Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Đôi Bờ - Nhạc Nga Lời Việt - Thảo Vân


Sáng Tác: Nhạc Nga Lời Việt
Ca Sĩ: Thảo Vân
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Tháng 7 Sang Mùa



Nhụy hoa Cúc hé môi cuời
Mưa Thu rơi nhẹ xuống đời lao xao
Anh đi em biết dỗi hờn
Đìu hiu hẽm nhỏ đèn lên phố dài.

Em về gói lọn tóc mai
Dấu trong ngăn tủ đợi hoài ngày mưa
Sáng nay tháng 7 sang mùa
Nhớ anh thường nói cợt đùa khó quên.

Anh thường nói yêu mình em
Sông sâu nước chảy êm đềm hoa trôi
Hóa ra chỉ là đầu môi
Như sương lắng đọng bên đồi giởn nhau.

Hoa xưa nay đã nát nhàu
Người xưa nay đã bạc đầu lãng quên
Anh vui dạ khúc mông mênh
Em buồn gối mộng cạnh bên ni sầu.

Ước gì anh đi thật lâu
Cho quên nỗi nhớ tình đầu sông quê…

Dương hồng Thủy
25/07/2019

Nghĩ Suy - Suy Ngẫm



Bài Xướng:

Nghĩ Suy 


Sao mình lại lắm phút giây thừa
Cứ mãi mơ màng với võng đưa
Lặng ngắm ngày trôi từng nhịp lắc
Thêm buồn gác lạnh mỗi chiều mưa
Bao năm học hỏi chừng vô nghĩa
Nửa kiếp qua rồi mộng vẫn chưa
Thắng bại phải chăng tùy số vận
Hay là lực mỏng lẫn tài thưa

Quên Đi
***
Bài Họa:

Suy Ngẫm 


Chí lớn tài cao đã có thừa
Chờ thời mượn võng để đu đưa
Tư bề quạnh quẽ lùa cơn gió
Gác lạnh đìu hiu lắng tiếng mưa
Ngẫm lại thành danh sao mãi thế
Suy đi đỗ đạt vẫn như chưa
Quyền cao trí rỗng lòng thêm ngấy
Chán vạn người hầu kẻ dạ thưa 

Kim Phượng
***
Tâm Sự Riêng mình

Tháng ngày tựa cánh én thoi đưa
Thời tiết dần xoay mãi nắng mưa
Đất khách bao năm mà vẫn lạ
Hồn quê trọn kiếp lại không thừa
Đìu hiu gác trọ lòng đau hẳn!
Quạnh quẽ trời xa dạ thấu chưa?
Thân phận lạc loài ,vui giả tạo
Vùi đầu chăn gối,tóc lưa thưa!

songquang
20190729

Điệu Hoài Lang Trên Phà Vàm Cống - Tơ Sầu



Bài Xướng:
Điệu Hoài Lang Trên Phà Vàm Cống


Qua phà nghe Dạ Cổ Hoài Lang
Áo não, lời ca xé ruột gan
Thương kẻ xông pha nơi gió bụi
Xót người chờ đợi chốn gia trang
Đường xa, ong bướm xin đừng vướng
Đêm vắng, nguyệt hoa quyết chẳng màng
Son sắt giữ tròn câu thệ ước
Mong ngày sum họp vẹn tào khang

Phương Hà
***
Bài Họa:
Tơ Sầu

Ngày này năm ngoái biệt tình lang 
Lòng thiếp thảm sầu thắt ruột gan 
Se sắt đàn xưa tơ mấy khúc 
Nhạt nhòa thư cũ lệ từng trang 
Thời gian vằng vặc không xao xuyến 
Ong bướm nhởn nhơ chẳng có màng 
Dẫu biết tình đời hay bạc bẽo 
Chúc người bến mới được an khang 

Mailoc

Cali 3-16-14

Thơ Nguyễn Trãi - Thơ Tỏ Ý Chán Nản Muốn Về Nghỉ Hưu


Thơ Nguyễn Trãi
Thơ Tỏ Ý Chán Nản Muốn Về Nghỉ Hưu

1. Bài thơ  Ngẫu Thành:

偶成                         Ngẫu Thành

世上黃梁一夢餘, Thế thượng Hoàng lương nhất mộng dư,
覺來萬事總成虛。 Giác lai vạn sự tổng thành hư.
如今只愛山中住, Như kim chỉ ái sơn trung trú,
結屋花邊讀舊書。 Kết ốc hoa biên độc cựu thư.

阮廌                                      Nguyễn Trãi 
***
Chú Thích:
- NGẪU THÀNH 偶成 : Ngẫu nhiên mà làm thành bài thơ. Ý muốn nói bài thơ là nỗi lòng của tác giả được hình thành một cách tự nhiên ngẫu hợp với tâm trạng của mình. Lòng đã muốn như thế nên mới hình thành lời thơ như thế. Nói là ngẫu nhiên làm thành chứ thực ra là do từ trong lòng mà làm ra đó vậy.
- HOÀNG LƯƠNG NHẤT MỘNG 黃梁一夢 : Ta gọi là Một Giấc Kê Vàng, để chỉ những gì hư ảo như một giấc mộng, không thể thực hiện được, và thường dùng để chỉ vinh hoa phú qúy như một giấc mộng, chỉ ngắn ngủi trong khoảnh khắc, chớp mắt đã không còn gì cả, theo tích sau đây :
Năm Đường Khai Nguyên thứ 7 (719), có chàng Lư Sinh thi rớt, cởi lừa về quê. Một hôm đi ngang qua đất Hàm Đan, ghé vào một lữ quán, gặp đạo sĩ Lữ Ông, đàm đạo rất tương đắc. Lư than bất đắc chí, Lữ Ông bèn đưa cho chàng chiếc gối bằng sành, sẵn thua buồn chàng bèn gối đầu lên gối mà ngủ, vừa lúc chủ quán vừa bắt nồi kê vàng (hoàng lương) lên nấu. Lư Sinh mộng thấy mình về quê cưới được Thôi Thị vừa đẹp lại vừa là con nhà giàu, lại thi đậu tiến sĩ, được thăng làm Thiểm Châu Mục, rồi Kinh Triệu Doãn. Cuối cùng vinh thăng Hộ Bộ Thượng Thơ kiêm Ngự Sử Đại Phu, Trung Thư Lệnh và cuối cùng được phong làm Yến Quốc Công. Năm đứa con đều được quan cao lộc cả, con gái thì gả vào nhà quyền qúy, Con cháu đầy nhà, vinh hoa phú qúy đến tột cùng. Đến năm 80 tuổi mới bị bệnh mà mất. Khi vừa đứt hơi, thì cũng chính là lúc Lư Sinh giật mình tỉnh dậy, thấy Lữ đạo sĩ vẫn còn ngồi đó, nồi kê vàng mà chủ quán đang nấu vẫn còn chưa chín. Lư Sinh chợt tỉnh ngộ, mấy mươi năm phú qúy vinh hoa rốt cuộc chỉ là một giấc mộng ngắn ngủi mà thôi!

- GIÁC LAI 覺來 : Tỉnh lại (sau giấc ngủ).
- HƯ 虛 : là Trống không, không có gì cả !
- KẾT ỐC 結屋 : Kết một căn nhà (bằng cỏ, bằng lá ...)

Nghĩa bài Thơ:

Cuộc sống trên đời nầy giống như là sau một giấc hoàng lương. Sau khi tỉnh lại rồi thì muôn việc đều là con số không. Như hiện nay thì ta chỉ thích ở ẩn trong núi, kết một gian nhà tranh cạnh những khóm hoa mà đọc sách cũ của ngày xưa mà thôi!

Diễn Nôm:
Ngẫu Thành

Cuộc đời vốn tựa giấc hoàng lương,
Tỉnh mộng muôn điều tựa khói sương.
Về núi thích sao bên hoa dại,
Kết tranh đọc sách chẳng buồn thương.

Lục bát:

Người đời như giấc kê vàng,
Tỉnh ra muôn việc tan như mây trời.
Chi bằng về núi thảnh thơi,
Bên hoa kết mái tranh ngồi đọc thư.

Đỗ Chiêu Đức

2. Bài thơ Vãn Lập:

晚立                        Vãn Lập

長天漠漠水悠悠, Trường thiên mạc mạc thủy du du,
黃落山河屬暮秋。 Hoàng lạc sơn hà thuộc mộ thu.
羨殺花邊雙白鳥, Hâm sát hoa biên song bạch điểu,
人間累不到滄洲。 Nhân gian lụy bất đáo thương châu!
阮廌                         Nguyễn Trãi 

Chú Thích:
- VÃN LẬP 晚立 : VÃN là Buổi chiều gần tối; LẬP là Đứng. Nên VÃN LẬP là Đứng ngắm cảnh chiều tối.
- HOÀNG LẠC 黃落 : là Vàng rụng, là Lá mùa thu vàng rơi rụng.
- HÂM SÁT 羨殺 : HÂM là Hâm mộ; SÁT là giết, là chết. Sát ở đây là Phó Từ dùng để chỉ mức độ của Động từ. Nên HÂM SÁT là : Hâm Mộ muốn chết; Ý chỉ Rất là hâm mộ, Hâm mộ vô cùng !
- NHÂN GIAN LỤY 人間累 : là Cái lụy phiền của nhân gian người đời.
- THƯƠNG CHÂU 滄洲 : là Cồn bãi, thường ngụ ý dùng để chỉ nơi ở ẩn nhàn hạ.

Nghĩa Bài Thơ:
Đứng Ngắm Trời Chiều

Trời rộng thênh thang mơ màng dưới dòng nước chảy lửng lờ. Lá vàng rụng đầy cả núi cả sông trời đã thuộc về cuối mùa thu rồi. Ta vô cùng hâm mộ đôi chim trắng bay lượn bên hoa đang nở rộ. Cái lụy phiền của nhân gian không thể đến được với mảnh đất thương châu nhàn nhã nầy!

* Diễn Nôm:
Vãn Lập

Trời cao lồng lộng nước mênh mông,
Lá rụng chiều thu khắp núi sông.
Hâm mộ thay đôi chim trắng lượn,
Người đời phiền muộn khó chờ trông.

Lục bát:

Trời cao rộng, nước mênh mông,
Lá vàng rụng khắp núi sông thu buồn.
Bên hoa chim trắng chập chờn,
Nhân gian phiền muộn chẳng còn nơi đây!

Đỗ Chiêu Đức


3. Bài thơ Đề  Sơn Điểu Hô Nhân Đ

題山鳥呼人圖         Đề  Sơn Điểu Hô Nhân Đ

深山寂寂鳥呼人, Thâm sơn tịch tịch điểu hô nhân,
畫裏看來亦逼真。 Họa lý khán lai diệc bức chân.
閒掛午窗朝退日, Nhàn quải ngọ song triều thoái nhật,
夢回疑是故園春。 Mộng hồi nghi thị cố viên xuân.
阮廌                                      Nguyễn Trãi 

* Chú Thích:
- SƠN ĐIỂU HÔ NHÂN 山鳥呼人 : là Chim trong núi mời gọi người.
- BỨC CHÂN 逼真 : Sát với sự thật; (vẽ) Gần như thật.
- TRIỀU THOÁI 朝退 : là Thoái Triều, lúc tan chầu vua ra về.
- CỐ VIÊN 故園 : Vườn cũ, chỉ Quê xưa.

* Nghĩa Bài Thơ:

Đề Bức Họa Chim Núi Gọi Người

Trong cảnh núi sâu vắng vẻ nầy tiếng chim như mời gọi người. Bức họa rất sống động xem gần như là cảnh thật vậy. Mỗi ngày khi tan chầu rảnh rổi ta treo nó trước song cửa để nhìn ngắm, mà ngỡ như mơ về vườn xuân nơi quê cũ.

* Diễn Nôm:

Đề  Sơn Điểu Hô Nhân Đ

Núi sâu vắng vẻ tiếng chim mời, 
Tranh vẽ truyền thần cảnh thảnh thơi.
Treo ở cửa song tan chầu ngắm,
Ngỡ như quê cũ lúc xuân thời !

Lục bát:
Núi sâu vắng, tiếng chim kêu,
Bức tranh như thật gợi nhiều ước mơ.
Tan chầu treo ở song thơ,
Vườn xuân quê cũ ngẩn ngơ mộng hồn!

Đỗ Chiêu Đức


4. Bài thơ Đề Đông Sơn Tự

題東山寺                 Đề Đông Sơn Tự
君親一念久嬰懷, Quân thân nhất niệm cửu anh hoài,
澗愧林慚夙願乖。 Giản quý lâm tàm túc nguyện quai.
三十餘年塵境夢, Tam thập dư niên trần cảnh mộng,
數聲啼鳥喚初回。 Sổ thanh đề điểu hoán sơ hồi.

* Chú Thích:
- ĐÔNG SƠN TỰ 東山寺 : Tên một ngôi chùa tại xã Vĩnh Lũ, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.
- QUÂN THÂN 君親 : QUÂN là Vua; THÂN là Cha mẹ; chỉ trung với vua và hiếu thảo với cha mẹ.
- CỬU ANH HOÀI 久嬰懷 : Vấn vít mãi trong lòng.
- TÀM QÚY 慚愧 : là Thẹn thùa. GIẢN 澗 là Khe nước trong núi; LÂM 林 là Rừng. Nên GIẢN QÚY LÂM TÀM 澗愧林慚 : là Thẹn với suối thẹn với rừng.
- TÚC NGUYỆN 夙願 : Nguyện vọng ấp ủ từ lâu, là Lời nguyền cũ.
- QUAI 乖 : là Láu lỉnh, Trái ngược.
- SỔ 數 : SỔ (dấu hỏi) Động từ có nghĩa là Đếm; Hình Dung từ có nghĩa là Mấy; Danh từ đọc là SỐ (dấu sắc) : là Con số. Trong bài thơ là Hình Dung từ SỔ THANH 數聲là Mấy tiếng (chim kêu). 

* Nghĩa bài Thơ:

Đề Đông Sơn Tự

Cái quan niệm về Quân Thân lâu nay vẫn cứ vấn vít mãi trong lòng. Nên ta mới đành thẹn với suối với rừng mà đi ngược lại cái tâm nguyện lâu nay của mình. Hơn ba mươi năm lăn lóc trong cảnh trần đời thoáng qua như một giấc mộng. Mấy tiếng chim hót gọi dậy trong ta những nguyện ước lúc ban đầu.

Như cụ Nguyễn Công Trứ đã nói "... Sắp hai chữ QUÂN THÂN mà gánh vác", nên Nguyễn Trải vẫn cứ phải bận lòng mãi với Trung với Hiếu mà đành thẹn với suối với rừng, không thực hiện được tâm nguyện của mình là về sống ấn cư nhàn tản với núi rừng như đã từng ao ước. Ba mươi mấy năm lăn lóc trong trường danh lợi, trong chốn quan trường, chợt nghe tiếng chim hót líu lo mới giật mình mà muốn quay đầu sống với những ước nguyện của buổi ban đầu : Về hưu hưởng nhàn!

* Diễn Nôm:

Đề Đông Sơn Tự

Vấn vít quân thân suốt một đời,
Thẹn cùng rừng núi lỡ rong chơi.
Ba mươi năm lẻ đời như mộng,
Mấy tiếng chim kêu chợt ngẩn người!

Lục bát:
Quân thân ràng buộc một đời,
Thẹn cùng rừng núi sai lời nguyền xưa.
Ba mươi năm mấy nắng mưa,
Chim kêu tỉnh mộng như vừa hôm qua!

Đỗ Chiêu Đức


5. Bài thơ Hải Khẩu Dạ Bạc Hữu Cảm

海口夜泊有感         Hải Khẩu Dạ Bạc Hữu Cảm
湖海年來興未闌, Hồ hải niên lai hứng vị lan,
乾坤到處覺心寬。 Càn khôn đáo xứ giác tâm khoan.
眼邊春色薰人醉, Nhỡn biên xuân sắc huân nhân túy,
枕上潮聲入夢寒。 Chẩm thượng triều thanh nhập mộng hàn.
歲月無情雙鬢白, Tuế nguyệt vô tình song mấn bạch,
君親在念寸心丹。 Quân thân tại niệm thốn tâm đan.
一生事業殊堪笑, Nhất sinh sự nghiệp thù kham tiếu,
嬴得虛名落世間。 Doanh đắc hư danh lạc thế gian !

* Chú Thích:
- HỨNG 興: là Cảm hứng. Nếu đọc là HƯNG thì có nghĩa là Nổi dậy.
- LAN 闌: là Sắp hết, sắp tàn. HỨNG VỊ LAN 興未闌 : là Rất còn hứng thú chưa tàn phai. 
- ĐÁO XỨ 到處: Nơi mà ta đến, nên có nghĩa là KHẮP NƠI.
- HUÂN 薰: Có THẢO ĐẦU nên có nghĩa là một loại cỏ thơm, là Hơi thơm.
- TRIỀU THANH 潮聲 : là Tiếng sóng.
- THÙ 殊: là Đắc biệt, là Chấm dứt. THÙ KHAM TIẾU 殊堪笑 : Là Chấm dứt một cách khá buồn cười.
- LẠC 落 : là Rụng, Rơi, Rớt. LẠC THẾ GIAN 落世間 : là Còn Rơi rớt lại, còn để lại trên đời.

* Nghĩa Bài Thơ:
Cảm Hứng Đêm Đậu Thuyền Ở Cửa Biển

Những năm gần đây sống kiếp hải hồ nhưng cái hứng vẫn chưa tàn; Cảnh trời đất khắp nơi đều làm cho lòng ta cảm thấy khoan khoái. Trước mắt ta mùi hương của sắc xuân làm say đắm lòng người, tiếng sóng trên sông nước đưa ta vào giấc ngủ lạnh lẽo. Ngày tháng qua đi một cách vô tình, khiến cho hai bên tóc mai đà bạc trắng, mà tấc lòng trung hiếu vẫn phải gìn giữ sắt son. Sự nghiệp một đời chấm dứt một cách đáng buồn cười, vì chỉ có được chút hư danh để lại cho thế gian mà thôi !

* Diễn Nôm:
Hải Khẩu Dạ Bạc Hữu Cảm

Mấy năm hồ hải hứng chưa tàn,
Trời đất khắp nơi thảy chứa chan.
Xuân sắc thoảng hương người chếnh choáng,
Sóng sông đưa lạnh mộng lan man.
Vụt vù năm tháng đầu đà bạc,
Canh cánh hiếu trung dạ chửa an.
Sự nghiệp một đời cười chấm dứt,
Hư danh còn chút để dân gian!

Lục bát:

Giang hồ cảm hứng chưa tàn,
Khắp nơi trời đất đều khoan khoái lòng.
Hương xuân ngây ngất mênh mông
Rì rào bên gối sóng sông mơ màng.
Bạc đầu năm tháng thời gian,
Hiếu trung giữ vẹn riêng mang tấc lòng.
Một đời sự nghiệp hư không,
Khẩy cười một tiếng theo dòng thế gian!

Đỗ Chiêu Đức

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Nửa Đêm Thương Nhớ - Sáng Tác Hoàng Trang - Tiếng Hát Hoàng Kim Yến



Sáng Tác: Hoàng Trang
Tiếng Hát: Hoàng Kim Yến
Thực Hiện: Đặng Hùng

Lời Của Núi



Ta còn lại những gì trong quá vãng
Một quãng đời hoang phế đã buông xuôi
Đành gửi lại ở ngoài cơn bão loạn
Trên mội khô còn gọi tiếng yêu người

Trên tay đau còn níu dài tưởng nhớ
Cõi trời nào vang vọng bước ai đi
Người yêu dấu đã xa ta từ độ
Đời đang xanh, không ước hẹn quay về

Ta vẫn đứng im lìm trong dáng núi
Đá u buồn nên đá đóng khung rêu
Theo năm tháng qua dần, quên mất tuổi
Vòng thời gian vẫn lẳng lặng quay đều

Ta vẫn đứng giữa đời nghe gió hú
Trời mênh mông, biển lồng lộng muôn trùng
Đau khắc khoải theo từng cơn mộng dữ
Khóa linh hồn sau cánh cửa mê cung

Nguyễn Kinh Bắc


La Tombe d’Amante - Victor Hugo (1802-1885) - Mộ Người Yêu



La Tombe d’Amante

Demain dès l'aube, à l’heure où blanchit la campagne,
Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m’attends.
J’irai par la forêt, j’irai par la montagne.
Je ne puis demeurer loin de toi plus lomgtemps

Je marcherai les yeux fixés sur mes pensées
Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit
Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées
Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit

Je ne regardai ni l’or du soir qui tombe
Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur
Et quand j’arriverai, je mettrai sur ta tombe
Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.

Victor Hugo (1802-1885)
***
Dị
ch Thơ:

Mộ Người Yêu

Đồng quê còn sớm tinh sương
Biết em mong đợi lên đường từ lâu
Băng rừng vượt núi anh mau
Anh đâu muốn ở xa nhau bấy chừ.
Đăm đăm đôi mắt suy tư
Không nghe không thấy cảnh từ hai bên
Cô đơn xa lạ buồn tênh
Xót xa kẻ sống ngày đêm chẳng màng.
Nắng vàng len lỏi ngày tàn
Xa xa nào thấy nghĩa trang sương chiều
Đặt trên nấm mộ người yêu
Bó hoa tươi thắm dim kiều, nhớ em!

Phí Minh Tâm
***
Mộ Người Yêu

Ngày mai loé ánh bình minh
Làng quê còn phủ trắng inh sương mờ
Ra đi biết đang mong chờ
Vượt núi băng rừng chẳng nỡ thiếu em
Suy tư mắt đăm chiêu thêm
Tiếng động cảnh vật hai bên không màng
Nỗi buồn đơn độc riêng mang
Mặt trời rạng ngỡ đêm đang buông màn
Chiều len nắng úa nhạt vàng
Tối trời phủ xuống nghĩa trang tiêu điều
Đây rồi! Nấm mộ dấu yêu
Đặt cành hoa thắm khơi nhiều luyến thương!

Kim Oanh
***
Sớm Mai
 
Ngày mai từ lúc rạng đông
Khi bình minh rọi trắng vùng thôn quê
Cha băng rừng núí, con chờ
Còn cha không thể xa dời con lâu
Chân đi mắt để trong tâm
Chẳng màng nghe ngóng hay trông ngắm gì
Lom khom, xa lạ, một mình
Buồn nên ngày cũng như đêm thôi mà.
Mắt không nhìn ánh dương tà
Hay buồm xuôi hướng Harfleur xa vời
Khi nào cha đã tới nơi
Viếng con một bó ô-rô trên mồ.

ChinhNguyen/H.N.T.

 Mar.2016
***
Ngày Mai, Mờ Sáng…

Ngày mai, khi cánh đồng vừa rạng
Lên đường ngay buổi sáng. Biết đang chờ
Băng qua rừng núi tinh mơ
Xa nhau chẳng thể ơ hờ lâu hơn…
Ta bước đi trí luôn suy tưởng
Chẳng thấy gì, chẳng vướng âm thanh
Lưng còng, tay chéo, vô danh
Lòng buồn, ngày hạ cũng thành đêm đông
Chẳng nhìn ngắm ráng hồng buông xuống
Lẫn buồm xa xuôi hướng Harfleur
Đến nơi cha đặt lên mồ
Bó hoa thạch thảo, ô rô ngậm ngùi!!!

Lộc Bắc
Mai17
***
Mai, Vưà Hửng Sáng

Mai, đồng vưà hửng sáng thôi
Ta lên đường bởi biết người chờ mong
Ta đi, vượt núi, băng rừng
Xa nhau mỗi kẻ mỗi phương chẳng đành.

Ta đi, trĩu nặng tâm tình
Tai nghe như điếc, mắt nhìn như đui
Lưng còng, tay chắp, lạc loài
Lòng buồn thấy cảnh ban ngày như đêm.

Chiều vàng nắng xế chẳng nhìn
Luôn cánh buồm ấy xuôi miền Harfleur
Tới rồi, ta đặt trên mồ
Chùm hoa thạch thảo, ô-rô xanh rờn.
(Trầm Tư – 1856)

Hoàng Xuân Thảo
***
Bản Anh ngữ

Tomorrow, at dawn, in the hour when the countryside whitens
I’ll leave. You see, I know that you are waiting for me
I’ll go by the forest, I ‘ll go by the mountain
I can’t stay far from you any longer.

I’ll go, the eyes fixed on my thoughts
Without seeing anything outside, nor hearing any sound
Alone, unknown, the back curved, the hands crossed
Sad, and the day for me will be like the night.

I’ll not look at the gold of the evening which falls
Nor the faraway sails descending towards Harfleur
And when I arrive, I’ll put on your tomb
A green bouquet of holly and of flowering heather.

Hoàng Xuân Thảo
Xứ Lá Phong , Muà thu 2017
***
Chú Giài:

Bài thơ này Victor Hugo viết năm 1847, vào ngày giỗ thứ tư của con gái lớn Léopoldine Hugo, đã chết cùng chồng mới cưới vì đắm tàu trên sông Seine, thị trấn Villequier, vùng Normandie. 

Bài thơ gồm ba đoạn: 

Đoạn đầu tả cuộc khởi hành lúc tờ mờ sáng và hành trình băng rừng, vượt núi để tới với người thương yêu vì không chịu nổi sự chia cách nữa, khiến ta tưởng tượng người ông sắp gặp hẳn là một người yêu đang mong chờ ông. 

Đoạn hai gợi lên nỗi buồn rầu trong khi đi đường, lòng chỉ nghĩ tới người yêu, mắt chẳng buồn nhìn, tai chẳng buồn nghe, cảm thấy cô đơn, lạc loài, lưng đi khom khom, tay bắt chéo và thấy cảnh ngày cũng như đêm mà thôi vì lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. 

Đoạn ba còn thảm thiết hơn nữa, bước đi trong bóng chiều vàng rơi mà cũng chẳng biết, cả cánh buồm trên sông đang trôi xuôi về bến Harfleur trong khi ông đang đi trên bờ cũng không buồn nhìn nữa. Rồi đột nhiên có sự chuyển biến ở hai câu cuối khiến người đọc tưng hửng, hóa ra ông chẳng đi thăm người yêu như ta tưởng nghĩ mà ông đi thăm mộ con gái qua một ngày đường từ lúc sáng tinh mơ tới chiều tối khi nắng đã tắt. Hai câu tuyệt cú này khiến người đọc xúc động và xao xuyến trong lòng. 

Hoa thạch thảo thường nở vào cuối thu khi các loài hoa khác đã tàn, hoa còn tượng trưng cho sự mỏng manh, yếu đuối nhưng tràn đầy nữ tính và đặc biệt nhắc nhở nỗi thương nhớ không bao giờ nguôi cho tới chết. Hoa ô rô cũng nở vào cuối thu nhưng lá lúc nào cũng xanh tươi, tượng trương cho sự tái tạo, ý niệm bất tử. Nhà thơ đã thành công trong niềm mong muốn con gái ông còn sống mãi vì mỗi khi đọc tới bài thơ này là người đời lại nhớ tới Léopoldine và bài “ Mai, vưà hửng sáng” cũng là một trong những bài thơ của Victor Hugo mà người đời yêu thích nhất. 

Về thi pháp, ông dùng cách đối thoại với “thì hiện tại/temps présent” trong đoạn đầu khiến ta tưởng người ông đi thăm còn đang sống nơi xa xôi đâu đó. Ông lại nhắc đi nhắc lại chữ Ta và các chữ Đi chứng tỏ quyết tâm đi thăm của ông dù đường xa, rừng ngăn, núi cách. Ông gợi cho ta cảm thấy nỗi buồn mênh mông trong lòng ông qua những hình ảnh miêu tả ở đoạn hai mà tuyệt nhiên không hề kêu ca, than vãn gì cả. Đọc tới gần hết bài thơ ta vẫn tưởng đây là một bài tình ca để rồi chới với khi hay ra ông đem hoa đặt trên mộ con gái ông và bài thơ bỗng mang lại ý tưởng một bài tưởng niệm. Ông còn cắt nhịp trong mỗi câu, câu ba nhịp 6/6, câu bốn và câu sáu nhịp 3/3/3/3, câu năm nhịp 4/4/4 trở lại nhịp 6/6 ở câu chín và câu 11. Sự cắt nhịp tượng thanh cho tiếng nức nở với những hàng lệ khi vắn khi dài trong lòng người cha. Bài thơ còn đặc sắc ở chỗ gợi lên tình cảm trải rộng theo không gian và trải dài theo thời gian. Trước hết là những hình tượng trong không gian: cánh đồng, rừng, núi, ngoại cảnh mà ông chẳng buồn nhìn, con thuyền, bến Harfleur, mộ chí; còn về thời gian: ngày mai, vừa hửng sáng, ngày đêm, bóng chiều vàng rơi, thuyền xuôi, khi ta tới nơi. 

Tóm lại, bài thơ đưa ta từ sự tưởng tượng ra một bản tình ca giữa hai tình nhân tới một sự thật là một bài hoài niệm của một người cha đối với một người con gái. Bài thơ có những đặc tính của trường phái lãng mạn với sự miêu tả thiên nhiên qua các phong cảnh và sự diễn tả tâm trạng cô đơn cùng sự trầm tư của tác giả.

Động Đất Tại Nam California

Động Đất tại Nam California (4-5/7/2019)

Đề  Thơ: 


Trái đất nóng lên nửa độ thôi
Đã gây động đất lẫn thiên tai
Em cũng hơn nhau chừng nửa độ
Hèn chi, ta một kiếp chơi vơi!

Hoàng Xuân Thảo
***

Họa Thơ:
Tai Ách...

Cũng rung, cũng nẩy chút rồi thôi
Em đến rồi đi thật thiện tai
Khe nứt, tình loang còn mấy độ
Qua rồi năm tháng những đầy vơi!!!

Lộc Bắc
***
Vợ Bệnh Parkinson

Địa cầu mới nóng tí ti thôi
Động đất sinh ra lắm nạn tai
Vợ bệnh nằm lâu thêm chục ký
Nỗi buồn Lạc Thủy tát sao vơi?

Lạc Thủy Đỗ Qúy Bái
***
Y Đề

Cũng phải đến lúc chia tay thôi,
Thiên-tai không chọn em cùng tôi,
Nàng chết mà xác ta tăng độ,
Còn lại một mình thấy chơi-vơi!

Lê Xuân Cảnh
***
Tranh Nhau

Trời đất con người cũng thế thôi!
Thiên tai ít hại sánh nhân tai.
Tranh nhau được mất một hai miếng,
Kết cuộc rồi ai cũng bị vơi.

Phí Minh Tâm
***
Một nửa góc nhìn, chỉ thế thôi
Mà ta đã ô hô ai tai
Hồn vía bỗng đâu bay mất hết
Chẳng còn phân biệt ni đầy, vơi.

Mùi Quý Bồng
***
Các Bài Cảm Đề:

Địa trấn, đường nứt, đất rung
Cảnh trời thay đổi mung lung ai ngờ
Anh yêu em ô mai mơ
Trời long đất lở tình thơ luôn còn.

Đồ Cóc
***
Đất rung, đường vỡ, nhà xiêu,
Em rung, ta cũng tiêu điều tấm thân,
Cùng nhau đi trọn đường trần,
Tim ai chừng đã bao lần rụng rơi.

Bát Sách

***
Trái đất dù chấn động
Đường đời dù hiểm nguy
Viễn tượng chết hay sống
Thì ta vẫn ù lỳ.

Tuấn Hoàng

Vổ Bụng Rau Và Không Khóa Cửa Ngõ


Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no

Đêm năm canh an giấc ngáy pho pho, đời thái bình cửa thường bỏ ngõ
A Ha! Mấy người được hạnh phúc như Uy Viễn Tướng Công!!!

Người tầm sư học đạo, không nên học Đào Tiềm, Thánh Thán nói làm thế e rằng con cháu sau này sẽ ... bốc phân!
Không nên học Thích Ca, e rằng con cháu(?) sau này sẽ ... khất thực!
Không nên học Khổng Mạnh, e rằng con cháu sau này sẽ cầu cạnh bốn phương
Chẳng nên học Lão Trang, e rằng sẽ vô vi, không làm gì cả, vì nhiều người sẽ cho là ... ăn bám!
Không nên như Thân Bao Tư đứng giữa sân người khóc bảy ngày!
Không bắt chước Tiết Đinh San , mỗi bước mỗi lạy... chỉ cầu cho được việc!
Không lập dị như ông Đạo dừa, ngồi trên đọt cây, tối ngày uống nước dừa ... Ông tặng tòa Đại Sứ Mỹ một cái lồng nuôi chung một con mèo và một con chuột(!) để cầu cho ... hòa bình!!!

A Ha! Tôi về già cũng đủ: Cơm ăn ba bữa, quần áo mặc suốt ngày!
Tôi trồng rất nhiều Bonsai nhỏ xíu, để trước cửa, không rào khóa, không hề mất một cây!!! vì con nít không khoái! 
Ông già làm biếng mướn người ăn trộm! Mà ăn trộm bây giờ... quý tộc lắm! Tụi nó lấy Honda, xe hơi, mở két sắt!!!

Tôi không sợ con cháu sau này ... bốc phân!!! vì chúng sẽ hiện đại hóa trồng tỉa! Biến đổi gen! Nhà kiếng! Máy đo độ ẩm mặt đất, không khí! Quạt máy thông gió cho cây! Máy đo nhiệt mặt trời! Máy phun sương. 
Các bạn ơi! Tôi nào dám sánh với người xưa! 

Nhưng cứ: 
Ngày ba bữa vổ bụng rau bình bịch và ... ăn chẳng cầu no.
và: 
Lên cao hát một tiếng dài
Xuống dòng nước chảy ngâm vài bốn câu
Hình thể này mặc dầu tạo hóa
Tới lúc nào hết cả thì thôi
Lòng ta phó với mệnh trời
Đừng ngờ chi nữa cứ vui vẻ hoài. 

Chân Diện Mục

Gia Đình Chị Minh Hồ Đào Cảm Tạ

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Hoa Hướng Dương ( Port Fairy, South-Western Victoria, Australia)


Trăm hoa nhả mỗi sắc hồng
Yêu thương trọn gửi hoa lòng Hướng Dương
Dẫu mà thiếu sắc kém hương
Ẩn tình trong cái tầm thường loài hoa
Phụ nhau gần ngỡ như xa
Phương dù đổi hướng xoay qua mặt trời
Yêu nhau tình mãi cao vời
Trăm nghìn trắc trở một đời thủy chung
Còn đây trong cõi muôn trùng
Nghìn thương đổ lại một vùng chói chang

Kim Phượng
 (Vùng Port Fairy, South-Western Victoria, Australia)






Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Hướng Dương Vùng Port Fairy(Port Fairy is a Coastal town in South-Western Victoria, Australia)

Vòng Tay Giai Nhân



Em đó ư? Anh ngỡ ngàng xúc động
Cả khung Trời biến đổi sắc yêu thương
Trong lòng anh một niềm vui rộn rã
Bóng hình Em luôn ẩn hiện vấn vương

Anh xin thức mãi ru Em vào mộng
Ngủ cho say đầy mật ngọt bờ môi
Xin cho Em, trọn một đời sung sướng
Khắp trần gian muôn vạn vật nhường ngôi

Anh ao ước bên đời luôn có Em
Để hồn anh chiêm ngưỡng trước dung nhan
Cho đắm say chan hòa hoa muôn sắc
Và tình yêu muôn thuở với thời gian

Em hỡi Em hãy thì thầm âu yếm
Giọng ngọt ngào xoa dịu những niềm đau
Làn hương tỏa hòa trong hơi thở nhẹ
Ru hồn anh lạc thế giới nhiệm mầu

Biết bao năm giá băng đầy muôn lối
Hồn bơ vơ lạc lõng giữa trần gian
Lòng anh đó có bao giờ mơ ước
Dù một lần trong vòng tay GIAI NHÂN!

Mặc Khách

Cảm Hoa



Ngắm sen những ngậm ngùi
Hoa đẹp như quý nhân
Giữa mịt mùng gió lộng
Bàn tay nào đỡ thân?

Từng đóa sen hương ngát
Lung linh giữa bụi trần
Đôi mắt nào thương cảm
Nhìn sen như quý nhân?

Hay ngắt về chưng lọ
Để khứu giác được gần
Hít hà cho phỉ chí
Mặc hoa buồn tủi thân!

Sen quý cũng tơi bời
Sen thường cũng tàn tạ
Khi nước đầm pha đen
Từ nhà máy vừa xả!

Locphuc


Nàng Xuân



Nàng Xuân  

Nàng Xuân lần nữa tới cùng ta
Nàng đẹp sắc hương, dáng ngọc ngà.
Nàng đến chim rừng vang tiếng hát,
Nàng cười cây cỏ kết nên hoa,
Nàng nhìn vạn vật thay màu áo,
Nàng thở cho hơi ấm mọi nhà.
Nàng muốn bướm ong đừng bỡn cợt,
Nàng luôn bận rộn "khúc Xuân ca".

Khôi Nguyên
***
Họa: Xuân Mãn - Hè Sang

Xuân - Hạ nửa năm cuốn hút ta
Xuân - Hè sáu tháng cảm trăng ngà
Xuân về phơi phới muôn cây cỏ
Xuân đến du dương vạn sắc hoa
Xuân đó hân hoan chàng diện áo
Xuân đây hớn hở thiếp chưng nhà
Xuân vui hò hẹn bên nhau hát
Xuân mãn hứa hôn đám cưới ca...

Mai Xuân Thanh
Ngày 24/07/2019

Chuyện Tình Tôi



Bài Xướng:

Chuyện Tình Tôi

Nhờ thơ ...tôi đã biết yêu em
Mỗi lúc trăng khuya rọi trước thềm
Nghe thấy tim mình vui rộn rộn
Ngắm nhìn ánh Nguyệt dịu êm êm
Những mong đôi lứa tròn câu hẹn
Thầm ước hai ta vẹn nỗi niềm
Ngày tháng đong đầy mơ với mộng
Chuyện tình cứ thế mặn nồng thêm!

songquang
20190720
***
Các Bài Họa:
Chuyện Hẹn Hò

Lòng rộn ràng vui khi thấy em
Gót sen nhẹ bước đến bên thềm
Vạt tà mềm mại đầy đoan nhã
Giọng nói khoan hòa thật dịu êm
Nỗi nhớ tỏ bày say đắm nỗi...
Niềm mơ trao gởi thiết tha niềm...
Chiều qua song cửa nào hay biết
Sương xuống kề vai lại ấm thêm.

Sông Thu
***

Rộn Rã

Rộn rã chiều về phút đợi em
Lê thê mây trắng lướt qua thềm.
Con đường bàng bạc trăng huyền ảo
Bến nước mơ màng gió dịu êm.
Trìu mến làn môi thương mấy nỗi
Giận hờn mày liễu xót bao niềm.
Hương đêm dạ lý hoà mùi tóc
Ngây ngất đàn lòng đắm đuối thêm!

Mailoc
***

Cảm Tạ Nàng Thơ

Thiên ngôn vạn ngữ gửi về em
Lãng mạn hơn trăng lả dưới thềm
Buồng ngực phồng căng tuồng muốn rạn
Trái tim rạo rực chẳng nằm êm
Đôi vần “lục bát” thay ngàn hẹn
Một khúc “ca dao” nối triệu niềm
Phóng bút, lòng anh đây chắp cánh
Tình ta quyện thắm, tuyệt vời thêm…

Cao Bồi Già
21-07-2019
***
Dạ Quỳnh

“Họa 4 vần”

Mơn man ánh nguyệt xuống bên thềm
Tinh khiết dạ quỳnh đẹp quá em
Cũng bởi mùi thơm dìu đến sáng
Nên chừng hương sắc ủ qua đêm
Bướm ong nào có mơ tình cảnh
Sương gió cũng chưa thỏa nỗi niềm
Khuya khoắt trăng nhìn càng tiếc nuối
Sao thời gian chẳng kéo dài thêm

Như Thị
***

Duyên Thơ

Lai láng cuồng si khi biết em
Thắm như tơ nguyệt óng bên thềm
Từ ngôn chau chuốt hồn chân mộc
Câu chữ nồng say nét dịu êm
Dạ cảm trầm tư khơi khác cách
Lòng yêu sâu kín giữ riêng niềm
Một đời dan díu duyên thi bút
Quảng hoạt giao lưu diễm tuyệt thêm!

21-7-2019

Nguyễn Huy Khôi
***
Vàng Chìm

Vui sao, xướng họa nhận ra em

Buổi cuối chia tay nguyệt dọi thềm.
Kẻ bước theo chồng dòng lệ thảm
Nhờ người chăm mẹ chuyện nhà êm.
Ba Lê tráng lệ vang nhiều khúc
Móng Cáy hoang sơ trải lắm niềm ...
Thôi để qua “meo” tâm sự tiếp
Vàng chìm thấy lại rực màu thêm.

Trần Như Tùng
***
Tình Vui Mãi 

Song Quang thường sóng bước bên em (em Thơ)
Bất cứ thơ ai chuyển tới thềm
Chàng chẳng bao giờ ta thán vận
Ý càng bất tận xướng hoà êm
Chuyện tình nào cũng tưng bừng nỗi
Nghĩa bạn kia luôn rộn rã niềm
Nhật nguyệt trên vai chờ phóng bút
Thất ngôn bát cú đẹp lòng thêm... 

Hawthorne 23 - 7 - 2019

Cao Mỵ Nhân
***
Chiều Thu Nhớ Em

Chiều thu cảm thấy nhớ thương em!
Lác đác mưa rơi trước ngõ thềm.
Gác vắng đìu hiu sương xuống nhẹ,
Trăng khuya vàng vọt gió ru êm.
Con tim thổn thức xót xa nỗi,
Lữ khách thẫn thờ lưu luyến niềm.
Dạo ấy chia tay người mỗi ngả,
Nghe lòng lành lạnh tái tê thêm!

Ngô Văn Giai
***
Yêu Trăng 

Những lúc mưa về thật nhớ em
Trời đen rỉ rã giọt bên thềm
Hồn du nhạc khúc vầng trăng dịu
Trí lạc hương tình bóng tối êm
Bút hạ mơ màng theo lắm nỗi
Thơ buông lặng lẽ với đầy niềm
Vườn xuân nở nụ tràn ngây ngất
Nguyệt đẹp cho đời mộng mãi thêm

Minh Thuý
7/23/2019
***
Đêm Cô Đơn

Quạnh quẽ từng đêm không có em
Mình ta chờ đợi trước hiên thềm
Trăng vào lặng lẽ nhà im vắng
Đàn gảy bồn chồn khúc tịnh êm
Day dứt lòng sầu đau buốt dạ
Bâng khuâng nỗi nhớ xót xa niềm
Năm canh sao mãi dài vô tận
Ngắm bóng lạc loài nghe lạnh thêm.

Mai Phương

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Em, Ngọc Lan -Thơ Hồng Thúy- Nhạc Nguyễn Hữu Tân


Thơ: Hồng Thúy
Nhạc: Nguyễn Hữu Tân
Hòa: Âm Đỗ Hải 
Tiếng Hát: Thùy Dương

Một Bến Sông



Nắng hạ về trên cánh phượng hồng
Nỗi buồn hoa phượng nở từng bông
Mơ xa tiếng bước chân về vọng
Giục giã tơ lòng kẻ đợi mong
Lưu bút còn đây tình vẫn đọng
Ngày xanh đâu tá tóc pha bông
Bốn mùa có một mùa thương nhớ
Dẫn lối tôi về một bến sông.

Bằng Bùi Nguyên

Tương Biệt Dạ - Dạ Khúc



Xướng:
Tương Biệt  

Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vụt tới sao Khuê
Quý thay giây phút gần tương biệt
Vương vấn người đi với kẻ về
Ngồi suốt đêm trường chẳng nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh vừng giăng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?
Có giống như mình lưu luyến chăng?

Đã tắt lò hương lặng phím đàn
Thư phòng sắp sẵn để cô đơn
Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng
Một dãy sương theo vạn dặm buồn

Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu
Giăng mùa Xuân đó, ai tâm sự?
Anh đã xa rồi, anh biết đâu?


Huyền Kiêu
***
Xin góp họa:
Dạ Khúc


Mưu sinh bầm dập cực trăm bề
Đâu dám mơ màng chốn các khuê
Lòng tựa lửa thiêu khi hạ đến
Thân như lá xác buổi thu về
Bờ thương sông quạnh sao sương phủ
Bến nhớ đò khan mưa móc giăng
Vò võ cô phòng đau trở giấc
Người đi xa vắng thấu tình chăng?

Lay lắt đêm sâu lạnh tiếng đàn
Vườn hoang mờ ảo ánh trăng đơn
Trở trăn sáu khắc nghìn cơ khổ
Ray rứt năm canh vạn nỗi buồn
Nhân ngãi tàn hương vầy dạ nát
Tơ duyên đứt mối loạn tim sầu!
Thôi hoa thôi nguyệt thôi xuân mộng
Ai đó,...vô tình có biết đâu?!

16-7-2019
Nguyễn Huy Khôi

Cành Lan Hồ Điệp


Xướng:

Cành Lan Hồ Điệp

Người đã xa… còn gửi lại đây
Cành lan Hồ Điệp dáng thanh gầy
Sương rơi lác đác, hoa sầu rụng
Gió thở mù sa, bụi lấp đầy
Nắng đuối đuổi theo người viễn khách
Trăng tà xa dấu kẻ chân mây
Đêm tàn sao chẳng tan niềm nhớ
Rượu nhắp nồng hương… vương mắt cay

Kiều Mộng Hà
July 16, 2019
***

Các Bài Họa:

Trang Sinh Mơ Hồ Điệp

Chốn này ai biết chốn nào đây
Gậy trúc nón mê vóc hạc gầy
Chờ đợi mỏi mòn trăng ẩn hiện
Nhớ thương khắc khoải lệ vơi đầy
Ra đi vần vũ trời dông bão
Trở lại sương mù lọn tóc mây
Hồ Điệp mơ màng đêm hoá bướm
Trang Sinh tỉnh mộng mắt cay cay

July 16, 2019

Hồ Công Tâm
***
Tha Hương

Bao năm dầu dãi ở nơi đây
Cố quốc giờ đâu bóng mẹ gầy?
Đã thấy cuộc đời vào đoạn cuối
Chưa xong ước vọng muốn vun đầy
Kiếp người lữ thứ băng ghềnh thác
Thân kẻ tha hương cưỡi gió mây
Dừng bước cô đơn trên đường vắng
Quê nhà nghĩ đến lệ nhòa cay

Thúy M
7/2019
***
Hương xưa còn thoáng nhẹ đâu đây
Sương kh́ói lung linh bóng dáng gầy
Ánh mắt yêu thương nào lịm tắt
Vòng tay ân ái vẫn đong đầy
Đưa chân in dấu theo màu nắng
Rảo bước gom hình dưới sắc mây
Ngắt đóa vô thường trong cõi tạm
Chén quỳnh khẽ nhấp chút men cay

Toronto 16/7/2019

Nguyên Trần
***
tình ta xin gác lại

Áo mỏng đường chiều em đến đây

Bồng bềnh tóc xõa tấm thân gầy
Nước non một gánh sao buông bỏ
Sông núi hai vai phải trọn đầy
Lỗi hẹn tình ta xin gác lại
Quân hành anh bước với trời mây
Cành Lan Hồ Điệp em rơi rụng
Nhịp bước anh đi đôi mắt cay!!

Hà Quế Linh
***
Mùa Thu Canada

Thấp thoáng thu vàng trở lại đây
Cây cành phảng phất nét hao gầy
Điểm tô lá thắm vàng cam đỏ
Giọt nắng lung linh lấp lánh, đầy
Nức nở hít hà người lữ khách
Êm đềm én liệng, cảnh trời mây
Heo may lành lạnh khơi niềm nhớ.
Khói toả lam chiều mắt bỗng cay!

Sao Khuê
16 tháng 7 năm 2019
***
Trong Giấc Mộng

Đêm qua mộng mị vẫn còn đây
Mấy nhánh Hoa Lan với dáng gầy
Loáng thoáng, bồng bềnh sương xuống ngập
Chập chờn, lác đác xác hoa hoa đầy
Trương Chi ẩn hiện bên song cửa
Mỵ Nữ mơ màng giữa khói mây
Hồ Điệp chưa tàn đêm gối mộng
Mà sao trong mắt vẫn... nồng cay.

Vi Vân
***
Tàn Mơ

Lá rụng tàn thu cạn sắc nồng
Mây vừa ủ xám chuyển sang đông
Lời ru nhạc khúc còn vang vọng
Phố gợi hương tình đã lặng trông
Cứ tưởng vườn xuân đầy cánh bướm
Nào ngờ lối mộng dạt đò sông
Người ôm kỷ niệm từng đêm buốt
Kẻ cuối phương trời có nhớ không

Minh Thuý
7/17/2019
***
Thu Cảm

Thu vừa lạc bước trở về đây
Nhuộm lại sắc vàng nhánh cúc gầy
Xào xạc lá khô trong ngõ vắng
Lăn tăn làn nước mặt ao đầy
Tung tăng cánh bướm vờn cùng nắng
Lặng lẽ mặt trời lẩn dưới mây
Thu đến, lòng tràn bao cảm xúc
Run tay, hạ bút, mắt... cay cay

Tường Thuý
***
Cành Lan Hồ Điệp

Người đi kỷ vật hãy còn đây
Hồ Điệp cành lan với dáng gầy
Cách biệt hai phương ngàn dặm ruổi
Chia phôi khóe mắt lệ sầu đầy
Dấu hài khuê các hoài lối cũ
Anh khách phiêu bồng tựa áng mây
Giấc mộng tàn hoa lòng héo úa
Hương tình ngày ấy lắm chua cay

Kim Phượng

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Con Đường Tình Ta Đi - Phạm Duy - Khánh Ly


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Khánh Ly
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Yêu Sài Gòn



Thương sao cái giọng Sài Gòn
" Nè anh, nói thiệt biết hôn anh nè "
Thật thà lại chất phác ghê
Giọng em như gió vân vê nắng hồng

Lại thường gọi nhau bằng cưng
Tiếng cưng ngọt lịm qua lòng mơ man
Cưng ơi, à hén, dịu dàng
Tiếng cưng nói chẳng sỗ sàng - dịu êm

Sài Gòn, người tính rất hiền
Chào cô chào chú môi mềm lời thưa
Hai mùa mưa nắng nắng mưa
Vẫn rơi tha thiết bốn mùa giọt thương

Sài Gòn xa cách vấn vương
Tóc xưa ai thả sợi buồn qua vai
Cuộc tình đã lỡ đầu thai
Vào đôi mắt biếc u hoài hồ thu

Nên Sài Gòn mãi còn mơ
Người về, tóc rẽ đôi bờ chiêm bao
Nụ hôn tìm lại ngọt ngào
Con đường chim hót xôn xao qua lòng

Trầm Vân

Vẩn Vơ - Cuộc Tình



Vẩn Vơ

Huyệt lạnh chôn vùi kỷ niệm xưa
Đâu còn kẻ đón những chiều đưa
Tay đan tay ấm xua cơn lạnh
Vai tựa vai kề trốn gió mưa

Người hỡi chôn giùm kỷ niệm xưa
Hay thôi giữ lại chút hương thừa
Chăn hoa còn đó sao mà vội
Ai đã quên rồi ai vẫn chưa

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Cuộc Tình


Ta một mình
Đưa đám tang “Cuộc Tình Ta”
Nắng cháy ư? Ta mặc…
Gió thốc ư? Ta mặc…
Đớn đau chất ngất đỉnh rồi, chỉ còn đây tê tái
Dại, ngây, nhìn cuộc tình vùi vào hố sâu, đen, đặc
Ném vài nắm đất khô
Ném vài cành hoa héo
Vun nấm lên thật tròn đầy cho trái tim trống rỗng
Tim ta có còn trong lồng ngực hay đã hóa hư vô?
Ném thêm vài nắm đất khô
Ném thêm vài cành hoa héo
Ta trở về thêm ngơ ngác về theo…

dovaden2010
***
Bài Họa:

Vẩn Vơ Cùng Người

Lòng sao quên được bóng người xưa!
Từng đã một thời đợi, đón đưa
Tay nắm tay dìu vào lối mộng
Vai kề vai tựa lúc đang mưa

Giờ đây vẫn nhớ đến người xưa
Dù chỉ âm vang chút vọng thừa
Xin được một lần...dù đã trễ
Muộn màng cũng được....hiểu lòng chưa?

Song Quang
20190725

Người Bạn Đồng Nghiệp

(Thầy Nguyễn Đức Hạnh năm 1955 - Photo Vinh chưng làm ảnh mẫu)

Một sự ngẫu nhiên tình cờ nhưng mang nhiều ý nghĩa… 
Khoảng cuối tháng 5, Người tìm tôi qua lá thư bằng email là một Cựu Giáo Sư của trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long. Với lời chân thành ở cuối lá thư: “xin vui lòng hồi âm”. 

Đọc tới đọc lui lá thư của một Người xa lạ, Hạnh Nguyễn. Tôi có đôi chút ngạc nhiên và ngần ngại. Bởi, trong số danh sách các Cựu Giáo Sư của Nguyễn Trường Tộ, có cùng tên Hạnh mà tôi đã từng biết qua. Cô Hạnh, người ở tuổi trung niên và chị La Hạnh, nhà chị ở cùng đường Văn Thánh, thuộc tỉnh Vĩnh Long, với tôi ngày xưa. Sau nhiều lần đắn đo lẫn cảm động vì lời mong mỏi được hồi âm, tôi vội trả lời:

"Bạn Hạnh thân mến, 

Kim Phượng rất ngạc nhiên lẫn vui vui khi nhận được lá thư này. Tuy nhiên, Kim Phượng không biết xưng hô thế nào cho phải phép đây. 
Kim Phượng trước đây là giáo sư của trường Nguyễn Trường Tộ và có thể Hạnh Nguyễn cho tôi biết một chút về bạn không? Thật ra, khi đọc thư bạn, cả trời hồi ức của Nguyễn Trường Tộ lại trở về. Kim Phượng cũng mong tin bạn. 
Chúc bạn luôn an lành. 

Thân mến 
Kim Phượng "

Sau đó, tôi nhận ngay thư hồi đáp, trong ngỡ ngàng và xấu hổ vì cách xưng hô của chính mình. Bởi, Thầy là bậc tiền bối. Thầy đã là Giáo sư của trường thì lúc đó tôi chỉ là con bé mới lên 5. Sau này, khi biết ra, 2 người chị tôi, Kim Xuyến, Kim Phương là học trò cũ của Thầy lúc bấy giờ và cũng là người học trò mà Thầy đang tìm, nhưng tình cờ lại email cho tôi. 
Thầy Hạnh không là người Vĩnh Long, nhưng Thầy là giáo sư của trường Nguyễn Trường Tộ từ năm 1955. Thầy là giáo sư của trường có đến 7 năm. Một ngôi trường nằm cạnh dòng sông lững lờ và những cội me già. Ngày nay cội me vẫn còn ...trơ gan, nhưng ngôi trường Nguyễn Trường Tộ đã không còn nữa. 

 (Thầy Nguyễn Đức Hạnh năm 1956 - Photo Thiệt chưng làm ảnh mẫu)

Đa số các học sinh trường này, dù học với Thầy hay không, đều biết đến Thầy. Bởi, hình của Thầy 
được tiệm chụp hình Vinh chưng làm ảnh mẫu. Đến năm 1956, Thầy là giáo sư của trường Tống Phước Hiệp. Và cũng vào năm này, ảnh Thầy được tiệm chụp hình Thiệt làm ảnh mẫu. 
Sau 6 năm dạy tại Tống Phước Hiệp và Thầy rời Vĩnh Long. Thầy trở về Sài Gòn dạy tại trường Nguyễn Bá Tòng. Cũng vào năm này 1964, tấm hình lưu niệm của Thầy thời ấy, nay vẫn còn đây.

( Hình Thầy Nguyễn Đức Hạnh chụp năm 1964)

Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi...tôi đã xa trường Nguyễn Trường Tộ, Thầy đã rời Việt Nam đến một phương trời mới. Và năm 2018, đúng 28 năm sống nơi đất khách quê người, cũng là dịp kỷ niệm 60 năm Ngọc Khánh Hôn Nhân.

(Thầy Nguyễn Đức Hạnh năm 2018, kỷ niệm 60 năm Ngọc Khánh Hôn Nhân)

Thầy và tôi, tuổi đời cách nhau xa. Cả 2 đã dạy cùng trường, người trước kẻ sau, đời thường gọi đó là “bạn đồng nghiệp”. Tuy nhiên, tôi không theo “đời thường”, luôn giữ tình tôn sự trong đạo, vẫn gọi là Thầy dù chưa một lần thọ giáo. 
Trong cuộc sống luôn có những điều bất ngờ. Thầy và tôi là hai người xa lạ, nhưng cơ duyên đã đưa tôi “gặp” Thầy. Hiện nay, Thầy và tôi vẫn liên lạc thường xuyên. Thầy là người đáng kính và Thầy là người luôn hướng dẫn tôi trên con đường tìm đến niềm tin của Ơn Trên. 

Kim Phượng

Chút Bâng Khuâng



Bài Xướng:
Chút Bâng Khuâng

(Tung hoành trục khoán)

Đồng Tháp oai hùng nghinh mặc khách
Cửu Long phong phú tiễn tao nhân.

Đồng khô cỏ cháy biết bao lần
Tháp phủ rêu mờ đổ trước sân
Oai dũng tổ tiên dường phảng phất
Hùng anh hậu bối bỗng phân vân
Nghinh chào đổi xác hồn sông núi
Mặc niệm lưu danh tiếng phúc thần
Khách đến reo mừng rơi nước mắt
Cửu Long phong phú tiễn tao nhân

Cao Linh Tử
***
Các Bài Họa:

Chút Bâng Khuâng

Đồng lâm đưng nghể đã xa lần
Tháp tích nay còn chút cảnh sân
Oai lực khai bờ thông thủy địa
Hùng uy mở cõi thoảng yên vân
Nghinh cười rộn rã chào nhân sĩ
Mặc niệm trầm tư khấn dũng thần
Khách buổi tạ từ câu giã biệt
Cửu Long phong phú tiễn tao nhân.

Thuận
18/07/2017.
* Cánh đồng còn hoang chỉ có đưng và nghể
Cây Đưng giống như cây lát nhưng to cọng và cứng hơn,
Cây Nghể giống cây rau răm nhưng to hơn nhiều
***
Giấc Mơ Đồng Tháp

Đồng sâu thế trũng nước phèn dâng
Tháp cổ từng lưu vết rạng ngần
Oai vệ vươn mình chăm đất ruộng
Hùng thiêng vượt bóng phủ vùng sân
Nghinh nguồn nắng mới trời mơ biển
Mặc áo ngàn xưa vóc hiện thần
Khách được mời vui cùng cảm nhận
Cửu Long phong phú tiễn tao nhân.

Mai Thắng

***
Giấc Mơ Đồng Tháp

Đồng sâu sông rộng lũ triều dâng
Tháp cổ trầm tư ánh nguyệt ngần
Oai dũng một thời linh quyện đất
Hùng thiêng mấy thuở hận tràn sân
Nghinh phong cờ phất chờ thiên tướng
Mặc giáp gươm đeo đón hộ thần
Khách viếng cùng ôn trang sử cũ
Cửu Long phong phú tiễn tao nhân.

Nguyn Thị Trọng
18/07/2017

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Mộng Sầu Nhớ Nhung!

  

Hạ về nhớ phượng tím ơi
Người đăm chiêu để hoa rơi cuốn dòng
Tiếc xưa có luyến lưu không
Khi đóa sầu úa chìm trong bão đời
Hạ đi cánh lịm tàn hơi
Người hờ hững nỡ để lơi tình đầu
Nâng niu ép phượng giữ màu
Vẫn trinh nguyên sắc mộng sầu nhớ nhung.

Kim Oanh
(Kỷ niệm Nghỉ Hè Brisbane - Tiểu Bang Queensland)





Thơ& Hình Ảnh: Kim Oanh
( Queensland - Úc Châu)

Về Mỹ Tho


(Mỹ Tho 1968)

Có ai về Mỹ Tho
Xin vòng qua Vòng Nhỏ
Con đường lên Xóm Tre
Một thời ươm tuổi trẻ

Có ai về Mỹ Tho
Lấy đò qua Rạch Miễu
Hãy ghé vào cồn Phụng
Thăm làng ông Ðạo Dừa

Có ai về Mỹ Tho
Men theo đường Trưng Trắc
Ngắm vườn hoa Lạc Hồng
Và bên kia, cồn Rồng

Có ai về Mỹ Tho
Tìm Hùng Vương đại lộ
Ghé trường Nguyễn Ðình Chiểu
Dở nón chào thầy cô

Có ai về Mỹ Tho
Qua cầu Quay, chợ Cũ
Thăm lại khu Vườn Lài
Một thời vương bóng ai

Có ai về Mỹ Tho
Nhớ theo sông Bảo Ðịnh
Thả trôi ra tận vàm
Tắm mát dòng Tiền Giang

Có ai về Mỹ Tho
Ðón đò Ty Công An
Hành hương chùa Vĩnh Tràng
Xin đốt giùm nén nhang...

Hỡi ai về Mỹ Tho
Ðừng bảo tình tôi chết
Một niềm yêu trót cho
Muôn đời sao vẫn tỏ


Nguyễn Tấn Hưng

Nếu Biết Mai Này



Nếu có thật cuộc luân hồi số phận
Thì tôi ơi, có lẽ đã mai này
Ai sẽ cắt giữa hồn ta vết xước
Lưỡi dao tình muôn thuở vẫn hằn đây…

Nếu có thật cuộc trăm năm đã định
Thì tôi ơi, ngồi lại dưới hiên nhà
Bước chân người từ tiền kiếp kiêu sa
Dấu hạnh phúc bóng dã tràng se cát

Nếu bể khổ là giọt long lanh mắt
Thì tôi ơi, xin đắm giữa muôn trùng
Tiếc chi ngày theo gió những trời xanh
Yêu như thể một lần thôi cũng mất

Nếu biết được cõi thiên đường có thật
Sẽ vì em, tôi chọn thế gian buồn..!

Người Chợ Vãng

Bao Giờ Anh Đến



Bao Giờ Anh Đến
(Thủ vĩ ngâm)

Bao giờ anh lại đến cùng em?
Để nhặt màu trăng rụng trước thềm
Hương bưởi sau vườn đưa mấy bận
Giọt lòng dưới gối rỏ từng đêm
Buồn trông cánh bướm đùa hoa dại
Chạnh nhớ bàn tay trải tóc mềm
Hôn nụ phai tàn tim bỗng nhói
Bao giờ anh lại đến cùng em?

Nguyễn Gia Khanh
***

Các Bài Họa:
Đâu Còn Mỏi Đoái Em

(Thủ vĩ ngâm)

Lỡ hẹn đâu còn mỏi đoái em
Chờ ai tóc xõa rủ bên thềm
Khan tình mắt dõi người trong mộng
Xót ruột môi chờ kẻ giữa đêm
Lữ thứ bơ phờ ôm nụ trẻ
Thuyền quyên rệu rã thả lưng mềm
Canh trường gió lạnh càng thêm não
Lỡ hẹn đâu còn mỏi đoái em.

0205 TC, 17/7/2019
Thái Chung
***
Biết Đến Bao Giờ 

Biết đến bao giờ gặp lại em
Bên nhau lặng ngắm nguyệt treo thềm
Cùng mùa bưởi mộng hương vương gối
Với thuở xuân mơ sắc tỏa đêm
Nặng ước ân nồng bờ cỏ dại
Thương nguyền nghĩa thắm lối vai mềm
Chừ đây ngõ cũ lòng hoang nhớ
Biết đến bao giờ gặp lại em

Hương Thềm mây
***
Có Thể 

Có thể mai này vĩnh biệt em
Đành như mẫu lá rụng bên thềm
Hương tàn có đọng mùi bên cửa
Nhụy vữa đâu còn ở lối đêm
Dẫu biết tình xanh vừa đủ đậm
Dù cho mộng thắm cũng đang mềm
Nhưng đời lắm chuyện buồn muôn thuở
Có thể mai này vĩnh biệt em ./.

Thạch Hãn
LCT 18/07/2019

10 Thủ Tướng Canada Xuất Sắc (Phần1) - Hoàng Xuân Thảo

Theo hai phóng viên Stephen Azzi và Norman Hillmer trong khoảng Tháng 8 tới Tháng 9.2016 tạp chí MacLean đã gửi thư tới 187 các nhân sĩ bao gồm các học giả về kinh tế, chính trị, lịch sử, ngọai giao và truyền thông một bản kiểm tra về các thủ tướng Canada với chức vụ từ bốn năm trở lên trong đó mỗi đề mục được đánh giá từ 1 tới 5 điểm. 

Các đề mục bao gồm nhiều địa hạt như: sự hoạt động hữu hiệu của chính phủ, sự ủng hộ của đảng, của dân chúng, cuả quốc hội, thực thi những lời hứa hẹn khi tranh cử, để lại một di sản quan trọng, tiếp xúc một cách hiệu qủa với quần chúng, đề xuất và khai triển các quyền lợi của quốc gia tại hải ngoại, khơi dậy tinh thần đoàn kết, phản ứng trong các trường hợp khủng hoảng vv... 

Toà báo đã nhận được sự đáp ứng của 123 người và kết qủa như dưới đây: 


Ba thủ tướng Lester Pearson, Pierre Trudeau và John Macdonald đã được đề cập tới trong Chương “10 Vĩ nhân Canada” nên khỏi bàn lại tại đây. 


NHẬN XÉT TỔNG QUÁT VỀ BẢN DANH SÁCH 

Hector Mackenzie một chuyên gia về Thủ tướng King, người được xếp đầu bảng, cho rằng các thành tích của King vượt lên hơn hẳn các chính trị gia và chính phủ Canada khác. Kinh đã giành lại nền độc lập từ đế quốc Anh, đã thành lập chế độ an sinh xã hội, đã lãnh đạo Canada qua Thế chiến II và Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lãnh đạo đảng Tự Do một cách mềm dẻo, thấu hiểu tâm trạng quần chúng và đáp ứng, và nhất là luôn luôn gắn bó với chủ trương một Canada thống nhất theo như nhận xét của Frédéric Bastine, giáo sư tại Dawson College, Montreal. 

Tuy vậy, một số các sử gia vẫn nêu ra khuyết điểm của King là óc kỳ thị đối với những di dân Á châu và Do Thái. Stephanie Bangarth, một người hoạt động cho nhân quyền còn chỉ trich việc bắt các người Nhật vào trại tập trung trong Thế chiến II là một vết nhơ trong lịch sử Canada. Tuy nhiên bà cũng nói, “ Tôi vừa tức giận vưà khâm phục Mackenzie King.” 

Một nhà phê bình khác, Jonathan Vance tại ĐH Western Ontario lại cho rằng nếu vào thời bây giờ thì Mackenzie King sẽ thất cử bởi vì trong thời gian làm thủ tướng ông không gây được cảm tình với dân chúng mà còn làm cho họ tức giận là đằng khác. 

Với Wilfrid Laurier, người đứng thứ hai danh sách, theo Patrick Brennan và John English thì “ Ai mà không kính phục một con người kiên trì và lạc quan như thế, một thủ tướng thông minh nhất và lãng mạn nhất?” 

Réal Bélanger nhấn mạnh vịệc Laurier là thủ tướng nói tiếng Pháp đầu tiên luôn luôn tìm cách thoả hiệp và hoà giải để gìn giữ sự thống nhất Canada, ngoài ra Bélanger cùng với Barry Ferguson thuộc ĐH Manitoba còn cho rằng Laurier có công đem Canada hội nhập với thế giới.

Tượng Sir John A. Macdonald tại Kingston, Ontario, June 21, 2012. (Lars Hagberg/CP) 

John A. Macdonald, thủ tướng thứ nhất của Canada, người đã có công lớn sáng lập ra Dominion of Canada lại chỉ được đứng thứ ba trong danh sách. Điều mà John Macdonald bị chỉ trích nặng nề nhất là chính sách kỳ thị dã man đối với những người Tiên Quốc, đã lấy đất đai của họ và bỏ họ chết đói một cách vô cảm. 
Tiếp theo trong danh sách là Pierre Trudeau và Lester Pearson. 

Pierre Trudeau đặc biệt đã thanh toán cương quyết việc Quebec đòi ly khai, ngoài ra còn có công đem bản Hiến pháp hồi hương từ Anh quốc, và đưa vào đó Nhân quyền và quyền Tự Do căn bản của con người. Trudeau có tài thuyết phục quần chúng nên đã tạo ra hiện tượng gọi là Trudeaumania/Cuồng Trudeau tương tự như Trump tại Hoa Kỳ hiện thời cũng tạo ra hiện tượng cuồng Trump. 

Lester Pearson đươc nhớ tới do đã đề xuất nhiều sự kiện quan trọng như quốc kỳ Canada, chế độ bảo hiểm y tế, Qũy Hưu trí, đạo quân giữ hoà bình, các Uỷ ban song ngữ, đa văn hóa và quy chế phụ nữ. David Webster tại ĐH Sherbrooke, Quebec ca tụng Pearson đã làm tình trạng Canada khả quan hơn nhiều. 

Phần thủ tướng Brian Mulroney cũng được ca tụng như một người cải tiến trong đó đáng kể là chính sách Tự do Mậu dịch với Hoa Kỳ, chế độ thuế Goods and Services Tax GST, cải cách chế độ hưu bổng, chú trọng tới nhân quyền và môi sinh. 

Jean Chretien trong cuộc tranh cử 1997. (Andrew Stawicki/Toronto Star/Getty Images) 

Jean Chrétien thường bị chỉ trích trong vụ Quebec đòi ly khai năm 1995 và vụ tai tiếng đối với những người ủng hộ tranh cử, vụ ra luật lệ cho Quebec trong những trưng cầu dân ý về ly khai, vụ quyết định đứng ngoài cuộc chiến tranh đối với Iraq. 

Brian Mulroney được nhớ tới do sáng lập ra thuế GST Good and Services Tax và Thỏa ước Mậu dịch Tự do với Hoa kỳ và Mexico. Ông thất bại trong việc sửa đổi hiến pháp tại hội nghị Hồ Meech và theo giáo sư sử học tại ĐH Regina là Raymond Blake thì Mulroney bị nhiều tai tiếng trong đời tư sau khi thôi làm thủ tướng. 
Stephen Harper xếp hạng thứ mười vì ông không có sự thông cảm với công chúng và không cổ súy được quyền lợi của Canada tại ngoại quốc. Theo Donald Wright tại ĐH New Brunswick thì Harper lơ là với vấn đề môi sinh trong khi tranh cử lại chủ trương cấm phụ nữ Hồi giáo mang mạng tại nơi công cộng nên bị mang tiếng là kỳ thị tôn giáo. 

      Brian Mulroney                              Stephen Harper 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CÁC THỦ TƯỚNG TRONG DANH SÁCH 

1.WILLIAM LYON MACKENZIE KING 

William Lyon Mackenzie King (17.12.1874 – 22.7. 1950), là thủ tướng thứ mười của Canada qua các nhiệm kỳ 1921–1926, 1926–1930 và 1935–1948. Ông cũng là thủ tướng nhiều năm nhất tại Canada, với thời gian là 21 năm và 154 ngày. 

King đã nắm quyền lãnh đạo đảng Liberal từ 1919 và thắng cử năm 1921 với các cộng sự viên thân tín Ernest Lapointe và Louis St. Laurent và qua hai người này nắm được cử tri gốc Pháp. Trong những lãnh tụ thế giới trong Thế chiến II, King không có những xử thế hấp dẫn quần chúng như Franklin Roosevelt, Winston Churchill, hay Charles de Gaulle, không có tài hùng biện nhưng ông rất cần mẫn trong công việc và các hoạt động của ông áp dụng nhiều kỹ thuật tân tiến và có chính sách trung dung và thoả hiêp hơn là cực đoan và quyết liệt. Trong suốt 29 năm cầm quyền ông luôn đặt Canada ở vị thế trung lập. Tính tình ông ngay thẳng, thiếu sự tế nhị nên ông không có nhiều đồng sự tin vậy, và ông cũng không lập gia đình. 

Ông được xếp đầu bảng các thủ tướng Canada lý do chính là ông có những cung cách xử sự khéo léo trong điạ hạt chính trị và ông luôn luôn chú trọng tới một Canada thống nhất. 

Sơ lược tiểu sử 

King sinh tại thành phố Berlin, Ontario (trong Thế chiến II đổi thành Kitchener). Ông ngoại của King là William Lyon Mackenzie, từng là thị trưởng đầu tiên Toronto, đã cầm đầu cuộc nổi loạn tại Canada-Thượng năm 1837. Bố ông là một luật sư sau trở thành giáo sư tại trường ĐH Luật Osgoode Hall. King học luật tại Toronto trong khi cư ngụ tại đường Beverly. 

King tốt nghiệp luật khoa năm 1896 và Cao học năm 1897, ông sau đó tiếp tục học tại ĐH Chicago, rồi có bằng M.A.về kinh tế chính trị và Ph.D tại Harvard qua luận án “ Sự di cư của người Đông phương tại Canada” trong đó ông chủ trương chống lại và cho rằng Canada phải giữ nguyên vị là một quốc gia da trắng. King là vị thủ tướng Canada độc nhất có bằng Ph.D. 


Năm 1900 King được chọn làm Thứ trưởng bộ Lao Động, tới năm 1908 ông trúng cử dân biểu và trở thành Bộ trưởng Lao Động năm 1909. Mặc dầu trong thời gian này ông đã đưa ra hai đạo luật cải thiện tình hình tài chánh của các công nhân nhưng ông và đảng Tự Do đã thất cử năm 1911. 

Tháng 6.1914 ông được John D. Rockefeller mời làm Giám đốc Sở Nghiên cứu Kỹ nghệ cho tới năm 1918. 

Trong cuộc bầu cử 1921 đảng Liberal do ông lãnh đạo đã thắng đảng Conservative của Arthur Meighen với số dân biểu 118/235 và ông trở thành thủ tướng. 

Chính sách di dân 

Năm 1923 chính phủ King ban hành luật Chinese Immigration Act hầu như cấm mọi hình thức di dân của người Hoa trong khi cũng kiểm sóat khá gắt gao sự di dân của các chủng tộc khác. 

Năm 1937 King tới thăm nước Đức do Adolf Hitler mời và sau chuyến viếng thăm ông cho rằng Hitler sẽ dẫn giắt dân tộc Đức tới một tương lai sáng lạn và ông cho Hitler sẽ là một vĩ nhân yêu nước, yêu đồng bào mình và có thể sánh với Joan of Arc của nước Pháp. 

Tuyên bố lâm chiến với Khối Trục 

King tuy vậy nhận ra chiến tranh với khối Trục không thể tránh được và ông ban hành lênh Tổng động viên ngày 25.8.1939 trước khi Đức tấn công Ba Lan ngày 1.9.1939. Ngày 10.9 thủ tướng King yêu cầu vua Anh George VI nhân danh Canada tuyên chiến với Đức. Tháng 8.1940 King ký với Roosevelt một thỏa ước cộng tác quân sự giữa hai quốc gia. Trong chiến tranh Hoa Kỳ hầu như nắm quyền kiểm soát địa hạt Yukon và tiểu bang Newfoundland trong khi xây dựng xa lộ Alaska và các căn cứ không quân tại các nơi này. Trong khi đó King và Canada lại hầu như bị Churchill coi như không biết tới mặc dầu Canada đã cung cấp cho mẫu quốc Anh các tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm, các võ khí, tiền bạc lại còn giữ vai trò huấn luyện các nhân viên không lực gồm anh, Úc, Tân-tây-lan và Canada, giữ gìn an ninh phía tây Bắc Đại tây dương chống tàu ngầm U-boats của Đức và gửi quân đi chiến đấu tại Pháp, Ý và Đức dưới quyền chỉ huy của các tướng lĩnh người Anh. Trong chiến tranh Churchill tự ý quyết định các vấn đề quân sự và chính trị liên hệ tới Canada mà hầu như không thèm hỏi ý kiến của Canada. Ngay cả khi Canada là nơi diễn ra hội nghị quan trọng của các thủ lãnh Đồng Minh tại Quebec năm 1943 và 1944 Thủ tướng King cùng các tướng lĩnh và đô đốc Canada đều không hề được mời tham dự. 

Trong chiến tranh và cả thời kỳ hậu chiến King đã có khả năng giữ vững nền kinh tế và tài chánh mà còn làm tình trạng khả quan hơn nhiều nữa một cách tương đối mau chóng. 

Sự tập trung các người Canada gốc Nhật 

Sau khi Nhật tấn công Pearl Harbor tháng 12.1941 thì chính phủ King ban hành luật War Measures Act, coi người Canada gốc Nhật như kẻ địch, thu hồi các quyền cá nhân căn bản, tịch thu 1,200 tàu bè đánh cá của họ. Ngày 14.1.1942 chính phủ còn cưỡng bách tất cả các người Nam từ 18 tới 45 tuổi phải cư trú cách bờ biển Thái Bình Dương 100 miles, tập trung trong các trại tại Jasper, Alberta, cấm người Nhật không được đánh cá, cấm sử dụng radio làn sóng ngắn, chịu sự kiểm soát về dùng dầu săng và các chất nổ. Tổng thống Roosevelt ngày 19.2.1942 cũng ký nghị định trục xuất 110,000 người Nhật ra khỏi các vùng sát bờ biển. 

Tới ngày 24.2 chính phủ King còn ra luật trục xuất tất cả các người gốc Nhật tại bất cứ nơi nào nhưng chủ yếu vẫn là vùng sát biển Thái Bình Dương. Tổng kết thì có khoảng 27,000 người bị giam cầm không xét xử mà còn bị tịch thu tài sản nữa mặc dầu cả Cảnh sát Hoàng gia lẫn các tướng lãnh chỉ huy đều cho Ottawa biết rằng người Nhật không hề có dấu hiệu đe dọa nền an ninh quốc gia nhưng King vẫn làm đúng như luận án tiến sĩ năm 1909 của ông là Canada phải là một quốc gia da trắng. 

Ngày 22.9.1988 thủ tướng Brian Mulroney đã nhân danh chính phủ Canada xin lỗi về việc cưỡng bách tập trung này và tuyên bố sẽ bồi thường các thiệt hại. 

Thủ tướng King sau đó đã ký luật Canadian Citizenship Act năm 1946 và người Canada từ đó mới có quốc tịch Canada thay vì quốc tịch Anh. Chính thủ tướng King đã nhận bản chứng thư quốc tịch Canada số 1 từ Chánh thẩm Tối cao Pháp viện Thibaudeau Rinfret ngày 3.1.1947. 


Những ngày cuối đời 

Trong hội nghị đảng Liberal tháng 8.1948 King đã trao quyền lãnh đạo đảng Liberal cho St. Laurent và về nghỉ hưu sau 22 năm làm thủ tướng 6 lần, đứng trên Sir John A. Macdonald làm thủ tướng 19 năm. 
King mất ngày 22.7.1950 do bệnh viêm phổi và được an táng tại Nghĩa trang Mount Pleasant, Toronto. 
Về đời sống tình cảm, King không lấy vợ tuy ông có nhiều bạn gái, trong đó đáng kể là Joan Patterson, thường được cử làm nữ chủ nhân của các buổi dạ hội chính thức. Các sử gia khác thì cho rằng người King yêu là Lord Tweedsmuir mà ông đã chọn làm Toàn quyền Canada năm1935. Các nguồn tin khác, căn cứ trên các trang nhật ký của King thì thấy ông thường xuyên ngủ với các gái điếm. 

THỦ TƯỚNG BRIAN MULRONEY (20.3.1939- ) 

Thời hoạt động chính trị 

Mulroney sinh tại Baie-Comeau, Quebec và bố mẹ là người Irish theo công giáo. Mulroney học hết bậc trung học tại Chatham, New Brunswick. Năm 1955 Mulroney theo học tại ĐH St. Francis Xavier và bắt đầu hoạt động chính trị bằng cách tham gia ban vận động bầu cử của John Diefenbaker. 

Mulroney sau đó học luật tại Dalhousie, Halifax và trong thời gian này đã vận động tranh cử cho Robert Stanfield trở thành thủ hiến của Nova Scotia. 

Mulroney tiếp tục học luật tại ĐH Laval, Quebec City và trong thời gian này ông quen thân với Daniel Johnson sau trở thành Thủ hiến Quebec và với Joe Clark sau trở thành thủ tướng Canada. 

Muà hè 1962 Mulroney làm phụ tá cho Alvin Hamilton, bộ trưởng Canh nông và quyền thủ tướng, học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong khi theo Hamilton đi vận động tranh cử. 

Sau khi tốt nghiệp trường Luật Laval, Mulroney làm việc cho một tổ hợp luật sư tại Montreal Norton Rose Fulbright lúc đó là tổ hợp lớn nhất của Liên Hiệp Anh. Sau khi được nhận vô luật sư đoàn Quebec năm 1965, ông trở thành một luật sư Lao Động và chứng tỏ có nhiều khả năng trong lãnh vực này. 

Năm 1967 ông vận động cho Stanfield tranh cử thắng lợi và trở thành lãnh tụ của đảng PC trong khi trong khi Mulroney, mới 28 tuổi trở thành cố vấn chính. 

Trong cuộc bầu cử Liên bang 1974 Standfield thua Pierre Trudeau và đảng PC bầu Joe Clark làm lãnh tụ. Joe Clark mời Mulroney trong thành phần đối lập với chính phủ Trudeau nhưng Mulroney từ chối. 

Sau đó Mulroney làm phó rồi chủ tịch công ty Iron Ore Company of Canada năm 1977. Mulroney trở nên bị trầm cảm và nghiện rượu sau cuộc thất cử năm 1974 nhưng nhờ có vợ là Mila Pinicnicki, người gốc Nam Tư nâng đỡ nên dần dần hết bệnh. 

Lãnh tụ đảng PC Progressive Conservative 

Trong cuộc bầu cử 1979 Joe Clark thắng Trudeau nhưng không chiếm được đa số trong quốc hội và chính phủ Joe Clark bị bất tín nhiệm trong một cuộc trưng cầu dân ý về ngân sách nên Joe Clark phải tổ chức một cuộc bầu cử khác và thua lại Trudeau với đảng Liberal. Trong cuộc tranh cử nội bộ đảng, Joe Clark thua Mulroney và Mulroney trở thành lãnh tụ đảng PC ngày 11.6.1983. 


Trước viễn ảnh một cuộc thất bại trong kỳ bầu cử liên bang 1985 Pierre Trudeau quyết định từ chức lãnh tụ đảng, nhưng trước khi rời ghế thủ tướng ông đã ban phẩm hàm và chức tước cho một lô các công thần khiến bị dư luận chỉ trích dữ dội. John Turner sau bốn ngày nhận chức vụ thủ tướng đã cho tổ chức ngay một cuộc bầu cử liên bang. Đối với dư luận đang chỉ trích mãnh liệt việc phong chức của Trudeau, Turner có thể đề nghị với toàn quyền Joanne Sauvé đình hoãn nhưng Turner lại cũng theo vết chân Trudeau phong chức tước cho các người thuộc đảng Liberal một lô nưã làm cho sự bất bình của dân chúng lại càng tăng mạnh hơn gấp bội. Kết quả cuộc bầu cử ngày 4.9.1985 đã dành cho đảng PC của Mulroney 211 ghế trong khi đảng Liberal chỉ còn 40 ghế. 

Mulroney trong chức vụ Thủ tướng - Nhiệm kỳ đầu 1984-1988 

Tuy đảng PC nắm đa số tuyệc đối trong quốc hội nhưng số phiếu phổ thông chỉ hơn 50% chút ít nên Mulroney cần phải dựa vào các thế lức ngoài đảng để đứng vững và thi hành các chương trình và kế hoạch của mình, đó là miền tây thiên về xã hội, miền Quebec thiên về độc lập, miền duyên hải và Ontario thiên về bảo thủ trong chính sách về tài chánh. 

Các tân bộ trưởng hầu hết thiếu kinh nghiệm, các người ủng hộ Mulroney cũng đòi quyền lợi này nọ và kết quả Mulroney cũng phạm vào lỗi là trả ơn cho họ bằng các chức tước chẳng khác gì chính phủ Liberal trước. 

Mulroney cũng chủ trương giảm thiếu hụt của ngân sách, trước kia dưới thủ tướng Lester Pearson là $1 tỷ, tăng lên thời Trudeau là $32.4 tỷ nhưng dưới thời Mulroney còn tăng hơn nữa, lên tới $39 tỷ. Đã thế, thương viện vẫn do Liberal nắm đã cản trở nhiều dự án của Mulroney. Những khó khăn này làm Mulroney lại nghiện rượu trở lại. 

Một vấn đề quan trọng mà Mulroney quyết tâm thực hiện là bản Hiến Pháp mà Trudeau đem từ Anh về năm 1982 để trở thành một nước hoàn toàn có chủ quyền thì Quebec lại không chịu ký nên Mulroney muốn được Quebec đồng ý đã tổ chức và điều đình với các tỉnh bang ký thoả ước Meech Lake năm 1987 bằng cách tăng thêm quyền hành cho các chính phủ tỉnh bang đồng thời công nhận Quebec là một Xã hội đặc biệt/ distinct Society nhưng ông bị thất bại. 

Một quan tâm khác nữa của Mulroney là giảm bớt các Nghiệp đoàn Hoàng gia/ Crown Corporation mà tổng số năm 1984 là 61. Mulroney cho tư nhân hóa 23 nghiệp đoàn trong đó có công ty Air Canada và công ty dầu Petro Canada. 


Trong thời kỳ Mulroney lại xảy ra chuyến máy bay Air India 182, khởi hành tại Montreal bị nổ bom khi đanh bay làm thiệt mạng 329 người mà hầu hết là người Canada. Mulroney gửi thông điệp chia buồn với thủ tướng Ấn Rajiv Gandhi trong khi lại không hề chia buồn với thân nhân các người Canada bị tử nạn khiến nhiều ngừi Canada gốc Ấn cho là Mulroney kỳ thị chủng tộc. Thêm nữa, trước đó chính phủ Ấn đã thông báo cho Canada cảnh cáo là các chuyến bay Air India có nguy cơ bị khủng bố mà Canada không có biện pháp gì. 

Tuy nhiên gần cuối nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ nhất Mulroney đã chính thức xin lỗi các gia đình của 22,000 người Nhật trong thế chiến II đã bị cưỡng bách tập trung và tịch thu gia sản, đồng thời bỏ ra một khoản tiền là $300 triệu để bồi thường. 

Mulroney có những sự giao thiệp rất gần gũi với Reagan nên hai nước đã có một thoả ước về Mậu dịch Tự do qua đó các thuế thương mại giữa hai nước sẽ bị hủy bỏ từ 1998 mặc dầu dân chúng có khuynh hướng chống lại. 

Thủ tướng Nhiệm kỳ II: 1988 – 1993 

Sự thoại hóa kinh tế đã xảy ra trong nhiệm kỳ II của Thủ tướng Brian Mulroney. Mulroney đưa ra một sắc thuế mới là Goods and Services Tax GST thay cho Sales tax trước kia mặc dầu đa số dân chúng phản đối. Mulroney lấy một điều khoản trong Hiến pháp trong tình trạng nguy kich để đề nghị Nữ hoàng Anh phê chuẩn cấp tốc 8 thượng nghị sĩ mới để thông qua dự luật GST. 

Thoả ước Hồ Meech cũng là một thất bại của Mulroney trong năm 1990 vì hai tỉnh bang Manitoba và Newfoundland không chịu ký. 

Ngày 2.12.1991 Canada là quốc gia tây phương đầu tiên công nhận nền độc lập của Ukraine. 

Khi Chiến tranh vùng Vịnh xảy ra, Mulroney ủng hộ quyết định của Liên Hiệp Quốc cho thi hành các biện pháp quân sự lãnh đạo bởi Hoa Kỳ và chỉ có thể gửi tượng trưng một phi đội với hai chiến hạm nhỏ vì trong thực tế dù Canada có muốn gửi bộ binh thì cũng không có nổi một lữ đoàn. Năm 1984, Mulroney hứa hẹn sẽ gia tăng ngân qũy quốc phòng và tăng quân số lên 92,000 nhưng chỉ thực hiện được một số quân dưới 80,000 binh sĩ. 

Do số lượng cá thu tại Đại Tây Dương có chiều ngày một giảm Mulroney ra các quy tắc để hạn chế việc đánh cá thu khiến cho kỹ nghệ ngư nghiệp miền duyên hải bị ảnh hưởng trầm trọng và uy tín của chính phủ Mulroney bị giảm theo tại vùng này. 

Mulroney chú trọng tới việc bảo vệ môi sinh, thành lập thêm nhiều công viên quốc gia để bảo vệ các thú vật bị đe dọa giảm chủng và ký nhiều thỏa ước quốc tế về môi sinh. 

Mulroney rút lui khỏi chính trường 

Uy tín của Mulroney vào cuối nhiệm kỳ II giảm rõ rệt vì dân chúng bất mãn với thuế GST, kinh tế suy thóai, sự thất bại của thoả hiệp Hồ Meech, tình trạng Quebec muốn ly khai vì không được công nhận là một thực thể đặc biệt do đó Bouchard, vốn là một cộng sự viên của Mulroney từ chức khỏi chính phủ và rủ thêm nhiều lãnh tụ đảng PC ly khai khỏi đảng và lập ra Bloc Quebecois. Theo cuộc thăm dò Gallup năm 1992 mức độ tín nhiệm Mulroney tụt xuống thê thảm chỉ còn 11%, nhưng tới tháng 2.1993 ngay trước khi ông về hưu có tăng lên chút đỉnh thành 21%. Mulroney sau đó được thay thế bởi bộ trưởng Quốc phòng Kim Campbell. Trong những ngày tháng cuối cùng trước khi rời nhiệm sở, hai vợ chồng Mulroney đi chu du thế giới với ngân qũy của chính phủ, không trao dinh thự thủ tướng tại 24 Sussex Drive cho tân thủ tướng nên kết qủa cuộc bầu cử 1993 là một sự thất bại cho đảng PC chưa từng có trong lịch sử, số ghế quốc hội đang từ đa số 151 tụt xuống còn có hai ghế và mất luôn quy chế một chính đảng đòi hỏi ít nhất phải có 12 ghế dân biểu và ngay cả thủ tướng Kim Canpbell cũng thất cử luôn và Campbell phải kêu than chính bà là một con dê tế thần thay thế cho Mulroney. 

Di Sản 

Cái di sản Mulroney để lại cho Canada là Thoả ước Mậu dịch Tự Do giữa Canada với Hoa kỳ và Mexico NAFTA và chế độ Thuế GST. Trong bảng danh sách các thủ tướng xuất sắc, Mulroney được xếp thứ 8. 

Brian và Mila Mulroney co bốn con, trong đó có con gái Caroline từng đã tranh cử lãnh tụ đảng PC tại Ontario năm 2018 nhưng thất bại. Hiện Caroline là Bộ trưởng Tư pháp của tỉnh bang Ontario. 

THỦ TƯỚNG STEPHEN HARPER (30.4.1959- ) 

Stephen Harper là thủ tướng thứ 22 của Canada từ 6.2.2006 tới 4.11.2015 và được bầu chọn là thủ tướng thứ 10 trong bảng danh sách 10 thủ tướng có khả năng nhất của Canada. Ông được bầu làm dân biểu bảy lần với tư cách đảng viên đảng PC. Ông từng là sáng lập viên đảng Canh Tân Canada/ Reform Party of Canada, sau hợp nhất năm 2005 với đảng PC để thành đảng Conservative of Canada. Đảng ông thắng cử năm 2006 và Harper trở thành thủ tướng và tại vị cho tới cuộc bầu cử 2015 thì bị thua đảng Liberal với lãnh tụ là Justin Trudeau. 

Harper từ chức lãnh tụ đảng ngày 19.10.2015 được thay thế tạm thời bởi Rona Ambrose cho tới năm thì đảng chính thức bầu cử Andrew Scheer làm lãnh tụ cho tới hiện nay. 

Thời kỳ đi học 

Harper sinh tưởng tại Leaside, Toronto, học tại trường Trung học John G. Althouse và Richview Collegiate Institute tại Etobicoke. Ông ghi tên học ĐH Toronto được ha tháng thì bỏ ngang, tới Edmonton làm cho công ty dầu Imperial Oil. Ông học tại ĐH Calgary và tốt nghiệp về Kinh tế năm 1985 rồi Cao học Kinh tế năm 1991. 

Con đường chính trị 

Harper thời học Trung học hoạt động cho đảng Liberal nhưng sau ông trở thành trợ tá cho dân biểu PC Jim Hawkes nhưng sau đó ông không tán thành chính sách của Mulroney về tài chánh nên bỏ đảng. 

Harper sau đó được kinh tế gia tại ĐH Calgary Bob Mansell giới thiệu vơi Preston Manning, sáng lập viên và lãnh tụ đảng Canh Tân/ Reform Party và trở thành Chiến lược gia của đảng Reform. Năm 1988 ông ra tranh cử tại đơn vị Calgary West nhưng bị thua Hawkes là chủ cũ của ông. Khi Deborah, đảng viên Reform trúng cử dân biểu thì mời Harper làm phụ tá cho tới năm 1993. Harper sau bất đồng với Manning về đường lối chính trị của đảng nên từ chức phụ tá cho Manning tháng 10.1992. 

Dân biểu Canh Tân 1993-1997 

Năm bầu cử liên bang 1993 Harper lại ra tranh cử và lần này thắng phiếu Jim Hawkes với sự trợ lực gián tiếp của National Citizens Coalition và trở nên một lãnh tụ quan trọng của đảng Reform cùng với Manning. 

Tuy nhiên giữa Harper và Manning vẫn có sự khác biệt về đường lối, Harper quan tâm tới các nguyên tắc bảo thủ trong khi Manning lại nghiêng về chủ trương dân túy/ populism mà Harper coi đó là một lối thoả hiệp về lý thuyết căn bản. 

Sự tranh chấp về ý thức hệ gay go tới mức Harper tuyên bố sẽ không ra ứng cử dân biểu trong kỳ bầu liên bang tới, và ông từ chức dân biểu ngày 14.1.1997 và ngay ngày hôm đó nhận chức Phó chủ tịch National Citizens Coalition NCC và ít lâu sau trở thành Chủ tịch. Trong cuộc bầu cử 1997 đảng Liberal tuy có bớt đi một số ghế nhưng vẫn nắm đa số ghế và đảng Reform cũng chỉ thêm được vài ghế. 

Thời kỳ 2000-2001 

Đảng Reform qua một thời kỳ đổi tên là United Alternative tới năm 2000 lại đổi tên thành đảng Canadian Alliance và Stockwell Day trở thành thủ lãnh thay cho Preston Manning và Harper chỉ trích Day có khuynh hướng hoạt động về tôn giáo nhiều hơn là xã hội. 

Sau khi Pierre Trudeau qúa vãng, Harper viết nhiều bài chỉ trích chính sách của Trudeau đã thi hành một chính sách xã hội qúa đáng như chủ trương các nghiệp đoàn hoàng gia thay vì giao cho tư nhân khiến cho nền kinh tế bị ngưng trệ. 

Công cuộc lãnh đạo đảng Canadian Alliance của Day gặp nhiều khó khăn trong nội bộ và vào mùa hè 2001 nhiều dân biểu kêu gọi Day từ chức, Day đành phải tổ chức một cuộc bầu cử trong đảng và tuyên bố là một ứng cử viên, trong khi Harper cũng từ chức chủ tịch NCC vào tháng 8.2001 để chuẩn bị tranh cử. 

Lãnh tụ đảng Canadian Alliance 2002-2003 và đảng Conservative 

Trong cuộc vận ộng tranh cử Harper chống lại sự ly khai của Quebec, cho rằng tiếng Pháp không bị nguy cơ đe dọa mất vị thế ưu tiên tại Quebec và chủ trương công nhận Quebec là một thực thể chính trị đặc biệt. Harper cũng chủ trương cho các tỉnh bang được rộng quyền tự trị về bảo hiểm y tế, chủ trương các phụ huynh có quyền trừng tri con cái và gia tăng tuổi đồng thuận về tính dục từ 14 lên 16 tuổi. Harper cũng chủ trương không cộng tác với đảng PC do Joe Clark lãnh đạo. 

Cuộc bầu cử trong đảng được tổ chức ngày 20.3.2002, Harper được bầu với 55% số phiếu, Day chỉ được 37%. Sau đó Harper trúng cử dân biểu tại đơn vị Calgary Southwest một cách dễ dàng và chính thức trở thành lãnh tụ phe đối lập tại quốc hội từ tháng 5.2002. 

Ngày 12.1.2004 Harper từ chức Lãnh tụ Đối lập để tranh chức lãnh tụ đảng Conservative Canada và đã thắng cử ngày 20.3.2004 với sự ủng hộ mạnh mẽ của Ontario, Quebec và các tỉnh bang duyên hải. 

Cuộc bầu cử Liên bang 2004 

Harper lãnh đạo đảng Bảo Thủ Canada vào cuộc bầu cử Liên bang đối đầu với tân thủ tướng Paul Martin nhưng đảng Liberal vẫn thắng lợi với tư cách một chính phủ thiểu số. Đảng của Harper có kết quả khả quan hơn tại các tỉnh có khuynh hướng xã hội miền trung Canada nhưng không được một ghế nào tại Quebec, tuy vậy Harper vẫn quyết định tiếp tục lãnh đạo đảng và đa số đảng viên cũng nghĩ rằng Harper chưa có đủ thời giờ từ khi làm lãnh tụ. 

Trong cuộc bầu cử nội bộ đảng Bảo Thủ tại Montreal ngày 17-19.3.2005 Harper được tái bầu cử lãnh tụ với số phiếu 84%. 

Tháng 5.2005 đảng Bảo Thủ không chịu bỏ phiếu về ngân sách với mục đích cưỡng bách chính phủ Liberal phải tổ chức một cuộc bầu cử mới nhưng do số phiếu hai bên chính phủ và đối lập bằng nhau do dân biểu Bảo Thủ chạy sang Liberal nhưng thêm phiếu của Chủ tịch Quốc hội thuộc Liberal nên chính phủ Liberal vẫn không bị đổ. 

Tuy nhiên khi phe Harper đưa ra bằng chứng là một dân biểu Bảo Thủ Gurmant Grewal được Tim Murphy, chánh văn phòng của thủ tướng Martin, qua một buổi nói chuyện có ghi âm là nếu Grewal bỏ phiếu cho phe Liberal thì sẽ được đền ơn bằng một ghế bộ trưởng, và Harper dựa vào đó đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm Martin và thắng thế với tỷ lệ số phiếu thuận là 171/133. 

Phe Liberal đành phải tổ chức một cuộc bầu cử mới vào ngày 23.1.2006. 

Cuộc bầu cử Liên bang 2006 

Harper thắng cử và trở thành thủ tướng Canada thứ 22 ngày 6.2.2006 và trong bài diễn văn nhậm chức ông đã ca tụng nữ hoàng Elizabeth II cùng hoàng gia hết lời tương tự như thủ tướng John Diefenbaker trước kia. 


Cuộc bầu cử Liên bang 2008 

Ngày 14.10.2008 trong cuộc bầu cử Liên bang đảng Bảo Thủ được tăng số dân biểu từ 127 lên 143 trong khi đảng Liberal bị giảm từ 95 xuống 77 và chính phủ Harper vẫn giữ nguyên tình trạng một chính phủ thiểu số. 

Ngày 29.1.2010 Harper đề nghị toàn quyền Joanne Sauvé bổ nhiệm năm thượng nghị sĩ mới, khiến đảng Bảo Thủ trở thành đa số tại Thượng viện. 

Tuy nhiên ngày 25.3.2011 viện Dân biểu bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ với tỷ số 156/145 với lý do chính phủ đã miệt thị quốc hội. 

Cuộc bầu cử Liên bang 2011 

Trong cuộc bầu cử lần thứ ba này đảng Bảo thủ do Harpaer lãnh đạo đã thắng với số dân biểu tăng lên thành 166 và chính phủ do Harper thành lập chiếm đa số tại viện dân biểu. Cuộc bầu cử này cũng biến đảng NDP thành đảng đối lập chính thức còn đảng Liberal bị tụt xuống hàng thứ ba, giúp cho đảng Xanh/ Green Party lần đầu tiên có một dân biểu trong khi Bloc Quebecois bị tụt từ 47 ghế xuống còn 4 ghế. 

Cuộc bầu cử Liên bang 2015 

Trong cuộc bầu cử ngày 19.10.2015 Harper và đảng Bảo thủ bị thất bại trước đảng Liberal và Justin Trudeau, chỉ còn được 99 ghế trên tổng số 338. Tuy vẫn trúng cử tại Calgary nhưng Harper từ chức lãnh tụ đảng Bảo Thủ và sau đó được thay thế bởi Rona Ambrosa vào tháng 11.2015. 

Muà hè 2016 Harper từ chức dân biểu. Tuy nhiên khi Trump đòi xóa bỏ Hiệp ước Mậu dịch Tự do thì Harper lên tiếng chỉ trích Trudeau ăn cánh với Mexico để chống lại Trump và có khuynh hướng thiên tả. Harper cũng lên tiếng ủng hộ việc Trump công nhận và dời tòa đại sứ Mỹ tới Jerusalem và việc Trump rút khỏi hiệp ước về Uranium với Iran. 

Harper có quan niệm Thượng viện chỉ là một tổ chức để các thủ tướng trả ơn cho các cộng sự viên của mình và ông gợi ý là các thượng nghị sĩ phải được dân chúng bầu ra cho nên trong nhiệm kỳ đầu thủ tướng ông đã bỏ trống 16 ghế thượng viện và về sau ông chỉ chỉ định một người là Michael Fortier với lý do cần có mặt của một người Montreal, việc này bị phe đối lập phản đối và năm 2008 Fortier phải từ chức. 

Tuy nhiên sau cuộc bầu cử tháng 10.2008 Harper biết có lẽ không thể nào thay đổi lối đề cử vào thượng viện nên đã bổ nhiệm 18 thượng nghị sĩ và còn tăng thêm 9 ghế nữa cho Thượng viện và tất cả những thượng nghị sĩ mới này đa số thuộc đảng Bảo Thủ và là những người hoạt động thân tín của Harper, do đó dư luận nổi lên công kích Harper là đạo đức giả và còn đặt ra danh từ mới là Harpocrisy. 

Harper gặp Laureen Ann Teskey năm 1990 cũng thuộc đảng Bảo Thủ, phụ trách về ấn loát. Hai người lấy nhau ngày 11.12.1993 và có với nhau một trai, một gái. 

Di sản của Harper 

Chủ trương giảm thuế: Giảm thuế GST từ 7% xuống 5%. Giảm thuế Nghiệp đoàn từ 21% xuống 15%. Chủ trương tiết kiệm ngân sách và chính sách thuế khóa đã làm thiệt hại cho chính cá nhân ông $1.8 – $2.2 triệu năm 2012 theo lời một nhân viên sở thuế, điều mà họ chưa từng thấy ở một thủ tướng nào khác.. 

Chủ trương cân bằng ngân sách: Canada thời Harper là một trong các nước G8 thoát ra khỏi tình trạng suy thoái kinh tế sớm nhất. Để tiết kiệm cho ngân sách ông đã đóng băng lương bổng các thượng nghị sĩ, dân biểu và nhân viên chính phủ trong hai năm 2010-2012. 

Tại đại hội Bảo trợ Mẫu nhi tổ chức tại Muskoka, Canada năm 2010 của các nước G8 Harper đã kêu gọi các hội viên phải gia tăng tiền bảo trợ các chương trình bảo trợ mẫu nhi tại các nước đang phát triển. 

Harper ngày 11.6.2006 đã chính thức xin lỗi chủng tộc Tiên Quốc về chế độ cưỡng bách nội trú và đi học qua đó đã đối xử thậm tệ với các học sinh thổ dân. 

Harper năm 2006 cũng chính thức xin lỗi về việc đánh thuế di dân lên người Hoa trong các năm 1885-1913. 

Harper ngày 12.2.2015 ra bản tuyên ngôn xác nhận Quebec là một quốc gia trong Canada với những tính cách riêng biệt và được Quốc hội thông qua. 

Harper cho gia tăng tuổi đồng thuận về dục tính từ 14 tuổi lên 16 tuổi để tránh cho các thiếu niên bị lạm dụng về dục tính. 

Về bầu cử, Harper đã thắng cử dân biểu 7 lần trong suốt 18 năm. Ông cũng lãnh đạo đảng Bảo Thủ thắng ba cuộc bầu cử Liên Bang liền. 

Về ngoại giao ông ủng hộ Do Thái, ông ủng hộ tổng thống Trump dời tòa đại sứ tới Jerusalem. Ông chống đối kịch liệt Putin trong việc xâm chiếm Ukraine. Ông bảo thẳng Putin, “ You need to get out of Ukraine.” Ông được tổng thống Ukraine tặng huy chương cao qúy nhất nước. Ông cũng được các cộng đồng Do Thái ban tặng nhiều tước vị danh dự. 

Về thương mại, ông chỉ trích Justin Trudeau đã liên kết với Mexico để chống lại việc Trump đòi sửa lại Thoả ước Mậu dịch Tư Do giữa ba nước. 

Về tính tình ông qúa thẳng thắn và cương nghị cho nên chính ông cũng phải than , “ I can’t even get my friends to like me.” 

Khi bị thất cử ông rất nhã nhặn khi nói, “ The people are never wrong.” 


Hoàng Xuân Thảo