Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Hạ Buồn - Thơ PhamPhanLang - Nhạc Vĩnh Điện - Ca sĩ Bảo Yến


Thơ: PhamPhanLang 
Nhạc: Vĩnh Điện
Ca Sĩ: Bảo Yến

Chiều Mưa Vĩnh Long



 Buổi chiều mưa lớn ngập đường
Vĩnh Long lũ lụt đoạn trường khổ dân
Thương cho người bán cực thân
Kẻ giàu sung sướng bận tâm đến gì
Lần mò tìm lối mà đi
Phố phường hư hỏng nhiều khi vỡ lề
Xe đi chết máy kéo về
Mong cho nước rút mọi bề giải an
Xin đừng giông tố đi ngang
Ngày mai yên ổn dân gian vui mừng


Huỳnh Phương Trạch
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật, Vĩnh Long

Xứ Hoa Đào



Tiếng đàn buông dìu dặt
Đưa lời ca phiêu diêu
Nghe dâng trào cảm xúc
Trong gió cuốn mưa chiều

Ơi hồn xưa phố núi
Chiều sương lãng đãng trôi
Có mối tình nho nhỏ
Tiếng yêu vọng cuối trời

Một thời chung hơi thở
Tiếng đàn anh thanh tao
Một thời chung nhịp đập
Giọng ca em ngọt ngào

Những cánh chim phiêu bạt
Xa nhau, xa nhau rồi
Người ngồi nghe sóng vỗ
Kẻ về nơi xa khơi

Tiếng ca còn nức nở
Người đàn xưa nơi đâu?
Chiều loang trên phố vắng
Mênh mang Xứ Hoa Đào!

Locphuc

Hè Về



Hè đã về rồi, nắng đã lên!
Trời cao lồng lộng, sắc thanh thiên,
Mây ôm đỉnh núi xa lưu luyến,
Ngọn gió đùa trên thảm cỏ êm.

Hè về, cho sức sống vươn lên!
Huệ, Đào, Mai, nhí nhảnh bên hiên,
Cành liễu xanh, nghiêng mình lả lướt,
Đóa hồng, chúm chím nụ cười duyên!

Mùa Hè rực rỡ, đã về đây!
Ríu rít cành cao, chim gọi bầy,
Thấp thoáng muôn mầu, đàn bướm lượn,
Nắng hồng tươi, vạn vật vui say!

Hè về vang nhạc khúc thân yêu!
Vi vút đồng xanh tiếng sáo diều,
Trầm bổng đại dương, lời biển hát,
Tình Hè đằm thắm biết bao nhiêu!

Hè đã về rồi, nắng nở hoa!
Ánh hồng xua “Đại dịch” mau qua
Đón Hè, ta đón “Mùa Vui Mới”!
Hạnh phúc bừng lên ấm mọi nhà!

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

The Statue Of Liberty - Tượng Nữ Thần Tự Do



The Statue Of Liberty 

[Around the world there are many,many people suffered due to Injustice,Cruel,Policy, Warfare,Poverty,Hunger...I wish years to come my humble voice will still be heard.]

On the stream flowing through many,many centuries,
Through many severe winters and inflamed summers,
Tempests from human hate,
Noble works and compassion,
Without a single companion,
You are standing there
Under God
As a living witness of endless historic events
In this Great Nation and the World.

The Hudson cannot pollute your coat,
The world dust cannot rust your beauty,
The highest skyline
Cannot be higher than the soles of your feet.

No words in the world
Can match your wordings,
Nothing in the Celestial Globe
Can challenge your grandeur,
No luxury gift could be offered to your great works,
Except a true,a true human heart
Dedicated for Humankind.

For whoever in this World
With their polluted bloods,
You please help them to wake up,
You please urge them to learn your sage words.

From you we can search
The germs of freedom
Which help Humankind emerged
From the abyss of darkness

For the suffered: Relief,
For the Tortured: Comfort,
For the poor: Discharge of Poverty,
For the Hungers: Discard of Hunger.

For all Humankind:
Equality in the Search for Peace.
Equality for the search for Happiness,
Equality in the search for Truth,
Equality in the Quest of Love.
For ever your Beauty
Is the Lens
For Reflection...

Radiant beams from your Golden Torch
Will warm up the Cold World,
Your Sublime Memories
Will be ever dwelling in our Heart
Through the deluge of Tears from Human Griefs,
Through Noble Works of Compassion,
Through the Eternal Record of Humankind.

(Source: The Golden Path of Human Heart,1999
Van Nuy Young, E.F.S.Online Publishing,New York)

Bài Dịch:
Tượng Nữ Thần Tự Do


(TừThe Statue of Liberty/Van Nuy Young/1988,
để kỷ niệm Independence Day 4.7.2020 tại Hoa-Kỳ)

Trên giòng Hudson chảy dài qua nhiều thế kỷ
Qua những mùa hẻ nóng bỏng hay mùa đông khắc nghiệt
Qua những cơn giông tố thù hận
Qua những việc cao quí và lòng trắc ẩn
Người đứng đó, dưới bóng Thượng-Đế

Không một bạn đồng hành
Như một chứng nhân sống của lịch sử
Trong Quốc-gia vĩ đại này và Thế-giới.

Vẻ đẹp của Người không thể bị huỷ hoại bởi cát bụi trần gian
Chiếc áo khoác không thể bị giòng Hudson làm ô nhiễm
Gót chân Người cao hơn những toà nhà cao nhất
Ngôn từ của Người không lời nói nào tương hợp
Đại công trình của Người không tặng phẩm nào đền đáp được
Sự vĩ đại của Người không cái gì đủ khả năng thách đố
Ngoại trừ một trái tim thật nhân bản hy sinh cho nhân loại.

Đối với ai trong thế giới này có giòng máu ô nhiễm
Xin Người hãy giúp họ tỉnh ngộ
Và thúc giục họ học hỏi lời nói cao đẹp của Người.

Từ Người, ta tìm thấy những mầm mống của Tự-Do
Giúp nhân loại thoát khỏi vực sâu đen tối
Thoát cảnh buồn đau, tra tấn, đói nghèo
Được bình đẳng trong mưu cầu Hoà-Bình, Hạnh-Phúc
Được bình đẳng trong tìm kiếm Chân-Lý, Tình-Yêu
Vẻ Đẹp của Người mãi mãi là lăng kính phản chiếu tất cả.

Quầng ánh sáng từ Ngọn Đuốc Vàng
Sẽ sưởi ấm thế giới cơ hàn
Ký ức tuyệt vời ở Người

Sẽ ghi mãi trong lòng chúng ta

Qua giòng nước mắt đầm đìa do nỗi thống khổ nhân quần
Qua những công trình cao quí từ lòng trắc ẩn
Qua biên niên sử vĩnh cửu của nhân loại.


ChinhNguyen/H.N.T. 
 USA, Jul.2014/17

*Vài giòng về tác giả cuốn The Golden Path Of Human Heart: 

Van Nuy Young, tức Ng.V.Nhi_nguyên là GS, rồi TGT trường Trung Học Chu-Văn-An, SG trước 1975. Ô thường hoạt động xã hội cho HS nghèo và lập tờ nguyệt san Biên-Cương-Mới CVA. Với bút hiệu Nhị-Nguyên, Ô nhấn mạnh chủ đề tìm một biên cương mới về giáo dục.Trong tập san BCM,ChinhNguyen cũng đã có dịp góp bài Tuỳ bút Tiếng Nói Của Thày (post lại trong Bloglhvl ngày 5.th10,2014). 

Từ khi định cư tại Hoa Kỳ, Ô vẫn giữ tinh thần xã hôi,(thân với những người homeless), tốt nghiệp Oregon College of Education, dạy học một thời gian rồi trở thành một chuyên gia Khoa học,(Trưởng phòng Thí nghiệm của một cty lớn ở Las Vegas NA, rồi ở Charleston SC), đồng thời làm thơ đề cao tư tưởng tự do và tình nhân loại. Rất tiểc ước vọng cuối cùng của Ô _là lấy học bổng hậu đại học đào tạo Bác sĩ ở Anh quốc để đi phục vụ y tế cho dân nghèo tại những nước kém mở mang_ đã không thành vì lý do sức khoẻ. Ô mất đi để lại tập thơ đầu mang tựa đề The Golden Path Of Human Heart 1999, sau khi đươc mời đi trình diễn những bài thơ đạt giải thưởng Nat'l &International Poetry Awards (có truyền hình & thu CD), được đề cử ghi danh vào WHO's Who in Poetry, và cuối cùng soạn xong bản thảo một tập thơ thứ hai chưa xuất bản kịp thời.
ChinhNguyen/H.N.T., June 29,2020


Mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ



Ở trên đất Mỹ này, tôi gặp cô em tên Thanh 10 năm trước, lúc cô còn đang học tại San Sose State ngành Graphic Design, chúng tôi thường gặp gỡ trong vài sinh hoạt từ thiện. Cô rất năng nổ giỏi dang, tốt bụng và đầy tình người.
Mỗi đầu năm cô thường gởi tình thương về các Chùa nuôi cô nhi, các hội người mù với khoảng tiền không nhỏ. Khi còn
Ở VN, cô là một hoạ sĩ, cho nên qua Mỹ cô theo học môn Graphic Design 4 năm, hiện tại làm maketing (quảng cáo) cho một hãng ở San Jose.
Cô lập gia đình với người Mỹ tên Tom, sau cuộc gặp gỡ trên khu đồi, khi cô đặt giá vẽ bóng chiều với ánh nắng nhạt nhoà rơi trên những muộn phiền, nỗi nhớ nhà khôn nguôi, với cánh én bay xa về tổ, với gió chiều lao xao giữa cô đơn, với vầng mây lờ lững phiêu lãng ...và rồi cô bắt gặp ống kính chụp hình của Tom đang hướng về phía cô.

Thế rồi cả hai làm quen và kết nhau ở điểm họ mê cảnh đẹp thiên nhiên, hay trang trải nỗi lòng theo trời mây trăng gió trên nét vẽ, trên máy chụp hình.
Tom làm việc tại nhà với công việc Real Estate Investment, tánh tình rất hiền lành dễ mến. Thanh có thêm một số bạn và chúng tôi họp thành nhóm nhỏ. Các cô còn trẻ tuổi, rất cởi mở vui vẻ, thường luôn miệng nói “Thỉnh thoảng phải gặp nhau để thay đổi không khí”, và ngôi nhà của Thanh là nơi tụ họp với điều kiện chỉ có phụ nữ.
Chúng tôi tổ chức sinh nhật cho nhau, khi có cuộc họp mặt là Tom sáng sớm lái xe ra khỏi nhà để tôn trọng điều lệ vợ mình đặt ra, và dĩ nhiên chúng tôi cũng chỉ đến một mình.
Các em thường khuyến khích tôi tham gia vào sinh hoạt người Mỹ. Đó là việc quá cao đối với khả năng của tôi, vì tôi nghĩ chỉ có những vị đỗ đạt tại các trường học Hoa Kỳ, các vị thông thạo Anh Ngữ mới làm được. Chính những lúc tôi rụt rè thì các em luôn thoải mái đưa ra lập luận:

- Chị có biết xã hội phải muôn mặt, sự hợp lực luôn cần mọi tầng lớp. Ông kỹ sư cũng cần đi cúp tóc, bà bác sĩ cũng cần thợ may quần áo để mặc, em làm mệt nhọc về không nấu nổi cũng cần tiệm bán cơm v..v...như vậy mới thành xã hội.
Rồi các em rủ tôi tham gia đi diễn hành, hoà niềm vui trong ngày lễ Độc Lập của Mỹ. Tại sao lại không nhỉ ? Được diễn hành cùng dân bản xứ và các sắc dân khác nhau trên xứ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chẳng phải tìm vinh quang hay thi đua, chỉ đơn giản là để mừng ngày ra đời của một đất nước vĩ đại mà hiện tôi cũng là công dân Mỹ.
Thanh và chồng là Hội viên của ABC club, là một tổ chức có tính cách giáo dục, hướng dẫn huấn luyện tuổi trẻ tập dạn dĩ, phải phát biểu ý kiến trước đám đông, tập nói ngắn gọn dễ hiểu để trong tương lai có thể trở thành Leadership (lãnh đạo), hay mọi lãnh vực khác.



Chương trình này đã sinh hoạt gần trăm năm trên nước Mỹ có tên là ABC Toastmasters, gần 15 năm trở lại đây đã mở rộng trên thế giới ABC Toastmasters thường có cuộc hội họp vào mỗi thứ bảy lúc 10 giờ sáng tại Unitek College nằm trên đường Auto Mall Parkway. Trong cuộc hội họp bất cứ ai cũng có thể lên thực tập, nói đề tài nào đó, các diễn giả lắng nghe và nhận xét phong cách diễn đạt, rồi đúc kết nêu lên khiếm khuyết như nói dài dòng, thế đứng chưa được tự tin, giọng nói còn run ..v..v...
ABC Toastmasters đã đóng góp diễn hành vài năm qua và được xếp hạng nhì năm ngoái. Bây giờ tôi xin kể tiếp về ngày vui lễ Độc Lập. Sáng sớm tôi lái xe đến nhà Thanh như đã hẹn, trong lúc chờ đợi tôi ra vườn ngắm cảnh thư thả với không khí trong lành. Ánh nắng ban mai thật dễ chịu, thỉnh thoảng có những cơn gió mát, đôi khi hơi lạnh, nhưng rồi những tia nắng ấm kéo lại cảm giác quân bình của thời tiết.

Tách cà phê chủ nhà trao, tôi nhâm nhi từng ngụm thong thả, hơi nóng và mùi thơm thấm vào môi lưỡi, tận hướng những giây phút an nhàn thanh thản. Nhìn ngắm những đoá hoa xinh như mộng mở hé, e ấp đọng những giọt sương mai long lanh như thiếu nữ độ tuổi dậy thì tươi sáng, lòng tôi thấy phơi phới, rộn ràng đón nhận cảm giác vui mừng ngày lễ Độc Lập nơi xứ người.
Đọc Lịch sử, Ngày 4 thàng 7 là ngày Independent Day cũng là ngày Quốc khánh của Hoa Kỳ.
Năm 1779 bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời, tuyên bố rằng mười ba thuộc địa đầu tiên ở Mỹ coi mình là một quốc gia mới, được gọi là Hoa Kỳ. Tác giả của bản Tuyên ngôn Độc Lập cùng đại diện 13 tiểu bang đầu tiên đã ký vào.

Lời mở đầu của bản Tuyên Ngôn là "Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi
người sinh ra đều bình đẳng, rằng đấng tạo hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu bất khả xâm
phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do mưu cầu hạnh phúc của mỗi công dân được luật pháp bảo vệ.
Miên man về lịch sử và nguồn gốc ngày lễ, tôi uống cạn ly cà phê lúc nào không hay khi đang định nâng lên môi tiếp, cũng vừa đúng lúc các bạn réo gọi tập trung lên xe.
Điều đặt biệt là năm nào cũng có sự hiện diện của bà Mary mẹ chồng Thanh. Năm nay bà đã 87 tuổi nhưng tự lái xe một mình từ San Diego lên Fremont mất 8 tiếng đồng hồ cùng tham gia diễn hành.
Tinh thần người Mỹ thật mạnh mẽ và ý chí thật hào hùng. Chúng tôi đến địa điểm ... sau hậu trường cảnh đông đúc đang chuẩn bị cho buổi diễn hành. Mọi người đã làm việc cực lực, hăng say, những công việc rất khó, nặng nhọc sửa soạn cho tiết mục của họ.

Tôi đi quanh quan sát thì thấy rất nhiều hội đoàn như trường học, trung tâm thương mãi hay các sắc tộc có những màn riêng về sắc thái của họ. Nơi này các em nhỏ học mầm non được cô giáo tập dợt màn múa đầy hồn nhiên dễ thương. Nơi kia, trường dạy võ đang ôn lại màn kiếm đao, môn Karate do các thiếu niên diễn thật ngoạn mục. Kià ban trống nhạc đang sắp xếp ví trí biểu diễn cùng xem lại dụng cụ. Hàng xe hơi cổ điển được trang trí bằng màu đỏ, trắng, xanh, chứa đựng bộ máy lớn cùng loa và cờ trang trọng. Đoàn người diễn hành mặt mày hớn hở, chú tâm vào công việc của mình, ai ai cũng khoác y phục, đội mũ, mang tất hoặc cài nơ bông trên tóc bằng 3 màu xanh trắng đỏ của lá cờ Mỹ.



Cảnh tượng sau hậu trường thật vui nhộn, tôi đi quanh quẩn chụp hình, thoải mái và hoà nhập.
Đến giờ diễn hành, tôi được giao phó cầm bảng đi chung với các em Nhật, Phi, Ấn Độ và Việt Nam... theo sau xe classic của Tom (chồng Thanh) lái. Những bản nhạc yêu nước phát ra từ loa trên xe, tiếng nhạc xập xình hùng mạnh diễn hành trên những con đường dài.
Chúng tôi khởi hành từ đường Civic Center, rồi đi qua đường chính Paseo Padre chạy dài cho đến khi chấm dứt nơi đường Capitol. Hai bên đường dân chúng mang ghế ra chuẩn bị đón xem, kẻ đứng người ngồi đông đúc chật ních suốt mấy con đường. Tiếng reo hò, cổ vũ chào nhau bằng câu “Happy July 4th” , có người chạy ra tiếp chúng tôi những chai nước lọc vì trời nắng gắt.
Trong nhóm chúng tôi đã có hai em hăng say dancing giữa đường rất ngoạn mục. Thanh cùng các em trai khác kéo thùng thổi bong bóng nước rất đẹp lôi cuốn các em nhỏ chạy ra theo đùa giỡn, cũng được thổi vào người, những bong bóng bay lên khiến các em nhỏ thích thú dang tay với và nhảy cười sung sướng. Cảnh tượng rất hào hứng đã mang ý nghĩa thiêng liêng của ngày lễ hội đủ sắc dân hợp lại, gầy dựng lên quốc gia giàu mạnh, văn minh, tự do và dân chủ.


Buổi diễn hành chấm dứt sau 1 giờ trưa, trên đường về tôi thấy nhà nhà đều treo cờ trọng thể trước cửa, hầu như mọi người ở xa đều trở về ăn lễ cùng gia đình, các cháu của tôi cũng không ngoại lệ. Về nhà chị em nướng Barbecue gồm bò và gà đã được ướp tối qua, dùng bánh mì lát đơn giản cùng xà lách làm sẵn mua từ Costco.
Đến chiều cả gia đình, anh chị em con cháu hẹn ra bờ hồ Elizabeth, đem theo khăn trải, trái cây, chips, và nước uống để hứng gió sông chờ tối xem bắn pháo bông.
Người ta đông như kiến, vợ chồng, con cái, thậm chí, có bé chỉ mới vài tháng nằm trong car seat quấn khăn cũng được đem theo. Đúng 9 giờ tối bầu trời sáng rực, những bông hoa đủ màu sắc thi đua nhau rơi xuống với âm thanh rộn ràng náo nhiệt, liên tục không ngớt.
Tiếng la, tiếng reo hò, tiếng cười hợp lại tạo không khí từng bừng náo nhiệt. Khi tiếng pháo từ từ chấm dứt, những bông hoa thưa thớt trả lại nền trời đen tối với những vì sao lấp lánh thì chúng tôi trở về nhà trong sự thoả mãn.

Đêm về ..tôi thấm mệt với đôi chân rã rời vì đi bộ hơi nhiều, thỉnh thoảng còn sót tiếng pháo bắn
lẻ tẻ đâu đó. Tôi tiếc nuối đứng nhìn qua khung cửa kính, bầu trời lại sáng lên khi một vài bông
hoa rơi xuống.
Tuy giấc ngủ đến muộn nhưng lòng tôi khoan khoái. Nằm trong bóng tối tôi mỉm cười nghĩ miên man về ngày lễ Độc Lập.
Quê hương thứ hai đã cho tôi nhiều phước phần, có được điều kiện để thực hiện chữ hiếu, người thân nơi quê nhà, thực hiện những việc có ý nghĩa trong cuộc sống, và điều lớn nhất là cho tôi được hưởng bầu không khí tự do, no ấm.
Ngày mai chúng tôi cũng sẽ ăn mừng lễ tiếp với các thức ăn VN, ăn mừng các cháu học xa trở về, ăn mừng các cháu đúng mùa tốt nghiệp đại học, ăn mừng mọi sự thành công trên đất Mỹ.
Xin cảm ơn đất nước Hoa Kỳ, cảm ơn niềm vui hưởng của ngày lễ Độc Lập đầy thú vị.

Mừng lễ Độc Lập Hoa Kỳ



Ngày 4 tháng 7 đua thi tiệc tùng
Vui chơi liên tục tưng bừng
Cỏ cây hoa lá đón mừng Hạ sang
Nắng lên rực rỡ chói chang
Tô thêm hùng khí vẻ vang đất trời
Diễn hành lễ hội tuyệt vời
Pháo bông toả sắc sáng rơi bầu trời
Tự do Hạnh phúc muôn nơi
Dân giàu, nước mạnh cuộc đời ấm no


Minh Thúy 
Lễ Độc Lập 2019

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

Khúc Tango Tình Si - Thơ: Lê Anh Thi Nhạc: Trần Chương Lương


Thơ: Lê Anh Thi
Nhạc: Trần Chương Lương
Ca Sĩ: Hải Yến
Thực Hiện: 
Lương Trần

Không - Cõi- Ở - Về



(Thơ họa từ Như Vết Chim Bay của Hàn Long Ẩn)

Dõi chín hướng cõi nào không cõi tạm
Hun hút vô cùng nào dấu chim bay
Thân bào ảnh nỗi sầu đau khắc chạm
Hạt bụi điệp trùng sinh tử lắt lay

Cuộc lữ miên trường mặt người nắng rám
Chừ thôi buông,giữ vinh hiển đọa đày
Đi cũng thế, ở cùng không khác thể
Về? Không về?Cũng luống những hoài say

Mây gió thong dong với tháng với ngày
Biển trời dửng dưng mất còn hiển hóa
Mộng ư ? thực ư? muôn thuở khéo bày!
Dấu chim - có?không?Hỏi mấy ai hay(?)

Hà Nguyên Lãng


Vô Tư



Sóng từ muôn thuở nằm trong nước
Sóng quá vô tình đẩy nước vào bờ
Đá gan lì chịu sóng đập triền miên
Đá vỡ
Sóng quá hững hờ
Cuốn đá ra khơi
Sóng biển vô tình và tàn nhẫn quá

Còn sóng đời?
Sóng đời đã vùi dập bao kiếp sống nổi trôi

Và sóng tình?
Sóng tình đã làm bao kẻ loạn trí cuồng tâm
Em ơi
Hãy giữ tâm mình đừng dậy sóng
Nghe em

Hoàng Long


Những Gì...

    Ảnh: Kim Phượng

Thư xưa úa úa ghi lời hẹn
Cội cũ mờ mờ khắc chữ tương
...
Buồn!


dovaden20
***
Kỷ niệm vương vương thời tuổi dại
Chữ tương rộn rộn nắng sân trường
...
Ôi!


Kim Phượng

Mẫn nông Kỳ 2 憫農 其二 - Lý Thân

Có một điều hết sức thú vị, có thể bài thơ Mẫn nông kỳ 2 được dịch ra theo thể thơ lục bát, phải nói là tuyệt diệu, đã thâm nhập sâu vào giới bình dân Việt Nam, để rồi trở thành bài ca dao và được dùng làm câu hát ru con. Phải hay không? không quan trong, cái quan trong nhất là trong kho tàng ca dao của ta có được một bài thơ Lục Bát tuyệt tác.




憫農 其二

鋤禾日當午,
汗滴禾下土。
誰知盤中飧,
粒粒皆辛苦。
李紳

Mẫn Nông Kỳ 2

Sừ hoà nhật đương ngọ
Hãn trích hoà hạ thổ
Thuỳ tri bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ.

Lý Thân
.***
Dịch nghĩa :Xót Cho Người Làm Ruộng Kỳ 2 

Cày cuốc ngay giữa buổi trưa
Mồ hôi tuôn đổ thấm vào trong đất
Trong bữa cơm có ai hiểu cho rằng
Bao nhiêu hạt cơm là bấy nhiêu khổ cực

Dịch Thơ:

    Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
     Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
(Người dịch: Ca dao)

1/
Cày bừa giữa trưa nắng
Đất thấm bao mồ hôi
Mấy ai hiểu được rằng
Nhọc nhằn tạo hạt cơm

2/

    Giữa trưa cày cuốc ngoài đồng
Mồ hôi tuôn chảy thấm trong ruộng cằn
    Ngon cơm xin nhớ cho rằng
Được bao hạt thóc nhọc nhằn bấy nhiêu.

Quên Đi
***
Gạo Cơm

1/
Cày cuốc nắng trưa rồi
Thấm ướt đất mồ hôi
Bát cơm đầy mới hiểu
Gạo đắng cay bồi hồi

2/
Cày trưa cuốc xế ruộng đồng
Mồ hôi thấm ướt dầm trong đất phèn
Hột cơm, gạo trắng than rằng
Công lao hạt thóc nhọc nhằn tấm thơm

Mai Xuân Thanh
Ngày 26/06/2020
***
1/
Trưa ra sức cày cấy
Mồ hôi thấm tràn đồng
Mỗi hạt cơm bấy công
Ơn dầu dãi bác nông

2/
Ban trưa thoăn thoắt tay cày
Mồ hôi tuôn đổ trải dài ruộng nương
Bát đầy cơm hạt mà thương
Gian lao khổ nhọc khôn lường nhà nông

Kim Phượng

Giai Thoại Văn Chương:Người Chồng Khóc Vợ Chân Tình Nhất



NGUYÊN CHẨN (779-831) tự là Vi Chi, biệt hiệu là Uy Minh, người đất Lạc Dương Hà Nam, là thi nhân, văn học gia và là đại thần của đời Đường. Ông thuộc bộ tộc Phá Bạt của dòng dõi Tiên Ti, là cháu đời thứ 19 của Bắc Ngụy Chiêu Thành Đế, con của Tỉ Bộ Lang Trung Nguyên Khoan. Từ nhỏ đã nổi tiếng về văn tài, năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), mới 15 tuổi đã thi đậu minh kinh, được phong chức Tả Thập Di. Năm Trinh Nguyên thứ 18 (802) đời Đường Đức Tông mới cùng Bạch Cư Dị đậu khoa Tiến sĩ bạt tụy để ra làm quan. Nguyên Chẩn đã từng bái tướng, làm quan đến chức Thượng Thư Tả Thừa. Năm Thái Hòa thứ 4 (830) nhậm chức Võ Xương Quân Tiết Độ Sứ. Năm Thái Hòa thứ 5 (831) qua đời lúc mới 53 tuổi, được truy phong là Thượng Thư Hữu Bộc Xạ. Nguyên Chẩn là bạn cùng khoa với Bạch Cư Dị, cùng kết thân là bạn thơ suốt đời, cùng đề xướng thể thơ Tân Nhạc Phủ mà người đời gọi là "Nguyên Bạch 元白", hình thành "Nguyên Hòa Thể 元和體". Thành tựu về văn học của ông rất lớn, nhất là về mặt thơ ca. Còn lưu lại hơn 830 bài thơ, từ phú, chiếu sách, minh giản, luận nghị... hơn một trăm bài. Tất cả đều thu tập vào trong "Nguyên Thị Trường Khánh Tập 元氏長慶集". 

Năm Trinh Nguyên thứ 18 (802) đời Đường Đức Tông, mặc dù chưa ra làm quan, nhưng vẫn được quan Thái Tử Thiếu Bảo Vi Hạ Khanh 韋夏卿 biết đến tài và gả cho cô con gái út mà ông ta rất yêu thương là Vi Tùng 韋叢. Lúc đó, Vi Tùng chỉ mới 20 tuổi, còn Nguyên Chẩn thì đã 25 tuổi rồi. Sau khi kết hôn, họ sống đời sống bần hàn đạm bạc. Vi Tùng mặc dù là tiểu thơ con quan nhưng lại rất chịu thương chịu khó, cùng sống cảnh nhèo khổ với chồng mà không một lời oán than trách móc, nên vợ chồng rất hòa hợp và thương yêu nhau. Bảy năm sau, tức năm Nguyên Hòa thứ tư (809), khi Nguyên Chẩn nhậm chức Án Sát ngự Sử thì Vi Tùng nhuốm bện và qua đời khi chỉ mới 27 tuổi. Nguyên Chẩn vô cùng đau xót tiếc thương, ông đã làm rất nhiều thơ để khóc, điếu và truy điệu người vợ đã cộng khổ mà không cùng được đồng cam nầy. Trong số thơ truy điệu phải kể đến 3 bài KHIỂN BI HOÀI 遣悲懷 là nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất.

Sau đây, ta sẽ lần lượt đọc lại 3 bài thơ bất hủ nầy:



遣悲懷·其一            Khiến Bi Hoài Kỳ 1 

謝公最小偏憐女, Tạ công tối tiểu thiên lân nữ,
自嫁黔婁百事乖。 Tự gía Kiềm Lâu bách sự quai.
顧我無衣搜藎篋, Cố ngã vô y sưu tẫn giáp,
泥他沽酒拔金釵。 Nệ tha cô tửu bạt kim thoa.
野蔬充膳甘長藿, Dã sơ sung thiện cam trường hoắc,
落葉添薪仰古槐。 Lạc diệp thiêm tân ngưỡng cổ hoài.
今日俸錢過十萬, Kim nhật bổng tiền qúa thập vạn,
與君營奠復營齋。 Dữ quân doanh điện phục doanh trai.
元稹                         Nguyên Chẩn

* Chú Thích:
- Khiển Bi Hoài 遣悲懷 : Giải bày nổi lòng bầu bi buồn thảm.
- Tạ Công 謝公...: Lấy tích Tể Tướng Tạ An đời Đông Tấn rất thương cô cháu gái là Tạ Đạo Uẩn.
- Kiềm Lâu 黔婁: là một hàn sĩ ở nước Tề thơi Chiến Quốc.
- Tẫn Giáp 藎篋: là Rương, hòm, va-li đan bằng tre mây hoặc cỏ.
- Nệ 泥 : là Câu nệ, là theo làm eo, năn nỉ.
- Dã Sơ 野蔬: là Rau cải mọc hoang. Hoắc 藿 : là đọt đậu non. Câu nầy chỉ chung các loại rau dền, rau muống, rau lang, rau ngỗ...
- Tân 薪 : là củi. Cổ Hoài 古槐 : là Cây Hòe cổ, là cây hoẻ già.
- Bổng Tiền 俸錢: Tiền bổng lộc, Tiền lương.
- Doanh Điện 營奠: là Cúng tế; Doanh Trai 營齋 : là làm tuần trai.

* Nghĩa Bài Thơ:
Giống như là Tạ An đời Tấn rất thương cô con gái út của mình, nhưng từ ngày lấy phải kẻ Kiềm Lâu hàn sĩ nầy thì trăm việc đều trớt quớt không như ý. Thấy tôi không có áo mới để mặc nàng đã lục lọi hết các rương hòm để tìm kiếm. Không tiền mua rượu uống tôi đã theo nài nĩ nàng, nàng cũng chịu rút cây trâm vàng trên đầu mà đưa cho tôi. Ăn uống thì đạm bạc chỉ tìm các loại rau rừng đọt đậu... Gom góp lá rụng phơi khô để làm củi nên thường ngóng trông cây hòe lớn rụng lá xuống. Đến ngày hôm nay ta đã làm quan, bổng lộc đã hơn mươì vạn hộc một năm, thì nàng đã mất rồi; nên chỉ còn có nước là vừa cúng tế vừa làm tuần trai cho nàng mà thôi !

* Diễn Nôm :

Khiến Bi Hoài (1)

Gái út Tạ công được mến yêu,
Gã cho hàn sĩ khổ trăm điều.
Lo ta áo cũ moi rương nát,
Vì mỗ rượu ghiền bán lược yêu.
Rau cháo đỡ lòng ăn xí xóa,
Lá cây làm củi ước rơi nhiều.
Nay ta bổng lộc hơn mười vạn,
Phúng điếu mong nàng sớm độ siêu !

Lục bát:

Tạ Công gái út thương nhiều,
Lấy chàng hàn sĩ trăm điều khổ thay.
Lo ta không áo tìm may,
Vì ta hết rượu rút ngay trâm vàng.
Bửa ăn rau dại làm sang,
Lá khô làm củi nên nàng ngóng cây.
Nay ta mười vạn bổng đầy,
Chỉ còn phúng điếu làm chay cho nàng.

Bài thơ hết lời ca ngợi người vợ hiền, trước tiên là đức tính tốt của một tiểu thơ con nhà quan mà chịu khuất thân lấy người hàn sĩ để phải chịu khổ trăm điều : Lo cái ăn cái mặc để giữ thể diện cho chồng, chìu cả những thói ghiền rượu của chồng mà không ngần ngại bán cả trâm vàng, sống kham khổ bằng các loại rau dại, chắc mót cả lá khô để làm củi đốt... Thế mà ngang trái thay, khi đã làm quan, khi đã giàu sang vinh hiển, thì vợ đã mất rồi !... Dù cho có cúng tế làm đám linh đình như thế nào cũng không bù đắp được tấm chân tình của người vợ hiền đã khuất bóng.



遣悲懷·其二            Khiến Bi Hoài Kỳ 2

昔日戲言身後事, Tích nhật hí ngôn thân hậu sự,
今朝都到眼前來。 Kim triêu đô đáo nhãn tiền lai.
衣裳已施行看盡, Y thường dĩ thí hành khan tận,
針線猶存未忍開。 Châm tuyến do tồn vị nhẫn khai.
尚想舊情憐婢僕, Thượng tưởng cựu tình lân tì bộc,
也曾因夢送錢財。 Dã tằng nhân mộng tống tiền tài.
誠知此恨人人有, Thành tri thử hận nhân nhân hữh,
貧賤夫妻百事哀。 Bần tiện phu thê bách sự ai !
元稹                        Nguyên Chẩn

* Chú Thích :
- Hí Ngôn 戲言 : Lời nói chơi (giữa vợ chồng với nhau).
- Thân Hậu Sự 身後事 : Chuyện sau khi đã chết, đã qua đời.
- Dĩ Thí 已施 : Đã bố thí (cho người nghèo).
- Hành Khan Tận 行看盡 : là Đã gần hết.
- Do Tồn 猶存 : Còn chừa lại, còn để lại.
- Tì Bộc 婢僕 : TÌ là Tì nữ, hầu gái. BỘC là Gia bộc, người giúp việc trai.
- Bần Tiện Phu Thê 貧賤夫妻 : là Vợ chồng nghèo khó với nhau.

* Nghĩa bài thơ:
Ngày xưa vợ chồng thường nói chơi với nhau là : người nầy chết thì người kia sẽ ra sao ?... Đến hôm nay thì sự thực đó đều đã phơi bày trước mắt. 
Quần áo của bà để lại tôi đã bố thí cho người nghèo gần hết rồi, chỉ có kim chỉ ngày xưa của bà dùng để may vá thì tôi còn giữ lại cả mà không đành lòng mở ra xem. Tôi luôn nhớ đến tình nghĩa của bà ngày xưa đối với nô tì gia bộc, người ăn kẻ ở trong nhà mà càng yêu thương họ hơn; cũng thường nằm mơ thấy bà nên luôn mua thêm vàng mã đốt xuống gởi cho bà. Vốn dĩ biết rằng cái hận sinh ly tử biệt mọi người đều có, nhưng đối với vợ chồng xuất thân nghèo hèn như chúng ta thì trăm việc đều bi ai buồn thãm. 

* Diễn Nôm:
Khiến Bi Hoài (2)

Ngày xưa cứ tưởng nói chơi thôi,
Nào biết hôm nay trước mắt rồi.
Bố thí áo quần cho sắp hết,
Vẫn còn kim chỉ chẳng đành coi.
Nhớ bà xưa vẫn thương người ở,
Vì mộng nay thường đốt bạc tơi.
Vẫn biết hận nầy ai tránh khỏi,
Vợ chồng nghèo khó khổ khôn vơi !

Lục bát:

Xưa kia cứ ngỡ nói chơi,
Nào ngờ nay đã phương trời âm dương.
Áo quần bố thí vẫn thường,
Chỉ kim còn đó chẳng buồn mở xem.
Vốn thương kẻ ở người quen,
Mã vàng thường đốt mấy phen mơ màng.
Vốn hay tử biệt hận tràn,
Vợ chồng nghèo khổ muôn vàn bi thương!

Thật chí tình chí nghĩa, Nguyên Chẩn nhớ đến từng việc, từng việc một của vợ mình khi còn sống, cho nên áo quần thì bố thí cho người nghèo gần hết, chớ kim chỉ mà ngày thường vợ thường dùng để may vá thì không dám mở ra, sợ gợi lại hình ảnh của vợ lúc còn sống; Vốn biết vợ có lòng nhân từ hay thương người ăn kẻ ở trong nhà nên cũng đối xử với họ tốt hơn... và mặc dù bây giờ làm quan đã giàu sang rồi, vẫn còn nhớ lúc vợ chồng thuở hàn vi trăm việc đều buồn thương sầu thảm.

遣悲懷.其三            Khiến Bi Hoài Kỳ

閒坐悲君亦自悲, Nhàn tọa bi quân diệc tự bi,
百年都是幾多時? Bách niên đô thị kỷ đa thì ?
鄧攸無子尋知命, Đặng Du vô tử tầm tri mệnh,
潘岳悼亡猶費詞。 Phan Nhạc điếu vong do phí từ.
同穴窅冥何所望? Đồng huyệt yểu minh hà sở vọng,
他生緣會更難期。 Tha sinh duyên hội cánh nan kỳ.
惟將終夜長開眼, Duy tương chung dạ trường khai nhãn,
報答平生未展眉。 Báo đáp bình sinh vị chuyển mi.
元稹                         Nguyên Chẩn

* Chú Thích:
- Đặng Du 鄧攸: Theo Tấn Thư ghi chép : ĐẶNG DU (?-326) người đời Tây Tấn, tự là Bá Đạo, là quan Thái Thú đất Hà Tây. Cuối năm Vĩnh Gia trong chiến tranh loạn lạc, Du đã bỏ con chết trong chiến loạn mà cứu lấy cháu do em trai gởi gắm, với lý do mình còn có thể sanh con khác được, chứ cháu mà chết rồi thì làm sao sanh được đứa cháu khác đây ? Cuối cùng, vợ ông không còn khả năng mang thai nữa. Đành phải nạp thiếp, khi hỏi rõ lý lịch thì biết cô thiếp mà mình định nạp là cháu gái con của em vợ mình, nên thôi. Ông cho đó là số mạng của mình, nên từ đó không có ý định nạp thiếp nữa. Rồi đành chịu cảnh vô hậu, không người nối dõi.
- Phan Nhạc 潘 : Cũng theo Tấn Thư ghi chép : PHAN NHẠC(247-300) người đời Tây Tấn, tự là An Nhân. Người đời thường gọi ông là PHAN AN 潘安, là một văn học gia nổi tiếng đẹp trai, là Huyện Lệnh của đất Hà Dương. Vợ là Dương Thị, chết trẻ. Ông vô cùng thương nhớ vợ và làm rất nhiều thơ để phúng điếu, trong có 3 bài "Điếu Vong Thi 悼亡詩" rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
- Yểu Minh 窅冥: là Nơi xa xôi tăm tối, chỉ Âm Phủ.
- Hà Sở Vọng 何所望?: Còn kỳ vọng mong mõi gì nữa đây ?
- Duyên Hội 緣會: là Duyên hội ngộ, là cái nhân duyên gặp gỡ nhau.
- Cánh Nan Kỳ 更難期: là Càng khó mà trông mong hơn nữa.
- Khai Nhãn 開眼: Mở mắt, vì không ngủ được.
- Triển Mi 展眉: là Nở mày; ý chỉ Nở mày nở mặt.

* Nghĩa Bài Thơ:

Rảnh rổi ngồi buồn nhớ thương bà mà cũng tự thương cho thân tôi nữa. Người ta thường nói trăm năm tơ tóc, nhưng trăm năm có là bao đâu ? Đặng Du không có con nối dõi cũng do nơi mạng số; còn Phan An khóc điếu vợ rồi thì lời điếu cũng thoảng qua thôi. Đã không còn trông mong chết cùng chung một huyệt mộ, thì duyên hội ngộ ở kiếp sau cũng không dễ gì trông mong cho có được đâu. Giờ chỉ còn biết nhớ thương bà mà "mở mắt" suốt đêm trường không ngủ, để báo đáp lại lúc còn sống nghèo khổ bà chẳng "Nở mặt nở mày" được !(Khi tôi đã làm quan lớn).


* Diễn Nôm:
Khiến Bi Hoài (3)

Ngồi rảnh nhớ nàng dạ xót thay,
Bách niên giai lão mất còn ai ?
Đặng Du vô tử đành hiu hẩm,
Phan Nhạc điếu vong những cảm hoài.
Chung huyệt chung mồ thôi ngóng đợi,
Kiếp sau kiếp nữa khó mong thay.
Suốt đêm mở mắt tuôn dòng lệ,
Báo đáp nàng xưa chẳng mở mày!

Lục bát:

Buồn nàng rồi lại buồn ta,
Trăm năm tơ tóc có là bao nhiêu?
Đặng Du vô tử hẩm hiu,
Phan An khóc vợ nghe nhiều xót xa.
Hết mong chung huyệt đôi ta,
Kiếp sau gặp gỡ cũng là viễn vong.
Suốt đêm mở mắt nhớ mong,
Vì nàng đến chết vẫn không mở mày!

Thật chân tình, thật thực tế và thực cảm động lòng người! Ngồi buồn nhớ thương bà mà cũng tự thương cho thân tôi. Người ta nói trăm năm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thật sự có được bao nhiêu đâu ? Tôi với bà không có con, âu đó cũng là do số mạng ta phải thế; Tôi làm thơ thương khóc bà rồi cũng chỉ như làn gió thoảng thôi, vì bà đâu còn nghe thấy được nữa đâu. Chúng ta từng nguyện sống chung nhà và chết thì chung một huyệt mộ, nhưng đó cũng chỉ là những chuyện viễn vông, cũng như hẹn sẽ cùng nhau gặp gỡ ở kiếp lai sinh đều là những chuyện huyễn hoặc không thể nào có thật được. Việc thực tế nhất trước mắt là tôi luôn "mở mắt" thức trắng thâu đêm vì thương cho bà lúc còn sống đã không được "mở mày mở mặt" với người đời!

Qua ba bài thơ vừa điếu tang, vừa bày tỏ nỗi lòng thương nhớ vợ chẳng may mất sớm của Nguyên Chẩn. Ta thấy ông đã sử dụng những chi tiết rất nhỏ nhặt, rất tầm thường trong cuộc sống, như quần áo, trâm cài, rau dại, lá khô... Sự hiền thục của vợ như mến thương người ăn kẻ ở trong nhà, sống kham khổ với chồng mà chẳng chút oán than trách móc, vợ chồng cùng ước hẹn sống chết có nhau, tái ngộ ở kiếp lai sinh... Chính những sự nhỏ nhặt tầm thường của các mặt trong đời sống thực tế của vợ chồng đã được ông than van kể lể làm cảm động lòng người đọc một cách chân thành như sự chân thành của ông trong những lời thơ thương khóc vợ.
Ngoài ba bài thơ thương tiếc điếu tang vợ như trên, Nguyên Chẩn còn có một hệ thống 5 bài thơ Tứ tuyệt "LY TỨ 離思" (Nỗi nhớ thương lúc phân ly) cũng rất nổi tiếng, nhất là bài thứ tư trong 5 bài nêu trên đã trở thành bất hủ :

曾經滄海難爲水, Tằng kinh thương hải nan vi thủy,
除卻巫山不是雲。 Trừ khước Vu Sơn bất thị vân.
取次花叢懶回顧, Thủ thứ hoa tùng lãn hồi cố,
半緣修道半緣君。 Bán duyên tu đạo bán duyên quân.

Có nghĩa:
Nếu không phải là nước của biển xanh mênh mông thì không phải là nước. Ngoại trừ những mây mù trên đỉnh Vu Sơn ra, còn lại đều không phải là mây. Đã lơ đễnh qua khỏi khóm hoa rồi thì cũng lười biếng quay đầu nhìn lại, vì lòng đã trót theo tu đạo, và cũng vì trong lòng ta đã có hình bóng của em rồi.

Diễn Nôm:

Chẳng là biển rộng không là nước,
Trừ bỏ Vu Sơn chẳng phải mây!
Trước khóm hoa tươi lười biếng ngắm,
Nửa vì tu đạo nửa nàng đây.

Lục bát:

Biển xanh mới thật nước đây,
Chẳng Vu Sơn đó chẳng mây trên trời.
Quay đầu biếng ngắm hoa tươi,
Nửa vì đaọ hạnh nửa vui vì nàng.

Ý của Nguyên Chẩn là:"Ngoại trừ vợ ông ra, thì không có người đàn bà nào trên đời nầy đáng cho ông yêu nữa cả ! Dù có đi qua một "rừng hoa" trước mắt, ông cũng không buồn quay đầu lại để nhìn ngắm, vì đạo hạnh và nhất là vì trong lòng ông đã có hình bóng của vợ ông rồi. Không có bất cứ người đàn bà nào khác có thể thay thế được ! 
Bốn chữ đầu của câu thơ thứ nhất "TẰNG KINH THƯƠNG HẢI 曾經滄海" đã trở thành Thành Ngữ để chỉ khi "Một chàng trai yêu một cô gái nào đó mà cho rằng ngoài nàng ra thì chẳng thể nào yêu người khác được nữa", dùng bốn chữ TẰNG KINH THƯƠNG HẢI để tỏ tình và để cho nàng biết là ngoài nàng ra chàng sẽ không còn yêu ai khác, nếu không lấy được nàng thì chàng sẽ..."ở vậy nuôi con" cho đến hết đời ! Nên...

Khi viết câu thơ trên Nguyên Chẩn muốn cho mọi người biết mình là người đàn ông chung tình, vợ chết rồi thì không còn yêu ai khác nữa và sẽ không lấy ai khác nữa. Nhưng ... khóc vợ chết thì nói thế, chứ đời sống thực tế của ông thì ông là người "bạ đâu yêu đó, gặp người nào yêu người nấy và bỏ... người kia" là.... KẺ BẠC TÌNH NHẤT trong tất cả những đàn ông bạc tình ở trên đời nầy ! Mời đọc lại bài "BẠC TÌNH NỔI TIẾNG ĐƯỜNG THI" thì sẽ rõ!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Kính Mừng Sinh Nhật Thượng Thọ Soạn Giả Nguyễn Phương


Thơ & Thơ Tranh: Tịnh Đế Hoa Liên

Kính Mừng Đại Thọ Bác Nguyễn Phương



Điều Hòa có bác Nguyễn Hòa
Tài hoa xuất chúng xứng là danh nhân

Đại thọ kính mừng Bác Nguyễn Phương
Chín Mươi Tám tuổi vẫn kiên cường
Một đời soạn truyện lừng muôn hướng
Trọn kiếp viết tuồng rạng bốn phương
Sân khấu nố́i liên theo tổ nghiệp
Cải lương gắn bó với thầy tuồng
Địa linh anh kiệt Điều Hòa đó
Hương sắc điểm tô nét kịch trường.

Toronto 01/07/2020
Nguyên Trần
***
Congratulations 98 th long life Birthday
To Uncle Nguyễn Phương


Uncle Nguyễn Phương in Điều Hòa Village who has an outstanding talent which deserves to be an old Celebrity.

Great congratulations to Uncle Nguyễn Phương
Thought ninety-eight years old but being still resilient
A lifetime of writing stories that made him distinguished
The wholelife of composing plays brough him to the fame in every places
Stage interconnected by plays ancestors
Old Folk Plays sticking with the directors
That spiritual masterpieces and heroes of Điều Hòa Village
Beauty flavor to decorate the Theater fields.

Toronto 01/07/2020
Nguyên Trần

Một Góc Hạ Mong Manh



Nghe nắng rụng chơi vơi ngoài khung cửa
Nghe không gian từng điệu nhạc râm ran
Thoáng lồng ngực chút trầm dâng hoài cảm
Nắng hương nồng cho hạ đến miên man

Bước em đi nắng mơ hồ vương đọng
Giọt lưu ly còn khẽ ở trên vai
Âm thanh nghe bỗng tuôn tràn suối tóc
Tiếng thì thầm của một thuở yêu ai

Nắng nhè nhẹ rung theo tà áo trắng
Ô hay sao, mùa Hạ tưởng sương bay
Em đâu đây, màu nắng mới hôm nay
Trắng cả lối đi về trong giấc ngủ

Anh bâng khuâng gửi hồn trong nắng hạ
Bờ nơi nao, vô vọng ở bên kia
Em có mang một chút nắng hanh về
Thềm sỏi đá nồng nàn đôi môi ấm

Nắng trót trao tình yêu đầu dạo đó
Chợt trở về một ký ức vây quanh
Những vần thơ vỡ dần như giọt nắng
Lao xao buồn, một góc hạ mong manh

Lê Mỹ Hoàn

Lưu Linh 刘 伶


Lưu Linh (刘 伶) tên chữ là Bá Luân (伯 伦), sống vào những năm cuối nhà Ngụy (Tào Tháo) đầu nhà Tấn (Tư Mã Ý) bên Tàu (Có bản ghi năm sinh và mất của ông là 210-270), là thành viên của nhóm Trúc Lâm thất hiền (nhóm 7 người tài), rất nổi tiếng về văn chương, gồm: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Vương Nhung, Hưởng Tú, Nguyễn Hàm…Thời đó, các thế lực phong kiến tranh giành quyền lợi, xâu xé, tàn sát lẫn nhau. Xã hội đầy rẫy bọn mua quan, bán tước hợm hĩnh. Mọi người đều chán ghét xã hội, nhất là giới trí thức, học giả. Họ trốn tránh chốn quan trường, tìm vui trong văn chương, và rượu. 

Trong nhóm Trúc Lâm Thất hiền, nói về văn chương thì Kê Khang, Nguyễn Tịch nổi tiếng hơn, nhưng về rượu thì Lưu Linh, Nguyễn Tịch quả là cực kỳ…vĩ đại. Tương truyền, Nguyễn Tịch uống rượu hàng đấu, hàng vò. Còn Lưu Linh, tuy học rộng, tài cao nhưng không hề màng một chút gì về chuyện đời, về danh lợi. Ông thường ngồi trên một chiếc xe hươu kéo, chở theo những vò rượu lớn và uống rượu triền miên, rồi sai người vác cuốc theo sau bảo nếu ông chết ở đâu thì chôn ở đấy. 

Vợ Lưu Linh thấy chồng uống nhiều rượu quá, thì can ngăn. Lưu Linh xin vợ được uống một lần cho say khướt, rồi chừa. Sau đó Lưu Linh khấn:

天 生 刘 伶 Thiên sinh Lưu Linh
以 酒 为 名 Dĩ tửu vi danh
一 饮 一 斛 Nhất ẩm nhất hộc (*)
五 斗 解 酲 Ngũ đấu (**) giải trình
妇 人 之 言 Phụ nhân chi ngôn
慎 不 可 听 Thận bất khả thính...
刘 伶          Lưu Linh

Khấn xong, uống say mềm, Lưu Linh lăn ra ngủ. Tuy say suốt ngày, nhưng đối xử với mọi người, Lưu Linh là người thâm hậu, lễ nghĩa, không bao giờ làm phật lòng ai. Ông cũng không bị bả vinh hoa, nạn thi cử để tiến thân khổ sở. Ông suốt đời chỉ lấy bạn và rượu làm niềm vui. Để ca ngợi rượu, Lưu Linh đã viết Tửu Đức Tụng (ca ngợi đức rượu) coi như một tuyên ngôn, đến đời sau đám tửu đồ coi đấy là một áng danh văn về rượu. 

Dịch Nghĩa Nôm

Trời sanh ra Lưu Linh này
Do rượu mà được nổi tiếng
Một lần uống là một hộc
Uống đến năm đấu thì say mèm (***)
Vợ nhà có lời khuyên
Coi trọng nhưng chẳng nghe theo.

Theo đo lường cổ của Tàu:
(*) 1 hộc = 1/10 lít
(**) 1đấu = 10 lít
(***) Tôi nghĩ 5 thăng (5 lít) có lý hơn. Bụng dạ nào chứa tới 50 lít rượu.

Dịch Thơ:

Lưu Linh trời sanh 
Nhờ rượu vang danh
Một hớp nửa xị
Năm lít ngủ yên
Vợ sợ nên khuyên
Ừ nhưng khó quá.

Quên Đi

Nghẹn Ngào


Người đời gạt nhau,
- Vì tiền!
Hại nhau,
- Vì danh vọng!

Còn anh?
Anh dối gạt em,
- Vì lòng em chân thật!
Anh đã hóa thân,
Sự dối gian thành hiện thực.
Em sa vào lòng,
ngã xuống vực sâu.

Để giờ đây,
Em nhận lấy tủi sầu!
Em oán hận - Em căm thù...
Hồn đau vất vưởng chu du cõi đời,
Tim giá buốt - Dạ tơi bời,
Oán khôn nên tiếng - Nghẹn lời yêu thương!

Atlanta, Mar. 01,1998
Thái Quốc Mưu

Hùng Ca Sử Việt 1: Đồng Bào


Đồng Bào

Thế giới này, chỉ duy nhất dân tộc ta mới có từ "Đồng Bào" (cùng chung một bọc) mà thôi. Hai tiếng thật thân yêu, nói lên tình ruột thịt của Người Việt. Kinh Thượng một dòng máu, một tổ tiên, một cội nguồn.
Trong dân gian luôn truyền tụng câu chuyện Một Mẹ Trăm Con từ đây…

Thuở xa xưa, cách đây lâu đời lắm, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương, sức khoẻ tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình, gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một trai, đặt tên là Sùng Lãm.

Lớn lên Sùng Lãm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Cũng như cha, Sùng Lãm có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân.

Lúc bấy giờ ở đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không một nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí đi du ngoạn khắp nơi.

Ðến vùng bờ biển Ðông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn năm mươi trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đều bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư tinh.

Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn sâu xuống đáy biển, trên hang có một dãy núi đá cao ngăn miền duyên hải ra làm hai vùng.

Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân, Lạc Long Quân đóng một chiếc thuyền thật chắc và thật lớn, rèn một khối sắt có nhiều cạnh sắc, nung cho thật đỏ, rồi đem khối sắt xuống thuyền chèo thẳng đến Ngư Tinh, Lạc Long Quân giơ khối sắt lên giả cách như cầm một người ném vào miệng cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng đón mồi. Lạc Long Quân lao thẳng khối sắt nóng bỏng vào miệng nó. Ngư Tinh bị cháy họng vùng lên chống cự, quật đuôi vào thuyền của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Ðầu Sơn, khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Ðầu Thủy, còn khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ.

Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn nghìn năm, đã thành tinh. Nó trú trong một hang sâu, dưới chân một hòn núi đá ở phía Tây Long Biên. Con yêu này thường hoá thành người trà trộn trong nhân dân dụ bắt con gái đem về hang hãm hại.

Một vùng từ Long Biên đến núi Tản Viên, đâu đâu cũng bị Hồ Tinh hãm hại. Nhân dân hai miền rất lo sợ, nhiều người phải bỏ cả ruộng đồng, nương rẫy, kéo nhau đi nơi khác làm ăn.
Lạc long quân thương dân, một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh, tìm cách diệt trừ nó.

Khi Lạc Long Quân về đến tới cửa hang, con yêu tinh thấy bóng người, liền xông ra, Lạc Long Quân liền hoá phép làm mưa gió, sấm sét vây chặt lấy con yêu. Giao chiến luôn ba ngày ba đêm, con yêu dần dần yếu sức, tìm đường tháo chạy, Lạc Long Quân đuổi theo chém đứt đầu nó. Nó hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ chín đuôi. Lạc Long Quân vào hang cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thuỷ tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo, đời sau mới gọi là Tây Hồ.

Dẹp yên nạn Hồ Tinh nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, và dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ, đến nay vẫn còn.

Thấy dân vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn, cao hàng nghìn trượng, trước kia cành lá sum suê tươi tốt che kín cả một khoảng đất rộng, nhưng sau nhiều năm, cây khô héo, biến thành yêu tinh, người ta gọi là Mộc Tinh.
Con yêu này hung ác và quỷ quyệt lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định, khi thì ở khu rừng này, khi thì ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi hạng ẩn nấp khắp nơi, dồn bắt người để ăn thịt. Ði đến đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết, Lạc Long Quân quyết ra tay cứu dân diệt trừ loài yêu quái. Lạc Long quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ mới tìm thấy chỗ ở của con yêu. Lạc Long Quân giao chiến với nó trăm ngày đêm, làm cho cây long đá lở, trời đất mịt mù mà không thắng được nó. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam, sống quanh quẩn ở vùng đó, người ta gọi là Quỷ Xương Cuồng.

Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy dân vùng này vẫn còn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ tranh làm ổ nằm bèn dạy cho dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ. Lạc Long Quân còn dạy dân ở cho ra cha con, vợ chồng. Dân cảm ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một toà cung điện nguy nga trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở, thường về quê mẹ dưới thủy phủ và dặn dân chúng rằng: "Hể có tai biến gì thì gọi ta, ta sẽ về ngay! "

Lúc bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam. Ðế Lai đem theo cả người con gái yêu rất xinh đẹp của mình là Âu Cơ và nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý. Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài. Phải phục dịch rất cực khổ, nhân dân chịu không nổi, hướng về biển Ðông gọi to: "Bố ơi! Sao không về cứu dân chúng con!". Chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân đã về.

Nhân dân kể chuyện, Lạc Long Quân hoá làm một chàng trai rất đẹp, có hàng trăm đầy tớ theo hầu, vừa đi vừa hát đến thẳng chỗ Ðế Lai ở. Lạc Long Quân không thấy Ðế Lai đâu cả, mà chỉ thấy một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng vô số thị tỳ và binh lính. Cô gái xinh đẹp đó là Âu Cơ. Thấy Lạc Long Quân uy nghi tuấn tú nàng đem lòng say mê, xin đi theo Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình, trên núi cao.

Ðế Lai về, không thấy con gái đâu, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi. Hết ngày này qua ngày khác. Lạc Long Quân sai hàng vạn các ác thú ra chặn các nẻo đường, xé xác bọn chúng làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy. Ðế Lai đành thu quân về phương bắc.

Bấy giờ nàng Âu Cơ mang thai, trải ba năm, ba tháng, mười ngày, thấy trên núi Nghĩa Lĩnh có mây lành ngũ sắc xán lạn. Đến giờ Ngọ, ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý, Âu Cơ thấy bào thai chuyển động. Đến giờ Ngọ, ngày 28, hương lạ đầy nhà, hào quang khắp phòng, bà sinh một bọc bạch ngọc, hương lạ giáng xuống. Bắt đầu sinh ở núi Ngũ Lĩnh, đất Thổ Thứu phong, ao sen đỉnh ngọc.

Lạc Long Quân thấy bà sinh ra bọc lạ, cho là xưa nay chưa có, việc lạ trong nước, bèn triệu văn võ bách quan trong triều vào chầu chính điện. Lúc ấy, giờ Ngọ, bỗng thấy trong thành giữa trời có ba tiếng hiệu lệnh làm chuyển động trời đất, sông núi, cỏ cây, vạn vật kinh sợ. Mây lành ngũ sắc sáng đầy khắp ba nghìn thế giới. Trên thượng điện, vạn chim bay, ngư, lân tụ hội theo gió mưa cống triều.

Ngài thấy quốc gia có điềm lạ khác thường, xuống chiếu cho các quan văn võ chỉnh đốn ý mạo, chay khiết lòng thành, tề tựu tại điện Kính Thiên, thắp hương đèn phùng chầu triều bái Hoàng Thiên Thượng Đế đến Tứ phủ vạn linh.

Tới giờ Thân hôm ấy, bỗng thấy một áng mây xanh từ hướng Tây kéo đến, tụ tại thềm rồng của điện Kính Thiên, tự nhiên có bốn vị tướng xuất hiện kỳ lạ, cao hơn trượng rưỡi, đầu đội mũ hoa, thân mặc bào xanh gấm vóc, eo thắt đai ngọc, chân đi hài sắt, miệng cười như hào quang sáng rực, mây tuôn cuồn cuộn, tay cầm một chiếc long bài (sắc) của Ngọc Hoàng

Thượng Đế: Ban cho Hiền Vương một bọc trăm trứng, sinh nơi ngọc khuyết, thành trăm người con trai trị nước. Nay sai bốn vị Đại Thiên vương giúp đỡ, che chở cho nước. Vậy ban sắc!.

Lạc Long Quân chiếu theo long bài, truyền các quan văn võ ngẩng mặt bái tạ trời, bái tạ Thiên vương.
Thiên vương nói:
- Trăm trứng ngọc bào do điềm rồng giáng sinh, thiên sứ báo cho Hiền Vương biết, hãy đặt vào bàn vàng, mang đến chùa Cổ Viễn Sơn, tên là Từ Sơn Thiên Quang Hòa Thượng Thiền Thứu Lĩnh (về sau đổi là Thiên Quang Thiền tự) đặt ở trong chùa, chọn lấy vị quan trai giới chầu trực, thắp hương không dứt.
Bọc đó vỡ ra, Lạc Long Quân bèn đỡ lấy thì bốn vị Đại Thiên Vương tự nhiên biến hóa, Hiền Vương càng thành tâm cầu đảo. Đến giờ Ngọ, ngày rằm 15 tháng Giêng, trăm trứng vỡ ra đều thành trăm người con trai; rồng thành năm sắc, điềm ứng sáng ngời, hương trời giáng xuống, đầy khắp núi sông. Được khoảng một tháng, không phải bú mớm mà tự trưởng thành. Tất cả các con đều có hình dáng đẹp lạ, tướng mạo phương phi, anh hùng nổi tiếng ở đời, cao lớn ba thước bảy tấc.

Lạc Long Quân triệu 6 nàng cung phi, giao phát gấm lĩnh, cắt may thành trăm bộ áo mũ cấp cho trăm người con trai. Cả ngày trăm con vui cười, thường lấy lá hoa ao sen đùa nghịch. Sau 100 ngày, các con khôn lớn, không nói mà hay cười. Qua 200 ngày, đến giờ Thìn ngày 20 tháng 7, cả trăm người con trai đều cười to, nói rằng:

Trời sinh Thánh Vương trị nước, giúp bốn biển thanh bình, quốc gia yên vui, là trăm hoàng tử đều ở thềm rồng điện thượng. Bỗng thấy một đám mây ngũ sắc từ không trung giáng xuống thềm rồng.

Lạc Long Quân thấy tám vị Thiên tướng, đầu đội mũ đồng, mình mặc thiết giáp, chân đi hài bạc, eo thắt dải rồng, dung mạo xán lạn, mắt sáng như sao, miệng xuất hào quang, tay cầm thần kiếm, linh trượng, bảo trữ, thiết phủ, đứng hầu hai bên tả hữu; hai bên đối chầu, hư không biến hóa, gió mưa ập đến, bay vượt nhiễu không trung trong điện Ngũ Lĩnh, rồi núi non thất hình, sông hồ sóng dâng trào.

Sau ba giờ ánh sáng rực rỡ, tám vị tướng mới xưng danh làm tám bộ Kim Cương, vâng sắc của Thượng Thiên chư Phật, Bảo Đế lệnh sai giáng xuống che chở cho trăm người con trai. Nay tất cả đã trưởng thành, hiểu biết nên tám vị tướng phụng mệnh đưa các vương tử đến cửa khuyết bái tạ Hoàng phụ, cai trị trong nước.

Tám vị tâu xong, bay lên trời biến mất. Tám vị ban cho Lạc Long Quân một chiếc long bài, một chiếc thiên bảo thần ấn, một viên bạch ngọc, một chiếc thần kiếm, một quyển thiên thư, một chiếc thước ngọc, một chiếc bàn vàng đặt ở trong điện. Hiền Vương nhận lấy, cho đây là trời ứng điềm lành, giúp yên trong nước.

Vua thấy trăm người con trai bỗng nhiên cao lớn, thân dài bảy thước ba tấc, mỗi người cầm một vật thiên bảo thần khí chia nhau đứng hầu hai bên tả hữu, bái tạ Hoàng phụ.


Ngài xuống chiếu rằng: Trời sinh trăm người con trai, đều văn võ thánh thần, anh hùng tài lược giúp nước yên bình, thiên hạ cậy nhờ bởi ơn giáo hoá, phụ tử quân thần cùng nhau vui hưởng”.

Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thuỷ phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hoá làm một con rồng vụt lên mây, bay về biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. Không thấy Lạc Long Quân trở về. Nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi:
"Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này".

Lạc Long Quân trở về tức khắc. Âu Cơ trách chồng:
- Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc mẹ con thiếp sống bơ vơ khổ não.

Lạc Long Quân nói:
Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.

Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai toả đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia nước ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.
Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.

Từ tích Cha Lạc Long Quân lấy Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nên dân tộc ta mới có từ ĐỒNG BÀO.



Trống Đồng Đông Sơn

Bối Cảnh Lịch sử

Trong âm mưu thôn tính và đồng hoá dân tộc Việt, các cuộc xâm lăng từ phương Bắc không ngừng tiếp diễn. Điển hình nhất là trong thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ hai, sau khi tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện tiến hành chính sách đồng hoá, thiêu huỷ tất cả những gì liên quan đến văn hoá nước ta. Chẳng những thế, Mã Viện còn trồng một trụ đồng trên có hàng chữ"Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" có nghĩa là "Cột đồng gãy, Giao Chỉ bị tiêu diệt". Dân Việt vì sợ cột gãy, nên khi đi ngang trụ đồng đều lấy đá thảy vào chân cột, lâu ngày thành cái gò cao.

Người Trung Hoa lợi dụng huyền sử, không xác định chính xác về tổ tiên, với chính sách đồng hoá, đến thời Mã Viện đốt sách xóa bỏ chữ viết của người Việt Cổ, xoá bỏ các ghi chép về thời Hùng Vương..v...v.. (cho đến nay tạo ra 1 vùng huyền sử cho Chính Sử Việt Nam : Hùng Vương huyền sử - Lộc Tục+Sùng Lãm+18 đời vua HÙNG(20 vua) mà trị vì hơn 2600 năm Trước Công Nguyên ? (*)


Ép buộc khuyến khích học Hán Tự. Các quan Tàu đô hộ tìm đủ mọi cách để xoá đi cội nguồn dân tộc Việt.

Với chính sách đồng hoá và xâm lấn, các triều đại Trung Hoa liên tục tìm cách đồng hoá người Việt thành người Tàu, bọn chúng đã đốt sách, hủy diệt văn hoá của người Việt và còn thâm độc hơn tự nhận là "con cháu Viêm-Hoàng"(Đế Viêm tức Thần Nông) để có ý chỉ rằng dân tộc Việt cũng là người Trung Quốc.

Vốn Thần Nông Thị (dòng họ Thần Nông) là dòng vua đầu tiên của các vị vua người Việt. Người Việt gọi là "Đế Viêm"(tiếng Việt), Người Tàu gọi là "Viêm Đế" (tiếng Hán)

Đế Viêm Thần Nông người phát minh ra việc trồng lúa nước. Vào thời điểm này người Trung Hoa sống ở phía bắc khí hậu ôn đới chỉ biết trồng lúa mạch lấy đâu ra kỹ năng trồng lúa nước của miền nhiệt đới mà nhận ông vua này của họ? Đến đời nhà Hạ, nhà Thương của người Trung Hoa lãnh thổ cũng chỉ ở phía Bắc sông Trường Giang lấy đâu ra vùng trồng lúa nước sông Trường Giang?

Các vua kế tiếp Đế Viêm Thần Nông gồm có : Thứ 2. Đế Thư. 3. Đế Lâm. 4. Đế Minh (Vua này sinh ra Lộc Tục là con thứ không phải con trưởng. Lộc Tục (Kinh Dương Vương) sinh ra Sùng Lãm chính là Lạc Long-Quân) 5. Đế Nghi 6. Đế Lai 7. Đế Lý 8. Đế Du Vọng


Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đế Minh là cháu ba đời của Vua Thần Nông. Khi đi tuần phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc Hồ Nam Trung Hoa) gặp một nàng Tiên, lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Sau đó phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam ( từ núi Ngũ Lĩnh trở vào Nam), Xưng hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ. Năm Nhâm Tuất 2897 trước Công Nguyên, Kinh Dương Vương cưới con gái của Thần Quân Động Đình Hồ là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân cưới con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ.

Theo truyền thuyết Việt Nam, Âu Cơ là Tổ Mẫu của người Việt. Tương truyền, Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai. Trong khi đi tuần thú phương Nam, ông đã để Âu Cơ lại trên một cái động. Khi Lạc Long
Quân đi đến đây thì thấy nàng xinh đẹp nên đã đem lòng yêu mến và đem về làm vợ. Hai vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sống với nhau.

Âu Cơ Sinh ra một bọc, trong bọc có 100 quả trứng. Trứng nở ra trăm đứa con. Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: " Ta là giống Rồng, Nàng là Giống Tiên. Thuỷ hoả tương khắc, khó mà chung hợp nhau. Nay Nàng dẫn 50 con lên núi. Còn ta đưa 50 con xuống biển", chia nhau cai quản các vùng. Khi hữu sự hãy thông báo cho nhau để giúp đỡ. Đây là tổ tiên Bách Việt. Lạc Long Quân đưa các con xuống miền biển Nam Hải, phong cho con trưởng làm vua Hùng Vương đặt tên nước là Văn Lang.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn


Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Thánh Nữ Mùa Hạ Nhạc &Lời Phạm Anh Dũng Hòa Âm: Quang Đạt


Nhạc &Lời Phạm Anh Dũng
Hòa Âm: Quang Đạt     
Tiếng Hát: Nguyễn Quang  
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan

Đêm Công Viên



Thơ lơ cành liễu thả buông lơi
Lác đác người thăm lặng lẽ rời
Vũ trụ bao la đây nhắn gửi
Thiên nhiên tuyệt tác đó xin vời
Lang thang mây cuộn tầng êm ái
Lãng đãng trăng soi ánh đẹp ngời
Se sẽ côn trùng vang khúc tấu
Ân cần hòa giọng gọi:“Người ơi!”

Thúy M.

Trăng Muôn Đời Vẫn Sáng



Liễu rũ trăng nghiêng soi bóng cửa,
Trải dòng suối bạc ngỡ rừng xưa.
Vói tay mới biết làn hư ảo
Ðêm vẫn còn thơ mộng sớm thừa!

Ai nỡ kéo trăng xuống chốn này
Để màu trăng biếc nhạt chân mây!
Thích trăng ta đến bên bờ suối
Ttìm chút nguồn thơ, phút đắm say.

Đêm khuya ta sợ trăng trôi mất
Sợ gió lên nhiều thổi trăng bay !
Viễn xứ ngàn trùng thương xóm cũ
Hạ về hoa đỏ rực quanh đây

Chợi nhớ phượng xưa trăng phố nhỏ
Áo em vàng lụa tưởng vần thơ
Phố trăng huyền diệu tình chung bước
Ôi mộng thần tiên thuở học trò!

Nửa đêm tỉnh giấc buồn tê tái
Đời tựa mây trôi cánh hoa phai
Lặng lẽ mùa đi nào có biết,
Phố xưa phảng phất nỗi u hoài!

Trăng muôn đời vẫn là trăng mộng
Tỏa ánh tơ vàng thắm khoảng không
Lộng lẫy trong đêm đầy diễm ảo
Sớm mai trăng lẫn cõi phiêu bồng.

Thế sự thăng trầm trăng vẫn sáng
Con thuyền xuôi ngược bến đò ngang.
Bóng trăng có lúc tròn trăng khuyết
Trăng của riêng ta mãi dịu dàng.

Đỗ Bình

Còn Lại Gì Cho Ta Sau Cơn Đại Dịch?


- Có bao giờ nhìn lại, thấy mình chẳng phải đi làm, cứ ngồi nhà chơi không, mà tiền thì chính phủ cứ bỏ thẳng vào tài khoản? Để thấy mình Hạnh phúc hơn nhiều người 

- Có bao giờ nhìn lại, thấy hàng chục ngàn bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện, ngày đêm phải hy sinh tánh mạng để cứu nguy người khác? Để thấy mình Sung sướng hơn nhiều người 

- Có bao giờ nhìn lại, thấy hàng trăm ngàn bệnh nhân ra đi, không được nhắn một lời trăn trối, nhắm mắt không được nhìn người thân lần cuối? Để thấy mình May mắn hơn nhiều người 

- Có bao giờ nhìn lại, thấy mình đã từng xếp hàng, giành giật từng cuộn giấy vệ sinh, từng chai cồn rửa tay, từng thất vọng khi thấy bảng "sold out"? Để nhận ra Tâm mình vẫn còn THAM

- Có bao giờ nhìn lại, thấy mình đã từng bực tức, bất mãn, khó chịu khi bị "giam lỏng" trong nhà, không được ra ngoài đi đây đi đó tùy thích? Để nhận ra Tâm mình vẫn còn SÂN

- Có bao giờ nhìn lại, thấy mình đã từng là một trong những người không mang khẩu trang, chẳng cần giữ khoảng cách, hô vang khẩu hiệu "tự do hay là chết"? Để nhận ra Tâm mình vẫn còn SI

Cuộc sống vốn vô thường. Không có gì tồn tại mãi. Mọi chuyện rồi sẽ qua. Cơn đại dịch này cũng vậy. 
Nhưng còn lại gì cho ta? Có còn chăng, là những bài học rút ra để nhìn lại chính mình! 

Như Chiếu
( Bát Sách sưu tầm)


Tiếng Tơ Chiều


Xướng:
Tiếng Tơ Chiều

Nắng rơi chậm rãi khiến dưng buồn
Ai gọt âm đàn não sắc tuôn
Hơi nóng tây dồn niềm khắc cả
Chân thâm đông gợi nét sầu đơn
Lòng ta thấm gợn chi chi lạ
Dạ khách nghe chùng lắm lắm không
Khéo khéo người ơi vươn nốt nhẹ
Xoa hồn vợi bớt lúc chiều buông

Cao Bồi Già
***
Các Bài Họa:
Tương Tư

Thao thức từng đêm dạ trĩu buồn!
Canh tàn dỗ giấc lệ hoài tuôn!
Khêu đèn lẳng lặng tìm thư cũ
Tựa gối âm thầm tủi phận đơn
Tình bạn niềm riêng còn giữ đó
Quê người đất lạ hỏi về không?
Tương tư mộng ảo hằng nhung nhớ!
Dẫu biết xa rồi ngại khó buông!

Như Thu
24/06/2020
***
Chiều Lữ Thứ

Hoàng hôn lặng lẽ, hắt hiu buồn
Chua xót lòng ai sầu mãi tuôn
Giọt nắng lung linh niềm quạnh quẽ
Tơ trời vương víu nỗi cô đơn
Thì thầm gió thổi qua đồng vắng
Lững thững mây bay dạo khoảng không
Lữ khách hoài mong về cố quốc
Nghe hồn lạnh lẽo, giọt sương buông…

Thanh Trương
***
Đàn Chiều

Đàn ai trầm bổng rắc rây buồn
Nhè nhẹ...thôi là giọt lệ tuôn
...Sóng vỗ mênh mang niềm khắc khoải
...Gió lùa lây lất nỗi cô đơn
Tay mềm,ngón khéo hoà nơi tĩnh
Nhạc dịu lời hay quyện khoảng không
Thoi thóp ban chiều tia nắng nhạt
Tâm hồn xao xuyến...tiếng tơ buông

Thanh Hoà
***
Mưa Chiều

Mưa rơi nhè nhẹ bỗng sinh buồn
Nước mắt nghe chừng cũng muốn tuôn
Tâm sự vơi đầy thân lẻ chiếc
Khuê phòng quạnh quẽ cảnh cô đơn
Nỗi đau ray rứt hoài chưa cạn
Sắc diện phai tàn có biết không ?
Tí tách giọt sầu như rót mãi
Tơ lòng trĩu nặng lúc ngày buông

Thiên Lý
***
Trầm Bổng

Nhớ nhung chốn cũ xuyến xao buồn
Trầm bổng tâm sầu nước mắt tuôn
Vương vấn tơ duyên, sầu bóng chiếc
Luyến lưu tình ái, lạnh thân đơn
Nhiều khi ôm ấp niềm đau đớn
Mấy thuở thả lơi chữ sắc không
Sáu khắc qua đi đêm vụt đến
Canh dài bủa khắp chớ hề buông!

Phượng Hồng
***
Sầu Lẻ Bóng

Tình là giấc mộng lắm sầu tuôn
Bởi thế từng đêm trở giấc buồn
Kiếm bạn tri âm xoa khắc khoải
Tìm người tri kỷ thoát cô đơn
Thề xưa khắc dạ luôn còn đó
Quê cũ hỏi lòng có hiểu không ?
Chút thoảng hương nồng vương vấn mãi
Ta tìm kỷ niệm lúc tà buông

songquang
20200625
***
Lẻ Bạn

Nhìn tháng ngày qua dạ trĩu buồn
Mùa này mưa gió sụt sùi tuôn
Đường xa, sương lạnh, người cô độc
Phòng vắng, đêm sầu, ta quạnh đơn
Dõi áng mây trôi về núi thẳm
Nhìn đàn chim lượn giữa trời không
Ngậm ngùi tủi phận sầu ly biệt
Lời hẹn vẫn còn, tay đã buông...

Sông Thu
( 25/06/2020 )
***
Nhớ Nhà

Vườn xưa ngàn dặm sắt se buồn
Dạ khúc nghẹn ngào lệ khách buông.
Lạnh lẽo song thưa phòng sách vắng
Lững lờ mây xám bóng chìm đơn.
Lòng quê man mác tình vời vợi
Ngày tháng não nề nỗi quạnh không.
Cố quốc muôn trùng giờ có lẽ
Mưa hè nhà ngập nước đang tuôn!

MaiLoc
6-25-2020
***
Mọc Tơ Buồn

Quạnh hiu đáy não mọc tơ buồn
Đượm sắc hương trần nét nhạc tuôn
Hai rệ chiều thu thờ thẫn kép
Một sòn sớm hạ não nề đơn
Thấm vào câu chữ nên tờ có
Lướt đụng meo bàn nhảy khoảng không
Được cái trời ban thần trí vững
Thiên sầu lãng đãng bốn mùa buông.

Trần Như Tùng
***
Giọng Trúc Buồn

Ai nỡ so tơ thả nỗi buồn
Để mình nước mắt lặng thầm tuôn
Lênh đênh sóng nổi dòng sông cũ
Lác đác mưa sa quán lá đơn
Rời cửa tam quan, nghe mõ lạnh
Qua vườn giác ngạn, ngó trời không
Mới hay tâm động thành vương sắc
Trầm bổng thương ca tiếng trúc buông...

Hawthorne 25 - 6 - 2020
 Cao Mỵ Nhân, 
***
Hương Xưa

Lá đổ chiều rơi thấm nỗi buồn
Chim vờn mọi hướng lệ chừng tuôn
Người đang lủi thủi sầu hiu quạnh
Kẻ đã âm thầm tủi giá đơn
Phím lạc xuân nồng âm nhạc bổng
Cung sầu hạ biếc tiếng đàn không
Sông xưa “Dạ Khúc” còn vang vọng
Cảnh nhạt hiên thềm bóng nắng buông 

Minh Thuý
Tháng 6/25/2020
***
Còn Vương...?

Đã nhủ trăm lằn nhất định không...
Tội gì ôm chặt mối tình đơn
Người đi...mặc kệ...hơi đâu nhớ
Đất sập...màng chi...cũng chẳng buồn
Ngõ vắng... lạnh lùng cơn gió thoảng
Đêm dài ...réo rắt giọt mưa tuôn
Tiếng đàn ai gợi bao tha thiết...
Tưởng dễ ...nhưng mà khó thể buông!

Thy Lệ Trang