Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Nói Với Học Trò


(Tặng các em ở Nguyễn Cảnh Chân, thời xưa)

Thầy trở về nhìn các em lần nữa
Những đầu xanh thơm bút vở học trò
Những chiếc áo viền đường bay quá khứ
Những màu môi sáng rực tuổi ngây thơ.


Thầy trở về ôm nỗi buồn chiến trận
Nghe chim kêu tự thành cổ rêu vàng
Xếp trang sách dâng đời cho bom đạn
Trái tim sầu mang trời đất tan hoang.


Thầy trở về hình đã đen hơn trước
Râu thì dài, bóng thì lụn ưu tư
Và ngậm ngùi nhìn các em lần lượt
Vơi dần đi như lá rụng mùa thu.


Thầy trở về dẫm dấu giày lang bạt
Trên thềm xưa đếm từng bước thương đau
Các em có những ước mơ khao khát
Giờ tiêu tan mây khói giữa trời cao.


Thầy đứng đây vụng về trong cách nói
Có nỗi buồn xin dấu kín tâm tư
Các em sớm đeo tuổi đời mệt mỏi
Trĩu oằn vai những gánh nặng suy tư.

Phạm Hồng Ân


Thơ Tranh: Nguồn Cội


Thơ & Thơ Tranh: Nguồn Cội

Xướng Hoạ: Nhớ Quê Xưa


Bài Xướng

      Nhớ Quê Xưa
Văng vẳng vườn ai tiếng nhạc ve 
Nhớ làng quê cũ những trưa hè 
Ru con, mẹ hát sau phên trúc 
Thắp nắng, hạ về trên nhánh me 
Xơ xác hàng cây bên lộ đất 
Khô cằn đám ruộng cuối bờ tre 
Ngậm ngùi ôn lại thời thơ ấu 
Quặn thắt trong lòng nỗi sắt se. 
                      Phương Hà
 * * *
Các Bài Họa 

          Trưa Hè 
Trong khóm cây già rộn rã ve , 
Võng ai kẽo kẹt vẳng bên  hè . 
Gục gù chim gáy trên tàu lá , 
Phe phẩy trâu nằm dưới gốc me . 
Eo óc gà trưa ru nắng hạ , 
Mơ màng quán nhỏ núp lùm tre . 
Đò ngang ngáy ngủ con sào cắm , 
Lúc chín gợn đồng nước đã se .
                            Mailoc 
                        Cali  6-24-14 
* * *
        Chiều Quê 
Nỉ non nhạc khúc ngấn sầu ve 
Sáo thổi vi vu nhớ gọi hè 
Lời mẹ ru buồn bên ngõ trúc 
Cánh chuồn bay nhẹ dưới cành me 
Ngẩn ngơ làn nắng dìu cơn gió 
Eo óc tiếng gà gáy bụi tre 
Thơ ấu trôi về nao ký ức 
Tình quê man mác nỗi lòng se 
                      Trầm Vân    
* * *     Hè Nhớ Quê Xưa
Nhớ hoài ra rả tiếng ve ve,(1)
Oi bức làm sao cái nắng hè.
Vàng rực chói chan chòm điên điển,
Lặng im phăng phắc mấy hàng me.
Cụ già phe phẩy tìm hơi gió,
Trẻ nhỏ nô đùa núp bóng tre.
Xa tít chân trời làng xóm cũ,
Hè về mỗi độ lại lòng se !
                  Đỗ Chiêu Đức.

 GHI CHÚ :
       (1). Ở xứ Nam Kì Lục Tỉnh của tôi, bà con gọi con VE SẦU là con VE VE.


* * *        Nhớ Hè Xưa
 (Mượn vận và ý bài thơ 
    Nhớ Quê xưa của Phương Hà)

Ngoài vườn văng vẳng tiếng con ve
Mới biết trời đang chuyển đến hè
Thương thuở võng nằm kêu kẻo kẹt
Nhớ thời trốn học lén trèo me
Hái chùm phượng đỏ khi tan lớp
Đón tặng người em dưới luỹ tre
Hạ ở xứ người lòng luyến tiếc
Quê nhà sen nở dạ buồn se 
                       Song Quang
* * *

         Nhớ Một Mùa Hè  
Trên cành tha thiết tiếng chàng ve  
Nhớ thuở buồn thương mỗi lượt hè 
Bịn rịn chia tay bên gốc phượng  
Nôn nao hò hẹn dưới tàng me 
Thế rồi có kẻ quên bờ bến  
Nhưng vẫn còn người nhớ luỹ tre 
Năm tháng lạnh lùng cay mặn đắng 
Nhớ về kỷ niệm thấy lòng se  
                               Quên Đi

Chiều Mưa Hà Nội - Sáng Tác Nguyễn Tiến - Ý Lan

      Cơn mưa chiều Hà Nội gợi nhớ kỷ niệm, nhớ người yêu nơi xa.Hồ Tây là chốn cũ, cơn mưa chiều nay đưa em vào nỗi nhớ,nhớ nụ hôn đầu lúc chia tay, mưa làm cho nỗi nhớ như nhiều hơn, em đếm từng hạt mưa rơi, để gởi nỗi nhớ đến anh, anh có biết không?

 

Sáng Tác: Nguyễn Tiến
Tiếng Hát: Ý Lan
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình



Nỗi Niềm


Thu đi em nuối tiếc
Thu về thương lá phai
Trăng sầu soi bóng chiếc
U hoài nhớ tình ai

Từ cỏ hoa biết khóc
Tháng bảy mùa mưa Ngâu
Từ thu vàng trở gót
Mắt em vướng lệ sầu

Ngỡ ngàng chiếc lá bay
Theo cánh gió heo may
Quẩn quanh miền kỷ niệm
Phương trời anh có hay?

Chiều tàn, phai nhạt nắng
Mây tím buồn giăng giăng
Em ngồi soi đêm trắng
Nơi bến vắng cùng trăng

Nỗi niềm anh, em hiểu!
Buồn em, anh thấu chăng?

Yên Dạ Thảo
11.12.2012

Niềm Riêng


(Từ Nỗi Niềm của Yên Dạ Thảo)

Đầu đông nghe nuối tiếc
Mùa thu lá vàng bay
Nhớ sao đôi mắt biêc
Lạc vào hồn ta say

Nỗi niềm gửi theo gió
Bay về tận nơi nào
Có người em ngày đó
Đón nhận lòng mê say

Đông này ta một lối
Em đi có nhớ gì
Một lời ta chưa nói
Nỗi niềm nào ai hay

Em phương trời xa lạ
Ta khép lại cuộc đời
Trong mùa đông tàn tạ
Như là thoáng hương bay

Nỗi niềm ta, ta hiểu
Nỗi niềm em, em hay.

Thế Thôi (Đỗ Hữu Tài)


Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Hận Loài Sâu



      Nhân một chuyến đi lanh thang ngoài hoang dại. Tôi khám phá một loài hoa vàng rất lạ và rất đẹp. Vốn dĩ không có tay trồng trọt nên tôi chỉ đứng ngắm chứ không mơ được loài hoa này ở trong vườn mình. Nhưng càng ngắm càng thèm thuồng, càng tưởng tượng nó nở bung trong vườn nhỏ, mà tựa như một nàng giai nhân đang tắm nắng chiều chơi vơi với gió thì tuyệt. Càng nghĩ thì sự ham muốn dâng trào, niềm khoái cảm đưa theo. Cảnh vật bị lãng quên dưới cảm xúc. Đôi tay tôi ngứa ngáy, rộn ràng. Thế là tôi phải ngả người chồm xuống để bế nàng về. Một chồi non nho nhỏ cũng đủ ước mơ.

      Từ đó tôi vun xén nàng, từng ngày mớm cho nàng từng giọt nước lên môi. Từng buổi chiều chờ mong nàng nẩy nụ, đơm hoa. Nâng niu vuốt từng ngón tay nàng, từng nếp xiêm y cho thẳng mượt. Sau mấy tháng trời nàng bắt đầu đơm nụ. Những nụ môi yêu kiều, chúm chím.
Nhưng chưa kịp xem nàng cười thì, tai biến. Tôi phải đi công tác . Hai tuần phải xa nàng nên tôi cẩn thận che mái, sợ nàng phải chịu nắng mưa, đay nghiến. Tôi gắn cái vòi nước chu kỳ (timer) để nàng uống những giọt tình ngọt lịm của tôi. Và tôi ra đi.

      Hai tuần lưu đày rồi cũng qua. Vừa từ phi trường về là tôi chạy thẳng ra sau vườn, tìm đến nàng. Ôi thôi! Nụ cười đã chết. Nụ cười nàng đâu không thấy mà tôi chỉ còn thấy một chiếc kén còn vướng đó. Và một con bướm đầy màu sắc rất đẹp đang lượn quanh. Niềm đau xót, lẩn bực dọc, tôi muốn bắt con bướm kia để đòi lại nụ cười mà tôi chờ đợi, vun xén. Tôi chờ. Tôi rình . Tôi rón rén . Mãi hơn mười phút tôi mới bắt được cái tên tội nhân vô liêm sĩ kia. Cái tên tội nhân bất nhẫn kia. Tôi đưa tay định bẻ chân của nó để trả thù. Nhưng nhìn đôi cánh đủ màu đang bung đi, khép lại trên đầu ngón tay tôi trong sợ hải của nó. Tôi chùng lại. Tôi lại ngần ngại. Tôi bỗng lại tiếc nuối cho đôi cánh đẹp phải bị hành hạ .

      Tôi thả người ngồi xuống bệ đá. Nghe như có những sợi tơ từ chiếc kén còn sót kia đang quấn chặc lấy mình, đang căng dài mình ra hai chiều đối nghịch . Nụ môi kia tôi chưa lần được hưởng, đôi cánh này sao lại lắm tơ vương. Cuối cùng, như một đấng từ bi, những ngón tay tôi buông xuôi và con bướm vụt bay đi. Nó còn vờn lại trên ngọn cây như một chút gì đắc thắng.

      Nhìn lại cụm hoa hôm nào mà nghe lòng bâng khuâng. Một loài sâu ăn bám đã từng hút máu của những gì tôi yêu dấu, đã từng gặm nát những gì tôi tiếc thương, đã giết đi những gì tôi nâng niu, dung dưỡng. Nó đã bất kể đến sự tàn độc mà nó đã để lại . Đến khi nó thành bướm, hoá màu thì tôi lại không đủ nhẩn tâm. Tôi cất tiếng thở dài, hơi thở dài đến bất tận tựa như không đến hồi chấm dứt. Phổi tôi lép kẹp mà vẫn muốn thở dài 

      - Ôi! Đời sao lại dễ quên.

Hoài Tử

Cánh Diều Ngày Xưa


Xa em gió thổi lạnh vèo
Bước chân nghe mỏi dốc đèo nhân gian
Hoàng hôn về khắp non ngàn
Lối đơn xác lá rụng vàng buồn thu.
Thảo nguyên chiều lạnh sương mù
Mình ta ngồi với lời ru muộn màng
Bến tình một chuyến đò ngang
Bởi chân bước chậm lỡ làng thuyền xa.
Chiều nay một buổi thu tà
Thảo nguyên gió lạnh sương nhòa buồn hiu
Mây không che được nắng chiều
Gió không chở nỗi cánh diều ngày xưa
Thì thôi còn chút hương thừa
Ta đi góp nhặt để chừa mai sau.


Vĩnh Trinh

Trí Nhớ Mưa - Sáng Tác Ngu Yên



Sáng Tác: Ngu Yên
Trình Bày: Nguyên Thảo
Phối Nhạc: Lý Giai Niên


Hồn Quê


Nhiều khi nắng tắt bóng hoàng hôn
Lòng bỗng bâng-khuâng nhớ chập-chờn
Xóm nhỏ ngày xưa hình ảnh ấy
Ngổn ngang kỷ-niệm lấn vào hồn

Thôn xóm điêu tàn bởi chiến tranh 
Dân cư tứ xứ với tình thân 
Thợ rèn thợ mộc chen vai sống 
Biến đổi hoang vu mãnh đất lành 

Những căn nhà lá dọc bờ sông
Nền đất phên tre mặc gió lồng
Nho nhỏ vườn sau, rau mấy liếp
Thanh bình vui sống chỉ cầu mong.

Những buổi trưa hè không gợn mây 
Nắng tuôn xối-xả bụi tre gầy 
Túc con gà mái đang bươi đất 
Phơi bụng chó nằm  dưới bóng cây 

Xao-xác gà trưa vẳng bến sông 
Xuồng ai lặng-lẽ cứ xuôi dòng 
Võng đưa kẽo-kẹt bà ru cháu 
Thôn xóm quanh co vắng lạ-lùng.

Chiều buông lặng-lẽ gió hây-hây 
Xóm dưới xôn xao lẫn tiếng chầy 
Đùa giởn sân đình bao trẻ nhỏ 
Mãi chơi quên hết mẹ la rầy.

Cơm chiều khói tỏa giữa sương mờ 
Lãng-đãng mây hồng mấy sợi tơ 
Ríu-rít chim về trong khóm lá
Điu hiu thôn xóm lặng như tờ

Dòng sông man mác lững-lờ trôi
Neo bến thuyền ai sắp tối rồi 
Trìu mến tiếng ru hoà tiếng trẻ 
Chuông chùa xa vắng cuốn hồn tôi 

Mailoc
( Xóm Rạch Miễu  KP những năm 1955-1965)
          

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Bóng Chiều Xưa


Dĩ vãng xa xưa vẫn hiện về
Mắt môi còn nhớ thuở đam mê
Vườn cây ngày cũ đầy kỷ niệm
Văng vẳng đâu đây tiếng hẹn thề

Tình ngỡ chôn sâu vào ký ức
Sao người năm cũ vẫn quanh đây
Thao thức niềm yêu con tim gọi
Âm thầm nỗi nhớ giọt mi cay

Từ lúc anh xa buồn dịu vợi
Quê nhà quyện khói giữ hoàng hôn
Bờ sông con nước chiều in bóng
Một mối thương yêu vẫn mãi còn.

Biện Công Danh
June 14
* Ảnh của tác giả ghi lại Bến Vĩnh Long

Bạch Hóa


Nếu thật em là nguyệt
Xin hãy làm trăng thanh
Trên trời cao vằng vặc
Đừng ghé đời riêng anh

Anh là sông chảy ngược
Trên những nhánh mê say
Anh chỉ là lãng tử
Giữa đất trời mưa bay

Nhưng ơ kìa thật lạ
Đã nói không cơ mà!
Sao tự dưng rộn rã
Muốn yêu em thật thà

Anh nhặt từng giọt nắng
Chiều nam phương hắt hơi
Dường như ai đó nhắc
Chắc yêu em thật rồi

Ơi! Vòng tay bối rối
Chạm nụ hôn ngẩn ngơ
Dù tình yêu không tuổi
Nhưng mây trôi hững hờ

Trăng thanh và nguyệt khuyết
Cách nhau một đường tơ
Em ơi nhanh lên nhé
Thời gian không đợi chờ.

Ht Nguyệt khuyết

Thanh Thúy



Thơ: Vũ Hối
Thơ Tranh: Kim Oanh

 

Sáng Tác: Trúc Phương
Tiếng Hát: Thanh Thúy

Chí Sĩ Trương Gia Mộ

     Trương gia Mô con quan đại thần Trương gia Hội . Ông chịu ảnh hưởng của phong trào Tân Văn (Lương Khải Siêu ... ) và ảnh hưởng Nga Nhật chiến tranh - Nhật thắng Nga. Ông bỏ gia đình ở Phan Thiết vào Nam hô hào Đông Du ( lúc đó phong trào Đông Du ở Miền Nam mạnh hơn ở Trung Bắc ). Cuối cùng ông buồn chết ở miền Tây Nam Việt!


Tự Trào

Tảo tuế thiết hư dự
Nhĩ thân cố bất trường
Cầu thi khổ dục tử
Đắc tửu hỉ thành cuồng
Lũy lủy táng gia cẩu
Hành hành luy giác dương
Giang thiên không độc lập
Lưu thủy hạ tàn dương

Trương Gia Mô

Dịch :

Thuở nhỏ dược tiếng hão
Ngẫm lại chẳng nên thân
Mần thơ khổ muốn chết
Hớp rượu vui như điên
Lông bông chó mất nhà
Vướng sừng dê mắc dậu
Bơ vơ không chốn đậu
Sông chảy dưới chiều tà

Chân Diện Mục

* * *

Tức Sự

Chấn y du đế lý
Đê thủ nhập công ty
Bổng hướng bạc ư chỉ
Bộ thư phần nhược ty
Kính trung nhan sắc hậu
Mộng lý thần hồn bi
Dao chỉ Nam Sơn tế
Chung đương dữ ngã kỳ
Trương Gia Mộ

Dịch:

Sửa áo vào kinh kiếm chút chi
Lò dò ngần ngại đến nha ty
Ai ngờ lương mỏng như tờ giấy
Sổ sách lu bù rối quá đi
Mặt mũi soi gương nào thấy tệ
Mà sao nhắm mắt chỉ sầu bi
Ngẩng đầu , chỉ núi , quê ta đó
Về quách đi thôi luyến tiếc gì

Chân Diện Mục

Nhớ Ơi Là Nhớ


Đêm lắng xuống chìm vào lòng đất lạnh
Nỗi nhớ nào làm vang vọng trong tim
Năm canh dài, đêm trăn trở dài thêm
Như vô tận… trăng mềm soi bóng ngã
Sáng rất lạnh, lá thu rơi lả tả
Anh nhớ em, anh nhớ quá em ơi
Hồn thẫn thờ theo từng chiếc lá rơi
Nhớ tiếng nói, nhớ giọng cười, ánh mắt
Ôi nỗi nhớ làm gan bào, ruột thắt
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi!

24.11.2006
Yên Sơn


Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Khuyết Đề - Lưu Tích Hư ( -714 - )

      Sáng nay , bắt gặp được một nét đẹp thanh thoát - lời nổi ý chìm - trong một bài thơ xưa, mà ở lần chuyển dịch mấy năm trước, trong Mây Tần , tôi đã không "thấy" được. Chép ra đây để mọi người trong nhà đọc cho vui. Cầu chúc an lành. Thân quí. PKT 06/26/2014


Khuyết Đề - Lưu Tích Hư ( -714 - )

Đạo do bạch vân tận
Xuân dữ thanh khê trường
Thời hữu lạc hoa chí
Viễn tùy lưu thủy hương
Nhàn môn hướng sơn lộ
Thâm liễu độc thư đường
U ánh mỗi bạch nhật
Thanh huy chiếu y thường


Dịch Xuôi : Khuyết Đề (Thiếu Đề Bài)

Cuối đường đi là vào vùng mây trắng
Sắc xuân dài dọc theo khe suối xanh
Lác đác vài cánh hoa rụng trôi lạc đến
Hương thơm theo dòng nước cuốn bay xa
Cổng nhà thanh nhàn nhìn ra lối lên núi
Phòng đọc sách nằm trong khu liễu rậm
Ở chốn u nhã này mỗi khi mặt trời lên
Áo quần vương đầy những đốm nắng lung linh

Khuyết Đề

Đường tận chân mây trắng
Xuân dài dọc suối xanh.
Hoa trôi khe nước mát
Hương tỏa khí trời lành.
Núi chắn ngoài đầu ngõ
Liễu buông quanh họa đường.
Ngày qua ngày lặng lẽ
Áo bạc nắng tha hương.

26/6/2014
Phạm Khắc Trí

Một Đời














Chụp Ảnh: Trương Văn Phú

Trăng Soi Đời Nhánh Sông Con




        (Riêng Nguyệt Khuyết)

Trăng thiếu phụ như thuyền mơ
hình quay quắt nhớ vật vờ cười khan
chút tình theo dòng lang thang
thiếu hình bóng nhạt nửa vầng trăng rơi
người ơi xin nói một lời
cho dù gian dối đãi bôi cũng đành
cho ấm lòng khách lữ hành
trên từng dặm mỏi thiếu đồng hành vui
qua sông qua núi ngậm ngùi
khác gì thời lính dập vùi tro than
chưa tàn cuộc đã rã đàn
vượt cơn sóng dữ quá giang xứ người
viễn phương làm kiếp ma hời
đêm mơ bóng nguyệt ngày bơi ngược dòng
cuối cùng cũng là nhánh sông
lang thang say khướt biết không nguyệt mềm
môi thơm cỏ biếc hằng đêm
về theo mộng mị gối êm chỗ nằm
trăng ơi, hãy cứ mãi rằm
nghiêng minh đăng xuống chiếu chăn vẫn chờ
đời là thật hay là mơ
xui chi gặp gỡ ngẩn ngơ thế này
tự thương người mỏi cánh bay
tàn y xếp lại hương say vẫn nồng

Trăng ơi hãy là nụ hồng
nở ra đỏ thắm tươi lòng cuồng nhân
người điên không nói xa gần
bởi vì trong thật có mầm dối gian
điên là tỉnh nên mãi cần
ngày sau sỏi đá mộ phần gần nhau.

T.

Thơ Tranh: Bài Thơ Đã Sửa


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ánh Sáng Vô Minh - Đông Hồ



Tiểu Sử Tác Giả

      Thi sĩ Đông Hồ (10/3/1906 - 25/3/1969) tên thật là Lâm Kỳ Phác (Tấn Phác), hiệu Đông Hồ (Ông sinh trưởng ở ven Đông Hồ ấn nguyệt, một thắng cảnh trong Hà Tiên thập cảnh), Thuỷ Cổ Nguyệt (chiết tự chữ Hồ).

      Ông sinh trưởng ở nơi cùng tịch, nên chữ Pháp, chữ Hán đều được học rất ít. Chỉ chuyên tự học tiếng Việt mà thành văn, thi tài. Từ năm 1923 đến năm 1933, viết cho tạp chí Nam Phong xuất bản ở Hà Nội, trong đó, làm văn nhiều hơn làm thơ. Năm 1935, nghỉ viết báo Nam Phong, chủ trương tuần báo Sống, tự lực xuất bản ở Sài Gòn. Năm 1953, giám đốc Nhân Loại tập san, xuất bản ở Sài Gòn, để làm cơ quan cho nhà xuất bản Bốn Phương và nhà Sách Yiểm Yểm thư trang sáng lập từ năm 1950.

      Từ năm 1926 đến năm 1934 Ông mở nhà nghiã học trên bờ Đông Hồ lấy tên là "Trí Đức học xá", chủ trương chuyên dạy bằng tiếng Việt, cổ động khuyến khích cho học trò và bè bạn tin tưởng ở tương lai Việt ngữ.

Đã xuất bản:
- Thơ Đông Hồ (Nam Ký thư quán Hà Nội, 1932).
- Linh Phượng, tức Trác Chi Lệ Ký tập (Nam Ký thư quán Hà Nội, 1934).
- Cô Gái Xuân, thơ (Vị Giang văn khố Nam Định, 1935).
- Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc Văn, biên soạn chung với Trúc Hà (Trí Đức học xá, 1936).
- Hà Tiên thập cảnh (Bốn Phương Sài Gòn, 1960).
- Trinh Trắng thơ (Bốn Phương, 1961).

Áng Sáng Vô Minh


Em thút thít là bắt đầu sắp khóc
Hồn rạt rào như sóng vỗ liên miên
Tuổi mười sáu là trăng vừa mới mọc
Lệ của tình nên rớt xuống vô biên

Anh chạy đến cầm tay em thật chặt
Bởi mơ hồ nghe trái đất rung rinh
Ôi kiêu hãnh khi nhìn em tận mắt
Anh thấy rồi ánh sáng của vô minh.


Đông Hồ
Suối Dâu sưu tầm

Cách Đuổi Gián Đơn Giản, Hiệu Quả

Bằng những nguyên liệu dễ kiếm như dưa chuột, nước đường, hành tây, bạn có thể đuổi được gián đi.


1. Nước xà phòng
Bạn hòa hỗn hợp nước với xà phòng rồi cho vào bình xịt, xịt trực tiếp lên gián hoặc tổ gián sẽ làm chúng chết nhanh chóng.
2. Nước đường
Bạn dùng một cái hộp sắt cho vào đó 3 thìa đường, hòa tiếp cùng với nước nửa bát đặt vào nơi gián thường đến để nhử. Ngửi thấy mùi đường, gián sẽ đến và bị rơi vào hộp nước.
3. Hành tây
Bạn cắt hành tây ra đĩa để sẵn trong bếp, gián ngửi thấy mùi sẽ chạy đi hết, ngoài ra hành tây còn giúp bạn giữ thức ăn được tươi lâu hơn.
4. Bột nở
Cho ít bột nở lên lá bắp cải hoặc lá rau diếp rồi đặt vào những chỗ gián hay lui tới. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng đuổi gián đi.
5. Băng phiến
Lấy một ít băng phiến, bột mỳ trộn với đường, vê thành viên nhỏ như hạt cơm, rắc vào chỗ gián hay đến, khi ăn phải gián sẽ chết.
6. Dưa chuột
Ta có thể đặt dưa chuột tươi vào trong tủ đựng thức ăn, ngửi thấy mùi dưa chuột, gián sẽ bỏ đi. Sau vài ngày, ta lại cắt chỗ dưa chuột khô đi, gián sẽ không dám đến nữa.
7. Lá nguyệt quế
Khi bạn lau nhà, chỉ cần thêm một vài lá nguyệt quế vò nhẹ thả vào nước lau nhà rồi lau như bình thường. Gián sẽ chạy hết khi ngửi thấy mùi này.
8. Lá đào tươi
Ta đem lá đào tươi đặt vào những chỗ gián thường đến, ngửi thấy mùi lá đào, gián sẽ bỏ chạy.


Anh Thỏ Non (theo Etips)
Tiến Đỗ sưu tầm

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Dòng Sinh Tồn





Chim sẻ già, dòng sinh tồn đang thoát nhanh qua toàn bộ lông không đủ sức che thân




Chụp Ảnh: Trương Văn Phú

Tháng Sáu Thiêng Liêng


Lại về tháng Sáu mưa bay
Ru lòng con nhớ bao ngày bên cha
Ấu thơ bập bẹ tiếng ba
Bước đi chập chững quanh nhà lon ton
Ba bồng ẵm nhẹ nựng con
Nụ hôn âu yếm chưa mòn dấu thương
Bàn tay ba dắt đến trường
Rịn mồ hôi, rịn mùi thơm an lành
Bên ba mưa cũng nghiêng xanh
Có ba che chở dỗ dành bão giông
Tấm lòng độ lượng khoan dung
Nuôi con vất vả tận cùng hy sinh
Niềm thương thắp nến lung linh
Soi đường trong sáng con mình bước đi
Đôi khi ba cũng ra uy
Làn roi quất mạnh con khi lỗi lầm
Nhìn cha ánh mắt đau thầm
Mắt con ngấn lệ ăn năn trôi dài
Đàn con nặng gánh trên vai
Nuôi con khôn lớn da chai thân gầy
Con xanh sắc lá trên cây
Ba vàng nụ úa vết trầy thời gian
Một chiều mây chít khăn tang
Ba về Tiên Cảnh, con hàng lệ đau
Trái tim gục cạnh mộ sầu
Ơn sâu trời biển làm sao đáp đền ?

Lại về tháng Sáu thiêng liêng
Ngày Từ Phụ đến bên thềm mưa giăng
Nhớ ba dòng lệ trào dâng
Nén nhang thắp khói hương trầm xa bay
Bóng ba phảng phất đâu đây
Thịt da chợt ấm bàn tay cha hiền

Trầm Vân

Việt Nam Sử Lược : Phần 2 - Chương I - Bắc Thuộc Lần Thứ Nhất

CHƯƠNG I
BẮC-THUỘC LẦN THỨ NHẤT
(111 tr. Tây-lịch – 39 sau Tây-lịch)



Các Phần Đã Đăng:


1. Chính trị nhà Tây-Hán
2. Tích Quang và Nhâm Diên

1. CHÍNH-TRỊ NHÀ TÂY-HÁN. 
Năm canh-ngọ (111 tr. Tây-lịch) vua Vũ-Đế nhà Hán 漢 武 帝 sai Lộ bác Đức 路 博 德 và Dương Bộc 揚 僕 sang đánh nhà Triệu 趙, lấy nước Nam-việt, rồi cải là Giao-chỉ-bộ 交 趾 部, và chia ra làm 9 quận, là những quận này:

1. Nam-hải 南 海 : (Quảng-đông).
2. Thương-ngô 蒼 梧 : (Quảng-tây).
3. Uất-lâm 鬱 林 : (Quảng-tây).
4. Hợp-phố 合 浦 : (Quảng-đông)
5. Giao-chỉ 交 趾 (Bắc Việt và mấy tỉnh ở
phía bắc Trung Việt).
6. Cửu-chân 九 眞
7. Nhật-nam 日 南
8. Châu-nhai 珠 崖 : (đảo Hải-nam).
9. Đạm-nhĩ 儋 耳 : (đảo Hải-nam).

Mỗi quận có quan thái-thú 太 守 coi việc cai-trị trong quận và lại có quan thứ-sử 刺 史 để giám-sát các quận. Ở trong quận Giao-chỉ thì có những lạc-tướng hay lạc-hầu vẫn được thế-tập giữ quyền cai-trị các bộ-lạc tựa hồ như các quan lang ở mạn thượng-du đất Bắc-Việt bây giờ.

Quan thứ-sử trước tiên là Thạch Đái 石 戴, đóng phủ trị ở Long-uyên 龍 淵(?). Có sách chép là phủ trị thủa ấy đóng ở Lũng-khê 隴 溪, thuộc phủ Thuận-thành bây giờ.

Từ đời vua Vũ-đế cho đến hết đời nhà Tây-Hán không thấy sử nói gì đến đất Giao-chỉ nữa. Mãi đến năm kỷ-sửu (năm 29 Tây-lịch) là năm Kiến-võ thứ 5 đời vua Quang-vũ 光 武 nhà Đông-Hán 漢 東 thì mới thấy chép rằng thứ-sử Giao-chỉ là Đặng Nhượng 鄧 讓 sai sứ về cống nhà Hán. Bởi vì khi Vương Mãng 王 莽 cướp ngôi nhà Hán, bọn Đặng-Nhượng 鄧 讓, Tích Quang 錫 光 và Đỗ Mục 杜 穆 ở Giao-chỉ giữ châu quận, không chịu phục Vương Mãn. Đến khi vua Quang-vũ trung-hưng lên, bọn Đặng Nhượng mới sai sứ về triều cống.


2. TÍCH QUANG VÀ NHÂM DIÊN. 
Về đầu thế-kỷ đệ-nhất có hai người sang làm thái-thú trị dân có nhân-chính. Một người tên là Tích Quang 錫 光 làm thái-thú Giao-chỉ, một người tên là Nhâm Diên 壬 筵 làm thái-thú quận Cửu-chân.

Tích Quang sang làm thái-thú quận Giao-chỉ từ đời vua Bình-đế 平 帝 nhà Tây-Hán, vào quãng năm thứ hai thứ ba về thế-kỷ đệ-nhất. Người ấy hết lòng lo việc khai-hóa, dạy dân lấy điều lễ-nghĩa, cho nên dân trong quận có nhiều người kính-phục.

Nhâm Diên thì sang làm thái-thú quận Cửu-chân từ năm Kiến-võ nhà Đông-Hán. Bấy giờ dân quận ấy chỉ làm nghề chài-lưới và săn-bắn, chứ không biét cày-cấy làm ruộng-nương. Nhâm Diên mới dạy dân dùng cày bừa mà khai-khẩn ruộng đất, bởi vậy chẳng bao lâu mà quận ấy có đủ thóc gạo ăn. Người ấy lại dạy dân làm lễ cưới hỏi trong khi lấy vợ lấy chồng, và bắt những lại-thuộc trong quận lấy một phần lương-bổng của mình để giúp cho những kẻ nghèo đói để lấy vợ lấy chồng.

Nhâm Diên ở Cửu-chân được 4 năm thì được thăng chức về Tàu đi làm quan chỗ khác. Dân-sự quận ấy ái-mộ Nhâm Diên, làm đền thờ. Có người vì được nhờ quan thái-thú cho nên sau sinh con ra, lấy tên Nhâm 壬 mà đặt tên cho con, để tỏ lòng biết ơn.


Huỳnh Hữu Đức sưu tầm

Đồi Mây


Chập chùng đồi núi mây vô ngại
Thênh thang trang giấy nốt nhạc trầm
Bùn sen ngan ngát trăng đại hải
Cánh cửa xuân thì đương mưa râm.


Ào ào lau sậy đàn theo gió
Máu tim say mãi cuộc sum vầy
Người về đâu đó sương lan tỏa
Bồng bềnh vạn pháp trắng đồi mây.

Người bơi qua biển, bơi qua lửa
Bờ bến như lai gió xạc xào
Bát cơm ai thổi thơm từng bữa
Sóng bủa nghe ra cũng ngọt ngào.

Em ạ! Chiều nay mưa rơi nhẹ
Mình về thắp lại ngọn đèn xưa
Dưới ánh trăng khuya màu quạnh quẽ
Tấc dạ chìm theo với gió lùa.

Lý Thừa Nghiệp


Thoáng Nhớ Vĩnh Long

                     
( Trường Tống Phước Hiệp)

      Khi tôi và Huệ chọn một góc vắng trong quán Café. Com, tọa lạc tại ngã ba đường, ngồi đợi các bạn hữu của trang mạng “tongphuochiep “  thì những vạt nắng chiều đang gãy vụn, rắc đầy đường phố. Thi thoảng mới có ngọn gió thổi dạt những hạt nóng, hất nhiệt độ oi bức từ mặt đường vào mặt người. Gió cũng cuốn những phiến lá cong queo và bụi mù chạy ù trên mặt lộ. Con lộ có hai chiều thuận nghịch như những lý lẽ, ý sống đời thường và dòng xe cộ đang luân lưu, đường khá nhiều xe qua lại được chia cách bởi các bờ cỏ và hàng cây lúng liếng lá xanh. Tiếng chim hót đâu đó vọng lại âm thanh rời rạc như lời gọi khan, than thở tình hè. Hai con đường lạ tên chéo nhau thành điểm hẹn cho những tâm hồn yêu văn thơ, từng học chung trường Mẹ Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, từng cho đi và nhận về những cảm xúc mềm, từng được sức hút nam châm của tình đồng môn có chung niềm yêu thích, mang trên vai chút hành trang chữ nghĩa để đến với nhau, níu kéo ký ức một thuở học trò, mấy thuở tình yêu hầu tô vẽ sắc màu cho cuộc đời thêm dễ thương và ý nghĩa.

     Cô giáo Vĩnh vừa từ sân nhà bước qua, nụ cười nở sẳn trên môi, Cô ngõ lời chào bằng đuôi mắt biết nói. Ở đó tôi đọc được niềm vui. Cô hỏi thăm về chuyến bay dài chồng chéo nhau suốt nửa vòng trái đất có làm tôi mệt ? Tôi cười khoe với cô rằng tôi có bùa, chỉ cần môt quyển giấy tập và cây bút mực là tôi thâu ngắn được đường xa và thời gian cũng quên làm tôi bạc tóc. Tôi thức ngủ với những ý nghĩ vụn vặt kết lại thành vần. Tội nghiệp mấy cô tiếp viên hàng không xinh đẹp bị tôi thôi miên, ngủ quên luôn trên những trang giấy bởi ngòi bút “viết quanh viết quẩn” của tôi. Cô giáo cười nửa môi thông cảm, nửa nụ nghi ngờ (?) Cô lăng xăng với cái máy điện thoại, nhắc khéo bạn bè phải mau đến chơi, kẻo thiếu thì giờ chung vui với nhau. Tôi ngõ lời thông cảm, nói rằng trời đang nóng quá, bóng nắng còn phải ngất ngư, ngay cả lòng mong chờ, náo nức gặp lại bạn bè của tôi cũng đến trễ nữa đó Vĩnh ơi!. Cô Giáo còn khoe hồi sáng nay, tại sân quán café này đã có hơn ba mươi anh chị em họp mặt, đa số là những nhà giáo có tâm hồn nghệ sĩ, muốn trải lòng mình ra ngoài những giáo án đã đóng thành khuôn. Họ là hương sắc đã tạo nên vuờn hoa, một sân trường đẹp, quyến rũ ngàn ong bướm tìm về. “ Nhiều bạn mong gặp anh” cô Giáo nói “ nhất là L.A. cứ thắt thẻo đợi chờ tội nghiệp lắm!”. Tự nhiên tôi thấy lòng mình phong lưu như màu lá, cơn gió mạnh vừa thổi xuyên hàng cây, sà xuống bám sát mặt đường. Hình như gió cố tình đưa tôi tìm về phố cũ và đường mây chiều cũng thả rong những cụm kỷ vãng của thuở nào mới biết rung động  tim yêu… 
     Tôi gọi một trái dừa ướp lạnh vừa để chống nắng, vừa ướp ngọt vị giác, lại thêm đậm tình quê hương. Có tàng dừa nào đó đang căng lá che dù cho lòng tôi dịu mát! Huệ gọi chai cam vắt màu vàng! Tôi biết bạn tôi rất vô tình, đâu ngờ chai cam vàng chạm mạnh hồn tôi rất ngộ nghĩnh. Ký ức bị đánh thức, trí nhớ òa vỡ như bị bới tung bởi cơn gió, tro bụi mù bay một thời học trò áo trắng. Hồi đó, sau nhiều ngày tháng ươm mơ, gieo  mộng, vườn tình trổ được trái thương yêu. Hồi đó, dễ chừng đã gần nửa thế kỹ mà chỉ ở phố thị Vĩnh Long mới gọi thức được lòng tôi, ngăn ký ức mở ra tiểu thiên đường chật những mùa thương quá khứ.

( Mưa Vĩnh Long - Ảnh Phan Vũ Bình)

      Chiều hôm đó, vẫn là buổi chiều hè mưa đi nắng đến như những chu kỳ chiều nhiệt đới sông nước miền Tây.  Lòng tôi rộn rã hơn tiếng ve gọi phượng và những lao xao cành lá. Sau cơn mưa, nắng vén những chùm mây, thả vạt vàng sơn phết óng ánh tơ lụa lên mặt đường sạch, còn lốm đốm những vũng nước mưa có chứa bóng mây đang chết chìm. Tôi quên bẵng những ngày tháng “gạo bài” cho mùa thi tú tài toàn sắp tới và đậu rớt gì tôi cũng phải đi xa…. Con đường Đồng Khánh rẽ phải qua Trưng Nữ Vương chỉ giản dị với những tàng cây cổ thụ chưa hề được gọt tỉa. Vậy mà chiều đó lá biếc mây xanh đến độ dị thường. Chừng như cỏ bổng trổ hoa và nắng gió đang chúc tụng tình tôi ngát thơm mùa trái chín. Tôi hẹn cô bé học trò lớp Đệ nhị Ban A nơi quán nhỏ và khuất cạnh rạp hát Lạc Thanh như thể đang giấu giếm một điều gì đó chưa định nghĩa được. Tôi dựng chiếc xe Honda một cách khó khăn đến cả tôi cũng phải giật mình. Tôi ngồi lên yên xe và nghe rõ nhịp tim, không biết đó là hòa âm hay lỗi nhịp?  Hình như trái tim tôi muốn phô trương điều gì đó mà hệ tuần hoàn chưa bao giờ mạo hiểm và hiểu được ! Có một vườn hoa dịu dàng sắc màu đang chớm nở khi “bé “ yêu dấu của tôi xuất hiện ở ngã tư đường. Mộng và thực cứ quấn lấy nhau làm lòng tôi chao đảo. Hai con bướm vàng song song lượn lờ cùng nắng gió, bay ngang qua mặt đường, nhởn nhơ vờn hoa nơi sân nhà hàng xóm như một điềm lành trời ban. Bé mặc áo bà ba màu xanh thật nhạt, một vạt áo có thêu hai đóa hoa hồng cũng phớt ửng nhẹ nhàng. Chúng tôi chào nhau bằng niềm vui của mắt và nụ mĩm của môi. Bé lí nhí “ Cậu đợi Bé lâu hông?” “ Cậu đợi từ lúc ngõ lời mời hồi tuần trước”… Hình như Bé cả tin nên Nàng hơi lung túng… Bây giờ tôi mới thấy bộ dạng run rẩy rất tội nghiệp của nàng…. Tôi khỏi phải kể với bạn về món nước uống của tôi. Và chắc bạn cũng đoán rằng người đẹp của tôi gọi ly cam vắt màu vàng ! Tối đó tôi mơ rất nhiều, học hành cũng chẳng được bao nhiêu. Những ngôi sao trên trời đều hóa thành trăng và mây giăng giăng cho lòng tôi phiêu lãng. Tiếng sáo trúc của tôi bỗng du dương ngất gió lạ thường ! Có giấc mơ hoa gấm hóa thành chữ thơ, trong bài thơ đó có 2 câu mà rất lâu sau Nàng gọi là 2 câu thơ “ chết người”, như tiếng chuông ngân trong khẳng định, đánh thức, trói buột tim và đời nàng vào cuộc đời lênh đênh sấp ngửa của tôi:
  “ Mời em ly nước cam vàng. Còn anh vừa uống cả ngàn bùa mê…”

      Tỉnh lỵ Vĩnh Long yêu dấu của tôi cũng giống như những phố thị đồng bằng Cửu Long khác, nghĩa là nằm cạnh bờ sông cái, nước phù sa hai mùa trong đục, gió mát trăng thanh, sông rạch lượn quanh , ngoại ô là  vườn đầy cây trái và ruộng đồng mỏi cánh cò bay. Nhưng thiên nhiên tuyệt đẹp ấy sẽ không là gì nếu thiếu bóng dáng dịu dàng thư nữ và tình tự yêu người, dung dị cùa người dân Nam Bộ, “áo trắng trắng trong hồn con gái, nón lá làm nên dáng học trò “ và “ Cổ Chiên yêu dấu của tôi ơi, gió chuyển, sóng xô, nước ngõ lời, em chứa bao trăng mà dịu mát, hay là em chiếm nửa hồn tôi?”
     Phải rồi !  “Tôi thầm nhớ nước sông con gái, vẫn lửng lờ qua trái tim tôi, trong ánh mắt mạch đời ngây dại, tiếng lòng tôi vỗ sóng bồi hồi”. Làm sao tôi có thể quên một đời sông bến ấm, em bên tôi nghe sóng vỗ thì thầm, sóng là tình nước trăm năm, ai bỏ đi để mưa dầm gió giạt? Tôi nhớ con đường tình mang tên em có những quán cà phê thật tình tứ, nhạc dịu êm như tiếng hát ca dao, có khi ngũ cung, quê mùa chân chất như tiếng rao đêm của người bán dạo. Những khi như vậy em thường nhìn thật sâu vào mắt tôi và chờ một lời thơ.  Hình như em thích ướt mưa và hương đêm. Em thường tựa vào cánh tay tôi để cùng bước lên bờ nắng gió. Hương nước phù sa Cổ chiên và hương đất thoảng mùi hoa nở về đêm làm lòng em tê dại. Em đứng lại cho
 cõi thơ tôi kịp lắng đọng một lời tình. Tôi chọn tặng em những vò lan cánh mỏng, những đài lan xòe ra như cánh bướm bay, tỏa hương nhẹ nhàng cùng mùi áo em đang dạo gió. Tôi tản bộ cùng em theo những bước đi mưa phùn và đứng lại cùng em khi mưa mù tối mặt. Tôi cảm nhận như thời khắc bên em đang cùng trời cuối đất….Khi dòng sông và những cơn mưa lũ ùa về, nước sẽ chảy xiết và sóng sẽ trải nghiệm qua mùa gió chướng…
        Có một đời thơ sầu lắng, mềm và lãng mạn như suối tóc chảy suông khẽ khàng bảo với tôi rằng Nàng ngỡ mình sẽ khóc khi gặp tôi. không ngờ nàng rất vui và cứ mĩm cười ngồi bên tôi để nghe bạn bè trêu chọc. Chỉ là một bến thơ chờ thuyền trăng ghé lại phải không? Hương tóc  và những tâm tình chân thật như anh em cùng tiếng nói nhẹ như thơ của nàng khiến tôi ngồi sau xe, chưa biết vịn vào đâu mà vẫn vững hơn những ý nghĩ đang nghiêng xiêu trong lòng…
        Một vườn đời khác thì ngược lại, Nàng rỉ rả qua phone là khi gặp tôi tự nhiên bị ứa nước mắt, cũng may nhờ cặp kiếng râm, nàng loay quay giả bộ tìm chỗ đậu xe và lau khô hạt lệ “ nhạy cảm”. Chắc thơ tôi mang khá nhiều hình ảnh học trò đã làm trái tim nàng trùng nhịp một hình ảnh man man nào đó chưa quên được ! Những chùm hoa đỏ và màu mận chín vẫn miên man trên môi má  nàng.  Lòng nàng và những cành lá cùng lao xao trong gió, ánh trăng vẫn trao nàng kỷ vãng vằng vặc những ngảy xưa.
         Tôi vẫn mong được gặp Nàng thơ bút hiệu là tựa một bài hát, măc dầu không dám mời và cũng chẳng nói cùng ai. Khi diện kiến nàng tôi giả vờ tỉnh bơ để phút giây chao đảo theo quạt gió cuốn đi. Tôi lấy làm lạ là dáng vóc nàng có giống những tưởng tượng của tôi. Tự nàng đã tỏa hương thơ, chất thơ và dáng Nàng có chung nét đài các rất riêng mà hình như chỉ cõi thơ lặng lẽ, sâu sắt của Nàng mới đặt cảm xúc người đối diện đúng mức thôi.
     Tôi nhớ hình ảnh Đào Hoa Viên và công trình sáng tạo của chủ nhân, cũng như những bửa cơm thân mật với bạn bè. Chuyến đi Tam Bình cho tôi cảm giác thật lạ vì là lần đầu tôi đến vùng đất có cuộc khởi nghĩa chống Tây thời Pháp thuộc. Tôi cũng nhớ giàn hoa thiên lý có tổ ong mật mà chủ nhân T. Th. cho tôi tha hồ hái bông xanh mang về B.H.P. Tôi không phải dặn dò “…người bạn pháo binh . Anh rót cho khéo nhé kẽo lầm nhà tôi…”. Tôi được làm anh Hai vì T. Th. đã có anh Ba Phú Xuân, tính trừ cọng một chút, tôi ngẫu nhiên là anh của thằng bạn học năm nào ! ” Anh dệt thơ tình, em cũng thơ, thơ anh như suối chảy tuôn trào, hồn em say đắm chìm tận đáy, nhưng biết bao giờ anh mới hay?”. Trời đất ơi ! Nói hổng biết làm thơ thì ai tin đây?
(Chợ Vĩnh Long -ảnh Phan Vũ Bình)
     Rồi một sáng nắng vẫn dòn trên lá, sương đêm đã theo gió bay đi, sinh hoạt đời thường theo dòng định mệnh qua những chông chênh sỏi đá  kiếp người. Chiều nay trong số bạn bè sẽ có hai cõi lòng vấp bóng  nghiệt cảnh và thời gian, sẽ khép lòng rời Vĩnh Long tiếp nối chuyến đời lênh đênh xa xứ. Tiệc cà phê trở thành bàn rượu tiễn. Đối diện tôi là  Kh. Th. D., nàng gọi sinh tố mãng cầu “ em yêu sinh tố mãng cầu, võ xanh như áo thắm màu lá non, môi ai chín, má hồng dòn, người đi chắc nhớ vết son môi chờ “ ; L.A. thì ưa món kem dâu, “ môi người ngọt lịm kem dâu, dáng thơ ai thả những câu ân tình, giết người khi cứ lặng thinh, nắng mưa tỉnh lẻ riêng mình ướt mi” ; Th. H. dù rất bận rộn cũng đến từ giả bạn bè, nàng tự thưởng công mình bằng nước dừa tươi Vĩnh Long “ tâm tình ngọt nước dừa tươi, người đi kẻ ở nụ cười gửi trao, phố xưa  chưa vẫy tay chào, mà mưa với lệ trộn vào khăn tay”…Tôi không nhớ những khúc thơ khác riêng cho các bạn Trinh, Ng. Thúy, T. Thanh, Vĩnh, B. Tuyết , H. H. Tấn Trên, Huệ  và L. K.Hiệp. Riêng những khúc thơ ứng khẩu ở nhà Ng. H.thì bị tự kiểm duyệt, cấm phổ biến. Khi nghe tôi phát biểu cảm tưởng bằng những lối thơ không định hướng như vậy Kh. Th. D. đùa với tôi rằng “ Anh T. N. thả thơ nhanh và trữ tình như vậy chắc có nhiều phụ nữ khổ vì anh lắm?”. Tôi đáp lời nàng bằng nụ cười ỡm ờ thay vì phải nói thật lòng mình “ khi anh khổ trước rồi, bị sét đánh trúng tim thì chữ thơ mới thành lời đó Nàng thơ ơi!”.
      Cám ơn đất lành Vĩnh Long trường tồn trong trí nhớ, mái trường xưa với những tấm lòng thủy chung Huynh Muội, bạn bè và những lần hội ngộ làm dầy thêm quyển lưu bút ký ức đời tôi.

Phạm Tương Như (  CHS Tống Phuớc Hiệp / VL)
Hạ 2014