Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Vĩnh Long Những Ngày Cận Tết Năm Nhâm Thìn 2012- Phần 1

      Hôm nay 17 tháng Chạp mà vn chưa có dưa hấu bày bán, nhộn nhịp chỉ vừa vừa, những vội vã tất bật trong dân chúng chưa nhiều. Ở Vĩnh Long được  trang trí khá bắt mắt, hoa đặc trưng Tết chưa bày bán vì còn khá sớm, khoảng qua đưa ông Táo thì khởi sự đầy đủ các mặt hàng














Đi chợ Tết về bằng đò ngang


Đò dành cho du khách và đò ngang An Bình nhìn từ bờ sông Tiền phường 1

Trương Văn Phú


 

Họp Mặt Trường Hoàng Diệu - Ba Xuyên - 6/10/2013 - Sydney Úc Châu



" Xưa Hoàng Diệu người tung cánh hạc
Hồn nam sinh say bóng sắc liêu trai
Trái sao cánh mỏng ta vừa lượm
Có dấu chân người vạt áo bay".
















Lâm Hảo Khôi
(Ở Sóc trăng,đường phố có nhiều cây sao,tới mùa trái sao rụng bay theo gió như những cánh chuồn chuồn,rất dể nhớ nhung xao xuyến.)


Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Những Dòng Thơ Tỉnh - Đỗ Hữu Tài ( Thế Thôi)


http://www.uyenphuongminhnguyet.com/ThiSiDoHuuTai/ThoTinh/

( Mời nhấp vào link để thưởng thức)


Thơ: Đỗ Hữu Tài - Bút Hiệu Thế Thôi
Diễn Ngâm: Uyên Phương Minh Nguyệt


Hình Như Là Tình Yêu - Nhạc Nguyên Chương - Đàn & Hát Suối Dâu

Cựu Học Sinh Trường Trung Học PleiKu




Sáng Tác: Nguyên Chương
Đàn và Hát: Suối Dâu


Dạ Cổ Hoài Lang - Kỷ Niệm Truyền Thống Tổ Cải Lương - Melb. Úc Châu 2013



(Xem hình ảnh lớn hơn, bạn nhấp vào chữ Youtube dưới góc phải)

Dạ Cổ Hoài Lang
Tác Gỉa: Cao Văn Lầu
Tiếng hát; Hương Lan
Ảnh chụp của Bùi Quốc Hùng

Bên Lề Giấc Mộng


      Tôi là dân Vĩnh Long chính gốc, nhưng tuổi thơ và thời niên thiếu lại gắn liền với miền Đông đất đỏ và Sài Gòn, nơi mà ngày xưa vùng đất này được người ta gán cho cái biệt danh mỹ miều là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Do công việc của cha tôi, nên những địa danh:  Dĩ An, Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Chơn Thành, Lai Khê, Dầu Tiếng, Trảng Sụp, Bù Đăng, Lộc Ninh, Hớn Quản… gia đình tôi đều có đến sinh sống. Có nơi, chúng tôi chỉ lưu trú chừng vài ba tháng, nhưng cũng có nơi gia đình chúng tôi “đóng đô” đến một, hai năm. Mãi đến năm 1964, để tiện việc học hành cho các con, mẹ tôi mới quyết định mua nhà ở hẳn tại Sài Gòn, mặc cho cha tôi rày đây mai đó! 

(Sàigòn1964)

      Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định hồi xưa rất nhỏ, nhỏ hơn bây giờ nhiều lắm! Ở Sài Gòn, mãi đến năm 1970, khu Ngã tư Bảy Hiền, chợ Tân Bình hãy còn rừng cao su. Còn bên khu Khánh Hội, Vĩnh Hội toàn là sình lầy và nhà ổ chuột. Tôi còn nhớ, ngày ấy, bến xe lục tỉnh (tức bến xe đi về miền Tây) còn nằm ở góc đường Trần Hưng Đạo-Nguyễn Cư Trinh, gần khu vực thành Ô Ma. Sau đó, mới dời ra chỗ hảng thuốc lá Mic đường Pétrusky (bây giờ là Lê Hồng Phong). Và tới khoảng năm 1973, nó mới dời hẳn ra Xa cảng miền Tây cho đến tận bây giờ! Thời đó, xe lam và ô tô buýt chưa “nhập cảng” vào miền Nam, nên phương tiện đi lại công cộng ở Sài Gòn đều bằng xe thổ mộ. Đối với bọn trẻ chúng tôi, việc được leo lên ngồi trên chiếc xe do người xà ích tay cầm cái roi mây, điều khiển con ngựa chạy lọc cọc trên đường, sau đít nó có cái mo cau túm lại để hứng phân là một trong những điều sung sướng nhất trần gian! 

      Ông nội tôi người gốc Tam Thủy, Quảng Đông. Lớn lên, ông theo học nghề may và thêu ở đất Cảng Thơm. Rồi không biết bằng cách nào ông tôi đã tới xứ Vĩnh Long mở tiệm may và cưới bà nội ruột của tôi, là người nhỏ hơn ông gần hai mươi tuổi, sau khi đã để lại một bầu đoàn thê tử ở lại bên xứ Quàng Túng xa xôi! Và như thế, dù trong dòng máu đang luân lưu trong cơ thể tôi chỉ vỏn vẹn có hai mươi lăm phần trăm là dân tộc Quảng, tôi vẫn được kể là một con “xẩm lai”!

      Tôi sinh ngày 24/10/1956, tuổi Bính Thân, mang quốc tịch Hoa và là con đầu lòng của cha mẹ tôi. Nhưng sau đó, khi chính phủ thời Đệ nhất Cộng Hòa bắt tất cả các Hoa Kiều ở miền Nam phải đổi sang quốc tịch Việt Nam, có lẽ cha tôi thấy hồi nhỏ tôi ốm yếu, hay sài đẹn, nên khai sụt tuổi của tôi hết một năm.
Ông nội tôi là thợ may giỏi. Nhưng có một nghề chắc cũng không thua kém nghề may, ấy là nghề cờ bạc. Ông nội tôi mất năm 1960, khi ấy tôi chỉ mới bốn tuổi, và những điều tôi biết ít ỏi về ông đều do bà nội hoặc cha tôi kể lại! Cái máu cờ bạc ấy di truyền đến cha tôi. Cha tôi cũng là một thợ may giỏi và cũng có nghề song song là nghề đổ bác. Sau khi bỏ nghề may để làm một nghề khác trong hơn hai mươi năm với cuộc sống rày đây mai đó, cha tôi cũng từng nổi danh là “Đổ Bác vương”. Chuyện đó, đã làm cho mẹ tôi nhiều phen phải chết lên chết xuống, vì lắm khi cha tôi thua bài mỗi lần cả sac marin tiền!

      Nếu kể thành tích cờ bạc của ông nội, cha tôi mà quên kể đến tôi thì quả là điều thiếu sót lớn. vì bản thân tôi ngày xưa cũng từng là một “tiểu sư tỷ”, thành tích cờ bạc cũng “xem xem” với cha ông!
Năm 1965, tôi học lớp ba ở trường Gò Vấp I. Ngày xưa quận Gò Vấp rất lớn, bao gồm cả quận hiện hữu, quận Bình Thạnh và quận 12 bây giờ. Nhà tôi ở đường Lê Quang Định nối dài, ngang dinh Quận (bây giờ là Ủy ban Nhân dân Quận Gò Vấp), gần cầu Hang số 6, là trục đường chính đi từ Bà Chiểu lên chợ Gò Vấp.
Mẹ tôi xuất thân là gái quê, ít học nên không vào được các hảng xưởng làm “thầy chú” như người ta, mà phải sống lam lũ  bằng nghề buôn bán. Hàng ngày, mẹ tôi đi xe lô (tên thời đó gọi xe đò liên tỉnh) lên tận chợ trời biên giới Gò Dầu Hạ thuộc tỉnh Tây Ninh, cách Sài Gòn khoảng chín mươi cây số mua ly, tách, chén kiểu đem về bán sỉ. Sáng sáng, mẹ tôi đeo xe lô lên biên giới, giao năm chị em chúng tôi cho một người anh bà con, là cháu họ của mẹ tôi quản lý. Anh tên là Đồng, lớn hơn tôi chín tuổi. Anh là con nhà nghèo, nên tía má anh cho anh “ở đợ” trong nhà tôi. Thế nhưng, vì là cháu của mẹ tôi, nên mẹ tôi rất tin tưởng anh, giao cho anh quyền hành lúc mẹ tôi đi vắng. Nhớ có lần, tôi theo anh về Vĩnh Long thăm ông, bà Ngoại. Bận lên, hai Ngoại gởi quà quê cho gia đình tôi, anh Đồng sợ bỏ quên nên viết mấy chữ vào mảnh giấy rồi nhét vô túi áo: “Đồng đem hai buồn chúi (buồng chuối), Đồng xách túi đi long (ni lông)”. Cha tôi thì đi biền biệt, lâu lâu mới về thăm vợ con một lần, còn mẹ tôi mắc lo buôn bán tảo tần, nên cuộc sống của chị em chúng tôi lúc ấy tựa như những con sói đồng hoang!


      Mỗi chiều, khi nghe tiếng của mẹ tôi vọng từ đàng xa: “Đồng ơi, ra phụ khiêng đồ vô cho cô Tư” (Tư là thứ của mẹ tôi) là chúng tôi mừng húm, tất thảy đều chạy ào ra mừng mẹ. Mấy chị em chúng tôi chạy lăng xăng lít xít bên mẹ, đứa vịn mấy cái cần xé trống trơn, đứa kéo lê bội tre còn dính rơm trong đó có mấy chùm trái rừng hoang dại. Hồi đó, làm gì có những thứ trái được nhập khẩu từ nước ngoài như bây giờ, còn xoài, cam, quít, vú sữa, sầu riêng thì tới mùa mới có và cũng đâu có rẻ. Tôi hãy còn nhớ, hầu hết các thứ trái rừng của miền Đông hầu hết đều có vị chua ái, hoặc chát chát, chua chua.
       Trái sim có hình dáng tương tự như trái bơ ngày nay, nhưng nhỏ hơn, có màu nâu sẫm. Sim là thứ trái đã được thi sĩ Hữu Loan  vinh danh trong bài thơ “Màu tím hoa sim”:

                   Màu tím hoa sim
                   Những đồi hoa sim biền biệt…

      Hay soạn giả Kiên Giang đã mượn mấy câu thơ điệu Hò giã gạo của dân Bình Trị Thiên để cho nhân vật chính của mình là sơn nữ Phà Ca ngâm trong tuồng cải lương “Người vợ không bao giờ cưới”:

               Đói lòng ăn nửa trái sim
               Uống lưng bát nước đi tìm người thương
               Người thương ở tận non xanh
               Bậu về quê bậu biết mô mà tìm…

      Trái bứa có rất nhiều loại. Riêng loại bứa ở rừng miền Đông có hình dáng tương tự như trái cà tomato, khi chín có màu vàng cam, trong ruột có múi giống như trái măng cụt. Có người nhầm lẫn cho rằng trái bứa này là trái sấu miền Nam. Không phải! Theo kinh nghiệm của tôi, hai loại trái này khác nhau. Trái sấu Nam Bộ chính là trái thanh trà, loại trái hiện giờ cứ tới mùa (khoảng Tết Đoan ngọ) người ta treo bán lủng lẳng dưới chân cầu Cần Thơ phía Bình Minh.

      Riêng trái thanh trà ở miền Đông là tên của một loại bưởi có trái nhỏ cỡ trái ổi, nên còn có tên là bưởi ổi, ăn rất ngon, là đặc sản của vùng Cù lao Phố, Biên Hòa.

      Trái trường có bề ngoài tương tự như trái chôm chôm, nhưng nhỏ hơn nhiều. Nó cũng có hột ở chính giữa như chôm chôm, nhưng không tróc như chôm chôm.

      Trái gùi có hình dáng và màu sắc cũng tương tự như trái sim nhưng nhỏ hơn. Vỏ trái có nhiều mủ màu trắng giống như mủ vú sữa, dễ dính vào miệng nếu ăn không khéo. Tôi còn nhớ, cách nay khoảng năm mươi năm, nhật trình có đăng một tai nạn thương tâm: một thiếu phụ ở chợ Thủ Dầu Một tên là Trương Thị Nhành chở chén tô đi buôn chuyến lên miệt Hớn Quản, lượt về bị xe lửa chẹt chết, trên tay vẫn còn cầm một xâu gùi. Sau này, tôi có nghe nghệ sĩ Ngọc Ẩn (nghệ sĩ này cũng là người hát bài “Hận Đồ Bàn”) ca bài vọng cổ “Trái gùi Bến Cát” với lời ca có nội dung dựa theo câu chuyện đó:

              Mẹ đi chợ chớ ở lâu
              Bận về mẹ nhớ mua xâu trái gùi
              Con chờ xe lửa kéo còi
              Ra ga đón mẹ lấy gùi ăn chơi…

      Trái mây, xa lông, nhung có hình dáng nhỏ, cỡ như trái nho tím của Việt Nam. Trong ba loại trái này, trái xa lông ăn ngon nhất!

Hà Nguyên


Tiếng Rao Thuở Học Trò

Kính Thầy,
Đọc Tiếng Rao Đêm của thầy em vô cùng xúc động. Xin được gởi đến Thầy “ tiếng rao thuở học trò “ của 55 năm về trước ở hẽm Hai Địa đường Phan thanh Giản ngày xưa. Kính chúc thầy sức khỏe và sáng tác đều.

(Từ Tiếng Rao Đêm của Thầy Mai Lộc)


(Hẽm Hai Địa bây giờ (1))

năm 58 khi vừa lên Đệ Tứ
ở trọ nhà cô giáo Bảy bà con
trước nhà là con rạch đầu nguồn
có dòng nước lững lờ trôi trong vắt.

buổi xế trưa ngồi gạo bài dưới đất
chiếc cầu con - gánh chè nhẹ đong đưa
hẽm Hai Địa những chiều vắng không mưa
chợt văng vẳng tiếng rao :
“ ai ăn chè đậu xanh đường cát ? ”.

giọng lanh lảnh ngọt ngào như suối mát
len vào hồn kẻ hàn sĩ tái tê
chưa một lần dám gọi mua chén chè
dù trong miệng nghe mùi thơm ngọt lịm.

mỗi buổi sáng lúc năm giờ vừa điểm
chú chệt bánh mì quảy cần xé đi ngang
miệng khàn khàn “bánh mì nóng hổi đây”
chợt rạo rực cồn cào trong bao tử.

55 năm qua đã trở thành bất tử
khi tiếng rao đêm của thầy Lộc gọi về
cảm ơn thầy dù cuộc sống bộn bề
vẫn không quên kỷ niệm xưa thời đi học.

Dương Hồng Thủy (11/10/2013)
(1) bây giờ là hẽm 18 đường XVNT


Cảm Tác:Tiếng Rao Đêm

Kính Thầy,
     Như thường lệ, xúc động trước " Tiếng rao đêm " 8 chữ của Thầy, Đỗ Chiêu Đức xin " rao " lại bằng 5 chữ, như sau :



Ngày xưa trên gác trọ,
Trong xóm nghèo hẽm nhỏ.
Thức học nghe tiếng đêm,
Ngọn đèn khi mờ tỏ 
!

Văng vẳng tiếng rao ngon :
" Bánh mì đây, nóng dòn ! ".
Em bé trai vai quảy,
Một túi bánh mì con !...( mới ra lò ).


Xa xa tiếng : " Bánh bò,
Bánh tiêu, dầu chá quảy ! ".
Tiếng xe đạp lẩy nhẩy,
Dòn như bánh ra lò.( mới chiên )


Thỉnh thoảng trong đêm chầy,
Vẳng tiếng : " Bánh Giò đây ! ".
Ông lão già tay đẩy,
Một giỏ bánh giò đầy...( mới nấu chín ).


Như tiếng mỏ đêm canh,
Lốc cốc tiếng nhịp nhanh.
" Mì gỏ " đà đến hẽm,
Thèm rỏ dãi cũng đành ( nuốt nước miếng ! ).


Tiếng kéo nhấp vang vang,
Bánh cắt đã mở màn,
Tôi nhớ hoài mùi vị,
Nước mắm tỏi chanh chan ( thả giàn ! ).


Đêm nửa, sáng gần kề,
Thức học thi mõi mê,
Bánh mì nhai đỡ đói,
Hàng rong đã đi về .


Xé tan đêm vắng lặng,
Tiếng xúc xắc leng keng,
Ông " Giác hơi đấm bóp "
Lộc cộc xe đạp quèn !


Những cuộc đời cơ cực,
Những cuộc sống về đêm.
Những người nghèo vất vả.....
Nhớ hoài, " Tiếng Rao Đêm! ".


Năm mươi năm nhớ lại,

Học trò... thuở cơ hàn.
Sài Gòn năm xưa ấy,
Hỏi ai chẳng bàng hoàng !!!


Đỗ Chiêu Đức.



Lâm Hảo Dũng Quanh Tình Người


Tôi nhớ đôi khi tiếng gió chiều
Thổi qua làn khói mái tranh xiêu
Và trong giếng mắt buồn tê dại
Mẹ đứng nhìn quanh tủi phận nghèo*

Những câu thơ quá quen thuộc này, tôi rất thích, đã thuộc lòng và “biết” được Nhà Thơ Lâm Hảo Dũng, qua chừng ấy dòng thơ. “Biết” bởi lời thơ, quá mộc mạc mà đằm thắm, không chải chuốt nhưng sâu sắc, đã lay động trái tim tôi, kéo trào dòng nước mắt và như thể ông đã thay tôi nói lên cảnh nghèo của mẹ mình vậy. “Biết” ông đã từ lâu, nhưng đến hôm ra mắt Tập Thơ “Những Bài Thơ Của Tôi”, tại Footscray Arts Centre, tôi mới “thật sự biết” về ông. Vâng, “thật sự biết” khi nhìn tận mắt “ngôn ngữ cử chỉ” của Tác Giả, ngần ấy đủ lột tả, tỏ rõ hơn về Nhà Thơ Lính, Lâm Hảo Dũng.

(Bác Sĩ Trần Xuân Dũng & Thi Sĩ Lâm Hảo Dũng)


Hình ảnh đầu tiên, khi ông đón tiếp anh em thân hữu. Đó là một Lâm Hảo Dũng điềm tĩnh, im lặng, ngồi trước những Tập Thơ sắp phát hành và mỉm nụ cười ấm, hiền, cùng cái gật đầu nhẹ, chào từng người một, khi khách tham dự đến. Ông không có một cử chỉ nào nôn nóng, bận rộn hay vội vã, dù chương trình sắp sửa bắt đầu. Có lẽ, ông đã được ai đó chu tất mọi việc. Tôi tự nghĩ như thế. Thật là một tư cách đặc biệt, có được từ một nhân vật chính, khác hẳn những lần tôi đã tham dự. Chương trình bắt đầu, ông lặng lẽ đi vào hàng ghế sau cùng. Nhưng cô MC không để ông yên, đã mời gọi và tiếng người giục giã ông lên ngồi hàng ghế đầu. Chừng ấy ông bước đi và nói khẽ:
- Sao tôi ngại quá!
Vâng ông rất ngại! Có người đã cho biết, ông rất ngại khi xuất hiện trước đám đông, cũng như ngại khi xướng ngôn viên đài phát thanh có nhã ý phỏng vấn ông.

Qua phần giới thiệu chương trình và lời chào mừng quan khách của Tác Giả. Buổi Thơ Nhạc bắt đầu. Tiếng hát ngọt ngào, cất cao của Nhạc sĩ Cẩm Văn qua nhạc phẩm Còn Chút Gì Để Nhớ… "một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng" bởi "Em Pleiku má đỏ môi hồng"**…có lẽ dòng nhạc trữ tình, gợi lại ít nhiều kỷ niệm cho Nhà Thơ và có lẽ, ông ngồi đây mà hồn thả tận xa xăm…

Sau bài hát, bác sĩ Trần Xuân Dũng, người gốc nhà binh, đưa quan khách về thực tại qua lời phát biểu. Ông phân tích tỉ mỉ, chính xác, ngắn gọn mà đầy đủ, khi đã chọn lọc và đưa những câu thơ dẫn chứng. Ông không soạn bài để đọc mà chỉ nói, có lẽ lời nói từ cảm xúc của trái tim ông, khiến người nghe dễ đồng cảm và như đã đọc qua hầu hết những tuyệt tác của Nhà Thơ Lâm Hảo Dũng, trong khoảnh khắc thời gian ngắn nhất mà ông Trần Xuân Dũng nói lên cảm tưởng.


Bác Sĩ Trần Xuân Dũng, MC Kiều Mộng Thu, Nhà Thơ Lâm Hảo Dũng

Cả hội trường im phăng phắc và tràng pháo tay vang dội, nồng nhiệt khi ông Trần Xuân Dũng chấm dứt. Một cảnh tượng lần đầu tôi được chứng kiến. Điều này cho thấy sự thu hút của tác phẩm, cùng cái tình, sự trân trọng của Người nhận xét đã dành cho Tác Giả cũng như cho người đang tham dự. Và một tình cảm sâu sắc nhất mà tôi không thể không nói ra là cái tình của lúc ấy, của hai người chiến hữu, ông Trần Xuân Dũng và Lâm Hảo Dũng. Mặc dù chưa quen biết nhau, nhưng họ như đã trao nhau bằng tình Huynh Đệ Chi Binh ngày trước. Thật cảm động!



Trong buổi ra mắt, nhìn quanh đâu cũng thấy là tình… Tình của những người đã cùng uống nước chung dòng với Tác Giả Lâm Hảo Dũng. Đó là những người đồng hương Sóc Trăng đến tham dự và ủng hộ. Đó là cô em gái miền tây qua vai trò MC, Kiều Thu. Cô duyên dáng qua tà áo dài và sự chân tình được nhìn thấy từ lúc bắt đầu, đến suốt cả Chương Trình.

Ngoài ra, tôi thấy rất rõ, tấm thạnh tình, sự nồng nhiệt của nhiếp ảnh Bùi Quốc Hùng trong buổi ra mắt Tập Thơ này. Anh đã âm thầm tự đến và âm thầm ra về, nhưng đã để lại cho gia đình Tác Giả nói riêng, cho người đời này và cả thế hệ mai sau, những hình ảnh sống động, rất thật, qua giọt nước mắt âm thầm rơi của Nhà Thơ Lâm Hảo Dũng.
Và dù… “Đời Rất Bạc Chiều Nay…”, nhưng chiều nay, rất nhiều Anh Chị Em có tâm hồn nghệ sĩ, không bạc. Qua lời ca, giọng ngâm, điêu luyện, trữ tình đã đưa thơ, nhạc phổ từ thơ ông đến gần hơn và dễ ru lòng người nghe.

Tôi cũng đã tận mắt chứng kiến, tấm tình thắm thìết mà Anh Em, Con Cháu nhà họ Lâm đã cực lực hết sức mình. Qua lời tâm sự của Nhà Thơ, chính họ đã lo toan tất cả, để có được một Lâm Hảo Dũng điềm tĩnh trước quan khách. Động lực thôi thúc ông ra mắt Tập Thơ này, là do sự hợp tác của các em ông, lo in ấn, hoàn thành và trao đúng lúc cho người chị dâu, chính là Bạn Đời của ông Lâm Hảo Dũng, trước phút lâm chung. Một món quà quá cao cả đã dành cho Bà. Bởi các em ông đã gói gọn lời tình mà ông gìn giữ, nhắn gửi, sau mấy mươi năm mặn nồng. Bà đã nhìn thấy và đã ra đi an bình trong niềm tin yêu.

Tôi trở lại với Nhà Thơ. Ông nói rất ít và điềm đạm khi trả lời. Tuy nhiên, cái khí phách của người đã từng trải qua một thời đao binh vẫn còn tiềm ẩn. Và tình… “Gửi người của xứ Pleiku” ra đời. Thơ là trải lòng ông, là âm thầm khóc một mình. Có lẽ sự âm thầm đau đớn đến không kềm chế và khiến ông khóc giữa đám đông.

Hôm nay ngày vĩnh biệt
Em không còn bên tôi
Hôm nay mây thành tuyết
Tan nơi đất quê người*
…và lời âu yếm đầy hứa hẹn mai sau

Hãy lau dòng nước mắt
Hãy an bình xuôi tay
Đợi ta về bên gốc
Cà phê hương nồng say…*


(Tác giả rơi nước mắt khi nhắc về người bạn đời vừa ra đi và những ngày cùng bạn đồng đội nơi chiến trường xưa)

Ai mà không khóc cho được!?
Những giọt nước mắt ông khóc cho Người Bạn Tình Chung, sẽ không lẻ loi. Đã có những giọt nước mắt đồng hành, những xúc cảm sâu xa chia sẻ, của cô Ca Sĩ, Người ngâm thơ và của rất… rất…đông quan khách đang tham dự.

Phố núi cao phố núi đầy sương…
May mà có em đời còn dễ thương**

May mà có Em…Em của thời má đỏ môi hồng, để anh đi lên đi xuống, để bắt đầu mối tình thật đẹp, thật thơ của Tác Giả và may nhờ có Em…của 40 năm sau, một Nhạc phẩm được ra đời, phổ từ thơ ông, “Gửi người của xứ Pleiku”. Em bây giờ không còn má đỏ môi hồng, nhưng Em của mấy mươi năm sau vẫn son sắt tấm lòng, vẫn nồng ấm trái tim yêu người qua những chia sẻ ngọt bùi và đã cùng ông đi hết quãng đường…

Hôm nay hay hôm khác
Em vẫn là trăng sao
Vẫn bay về phố núi
Thương kỷ niệm năm nào*

Trong sum họp có mầm của chia ly. Người tình của ông đã đã đến và đi vào cõi thiên thu. Quan khách đến cùng ông và cũng đến giây phút giã từ.
Trước giờ chia tay, cô MC Kiều Thu mời gọi những Người Cộng Tác, cùng Tác Giả chụp ảnh lưu niệm. Mọi ngưòi đã sẵn sàng, nhưng bất ngờ, máy ảnh mắt tôi “chụp được” một bức hình về chữ Tình nơi ông Lâm Hảo Dũng. Tấm hình “chụp được” bước chân vội vã của ông, khi ông quay trở xuống hàng ghế quan khách ngồi và khi trở lại có ông Trần Xuân Dũng đi cùng. Nhìn cảnh ấy “máy ảnh mắt" tôi, nhạt nhòa....


(Chị Ca Dao xúc động với lời thơ và bật khóc sau khi ngâm)

Trời Melbourne đang mùa đông, nhưng lạ thay, trời đang khuất trên cao vẫn được kéo dần xuống thấp. Mang nắng lên xoay dần giá buốt. Nắng nhè nhẹ xao động hồn thơ, chút gió thoảng lay lay những hình bóng cũ quê nhà qua những tà áo dài thướt tha. Phải chăng cái lạnh của mùa đông được sưởi ấm bởi tình… người đến với người, qua “Những Bài Thơ Của Tôi”. Chắc chắn rằng, một Tác Giả Lâm Hảo Dũng không đủ làm trời Melbourne ấm lại, mà có cùng sự đồng tâm, hợp lực của các Cộng tác viên lẫn Khách tham dự, khiến mọi người quanh đây, hơn nửa đời đất khách dừng chân, như được an ủi, xoa dịu phần nào nỗi buồn lưu vong, xa xứ. Và những Anh lính nhà binh của ngày xưa, đang hiện diện, vẫn y nguyên chân dung của người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

Cám ơn Anh Lâm Hảo Dũng…may nhờ có Anh mà người đồng bằng và dân phố núi Pleiku xích lại gần hơn. Cám ơn Anh, bởi vì may nhờ có “ngôn ngữ cử chỉ” của Anh mà tôi tìm được tình… người đến với người, cho tôi một cảm giác thật tự nhiên, vượt qua lằn ranh ái ngại… “thấy sang bắt quàng làm họ”.
Tác Giả Lâm Hảo Dũng – Quanh tình người, tình ông dành cho quê hương, cho mẹ, cho người tình, cho anh em, cho bạn hữu, cho tha nhân. Thơ đã trải lòng ông và ai hữu duyên có cùng đồng cảm, không tránh khỏi bồi hồi vấn vương cùng Tác Giả. Và cám ơn Anh đã cho tôi nỗi nhớ mẹ khôn nguôi.

Mẹ già lạy phật Thích Ca
Lạy quanh tám hướng căn nhà trống trơn*


Từ trái: Hoàng Chính Đan, Cẩm Văn, Ca Dao, Hương Trần Ai, Trúc Ly, Kiều Thu, Thoại Mi, Thanh Hương, Bác Sĩ Trần Xuân Dũng, Thụy Phong và Nhà thơ Lâm Hảo Dũng

Kim Phượng
Úc Châu 25.8.2013

* Trích từ Thơ Lâm Hảo Dũng
**Lời nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ

Một vài hình ảnh thân mật trong suốt buổi phát hành tập thơ
Của Nhiếp Ảnh Gia Bùi Xuân Hùng



Nhà Thơ Lâm Hảo Dũng tiếp đón Bác Sĩ Trần Xuân Dũng

Bác Sĩ Trần Xuân Dũng và Nhà Thơ Lâm Hảo Dũng

Chân tình của Những Người Lính năm xưa

Ngồi: Bác Sĩ Trần Xuân Dũng, Nhà thơ Lâm Hảo Dũng
Đứng:Nhà thơ Lâm Hảo Khôi, Lâm Anh Kiệt,( Em trai của Tác Giả)

Nữ MC khả ái Kiều Thu

Thảo Nguyên cô cháu gái của Nhà thơ

Ca sĩ Đình Hùng

Ca sĩ Thanh Hương chấm dứt chương trình với nhạc phẩm " Nửa Hồn Thương Đau của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Kim Phượng tặng hoa thay lời cảm ơn & trân quý tình Mẹ bao la qua dòng thơ của tác Tác giả

Tác giả Lâm Hảo Dũng cùng quan khách - Cạnh tác giả MC Mỹ Lý
 
Tác Giả ký tên trên sách

Kim Oanh, Kim Phượng, Nhiếp Ảnh Gia Bùi Quốc, Hùng,Lâm Hảo Dũng

Hai người bạn của Ca sĩ Thanh Hương, và Nhạc sĩ Cẩm Văn

Kỳ Quốc, Trân, Kim Oanh, Kim Phượng

Buổi tiệc do gia đình Nhà Thơ khoản đãi các Cộng tác viên và Quan khách

Nhiếp Ảnh Gia: Bùi Quốc Hùng

Xin vào Link xem tiếp hình ảnh và ghi nhanh của Người Melbourne: