Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Nguyễn Thị Hạnh Hội Ngộ CHS Tống Phước Hiệp - NK 62 - 69

Trong lần về Việt Nam thăm quê đầu năm 2016,
Chị Hạnh Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Niên Khoá 1962-1969 đã có buổi gặp gỡ thân mật với các bạn cùng Khối Lớp tại Quán Ngân Vinh, Vĩnh Long.

Thơ thay mặt các bạn tặng quà cho Hạnh
Từ trái sang phải: HX Khải, Xuyên, Thành, Khai, DT Khải, Điệp (Lê).
Xuân, Thới, Huệ, Em.
Liên (vợ Đức), Xuân, Thới, Huệ, Em.
Khai, DT Khải, Điệp (Lê), Hiền (La), Hạnh.
Phỉ, Điệp (Bùi), Thơ, Liên (Vợ Đức)
Hiển, Thu, Thuận, Định.
Ngồi: Hiển, Thu, Thuận. 
Đứng: Đức.
***
Sau đó, Các Bạn kéo nhau đi uống nước tại quán Ánh Xuân.





Hình ảnh: Huỳnh Hữu Đức


Ngoảnh Mặt


Ngoảnh mặt
ngoảnh mặt đi…
Lau dòng lệ từ ly
Tim thôi buồn tan tác
Tình không còn cuồng si

Ngoảnh mặt
ngoảnh mặt đi…
Đừng nghe gió thầm thì
Ru hồn vào huyển mộng
Tình đến rồi tình đi …

Ngoảnh mặt
ngoảnh mặt đi…
Đừng theo lối ai về
Đừng nghe thu quyến rũ
Đừng ghé bến đam mê

Ngoảnh mặt
ngoảnh mặt đi…
Sầu … gởi cánh chim di
Trăng không buồn khuyết nở
Vườn thắm nụ xuân thì

Ngoảnh mặt … ngoảnh mặt đi…!

Yên Dạ Thảo
15/03/2016

Đường Về Vạn Tượng




Sao thấy quê nhà trong mắt tôi?
Đường về Vạn Tượng có xa xôi?
Đèo cao, dốc dựng, thân xe mỏi
Đây bản thôn, đồng hoa bắp tươi.

Rừng thả lên màu xanh lá xanh
Cây ôm đợi nắng, nắng vàng hanh
Nhà ai bên suối vườn rau thắm
Em đốt tàn chưa lửa chiến chinh?

Nam Song, tôi đến chùa say ngủ
Cổng uốn hình cung điểm phấn vàng
Những mảnh ruộng vuông, thân lúa đổ
Em theo mùa gặt vụ thu đông?

Tôi gởi hồn tôi trên núi cao
“Houay, Nong, Nam, Tad, Vat, Ban, Phou” (1)
Tiếng cười ai rớt trên đường bụi?
Đẹp mãi ngàn năm gái đất Lào

Trong buổi chiều tươm màu đất đỏ
Xe dừng thả khách ở Vang Vieng
Dõi một chân trời mây trắng lững
Đường về Vạn Tượng rất Vientiane…

Lâm Hảo Dũng
(PTT)
(1) “ Suối, Khe,Sông,Thác,Chùa, Làng, Núi”
Ảnh: trên đường về Vạn Tượng
Vạn Tượng- Nov 11-15- 3H30’pm

Chiều Vàng Vĩnh Long



Chiều xuống tan dần trong nắng muộn
Mái chèo khua gợn sóng hồn xưa
Lỡ nguyện ước phương xa trời nhớ
Thèm trở về lặng ngắm hoàng hôn.

Hoàng hôn phủ đôi bờ nhung nhớ
Nhớ bao chiều những bận đón đưa
Dáng ngây thơ bóng gầy nghiêng đổ
Chẻ lụa vàng dài ánh chiều rơi.

Đã qua rồi một thời sôi nổi
Mỗi chiều vàng gợi nhớ Vĩnh Long
Cõi đời riêng tim côi sâu lắng
Của ngày tháng cũ tuổi hồn nhiên.

Kim Phượng
Ảnh phụ bản chiều Vĩnh Long - Biện Công Danh

Vĩnh Long Chiều Cuối Hạ


(Cảm tác từ Chiều Vàng Vĩnh Long của Kim Phượng)

Anh đến Vĩnh Long chiều cuối Hạ
Nước sông Tiền lấp lánh đèn lên
Em đam mê phương xa trời nhớ
Bến cô liêu dòng nước mông mênh.


Hoàng hôn nào đời ta phủ kín
Hàng me thưa lá rụng bờ vai
Em ngây thơ áo dài nghiêng nắng
Cho tim anh ủ rủ u hoài.


Lâu lắm chúng ta chưa gặp lại
Hàng phượng xưa, mái ngói, sân trường
Chúc em mãi ngọt ngào sâu lắng
Quên cuộc tình tuổi trẻ thân thương ?!


Dương Hồng Thủy
(04/06/2013)

Ảnh phụ bản sông Vĩnh Long - Trương Văn Phú

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Lễ Phát Thưởng Long Trọng-Trường Trung Học Nguyễn Thông 1957







Lê Bửu Trân

Đổi Thay



Bài Thơ Xướng
Đổi Thay!

Tang điền thương hải đã bao năm
Dấu cũ hồn xưa nhớ tiếc thầm
Trăng sáng hàng cau đâu dễ thấy
Đồng xanh cánh én hết về thăm
Người đi kẻ đến mà thay xác
Đất đổi đời lên phải bốc xăm
Khói bụi âm thanh hòa nắng gió
Tình quê đâu mất chẳng còn tăm 


Cao Linh Tử
27/2/2016
***
Khắc Khoải

Quê hương xa cách đã bao năm
Ai biết lòng ta khóc âm thầm!
Lúc trước sức còn, không quảng viếng
Bây giờ lực kiệt khó bề thăm
Hằng mơ sông nước chèo khua nước
Nhớ mãi miếu đền tiếng lắc xăm
Đất nước oan khiên đêm khắc khoải
Từ đây có lẽ biệt hơi tăm!


Mailoc
***
Đổi Thay

Bãi bể nương dâu những tháng năm,
Đổi thay đau xót luống âm thầm.
Chẳng qua lúc ấy không đừng được,
Biết đến thuở nào mới đến thăm!
Góc biển tương tư mong hội ngộ,
Ven trời tưởng nhớ dõi xa xăm.
Thời gian đằng đẵng bao thương nhớ,
Ngóng cánh chim trời đã biệt tăm!!!


Đỗ Chiêu Đức
***
Biển Dâu

Cũng đã qua rồi mấy chục năm
Ai biết lòng ta luống khóc thầm!
Tự tin vùng vẩy tìm phương sống
Quyết chẳng hảo huyền xóc lá xăm
Đau khổ dần dà đi khuất dạng
Khốn cùng lủ lượt biệt mù tăm
Than thân kiếp số nào thay được
Nay rảnh bạn bè lui tới thăm.


Quên Đi

***
Lời Người Ở Lại

Còn đó quê hương với tháng năm
Tình yêu khắc khoải nỗi đau thầm
Ra đi giải thoát âu phần số
Ở lại quây quần nghiệm lá xăm
Muốn hiểu ly tan niềm tiếc nuối
Thì xin cảm nhận vị về thăm
Thời vui gắn kết con đường mới
Mở hé lòng tin giữa tối tăm.


Nguyễn Đắc Thắng
***
Tự Thoại

Trót đã xứ người mấy chục năm
Buồn tênh, cuộc sống rất âm thầm!
Một đời, không giận người quên bỏ
Suốt kiếp, đâu hờn kẻ chẳng thăm
Đất Mẹ nửa vòng tròn trái đất
Quê Cha vời vợi chốn xa xăm
Chân trời ngăn lối nhìn phương ấy!
Phôn "net" mang giùm chút tiếng tăm


Song Quang
***
Thương Hải Tanh Điền

Thương hải thuyền nhân mấy chục năm?
Tang điền tổ phụ tiếc thương thầm.
Nhà xưa trăng tỏ cau dừa khuất,
Biển Thái Bình xa há dễ thăm!
Vật đổi sao dời lâu cũng lạ,
Chùa còn thay chủ lại xin xăm.
Xô bồ hổn độn không lưu dấu,
Bến nước đò đưa biến mất tăm!


Mai Xuân Thanh

***
Khi Tình Đã Xa Nhau

Mới đó! xa nhau đã mấy năm !!!
Thời gian lặng lẽ ....cứ âm thầm
Trôi đi,không đợi chờ ai nữa
Cuốn hết,chẳng còn nhớ hỏi thăm
Tình cũ giờ đây bay dấu vết
Người xưa biền biệt chốn xa xăm
Nhớ thương cũng chỉ là thương nhớ
Khi đã quên rồi....chắc vắng tăm


Lý Lệ MAI
***
Cảm Tác: Thương Thay!


Thương Thay!

Mới đây mà đã bốn mươi năm
Cố quốc hoài mong dạ khóc thầm
Khắc khoải trăm bề sầu chất ngất
Muôn trùng cách trở khó về thăm
Tên đường phố cũ còn yêu dấu
Kỷ niệm tim nầy đậm vết xăm
Đêm vắng thương thay thân lẻ bóng
Ước mơ trăng đến hết mù tăm

Kim Oanh

Cố Nhân



Đời như sân khấu cõi hư không,
Tạo hóa đổi thay chốn bụi hồng.
Hoài niệm tơ duyên không trọn vẹn,
Người xưa lưu luyến mỏi mòn trông.
Thời gian xa cách dài nhung nhớ,
Dĩ vãng còn đâu hết ước mong.
Mái tóc mướt xanh nay cước trắng,
Cố nhân mệnh bạc mãi đau lòng!

Mai Xuân Thanh
Ngày 28 tháng 02 năm 2016

Raymond Samuel Tonlinson (1941-2016) - "Cha Đẻ" Của Emails


Raymond Samuel Tonlinson (1941-2016).

Đã vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, mỗi ngày có hàng tỷ Emails được gởi đi. Có những Emails chuyên về thương mại, công việc. Có những Emails vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, hay hạnh phúc cá nhân, nhưng người đọc mệt mỏi với loại thư điện tử này, nên thẳng tay đưa vào thùng rác (spam mails). Có cả những bức thư tình ngắn gọn thời "dot com" của những người đang yêu. Cả tỷ người trên thế giới thi nhau gõ keyboard, gởi, nhận thư điện tử mỗi ngày.
Có cả phim "You got mails" với tài diễn xuất tuyệt vời của Tom Hanks, và Meg Ryan đưa về một lợi nhuận khổng lồ cho Hollywood.
Không biết có ai trong cả tỷ người nghĩ đến người phát minh ra Emails? Chắc là ít ai nghĩ đến "cha đẻ" của Emails. Người kỹ sư điện tài ba, người sáng tạo ra Emails, và dấu @ vừa qua đời hôm thứ bảy, ngày 5 tháng 3 vì bệnh tim.
Thật ra, trước khi ông Ray Tomlinson khai sinh dấu hiệu @ vào năm 1970, người ta đã có thể gởi information qua lại cho nhau, nhưng chỉ gởi và nhận được nếu cùng sử dụng một máy computer. Không thể gởi data cho một người khác ở ngay phòng bên cạnh nếu người gởi và người nhận ở hai máy khác nhau,
Anh chàng kỹ sư trẻ, tự nhận mình là "a nerdy guy from MIT" (trường Đại học Massachusetts Institute of Technology lẫy lừng khắp thế giới đã đào tạo cho Mỹ nhiều nhà khoa học tài năng.) cặm cụi làm việc với niềm đam mê của một người "chỉ biết học thôi chả biết gì" (a nerd).
Ray tốt nghiệp cao học (master degree) về ngành Điện (Electrical Engineer) ở MIT năm 24 tuổi, sau khi đã có cử nhân (bachelor degree) ở Rensselaer Polytechnic Institute vào năm 1963. Thời sinh viên, ông đi thực tập ở IBM và đã làm cho các kỹ sư ở đó khâm phục trí thông minh, và khả năng làm việc của một anh chàng mới bước vào tuổi hai mươi, thiếu cả kinh nghiệm làm việc lẫn kinh nghiệm sống.
Ra trường, ông về làm việc cho Bolt Beranek and Newman((BBN), sau này được Công ty kỹ thuật Raytheon mua lại. Tomlinson làm ở đó như là một programmer giỏi, một nhà khoa học được tất cả mọi người kính trọng. Hơn nửa thế kỷ qua, vẫn ở cùng một công ty, với nhiều thay đổi, các nhà lãnh đạo, đến rồi đi, anh kỹ sư trẻ Ray Tonlinson, bước vào tuồi trung niên, roi bạc tóc, vẫn làm việc ở văn phòng quen thuộc của mình, vẫn yêu những con số, những project khoa học cho đến lúc ông qua đởi vì bệnh tim vào ngày thứ bảy 5 tháng 3 năm 2016.
Ray thời 1970, khi khai sinh mạng lưới email toàn cầu.
Vào năm 1970, ở tuổi 29, anh kỹ sư trẻ Ray Tomlinson phải làm việc cùng lúc ở hai computer khác nhau, data không thể gởi từ máy này qua máy kia. Ngoài phận sự của mình, Ray dành thì giờ nghiên cứu cách gởi data từ các máy khác nhau. Anh dùng tên mình Ray ở máy 1 gởi cho Ray ở máy 2. Để đơn giản hóa, thay vì dùng chữ "at", Ray dùng ký hiệu @, có sẵn trên bàn phím. Và việc gửi email từ máy này tới máy kia thành công. Chính từ đây, mạng lưới email giữa người này với người khác (Person to person netward email) ra đời và ký hiệu user@host trở thành mẫu ghi phổ thông cho cách ghi địa chỉ email toàn cầu hiện nay.
Khi tự gởi email cho mình (ở hai máy khác nhau) thành công, Tomlinson chia sẻ với một kỹ sư đồng nghiệp khác. Người này vui mừng, định báo tin cho cấp lãnh đạo. Vốn khiêm nhường như bao nhiêu người có tài khác, Ray ngăn lại "Đừng nói cho ai hết, thật ra đây cũng không phải là việc mà mình phải làm". Nhưng phát minh đó quá tiện lợi, nên "tiếng lành đồn xa", Ray Tomlinson được cấp bằng sáng chế, và là một trong những người quan trọng phát minh ra Emails.
Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng khoa học có giá trị về các nghiên cứu khoa học từ năm 2000 đến năm 2012. Riêng trong giới programmer về Internet, ông được coi là một trong những nhà phát minh tài năng.
Sau đó, dù luôn khiêm nhường và thầm lặng, ông nổi tiếng trong giới khoa học, được MIT xếp thứ 4 trong danh sách 150 cựu sinh viên tốt nghiệp MIT là những nhà phát minh có đóng góp quan trọng nhất cho khoa học.
Ông được mời đi nói chuyện ở các hội nghị khoa học, là một tên tuổi được kính trọng trong giới high tech, được các sinh viên trẻ coi như một thần tượng.
Dù vậy, nhà khoa học vẫn sống lặng lẽ với tình yêu khoa học, và trang trại nuôi một loại cừu nhỏ ở ngoại ô New York. Ngoài công việc, ông có niềm vui "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ" với thiên nhiên vả bầy cừu nhỏ của mình. Cả cuộc đời ông gắn liền với tiểu bang New York, nơi ông sinh ra, lớn lên, đi học, làm việc, và qua đời.
Xin viết lại bài này với lòng ngưỡng mộ, và biết ơn người phát minh ra "@", giúp Emails phát triển hoàn thiện như hôm nay.
Và xin được nhắc nhở mọi người nhớ đến Ray Tomlison, người góp phần quan trọng trong việc đưa Emails đến cả tỷ người ở khắp nơi trên thế giới.
*
Raymond Samuel Tomlinson sinh tại Amtersdam, NewYork, ngày 23 tháng Tư năm 1941. Khi đột ngột từ trần vị bị kích tim vào ngày March 5, 2016, chỉ còn đúng 4 tuần nữa là Ray sẽ mừng sinh nhật thứ 75.
Tháng Ba, tháng Tư là ngày giỗ, ngày sinh của ông. Khi mở Emails, xin hãy góp phần cầu nguyện cho Ray Tonlinson, mong ông an vui bình yên ở một nơi không còn cần Emails, không cần bất cứ một điều gì ngoài sự nhẹ nhàng, thanh thoát.

Bạch Hằng Sưu Tầm


Hùng Ca Sử Việt 1 : Lời Mở Đầu- Đồng Bào


Phần 1

Nam quốc sơn hà Nam đế cư, 
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư. 
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, 
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư 
        Lý Thường Kiệt

Sông núi nước Nam, vua Nam ở, 
Rành rành định phận tại sách Trời. 
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm 
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
               Quên Đi
***
Mục Lục

Lời Mở Đầu
Đồng Bào
Phù Đổng Thiên Vương

Tiếng Hờn Sông Hát
Nhuỵ Kiều Tướng Quân
Mai Hắc Đế
Bố Cái Đại Vương

***

Lời Mở Đầu

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, đều có niềm tự hào, hãnh diện của nòi giống. Dân Việt ta lại càng hãnh diện hơn khi có những Tiền Nhân cân quắc anh thư, là những anh hùng xuất chúng.
Là một nước nhỏ bé nằm kề cận một nước lớn Trung Hoa, luôn tìm cách xâm chiếm và đồng hoá, thế mà vẫn kiên cường bất khuất. Trong suốt mấy ngàn năm luôn bị phương bắc xâm lược, Tổ Tiên ta vẫn giữ vững văn hoá dân tộc, để con cháu đời sau luôn hãnh diện tự hào: đất nước ta có hơn 4.000 năm văn hiến. Tiền Nhân luôn nêu gương sáng cho hậu thế, giữ vững truyền thống bảo vệ tổ quốc, bảo vệ giang san, không làm tay sai cho giặc như câu nói của Vua Lê Thánh Tông:
“Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vất bỏ... Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ (Vua Lê Lợi) mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di...”
(Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
        
Lịch sử Việt Nam nếu tính từ lúc có mặt con người sinh sống thì đã có hàng vạn năm trước Công nguyên, còn tính từ khi đất nước được hình thành thì mới khoảng từ hơn 4000 năm trước đây

Những người Việt Tiền Sử trên vùng châu thổ sông Hồng sông Mã đã khẩn đất, chế ngự nước lụt của các sông, phục vụ cho việc trồng lúa và đã tạo nên nền văn minh lúa nước.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Thần Nông (một trong Tam Hoàng của Huyền Sử Trung Hoa vốn người gốc Phương Nam) là tổ tiên của dân tộc Việt, đã đem cách trồng lúa ở phương Nam ra truyền dạy lại cho người phương Bắc.

Khu vực trung du bắc phần Việt Nam đã có người ở từ thời kỳ Đồ Đá Cũ (Thời Tiền Sử). Các nhà khảo cổ đã tìm ra các dấu vết người Vượn cư ngụ tại Lạng Sơn, Ninh Bình và Thanh Hoá cách đây hàng trăm nghìn năm. Thời kỳ này mực nước biển thấp hơn, và Việt Nam khi đó nối liền với đảo Hải Nam, bán đảo Mã Lai, Indonesia, với khí hậu ẩm và mát hơn bây giờ.

Do chính đặc trưng về địa chất nên vùng đồng bằng sông Hồng, vịnh Bắc Việt không có điều kiện khai quật nền đất cổ đại có ở khoảng 8000 năm trước Công Nguyên (trước khi có đại hồng thủy) để xác nhận dấu vết của các nền văn minh khác nếu có. Trang sử Việt có một khoảng trống không xác định được từ khoảng năm trước 5500 năm - 18000 năm trước.

Qua những khảo cứu trên, Thuỷ Tổ Tộc Việt không phải chỉ xuất xứ từ nam sông Hoàng Hà, vì thế mới có một nền văn minh riêng, ngôn ngữ riêng, không hề giống với tiếng nói của các dân tộc Đông Á.
Đó chính là sắc thái riêng, bản chất riêng được gìn giữ và lưu truyền trong tâm khảm của người Dân Việt.
“Hùng Ca Sử Việt" nói về những bậc Anh Hùng Dân Tộc Việt Nam. Cấu trúc mỗi truyện được chia làm hai phần, phần đầu được kể như truyện cổ tích, phần sau tóm lược Bối Cảnh Lịch sử đương thờ. Phần lớn nội dung được Biên Soạn từ "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" của Lê Văn Hưu, Phan Thu Tiên, Ngô Sĩ Liên.., “Lĩnh Nam Chích Quái”của Trần Thế Phát(?), "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim, cùng tham khảo một số bài viết trong các trang Web trên google (vì quá nhiều nên không thể nhớ đưa hết vào đây. Mong Các Vị thông cảm)…
***
Đồng Bào
Thế giới này, chỉ duy nhất dân tộc ta mới có từ "Đồng Bào" (cùng chung một bọc) mà thôi. Hai tiếng thật thân yêu, nói lên tình ruột thịt của Người Việt. Kinh Thượng một dòng máu, một tổ tiên, một cội nguồn.
Trong dân gian luôn truyền tụng câu chuyện Một Mẹ Trăm Con từ đây…

Thuở xa xưa, cách đây lâu đời lắm, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương, sức khoẻ tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình, gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một trai, đặt tên là Sùng Lãm.

Lớn lên Sùng Lãm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Cũng như cha, Sùng Lãm có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân.
Lúc bấy giờ ở đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không một nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí đi du ngoạn khắp nơi.
Ðến vùng bờ biển Ðông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn năm mươi trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đều bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư tinh.
Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn sâu xuống đáy biển, trên hang có một dãy núi đá cao ngăn miền duyên hải ra làm hai vùng.

Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân, Lạc Long Quân đóng một chiếc thuyền thật chắc và thật lớn, rèn một khối sắt có nhiều cạnh sắc, nung cho thật đỏ, rồi đem khối sắt xuống thuyền chèo thẳng đến Ngư Tinh, Lạc Long Quân giơ khối sắt lên giả cách như cầm một người ném vào miệng cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng đón mồi. Lạc Long Quân lao thẳng khối sắt nóng bỏng vào miệng nó. Ngư Tinh bị cháy họng vùng lên chống cự, quật đuôi vào thuyền của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Ðầu Sơn, khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Ðầu Thủy, còn khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ.

Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn nghìn năm, đã thành tinh. Nó trú trong một hang sâu, dưới chân một hòn núi đá ở phía Tây Long Biên. Con yêu này thường hoá thành người trà trộn trong nhân dân dụ bắt con gái đem về hang hãm hại.
Một vùng từ Long Biên đến núi Tản Viên, đâu đâu cũng bị Hồ Tinh hãm hại. Nhân dân hai miền rất lo sợ, nhiều người phải bỏ cả ruộng đồng, nương rẫy, kéo nhau đi nơi khác làm ăn.
Lạc long quân thương dân, một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh, tìm cách diệt trừ nó.
Khi Lạc Long Quân về đến tới cửa hang, con yêu tinh thấy bóng người, liền xông ra, Lạc Long Quân liền hoá phép làm mưa gió, sấm sét vây chặt lấy con yêu. Giao chiến luôn ba ngày ba đêm, con yêu dần dần yếu sức, tìm đường tháo chạy, Lạc Long Quân đuổi theo chém đứt đầu nó. Nó hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ chín đuôi. Lạc Long Quân vào hang cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thuỷ tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo, đời sau mới gọi là Tây Hồ.

Dẹp yên nạn Hồ Tinh nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, và dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ, đến nay vẫn còn.
Thấy dân vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn, cao hàng nghìn trượng, trước kia cành lá sum suê tươi tốt che kín cả một khoảng đất rộng, nhưng sau nhiều năm, cây khô héo, biến thành yêu tinh, người ta gọi là Mộc Tinh.



Con yêu này hung ác và quỷ quyệt lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định, khi thì ở khu rừng này, khi thì ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi hạng ẩn nấp khắp nơi, dồn bắt người để ăn thịt. Ði đến đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết, Lạc Long Quân quyết ra tay cứu dân diệt trừ loài yêu quái. Lạc Long quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ mới tìm thấy chỗ ở của con yêu. Lạc Long Quân giao chiến với nó trăm ngày đêm, làm cho cây long đá lở, trời đất mịt mù mà không thắng được nó. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam, sống quanh quẩn ở vùng đó, người ta gọi là Quỷ Xương Cuồng.

Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy dân vùng này vẫn còn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ tranh làm ổ nằm bèn dạy cho dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ. Lạc Long Quân còn dạy dân ở cho ra cha con, vợ chồng. Dân cảm ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một toà cung điện nguy nga trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở, thường về quê mẹ dưới thủy phủ và dặn dân chúng rằng: "Hể có tai biến gì thì gọi ta, ta sẽ về ngay! "


Lúc bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam. Ðế Lai đem theo cả người con gái yêu rất xinh đẹp của mình là Âu Cơ và nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý. Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài. Phải phục dịch rất cực khổ, nhân dân chịu không nổi, hướng về biển Ðông gọi to: "Bố ơi! Sao không về cứu dân chúng con!". Chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân đã về.

Nhân dân kể chuyện, Lạc Long Quân hoá làm một chàng trai rất đẹp, có hàng trăm đầy tớ theo hầu, vừa đi vừa hát đến thẳng chỗ Ðế Lai ở. Lạc Long Quân không thấy Ðế Lai đâu cả, mà chỉ thấy một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng vô số thị tỳ và binh lính. Cô gái xinh đẹp đó là Âu Cơ. Thấy Lạc Long Quân uy nghi tuấn tú nàng đem lòng say mê, xin đi theo Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình, trên núi cao.

Ðế Lai về, không thấy con gái đâu, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi. Hết ngày này qua ngày khác. Lạc Long Quân sai hàng vạn các ác thú ra chặn các nẻo đường, xé xác bọn chúng làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy. Ðế Lai đành thu quân về phương bắc.
Bấy giờ nàng Âu Cơ mang thai, trải ba năm, ba tháng, mười ngày, thấy trên núi Nghĩa Lĩnh có mây lành ngũ sắc xán lạn. Đến giờ Ngọ, ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý, Âu Cơ thấy bào thai chuyển động. Đến giờ Ngọ, ngày 28, hương lạ đầy nhà, hào quang khắp phòng, bà sinh một bọc bạch ngọc, hương lạ giáng xuống. Bắt đầu sinh ở núi Ngũ Lĩnh, đất Thổ Thứu phong, ao sen đỉnh ngọc.

Lạc Long Quân thấy bà sinh ra bọc lạ, cho là xưa nay chưa có, việc lạ trong nước, bèn triệu văn võ bách quan trong triều vào chầu chính điện. Lúc ấy, giờ Ngọ, bỗng thấy trong thành giữa trời có ba tiếng hiệu lệnh làm chuyển động trời đất, sông núi, cỏ cây, vạn vật kinh sợ. Mây lành ngũ sắc sáng đầy khắp ba nghìn thế giới. Trên thượng điện, vạn chim bay, ngư, lân tụ hội theo gió mưa cống triều.

Ngài thấy quốc gia có điềm lạ khác thường, xuống chiếu cho các quan văn võ chỉnh đốn ý mạo, chay khiết lòng thành, tề tựu tại điện Kính Thiên, thắp hương đèn phùng chầu triều bái Hoàng Thiên Thượng Đế đến Tứ phủ vạn linh.

Tới giờ Thân hôm ấy, bỗng thấy một áng mây xanh từ hướng Tây kéo đến, tụ tại thềm rồng của điện Kính Thiên, tự nhiên có bốn vị tướng xuất hiện kỳ lạ, cao hơn trượng rưỡi, đầu đội mũ hoa, thân mặc bào xanh gấm vóc, eo thắt đai ngọc, chân đi hài sắt, miệng cười như hào quang sáng rực, mây tuôn cuồn cuộn, tay cầm một chiếc long bài (sắc) của Ngọc Hoàng

Thượng Đế: Ban cho Hiền Vương một bọc trăm trứng, sinh nơi ngọc khuyết, thành trăm người con trai trị nước. Nay sai bốn vị Đại Thiên vương giúp đỡ, che chở cho nước. Vậy ban sắc!.
Lạc Long Quân chiếu theo long bài, truyền các quan văn võ ngẩng mặt bái tạ trời, bái tạ Thiên vương.
Thiên vương nói:
- Trăm trứng ngọc bào do điềm rồng giáng sinh, thiên sứ báo cho Hiền Vương biết, hãy đặt vào bàn vàng, mang đến chùa Cổ Viễn Sơn, tên là Từ Sơn Thiên Quang Hòa Thượng Thiền Thứu Lĩnh (về sau đổi là Thiên Quang Thiền tự) đặt ở trong chùa, chọn lấy vị quan trai giới chầu trực, thắp hương không dứt.
Bọc đó vỡ ra, Lạc Long Quân bèn đỡ lấy thì bốn vị Đại Thiên Vương tự nhiên biến hóa, Hiền Vương càng thành tâm cầu đảo. Đến giờ Ngọ, ngày rằm 15 tháng Giêng, trăm trứng vỡ ra đều thành trăm người con trai; rồng thành năm sắc, điềm ứng sáng ngời, hương trời giáng xuống, đầy khắp núi sông. Được khoảng một tháng, không phải bú mớm mà tự trưởng thành. Tất cả các con đều có hình dáng đẹp lạ, tướng mạo phương phi, anh hùng nổi tiếng ở đời, cao lớn ba thước bảy tấc.

Lạc Long Quân triệu 6 nàng cung phi, giao phát gấm lĩnh, cắt may thành trăm bộ áo mũ cấp cho trăm người con trai. Cả ngày trăm con vui cười, thường lấy lá hoa ao sen đùa nghịch. Sau 100 ngày, các con khôn lớn, không nói mà hay cười. Qua 200 ngày, đến giờ Thìn ngày 20 tháng 7, cả trăm người con trai đều cười to, nói rằng:

Trời sinh Thánh Vương trị nước, giúp bốn biển thanh bình, quốc gia yên vui, là trăm hoàng tử đều ở thềm rồng điện thượng. Bỗng thấy một đám mây ngũ sắc từ không trung giáng xuống thềm rồng.

Lạc Long Quân thấy tám vị Thiên tướng, đầu đội mũ đồng, mình mặc thiết giáp, chân đi hài bạc, eo thắt dải rồng, dung mạo xán lạn, mắt sáng như sao, miệng xuất hào quang, tay cầm thần kiếm, linh trượng, bảo trữ, thiết phủ, đứng hầu hai bên tả hữu; hai bên đối chầu, hư không biến hóa, gió mưa ập đến,bay vượt nhiễu không trung trong điện Ngũ Lĩnh, rồi núi non thất hình, sông hồ sóng dâng trào.

Sau ba giờ ánh sáng rực rỡ, tám vị tướng mới xưng danh làm tám bộ Kim Cương, vâng sắc của Thượng Thiên chư Phật, Bảo Đế lệnh sai giáng xuống che chở cho trăm người con trai. Nay tất cả đã trưởng thành, hiểu biết nên tám vị tướng phụng mệnh đưa các vương tử đến cửa khuyết bái tạ Hoàng phụ, cai trị trong nước.
Tám vị tâu xong, bay lên trời biến mất. Tám vị ban cho Lạc Long Quân một chiếc long bài, một chiếc thiên bảo thần ấn, một viên bạch ngọc, một chiếc thần kiếm, một quyển thiên thư, một chiếc thước ngọc, một chiếc bàn vàng đặt ở trong điện. Hiền Vương nhận lấy, cho đây là trời ứng điềm lành, giúp yên trong nước.

Vua thấy trăm người con trai bỗng nhiên cao lớn, thân dài bảy thước ba tấc, mỗi người cầm một vật thiên bảo thần khí chia nhau đứng hầu hai bên tả hữu, bái tạ Hoàng phụ.


Ngài xuống chiếu rằng: Trời sinh trăm người con trai, đều văn võ thánh thần, anh hùng tài lược giúp nước yên bình, thiên hạ cậy nhờ bởi ơn giáo hoá, phụ tử quân thần cùng nhau vui hưởng”.
Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thuỷ phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hoá làm một con rồng vụt lên mây, bay về biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. Không thấy Lạc Long Quân trở về. Nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi:
"Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này".
Lạc Long Quân trở về tức khắc. Âu Cơ trách chồng:
- Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc mẹ con thiếp sống bơ vơ khổ não.
Lạc Long Quân nói:
Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.


Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai toả đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia nước ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.

Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.

Từ tích Cha Lạc Long Quân lấy Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nên dân tộc ta mới có từ ĐỒNG BÀO.

Trống Đồng Đông Sơn

Bối Cảnh Lịch sử

Trong âm mưu thôn tính và đồng hoá dân tộc Việt, các cuộc xâm lăng từ phương Bắc không ngừng tiếp diễn. Điển hình nhất là trong thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ hai, sau khi tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện tiến hành chính sách đồng hoá, thiêu huỷ tất cả những gì liên quan đến văn hoá nước ta. Chẳng những thế, Mã Viện còn trồng một trụ đồng trên có hàng chữ"Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" có nghĩa là "Cột đồng gãy, Giao Chỉ bị tiêu diệt". Dân Việt vì sợ cột gãy, nên khi đi ngang trụ đồng đều lấy đá thảy vào chân cột, lâu ngày thành cái gò cao.

Người Trung Hoa lợi dụng huyền sử, không xác định chính xác về tổ tiên, với chính sách đồng hoá, đến thời Mã Viện đốt sách xóa bỏ chữ viết của người Việt Cổ, xoá bỏ các ghi chép về thời Hùng Vương..v...v.. (cho đến nay tạo ra 1 vùng huyền sử cho Chính Sử Việt Nam : Hùng Vương huyền sử - Lộc Tục+Sùng Lãm+18 đời vua HÙNG(20 vua) mà trị vì hơn 2600 năm Trước Công Nguyên ? (*)

Ép buộc khuyến khích học Hán Tự. Các quan Tàu đô hộ tìm đủ mọi cách để xoá đi cội nguồn dân tộc Việt.

Với chính sách đồng hoá và xâm lấn, các triều đại Trung Hoa liên tục tìm cách đồng hoá người Việt thành người Tàu, bọn chúng đã đốt sách, hủy diệt văn hoá của người Việt và còn thâm độc hơn tự nhận là "con cháu Viêm-Hoàng"(Đế Viêm tức Thần Nông) để có ý chỉ rằng dân tộc Việt cũng là người Trung Quốc.

Vốn Thần Nông Thị (dòng họ Thần Nông) là dòng vua đầu tiên của các vị vua người Việt. Người Việt gọi là "Đế Viêm"(tiếng Việt), Người Tàu gọi là "Viêm Đế" (tiếng Hán)


Đế Viêm Thần Nông người phát minh ra việc trồng lúa nước. Vào thời điểm này người Trung Hoa sống ở phía bắc khí hậu ôn đới chỉ biết trồng lúa mạch lấy đâu ra kỹ năng trồng lúa nước của miền nhiệt đới mà nhận ông vua này của họ? Đến đời nhà Hạ, nhà Thương của người Trung Hoa lãnh thổ cũng chỉ ở phía Bắc sông Trường Giang lấy đâu ra vùng trồng lúa nước sông Trường Giang?

Các vua kế tiếp Đế Viêm Thần Nông gồm có : Thứ 2. Đế Thư. 3. Đế Lâm. 4. Đế Minh (Vua này sinh ra Lộc Tục là con thứ không phải con trưởng. Lộc Tục (Kinh Dương Vương) sinh ra Sùng Lãm chính là Lạc Long-Quân) 5. Đế Nghi 6. Đế Lai 7. Đế Lý 8. Đế Du Vọng


Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đế Minh là cháu ba đời của Vua Thần Nông. Khi đi tuần phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc Hồ Nam Trung Hoa) gặp một nàng Tiên, lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Sau đó phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam ( từ núi Ngũ Lĩnh trở vào Nam), Xưng hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ. Năm Nhâm Tuất 2897 trước Công Nguyên, Kinh Dương Vương cưới con gái của Thần Quân Động Đình Hồ là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân cưới con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ.

Theo truyền thuyết Việt Nam, Âu Cơ là Tổ Mẫu của người Việt. Tương truyền, Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai. Trong khi đi tuần thú phương Nam, ông đã để Âu Cơ lại trên một cái động. Khi Lạc Long

Quân đi đến đây thì thấy nàng xinh đẹp nên đã đem lòng yêu mến và đem về làm vợ. Hai vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sống với nhau.

Âu Cơ Sinh ra một bọc, trong bọc có 100 quả trứng. Trứng nở ra trăm đứa con. Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: " Ta là giống Rồng, Nàng là Giống Tiên. Thuỷ hoả tương khắc, khó mà chung hợp nhau. Nay Nàng dẫn 50 con lên núi. Còn ta đưa 50 con xuống biển", chia nhau cai quản các vùng. Khi hữu sự hãy thông báo cho nhau để giúp đỡ. Đây là tổ tiên Bách Việt. Lạc Long Quân đưa các con xuống miền biển Nam Hải, phong cho con trưởng làm vua Hùng Vương đặt tên nước là Văn Lang.

Họ Hồng Bàng triều đại đầu tiên trong sử Việt bắt đầu từ đấy.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Tưởng Thưởng Lục - Trường Trung Học Nguyễn Thông Năm 1957

Trường Trung Học Nguyễn Thông là Tiền Thân trường Trung Học Tống Phước Hiệp.










Lê Bửu Trân
(Cựu Học Sinh Nguyễn Thông tiền thân Trường Tống Phước Hiệp)

Đôi Lời Cảm Ơn Anh Lê Bửu Trân
Anh Bửu Trân kính mến.
Em rất cảm ơn anh đã chia sẻ những lưu niệm của một thời học trò thật vô giá, thời gian này em chỉ mới được sinh ra.
Và rồi khi lớn lên, năm 1969 em được làm đàn em của anh chung một mái trường.
Chúng em rất trân quý những gì anh gửi gắm cho Trang Long Hồ Vĩnh Long lưu giữ thay anh.
Kính chúc anh thật dồi dào sức khoẻ và an vui anh Bửu Trân nhé.

Em Lê Thị Kim Oanh
Melbourne 17/3/2016

Về Lại Tuổi Thơ



Ta chợt ngồi … nhìn ngắm áng mây
Tầng cao xa thẳm cuộn vầng bay
Bốn phương tụ tán trôi vô định
Gợi nhắc niềm riêng chuỗi tháng ngày!

Ta tạm ngồi … nghe tiếng lá rơi
Giữa vườn cỏ dại nắng nồng oi
Hồn thương hoa cỏ tình thân thiện
Chia sẻ lòng ta mối cảm hời!

Ta lại ngồi … im nghĩ vẩn vơ
Bùng nghe khúc nhạc tuổi ngây thơ
Không gian lặng vắng lời ca vọng
Gợi nhắc lòng ta điệp khúc khờ!

Ta vẫn ngồi … suy ngẫm chuyện đời
Cuộc đời thanh thản lững lờ trôi
Tuổi thơ đẹp nhất trong bình dị
Dẫu chẳng gấm hoa cũng tuyệt vời!

Nguyễn Đắc Thắng

Chẳng Thà


Xướng:ChẳngThà... - Thể Tiệt Hạ

Tuổi vẫn còn xuân ấy vậy mà...
Mặt mày tiều tụy ngỡ như là...
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn tuồng đang vướng...
Dật dật dờ dờ tựa đã qua...
Cũng bởi luỵ tình nên cứ phải...
Và do mê bạc mới thành ra...
Với trò may rủi xin thề sẽ...
Riêng chuyện yêu đương tớ chẳng thà...

Phương Hà
***
Các Bài Họa:
T
ương Tư

Hôm nao gặp gỡ cớ sao mà…
Thình thịch trong tim chắc hẳn là…
Muốn ngỏ tiếng gần xa để bậu…
Sợ nghe lời nặng nhẹ mà qua…
Ngày đêm tưởng nhớ dường như trúng …
Thân thể hao gầy chắc hẳn ra…
Ao ước gần bên hoài có lẽ…
Không yêu không lấy được ta thà…

Cao Linh Tử
3/3/2016
***
1/ Quá Thực Thà

Si ai nói thật lỡ mê mà...
Cái bụng nay mai lớn thế là...
Vàng vọt xanh xao rồi lại vướng...
Ngẩn ngơ đờ đẫn khổ sao qua...
Chữ tình nhen nhúm nên đành phải...
Cũng tại yếu lòng mới nhận ra...
Đã trót trao thân rồi rũi sẽ...
Vì ta dại dột quá thực thà...

2/ Thà ...
( bài họa )

Vui tính độc thân ấy thế mà...
Thương em cứ ngỡ sẽ tin là...
Ai ngờ bị đá đau như hoạn...
MÌnh tưởng được yêu chắc cũng qua...
Cờ bạc rượu chè nên nợ phải...
Chơi bời hút xách mới sinh ra...
Từ nay cương quyết mau từ bỏ...
Cái thú đỏ đen thiệt hại, thà...

Mai Xuân Thanh
***
Ai Biểu Làm Thinh!


Đã biết yêu em thế vẫn mà...
Không thèm ngỏ ý cứ lơ là....
Gặp nhau giả bộ hình như đã...
Giáp mặt làm ngơ chẳng thấy qua..
Cứ thế lặng thinh tình những tưởng...
Tự nhiên bậu hiểu hoá dè ra...
Thiệp hồng bỗng nhận,rồi em sẻ...
Biết được như ri bởi thiệt thà...

 
Song Quang
***
Chẳng Thà

Bảy mươi đâu it đã già mà ...
Rậm rật hàng đêm cứ tưởng là ...
Ngũ thập niên tiền còn dẽo sức ...
Năm mươi năm trước tưởng chưa qua ...
Canh năm khắc sáu... thao rồi thức ...
Đêm bảy ngày ba... vô lại ra ...
Không thích đỏ đen mê bì bạch ...
Được yêu thà chết cũng là ... thà !...

Đỗ Chiêu Đức


Trà Giang Thu Nguyệt Ca - Cao Bá Quát (1808 - 1855)



Trà Giang Thu Nguyệt Ca
Cao Bá Quát (1808 - 1855)


Trà giang nguyệt.
Kim dạ vị thùy thanh
Quan sơn vạn lý hạo nhất sắc
Hà xứ bất hệ ly nhân tình

Cử bôi thí yêu nguyệt
Nguyệt nhập bôi trung hành
Hàm bôi dục yết cánh phi khứ
Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành

Đình bôi thả phục trí
Hựu kiến cô quang sinh
Vấn quân hà sự luyến luyến bất nhẫn xả
Ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi bộ binh

Giang đầu thử tịch phùng thu tiết
Tửu mãn tu khuynh vị quân thuyết
Ðà giang cựu lữ Tồn Chân ông
Cần hải minh tiên hiểu tương biệt

Tạc dạ kim phong há thiên khuyết
Bạch lộ thanh sương sảo xâm cốt
Nhân sinh hội ngộ an khả thuờng
Hữu tửu thả ẩm Trà giang nguyệt

Trà giang nguyệt
Như kính há ngân lưu
Truợng phu án kiếm khứ tiện khứ
Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu.

Cao Bá Quát 
***
Các Bài Dịch:
Bài Ca Trăng Thu Trên Sông Trà
Hỡi Trăng Sông Trà
Đêm nay vì ai mà trăng tỏ
Muôn dặm quan san tuyền một màu trăng trong suốt
Còn có nơi nào không vương vấn tình trăng chia xa

Nâng chén thử mời trăng
Trăng nhập vào sóng rượu lóng lánh
Nhấp môi toan uống, trăng vụt bay biến mất
Chỉ còn bóng hình người ngang dọc lao chao

Ngưng uống đặt chén xuống
Lại thấy mảnh trăng côi trở lại trong chén rượu lung linh
Muốn hỏi vì sao trăng còn bịn rịn ,dứt đi không nỡ
Ai người rừng trúc, giờ gặp đường cùng, phải làm tên lính bộ binh

Đầu sông , tối nay tiết thu, trời đã se lạnh
Cho ta cạn bình rượu đầy này, rồi sẽ nói rõ trước sau
Tồn Chân, đến từ sông Đà, là một người bạn cũ
Mai sớm, cùng ta, lưng ngựa thét gioi, Cần Hải tiễn nhau

Đêm qua, một trời gió vàng, thổi về lồng lộng
Móc trắng, sương trong, thấm buốt xương da
Đời người, gặp nhau, còn được bao nả
Thì thôi, có sẵn rượu đây, hãy uống mặc thích, với Trăng Sông Trà

Trăng Sông Trà, vằng vặc gương nga , đáy dòng nước bạc
Trượng phu, tay kiếm, một đi là đi, dù đường rẽ lối
Chớ đừng bi lụy như nhi nữ thường tình trong lúc phân ly

Phạm Khắc Trí
 03/ 08/ 2016

Phụ Chú:

(1) Bài thơ này tác giả, làm trong thời gian bị vua quan nhà Nguyễn , thời Tự Đức, đầy ải ở Quãng Ngãi ,đề tặng một người bạn : "Tặng Bảo Xuyên Ông Chi An Giang Quân Thứ " (tặng bạn Bảo Xuyên đi quân thứ ở An Giang) .
(2) Trúc Lâm , ý nói về Trúc Lâm Thất Hiền , nhóm 7 người hiền trong rừng trúc, đời Tấn xưa, thế kỷ 3 , bên Tàu . Trong nhóm có vài tên tuổi thường được nhắc đến như Nguyễn Tịch , Kê Khang, Lưu Linh.
(3) Đà giang , chỉ sông Đà ở Đà Nẵng (?)
(4) Cần Hải, một địa danh ở Quảng Ngãi (?)

Lời Thêm: "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm / nhất sinh đê thủ bái mai hoa", mười năm đi khắp nơi giao du tìm kiếm cổ (để trừ kẻ gian tà độc ác) và một đời chỉ biết cúi đầu lậy trước hoa mai (biểu tượng cốt cách thanh tao và khí phách của người quân tử ). Trà Giang Thu Nguyệt Ca , mượn chuyện chia tay một người bạn, tâm sự với trăng của Chu Thần Cao Bá Quát thật ra là một bài độc thoại ,nói chuyện với chính mình. Bi mà không lụy. Còn nỗi xót xa nào bằng: "ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi bộ binh " (ta vốn người rừng trúc ,gặp bước đường cùng ,đi làm lính thú ). Thế nhưng: "trà giang nguyệt như kính há ngân lưu / trượng phu án kiếm khứ tiện khứ / kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu " (ta như vầng trăng sáng vằng vặc dù ở dưới đáy sông , trượng phu tay kiếm một đi là đi dù đường hiểm trở, có đâu bi lụy như nhi nữ thương tình ). Ôi chao, chữ với nghĩa của người xưa! 
PKT 03/08/2016

***
Thật cảm khái qua bài thơ anh vừa post, xin góp vần cùng anh Trí qua thể thơ song thất lục bát cho vui, dù vẫn biết không thể nào lột hết cái tuyệt vời chan chứa trong hồn thơ của thi nhân Cao Bá Quát .
Thân kính 
Mailoc

Trăng Sông Trà
Trăng sông Trà!
Hỏi vì ai đêm nay sáng quắc?
Mấy dặm trường xanh ngắt sơn khê
Vấn vương ly biệt não nề,
Trong ly lấp lánh thăng thề dung dăng 

Vừa mới nhắp, ánh trăng tan vỡ
Chỉ bóng người nham nhở múa may 
Rượu ngừng đặt chén xuống ngay
Ly bôi lại thấy khoan thai trăng vàng 

Hỏi vì sao dùng dằng không nỡ?
Ta chỉ là lính bộ trúc Lâm.
Đêm thu say ánh trăng rằm
Cùng người tâm sự băn khoăn rượu tàn 

Bạn Tồn Chân sông Đà ngày trước
Mai , Cần Hải cất bước chia phôi 
Đêm qua gió lộng tơi bời
Móc sương trắng xoá cho người lạnh căm 

Kiếp phù sinh mấy lần duyên gặp?
Trăng sông Trà hãy nhắp cùng ta 
Trăng sông Trà!
Trăng nguy nga!

Như gương bạc, trăng xoa mặt nước
Đi là đi, kiếm tuốt, trượng phu .
Chí trai đã quyết một khi
Đạp bằng vương vấn nữ nhi thường tình 

Mailoc phỏng dịch
Cali 03-08-16

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Vĩnh Long Một Thời Gắn Bó - Phần 4

( Cầu Lầu - Ảnh Huỳnh Hữu Đức)
Đổi về Cầu Lầu được 2 tuần lễ, nơi ăn chốn ở của lính độc thân cũng ổn, phía sau cái Sam (nhà ngữ của lính) là cả 1 vườn rau thiên nhiên: nào là rau muống mộc trong cái rạch nước nhỏ, rau dềnh xanh, rau càng cua cònn có cả mấy cây sua đủa bông trắng đầy cây, nấu canh chua là tuyệt đó.

Phía trước trại lính là nhà của dân địa phương, chiều hôm đó đang ngũ, nghe mấy thằng bạn đi uống cafe về nói: Con nhỏ bạn cafe bên kia đường tên Vị thật là dễ thương quá tụi bây, thấy cũng thắc mắc nên mình cũng đi uống cafe cho biết, thiệt là tin đồn không sai, Vị là học sinh trưởng Tổng Phước Hiệp, nên cùng gia đình mở quán cafe nhỏ bên kia đường, phải công nhân một điều người Vĩnh Long thật là để thân thiện và hiếu khách, ai ai cũng vậy họ rất vui vẻ và chân thật: "mời chú Thái uống trà hay bảo xấp nhớ ra chặt dừa xiêm cho chú uống mấy con", thiệt là cảm động với những cảm tình chất phác làm cho mình không thể quên được, chẳng hạn như: "chú năm nay mấy tuổi rồi, quê ở đâu: Saigon hà đứng là trai Sài Gòn, cháu có vợ chưa" ..vv đó là mấy câu mà  các bác hay hỏi mình, lúc đó mình chỉ mới 22,23 tuổi gi đó, mấy thằng ban độc thân sau này nó cũng lấy vợ ở Vĩnh Long, mình thì cũng sắp có nhưng ....

(Đường Văn Thánh, nơi đây có tiệm Sinh Tố Ánh Hồng mà anh Thái thường ngồi đây)

Trở lại em Vi: anh tên gì ..Vi má lúm đồng tiền, da bánh mật, kép mái tóc dài, áo ba ba xanh nhạt trông thật dễ thương. Giọng nói ngọt như mía lùi nhưng không hiểu sao mình không có phát sinh một tình cảm khác, chỉ xem nhau như anh em thôi, Má của Vị là người đàn bà tốt bụng, bà mời " hôm nào chú Thái qua nhà ăn cơm, người Vĩnh Long như vậy đó làm sao mà không thương nhớ được.
Nhờ ở Cầu Lầu, sau này mới biết thêm nữ sinh Tống Phước Hiệp đó là MH, KO, DK, chị em A.H, 
Lan. Trên đường Văn Thánh này có dì nấu cơm tháng, dì nấu cơm rất ngon, tốt bụng, vui vẻ. Con trai dì cũng cùng đại đội với mình, nhưng nghe tin Tính đã qua đời.

Giờ đây tuổi đã xế chiều rồi mà vẫn còn hoài câu hỏi trong lòng, mỗi ngày cô đi học ngang qua trại lính, nhà ở đâu, con hẻm mình ăn cơm tháng, mình cất công tìm hiểu và làm quen nhưng chưa bao giờ có cơ hội, các cô đi học lúc nào cũng có đôi mắt nhìn thẳng, nghiêm trang, cô cũng có cô em gái dễ thương,lúc nào đi ngang qua chỉ cô em gái nhỏ mỉn cười với mình, cây si mình vì muốn đi uống sinh tố của chị em A.H thì phải đi qua nhà của KL rồi đến nhà cô mặt lạnh như tiền mà dễ thương, thiệt là khó cho tui ai bảo mình làm như vậy... 
Đôi lúc tự nghĩ đây là thứ tình cảm gì? tình yêu đi đối với tuổi trẻ bồng bột?

(Cầu Cái Cá - Ảnh Trương Văn Phú)
Nhiều cô dành hết tình cảm cho mình như Hồng ở Cậu Cái Cá, có mái tóc dài, một hôm nàng hỏi anh thích nhạc? mình nói thích, hôm sau  ghé nhà thăm nàng, nàng đưa cho mình 1 bản nhạc dặn khi về phòng hãy mở nghe. thì ra trong bản nhạc có 1 bức thư bày tỏ tình yêu.
Nhưng ngày ấy mình chưa biết quý trọng những gì mình có, khi mất rồi tiếc nuối vô vàng.
Ở đây mình chỉ xin nhắc lại là tình cảm và con người của xứ Vĩnh Long là như vậy, không ồn ào, đay ghiến, ghen tuông, mình xin cầu nguyện ai mà có được vợ người Vĩnh Long là phước 2 đời đấy, gái Vĩnh Long theo mình suy nghĩ, một khi có chồng thì rất chung thủy, chiều chồng, tận tụy với chồng con ..hiền và lễ phép nữa phải không? Bởi vậy cho đến bây giờ mình vẫn còn ôm mối hoài bão đó.. 

Sau khi cầu Cái Răng, Cần Thơ bị giựt sập, Đại đội trưởng chuyển mình qua bên đó lập cầu nối cho dân qua lại, suốt hai tháng ở đó mình cũng đã gây vài sóng gió tình cảm với mấy em học sinh ở trường Trung học Cái Răng. Đã nói rồi dân Vĩnh Long nói riêng và miền tây nói chung nổi tiếng hiếu khách và thân thiện.

Sáng nào cũng vậy 7giờ, nữ sinh áo trắng như một đàn thiên nga trắng đi qua cầu, mấy thằng bạn cùng nhau làm giám khảo ai là Hoa hậu, bạn mình làm giảm khảo xem ai là Hoa hậu. Nhiều cô gái tuy ở vùng sâu như Rau Răm, Cái khế .. mà sao cô nào cũng  trắng trẻo làm sao, theo như mình nghĩ người ở quê thì chân lắm tay bùn, da sạm nắng. Suy nghĩ vậy là lầm to.
Cuối cùng mình và thằng bạn cũng quen được 4 cô học sinh tên là M,L,H,P. Mỗi cô có mỗi nét đẹp riêng. Mai trắng giọng nói để thương, Lan thì da ngâm, lanh lợi dễ gây cảm tình, Hằng thì người bắc giọng nhỏ nhẹ dể mến, Phương không đẹp nhưng nết na lễ phép, mình chỉ được chọn một thôi nhé.

Sau đó mình trở về Vĩnh Long, thư từ qua lại, từ đó tình cảm cũng nãy sinh và dần dần dẫn đến tình yêu, có lúc nàng trốn học từ Cần Thơ đi qua Vĩnh Long để tìm mình. gần 1 năm tìm hiểu nàng chính là người sau này làm cho mình hối hận cả đời vì người đã tìm đến mình thì mình lại giả là quân tử mà không làm anh thợ mộc đóng thuyền đó đi, thật là tiếc nuối vô cùng. Sau 1975 mình trở về SG nàng cũng tìm đến trong muộn màng, vì lúc đó mình đã có nơi. Nghĩ lại có lẽ Mai là cô gái đáng ra phải là vợ của mình vì cô ấy đã hy sinh rất nhiều cho mình mà mình lại không đáp ứng, chuyện bình thường như vậy nhớ hoài, khuôn mặt mái tóc ấy cho đến giờ luôn ngự trong tâm khảm của mình.. 
Một khi người con gái thêu khăn tên của người đó, tặng cho mình thì đó là người con gái đó tỏ tình yêu mình hay chỉ là xin chút kỷ niệm? Mình được những chiếc khăn thêu như thế. Bởi vậy mình mới nói ai chưa có vợ thì về Vĩnh Long cưới vợ là chắc ăn..?!

(Bungalo - Vĩnh Long)
Căn cứ vào những tấm hình của anh Huỳnh Hữu Đức, anh Trương Văn Phú đăng trong trang Long Hồ, điều này cho thấy đến bây giờ là 2016 rồi, con người và những cô gái ở Vĩnh Long vẫn được cái đức tin quý báu đó, vẫn là những tà áo dài trắng học sinh đi qua cầu Cái Cá, người dân vẫn giữ được cái hiền hậu và chất phát, suy nghĩ đó và câu chuyện tưởng chừng như mới xảy ra(đã 45 năm rồi đó)  
Bây giờ mỗi ngày nhìn lại quê mình, những thành phố khác không thể so sánh được với người ở Vĩnh Long xưa, tất cả đều xa lạ quá! Hình ảnh nay, đường phố cũng đổi thay duy người Vĩnh Long xưa, cái chân chất thật thà còn tồn tại nơi vùng đất đó?!

Trò chuyện với KO, cô ấy làm cho mình càng nhớ về Vĩnh Long và tình yêu mến người Vĩnh Long, mình có cảm xúc viết tiếp những hồi ức cùng suy nghĩ của mình.. Tạm biệt phần 4 (sẽ viết tiếp phần 5) bye nhe. 

Thái Lâm
USA 2016

Các Links Vĩnh Long Một Thời Gắn Bó:
1/ Phần 1
2/ Phần 2
3/ Phần 3

Khi Tình Yêu Đến

(Truyện tình Anh Hùng Ca Cổ Hy-Lạp)


1-Tình chưa đến thì lòng ta mơ ước
được Người hôn ta
ta xiết chặt tay Người
hai đứa dìu nhau đi khắp 4 phương trời
cho sống lại chuỗi ngày xanh đã mất
rồi xây đắp tháp tình cao chất ngất
giấc ngủ bình yên mộng đẹp mãi thiên thu.

2-Tình yêu đến
dù giấc mơ hồng chưa đến
dù đôi tay vẫn hờ hững giữa hai ta
Nhưng Người yêu ta, ta cũng đã yêu Người
yêu tha thiết tưởng xa Người ta sẽ chết
Không! chết cả tâm hồn
xác thân không thể chết
Sống để yêu Người và trả hết nợ trần gian.

3-Tình yêu đến
sao hồn ta trống trải!
Gót cô đơn vẫn lặng bước bên Người
Người trót yêu ta, ta cũng trót yêu Người
Ta sợ lắm, Người ơi! bao trở ngại
Ôi Huyền Diệu! cứu giùm ta thử thách!
Hỡi Thiêng Liêng! xin cứu vớt người yêu
Hay đành thôi như chiếc lá, con thuyền
Ta phó thác cho giòng sông định mệnh.


4-Ta là Penelope /chờ Hoàng Đế trở về
8 năm mòn mỏi / hoàng cung lạnh lùng.
Ulysses, ngài làm gì trong thời gian đó?
Miệt mài ở vương quốc nào?/ Giai nhân nào làm ngài say đắm?
Để ta phấn nhạt hương phai!
Vương quốc này một mình ta gánh vác / Đôi vai gầy dáng nhỏ mong manh,
Một mình ta chống lại với cuồng phong / Ta thầm khóc Quân Vương mau trở lại
Ulysses, ta gọi chàng trong cơn mê sảng / của một ngày tháng Chín
Và nhiệm màu thay Hoàng Đế đã về / trong mưa gió giữa hoa đăng của Hội
Ta run rẩy trong đêm tái ngộ / Mắt nhạt nhoà Ôi Ulysses của ta,
Vương quốc còn đâu, hoàng cung xụp đổ / Ngài trở về cùng xây lại lâu đài.
Tâu Hoàng Thượng , đây đôi bàn tay ngọc / Đây tóc mềm làm sông mộng đêm trăng
Còn đây nụ cười xoá những ngày đen tối / Kể từ đây thiếp dệt áo vì ngài.
Đi giữa quần thần tung hô vạn tuế / Ta mỉm cười nhẹ bước lên ngôi
Giữa tiệc vui ta thấy mình trẻ lại / Bánh chưa ăn đã thấy no rồi
Một ly thôi đôi ta cùng đối ẩm / Sao ta say như nhắp rượu Thiên Đình?
Ta say vì niềm vui chất ngất / Hay vì chàng sẽ ấp ủ đời ta?
Hay vì đôi môi in trên vành chén ngọc? / Ta thẹn thùng, Ulysses, tại cả ba
Ulysses, chàng đã về / sau tháng năm mệt mỏi / trong vinh quang
ta mở cửa triều đình / Ngai vàng đó xin chàng hãy ngự
Kiếm cung kia xin xếp lại một bên / Chỉ còn đây Hoàng Hậu với Quân Vương
Ulysses, chàng đã thắng trong ván bài Định Mệnh.
(Đợi chờ Ulysses / N,L.. 31.1.78)


5-Ta đã thắng trong ván bài định mệnh
Mấy thập niên Người sống ở bên ta
Chuỗi ngày qua là cả một bài ca
Hay một tập sử-thi tình nhân thế
Khi hoà hiệp nhạc slow mềm êm dịu
Khi cuồng điên nhịp rock mạnh than gào
Khi tình say ngây ngất sóng valse trào
Khi hưng phấn điệu tango diễm tuyệt
Đường tình sử thăng trầm theo vận mệnh
Mình trải qua bao cay đắng ngọt bùi
Hai tấm thân như bèo giạt, hoa trôi
Từng xuôi ngược trên giòng đời phiêu bạt
Ta sẽ dìu nhau hết đường trần hư thật
Trong lời ru vĩnh cửu mối tình xưa
Và bài ca không chứa những âm thừa
Ta hát mãi, bởi tình yêu vĩnh cửu. 

ChinhNguyên/H.N.T. 
SG,17.1.78/USA,14.3.2016