Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Tìm Thân Nhân Của Nhạc Sĩ Lê Bảo


Nhạc sĩ Lê Bảo, tên thật là Lê Thanh Long, 
Sinh năm 1940 đã qua đời vào lúc 4g00 chiều Chủ Nhật 
Ngày 16 tháng 11 năm 2014 tại Bệnh Viện Fountain Valley. Về chuyện hậu sự, hiện có một số bạn bè cũ gồm ca nhạc sĩ, các chiến hữu binh chủng Không Quân có thể cùng chung tay lo cho anh, tuy nhiên theo luật, Bịnh viện cần có thân nhân đến nhận mới có thể lãnh xác anh ra được. 
Nhạc sĩ Lê Bảo có một người con gái nhưng chưa liên lạc được. NS Lê Bảo cũng còn một người anh rể và mấy cháu gọi bằng cậu ruột, không rõ có lãnh ra được không? 
Mọi chi tiết xin gọi Lộc (714) 868-1751.

Xin vui lòng làm phước giúp một tay phổ biến bảng Tìm Thân Nhân này. Trân trọng biết ơn quý vị.

Ca Sĩ Thanh Thúy - Thanh Châu
( Việt Hải Cali chuyển tin)

Trái Tim Quán Trọ


Trái tim anh là quán trọ
Hôm nao em đến dừng chân
Lãng quên tình đời đen bạc
Mà ai cũng có đôi lần

Trái tim anh là bóng mát
Chở che em nỗi muộn phiền
Đưa em xa dần quá khứ
Một thời thương hận cuồng điên

Trái tim anh là con phố
Nâng niu từng bước em về
Những chiều mưa bay buốt lạnh
Ta dìu nhau giữa cơn mê

Trái tim anh là độ lượng
Yêu em với cả chân tình
Dù cho dòng đời nghiệt ngã
Muộn phiền như sóng linh đinh

Trái tim anh là cung điện
Để em ngự trị muôn đời
Hãy bước lên ngôi thần thánh
Xa rồi ngày tháng đơn côi

Khiếu Long
* * *
Trái Tim Tình Yêu

Vẫn có tim anh quán trọ
Tám năm là nơi trú chân
Xa những lọc lừa bội bạc
Trầm luân khổ hạnh bao lần

Vẫn có tim anh bóng mát
Náu nương nước mắt ưu phiền
Đày đọa một thời quá khứ
Sầu bi hấp hối dại điên

Vẫn có tim anh góc phố
Những chiều mưa đón em về
Vòng tay người hong giá lạnh
Sưởi ấm lòng đắm tình mê

Vẫn có tim anh độ lượng
Đã yêu em vẹn mối tình
Dẫu bể dâu xô nghiêng ngã
Cuồng phong sóng gió linh đinh

Vẫn có tim anh cung điện
Ngai vàng chỉ riêng trọn đời
Em thiên thần hay nữ thánh
Ngự trị lấp những buồn côi

PTMC
Tiểu Vũ Vi
03/12/14

Thẻ Học Sinh Và Thẻ Giáo Sinh: Nguyễn Thị Bạch Tuyết






Nguyễn Thị Bạch Tuyết

Kỷ Niệm Mãi Còn Đây


Kỷ niệm còn đây mấy vận thơ
Ru bao ngày tháng với niềm mơ
Xa xưa tình cũ hoài ươm mộng
Chừ đã xa rồi nhớ ngẩn ngơ

EM chừ có nhớ thuở mình quen
Áo trắng ngây thơ dưới phố đèn
Ánh mắt môi cười luôn nhắc nhở
Khơi nguồn kỷ niệm viết chung tên

Nơi đây xa lạ chốn mù khơi
Kỷ niệm theo ta suốt cả đời
Vương vấn lời thơ mờ nhạt khói
Nụ hôn ngày đó nhớ đầy vơi

Nắn nót câu thơ cho chính mình
Vui từng nét chữ dệt niềm tin
Mai kia mốt nọ về quê cũ
Thăm lại người xưa, trọn mối tình ..

Hoàng Dũng


Boléro Có Phải Là Nhạc Sến Hay Không?


      Boléro là một điệu nhảy dân tộc, có nguồn gốc xuất xứ từ nước Tây Ban Nha, do một vũ sư tên là Sébastian Zérezo sáng tạo. Sau đó, theo làn sóng người di cư sang Tân thế giới, tiết điệu Boléro được phát triển mạnh ở Mỹ châu La tinh, mà đặc biệt là ở Cu Ba.

      Được du nhập vào Việt Nam từ thập niên 50 của thế kỷ XX. Theo tài liệu sử nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chính là người đầu tiên đã sáng tác bài hát nổi tiếng “Duyên quê” bằng điệu Boléro. Âm điệu du dương của điệu nhạc này đã khiến cho khán thính giả thời đó nức lòng say mê! Rồi tiếp theo, còn rất nhiều nhạc sĩ khác ở miền Nam sáng tác nhiều ca khúc với tiết tấu Boléro như: Trúc Phương, Lam Phương, Dzũng Chinh, Vinh Sử… và ngay cả nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn, cũng đã từng sáng tác ca khúc “Lời buồn thánh” với lời lẽ ca từ thật hoa mỹ:
“Chiểu chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu. Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều. Trời mưa, trời mưa không dứt. Ô hay, mình vẫn cô liêu…”.

      Ở miền Nam, hai thập niên 60-70 là đỉnh điểm phát triển thịnh hành của dòng nhạc Boléro. Thời gian này, trong giới bình dân lao động, đâu đâu cũng có hiện tượng hầu như “người người hát Boléro, nhà nhà nghe Boléro”. Để chạy theo thị hiếu quần chúng và cũng để theo yêu cầu vì lợi nhuận của các hảng băng đĩa thời đó, một số nhạc sĩ đã vội vội vàng vàng cho ra đời hàng loạt ca khúc có tiết điệu Boléro với các chủ đề: thất tình, cảnh nghèo khổ, cô đơn, bạc phận… với cách tiến dẫn giai điệu nghèo nàn, lời lẽ rẻ tiền, bình dân! Đây là loại hình thái kinh doanh âm nhạc dạng “mì ăn liền” mà giới phê bình âm nhạc gọi là “kỹ nghệ thương nhạc”. Thế nhưng, nó lại được lan truyền trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng (!) Đây chính là nguyên nhân khiến cho người ta nhầm lẫn, gọi tiết điệu Boléro là loại “nhạc sến”!

      Nhạc sến là gì? Theo ý kiến của một số nhà phê bình âm nhạc, từ “sến” được nói trại ra từ chữ “cent”, có nghĩa là “xu”, là đơn vị tiền tệ thấp nhất vào thời trước. Theo đó, người ta mặc nhiên hiểu rằng nhạc sến tức là loại nhạc ba xu, loại nhạc rẻ tiền dành cho tầng lớp thợ thuyền, dân lao động, các ma-ri phông tên, ma-ri sến có trình độ thưởng thức âm nhạc cấp thấp! (Trong khi thật sự, các từ ngữ như: nhạc sến, nhạc vàng, nhạc xanh, nhạc đỏ không hề có và hoàn toàn không được nhìn nhận trong ngôn ngữ học thuật chuyên biệt về âm nhạc!)

      Thêm nữa, do không thích hợp lắm trong thủ thuật phân câu, nên người ta không phổ thơ qua nền nhạc Boléro. Từ đó, dẫn đến việc rất nhiều ca khúc Boléro có ngôn ngữ bình dân, ít mang tính ngôn ngữ văn học sâu sắc! Đây cũng chính là yếu tố để người ta đánh giá cho rằng Boléro là thể loại nhạc bình dân, rẻ tiền.

      Thật sự, Boléro không phải là nhạc sến! Chúng ta có thể khẳng định điều đó một cách chắc chắn! Thế nhưng, nguyên nhân vì sao dòng nhạc Boléro dễ dàng đi sâu vào lòng người như vậy? Xuất phát từ đặc tính tiết tấu được diễn đạt vừa phải, không nhanh cũng không chậm, khoảng 120 nốt đen trong một phút. Một đặc tính khác là trong khi Boléro nguyên thủy là loại nhạc được viết theo nhịp 3/4, nhưng khi du nhập sang Việt Nam lại được viết theo nhịp 4/4 với hai phách cuối thường được cấu tạo bởi một liên ba đen, hoặc là giai điệu được tiến dẫn bởi những liên ba đen liên tục nối tiếp nhau. Cách chia tiết tấu này rất phú hợp với tính chất của các bài dân ca hoặc sáu câu vọng cổ miền Nam. Đây chính là yếu tố giúp cho người ta khi nghe giai điệu này cảm thấy thật thân quen, gần gũi… Với các đặc trưng này, ta thấy tiết điệu Boléro rất phù hợp với những ca khúc mang tính tự sự, đậm đà chất dân gian, chẳng hạn như Mưa nửa đêm, Chuyện tình Lan và Điệp, Lời tạ từ, Tình thắm duyên quê…

      Một tính chất quan trọng nữa là do kết cấu phân nhịp và bố cục giai điệu thường tiến dẫn một cách nhịp nhàng, đều đặn, ít có những nốt cao trào đột biến như những tiết điệu khác, nên Boléro có đặc trưng tạo ra một chuỗi giai điệu buồn. Những ca khúc sáng tác gợi nhớ về dỉ vãng hay tâm sự riêng tư rất thích hợp với loại tiết điệu này!
      “Tôi muốn hỏi, có phải vì đời chưa trọn vòng tay. Nên những khi mưa nửa đêm, làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm…” (Mưa nửa đêm của Trúc Phương)

      Mới đây, trong chương trình dự thi dành riêng cho dòng nhạc Boléro của một Đài Truyền hình địa phương, một MC đã nhầm lẫn, xướng danh nhạc sĩ Trúc Phương và một nhạc sĩ khác đều là “ông Hoàng nhạc Boléro”. Thật sự, danh xưng “ông Hoàng nhạc Boléro” chỉ có một, người ấy chính là nhạc sĩ Trúc Phương; còn nhạc sĩ kia chỉ là “ông Hoàng nhạc sến” mà thôi! Thật vậy, trong thời hoàng kim của nhạc Boléro, nhạc sĩ Trúc Phương đã được xem như “ông Hoàng nhạc Boléro” với các ca khúc nổi tiếng, đi sâu vào lòng người qua biết bao thế hệ như: Tàu đêm năm cũ, Mưa nửa đêm, Hai chuyến tàu đêm, Nửa đêm ngoài phố…


      Nhắc đến nhạc sĩ Trúc Phương, ắt hẳn người dân Vĩnh Long không cảm thấy xa lạ gì, bởi vì vào khoảng giữa thập niên 80, ông có biên chế và là Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Cửu Long (gồm Vĩnh Long và Trà Vinh). Trúc Phương đã sống tại Thị xã Vĩnh Long khoảng mười năm. Một số ca khúc đã được ông sáng tác trong giai đoạn này: Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách… Riêng ca khúc “Về chín dòng sông hò hẹn”, với tiết tấu Boléro cộng với chất dân ca Nam Bộ đậm đà, đã được các ca sĩ trong và ngoài tỉnh Cửu Long cùng với các hảng băng đĩa thời đó sử dụng trình bày và thu thanh, trong đó có ca sĩ Đình Văn trong nhóm Bách Việt đem ca khúc này phổ biến tại Sài Gòn. Sau đó, tựa đề của bài hát này được đặt tên cho cuộc hội diễn Nghệ thuật Quần chúng hàng năm cho 11 tỉnh Tây Nam Bộ.

      Cũng vào thập niên 80, nhạc sĩ Trần Tiến đã từng cộng tác với Đoàn Ca múa tỉnh Cửu Long. Thời gian này, ông có viết một bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ trên nền nhạc Boléro, đó là bài “Sao em nỡ vội lấy chồng”. Ca khúc này rất được nhiều người yêu thích, đã từng đoạt giải thưởng quốc gia!

      Khi đi sâu, tìm hiểu lại xuất xứ của tiết điệu này, ta sẽ thấy có rất nhiều nhạc sĩ lừng danh trên thế giới đã từng sáng tác nhiều tác phẩm bất hủ trên nền tiết tấu này như: nhạc sĩ dương cầm Chopin trong chương Piano Solo (op.19). Debussy với bài Soirée Dans Grenada.

      Nhạc sĩ tài danh Bizet cũng đã sử dụng điệu Boléro trong vở Opéra nổi tiếng thế giới “ Carmen”.   Nhạc sĩ Charles Aujuste De Bariot với bản Concerto nổi tiếng “Scène De Ballet”.
      Một số biến thể khác của điệu Boléro mà giới sưu tầm âm nhạc thường gọi là biến tấu Habanera (Tiền thân của Tango ở Cu Ba). Đó là những vở Opéra từng nổi đình đám ở Pháp và Tây Ban Nha.
      Sau 1975, cũng có một số nhạc sĩ Cách mạng viết nhiều ca khúc rất hay mang âm hưởng tiết tấu Boléro như: Ngày mai anh lên đường, Gần lắm Trường Sa, Nhánh lan rừng…). Đây là những ca khúc đã đi sâu vào lòng người vì có giá trị nghệ thuật cao .

      Qua một số minh chứng trên, khi đúc kết lại chúng ta nhận thấy Boléro là một tiết điệu âm nhạc có bề dày lịch sử hình thành và phát triển. Nó có tính chất đặc thù, một giá trị riêng biệt. Tính nghệ thuật của nó rất cao được nền âm nhạc cùa cà thế giới thừa nhận, không hề thua bất cứ một tiết tấu nào khác như “ Vasle, Boston, Slow hay các điệu nhạc trẻ như Soul, Rock…

      Việc ở miền Nam trước đây dòng nhạc rẻ tiền kiểu “kỷ nghệ thương nhạc” là có thật! Tuy nhiên, thực chất nó được viết với các tiết tấu đa dạng như: Slow Rock, Vasle, Boléro, Soul…chứ không riêng gì với điệu Boléro. Thế nhưng, ta phải thừa nhận rằng có rất nhiều bài hát rẻ tiền thời này thường sử dụng điệu Boléro.

      Đến với âm nhạc là ta đến với một lĩnh vực cần có sự học tập tìm hiểu và nhận định chính xác. Để từ đó ta mới cảm nhận được hết cái hay cái đẹp tinh túy của âm nhạc! Do đó việc nghiên cứu và xét lại đúng một trào lưu hay một phong cách nào đó trong nghệ thuật nói chung hay âm nhạc nói riêng là công việc rất cần thiết và cẩn trọng.

      Tác giả viết bài này không ngoài ý tưởng trên, muốn minh chứng cho người yêu thích âm nhạc, nhất là các bạn trẻ có được nhận xét thật khách quan về một lĩnh vực nhỏ trong âm nhạc: vấn đề tiết điệu Boléro không phải chỉ dành cho dòng nhạc bình dân, rẻ tiền như người ta đã từng nhầm lẫn!

Tín Đức
(25-12-2014)

Xướng Họa: Đường Quê Nẻo Nhớ


Quê hương xa khuất chân trời
Hỏi người năm cũ nẻo đời yên vui
Cổ Chiên sóng nước bồi hồi
Mượn nhờ cây trái cạnh ngồi bên nhau
Niềm thương nỗi nhớ dạt dào
Cảnh xưa thiếu bóng xôn xao một thời
Mượn thơ tỏ rõ đôi lời
Đường quê nẻo nhớ ... ới ời người xưa

Kim Phượng
***
Các Bài Hoạ:

Dạt Dào

Người xưa mãi tận phương trời
Gieo chi thương nhớ cho đời quên vui
Nghe tim chao động từng hồi
Ngỡ rằng ai đó đang ngồi cạnh nhau
Bao thu tình vẫn dạt dào
Bóng hình năm cũ xuyến xao bao thời
Tiếc vì giữ kín một lời
Để giờ tơ tưởng ơi ời dáng xưa.

Quên Đi
***
Về Quê Tìm Bạn

Bên nầy chỉ thấy chân trời,
Đại dương cách trở, biết đời có vui!
Sóng xao sông nước bồi hồi,
Cổ Chiên cây trái ghe ngồi dưa nhau.
thương ai thầm nhớ dạt dào,
Thuyền xuôi khuất nẽo nôn nao một thời.
Tấm lòng tỏ cạn đôi lời,
Về quê tìm gặp... ới ời bạn xưa!

Mai Xuân Thanh  
Ngày 16 tháng 12 năm 2014


Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Hai Mùa Noel

Tôi về ngang lại nhà thờ
Chuông chiều vang đổ em chờ bên sân
Người qua kẻ lại xa gần
Phố đông chen chúc mỗi lần Noel
Lầu chuông giờ đã lên đèn
Ngôi sao sáng rực trong đêm nhiệm mầu
Trong ngoài vang tiếng kinh cầu
Mình người ngoại đạo cúi đầu nghe kinh
Hình như em cũng cầu xin
Mùa Noel tới chúng mình bên nhau...
Thời gian qua tựa chiêm bao
Tóc xanh giờ đã thay màu lưa thưa
Giật mình tỉnh mộng ban trưa
Chuông nhà thờ đổ người xưa xa rồi
Noel chín giữa lòng tôi
Chuông còn vang mãi bóng người nơi nao.

Biện Công Danh
Dec 2014

Thơ Tranh:Noel Này Nhớ Noel Xưa


Thơ Song Quang
Thơ Tranh: Kim Oanh




Ngọn Nến Lung Linh

      

      Tôi không nhớ được mùa Giáng Sinh năm ấy tôi bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chỉ độ lên mười. Có lẽ đó là một mùa Giáng Sinh khá buồn và ảm đạm vì các anh chị tôi đi làm, đi học xa không về được, ở nhà quạnh quẽ chỉ còn hai mẹ con. Thời thơ ấu, tôi thèm lắm những bóng đèn xanh đỏ chớp nháy trên cây Giáng Sinh, một hang đá bằng giấy quết mực đen với những tượng Thánh xinh xinh bằng đất nung. Nhưng mộng ước ấy xa vời lắm đối với một đứa trẻ mười tuổi quá bé bỏng, trong lúc mẹ tôi xoay sở lo cho các con cơm ăn áo mặc đã vất vả, thời buổi ấy quả là một gánh nặng nhọc nhằn, trên đôi vai bé nhỏ của người đàn bà góa bụa.

      Là một đứa trẻ con, nhưng dường như ông Trời đã cho tôi một tâm hồn khá nhạy cảm để âm thầm tìm niềm vui cho mình từ những nhỏ nhoi nhất. Bởi vậy, đêm Giáng Sinh năm ấy dù không có đèn sao nhấp nháy, những trái châu xanh đỏ, nhưng tôi đã biết dùng những chiếc kẹo đủ màu để treo lên nhánh cây dương xỉ nhặt được trong khu nhà thờ, khi người ta đến đó trang hoàng hang đá cho mùa Giáng Sinh. Duy nhất một ngọn nến trắng bập bùng, ánh sáng lung linh hắt lên tường bóng một cành cây và một bóng người. Ngọn nến trắng đêm ấy đã làm cho cành cây và cái bóng của đứa trẻ thơ như lớn hơn, in lên tường chập chờn một giấc mơ tuyệt vời ấm áp. Tôi không nhớ được hết cảm giác đó vì thời gian qua đi khá lâu, nhưng cảm nhận về ngọn nến trắng thời thơ ấu đã giúp tôi vượt qua nhiều nỗi buồn, mỗi khi lẻ loi, thất vọng, tôi vẫn cứ nhớ hoài ngọn nến trắng mùa Giáng Sinh năm tôi mười tuổi. Tôi còn nhận được một món quà đặc biệt của bà hàng xóm, bạn của mẹ tôi, cho đến bây giờ dù thời gian qua đi mấy chục năm, tôi vẫn hình dung ra được hình dáng và mùi vị của nó: một củ khoai lang nướng.

      Món quà Giáng Sinh nghèo nàn của bà hàng xóm quê mùa thật vừa bụng tôi lắm, dù rằng mẹ tôi có làm vài món ăn đặc biệt cho ngày Lễ. Tôi mơ màng nhìn ngọn nến lung linh soi lên cây Giáng Sinh của tôi, cứ gọi như vậy vì nó là niềm vui có thể làm được của một đứa trẻ con mười tuổi, củ khoai nướng gói trong mảnh lá chuối còn nóng hổi, mùi mật ngọt của khoai bốc lên thơm lừng, mùi rơm rạ hình như còn ủ trong lớp vỏ khoai cháy xém. Nụ cười trìu mến trên khuôn mặt hiền lành của bà hàng xóm, khi đưa cho tôi món quà Giáng Sinh nghèo nàn ấy. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ khuôn mặt quê mùa, chân thật của bà, củ khoai lang nướng đêm Giáng Sinh ngày thơ ấu đã theo tôi vào đời. Khi trưởng thành, những lúc bụng đói mắt cay, đời gặp lúc gian nan, buồn tủi, tôi cũng nhớ củ khoai nướng, nhớ mùi khoai lang nướng. Khi sung sướng hạnh phúc ở quê người, đời no đủ những cao lương mĩ vị, tôi cũng nhớ mùi vị củ khoai nướng. Phải chăng trong tôi vẫn vấn vương thứ TÌNH NGƯỜI nhỏ nhoi ấy, không thể mua được bằng tiền. . .

2-
      Tôi yêu đóm lửa ngọn nến trắng từ hồi còn thơ ấu, chắc là ngọn nến sáng mùa Giáng Sinh năm xưa cũng đi theo tôi đến những chặng đường còn lại của đời người. Có một câu chuyện tôi sắp kể ra đây, đó là câu chuyện của ông cụ Rôbéctô tôi có dịp gặp ở ngôi nhà nguyện. Mỗi ngày, sau Thánh Lễ buổi sáng, mọi người đã lục tục ra về, ngôi nhà nguyện đóng kín cửa như chìm trong yên lặng và bóng tối, chỉ còn lại duy nhất một ngọn nến trắng trên bàn thờ. Ánh nến hắt lên tường những chấm sáng lung linh, soi lên bức tượng Đức Mẹ bồng con bằng thạch cao trắng toát. Nến trắng và tượng trắng, tất cả chỉ là một màu trắng nhưng nghe trong thinh lặng chút bình an tràn ngập tâm hồn.

      Tôi ngồi lại một lúc giữa những hàng ghế chỏng trơ không còn ai, nhìn chăm chăm lên ngọn nến. Tôi ở lại một mình chỉ vì thích đóm lửa nhỏ nhoi của ngọn nến, say sưa nhìn đóm lửa nhỏ lay lắt tỏa ánh sáng hắt hiu xuống chiếc khăn trải bàn cũng màu trắng, trong cái tĩnh lặng của tâm hồn. Tôi không cầu nguyện gì đâu, nhưng cảm giác bình yên khi nhìn ánh sáng của cây nến trắng đã rất đủ. Chắc hẳn trong mỗi đời người ai cũng có lúc thèm sự yên tĩnh của tâm hồn. À không, ở dãy ghế bên kia còn một ông già Mễ Tây Cơ, ông vẫn quỳ im lặng nhìn lên ngọn nến như tôi vậy, nhưng khác hơn là miệng ông mấp máy cầu nguyện. Mặt ông héo quắt với chòm râu bạc, đôi mắt đăm đăm nhìn lên ngon nến, nét mặt thành khẩn như đang cố bám lấy một niềm hy vọng nơi bức tượng Thánh trên bàn thờ.

      Buổi sáng nay đi ngang công viên để đến nhà nguyện, tôi đã nhìn thấy mùa Đông trở về, một rừng lá vàng khô xôn xao đuổi nhau lăn xuống cuối dốc, trơ lại những nhánh cây khô, treo trên đó là những thân tầm gửi đang đong đưa theo gió sớm. Buổi sáng đầu mùa Đông mang theo chút giá buốt, khu công viên chỉ lác đác dăm người đi bộ, và những cây hoa dại có một sức chịu đựng dẻo dai, nở những bông hoa li ti trên bờ cỏ ven đường. 

      Khi ngọn nến tàn là lúc ấy tôi với ông già Mễ cũng ra khỏi ra nguyện. Ánh sáng leo lét của ngọn nến cháy bập bùng rồi gần như lả xuống trong lòng chiếc bình thủy tinh trong suốt, y như cái ngoẹo đầu cuối cùng của một người khi từ giã cõi đời. Ông già Mễ mỉm cười chào tôi trước sân nhà nguyện, ở đấy có một vườn hoa nhỏ và hai băng ghế dài đặt song song đối diện nhau. Có khi tôi cũng ngồi lại một chút để nhìn vẩn vơ lũ chim sẻ đang nhảy nhót trên sân tìm mồi, bỗng đồng loạt bay ào lên khi thấy có bóng người bước tới. Đôi khi tôi và ông Rôbéctô hay trao đổi vài câu chuyện nhỏ, cái miệng móm mém của ông phều phào kể cho tôi nghe những nỗi buồn nho nhỏ trong gia đình, ông hay đi nhà thờ để cầu nguyện cho đứa cháu đang đi lính ở phương xa.

      Khi biết tôi ở lại một mình cũng chỉ vì thích ánh sáng lung linh của ngọn nến trắng, và câu chuyện mùa Giáng Sinh thời thơ ấu, ông RôBécTô cảm động lắm. Đôi mắt ông hấp háy, nhòa ướt qua giọng nói khàn khàn ẩm đục. Mùa Giáng Sinh đến, trời bắt đầu lạnh hơn, tôi có ý nghĩ chuẩn bị một món quà cho ông bạn già vong niên trước ngày Lễ Giáng Sinh. Có gì đâu, tôi lại nhớ đến củ khoai lang nướng bà hàng xóm tặng tôi đêm Giáng Sinh, bây giờ nghe ông Rôbéctô thích vài món ăn Việt Nam, tôi nghĩ đến chuyện tặng ông một hộp cơm rang và chục cái chả giò tôm thịt. Chẳng có gì hơn bằng một món quà đáp ứng đúng sự ưa thích của người nhận, ông Rôbéctô cảm động lắm khi nhận món quà của tôi buổi sáng trước ngày Lễ Giáng Sinh, tôi thấy đôi mắt ông nhòa lệ khi nắm lấy tay tôi nói phều phào những lời cảm ơn.

      Tôi không nghĩ đến việc cho đi để nhận lại một món quà thật dễ thương của ông Rôbéctô vài hôm sau đó. Khi tan buổi lễ, ông gặp tôi trước sân nhà nguyện, với một gói giấy hoa thật đẹp, thì ra ông già đã nhờ cô con gái mua hộ cho tôi một món quà thật xinh: đó là chiếc áo len màu hồng nhạt. Vẫn cái giọng Mễ Tây Cơ lùng bùng những thanh âm nằng nặng, ông nói rằng món quà này thật là thích hợp cho tôi, người phụ nữ Á Đông có dáng dấp nhỏ nhắn và nước da trắng trẻo. Quả thật chiếc áo len màu hồng khi mặc vào đã làm tôi như trẻ lại hằng chục tuổi. Món quà của ông Rôbéctô đã thắp lại trong tôi ngọn nến sáng mùa Giáng Sinh năm nào, với củ khoai lang nướng khi tôi là cô bé lên mười thuở ấy. . .

      Ông Rôbéctô đã qua đời vài năm nay, ông chết vì bịnh ung thư phổi. Những năm cuối của cuộc đời, ông không đến được nhà nguyện mỗi ngày, nhưng trước khi chết ông vẫn mong được gặp những khuôn mặt yêu thương của những người Việt ông quen biết. Rất tiếc là tôi không thường gặp ông sau này, nhưng tôi biết ông ra đi rất êm ả. Người ta kể rằng trong những giây phút cuối cùng của đời người, ông chỉ xin đốt lên cho mình một ngọn nến. . . 

3-

      Những ngày cuối năm với những cơn mưa mùa Đông làm ẩm ướt không gian, đất trời như nặng trĩu một nỗi sầu da diết. Trong căn nhà vắng lặng, bóng chiều hình như đến vội với những giọt mưa rả rích ngoài hiên. Trời rét lắm, gió và rét khiến những chú chim sẻ nhiều chuyện không ríu rít như mọi ngày, chúng rủ nhau vào trốn gió sau bụi mía, lả mình vào hàng rào đang rung rung những chiếc lá úa. Những con chim sẻ mùa Đông trông thật dễ thương, xù lông ra tròn quay như một cụm len màu nâu xám biết nhảy nhót.

      Góc vườn nơi cửa sổ nhà bếp rất khuất gió, bụi mía sắp tàn như một mái nhà tranh trống trước hở sau, che tạm cho một gia đình nghèo khổ. Sau cơn mưa, trời chuyển qua những đợt gió lạnh buốt xương, tôi đứng từ trong nhà nhìn ra khung cửa kính nhà bếp, tò mò nhìn mấy chú chim sẻ núp dưới vòm lá mía. Cũng đỡ buồn lắm khi ngắm nhìn bầy chim sẻ mùa Đông, y như những đứa trẻ bụi đời trên vỉa hè thành phố một đêm mưa nào đó, rúc vào nhau trong tấm chiếu trải bên lề đường, cuộn tròn lại với nhau đưới tấm chăn bẩn . Mấy con chim sẻ cũng khôn ngoan rủ nhau tụ vào một chỗ, có con đang co ro ngủ gật, có con mắt láo liên, thỉnh thoảng lại lách chách bay lên tàu lá như vừa tìm được một con mồi đỡ lòng cho ngày Đông buốt giá. Nhu cầu ăn để sống vẫn bắt nó phải tìm mồi dù đôi cánh lảo đảo trong gió rét như muốn rơi xuống thảm cỏ, trông thật tội nghiệp.

      Đứng trong nhà nhìn qua lớp cửa kính trong suốt, ở góc phòng chớp tắt những chiếc đèn nhấp nháy trên cây Giáng Sinh, tôi thấy con chim bé bỏng đang vỗ vỗ đôi cánh nhỏ, rồi gõ cái mỏ nhỏ xíu lên mặt kính, cũng tò mò nhìn tôi, làm như nó cũng thèm thuồng được vào trú ẩn trong căn nhà có ánh đèn ấm áp. Tôi chia xẻ được gì đây? Người và chim là hai thế giới khác hẳn nhau, và có lẽ dù được cho ăn no, chú chim sẻ vẫn không thích thú gì khi bị con người giam chú vào cái lồng chim chật hẹp. Những chú chim sẻ mùa Đông như những búp len xậm màu, xếp hàng xúm xít vào nhau để trốn gió sau rặng mía ven bờ rào, lại dẫn đưa tôi đến một khía cạnh khác của con người, mà ở câu chuyện này tôi vẫn thấy cái đẹp nhỏ nhoi của Tình Người ấm áp biết bao nhiêu. Đó là câu chuyện của hai người vô gia cư, hay là chuyện "lá rách đùm lá nát" đã làm thức dậy chút bâng khuâng trong tâm hồn những quả tim chai đá.

4-

      Một buổi tối mùa Đông trước ngày Lễ Giáng Sinh, trời mưa phùn, rét như cắt ruột. Đường phố vắng xe qua lại, phía xa là những ánh đèn màu rực rỡ chớp tắt quấn trên những thân cây ven đường. Suốt một tuần sắp lễ Giáng Sinh, thời tiết bỗng dưng âm ỉ rét, những đợt gió lạnh từ hướng Bắc thổi về, người có việc ra đường co ro trong những chiếc áo ấm dày cộm và khăn phu la quấn quanh cổ. Hình như người ta ngại đi ra đường vào một tối trời mưa như vậy, chỉ còn một vài cửa hàng bán "fast food" và cà phê là còn mở cửa, có dăm người khách ngồi im lặng trầm ngâm trước khay thức ăn ăn uống uể oải. Khách đến tiệm vào giờ này có lẽ là những kẻ xa nhà, thiếu một bếp lửa hồng để sưởi ấm cõi lòng cô quạnh, ngày giáp Lễ thường sau giờ làm việc, ai nấy hối hả về nhà chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh.

      Người phụ nữ bán hàng đang dọn dẹp mấy thứ lặt vặt, mong đến giờ đóng cửa để đi về, vì chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là đến nửa đêm. Bà nghĩ đến hai đứa con đi học xa vừa về nhà với mẹ mấy hôm nay, đã lâu lắm người mẹ chỉ mong được gặp các con trong những dịp Lễ Tạ Ơn hay mùa Giáng Sinh, và bà đã chuẩn bị những món ăn truyền thống mùa Giáng Sinh cho các con từ mấy ngày hôm trước. Gia cảnh đơn chiếc vì năm ngoái người chồng đã qua đời sau một tai nạn, bà vẫn ở một mình trong căn chung cư cũ kỹ, những ngày gió mưa căn nhà nhỏ như càng ẩm ướt, lạnh lẽo.

      Ngay khi ấy, cánh cửa tiệm bật mở đem theo một làn gió buốt lạnh vào trong tiệm ăn, hai người đàn ông chùm đụp trong những tấm chăn bẩn bước vào tiệm. Người phụ nữ nghĩ đó là hai người khách cuối cùng, vì bà cũng nhớ ra đó là hai người đàn ông nghèo khổ, không có một mái nhà, chỗ trú của họ là cái gầm cầu ngoài xa lộ đi về hướng Galveston. Thỉnh thoảng họ có dắt nhau đến đây, trông họ có vẻ là hai anh em, người đàn ông lớn tuổi trông vẻ mặt rất ngây ngô như một đứa trẻ chậm phát triển.

      Trong hai người đàn ông ấy, ông già gương mặt đờ đẫn, ngờ nghệch nhìn thế giới xung quanh ông như nhìn một thế giới khác, thời gian đã cày lên khuôn mặt ông những nếp nhăn chằng chịt, bộ râu hung hung nay đã xám ngoét, bết vào nhau như một cụm rơm bẩn. Người đàn ông kia trẻ hơn, có đôi mắt màu xanh lơ trông hiền lành như màu biển, co ro trong chiếc áo rét bằng dạ xám bẩn và cũ. Họ rét lắm, chằng đụp lên người những quần áo và chăn bẩn, bốc lên một mùi hôi. Ngoài trời, cơn mưa phùn mùa Đông như những chiếc kim khâu luồn từng giọt căm căm vào xương tủy, gió nhiều hơn mưa, mưa và gió lại là hai vị Thần nguy hiểm của những người bần cùng, nghèo khổ.

      Hai người đứng xếp hàng chờ đợi. Người đàn ông trung niên vét mãi hết túi này đến túi kia được một nắm hào lẻ, chưa đầy một đồng bạc nhưng cũng đủ mua một ly cà phê nóng. Theo quy định của cửa hàng, khách vào tiệm phải mua một món gì mới được phép ngồi lại. Trời rét ngọt ở bên ngoài, nhưng trong tiệm thật ấm vì có máy sưởi, quần áo của hai người đàn ông nghèo khổ toát ra một mùi hôi khiến những người trong tiệm phải nhăn mặt. Mua xong ly cà phê, họ vội vã dẫn nhau vào cái bàn xa nhất, như sợ rằng mùi hôi trên quần áo, cái nheo nhóc, bẩn thỉu của thân phận người nghèo cũng sẽ làm những người xung quanh khó chịu.

      Người phụ nữ bán hàng để ý nhìn hai người "homeless" mà chỉ mua có một ly cà phê. Khi nhận ly cà phê trên tay bà, người đàn ông trẻ hơn vội vã đưa cánh tay dìu người đàn ông già đi về chiếc bàn trong góc tối. Hình ảnh đó khiến bà xúc động, một người "không có gì" cũng đang cố sức giúp một người" không có gì" gượng đứng trên cõi đời đầy đau khổ, khi họ nhường cho nhau ủ đôi bàn tay lạnh cóng vào ly cà phê nóng còn bốc khói. Người đàn ông trẻ hơn đẩy ly cà phê vào đôi tay ông bạn già đang run rẩy, rồi một chốc người kia lại đẩy ly cà phê sang phía người đối diện, họ cứ chuyền tay nhau ly cà phê nóng còn bốc khói mà không uống ngụm nào. Họ cần một chút ấm trong đêm nay, mà cơn gió tháng chạp lạnh lẽo đã luồn vào gầm cầu trống trải khiến họ rét run bần bật . Thời tiết và thời gian là đôi bạn đồng hành ác độc đè lên đôi vai họ một cách nghiệt ngã, để họ không còn sức chịu đựng mà chống chỏi cơn giá rét mùa Đông như những năm trước.

      Người phụ nữ đứng trong quầy hàng, như bức xúc trước cái khổ của đồng loại. Dù sao bà cũng có một mái nhà để chui ra chui vào, dù sao bà cũng có hai đứa con, và lát nữa đây khi tiệm đóng cửa, con bà sẽ đến đón mẹ về nhà để đón mừng ngày Lễ Giáng Sinh. So sánh giữa hai cái khổ, bà vẫn thấy mình hạnh phúc hơn hai người đàn ông "homeless" kia. Không biết nghĩ sao, bà móc túi tìm vài đồng bạc lẻ, và thật sung sướng khi đóng vai một người khách, bà có đủ tiền mua tặng cho hai người đàn ông nghèo khổ một khay thức ăn nóng hổi. Bà bưng khay thức ăn đến cái bàn của hai người đàn ông, với một nụ cười dịu dàng và câu chúc "Giáng Sinh Vui Tươi", bên chiếc khay còn thêm một ngọn nến trắng cắm trong cái ly nhỏ bằng thủy tinh trong suốt, bà vừa mua nó hồi trưa nay tại một tiệm chín mươi chín xu để buổi tối đặt trên bàn ăn, đốt lên ngọn lửa giáng sinh ấm áp mừng ngày xum họp trong gia đình.

      Hai người "homeless" ngỡ ngàng nhìn người phụ nữ. Người đàn ông mắt màu xanh lơ có chòm râu bạc nhìn chăm chăm vào khuôn mặt của người phụ nữ tốt bụng, nói lời cảm ơn nghẹn ngào với đôi mắt rưng rưng. Ông đẩy khay thức ăn qua cho người bạn già ngớ ngẩn của mình, bằng ánh mắt thương yêu trìu mến. Ngọn nến mà người đàn bà tốt bụng vừa đốt lên để mừng Giáng Sinh, cho họ một cảm giác cực kỳ hạnh phúc, vì họ đang tận hưởng được sự trân trọng như những con người bình thường trong xã hội.

      Sau khi ăn xong khay thức ăn, người đàn ông trẻ tuổi dọn dẹp rồi lại dìu người bạn già ra khỏi tiệm ăn. Đi qua chỗ người phụ nữ, ông ta ngước đôi mắt xanh và mấp máy một lời chúc tốt lành nhất mùa Giáng Sinh đến người phụ nữ, họ mỉm cười với nhau. Đã tới giờ đóng cửa, hai kẻ cùng khổ không nhà ấy dẫn nhau trở về cái dạ cầu, nơi trú ẩn của họ hằng bao nhiêu năm nay, họ xin người đàn bà cho họ mang theo ngọn nến trắng. Bụng đã no, lòng đã ấm vì tình người như một món quà Giáng Sinh quá bất ngờ, vừa rơi xuống từ Trời để họ biết là vẫn còn những tấm lòng tử tế trên cõi đời này. Người phụ nữ cũng sửa soạn ra về, mang theo trong lòng một niềm vui nhỏ nhoi mà thật là ấm áp. Đôi mắt xanh hiền hậu của người "homeless" nhìn bà lúc nãy trông quen quá, dường như bà đã nhìn thấy ở đâu? Sau một phút nghĩ ngợi, bà chợt "à"ø lên một tiếng nhỏ. Phải rồi, đó là đôi mắt tượng Chúa treo trên vách nhà nguyện, ngồi giữa một bầy trẻ thơ đang ríu rít đứng xung quanh.

5-

      Người ta kể cho tôi nghe một câu chuyện khác, lần này thì tôi nhớ ra ông Tom, người đưa thư da đen quen thuộc vùng ngoại ô SouthEast. Ông Tom gốc gác người Phi Châu, da đen bóng, tổ tiên ông bao đời đã từng sống nơi vùng đầm lầy Lousiana, người du lịch đó đây có thể thấy bên ven đường đi Baton Rouge, đài kỷ niệm những bước chân đầu tiên của người nô lệ da đen trên xứ Mỹ. 

      Ông Tom làm nghề phát thư cho khu vực này khá lâu, từ khi hàng cây sồi ven đường còn bé tý, những căn nhà khang trang thuở ấy nay đã cũ kỹ, và chủ nhân những căn nhà ấy bây giờ có thể là một bà cụ già đi không vững, đám trẻ đã đi đâu mất, chỉ còn những tiếng chim ríu rít trên rặng sồi là còn y nguyên. Ông Tom biết hết những căn nhà trên con đường River, biết cả những căn nhà lần lượt đổi chủ, và những phụ nữ xinh đẹp dễ thương năm nào, nay bước vào tuổi già còn lại một mình trong khu nhà êm ả đầy bóng cây râm mát.

      Ông Tom thân với cụ Mary nhất, cũng từ cái hôm ông bị một con chó trong khu vực ra được cổng rào, rượt ông chạy trối chết rồi vấp chân vào bậc xi măng bên vệ đường, ngã lăn ra trước cổng nhà cụ Mary, đúng vào lúc bà cụ ra mở thùng thư để lấy thư như thường lệ. Bà cụ nhìn người đưa thư da đen ái ngại, rồi bà mời ông vào ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá ở sân trước, trong khi ông Tom chưa hoàn hồn vì cái ngã đau làm đầu gối ông bị trầy trụa, rướm máu.

      Bà cụ Mary vào nhà, lúc trở ra bà bưng cho ông một ly nước cam, với một túi vải đựng dăm thứ thuốc sát trùng và băng cá nhân. Bà dịu dàng bảo ông Tom vén ống quần lên cho bà xem vết thương, nhẹ nhàng lau vết thương cho ông rồi băng lại cẩn thận. Ông Tom cảm thấy dễ chịu quá, trước kia ông vẫn ngấm ngầm cho rằng đâu đó là sự chia cách của màu da, của con người giữa những tầng lớp xã hội, và những đau buồn của dĩ vãng từ đời tổ tiên khiến ông có ít nhiều mặc cảm với người da trắng. Hai người mỉm cười với nhau, chỉ có thế mà ông Tom nhớ mãi vì hôm ấy là một ngày đẹp nhất của mùa thu . . .

      Từ đó họ thành đôi bạn vong niên của nhau. Ông Tom cũng biết thêm bà cụ Mary sống cu ky có một mình, con cháu bà ở một thành phố khác, từ khi cụ ông qua đời thì bà Mary cô quạnh thêm vì vắng người hủ hỉ. Mỗi ngày đem thư đến khu vực này, ông Tom luôn mong thấy khuôn mặt và nụ cười hiền lành của bà bạn vong niên ra lấy thư, hôm nào vắng bà cụ là ông Tom lại cảm thấy không yên bụng.

      Năm nay mùa Giáng Sinh lại đến. Mùa Đông rét hơn mọi năm, hay là ông Tom nay đã yếu để thấy rằng cơn gió mùa Đông Bắc bỗng dưng lại khắc nghiệt hơn những năm trước. Sau mùa Giáng Sinh ông Tom sẽ có những ngày nghỉ phép, ông về thăm lại anh em của mình ở vùng đầm lầy Lousiana, ông sẽ trở về khu nhà tồi tàn, cũ kỹ nhưng ấm áp tình thương gia đình. Trước khi đi, ông Tom sẽ nói cho bà Mary biết những ngày ông đi vắng, và ông cũng mong rằng con cháu bà sẽ về xum họp với bà trong những ngày nghỉ lễ cuối năm. Những ngày cuối năm bận rộn, ông Tom lái xe đem đầy nhóc những cánh thiệp Giáng Sinh, thùng thư nào cũng có những cánh thiệp mang đầy lời chúc tốt đẹp, nhưng hai ngày qua mà thùng thư của bà Mary vẫn còn nguyên, không thấy bà lấy thư như mọi khi.

      Ông Tom lái xe đi rồi lại băn khoăn nghĩ ngợi mãi, không yên lòng chút nào cả. Bà bạn già của ông không biết đi đâu, ra sao? Lúc trước mỗi lần đi vắng đôi ngày, bà có nói cho ông Tom biết, nhưng lần này ông chỉ nghe bà khoe người con trai sẽ về thăm, lũ cháu đi nghỉ Đông với bạn bè ở miền Bắc. Chắc chắn là bà Mary ở trong nhà, nhưng lý do nào mà thùng thư của bà hai hôm rồi vẫn chưa lấy? Đáng lẽ ông Tom lái xe về Bưu Điện khi đã bỏ hết thư trong ngày, nhưng nghĩ sao ông lại quành xe về nhà bà cụ Mary, và ông rón rén mở cánh cổng rào thấp, hồi hộp gõ cửa chờ đợi. Ông gõ năm, bảy lần, ông bần thần trong dạ, linh tính cho ông biết bà bạn già không đi đâu, nhưng chẳng biết vì sao bà không mở cửa.

      Tuổi già sống một mình như bà cụ Mary là chấp nhận tất cả nỗi cô đơn, buồn rầu, hiu quạnh, chưa kể những cơn bịnh đến bất ngờ không chống đỡ được. Ông Tom định bỏ đi nhưng lòng không an ổn, ông nhớ lại buổi chiều thu hôm nào bà Mary đã lật đật lấy cho ông một ly nước cam, đã lau chùi băng lại vết thương trầy trụa trên đầu gối ông, đã cho ông một nụ cười hiền dịu nhất của tình nhân loại. Không nghĩ gì nữa, ông Tom quyết định gọi "emergency" để báo cáo về sự vắng mặt của bà bạn già dễ mến của mình. Khi người ta phá cửa vào nhà, bà Mary chỉ còn thoi thóp thở, nằm bất động trên giường với khuôn mặt xanh lướt. . . .

      Câu chuyện của người đưa thư da đen cứu sống một người đàn bà già nua cô độc trong căn nhà ở đường River, người ta có đưa lên chương trình truyền hình địa phương một buổi tối áp lễ Giáng Sinh. Chẳng biết có ai nghĩ gì về những nỗi buồn đầy ắp trong cuộc sống thường ngày, hay chỉ có ông Tom đang cầu nguyện cho bà bạn già mau bình phục.

Nguyên Nhung

Thơ Tranh: Hồi Chuông Định Mệnh


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Lễ Giáng Sinh


Mùa Giáng Sinh trang trí khắp nơi,
Kết đèn sáng rực điểm sao trời
Quà treo bốn phía cây thông đẹp,
Thiệp gởi phương xa bạn quý mời.
Lấp lánh đèn soi mơ cõi mộng,
Chập chờn ánh điện chiếu lên đời.
Chạy đua tháng tận năm cùng Tết,
Quà cáp thăm nhau chuẩn bị rồi!

Mai Xuân Thanh
Ngày 08 tháng 12 năm 2014

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Nguyện Cầu Đêm Noel



Lung linh ánh sáng toả lưng trời
Hát Giáng Sinh mừng khẻ nhẹ trôi
Hang đá Belem đèn rực rở
Hài Đồng máng cỏ nhạc buông lơi
Maria Đức Mẹ giang tay đón
Cụ lão Santa đón trẻ cười 
Con chấp đôi tay xin khấn nguyện
Ban ơn nhân thế lệ thôi rơi!

Song Quang

Giáng Sinh 2014 - Nhà Thờ Chính Toà Vĩnh Long

Những hình ảnh ngày và đêm trước Thánh Lễ Chúa Giáng Sinh tại Nhà Thờ Chính Toà, Vĩnh Long










Trương Văn Phú

Nhà Thờ Đình Khao, Vĩnh Long - Giáng Sinh 2014

Nhà Thờ Đình Khao, Vĩnh Long vừa xây xong trong năm nay 2014





Trương Văn Phú

Mùa Tha Thứ


Giáng Sinh mùa tha thứ
Xin hơ ấm tình người
Trong mùa đông xa xứ
Cho đời nhận thứ tha

Người người được hạnh phúc
Vui vẻ bên gia đình
Trao nhau lời cầu chúc
An lành mùa Giáng Sinh

Đêm đông trời lạnh giá
Chúa đã xuống dương trần
Vinh quang trong hang đá
Thiên Thần hát tung hô

Đông này người hớn hở
Quỳ bên Chúa Hài Đồng
Cầu xin Ngài che chở
An lành mỗi mùa đông

Giáng sinh chung lời nguyện
Cho thế giới hòa bình
Nghèo, sang cùng trò chuyện
Chan hòa kiếp nhân sinh

Tháng mười hai rộn rã
Lấp lánh những đèn màu
Con người thôi tất tả
Đòn mừng Chúa Giêsu

Tháng mười hai buốt lạnh
Dù gió rét chập chùng
Nhưng Chúa luôn bên cạnh
Đồng hành lúc cô đơn

Giáng Sinh mùa tha thứ
Quên hết mọi hận thù
Ngày mai hay quá khứ
Để được Chúa thứ tha

Đỗ Hữu Tài
18 - 12 - 2014

Xướng Họa: Nỗi Nhớ Bâng Quơ


(Tặng một bạn thân ở quê tôi.)

Đông đến thật rồi có biết không?

Cắt da lạnh lẽo tận tim lòng
Sương chiều xát muối vào nỗi nhớ
Nhớ em cùng nhớ một giòng sông.

Muốn biết bên trời có ngóng trông
Cánh chim dang dở nợ tang bồng
Phải lìa quê cũ đầy thương cãm
Với kẻ ước chia một chữ đồng.

Nhớ thật nhiều, xưa, cứ mỗi đông
Mùa này áo lạnh tím xanh hồng
Nụ cười mừng rỡ khi ta gặp
Như muốn trao nhau cả nỗi lòng.

Trời đất vô tình bổng bão giông
Đường đời khắp nẻo ngập gai chông
Ngọt bùi thay đổi thành cay đắng
Định mệnh éo le nát ước mong.

Anh Tú
December 18, 2014
* * *
Sầu Đông 

(Họa Nỗi Nhớ Bâng Quơ của Anh Tú)

Đã mấy đông rồi anh nhớ không?
Dường như quên mặt cách xa lòng
Chốn xưa người cũ còn mong nhớ
Trên chiếc xuồng con cặp mé sông.

Từ đó đến giờ em vẫn trông
Người đi chưa phỉ chí tang bồng
Ngày về hun hút trời thăm thẳm
Hiu quạnh mình em với ruộng đồng.

Thao thức đêm dài ngại gió đông
Sầu dâng khóe mắt nhạt môi hồng
Dòng sông Phú Đức êm đềm quá
Nhớ chiếc xuồng xưa nát cõi lòng.

Mong ước trời trong, lặn gió giông
Đón người tri kỹ vượt gai chông
Ai về bên ấy cho tôi nhắn
Rằng có người yêu vẫn nhớ mong…


Phú Thạnh
20/12/2014.
* * *
Lạc Mất Đời Nhau
(Từ “Nỗi Nhớ bâng Quơ” của Anh Tú)
Tình đã xa rồi có như không
Bao nhiêu sầu muộn giấu trong lòng
Người đi biền biệt theo năm tháng
Để lại đường xưa lạnh bến sông
Nuối tiếc mà chi chỉ hoài trông
Bóng chim tăm cá mộng phiêu bồng
Ra đi chẳng hẹn ngày trở lại
Thì nói làm chi nghĩa sắt đồng
Ngoài kia gió lạnh thổi đêm đông
Ngồi sưởi bên trong bếp lửa hồng
Giá rét ngoài trời sao bằng được
Cái lạnh buốt tim tái tê lòng
Mong sao trời đừng nỗi cơn giông
Tháng ngày còn lại nỗi chênh chông
Nhớ mối tình xưa lòng đau đáu
Lạc mất đời nhau còn gì mong

12/2014
Thiên Thu

Chúc Mừng Giáng Sinh An Lành


Trương Văn Phú
Giáng Sinh2014


Cảm tác: Hồng Ân Tháng Mười Một


(Cảm Tác Tháng Mười Một Em Về của Đắc Thu)

Tháng mười một đó của riêng em
Bóng trăng xuyên lá đổ qua thềm
Hẹn người năm cũ quay trở lại
Mòn mỏi canh dài cớ sao quên!

Bao mùa bão táp với mưa sa
Nhớ nhung bạc tóc mắt đã lòa
Lục trong rương cũ hương mùi áo
Dẫu tình ngắn ngủi thoáng vụt qua

Phủ phàng tình dối với lòng gian
Đau thương vò nát cánh hoa tàn
Chân không đứng vững thân gục ngã
Cuối trời ngời tỏa ánh hồng quang

Tạ ơn Chúa ban đến vận may
Ánh sáng loé lên từ hố ngoài
Nhìn ra chân lý tìm đường mới
Phó thác hồn con trọn tâm này

Kim Oanh
20/11/2014
* * *

Cảm tác:
Hồng Ân Tháng Mười Một


Em mang tâm sự thầm quay bước
Hương áo ngày xưa ẩn nét thề 
Ánh sáng văn minh trời viễn xứ
Tâm hồn da diết một miền quê.

Nếp cũ hồn xưa thời thiếu nữ
Ruộng đồng xanh thẳm nắng hè oi
Con đường đến lớp chờ chung bước
Kỷ niệm trường xưa rộn tiếng cười.

Bão táp mưa sa không gục ngã
Đau thương không đánh quỵ hoa đời
Vẫn còn chân lý cho nguồn sống
Cho những tình thương đang lên ngôi.

Tạ ơn Thiên chúa trời cao sáng
Tẩy xóa niềm đau tiếng thở dài
Còn lại những ngày mơ hạnh phúc
Hồn thơ tiếng nhạc vẽ tương lai!

Đắc Thu
24/12/2014

Ông Già Noel Và Những Sự Thật Thú Vị


      Ông già Noel hay còn gọi là ông già Giáng sinh hoặc ông già Tuyết (theo cách gọi tại Nga), là nhân vật gắn liền với mùa lễ Giáng sinh, giống như cây thông Noel.

      Hình ảnh tiêu biểu về ông già Noel trong bộ đồ màu đỏ viền trắng, đeo thắt lưng da đen, đội chiếc mũ đỏ với chòm râu dài trắng, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười "hô hô hô", tồn tại trong nhiều nền văn hoá, đặc biệt là ở các nước phương Tây.

      Truyền thuyết cho rằng ông già Noel sinh sống tại Bắc Cực với những người lùn. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của những chú lùn. Vào dịp Giáng sinh, ông nhận được rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới. Và mỗi đêm Giáng sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe do 9 con tuần lộc kéo, để mang quà và đồ chơi cho trẻ em khắp thế giới.

Tuy nhiên, còn nhiều điều thú vị có lẽ không phải ai cũng biết về ông già Noel:


1. Thần Odin của Na Uy được coi là nguyên mẫu đầu tiên của ông già Noel. Vị thần này đã tặng quà cho trẻ em ngoan. Theo truyền thuyết, con ngựa 8 chân có tên Sleipnir của ông có thể nhảy cách quãng rất xa.

2. Ý tưởng rằng ông già Noel trèo qua ống khói của các hộ gia đình để phân phát quà được đề cập tới lần đầu tiên trong một cuốn sách trào phúng xuất bản năm 1809, nhan đề "Lịch sử của New York".

3. Chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph của ông già Noel ban đầu được gọi là Rollo và sau đó là Reginald. Cái tên Rudolph được đại chúng hóa năm 1939 nhờ nhà văn Robert L. May.

4. Theo cơ quan quản lý nhập cảnh Canada, quốc tịch của ông già Noel là Canada vì ông sống tại Cực Bắc. Trong khi đó, người Hà Lan nói rằng, ông già Noel sống trong một lâu đài ở Tây Ban Nha và di chuyển bằng tàu thủy chạy bằng hơi nước.

5. Kỷ lục về sự nhóm họp của các ông già Noel được thiết lập tại thành phố Derry, Ireland năm 2007, với sự hiện diện của tới 13.000 ông già Noel.

6. Kỷ lục về số lượng thư gửi tới ông già Noel được thu thập nhiều nhất trong mùa Giáng sinh là 1,06 triệu bức ở Canada, năm 2006.

7. Các đồng xu vàng bằng socola được trao tặng nhằm tưởng nhớ việc Thánh Nicholas tặng các túi vàng cho người nghèo.

8. Một số nhà sử học tin rằng, Thánh Nicholas chưa bao giờ tồn tại và là nhân vật huyền thoại bước ra từ những câu chuyện cổ tích về thần Hải vương - vị vua của biển cả. Hải vương được cho là đã chết vào khoảng năm 350 sau Công nguyên.

9. Các nhà khoa học Na Uy đã đưa ra giả thuyết nhằm lý giải nguyên nhân khiến mũi của chú tuần lộc Rudolph lại màu đỏ. Họ tin rằng, đó là do Rudolph đã nhiễm ký sinh trùng ở hệ hô hấp.

10. Trong số các phép màu của Thánh Nicholas còn được nhắc tới có việc hồi sinh cho 3 cậu bé đã bị một tên đồ tể chặt nát thân xác. Ông được coi là vị thánh bảo trợ của các thủy thủ, trẻ em, các tù nhân, những con sói và những bán hàng.

 Những nỗi khổ không biết ngỏ cùng ai của Ông già Noel

Ông già Noel thất nghiệp quanh năm, chỉ làm việc theo mùa vụ.
Khi làm việc luôn phải làm vào ban đêm, nhè lúc bọn trẻ đã đi ngủ.
Cả năm luôn phải mặc một bộ quần áo duy nhất. Suốt hàng ngàn năm không thấy nâng cấp hay mua sắm quần áo mới.
Phương tiện đi lại luôn bị đe doạ… săn trộm.
Điều kiện, hoàn cảnh làm việc bị thu hẹp nghiêm trọng, ngày nay không còn nhiều gia đình sử dụng lò sưởi đốt củi, nên cũng chẳng còn nhiều ống khói để Ông già Noel vào nhà.


Từ nguồn canhdongtruyengiao.net

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Bài Thánh Ca Buồn - Tiếng Hát Ân Nguyễn

Đêm Giáng Sinh, lời nguyện cầu năm xưa mãi mãi là dư âm


Đàn Hát và Trình Bày Youtube: Nguyễn Đức Tri Ân

An Hòa Mừng Chúa Giáng Sinh


" Sáng danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm"
An Hoà được Chúa ghé thăm
Từ Trời Ngài xuống mỗi năm một lần
Giáng sinh mưa xuống hồng ân
Trên môi, trên mắt, toàn thân sạch đều
Hài đồng nhỏ bé đáng yêu
Nằm trong hang đá với nhiều lừa, chiên
Mục đồng trong thấy nhãn tiền
Đây gia đình Thánh, thần tiên giáng trần
Có ngôi sao lạ thật gần
Ba vua tìm đến Hồng Ân dẫn đường
An Hoà xin Chúa đoái thương
Ban muôn hồng phúc thiên đường dẫn đưa
Một lòng thành kính xin thưa:
Chúng con bất xứng, vẫn thừa nhiệt tâm
Giáo dân đón Chúa viếng thăm
Dọn mình sốt sắng mỗi năm đón chờ
Ngài đến như một giấc mơ
Thổi luồng sinh khí nên thơ tuyệt trần
Mưa rào tứơi xuống hồng ân
Chắp tay thành kính cùng dâng đôi lời:
" Sáng danh Thiên Chúa trên Trời
Bình an dưới thế cho ngừơi thiện tâm"
Bên tai thoang thoảng dư âm:
" Chúa đã nghe tiếng, ghé thăm chúc lành
Kinh cầu vang khắp Trời xanh
An Hòa phấn khởi, lòng thành hiệp dâng

24/12/2014

Hồ Nguyễn

Giáng Sinh Buồn Trong Hy Vọng


Đã lâu rồi con không lần đếm
Thẩn thờ ai đêm đợi mùa sang
Dọc sông xưa Thập Giá phương ngàn
Cùng Họ Đạo hoang mang quỳ khấn

Điêu linh ẩn bóng hàng me tận
Nóc Giáo Đường lận đận chìm sâu
Đáy nước sông xiết tiếng buồn rầu
Thay âm đổ chuông hầu tuyệt vọng

Phố phường đông đường còn vắng bóng
Người dẩn đàn Chiên lạc lưu vong
Phong ba phiêu bạt lòng mê mãi
Tạo Hóa bày phận kiếp long đong

Mộng Chúa về thiêu đốt đắng cay
Thánh Ca thanh thoát trổi khúc bài
Xé màn lụa phủ dài tăm tối
Giáng Sinh cầu soi nỗi lòng ai!

( Thương tiếc cho nhà thờ Nguyễn Trường Tộ
Vĩnh Long đã mất )

Vĩnh Long 1-12-2009

Lê Kim Hiệp

Tìm Gặp Chúa Trên Đất Mẹ Việt Nam

      Tôi đến Gò Vấp trong một buổi sáng sớm. Trong thời gian đợi chờ, tôi có dịp quan sát sinh hoạt nơi đây. Bên này con đường, sừng sững một ngôi trường Đại học. Nơi đào tạo những người tuổi trẻ và tương lai, họ sẽ là rường cột của nước nhà. Bên kia đường, đối diện với ngôi trường này, một con đường nhỏ hẹp, dẫn vào một nơi, có hơn hai trăm thân phận người trẻ khác, sống đời bất hạnh. Tôi muốn nói đến các trẻ em mồ côi. Những cơ thể đang thoi thóp này, rất cần đến sự chăm sóc đặc biệt để được tồn tại ngắn ngủi, thì cơ may nào các em với tới tương lai... 

     Nơi trung tâm này, tùy theo tình trạng sức khỏe và sự định bệnh, các em được sắp xếp nơi ăn chốn ngủ khác nhau, theo từng tổ một. Nhóm nhỏ nhất vào lứa tuổi sơ sinh. Những nhóm lớn hơn, khác nhau về tuổi đời, nhưng mang cùng khổ hạnh với những bệnh tật về thể chất, khả năng trí tuệ yếu kém. Các em đang cần, rất cần sự hảo tâm và tấm lòng nhân ái, của người đồng loại. 

      Theo chân người hướng dẫn cũng là một thiện nguyện viên. Anh đưa tôi đến, đối diện với những con người, đã bị chối bỏ bởi chính người thân của mình. Thật khó lòng nhận ra tuổi tác của các em, dù được nhìn qua nhân dáng. Phải chăng, số tuổi đời bị khuất lấp bởi sự dị dạng đang mang. Cùng là người, đang hít thở khí trời vào ra như những người bình thường, nhưng khác chăng là một số em nơi đây, đời sống khác nào loài thực vật. 

      Trong một căn phòng nhỏ. Những trẻ sơ sinh, mạnh khỏe có, bệnh tật có, nằm, bò ngỗn ngang hoặc đang chìm sâu giấc ngủ trong một môi trường ồn ào. "Cần sự yên lặng để nghỉ ngơi", không có nơi đây. Bởi vì, quanh một số em đang ngủ thì còn rất nhiều em khác đang khóc la. 
Ở một căn phòng khác, vây quanh chiếc bàn, có những em ngồi gọn trong những chiếc xe tập đi, hoặc ngồi trên ghế, thinh lặng đến não lòng. Em thì không thấy ánh sáng, đang được cầm tay dìu dắt tập đi. Em thì ngồi bất động trong sự mù lòa lẫn câm điếc. Có em ngồi say sưa bú lấy ngón tay cái nhỏ xíu. Có em biết cười đáp trả. Có em biết trả lời theo sự lặp lại với tiếng lời rời rạc lơ lớ rất khó nghe. 

      Một căn phòng cạnh đó, có những hình hài biết lay động, nhưng đa phần không có khả năng cảm nhận. Hầu hết các em được đặt nằm trên những chiếc nôi dành cho trẻ con. Các em với chiếc đầu phát triển bất bình thường, rất to tròn, như mọng nước, da đầu mỏng đến độ nhìn thấy những đường gân. Những chiếc đầu to, dẹp khác, vì nằm bất động trong khoảng thời gian khá lâu, trở nên lở loét, mất đi những chòm tóc. Có em với thân mình mà phần bụng uốn cong thay vị trí lưng, tay chân lại teo nhỏ khẳng khiu. Người hướng dẫn viên đưa tôi đến từng phòng một. Những hình hài sống trong bất động. Tuy nhiên, có những em nằm bất động nhưng gây nhiều ấn tượng bằng nụ cười ngây thơ. Có những em khác di động bất thường thiên bẩm, đi mà như chạy trên đôi chân khẳng khiu như hai chiếc que. Em " chạy" bằng phần trên của bàn chân, thay vì bình thường bằng lòng bàn chân. Em ôm lấy chân người thiện nguyện trong niềm vui và nụ cười rạng rỡ. Đồng thời một bàn tay cầm đồ chơi, em đập đập vào tôi... 
- Chơi nhẹ tay thôi. 
Lời người thiện nguyện vừa dứt lời, em dùng món đồ chơi đó, vuốt nhẹ trên cánh tay tôi. 
- Hiền lau miệng đi. 
Em biết dùng khăn choàng cổ, chùi chùi những dòng nước dãi đang chảy dài từ chiếc miệng cười tươi, lộ hẳn đôi hàm răng nhô ra. Em Nguyễn Thị Hiền, 7 tuổi, Chào đời ngày 21 tháng 3 năm 2004. Mỗi lần..."chụp hình cho Hiền nghe...", em biết đưa hai ngón tay lên làm dáng. Cho em xem hình, em thích thú lắm. 

      Một em bé khác, Trần Thị Hoàng Oanh, sinh ngày 23 tháng 9 năm 2009. Với chiếc đầu dẹp, lớn bất thường, em đưa đôi mắt mở như vừa hé, tròng mắt đảo qua lại, rất chậm chạp. Người thiện nguyện cho tôi biết, em rất khôn và được nhiều người nơi đây thương yêu. Em được ai đó làm đẹp bằng chiếc vòng mã não nơi cánh tay mặt. Tay trái với 7 chiếc vòng màu trắng bạc. Tôi vuốt nhẹ lên cánh tay, em nhoẻn miệng cười. Nghe em rất khôn, tôi đưa tay thử cù lét, miệng em mở rộng hơn, tươi hơn, thật dễ thương làm sao. Tôi luồn ngón tay mình vào bàn tay lạnh ngắt và lúc nào cũng nắm chặt. Tôi có được cảm giác như tay em bắt đầu cử động. Quả đúng như thế. Khi ngón tay tôi rời khỏi lòng bàn tay em, cánh tay em hơi di động lên cao, cơ hồ như muốn nắm lấy tay tôi. Phải chăng em cần sự yêu thương, một hơi ấm để dẫn vào trái tim bé nhỏ của mình!? 

      Rời nơi đây, những nhất cử nhất động của các em, theo tôi mãi. Đêm đã khuya, tôi trằn trọc, không tài nào chợp mắt. Tôi nhớ đến hầu hết các em đều có một điểm đặt biệt giống nhau là đôi hàng mi khá dài và đẹp. 
Những hình ảnh thương tâm của các em, kéo bước chân tôi tìm đến, trở lại nơi này một lần nữa. Đi dọc theo hành lang, lòng chút bâng khuâng như hò hẹn. Vừa bước vào phòng, bé Hiền đang được chuẩn bị bữa ăn sáng qua ống, nhưng em nhanh nhẹn lắm, nương theo thành nôi, đưa tay sờ vào túi áo tôi. Em lấy đi cây thoa môi lúc nào tôi chẳng hay. Đến lúc em đưa trả lại và ra dấu như thầm hỏi có phải thứ đó dùng cho lông mày không. Khi đã no bụng, bé nắm lấy tay tôi dắt đi và những vòng tay của các em khác siết chặt lấy tôi, khiến con tim tôi se thắt.

       Hai lần tôi tìm đến thăm. Biết đến bao giờ có duyên gặp lại các em lần nữa, dù rằng khi gặp mặt tôi phải giấu đi dòng nước mắt. Người điều hành ở đây cho tôi biết, ngày Hai mươi ba tháng Mười hai này, mọi người sẽ tổ chức cho các em đón mừng Giáng Sinh. Phải chăng trong ngày vui lễ trọng này, các vị ân nhân nài xin Chúa ban Hồng Ân đến cho các em. Riêng tôi, từ thâm tâm, kể từ khi nhìn các em đớn đau mà không la khóc. Đớn đau trong thinh lặng, chịu đựng. Chỉ chừng ấy thôi khiến tôi liên tưởng đến sự thương khó, chịu đựng cho người, vì người của Chúa. 

      Giáng sinh năm nay, trở lại quê nhà sau mấy mươi năm xa cách. Giờ này, thiên hạ chuẩn bị đón Chúa Hài Đồng chào đời nơi máng cỏ. Trong tôi, tôi có cảm giác đã tìm gặp Chúa. Chúa đã thọ thân trong những hình hài bé bỏng, đớn đau căm lặng của các trẻ mồ côi kia. Qua những hình ảnh khổ đau, thánh thiện, tôi có được thêm bài học về cách sống đích thực của một con người. Qua các em, tôi đã tìm gặp Chúa ngay trên đất mẹ sau mấy mươi năm xa vắng. 

Kim Phượng 
Giáng sinh 2011

Giáng Sinh Giăng Võng Heo May


Giáng Sinh về nhớ chập chùng
Bài ca Đêm Thánh Vô Cùng phiêu bay
Con đường ôm trọn vòng tay
Dìu đôi ta bước đêm ngây ngất lòng

Giáng đường lấp lánh cây thông
Tình ta lấp lánh lửa hồng soi tim
Ngồi xem thánh lễ nửa đêm
Tiếng đồng ca vọng bên thềm hân hoan

Đêm trôi về phía mộng vàng
Tình trôi về phía thiên đàng lung linh
Phố phường vui đón Giáng Sinh
Tiếng cười vui lướt bồng bềnh trăng sao

Tình ta chín mọng trái đào
Nụ hôn nồng cháy môi trao nồng nàn
Ngờ đâu một buổi ly tan
Đông về tê tái võ vàng cỏ cây

Giáng Sinh giá buốt heo may
Dường như Chúa cũng cau mày xót xa
Nô En bạc tóc ông già
Bao giờ trao lại món quà tình xưa ?

Vai quàng cái lạnh cuối mùa
Phố khuya bước lẻ cho vừa cô đơn
Phương xa em có dỗi hờn
Xin trao anh ngọn gió luồn lạnh vai


Trầm Vân