Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2023

Tháng 11 Về

 

Hãy nắm tay nhau cho con tim ấm áp
Tháng 11 về theo tiếng gọi mời
Mang theo hơi nước cuối thu vội vã
Đôi mắt lạnh buồn se sắt đổi trao.

Cúc họa mi lấp lánh dưới trời sao
Gợi nhớ ánh lụa vàng mùa Thu cũ
Ngày trôi nhanh theo gió về viễn xứ
Cho đêm nay con nước lớn đầy đồng.

Nhớ miền Trung khi trời nổi cơn giông
Bão lũ về cuốn trôi nhiều vùng đất
Nước dâng cao dân nằm gai nếm mật
Đón mùa Đông dài dằng dặc đêm đen.

Nơi đây mưa nhiều nước ngập mông mênh
Nhưng cây trái vẫn cho hoa chớm nở
Em bây giờ chắc đâu còn trăn trở
Bỡi Đông về ta xa quá em ơi!

Dương hồng Thủy

Ngày Giỗ Của Hiền Thê



Mới đó…mà nay đến giỗ đầu
Sinh ly tử biệt bởi vì đâu?
Em đi…cam chịu đời chia cách
Anh ở….đành mang nỗi tủi sầu
Khấn nguyện Thiên Đàng vui hạnh phúc
Cầu xin Tiên Cảnh cạn dòng châu
Đắm chìm nỗi nhớ mà đau xót
Biết đến kiếp nào sẽ gặp nhau?!!


songquang

20231024
( nhằm ngày mùng 10 tháng 9 al năm Quý Mão)

Đông Lạnh

 

Gió bấc hiu hiu
Cánh chim ủ rủ
Trơ trọi cây buồn
Còn đâu mùa thu

Trời rét căm căm
Mưa phùn lất phất
Mây xám phủ che
Bao trùm vạn vật

Dáng ai mờ mờ
Thổn thức rèm thưa
Bên song nhung nhớ
Hình ảnh năm xưa

Dạ rối bời bời
Đông về nào biết
Trống trải cô đơn
Sao người biền biệt

Hơi lạnh giăng giăng
Đêm trường một bóng
Giờ chỉ có mơ
Tìm người trong mộng.

Quên Đi

Tâm Sự Người Ly Xứ

 

Anh hỏi tôi sao nguồn thơ lai láng 
Ý thơ buồn ray rứt tận tâm can 
Mỗi vần thơ được kết chuỗi thời gian 
Bao năm tháng thăng trầm đời ly xứ 

Đất khách tìm quên không người tâm sự 
Đành trải lòng mình trên những áng thơ
Nếu một mai có ai thật tình cờ,
Đọc được những vần thơ buồn ly xứ 

Sẽ hiểu được thăng trầm đời cô lữ
Của hồng trần đầy dẫy những mộng phai
Kiếp ly hương thân từng bước lạc loài 
Nơi xứ lạ hồn hoang tìm nguồn cội 

Trót sinh ra có làm chi nên tội 
Phải lưu đầy sống tủi hận tha phương 
Đêm từng đêm hoài niệm chốn cố hương 
Niềm thương nhớ nay trở thành khát vọng 

Tôi muốn trở về như hằng ước mộng 
Nhưng tình đời còn phủ lớp rêu phong 
Thời làm sao tung đôi cánh chim bằng 
Đành phiêu bạt nơi chân trời vô định …

Lâm Hoài Vũ
(Trích thi tập Giấc Mơ Hoa)

Dẫu Xa Tình Gần

  

Hôm nay thứ bảy mùa Thu
Freeway đông quá dập dìu xe qua
Bellingham * đường vẫn còn xa
Bon bon hai đứa đường xa mặc tình

Nắng lên_ngọn gió_lá rung rinh
Mây ôm lấy núi như ta ôm mình
Mùa Thu se lạnh với sương mù
Hàng thông xanh thắm như tình đôi ta

Trời mênh mông, đường ôm chân núi
Con dốc dài khúc khủy lượn quanh
Len giữa núi chập chùng xe lướt bánh
Đường dẫu xa hai đứa thấy cũng gần

Hoàng Mai Nhất
* Bellingham: tên trường Đại Học (mà trước đây con trai tôi đã học) ở TP Bellingham trong TB WA, cách TP Seattle một giờ rưởi lái xe. Từ đây lái tiếp một tiếng rưởi nữa sẽ đến biên giới Canada
 

Make Sure You Are Ready - Hãy Sẵn Sàng (Mùi Quý Bồng)

 

Từ một “post” tree Facebook của Tâm An ngày 10/30/2021:
 
‘’We are all ‘in line’ without knowing when. We can’t move to the back of the line. We can’t avoid the line….

So while we wait ‘in line’
Make moments count.
Make priorities.
Make the time.
Make your gifts known.
Make a nobody feel like a somebody.
Make your voice heard.
Make the small things big.
Make someone smile.
Make the change.
Make love.
Make up.
Make peace.
Make sure to tell your people they are loved.
Make sure to have no regrets.
MAKE SURE YOU ARE READY .’’
***
Hãy Sẵn Sàng

Chúng ta đều xếp hàng
Vào lúc nào, không biết.
Không thể nào trở ngược
Đành phải cuốn theo dòng.

Hãy sắp xếp ưu tiên
Cho mọi việc, mọi chuyện
Và hãy tạo thời gian
Cho những gì toan tính.

Quà cáp hãy sắp sẵn
Hãy khiến cho mọi người
Đều thấy mình quan trọng.
Hãy tặng nhau nụ cười.

Hãy làm nhỏ thành lớn
Tiếng nói bạn được nghe
Hãy đem lại thương yêu
Hãy đền bù đầy đặn.

Hãy kiến tạo hòa bình
Hãy nói với bạn mình
Rằng bạn thương yêu họ
Tiếc nuối bạn không mang

Hãy chắc bạn sẵn sàng!


Mùi Quý Bồng
(phóng tác)
10/31/2023

Mùa Thu Của Tôi


Tôi yêu mùa thu qua thơ nhạc từ ngày còn bé. Bài hát Thu Vàng của Cung Tiến mà cô Kim Oanh dạy cả lớp hát năm đệ thất trường Gia Long đã khơi dây trong lòng tôi niềm thu cảm đầu tiên.

Mùa Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi

Giòng nhạc thánh thót của bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong nghe như tiếng nấc nghẹn ngào làm mũi lòng con bé vừa biết mộng mơ, mặc dù lúc ấy tôi chưa hề biết đến số phần cay nghiệt của người nghệ sĩ bạc mệnh.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi

Mùa Thu Paris của Phạm Duy, nhạc là thơ, thơ như nhạc cũng từng làm tôi xao xuyến:

Mùa Thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề

Mùa thu trong mơ mộng của tôi có nắng vàng heo hắt, gió heo may mơn man, từng chiếc lá nhẹ rơi đáp trên mái tóc dài óng ả, tay trong tay chầm chậm bước bên người ấy trong buổi chiều đang lắng dần vào đêm…
Mùa thu mà tôi yêu mến ấy chỉ có trong thơ nhạc và trí tưởng tượng, vì Sài gòn không có mùa thu. Trong cơn mưa nhiệt đới mát lạnh của miền Nam, tôi thả hồn bay bổng vào làn gió đầu thu nhè nhẹ, bầu không khí trong vắt, bầu trời xám nhạt làm nổi bật sắc lá rực rỡ của Hà nội, rồi tôi yêu say mê một mùa lãng mạn trữ tình nhất của năm.
Nay thì tôi thật sự được hưởng mùa thu của vùng Đông Bắc Hoa kỳ, nắm bắt từng hơi thở, nhịp đập mỗi bận giao mùa. Khi chuyển công việc từ California sang Maryland vào một mùa hè hơn mười năm trước, tôi được các chị Gia Long Miền Đông Hoa Kỳ mời tham dự buổi picnic hằng năm của hội. Giữa công viên bao la bao bọc bởi cây dài bóng mát, tàng lá xanh ngắt vươn tận trời cao, tôi hỏi một chị: “Những cây này độ vài tháng nữa đều ngả một màu vàng hết hả chị?” Chị bật cười,: “Vài tháng nữa là một trăm màu sắc khác nhau em ơi!”

Tình yêu hư cấu ngày xưa nay được thỏa lòng mong ước. Hằng năm tôi nôn nao chờ nhiệt độ hạ thấp xuống, chờ những buổi sáng tinh sương có cái lạnh se sắt, có sương mù lảng đảng, để bắt gặp một thoáng vàng, một thoáng đỏ nhẹ nhàng ửng trên cành lá. Đêm chưa đủ dài, ngày chưa đủ ngắn là sắc thu chưa đến. Lá chỉ đổi màu sau cơn rét đầu mùa. Cây chờ đợi đợt sương giá đầu tiên mới bắt đầu trang điểm cho mùa thu. Như những người đẹp cẩn thận tỉ mỉ, chúng rón rén trau chuốt từng gam màu nhè nhẹ ngày qua ngày. Tôi hồi hộp chờ từng buổi sáng đi làm để thưởng thức một bức họa mới của thiên nhiên. Vàng anh ngọt ngào, hồng cam rực rỡ, hồng đỏ thu hút, tím ngất ngây, nâu bền bỉ giản dị… Có cây qua đêm khoác một màu sắc mới đồng điệu, vàng rực nguyên cả vòm toả rộng. Có cây đổi sắc từ từ, từ ngọn toả xuống gốc, từ xanh chuyển qua vàng, sang cam, rồi cuối cùng đỏ rực toàn bộ, xum xuê, sung mãn, như người phụ nữ đến tuổi đẹp chín muồi.

Từ ngày tôi tìm được con đường lái xe đến sở theo Georgetown Pike quanh co uốn lượn, chỉ có một hàng xe chạy mỗi chiều, hai bên là cây cao vút, tôi không còn ngán ngại lái xe đi làm mỗi buổi sáng nữa. Tôi lánh xa chốn phồn hoa đô hội ngoài xa lộ, chạy xe thong thả giữa rừng thu, vừa lái vừa ngắm cảnh và khám phá sắc thu hai bên đường. Tôi gần như thuộc lòng những bóng dáng quen thuộc ở mỗi khúc quanh, nhưng vẫn không khỏi choáng ngợp với những sắc màu mới lạ xuất hiện mỗi ngày. Tôi háo hức đợi đến khúc quanh kế tiếp để được ngắm một bức tranh mới. Những hàng dậu xanh tươi, những bức tường dây leo phủ rậm bỗng khoác lên “nước sơn” mới đỏ hồng khi thu về. Những cánh cổng được trang điểm lên một tràng hoa khô hay ngô bắp ngày mùa, và bên cạnh các cánh cửa ngồi chễm chệ những quả bí tròn được khắc hình ma quỷ nhe răng sún cười hiền hậu.

Khi màu sắc đã chín muồi thì từng chiếc lá một nhè nhẹ rời cành. Từng chiếc lại từng chiếc, lá rơi êm ái xuống trải thảm êm bên vệ đường. Thỉnh thoảng một cơn gió mạnh bốc lên, lá vàng lá đỏ từ trên cây xào xạc bay túa như một đàn bướm xinh chào đón người lữ hành đang rong ruổi trên đường. Lá uốn lượn, lá quay cuồng, lá khiêu vũ trong gió trong nắng, lá vờn nhẹ mơn man… Đôi khi tôi bắt gặp mình hít một hơi thở mạnh và miệng nhoẻn nụ cười tươi. Thiên nhiên quá đẹp khiến mình phản ứng một cách vô thức. Rồi tôi đến sở với nụ cười còn đượm trên môi, bắt đầu một ngày kéo cầy mệt nhọc.
Ngày nghỉ tôi vẫn dậy từ sớm tinh mơ, pha một ly trà nóng, ngồi trước cửa sổ nhìn ra đường ngắm lá rơi. Nhấp từng ngụm trà thơm, tôi thầm nghĩ sao mà mình có diễm phúc thế. Rồi tôi khoác áo ấm bước ra đường. Mỗi ngày tôi viếng một khu trong xóm, khu trên đồi, khu dẫn đến công viên nhỏ, khu vòng quanh những nhà chung cư, khu dọc theo bờ suối… Tôi phải mau kíp tận hưởng kẻo lỡ dịp. Chủ nhật này cây còn xum xuê cành lá. Chủ nhật sau cây đã trơ trọi khẳng khiu sẵn sàng ngủ giấc đông miên. Tôi vội vàng mà khoan thai. Tôi háo hức trong ch65m rãi tĩnh lặng. Tôi mê mải bước đi trong nắng thu nhè nhẹ, gió thu miên man, hương thu lan toả. Tôi chìm đắm trong thế giới của mùa thu, mùa mà tôi yêu chuộng nhất trong năm. Mùa thu của tôi!

Thúy Messegee
October 3, 2023

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Chiều Thu Vàng - Thơ: Lê Nguyễn Nga - Ca Sĩ: Hồng Tước - Phương Thảo


Thơ: Lê Nguyễn Nga
Ca Sĩ: Hồng Tước
Phương Thảo

Lá Rơi

 

Những chiếc lá rơi
Uốn nhẹ bay bên khung cửa
Đó là những chiếc lá thu
Đã chuyển màu sang đỏ và vàng
Tôi thấy muà hạ đã hôn trên môi em
Mặt trời cũng đã làm cháy nám tay em
Đôi tay mà tôi đã từng nắm lấy
Kể từ khi em xa tôi
Ngày qua ngày dài hơn
Nơi đây tôi đang lắng nghe
Những bài hát của mùa Đông
Em yêu ơi, tôi nhớ em vô cùng
Khi những chiếc lá bắt đầu rơi

Cuối Thu AZ
Võ Hương Phố
Phỏng theo nhạc phẩm Autumn Leaves ( Remastered 1987 )
Ca sĩ Nat King Cole trình bày

Ngậm Ngùi (2)

 
(Tranh vẽ Tuyết Phan)

Mây trôi gió cuốn thời gian
Xóa bao dấu vết vỡ tàn từ đây
Tiếc thương vươn tận chân mây
Hồn thơ trăn trở nợ vay hồng trần

Ngân vang trong gió thu ngàn
Tiếng tiêu hòa điệu vọng ân tình người
Trăng Thu ngã bóng buông lơi
Sương đêm phủ kín sầu khơi vạn sầu

Đêm thu thao thức canh thâu
Tiếng than nức nở thâm sâu thở dài
Hoàng hôn nhuộm tím bờ vai
Chín lòng xa xứ biết ai tỏ bày

Chiều thu vàng lá me bay
Địa đàng hư ảo đắm say lòng trần
Ngậm ngùi kiếp đá lăn trầm
Bóng câu cửa sổ lặng thầm chờ mong...

Belgique một chiều thu...
bỗng nghe hồn quạnh vắng...

Tuyết Phan
 27-10-2023

Gà Cùng Một Mẹ


Quấn quít tuổi thơ tựa bí bầ
Hận gì máu chảy ruột không đau
Mê mùi gạo thóc đành bôi mặt
Say tiếng ngợi khen nỡ xóa màu
Ngẩng mặt anh hùng hiền hóa ác
Khoe mình trí dũng bạn sinh thù
Thế gian khinh bỉ loài cầm thú
Chung một giống nòi sát hại nhau.

Trần Thế Vĩnh

Khí Hậu Biến Đổi



Khí hậu năm nay thật bất thường
Toàn cầu hứng chịu lắm tai ương
Bão to càn quét bao thành thị
Lụt lớn nhận chìm khối phố phường
Vùng nóng mà băng hàn khó tưởng
Xứ mưa lại hạn hán khôn lường
Chắc vì “climate change” gây họa
Đảo lộn môi trường khắp bốn phương

Nhất Hùng

Bộ Ly Tách Uống Trà &Những Liên Tưởng Về Tình Mẹ


Vài lời phi lộ:

Vài hôm trước ngẫu nhiên tôi xem lại bài viết “ Bộ ly tách uống trà và những liên tưởng về tình mẹ“ của tôi trên tạp chí số 268 Phụ Nữ Diễn Đàn, tháng 7/2006 . Đọc lại bài viết, tôi thấy có nhiều chỗ văn chương lủng củng, không sáng sủa… Vì vậy, tôi đã dành thời gian sửa chữa, gọt dũa lại cả văn chương và ý nghĩa của bài mà gửi đến quý bạn đây.

Nội dung bài viết tôi nói về những ngày sau tết Mậu Thân 1968, khi đó Saigon và ven thủ đô vẫn còn nhem nhuốc khói lửa chiến tranh…( ngay ngã tư Bảy hiền, Khu giao lộ Hàng xanh … vẫn còn những đám cháy … ). Lúc đó Saigon không còn nguồn tiếp tế rau cỏ, cây trái từ miền Tây, Đà lạt, Long Khánh … nên giá cả tăng vọt mà vẫn không có hàng để bán. Gia đình tôi lúc đó rơi vào tình trạng bấn cùng , vì thuộc dạng cơm lo từng bữa mà !!!! Mẹ tôi không có chuối để bán, thời gian đó mẹ tôi đã phải sai tôi và lũ em đi mua từng bát nước mắm về nấu cơm hay đến nhà người quen trong xóm xin những đọt cây chuối ( mà người ta vứt bỏ sau khi thu hoạch buồng chuối, còn đọt chuối bỏ đi hay xắt nhỏ làm đồ ăn cho heo… ) ..v..v.. Còn ở chợ, một bó rau muống nửa non nửa già, giá gấp 3,4 lần bình thường nhưng cũng không có để mua !

Trong tình trạng bi đát đó, tôi chợt nhớ đến những làng quê, phía trong sâu bên trong của Quốc Lộ 1 nhiều nơi thuộc dạng khu vực oanh kích tự do!!!!, hướng đến khu Hóc Môn. Trung Chánh… Tôi đã nhiều lần đi thăm họ hàng thân nhân tại đó và thấy những ruộng rau muống gần sát những chuồng trại nuôi heo bò của dân chúng. Nó rất tốt tươi vì phân gia súc, no xum xuê , xanh tươi mà cũng chẳng thấy nhiều người mua bán . Tôi đề nghị chở mẹ tôi đội bom đạn xuống đó cắt rau muống về bán kiếm tiền sinh sống.

Tôi còn nhớ những chuyến đi mua và cắt rau muống mang về SG bán đó có rất nhiều điều đáng sợ vì an ninh chưa vãn hồi, việc tìm kiếm, săn lùng người bên kia của VNCH cũng như chống đối lẻ tẻ của những người bên kia vẫn còn xảy ra trên đường đi của chúng tôi … Ngày nay nhớ lại tôi có cảm giác đáng sợ vì liều lĩnh của mình! Đúng là Ngựa non háu đá! Điếc không sợ súng!!!

Tuy nhiên trong cuộc đi cắt mua rau muống mang về SG bán đó, tôi đã có dịp nhìn thấy rất rõ những cái rất thật của chiến tranh và loạn lạc … Và cũng trong những chuyến đi “ Thí mạng cùi “ đó, tôi đã có thêm một lần nữa nhìn rất rõ sự thâm sâu của Tình mẹ và tôi cũng nhìn thấy những ước mơ kín đáo của mẹ tôi từ những nhận thức được tinh mẹ đó … Đúng như vậy, chuyến đi liều lĩnh đó đã vô tình cho tôi cảm thông được cái THIÊNG LIÊNG CỦA LÒNG MẸ, để rồi sau này trên những con đường tha phương cầu thực ở các QG nghèo khổ tại Phi Châu, Nam Á… Tôi đã có những hành động, lời nói và cả sự cảm thông với những người nghèo khổ tại những nơi tôi có dịp đi qua với thái độ rất nhân bản, tốt lòng! Lý do rất dễ hiểu là từ nỗi khổ của họ , tôi đã nhìn thấy nổi khổ của chính cá nhân tôi, bố mẹ tôi…

Tất cả những bài viết của tôi không có tính cách của người viết chuyên nghiệp, nó chủ quan và không mang tính cách đại chúng … và đó là lý do tôi chưa và không bao giờ nghĩ và nói mình là nhà văn, nhà thơ. Vì vậy các bạn đọc cho vui và tha thứ nếu thấy có những khiếm khuyết trong văn chương, trong trải bày.

Thân mến
(Lưu An Vũ ngọc Ruẩn)

Nhập bài:

Bộ mặt giả tạo với vẻ thanh bình, giàu có của Sài Gòn, thủ đô miền Nam VN đang thời chiến tranh vào những ngày sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 gần như biến mất hoàn toàn. Thay vào đó là những khuôn mặt lo lắng, bàng hoàng của người dân thành phố. Những chốn ăn chơi, sầm uất về đêm không còn nữa. Những ngôi chợ luôn luôn đầy ắp thực phẩm cũng trở nên tiêu điều, trống trơn vì không có nguồn hàng cung cấp. Nhất là cây trái, rau cỏ từ xưa vẫn được cung cấp từ Đà lạt và các tỉnh ngoại biên Sài gòn cũng không còn nữa. Nếu có chỉ còn lai rai với số lượng ít ỏi từ những nhà buôn nhỏ lẻ từ những vùng ven đô, tạm gọi là an ninh mang đến, mà giá cả mắc gấp nhiều lần nhưng phẩm chất lại kém hơn.

Mẹ tôi bán chuối lẻ ở lề đường, mỗi ngày phải lên chợ Cầu Ông Lãnh phải tranh nhau với người khác, dù giá cả gấp 2, 3 lần bình thường nhưng cũng chỉ được vài chục nải không đủ đề bán. Lý do là nguồn chuối từ Long Khánh hay các tỉnh miền Tây gần như hoàn toàn chấm dứt, chỉ còn lai rai những buồng chuối kém chất lượng từ những gia đình có vườn tược ven thành phố mang đến. Trong tình trạng không có hàng để bán nhưng gia đình thì vẫn cần tiền để sinh nhai, ôi bàn với mẹ, đi xuống những vùng quê hơi xa thành phố, đến các nhà vườn mua rau muống về bán. Dù biết là liều lĩnh, khi mà mọi con đường dẫn tới Sài Gòn vẫn còn vang động tiếng súng. Những đám cháy dọc quốc lộ vì bom đạn vẫn chưa tắt lửa đã làm cho mẹ con chúng tôi có phần lo lắng nhưng vì kế sinh nhai mà phải liều lĩnh mà thôi.

Ngay ngày hôm sau với chiếc xe Suzuki cũ kỹ kèm theo những bao tải, sọt, bị, dây nhợ ... hai mẹ con chúng tôi theo quốc lộ 1, nhắm hướng Hóc Môn, rẽ vào những vùng quê hẻo lánh, đến những ruộng rau muống bên đường làng để hỏi mua. Khi đã có nguồn để mua mẹ con chúng tôi cũng phải nhảy xuống ruộng cùng với gia đình người chủ cắt và bó rau cho nhanh, rồi chất lên xe nhanh chóng chạy về thành phố trước hoàng hôn để tránh những bất trắc về an ninh trên đường.

Rồi cứ thế, suốt cả tháng trời sau biến cố Mậu thân, cứ khoảng 2 hay 3 ngày chúng tôi lại chạy xe xuống mua rau về bán. Một lần vào buổi chiều khi vừa về đến gần ngã ba Ông Tạ thì bánh xe bị bể. Chẳng làm sao hơn tôi đành phải dẫn xe vào chỗ vá xe bên đường. Trong lúc chờ đợi sửa xe, tôi và mẹ bâng quơ ghé mắt vào những tiệm bán hàng ở chung quanh, gần chỗ sửa xe. Đến một tiệm khá khang trang bán đồ gia dụng như chén bát, nồi niêu, bình thủy..v..v.. những món hàng cao cấp hơn so với những tiệm bình dân thường thấy trong chợ. Tôi chợt thấy mẹ tôi ngẩn ngơ, im lặng ngắm nghía một bộ tách uống trà bằng men sứ khá đẹp bên trong tấm kính của hiệu buôn . Chiếc bình pha trà với 6 chiếc tách uống trà xinh xắn nhiều màu sắc in hình đôi chim phượng in trên nền men trắng đục, được xếp gọn ghẽ trong một hộp bằng các tông nhiều màu, sang trọng.

Với tôi tất cả những vật dụng trong tiệm chẳng có gì đặc biệt, nó hoàn toàn ra ngoài sở thích của thằng con trai không biết gì về bếp núc. Nhưng tôi có cảm giác ánh mắt nhìn của mẹ tôi có cái gì ẩn dấu sự thèm muốn, ước mơ khi nhìn bộ ly tách. Với chút tò mò, quay sang mẹ, tôi hỏi bâng quơ:
- Bộ tách uống trà đẹp lắm mẹ nhỉ?
Ra vẻ ngập ngừng tí chút, nhưng ánh mắt vẫn không rời chiếc hộp, mẹ tôi nói nhỏ với tôi nhưng hình như cũng cho chính mẹ nghe:
- Ừ, bộ ly tách đẹp thật! Chẳng biết bao giờ nhà mình có tiền sắm một bộ như thế này để tiếp khách?

Nghe mẹ nói, trong đầu tôi hiện ngay ra cái ấm nấu trà bằng nhôm mà hàng ngày gia đình tôi vẫn dùng để nấu trà tươi. Khách đến nhà được tiếp đãi bằng những chiếc ly thuỷ tinh nghèo nàn, trà mời khách được rót trực tiếp từ cái ấm nhôm cũ kỹ đó. Đưa mắt nhìn thật kỹ bộ ly tách trong khung kính, rồi tôi kín đáo chuyển ánh mắt nhìn mẹ. Người đàn bà lam lũ trong chiếc áo cánh màu nâu nhạt, bạc màu … hình ảnh người mẹ cả đời đã sống trong nghèo túng vì chồng con đã làm cho tôi thờ thẩn vì thương mẹ. Cũng lúc đó, trong tâm trạng buồn buồn đó, tường tượng trong đầu tôi hiện ra một ước mơ. Làm sao tôi có được bộ ly tách đẹp đẽ kia đặt trên mặt bàn với những câu trầm trồ khen tặng từ những người khách của gia đình và cả trong ánh mắt tự hào, hạnh phúc của mẹ tôi. Chỉ với tưởng tượng, ước mơ đó đã làm tôi sung sướng. Nhưng khi nhìn đến tấm giấy nho nhỏ đề giá 450 đồng trước chiếc hộp mang đến cho tôi cảm giác thất vọng, vì quá mắc. Món tiền vượt đó khỏi tầm tay với của nếp sống đang còn nghèo nàn của gia đình tôi.

Cũng trong nỗi thất vọng đó, tôi đưa mắt nhìn về chiếc xe Suzuki bạc rạc của mình ở góc đường, nó đã được người thợ sửa xe vá xong và đang cúi mình gò nắn lại bánh xe. Rồi tôi lại nhìn rất kỹ vào vào những bó rau muống lờm xờm được cột chặt hay đeo vào những khúc gỗ dọc theo thân xe. Tôi tự hỏi với khoảng hơn một trăm bó rau muống đó, nếu may mắn bán được với giá rất hời của những ngày Sài Gòn trong máu lửa. Có lẽ sau khi trừ tiền vốn , tiền xăng và tiền vá xe… khá lắm mẹ con tôi cũng chỉ kiếm được khoảng 60 đồng tiền lời. Với món tiền thu hoạch thu nhỏ bé đó thì làm sao mua được bộ ly tách uống trà đẹp đẽ, ước mơ của mẹ tôi với giá 450 đồng được ? Tôi lại nghĩ đến đồng lương èo ọt của bố tôi, người trung sĩ trong quân lực VNCH nhưng phải cưu mang 7 anh em chúng tôi đang tuổi ăn học, thêm vào đó còn phải cung ứng cho ông nội tôi luôn luôn bệnh tật ... Thỉnh thoảng vì thiếu thốn không đủ tiền mua một “ tĩn” nước mắm để nấu ăn, mẹ đã phải sai tôi hay cô em gái mang bát đến tiệm tạp hoá gần nhà mua từng thìa nước mắm. Đúng như vậy, sáu mươi đồng tiền lời bán rau muống cho cả một ngày cực nhọc của mẹ con chúng tôi, nó chẳng là gì so với xã hội nhưng chắc chắn nó là một điều phải có, không thể thiếu được cho cuộc sinh sống quá túng thiếu của gia đình tôi . Để có món tiền 450 đồng cung ứng cho ước mơ của mẹ, nó là một vấn đề rất khó, một giấc mơ không có thật ! Một giấc mơ mà cả gia đình tôi có lẽ phải nhịn đói dành dụm cả tháng để mua được một bộ ly tách uống trà, tiếp khách là một truyện hoang đường, không thực tế . Nghĩ như vậy tôi đã hiểu rất kỹ ý nghĩa lời nói, ánh mắt của mẹ nhìn bộ ly tách uống trà chỉ là một ước mơ không có thật! .

Nhưng cũng chính lúc cảm giác buồn thấm thía với kiếp nghèo khó của gia đình phủ trùm lên tâm trí của mình. Trí nhớ tôi chợt lóe sáng lên một niềm vui, hy vọng. Tuần tới tôi sẽ có 400 đồng tiền lương dạy kèm cho 2 đứa bé con một gia đình khá giả trong cư xá Chí Hoà. Tại sao tôi không nhín tiền cà phê, ăn sáng hay dẹp chuyện mua sách vở, quần áo... Coi nó như một món tiền không có hay như là một lần bị đánh mất rồi dành món tiền đó để làm cho giấc mơ của mẹ tôi thành sự thật nhỉ ? Nghĩ như vậy, ánh mắt tôi sáng lên, kín đáo, nhỏ nhẹ, tôi hỏi mẹ:
- Giá họ để thế mà thôi, ai cấm mình trả giá mẹ nhỉ?
Vẫn không rời ánh mắt ra khỏi chiếc hộp, với âm thanh bâng quơ và có tí chút thất vọng, mẹ nói nhẹ :
- Dù có trả giá, quá lắm họ cũng chỉ bớt được vài chục mà thôi, nó vẫn quá xa, ngoài tầm tay của gia đình mình con ạ!

&

Rồi đúng như dự tính, một tuần lễ sau, ngay sau khi dạy học xong cho 2 đứa bé tôi nhận chiếc phong bì đựng đúng 4 tờ giấy bạc 100 đồng, tiền công cho một tháng trời. Mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 giờ dạy kèm, từ tay bà mẹ hai đứa bé . Không một tí lưỡng lự, tôi đến ngay tiệm bán hàng gia dụng. Sau khi dựng xe sát gần cửa tiệm, trước khi bước vào tiệm, tôi còn đứng lại trước khung cửa kính một tí chút, đưa mắt nhìn rất kỹ bộ tách uống trà một lần nữa như để kiểm xét xem quyết định của mình đã chín chắn chưa?

Khi tôi vừa bước đến ngưỡng cửa tiệm, người bán hàng là một cặp vợ chồng khá đứng tuổi. Bà vợ đon đả với vẻ vui mừng bước ra đón tiếp tôi. với nụ cười rất tươi, săn đón, bà ta hỏi :
- Cậu muốn mua gì, tôi lấy cho cậu xem?
Tôi đưa tay lên gãi đầu(có lẽ đây là hành động ngượng ngùng hay thiếu tự tin của cố hữu của tôi thì phải ?), ngần ngừ tí chút tôi nói rất khẽ:
- Cháu muốn mua bộ ly tách uống trà, mà bác bầy trong tủ kính. Xin hai bác lấy cho cháu xem.
Người đàn bà bước đến chiếc tủ, cầm chiếc hộp, đưa tay phủi lấy lệ vài hạt bụi rồi thận trọng đưa chiếc hộp cho tôi:
- Hàng sứ mác Đài Loan, loại rất tốt và đẹp lắm. Cậu cứ thoải mái xem thật kỹ rồi hãy mua.

Tôi để hộp ly tách lên chiếc bàn, trước mặt người đàn ông. Chậm rãi tôi lấy từng chiếc ly, cái đĩa và chiếc bình ra xem, chắc chắn không có một vết nứt hay vết bể nào trước khi xếp chúng ngay ngắn trở lại vào chiếc hộp. Ngước mắt nhìn khuôn mặt đang chờ đợi của hai vợ chồng người bán hàng tôi trả giá:
- Hai bác có thể bớt cho cháu được không? 450 đồng đắt quá.
Người vợ vui vẻ, nhanh nhẩu trả lời:
- Tôi để đúng giá đó, nhưng nếu cậu muốn mua tôi bớt cho cậu 10 đồng làm quen mà thôi.
Chẳng cần đợi tôi trả lời bà ta nói tiếp:
- Cậu đừng sợ mua hớ, tôi không muốn mang tiếng bán cho đàn ông con trai mà nói thách đâu.

Nghe bà ta nói, lời đoán giá của mẹ tôi hiện ra trong trí nhớ, cho tôi cảm giác người bán hàng không phải là người nói dối. Nhưng tôi nghĩ, dù có kèn cựa xuống giá thêm ở mức 430 hay 420 đồng, nó vẫn là con số cao hơn chiếc phong bì mà tôi đang có trong túi áo. Ngần ngại một tí, móc chiếc phong bì trong túi áo ra, tôi im lặng để lên trên chiếc hộp bình trà, trước mặt người đàn ông. Tôi nhìn vào khuôn mặt khá phúc hậu của ông ta và nói rõ ràng:
- Cháu nói thật với hai bác, mấy hôm trước mẹ cháu nhìn thấy hộp ly tách này rất thích, nhưng lúc đó mẹ con cháu không có tiền để mua nó. Hôm nay, cháu vừa lãnh lương dạy kèm được đúng 400 đồng cho một tháng tiền công. Nếu hai bác vui lòng bán với giá 400 đồng thì cháu mua còn hơn nữa thì cháu thành thật không có!

Người đàn ông nghe tôi nói, có vẻ ngạc nhiên, hình như xúc động vì sự thật thà đến nỗi khó tin của tôi. Ông hướng mắt về phía người vợ như có ý dò hỏi. Người vợ nhìn trở lại ông ta rồi quay sang tôi bà ta nói:
- Cậu không còn một vài chục nào nữa hay sao? Nếu thế cậu cứ lấy đi, còn thiếu vài chục khi nào cậu có tiền mang đến trả cho tôi cũng được. Với giá 400 đồng, thành thật là giá vốn của tôi đó.
Chẳng biết sao, vừa nghe người đàn bà nói xong, tôi không một tí ngần ngại trả lời bà ta:

- Thôi! Cháu chẳng muốn thiếu nợ hai bác đâu. Nếu hai bác thấy giúp được, bán cho cháu, còn không, cháu đành chờ dịp khác vậy. Tiền lương cả tháng trời dạy học cho một bộ ly tách, cháu chỉ mong làm vui lòng ước mơ của mẹ cháu. Cháu không thể nào cố gắng hơn được nữa.

Nghe tôi nói, người chồng hơi cau mày, thẩn thờ đưa mắt nhìn người vợ có ý dò hỏi. Hình như ông ta động lòng với lời phân trần rất thật của tôi. Ông ta nhìn vẻ thất vọng hiện trên khuôn mặt tôi khi tôi sửa soạn quay bước. Chẳng cần chú ý đến ánh mắt còn lưỡng lự của bà vợ, ông ta cầm cái hộp đưa tận tay tôi và nói:
- Cậu đã nói vậy thì tôi chẳng còn gì để chối từ nữa. Thật như vậy, chúng tôi bán vốn, làm quà cho cậu đó.

Trong khi tôi cũng ngẩn ngơ vì không ngờ kết quả tốt như vậy. Bà vợ hơi cau mày nhìn người chồng ra vẻ không vui rồi miễn cưỡng, im lặng bỏ chiếc hộp vào bịch giấy đưa tận tay cho tôi và nói bâng quơ:
- Ông nhà tôi vẫn thế. Bán buôn mà không có lời thì làm sao mà sống ?

Tôi im lặng, nhìn ông chồng với ánh mắt biết ơn, cúi đầu mấy lần tỏ vẻ cảm động vì lòng tốt của ông ta rồi tôi nói vài câu cám ơn rất chân tình đến vợ chồng người bán hàng trước khi cầm chiếc hộp bước ra khỏi tiệm. Khi tôi đang loay hoay cột cẩn thận chiếc bịch giấy đựng chiếc hộp vào đằng sau xe, sửa soạn dẫn xe xuống đường thì hai vợ chồng ông chủ tiệm đi ra, đến gần tôi. Bà vợ không còn vẻ khó chịu như lúc đưa chiếc hộp cho tôi nữa, miệng bà ta mỉm cười nhìn tôi rồi bà bước hơi thụt lại phía sau người chồng. Ông chồng đến gần tôi, thân thiện vỗ nhẹ lên vai tôi, ông ta nói:
- Có thật cậu mua bộ tách ly này tặng mẹ cậu không? Và có thật đây là 400 đồng cả tháng tiền dạy kèm của cậu không?
Ngạc nhiên vì thái độ kỳ lạ của họ, ngước mắt ngẩn ngơ nhìn cả hai vợ chồng họ, tôi trả lời:
- Thật như vậy đó hai bác ạ. Không lẽ cháu lừa đảo hai bác sao?
Người đàn ông không nói gì nhưng miệng mỉm cười, đưa tay rút trong túi áo ra tờ giấy bạc 20 đồng, đưa tận tay tôi và nói:
- Chúng tôi tặng cậu thêm 20 đồng nữa, coi như tí tình cảm quý mến con người chân thành, tình nghĩa của cậu đó.
Tôi cau mày nhìn vợ chồng người bán tiệm, xác nhận thái độ quá tốt mà họ đã dành cho tôi là sự thật. Tôi lắc đầu lia liạ nói với họ:
- Thôi! thôi! Cám ơn hai bác. Hai bác bán rẻ , giá vốn cho cháu đã là tốt lắm rồi. Cháu không dám nhận đâu.
Người chồng vỗ thêm một cái nhẹ vào vai tôi rồi ông nhét tờ giấy bạc vào túi áo tôi, sau đó nở nụ cười ra vẻ đùa cợt, nhìn tôi ông nói:
- Cậu cứ cầm lấy đi, đừng suy nghĩ mà mất vui. Tôi đoán sau này cậu sẽ thành công. Khi đó cậu làm ông này ông nọ, nhớ đến chúng tôi là được rồi. Biết đâu trong tương lai, thời thế đổi thay, cậu lại có dịp giúp đỡ lại chúng tôi thì sao ! Đừng ngại ngần gì cả.
Nói xong ông ta thân thiện vỗ nhẹ thêm vài cái lên vai tôi rồi nắm tay người vợ đi vào tiệm.

Sau lần mua bán đầy tình nghĩa đáng nhớ đó, Thời gian còn là sinh viên, tôi vẫn thường đi qua con đường Lê Văn Duyệt, khu gần Ngã ba Ông Tạ. Lần nào tôi cũng đưa mắt nhìn vào tiệm bán hàng của hai ông bà chủ tiệm tốt lòng, họ đã cho tôi một dịp may để có một món quà tặng mẹ, Người mẹ mà tôi mãi mãi kính yêu.

&

Thời gian trầm lặng trôi qua. Sự khôn lớn và vững trãi kèm theo sự tính toán chính xác trong cuộc sống và dĩ nhiên cũng nhờ những may mắn trong đời, tôi đã dựa vào chuyên môn của mình và những cố gắng không ngừng nghỉ. Tôi đã giúp gia đình tôi khá giả, an định hơn trong cuộc sinh nhai với một cơ sở chăn nuôi nho nhỏ ở Bà Quẹo. Mẹ tôi không còn phải cực nhọc ngồi lề đường bán chuối, bán rau như xưa nữa. Bà ở nhà chăm sóc đàn heo, đàn gà theo sự hướng dẫn kỹ thuật và tính toán kinh tế của tôi. Những đứa em của tôi cũng chẳng phải nhọc nhằn với lao lực. Chúng được ăn học đầy đủ như bạn của chúng, chúng không còn phải bữa đói bữa no hay mặc cảm nghèo hèn như xưa nữa . Đã thế tôi còn lo được cho một đứa em trai đi du học tự túc... Mức sống gia đình tôi đã êm nhẹ bước vào giới trung lưu trong xã hội, nơi mà vẫn còn mù mịt khói lửa chiến tranh!

Rồi cũng với những may mắn tiếp theo vẫn đến với tôi và gia đình trong sự hy sinh chịu khó của bố mẹ, dĩ nhiên cả những sự cố gắng miệt mài của bản thân, tôi đã vượt khó vươn lên. Có lẽ với nhiều người khác, bạn bè quen biết của tôi thì đó chỉ là những chuyện bình thường, chẳng có gì để phô trương, tự hào . Nhưng với tôi, với gia đình bố mẹ tôi lại là những kỳ tích trong đời. Tôi đã tuần tự bước vào đời sống một cách yên bình trong khá nhiều ngạc nhiên của bố mẹ và họ hàng thân quen của tôi. Nhưng bất cứ khi nào có dịp đi qua căn nhà, tiệm buôn của vợ chồng người bán hàng. Tôi luôn luôn nhớ đến họ, hai vợ chồng họ đã cho tôi một ân tình không lớn lắm nhưng nó lại đóng góp vào ý nghĩa món quà sang trọng đầu tiên mà tôi đã dành cho mẹ. Món quà đã một lần nhờ nó mà tôi đã làm đầy ắp được ước mơ quá đơn giản nhưng đầy ý nghĩa của mẹ con chúng tôi.

&

Thời gian vẫn trầm lặng đi qua, tôi tốt nghiệp đại học, rồi xa gia đình xuống Cần Thơ làm việc, cuộc đời tôi thực sự bước vào một giai đoạn mới. Giai đoạn với nhiều ngoắt ngoéo của xã hội, nó không còn đơn giản như cuộc đời và lối sống của một sinh viên trong xã hội. Vai trò một người công chức, có những ganh đua , đố kỵ… phức tạp và cao cấp hơn. Lúc tôi rời xa gia đình xuống Cần thơ nhận nhiệm sở, bộ ly tách uống trà, món quà kỷ niệm thấm đậm lòng kính yêu của tôi cho mẹ, vẫn hiện diện trên bàn mỗi khi có khách đến chơi. Mặc dù với thời gian 6 chiếc tách và đĩa của bộ tách không còn lành lặn như thời mới mua. Vài cái ly đã sứt mẻ, chiếc bình pha trà vẫn còn quai nhưng miệng vòi đã bị bể một góc, lộ ra lớp sành bị ố nâu bởi trà. Nhưng với tôi (và có lẽ với mẹ tôi nữa) dù cũ nhưng nó vẫn là một di tích của kỷ niệm rất đẹp món quà của thằng con trai biếu mẹ. Nó cũng là một dấu vết ước mơ rất đẹp, thấm đẫm mồ hôi và khói lửa chiến tranh của mẹ con tôi vào thời kỳ nghèo túng của gia đình.

Đúng như vậy, từ khi tốt nghiệp xong đại học, xuống Cần thơ làm việc, gia cảnh của anh em tôi đã đổi thay. Sự nghèo túng xa xưa đã thực sự bị đẩy vào dĩ vãng một cách ngoạn mục, nhưng bộ ly tách kỷ niệm đó vẫn hiện diện cùng với vài ba món quà khác của tôi mua cho mẹ, cho gia đình. Những món quà khác, sau này tôi mang về cho gia đình lúc tôi đã lớn khôn, giàu có hơn, dĩ nhiên cũng giá trị hơn. Chẳng hạn chiếc máy may hiệu Mitsubishi của Nhật, bộ salon bằng gỗ lim đen bóng..v..v.. . Ngay cả căn nhà khang trang với vườn cây, chuồng trại chăn nuôi, tất cả những di vật đó như những ghi dấu sự khôn ngoan tính toán trong sự trưởng thành của tôi, thằng con trai trưởng nam trong gia đình .

Từ Cần Thơ, thỉnh thoảng tôi vẫn tạt về Sài Gòn thăm gia đình và hướng dẫn bố mẹ tôi trong việc chăn nuôi. Bộ ly tách càng ngày xưa theo thời gian, nó càng sứt mẻ, cập kễnh, èo ọt hơn, nhưng nó vẫn hiện diện cho đến đầu năm 1974 khi tôi rời xa VN đi tu nghiệp dài hạn ở Nhật bản. Tôi ra đi như một đặc ân của vị thần may mắn trong khi đất nước vẫn còn mịt mùa bom đạn, tang thương và chết chóc. Nhưng chỉ hơn một năm sau ngày tôi đến Nhật bản, cuộc đổi dời tháng 4 năm 1975 xảy đến. Chiến tranh chấm dứt đã đưa hầu hết những người VN dính dấp đến miền Nam VN ở ngoại quốc hay trong nước vào một giai đoạn mới. Gia đình tôi và ngay cá nhân tôi cũng chẳng phải là trường hợp ngoại trừ.
Biết bao nhiêu cực nhọc lại đến với tôi vì việc học hành chưa xong, rồi tôi phải tìm sống với những công việc lao lực, thấp hèn ở xứ người. Tôi lại phải kiếm tiền gửi về cưu mang gia đình đang khó khăn trong thời buổi giao thời sau cuộc chiến .

Mãi đến năm 1979 tôi mới có dịp để quyết định rời xa Nhật bản đi định cư tại Thụy sĩ, khởi đầu một giai đoạn sống thoải mái hơn vì công việc phù hợp với chuyên môn của tôi. Nhưng chỉ khoảng một năm sau cái khởi đầu may mắn đó, tôi nhận được tin buồn từ quê nhà báo tin mẹ tôi mất! khi đất nước vẫn còn đang ngụp lặn với thiếu thốn khó khăn, khi đó vợ tôi mang thai đứa con đầu lòng mà mẹ tôi vẫn mong ước biết tên hay có dịp nhìn thấy đứa cháu nội đầu tiên dù trai hay gái ! Nhưng tất cả đã lỗi điệu với thời gian! Mẹ tôi mất khi đứa cháu đầu tiên chưa chào đời. Mẹ tôi mất khi những ước mơ báo hiếu của tôi vẫn còn khiếm khuyết dở dang… để rồi cả đời tôi mang cảm giác ân hận vì không có dịp báo dưỡng người mẹ mà tôi mãi mãi kính yêu.

Năm 1984 tôi dẫn vợ con về thăm quê nhà lần đầu tiên. Căn nhà rộng rãi ngày xưa của gia đình tôi lại trở về với trống không vì nghèo túng...Vẻ nghèo túng xa xưa lại hiện ra như hoà đồng với những khó khăn chung của đất nước sau cuộc chiến tranh quá dài. Tôi đã ngẩn ngơ, lòng tôi buốt đau khi nhìn thấy cô em gái vô tình đem chiếc bình pha trà ngày xưa rót cho vợ chồng tôi ly trà nóng. Nhìn chiếc bình ngày xưa cùng với mấy cái ly tạp nhạp, đủ dạng thức để trên bàn. Tôi làm sao quên được cái bình trà bóng bẩy ngày xưa khi nó còn mới mà tôi đã mua nó 400 đồng, trọn vẹn một tháng tiền lương dạy kèm của tôi 17, 18 năm về trước để tặng mẹ ? Ngày nay, lúc dẫn vợ con trở về thăm quê hương, ngẫu nhiên tôi nhìn thấy nó đã sứt mẻ với màu nâu đen loang lổ . Vòi chiếc ấm có lẽ đã bị bể nhiều lần, nó như một khúc cụt ngủn, thô kệch thò ra khỏi thân ấm. Trên bàn cũng chỉ còn lại duy nhất một cái tách của bộ ly tách ngày xưa , xếp cùng vài chiếc tách khác loại cũng sứt mẻ . quai của nó cũng đã cụt lủn như núm mảnh sành gắn vào thân tách. Miệng chiếc tách thì có 5, 6 vết mẻ cũng hoá đen vì màu trà đóng lại. Còn những chiếc đĩa nho nhỏ, xinh xắn đựng tách ngày xưa không còn nữa, tất cả đã hoàn toàn biến mất.

Trong cái nghèo nàn đó, hình ảnh người mẹ quá cố với những hy sinh tột cùng cho gia đình trở lại với tôi, mang cho tôi cái cảm giác thẫn thờ, nhớ mẹ . Cuốn phim dĩ vãng với biết bao nhiêu nỗi cực nhọc nghèo túng của gia đình một lần nữa được quay lại trong ký ức tôi. Rồi trong vẻ ngẩn ngơ nhớ mẹ đó, ký ức lại kéo tôi về một lần cùng với mẹ lên chợ Cầu Ông Lãnh mua chuối .
Hôm đó, hai mẹ con chúng tôi phải gò mình phụ người phu xe ba gác khuân những buồng chuối nặng trên dưới 10kg từ vựa chuối xếp lên xe ba gác. Quần áo lem luốc với mồ hôi và nhựa chuối. Nhiều khi công việc dồn dập vì chuối từ Long Khánh về muộn, chúng tôi phải làm vội vàng cho kịp mang chuối về nhà, cắt rời từng nải trước khi đem ủ khí đá cho kịp chín để mang ra chợ bán vào hôm sau. Nhiều khi, hàng về quá muộn hai mẹ con ngồi chờ đến gần tối, quá bữa cơm. Bụng thì đói, miệng thì khát nhưng vẫn chẳng dám ăn uống vì sợ tốn kém. Đôi khi thấy tôi uể oải, biết tôi đói, mẹ kêu cho tôi đĩa cơm tấm, cơm sườn rẻ tiền ở góc chợ ... nhưng mẹ không ăn mà chỉ ngồi nhìn. Có lần tôi hỏi sao mẹ không ăn, mẹ trả lời:
- Con ăn đi, mẹ không đói, hơn nữa về nhà ăn cơm ngon hơn.
Về sau , khi lớn khôn, tôi nghĩ lại mà ân hận vì đã không hiểu được mẹ. Đĩa cơm dù chỉ giá 5, 10 đồng nhưng không phải là bé nhỏ với cái vốn của người bán buôn bên lề đường. Mẹ không ăn chỉ vì muốn tiết kiệm, hy sinh cho gia đình đó mà thôi.

Sau khi chất đầy chuối lên chiếc xe ba gác, tôi và mẹ phải cong lưng đẩy phụ người phu xe cho xe có đà lăn bánh, rồi hai mẹ con chạy xe gắn máy chầm chậm theo sau. Đến mỗi ngã đường có đèn giao thông, nếu xe ba gác phải dừng lại vì đen đỏ, tôi lại phải dừng xe bên lề đường, cùng với mẹ phụ đẩy cho người phu ba gác để xe có trớn lúc khởi đầu khi đèn xanh .

Tôi còn nhớ có một lần. Không biết vì lần đó mua chuối quá nhiều hay vì chiếc xe ba gác lọc cọc, trục bánh xe không trơn hay cũng có thể vì gặp phải người ba gác già nua, yếu đuối, ông ta không đủ sức để đẩy xe nhanh hơn ? Chiếc xe dừng lại ở góc ngã tư Lê Văn Duyệt - Hồng Thập Tự. Ba người chúng tôi còng lưng đẩy chiếc xe nhưng nó vẫn ỳ ạch, chậm chạp lăn bánh chưa khỏi phần giữa đường, khi mà đèn xanh đã đổi màu. Chẳng biết làm sao hơn, chúng tôi vẫn gò lưng giúp người phu xe đẩy cho mau hơn. Lúc đó từ đường Hồng Thật Tự một chiếc xe ô tô du lịch muốn quẹo trái nhưng nó đã phải dừng lại giữa đường vì chiếc xe ba gác của chúng tôi đang ì ạch cản lối. Trên xe ô tô, lái xe là người đàn ông trung niên, bên cạnh có lẽ là người vợ trẻ hơn, dáng dấp sang trọng. Dù bận đẩy xe nhưng tôi cũng nhìn thấy nét mặt bực bội, không vui của hai người vì chúng tôi đã làm cản trở không cho xe họ quẹo, họ phải chờ đợi.

Khi đuôi chiếc xe ba gác vừa đi qua đầu chiếc xe ô tô, người chồng lách nhẹ tay lái để băng qua bên kia đường. Xe của họ chưa kịp vượt qua giữa đường, người đàn bà quay mặt ra khỏi khung cửa sổ, với vẻ bực tức bà ta chửi lớn:
- Cả lũ mù hay sao mà không trông thấy đèn đỏ!
Lời chửi bới của bà ta đã làm tôi khựng lại, ngước mắt nhìn mẹ và người phu ba gác. Tôi ngạc nhiên, vì cảm giác như hai người không nghe lời tôi nói, vẫn bình thản, chẳng có gì tỏ ra bực tức với lời chửi sỗ sàng của người đàn bà trên xe ô tô. Tôi nhìn mẹ và hỏi:
- Mẹ không nghe thấy người ta chửi mình mù sao?
Mẹ tôi quay sang tôi, chẳng có tí giận tức, nói với tôi:
- Tại sao con chú ý đến cái chuyện nhỏ nhặt đó làm gì cho tội vào thân? Mau lên! trở lại lấy xe đi, mẹ chờ con bên kia đường.
Trên đường về, nghĩ đến sự bình thản của mẹ, nhớ đến nét mặt bực bội của hai vợ chồng người lái ô tô.Tôi tự hỏi ai là người khổ sở, mẹ tôi hay vợ chồng người lái xe khi gặp một chuyện chẳng có gì cần thiết để phải bực bội, chửi mắng nhau ? Đó cũng là bài học rất nhỏ nhoi mà đã làm tôi nhiều lần suy nghĩ trong đời vậy.

Rồi cuốn phim ký ức lại kéo tôi về với cực nhọc, liều lĩnh trong những lần chở mẹ vượt khói bom sau ngày tết Mậu Thân 1968, về miền quê mua rau muống bán kiếm lời . Tôi lại nhớ đến hai vợ chồng người bán tiệm tốt bụng đã cảm thương mà bán cho tôi bộ ly tách uống trà với gía vốn 400 đồng, đúng một tháng lương dạy học của tôi. Họ đã cho tôi có thêm một lần trong đời trả nghĩa sinh thành, trả công dưỡng dục cho mẹ tôi ! Đã vậy, lúc rời xa, họ lại còn hào phóng tặng cho tôi thêm 20 đồng để ghi đậm thêm dấu ấn cảm tình cùng lời chúc cho tương lai của tôi, làm ông này, ông nọ nhưng đừng bao giờ quên họ. Ngày nay, khi tôi đã mòn gót phong trần trên thế giới, thời gian đã qua đi … khi trở về thăm lại VN, nơi mà ngày xa xưa cực nhọc mồ hôi đó. Nhìn lại chiếc bình trà, cái tách nhem nhuốc với thời gian, bóng hình hai vợ chồng người chủ tiệm tốt lòng đó lại hiện lên trong trí nhớ tôi. Tôi tự hỏi những cơn giông của thời cuộc đã mang họ đi đâu? họ về đâu ? Họ còn sống hay đã bất hạnh trở về với cát bụi trần gian?!

Thời gian đã qua đi rất lâu rồi. Tôi trở lại VN cùng với vợ và con trong một hoàn cảnh khác, hoàn toàn khác xa xưa của đất nước. Tôi trở về với âm thanh mừng vui trong lòng kẻ tha phương được nhìn lại quê nhà, tạm quên đi nỗi buồn viễn xứ. Tôi trở về với những giọt lệ buồn đau khi nhớ đến mẹ, người mẹ tuyệt vời, cả đời chỉ biết hy sinh cho chồng con, bây giờ không còn nữa. Bộ ly tách uống trà ngày xưa đã vỡ bể gần như toàn vẹn. Ngày nay bộ ly tách không còn tí gì cái sang trọng của nó xa xưa, dù chỉ một tí bóng bẩy lúc nó còn mới, trong hộp. Nhờ cái bóng bẩy đó mà mẹ tôi thường tự hào đem ra tiếp khách mấy mươi năm về trước. Tất cả bị thời gian làm biến đổi, tẩy rửa hết rồi ! Buồn ơi và kỷ niệm nhớ thương ơi!

Rồi cũng trong cuốn phim dĩ vãng hiện ra đó. Tôi nhìn thấy tôi trong một lần tôi theo phái đòan Thụy Sĩ công tác ở Ethiopia, một quốc gia nghèo khổ đang bị nạn chết đói tung hoành ở Phi Châu . Một buổi sáng tôi và người bạn Thụy Sĩ bước vào một căn lều trong một trại tị nạn. Chúng tôi thấy một bà mẹ đã chết từ lâu, thân thể bà ta đã co cứng. Nằm bên cạnh bà ta là đứa con còm cõi giơ xương, nửa ngủ nửa thức vẫn còn ngậm vú mẹ, cặp vú lép xẹp chảy dài như một chiếc bít tất nhăn nheo. Cảnh tượng đau thương và kinh sợ đó đã làm cho tôi và người bạn Thuỵ sĩ thẫn thờ im lặng kèm theo vài tiếng thở dài !
Rồi một lần khác, cũng tại Phi Châu, tôi và vài người bạn Thuỵ Sĩ ngồi trên chiếc xe ô tô trên đường đi đến trại tị nạn, qua một đường làng bên cánh rừng thưa. Chúng tôi phải dừng lại vì thóang thấy một người nằm chết trong con rạch bên đường. Khi đến gần chúng tôi thấy một bà mẹ da đen khác cũng đã chết từ lâu. Trong vòng tay bà ta, một đứa bé gái khoảng 2 tuổi, thân hình lở loét, còm giơ xương vẫn còn say ngủ. Nhìn dạng thức người đàn bà co quắp, tất cả chúng tôi đều có cảm giác trước khi chết bà ta vẫn cố gắng ôm đứa con vào trong lòng như để chuyền cho nó hơi ấm cuối cùng từ tấm thân gầy guộc , thiếu ăn của bà ta. Hay ít ra bà ta muốn lấy thân mình che chở cho đứa con với những đe dọa của thú rừng, rắn rết...

Cũng trong lần dẫn vợ con về VN đầu tiên đó, ký ức lại kéo tôi nhớ đến một lần xem phim tài liệu chiếu về sự tàn phá kinh hoàng của trái bom nguyên tử ở Hiroshima Nhật bản. Một bà mẹ Nhật bản bị phỏng, thân thể, quần áo của bà ta bị cháy nám đứng bên lề đường, trước căn nhà của chính mình. Bà ta la hét, cầu cứu những người thất thểu đi qua, mong họ giúp để cứu cô con gái nhỏ 5 tuổi của bà. Con bé đang hét lên những tiếng thét kinh hoàng vì bị kẹt trong căn nhà xập đổ đang cháy. Nhưng chung quanh bà ta toàn là thây người chết, nếu có vài người còn sống sót thì họ cũng chỉ đủ sức lê bước như thây ma… thì làm sao họ còn sức lực để cứu giúp người khác được!?Trong trạng huống kinh hoàng đó, những lời cầu cứu vô vọng đau đớn của đứa bé trong ngọn lửa vẫn vang lên:
- Mẹ ơi con nóng quá! mẹ ơi cứu con!
Bên ngoài đường, người mẹ vẫn la hét đau thương trong vô vọng:
- Con ơi, tha lỗi cho mẹ! mẹ không làm sao cứu con được!... Con ơi, mẹ là người mẹ khốn nạn, đáng nguyền rủa! Mẹ nhìn thấy con đang chết, mẹ cảm nhận được cái nóng rát, khốn khổ của con trong lửa đỏ ... Nhưng mẹ làm gì cho con được đây khi mẹ cũng đang chết đến nơi rồi! Con ơi, đứa con yêu thương mà chính mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng ơi , hãy tha thứ cho mẹ!
Bà mẹ khóc than, la hét cho đến khi bà ta gục ngã, ngất đi dù tiếng cầu cứu của đứa con đã tắt ngấm từ lâu trong làn lửa đỏ.

Tất cả hình ảnh đó đến với tôi, hiện ra trong trí não tôi. Cho tôi thêm một lần nữa hiểu rằng tình mẹ thương con là một loại tình cảm vĩ đại đáng tôn thờ. Dù người mẹ là người da đen, da trắng hay da vàng cũng vậy mà thôi. Mãi mãi là một dạng tình cảm tự nhiên, cao cả mà người mẹ nào cũng có . Nhưng chỉ khác, ở những xã hội, những nơi mà cuộc sống bấp bênh, nghèo đói vì thiên tai vì chiến tranh, những nơi gần gũi với bất hạnh chết chóc… Lòng mẹ thương con lại càng được thể hiện rõ ràng và đau xót hơn.

Với tôi câu nói: “Nơi trú ẩn an toàn nhất là lòng mẹ , nơi đáng phục vụ và yêu thương nhất là tổ quốc nơi mà người ta đã sinh ra, lớn lên với những kỷ niệm “ . Lời nói đó, ý nghĩa đó luôn luôn với tôi là chân lý.

Zuerich, 10.05.06
 Lưu An

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

Ngã Vào Yêu - Thơ: Cao Nguyên - Nhạc: Nguyên Bích - Trình Bày:Mạnh Tuấn


Thơ: Cao Nguyên
Nhạc: Nguyên Bích
Trình Bày:Mạnh Tuấn
Thực Hiện:Hoàng Khai Nhan 

Cao Nguyên Vào Hạ

  

Về Pleiku nghe hờn tiếng vọng
Gió lộng ùa bến mộng xanh xao
Gửi tình trao nhặt màu hoàng phượng
Người xa rồi lòng đượm thương đau

Thả hồn bay lên đồi Hạ ước
Lần bước đi sướt mướt đời nhau!
Dốc tàn hơi thác ghềnh cố vượt
Gọi tên người... nỗi nhớ hanh hao

Kim Oanh

Dưới Giàn Hoa Giấy Tím(Ngô Bích Lan) - Under The Purple Flowers(Translation By Thanh Thanh)

 

“Hôm nay chợt nhớ thương người
chợt nhớ môi người
tiếng ve ngày cũ rụng rời môi em...”

(trong nhạc-phẩm “Nụ Hôn Ðầu”)

Dưới giàn hoa giấy tím
Lần đầu anh hôn em
Lũ ve sầu lên tiếng
Mảnh trăng khuya bên thềm

Rồi thời gian qua mau
Anh theo học lên cao
Bỏ giàn hoa giấy tím
Với cuộc tình trăng sao

Từng lá thư viết về
Anh vẫn nhớ thôn quê
Nhớ giàn hoa giấy tím
Có em nghiêng tóc thề

Mỗi ngày một lần đến
Bên giàn hoa giấy xưa
Tiếng ve sầu nức nở
Nghe nỗi buồn vu vơ

Bây giờ mùa hạ về
Ôm một mảnh tình quê
Dưới giàn hoa giấy tím
Em hóa thành cây si

Ngô Bích Lan
(France)
***
Under The Purple Flowers

“I suddenly remember and miss
I suddenly reminisce about his kiss
My lips bewitched with the old cicadas’ carol...”
(from the song “The First Kiss”)

In the purple flowers' shade
You kissed me the first kiss.
The moon lit its light of jade;
The cicadas sang their song of bliss.

Then, time passed fast and blind;
You went to your studies above
Leaving the purple flowers behind
With such a dreamlike love.

In each letter sent to the old place
You said you still missed this start
With the purple flowers of grace
And this young and true heart.

I have come back each day alone
To see the old flowers obsess
And hear the cicadas groan;
I feel such a vague distress.

I have nurtured my pastoral love
Now that summer is back to see
With the purple flowers above
I’ve become an amorous banian tree.

Translation by Thanh Thanh

 

Khi Lá Nhớ Nắng

 

Mấy ngày nắng bỏ đi xa
lá phong ủ rủ trông già xót đau
dường như lá thấm nỗi sầu
khi xa nắng ấm đổ màu hoang vu

Sáng nay trời phủ sương mù
tám giờ còn vẫn âm u tối trời
lá buồn lặng lẽ rơi rơi
giữa mênh mông nhớ xa vời vợi xa

Ðôi môi treo những nhạt nhòa
hồn trôi mấy nẻo vỡ òa lạnh căm
hoàng hôn khép lại tối tăm
nghe từng hơi thở đêm nằm quạnh hiu.

100223

Y Thy Võ Phú

Bắc Thanh La 北青蘿 - Lý Thương Ẩn

 

Ta đã thấy kỹ thuật tả tình và tả cảnh của Lý Thương Ẩn qua ngũ ngôn tứ tuyệt. Hôm nay xin giới thiệu một bài thơ ngũ ngôn bát cú đặc biệt (nhìn cảnh tả người) của ông, bài 北青蘿 Bắc Thanh La.

Nguyên tác Dịch âm

北青蘿         Bắc Thanh La

殘陽西入崦 Tàn dương tây nhập yểm*,
茅屋訪孤僧 Mao ốc phỏng cô tăng.
落葉人何在 Lạc diệp nhân hà tại,
寒雲路幾層 Hàn vân lộ kỷ tằng.
獨敲初夜磬 Độc xao sơ dạ khánh,
閑倚一枝藤 Nhàn ỷ nhất chi đằng.
世界微塵裡 Thế giới vi trần lý**,
吾寧愛與憎 Ngô ninh ái dữ tăng.

Chú giải:

* Yểm: từ chữ "yêm". Núi Yêm Tư, xưa bảo chỗ ấy là chỗ mặt trời lặn, nên lúc nhá nhem tối gọi là "nhật bạc yêm tư ". ** Thế giới vi trần lý: trích Kinh Lăng Nghiêm "Nhân tại thế gian, trực vi trần nhĩ, hà tất câu ư tăng ái, nhi khổ thử tâm dã " (Người trong thế gian như hạt bụi nhỏ, sao lại bận tâm đến kẻ yêu người ghét chi cho khổ thân).

Dịch nghĩa:

Phía Bắc Núi Thanh La

Mặt trời lặn xuống núi phía tây
Đến lều cỏ thăm nhà sư ở một mình
Lá rụng, không biết người ở đâu
Mây lạnh, đường lên khúc khuỷu mấy tầng
Một mình gõ khánh trong đêm
Nhàn nhã tựa vào một nhành dây leo
Con người ở thế gian (như) là hạt bụi nhỏ
Ta bận tâm làm gì chuyện yêu ghét

Dịch thơ

Phía Bắc Núi Thanh La

Vừng ô đang khuất núi
Lều cỏ viếng sư côi
Lá rụng người đâu nhỉ?
Mây lạnh ngõ chơi vơi
Một mỉnh đêm gõ khánh
Dựa cây leo thảnh thơi
Ta bà hòn bụi nhỏ
Yêu ghét mặc kệ đời

Lời bàn:

Nhìn vào đầu đề tưởng sẽ được thấy một cảnh đẹp ở phía bắc núi Thanh La nhưng tất cả 8 câu đều tả một cao tăng đắc đạo.

- Câu 1 & 2:
Mở đề. Nói rằng tới lều cỏ thăm nhà sư lúc chiều tà. Không nói gì đến núi Thanh La; tuy có nói đến chữ núi nhưng chữ núi này chỉ dùng để chỉ thời điểm (lúc mặt trời khuất núi, tức lúc chiều tà) chứ không liên hệ gì tới ngọn núi Thanh La. Tưởng như lạc đề nhưng đọc xuống câu kế tiếp thì thấy rằng ông dùng hai câu này để mở đề cho một bài thơ tả người (nhà sư) chứ không mở đề cho bài thơ tả cảnh. Lối móc nối của Lý thường bí ẩn như vậy (không đơn thuần như thơ Bạch Cư Dị), độc gỉa phải vận dụng trí óc khi đọc mỗi câu thơ.

- Câu 3:
Không thấy nhà sư mà chỉ thấy lá rụng đầy. Câu (5 chữ) này vừa gài được cảnh Thu vào đề tài vừa nêu được cái mục tiêu tìm người sống ẩn dật. Khéo vô cùng.

- Câu 4:
Tả cái cổng chùa nằm trong đám mây lạnh; nhưng kỳ thực là tả độ cao của chùa nằm trên núi. Nói cái này nhưng tả cái khác; biến hóa khó lường.

 - Câu 5 & 6:
Tả lối tu cô đơn và thanh nhàn của nhà sư. Đây mới thực là ý chính mà tác gỉa muốn đề cập tới. Lạc đề thêm một nấc nữa: Đầu đề của bài thơ là tả cảnh; 4 câu đầu lại tả người (lạc đề nấc 1); hai câu 5 & 6 không tả người mà chỉ tả cái phong thái siêu phàm của người ấy (lạc đề nấc 2). Rất độc đáo: giới thiệu cái này, mô tả cái khác.

-  Câu 7 & 8:
Muốn nói rằng nhà sư đã thoát tục (đắc đạo). Hai câu này giải thích rằng cái phong thái siêu phàm vừa nói trong hai câu trên là sự thoát tục (đắc đạo) của nhà sư.

Đọc hết 8 câu mới biết họ Lý tả một nhà sư đắc đạo. Độc giả cảm thấy thú vị vì những biến chuyển bất ngờ chứ không còn bực bội về sự lạc đề nữa.

Tái bút:

Nếu bạn đi thi cử nhân văn chương ban Hán văn và gặp đầu đề “Tả cảnh phía bắc núi Thanh La” mà bạn nộp bài thơ này thì điểm của bạn sẽ là zero vì nó lạc đề: đề thi là tả cảnh mà bạn lại tả người (thí sinh trường Y Khoa Saigòn gọi là làm bài thi lộn chapitre ).

Con Cò
***
Nguyên tác: Phiên âm:

北青蘿 -李商隱 Bắc Thanh La - Lý Thương Ẩn

殘陽西入崦 Tàn dương tây nhập Yểm
茅屋訪孤僧 Mao ốc phóng cô tăng
落葉人何在 Lạc diệp nhân hà tại
寒雲路幾層 Hàn vân lộ ky tằng
獨敲初夜磬 Độc xao sơ dạ khánh
閑倚一枝藤 Nhàn ỷ nhất chi đằng
世界微塵裏 Thế giới vi trần lý
吾寧愛與憎 Ngô ninh ái dữ tăng

Lý Thương Ẩn Thi Tập 李商隱詩集

Đường Lý Nghĩa San Thi Tập -Đường- Lý Thương Ẩn Soạn 唐李義山詩集-唐-李商隱撰
Lý Nghĩa San Thi Tập Chú -Đường- Lý Thương Ẩn 李義山詩集注-唐-李商隱
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

thanh la: một loại thực vật mọc trên vách đá,
Thanh La: tên núi, trong núi Vương Ốc.
Yểm: là núi Yểm Tư ở Cam Túc, truyền thuyết cổ xưa được sử dụng để chỉ nơi mặt trời lặn.
sơ dạ: hoàng hôn.
khánh: nhạc cụ gõ cổ xưa, có hình dạng giống như thước khúc, được làm bằng ngọc bích hoặc đá. Một loại vật giống như một loại cồng chiêng được sử dụng trong chùa, được đúc bằng đồng sắt, có thể là một nhạc cụ gõ khi tụng kinh, hoặc gõ cùng các nhạc khí khác.
thế giới: thế gian, trần thế theo ngôn ngữ Phật giáo
vi trần: hạt bụi nhỏ bé theo ngôn ngữ Phật giáo. Hai chữ này được dùng nhiều lần trong các bộ Kinh Phật như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Lăng Già, Kinh Kim Cang…Riêng trong bộ Kinh Hoa Nghiêm dày trên 5000 trang, hai chữ vi trần được dùng gần 1070 lần.
lý: ở bên trong. Trong câu 7, chữ lý nào đúng? Tất cả các mộc bản đều xài chữ lý裏=cái gì ở trong; không phải lý理=lẽ phải như trong đạo lý; không phải lý俚=quê kệch; và cũng không phải chữ lý với bất cứ bộ chữ nào khác. Thi viện xài lý裡=lớp vải lót trong áo, không phải chữ trong các mộc bản dù có thể cùng một nghĩa.
thế giới vi trần lý: thế gian là (ở bên trong) một hạt bụi nhỏ bé, giáo lý của Phật giáo về thế gian (LTẨ viết theo Kinh Phật; mời xem thêm phần thảo luận bên dưới.)
ninh: tại sao.

Dịch nghĩa:

Bắc Thanh La Phía Bắc Núi Thanh La

Tàn dương tây nhập Yểm Mặt trời lặn sau núi Yểm Tư ở phía tây,
Mao ốc phỏng cô tăng Đến lều tranh thăm nhà sư ở một mình.
Lạc diệp nhân hà tại Lá rụng, không biết người ở đâu,
Hàn vân lộ kỷ tằng Mây lạnh, đường lên chập chùng mấy tầng.
Độc xao sơ dạ khánh Một mình gõ khánh vào đầu đêm,
Nhàn ỷ nhất chi đằng Nhàn nhã tựa vào dây sắn leo.
Thế giới vi trần lý Thế gian là (ở bên trong) một hạt bụi nhỏ bé,
Ngô ninh ái dữ tăng Ta há bận tâm làm gì đến chuyện ghét thương.

Vào thời lúc khó khăn trong cuộc sống, gia đình bạn bè ly tán, Lý Thương Ẩn có một giai đoạn muốn cầu tiên học đạo ở Ngọc Dương. Theo trang Bách Khoa Bách Độ, năm Đường Văn Tông Đại Hòa thứ hai (828? không chắc đúng năm vì lúc đó Lý Thương Ẩn mới 15 tuổi), trên đường đi tìm một nhà sư sống nơi xa xôi thanh bần để giải tỏa nỗi đau khổ của mình. Mặt trời vừa lặn sau núi Yểm Tư. Lá rừng rụng nhiều nhưng không bóng người. Mây lạnh, đường lên núi chập chùng, chợt nghe tiếng chuông khánh đầu hôm từ lều tranh của nhà sư. Thi nhân tĩnh ngộ được chân lý nên nhàn nhã vịn vào dây leo và kết thúc bài thơ với 2 câu tràn đầy thiền ý:

Thế giới vi trần lý
Ngô ninh ái dữ tăng

Dịch thơ:

Bắc Thanh La

Mặt trời lặng núi Tây,
Đến viếng thăm sư thầy.
Lá rụng người đâu đấy,
Chập chùng lạnh đến mây.
Cô đơn đêm gõ khánh,
Nhàn nhã vịn vào dây.
Trần thế hạt bụi nhỏ,
Cớ chi thương ghét đây?

North Of Green Vines Mountain by Li Shang Yin

The evening sun sets behind the Yanzi Mountains in the west,
I've come to a thatched cottage to an isolated Buddhist monk's acquaintance make.
Where is the venerable one among fallen leaves all around?
On my way here, clouds have been building in the cold, layer after layer.
Then I see him striking the first evening bell on his own,
When he takes a rest he pauses and leans against his cane.
The kaleidoscopic universe is nothing more than a grain of dust,
How could I insist on clinging onto love and hate?

In the North Among Green Vines by LI Shangyin
Translation by Betty Tseng

The evening sun sets behind the Yanzi Mountains in the west,
I've come to a thatched cottage to an isolated Buddhist monk's acquaintance make.
Where is the venerable one among fallen leaves all around?
On my way here, clouds have been building in the cold, layer after layer.
Then I see him striking the first evening bell on his own,
When he takes a rest he pauses and leans against his cane.
The kaleidoscopic universe is nothing more than a grain of dust,
How could I insist on clinging onto love and hate?

At Bei Jing Luo Monastery by Li Shangyin
Translation by Innes Herdan

The sun drops west into Yan hills.
At a thatched hut I seek the hermit monk.
In all these falling leaves where is my friend?
The path is lost in billows of cold mist.
Alone in the dusk he is striking the stone gong:
I lean upon my staff and listen idly.
Frail dust set in this human world,
I cease to concern myself with love and hate.

North Among Green Vines by Li Shangyin
Translation by Witter Bynner

Where the sun has entered the western hills,
I look for a monk in his little straw hut;
But only the fallen leaves are at home,
And I turn through chilling levels of cloud
I hear a stone gong in the dusk,
I lean full-weight on my slender staff
How within this world, within this grain of dust,
Can there be any room for the passions of men?

Phí Minh Tâm

Tâm Tình Về Hai Ngày Lễ Các Thánh Và Lễ Các Đẳng


Sau gần 3 năm vì Covid và lo săn sóc cháu ngoại tại nhà, vợ chồng chúng tôi bỏ quên thói quen đi nhà thời vào buổi sáng trong tuần. Nay nhân lễ Các Thánh và lễ Các Đẵng vào hai ngày 1 và 2, tháng 11, 2022, chúng tôi sắp đặt đến nhà thờ giáo xứ Saint Kilian trong một tinh thần đổi mới, kể từ ngày được Đức Cha Đặng Đức Ngân đặc biệt ban phép lành trong tháng 9 vừa qua.

Chúng tôi ngạc nhiên thấy nhà thờ chật đầy tín hữu. Bên cạnh những người cao niên trong tuổi hưu trí vẫn có một số khá đông trong lứa tuổi lao động. Ngay cả linh mục phó giáo xứ Phạm Tuấn dâng lễ cũng không chuẩn bị đủ bánh để trao Mình Thánh Chúa cho mọi người. Ca đoàn đầy đủ và hoàn hảo cất tiếng hát ngợi ca thánh lễ.

Chúng tôi được biết lễ Các Thánh bắt đầu được Giáo Hội công nhận vào thế kỷ thứ 9, làm trong ngày 1 tháng 11 hằng năm. Khi nói đến các Thánh, chúng ta nên biết họ không phải là những bà tiên, ông tiên như trong các truyện thần tiên, hay các thần linh của dân gian. Họ cũng không phải ưu tiên sinh ra vốn đã là Thánh – ngoại trừ các Thánh Anh Hài. Các vị Thánh là những con người như chúng ta, sinh ra bình thường, vẫn phạm tội nặng nhẹ như người bình thường. Ví dụ Thánh Phêrô 3 lần chối Chúa, Thánh Tôma không tin Chúa cho đến khi đút ngón tay mình xuyên qua lổ đinh trên bàn tay Chúa, Thánh Augustine, Thánh Paul the Apostle, nữ Thánh Mary of Egypt …đều là những người có tội lỗi, nhưng họ đã nhận được ơn kêu gọi từ Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ dảm nhận trách nhiệm thánh linh, sống đạo, vì đạo và chấp nhận chết cho Đức Tin của đạo. Họ cũng là những khôi nguyên của Hội Thánh rao truyền lòng yêu thương của Thiên Chúa qua những hành động vị tha, quên mình trong phục vụ tha nhân. Họ tận hiến đời sống của mình hòng mang ánh sáng tình thương, hy vọng, bình đẵng và bác ái đến cho những người cùng cực; Họ sống hãm mình, chia sẻ nỗi đau, chửa trị vết thương thể xác và tâm hồn cho người yếm thế. Qua cuộc sống hàng ngày và hành động vì tha nhân, Họ là chứng nhân hoàn hảo cho sự truyền giáo của Giáo Hội.

Chúa từng phán dạy “Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh”. Phải chăng lời phán dạy này làm chúng ta liên tưởng sự thánh thiện là một điều ưu tiên, một ân sủng dành cho một số người được tuyển chọn. Sự thật không phải vậy. Nên thánh không bắt buộc phải là một giám mục, linh mục hay tu sĩ. Việc trở nên thánh là do trách nhiệm của mỗi chúng ta trong mọi hành xử khi ở thế gian. Nhất là làm chứng trong mọi hành vi thánh thiện, sống đời sống thanh hiến trong tinh thần kitô hữu để vinh danh Chúa, chớ đừng nghĩ đến để kiêu ngạo và tự mãn cá nhân. Chớ coi thường các lỗi lầm đã phạm mà cần biết ăn năn hối lỗi.

Qua phúc âm, Chúa từng chỉ cho chúng ta những con đường nên thánh bằng tám cửa Phúc: “Phúc cho những ai nghèo khó, Phúc cho những ai đau khổ, Phúc cho những ai ăn ở hiền lành, Phúc những ai đói khát sự công chính, Phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, Phúc cho những ai có lòng trong sạch, Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, Phúc cho những ai bị bách hại vì khát khao làm người công chính”. Nhìn vào thì dễ hiểu và có vẻ dễ thực hiện, nhưng thực tế chắc hẵn khác rất nhiều.

Trong ngày lễ Các Thánh, xin Đức Mẹ Maria, Thánh Guise, các Thánh Tổ Tông, các Thánh Tiên Tri, các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử Đạo, các Thánh Mục Tử, các Thánh Hiển Tu, các Thánh Ẫn Tu, các Thánh Đồng Trinh, các Thánh Anh Hài… cầu cho chúng con.

Xong lễ, vợ chồng chúng tôi ra về trong lòng bình an.

***
Sáng hôm sau, vợ chồng chúng tôi lại đến nhà thờ Saint Kilian, dự lễ Các Đẳng. Hay còn gọi là lễ cầu nguyện cho các Linh Hồn, một ngày lễ cử hành trong ngày 2 tháng 11 mỗi năm, được Hội Thánh Công Giáo chính thức công nhận vào giữa thế kỷ thứ 11.

Từ nhỏ, tôi đã từng nhìn thấy những tấm hình Đức Chúa Trời dang bày tay xuyên qua đám mây kéo về phía mình những linh hồn đang sống trong cõi Luyện Tội, đưa các linh hồn này vào cuộc sống vĩnh cửu kề cận Thiên Chúa. Ngày nay, tôi vẫn có một lòng tin như thế. Vì ít ai đạt được một đời sống toàn hảo, mà đại đa số lúc chết đi không ít thì nhiều mang theo những vết tích tội lỗi; do đó, khi thân xác đã biến thành tro bụi, linh hồn cần phải có thời gian để thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa trong sự phán xét cuối cùng – y như một tội phạm trong thế gian này cần có thời gian ngắn hay dài để ăn năn trước khi được cho ra khỏi nhà tù. Vì vậy, những hiệp thông cầu nguyện của người sống tương đối có thể giúp rút ngắn thời gian thanh tẩy của linh hồn người chết, nhất là cầu nguyện cho linh hồn người thân yêu rỏ ràng là một hành động chứng tỏ tình thương không có chia cách giữa người sống và người chết. Cũng bởi vậy, trong Kinh Tin Kính có đoạn: Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội. Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự Sống Đời Sau.

Nếu đa số chúng ta tin có đời sống về sau – cháu ngoại chúng tôi rất thích phim truyện Coco - thì chắc phải nghĩ sự có mặt của linh hồn, hay hương hồn. Khi Măng tôi còn sống, bà thường kể nhiều lần cho gia đình nghe câu chuyện Măng tôi nhìn thấy Ba tôi, chết khi tôi mới khoảng 3 tháng trong bụng mẹ, tiến chầm chậm từ ngoài cửa đến bên cạnh chỗ tôi nằm cạnh mẹ tôi, cúi xuống hôn trán tôi và đưa tay vuốt đầu tôi ngay khi tôi mới được sinh ra, rồi nhìn Măng tôi với ánh mắt âu yếm nhưng buồn trước khi quay lưng bước rời khỏi phòng.

Nếu người kitô hữu tin có Luyện Ngục, họ đồng thời tin có Hỏa Ngục, hay Địa Ngục, và xem đây như biểu tượng mà trong đó ý niệm quan trọng bật nhất là một khi linh hồn sa vào Hỏa Ngục, hình phạt lớn nhất và duy nhất là linh hồn ấy mãi mãi sẽ không bao giờ được diện kiến Nhan Thánh Chúa.

Trong ngày Các Đẳng, qua sự hiệp thông cầu nguyện cho những người quá vãng và cho các linh hồn còn trong Luyện Tội, chúng ta nhớ đến linh hồn những người thân yêu mà Chúa đã gởi đến trong cuộc đời. Chúng ta cũng nhớ đến những linh hồn bị quên lãng không có ai nhớ đến để cầu nguyện cho.

Riêng tôi, tôi cầu nguyện cho linh hồn Ba Măng tôi, linh hồn Nhạc Gia tôi, linh hồn đại gia đình Nội Ngoại, linh hồn các chiến hữu các đồng đội chết trong chiến tranh, linh hồn những người dân chết trên đường di tản, trên đường vượt biên vượt biển, linh hồn các bạn hữu xa gần.

Tôi cũng cầu nguyện cho linh hồn Micae Nguyễn Thế Minh, Bọ đỡ đầu Thêm Sức cho tôi trước khi Bọ chịu chức linh mục. Cha Micae vừa được Chúa gọi về tháng 10, 2022, sau khi về hưu ở Pháp về sống tại Dòng Tên ở Thủ Đức, VN, chừng trên 12 năm qua. Ở tuổi 84, nhưng với 56 năm làm linh mục, trong đó có 53 năm với Dòng Tên, bị kẹt lại Roma sau 1975 vì đang học TS Thần Học, Ngài dấn thân phục vụ tín hữu Việt tại Hải Ngoại, thành lập và phục vụ Chương Trình Việt Ngữ - Radio Vatican, chủ biên Hợp Tuyển Thần Học, hướng dẫn Linh Thao cho giáo dân tại nhiều châu lục, ngay cả tại VN dưới dạng ‘giảng chui”. Cha từng đến thăm gia đình chúng tôi rất nhiều lần trong những lần hướng dẫn Linh Thao tại Hoa Kỳ. Giờ đây, con xin đọc một Kinh Lạy Cha cầu nguyện riêng cho linh hồn Micae được yên nghỉ ngàn thu trong vòng yêu thương của Thiên Chúa.

Tôi cũng cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn cụ ông Angelo, một cái tên do tôi đặt ra cho một cụ già trong lứa tuổi trên 80, thường xuyên gặp trong các buổi lễ Chủ Nhật, cả thập niên qua. Ông cụ rất tự lập, tự mình lái xe dù đi xiêu vẹo với nạng 4 chân. Mỗi khi tôi đẩy xe lăn cháu Bồ Câu gần đến chỗ ông cụ ngồi ở dãy ghế cuối trong nhà thờ, bao giờ cụ Angelo cũng chìa tay ra nắm lấy tay của Bồ Câu, lắc lắc bàn tay của cháu thật trìu mến, vừa chào hỏi cháu vài câu. Bồ Câu luôn tỏ vui mừng mỗi khi gặp ông cụ. Thế nhưng khoảng từ 3 tháng nay, chúng tôi không còn nhìn thấy ông cụ. Đi ngang qua dãy ghế ông cụ thường xuyên ngồi, tôi cảm thấy bùi ngùi, tự hỏi ông cụ quá yếu nên nằm trong Viện Dưỡng Lão hay đã qua đời!?

Và cuối cùng tôi không thể quên cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, bị thảm sát đúng vào ngày Các Đẳng này của năm 1963. Phải chăng đây là một trùng hợp ngẫu nhiên mang ít nhiều tính cách linh thiêng?!

Tháng 11, 2022.
Hiệu đính cuối tháng 10, 2023
Vĩnh Chánh

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Đường Chiều - Nhạc: Hồng Duyệt - Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng


Nhạc: Hồng Duyệt
Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng


Làn Hương

 

Chùm hoa anh hái ban mai
Trao em thầm nói.. Mỗi ngày nhớ thương
Ước gì gói được làn hương
Để khi hoa héo yêu thương chẳng tàn..

Thanh Chau


Sang Mùa

  

Bàng bạc sương thu tỏa mịt mờ
Không gian huyền ảo một trời thơ
Sông xa liễu rủ bờ hiu quạnh
Nước lặng thuyền trôi sóng hững hờ
Trời chớm sang mùa gây nỗi nhớ
Cảnh vừa đổi sắc gợi niềm mơ
Tháng ngày lần lữa bao hò hẹn
Nơi đó người xưa có đợi chờ

Ngân Sơn

 

Dấu Hương Xưa

 

Năm xưa em đến, bước chân êm
Lá vàng rụng trải lối đi quen
Mùa thu trong sáng như lòng, mắt
Không gợn mây buồn vương trái tim

Năm nay trời mới chớm thu sang
Sao nắng chưa phai chiều đã tàn?
Sao em hẹn đến rồi không đến?
Để lá đang xanh bỗng úa vàng!

Đâu biết đường đời lạc bước nhau
Em về phương ấy trắng mưa Ngâu
Anh đi, giá buốt chiều sương gió
Tình vỡ hôm nào nghe vẫn đau

Xa người ta hỏi người xa ấy
Kỷ niệm nào theo cuối chân mây?
Kỷ niệm nào trong tim em giữ
Để gió thời gian không thổi bay?

Còn có hôm nào em đến thăm
Trút buồn, trút nhớ, trút băn khoăn
Đôi ta đốt lửa tình yêu lại
Tìm dấu hương xưa, lòng sưởi lòng?

Trang Châu

Tuổi Học Trò Và Quê Hương

 

Vẫn còn nhớ quê hương trong ký ức
Lúc tuổi thơ vui hát khúc non xanh
Lối đi về trường lớp bước nhẹ nhàng
Rạng rỡ sáng mai, giục giã chiều tà
Tim rạo rực, vẫy vùng trong tư tưởng
Như chim vành khuyên tấu khúc líu lo
Như thuyền ra khơi viễn du muôn ngả
Tuổi thơ ấy với nhiệt thành hòa nhịp
Giờ đã xa để hồn buồn khắc khoải
Cửa khép rồi làm sao mở lần hai

Hồng Vân

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Hư Ảo Trăng -Thơ: Nguyên Sa - Nhạc:Phạm Anh Dũng - Ca Sĩ: Mai Hương


Thơ: Nguyên Sa
Nhạc:Phạm Anh Dũng
Ca Sĩ: Mai Hương

Lễ Halloween

 

Lễ Quỷ-Ma Halloween cuối tháng Mười
Dịp này, Già-Trẻ rất vui tươi.
Sân bày bia mộ cùng tơ nhện
Cửa máng bộ xương với sọ người.
Đứa mặc áo choàng làm chuột-chũi
Thằng mang mặt nạ đóng đười-ươi.
Tối cầm đèn "bí" đi xin kẹo
Tập tục Hoa-Kỳ thấy mắc cười!

Duy Anh
Orlando, Oct. 31st 2023

Ngày Lễ Ma Quỷ

 

Ánh trăng đầu ngọn cây

Màu xám quanh bóng mây

Đốm lửa đỏ ẩn hiện

Hồn ma quỷ nơi này.

 

Ngoài trời đầy ma trơi

Phù thủy vang tiếng cười

Cưỡi chổi dọa người sống

Đốm lửa như máu rơi.

 

Mèo đen gào rợn người

Bóng dơi bay đầy trời

Hãi hùng rên tiếng hú

Hồn ma về vui chơi.

 

Quả bí ngô há miệng

Đôi mắt đỏ đèn soi

Ánh đèn đêm nhấp nháy

Đêm ma quỷ loi choi.

 

Hãi hùng chợt lạnh run

Trẻ con chân bước chùn

Gõ cửa nhà xin kẹo

Hôm nay ngày Halloween.

 

Tế Luân

Happy Halloween 2023