Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

Đắm Say

 


Thơ& Trình Bày: Aí Nghi

Nghe Tiếng Thu



Nghe tiếng gió ngoài sân thổi lá
Tận ngoài kia xa mấy chân trời
Chợt nhìn lại mùa trôi theo tháng
Tháng chín về vàng úa lá rơi.
Đêm vắng quá buồn nghe tiếng dế
Khúc du dương cỏ ướt rêu xanh
Thơm kỷ niệm mùi hương quyến rũ
Mê mẩn tìm hơi ấm cố nhân
Ta lại buồn nằm nghe tiếng nấc
Hạt mưa rơi thấm ướt cơn đau
Cuộc tình đó vẫn đi vào mộng
Lạc bước đi về cõi bể dâu.
Đêm nổi gió cơn mưa gõ nhịp
Cho ngày mai lá giữ thu vàng
Cuộc tình lỡ mộng vàng tan vỡ
Tháng chín về chim hót chuyển cành.

Tế Luân
Những vần thơ lãng mạn viết cho mùa thu của lê tuấn.

Giã Từ Mùa Hạ

 

Nắng chói chang lồng lộng vẫn còn đây
và bước chân ta miên man miên man
Trên con đường cuối mùa khô nhiệt đới
Gió phảng phất bên tai ngày còn lại
Thấy mây đang hớn hở rủ nhau về
Ta đã biết hạ vàng không còn nữa
tháng tám buồn đang hát khúc chia tay
Ngày oi ả rồi sẽ thành mưa mát
Để mùa thu quay lại tiếng đón chào
Thôi ta về mái nhà yên tình tự
Hiu hắt thì thầm đợi bóng hoàng hôn
Tạm biệt nhé hạ vàng đi vui vẻ
Vẫy tay mừng ta gọi dáng nàng thu

Hồng Vân

Cơn Mưa Hạ

 
( Ảnh: Tác Giả)

Mấy tuần nắng cháy rát da
Chợt cơn mưa đến thiệt là đã ghê
Cơn mưa ngập cả lối về
Vườn hoa tắm mát hả hê rạng ngời
Trước vườn hoa rụng tả tơi
Cơn mưa thấm đất khắp nơi nước đầy
Múa trong những hạt mưa bay
Bụi tre nhắm mắt mê say ngọt ngào
Hôm nay ướt đẫm mưa rào
Khung trời mát mẻ lao xao tiếng lòng
Ðứng nhìn mưa đổ bên song
Giọt mưa rỉ rả theo dòng miên man
Cây hoa dâm bụt chưa tàn
Nhờ cơn mưa Hạ vừa sang trở mình
Ngày mai cây trổ hoa xinh
Cám ơn trời đã thình lình đổ mưa...

Y Thy Võ Phú

Dzợ Số 1

 

Bài Xướng:

Dzợ Số 1


Biết Út hiền lành …bụng thiện lương 
Tuy ghen chút đỉnh …vẫn phi thường!
Lo chồng cực khổ không sung sướng 
Sợ bậu buồn rầu chẳng kiện khương 
Thuốc cắt trông nom cơn gió chướng 
Canh hầm sắp đặt buổi tà dương 
Lăng xăng nhà cửa con nuôi dưỡng 
Đạt được như vầy …hỏi có thương?

Vu Sơn
***
Các Bài Họa:

Nói Dùm Dzợ

Chồng ơi! Cuộc sống được hiền lương 
Dzợ sẽ tươi xinh chẳng khác thường 
Cơm nước đề huề luôn hạnh phúc 
Chiếu chăn êm ấm mãi an khương 
Niềm vui trang trải như tình mộng 
Nét đẹp hài hòa tợ bóng dương 
Ngày tháng bên nhau vai sánh bước 
Chung tay xây dựng tạo yêu thương 

Hoàng Dũng
***
Nhất Dzợ Nhì Giời


Từ ngày lấy dzợ … tui hoàn lương 
Thuở trước người chê tánh bất thường 
Khi giận quăng đồ còn đập phá 
Lúc hờn chửi tục chẳng bình khương 
Danh tan đen tối như hang động 
Duyên đến rạng ngời tợ ánh dương 
Bà xã tâm đồng chia khổ cực 
Gia đình hạnh phúc vẹn tình thương 

Lâm Hoài Vũ

( Trích thi tập BÚT THÉP – HOA TIÊN 50 / 2021)
***
Dzợ Chồng Già

Vợ chồng tín ngưỡng vốn người lương
Thờ cúng Ông Bà vái lạy thường
Ý hợp tình duyên gừng với muối
Tâm đầu kết nghĩa lúc sinh khương
Gừng cay nằm đất trên nương rẫy
Muối mặn phơi khô dưới nắng dương
Bát thập chung đôi tròn mộng ước
Trăm năm mãi mãi vẹn niềm thương.

Tuyến Lê Sydney
Aug 18-23

Đà Lạt Mộng Mơ

(Xin phép bạn đồng môn CVA Thomas Lương cho dùng một tấm hình do anh phác họa.)

Chiều xuống, sương hơi lạnh. Con đường dốc nhẹ. Anh vừa đi vừa hát khẽ một mình:
 
Đà Lạt còn mơ yêu đương một thời
Cây xanh, dòng suối, đêm về sao rơi
Bước trên đường phố cũ
Có tôi người cô lữ
Mơ về những tháng ngày xưa...

Ngày ấy anh đang học năm thứ ba Y Khoa. Ông Bác giầu có, là một nhà thầu xây cất tại Sài Gòn, có ngôi biệt thự đẹp tại Đà Lạt. Dịp nghỉ Tết, cho ba anh em của anh dùng, nghỉ mát một tuần. Biệt thự màu hồng, có hai tầng lầu, trên một sườn đồi dốc thoải. Vợ chồng ông quản gia trên 50 tuổi lo dọn dẹp, trông nom vườn tược và lo cơm nước cho chủ nhân hay khách vãng lai khi họ đến.

Dịp nghỉ đó, buổi tối, anh hay lên lầu một, vừa đàn Guitar vừa hát. Qua khung cửa sổ anh thấy trong căn biệt thự kế bên, cô thiếu nữ khoảng 17 tuổi, tóc mây buông dài, dáng đẹp, ngồi trước cây đàn Grand Piano màu đen, đàn những nhạc khúc cổ điển danh tiếng. Tiếng đàn điêu luyện, những hợp âm quyến rũ tai nghe.

Thế rồi cô em gái anh quen nàng và giới thiệu, anh và nàng quen nhau. Nàng tên Diễm, làm anh liên tưởng đến ca khúc Diễm Xưa cùa Nhạc sĩ TCS. Anh và hai em, nhiều dịp cùng nàng du ngoạn những thắng cảnh Đà Lạt. Anh về Sài Gòn tiếp tục học. Nàng cũng tiếp tục năm thi Tú Tài phần I tại thành phố Cao Nguyên thơ mộng. Thỉnh thoảng nàng về Sài Gòn, cùng anh và các em anh đi đó đây. Anh và nàng yêu nhau.

Nhưng 'tình không đẹp như mơ'. Chiến sự ngày đó lan rộng. Song thân nàng đã cho nàng và một người anh đi du học Thụy Sĩ. Hôm lưu luyến tiễn nàng tại phi trường Tân Sơn Nhất, nhìn nàng và người anh lên chiếc máy bay Pan Am đi ngoại quốc, lòng anh thấy nao nao, 'từ đây xa cách'.

Đầu năm 2000, anh có dịp về thăm lại Đà Lạt. Đi trên những con đường cũ, qua hai căn biệt thự xưa. Kỷ niệm những ngày tháng trước trở về. Một niềm nhớ mênh mang. Mời quý thân hữu nghe tâm sự của anh qua nhạc phẩm Đà Lạt Mộng Mơ. Nhạc và lời Trần Văn Khang (Khanh Phương), Nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm, Ca sĩ Nhã Phương trình bày:


Trần Văn Khang

Bồ Tát Man Kỳ 1 - 菩薩蠻其一 (Bắc Tống, Liêu) Từ


Lý Dục 李煜 (937-978) tự Trùng Quang 重光, tự hiệu là Chung sơn ẩn sĩ 鍾 山隱士, Chung phong ẩn giả 鍾峰隠者, Bạch liên cư sĩ 白蓮居士, Liên phong cư sĩ 蓮峰居士, người đời quen gọi là Nam Đường Hậu Chủ 南唐後主 hay Lý Hậu Chủ 李後主. Ông là người nhân huệ minh mẫn, văn hay hoạ khéo, biết âm luật. Phủ khố Giang Nam có thu tàng tác phẩm thư hoạ của ông rất nhiều. Ông là vua cuối cùng của triều Nam Đường.

Nhà Tống diệt Nam Đường, phong ông làm An Mệnh hầu; sau ông bị Tống Thái Tông cho uống thuốc độc chết. Miền Giang Nam được tin Hậu Chủ chết, các phụ lão đều thương khóc.

Hậu Chủ lúc chưa mất nước sinh hoạt rất hào hoa nên từ cũng rất uỷ mị hoan lạc. Sau khi mất nước, bị đưa về nhà Tống, ngày ngày rửa mặt bằng nước mắt. Từ của ông lúc đó cũng rất thê thảm bi ai, đúng là vong quốc chi âm.

(Về thơ, Toàn Đường thi còn chép của ông 18 bài).

Hậu Chủ có 2 hoàng hậu: Đại Nga Hoàng rất tinh thông nhạc lý nhưng chết sớm. Tiểu Nga Hoàng (em kém Đại Nga Hoàng 14 tuổi; Lý Dục đã tư tình với nàng lúc Đại Nga Hoàng lâm bệnh và phong nàng làm hoàng hậu kế vị 4 năm sau khi bà chị mất).

Nguyên tác         Dịch âm

菩薩蠻其一         Bồ Tát Man Kỳ 1

花明月黯籠輕霧 Hoa minh nguyệt ảm phi khinh vụ
今霄好向郎邊去 Kim tiêu hảo hướng lang biên khứ.
鏟襪步香階         Sản miệt bộ hương giai,
手提金縷鞋         Thủ đề kim lũ hài.

畫堂南畔見 Họa đường nam bạn kiến,
一向偎人顫 Nhất hướng ôi nhân chiến.
奴為出來難 Nô vị xuất lai nan,
教君恣意憐 Giáo quân tứ ý lân.

Chú giải

霧 vụ: sương mù.
今霄 kim tiêu: khoảng thời gian này, đêm nay.
香階 hương giai: bậc thềm thơm.
畔 bạn: cái bờ, cái cạnh
偎 ôi: âu yếm, ôm ấp.
顫 chiến: run rẩy.
奴 nô: lời khiêm tốn dùng để tự xưng, như nô tỳ.
憐 lân, liên: thương yêu

Dịch nghĩa

Bồ Tát Man Kỳ 1

Sương mù nhẹ, hoa đẹp, trăng sáng,
Đêm nay thiếp vui vẻ đến bên chàng.
Chân mang bí tất bước trên thềm thơm,
Tay xách giầy chỉ vàng.

Cạnh lầu họa phía nam gặp mặt chàng,
Ôm chàng run bần bật:
“Nô tỳ tới đây khó khăn,
Yêu đương ra sao tùy ý chàng”.

Dịch từ

Bồ Tát Man Kỳ 1

Sương bay mỏng hoa thơm trăng sáng
Đến bên chàng đêm nay vui sướng.
Bí tất bước thềm thơm,
Tay xách hài chỉ vàng.

Tới nhà nam gặp mặt,
Ôm chàng run bần bật:
“Nô-tỳ” đến khó khăn,
Ái ân tùy ý chàng”.

Lời bàn

Một bài từ, thoạt trông thì lãng mạn, nhưng xét kỹ văn phong (và tiểu sử) thì thấy chân thật, rành mạch, tự nhiên và rất cảm động đối với một đấng quân vương:

Hai câu 1 & 2:
Một đêm đẹp trời: sương mỏng, hoa thơm, trăng sáng (em tới gặp chàng rất vui sướng).

Hai câu 3 & 4:
Nhà chàng sang trọng (nhà của đấng quân vương), nên em phải tháo hài xách tay, chân đi bí tất trên bậc thềm (nàng là dân; chàng là vua, 2 giai cấp khác biệt nên nàng dè dặt).

Hai câu 5 & 6:
Nàng ôm chàng mà run bần bật: không run vì sung sướng mà run vì e sợ (chàng đã có vợ; vợ chàng lại là chị mình đang hấp hối).

Hai câu kết nổi bật nhất:

Câu 7:
Nô tỳ” đến khó khăn: Câu này có 2 phần: 1/ Lời xưng hô “nô tỳ”: Đây không phải cách xưng hô khiêm nhượng mà là lối xưng hô giai cấp (như vừa nói trong câu 3 & 4). 2/ Cụm từ khó khăn biểu lộ những rào cản: nàng lén lút cha mẹ, anh em, dân gian và… quan trọng hơn cả là nàng lén lút phu nhân của chàng (tức là chị của mình).

Câu 8:
Ái ân tùy ý chàng”: đây là một lời mời khéo léo; nàng muốn dâng hiến trinh tiết cho chàng.

Bài từ tả một cuộc ngoại tình với em vợ (ám chỉ Tiểu Nga hoàng) rất thành thực và chi tiết của một vị quân vương.
Có một ẩn ý được Lý Dục giấu kỹ hơn cả: cuộc giao hoan hoàn toàn tự nguyện do cô em vợ; không có sự ép buộc của mình (tuy mình là một ông vua).

 Con Cò
***
Bồ Tát Man Kỳ 1

Hoa thơm nguyệt lu sương rơi nhẹ,
Đêm nay đến cạnh chàng vui vẻ.
Vớ thả bộ thềm thơm,
Tay xách giầy tuyến cườm.

Đến nhà nam gặp mặt,
Lật bật ôm chàng chặt.
Tỳ thiếp đến gian nan,
Quý yêu mặc ý chàng.

Mỹ Ngọc 
July 3/2022.
***
Bồ Tát Man (Kỳ 1)- Lý Dục

1-

Trăng mờ hoa thắm sương giăng nhẹ
Đêm nay rạo rực thăm chàng lẹ!
Hương tất qua thềm phai
Tay cầm kim tuyến hài

Phía nam nhà lộng lẫy
Vừa cận kề, run rẩy
Thiếp đến thật khó khăn
Yêu thương mấy tùy chàng!

2-

Trăng mờ hoa thắm sương giăng
Đêm nay rạo rực đến thăm viếng chàng
Tất trơn hương tỏa thềm hoang
Tay cầm hài nhỏ chỉ vàng thêu hoa

Bờ nam nhà đẹp sáng lòa.
Chợt thân run rẩy sát na cận kề
Khó khăn thiếp tới cũng vì…
Tùy chàng âu yếm mấy khi tương phùng!

Lộc Bắc

熙 陵 幸 小 周 后 图 = Hy Lăng hạnh Tiểu Chu Hậu đồ (ảnh Thái Tông yêu bà Tiểu Chu Hậu)

Góp ý:

ÔC lấy bài trong Thi Viện, BS thấy có mấy chỗ sai, chắc anh Tâm sẽ điều chỉnh thôi:

1) Chữ thứ 4 của câu đầu, phiên âm là ÂM, phải là ẢM mới đúng, nghĩa là tối tăm, ảm đạm.
2) Chữ đầu câu thứ 3, phiên âm là SÁI. Chữ đó viết với bộ kim, là chữ SẠN hay SẢN, là cái xẻng, nếu động từ thì là cào đất, san bằng…Chữ này đi với chữ MIỆT là vớ, bí tất, hay áo lót của đàn bà thì không thích hợp. BS tra các chữ SÁI trong tự điển của Nguyễn Tôn Nhan, chỉ được một chữ, viết với bộ y, có nghĩa là chỗ xẻ trên áo của đàn bà. Và câu này, BS phải hiểu là nàng thiếu nữ mặc áo lót có xẻ bên sườn, đi bộ trên hành lang thơm ngát…. Lén đi gặp người yêu mà mặc áo lót thôi thì hấp dẫn lắm…Câu sau nói tay nàng cầm hài, đi chân đất, còn gợi tình hơn nữa.

3) Chữ thứ 2 của câu chót, viết là QUÂN, nhưng phiên âm là chữ LANG.
Phiên âm sai thôi, chứ chữ nào cũng cùng nghĩa và vần bằng, không làm thay đổi ý của câu thơ.

Đây là bài từ rất lạ, tả một người nô tỳ lén tới hiến thân cho cậu chủ, BS chưa đọc lần nào. Và hai người trong bài từ là ai? Theo sử, thì Nam Đường Hậu chủ là người tài hoa, văn chương trác tuyệt, giỏi thư pháp, hội họa và âm nhạc… Hoàng hậu là Chu Nga Hoàng, giỏi âm nhạc và ca vũ, sáng tác nhiều vũ điệu bay bướm, được Hậu Chủ rất tán thưởng. Hậu Chủ và hoàng hậu tình ái rất mặn nồng. Khi bà bị bệnh, thì em gái bà hay vào cung thăm chị, và tư thông với Hậu Chủ. Người em này tên Chu Nữ Anh, kém chị 14 tuổi. Bốn năm sau khi Nga Hoàng mất thì Hậu Chủ phong Nữ Anh làm Hoàng Hậu. Sử gọi hai bà là Đại Chu Hậu và Tiểu Chu Hậu.

Năm 975, Tống chiếm Nam Đường, Hậu Chủ và Tiểu Chu Hậu bị bắt về Biện Lương, rồi 3 năm sau, khi Hậu Chủ bị Tống Thái Tông Khuông Nghĩa giết chết, bà đã tự sát theo chồng.
Theo những gì BS vừa viết, thì không chừng bài từ này tả cuộc tình vụng trộm của Hậu Chủ với Tiểu Chu Hậu…
Những bài từ của Lý Dục làm trong thời gian bị cầm tù, theo ý BS, mới tiêu biểu cho tâm tư của vị vua vong quốc, nhớ quê hương, nhớ cung vàng điện ngọc ngày xưa, nhớ người vợ đa tài, sắc nước hương trời…

Để BS gửi ACE bài Sầu Vong Quốc, viết đã lâu, mới hiệu đính lại năm 2021.

Sau đây là bản dịch bài Bồ Tát Man Kỳ Nhất của Lý Dục, theo cách hiểu của Bát Sách:

Trăng mờ, hoa thắm, sương bay nhẹ,
Đêm nay lén tới nhà chàng nhé,
Áo xẻ, bước thềm êm,
Tay xách hài thêu mềm,

Gác nam mình gặp mặt,
Tựa chàng run lật bật…
Em tới đây khó khăn,
Thả buông tự ý chàng.

Bát Sách.
(Ngày 06 tháng 07 năm 2022)
***
Nguyên tác:            Phiên âm:

菩薩蠻其一 -李煜 Bồ Tát Man Kỳ 1 – Lý Dục

花明月黯籠輕霧 Hoa minh nguyệt ảm phi khinh vụ
今霄好向郎邊去 Kim tiêu hảo hướng lang biên khứ
鏟襪步香階         Sản miệt bộ hương giai
手提金縷鞋         Thủ đề kim lũ hài

畫堂南畔見 Họa đường nam bạn kiến
一晌偎人顫 Nhất thưởng ôi nhân chiến
奴為出來難 Nô vị xuất lai nan
教君恣意憐 Giáo quân tứ ý lân

Bài từ này của Lý Dục có mộc bản trong các sách:

Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Hoa Thảo? Biên - Minh - Trần Diệu Văn 花草稡編-明-陳耀文 tựa Dữ Chu Hậu Muội 與周後妹
Tôn Tiền Tập -- Khuyết Danh 尊前集--闕名 tựa Tử Dạ Đề 子夜啼

Một số trang web chép chữ 2 trong câu 6 là 向 hướng=hướng về khác mộc bản là 晌 thưởng= gần trưa.

Dịch nghĩa:

Bồ Tát Man Kỳ 1 - Dữ Chu Hậu Muội

Hoa minh nguyệt âm phi khinh vụ Trong sương nhẹ, hoa kiều diễm dưới trăng sáng mông lung,
Kim tiêu hảo hướng lang biên khứ Đêm nay quyến rũ, em muốn bí mật đến bên chàng.
Sản miệt bộ hương giai Chân trần không tất, em mò bước lên bậc thềm có hương thơm,
Thủ đề kim lũ hài          Tay xách đôi hài thêu chỉ vàng.

Họa đường nam bạn kiến    Rồi em gặp chàng ở phía nam hội trường,
Nhất thưởng ôi nhân chiến  Trong vòng tay chàng ôm chặt, em run rẩy.
Nô vị xuất lai nan                Mỗi lần đến gặp chàng không dễ dàng,
Giáo quân tứ ý lân               Vậy đêm nay hãy yêu em thật tận tình.

Pu Sa Man 1 by Li Yu

Light fog, bright moon light and beautiful flowers,
Provided an opportune time to secretly meet you.
My feet without socks quietly stepped on the flagrance floor,
My hands held the gold embroidered slippers.

Finally I met you at the south end of the hall.
I trembled in your firm and eager embrace.
Meeting you is not always easy for me,
So tonight make love to me as you please.

Tune: Pu Sa Man 1 by Li Yu (937-978)
Translation by Jiang Shao Lun 江紹倫

Bright flowers veiled in thin mist under dim moonlight
‘Tis an opportune time to venture your way my love
With torn stockings in fragrant steps I tread
Holding my slippers sown with golden thread

We meet south of the painted hall
In your firm embrace trembling I fall
‘Tis not easy for me to meet you often
So do caress me every way as you please


Phí Minh Tâm

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Bến Sịa Hoàng Hôn - Thơ: Quang Hà,-Nhạc: Trần Đại Bản-Hòa Âm: Quang Đạt-Ca Sĩ: Duyên Quỳnh


Thơ: Quang Hà
Nhạc: Trần Đại Bản
Hòa Âm: Quang Đạt
Ca Sĩ: Duyên Quỳnh

Ảo



Người đi bỏ mộng lại đây
Chiêm bao thấy vạt áo bay hững hờ.
Vói tay, níu áo đề thơ
Chữ chưa sương khói đã mơ... huyền. Mờ.

Cao Vị Khanh

Sông Trắng



(thơ họa)

Rừng núi hôm nay đổ dáng mù
Trên đồi sương sớm một chùa tu
Áo ai khép kín đời xuân sắc
Lòng kẻ nguyện trong phận kiếp tù
Quên cuộc sống phồn hoa nắng hạ
Nhớ đêm rằm ánh nguyệt hồn thu
Tìm trong muôn thuở dòng sông trắng
Chảy miệt mài tâm nhẹ tĩnh tu.


Lê Mỹ Hoàn

Họp Bạn


Thu đi Thu lại về rồi
29 Tháng Bảy tiết trời thu phân
Ly tan giờ lại hợp quần
Cuộc đời là cuộc phù vân vô thường

Ngược xuôi muôn vạn ngả đường
Hôm nay “Họp Bạn” một phương trời này
Mến thương “Tặng Sách” tận tay
Niềm vui thấm đượm men say tâm tình

Dễ gì trong cuộc nhân sinh
Tri âm tri kỷ, chúng mình gặp nhau
Hoa râm cùng điểm mái đầu
Dĩ văn hội hữu, trước sau chân thành

Trao lời chúc phúc an lành
Hiệp hòa thi tứ đồng thanh tương cầu
Xa gần, thì vẫn còn nhau
Tâm như nhật nguyệt, đậm câu ân tình.

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Con Là Con Mèo Trạng Quỳnh Của Mạ(Huy Phương) - Mama, I Am Your Self-Contented Cat(Thanh Thanh)

 

Con Là Con Mèo
Trạng Quỳnh Của Mạ


Mạ sinh con đang lúc nhà nghèo khó
Một phần cơm, khoai sắn độn hai phần
Thuở ấu thời, mắm cà cùng muối đậu
Con đã quen ngon miệng món nhà bần.

Lúc mớ rạm ngoài đồng đem ram muối
Muà nước lên con bống thệ kho khô
Những chột nưa mạ nấu cùng tí ruốc
Rau tập tàng vị ngọt những ngày thơ.

Đọi rau khoai ngọt ngào con tôm đất
Hũ tép chua có những lát măng vòi
Bánh tráng nướng còn thơm mùi mít trộn
Những món quen con vẫn nhớ trọn đời.

Ngày mưa bão, trên mâm thường trứng luộc
Trưa mùa hè, nước rau muống thay canh
Chút dưa, muối cũng vội vàng xong bữa
Sao mạ hay - ngồi ăn cuối một mình.

Con là con mèo Trạng Quỳnh cuả mạ
Đã phận quen ăn những món ăn nghèo
Trước những mâm đầy sơn hào hải vị
Con dửng dưng như đứa trẻ quen chiều.

Giờ con đã xa nửa vòng trái đất
Biết khi mô mới trở gót quay về
Trên bếp lửa chụm rơm chiều khói tỏa
Con cá cơm mạ nấu bữa canh me.

Cho ấm áp thêm cuộc đời trống lạnh
Hạnh phúc này xoa diụ tấm lòng con
Khi hơi toả thơm ngát mùi gạo mới
Trên tay con, miếng cơm cháy thơm dòn.

Con, đứa trẻ lạc loài trên xứ lạ
Đang quay cuồng theo cơm áo, ngựa xe
Mà thương mạ vẫn thường hay tựa cửa
Bên mâm cơm, vắng bóng đứa con về.

Huy Phương
***
Bài Dịch:

Mama, I Am Your

Self-Contented Cat

You gave birth to me while being destitute:
Potato or cassava doubling rice each meal to suit.
Salted egg-plants and peanuts since childhood,
I had got accustomed to the poor people’s food.

The crabs from the paddy-fields that you fried,
The goby from inundation that you cooked dried,
The chunks of taro you prepared with rousong,
The sundry veg…, that with my youth got along.

The sweet potato buds, with prawns as spices,
The soured shrimps, with bamboo shoot slices,
The grilled pancakes smelling jackfruit, thyme,
The familiar dishes… I remember all my lifetime.

On stormy days, on the salver were boiled eggs;
In summer, water spinach for broth without dregs;
A bit of pickle was enough for a quick repast…
But you Mama always remained alone the last.

Regals are rich, their cats have delicacies to try;
I was Mama’s cat, only meagre dishes did satisfy.
So content with my lot that feasts I did not enjoy,
Indifferent, seeming kittle as a too coshered boy.

Well, now that I have been a hemisphere away,
I do not know when I will come back and stay
There, on the straw fire under smoke you stoop
To cook with anchovies the eve tamarind soup.

So that warmth is added to my empty existence:
Such bliss will appease my heart in this distance,
With the cooking smelling the new harvest rice,
And for me a crisp piece of burned rice as a price.

As a lost young child lonely in a strange land,
Being whirled along means of living’s demand,
I feel so anxious for Mama against the door-case
Or by the food tray always longing to see my face.

Translation by Thanh-Thanh

Sầu Vong Quốc

 

Nỗi lòng của Lý Hậu Chủ, nhà thơ vương giả.

Nhà Đường, sau loạn Hoàng Sào, càng ngày càng suy yếu, bị kiềm chế bởi Lý Khắc Dụng. Vua Đường Chiêu Tông, muốn khôi phục lại quyền hành, nhờ Chu Toàn Trung giúp đỡ. Ngờ đâu tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa: Chu giết Chiêu Tông, lập Ai đế, rồi ép vua nhường ngôi năm 907.

Từ đó, nước Trung Hoa chìm trong biển loạn: Có 5 triều đại thay phiên nhau cầm quyền, mỗi triều được vài ba đời vua, sử gọi là thời Ngũ Đại, kéo dài từ năm 907 đến năm 960, gồm các nước Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. Ngoài ra, các Tiết độ sứ cũ của nhà Đường cũng tự dựng nước, cha truyền con nối lập thành 10 nước nhỏ gọi là Thập quốc, trong đó có nước Nam Đường.

Người lập ra nước Nam Đường là Lý Biện (có sách gọi là Lý Thăng), tiết độ sứ tỉnh Giang Tô. Khi Biện xưng đế năm 937, phong con là Lý Cảnh làm Tề vương, chức Binh bộ thượng thư. Biện, được sử gọi là Tiên chủ, mất năm 943; Cảnh nối ngôi tức là Trung chủ. Tuy làm Binh bộ thượng thư, rồi làm vua, nhưng Lý Cảnh không khá lắm về võ nghệ. Năm 951, đi đánh Phúc châu, Lý thất trận; khi Chu Thế Tông Sài Vinh xuống đánh Nam Đường, Lý bị mất vùng Giang Bắc, phải bỏ đế hiệu, xưng thần. Nhưng Lý Cảnh là một tay nổi tiếng về văn chương, làm từ rất hay, có những câu bất hủ được truyền tụng:

菡萏香銷翠葉殘,Hạm nảm hương tiêu thuý diệp tàn,
西風愁起綠波間。Tây phong sầu khởi bích ba gian.

Sen đã tan hương, lá biếc tàn,
Gió Tây sầu nổi, sóng xanh làn
(Trần Trọng San)

Lý Cảnh mất năm 961, Lý Dục nối ngôi cha, gọi là Hậu Chủ. Trước đó, năm 960, Triệu Khuông Dận đã cướp ngôi nhà Hậu Chu, lập nên nhà Tống. Bình lực của Tống vốn yếu, lại phải chống cự với rợ Khiết Đan, nên nước Nam Đường tuy nhỏ, mà Tống phải mất 15 năm, chinh phạt 3 lần mới chiếm nổi. Đó là năm 975: Lý Dục bị tướng Tống là Tào Bân bắt về Biện Kinh, được phong Vi mệnh hầu, để rồi 3 năm sau, 978, bị Tống Thái Tông Khuông Nghĩa sát hại bằng độc dược.

Lý Hậu chủ sinh năm 937, là khi nước Nam Đường lập quốc, mất năm 978, hưởng dương 41 tuổi, làm vua được 14 năm, bị tù 3 năm. Ông là người tài hoa, thông minh, học rộng, giỏi thư pháp, hội họa và âm nhạc. Hoàng hậu là Chu Nga Hoàng, sử gọi là Đại Chu hậu, để phân biệt với Tiểu Chu hậu, em ruột của bà, được phong Hoàng hậu khi bà tạ thế, (936-964). Đại Chu hậu, còn được gọi là Chiêu Huệ Chu hậu, là một trang quốc sắc thiên hương, rất tinh thông âm luật, lại giỏi đàn tỳ bà, đến nỗi Trung chủ Lý Cảnh cũng biết tiếng và ban cho bà một cây đàn rất quý là Thiêu Tào tỳ bà. Khi đó, khúc Nghê Thường Vũ Y của Đường Minh Hoàng đã thất truyền, không còn nguyên vẹn, bà cùng 2 nhạc sư là Từ Huyễn và Tào Sinh chỉnh sửa lại, phối thêm với tỳ bà thành điệu vũ mới làm Lý Hậu chủ vô cùng tán thưởng. Tình yêu của bà với vua rất mặn nồng thắm thiết. Năm 964, khi bệnh tình đã nguy kịch, bà dâng vua cây đàn tỳ bà và chiếc vòng tay bằng ngọc mà bà thường đeo, ý nói lời vĩnh biệt. Hậu chủ rất thương xót, làm bài Chiêu Huệ Chu Hậu Luỵ, lời văn thật thống thiết, bi ai. (Luỵ là một thể văn).

Tiểu Chu hậu, tiểu tự là Nữ Anh, sinh năm 950, kém chị 14 tuổi. Bà hay vào cung thăm chị, và hình như khi chị bị bệnh thì Lý Hậu chủ có tư thông với bà, và làm bài từ theo điệu Bồ Tát Man để nói về mối tình vụng trộm. Nhưng Hậu chủ hối hận về việc này nên săn sóc Đại Chu hậu rất tận tình; khi bà mất, ông làm bài lụy, và đến năm 968, 4 năm sau, mới lập người em làm hoàng hậu. Tiểu Chu hậu sống với Lý Hậu chủ trong suốt thời gian ông bị quản thúc tại Biện Lương, và khi Hậu chủ bị thảm sát, bà đã tuẫn tiết theo chồng, đúng vào ngày 7 tháng 7, là ngày sinh nhật của ông, và cũng là ngày chim Ô thước bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.

Đang làm vua một nước, nhất hô bá ứng, với cung vàng điện ngọc, đột nhiên vong quốc, mang kiếp cá chậu chim lồng, văn chương của Lý Hậu chủ đẹp như hoa gấm nhưng cũng đầm đìa nước mắt.

# Cách diễn tả nỗi sầu, nỗi hận biệt ly của Lý vừa mới lạ, vừa thấm thía:

剪不斷,Tiễn bất đoạn,
理還亂,Lý hoàn loạn,
是離愁。Thị ly sầu.

(Cắt không đứt, chải lại rối, chính là mối sầu ly biệt.)

[Cụ Phan Khôi, trong bài hớt tóc, có 2 câu: Mối sầu như tóc bạc,cứ hớt lại dài ra, rõ ràng là chịu ảnh hưởng của thơ Lý Hậu chủ].

Hoặc:

離恨恰如春草     Ly hận khước như xuân thảo,
更行更遠還生。Cánh hành, canh viễn, hoàn sinh.

(Hận biệt ly giống như cỏ xuân, càng đi, càng xa, vẫn nẩy sinh)
# Gió hướng đông đã nổi, báo hiệu mùa xuân trở về...

Trên lầu nhỏ, một mình thao thức dưới ánh trăng khuya, tình quê vời vợi, kỷ niệm chập chờn, hờn vong quốc sót sa, nhà thơ vương giả không đành lòng quay đầu nhìn về nước cũ... Đó là tâm trạng của Lý Hậu chủ trong bài từ theo điệu Ngu Mỹ Nhân (kỳ 1) 虞美人其一:

春花秋月何時了         Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu?
往事知多少。             Vãng sự tri đa thiểu?
小樓昨夜又東風,     Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
故國不堪回首月明中 Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung.

雕欄玉砌應猶在,      Điêu lan ngọc thế ưng do tại,
只有朱顏改。              Chỉ thị châu nhan cải,
問君能有幾多愁,      Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
恰似一江春水向東流   Kháp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.

Hoa xuân, trăng thu bao giờ hết?
Chuyện cũ nhiều hay ít?
Lầu nhỏ đêm qua lại gió đông,
Nước cũ không đành nhìn lại dưới trăng trong.

Hiên vân thềm ngọc còn nguyên đó,
Chỉ mặt son thay đổi,
Hỏi người ai biết có bao sầu,
Tựa như một sông xuân nước chảy về đông.
(Bát Sách)

# Đàn nhạn đã quay về nam, báo hiệu mùa thu. Nhạn bay. tung tăng, ung dung tự tại, còn ta mang kiếp lao tù. Tin không gửi được theo cánh chim, mà mộng hồi hương khó thành sự thật. Đó là ý của 2 câu trong bài từ theo điệu Thanh Bình Lạc: 清平樂

雁來音信無憑,Nhạn lai âm tín vô bằng,
路遙歸夢難成 Lộ dao, quy mộng nan thành.

Nhạn về, không gửi được thơ,
Đường xa, mộng trở về quê khó thành.
(Bát Sách.)

# Đối với Đại Chu hậu, Lý Dục có một tình yêu tha thiết. Tuy trong vòng kiềm tỏa của triều Tống, chịu kiếp lưu vong, ông thường nhớ lại những vũ khúc yểu điệu ngày xưa của người vợ quá cố, và mơ ước được gặp lại nàng trong giấc mộng.

Tâm sự của ông được viết trong bài từ theo điệu Thái Tang Tử 采桑子 sau đây:

亭前春逐紅英盡   Đình tiền xuân trục hồng anh tận,
舞態徘徊,           Vũ thái bồi hồi,
細雨霏微,           Tế vũ phi phi,
不放雙眉時暫開。Bất phóng song mi thời tạm khai.

綠窗冷靜芳音斷,Lục song lãnh tĩnh phương âm đoạn,
香印成灰,            Hương ấn thành hôi,
可奈情懷,            Khả nại tình hoài,
欲睡朦朧入夢來。Dục thuỵ mông lung nhập mộng lai.

Trước đình xuân đuổi hổng đi hết,
Dáng múa bồi hồi,
Mưa nhẹ phất phơ,
Chẳng để đôi mi tạm mở ra.

Song xanh vắng lặng tin thơm dứt,
Dấu hương thành tro,
Biết sao tình hoài,
Muốn ngủ mơ màng vào mộng thôi.
(Trần Trọng San.)

(Câu chót, tôi mạn phép thêm chữ thôi vào cho đủ 7 chữ, đúng với điệu từ.)

# Lý Hậu chủ, lẽ dĩ nhiên, thâm hận kẻ thù, và thường nằm mơ, thấy lại cuộc sống đế vương ngày trước với bao luyến tiếc. Bài từ theo điệu Vọng Giang Nam 望江南 của Lý như sau:

多少恨         Đa thiểu hận,
昨夜夢魂中        Tạc dạ mộng hồn trung,
還似舊時遊上苑 Hoàn tự cựu thời du thượng uyển,
車如流水馬如龍 Xa như lưu thuỷ, mã như long,
花月正春風         Hoa nguyệt chính xuân phong.

Bao Nhiêu Hận,

Đêm qua, trong giấc mộng,
Thấy tựa ngày xưa chơi thượng uyển,
Xe như nước chảy, ngựa như rồng,
Hoa nguyệt giữa gió đông.
(Bát Sách.)

(Gió đông, là gió từ hướng đông lại, tức là gió xuân)

# Tuy nhiên, có một điều Bát Sách không hiểu rõ: Lý Dục là người bất hạnh, bị quốc phá, nhưng không bị gia vong. Có thể nói ông còn may mắn hơn nhiều người khác vì được bà vợ tiết liệt đoan trinh, luôn luôn sát cánh với ông khi ông ngã ngựa, thân bại danh liệt. Tuy canh cánh trong lòng mối sầu vong quốc, nhưng văn của ông có những đoạn phảng phất nhớ nhung một bóng hồng ngàn trùng xa cách… Đó là Đại Chu hậu? Đó là một mỹ nhân nào khác? Hay chỉ là tâm tình lãng mạn của thi nhân, kiểu thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai ?

Đây là một đoạn trong bài từ theo điệu Tương Kiến Hoan 相見歡:

胭脂淚             Yên Chi Lệ, *
相留醉             Tương lưu tuý,
幾時重。          Kỷ thời trùng?
自是人生長恨  Tự thị nhân sinh trưởng hận,
水長東。          Thuỷ trường đông.

*Yên chi là son phấn để trang điểm.

Lệ son phấn,
Giữ nhau say,
Bao giờ gặp?
Từ đây hận dài cõi thế,
Nước về đông.
(Bát Sách.)

Chúng ta mất nước, sống lưu vong góc biển chân trời đến nay đã mấy chục năm, Sau khi thoát khỏi cộng sản, chúng ta khác Lý Hậu chủ ở chỗ không sợ bị sát hại, không có cung vàng điện ngọc để mà thương tiếc, nhưng nỗi lòng của chúng ta thì tương tự như nỗi lòng của nhà thơ vương giả này: nhớ quê hương, nhớ những kỷ niệm xưa, hận biệt ly, hận đám cuồng đồ, và buồn vì châu nhan cải, vì mái tóc đã giảm màu xanh.

Nhà thơ mất nước trước chúng ta đúng một ngàn năm (975) đã nói giùm chúng ta tiếng lòng.

Bát Sách.
(Viết năm 1998, bổ túc năm 2021)

Tham khảo:
- Trung Quốc sử cương của Đào Duy Anh.
- Đường Tống từ tuyển của Trần Trọng San.
- Tam hạ Nam Đường.
- Thi viện.

Mối Tình Đầu (Phần Cuối)


CHƯƠNG IV: ĐẾN BẾN TỰ DO

Từ ngày Giang về, Thu rất thương Uyên khi thấy hai em quấn quýt bên nhau. Thu thường hay giúp anh Tư đưa người đi nên biết đây là chỗ tin cậy và sợ sau khi mình đi rồi thì không có ai lo cho Uyên được. Thu muốn lo cho hai em đi trước nên mang chuyện đó bàn với anh Tư, nhờ anh thu xếp chỗ cho Giang và Thu nhường chỗ của Thu cho Uyên, chờ hai em đến đảo rồi sẽ tính sau. Biết tính Uyên khó bảo nên Thu lấy cớ đổi tài cho may mắn để ép Uyên phải nghe lời. Thu nói với em

- Hai tuần nữa anh Tư có chuyến đi, chị đi cứ bị rớt hoài nên chị muốn đổi tài cho hên, Uyên đi chỗ của chị. Chị sẽ hỏi Tư xem còn chỗ nào cho Giang không vì họ rất cẩn thận và thường thì đã đầy từ lâu nhưng chị giúp anh ấy nhiều nên chị hy vọng được. Uyên hỏi Giang xem ý nó như thế nào?
- Không được đâu, nếu em đi rồi thì sợ chị Lan không có tiền cho chị và Tuấn đi, em có nói chắc là Giang cũng không chịu đâu.
- Uyên cứ đi đi, chị Lan thấy hai em tới đảo thì chị sẽ mừng và lo cho đứa khác. Uyên phải nghe lời chị, để chị hỏi anh Tư trước khi nói chuyện với Giang
Thu bàn riêng với Duy
- Chị định nhường cho Uyên đi trước vì nếu chị đi rồi thì các em khó gặp anh Tư lắm. Duy phụ chị kiếm cách nói cho Uyên nó nghe lời chị nhé.
Sau khi ba chị em bàn định, Duy nói
- Chị Thu nói rất đúng, anh chị đi được rồi thì bên này anh Tư vẫn có chuyến đi, nếu chị Thu đi rồi thì mình khó gặp anh Tư lắm. Anh chị đi trước, chị Thu và em sẽ nói chuyện với anh chị Lan sau.
Chị Thu nhìn Uyên
-Chị thấy Duy có lý, Uyên nghĩ sao
Uyên ngại ngùng
- Em đã nói rồi mà chị không chịu thì bây giờ chị bảo sao thì em nghe vậy.
Duy đồng ý
- Vậy là tốt rồi, chị Uyên mời anh Giang đến đây mình hội thảo bàn tròn nhé.
Hôm sau, Uyên nói với Giang
- Em có chuyện cần bàn với anh ở nhà em.

Buổi trưa, Giang xin về sớm rồi ghé sạp đưa Uyên về nhà. Sau khi nghe Uyên nói về việc chị Thu muốn lo cho hai đứa đi trước, trên mặt Giang thoáng chút trầm ngâm. Anh nắm nhẹ tay Uyên, nhìn sâu vào mắt nàng, giọng tràn đầy những âu yếm, thương yêu

- Uyên có biết là trong suốt hai năm ở tù, anh luôn luôn nghĩ đến em, đến tình yêu của chúng mình và sự hy sinh đợi chờ của em. Anh chỉ mong sau khi anh về, em bằng lòng để mình làm đám cưới rồi mọi chuyện sẽ tính sau. Không ngờ em lại bàn về chuyện đi trước khi anh có dịp để nói với em…Anh sẽ làm theo những điều em muốn, anh sẽ đi với em nhưng chỉ một lần nữa thôi Uyên nhé. Và về những điều em nói, theo anh nghĩ nên để chị Thu và Tuấn tiếp tục đi, rồi sẽ có may mắn. Anh sẽ đến gặp chị Thu và Duy để cám ơn đã lo lắng về việc đi cho hai đứa mình .

Nghe Giang nói, Uyên cảm thấy được tất cả nỗi ưu tư của anh. Lỏng đầy thương cảm về sự nhớ thương nàng trong những tháng năm dài cô đơn trong tù. Uyên để tay nằm gọn trong bàn tay còn đầy chai cứng của Giang, dịu dàng
- Uyên cám ơn anh đã chiều theo ước muốn của em, em hứa nếu có dịp đi thì sẽ là lần chót, dù được hay không em sẽ nghe theo quyết định của anh về chuyện của tụi mình. Khi chị Thu đề nghị Uyên đi thay chị cho hên và tìm chỗ cho anh, Uyên đã nói với chị Thu, cũng giống như ý kiến của anh nhưng Duy đã thuyết phục được em mời anh đến để cho mấy chị em cùng hội thảo bàn tròn. Anh đến cho chị Thu và Duy biết ý của anh nhé
Giang ngồi yên nghe chị Thu nói, anh nhìn chị
- Em cám ơn chị đã lo cho Uyên và em, theo em mọi chuyện đã được dự định như thế rồi thì mình cứ làm theo. Chị đã không may mắn hai lần rồi thì lần tới sẽ thành công
Duy nhìn Giang
- Em đồng ý với anh Giang, em chỉ có hai điều để nói, em hy vọng anh suy xét lại
-... thứ nhất cứ theo như lời anh nói, nhưng chị Thu đi rồi thì em thấy không còn chỗ nào tin cậy được. Anh thấy đó, mình đã đến nước phải làm ghe lấy để đi mà còn bị lừa
-... thứ hai nếu anh và chị Uyên tới đảo rồi thì mới đưa tiền thì rất là an toàn và lúc đó chị Lan thấy anh chị đi được thì chị vui mừng và sẽ lo tiếp cho chị Thu. Em nghĩ anh chị nên nghe lời chị Thu, bố mẹ mất rồi, ở đây bây giờ chị là người lớn nhất, hơn nữa đi được rồi thì anh mới lo được cho chị Uyên chu đáo. Em phải nói hết lời chị Uyên mới bằng lòng đưa anh đến đây để nói chuyện, em mong anh đừng phụ lòng hai chị của em
Giang yên lặng suy nghĩ một lúc lâu, nhìn Uyên, anh thấy mắt nàng đầy mong đợi. Giang quay sang Duy.
- Anh cám ơn Duy đã cho biết ý kiến của em và những điều chính xác mà Duy nói cũng như những tình cảm mà gia đình đã dành cho thì anh không thể nào từ chối được.
Giang nói với chị Thu
- Em xin nghe lời chị.
Duy bắt tay Giang rồi nhìn Uyên, giọng đầy vui mừng
- Chúc mừng anh chị
Mấy ngày sau khi chị em họp, vào một buổi chiều, chị Thu đưa cho Uyên và Giang một tờ giấy, trong đó chỉ có ghi địa chỉ của một căn nhà, dặn hai em lúc đêm tối cứ đến nhà tại địa chỉ đó, và làm theo lời chỉ dẫn của chủ nhà.
Năm giờ sáng hôm sau, Giang và Uyên đã sẵn sàng, có một anh chàng khoảng hơn hai mươi tuổi đến
- Em tên là Tám, má bảo em đến đón anh chị đi Gò Công ăn giỗ ba em.
Giang nói
- Cám ơn em Tám

Ba người đón một chiếc xích lô máy ra bến xe để đón xe đi Gò Công. Vào khoảng giữa trưa xe gần đến Gò công và ngừng lại trạm để cho người lên xuống. Tám nhìn Giang rồi ra cửa xe, Giang và Uyên đi theo, cũng gần mười người xuống đây nên cũng không ai để ý. Tám dẫn hai người đi trên con đê nhỏ giữa ruộng lúa đến một con sông khá lớn, ngay bờ sông đã có một người trên chiếc xuồng nhỏ ngồi chờ. Tám đi xuống xuồng, Giang đi theo và giúp Uyên xuống. Cậu lái xuồng vừa chèo được vài cái, bỗng nhiên chiếc xuồng nhỏ lao chao rồi lật úp xuống sông. Uyên hoảng sợ vì cả người ở dưới nước, đang đưa tay quờ quạng thì có một bàn tay kéo nàng lên mặt sông và nghe tiếng Giang
- Đừng sợ, anh đây
Tám và cậu lái xuồng đã lật xuồng lại rồi kéo Giang và Uyên lên. Cả bốn người đều ướt hết, khi xuồng đến bờ sông đối diện. Tám nói
- Nhà em gần đây, em đưa anh chị về thay đồ.
Bà mẹ Tám đưa cho Uyên một bộ đồ của bà
- Cháu đi tắm đi
Tám chỉ cho Giang cách phơi đồ cho khô rồi nói với mẹ
- Má cho anh chị và con ăn đi, chập tối là phải đi rồi.

Trời chập choạng tối, Tám đưa hai người xuống ghe nhỏ, khi ghe đến xà lan đậu giữa sông thì đã tối hẳn. Sau khi đúng tín hiệu, họ cho ba người lên xà lan nhưng bảo Uyên đi xuống hầm dưới vì chỉ đàn ông được ở trên thôi. Một mình Uyên vịn vào vách kim loại lạnh ngắt của xà lan, lần mò đi xuống. Trong cái mờ tối của hầm, Uyên thấy có người đã ngồi , Uyên bước tới và ngồi ngay cạnh người đầu tiên nàng thấy. Hình như có vài người đến sau rồi cảm thấy xà lan chạy

Không biết là bao lâu, xà lan ngừng chạy, Uyên thấy có người cầm đèn pin đưa từng người ra. Đến phiên nàng, trong đêm tối Uyên không hiểu bằng cách nào mà nàng đang ở dưới hầm của ghe lớn. Giang đã tìm được Uyên, hai đứa nắm chặt tay nhau trong hầm ghe tối thui đầy nhóc người không cử động được. Khi ghe bắt đầu chạy, Uyên thấy Giang bóp nhẹ tay nàng, cả hai đều hồi hộp. Không bao lâu sau đó, có tiếng sàn sạt như ghe chạm phải cái gì … rồi ngừng chạy. Có tiếng bước chân người đến mở nắp hầm, nói khá lớn
- Ghe bị mắc cạn, ai biết lái ghe xin lên giúp.
Giang đưa tay
- Tôi biết
Uyên thấy có bàn tay đưa xuống
- Ra đây tôi kéo lên
Giang ráng len lỏi ra chỗ nắp hầm, Uyên thấy có hai bàn tay nắm lấy hai tay Giang , kéo anh lên và đóng lại nắp hầm
Không bao lâu, Uyên thấy ghe chuyển động rồi chạy lại. Uyên thở phào và nhắm mắt lại, không thấy Giang xuống, chắc là họ giữ anh lại để phụ lái ghe

Những cơn gió thổi mạnh, nước biển cuồn cuộn thành những đợt sóng lớn trắng xoá như những bông hoa khổng lồ trên mặt biển xanh bao la bát ngát không bờ bến. Nhiều lúc Uyên thấy chiếc ghe nhỏ chìm khuất trong đám bọt trắng, lướt sóng chòng chành trên biển, nước biển văng tung toé ướt hết cả sàn ghe làm Uyên cảm thấy thật chóng mặt và lạnh. Ghe quá đông người không đủ chỗ nằm nên phải chia nhau chỗ để ngủ, còn Uyên thì hay ngủ ngồi ở bên cửa sổ của ghe để khi rảnh không lái ghe thi Giang có thể đến thăm nàng,

Đến đêm thứ ba, Uyên cảm thấy rất mệt và yếu...nàng nắm lấy tay Giang khi anh ngồi xuống miếng ván nhỏ cạnh cửa ghe. Trong đêm tối mênh mông đầy sợ hãi của biển cả, Uyên cầu nguyện những người đã bỏ mình trong những chuyến đi tìm tự do, phù hộ cho mọi người được đến bến bờ. Thấy Uyên quá yếu, Giang mang phần ăn của anh gồm ít mì gói và chút nước chia cho Uyên. Đôi khi có chỗ, Uyên nằm xuống nhưng vẫn để đầu gần cửa ghe để Giang thấy được nàng. Ghe đã đi được hơn ba ngày, theo dự trù thì chỉ còn hai ngày nữa thì đến Nam Dương nhưng nước và đồ ăn đã cạn rồi. Có vài lần thấy thương thuyền ngoại quốc đi ngang qua nhưng họ chỉ nhìn rồi bỏ đi mặc dù ghe có dấu hiệu SOS

Đến ngày thứ tư thì mọi người trên ghe đã kiệt quệ, Giang bám thành ghe đi đến cửa sổ thăm Uyên, anh rất lo vì thấy Uyên yếu hơn nữa. Giang ngồi xuống trên miếng ván nhỏ cạnh cửa ghe, đưa cho Uyên một miếng củ sắn nhỏ
- Uyên ăn đi
Chút vị ướt của củ sắn làm Uyên cảm thấy đỡ khô cổ và dễ chịu, nàng nhìn Giang, giọng nói nhẹ như hơi sương
- Sao anh không ăn mà cho Uyên
Giang nói dối
- Anh có rồi, phần này phần thêm cho người lái ghe, anh để dành cho Uyên
- Cảm ơn anh
Giang vuốt nhẹ vai Uyên rồi trở về chỗ lái ghe. Từ ngày đi tù về anh thấy Uyên gầy hơn trước rất nhiều, anh biết nàng vất vả kiếm tiền để thăm nuôi anh và chờ anh suốt hai năm trường. Anh không bao giờ quên công ơn đó, hầu hết phần ăn của anh, anh nhường cho Uyên, mong nàng có đủ sức khỏe để đến đảo.
Đêm thứ năm Giang chỉ cho Uyên thấy vài đốm nhỏ ở cuối chân trời
- Chỗ đó có thể là khu khoan dầu, như vậy là mình đi đúng đường rồi.
Càng về khuya, những đốm đỏ càng to dần và trở thành những cây đuốc khổng lồ trên mặt biển. Mọi người thấy có hy vọng được cứu vớt và sống sót.
Đến trưa ngày thứ sáu thì thấy một chiếc tàu lớn từ khu khoan dầu chạy ra. Ghe đưa dấu SOS nhưng tàu vẫn chạy, ai cũng thất vọng nhưng may sao tàu quay trở lại, vòng đi vòng lại mấy lần, thấy ghe đã bị nước vào và tình trạng kiệt quệ của thuyền nhân nên cho thuyền nhỏ xuống quan sát kỹ trước khi cho chuyển người từ ghe qua và đưa lên tầu dầu.

Uyên không còn bước nổi khi họ chuyển nàng tới boong tàu, phải vịn vào vai của cô gái bên cạnh đi từng chút cho đến khi Giang được đưa qua tàu. Anh chạy lại và dìu Uyên đến khu được chỉ định. Sau khi mọi người lên hết, tàu lớn chỉ quay qua đụng nhẹ một cái mà cả ghe tan ra và chìm xuống biển trong giây phút trông thật hãi hùng. Mấy người thủy thủ trên tàu phát nước và đồ ăn cho thuyền nhân, họ dùng những miếng ly nông lớn tạo thành chỗ tắm và phát cho vài đồ dùng cần thiết. Uyên thấy có vài người cùng ghe viết tin trên giấy viết thư aerogram rồi nhờ người trên tàu dầu gửi giùm khi lên bờ nên Uyên cũng an tâm vì anh Tư sẽ biết tin ghe đến đảo an toàn,


Khi tàu đến đáo Ku Ku thì trời đã tối khuya, nhân viên Cao Uỷ Tị Nạn trên đảo hướng dẫn những người tị nạn mới làm giấy tờ căn bản trước khi cho vào barrack để nghỉ ngơi. Trong ánh đèn gần chỗ tàu cho người xuống, Uyên thấy có ít người đứng ngó tìm thân nhân may ra có trong những người mới đến. Xong việc họ phát cho mỗi người một cái chăn và cái gối nhỏ, Giang giúp Uyên nằm xuống tấm phản bằng ván gỗ rồi đắp chăn cho nàng.
-Uyên ngủ đi.
Uyên cười với Giang như cám ơn anh rồi nhắm mắt lại. Mệt quá nhưng yên tâm vì đã đến đảo và có Giang bên cạnh, Uyên ngủ đi lúc nào nàng cũng không biết nữa.
Nhìn Uyên ngủ yên, Giang cảm thấy an tâm. Sau khi lên tàu dầu, ăn uống, tắm gội nghỉ ngơi, Uyên lấy lại được chút sức khỏe và tự đi một mình được. Giang coi lại những giấy tờ cần thiết đã cho vào bao ny lông cho khỏi ướt và dấu kỹ mang theo để làm hồ sơ xin đi định cư…mệt quá, Giang nằm xuống rồi cũng ngủ luôn.

Những tiếng ồn ào chung quanh làm Uyên thức dậy, nàng thấy Giang đang xem lại những giấy tờ mang theo. Mọi người đi lấy thức ăn sáng rồi ra văn phòng Cao ủy Tị Nạn làm hồ sơ xin định cư. Uyên đã đồng ý để Giang khai là hai người đã kết hôn từ mấy năm trước để dễ dàng cho anh chị Lan trong việc bảo lãnh qua Mỹ. Giang và Uyên đều làm cho chính phủ cũ nên có diện được đi định cư và nếu có thân nhân ở Mỹ bảo lãnh thì sẽ được đi Mỹ. Vì quen làm hồ sơ nên Giang làm rất mau, Uyên kiếm soát lại kỹ càng trước khi nộp và không ngờ mình là người nộp sớm nhất. Nhiều người cùng ghe thấy vậy đến nhờ giúp họ điền đơn nên Giang và Uyên bận cả ngày. Giang dẫn Hải, đại uý Hải quân và là người chủ chốt trong việc lái ghe đến giới thiệu với Uyên
- Đây là đại uý Lê Minh Hải, người chỉ huy của ghe mình.
Uyên hơi cúi đầu
- Cám ơn đại uý đã đưa tất cả chúng tôi đến đảo an toàn.
Với tư cách là người tạm thời chỉ huy 76 người trên ghe, Hải đã thấy cách Uyên giúp đỡ mọi người, ân cần dịu dàng ngay cả lúc Uyên đứng không vững. Anh đã hiểu tại sao mà Giang đã hy sinh nhường cho người phụ nữ này đến giọt nước cuối cùng vì những gì Giang làm trên ghe anh đều thấy hết. Hải cũng hơi cúi đầu, vỗ vai Giang và nói với Uyên
- Phần lớn là nhờ anh Giang đấy, nếu anh không lên giúp hôm ghe bị mắc cạn thì chưa chắc mình đã đi được, hơn nữa anh là người lái ghe nhiều nhất
Giang cười
- Lái ghe trên biển thì có gì khó đâu, cứ nhắm theo hải bàn mà chạy không sợ đụng ai cả, để anh và anh Quý có giờ tính đường đi.

Ku Ku chỉ là một hòn đảo nhỏ mà Cao Uỷ dùng làm nơi đón thuyền nhân đi vượt biên tị nạn nên ngoài mỗi tháng có tàu từ đảo Galang tới đón người và cung cấp thực phẩm thì không có một phương tiện nào để liên lạc với thế giới bên ngoài. Vì vậy nên dù rất nóng ruột, biết gia đình mong tin nhưng Giang và Uyên đành phải chịu, hy vọng nhà biết tin từ anh Tư, ghe đã đến đảo an toàn nên tạm yên tâm

Gần một tháng sau mới có tàu đưa mọi người sang đảo Galang. Giang và Uyên thư ngay cho gia đình và Uyên thư cho chị Lan cho chị biết chị Thu đã nhường chỗ đi cho Uyên và kèm theo bản sao hồ sơ xin định cư ở Mỹ để nhờ anh chị bảo lãnh.

Galang là một hòn đảo lớn mà Cao ủy dùng làm nơi tạm cư cho người tị nạn chờ ngày đi định cư, thiết lập đã từ lâu nên hầu như có đầy đủ mọi thứ, có chùa , nhà thờ, trường học và chợ búa như một thành phố nhỏ. Vì khai là vợ chồng nên Giang được cấp cho ở tạm trong một căn nhà nhỏ của dãy nhà được cất liền nhau, trên là một phòng ngủ, dưới là bếp và phòng khách. Ngoài thực phẩm căn bản Cao ủy cấp cho, nếu có tiền thì có thể đi chợ mua thêm đồ tươi để nấu ăn cho thoải mái và mua sắm vật dụng quần áo.

Trong thời gian mười một tháng ở trên đảo, Giang và Uyên sống như đôi trẻ hứa hôn chờ ngày cưới. Giang rất yêu và quý trọng Uyên nên chiều theo nàng vì biết tính nàng cổ hủ. Sau khi định cư ở Mỹ anh sẽ nhờ anh chị Lan đứng ra thay mặt bố mẹ cho phép anh được cưới Uyên cho nàng vui lòng vì Uyên luôn luôn muốn theo truyền thống cũ.

Sau khi nói chuyện với ban hành chánh của cộng đồng người tị nạn trên đảo, Giang và Uyên đi làm thiện nguyện. Vì có khả năng về tiếng pháp, Giang phụ giúp cha người Pháp dịch bản tin và làm báo, còn Uyên thì dạy toán và lý hoá tại trường học cho những đứa trẻ theo cha mẹ và thân nhân đến đây để chờ ngày đi định cư. Tuy không phải là quân nhân nhưng là công chức nên Giang và Uyên được mời tham dự buổi chào cờ mỗi sáng thứ hai của nhóm “hẹn ngày về “ thành lập bởi một số ít cựu quân nhân được chọn lựa trên đảo với sự giới thiệu của đại úy Hải. Qua nhiều lần hội thảo, Uyên đã bằng lòng cho Giang đi làm bổn phận của người dân miền Nam trước năm 75 khi có cơ hội, dù biết là có thể không có ngày về,

Uyên thật là mừng khi nhận được thư của chị Lan, anh chị rất vui khi nhận được tin hai em đến đảo. Anh chị đã làm hồ sơ bảo lãnh qua USCC, dặn Uyên cứ yên tâm, anh chị đã trả xong phần tiền đi của Uyên và có chỗ cho mượn tiền để trả khi Thu Tuấn qua và kèm thêm $100 đô la cho hai đứa. Uyên gửi thư cám ơn và ra chợ mua vải may cho Giang và Uyên mỗi người một bộ đồ vì ngoài một cái áo thun Cao Ủy cho thì chỉ có hai bộ quần áo mặc thay đổi từ ngày đi mà có lúc Uyên thấy hai đứa giống như …đại trưởng lão của bang chủ Cái bang Hồng thất Công. Ngày đi chỉ vỏn vẹn có mười đồng đô la mang theo để mua tem gửi thư cho gia đình khi đến đảo, đi thoát được là may mắn lắm rồi, thực phẩm Cao uỷ trợ cấp thì đủ sống để chờ ngày đi định cư,

Giang và Uyên đã qua được hai cuộc phỏng vấn, chờ giấy tờ xong thì chuyển qua Galang 2 để chuẩn bị đi định cư. Bây giờ tỉnh táo rồi mới thấy lòng mình yêu mến Galang quá. Chưa bao giờ Uyên thấy tình người đầm ấm như những ngày sống trên hòn đảo xa lạ này, tất cả mọi người đều chia sẻ cùng nhau, đổi xử với nhau bằng cả tấm chân tình. Nhớ những buổi chào cờ trang nghiêm, những buổi dạy học thày trò nhìn nhau vì tiếng mưa rơi trên mái tôn to quá át cả tiếng người, những buổi đi dạo trên bờ biển hoang sơ thơ mộng…lòng đầy những ước mơ cho cuộc sống mới trên xứsở tự do

Sau khi qua được những thủ tục khám sức khỏe, Giang và Uyên phải ký không biết bao nhiêu là giấy tờ, giấy vay nợ tiền máy bay qua trung gian USCC, giấy baỏ lãnh… mà Uyên không sao nhớ hết, mong đi đến nơi an toàn, mọi chuyện tính sau.

Vĩnh biệt Galang nhé, Uyên nhủ thầm vì biết chẳng bao giờ mình có dịp ghé lại nơi đây….Những hòn đảo nhỏ hoang sơ của quốc gia Indonesia tiếp đón những thuyền nhân vượt biển tìm cuộc sống an bình tự do, đã mang lại sức sống cho những người tuyệt vọng vì đã mất tất cả. Xin tri ân những người làm việc ở nơi đây đã bao bọc, giúp đỡ những thuyền nhân may mắn được đến bến bờ của tự do.

Trong nhóm đi định cư của Uyên có tất cả khoảng 30 người. Đầu tiên xuống tàu đi qua Singapore, nghỉ lại đây ba ngày đêm rồi đáp máy bay đi Hồng Kông. Đến Hồng Kông vào buổi trưa, được đi một vòng thăm thành phố trước khi ăn tối rồi về khách sạn ngủ một đêm. Sáng hôm sau đáp máy bay đi Seattle thuộc tiểu bang Washinton để làm thủ tục nhập cảnh vào nước Mỹ. Cuối cùng sẽ đáp máy bay đi Virginia, nơi anh chị Lan đang ở và bảo lãnh qua cơ quan USCC tại đây… Lịch trình của chuyến đi định cư tới Mỹ mà Uyên nhớ nằm lòng.

Anh chị Vũ Lan đón Uyên và Giang đến Mỹ vào đêm đầu mùa thu với gió lạnh và mưa phùn. Biết bao vui mừng khi gặp lại chị Lan, chị vẫn xinh như xưa, dường như chín năm qua không có gì thay đổi nơi chị, chị vẫn thương yêu Uyên như những ngày Uyên còn bé. Nhưng chị Lan ơi, Uyên cảm thấy mình đã thay đổi rất nhiều, em đã trưởng thành với biết bao nỗi đắng cay. Cám ơn các anh chị đã giúp hai đứa em có được ngày hôm nay.

Tạm thời Uyên và Giang ở với anh chị, anh Vũ đưa hai em đi làm mọi thủ tục giấy tờ và khám sức khỏe, rồi đi xin học anh văn. Chỉ một tháng sau là có việc làm đêm ở rạp chiếu bóng, anh Vũ dậy Giang lái xe và mua cho Giang một chiếc xe cũ để hai đứa đi học và đi làm.

Mấy tuần sau khi Uyên đến Mỹ thì chị Lan nhận được tin chị Thu và Tuấn đến đảo Pulau Bidong ở Malaysia. Cả nhà thật vui mừng và Giang đi gửi tiền ngay cho chị Thu và Tuấn vì nhớ những khó khăn khi sống ở trên đảo, nhất là Tuấn còn nhỏ cần chăm sóc nhiều.

Thường thì giờ đi làm ở rạp hát không nhất định vì tùy thuộc vào sự bán vé của những buổi chiếu phim ngày trước, họ chỉ cần rạp sạch sẽ sẵn sàng cho buổi chiếu phim vào trưa ngày hôm sau. Nhưng vì có lớp học anh văn vào buổi sáng nên Uyên và Giang phải dậy sớm đi làm cho xong để vào học lúc chín giờ. Uyên còn nhớ những hôm chiếu phim ET, rạp đầy bắp rang, kẹo bánh và nước ngọt đổ ướt hết sàn, hai đứa phải tới từ một giờ sáng, làm hết hơi để kịp giao rạp và đi học cho đúng giờ.


Một hôm giữa tuần và không có phim hay nên bốn giờ sáng Giang mới chở Uyên đến rạp để làm việc. Anh mở cửa rạp hát đưa Uyên vào nhưng chỉ bật đèn nhỏ và bảo Uyên
- Cả mấy tháng nay, ngày nào tụi mình cũng đến đây mà chưa bao giờ ngồi ghế cả, Uyên ngồi xuống đây với anh đi.
Uyên ngồi xuống ghế trong rạp hát cạnh Giang, nàng dựa đầu vào vai anh
- Giống như mình đi xem xi nê ngày xưa Giang nhỉ.
Giang cầm lấy tay Uyên
- Thảo Uyên
Uyên nhìn Giang, nàng hơi ngạc nhiên vì ít khi anh gọi nàng bằng cả tên lót. Giọng Giang đầy trang trọng
…-Mình chuẩn bị làm đám cưới Uyên nhé, em có bằng lòng không ?
Uyên tựa sát vào Giang, nàng nhẹ gật đầu, giọt nước đã long lanh trong khoé mắt.
Giang nhìn Uyên âu yếm, nét mặt đầy cảm động và hạnh phúc. Anh đưa ngón tay đón giọt nước mắt trên má nàng
- Làm vợ anh rồi thì không được khóc nữa nhé, anh muốn em luôn luôn tươi cười vui vẻ, chăm sóc cho anh và con của chúng mình
- Em hứa, Uyên nói và dụi mặt vào ngực áo của Giang.
Giang ôm gọn Uyên vào tay anh, cảm thấy thật sung sướng vì đã làm được điều mà anh đã muốn từ ngày biết là mình yêu Uyên. Giang thấy Uyên vẫn còn gầy hơn ngày trước nhiều và tự hứa sẽ săn sóc nàng chu đáo khi hai đứa thực sự sống chung. Anh vỗ nhẹ lên vai Uyên vì cảm thấy nước mắt của nàng đã thấm qua áo vào người anh.
- Uyên cứ khóc đi, không cần phải dấu anh, anh cũng muốn khóc như Uyên vậy. Cuối cùng thì mình đã thành công, chúng mình sẽ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau em nhé.


Anh Vũ chị Lan rất vui khi Giang xin được làm đám cưới với Uyên. Anh chị hứa sẽ làm lễ cúng bố mẹ để xin phép cho Giang được cưới Uyên và chuẩn bị tiệc cưới cho hai em. Giang và Uyên cũng đã kiếm được chỗ ở với chị em Quế Hương khi gặp lại nhau tại lớp chỉ dẫn thi vào bưu điện. Uyên biết hai chị em họ đi thoát nhưng khi Uyên đi thì họ còn ở bên đảo nên không biết họ định cư ở đâu, gặp lại bạn thân, ai cũng mừng.

Giang gọi điện thoại nói chuyện với má và gia đình. Bà bằng lòng cho Giang được phép cưới Uyên. Khi nhận được thiệp cưới của Giang Uyên với tên của ba má trên thiệp, bà khóc vì mừng cho con trai út cưới được người thương. Mọi người đều vui vẻ chúc Giang Uyên được nhiều hạnh phúc
Trong lúc Giang và Uyên lo chuẩn bị đám cưới thì được tin chị Thu và Tuấn sẽ đi định cư đến Mỹ vào tháng mười, vừa đúng lúc để tham dự đám cưới. Uyên đã bàn với chị em Quế Hương và sẽ dọn nhà đến ở chung với họ vào cuối tháng mười. Như thể khi chị Thu và Tuấn qua thì sẽ ở tạm tại nhà của anh chị Lan và cả nhà sẽ có hơn một tuần ở chung với nhau, tha hồ mà chuyện trò ăn uống cho thỏa những ngày xa cách
Mọi việc đã tính xong, chỉ còn hai tuần là đến ngày tốt, Giang và Uyên dùng khoảng thời gian trống giữa lúc đi làm và đi học để đi in thiệp cưới và mua nhẫn, sau đó thì đi may áo cưới , mua giày và thuê những phụ tùng cần thiết cho đám cưới. Việc mua đồ làm lễ cúng thì chị Thu sẽ lo, tiệc cưới anh chị Lan hứa sẽ giúp nên Giang và Uyên cảm thấy thật ấm cúng và thoải mái trong sự thương yêu và săn sóc của gia đình.

Đám cưới của Giang Uyên tuy đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Buổi trưa, anh Vũ chị Lan làm lễ trước bàn thờ khói nhang nghi ngút xin phép bố mẹ cho Giang được cưới Uyên. Giang và Uyên làm lễ rồi đeo nhẫn cho nhau, với sự chứng kiến của anh chị Vũ Lan và chị Thu. Thủy, con gái lớn của anh chị Vũ Lan mới mười bốn tuổi làm cô phù dâu nhỏ, Tâm, con trai kế lo việc đưa nhẫn, Phong và Tuấn đi hai bên cô chú. Mọi nghi lễ đã xong, Uyên và Giang lễ tạ bố mẹ và cám ơn các anh chị cùng các cháu.

Xong phần nghi lễ của đám cưới theo truyền thống cũ, đến buổi tối thì cả gia đình đến nhà hàng lo chuẩn bị cho tiệc cưới. Giang có ba người bạn quen ở đảo, Uyên chỉ có hai chị em Quế Hương. Cùng với gia đình anh chị Vũ Lan , chị Thu, vài người bạn và họ hàng của anh Vũ nên buổi tiệc cưới rất thân mật và ấm cúng trong tiếng chúc mừng và tiếng cười vui của các cháu nhỏ mặc đồ đầm và áo vest trông thật là xinh xắn dễ thương.

Sau khi tiễn khách về, anh chị Lan phụ hai đứa mang đồ tặng đám cưới ra xe và chúc hai em vui vẻ hạnh phúc. Giang lái xe đưa Uyên về chung cư hai phòng chung với chị em Quế Hương, chỗ ở mới dọn đến tuần trước.
Uyên đang sắp xếp đồ tặng cho đám cưới thì Giang vào phòng đến bên nàng, anh đưa tay ôm lấy lưng Uyên. Uyên nhẹ nhàng
- Em đang xếp dọn, chờ em một chút nhé

Giang không nói gì, anh ôm Uyên chặt hơn. Uyên quay lại nhìn anh, mắt anh đầy yêu thương đắm đuối như muốn nói với nàng anh không muốn chờ thêm nữa, anh chờ đã hơn mười năm rồi và bây giờ thực sự Uyên đã là của Giang, nàng mãi mãi là người tình đầu yêu dấu của anh.

Ý Nhi

Xin xem các Links: 




Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

Bóng Chiều Tà - Nhạc & Lời: Nhật Bằng - Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng


Nhạc & Lời: Nhật Bằng
Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng

Cà Phê Một Mình



Sóng sánh cà phê đậm sắc nâu
Rơi vào đáy cốc giọt u sầu
Mộng lòng êm ả đành chôn kín
Dư vị ân tình mãi đậm sâu
Xa mặt còn mong câu tái ngộ
Cách lòng thôi hết chuyện bền lâu
Ngồi đây hồi tưởng thời thơ dại
Nhớ quá tim ơi giấc mộng đầu 


Kim Phượng


Về Nơi An Lạc

 

Trong Tim ta bé nhỏ
có ngôi chùa thân thương
Trong đêm trường thăm thẳm
ta niệm Phật vạn vạn lần
Trong không gian vô tận
ta gặp Phật Thích Ca

Trong cỏ cây hoa lá
Nơi bể cả sông sâu
rừng rú hay núi đồi....
Đâu đâu
ta cũng thấy Phật
đâu đâu
ta cũng gặp Bồ tát..
Ta thanh thản vô vàn

Chết đi rồi
ta sẽ
VỀ NƠI AN LẠC

Hoàng Long

Hạnh Phúc

  

Sáng nay thức dậy một ngày mới đến
(Em và anh đã cũ những tháng năm)
Nhưng mình có nhau như thuyền với bến
Hạnh phúc nồng nàn ấm cả gối chăn

Như thường lệ của một ngày tất bật
Em lo áo quần, sách vở cho con
Đã vào đông, gió đầu mùa chớm lạnh
Khi ra đường con nhớ đội mũ lên

Mở cửa ra, cuộc sống này vẫy gọi
Xe bus chờ con ở một góc đường
Con hãy đi mang theo lòng phơi phới
Gặp thầy cô bè bạn một mái trường

Em và anh cũng rời nhà như thế
Hai đường đi, hai công việc khác nhau
Nhưng chiều nay khi hết giờ, tan sở
Lại về nhà, dù kẻ trước người sau

Cuộc sống quay vòng, tưởng như đơn giản
Ngày từng ngày mà thử thách khôn nguôi
Em và anh có những khi hờn giận
Tình vợ chồng ấm lạnh, lúc buồn vui

Khi ta hiểu cuộc đời không hoàn hảo
Trách gì nhau những giây phút lỗi lầm
Như hôm xưa đã trao lời thề hẹn
Nắm tay nhau đi hết cuộc hồng trần

Khi yêu nhau thấy đời là hoa mộng
Lấy nhau rồi mới biết rất bình thường
Dẫu đường đời gập gềnh, hay êm ả
Tình vợ chồng đừng nhạt nghĩa yêu đương

Chiều nay về dưới mái nhà ấm cúng
Sau một ngày vất vả chuyện áo cơm
Ta hãy hưởng bình an của cuộc sống
Còn nhìn thấy nhau, hạnh phúc nào hơn!

Edmonton, Tháng8/2023
Kim Loan

Giảm Tự Mộc Lan Hoa 減字木蘭花 - Tần Quan

  


減字木蘭花 - 秦觀 Giảm Tự Mộc Lan Hoa - Tần Quan

天涯舊恨。 Thiên nhai cựu hận.
獨自淒涼人不問。 Độc tự thê lương nhân bất vấn.
欲見迴腸。 Dục kiến hồi trường.
斷盡金爐小篆香。 Đoạn tận kim lô tiểu triện hương.

黛蛾長斂。 Đại nga trường liễm.
任是春風吹不展。 Nhiệm thị xuân phong xuy bất triển.
困倚危樓。 Khốn ỷ nguy lâu.
過盡飛鴻字字愁。 Quá tận phi hồng tự tự sầu.

Chú Thích

1- Giảm tự mộc lan hoa減字木蘭花: Đoạn trên và đoạn dưới của từ bài Mộc lan hoa giảm đi mỗi đoạn 6 chữ, còn lại tổng cộng 44 chữ. Mỗi đoạn có 2 trắc vận và 2 bình vận. Cách luật:

X B X T trắc vận
X T X B B T T vận
X T B B bình vận
X T B B X T B vận

X B X T đổi trắc vận
X T X B B T T vận
X T B B đổi bình vận
X T B B X T B vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; vận: vần

2- Nhân bất vấn 人不問: không ai hỏi han tới.
3- Hồi Trường 迴腸: nội tâm bứt rứt không yên.
4- Kim lô 金爐: lò đốt hương, nhang bằng kim khí.
5- Triện hương 篆香: hương, nhang làm thành hình chữ thọ, chữ vạn của nhà Phật v.v.
6- Đại nga 黛蛾: chân mày của nữ giới.
7- Liễm 斂: nhíu mày.
8- Nhậm thị 任是: nhiệm bằng, cho dù.
9- Bất triển 不展: không vui, không thư thích.
10 Khốn 困 = khốn quyện困倦: mệt mỏi.
11- Nguy lâu 危樓: lầu cao.
12- Phi hồng 飛鴻: chim nhạn bay. Phi hồng tự 飛鴻字: đàn nhạn bay xếp thành hình đội như chữ nhất, nhị v.v. do đó đàn nhạn gọi là nhạn tự.

Dịch Nghĩa:

Ở xa quê hương trùng trùng mà hận cũ không quên.
Một mình chịu đựng buồn thảm thê lương không bạn bè hỏi thăm.
Muốn biết lòng tôi lo buồn bứt rứt ra sao.
(Thì nó như) cái lư vàng đã đốt hết khoanh hương vòng.

Đôi chân mày của mỹ nhân nhíu lại.
Cho dù gió xuân thổi cũng không làm tôi bình thản.
Mệt mỏi dựa lan can trên lầu cao.
Nhìn bao nhiêu đàn nhạn bay qua giống như những hàng chữ, đều là những chữ sầu.

Phỏng Dịch:

1/ Giảm Tự Mộc Lan Hoa - Muộn Phiền

Chân trời hờn dỗi.
Buồn bã cô đơn không bạn hỏi.
Muốn thấy tình trường.
Cháy tận lư vàng nén triện huơng.

Làn mi nhíu lại.
Dù có gió xuân không thấy đổi.
Buồn dựa lầu cao.
Chim nhạn từng đàn đếm nỗi sầu.

2 /Muộn Phiền

Chân trời hận cũ còn vương,
Không người thăm hỏi thê lương riêng mình.
Muốn xem phiền muộn tâm tình,
Lư vàng cháy tận tàn nhanh hương vòng.

Mỹ nhân nhíu chặt mi cong,
Dù xuân nổi gió cũng không tươi mầu.
Lan can dựa mỏi lầu cao,
Bao nhiêu đàn nhạn là bao chữ sầu.

HHD 
06-2021

Giảm Tự Mộc Lan Hoa – Sầu muộn

1-

Cuối trời hờn dỗi
Thê lương một mình, không ai hỏi
Muốn biết cõi lòng
Lư vàng chậm đốt đoạn hương vòng

Mày cong nhíu lại
Không giãn ra dù gió xuân thổi
Mệt dựa lầu cao
Nhìn thảy nhạn bay, chữ chữ sầu!

2-

Cuối trời hận cũ chưa quên
Một mình thê thảm thân quen hững hờ
Muốn hay lòng dạ buồn lo
Lư vàng chậm đốt quanh co hương vòng

Mỹ nhân mày nhíu, mi cong
Gió xuân thổi gắt dãn không chút nào
Dựa rào mệt mỏi lầu cao
Nhạn bay thành chữ, biết bao chữ sầu!

Lộc Bắc 
 Aug23
***
Ngổn Ngang

Quê xa hận cũ nào nguôi
Bạn bè chẳng viếng ngậm ngùi thở than
Biết chăng lòng dạ ngổn ngang
Lư vàng cháy lụn tợ nhang cuộn vòng

Mỹ nhân nhíu đôi mày cong
Gió xuân đưa đến đây không an nhàn
Lầu cao mỏi tựa lan can
Sầu bao nhiêu chữ nhạn mang bao sầu

Kim Oanh

Bản Ngã, Cái Tôi Là Cái Chi?

Ý niệm về Bản Ngã xuất phát đầu tiên từ các tôn giáo và triết học. Cách đây hơn 5.000 năm, hệ thống triết học cổ đại Ấn Độ cho rằng Bản ngã là một thực thể trường tồn bất biến tên gọi Atman,giống như khái niệm Linh hồn hiện nay, nó chuyển sinh từ kiếp này qua kiếp khác cho tới khi được giải thoát và thể nhập vào Đại Ngã (Brahman, một ý niệm khác với Thượng đế của các tôn giáo độc thần) có cùng tính chất với nó là: Hữu thể tuyệt đối, Linh thức tuyệt đối và Hạnh phúc tuyệt đối. 

Các tôn giáo độc thần (Thiên chúa giáo, Đạo Do thái, Đạo Islam) thì tin rằng Thượng Đế đã thổi vào con người một linh hồn bất diệt, không thể bị tan hoại do cái chết gây ra. Sau cái chết nó chờ đợi đâu đó để hội nhập lại với thể xác trong ngày phán xét cuối cùng để được tiếp dẫn lên thiên đàng sống đời hạnh phúc hoặc đưa xuống địa ngục sống khổ sở muôn đời vì không tin và làm theo lời chúa dạy.


Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu của Bản ngã và cho rằng bản ngã là ảo kiến do con người bám víu vào 5 thành phần cấu tạo nên nó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức (Ngũ uẩn).

-Sắc là thành phần vật chất cấu tạo nên con người và vũ trụ. Không phải chỉ có 4 loại Đất, Nước, Lửa, Gió mà có tới 28 loại. Đất phải được hiểu là chất ở thể rắn, Nước là chất ở thể lỏng, Lửa là dạng năng lượng của vật chất và Gió là chất thể khí. Sắc có 4 thể dạng biểu hiện theo thời gian: sinh, tiến, dị, diệt. Điều đó có nghĩa là sắc cũng bị chi phối bởi sự biến hoại, vô thường.


-Thọ bao gồm vừa cảm giác, tình cảm và cảm xúc. Một cách đơn giản có 3 loại cảm giác:dễ chịu, khó chịu, trung tính cảm nhận xuyên qua 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Như vậy có 18 loại cảm giác. Tình cảm có 3 loại: ưa thích, ghét bỏ và dửng dưng. Cảm xúc thì có 5-7 loại: vui mừng, lo âu, buồn rầu, sợ hãi, tức giận...Nếu để tâm quan sát Thọ, thì thấy chúng thay đổi từng giây từng phút, từng nơi chốn, thể trạng.


-Tưởng là một chức năng quan trọng bao gồm sự nhận biết, hình dung, diễn dịch một hình ảnh, âm thanh, mùi vị, xúc chạm hay một biểu tượng đã được ghi nhớ từ trước. Đây là một quá trình chuyển đổi một rung động giác quan thành ý nghĩa, tên gọi.


-Hành là  hoạt động của tâm dưới sự chủ động của tác ý (cetana) để tạo nghiệp tốt hoặc xấu qua thân khẩu ý.


-Thức hay Ý thức có 2 ý nghĩa: a)là cửa ý mở vào thế giới bên trong. Trong ý nghĩa này nó tương đương với 5 giác quan: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Đó là giác quan thứ 6 của Phật giáo. b)ý thức bao gồm tất cả các loại tâm.


Ngũ uẩn là đối tượng của sự chấp thủ gọi là Ngã kiến hay Thân kiến, một loại tà kiến mà Phật giáo bác bỏ hoàn toàn. Ngã kiến được phân tích thành 4 cách : Sắc này là tôi, Sắc này là của tôi, Sắc này ở trong tôi, Tôi ở trong Sắc này. Nếu suy luận như thế với cả 5 thành phần của ngũ uẩn ta có tất cả 20 cách chấp ngã. Hãy nghe lời Phật dạy trong Kinh Tương Ưng III, trg 123):

"Này tỳ khưu, phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại...hay tất cả sắc,nếu tỳ khưu thấy như thật với trí tuệ như sau: Đây không phải là tôi! Đây không phải là của tôi! Đây không phải là tự ngã của tôi! Này tỳ khưu , do biết thấy như vậy...không có quan điểm ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên"


Các nhà tâm lý học đầu thế kỷ XX (Eugène Baudin, 1917) đều công nhận một cách hiển nhiên sự hiện hữu của «cái tôi» là do ba cảm tưởng chính sau đây: tính Nhất quán (unité) của cái tôi. Mặc dù tôi có nhiều trạng thái tâm, nhiều ý tưởng, nhiều cảm giác, nhưng tôi là trung tâm hội tụ tất cả những hiện tượng trên, tôi là chủ thể có thẩm quyền trên chúng. Cảm tưởng thứ hai, tính Đồng nhất (identité), trước sau như một của cái tôi, cho dù ở mỗi lúc ý tôi có thể khác, tâm trạng tôi, tánh khí tôi thay đổi, tôi có cảm tưởng là tôi vẫn là tôi. Cảm tưởng thứ ba liên quan tới sự Sinh hoạt (activité), dù tôi suy nghĩ ra sao, dù cách hành xử của tôi do lý do nào, nó được điều khiển bởi bản chất hay văn hóa của tôi, tôi luôn luôn có cảm tưởng tôi vẫn là tác gỉả, là kẻ sáng tạo của chúng.

Các nhà tâm lý học hiện đại như William James xem bản ngã có 2 chiều kích: trước tiên là Cái Tôi-vật-thể (le soi-objet) để trả lời câu hỏi «tôi lài ai?». Điều này không dễ vì cái tôi quá phức tạp, phải giải thích dài dòng bằng những câu bóng bẩy, chọn lọc, bằng nhiều tỉnh-từ tỉ mỉ, tinh tế, bằng những câu «điều đó còn tùy hoàn cảnh»...Sau đến Cái Tôi-tác-nhân (le soi-agent) cho ta cảm tưởng tôi là chủ thể của những tư tưởng và hành động của chính mình.

Nhà tâm lý học Gia-Nã-Đại René l'Ecuyer, chuyên gia nghiên cứu trong 30 năm sự phát triển hiểu biết về cái tôi  từ trẻ con 3 tuổi tới người già 100 tuổi đã đưa ra 43 bộ mặt khác nhau của bản ngã. (Le Développement du concept de soi de l'enfance à la vieillesse/ Puf)


Các nhà tâm-não-học những năm gần đây đi tìm cơ chế thần kinh của 3 cảm tưởng (Nhất quán, Đồng nhất, Sinh hoạt)làm nền tảng cho ý niệm Bản ngã và họ đưa ra các giả thuyết:


a/-Đời sống lâu dài của các tế bào thần kinh có khi bằng tuổi thọ con người và sự kết nối của chúng trong một hợp thể tương giao các nơ-rôn (correlats neuronaux) để cùng thi hành một nhiệm vụ nhất định. Những khớp kết nối (synapses) có khả năng ghi nhớ và dự trữ các thông tin.(J.LeDoux)


b/-Quan niệm mới của các học giả Lawrence Weiskrants, Elisabeth Warrington về sự hình thành tích cực của Trí nhớ  ẩn thị (mémoire implicite) : nghĩa là những kinh nghiệm sống mà chúng ta có khả năng nhớ lại một cách rõ ràng ý thức, thường ăn khớp với những thành phần đã được tích trữ một cách âm thầm trong những hệ thống thần kinh khác. Người ta chưa biết các thông tin, hình ảnh được tàng trữ ở đâu, dưới dạng nào. Theo GS Đặng văn Chiếu, giáo sư thần kinh giải phẩu, cựu khoa trưởng Đại học Y khoa Sàigòn (1972-1975) trong quyển sách Não Bộ, xuất bản tại Hoa Kỳ thì Trí nhớ cảm giác được ghi bằng làn sóng xung điện, Trí nhớ ngắn hạn có thể được ghi trong các ly tử Ions, Trí nhớ dài hạn có thể được ghi trong RNA (rhibonucléic acid)


c/-GS Antonio Damasio nhấn mạnh vai trò của cảm xúc trong sự hình thành Bản Ngã. Nhưng theo ông phải phân biệt rõ ràng cảm xúc và tình cảm. Cảm xúc là hành động, cách hành xử của con người để thích ứng với hoàn cảnh hầu sống còn. Tình cảm là hậu quả của cảm xúc. Chẳng hạn khi gặp một con thú dữ trước tiên là ta phải chạy thoát, sau đó ta sẽ có tình cảm ghét bỏ giống vật ấy.Cả hai đều ghi dấu sâu đậm trên não bộ để sau này ảnh hưởng trên sự suy luận và quyết định chọn lựa của ta. Cảm xúc có tính cách phổ quát, chung cho loài người, còn tình cảm là riêng tư, chủ quan.


Riêng tôi có ý nghĩ Bản ngã có 4 bộ mặt: 3 phát xuất từ sự diễn dịch của chính mình và một phát xuất từ cái nhìn của người khác:


1)-Bản ngã tự nhiên, không phê phán, do ý nghĩ về sự phối hợp của 5 uẩn (A)

2)-Bản ngã do nghĩ tưởng mình là như thế (A')

3)-Bản ngã do nghĩ tưởng người khác cho mình là như thế (A''),họ hiểu lầm tôi, tôi đâu phải như thế

4)-Bản ngã do người khác nghĩ mình là như thế (B), vì đâu biết họ diễn dịch như thế nào!


Vậy bản ngã đích thức của mình là cái nào? Nếu là A',A'',B không chắc là đúng thực tại.Thật ra cái tổ-hợp 5 thành phần A nó thay đổi từng giây từng phút.Có lẽ cái Sắc là lâu bền nhất, nhưng mỗi ngày có 300 tỷ tế bào chết đi, cần phải được thay thế. Sắc thân con người có 37000 tỷ tế bào, với 200 loại khác nhau. Mỗi loại có thời gian tồn tại khác nhau: ngắn nhất là tế bào lót mặt trong của dạ dày và ruột (2-5 ngày), kế đến là tế bào da (15 ngày), rồi đến hồng-huyết-cầu (120 ngày), tế bào xương tồn tại 10 năm, tế bào não (nơ-rôn) có loại sống bằng tuổi thọ con người. Nhưng càng ngày càng có nhiều yếu tố ngoại cảnh làm cho các nơ-rơn bị hủy diệt và con người do đó bị chết theo.(như trong bịnh Alzheimer).Nhưng đời sống các nơ-rôn không quan trọng bằng đời sống kết nối các khớp nơ-rôn (synapses) trong một hệ thống sinh động (fonctionnel) để thi hành một nhiệm vụ.Chưa kể 4 thành phần còn lại thay đổi còn nhanh hơn Sắc, nhưng tâm thức và giác quan con người không đủ khả năng cảm nhận được sự thay đổi này. Chúng ta có cảm tưởng cái Ta ngày hôm nay là một với cái ngày hôm qua, nhưng thử so sánh hình ảnh ta ngày hôm nay và hình ta 10 năm trước thì ta thấy ngay sự thật. Ta có còn là Ta ở mười năm trước?

Phải chăng thiền tập là luyện tâm để gia tăng cái khả năng cảm nhận này cho tinh tế, bén nhạy để phát hiện sự Vô thường, biến hoại của thân và tâm và chứng nghiệm 3 đặc tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã?là một tuệ giác chánh trên con đường giải thoát.

Đúng ra nói theo học giả Philippe Cornu «cái ta là một quy ước xã hội gắn liền với một tên gọi, một hình ảnh để phân biệt ta với người khác.Sự tin tưởng vào cái ta này (hay sự chấp thủ ngũ uẩn) biểu hiện một nhu cầu truyền kiếp về kiểm soát, về lãnh địa, về mong mỏi nể phục, về thừa nhận bản sắc và quyền sở hữu»(Le bouddhisme une philosophie du bonheur/ Seuil)

Tuệ Thiện