm nghiệm cái tinh thần luôn biết cậy trông và phó thác. Gần đây có nhà thơ Xuân Ly Băng với các nhà thơ tiếng tăm khác. Và hôm nay chúng ta có thêm Giáo sư Lê Đình Thông, một nhà thơ và một người dịch thơ tuyệt vời.

Không phải là điều tự nhiên sắp xếp ý định của con người. Sự hiện diện hiếm có của vị giáo sư này trong những bài thơ của thánh nhân, tôi nghĩ cũng là Thiên định. Như tôi đã nói ngay từ đầu và hay lập lại. Tôi đã nói gì ? Thưa tôi đã nói rằng: Tất cả những gì liên quan nơi thánh nhân là huyền nhiệm và tôi tin tưởng điều đó. Vì: "Một sợi tóc trên đầu rơi xuống, cũng là thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa".

Trong sách Luận Ngữ có câu mà Đức Khổng Tử khuyên chúng ta rằng: "Hãy lấy Đạo làm Hướng, lấy Đức làm Gốc, lấy Nhân làm Nơi Nương Tựa và lấy Nghệ làm Niềm Vui"

Quả thật, Giáo sư Lê Đình Thông còn làm hơn thế, vì tất cả công việc mà ông đang thực hiện không những chỉ để làm niềm vui cho riêng mình, mà còn lấy Nghệ Thuật để loan báo Tin Mừng giữa thế giới chao đảo hôm nay.

Văn Duy Tùng
-----------------------------------------------------------
Một số bài hát trong cuốn CD Lời Kinh Nguyện
Thơ: Thánh Gioan Phaolô II
Chuyển ngữ: Lê Đình Thông
Phổ nhạc: Văn Duy Tùng (Phiên khúc 2 trong bài hát Mùa Lúa Mới là của tôi viết thêm)
Với sự đóng góp của Nghệ sĩ Trúc Tiên qua các diễn ảnh của những bài hát.

- Kinh Hòa Bình: 
- Bài Thánh Vịnh:
- Nhận Định: