Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Trình Luận Án Bác Sĩ Y Khoa Năm 1974

Tác giả: Người đội nón 
Cao Tấn Phương


Nhìn Biển Nhớ Người



Biển vắng! Chiều vàng đang nhạt nắng
Bước chân vô định thả bâng khuâng
Sóng vẫn rì rào câu điệp khúc
Nhặt, khoan, đều đặn...thật ân cần!

Muốn gửi gió, nhắn mây lời nhớ
Ngại trùng khơi tản lạc, tan mây
Quê hương đang mịt mù cách trở
Biết nơi đâu bờ bến sum vầy?!

Vốc nắm cát, tay mềm chợt ấm
Như mới vừa nâng một góc đời
Sao mãi đắm chìm trong ảnh ảo
Vũng Tàu, Hè, Biển... quá xa xôi!?

Thì cũng vết chân in trên cát
Cũng hải âu lượn giữa trời mây
Biển, sóng nối trùng khơi hun hút
Bến bờ xa vọng tiếng nơi này.

Trầm ngâm ngắm bạc đầu sóng vỗ
Miên man hồn tan loãng vào mơ
Chiều tắt nắng cho trăng tư lự
Biển vô tư vỗ sóng tràn bờ.

Khúc phim chiếu chậm từ kỷ niệm
Gợi nhớ hè xưa rộn tiếng cười
Bây giờ dưới ánh trăng biêng biếc
Nhấp cà phê, nhìn biển...nhớ người.


Huy Văn

Ocean City, MD 5/7/2020

Đâm Chồi Tình Xưa



Muộn màng vẫn muốn thắp lên
Lửa yêu cháy bỏng con tim ngày nào
Thưở em đôi má đỏ au
Mải mê tôi đứng bên cầu ngóng trông
Thưở em mắt biếc dòng sông
Tình tôi ngụp lặn trên dòng chơi vơi
Mê từng dáng đứng nụ cười
Rụt rè chẳng dám ngỏ lời tình yêu
Để rồi bóng ngả xế chiều
Lai mong nói lại những điều xưa ra
Tiếc thay người đã lên bà
Và tôi mái tóc bạc già lên ông
Mối tình giữ kín trong lòng
Theo mùa xuân đến trổ hồng môi hoa
Em giờ là của người ta
Nhưng trong mộng mị em là của tôi
Ngập ngừng đêm ánh sao rơi
Giấc mơ hoang tưởng đâm chồi tình xưa

Trầm Vân

Vũ Lâm Linh (1) 雨霖鈴 - Liễu Vĩnh




雨霖鈴                 Vũ Lâm Linh (1)

寒蟬淒切             Hàn thiền thê thiết
對長亭晚             Đối trường đình vãn
驟雨初歇             Sậu vũ sơ yết
都門帳飲無緒     Đô môn trướng ẩm vô tự
留戀處                 Lưu luyến xứ
蘭舟催發             Lan chu thôi phát
執手相看淚眼    Chấp thủ tương khan lệ nhãn
竟無語凝噎         Cánh vô ngữ ngưng ế
念去去                 Niệm khứ khứ
千里煙波             Thiên lý yên ba
暮靄沉沉楚天闊 Mộ ái trầm trầm Sở thiên khoát
多情自古傷離別 Đa tình tự cổ thương ly biệt
更那堪                 Cánh na kham
冷落清秋節         Lãnh lạc thanh thu tiết
今宵酒醒何處     Kim tiêu tửu tỉnh hà xứ
楊柳岸                 Dương liễu ngạn
曉風殘月             Hiểu phong tàn nguyệt
此去經年             Thử khứ kinh niên
應是良辰             Ưng thị lương thần
好景虛設             Hảo cảnh hư thiết
便縱有千種風情 Tiện túng hữu thiên chủng phong tình
更與何人說 。    Cánh dữ hà nhân thuyết。

柳 永                 Liễu Vĩnh
(1) Vũ lâm linh: Đây là một nhạc khúc viết vào thời Đường Minh Hoàng.

Truyện kể trong loạn An Lộc Sơn, Đường Minh Hoàng chạy vào đất Thục phải để quân sĩ giết chết Dương Quí Phi. Lúc yên giặc, nhà vua trở về, trên đường đi nghe tiếng mưa trong rừng ngân thánh thót như tiếng chuông, nhà vua bồi hồi nhớ đến người đẹp, liền sai Trương Dã Hồ - một viên quan phụ trách âm nhạc, soạn ra hai khúc Vũ lâm linh (雨霖鈴) và Hoàn ai nhạc (還哀樂). Liễu Vĩnh áp dụng thể loại nhạc khúc này vào sáng tác của mình.

Dịch nghĩa:

Tiếng Mưa Rừng Hay Tiếng Chuông Ngân

Tiếng ve nghe sao lạnh lùng thảm não
Đến trước dịch trạm khi chiều tối
Cơn mưa đến bất chợt cũng vừa dứt
Rượu tiễn nơi cổng thành cũng không thể quên đi mối sầu
Quyến luyến chẳng nở rời bỏ chốn này
Nhưng thuyền lan thúc giục phải lên đường
Cầm tay nhau nước mắt lưng tròng
Phút cuối nghẹn ngào không thể nói.
Đành đi thôi
Ngàn dặm mờ khói sóng,
Trời Sở bao la mây chiều ảm đạm
Từ xưa khách nặng tình cũng từng buồn vì chia xa
Làm sao chịu đựng thêm nổi.
Cái lạnh của mùa thu đang đến
Đêm này tỉnh rượu ở nơi đâu
Bờ dương liễu,
Gió sớm trăng lặn
Trải từ năm này qua năm khác
Chỉ mong sao được tốt lành
Còn cảnh đẹp cũng chỉ là giả tạo mà thôi .
Cho dù có hằng ngàn thứ tình chăng nữa
Cũng chẳng biết nói cùng ai.

Dịch Thơ:
Vũ Lâm Linh


Ve buồn thở than
Dịch trạm chiều tàn
Cơn mưa vừa dứt
Cổng thành rượu tiễn sầu lan
Không nỡ rời
Nhưng thuyền giục giã
Cầm tay nước mắt tuôn rơi
Nghèn nghẹn lời khó nói
Đành đi thôi
Khói mờ ngàn dặm
Chiều Sở u hoài trời thăm thẳm
Tình nhiều sầu lắm buổi chia tay
Càng thảm thay
Hoang vắng lạnh hơi thu
Đêm nay tỉnh rượu chốn nào
Bờ liễu rủ
Gió sớm trăng tàn
Năm lại năm sang
Cảnh đẹp nào thực
Ôi tình ngàn mối tựa tơ vây
Biết ai để tỏ bày.

Quên Đi
***
Vũ Lâm Linh của Liễu Vĩnh.

1-

Ve kêu ra riết
Trường đình chiều buông, mưa rào vừa hết
Cửa đô rượu mồi khôn hứng
Đang luyến lưu thuyền lan giục riết

Tay nắm, nhìn nhau rưng lệ
Rồi lặng thinh da diết
Nghĩ đi đi khói sóng nghìn trùng.
Mây chìm chìm chiều trời Sở biếc

Từ xưa đa tình thương ly biệt
Làm sao kham lạnh lùng khi thu tiết
Đêm nay tỉnh rượu nơi nao.
Bờ dương liễu, gió chiều trăng khuyết

Từ đây mỗi năm
Hẳn là cảnh đẹp, tiết lành hư ảo hết
Dù cho có muôn loại phong tình
Ngỏ cùng ai? Nào biết?

2-
Mưa Chiều Biệt Ly

(Dịch phóng tác)

Ve sầu day dứt tiếng đưa
Chiều buông bến lạnh gió mưa mới tàn
Cửa thành hờ hững rượu khan
Đương cơn lưu luyến, thuyền lan gọi dồn

Cầm tay đối mặt lệ tuôn
Nói năng nghẹn uất lời buông trễ tràng
Người đi khói sóng dặm ngàn
Mây đen giăng mắc, trời nam gập ghềnh

Xưa nay ly biệt nòi tình
Hắt hiu thu lạnh phận mình ra sao
Đêm này tỉnh rượu chốn nao?
Liễu dương bờ bụi, gió gào, trăng lu!

Bao năm xa cách bây chừ?
Tiết lành, cảnh đẹp cũng hư ảo hình
Trong ta nghìn mối luyến tình
Biết cùng ai tỏ ngọn ngành biệt ly !?


Lộc Bắc
01Dec2014

Thuở Xa Nào


(Đại Học Khoa Học - Sài Gòn)

Thuở Xa Nào

Hè nay... trời mưa
Nhớ lắm ngày xưa
Đưa em dạo phố
Hàng me lá đổ
gió đùa!

Sài-Gòn năm nào
Hai đứa bên nhau
Giảng-đường đại-học
Thời-gian ngà ngọc
ngọt ngào!

Đại-lộ Cộng-Hoà
Niềm vui nở hoa
Bên em song bước
Tóc bay lướt thướt
...mơ xa!

Xi-nê gợi mời
Ngại ngùng buông lơi
Ngỡ ngàng hụt hẫng
Dại khờ tay vuột
suốt đời?

Sân bay hoàng-hôn
Xao xuyến tâm hồn
Bồi hồi đưa tiển
Chia tay vĩnh-viễn
mất nhau!

Dĩ vãng mây bay
Kỷ niệm còn đây
Tóc xanh tóc trắng
Vẫn còn sâu lắng
ngất ngây?

Anh Tú
***
Bài Cảm Tác:

Nắng Mưa Mùa Hạ

Mùa Hè trời nắng
Mưa Hạ về chưa?
Nắng mưa xa vắng
Thương ngọn gió đùa…

Chờ em cuối mùa
Tội chiếc lồng son
Khung trời đại học
Em nhớ hay không?

Nhiều năm xa cách
Em còn như xưa?
Bàn tay ngà ngọc
Đan nhau trong mưa …

Ký ức đong đầy
Mưa chiều kỷ niệm
Quơ tay tìm kiếm
Ảo ảnh như mây!

Em giờ ở đâu
Mưa nắng đổi màu
Tim tôi rướm máu
Mãi ngàn đời sau…

Dương hồng Thủy 
(18/07/2020)

Tình Chỉ Đẹp Khi Còn Dang Dở


(Y Học & Văn Nghệ)
(Độc giả cần tham khảo thêm với Bác Sĩ Gia Đình của mình)

Trong quá khứ muốn giúp bệnh nhân bỏ hút thuốc lá, bác sĩ có thể cho thuốc nhai (gum) hay thuốc dán (patch) có chất nicotine. Những sản phẩm này ngày nay đã mua bán tự do, không cần toa bác sĩ. Lại còn có thuốc xịt mũi có nicotine để bỏ thuốc lá, nhưng cần toa bác sĩ. Gần đây đã có thuốc uống Zyban (bupropion) để bác sĩ có thể kê toa cho bệnh nhân muốn bỏ hút thuốc. 

Những người hút thuốc khó bỏ là vì khi ngưng hút hay có những triệu chứng thiếu thuốc (nicotine craving) và Zyban làm giảm bớt những cảm giác khó chịu này. Nhiều bác sĩ còn cho bệnh nhân uống cả bupropion và dùng thuốc nhai hay thuốc dán nicotine cùng một lúc.
Bupropion cũng còn là thuốc chữa bệnh sầu buồn (depression) dưới tên Wellbutrin SR. Gần đây có cuộc khảo cứu cho thấy bupropion cũng có thể chữa được chứng lãnh cảm tình dục của đàn bà. Các bác sĩ nên nghĩ đến chuyện dùng thuốc này cho người bị buồn phiền mà lại muốn bỏ hút thuốc lá, nhất là bệnh nhân đàn bà bị lãnh cảm. 
Những phản ứng phụ (side effects), nếu có xẩy ra, của Zyban là khô miệng, khó ngủ, tay run (tremor) và da nổi mẩn (skin rash). Một số rất ít, khoảng 0.1% bệnh nhân dùng Zyban bị lên cơn động kinh (seizure). Tổng quát, thuốc Zyban khá hiệu nghiệm và ít gây ra những phản ứng phụ.

Viết về chuyện thuốc lá lại nhớ đến thi sĩ Hồ Dzếnh.

Ông Hồ Dzếnh có lẽ là người nghệ sĩ đầu tiên dùng tên có chữ z đi đằng sau chữ d. Cả hai đều là phụ âm và có hay không có chữ z, phát âm cũng tương tự. Về sau này, thỉnh thoảng cũng thấy có các nghệ sĩ khác dùng tên có ghép thêm chữ z vào sau chữ d như Dzoãn Mẫn, Việt Dzũng, Dzũng Chinh, Dzương Ngọc Hoán... Nghe đọc tên không thấy gì khác lạ, nhưng "nhìn" tên hình như có vẻ... nghệ sĩ hơn! Nhà văn Duyên Anh (Duyên không có z!) cũng có quyển sách tựa là Dzũng Đakao. 

Không biết thi sĩ Hồ Dzếnh có hút thuốc hay không nhưng trong thơ của ông hay có chuyện hút thuốc lá.
Chiều tức Màu Cây Trong Khói là tên một bài thơ 5 chữ phổ nhạc theo điệu Tango Habanera nổi tiếng từ lâu của Hồ Dzếnh và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (Dương không có chữ z!). Nhạc của bài hát Chiều rất giản dị. Âm điệu uyển chuyển dễ nghe thấy hay. Có lẽ sự thành công nhất của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995) của bản nhạc này nằm trong những câu thơ nhạc được lập đi lập laị. Bốn câu mở đầu bài hát có nét nhạc đi đều đều, không thấp không cao và đã cho một cảm giác buồn nhớ nhẹ nhàng. Nhưng nỗi buồn được nhấn mạnh hơn một chút khi câu thứ tư cũng chỉ là câu thứ ba lập lại:

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Tiếng buồn vang trong mây

Đoạn tiếp theo, dòng nhạc lên cao hơn. Kể từ câu thứ ba khi nhạc khá dồn dập hơn, nỗi buồn có vẻ sâu đậm hơn và nhất là khi câu thứ tư được lập lại một lần nữa để làm thành câu thứ năm:

Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay
Chất trong hồn chiều nay

Đến đoạn... hút thuốc. Người lữ khách vẫn... buồn, nhớ lại ngày cũ. Ngày đó, đang lãng du, chàng chợt thấy thèm thuốc lá nhưng lại bỏ quên... hộp quẹt ở nhà. Chàng bèn ghé lại một nhà bên ven đường, muợn bật lửa để xin châm một điếu thuốc. Chàng hút, ngây ngất say thuốc, thả khói và lim dim nhìn khói thuốc bay lên cao. Nhạc đoạn này câu đầu cũng giống như câu đầu của đoạn trên nhưng về sau nhạc dồn dập, liên tục hơn một chút nữa để thành sáu câu. Câu thứ ba cũng gần như là lập lại của câu thứ tư, chỉ thay chữ "rừng" bằng chữ "mây":

Tôi là người lữ khách
Mầu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây 

(Lê Hữu, người hay viết về nhạc Việt, khi nói chuyện về bài thơ nhạc này, có nhắc nguyên tác câu này là “Khói xanh bay lên mây”). 

Nhạc và thơ rồi quay lại giống y hệt đoạn đầu, nghĩa là nỗi buồn man mác của đoạn đầu cũng được dùng làm đoạn kết với bốn câu:

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Tiếng buồn vang trong mây 
(Chiều/thơ Hồ Dzếnh, nhạc Dương Thiệu Tước)

Ngập Ngừng, một bài thơ khác trong tập thơ Quê Ngoại (1943) của Hồ Dzếnh, khá nổi tiếng cũng có chuyện hút thuốc trong đó. Thời gian sốt ruột chờ đợi được diễn tả bằng điếu thuốc lá cháy ngắn dần. Nỗi buồn sâu đậm nhưng sự trách móc chỉ nhẹ nhàng:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân
Ngó lên tay thuốc lá cháy lụi dần
Anh nói khẽ: "gớm sao mà nhớ thế!"

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi, tình nghĩa có gì đâủ
Nếu là không lưu luyến lúc ban đầu
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa
Hoa lá ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Anh sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau lơ lửng... với nghìn xưa 
(Ngập Ngừng/thơ Hồ Dzếnh)


Phải nói bài thơ Ngập Ngừng có những câu nổi tiếng được nhiều người nhắc đến.
Như khi "người ấy" không hiểu sao lại muốn được gặp "nàng" nhưng lại thích được cho... ăn thịt thỏ:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!

Cũng có lúc người ta xuống giọng, chán chường để than thở cho chuyện tình duyên đã hết và nỉ non thêm câu:

Em tôi ơi, tình nghĩa có gì đâu?

Khi tình duyên bị tan vỡ, có hai câu sau đây rất hay được nhắc lại, nhưng khi nhắc đến, thứ tự lại đảo ngược với nguyên bản bài thợ:

Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề

Sở dĩ có chuyện đảo ngữ như vậy, vì nếu chỉ đọc hai câu này, đọc ngược nghe xuôi tai hơn. Lý do một phần ở chữ thề là vần bằng, dùng làm chữ cuối cùng đọc lên nghe êm tai hơn chữ dở là vần trắc. Đa số chính những người nhắc đến hai câu này cũng không ngờ là hai câu thơ đã đảo ngược!

Thật ra, người ta còn hay bỏ bớt chữ những và đọc lên thành:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề

Và, nổi tiếng... số dzách (dzách có z), nổi tiếng nhất là câu thơ thứ nhất (đúng ra là câu thứ hai) trong hai câu thơ trên, được "lưu truyền" sau khi đã được thu thành 7 chữ:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Tại sao câu này lại nổi tiếng như vậy?
Có lẽ trên đời có nhiều mối tình, vì lý do nào đó, không được trọn vẹn. Biết bao nhiêu người ở hoàn cảnh của Chức Nữ và Ngưu Lang!
Vấn đề là, trên thực tế, có thật sự đúng, tình chỉ đẹp khi còn dang dở, hay không nhỉ?

(The Rx Consultant, May 1998)
BS Phạm Anh Dũng, ABFP
Santa Maria, California, U.S.A.
Tháng 08, 2000

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

Chứng Chỉ Tú Tài I&II(1967-1969) - Cử Nhân Giáo Khoa Vạn Vật, Đại Học Cần Thơ(1970 1974) - Lê Thị Kim Phượng

Chứng Chỉ Tú Tài Phần I - Lê Thị Kim Phượng
Cựu học sinh Trường Bán Công Nguyễn Thông - Vĩnh Long
Niên khóa 1967-1968


Chứng Chỉ Tú Tài Phần II 
Cựu học sinh Trường Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long
Niên khóa 1968-1969


Chứng Thư Cử Nhân Giáo Khoa Vạn Vật 
 Đại Học Cần Thơ(1970 1974)


Văn Bằng Cử Nhân Giáo Khoa Vạn Vật 
 Đại Học Cần Thơ(1970 1974)



Lê Thị Kim Phượng
* Cựu học sinh Trường: Trung Học Công Lập Vĩnh Bình (1963-1965),
- Bán Công Nguyễn Thông - Vĩnh Long(1965-1968),
- Trung Học Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long(1968-1969)
* Cựu Sinh Viên Đại Học Khoa Học, Cần Thơ (1970-1974)

Lặng Lẽ Mưa


Đưa mắt mỏi mòn trông
Mưa như thấm tận lòng
Muốn trao niềm tâm sự
Biết người có nhận không

Đưa mắt dõi trời xa
Nhìn bui nước la đà
Lòng dâng bao nỗi nhớ
Chắc người đã quên ta!

Quên Đi

Gửi Chút Niềm Riêng



Bài Xướng:

Gửi Chút Niềm Riêng

Có những đêm dài nơi viễn phương
Trở nghiêng gối mộng suốt canh trường
Em ơi, từ độ tàn chinh chiến
Anh chẳng bao giờ nguôi tiếc thương
Bởi trót đa mang cùng nghiệp dĩ
Nên còn phiêu bạt giữa phong sương
Chút niềm riêng gửi về quê cũ
Mà nhớ nhung sao, đến lạ thường!

Nguyễn Kinh Bắc

Bài Họa:


Trải Nỗi Lòng Riêng….


Trải dòng tâm sự đến ngàn phương
Dõi bước theo ai tận chiến trường
Lối cũ riêng lòng vời vợi nhớ
Thềm xưa một bóng ngậm ngùi thương
Thân trai thời loạn gìn non nước
Phận gái dặm trường đội gió sương
Yêu mãi anh thôi Người ngã ngựa
Nằm gai nếm mật vẫn xem thường

Kim Oanh

Quy Nhạn 歸雁 - Tiền Khởi



Nguyên tác            Dịch âm 

歸雁                      Quy Nhạn 

瀟湘何事等閒回 Tiêu Tương hà sự đẳng gian hồi?
水碧沙明兩岸苔 Thủy bích sa minh lưỡng ngạn đài.
二十五弦彈夜月 Nhị thập ngũ huyền đàn dạ nguyệt,
不勝清怨卻飛來 Bất thăng thanh oán khước phi lai. 
                             Tiền Khởi

Chú giải: Đẳng: đẳng cấp, chờ đợi. Gian, nhàn: không gian. Đài: rêu. Lưỡng ngạn: đôi bờ. Thăng: có thể chịu đựng. Khước: từ chối, lùi bước. 

Dịch nghĩa 

Nhạn Quay Về 

Vì sao hễ tới Tiêu Tương thì chúng quay về: 
Nước biếc, cát óng ánh, rêu phủ hai bên bờ sông, 
Tiếng đàn 25 dây trong đêm trăng, 
Chịu không nổi âm thanh ai oán của tiếng đàn, nên phải bay đi. 

Dịch thơ:

Nhạn Quay Về 

Tiêu Tương sao tới lại bay về?
Cát trắng nước xanh rêu phủ đê,
Đàn sắt tiếng buồn rung ánh nguyệt,
Nghe như than khóc giục bay đi 

Con Cò & Hoàng Xuân Thảo 
***
Dịch Nghĩa: 
Nhạn Về 

Sông Tiêu Tương, sao nhạn lại phải bay đến rồi trở về? 
Nước biếc cát sáng, hai bên bờ phủ rêu 
Trong đêm trăng có tiếng đàn 25 dây 
Hay không thể chống lại được tiếng đàn ai oán nên bay đến. 

Dịch Thơ: 
Nhạn Về 
1/
Vừa đến Tiêu Tương nhạn chẳng chờ 
Nước xanh cát trắng rêu hai bờ 
Não nùng ai oán đêm trăng sáng 
Thánh thót vì ai rắc tiếng tơ. 

2/
Mới đến Tiêu Tương nhạn đã về 
Nước xanh cát trắng rêu trên đê 
Tiếng đàn réo rắc đêm trăng sáng 
Ai oán não nùng dạ tái tê. 

Returning Swallow by Qian Qi 

Why must swallow fly to Xiao Xiang river then return?
Water is blue, sand bright, two sides covered with moss 
In the moon night, the 25 string instrument plays
Could he not resist the melancholic tune and return?

Phí Minh Tâm

Hãnh Diện Được Mang Dòng Máu Việt



Hãnh Diện Được Mang Dòng Máu Việt 

(Giải THE YOUNG SCIENTISTS)

Tôi vốn sinh ra ở nước này 
Nhưng sao hồn chẳng để nơi đây,
Chỉ nghe thăm thẳm trong tiềm thức 
Tiếng VIỆT NAM vang vọng mỗi ngày 

Này lời âu yếm mẹ ru êm,
Này tiếng cha ngâm vạn nỗi niềm,
Này nhạc Phạm Duy khơi lối mộng 
Dìu tôi du nhập cõi Thần Tiên

Thần Tiên xứ ây có Âu Cơ 
Giúp Lạc Long Quân dựng cõi bờ,
Một bọc trăm con gây giống Việt 
Non sông Hồng Lĩnh đẹp như thơ 

Như thơ như họa truyện Sơn Tinh 
Để giữ người yêu mãi cạnh mình,
Đã trổ phép thần xây núi Tản 
Giữa trời hùng vỹ đứng oai linh 

Oai Linh ai sánh nổi Thần Quân 
Nhổ trúc La Ngà giết giặc Ân
Mượn ngọn Sóc Sơn làm bãi phóng 
Phi thuyền Thiết Mã thoát trầm luân.

Trầm luân Trọng Thủy Mỵ Châu ơi! 
Bể aí lênh đênh dễ mấy người 
Như được Tiên Dung cùng Đồng Tử 
Đưa dân Dạ Trạch tuốt lên trời 

Lên trời để lại dưới nhân gian 
Triệu triệu con hiền với cháu ngoan 
Bờ cõi mở mang xây nghiệp tổ 
Huy hoàng dòng dã bốn ngàn năm...

Bốn ngàn năm văn hiến có dư 
Biết bao Trưng Triệu những anh thư,
Biết bao Thường Kiệt,bao Hưng Đạo 
Tô đẹp giang sơn rạng sắc cờ 

Sắc cờ Phấp phới ngập năm châu 
Hướng dẫn Rồng Tiên khắp địa cầu
Quyết trí dựng xây non nước Việt 
Da vàng máu đỏ xót thương nhau.

Mười lăm năm lẻ ở Hoa Kỳ.
Tôi vẫn mơ màng giấc nửa khuya 
Hãnh diện được mang dòng máu Việt 
Cùng chung huyền sử nhiệm mầu kia 

 Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái  và con gái 
***
Proud To Be A Vietnamese 

I was born in this beautiful country 
But within its borders my soul doesn't want to be
Because from the deepest of my subconsciousness
The word ”Vietnam” is echoing dịstinctively and endless

Lịstening to my mother's sweet lullaby 
Then to my patriotic father's melancholic cry,
My mind is carried away by Phạm Duy 's music 
To the fairy land full of stories so idyllic 

The idyllic stories tell me the wonderful mother Âu Cơ 
Who hatched one hundred children to help Lạc Long, an oriental King Arthur 
To build and give birth to a whole new nation,
The nation on the Crimson Ridge is always the source of my adoration 

I adore the Tản Viên Mount Spirit
Who to keep his Love so quixotic 
Built the Vietnamese Olympus 
Overlooking all of Asia just like Zeus 

As Zeus, the famous celestial soldier 
uprooted bamboo trees to chase away the Ân invaders 
Then using Mount Sóc as a launching site 
Flew his iron horse fleeing the earthly love and all its might

Fleeing the earthly love and all its might. Oh lovers Trong Thủy, Mỵ Châu 
Lost in the affectionate sea, not too many,though 
Can be like Tiên Dung and her ideal man 
Who took the entire Dạ Trạch village to the fairy land 

Moving to the fairy land,they left millions of inhabitants 
who were,in this country the most venerable combatants 
Who embellished the native land which was to them so dear,
So dear to all of us during the last four thousand years.

During the last four thousand years of civilization,
So many women and men of this nation 
Like Sisters Trưng ,Miss Triệu, Like Thường Kiệt, Hưng Đạo the great generals 
Who defended our country and kept our flag flying high on capitals 

Our flag flying high on all five continents 
Is a reminder to all the noble Vietnamese militants 
To return and rebuild their fatherland 
And drive the yellow skin and red blood to a glorious end

I have been living in this country fifteen years around 
At night I dream a dream so sound...
I am proud to be a Vietnamese teenager

Sharing the same beautiful myth with my ancestors 

 Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái  & Daughter

Cung Bậc Tình Yêu Có Thật

Có bao giờ bạn tự hỏi: mình đã thật sự yêu một người nào chưa? Mình đã có một tình yêu chân thật trong đời? Tình yêu có thật hay chỉ là sự tưởng tượng, hư cấu trong những câu truyện tiểu thuyết? Đừng vội trả lời các bạn nhé! Xin hãy đọc hết câu chuyện sau đây và chắc chắn các bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình. Mời các bạn hãy bước chân cùng tôi, với những cung bậc của một tình yêu tuyệt vời, có thật…

6000 bậc thang mà ông Lưu Quốc Giang bỏ cả cuộc đời ra để xây cho vợ mình.

Năm 2001, một đoàn du lịch thám hiểm vô tình phát hiện hơn 6000 bậc thang kỳ lạ dẫn lên ngọn núi cao hẻo lánh do một người đàn ông đục đẽo để giúp vợ lên xuống núi an toàn dù chẳng mấy khi bà xuống núi. Suốt 57 năm liền, ngày nào ông cũng lần mò bên những bậc thang và lau dọn sạch sẽ để bà không bị trơn trượt chân khi đi lại. Họ sống hơn nửa thế kỷ mà chưa từng rời nhau trên một đỉnh núi hẻo lánh, hoang vu không người trú ngụ. Họ là ai và người đàn ông đó là ai đã sống hết cuộc đời mình cho tình yêu và trọn vẹn cho người mình yêu dấu?

Vào khoảng năm 1956 trong thôn Cao Than, huyện Giang Tân, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc có chàng trai tên Lưu Quốc Giang, 19 tuổi đã tỏ lòng yêu tha thiết một góa phụ lớn hơn mình 10 tuổi. Người góa phụ tên Từ Triều Thanh, 29 tuổi chồng chết sớm và đã có bốn đứa con. Trong giai đoạn lịch sử này của Trung Quốc, thì tình yêu của chàng trai họ Lưu được coi là một hành vi làm xấu hổ người thân, gia tộc. Và thậm chí, thanh niên yêu bà góa là “đại nghịch bất đạo”, là có tội với cả thôn cả huyện. Bị cả dòng họ phản đối, xã hội lên án kỳ thị, nhưng những cản trở ấy đã không thể nào chia lìa được mối tình của họ. Tình yêu chân thật của Lưu Quốc Giang đã bước qua những lời nguyền bao hà khắc của tập quán, ích kỷ xã hội và sự sợ hãi búa rìu, kỳ thị của dư luận… Rồi một buổi sớm tháng 8, 1956 người trong thôn Cao Than phát hiện người góa phụ Từ Triều Thanh cùng bốn đứa con nhỏ bổng mất tích. Và cả chàng trai trẻ 19 tuổi Lưu Quốc Giang, cũng bỏ thôn ra đi không một lời từ biệt gia đình, người thân. Họ đã cùng nhau vượt lên ngọn núi cao hơn 1500 mét so với mặt biển và sống ẩn dật trên đó hơn nửa thế kỷ sau, đến hết cuộc đời.

Bên trong căn nhà đơn sơ và thiếu thốn của họ.

Giữa núi cao rừng thẳm, cuộc sống ban đầu của gia đình họ Lưu-Từ vô cùng khó khăn gian khổ. Không có nhà, không có điện nước và kể cả thực phẩm. Họ phải ăn hoa cỏ, bất cứ trái rừng nào kiếm được và đôi lúc kể cả rễ cây. Bằng chính sức mạnh tình yêu chân thật, bằng lòng hy sinh, tận tụy cùng đôi bàn tay họ đã vượt qua mọi nỗi sợ hãi, gian truân để xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn. Một căn chòi đơn sơ được dựng, che mưa che gió của đỉnh núi cao và khu rừng già hoang vắng. Nước khe, trái cây dại và lắm lúc là thịt loài thú rừng săn được bằng đôi bàn tay không, họ dần dà hình thành cuộc sống với tình yêu có sẵn. Nhìn thấy sự hy sinh lẫn mất mát quá lớn của chồng, nhiều lần Từ Triều Thanh hỏi: “Anh có ân hận không?”. Lần nào nàng cũng được câu trả lời của Lưu Quốc Giang: “Không. Mãi mãi sẽ không! Anh chỉ hối hận là đã chưa đưa đến cho em nhiều tốt đẹp hơn trong cuộc sống”.

Ở trên độ cao, họ Lưu luôn lo sợ sự nguy hiểm cho vợ khi đi ra ngoài, xuống chung quanh dốc núi trong công việc hằng ngày. Nên ngay từ năm thứ nhì, anh đã bắt đầu dùng tay không và dụng cụ thô sơ sau này, đắp các bậc thang để người yêu đi đứng dễ dàng mỗi lần nàng ra ngoài hoặc xuống núi. Công việc đắp các bậc thang an toàn cho vợ, kéo dài hơn 50 năm để hoàn tất 6000 nấc, cho đến cuối đời mình. Mặc dù vậy, họ Lưu vẫn luôn nắm tay vợ mỗi khi người yêu mình xuống núi để tránh mọi hiểm nguy có thể xảy ra.

Lưu Quốc Giang luôn nắm tay vợ mỗi khi xuống núi.

Ngoài việc đục, đắp họ Lưu còn luôn lau chùi những bậc thang cho khỏi bị rêu xanh bám phủ, tránh cho vợ bị trợt chân vất ngả. Và trong suốt hơn 50 năm, mỗi ngày ông đều sửa chữa, bảo quản các bậc thang đảm bảo cho vợ đi đươc an toàn. Nếu thật sự không bằng tình yêu chân thật mãnh liệt và dũng cảm tuyệt mỹ chàng trai trẻ Lưu Quốc Giang đã không thể hoàn thành 6000 nấc thang suốt hơn 50 năm đời người.

Trong suốt cuộc đời, ông vẫn luôn nhìn vợ bằng ánh mắt trìu mến, đầy thâm tình.

          Năm 2007 Lưu Quốc Giang qua đời, bà Từ Triều Thanh suốt ngày bên quan tài chồng lảm nhảm những câu đau xé lòng: “Anh hứa sẽ chăm sóc em, anh hứa sẽ ở mãi bên cạnh em, cho đến khi em lìa đời. Bây giờ anh bỏ đi trước, làm sao em có thể sống hết quãng đời còn lại cô đơn không có anh!”. Không còn nước mắt để khóc chồng, nhưng trên khuôn mặt bà đã nói lên hết nỗi u buồn, đau khổ thấm sâu.


Ảnh trên đây chụp bà Từ Triều Thanh ở những ngày tháng cuối của cuộc đời, trên môi bà luôn nở nụ cười mãn nguyện khi đã có được một tình yêu chân thành, tuyệt mỹ.
                                               
Năm năm sau, ngày 30 tháng 10, 2012 cụ bà Từ Triều Thanh cũng theo chồng tiếp tục một cuộc tình vĩnh hằng ở bên kia thế giới. Câu chuyện tình yêu khép lại, nhưng hương vị của nó để lại cho nhân gian không bao giờ tan biến. Nhân loại ngày nay qua đó, có thêm hy vọng về một tình yêu chân thành có thật, luôn hiện hữu quanh ta vĩnh cửu. Thế giới với bao đau thương, lòng người với bao đổ vỡ niềm tin, sẽ mãi mãi ghi lại hình ảnh của chàng thanh niên trẻ Lưu Quốc Giang và mối tình vượt mọi thời gian với người góa phụ Từ Triều Thanh, phải không các bạn?
Cảm động về câu chuyện này nhóm nhạc C-Allstar của thành phố Hồng Kông đã sáng tác ra bài hát có tên là "Nấc Thang Thiên Đường", mới được công bố đã đứng "top" nhiều tuần lễ, giành được rất nhiều giải thưởng. Câu chuyện này cũng được dựng thành phim năm 2010, đài truyền hình TVB công chiếu suốt một thời gian khiến cho hàng triệu khán giả cảm động rơi lệ. 

Cả bốn người con đều khôn lớn và có gia đình con cái, sống dưới chân núi. Khi người con trai lớn được báo chí, truyền thông hỏi: “Có lẽ mẹ anh là người hạnh phúc nhất cõi đời vì có được tình yêu của cha anh?”. Anh cười, nhìn lên đỉnh núi: “Sự thật không phải như thế. Cha tôi mới là người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian này, vì ông đã cho mẹ tôi tất cả tình yêu tuyệt đối và đẹp nhất đời người. Trong tình yêu, người cho luôn nhận hạnh phúc nhiều hơn người nhận. Mẹ tôi thường nói với các con như vậy!”, anh ngậm ngùi nhớ lại…

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam


Huế Mộng Mơ



Cảnh sắc thiên nhiên đẹp tuyệt vời!
Công trình hùng vĩ quá đi thôi!
Sông Hương, núi Ngự đầy huyền thoại 
Đại Nội, Đông Ba rộn tiếng cười 
Thiên Mụ, Trúc Lâm vang thế kỷ 
Thuỷ Tiên, Đồng Khánh thắm hoa cười 
Huế thơ mơ mộng hữu tình quá!
Du khách ngẩn ngơ chẳng nỡ rời!!!

Lâm Hoài Vũ


Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Giáo Sư & Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp - Đệ Nhất, Niên Khóa 1969-1970 - Phan Thị Thanh Vân

Cựu Học Sinh Đệ Nhất Tống Phước Hiệp (60-70)

 
Học Đệ Nhất trường Tồng Phước Hiệp 1969 - 1970
Hàng 1: Thầy ..., Thầy Nguyễn Tiến Trình, ...., ...., Giám Thị Cô Ba Hưng, Thanh Vân, ......

Nguyễn Thị Vân, Phan Thị Thanh Vân

Đại Học Luật Cần Thơ.

Thanh Vân

Mùa Hè Dần Đi


( Ảnh: Biện Công Danh)

Nước xô cơn sóng vươn đầu bạc
Gợi lòng man mác nhớ quê hương
Chiều đi chấp cánh chim về tổ
Ôi những ngày vui, những con đường!

Mùa hạ luyến lưu trong vườn ổi
Chiếc xuồng đưa khách bến Tân Phong
Hương xưa ngày cũ còn vương vấn
Một thuở ta về đất Vĩnh Long

Văng vẳng bên tai lời ai nói
Thẹn thùng ánh mắt giấu bờ mi
Mùa xuân còn đọng trên đôi má
Mùa hè sao cứ mãi dần đi

Sông nước Tiền Giang âm thầm chảy
Đợi người năm cũ một lần qua
Vườn ổi hè xưa còn xanh mướt
Hình bóng quê hương vẫn đậm đà.

Biện Công Danh

Thư Gửi Người Ta


Người ta nói hôm qua ngoài cổng
Có kẻ chờ mắt ngại ngùng trao
Em cúi mặt bước chân lóng ngóng
Đường về nhà quá đổi xa xăm

Người ta nói, người ta thương em
Nên đêm dài và ngày rất ngắn
Nên có người vái trời đừng nắng
Chiếc nón làm sao che hết nỗi buồn?

Người ta soi gương thấy đầy mắt nhớ
Tiếng hát đời chia những nhánh sông
Người ta hỏi trái tim ai đó
Có nhịp nào là của em không?

Tôi tin người ta như nụ hôn
Như mùi hương xa sao rất gần
Như hơi thở lời người ta hứa
Yêu người như một chuyến sang sông!

Bây giờ đứng trước biển mênh mông
Nghe gió lộng bên kia bờ tiếng nấc
Vẫn yêu người ta như yêu cuộc sống
Và vẫn yêu người ta trăm năm…

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Ai Là Tác Giả Truyền Thuyết Con Rồng Cháu Tiên?


Tìm hiểu nguồn gốc và thực hư như thế nào về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên là chuyện thật khó làm. Để giải thích cho có lý lẽ về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, may ra chúng ta chỉ có thể nghiên cứu tra khảo những bộ sách sử cổ như Việt Sử Lược (1), Lĩnh Nam Chích Quái (2), và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (3), tra khảo những nguồn sử liệu viết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, vua Hùng Vương của các sử gia nước ngoài (Tàu, Pháp, Nhật, và Mỹ) (4). Sau đó phân tích, đối chiếu về ngày tháng của những sứ kiện lịch sử để giải thích về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên.

Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên xuất hiện từ khi nào trong lịch sử, ai là tác giả và với mục đích gì? Vì lý do gì lại có chuyện “chia tay”, 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi? 

Chúng ta là hậu duệ của con Rồng cháu Tiên, thử đi tìm hiểu và trả lời những câu hỏi trên. 

Khái niệm về Rồng và Tiên của người xưa

Cụ Trần Trọng Kim đã dựa vào cuốn sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sĩ Liên, đời Hậu Lê viết lại huyền thoại con Rồng cháu Tiên như sau: Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào năm 2879 trước Tây lịch, lấy Long Nữ sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là Lạc Long Quân, lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, sinh một lần được một trăm người con. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “ta là dòng dõi Long quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống biển Nam Hải”. 

Ở thế kỷ 15, khi sử gia Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông có khái niệm gì về Rồng và Tiên? 

Rồng có thể là con rồng giao long ở dưới nước thường gây sóng gió lật đổ thuyền bè. Theo tiền Hán Thư thì vua Hán Vũ Đế bắn được một con giao long ở sông Dương Tử có bốn chân và cổ có vẩy. Các nhà khảo cổ và khoa học cho rằng rồng ở dưới nước có nguồn gốc phát xuất từ con cá sấu, một loại bò sát sống lâu năm ở ven biển vùng Đông Nam Á. Chữ rồng của ta mượn chữ Long bên Tàu. Trên nhiều trống đồng thời văn hóa Đông Sơn có rất nhiều hình cá sấu. Vào năm 1958 ở Hòa Bình có một trống đồng trên mặt trống có hình 6 con cá sấu. Như vậy Lạc Long Quân là rồng dưới nước, vật tổ của dân Văn Lang là rồng từ con cá sấu, không phải rồng từ con rắn. Rồng từ con rắn ngược lại là giống rồng bên trời Tây gọi là dragon, biết bay phun lửa, và thường thấy xuất hiện ở trên trời.

Vì quan điểm rồng ở dưới nước, cho nên sử gia Ngô Sĩ Liên ghi lại Lạc Long Quân, dòng dõi Long vương mang 50 người con xuống biển Nam Hải.

Tiên là nhân vật thần kỳ bí hiểm. Theo Hán tự, tiên gồm có chữ Nhân và chữ Sơn, người Tàu xem tiên là người sống ở trên núi. Có lẽ tiên hạ giới lúc đầu ở trên núi cao, mà cao hơn nữa là trời, nên lúc đầu là tiên ở trên núi sau này thành tiên ở trên trời. 

Theo truyền thuyết, Âu Cơ sau khi chia tay mang 50 người con lên núi, có lẽ vì vậy sử gia Ngô Sĩ Liên ghi Âu Cơ là dòng dõi thần tiên.

Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên ra đời từ khi nào?


Bộ chính sử đầu tiên của đất nước viết về Lạc Long Quân và Âu Cơ là cuốn sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sĩ Liên, hoàn tất vào năm 1479, đời vua Lê Thánh Tông, dựa theo quyển Lĩnh Nam Chích Quái chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời kỳ Bắc thuộc. Lĩnh Nam Chích Quái là tập truyện ghi chép lại những truyền thuyết và cổ tích nước Văn Lang bắt đầu từ chuyện Kinh Dương Vương, đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, tiếp đó là truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên: Sơn Tinh – Thủy Tinh v.v… 

Theo Lĩnh Nam Chích Quái, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng sau nở ra thành 100 người con trai, 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi. Người con đầu theo cha và sau đó trở thành vua Hùng Vương thứ nhất. Sách Lĩnh Nam Chích Quái xuất hiện vào cuối đời nhà Trần. 

Đọc Lĩnh Nam Chích Quái về 18 đời vua Hùng Vương trải qua một thời gian dài 2622 năm (từ 2879 cho đến 257 trước Tây lịch là năm nước Văn Lang của vua Hùng bị Thục Phán chiếm mất) chúng ta không tìm thấy câu chuuện nào liên quan về dòng dõi Âu Cơ. 

Hơn nữa, đọc những chuyện thời các vua Hùng chúng ta có thể biết ít nhiều về một nước Văn Lang khá thanh bình, dân sống an cư lạc nghiệp, vua tôi hòa thuận, mà sau này sử gia Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, người dân đều tự hào là con dân nước Văn Lang. 

Như vậy, tại sao lại có câu chuyện chia tay, 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi? 

Trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim viết: “người cháu Thục Vương tên là Phán đem quân sang đánh lấy nước Văn Lang.....vua Hùng Vương thua chạy, nhảy xuống giếng tự tử. Năm giáp thìn (257 trước Tây lịch), Thục Phán dẹp yên mọi nơi, rồi xưng là An Dương Vương đổi quốc hiệu là Âu Lạc”.

Thục Phán An Dương Vương vua của dân Âu Việt trước kia thuộc vùng Ba Thục (vùng cao nguyên Vân Nam và Tứ Xuyên bên Tàu ngày nay), nhưng bị nhà Tần chiếm mất đất nên chạy về phía nam chiếm Văn Lang. Người Âu Việt thường sinh sống ở vùng cao nguyên bắc phần Việt Nam và cao nguyên Vân Nam, Tứ Xuyên bên Tàu, họ có huyền thoại là con cháu của bà Ngu Ky. Người Tàu phiên âm hai chữ Ngu Ky sang tiếng Hán, rồi sau này qua Hán Việt, trở thành Âu Cơ. Như vậy có phải là Âu Cơ trong huyền thoại của chúng ta? 

Phải chăng An Dương Vương là tác giả của truyền thuyết con Rồng cháu Tiên?

An Dương Vương vừa chiếm nước Văn Lang, với hai sắc tộc Âu và Lạc sống chung đụng, không tránh khỏi va chạm trên cùng một nước Âu Lạc mới thành lập, thêm phải lo giặc bên ngoài, lo xây thành Cổ Loa để chống áp lực xâm lăng, nên ông phải nhanh chóng tìm cách ổn định việc thống nhất hai sắc tộc trong nước để có thì giờ đối phó với nhà Tần từ phương bắc. 

Có lẽ nào đây là thời điểm ra đời của hai câu ca dao tối nghĩa trong nhân gian sau đây:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Để giải quyết vấn đề đụng chạm của hai sắc dân Âu và Lạc, An Dương Vương có lẽ là nhân vật lịch sử khả thi nhất đã dựng lên truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân với 100 người con. Ý nghĩa trong câu chuyện thật rỏ ràng: Âu Lạc là anh em một nhà cùng cha mẹ. Đã là anh em thì phải thương nhau chẳng khác gì Bầu và Bí. Tuy nhiên, để giải thích sự kiện phần lớn người Lạc ở vùng đồng bằng và đa số người Âu ở trên cao nguyên núi cao, An Dương Vương thêm vào truyền thuyết “chia tay” với 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi. Âu Cơ trở thành tiên, vì tiên thường sống trên núi do đó 50 người con theo bà lên núi sau này là người Âu. Còn Lạc Long Quân biến thành dòng dỏi con Rồng cá sấu, 50 người con theo cha xuống biển là dân Lạc. Bây giờ thì phải “Bầu ơi thương lấy Bí cùng”, để đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Như đã nói trong phần mở đầu, tìm hiểu về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên thật khó đủ điều. Sử liệu phía sử gia Việt quá ít nếu không nói là không có. Sử gia Việt ngày xưa phần lớn chỉ ghi chép lại, thêm bị chi phối dưới chế độ quân chủ toàn trị, không dám có ý tưởng riêng biệt. Sách viết về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của người nước ngoài, tuy không bị gò bó như các sử gia Việt nhưng nhiều khi thiên về sách sử Tàu nhiều hơn. Do đó việc so sánh phân tích đối chiếu giữa các nguồn sử liệu thêm rắc rối. 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đưa ra một giải thích sau đây về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, có tính cách gợi ý, hy vọng những người trẻ đam mê môn lịch sử có nhiều khả năng để nghiên cứu bổ túc thêm trong tương lai. Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên có thể phát hiện vào thời kỳ An Dương Vương, năm 257 trước Tây lịch, để ổn định tình hình trong nước Âu Lạc và được sử gia Ngô Sĩ Liên đời vua Lê Thánh Tông chính thức ghi chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư sau hơn 1600 năm truyền khẩu trong dân gian.

Trần Phước Đạt
July 2020, Florida
-----------------------
Tài Liệu Tham Khảo:

1- Việt Sử Lược, Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là ba nguồn sử liệu cổ đầu tiên ghi chép về Lạc Long Quân, Âu Cơ, và vua Hùng Vương. Những sử liệu sau này đều dựa theo ba tài liệu trên. 

2- Việt Sử Lược cũng có tên là Đại Việt Sử Lược của một tác giả khuyết danh, ra đời vào khoảng thời nhà Trần (theo dịch giả Nguyễn Gia Tường, 1972, Đại Việt Sử Lược ra đời ở thế kỷ 14, từ 1377–1388). Bộ sử này và Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu bị thất lạc khi nhà Minh xâm chiếm nước ta, nhưng sau này được tìm thấy trong kho lưu trử nhà Thanh và đã được vua Càn Long cho in khắc lại. Trong Quyển I của Việt Sử Lược viết “...đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682) trước công nguyên ở bộ Gia Ninh (phần đất Mê Linh), có người lạ dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đống đô ở Văn Lang, đặc quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút .... Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương ”.
3- Lĩnh Nam Chích Quái (những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam) là tập truyện ghi chép lại những truyền thuyết và cổ tích nước Văn Lang bắt đầu từ chuyện Kinh Dương Vương, đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, tiếp đó là truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên: Sơn Tinh – Thủy Tinh”. Không có ngày tháng ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái. Tương truyền Trần Thế Pháp, một danh sĩ đời nhà Trần là tác giả bộ sách Lĩnh Nam Chích Quái. Sách có thể ra đời khoảng thế kỷ 14 hoặc đầu thế kỷ 15. Trích một đoạn về Lạc Long Quân “...Kinh Dương Vương xuống Thủy Phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thay cha trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu. Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần, tôn ty, có luân thường về phụ tử, phu phụ...” Viết về Âu Cơ và Lạc Long Quân “...Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm sinh ra một bọc trứng cho là điềm không may nên đem bỏ ra ngoài đồng nội, hơn bảy ngày trong bọc nở ra trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, bà đem về nuôi nấng, không cho ăn cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng uy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường...”
4- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên ra đời sau Việt Sử Lược và Lĩnh Nam Chích Quái. Khi soạn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên không biết sách Việt Sử Lược viết về 18 đời Hùng Vương vì bị nhà Minh lấy mang về Tàu. Sử gia Ngô Sĩ Liên đọc sách Lĩnh Nam Chích Quái và đã thêm năm tháng về Lạc Long Quân và Âu Cơ trong chương Kỷ Hồng Bàng Thị cho phần Ngoại Kỷ của bộ sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Ngô Sĩ Liên đã viết trong chương Kỷ Hồng Bàn Thị “...Trở lên là kỷ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối đời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57, tức năm Quý Mão (258 trước Công Nguyên) thì hết. Tất cả là 2622 năm (2879 – 258 TCN). Sử gia Ngô Sĩ Liên căn cứ vào đâu để ghi 2879 TCN, năm Nhâm Tuất là năm Kinh Dương Vương lên ngôi làm vua nước Xích Quỷ?

Những tài liệu tham khảo sau đây viết về nguồn gốc Việt Nam, Lạc Long Quân và Âu Cơ, vua Hùng Vương để những người yêu thích sử nghiên cứu thêm:
Henri Maspero “Études d’histoire d’Annam”, Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient 16 (1916) 
. Émile Gaspardon “Matériaux pour servir a l’histoire d’Annam”, Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient 29 (1929) 
. Trần Quốc Vượng “Hùng Vương Dựng Nước”, Ủy bsn khoa học Hà Nội, 1973
. Hoàng Thị Châu “Nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ”, Nghiên Cứu Lịch Sử 1969.
. Hoàng Văn Chí “Duy Văn Sử Quan” , Tủ sách Cành Nam 1990
. Norman G. Owen “The Emergence of Modern Southeast Asia”, 2005 University of Hawaii Press 
. Keith Weller Taylor “The Birth of Vietnam”, 1983 University of California Press
. Yamamoto Tatsuro “On The Việt Sử Lược and Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” 1949.

Chiều Tím Lục Bình



Bài Xướng:

Chiều Tím Lục Bình 

Thẩn thờ theo nước Lục bình trôi
Tím cả hoàng hôn một góc trời
Man mác sông chiều con nước lớn
Chở đầy kỷ niệm thuở buồn vui

Nhìn lại dòng đời đã thoáng qua
Mười năm bóng xế ánh trăng tà
Mười năm lao lách đời mưa gió
Lại nữa mười năm tóc điểm pha...

Rồi lại mười năm ngoảnh mặt nhìn
Tìm đâu cái thuở...nét thư sinh?
Ai gieo nỗi nhớ ngày xưa ấy
Cái thuở yêu sao..cánh Lục bình?

Một thoáng vô tình nhớ chuyện xưa
Chuyến phà Mỹ Thuận một chiều mưa
Ngây thơ nhìn đám hoa trôi dạt
Từng cánh lênh đênh ngọn sóng đùa

Thuở ấy bây giờ đã quá xa
Ta như bóng xế ánh trăng tà
Sông xưa cầu nối đôi bờ bến
Mỹ Thuận còn đâu những chuyến phà...?

Bạc Liêu
7/7/2020
Hồng Vân
***
c Bài Họa:

Nhớ Bạc Liêu

Mấy chục năm rồi cuộc sống trôi
Nâng niu kỷ niệm chứa bên trời
Quê người chẳng thể quên ân nghĩa
Xứ Bạc Liêu mình lắm chuyện vui

Chứa gọn hành trang những chuyện qua
Bao nhiêu hạ đến ngắm chiều tà
Và thu chẳng úa rơi vàng lá
Chỉ có hoa vời nụ tím pha

Nhớ đến Cầu Quay hóng mát nhìn
Nhà Lồng phố chợ diễn dòng sinh
Người dân chất phác hồn nhiên sống
Mở lối yêu thương nặng tấm tình

Khắc khoải bồi hồi ký ức xưa
Qua cầu hai Bắc gặp ngày mưa
Mưa mờ phủ lối sông bàng bạc
Cuốn Lục Bình dâng mực nước đùa

Cõi nhớ mơ hồ ẩn hiện xa
Hồn ru ảo giác bóng đêm tàn
Ôm trăng dỗ giấc sầu hiu quạnh
Ước mộng về quê thấy cảnh phà

Minh Thuý
Tháng 7/10/2020
***
Nhớ Thu

Thu vàng suối nhạc cảnh hoài trôi
Trôi mãi nàng Thu đợi cuối trời!
Trời đất vào Thu đời thắm nở
Nở nụ Thu tình cảnh thật vui

Vui mừng mở cửa đón Thu qua
Qua bến sông Thu giữa nguyệt tà
Tà áo Thu bay ngời cánh mộng
Mộng dòng Thu hát chẳng phôi pha…

Pha phôi cách trở…vọng Thu nhìn
Nhìn bóng Thu cười trải mộng sinh
Sinh trưởng nghĩa tình Thu mãi thắm
Thắm Thu hạnh phúc cảnh an bình

Bình bầu nguyệt đẹp vườn thu tỏ
Tỏ cánh Thu vàng dẫu nắng mưa
Mưa lạnh Chàng Thu lòng luyến nhớ
Nhớ Thu nhớ bạn đã vui đùa…

Đùa nàng thả tứ vọng Thu xa
Xa vắng Thu sang trải nguyệt tà
Tà áo nàng Thu ngời đất mẹ
Mẹ mơ Thu nhớ cảnh qua phà..!

Đức Hạnh
12 07 2020 
***
Tím Cả Dòng Sông


Bồng bềnh mặt nước Lục Bình trôi
Từng cụm mây bay trắng khắp trời
Chầm chậm chiều buông trên bãi cỏ
Một bầy trẻ nhỏ xúm đùa vui

Thoáng chốc ngày xuân đã vụt qua
Ban mai mới đó đã chiều tà
Cay chua đời thử, coi như nhẹ
Mặn đắng người cho kể tựa pha

Sau biết bao năm chẳng đoái nhìn
Tìm về quá khứ muốn hồi sinh...
Làm cô thiếu nữ hồn nhiên ấy,
Ngây ngất mê màu tím Lục Bình.

Đôi lúc mơ về chuyện thuở xưa
Rủ nhau lội nước giữa trời mưa
Quanh sân nước chảy như dòng suối
Vồ ếch thi nhau mặc sức đùa

Chẳng biết vài năm nữa có xa?
Cùng thăm quê cũ buổi chiều tà
Hoàng hôn nhuộm tím chân trời mộng
Nếu muốn sang sông vẫn có phà

Thanh Hoà
***
Nhớ Tím Bằng Lăng


Dòng nước lững lờ cứ mãi trôi
Hoàng hôn tím ngắt ở chân trời
Chiều buồn man mác đời cô lữ
Ký ức hiện về chẳng thấy vui!

Ngày tháng lạnh lùng cứ vút qua
Như cơn gió thoảng lúc chiều tà
Bằng lăng hoa tím khơi niềm nhớ
Những lúc hè về chẳng nhạt pha

Hạ ấy cùng em dõi mắt nhìn
Cành bằng lăng tím nét hoa xinh
Em ao ước ngắt chùm hoa thắm
Cài tóc cho thêm thấm đậm tình

Nghĩ lại càng buồn kỷ niệm xưa
Hạ nao chung bước gặp cơn mưa
Dắt em chạy núp bên thềm vắng
Mình nắm tay nhau...nói chuyện đùa

Theo tháng năm qua tuổi xế tà
Tình yêu ngày ấy cũng trôi xa
Đò xưa tách bến đâu còn nữa ?
Đất khách lòng đây vẫn nhớ phà

songquang
20200713
***
Thương Về Đà Nẵng

Buồn trông con nước lững lờ trôi
Nắng hạ Cali một khoảng trời
Đà Nẵng quê tôi ai có biết ?
Sông Hàn, Thương Cảng bạn tình vui

Bao năm cách biệt tháng ngày qua
Hải ngoại cô đơn bóng xế tà
Đà Nẵng bạn hiền mang áo tím
Qua cầu mống đỏ ráng mây pha

Bờ sông ngoạn cảnh với em nhìn
Bến nước từng đàn cá mới sinh
Thục nữ hồn nhiên lòng quyến luyến
Đường xưa phượng thắm biết bao tình

Bồi hồi nhớ lại chuyện năm xưa
Xe đạp bên nhau chạy gió mưa
Mực nước sông Hàn dâng sóng bạc
Chiếc thuyền nho nhỏ điểm bông đùa

Nhớ em Đà Nẵng vấn vương xa

Hình bóng quê hương buổi xế tà
Bến Bạch Đằng xưa chiều kỷ niệm
Còn đâu bước gấp kịp lên phà!

Mai Xuân Thanh
Ngày 13/07/2020
***
Tình Tím Lục Bình


Tím cả dòng sông sắc tím trôi
Đời anh phiêu bạt bốn phương trời
Nắng hôn nhè nhẹ trên làn tóc
Buồn đóa lục bình thơ thiếu vui

Một mảnh tình buồn nay đã qua
Thẩn thờ lê bước bóng chiều tà
Nghe chừng đâu đó từng hơi thở
Vương vấn đường xưa sắc rám pha

Cảnh cũ gần đây chẳng dám nhìn
Nhớ lời thề nguyện ước ba sinh
Mà nay như bóng chim tăm cá
Hoa úa quạnh hiu chiếc lục bình

Bao lần anh nhớ tới người xưa
Biền biệt chốn nao trong nắng mưa
Đếm bước tha hương chừng mệt mỏi
Ai ngờ tình cũ chuốc trò đùa

Kết thúc mối duyên trong cách xa
Xiêm y xiêu lệ́ch bóng nghiêng tà
Giắc hồ phiêu lãng không bờ bến
Đành cứ xem như lỡ chuyến phà.

Toronto13/7/2020
Nguyên Trần
***
Nhìn Cánh Hoa Trôi

Lục bình an phận cánh bèo trôi
Thầm lặng nở hoa tím lộng trời
Sóng nước phong phiêu dòng bất định
Ai người tri ngộ sẻ niềm vui ?

Nhung nhớ im lìm nhật nguyệt qua
Bâng khuâng mắc võng sợi dương tà
Ươm màu cổ độ sầu miên thẳm
Đợi ánh trăng vàng hạnh ngộ pha

Bãi vắng nương dâu ngút ngát nhìn
Chập chờn hồ điệp bóng Trang sinh
Trời quê sương khói màu hư huyễn
Hoa dạt trôi sông tím lục bình

Vạn lý khơi sầu lộng bến xưa
Bóng xuồng độc mộc trắng trong mưa
Dòng đời côi cút, trôi, trôi mãi
Ai bào trần gian sống để đùa ?

Mộng ước theo ngày xa ngái xa
Nào mong huyền nhiệm áng mây tà
Cầu vồng nối nhịp bờ nhân ái…
Ta,mãi ngàn năm khách đợi phà.

Lý Đức Quỳnh
***
 Về Quê Bà Rịa

Áng mây vời vợi cứ mãi trôi
Về đâu mây hỡi cuối chân trời
Sông kia rồi cũng xuôi về biển
Nỗi niềm nầy tôi biết buồn vui

Bà Rịa về đây ngày chóng qua

Quê nhà thanh thảng tuổi xế tà
Bao năm xa cách đời không đổi
Chân chất tình người chẳng phôi pha 

Kìa ngoài khu phố lạ quen nhìn

Nơi đây sức sống đã hồi sinh
Thịnh vượng thời nay dân nhộn nhịp
Quê hương một cõi thật thanh bình

Xứ người quá khứ giờ đã xưa

Cạn dòng thương nhớ với nắng mưa
Hai mùa ôm ấp bàn tay xiết
Ngỡ tưởng yêu rồi chẳng phải đùa...

Bốn mươi lăm năm con đường xa
Lênh đênh chìm nỗi mãi tà tà
Đò chiều một chuyến bổng bừng tỉnh
Cập bến quê hương nhẹ thở phà...

Hải Rừng
Bà Rịa, 12/7/2020

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Ta Vẫn Trong Vòng Tay Nhau - Thơ Lạc Thủy Đỗ Quý Bái - Nhạc Nguyễn Tất Vịnh


Thơ: Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
Nhạc: Nguyễn Tất Vịnh 
Ca Sĩ: Bảo Yến

Cùng Nhau Đi Trọn Đường Trần



"Tuổi chín mươi chưa thoát nợ hồng trần
Vẫn hỏi nhau, có muốn cùng chung bước?"

Thời gian hằn những nếp nhăn
Và khung cửa hẹp đã gần kề bên
Hoàng hôn nắng nhạt loang thềm
Cùng nhau dìu bước về miền tịch liêu
Lao xao lá rụng đường chiều
Tay trong tay vẫn ấp yêu trao tình

Yên Nhiên

Liên Khúc Mộng Về



1/
 Dòng sông thơ mộng chan hoà
Mênh mông biển rộng bao la chập chờn
Nửa đời tôi kiếp cô đơn
Gặp Nàng, trăng khuyết sao vờn hoa đăng...

2/Tôi về hỏi Trúc, hỏi Măng
Làm sao Tâm nguyện Cánh Bằng đại dương
Chạy xe đêm tối lạc đường
Dẫu rằng lòng nặng tơ vương Mây chiều

3/
Lời Tâm sự khổ vì yêu
Mà Nàng Thơ vẫn Hoả thiêu Đất lành!
Tình tôi sao quá mong manh
Biết bao thề thốt cho thành Phu Thê?!

4/
Thì thôi sống gởi thác về
Tin nhờ, ngờ chịu... an bề dám sao?!
Tình tôi thơ mộng dạt dào
May nhờ rủi chịu... nôn nao đợi chờ!

Hồ Công Tâm
May 3rd 2019

Trường Y Khoa - Sài Gòn 1962

Sân trường Y Khoa cũ, 28 Trần Quý Cáp, Sàigon - Năm1962.



(Hàng ngồi từ  trái: Lê Tiến Văn, Hoàng Đình Chính, Phạm Kim Phán, Vũ Thiện Đạm,Đặng Đức Kiệm, Nguyễn Thanh Bình(Tác giả bức ảnh)
Hàng sau: Bên trái là Chu Bá Học, Phạm Ngọc Khuê)

Hồi chụp bức hình này tôi còn trẻ và đang mơ mộng, mê cô bạn cùng lớp nên chăm học lắm, sáng nào cũng tới rất sớm, chờ nàng để nhìn được lâu...Tôi có làm bài thơ dài lắm, chỉ nhớ 4 câu đầu:  

Sáng sáng chờ em trước cổng trường, 
Ra vào ngơ ngẩn,dạ vấn vương, 
Ngày đó ta vừa hai mươi tuổi, 
Tình nhẹ mơ hồ như khói sương... 

Đúng là tình nhẹ....và nhiều mơ mộng. Đây là mấy câu mới cảm xúc:  

Mình nào đã biết nhau đâu, 
Cớ sao vò tóc,bứt râu mà tìm? 
Tớ ngồi đôi mắt lim dim, 
Thẩn thờ vì gửi trái tim theo người. 

Sau đây là lời giải,với đầy đủ chi tiết:

- Bình ngồi phía phải, mắt lim dim.( Phía phải của người coi hình,bị bạn đưa 2 ngón tay lên đầu,làm sừng)
-Người kế là Đặng Đức Kiệm, anh của Đặng Đức Nghiêm.Kiệm đã qua đời vì tai nạn giao thông, khoảng cuối năm 68, ở miền trung.
- Vũ Thiện Đạm, ở Nam Cali.
- Phạm Kim Phán đã qua đời hơn 20 năm vì ung thư gan.Vợ con Phán ở Houston.
- Hoàng Đình Chính hiện ở Bỉ.
-Lê Tiến Văn ở Việt Nam.
Hàng sau có 2 người:
- Bên trái là Chu Bá Học ở Nam Cali.
- Phạm Ngọc Khuê, để ngón tay lên đầu Bình cũng ở Nam Cali.

Xin nói thêm, là thời sinh viên hầu như ai cũng có biệt danh: Bình Rò, Kiệm Móm, Đạm Heo hay Đạm Thu, Phán Phom,Văn Loc, Học Còi, Khuê Lù...Chỉ có Chính là không có biệt danh thôi.

Bát Sách


Bài Thơ Dỡ Ẹt



Em hỏi anh
Sao không gởi thơ cho em đọc?

Em ơi
Anh đã hết ý lam thơ
Anh tặng em bài thơ dỡ ẹt
Em đọc
Xin đừng nhắm mắt cười chê

Anh bây giờ
Như đứa trẻ u mê
Nhớ sau quên trước
Không làm thơ được nữa
Em ơi

Anh không có tiền in sách
Anh viết trên giấy tặng em
Để mai nầy
Anh nhắm mắt xuôi tay
Em còn có thơ anh để đọc

Thơ anh
Viết từ tim ,óc
Không dối trá
Không hay
Anh xin em hãy đọc
Em nhé

Hoàng Long

Anh Về …



Sáng nay con chim chìa vôi
Nhún nha nhún nhảy làm em bật cười
Chim giật mình bay lên trời
Để em đứng lại buồn hiu hắt buồn.

Anh về sóng dậy trùng dương
Bóng dừa râm mát con đường Duy Tân
Anh về xa lại hóa gần
Cho con én nhỏ vui mừng chiều nay…

Anh về tay nắm bàn tay
Mong truyền hơi ấm những ngày xa nhau
Anh đem theo gió ngàn bay
Vuốt em mái tóc cho dài nhớ thương,

Anh về sương khói mênh mông
Và anh cười mỉm:"đóa hồng vẫn xinh"
Câu nói khiến em giật mình
Thì ra nhan sắc!.. nghĩa tình chàng đâu?!.

Anh về gió cũng như xưa
Bỗng nhiên em lạnh dù chưa sang mùa
Anh đi trời cũng đổ mưa
Rải lên luống cỏ anh vừa bước qua!..

Anh về: như dấu chấm thang
Anh đi: chấm hỏi cuối hàng mà thôi!

Dương hồng Thủy

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Tuyết Trắng Chiều Đông - Thơ Đỗ Bình - Nhạc Phạm Đăng - Tiếng Hát Phạm Đăng



Thơ: Đỗ Bình 
Nhạc &Tiếng Hát: Phạm Đăng


Đông Về



Đông đã về sao, gió lạnh rồi!
Sương ngàn lớp lớp bóng chiều trôi
Trông làn mây nổi nghiêng đầu ngõ
Thương cánh chim xa lạc cuối trời.
Ánh lửa tàn đêm sầu lữ thứ,
Khối tình rưng lệ hận chơi vơi.
Ai còn tê tái bên thềm quạnh,
Nhặt nắng hoàng hôn chẳng một lời.

Mặc Phương Tử