Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

Trăng Mờ Bên Bờ Suối - Nhạc Lê Mộng Nguyên - Trình Bày Phạm Cao Tùng


Nhạc: Lê Mộng Nguyên 
Trình Bày: Phạm Cao Tùng

Phượng Vỹ!


(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nữ Sĩ Kim Oanh đã đăng các bài Hát Nói của Đức Hùng trên Tranh Nhà Thi Văn Đàn Long Hồ Vĩnh Long)

Hạ về rực sắc trên cao
Huỳnh Đàn Phượng Vỹ nôn nao đợi chờ
(Kim Phượng)

Anh đi để lại bài thơ!
Anh về lặng lẽ bơ vơ ngậm sầu!

Đỏ rực mầu Phượng Vỹ!
Mầu của Phù Thủy ma mị, tha thiết, biền biệt, sót sa!
Mầu của Tình Đầu Đơn Phương, không một lời ngỏ thốt ra!

Mầu của máu trong tim cho sắc hoa Ti Gôn ngàn đời không tiết lộ!

Phượng Vỹ vô tình mùa tái ngộ!
Tình si hết ý thủa chia tay!
Những ngày tháng âm thầm đợi bóng giai nhân hồi hộp mê say!
Nàng đã đến! Bóng Áo Dài trắng muốt như Liêu Trai mờ ảo!

Sao Nàng không như Thúy Kiều vượt qua lễ nghi khách sáo?
Nhưng thôi! Kim Trọng lỡ cuộc tình đầu! Áo não đau thương!

Phượng tô môi thắm ngôi vương!
Vỹ Cầm da diết trong sương đón chào
Nghe thì thầm những vì sao
Lấy nhau chẳng đặng lệ trào tràn thơ!
Đêm nằm ôm Phượng trong mơ!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 02/07/2023
Trời Sydney đang rất lạnh!


Đông Viễn Xứ

 

Thăm thẳm đường xa gió gọi
Cánh chim bay lạc lối về
Dẫu rằng hoàng hôn chưa tới
Mây trời đã rối u mê

Đôi bàn tay em giá lạnh
Đón mùa đông viễn xứ buồn
Nỗi sầu tha hương canh cánh
Trong đời thiếu một nụ hôn

Anh có khi nào thương nhớ
( Nhớ gì, đang ở cạnh em?)
Nhiều lần nghe em thổ lộ
Rằng em say đắm cuồng điên

Đường trường không còn xa nữa
Mặt trời rớt xuống chân mây
Cuộc tình chưa hề tan vỡ
Nhưng năm tháng cạn vơi ngày ...


Cao Mỵ Nhân

Cảm Ơn

 

Cảm ơn bạn đã cho tôi ngày Chúa nhật tuyệt vời
Ngồi bên bạn nhìn biển rộng bao la,trời xanh gió mát
Ban ơi
Nước biển trong xanh -tình ta trong sáng
Và bạn cùng tôi
Dạo chơi bãi biển
Những vỏ ốc vàng chính tay bạn nhặt
Bạn gom hết tặng tôi
Về nhà ,ban tăng tôi chiếc nón lưỡi trai có lá cờ Vàng
Những kỷ vật đó vẫn còn nguyên trên kệ sách
Và nó sẽ ở mãi bên tôi từ nay cho đến cuối cuộc đời
Cảm ơn bạn đã đưa tôi dạo phố
Tôi được nhìn lại những cây Phượng đỏ
Cho tôi nhớ lại tuổi học trò
"Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa Phượng"
Cảm ơn bạn đã cho tôi một tuần lễ tuyệt vời
Khi từ giã ,bạn đã tặng tôi nhiều tập thơ đã xuất bản của bạn
Thơ bạn thật là hay
Tôi gọi bạn là Nữ hoàng lục bát
Thế rồi
Không hiểu vì sao
Hai đứa giận nhau!!??
Thời gian qua mau
Hơn mười năm rồi bạn nhỉ?
Hãy quên đi những nỗi giận hờn bạn nhé

Hoàng Long

Quê Xưa

  

Đọc thơ tiền bối, Quên Đi thấy một dạng thơ Đường rất đặc biệt Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài của Lý Bạch. Quên Đi rất thích thú đã làm 1 bài thơ theo dạng này. Mời các anh chị cùng xướng họa chung vui.

Thân mến
Quên Đi

Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài

Phượng hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường an bất kiến sử nhân sầu

Lý Bạch
***
Bài Xướng:

Quê Xưa

Đây con đường đất mảnh vườn xưa
Ẩn hiện xa xa mấy rặng dừa
Quê nghèo mái lá đìu hiu vắng
Xóm nhỏ lều tranh rải rác thưa
Cây rơm chỗ đó đêm trăng giỡn
Bến nước nơi này nghịch nắng trưa
Cảnh cũ còn vương trong ký ức
Tình quê thắm thiết nói sao vừa.

Quên Đi
***
Các Bài Họa:

1/ Quê Xưa

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền,
Rau Răm, Rạch Chiết nối liền Miểu Ông...

Lộ đá trên vàm Ba Láng xưa,
Có cây me dáng lẫn bờ dừa .
Rạch Chiết lơ thơ chùa lá vắng,
Rau Răm lác đác bóng người thưa .
Trôi nổi lục bình theo nước lớn,
Bồng bềnh ba lá vớt bèo trưa.
Miểu Ông lẫn khuất hoàng hôn xuống,
Bát ngát hồn quê nhớ chẳng vừa!

2/ Quê Nay

Bờ - Kè Ba Láng hết như xưa,
Đường đúc khang trang vắng bóng dừa.
Rau Răm nhà máy người không vắng,
Rạch Chiết chùa xây khách chẳng thưa.
Bên vàm tấp nập dù chưa sáng,
Phía vịnh xôn xao mặc xế trưa.
Chợ nổi Cái Răng ồn sóng nước...
Miểu Ông khách viếng nói sao vừa!

Đỗ Chiêu Đức
07-02-2023
***
Đất Tổ

Dọc lộ Ông Bang vẫn lối xưa
Xa trông thẳng tắp những tàng dừa
Dăm nóc nhà tranh xơ xác vắng
Bờ đê lắm đoạn hắt hiu thưa
Khóm trúc trầm mình sương buổi sáng
Cây rơm hương ngạt nắng ban trưa
Lê Như vuông mộ đìu hiu gió
Hình bóng gia tiên chợt thoáng vừa

Kim Phượng
***
Tình Quê Hương

Đà Nẵng Hoà Vang Cẩm Lệ xưa…
Hội An Vĩnh Điện bến sông dừa
Khái Đông hang động Hành Sơn vắng
Non Nước chùa Thiêng khách khứa thưa
Bến Mía Sông Hàn mưa phố sớm
Bạch Đằng đô hội gió thu trưa
Bình Khuê Cẩm dại khờ còn bé
Nhớ mãi tình quê biết mấy vừa

Mai Xuân Thanh
San Francisco July 04, 2023
***
Trường Xưa

Trường làng tôi học thuở ngày xưa
Trước cổng chơ vơ mấy ngọn dừa
Hàng hiên mái ngói rêu phong cũ
Lớp bảng ghế bàn lỏng chỏng thưa
Dăm ba trẻ đến từ mờ sớm
Một ít thầy về tận xế trưa
Thương lắm làm sao quên được nhỉ?
Kỷ niệm ngây thơ nhớ chẳng vừa

songquang
20230704
***
Ký Ức Tìm Về...

Quê cũ tìm về nhớ chuyện xưa
Bao nhiêu kỷ niệm dưới hàng dừa
Vườn vắng tiêu điều trơ trụi gốc
Nhà hoang xơ xác mái lưa thưa
Bụi chuối ba trồng từ buổi sáng
Dây trầu má dựng lúc ban trưa
Thế rồi Người đã ra đi mãi
Ký ức buồn ôi giọt lệ vừa…

Kim Oanh

Một dạng thơ Đường rất đặc biệt. Xin mời Độc giả xem bài viết:

Tây Giang Nguyệt Kỳ 3 西江月其三 - Tô Thức (Bắc Tống)Từ


Tiểu sử của tác giả

Tô Thức 蘇軾 (1037-1101) tự Tử Chiêm 子瞻, Hoà Trọng 和仲, hiệu Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người đời thường gọi là Tô Đông Pha 蘇東坡, thuỵ Văn Trung 文忠, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú. Cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta gọi là Tam Tô. Thái độ của ông rất hào sảng lạc quan, tuy ông làm quan thăng giáng nhiều lần, song ông không để ý, vẫn ưu du tự tại, đọc sách làm vui, ông là người giàu tình cảm, cho nên phản ánh tới từ của ông, vừa hào phóng lại vừa tình tứ. Ông là người có tài nhất trong số bát đại gia của Trung Hoa (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, gồm có Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân (cha Tô Thức), Tô Thức, Tô Triệt (em Tô Thức), Vương An Thạch và Tăng Củng), khoáng đạt nhất, tư tưởng và tính tình cũng phức tạp nhất.

Ông sinh năm 1036 (có sách nói là 1037), mất năm 1101. Hồi 10 tuổi, cha là Tô Tuân đi du học bốn phương; mẹ, họ Trình, dạy ông học. Khi nghe giảng về truyện Phạm Bàng (danh tướng đời Đông Hán, có công dẹp rợ Khương), ông khái nhiên hỏi mẹ: “Con sau này được như Phạm Bàng, mẹ có chịu không?” Bà mẹ đáp: “Con mà được như Phạm Bàng thì mẹ sao lại không làm được như mẹ Bàng?”

Mới mười lăm mười sáu tuổi ông đã thông kinh sử, rất thích đọc sách của Giả Nghị và Lục Chí). Như vậy ta thấy ông rất trọng đạo Nho và có chí giúp nước. Nhưng khi đọc sách Trang Tử, ông lại bảo: “Trước kia tôi có ý kiến, nhưng chưa diễn ra được; nay đọc sách này, hợp ý tôi quá”. Tính tình ông phức tạp, mâu thuẫn ở điểm đó; suốt đời ông chịu ảnh hưởng cả Nho, lẫn Lão và Phật nữa, nhờ vậy mà tâm hồn ông khoáng đạt, tuy trong hoạn đồ chìm nổi nhiều phen mà không có giọng ai oán như Giả Nghị, Liễu Tông Nguyên, vẫn mỉa mai ngạo đời được. Cũng nhờ vậy mà văn ông siêu thoát, có nhiều vẻ hơn các nhà khác.

Năm 21 tuổi ông đậu tiến sĩ, nhờ bài Hình thưởng trung hậu chi chí luận (bài này Âu Dương Tu rất thưởng thức, ngờ là của Tăng Củng làm nên không lấy ông khôi nguyên mà hạ xuống á nguyên). Ông lãnh chức Chủ bạ Phúc Xương rồi làm quan luôn ba chục năm, nhưng chìm nổi bất thường, một phần vì ông có giọng mỉa mai, hay làm thơ châm biếm về chính trị, nên ít người ưa; một phần vì ông đứng vào phe cựu đảng của Tư Mã Quang, nên khi tân đảng của Vương An Thạch lên cầm quyền thì ông bị biếm ra những châu quận ở ngoài.

Ông làm Thông phán ở Hàng Châu, rồi chuyển qua Mật Châu, Từ Châu, Hồ Châu, có hồi vì chê bai tân pháp mà bị giam vào ngục, rồi biếm đi Hoàng Châu, làm chức Đoàn luyện phó sứ. Ở Hoàng Châu, ông cùng các ông lão nhà quê ngao du sơn thuỷ, cất nhà ở một sườn núi phía đông (đông pha), rồi lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ (do đó người đời sau gọi ông là Tô Đông Pha).

Năm 1085, vua Triết Tông lên ngôi, Thái hoàng thái hậu đương chính, bỏ chính sách của Vương An Thạch, dùng cựu đảng, ông được gọi về kinh, nhận chức Trung thư xá nhân, rồi chức Hàn lâm học sĩ kiêm Thị độc học sĩ, nhưng không được lâu, rồi lại bị đổi ra Hàng Châu, Dĩnh Châu, Định Châu cũng vì tính hay châm biếm.

Năm 1093, vua Triết Tông mới thực cầm quyền, lại dùng tân đảng, và hoạn đồ của ông càng trắc trở, bị biếm hai ba lần, có lần tới Quỳnh Châu (nay là đảo Hải Nam). Sống tịch mịch, già cả mà vất vả, phải cất lấy nhà mà ở, thuốc thang không có, đành viết sách để tiêu khiến. Năm 1100, vua Huy Tông lên ngôi, ông được đại xá, về lục địa, năm sau mất ở Thường Châu.

Ông ở trong phái thủ cựu, không ưa những cải cách mạnh bạo của Vương An Thạch, khi luận về chính trị thường giữ đạo trung hoà, không cầu gấp thành công, cứ bình tĩnh đợi sự tình biến đổi mà đối phó. Ông viết những bài Tần Thuỷ Hoàng luận, Thương Ưởng luận, mượn cổ mà chê kim, có ý so sánh chính sách của Vương An Thạch với chính sách của Tần Thuỷ Hoàng, của Thương Ưởng, bảo chính sách đó dùng ít thì hại ít, càng dùng nhiều càng hại nhiều.

Tuy nhiên ông không phải là cổ hủ, rất lo đến kinh tế, võ bị, lập một kế hoạch di dân, đề nghị nuôi binh ở trong dân (thời bình thì là nông dân, nhưng luyện tập quân sự để thời loạn thì thành lính), ông lại thực hiện được công việc khơi sông ở Từ Châu, công việc đắp đê ở Hàng Châu, làm lợi cho nông dân rất nhiều. Đê đó mang tên ông (Tô đê), trồng đào liễu ở hai bên, rất ngoạn mục.

Ông sáng tác được 4000 bài thơ, 300 bài từ, tản văn rất nhiều bài hay (như Phóng Hạc đình ký, Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, v.v...). Tác phẩm ông lưu lại có bộ Đông Pha văn tập 60 quyển, bộ Đông Pha thi tập 25 quyển, bộ Đông Pha từ 1 quyển, bộ Cửu Trì bút ký 2 quyển, bộ Đông Pha chí lâm 5 quyển. Ngoài ra, vâng lời dặn dò của cha lúc lâm chung, ông viết tiếp cuốn Dịch truyện mà cha bỏ dở, rồi viết thêm những cuốn: Luận ngữ thuyết, Thư truyện để truyền bá đạo Khổng. Văn nhân đương thời rất trọng ông, và coi ông là người nối gót Âu Dương Tu trên văn đàn.

Ông vì chịu ảnh hưởng của Lão, Trang, nên văn ông như hành vân lưu thuỷ, hùng vĩ mà khoáng đạt, không chịu một sự trói buộc nào cả (như bài Siêu nhiên đình ký, Phóng Hạc đình kí và nhất là bài Tiền Xích Bích phú).

Chẳng những văn ông hay, thơ ông tuyệt mà vẽ cũng khéo, viết chữ cũng tài, ông lại thông cả âm nhạc nữa. Thực là một thiên tài trác việt. Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Hoa hiện nay, rất trọng ông, cho rằng văn ông càng về già càng bình dị, sâu sắc, viết một cuốn kể đời ông, tức cuốn The gay genius - Life and times of Su Tungpo.

Nguyên tác Dịch âm

西江月其三 Tây Giang Nguyệt Kỳ 3  

照野彌彌淺浪 Chiếu dã my my thiển lãng,
橫空隱隱層霄 Hoành không ẩn ẩn tằng tiêu.
障泥未解玉驄驕 Chướng nê vị giải ngọc thông kiêu,
我欲醉眠芳草 Ngã dục tuý miên phương thảo.

可惜一溪風月 Khả tích nhất khê phong nguyệt,
莫教踏碎璚瑤 Mạc giao đạp toái quỳnh dao.
解鞍欹枕綠楊橋 Giải yên y chẩm lục dương kiều,
杜宇一聲春曉 Đỗ vũ nhất thanh xuân hiểu.
 Tô Thức 

Chú giải

照野 chiếu dã: chiếu đồng nội.
彌彌 my my: khắp nơi.
驄驕 thông kiêu: ngựa tốt có lông trắng pha xám.
障泥 chướng nê: Cái chắn bùn ở dưới bụng ngựa. Câu này ý nói sắp phải lội qua dòng suối (vì thế sẽ phải cởi cái chắn bùn ra).
璚瑤 quỳnh giao: Ngọc quỳnh dao, ở đây ẩn dụ cho ánh trăng.
西江月其三 蘇軾

Dịch nghĩa

Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Trăng chiếu khắp nơi trên đồng cỏ (trong gió) trông như từng lớp sóng ngắn,
Ngang trời thấp thoáng những tầng mây (vì có gió nhẹ).
Cái chắn bùn buộc dưới bụng ngựa ngọc vẫn chưa cởi,
Cỏ thơm khiến ta say muốn ngủ một giấc.

Đẹp thay một dòng suối đầy gió trăng (suối phong nguyệt),
Chớ để cho ai đạp vỡ ngọc quỳnh dao (chớ cho ai lội xuống suối khuấy động ánh trăng).
Cởi yên ngựa làm gối ngủ ở trên cầu có cây dương liễu,
(sẽ đánh một giấc cho tới khi có) Một tiếng cuốc kêu buổi sớm xuân.

Bài này làm trong thời gian Tô Đông Pha bị biếm trích đi Hoàng Châu. Một đêm xuân cưỡi ngựa bên sông Kỳ Thuỷ 蕲水, gặp quán rượu uống say, theo trăng tới một cây cầu nhỏ, cởi yên ngựa làm gối nằm nghỉ, ngắm cảnh cho đến sáng khi con cuốc đánh thức dậy.

Dịch từ

Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Trăng chiếu cỏ hoang tợ óng,
Ngang trời thấp thoáng từng mây.
Chắn bùn chưa cởi ngựa đêm nay,
Ta muốn ngủ say vì mùi cỏ.

Đẹp thay con suối trăng gió,
Xin đừng đạp ngọc quỳnh dao.
Cởi yên làm gối ngủ trên cầu,
Một tiếng cuốc kêu xuân sớm.

Lời bàn:

Đúng là phong thái của một thi sĩ lãng du bất đắc trí (khi bị biếm đi Hoàng Châu); thèm rượu thì cứ uống cho say; buồn ngủ thì cứ ngủ (ngay cả trên cầu). Nhưng thấy cảnh thiên nhiên quá đẹp (suối đầy trăng gió) thì trân quý, không muốn ai lội xuống nước làm vỡ cảnh gió trăng này. Từ của Tô Đông Pha đẹp tuyệt vời!

Nhưng đọc lại câu 3, Con Cò tự hỏi tại sao họ Tô lại nói tới cái chắn bùn buộc dưới bụng ngựa (một chi tiết rẻ tiền và rất khó diễn đạt với 7 chữ) trong bài thơ tao nhã này?

Tìm được câu trả lời rồi: Bởi vì cái chắn bùn tiềm ẩn nhiều ý lắm. Con sông này nhỏ. Chiếc cầu cũng nhỏ (người đi được nhưng ngựa thì không; nên phải cột ngựa ở đầu cầu có cây dương liễu; ngày mai mới dắt nó lội qua sông. Vậy thì cứ ngủ ở trên cầu một giấc cho thoải mái rồi sáng mai hãy cởi cái chắn bùn ra để sang sông). Còn nữa, Tô nói rằng ngủ tới khi tiếng cuốc kêu buổi sáng đánh thức dậy nhưng kỳ thực Tô ngắm cảnh suốt đêm (để canh chừng không cho ai lội suối làm bể ngọc quỳnh).

Con Cò
***
Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Chiếu khắp đồng hoang sóng ngắn,
Ngang trời ẩn hiện mây bay,
Chắn bùn chưa tháo ngọc câu oai,
Muốn ngủ khướt say trên cỏ.
Đẹp quá suối đầy trăng gió,
Chớ cho khuấy vỡ ánh châu,
Tháo yên nằm gối liễu xanh cầu,
Chỉ có cuốc kêu xuân sớm.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
July 19/2022.

Góp ý của Bát Sách:

Đây là một bài từ có nhiều chữ khó, và quá súc tích, vì chữ ít mà ý nhiều nên BS đọc mấy lần mới hiểu ý tác giả, và cũng nhờ vào giải thích của ÔC nên sáng thêm một chút nữa.

- Chiếu: là chiếu sáng, nhưng vật gì chiếu sáng? Đọc toàn bài mới hiểu là trăng.
- Dã: là đồng nội, bãi hoang, quê mùa, hay những gì ở bên ngoài thành.
- My là nước đầy, ngập, tràn, đầy tràn.
- Ẩn: là kín, giấu, nấp, trốn.
- Tiêu: chữ khó, có nghĩa là khoảng trời trống, mây, sương mù, mưa bay.
- Chướng: có rất nhiều nghĩa như che, chắn, ngăn, cản, lấp, bảo vệ.

Chướng nê trong bài này là cái chắn bùn. Nhưng BS chưa biết nó gắn ra sao ở con ngựa, nhờ anh Tâm, anh Giám tìm hộ.

- Thông: là ngựa trắng xám.
- Kiêu: là kiêu căng, cao lớn, mạnh mẽ.

Ngọc thông kiêu chỉ con ngựa tốt, cao lớn, khỏe mạnh, chẳng hiểu có đúng không?

- Tích: là tiếc nuối, yêu quý, tham lam.
- Mạc: không phải, đừng, chớ nên.
- Đạp: là đạp, giẫm lên, đi tại chỗ.
- Toái: là đập vụn, làm vỡ nát, nhỏ mọn. Ở bài này là làm vỡ.
- Yên là yên ngựa.
- Y: là dài, xanh tốt, dựa, tựa vào.

Bài này đại khái kể chuyện tác giả cưỡi con tuấn mã, một mình nhẩn nha dạo nơi đồng hoang : ánh trăng chiếu vằng vặc khắp nơi, cỏ dại mọc cao, khi gió thổi, đám cỏ nhấp nhô như sóng nhẹ. Trên không, trăng sáng, có những từng mây ẩn hiện, lấp ló vắt ngang… Tác giả chưa tháo tấm chắn bùn ở bụng ngựa, vì ông thấy mùi cỏ thơm, muốn say mà ngủ. Hai chữ tuý miên này làm BS thắc mắc. Cả bài từ không có chỗ nào nói tới rượu thì tự nhiên sao lại say rượu được? Mà Tô đâu có say! Trước cảnh trăng thanh gió mát, bóng trăng in trên mặt nước như một viên ngọc quỳnh giao, ông còn tự khuyên mình không nên cho ngựa bước xuống khe suối mà làm vỡ viên ngọc ấy. Ông cởi yên ngựa làm gối, ngủ ở trên cầu có cây dương màu xanh, cho tới sáng sớm, khi nghe cuốc kêu mới tỉnh dậy.

Đọc bài của ÔC, thấy viết” ngắm cảnh cho đến sáng, khi con cuốc đánh thức dậy “. Nếu ngắm cảnh cho đến sáng thì đâu cần con cuốc đánh thức. BS nói cho vui thôi, không phải đá giò lái, để ÔC muốn sửa thì sửa.

Tây Giang Nguyệt Kỳ Ba

Trăng chiếu đồng hoang gợn sóng,
Ngang trời lấp ló từng mây,
Chưa cởi chắn bùn ngựa tốt ngay,
Muốn say cỏ thơm, ta ngủ.

Đáng tiếc một khe trăng gió,
Chớ nên đạp vỡ quỳnh giao,
Tháo yên làm gối ngủ cầu dương,
Sáng sớm cuốc kêu tỉnh giấc.

Bát Sách.
(Ngày 20 tháng 07 năm 2022) *
*Hôm nay là ngày chia đôi đất nước, 68 năm về trước.

***
Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Đồng lóa dập dờn sóng cạn
Lưng trời thấp thoáng mây cao
Chắn bùn chưa tháo khỏi ngựa câu
Ta muốn ngủ say ngát cỏ

Thích thay gió trăng một suối
Chẳng để đạp vỡ quỳnh dao
Tháo yên làm gối, liễu dương cầu
Xuân sớm cuốc kêu một tiếng!

Đồng ánh chiếu dập dờn sóng nhỏ
Mây lưng trời lấp ló tầng cao
Chắn bùn chưa tháo ngựa câu
Cỏ thơm ta muốn ngọt ngào ngủ say

Suối gió trăng đẹp thay muôn vẻ
Ngọc quỳnh dao đừng để vỡ tan
Yên làm gối, liễu dương màn
Sớm xuân một tiếng cuốc khan bên cầu!

Lộc Bắc
***
Màn Trời Chiếu Đất

Nhấp nhô tựa sóng, cỏ tranh,
Ánh trăng chiếu rọi, đồng xanh ngút ngàn.
Bầu trời thấp thoáng phù vân,
Chắn bùn - tuấn mã còn mang nặng nề.
Mùi hương thảo mộc đê mê,
Khiến ta thèm ngủ - chân tê mỏi chồn!
Gió trăng đùa bỡn nơi cồn,
Đẹp thay dòng suối - thả hồn ngất ngây.
Chớ ai lội nước cuồng say,
Kẻo không vỡ nguyệt - ngọc này quỳnh dao.
Cởi yên, đầu gối tựa cao,
Bên cầu, dương liễu lao xao khôn dừng.
Thiu thiu giấc điệp mông lung,
Cuốc kêu xuân thắm - đón vừng đông lên...

Khánh-Hưng
***
Tây Giang Nguyệt西江月: nguyên là tên một ca khúc của Đường giáo phường, sau lấy làm tên cho một điệu từ. Điệu từ này có 50 chữ chia làm 2 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu 6 chữ - trừ câu 3 có 7 chữ, có 2 bình vận (vần bằng) và 1 diệp vận (chữ cuối của đoạn trên và đoạn dưới là diệp vận thanh trắc).
 

Ghi chú:

Di di: trông như làn sóng nước động
Tằng tiêu: những đám mây mỏng tràn ngập bầu trời
Chướng nê: một tấm vải hoặc gấm lót dưới yên ngựa, kéo dài đến hai bên bụng ngựa để che bụi bặm.
Ngọc thông kiêu: tuấn mã tráng kiện, ngựa tốt mạnh mẽ
Khả tích: thương tiếc
Quỳnh dao: ngọc quỳnh dao, ẩn dụ ánh trăng trong suối
Đỗ vũ: chim đỗ quyên

Dịch nghĩa:

Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Chiếu dã di di thiển lãng
Trăng chiếu khắp nơi trên đồng cỏ trông như từng lớp sóng ngắn,
Hoành không ẩn ẩn tằng tiêu
Trên bầu trời ẩn hiện mấy tầng mây.
Chướng nê vị giải ngọc thông kiêu
Chắn bụi bên hông ngựa quý vẫn chưa cởi,
Ngã dục túy miên phương thảo
Ta muốn ngủ say một giấc giữa cỏ thơm.

Khả tích nhất khê phong nguyệt
Đáng thương một dòng suối đầy gíó trăng,
Mạc giao đạp toái quỳnh dao
Không để con ngựa đạp vỡ ngọc quỳnh dao (chớ cho nó lội xuống suối khuấy động ánh trăng).
Giải yên y chẩm Lục Dương kiều
Cởi yên ngựa làm gối ngủ bên cầu Lục Dương,

Đỗ vũ nhất thanh xuân hiểu

Say giấc cho đến khi nghe tiếng đỗ quyên báo buổi sáng sớm mùa xuân.

Điền từ:

Vì không hát được bài dịch, nên chỉ điền từ một cách máy móc cho có nghĩa và nhất là đúng thanh và vần theo từ phổ.


Điệu Từ Tây Giang Nguyệt:

Theo trang 詞牌 西江月 (sou-yun.cn), có 1314 bài từ theo điệu Tây Giang Nguyệt. Riêng Tô Thức, từ năm 1079 đến 1097, đã làm 15 bài Tây Giang Nguyệt, mỗi bài có một tựa khác nhau để phân biệt. Tựa Tây Giang Nguyệt Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3… (không theo thứ tự thời gian) chỉ thấy ở Việt Nam mà không thấy trên trang web chữ Hán nào. Bên dưới là thông tin thêm của trang Sưu Vân về 3 bài Tây Giang Nguyệt của Tô Thức do Thi Viện đăng.

Tây giang nguyệt kỳ 1 - 西江月其一 (Tô Thức - 蘇軾)
詩詞 蘇軾 西江月 黃州中秋 (sou-yun.cn)

Tựa: 西江月 黃州中秋 Tây Giang Nguyệt Hoàng Châu Trung Thu

Làm tại: Tỉnh Hải Nam… (năm 1097) 海南省海南省直辖县级行政区划儋州市 Hải Nam Tỉnh Hải Nam Tỉnh Trực Hạt Huyện Cấp Hành Chánh Khu Hoa Đam Châu Thị.

Tây giang nguyệt kỳ 2 - Trùng cửu - 西江月其二-重九 …
詩詞 蘇軾 西江月 重陽棲霞樓作 (sou-yun.cn)

Tựa: 西江月重陽棲霞樓作Tây Giang Nguyệt Trùng Dương Thê Hà Lâu Tác
Làm tại: Lầu Thê Hà, Hoàng Cương, Hồ Bắc (năm 1083)湖北省黄冈市栖霞楼Hồ Bắc Tỉnh Hoàng Cương Thị Thê Hà Lâu.
Tây giang nguyệt kỳ 3 - 西江月其三 (Tô Thức - 蘇軾)
詩詞 蘇軾 西江月 春夜行蘄水山中。過酒家飲。酒醉,乘月至一溪橋上,解鞍曲肱。醉臥少休。及覺已曉。亂山攢擁,流水鏘然,疑非塵世也。書此詞橋柱上 (sou-yun.cn)

Tựa:
西江月 春夜行蘄水山中。過酒家飲。酒醉,乘月至一溪橋上,解鞍曲肱。醉臥少休。及覺已曉。亂山攢擁,流水鏘然,疑非塵世也。書此詞橋柱上 Tây Giang Nguyệt Xuân Dạ Hành Kỳ Thủy Sơn Trung, Quá Tửu Gia Ẩm. Tửu Túy, Thừa Nguyệt Chí Nhất Khê Kiều Thượng, Giải Yên Khúc Quăng. Túy Ngọa Thiểu Hưu. Cập Giác Dĩ Hiểu. Loạn San Toàn Ủn, Lưu Thủy Thương Nhiên, Nghi Phi Trần Thế Dã. Thư Thử Từ Kiều Trụ Thượng .

Làm tại: Huyện Hy Thủy, Hoàng Cương, Hồ Bắc (năm 1082) 湖北省黄冈市浠水县Hồ Bắc Tỉnh Hoàng Cương Thị Hy Thủy Huyện.

Họa đồ Google bên dưới cho thấy vị trí của Hoàng Châu, sông Kỳ và sông Hy ngày nay, cả hai sông đổ vào sông Dương Tử phía nam Hoàng Cương.

Câu: Bài này làm trong thời gian Tô Đông Pha bị biếm trích đi Hoàng Châu. Một đêm xuân cưỡi ngựa bên sông Kỳ Thủy 蕲水, gặp quán rượu uống say, theo trăng tới một cây cầu nhỏ, cởi yên ngựa làm gối nằm nghỉ, ngắm cảnh cho đến sáng. trong Bài thơ: Tây giang nguyệt kỳ 3 - 西江月其三 (Tô Thức - 蘇軾) (thivien.net) là dựa vào tựa bài trong sách của Tô Thức, nhưng không có cho nguồn tài liệu cũng như không ghi chú rõ ràng.

Xin xem mộc bản trong các sách in với tựa bài tử và ghi chú:

Tống - Tô Thức Tống - Hoàng Thăng Thanh - Huyền Diệp

Đông Pha Từ - Tống - Tô Thức 東坡詞-宋-蘇軾

又(春夜行蘄水中過酒家飲酒醉乘月至一溪橋上解鞍曲肱少休及覺已曉亂山蔥茏不謂人世也書此詞於橋柱上 )

Hựu (Xuân dạ hành Kỳ Thủy trung quá tửu gia ẩm tửu túy thừa nguyệt chí Nhất Khê kiều thượng giải yên khúc quăng thiểu hưu cập giác dĩ hiểu loạn sơn thông lung bất vị nhân thế dã thư thử từ vu kiều trụ thượng)

Tạm dịch:

Lại (Đêm Xuân đi dọc sông Kỳ Thủy, ghé quán rượu, uống say, theo trăng đến cầu Nhất Khê, cởi yên ngựa, khoanh tay, nghỉ ngơi một lúc, cảm nhận những ngọn núi xanh um hỗn độn trong ánh bình minh, nghi ngờ không phải nhân thế, vậy viết bài từ này trên cột cầu)

Hoa Am Từ Tuyển - Tống - Hoàng Thăng 花菴詞選-宋-黃昇

西江月(公自序雲春夜行蘄水中過酒家飲酒/醉乘月至一溪橋上解鞍曲肱少休及覺已曉亂山蔥茏不謂人世也書此語橋柱上)

Tây giang nguyệt (công tự tự vân xuân dạ hành kỳ thủy trung quá tửu gia ẩm tửu túy thừa nguyệt chí nhất khê kiều thượng giải yên khúc quăng thiểu hưu cập giác dĩ hiểu loạn sơn thông lung bất vị nhân thế dã thư thử ngữ kiều trụ thượng)

Ngự Tuyển Lịch Đại Thi Dư - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選歷代詩餘-清-聖祖玄燁
前調(月夜蘄水橋上) 蘇軾

Tiền điều (nguyệt dạ kỳ thủy kiều thượng) Tô Thức
Giai điệu phía trước (trên cầu Kỳ Thủy vào đêm trăng) Tô Thức

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:


Bài này làm trong thời gian Tô Đông Pha bị biếm trích đi Hoàng Châu. Một đêm xuân cưỡi ngựa bên sông Kỳ Thuỷ 蕲水,...

Đề nghi Con Cò xét lại các dữ kiện này; nếu Tô Thức đang ở bên sông Kỳ Thủy thì tại sao tựa đề lại có Tây Giang? Hoàng Châu (黄州) là một địa danh ở Hồ Bắc và Kỳ Thủy một con sông trong vùng đó. Tô Thức bị đi đày lần đầu (1080-86) đến Hoàng Châu thật và lấy biệt danh Đông Pha từ đó nhưng tựa đề bài thơ chỉ Tây Giang (西江) và Tây Giang là phụ lưu chính của Châu giang (珠江) trong tỉnh Quảng Đông.

Tây Giang là Xi trong bản đồ trên, và là hợp lưu của Quế Giang 桂江/Gui) và Tầm Giang (浔江/Xun). Tô Thức bị đi đày lần thứ nhì (1094-1100) xuống Huệ Châu (惠州), rồi Đam Châu (儋州, đảo Hải Nam). Ta có thể thấy Huệ Châu trên bản đồ (Huizhou, trên Hương Cảng), trên tả ngạn Đông Giang (東江/Dong). Địa điểm này gần Tây Giang hơn là Hoàng Châu, và ở đó sáu năm chắc chắn thi nhân/họa sĩ họ Tô đã đi du ngoạn khắp vùng.

Bài từ kỳ nhị có hai câu: 涼南浦當年戲馬會東徐, 今日淒涼南浦 Đương niên Hí Mã hội Đông Từ, Kim nhật thê lương Nam Phố kể chuyện năm xưa họ Tô đi chơi hội Hí Mã ở Từ Châu nhưng năm nay làm người cô đơn ở Nam Phố. Các trang chữ Hán, và Việt vin vào địa danh Hí Mã đài và Từ Châu để nói rằng Tô Thức đang ở Hà Bắc nhưng nếu ta đi tìm địa danh Nam Phố thì sẽ ... chưng hửng vì nó không có thật (hoặc chỉ có thật ở Đại Hàn)! Nam phố chỉ là một từ kép dùng trong các bài từ để nói đến sự chia ly, xa cách. Trích từ 南浦 (词牌名) Nam phố (từ bài danh)

南浦原指南面的水边, 后常用来称指送别之地 Nam phổ nguyên chỉ Nam diện đích thủy biên, hậu thường dụng lai xưng chỉ tống biệt chi địa. Nguyên thủy Nam phố chỉ bờ Nam của sông, sau này thường dùng để chỉ nơi tống biệt.

Nơi tống biệt ngày nay không nhất quyết phải là nơi giao hoan ngày xưa; và thế có nghĩa rằng các bài từ Tây Giang chưa hẳn đã được sáng tác ở Hoàng Châu.

Huỳnh Kim Giám
***
Bài Cảm Đề:

Trăng tròn soi bóng giòng sông
Soi cả thôn nữ chỗ nông đầm mình
Nhấp nhô sóng vuốt thân hình
Nõn nà trắng muốt mặt xinh tuyệt vời
Ta cũng muốn, bơi tới người
Chỉn e nàng thẹn chẳng cười với ta
Bỏ đi tóc che thân ngà
Thôi thì ôm gối tà tà mơ tiên

Đồ Cóc

Biệt Đội Trưởng Tình Báo Thiên Nga: Nữ Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy

Nhóm cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân vinh danh bạn đồng môn, Biệt đội trưởng tình báo Thiên Nga: nữ Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy

 

Trúc Giang MN thân tặng quý độc giả Quán Văn

1*. Mở bài

Chị Nguyễn Thanh Thủy thân mến,

Chúng tôi là hội viên của Hội Cựu Học Sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân Mỹ Tho. Lưu lạc khắp nơi, chúng tôi tìm về với nhau, liên lạc nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm về trường, lớp, về bạn đồng môn và về những thầy cô giáo trên tinh thần “Tôn sư trọng đạo”.

Đa số trong chúng tôi là học trò của người thầy kính yêu, thầy Nguyễn Ngọc Phái, ở trường tiểu học nhà lá Cầu Bắc. Thầy là thân phụ của chị. Anh Nguyễn Tấn Phát, cựu Phó Tỉnh Trưởng Vĩnh Bình, hiện định cư tại Toronto, Canada, có gởi cho anh Lý Ngọc Cương (Úc) và phổ biến trong chúng tôi bài viết của tác giả Như Ngã nói về chị Nguyễn Thanh Thủy, cựu Thiếu tá Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga.

Qua nội dung bài viết, chúng tôi rất tự hào về người đồng môn Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân nầy, người đồng hương Mỹ Tho, đó là chị Nguyễn Thanh Thủy, ái nữ của người thầy kính yêu là Nguyễn Ngọc Phái. Đồng thời chúng tôi cũng ngậm nguồi thương cảm cho cảnh tù đày của chị trong suốt 13 năm tù Cộng Sản.

Chúng tôi cũng đồng cảnh ngộ như chị, nước mất nhà tan, cũng bị tù Cộng Sản, cho nên thấu hiểu những nổi khổ đau, nhất là về người phụ nữ đã từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ tự do cho đồng bào miền Nam. Việt Nam Cộng Hòa.

Trúc Giang sưu tầm tài liệu về tổ chức, công tác, vai trò của người Biệt Đội Trưởng Thiên Nga, phổ biến trong Hội Cựu Học Sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân để tự hào và vinh danh người đồng môn, đồng hương Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân Mỹ Tho.

2*. Nhóm cựu học sinh Nguyễn đình Chiểu-Lê Ngọc Hân Mỹ Tho

Sau ngày mất nước, cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân (NĐC-LNH) lưu lạc khắp nơi.

Riêng chúng tôi liên lạc được với nhau, gắn bó nhau là do chúng tôi cùng học một lớp ở trung học, cùng là sinh viên của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, cùng khóa ở Võ Bị Quốc Gia (Đà Lạt)

Anh Nguyễn Tấn Phát, cựu Phó Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, khóa 11 Đốc sự của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, hiện định cư ở Toronto, Canada. Anh Bùi Văn Tâm, định cư ở Canada, giáo sư Đại học ở Kingston. Anh Lý Ngọc Cương (Australia) và Lê Trình California, USA, cùng tốt nghiệp QGHC khóa 14. Anh Nguyễn Ngọc Thạch khóa 20 Võ Bị Quốc Gia.

3*. Bức thơ của anh Nguyễn Tấn Phát gởi cho Lý Ngọc Cương

Hi Cương và các bạn,

Chị Thanh Thủy cũng là một vị nữ lưu kiệt xuất của xứ Mỹ Tho địa linh nhân kiệt mà tôi cũng thấy hãnh diện lây.

Ngày xưa, với tài tổ chức móc nối tình báo trong suốt thời gian làm Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga, chị đã ngăn chặn kịp thời những âm mưu khủng bố phá hoại lớn lao của bọn đặc công nội thành.

Chị là ái nữ của Thầy Nguyễn Ngọc Phái sau là Thanh Tra, nhà ở đường Ông Bà Nguyễn Trung Long xéo trường Nữ Tiểu Học. Chồng chị là Đại Úy Lê Thành Long, trưởng ban nghi lễ trường Võ Bị Đà Lạt, không biết anh Ngọc Thạch có biết không?

Vào giữa thập niên 2000, tôi thường tham dự họp mặt NĐC-LNH Nam Cali và có vinh hạnh gặp chị vài lần. Lúc đó chị còn khỏe và rất là “thân tình Mỹ Tho. Chị Nguyễn Thanh Thủy là Thiếu Tá Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Tình Báo Thiên Nga, nổi tiếng là tài ba bất khuất, anh hùng lúc đương nhiệm cũng như trong trại tù cải tạo.”

Sau cùng xin chúc nhóm Mỹ Tho chúng ta và gia đình luôn nhiều sức khỏe an bình.

Thân ái.

Nguyễn Tấn Phát

Lý Ngọc Cương phát biểu: “Thuỷ Thiên Nga” là một Vị Nữ Lưu đáng kính phục, rất xứng đáng là Hậu Duệ của Bà Triệu, Bà Trưng, Bà Bùi Thị Xuân và những Anh Thư Liệt Nữ khác của MẸ VIỆT NAM.

Lnc. (Lý Ngọc Cương)

4*. Những yêu cầu khắc khe của người làm tình báo

4.1. Không nói thật. Không bạn bè. Không chia xẻ tâm sự

Người làm tình báo phải tuân thủ những điều kiện khắc khe của nghiệp vụ. Đó là “Không nói thật. Không bạn bè. Không chia xẻ tâm sự”.

Chị Thanh Thủy kể lại: “Không một ai trong gia đình tôi, kể cả chồng tôi, biết Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy là một Thiên Nga, một Thiên Nga chỉ huy những nữ tình báo trong Biệt Đội Thiên Nga.

Cha tôi, một nhà giáo ở Mỹ Tho, cũng chỉ biết con gái mình là một thiếu tá cảnh sát mà thôi.

Chồng tôi, một sĩ quan phục vụ ở trường Võ Bị Quốc Gia (Đà Lạt) cũng chỉ biết vợ mình làm việc ở Khối Đặc Biệt tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, nhưng không biết công việc cụ thể của vợ mình là gì. Gia đình chồng cũng chỉ biết con dâu họ là một sĩ quan cảnh sát, dạy học sinh ở trường học cảnh sát Trung Thu.

Những bạn cùng khóa huấn luyện sĩ quan ở Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia không ai biết Thanh Thủy là tình báo cả.

4.2. Hy sinh tình cảm cá nhân

Người làm tình báo phải chịu đựng cuộc sống khép kín, đơn độc. Không được nói thật. Không được tâm sự về việc làm của mình.

Chị Hà Thị Đông Nga, một trung úy cảnh sát, xướng ngôn viên của đài phát thanh và truyền hình thuộc Tổng Nha CSQG, cũng là một Thiên Nga, cho biết: ”Ngoài những khó khăn và nguy hiểm, người làm tình báo, đôi khi cũng phải hy sinh tình cảm cá nhân của mình.

Những Thiên Nga hầu hết là ở lứa tuổi mười mấy, hai mươi mấy, dưới 30, ai cũng có tình cảm cá nhân của mình.

Tình cảm nầy đôi khi bị gãy đổ vì oan ức. Một buổi chiều hẹn hò gặp người yêu nhưng công tác dồn tới, hoặc chưa ra khỏi mục tiêu, thì làm sao mà giữ được cuộc hẹn?.

Công tác tình báo không có ngày giờ nhất định, lúc thì 11, 12 giờ đêm hoặc 1, 2 giờ sáng. Cay đắng nhất đôi khi tình cảm gãy đổ, mang tiếng oan ức, nhục nhã mà không có quyền bào chữa.

Vì nhu cầu công tác, người nữ tình báo phải đóng vai một người ăn chơi ở vũ trường.

Mới buổi sáng gặp người yêu trong vai một nữ sinh viên ngoan hiền. Đột nhiên buổi tối, người yêu thấy mình ăn mặc sexy từ vũ trường bước ra. Tình huống nầy không có lý do để giải thích. Họ sẽ cho mình là người lừa dối, hai mặt. Nhưng vì công tác cho nên không có quyền nói thật. Không biện minh được. Chỉ biết ngậm ngùi chia tay.

5* Hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga

Hệ thống tổ chức của Biệt Đội Thiên Nga gồm có: Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương, Biệt Đội Thiên Nga Thủ Đô bao gồm 11 quận, Biệt Đội Thiên Nga 4 vùng chiến thuật I, II, III và IV, và ở các tỉnh.

5.1. Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương

1). Nhiệm vụ

Có văn phòng tại Khối Đặc Biệt của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.

Biệt Đội Trung Ương có 4 ban: Ban Hành Chánh, Ban Tổ Chức Phát Triển, Ban Huấn Luyện và Ban Hoạt Vụ.

Lập cơ sở, văn phòng. Tuyển mộ nhân viên. Tổ chức huấn luyện. Tìm đầu mối phát triển công tác.

Hướng dẫn các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia thành lập các Biệt Đội Thiên Nga địa phương ở 11 quận Đô thành và ở các tỉnh trên toàn quốc. Biệt Đội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nhân viên và gởi về trung ương huấn luyện các khóa tình báo tại trường tình báo trung ương. Về học lực, các phụ nữ phải có ít nhất là bằng trung học đệ nhất cấp hoặc cao hơn. Nữ nhân viên được tuyển chọn gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội: có thể là người bán rau cải ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe bus, nhân viên bưu điện, điện lực, thơ ký văn phòng, học sinh, sinh viên, cô giáo, vũ nữ. Xử dụng các nữ hồi chánh, các can phạm chính trị, công nhân hãng xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ. (Ngoài cảnh sát)

2). Chương trình huấn luyện

– Các lớp tình báo căn bản (4 tuần)
– Theo dõi (6 tuần)
– Cán bộ điều khiển (8 tuần)
– Tác xạ.

Ngoài các lớp kể trên, các khóa sinh còn theo học các lớp kỹ thuật như chụp hình bí mật, học lái xe gắn máy, xe hơi. Học các lớp thẩm vấn.

Trong thời gian huấn luyện các khóa sinh phải nội trú và mang bí số. Việc giảng dạy do các giảng viên tình báo, còn việc giám thị và quản lý thì do nhân viên Thiên Nga đảm trách. Sau khi thụ huấn, các khóa sinh được trả về địa phương, nơi gởi người đi học. Bắt đầu nhận công tác do ngành cảnh sát đặc biệt phân nhiệm. Báo cáo gởi trực tiếp về trung ương.

5.2. Những bí danh của Biệt Đội Thiên Nga

Vì Thiên Nga là tên một loài chim nên mỗi kế hoạch công tác đều mang tên một loài chim như: Sơn Ca, Họa Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến…

Những công tác phối hợp với những cơ quan khác thì dùng ám danh của sông núi như: Trùng Dương, Trường Sơn…

Do thay đổi tổ chức của Khối Đặc Biệt thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, nên cuối năm 1972, Biệt Đội Thiên Nga mang ám danh mới: “Đoàn Đặc Nhiệm G423g” để bảo mật.

5.3. Hoạt động của Thiên Nga

Các nhân viên Thiên Nga phải có những ngụy tích (lý lịch) và ngụy thức (cách trang phục) để len lõi vào các hội đoàn, tham dự các cuộc biểu tình nên cũng phải chịu hơi cay hay dùi cui của Cảnh Sát.

Một trong những công tác điễn hình là vấn đề cung cấp thực phẩm cho phái đoàn bốn bên VC, CS Bắc Việt, Mỹ và VNCH sau khi hiệp ước được ký ở Paris. VC và CS Bắc Việt đòi để họ chọn nhà thầu. Biệt Đội Thiên Nga cử người vào thầu giống như những nhà thầu tư nhân. Đội Thiên Nga đã hoạt động âm thầm cho đến ngày cuối cùng. Công tác đó có ám danh là Trùng Dương.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy cho biết trong thời gian hoạt động với các cán bộ nằm vùng, các chị em cố thuyết phục và có những người CS đã giác ngộ, quay lại hợp tác với các chị em Thiên Nga. Công tác này gọi là công tác Hoàng Oanh.

Biệt Đội Thiên Nga có rất nhiều nhân viên chính thức khắp các vùng chiến thuật, nhưng sau 1975 Cộng sản không tìm ra đuợc nhiều người, vì hồ sơ đã được hủy trước khi Miền Nam mất. Vấn đề tình báo luôn  được giữ bí mật, trong thời gian thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo, các chị em có bí danh, bí số. Sau khi ra trường, trở về  đơn vị các chị em hoạt động độc lập, nhận lệnh và báo cáo với cấp chỉ huy trực tiếp, chứ giữa các chị em trong Biệt Đội Thiên Nga không có sự liên lạc với nhau như ở các đơn vị Cảnh Sát sắc phục hay các quân binh chủng khác.

5.4. Người đốt hồ sơ Thiên Nga

Trong trại tù, đã có hơn bảy chục lần, người Biệt đội trưởng Thiên Nga, Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy, bị hỏi tới hỏi lui chung quanh một câu hỏi, mục đích tìm ra những mật báo viên và những người hợp tác với Thiên Nga. “Tại sao làm tình báo mà chỉ có những nhân viên chính thức mà không có những mật báo viên thì thật là vô lý”.

Thật ra thì người Biệt đội trưởng Thiên Nga nầy đã chính tay đốt toàn bộ hồ sơ vào ngày 29-4-1975.

Năm 1973, Mỹ rút quân. Họ có kết hoạch bốc những nữ sĩ quan của Thiên Nga sang Mỹ. Nguyễn Thanh Thủy cảm thấy một biến cố chính trị sẽ xảy ra, nhưng không biết lúc nào. Chị nghĩ, nữ sĩ quan được bốc đi, còn các hạ sĩ quan Thiên Nga ở lại thì làm sao mà bảo vệ được những đồng đội của mình? Ý nghĩ tiêu ủy hồ sơ đã manh nha từ đó.

Chị Thủy cho biết suốt cả tuần lễ chị băn khoăn về việc bảo mật hồ sơ, cuối cùng tiêu hủy hồ sơ là cách tốt nhất trước khi chị em bị địch bắt. Chị Thanh Thủy phân tích: “Tôi biết rõ hết mọi người, mà tôi không tiết lộ với bất cứ ai cho nên khi chị em bị địch bắt, họ muốn khai thế nào thì cứ khai nhưng không có hồ sơ để đối chứng”.

Tiêu hủy hồ sơ mật, nhất là hồ sơ tình báo, là một phần căn bản của các tổ chức tình báo, khi không còn khả năng bảo quản thì tiêu hủy là cách tốt nhất để bí mật không lọt vào tay đối phương.

Chị Thanh Thủy đốt hồ sơ mật vào ngày 29-4-1975 đã bảo vệ phần nào những đồng đội của Thiên Nga.

6* Vài nét về người đồng môn Nguyễn Thanh Thủy

6.1. Tiểu sử 


Nguyễn Thanh Thủy sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở Mỹ Tho. Thi đậu hạng cao vào lớp đệ thất trung học Nguyễn Đình Chiểu nên được cấp học bổng. Học 2 năm ở Nguyễn Đình Chiểu rồi chuyển qua học trường nữ vừa mới thành lập. Lê Ngọc Hân.

Đậu Tú Tài 2. Thi đậu vào Đại học Dược Khoa, theo ý muốn của cha. Bị bịnh viêm xoang mũi quá nặng nên không thể tiếp tục học vì trong phần thực tập, phải tiếp xúc với nhiều hóa chất.

Người anh của chị lúc đó đang học Chính Trị Kinh Doanh ở Pháp, khuyên chị nên theo học ngành của anh. Chính Trị Kinh Doanh. Chị ghi tên vào Viện Đại Học Đà Lạt, nơi có 5 trường như: Sư Phạm, Văn Khoa, Khoa Học, Chính Trị Kinh Doanh và Thần Học.

Có lẽ khí hậu Đà Lạt khá lạnh so với người sống ở Miền Tây, Mỹ Tho, nên chị bị bịnh thống phong, còn gọi là bịnh gút (Gout) đành phải bỏ học về Sài Gòn chữa bịnh. 

6.2. Vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia.

Một hôm, người bạn cảnh sát cho biết, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia sẽ mở lớp đào tạo nữ cảnh sát. Chị trúng tuyển và sau gần một năm huấn luyện, kết quả có 18 Biên Tập Viên, gồm những người có tú tài 2 và 30 Thẩm Sát Viên có tú tài 1.

Thanh Thủy được bổ nhiệm vào Khối Đặc Biệt của Tổng Nha CSQG. Tháng 8/1968 Bộ Tư Lệnh CSQG quyết định thành lập Biệt Đội Thiên Nga và chị Thủy được chỉ định làm Biệt Đội Trưởng.

6.3. Che giấu hành tung

Tài liệu của Việt Cộng thu được cho thấy chúng đã biết về hoạt động của Thiên Nga nhưng đang tìm hiểu về nhân sự của tổ chức tình báo nầy.

Chị Thanh Thủy không đi một mình. Vào cửa nầy, ra cửa kia. Đi làm mặc thường phục, đôi khi hóa trang thành những thành phần trong xã hội.

6.4. Bị triệu tập đi trình diện

Ngày 1-5-1975, trong khi chị Thủy đưa đứa con vào bịnh viện do sốt cao độ, thì ở nhà, chồng chị, Lê Thành Long, nhận giấy triệu tập trình diện. Giấy ghi rõ đích danh Nguyễn Thanh Thủy, Thiếu tá Biệt Đội Trưởng tình báo Thiên Nga. Anh Long ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên biết tên Biệt Đội Thiên Nga, mà là Biệt Đội Trưởng nữa.

7* Chuyến xe duyên phận

  

 

Long-Thanh Thủy, trước cổng Trường Võ Bị Quốc Gia 1967

Lê Thành Long quê ở Cần Giuộc, Long An. Tốt nghiệp khóa 13 Thủ Đức. Được biệt phái về Năm Căn, Cà Mau, trong chương trình gom dân lập ấp.

Lần đầu tiên về phép, trên chuyến xe từ Cần Thơ về Sài Gòn, Long và một thiếu nữ ngồi gần nhau. Tưởng đâu là chuyện trò cho quên quãng đường dài, có ngờ đâu tiếng sét ái tình nổ ra trên chuyến xe duyên phận nầy. Thời đó con gái giữ gìn ý tứ nên không cho biết tên và địa chỉ.

Ngay sau khi cô gái lấy taxi về nhà, thì người sĩ quan trẻ tuổi nầy liền đón taxi đuổi theo, đến nhà.

Hôm sau anh đến nhà, và người anh của cô gái tưởng đâu là bạn của em mình, nên ân cần mời vào nhà, niềm nỡ chuyện trò. Nhịp cầu tình cảm bắt đầu từ đó.

Khi Lê Thành Long tốt nghiệp khóa Chỉ Huy Tham Mưu Trung Cấp, thì trường Võ Bị Quốc Gia tuyển chọn anh làm Trưởng Ban Nghi Lễ. Sĩ quan độc thân nên được cho một chỗ ở tại khách sạn Thủy Tiên 2, đối diện với Đại Học Xá Đà Lạt, nơi Thanh Thủy theo học. Phong cảnh hữu tình của Đà Lạt gắn bó hai người trẻ đi đến hôn nhân.

Sau đám cưới, Long ở Đà Lạt, Thanh Thủy ở Sài Gòn.

 
Bà mẹ Thanh Thuỷ và ba con thơ tại Mỹ Tho

8*. 13 năm bị đày đọa trong lao tù CS

13 năm tù khổ sai. 13 năm bị hành hạ nhưng con chim đầu đàn của Biệt Đội Thiên Nga vẫn kiên cường bất khuất, không khai báo, cho nên thân xác và tinh thần luôn luôn bị tra tấn, khủng bố. Bỏ đói, biệt giam, cùm chân, hành hạ đủ điều. Khủng bố không moi được những tin tức mà chúng muốn, bèn chuyển sang màn mua chuộc…

8.1. Bịnh tật

Đói ăn, mất vệ sinh sanh ra nhiều bịnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy, kiết lỵ. Thiếu dinh dưỡng sinh ta tê liệt và phù thũng. Các bạn tù đặt cho người bị liệt là “liệt sĩ”. Phù thũng là “phù vương” hay là “phồn vinh giả tạo”. Liệt sĩ hay phù vương, góp phần tạo ra một cơ thể gọi là “thân tàn ma dại”.

8.2. Người thăm nuôi đặc biệt

Anh Lê Thành Long ra tù năm 1981. Nhà cửa đã bị bọn cướp của giết người chiếm đoạt, anh phải về quê làm ruộng sinh sống qua ngày. Người ta gọi anh là người thăm nuôi đặc biệt, vì đa số là vợ thăm nuôi chồng, còn anh, thì chồng thăm nuôi vợ. Đó là trường hợp ít thấy nên gọi anh là người thăm nuôi đặc biệt.

Sau 13 năm tù đày, chị Thanh Thủy là người phụ nữa ra trại cuối cùng của Biệt Đội Thiên Nga. Có câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” ( Ở tù một năm bằng ngàn năm ở bên ngoài).

Anh chị cố bám trụ ở Sài Gòn. Mở một quán nhỏ trên lề đường tạm sống qua ngày.

Năm 1990 chương trình H.O mở ra (H.O=Humanitarian Operation), anh chị Thủy nạp đơn nhưng hồ sơ bị ngâm suốt một năm nên đến Mỹ ở H.O 12.

8.3. Đau buồn ập đến

Chị Nguyễn Thanh Thủy đến Mỹ, và hình ảnh ngày xưa 

Gia đình sum hợp, sống trong bầu không khí tự do đầy tình người ở quê hương thứ hai, chẳng bao lâu thì đau buồn ập đến. Chị bị ung thư. Con gái đầu lòng qua đời nên phải đóng cửa cái quán nhỏ bán thực phẩm nhanh mà anh chị đã gầy dựng 7 năm trước đó. Cái quán tên Thiên Nga Deli.

Chị Thủy bị trầm cảm kinh niên, cộng thêm thân xác tả tơi trong tù Việt Cộng, và tuổi già, nên chị bị cao máu, cao mỡ máu và tiểu đường. Tiểu đường làm mờ yếu mắt nên anh Long phải dắt chị mỗi khi đi.

Cuộc đời của người đồng môn NĐC-LNH là thảm cảnh của một bi hùng kịch.

9*. Kết luận

Chị Thanh Thủy ơi!

Nhóm cựu học sinh NĐC-LNH chúng tôi rất tự hào về chị. Thương cảm sâu đậm đối với con Thiên Nga đầu đàn, ái nữ của người thầy kính mến của chúng tôi.

Xin mượn lời của anh Lý Ngọc Cương ở Úc, trích như sau: “Thuỷ Thiên Nga” là một Vị Nữ Lưu đáng kính phục, rất xứng đáng là Hậu Duệ của Bà Triệu, Bà Trưng, Bà Bùi Thị Xuân, và những Anh Thư Liệt Nữ khác của MẸ VIỆT NAM”.

Trúc Giang MN


Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Nhân Hụê Vương Trần Khánh Dư (1240 - 1340)

 

Nhân Hụê Vương
Trần Khánh Dư (1240 - 1340)

Vương tôn văn võ tiếng song toàn
Trọng án tạm làm kẻ bán than
Vận khứ anh hùng lui ẩn sĩ
Thời lai hào kiệt giúp an bang
Đánh Nam Chiêm Đế quân tơi tả
Dẹp Bắc Nguyên Mông giặc tác tan
Đề tựa binh thư Tông Vạn Kiếp
Khai hoang lập ấp chống cơ hàn

Ngyuễn Minh Thanh
*Trần Khánh Dư là cháu nội của Thái sư Trần Thủ Độ,
con của Thượng Tướng Trần Phó Duyệt, ngang hệ với
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
* Vạn Kiếp Tông: binh thư của Hưng Đạo Vương.

Trận Vân Đồn
Trần Khánh Dư (1240 - 1340)

Hải khẩu Vân Đồn đọc sử thư
Chiến trường then chốt thắng quân thù
Nhục nhằn Nguyên tướng Trương Văn Hổ
Lẫm liệt Vương tôn Trần Khánh Dư
Chận địch đánh chìm đoàn vận tải
Diệt thù ổn định nước an cư
Vân Đồn Việt Cộng nay giao giặc
Nghĩa Lĩnh lòng đau khói tỏa mù...!!

Nguyễn Minh Thanh

Nếu Ngày Mai Con Hỏi

 

Nếu ngày mai con hỏi:
“Mẹ ơi! Nước Việt ta
Ở một nơi nào đó
Của thế giới bao la?”

Nếu ngày mai con hỏi:
“Mẹ ơi! tiếng Việt ta
Có du dương trầm bổng
Có tha thiết mặn mà?”

Nếu ngày mai con hỏi:
“Mẹ ơi! Nòi giống Việt
Có bất khuất kiêu hùng
Có liệt oanh anh dũng?”

Nếu ngày mai con hỏi:
“Mẹ ơi! Sao bao kẻ
Đã bỏ quê hương đi
Để tìm một cái gì?”

Nếu ngày mai con hỏi:
“Mẹ ơi! Dân nước Nam
Bao giờ về quê cũ
Tổ quốc nước Việt Nam?”

Mẹ trả lời:

Con ơi! Tiếng ta đó
Dịu dàng những âm ba
Bổng trầm như khúc hát
Êm ái lẫn mặn mà

Con ơi! Nòi giống Việt
Lừng lẫy giống Rồng Tiên
Điểm tô trang lịch sử
Khắp thế giới nể kiêng

Con ơi! Quê hương đó
Bao nhiêu kẻ ra đi
Tử sinh trên sóng biển
Vì hai chữ Tự Do

Con ơi! Người dân Việt
Sẽ trở lại quê hương
Dựng xây lại đất nước
Với tất cả tình thương

Con trở về quê Mẹ

Tô điểm nét xuân sơn
Bể khổ đau lấp lại
Tổ quốc tươi đẹp hơn

Mẹ mong con đã hiểu
Định nghĩa chữ Quê Hương
Thế nào là Tổ Quốc
Của nước Việt mến thương

Sương Lam

Nắm Tóc

  

Bởi người lưng áo tù binh
Thì xanh nấm đất chút tình núi sông
Cây rừng kêu sợ mùa đông
Lá ôm cành mỏng run giòng suối hoang
Mộ người tù binh Miền Nam
Mấy viên đá bạc xếp hàng nhớ tên
Bạn tù bó gối ngồi im
Chào nhau mắt đỏ đi tìm bóng ai
Em cằm nắm tóc trên tay
Đặt lên mộ đất hỏi ngày biệt ly
Người nằm nghe núi sông ghi
Những hồn lính cũ còn đi dựng cờ

Lâm Hảo Khôi

Tiếng Mưa Gọi Nguồn


(Thân kính tặng quý chiến hữu KQ /QLVNCH)

Gió vờn trên mái tóc
Len vào hồn mộng du
Không gian rơi lệ ngọc
Chơi vơi cõi sa mù 

Mưa đêm gieo niềm nhớ
Hoài tưởng tuổi hoa niên
Xót xa đời ly xứ
Bềnh bồng giấc cô miên 

Đêm mưa nào em tới
Áo lụa mờ hơi sương
Ân tình xin trao gởi
Tinh cầu sáng muôn phương 

Em cười vỡ thinh không
Mây trôi dáng phiêu bồng
Ru anh vào bến mộng
Tình muôn thuở mênh mông 

Em đùa vui bên gió
Anh lướt mình trong mây
Ánh châu hiền mở ngõ
Vương tình quê ngất ngây 

Em như cánh chim trời
Đưa anh đi ngàn lối
Đem Tự Do cho người
Không ai tìm xác rơi 

Bỗng giông tố phủ phàng
Tơ trời quấn khăn tang
Bâng khuâng nhìn mây trắng
Thương tình ta ly tan 

Anh xuôi giòng viễn xứ
Nghe tiếng mưa gọi nguồn
Ù…u…u…ú…u…ú…
Như thuở nào thân thương 

Đêm nay mưa lưu luyến
Hương tình đã bay xa
Khung trời xưa tưởng niệm
Dư âm còn thiết tha…

Lâm Hoài Vũ
(Trích thi tập Lưu Vong Trường Khúc)



Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị


-​ ​Năm Nguyên Hòa thứ 10, Bạch Cư Dị bị biếm trích về đất Giang Châu. Năm sau, đêm thu tiễn bạn nơi bến Tầm Dương, cảm tiếng tỳ bà của người ca kỷ già bỏ thân lưu lạc, làm cám cảnh mình bó thân chỗ lưu đày mà viết nên Tỳ Bà Hành
-​ ​Năm thất quốc thứ 43, tôi vì nạn nước, lưu lạc quê người hơn 40 năm, đọc lại hành của Tư Mã Giang Châu mà cám cảnh mình, bèn phóng bút dịch ngang ra lục bát. Hay? Dở? Đúng? Sai? Mặ!
-​ ​Chuyện xưa viết lại nỗi mình. Trăm đau nghìn hận, mình mình thương vay


琵琶行

 潯陽江頭夜送客,
楓葉荻花秋瑟瑟。
主人下馬客在船,
舉酒欲飲無管弦 .
醉不成歡慘將別,
別時茫茫江浸月。
忽聞水上琵琶聲,
主人忘歸客不發。
尋聲暗問彈者誰,
琵琶聲停欲語遲。
移船相近邀相見,
添酒回燈重開宴。
千呼萬喚始出來,
猶抱琵琶半遮面。
轉軸撥弦三兩聲,
未成曲調先有情。
弦弦掩抑聲聲思,
似訴生平不得志。
低眉信手續續彈,
說盡心中無限事。
輕攏慢撚抹復挑,
初為霓裳後六么。
大弦嘈嘈如急雨,

Tỳ Bà Hành

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân há mã khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền
Tuý bất thành hoan thảm tương biệt
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt
Hốt văn thuỷ thượng tỳ bà thanh
Chủ nhân vong quy khách bất phát
Tầm thanh âm vấn đàn giả thuỳ
Tỳ bà thanh đình dục ngữ trì
Di thuyền tương cận yêu tương kiến
Thiêm tửu hồi đăng trùng khai yến
Thiên hô vạn hoán thủy xuất lai
Do bão tỳ bà bán già diện
Chuyển trục bát huyền tam lưỡng thanh
Vị thành khúc điệu tiên hữu tình
Huyền huyền yểm ức thanh thanh tứ
Tự tố bình sinh bất đắc chí
Đê mi tín thủ tực tực đàn
Thuyết tận tâm trung vô hạn sự
Khinh lung mạn nhiên mạt phục khiêu
Sơ vi Nghê thường hậu Lục yêu
Đại huyền tào tào như cấp vũ

小弦切切如私語。 
嘈嘈切切錯雜彈,
大珠小珠落玉盤。
閒關鶯語花底滑,
幽咽流景水下灘。
水泉冷澀弦凝絕,
凝絕不通聲漸歇。
別有幽愁暗恨生,
此時無聲勝有聲。
銀瓶乍破水漿迸,
鐵騎突出刀鎗鳴。
曲終收撥當心畫,
四弦一聲如裂帛。
東船西舫悄無言,
惟見江心秋月白。
沈吟放撥插弦中,
整頓衣裳起斂容。
自言本是京城女,
家在蝦蟆陵下住。
十三學得琵琶成,
名屬教坊第一部。
曲罷曾教善才服,
妝成每被秋娘妒。
五陵年少爭纏頭,
一曲紅綃不知數。

Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ.
Tào tào thiết thiết thác tạp đàn,
Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn.
Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt,
U yết lưu cảnh thuỷ hạ than.
Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt,
Ngưng tuyệt bất thông thanh tiệm yết.
Biệt hữu u sầu ám hận sinh,
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.
Ngân bình sạ phá thuỷ tương bính,
Thiết kỵ đột xuất đao thương minh.
Khúc chung thu bát đương tâm hoạch.
Tứ huyền nhất thanh như liệt bạch.
Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn,
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch.
Trầm ngâm phóng bát sáp huyền trung,
Chỉnh đốn y thường khởi liễm dung.
Tự ngôn bản thị kinh thành nữ,
Gia tại Hà Mô lăng hạ trú.
Thập tam học đắc tỳ bà thành,
Danh thuộc giáo phường đệ nhất bộ.
Khúc bãi tằng giao thiện tài phục,
Trang thành mỗi bị Thu Nương đố.
Ngũ Lăng niên thiếu tranh triền đầu,
Nhất khúc hồng tiêu bất tri số.

鈿頭銀篦擊節碎,
血色羅裙翻酒污。
今年歡笑復明年,
秋月春風等閒度。
弟走從軍阿姨死,
暮去朝來顏色故。
門前冷落車馬稀,
老大嫁作商人婦。
商人重利輕別離,
前月浮梁買茶去。
去來江口守空船,
繞船明月江水寒。
夜深忽夢少年事,
夢啼妝淚紅闌干。
我聞琵琶已歎息,
又聞此語重唧唧。
同是天涯淪落人,
相逢何必曾相識。
我從去年辭帝京,
謫居臥病潯陽城。
潯陽地僻無音樂,
終歲不聞絲竹聲。
往近湓城地底濕,
黃蘆苦竹繞宅生。
其間旦暮聞何物,

Điền đầu ngân tì kích tiết toái,
Huyết sắc la quần phiên tửu ố.
Kim niên hoan tiếu phục minh niên,
Thu nguyệt xuân phong đẳng nhàn độ.
Đệ tẩu tòng quân a di tử,
Mộ khứ triêu lai nhan sắc cố.
Môn tiền lãnh lạc xa mã hy,
Lão đại giá tác thương nhân phụ.
Thương nhân trọng lợi khinh biệt ly,
Tiền nguyệt Phù Lương mãi trà khứ.
Khứ lai giang khẩu thủ không thuyền,
Nhiễu thuyền nguyệt minh giang thuỷ hàn.
Dạ thâm hốt mộng thiếu niên sự,
Mộng đề trang lệ hồng lan can.
Ngã văn tỳ bà dĩ thán tức,
Hựu văn thử ngữ trùng tức tức.
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân,
Tương phùng hà tất tằng tương thức.
Ngã tòng khứ niên từ đế kinh,
Trích cư ngoạ bệnh Tầm Dương thành.
Tầm Dương địa tích vô âm nhạc,
Chung tuế bất văn ty trúc thanh.
Trú cận Bồn giang địa thế thấp,
Hoàng lô khổ trúc nhiễu trạch sinh.
Kỳ gian đán mộ văn hà vật,

杜鵑啼血猿哀鳴。
春江花朝秋月夜,
往往取酒還獨傾。
豈無山歌與村笛,
嘔啞嘲哳難為聽。
今夜聞君琵琶語,
如聽仙樂耳暫明。
莫辭更坐彈一曲,
為君翻作琵琶行。
感我此言良久立,
卻坐促弦弦轉急。
淒淒不似向前聲,
滿座重聞皆掩泣。
座中泣下誰最多,
江州司馬青衫濕。

Đỗ quyên đề huyết viên ai minh.
Xuân giang hoa triêu thu nguyệt dạ,
Vãng vãng thủ tửu hoàn độc khuynh.
Khởi vô sơn ca dữ thôn địch,
Âu á triều triết nan vi thính.
Kim dạ văn quân tỳ bà ngữ,
Như thính tiên nhạc nhĩ tạm minh.
Mạc từ cánh toạ đàn nhất khúc,
Vị quân phiên tác Tỳ bà hành.
Cảm ngã thử ngôn lương cửu lập,
Khước toạ xúc huyền huyền chuyển cấp.
Thê thê bất tự hướng tiền thanh,
Mãn toạ trùng trùng văn giai yểm khấp
Tọa trung khấp hạ thùy tối đa
Giang Châu tư mã thanh sam khấp

Phỏng Dịch:

Tỳ Bà Hành

Đêm Tầm Dương, tiễn người đi
Lá mùa thu quạnh thầm thì nỗi riêng.
Người xuống ngựa, kẻ dưới thuyền
Sáo đàn không tiễn rượu phiền không vui.
Men say càng thấm ngậm ngùi
Trăng soi mặt nước lòng vùi dập đau.
Vẳng đâu vọng lại tiếng sầu
Giây tỳ bà, điệu kinh cầu ... nghẹn tim !
Tiếng đàn chìm giữa lòng đêm,
Người đi kẻ ở buồn kềm lòng nhau.
Hỏi han cho rõ âm hao.
Tỳ bà bặt tiếng ly tao ! Ngại ngùng ?
Ghé thuyền tỏ dạ khiêm cung,
Bình sinh mấy thuở trùng phùng nghiệp hoa
Khêu đèn, bày tiệc cùng ta,
Ân cần mời gọi gần xa mấy lần.
Đàn che nửa mặt, phân vân.
Tay so cần trúc tay lần giây tơ.
Cung cầm vừa mới dạo hờ,
Mà sầu dạ khách đã mờ... mờ...đêm.
Thiết tha từng sợi tơ mềm,
Năm cung réo rắt từng niềm bi thương.
Khúc đầu tay lựa Nghê Thường,
Đàn Lục Yêu chuyển như mường tượng mưa,
Rạt rào âm nhặt âm thưa,
Khi to khi nhỏ cho vừa nỉ non.
Lại khi tiếng mất tiếng còn,
Tiếng chim lượn gió, tiếng dồn suối xa,
Lúc róc rách, lúc vỡ òa,
Rồi ngưng bặt như nước đà lập đông.
Tình buồn đọng cứng cõi lòng,
Thinh im mà tưởng phiêu bồng cõi mơ.
Đang khi nín lặng như tờ,
Dưng không chuyển động tưởng cờ lịnh bay.
Rập rình vó ngựa dặm dài,
Quân đi cuốn gió lung lay đất trời.
Rồi ...dưng trời đất chơi vơi,

Tay thuôn bốn ngón ghìm hơi tỳ bà.
Đàn kêu tiếng xé lụa hoa.
Rồi im. Rồi nín. Rồi là ... nghẹn câm.
Bốn bề lặng lẽ, u trầm,
Chỉ trăng thu lạnh dọi thầm sông thu.
Gác đàn, gài phím, ôn nhu,
Rằng quê thiếp vốn kinh đô thị thành.
Hà Mô lăng, quê mẹ sanh,
Mười ba tuổi đã rành cung tỳ bà.
Danh lừng năm ngón tài hoa,
Mỗi nắn phím, mỗi tụng ca rộn ràng.
Mỗi ghen tức, mỗi điểm trang,
Thu Nương cũng phải chịu hàng lánh xa.
Lời ca đổi vóc lụa là,
Lược trâm bắt nhịp ngọc ngà vở tan.
Những chàng trai trẻ Ngũ Lăng,
Nghìn vàng mua lấy cung đàn mỹ nhân.
Quần hồng lấm giọt rượu ngon,
Đời vui cứ tưởng vuông tròn mãi sau.
Ai ngờ vui chốc buồn lâu,
Tử sinh ai biết, cơ cầu ai hay.
Cô già tuổi hạc vụt bay,
Tùng chinh em chịu đắng cay vạn phần.
Thoắt chiều thoắt sáng, hoa tàn.
Sắc phai vẻ thắm, hương tan vị mời.
Cổng nhà sớm vắng, chiều lơi,
Ngựa xe qua chẳng ghé lời hỏi han.
Ngày qua tháng tới, muộn màng,
Gá thân nương dựa khách buôn thương hồ.
Kẻ trần tục, nhám tay thô,
Sớm chiều quên lãng bỏ cô độc người.
Khuya hôm thuyền lỡ làng trôi,
Cảm thân thế, mộng lại thời xuân xanh !
Lệ buồn ướt đẫm từng canh,
Nhòe son, nhạt phấn cho đành chiêm bao.
Tỳ bà đã giục cơn sầu,
Kiếp hồng nhan lại làm đau nỗi mình !
Cùng chung kiếp nạn điêu linh,
Gặp nhau chẳng đợi phải tình thân quen.

Nghĩ mình đã lắm ưu phiền,
Tầm-Dương-đất-trích buồn riêng chuyện đời.
“ Xứ xa lạ cảnh lạ người,
Sớm trưa chiều tối khuya thui thủi buồn.
Ngày qua rồi tháng theo luôn,
Năm theo vội vã như ruồng rẫy nhau.
Một đời quá nửa chiêm bao,
Nửa rầu hận nước, nửa đau hận mình
Buồn vui rồi cũng làm thinh,
Ai chia ai xẻ những bình minh tươi.
Buồn vui rồi cũng ngậm ngùi,
Ai than thở những chiều rơi quạnh chiều.
Ở đây vui ít buồn nhiều,
Rượu đơn chiếc đắng trăm điều dở dang !
Mỗi ngày mỗi cuộc điêu tàn,
Ai người san bớt nỗi hoang tịch đời “ (*)
Ở đây buồn một riêng tôi,
Sao đem cung điệu làm bồi hồi nhau.
Riêng, chung cũng một thành sầu,
Vì nhau gảy lại khúc đau đoạn trường.
Lặng người, lắng lại tang thương,
Bốn giây bật khóc bài trường hận ca.
Cung trầm cung bổng thiết tha,
Điệu sầu điệu oán xót xa điệu lầm.
Tiếng đàn dứt, lệ khôn cầm !
Áo-xanh-một-thuở khóc thầm, từ khi ...


Cao Vị Khanh
(*)thơ riêng ghép với buồn chung, một vần