Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Thành Tích Biểu Đệ Nhị, (67-68) Trường Bán Công Nguyễn Thông - Vĩnh Long - Lê Thị Kim Phượng






Lê Thị Kim Phượng
Cựu Học Sinh Trường Bán Công Nguyễn Thông - Vĩnh Long


Buổi Sáng Ra Vườn



Sớm mai
mở cửa ra vườn,
nghe bầy chim nhỏ
hót mừng nắng tươi.
Vượt qua giấc ngủ đông dài,
lộc non cuống quýt chen vai cành gầy.

Sớm mai
trời nhẹ hây hây,
gió lùa vạt nắng
làm đầy không gian.
Ra vườn chầm chậm bước chân,
sợ làm đau ngọn rau non vừa trồi.

Trồng vào đây
chút xa xôi,
hương nồng của quế,
tím vời tía tô.
Giậu mùng tơi, khóm bạc hà,
liếp rau húng lủi đậm đà tình quê.

Ra vườn,
sống lại giấc mơ,
ngôi nhà thơ ấu
bên bờ sông Hương.
Trồng vào đây những yêu thương
xưa, còn quanh quẩn trong vườn sáng nay.


Sông-Hương

Vắng



Bừng con mắt dậy...trống trơn!
Ánh dương len lén, chói... tuôn tràn vào
Hững hờ son phấn... chuốt trau
Ngày dài quanh quẽ niềm đau vắng người
Chiều tàn, nhạt nắng góc trời
Chăn đơn, gối lẻ... buồn ơi, tình hờ!
Vắng ai ngong ngóng trông chờ
Ngày đêm mấy bận bơ vơ, võ vàng!

Phương Thúy

Còn Nghe Tiếng Cười




Cái hồi tình mới lửa riu
Anh khua lục lạc nồi niêu cháy bừng
Cái hồi tình mới lưng chừng
Tay anh chạm nhẹ chân run... rụng rời
Buổi chiều nắng dịu bên đồi
Hoàng hôn bước vội mắt thôi... đa tình
Hắt hiu nhìn mãi bóng mình
Con chim nào hót buồn tênh chiều hè
Đất trời đồng cảm nín khe
Cái hồi buổi tối còn nghe... tiếng cười

Kiều Mộng Hà
July 20th2020

Đêm Nghe Câu Hát - Nhạc & Lời Thanh Trang - Hòa Âm Quang Đạt


Nhạc & Lời: Thanh Trang  
Hòa âm: Quang Đạt  
Tiếng Hát: Diệu Hiền

Thu Sơn 秋山 久病曠心賞- Bạch Cư Dị



Nguyên tác Dịch âm. 

秋山             Thu Sơn

久病曠心賞 Cửu bệnh khoáng tâm thưởng
今朝一登山 Kim triêu nhất đăng sơn
山秋雲物冷 Sơn thu văn vật lãnh
稱我清羸顏 Xứng ngã thanh luy nhan
白石臥可枕 Bạch thạch ngọa khả chẩm
青蘿行可攀 Thanh la hành khả phan
意中如有得 Ý trung như hữu đắc
盡日不欲還 Tận nhật bất dục hoàn
人生無幾何 Nhân sinh vô kỷ hà
如寄天地間 Như ký thiên địa gian
心有千載懮 Tâm hữu thiên tải ưu
身無一日閒 Thân vô nhất nhật nhàn.
何時解塵網 Hà thì giải trần võng?
此地來掩關 Thử Địa lai yểm quan

Chú giải: 

Khoáng: rộng. Tâm thưởng: nghĩ đến việc thưởng ngoạn. Văn: đám mây có văn vẻ. La: cây leo. Luy: gầy. Kỷ hà: bao nhiêu. Hữu đắc: được cái gì thích ý. Yểm quan: khép cửa

Dịch thơ:

Núi Thu

Bệnh lâu không ngoạn cảnh
Sáng nay trèo non cao
Cảnh thu mây núi lạnh
Hợp dáng ta xanh xao
Dây leo vin tay bước
Đá trắng nằm gối đầu
Trong lòng đầy mãn nguyện
Cuối ngày chưa về đâu
Sống gửi trong trời đất
Đời người được bao lâu?
Tâm lo sầu thiên kỷ
Thân chưa nhàn ngày nào
Lưới trần bao giờ gỡ?
Về non chơi khép rào

Con Cò
***
Dịch Nghĩa:


Ốm lâu, lười ngoạn cảnh,           Ốm lâu bỏ thưởng ngoạn
Lại lên núi, sớm nay.                  Hôm nay lên núi chơi
Núi thu mây, cảnh lạnh,             Núi Thu mây cảnh lạnh
Xứng mặt ta xanh gầy.                Hợp với gương mặt tôi
Đá trắng nằm dễ gối,                  Nằm nghỉ gối đá trắng
Dây xanh, vịn lúc đi.                  Khi đi vịn dây xanh
Hân hoan vì thoả dạ,                   Lòng vui vì thỏa ước
Ngày hết, còn chưa về.               Hết ngày chưa muốn ngừng
Đời người được mấy chốc,         Sống gửi giữa đất Trời
Sống gửi giữa đất trời.                Đời người được mấy chốc
Lo chuyện nghìn năm cũ,           Cứ lo chuyện thuở trước
Không một ngày thảnh thơi.       Đâu có ngày bình yên .
Lưới trần khi gỡ được,                Khi thoát được lưới trần gian
Khép cửa sài nghỉ ngơi.              Sẽ gối cao đầu hưởng nhàn 

Dịch thơ: 

 Núi Thu

Nhiều bịnh ít du ngoạn
Sáng nay leo núi cao.
Núi thu mây đá lạnh
Xứng mặt gầy xanh xao.
Đá trắng nằm thay gối
Dây xanh vịn đi mau.
Lòng hân hoan thỏa dạ
Ngày hết chưa muốn rời.
Đời sống không vô tận
Tạm yên giửa đất trời.
Lòng trăm ngàn lo lắng
Thân không một ngày nhàn.
Bao giờ thoát lưới thế
Đóng cổng hưởng bình an.

Autumn Mountain by Bai Juyi

Long iliness prevented me from outing, but early this morning I climbed the mountain.
In the autumn mountain, clouds were cold matching my thin and pale face.
I lied down on the white stone and hanged on to the green vines.
I was happy and did not want to return as the day ended.
Human life is not infinite, we temporarily live between heaven and earth.
My heart has thousands of worries, yet my body has not a day of leisure.
When can we escape the wordly net and close the house gate to enjoy peace.

Phí Minh Tâm

Ghi chú: 

1. Sau thời gian bịnh lâu dài không du ngoạn, Bạch Cư Dị leo núi vào mủa thu có lẻ vào dịp Tết Trùng Dương. Bốn câu kế tiếp 2 câu nhập đề tả cảnh vật khi leo núi: núi mây lạnh đối chiếu với dáng xanh gầy của thi nhân, bàn đá trắng với dây leo xanh…

2. Bốn câu kế tiếp diễn tả tình cảm hân hoan khi đi dã ngoại không muốn về và nghĩ đến đời sống tạm trên thế gian.

3. Bốn câu cuối nói nỗi lòng. Đời sống ngắn ngủi, lòng có trăm ngàn lo âu. Lo cho nuớc cho dân không có một ngày rảnh rang nhàn rỗi. Nhưng cuối cùng cũng nghĩ đến nghĩ hưu hưởng nhàn theo quan điểm Phật giáo. Yểm quan: ngồi im lặng sau cửa khép kín, để tìm giác ngộ.


Tình Thơ, Tình Mơ


Đêm thật khuya, Vi không tài nào chợp mắt. Nàng cố dỗ giấc ngủ bằng cách tập trung đếm hơi thở. Chỉ một lúc là đầu óc nàng lại lan man suy nghĩ, không thể tiếp tục đếm được nữa. Buổi tối nay, trong tiệc cưới con gái của một người em họ, Vi đã nhìn thấy Huy. Vẫn ánh mắt ấy, vẫn khuôn mặt ấy, Vi đã nhận ra ngay dù có hằn thêm những dấu vết của thời gian. Gần nửa thế kỷ còn gì! Những hình ảnh, những kỷ niệm của mối tình đầu thơ mộng của một thời con gái lần lượt hiện về.

Ngày ấy, tại một buổi tiệc ăn khao của một nhóm bạn ở nhà Trâm sau khi có kết quả kỳ thi Tú Tài phần Hai, Vi đã gặp Huy. Mái tóc bồng bềnh, cặp mắt tình cảm, giọng nói trầm ấm ấy đã cuốn hút nàng. Cả một muà hè hai người đã có những dịp gặp gỡ dù chỉ là những buổi ngồi nói chuyện tại nhà Trâm. Sau đó Vi thi đỗ vào trường Dược, Huy lên năm thứ ba trường Y. Cuộc tình đẹp như thơ, hai người rất là tâm đầu ý hợp. Dù chưa một lời chính thức tỏ tình, chưa một lời giao ước, hẹn thề, Vi tự nhủ rằng hãy giữ sợi dây liên lạc nhẹ nhàng ấy, hãy tận hưởng những ngày tháng lãng mạn với hương vị thơ mộng của tình yêu, hãy trân quý những chăm sóc, chiều chuộng, những nhớ nhung, mong chờ nhau... Đợi đến lúc cả hai cùng ra trường mới bàn đến chuyện hôn nhân. Vi đưa Huy về trình diện cha mẹ. Cả cha mẹ Vi đều quý người thanh niên đáng mến ấy.

Sau một thời gian như đủ thân, Huy đưa Vi về thăm gia đình chàng. Nhà Huy nghèo, thật nghèo. Cả nhà sống trong một căn nhà chỉ vừa bằng một căn buồng một bề bốn thước, một bề năm thước, trong một ngõ hẻm khu chợ Bàn Cờ. Nhà trống trơn, sàn gạch hoa lau sạch bóng. Đồ đạc chỉ vỏn vẹn có một bộ bàn ghế nhỏ kê sát cửa sổ nhìn ra con hẻm, chắc là vừa làm bàn ăn, vừa làm bàn tiếp khách và bàn làm việc cho cả nhà. Trên tường quét vôi mầu xanh ngọc có đóng hai cái kệ gỗ để bầy bát nhang, chân nến dùng làm bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà. Phía tường bên kia treo một tấm tranh vẽ một bình hoa hồng mầu cam đem sự ấm áp tươi vui cho căn phòng. Một căn gác lửng rộng bằng một phần ba gian nhà, chỉ cao đủ cho một người ngồi thẳng, dùng làm nhà kho để cất hết gối chiếu, mùng mền và mấy chiếc thùng gỗ chắc là để chứa quần áo. Một chiếc bàn thấp và một kệ sách nhỏ nằm ngoan ngoãn ở một góc của căn gác xép.

Bước ra sau, một khoảng sân nước lót gạch tầu mầu đỏ. Một dẫy chum, vại bằng sành mầu gan gà có nắp đậy cẩn thận, được xếp thứ tự sát vách tường.
Nhà tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Tiếng Huy:
- Đố cô bé biết những gì trong mấy cái vại này nào?
- ???
Huy mở nắp một chiếc vại gần nhất, những miếng dưa cải chen chúc nhau dưới làn nước vàng lợt, trong veo. Vi reo lên thích thú:
- Dưa chua!
Bên cạnh là mấy vại dưa nén nguyên cây, tiếp đến là vại cà pháo, cà bát và mấy chum đầy tương bắc.
Bà mẹ của Huy có một sạp bán dưa, cà, tương, chao trong chợ Bàn Cờ. Chính tay cụ muối dưa, nén cà, làm chao, ủ tương và tự tay cụ đem ra chợ để bán lẻ. Buổi tối có những hàng cơm vào nhà mua và Hà, em gái Huy thì đi bỏ mối cho mấy tiệm cơm tám giò chả và mấy sạp bán cơm tấm quen.
Gia đình Huy sống trong cảnh thanh bần, đạm bạc. Bà mẹ Huy vấn khăn, răng đen; hiền lành, phúc hậu; chịu khó làm lụng và chắt chiu dành dụm. Hoàng, người anh cả của Huy là sĩ quan của binh chủng Thiết Giáp. Anh đóng quân ở miền trung, đã lập gia đình và có bốn đứa con trai. Đứa lớn nhất gần bẩy tuổi và cu Út mới biết bò. Hà, cô em gái Huy đang học năm cuối trung học. Ông cụ thân sinh của Huy bị đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất ngoài Bắc, đã vì uất ức mà chết. Biết gia cảnh của Huy, Vi càng yêu chàng tha thiết hơn.

Cuộc tình Vi và Huy êm ái, nhẹ nhàng trôi. Những buổi tối ngồi bên nhau trong phòng khách nhà Vi, dưới ánh sáng ấm áp của chùm đèn trên cao toả xuống. Hai người thủ thỉ kể cho nhau nghe những chuyện ở trường, chuyện bạn bè, chuyện về gia đình, về những đứa cháu, chuyện trời mưa, trời nắng. Có khi cả hai chỉ ngồi yên lặng thả hồn theo tiếng hát Thái Thanh, Anh Ngọc, Duy Trác, Mai Hương... Không gian chỉ là phòng khách nhưng hai tâm hồn như hoà quyện vào nhau. Cô sinh viên mới lớn ngập tràn hạnh phúc, bơi lội trong dòng sông bát ngát yêu thương. Thỉnh thoảng Huy ở lại dùng bữa với cả nhà và những đêm rằm hai người được phép lên sân thượng, cùng ngồi bên nhau trên chiếc ghế xích đu, ngắm vầng trăng sáng vằng vặc ở trên cao.


Mùa hè năm Mậu Thân, sau khi Vi thi đậu xong năm thứ hai, Vi đã đợi Huy đến chơi như thường lệ nhưng Huy không đến. Chàng biến mất, không một lời từ biệt, không một lời giãi bầy. Cả trăm câu hỏi hiện ra mà không có câu trả lời. Suốt mấy tháng trời Vi buồn bã, ủ rũ như người mất hồn. Đến chỗ nhà Huy ở Bàn Cờ thì cả nhà đã dọn đi, không ai biết họ đi đâu và sạp hàng đã sang lại cho người khác. Vi sững sờ, đau điếng. Chuyện lạ lùng như trong một giấc mơ. Không lẽ Huy chỉ đến với nàng như một chuyện đuà. Dù sao nàng vẫn thấy nhớ Huy thật nhiều. Với linh cảm của một người con gái nàng cảm nhận được tình yêu và sự trân quý của chàng dành cho nàng. Và đối với Huy, Vi có sự ngưỡng mộ, tôn thờ. Không lẽ chuyện tình đẹp ấy chỉ như hạt sương long lanh đã tan đi dưới ánh nắng mặt trời. Huy ơi, tại sao, tại sao...

Sau những cố gắng tìm kiếm, dọ hỏi khắp nơi, ngay cả Trâm và những người bạn của Huy mà nàng quen. Không ai biết. Đất nước Việt Nam nhỏ bé vậy mà chàng như đã bốc hơi!
Thời gian cứ lừng lững trôi, Vi cố xua đi hình bóng Huy, những kỷ niệm của chàng. Những ray rứt, nhớ nhung khiến nhiều lúc Vi như ngộp thở. Nàng tránh né bạn bè, rút mình vào vỏ ốc cho đến khi ra trường, với sự hối thúc cuả gia đình, sự khuyên răn, nài nỉ của mẹ Vi mới lập gia đình với Khoa, bạn của anh Vi, cùng đi du học bên Pháp về thăm nhà. Hai gia đình quen biết nhau, là hàng xóm của nhau từ ngoài Hà Nội. Vi đã cố quên Huy, xua đuổi hết những hình ảnh về Huy để xây dựng hạnh phúc của chính mình, làm tròn bổn phận của một người dâu hiền, vợ thảo. Sau đám cưới ít lâu Vi theo chồng sang Pháp. Nhớ đến Khoa, người chồng bốn mươi năm đầu gối tay ấp. Khoa không cho Vi mối tình đầu lãng mạn, thơ mộng nhưng Khoa đã bao bọc, che chở Vi, cho nàng một đời hạnh phúc, cho nàng hai đứa con ngoan. Những kỷ niệm với Khoa dầy hơn, đằm thắm hơn. Khoa đã thực sự cho nàng bờ vai rắn chắc để nương tựa và một vùng ngực bình yên để nàng trở về sau những lúc gặp hoạn nạn, trắc trở trong đời. Vậy mà Khoa cũng đã bỏ nàng mà đi một cách ngỡ ngàng. Trong một buổi đang vui vẻ làm vườn với nhau Khoa đã ngã xuống và không bao giờ dậy nữa.

Hai người con của Vi sang Cali lập nghiệp nên sau khi Khoa mất hai chị em đã thu xếp cho mẹ sang ở hẳn bên này.
Buổi tối nay, Vi đã giật mình khi nhìn thấy Huy bằng xương, bằng thịt. Vi định tới để hỏi cho ra lẽ câu chuyện mà Vi vẫn ấm ức cả nửa thế kỷ nay. Nhưng rồi Vi lại tảng lờ, tránh mặt... Và đầu óc cứ miên man, Vi chìm dần vào giấc ngủ.
Buổi sáng nắng vàng tươi, tiếng chim hót líu lo. Vi ra vườn sau làm vài động tác thể thao. Chợt tiếng chuông điện thoại reo vang, Vi chạy vội vào nhà nhấc máy.
- Hello, xin lỗi, dạ, có phải đây là nhà bà Khoa?
Tim Vi như thắt lại. Giọng Huy, dù có khàn đục theo thời gian nhưng cái giọng Bắc Kỳ ấm áp ấy Vi không thể quên.
- Dạ... Xin lỗi ai ở đầu dây?
- Tôi, Huy đây!
Một chút yên lặng, hình như cả hai bên cùng nghẹn ngào.
- Vi ơi, xin phép cho anh được xưng hô như ngày xưa. Hôm qua nhìn Vi anh nhận ra ngay nhưng không dám đường đột. Anh dọ hỏi tìm được phone của Vi. Đúng như trời sắp đặt cho anh có cơ hội nói lên lời phân trần, tạ lỗi cùng em. Cho anh biết khi nào anh có thể gặp Vi?
- Có gì anh cứ nói. Vi đang nghe...
Im lặng một lúc Huy chậm rãi kể chuyện ngày xưa:
- Mùa hè năm ấy khi nhận được điện tín của người chị dâu, báo tin anh Hoàng bị thương nặng đang nằm trong quân y viện ở Huế. Anh đã bàng hoàng, hoảng hốt, vội đáp máy bay ra Huế để thăm anh. Đến nơi anh chỉ kịp gặp anh Hoàng lúc lâm chung. Anh Hoàng đã dặn dò gửi gấm anh trông nom vợ con anh ấy. Anh đã vừa khóc, vừa gật đầu hứa thì anh Hoàng trút hơi thở cuối cùng, như đã cố đợi chờ anh đến để trăn trối rồi mới yên lòng ra đi. Mẹ và Hà được tin ra ngay để lo phần tang lễ. Nhìn bốn thằng bé đầu quấn khăn tang ngồi cạnh mẹ. Chị Hoàng mỏng manh, ẻo lả phủ phục trước quan tài. Không hình ảnh nào bi đát, xót xa hơn. Đang kỳ nghỉ hè nên ba mẹ con anh ở lại Huế để lên chùa tụng kinh cầu siêu cho anh Hoàng và trông nom đỡ đần vợ con anh cho đến hết 49 ngày.


Vi ơi, từ khi di cư vào Nam anh Hoàng đã như cột trụ gia đình. Anh vừa đi học vừa đi bỏ báo mỗi buổi chiều và làm phu bốc vác trong những ngày cuối tuần để nuôi cả nhà. Mẹ anh phải muối dưa, nén cà gánh đi bán để thêm thu nhập. Khi anh ấy đến tuổi động viên, vào trong quân ngũ anh vẫn tằn tiện gửi tiền giúp đỡ mẹ để nuôi hai em. Đến ngày anh gặp chị Loan, một cô giáo tiểu học ở vùng anh đóng quân và hai người yêu nhau rồi nên vợ nên chồng.

Vi ơi, lúc nhìn anh Hoàng hấp hối lòng anh quặn đau. Anh ấy hơn anh có tám tuổi mà ảnh đã lo lắng cho cả một tuổi thơ của anh, ảnh không những là anh cả mà còn là cha, là bạn anh. Ảnh gần gũi khuyên nhủ, kèm cặp anh ráng học hành cho nên người còn anh ấy thì hy sinh làm lụng vất vả để lo cho gia đình, nuôi mẹ, nuôi em. Ngày ảnh hấp hối vì nặng lòng với mấy đứa con nên khi chưa gửi gấm cho anh, ảnh không thể nhắm mắt. Anh phải làm sao hả Vi?

Nghĩ đến Vi, nghĩ đến tình yêu của chúng ta anh thương Vi quá. Anh biết Vi sẽ buồn thật nhiều khi vắng bóng anh nhưng anh có nỡ đặt cả một gánh nặng của gia đình anh lên vai Vi không? Bốn đứa trẻ anh phải lo, mẹ anh ngày một già đi nữa. Vi ơi, tương lai em phơi phới, con người nhân hậu như em phải được sống trong nhung lụa, phải được sung sướng cưng chiều. Ngẫm đi, nghĩ lại, càng suy nghĩ kỹ anh thấy anh không xứng đáng với Vi và anh không thể làm khổ Vi. Mong em hiểu anh. Em có biết anh đã đau khổ và bị giằng xé như thế nào khi nghĩ đến Vi và đã quyết định xa Vi không?
Để tránh gặp Vi, anh đã quyết định thu xếp đưa cả mẹ anh và em Hà ra Huế. Anh xin chuyển về học tiếp tại Đại Học Y Khoa Huế và tìm chỗ dậy học thêm để kiếm tiền.
Khi anh ra trường thì được tin Vi lấy Khoa và theo chồng sang Pháp. Anh buồn cho anh vì biết là anh sẽ mất Vi vĩnh viễn nhưng anh cũng rất mừng cho Vi. Hàng ngày làm việc ở nhà thương, nhìn những chuyến xe chở thương binh từ chiến trường về, hình ảnh những người vợ trẻ đi đón xác chồng ám ảnh anh... Đất nước chiến tranh tang thương quá. Vi đi xa tránh được những thảm cảnh này, anh yên tâm cầu chúc cho em và nghĩ rằng chắc chắn Vi sẽ hạnh phúc.
Ngày mai anh về lại tiểu bang Wisconsin lạnh lẽo. Chúc Vi một năm mới thật vui và hạnh phúc bên con cháu quây quần.
Tiếng Vi sụt sịt, nức nở không nói nên lời.
- Vi, em đừng khóc. Chúng ta đã đi gần hết cuộc đời rồi. Anh rất vui vì hôm nay đã nói hết với Vi. Anh luôn yêu Vi, cả cuộc đời này anh chỉ yêu có mình Vi. Mấy năm sau chị Loan đi bước nữa. Không trách chị được vì chị còn quá trẻ và chị yếu đuối như một cây tầm gửi, cần có gốc cây khác để quấn quýt, nương thân. Anh ở vậy để lo cho các cháu. Anh không thể lập gia đình nếu không có tình yêu. Nhớ đến Vi anh xót xa và thương tiếc cho mối tình đẹp của chúng mình. Không một hình bóng nào có thể xoá mờ được hình ảnh Vi. Anh vẫn âm thầm theo dõi và an tâm khi thấy Vi hạnh phúc, Vi xứng đáng được như vậy. Vả lại khi xa Vi rồi anh không muốn có những ràng buộc với người đàn bà khác. Lập gia đình thì những chuyện rắc rối không hay có thể xẩy ra làm ảnh hưởng đến tình thương của anh cho các cháu. Chúng nó chỉ còn có chỗ nương tựa là anh thôi. Nhìn chúng nó khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi anh rất mừng. Nay cả bốn đứa đã thành tài, đã yên bề gia thất và rất là hiếu đễ. Đó là những tác phẩm quý báu, phần thưởng quý báu của đời anh.
Qua vài câu chuyện với người quen ở đây anh biết Khoa đã mất mấy năm nay. Gửi lời chia buồn muộn đến Vi. Mong em luôn có sự thanh thản trong tâm hồn. Mong rằng buổi nói chuyện hôm nay khiến Vi vui hơn, yêu đời hơn vì biết được là lúc nào anh cũng yêu quý Vi và cho anh tạ lỗi vì những buồn phiền năm xưa của Vi, vì anh.
Thôi anh chào Vi nhé!
Bye nhé!

Buông ống nghe xuống Vi thẫn thờ. Giọng nói Huy như đang còn văng vẳng quanh đây. Cả một cuộc điện đàm nàng chỉ nghe và khóc, muốn nói nhưng nghẹn ngào. Vi thấy thật thương Huy. Chàng đã hy sinh chính tình yêu của mình cho người mình yêu. Chàng đã sợ Vi khổ mà cắt đứt liên lạc với nàng. Chàng có biết đâu là Vi sẵn sàng chia sẻ nếu biết hoàn cảnh gia đình chàng như vậy. Chúng mình có nhiều cách để giải quyết mà. Sao Huy đã quyết định độc đoán, bỏ nàng một cách bẽ bàng như thế. Huy không nghĩ đến cảm giác, suy nghĩ và những tổn thương cuả nàng sao.
Huy ơi, đúng như Huy nói, chúng mình đã đi đến đoạn cuối của cuộc đời. Những hạnh phúc hay đau khổ cũng đã qua. Cám ơn Huy đã giải toả hết nỗi niềm hôm nay. Vi cũng mong tâm hồn Huy luôn thanh thản. Chúng ta đã có duyên mà không nợ. Gặp nhau mà không được sống với nhau suốt đời. Gặp nhau mà đã để mất nhau. Bây giờ khi nghĩ đến nhau hãy nghĩ về một mối tình thơ, tình mơ. Mối tình ấy sẽ đẹp mãi trong tâm tưởng của chúng ta.
Qua khung cửa sổ, buổi chiều đang xuống thật êm đềm. Đường chân trời nhuộm một màu tím nhè nhẹ, bâng khuâng, man mác.

Đỗ Dung

Thất Tịch Là Gì?


Thất tịch đang là ngày được nhiều người quan tâm đến. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết thất tịch là gì, bắt nguồn từ đâu, và có ý nghĩa gì.

Thất Tịch là gì? 

Thất Tịch là một ngày lễ của người Phương Đông (Châu Á) và phổ biến nhất ở các nước Đông Á, Đông Nam Á. Lễ Thất Tịch được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm và năm 2020 rơi vào ngày 25 tháng 8 dương lịch. 

Thất Tịch tiếng Hán là 七夕, tại Hàn Quốc gọi là lễ Chilseok (칠석), người Phương Tây gọi là ngày Valentine Đông Á. Nhật Bản cũng có lễ Thất Tịch, gọi là lễ Tanabata (七夕) nhưng được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 dương lịch. 

Ngày lễ này gắn liền với tích Ngưu Lang Chức Nữ, Việt Nam còn gọi là tích ông Ngâu, bà Ngâu. Truyện kể rằng sau một năm xa cách cứ đến ngày 7 tháng 7 hằng năm Ngưu Lang, Chức Nữ mới được gặp nhau bên cầu Ô Thước, truyện có nhiều dị bản. 

Nguồn gốc của ngày Thất Tịch 

Theo sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ phiên bản Việt, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê công việc, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. 

Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông Ngân. 


Ngày Thất Tịch bắt người từ câu chuyện tình cảm của Ngưu Lang - Chức Nữ. 

Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu. 

Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. 

Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng Bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. 

Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. 

Tuy nhiên, sau một thời gian vì cảm thương cho sự chia lìa của cặp vợ chồng, Ngọc Hoàng đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc và ra lệnh họ phải làm một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau. Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ được sống bên nhau. 

Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra. 

Ý nghĩa ngày Thất Tịch 

Thất Tịch giống như là ngày Valentine 14 tháng 2 của phương Tây, là ngày của tình yêu nhưng mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn. 

Ngoài đi chùa làm lễ, đốt nhang nguyện cầu, những người độc thân còn hay ăn chè đậu đó như một phương thức tâm linh hy vọng mau chóng tìm được người tâm đầu ý hợp, kết tóc se duyên. 

Vào đêm Thất Tịch, chòm sao Chức Nữ tỏa sáng lấp lánh, do đó nếu hai người yêu nhau cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang, Chức Nữ và thề hẹn sẽ được bên nhau mãi mãi. 

Thất Tịch ở Việt Nam 

Ở Việt Nam, Thất Tịch được xem là một ngày lễ cầu duyên. Cứ đến ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm những nam thanh, nữ tú, những đôi trai gái yêu nhau sẽ kéo nhau đến chùa làm Lễ Thất Tịch. Người có tình duyên lận đận thì cầu cho mọi sự suôn sẻ, mau chóng tìm được ý chung nhân như ý. Người yêu nhau thì cầu cho tình yêu bền chặt, đi được với nhau đến cuối cuộc đời. 

Lễ Thất Tịch tồn tại trong văn hóa của người Việt Nam từ xưa chứ không phải mới du nhập như nhiều người lầm tưởng. Nhưng có lẽ vì khi ấy chuyện cưới hỏi đều do cha mẹ quyết định, và ngày lễ này chỉ nhắm vào đối tượng cần tìm người yêu (ở độ tuổi 15 – 25) nên không được nhiều người quan tâm và có sức ảnh hưởng như bây giờ, khi mà tình yêu và hôn nhân đã được tự do chọn lựa. 

Trước năm 1860, Lễ Thất Tịch được gọi là Tết Tiểu Xảo hay Lễ Thù Du. Tết Tiểu xảo là tết nữ công gia chánh của con gái. Vào ngày này, mọi người sẽ bày bánh trái trước trăng để cầu mong nhân duyên tốt đẹp và sự khéo léo, đảm đang. Còn trong cung Vua sẽ tổ chức Lễ Thù Du, ban quà bánh cho các quan viên. 

Thất Tịch năm 2020 rơi vào ngày 25 tháng 8 (dương lịch) 

Hoàng Nam
(Minh Tong sưu tầm)

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Nét Vẽ Của Họa Sĩ Mùi Quý Bồng

Em? Hay Hoa Sen?
Acrylic on Canvas, 16”x40” 

My (Always) Better Half
Acrylic on Canvas, 16”x40”

Nón Nghiêng Nắng Hạ
Acrylic on Canvas, 20”

Trăng, Trúc Và Em
Acrylic on Canvas, 20”x20”

Mùi Quý Bồng

Mưa Đêm Tháng Bảy



Mưa Đêm Tháng Bảy

Ừ thì lạ cũng thành quen
Ừ thì mưa cũng thêm phiền muộn rơi
Giọt trên cao, giọt không lời
Sao nghe như cả một đời nhớ nhau
Cứ là tháng Bảy mưa Ngâu?
Hay là tháng Bảy mưa màu mắt em?
Mưa trên khuôn mặt thật mềm
Vẫn trăm năm mặn mấy miền biển xa
Mưa từ tiền kiếp mưa qua
Mang theo tháng Bảy lớp da thịt buồn
Đêm nay nghe vọng mười phương
Chút hơi thở cũ mùi hương phấn đời
Có người thầm gọi... mưa ơi!

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Gót Chân Son - Vội



Chân trần nhẹ lướt cỏ xanh non
Lạnh hạt sương đêm đọng giọt còn
Mơn trớn da ngà làn gió sớm
Vo tròn tuổi mộng gót chân son

Vô tư nhàn thả bước thong dong
Khép nép chân ngoan nụ thắm hồng
Trong trắng tim nồng môi xử nữ
Bước em tình sử trải hoa lòng

Rồi chiều nao bỏ hết ngây thơ
Đôi mắt hồn nhiên biết đợi chờ!?
Tóc xõa vai đầy ôm nắng mới
Chạnh lòng thi sĩ …chạm dòng thơ

Chân trần mòn gót bước điêu linh
Nghìn dặm xa nhau vướng chút tình

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Vội


Ngập ngừng... nửa... nửa bước chân
Bao vương vấn, vẫn đầy sân lá vàng
Nhớ thương tình tự mơ màng...
Xót xa, sao nỡ vội vàng sang ngang!

dovaden2010 (DVD)

Gửi Bạn



Chốn nhàn nơi xóm vắng
Lối cỏ lạc vườn hoang
Chim ngủ bờ ao tối
Ngẩn ngơ ánh nguyệt vàng

Vướng chi chuyện thế sự
Đã một đời tha hương
Đành lẽ Trời luân chuyển
Cùng Thông trong cõi Thường

Ngày lại ngày an phận
Quẩn quanh bốn bức tường
Buồn vui chỉ biết vậy
Cho trọn kiếp phong sương?


Phạm Khắc Trí
Mây Tần
***

Bốn mùa thấm thoát qua
Năm tháng có đâu là
Một thứ dung môi mạnh
Làm tâm trí nhạt nhòa.

Quên Đi
***

Ba Vạn Sáu Ngàn Ngày Là Mấy?

1)Đời ngắn ngủi mau qua
Ta chưa tỉnh ngộ là
Toi công mà lãng phí
Mòn trí tuệ phai nhòa
2)Một kiếp đời nhanh quá
Đôi quê, nhớ cố hương
Già hom hem quên tá
Buồn mái tóc pha sương

Mai Xuân Thanh
Ngày 20/07/2020
***
Một Nhịp Thôi...

Thời thế cứ dần trôi.
Sống chậm một nhịp thôi.
Sẽ thấy lòng thanh thản
Phiền não nhẹ nhàng vơi!

Kim Oanh

Dịu Dàng Cơn Nắng Hạ


Em đã có những mùa Hạ thần tiên,
Đã hồn nhiên như trời xanh mây trắng,
Đã rực rỡ như buổi trưa ngập nắng,
Và nắng dịu dàng từ lúc gặp anh .

Ngọc Ngà đi xồng xộc vào nhà, cô tháo cái túi cặp trên vai quẳng một cái là nó nằm chình ình trên bàn, thiếu chút nữa làm rơi đổ cả bình hoa mà mẹ cô đã công phu hái hoa tươi từ vườn cắm vào bình. Bà Bông phải kêu lên:
- Ối, con ơi, coi chừng đổ hình hoa của mẹ.
- Ngày nào cũng thế, có bao giờ con làm đổ bình hoa của mẹ đâu mà mẹ lo 
Rồi cô hỏi mẹ một hơi:
- Hôm nay ăn cơm với gì mẹ? Có món cá kho không? con đang đói bụng qúa mẹ lấy cho con tô cơm đi. 
Bà Bông cũng mắng con gái một hơi:
- Con gái con lứa thì phải khoan thai dịu dàng, ăn nói từ tốn, đi học về cặp sách để cho đúng chỗ, thay quần thay áo rồi mới ra ăn cơm chứ, mày về đến nhà như cơn bão không báo trước, chốc nữa là nhà cửa lại xáo trộn, bừa bãi lên cho mà xem.

Cô chạy bay vào phòng để thay quần áo, vẫn chiếc áo thun hở cổ, hở tay và chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn, thoải mái thế mà cô còn kêu lên ầm ĩ:
- Nóng qúa mẹ ơi! Mùa hè mẹ phải mở thật lạnh mới đã.

Rồi cô ra chỉnh lại nhiệt độ trong nhà, với cô 70 độ F mới là vừa. Trong khi ông bà Bông thích nhiệt độ 76 hơn. Thế là hai ông bà phải chiều con gái, nó đi vắng thì mở nhiệt độ theo ý mình, nó về nhà mình phải theo ý nó, và đôi khi bà Bông phải khóac thêm chiếc áo nữa cho bớt lạnh giữa mùa hè nắng cháy. Ông đã từng an ủi bà: “ Mình chiều con mình chứ chiều ai, nó sinh ra ở Mỹ, đến trường học nhiệt độ kiểu Mỹ quen rồi, người Việt Nam mình xứ nhiệt đới, khi mình ấm thì tụi Mỹ cần mở máy lạnh. Cũng như khi tụi Mỹ thấy mát mẻ là mình ớn lạnh cả thịt da”.
- Mẹ chưa lấy cơm cho con hả? Cô sốt ruột hỏi lại mẹ.
- Đợi bố về chỉ ít phút nữa thôi, mẹ sẽ dọn đủ cơm, canh, đồ kho nóng hổi cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn luôn thể.
- Không được đâu, con không thể đợi dù một giây, vì con đang đói, đói qúa trời luôn.

Chẳng cần đợi mẹ làm, Ngọc Ngà vào bếp bới cơm và lấy đồ ăn đầy một tô lớn rồi ra ghế sa lông ngồi tựa người ra ghế, hai chân gác lên bàn, một tay bưng tô cơm tay kia bấm lia lịa cái remote control tìm đài coi Ti vi, vội vàng như trời sắp xập, không còn dịp để coi nữa. 

Bà Bông đến bên con gái ngọt ngào:
- Con ơi, lớn rồi mà ngồi ăn uống thế này người ta cười cho đấy.
Cô không quan tâm đến lời mẹ, mải ăn và khen:
- Ôi, món cá kho hôm nay mẹ làm ngon lắm, chắc con phải ăn thêm tô cơm nữa, mai mẹ kho cá nữa nhé?
Bà Bông “năn nỉ”:
- Nhưng con có nghe lời mẹ vừa nói không? bỏ hai chân xuống khỏi bàn giùm mẹ đi. Tập cho nó quen đi.
Bây giờ cô mới ngạc nhiên, nhìn mẹ:
- Ngày nào con chả ngồi thế này, thoải mái quen rồi mà, nhưng hôm nay sao mẹ khó tính thế?
Bà Bông nghiêm trang nói với con:
- Nhà mình sắp có khách đến chơi cả tuần, con là con gái lớn rồi, 18 tuổi đầu sang năm vào đại học rồi chứ còn bé bỏng gì đâu, đừng để người ta cười con.
Cô có vẻ giận dỗi vì bị “xúc phạm”:
- Ai đến nhà mình thì kệ họ, con có đụng chạm gì đến họ hay làm sai trái đâu mà họ cười con?
- Mẹ hiểu ý con, nhưng con không hiểu ý mẹ, dưới mắt một người khách lạ mẹ muốn người ta nhìn con gái mẹ thuỳ mị dịu dàng, dễ thương ấy mà.
Cô phản đối:
- Có mấy thằng bạn cùng lớp đang theo tán tỉnh con, khen con dễ thương kia kìa, mẹ không tin con dẫn tụi nó về cho mà xem.
- Nhưng chúng chưa hề nhìn thấy con ngồi ăn cơm bưng cả tô, chân thì gác ngang gác dọc lên bàn “ba gai” như thế này, chúng không biết rằng chưa bao giờ con rửa bát, lau nhà, giặt giũ quần áo. Tất cả những công việc ấy toàn mẹ làm cho con.

Ngọc Ngà tò mò ngắt lời mẹ:
- Nhưng người khách lạ nào sẽ đến nhà mình mà quan trọng thế?
- Là bạn của anh Tiến con, làm cùng hãng ấy mà. Họ sẽ từ Seattle về đây nghỉ vacation một tuần.
Cô ngạc nhiên:
- Anh Tiến lấy vacation về nhà mình thì đúng rồi, còn anh kia theo đến đây làm gì? 
- Họ là bạn thân, ngày anh Tiến ra trường về hãng nhận việc thì anh Hiếu đã tận tình chỉ dẫn những bước đầu tiên. Rồi mỗi cuối tuần anh Tiến con đều được anh Hiếu mời đến nhà ăn uống hay tham dự vui chơi cùng gia đình, cha mẹ anh Hiếu cũng qúy mến Tiến như con cháu trong nhà, nên Tiến muốn mời Hiếu về nhà mình chơi, để giới thiệu một người bạn tốt cho vui. Đơn gỉan chỉ thế thôi.

Cô nhăn mặt, khó chịu:
- Anh ta sẽ ở đây một tuần, bận rộn cả nhà mình ra chứ vui gì?
Bà Bông dặn dò:
- Con đừng nói thế, lỡ quen miệng hôm nào có mặt anh Hiếu con lại nói ra thì mất lòng nhau. Nhớ là phải cẩn thận suy nghĩ trước khi nói nhé, mẹ sợ cái tính ăn nói bừa bãi của con lắm. 
Ông Bông đi làm về tới, nhìn hai mẹ con, ông vui vẻ:
- Có chuyện gì mà hôm nay hai mẹ con gần gũi tâm tình thế nhỉ?
Ngọc Ngà mách bố:
- Nhà mình sắp có khách, mẹ muốn con ăn nói đàng hoàng tử tế cho ra dáng con gái, làm như bấy lâu nay con là thằng con trai trong nhà này ấy.
- Mẹ con qúa lo xa, với bố, con luôn là đứa con gái đáng yêu.
Cô mỉm cười chiến thắng, bà Bông lườm yêu chồng và lo dọn bữa cơm chiều cho chồng.
Khi ông Bông đến giờ ngồi vào bàn ăn thì hai vợ chồng cùng nhỏ to trò chuyện. Bà than thở:

- Đấy, ông xem, con gái nhà mình ngang ngược chưa?, vừa về đến nhà là chỉnh lại nhiệt độ trong nhà cho mát lạnh theo ý nó, tôi và ông là đa số mà phải thua thiểu số, xong nó đòi ăn cơm ngay, không kịp đợi bố về để cả nhà cùng ăn, mà nhà chỉ có 3 người chứ nhiều nhặt gì, hai anh nó, anh lớn thì đã lập gia đình ở riêng, anh Tiến đi làm xa. Vậy mà ngày xưa, ở tuổi 42 tôi bất chấp sự nguy hiểm của tuổi đang về gìa có thể đẻ con khờ con dại , cứ cố công đẻ thêm một đứa con gái để hú hí, để vui nhà vui cửa, tôi đặt tên nó là Ngọc Ngà vừa có nghĩa cưng qúy, thương yêu như ngọc như ngà vừa có nghĩa yểu điệu tiểu thư, mà nó thì ngược lại.
- Thì con nó đói, ăn trước có sao đâu, tôi với bà ăn lúc nào cũng được, bà đừng bắt con vào nề nếp, nguyên tắc qúa. Thời gian và công việc của nó khác của chúng ta.
- Ông chỉ bênh con gái, nó càng ngổ ngáo thêm thôi. Hôm nọ nó còn đòi đi học võ gì đó để tự vệ, phòng thân, tôi không cho và nói rằng tướng mày nghênh ngang thế kia, mày không ăn hiếp người ta thì thôi, ai dám ăn hiếp mày? nó mới thôi.
- Con gái học võ cũng tốt chứ sao, vừa khỏe mạnh vừa an toàn cho bản thân. Ông tiếp tục bênh con gái

Bà kể tội thêm:
- Có lần nó còn nói thích …lái máy bay nữa chứ. 
- Trẻ con lớn lên ở Mỹ đứa nào chẳng có những ước mơ, ngay cả những ước mơ không giống ai. Biết đâu, vì nó thích du lịch, thích đi máy bay, giống như tôi ngày xưa, mơ lớn lên làm…lơ xe đò, chỉ vì khoái đi xe đò miễn phí? 
Bà thì thầm nói nhỏ, sợ con gái nghe thấy:
- Được thế còn may, tôi chỉ sợ nó giống con trai, đồng tính thôi ông ạ.
Ông gạt đi:
- Bà nhiều tưởng tượng làm gì cho khổ, mà nếu đúng như thế cũng chấp nhận, dù giới tính nào cũng là con người, cũng có mặt xấu, tốt như bất cứ thành viên nào trong xã hội. Con Ngọc Ngà nhà mình có 2 anh trai, nên từ nhỏ chỉ chơi đùa với các anh, cùng đi coi phim, đi câu cá, nên tính tình giống con trai là đúng rồi. Gía bà đẻ hai đứa con gái cho nó có chị có em thì đâu đến nỗi…
Nét mặt bà tươi lên, bà thì thầm với ông:
- Ông cũng biết rồi đấy thằng Tiến sắp sửa dẫn người bạn nó về đây, nghe nói anh Hiếu là người tốt, con nhà tử tế, chưa vợ, chưa người yêu. Tôi cũng mong dịp này anh ấy để mắt tới con Ngọc Ngà và vài năm nữa rước nó đi cho tôi yên tâm, chứ tính khí nó như thế có mà ế chồng.

***
Anh Tiến đã về nhà cùng với bạn, Hiếu hơn Tiến một tuổi và ra trường đi làm cũng trước Tiến một năm. Đồng trang lứa, lại hợp tính tình nên hai người đã là bạn thân.
Bà Bông mừng thầm trong bụng khi thấy Hiếu, mới gặp lần đầu là bà đã chấm ngay rồi. Hai con trai đã ngoan mà có thêm thằng rể ngoan nữa thì nhà bà thật có phước.
Bà chỉ còn một mối lo là con Ngọc Ngà có được anh Hiếu để mắt đến không?
Bữa cơm đầu tiên đón khách bà Bông làm thật trang trọng, nhiều món, nào thịt nướng, tôm lăn bột, gỏi ngó sen, súp măng tây… món nào cũng công phu và hấp dẫn.
Ngồi vào bàn ăn Tiến ân cần giới thiệu cha mẹ với bạn, đến lượt cô em gái, anh nói ngắn gọn cho xong:
- Em tôi, Ngọc Ngà.
Hiếu nhìn Ngọc Ngà, mỉm cười thân mật:
- Chào em, hôm nay anh mới biết Tiến có em gái.
Tiến nói nửa đùa nửa thật:
- Vì chẳng có gì để nói về nó cả, tính tình ngang ngược, khó ưa.
Nhưng Hiếu vẫn bắt chuyện với cô em khó ưa của bạn:
- Anh được tham dự một bữa cơm ngon thế này chắc là có công không ít của Ngọc Ngà đấy nhỉ?
Ngọc Ngà hồn nhiên đáp:
- Em không nấu nướng bất cứ món gì, tất cả mẹ em làm đấy. 
Bà Bông đỡ lời cho con:
- Hôm nay em nó bận học bài…

Bà Bông nói xong nhìn con gái chưa kịp ra tín hiệu “nhắn gởi” điều gì thì cô đã nhanh nhẩu:
- Nhưng dù không bận thì em cũng không chạm tay vào bếp đâu, mẹ em từng nói là em đụng đâu hư đó, mẹ không khiến, thà để mẹ làm một mình còn hơn. Ngay cả rửa bát, quét nhà em cũng chưa hề biết đến bao giờ …

Bà Bông “đau khổ” nhìn con gái chết lặng vài giây rồi vội vàng kêu lên để ngăn chận cô con gái không qúa đà nói tiếp và hi vọng dư âm câu nói của con gái mau tan biến trong lòng mọi người:
- Ơ kìa, các con ăn đi cho nóng. Bún thịt nướng có rau thơm tươi mới hái ngoài vườn.
Ngọc Ngà hãnh diện khoe:
Lúc nãy em có nhặt rau thơm cho mẹ, em nhặt cả một rổ rau đầy…
May quá nó cũng nói được một câu...đỡ vô duyên

Hiếm hoi được dịp Ngọc Ngà ngồi vào bàn ăn cơm chung với mọi người như ngày hôm nay nên bà Bông vui vẻ gợi chuyện:
- Cháu Hiếu về Texas thấy lạ không? Nơi đây nóng chắc không mát mẻ và êm đẹp bằng Seattle nhỉ?
Hiếu lễ phép đáp:
- Cháu đã đi nhiều nơi, nhưng lần đầu tiên mới đến Texas, ở nơi đâu cũng có vẻ đẹp của nó bác ạ, khó lòng mà so sánh.

Bà Bông càng hài lòng vì sự tế nhị khôn khéo ấy, thanh niên con trai mà ăn nói đâu ra đấy, so sánh với con gái bà một trời một vực, thì bà càng chẳng dám hi vọng gì con gái sẽ “cảm” được anh Hiếu, chưa gì nó đã khai huỵch toẹt ra là chẳng biết nấu ăn thì còn anh nào để ý tới, để mà cưới về một con vợ đỏang?

Tiến bàn:
- Dự báo thời tiết suốt tuần này nóng lên tới gần trăm độ, con tính rủ Hiếu đi biển chơi vài ngày cho mát.
Tiến vừa dứt lời thì Ngọc Ngà mừng rỡ reo lên:
- Phải đấy anh Tiến, cho em đi với.
Cô quay sang nhìn Hiếu:
- Anh có thích bơi không? Chúng ta sẽ bơi đua nhé?
- Thật tuyệt vời, đây là sở thích và sở trường của anh.
Bà Bông thất vọng khẽ thì thầm với chồng:
- Nó chẳng đợi ai mời tự ý xin đi chung, thế có vô duyên không?
Ông mỉm cười dễ dãi:
- Thích thì nói ra, ai lạc hậu cổ kính như bà. Anh Tiến nó chứ ai xa lạ mà phải kiểu cách.
- Nhưng còn anh Hiếu, kẻo người ta lại hiểu lầm, đánh thấp gía trị của nó.
- Tôi thấy anh Hiếu tỏ vẻ vui mừng vì có nó đi cùng, bà cứ để con nó tự nhiên , biết đâu thế mà hay.

Hôm sau ba người sửa soạn đi biển, Ngọc Ngà chọn quần áo, và những đồ dùng cần thiết khi đi tắm biển. Bà Bông ngồi nhìn con lựa quần áo mà thở dài:
- Mẹ ước gì con thích mặc chiếc áo dài hay áo bà ba của Việt Nam thì sẽ dịu dàng biết mấy! 
- Mẹ ước mơ không đúng lúc tí nào cả, con đi tắm biển chứ có đi biểu diễn thời trang đâu mà mặc quốc phục Việt Nam của mẹ?

Bà ngao ngán nhìn nó tay xách nách mang những túi đồ. Ra đến sân, Ngọc Ngà đứng từ xa thẩy từng túi đồ vào một góc của trunk xe đang mở sẵn, thật chính xác, chắc nhờ ngày nào đi học về cũng quăng cặp sách lên bàn nên quen tay rồi? nhanh nhẹn và tháo vát không thua gì bọn con trai, đến nỗi anh Hiếu muốn phụ giúp cũng không kịp.

Người đâu mà khờ thế, không biết làm duyên, ra vẻ chân yếu tay mềm nũng nịu với người khác phái để được chiều, được cưng. Ngày xưa chuyện lớn chuyện nhỏ gì bà cũng thủ thỉ nhờ vả anh Bông khi ấy đang quen bà, anh đã sung sướng làm ngay.

Ngày xưa bà cũng bằng tuổi con gái bây giờ mà đã biết làm điệu cho mấy thằng bạn học cùng lớp ngẩn ngơ, có một thằng bạn cùng lớp yêu bà, chuyện tình học trò chẳng đi tới đâu, bà đã để lại một vết thương lòng êm ái cho nó khi bà đi lấy chồng. Ông Bông, anh lính Hải Quân đẹp trai ngày đó đầy kinh nghiệm biển khơi mà vẫn “chết chìm” trong sóng mắt cô em gái hậu phương người dưng khác họ.

Trên đường tới biển Corpus Christi, Tiến ghé vào San Antonio, để cho Hiếu thăm River Walk. Giữa lúc trời nắng nóng ghé vào đây, đi dạo bên bờ sông mát rượi dưới bóng cây cao thật là thú vị. Nghe nói người thiết kế khu du lịch này là một người Châu Á, nên nơi đây có trồng nhiều cây nhiệt đới như chuối, dừa, tre trúc, hoa dâm bụt, hoa Cúc v..v. Đã đến đây vài lần cùng với gia đình nên Ngọc Ngà hầu như quen thuộc, cô đi dọc theo bờ sông, chân bưóc bên cạnh những cây Wandering Jew, lá cây và thân cây màu tim tím bò lan man với những ngọn vươn lên ngoe nguẩy trên mặt đất, Ngọc Ngà thích cây này chỉ vì cái tên lạ lùng “Wandering Jew” của nó, có nghĩa là “Người Do Thái Lang Thang”.

Hiếu theo sau luôn nhắc nhở:
- Cẩn thận nhé Ngọc Ngà, coi chừng ngã xuống sông.
Cô nghênh mặt nhìn anh::
- Có khi chính anh sẽ là người ngã xuống sông và em phải nhảy xuống cứu anh đấy.
- Ngoc Ngà quên là anh cũng biết bơi à?


Đi dạo mỏi chân, họ ghé vào một tiệm giải khát, chọn bàn ngồi bên ngoài, nhìn kẻ qua người lại và những chuyến canoe chở đầy du khách trên sông trước khi tiếp tục cuộc hành trình đến biển.
Đến Corpus Christi khỏang 4 giờ chiều, việc đầu tiên là thuê khách sạn để được cất hành lý và nằm thẳng cẳng thư giãn trên nệm trong căn phòng mát lạnh, nghỉ ngơi cho lại sức sau mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe mới ra tắm biển. Khách sạn nằm gần biển chỉ vài phút đi bộ nên rất thuận tiện..

Biển mùa hè trong xanh, những đợt sóng ào ạt xô lên bờ rồi chạy lùi lại, tan biến đi vào biển khơi. Ngọc Ngà bơi ra xa và thỏa thích ngụp lặn theo từng con sóng, thỉnh thỏang những con sứa biển trôi dạt đụng vào người, cô cầm và ném chúng xa hơn như một trò chơi mà không biết chán.
Ngọc Ngà đã bơi đua cùng với anh Tiến, anh Hiếu. hai anh lịch sự cho cô thắng, cô biết thế vì cô thấy sức bơi của Hiếu gần như một người chuyên nghiệp, sở trường của anh ấy mà. Thế mà cô háo thắng cứ tưởng sẽ hạ anh dễ dàng.

Khi hoàng hôn xuống, biển thưa người và sóng đánh mạnh hơn, ào ạt hơn, thì cả ba cũng thấm mệt trở về khách sạn tắm rửa rồi đi ăn tối.
Hai ngày ở Corpus Christi, sáng tắm, chiều tắm, hay đi dạo trên phố biển về đêm, những cuộc vui thường ngắn ngủi. Ngày mai họ sẽ trở về nhà.

Chẳng hiểu sao hai đêm trước Ngọc Ngà đều ngủ ngon, mà đêm nay cô lại khó ngủ? cô sẽ về nhà, không còn những giây phút vui chơi với biển hay với anh Hiếu? 
Cô thiếp đi được một giấc ngắn và tỉnh dậy, hình như cô đang hồi hộp tiếc từng giờ, từng phút đang trôi qua, phải rời khỏi nơi đây? Ngọc Ngà trở dậy, thay quần áo, soi gương thấy gương mặt mình không giống thường ngày, không là một con bé bướng bỉnh gan dạ nữa, cô cũng yếu lòng và đa cảm qúa chừng.

Cô bước ra ngoài, cửa phòng anh Tiến và anh Hiếu vẫn đóng, chắc họ đang còn ngủ say như hai ngày qua sau những lần tắm biển vui và mệt nhoài.
Cô lang thang ra biển một mình, lang thang như lòai cây “Người Do Thái Lang Thang” mà cô đã yêu thích. Buổi sáng tinh mơ, phố phường còn tiếc rẻ giấc nồng say, chưa buồn tỉnh dậy, những ngôi nhà còn im khung cửa sổ, cô đi qua những con đường vắng, hai bên hàng cây cọ vươn cao, lá xòe đón ngọn gío trong lành từ biển thổi về, dưới bước chân cô vạt cỏ ngậm hơi sương ướt lạnh mà lát nữa đây khi nắng lên sương sẽ tan. Thật mong manh, tội nghiệp!

Bây giờ thì cô đang đứng trước biển, biển không người mới hoang sơ làm sao. Mặt trời ửng đỏ, soi trên mặt biển lấp lánh theo sóng nước một màu cũng ửng đỏ như thế, đẹp như bức tranh vẽ. Một con tàu đang lênh đênh ngoài khơi, chắc đang chuẩn bị cho một chuyến hải hành?

Cô đi chậm rãi trên bờ cát mịn, suốt đêm qua biển không người, biết bao nhiêu đợt sóng đã tràn qua đây, vuốt ve bãi cát cho đến khi mịn màng phẳng lặng. Những cuộc vui hôm qua đâu? những người vui hôm qua đâu? Những dấu chân và tiếng cười, tiếng nói đã về đâu? 
- Ngọc Ngà…
Tiếng gọi làm cô giật mình trở về thực tế, anh Hiếu đang đi tới, giọng anh lộ rõ niềm vui:
- Thật bất ngờ khi gặp em ở đây.
Cô bỗng bối rối:
- Anh cũng thích ngắm biển vào buổi sáng à?
Giọng anh êm đềm như sóng biển đang rì rào kia
- Cả đêm qua anh không ngủ được, nên muốn dậy sớm ra biển dạo quanh vài vòng, vì chốc nữa chúng ta tạm biệt biển rồi. Tự nhiên anh thấy tiếc…

Tí nữa thì cô buộc miệng kêu lên :” Em cũng thế”, nhưng cô đã kịp nói khác đi:
- Biển buổi sáng đẹp lắm phải không anh?
Cô chợt nhớ lời mẹ dặn, phải suy nghĩ trước khi nói, lần đầu tiên cô thấy mẹ thật là khôn khéo, thật là tuyệt vời.
- Đẹp đấy, nhưng sẽ buồn vì ngày vui qua mau.
- Vậy thì mùa hè sang năm anh lại nghỉ hè về đây với anh Tiến em và đi tắm biển nữa.
Anh Hiếu chợt dừng chân, nhìn cô và hỏi:
- Nhưng anh về, em có đi chơi biển với anh nữa không?
Cô đáp lí nhí, vẻ ăn to nói lớn ngày thường biến đâu rồi:
- Có chứ ạ.

Cả hai lại tiếp tục đi dạo trên bờ biển, sóng nhè nhẹ chỉ vừa đủ làm ướt chân người đi bên cạnh biển. Những tia nắng mỗi lúc một rạng rỡ hơn, trời sáng hơn và người ta lác đác ra biển, không phải để tắm mà cũng để đi dạo hay ngắm biển lúc bình minh.
Anh Tiến đã dậy và ra biển tìm hai người, anh hỏi Hiếu:
- Cô em tôi lại rủ bạn ra đây để chạy đua có phải không?
Anh định la cô em gái nếu Hiếu không đáp ngay:
- Không, chỉ là tình cờ cả hai cùng dậy sớm ra biển và gặp nhau. Nhờ thế mới biết biển tinh mơ đẹp làm sao.
Anh Tiến nói:
- Mình về khách sạn thay đồ đi ăn sáng, dạo chơi quanh quẩn phố xá rồi trả khách sạn trước 12 giờ trưa để về nhà.
Ngọc Ngà bâng khuâng nói thì thầm với chính mình:
- Thế là chiều nay biển này sẽ vắng chúng ta. Xin chào biển nhé.

***
Anh Hiếu chỉ còn ở lại Texas hai ngày, là hai ngày Ngọc Ngà khép nép dịu dàng hẳn ra, cô không nói năng tùm lum, không dám ngồi vắt chân lên bàn, kiên nhẫn đợi ăn cơm cùng với cả nhà dù đi học về là bụng đói meo, chỉ muốn ăn ngay. Cái màn tung chiếc túi cặp xách bay vèo lên bàn không còn nữa, cô cẩn thận và nhẹ nhàng để túi cặp vào một góc kệ.

Bà Bông nhận ra điều ấy ngay, không ngờ chỉ một chuyến đi chơi biển đối với bà đầy bất trắc lo âu, mà lại có kết qủa ngược đời như thế. Thay vì mấy ngày gần gũi anh Hiếu kia sẽ chán cô con gái “vô duyên”của bà thì anh lại mến cô, và cô thì thay tính đổi nết như có chiếc đũa thần nào đó vừa hóa phép màu. Trong khi bấy lâu nay bà cố công giảng giải, thuyết phục chẳng thấm thía vào đâu.

Bà Bông hí hửng khoe với chồng:
- Hình như hai chúng nó, anh Hiếu và con Ngọc Ngà mến nhau rồi, nó chẳng cần phải dùng đến “bí quyết” của tôi ngày xưa là nũng nịu, đong đưa, và làm tình làm tội bạn trai . Thế mà vẫn “câu” được anh Hiếu. Thế mới lạ !
Ông Bông thản nhiên bảo bà:
- Chẳng có gì là ngạc nhiên cả, tôi đã nói bà rồi, cứ để cho Ngọc Ngà tự nhiên, không cần phải sửa tính sửa nết, tình cảm nếu có cũng tự nhiên mà đến, thế mới là từ đáy lòng. Tôi mặc dù ngày ấy bị vô tròng của bà, nhưng cũng may cho bà là tôi yêu bà thật tình. Thật là trầy da tróc vẩy tôi mới lấy được bà.
Bà tự hào :
- Vậy là ông có phước lắm đó. Kiếp sau tìm gặp tôi nữa nhé.

- Một kiếp đã đủ lắm rồi, kiếp sau xin bà tha cho tôi đi …tìm một tình yêu khác để thay đổi không khí. Thôi trở lại chuyện anh Hiếu mến con gái mình, biết đâu cũng vì tính nết vô tư, thẳng thắn của nó, và nó cũng mến anh ấy đấy. Bà trông nó bây giờ như một thiếu nữ rồi nhé, có hơi hướm tình yêu c khác, biết e lệ, bối rối, không xồng xộc như thằng con trai trong lo âu tưởng tượng của bà đâu.

Bà Bông nhẹ nhỏm cả lòng, cô con gái ngang tàng của bà bỗng trở nên thùy mị, ngoan ngoãn. Bây giờ Texas đang giữa mùa hè nắng lửa, nhưng bà Bông thấy nắng dịu dàng làm sao, dịu dàng như con gái của bà.

Nguyễn Thị Thanh Dương.

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Xướng Ngôn Viên Đài Truyền Hình Cần Thơ - Trước 1975 - Phan Thị Thanh Vân



Cựu Nữ Sinh Lớp Đệ Ngũ - Trường Bán Công Nguyễn Thông - Vĩnh Long


Cựu Xướng Ngôn Viên Đài Truyền Hình Cần Thơ - Trước 1975


Hình này chụp sau khi đọc tin trong Đài Truyền Hình Cấn Thơ


Năm 1970, 1971 Thanh Vân còn ở Vĩnh Long và nhà bắt được làn sóng để xem Đài TH số 9 từ Sài Gòn, quả thật ba má cũng như Thanh Vân rất ái mộ cô Mai Liên và ông Trần Nam trình bày Tin Tức và Bình Luận. Hai người này là XNV chính, nồng cốt của Đài, họ có giọng nói truyền cảm, khuôn mặt dễ mến, và nói giọng miền Nam. Đài TH Sai Gòn có các XNV giọng Bắc nữa.

Sau đó năm 1972, Thanh Vân sang Cần Thơ học. Cần Thơ có Đài TH số 7, phát sóng cho các tỉnh miền Tây vì từ đài số 9 ở Sai Gòn không đến được vùng lục tỉnh. Đài TH Cần Thơ chỉ có 3 Xướng Ngôn Viên, điều kiện thi tuyển là phải nói giọng Nam miền Lục Tỉnh (hihi dân nhà quê đó mà !) và phải có bằng Tú Tài 2. Thi tuyển cũng gắt gao vì rất đông người tham dự (hơn 1000 người để tuyển chọn 2 XNV). Vòng sơ tuyển do Đài Cần Thơ chọn, vòng chung kết có 10 thí sinh, cho thí sinh đọc bài và giới thiệu chương trình, thu băng và gởi về Đài chính là Sài Gòn để Đài Trung Ương chọn. Hihihi..., Thanh Vân lúc ấy đang học Luật năm thứ nhất, nhà trọ chỉ cách Đài TH vài bước (ở trọ nhà ông Giáo Xứng, một biệt thự ở số 2 đường Minh Mạng nối ra đại lộ Hoà Bình, nơi có cơ sở Quân Đoàn 4 đóng). Nên Tv có đi dự thi cho vui .. vậy mà “chó ngáp phải ruồi" Thanh Vân được vào chung kết với 10 người khác. Vì gởi lên Sài Gòn chọn nên thời gian trôi qua, Thanh Vân cũng quên và cũng nghĩ : “làm sao mình được chọn mà mơ hão huyền”. Hai tháng sau, Thanh Vân đi học về, ông Giáo (một người có uy tín ở Cần Thơ) nói: “cô Vân, ông Chủ Sự phòng Hành Chánh Đài Truyền Hình đến tìm cô, bảo cô vào Đài trình diện.”

Qua ngày sau, Thanh Vân vào Đài và ngay tối đó lên đọc tin tức. Ở Vĩnh Long, gia đình thấy Thanh Vân trên Đài mới biết là Thanh Vân có dự thi và được chọn. Hihi, chuyện cũng vui và làm việc cho Đài Truyền Hình số 7 cũng có nhiều kỷ niệm. Nhóm Truyền Hình ngày nay thỉnh thoảng họp mặt, và dĩ nhiên Thanh Vân có trong nhóm đó và biết được nhiều tin tức do các chị Đài số 9 kể cho nghe, hihihi.

50 năm trôi qua rồi ... Souvenirs, souvenirs (như một bài hát của Johnny Hallyday)

Thanh Vân

Thèm Một Tia Nắng!


"Đồi nương thấp thoáng trong sương" (*)
Vầng mây bàng bạc sợi vương vấn lòng
Thèm một tia nắng cuối đông
Nhẹ tô điểm chút má hồng nhạt phai
Ấp nồng giá lạnh đôi tay
Vàng rơi trước ngõ vươn vai xuân về


Kim Oanh
(*) Chủ đề bức ảnh của Paulle Minh

Dáng Xưa Sài Gòn


Nghiêng theo giọt nắng Sài Gòn
Con đường góc phố ngó mòn dáng em
Hàng cây ngan ngát hương quen
Tình đưa đôi vạt áo mềm phiêu du


Ngày xưa ấy đẹp cơn mơ
Em đôi mắt biếc giam tù tình tôi
Tháng ngày chếnh choáng đâm chồi
Xuân về trên những nụ cười môi xinh

Nhìn đâu cũng thấy bình minh
Con đường gió mát bồng bềnh dáng ai
Mùa xuân chừng mới đầu thai
Vào đôi má đỏ nắng cài nụ hoa

Ngát thơm tà áo lụa là
Quẩn quanh nỗi nhớ đêm và ngày thương
Tóc dài em. một làn hương
Giấc mơ tôi. một con đường chiêm bao

Ly cà phê khuấy ngọt ngào
Từ môi em áp nhẹ vào vành ly
Mùa xuân con gái đang thì
Câu thơ tôi vẽ nhu mì trên môi

Câu thơ tô đẹp một thời
Bám đuôi em giọt nắng rơi mơ màng
Cám ơn vòm mắt thiên đàng
Tình tôi trú trọ lang thang một đời

Trầm Vân

Nắng Cuối Đông - Sáng Tác: Tuyết Phan & Mộc Thiêng - Hoà Âm: Võ Công Diện


Sáng Tác: Tuyết Phan & Mộc Thiêng
Hoà Âm: Võ Công Diện
Tiếng Hát: Quốc Duy

Xin Đừng Nhắc



Bài Xướng:

Xin Đừng Nhắc

Vẫn đó tang lòng buổi biệt ly
Đào phai cúc rụng đã bao kỳ
Cơn sầu chuốc những mùa đông bủa
Cửa dõi theo từng bóng nhạn đi
Tự thuở người say trời viễn phố
Là khi mộng vỡ tuổi xuân thì
Xin đừng nhắc mãi cho hồn lặng
Nước đổ xuôi rồi nhặt nữa chi!

Nguyễn Gia Khanh
***
Các Bài Họa:

Nhắc Nữa Mà Chi

Thôi đành chấp nhận cảnh từ ly
Bởi biết lòng đau, dẫu lạ kỳ
Giỡn hẹn cùng ta sầu để đấy
Say thề với bậu lủi lờ đi
Bày mưu kẻ ấy thân tàn lực
Viện cớ người kia tuổi lỡ thì
Sáo vội vàng bay tình nỡ bỏ
Mang hờn giận mãi, nhắc mà chi?

0493 H,12/7/2020
Thái Chung
***
Tiễn Người Đi 

Tưởng biển mênh mông đã cách ly
Mặt trời lên ánh nắng phân kỳ
Hạt về bên đó gieo tình lại
Giọt ở nơi này ngỡ bước đi
Chiếc bóng mồ côi sầu tiểu phố
Một ngày đa hệ chuyễn bao thì...
Những đêm đối diện đèn hiu hắt
Rưng buốt hồn loang nhớ dáng đi !!!

Namkha
***
Thôi


Nghe còn nhắc chuyện buổi từ ly
Thấy tủi gì đâu rõ thật kỳ.
Tiễn bạn lời đau người trót bủa
Tan đàn ruột đắng kẻ lờ đi
Hồng duyên đứt đoạn tim rằng cũng..
Hẩm kiếp lìa đôi dạ ngẫm thì..
Hạnh phúc ngày xuân đà bỏ lỡ
Nay còn níu lại để mà chi.

Hoa Mai
***
Lệ Sầu


Em ngồi lặng lẽ khóc từ ly
Vẫn biết niềm đau chẳng hạn kỳ
Gác cũ đông về cơn lạnh bủa
Quê nghèo hạ đến cảnh buồn đi
Rồi hôm bạn trả tình xuân sớm
Lại bữa người quên tuổi dậy thì
Để lối thu vàng sương mộng rã
Canh tàn một bóng hỏi còn chi !

Thạch Hãn
LCT 12/07/2020
***
Sầu Giăng Lối Mộng

Đêm huyền quạnh quẽ khúc sầu ly
Rớt mảnh tình duyên bận rã kỳ
Hạ trải câu thề hong ngõ nhớ
Thu hờn biển giận khóc người đi
Rồi Đông khắc khoải buồn trong dạ
Để phận trầm ngâm xót giữa thì
Vỡ mộng Xuân nàng hôm nức nở
Anh còn nhắc lại để làm chi ....

Ngọc Bích
***
Hai Bờ Lạnh


Lẫn sắc hương lừng nở nụ ly
Đời hoa thắm đẹp cũng theo kỳ
Khăn hồng rứt mảnh quên người đợi
Bến quạnh qua đò tiễn kẻ đi
Rải lĩnh than chiều mây sậm thế...
Chờ xuân trổ lộc nắng tươi thì...
- Em giờ sóng lạt chưa thèm hỏi !
- Lạnh buốt hai bờ tỏ nỗi chi ?

Nguyễn Thế An
***
Bóng Nhạn Xa Vời


Bóng nhạn xa vời cảnh rã ly
Người ơi lệ đổ những muôn kỳ
Sầu gom cuốc giục mơ màng ủ
Hận dõi ve gào nức nở đi
Quạnh quẽ bao mùa sương tuyết phủ
Vòng vo mỗi buổi gió heo thì
Thôi đành chấp nhận hương lòng đã...
Một đóa hoa tàn nỡ mở chi.

Trongky Manh
***
Bến Vơi

Giữa cuộc quay về phải cách ly
Vì lo nhiễm dịch ở kinh kỳ
Đêm sầu lặng lẽ ngăn đường bước
Bữa tủi âm thầm chặn lối đi
Ủ dột như nàng đang lỡ lứa
Đìu hiu tựa ả đã qua thì
Hờn khi mở mạng không lời nhắn
Dỗi bậu bao ngày chẳng nói chi.

Vĩnh Long
***
Chờ Ngâu

Sao hoài trách hạ để sầu ly?

Tháng bảy mà ai lỡ hạn kỳ?
Hỏi mộng đà xinh bờ nắng ngã?
Hay tình cũng nhọc bóng thiều đi?
Mùa thu ngại hử chưa vàng áo?
Phượng vĩ vì đâu cứ đỏ thì?
Lũ cúc chờ ngâu lười nở vậy?
Bao giờ mới nụ, trễ còn chi?

Thu Ẩn

Thi Tập Thơ Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ


Tôi quen biết nhị vị thi sĩ Cao Mỵ Nhân (Hoa Kỳ) và Trịnh Cơ (Pháp Quốc) cũng đã được mấy năm, khởi đầu từ trên những diễn đàn Đường Thi xướng họa. Tôi rất quý mến và ngưỡng mộ họ, và tôi cũng biết, cả hai đều từng là quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, là anh kiệt và anh thư phục vụ nước nhà từ trước 1975 cho đến ngày tan đàn xẻ nghé.

Nhà thơ đàn chị Cao Mỵ Nhân thì tôi đã có dịp gặp mặt về sau tại Văn Thơ Lạc Việt, San Jose, Hoa Kỳ. Chị nhìn hiền hoà, rất trang nhã, nhưng ít nói, nét mặt có chút nghiêm nghị và hơi... kỳ bí, kỳ bí như những vần thơ du dương nhưng đầy ẩn ý ẩn tình của chị. Tôi thích mê sự kỳ bí ấy, cũng thích mê sự phong phú về chữ nghĩa của nhà thơ, và niềm mê thích này đã làm cho tôi đôi khi xúc động tận tâm can chỉ vì đọc được một vài câu độc đáo trong các bài thơ của chị. Mỗi lần đọc thơ Cao Mỵ Nhân tôi thường hay nghiền ngẫm, tìm tòi, để nhận chân và thưởng thức cho kỳ hết những tinh tuý của bài thơ trước khi đặt bút đáp họa.

Riêng về thi sĩ Trịnh Cơ thì tôi chỉ gặp anh qua... bóng. Trong tấm hình, có một chiếc bóng nhìn từ phía sau lưng, dáng người dong dỏng cao với mái tóc hoa râm đang bước độc hành trên con đường dài hun hút tận bên trời Paris, Pháp Quốc. Dù với dáng vẻ cô đơn lẻ loi ấy, nhưng tâm hồn Trịnh Cơ lại chất chứa ngập tràn những búp nụ, những mầm thơ mượt mà, ngào ngạt hương thơm. Dù chưa bao giờ diện kiến, nhưng tôi luôn thích đọc thơ của thi sĩ và cố gắng họa lại bài xướng của anh mỗi khi chúng xuất hiện trên các diễn đàn nếu tôi có thời gian.

Trên các diễn đàn, hai nhà thơ nổi trội Cao Mỵ Nhân và Trịnh Cơ vẫn thường xuyên xướng họa cùng chúng tôi trong vẻ vô tư. Nhưng tôi thật bất ngờ, bất ngờ đến giật cả mình, khi hôm nay nhận được tập thơ mà hai vị đang chuẩn bị in chung. Bao ý nghĩ ngộ nghĩnh chợt nảy ra trong đầu tôi, như có lẽ họ đã từng là một cặp “thanh mai trúc mã” ngày xưa, từng bị cách chia kẻ chân trời người góc bể vì quê hương loạn lạc bây giờ gặp lại, có lẽ vì sự trắc trở ấy đã khiến cho hai tâm hồn xao động nên ý thơ mới ngùn ngụt, hồn thơ mới dạt dào, và tình thơ mới lai láng đến thế. Lòng rộn ràng với những ý nghĩ tò mò đầy thú vị đó, tôi vội buông bỏ tất cả mọi thứ bận rộn đời thường để mở tập thơ ra mà nghiền ngẫm, mà thưởng thức một cách... “triệt để.”

Thấy bài thơ đầu tiên “ANH VÀ 2019” là của thi sĩ Cao Mỵ Nhân, tôi cười thầm trong thích thú. Nhà thơ Trịnh Cơ hiện đang sống ở phương Tây nên thực hiện đúng cái câu “Lady’s First,” phụ nữ luôn ưu tiên số một, để nhường nữ thi sĩ “ra tay trình làng” trước, chứ không phải như phong tục Á Đông mình, đã xem thường thân phận cánh quần thoa, lại còn cho là “Phụ nhân nan hóa,” phụ nữ không dễ gì dạy dỗ, cảm hóa được, và mỗi khi ra đường, người đàn bà thường phải đi phía sau để cho phù hợp với câu “Núp bóng tùng quân” cổ hủ. 

Bài đầu tiên trong thi tập, “ANH VÀ 2019,” là bài thơ Lục Bát Cao Mỵ Nhân viết lúc đón Giao Thừa, khi thi sĩ đang ngồi cùng “người ấy” (hay tưởng tượng có người ấy ngồi cùng) nhìn TV chờ đếm phút quả cầu Chào Mừng Năm Mới vỡ tung, nhưng trong lòng không có chút hơi hướm mừng vui hạnh phúc vì được đón Giao Thừa, mà lại chứa đựng ngập tràn tâm tư sầu nhớ. Hình ảnh sống động nhất tác giả cho thấy trong bài thơ, là nữ thi sĩ đưa tay chặn lên trái tim lúc trái cầu sắp vỡ và nhìn vào TV thấy trời đêm rõ ràng nhưng lại không thấy cố quốc nơi đâu. Nỗi niềm thương nhớ về quê Mẹ Việt Nam trong thời điểm giao Xuân của người con ly hương đã gói trọn vào mấy câu thơ làm xao động lòng người: 

“Ở đây không có... Việt Nam
Quả cầu quê mẹ cơ hàn héo khô
Trái tim thất nhịp mơ hồ
Đêm đen đổ xuống nấm mồ giao xuân...” (Anh Và 2019 – CMN - tr. 12)

Người ta nói, thơ Lục Bát dễ làm nhưng làm rất khó hay, và họa thơ Lục Bát thì lại càng không dễ. Chữ nghĩa cần phải lưu loát mượt mà, ý tứ phải sâu xa, và vần điệu phải phù hợp mới là một bài họa hấp dẫn khiến độc giả chăm chú thưởng thức; và quan trọng nhất là, phải tránh tình trạng làm thơ Lục Bát đọc lên nghe như…ca dao, khiến người ta chỉ lướt phớt qua rồi đánh giá bài họa có đúng vần đúng luật hay chăng. Ở đây chúng ta có thể thấy nữ thi sĩ Cao Mỵ Nhân gặp phải “Kỳ phùng địch thủ.” Nhà thơ Trịnh Cơ đã gom được đủ các yêu cầu ấy trong bài họa “2019 ĐỐI MẶT.” Chưa kể đến những đối đáp xướng họa khá lý thú trong khổ thơ đầu về chuyện cả hai mơ ước cùng ngồi bên nhau, cùng đưa tay đặt lên tim khi nhìn TV trong giờ Giao Thừa chỉ thấy bầu trời đêm, và đôi bên người thì “xin còn mãi nhau,” kẻ hứa “sẽ còn với nhau,” xin mời quý vị cùng thưởng thức vế họa tuyệt vời của thi sĩ Trịnh Cơ, cũng bày tỏ cái tâm trạng đau buồn vì mất quê hương trong giờ Trừ Tịch cùng với thi nhân:

“Nhìn kỹ... đâu có Việt Nam
Đêm đông lạnh lẽo nỗi hàn lạnh khô
Cây kim đếm nhịp đồng hồ
Như là đưa tiễn đến mồ ngày Xuân” (2019 Đối Mặt – TC- tr. 13)

Tiếp theo, trải dài, xuyên suốt hơn phân nửa tập thơ là phần xướng họa “Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ. Hai thi nhân với hồn thơ lai láng cứ thế mà thoải mái vung bút trải vần, xướng họa với nhau, chữ nghĩa giao duyên, ý tình hòa điệu, phát họa lên những đường nét sống động, bừng sáng từng chữ từng câu trên từng trang sách gọi mời, khiến cho người đọc mãi mê theo tiếp hết bài này sang bài khác, không thể dừng lại. Mời bạn hãy xem, bài Lục Bát 4 câu rất mượt mà “Bên Đó” của Cao Mỵ Nhân với những lời than làm nhói lòng người:

“Sao mưa lại lạnh trời thu
Khiến người bên đó thương ru bên này 
Mưa đêm thấm ướt hồn say
Người bên đó ngó mưa bay thẫn thờ...” (Bên Đó - CMN – tr. 14)

Thì tiếp theo ngay, bài họa “Bên Này” của Trịnh Cơ cũng làm cho trái tim ai trật nhịp: 

“Giọt mưa rỉ rả đêm Thu
Nhớ người bên đó lời ru luống này
Mơ màng trong giấc mộng say
Nửa đêm nghe tiếng lá bay ơ thờ.” (Bên Này – TC – tr 15)

Thơ Lục Bát đã hay đến vậy, đọc những bài Đường Thi xướng họa của hai nhà thơ lão thành càng khiến tôi như bị lạc vào “mê hồn trận.” Đọc một hồi những bài thơ kế tiếp, tôi đột nhiên…nín thở, khi mắt chạm vào bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú “Mảnh Trăng Thơ” của thi sĩ Cao Mỵ Nhân. Chỉ hai câu mở đầu thôi đã có thể nói là tuyệt tác, và tôi bị chấn động tận tâm can, “Từ lâu, để mực đọng nghiên vàng/Bút cũng âm thầm ngại điểm trang.” Một sự ví von tuyệt hảo! Lời lẽ tuy đơn giản nhẹ nhàng nhưng thật thâm thúy, làm cho người đọc cảm nhận được đây là những tiếng than xé lòng của kẻ cô đơn. Mực đã bị bỏ đọng bơ vơ ở nghiên vàng, thì bút còn điểm trang để làm gì cơ chứ! Hai cặp đối cũng thật tuyệt vời, nhưng tôi phải giữ lại để cho độc giả tự mình thưởng thức mới là thú vị. Chỉ xin chia sẻ cùng quý vị nơi đây hai câu kết, vì hai câu này đã làm tăng thêm phần đặt sắc cho bài thơ. Bơ vơ thì mặc bơ vơ, tác giả tự nhủ, ta cứ vui cứ đối bóng với thơ, để rồi còn tìm cách bay theo trăng để đi xé nửa cái thiên đàng đã mất. Tự cổ chí kim, chỉ mới có Thi Tiên Lý Bạch đời Đường bên Tàu nhảy xuống sông để vớt trăng lên, giờ đây lại có thi nữ Việt là Cao Mỵ Nhân đòi theo trăng đi xé nửa cái thiên đàng. Những điều kỳ thú ngoạn mục như vậy chỉ có những nhà thơ “siêu việt” mới tính làm, hoặc nghĩ ra!

“Thì cứ cùng thơ vui đối bóng
Theo trăng đi xé nửa thiên đàng.” (Mảnh Trăng Thơ – CMN – tr. 73)

Riêng bài họa của nhà thơ Trịnh Cơ “Nhớ Cảnh Trường Xưa” trong trường hợp này, tuy không đáp ứng với ý nghĩa của bài xướng, mà chỉ là họa nương vận, nhưng cũng phải kể là một bài họa hay. Trong khi bài xướng của Cao Mỵ Nhân chứa đầy lãng mạn về tình yêu nam nữ, than thở với bút nghiên, với trăng và thơ, thương mây khóc gió cho sự bơ vơ…, thì bài họa của Trịnh Cơ cũng tràn ngập sự nhớ nhung tiếc nuối, nhưng mà là nhớ về tình yêu đất nước, về một thời được đào tạo dưới mái trường quân đội với những bước chân “ắc ê” gọn gàng, và những chuyến hải hành bảo vệ quê hương. Để rồi cuối cùng thi sĩ thốt lên tiếng than:

“Nước non xả tắc thời vi diệu
Nay chẳng còn đâu chốn địa đàng.” (Nhớ Cảnh Trường Xưa – TC – tr. 74)

Bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt vận trắc “Nỗi Buồn Vô Cớ” của thi nữ Cao Mỵ Nhân dưới đây cũng đưa người yêu thơ vào một khung trời đầy mộng ảo, “Có những nỗi buồn vô cớ lắm/Mà sao thổn thức đến trăm năm.” Đã làm người thì ít nhiều gì ai cũng có những tâm sự thầm kín. Chắc độc giả sẽ đồng cảm khi được nhà thơ “nói giùm” giải bày giùm cho những băng khoăn, những nỗi buồn âm ỷ đang giấu giếm trong lòng, và sau cùng thì …xúi người ta thổ lộ:

“Thì cứ tự nhiên ngồi thổ lộ
Tỏ bày như chẳng có chi ngăn
Tỏ bày tình tiết sầu thương đó
Khổ luỵ trong tim nức nở thầm…” (Nỗi Buồn Vô Cớ - CMN – tr. 93)

Và để đáp lại nỗi niềm của thi nhân, Trịnh Cơ đã họa bài “Buồn…Cũng Vậy Thôi” thật duyên dáng trữ tình, để bày tỏ với đối phương, rằng thì là bên nớ chỉ có những nỗi buồn, nhưng bên ni là cả vạn điều buồn, chúng cứ mãi đong đưa trên hố thẳm, rồi “Khi sầu khi chán lại như câm” mà thi nhân không thố lộ nên nào ai hay biết,“Ta giữ trong tim không hé lộ/Ai nào có biết để can ngăn…”(Buồn…Cũng Vậy Thôi – TC) Đây quả thật đúng là tri kỷ. 

Đặc biệt, bài thơ thể tự do Ngũ Ngôn “Viết Sau 10:00 PM” của Cao Mỵ Nhân cũng làm tôi xao xuyến. Nhà thơ đã trải lòng, trút cạn nhớ nhung vào thơ lúc 10 giờ khuya, cùng tâm sự với những con chim biển cũng đang cô đơn giữa màn đêm, và nghe được chúng thốt lên những tiếng kêu thầm hò hẹn trong tuyệt vọng.

“Em cũng như chim biển
Cô đơn giữa thế gian
Chim kêu thầm hò hẹn
Nỗi u tình chứa chan…” (Viết Sau 10:00 PM – CMN – tr. 125)


Người ta nói “Thần giao cách cảm” có lẽ chính xác nhất để dùng trong trường hợp này. Thì ra từ chốn xa xăm chàng thi nhân kia cũng đâu có ngủ được lúc 10 giờ đêm. Ta hãy nghe Trịnh Cơ tâm sự cùng nàng thơ nơi viễn xứ trong bài họa “Đêm Về”, “Tiếng chuông gõ 10 giờ/Sao cứ còn thương nhớ,” và “trần tình” rằng vì thi sĩ vẫn còn yêu biển, yêu nguồn vui thế gian, nên đã quên lời hẹn ước, tuy vậy tình yêu say đắm thì vẫn mãi chan hòa:

“Ta vẫn còn yêu biển,
Nguồn vui giữa nhân gian,
Cứ quên lời ước hẹn.
Tình yêu vẫn hòa chan…” (Đêm Về - TC – tr. 127) 

Qua nhiều năm cùng theo đòi xướng họa trong các diễn đàn thơ, tôi đã thưởng thức đủ các thể loại mà nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã sáng tác. Bài thơ 8 chữ “Trái Tim Lửa” này cũng là một trong các bài thơ tự do đặc sắc của thi nữ. Lúc này trái tim yêu của thi nhân hừng hực bốc cháy vì tình, cho nên mặc kệ những chông gai, mặc kệ bao trở ngại, nàng thơ chỉ thấy “Xuân sẽ đến bốn mùa đều tươi thắm/Đẹp hồn ta đang bốc cháy hoang sơ.” Thông điệp gửi đi cho người trong mộng thật dạt dào, chất chứa ngập lụt say mê, chờ đợi chỉ cần một tiếng hót khẽ của loài chim quý là sẽ được cả trái tim nàng:

“Nhưng Chim Quí một lần thôi hót khẽ
Ta tặng người nguyên vẹn trái tim thơ...”(Trái Tim Lửa – CMN – tr 136)

Đáp lại khối tình “bốc lửa bốc khói” này, chàng thi sĩ cũng đâu có kém. Bài họa “Về Nghe Cô Đơn” của Trịnh Cơ càng chất chứa lắm nỗi niềm. Chàng còn “bạo gan” nhắc lại chuyện xưa, cái thuở cùng nhau bàn tính “Chuyện ngày ấy bàn về ăn trái cấm/Ở Thiên Đường cây đẹp, lá nghiêng chờ.” Nhưng cuối cùng rồi mấy lời trách cứ cũng được trao lại cho ai kia: 

Nhìn xuống dưới, âm thầm rơi giọt lệ
Lụy trần ai khiến ta phải ơ thờ
Quay trở lại hầu nghe lời kể lể
Tình bay xa, còn lại mấy câu thơ... (Về Nghe Cô Đơn – TC – tr.137)

Sự sắp xếp trong thi tập này thật là thú vị, quá bán trong phần đầu là những bài thơ Cao Mỵ Nhân xướng – Trịnh Cơ họa. Đọc một hơi, thưởng thức hết phần đầu thì tiếp theo phần sau đổi ngược lại Trịnh Cơ xướng – Cao Mỵ Nhân họa. Dòng thơ trữ tình, mượt mà, nhưng lại chất chứa nhiều nỗi niềm riêng của thi sĩ Trịnh Cơ lâu nay cũng rất được các nhóm xướng họa bạn bè chúng tôi yêu thích, không kém gì nữ sĩ Cao Mỵ Nhân. Thi sĩ Trịnh Cơ rất “có duyên” với thơ tứ tuyệt, lời thơ giản dị không gút mắc, nhưng ý tứ rất phong phú, làm xúc động người đọc, cho nên thơ của anh cũng đã được nhiều người đáp họa. Bài thơ “Biết Đâu” đong đầy cảm xúc của Trịnh Cơ sau đây khiến những người đang yêu phải chạnh lòng xót xa. Chàng cùng người ấy lâu lâu mới gặp một lần, nhưng có nỗi đau nào hơn khi “Nụ hôn vừa dứt rồi ly biệt/Ở cuối chân trời giấc mộng tan.” Sự xa cách như thế đã khiến cho nhà thơ e ngại. Chúng ta hãy đọc những lời lo âu khắc khoải của chàng, “Đâu biết lần này sẽ gặp nhau/Còn yêu tha thiết tựa ban đầu?” và:

“Hay là hờ hững như người lạ
Để lại cho anh cả mối sầu!” (Biết Đâu – TC – tr. 155)

Và thú vị vô cùng, nàng thơ Cao Mỵ Nhân đã vội vàng đáp lại bài họa ngọt ngào, “Đành Thôi” với những lời cảm thông, trần tình, vỗ về “ai kia,” bỡi vì không hợp mới tan, “Kẻ ở người đi ôi giã biệt/Bởi không hợp được mới đành tan.” Và:

“Hoàng hôn cũng nguội theo tình lạ
Tuổi tác đầy thêm mộng mị sầu…” (Đành Thôi – CMN – tr. 156)

Bài thơ “Có Ai” của thi sĩ Trịnh Cơ tiếp theo đây nói lên nỗi niềm cô độc làm cho người ta phải xót xa. Một người có cuộc sống mà muốn “Nói chuyện... tâm tình chẳng có ai/Đêm đêm trằn trọc suốt canh dài” thì quả là buồn vô kể. Lời thơ như nức nở, ý thơ như trách móc ai đó sao nỡ đành “bỏ ta một mình,” và một chút ước mơ được có người bên cạnh:

“Bởi ta đang sống đời hiu quạnh
Thiếu vắng ai bên cạnh, đỡ sầu.” (Có Ai – TC – tr. 157)

Tuyệt thay, đàng này bài “Có Ai” của Trịnh Cơ than thở bị bỏ cô đơn, thì đàng kia, Cao Mỵ Nhân đã trải lòng cảm thông thay cho “ai đó” của nhà thơ, bằng bài họa “Vẫn Ông” rất duyên dáng, thêm chút dí dỏm, nhưng có thể thấy trong lời thơ ẩn hiện chút …hờn ghen nhè nhẹ rất dễ thương. Bởi vì ngày xưa bay bướm quá, đa đoan quá, có cả chục giai nhân quanh mình, cho nên bây giờ…ráng chịu chứ than thở mà làm chi:

“Giờ thì đầu bạc trắng hơn xưa
Cả chục giai nhân bỗng ngó hờ
Bởi lẽ đa đoan nên khổ luỵ
Đâu còn thanh thản mà làm ngơ”(Vẫn Ông – CMN – tr. 158)

Thi sĩ Trịnh Cơ từng là một sĩ quan Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Bài thơ “Lời Cuối” của anh tôi đọc mà rưng rưng cảm phục. “Tôi chết đi… xin chớ phủ cờ.” Đây là lời di chúc, dặn lại khi thi sĩ mất đi thì không nên phủ cờ Quốc Gia như bao người vẫn làm lâu nay nơi hải ngoại. Dù vận nước đảo điên là do thế cuộc tạo nên, chứ quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa chúng ta thuở ấy vẫn một lòng chiến đấu rất anh dũng, thi sĩ vẫn cho rằng mình không làm tròn viêc giữ nước nên không xứng đáng, mà chỉ có những người vị quốc vong thân mới xúng đáng được phủ cờ:

“Phủ cờ cho kẻ đáng tôn vinh
Ngã gục thân trai, hiến phận mình
Bỏ mạng sa trường cho đất nước
Đã bao cay đắng lúc đăng trình…” (Lời Cuối – TC – tr. 169)

Nhà thơ Cao Mỵ Nhân cũng từng là một sĩ quan QLVNCH. Cho nên bài họa “Vàng Sắc Nhớ” của chị là một đồng cảm, kiêm ý trách móc những kẻ đã bỏ lại thành xưa bóng cờ tổ quốc, nhưng rồi lại quên bẳng đi, để mãi lơ ngơ với dáng vẻ phạc phờ của người không biết đâu là quê hương. Dù ai có quên, nhưng nhà thơ thì vẫn nhớ, vẫn giữ lại vuông cờ khi giã từ trận mạc:

“Giã từ trận mạc giữ vuông cờ
Hiu hắt vàng hong nắng nhuộm tơ
Bạn hỏi buồn thương xa đất tổ
Chứa chan tình nghĩa chẳng phai mờ...” (Vàng Sắc Nhớ - CMN – tr.170)

Bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú của nhà thơ Trịnh Cơ “Tàn Đông” là một bài thơ buồn, nhưng chữ nghĩa lại xôn xao tràn đầy cảm xúc. Đó là nỗi u buồn bất chợt, chính thi sĩ cũng “Không biết vì đâu cảm thấy buồn.” Hai câu thực đã làm cho hồn tôi xao xuyến. Cái hình ảnh sống động trước mắt với đàn chim rét mướt bay vật vờ về tổ, và con suối thì chênh chao khi nhớ lại cội nguồn, diễn tả một tâm trạng đau thương khiến cho những kẻ ly hương, tan tác vì mất nước như tôi càng thêm nhói cả cõi lòng:

“Đàn chim rét mướt bay về tổ
Con suối chênh chao nhớ lại nguồn”(Tàn Đông – TC – tr. 185)

May mắn thay, nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã…cứu bồ bằng bài họa “Paris Buồn” giúp tôi có thêm “sinh khí,” tươi tắn lên một chút để tôi khỏi “đổ thừa” thi sĩ Trịnh Cơ đã làm cho lòng tôi héo úa khi sắp kết thúc bài viết này. Cao Mỵ Nhân đã an ủi “người ta” là tại vì Paris quá lãng mạn mới khiến cho buồn, chứ thực ra thì mùa đông đã tàn, tuyết cũng tan chờ Xuân đến:

“Chim én mừng xuân tươi sắc cội
Tao nhân đón khách lộng thơ nguồn..” (Paris Buồn – CMN – tr. 186)

Tới đây thì tôi xin phép được tạm dừng vì bài viết đã khá dài. Thực ra thì còn nhiều, nhiều lắm những bài tình thơ có thể nói là tuyệt tác trong thi phẩm “Xướng Họa” của nhị vị Cao Mỵ Nhân và Trịnh Cơ. Điều tôi muốn nói ở đây là “cặp bài trùng” này quá ư tuyệt vời trong các thể thơ xướng họa. Họ đã quá hoà hợp, quá “nhập vai,” nhâp vai trong việc trải lòng như là tâm sự của chính một đôi trai tài gái sắc từng yêu nhau, bị trắc trở, và rồi khi gặp lại thì đã muộn màng nhưng hồn thơ vẫn còn réo rắc, chứa đựng ngập tràn nỗi nhớ, niềm thương. Cho nên xuyên suốt thời gian từng bước đọc thơ và ghi lại cảm nhận của mình, Phương Hoa tôi cũng đã “nhập vai” trong cái cảm xúc họ là “một đôi” thật sự. Nếu sự thật hai người trước đây chưa từng yêu nhau, chưa bao giờ quen biết nhau, mà đây chỉ là “bình thủy tương phùng” trên những dòng thơ xướng họa nơi hải ngoại rồi trở thành bạn thiết, thì quả là thi tài của họ đã lên đến đỉnh cao, nguồn tình thơ quá lai láng dạt dào.

Cuối cùng, thi tập “XƯỚNG HỌA” của hai nhà thơ Cao Mỵ Nhân và Trịnh Cơ là một tác phẩm văn học có giá trị, chẳng những rất đáng đọc, mà cần phải đọc thật kỹ mới thưởng thức hết những cái hay cái đẹp cái ý cái tình của mỗi một bài thơ. Tôi tin rằng quý vị sẽ thích thú với sự phong phú chữ nghĩa của những bài thơ tình thật ngọt ngào, thật lãng mạn, trong tập thơ này. 

Xin trân trọng kính giới thiệu cùng với quý độc giả thi tập “XƯỚNG HỌA” của Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ.

Phương Hoa, Cao Mỵ Nhân 

Phương Hoa