Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Câu Đối: Blog Huỳnh Hữu Đức Chúc Xuân


Câu Đối: Huỳnh Hữu Đức
Trình Bày: Kim Oanh

Vườn Tâm Tư


Tháng Hai nắng mới lao xao
Lời thương lời nhớ nhận trao tình đầy
Hữu duyên gặp gỡ là đây
Mượn thơ vịnh cảnh trời mây chung lòng
Kẻ tây người tận phương đông
Lời thơ tha thiết những dòng tâm tư
Đồng tâm hợp lực thể như
Cánh diều no gió kể từ quen thân
Cám ơn trời thấp thật gần
Vườn Thơ Thẩn gặp thi nhân bạn hiền

Kim Phượng

Trừ Tịch Dạ Túc Thạch Ðầu Dịch - Ðới Thúc Luân (732-789 )



除夜宿石橋館

旅館誰相問?
寒燈獨可親。
一年將盡夜,
萬里未歸人。
寥落悲前事,
支離笑此身。
愁顏與衰鬢,

明日又逢春。
***
Bài Dịch:
Trừ Tịch Dạ Túc Thạch Ðầu Dịch 

Lữ quán thùy tương vấn
Hàn đăng độc khả thân
Nhất niên tương tận dạ
Vạn lý vị quy nhân
Liêu lạc bi tiền sự
Chi ly tiếu thử thân
Sầu nhan dữ suy mấn
Minh nhật hựu phùng xuân

Ðới Thúc Luân (732-789 )
***
Bài Dịch:
Tết Ðến, Quê Người, Mấy Vần Thơ Xưa
(Mây Tần - PKT 2012) 

Ai quen nơi lữ quán
Khuya lạnh ánh đèn thân
Ðêm cuối năm gần hết
Vẫn muôn dặm tử phần
Xót thương đời lận đận
Cười trách mình lần khân
Tóc rối đùa râu bạc
Mai rồi lại gặp xuân

Phạm Khắc Trí

Quà - Hiện Tại - Present


(Từ Ông Đồ - Vũ Đình Liên)

Gió Xuân làm hoa nở
Rộn rã lòng Giáo Già
Năm nay đào rực đỏ
Trầm trồ khách đường qua 

Ý xuân tràn muốn viết
Đường Luật ngặt kém tài
Bài thơ không rạng nét
Gởi gió mây ngàn bay!

Bạn già ngày một vắng
Cánh hạc bỏ về đâu?
Dưới trời quang xuân thắm
Lầu không dõi mắt sầu!

Già rồi lẩn thẩn đấy
Mặc tuổi tác nào hay
Quên rồi thời mực giấy
Quên cả bụi phấn bay!

Chỉ biết nay đào nở
Đẹp mắt quên chuyện xưa
Lạnh lùng ngày tháng cũ
Ôm ấp “qùa” bây giờ.

Mailoc 
( Xuân 2017)

Xuân Tha Phương - Duy Quang - Nhạc: LSMT - Quốc Duy


Sáng tác:Duy Quang 
Nhạc: LSMT - Quốc Duy
Tiếng Hát: Quốc Duy

Đồ Đỗ - Giáo Già Lẩm Cẩm Xuân

      
Xướng                                        Họa
Đồ Đỗ                                    Giáo Già Lẩm Cẩm Xuân

Mỗi năm gom giấy bút,                  Trước hoa chen nở rộ
Tạo dáng ông đồ già.                      Thất thập giáo chưa già 
Nhưng lòng người không cũ,          Ngẩn ngơ tờ giấy vụn            
Dửng dưng lại đi qua.                     Đôi vầng tiễn năm qua   

         
Thỉnh thoảng có một bà,                 Năm khỉ chán thấy bà                     
Dừng chân ngắm qua loa.               Thứ dỏm nổ lu loa      
Mượn thầy chụp tấm ảnh,               Đồ xịn bị dè bỉm      
Rồi thỏa mãn rời xa !                      So trước thật khác xa         

    
Văn chương rẻ như bèo,                  Giận chỉ biết đá bèo                      
Huống hồ viết liễn treo.                   Tiên hiền đã bị treo   
Muốn " gây quỹ " thật khó,              Rồng thiêng không còn lộn             
Suốt buổi ngồi buồn teo !                 Nhân tài giờ vắng teo       


Nhưng trót mang lấy nghiệp,           Biết làm sao vực dậy                   
Trách chi thói người đời.                 Nhân nghĩa sáng soi đời    
Đồ ta ta cứ giữ,                                Công chính thời đang ngũ         
Ta cứ gìn ta chơi!                             Cũng khó gầy cuộc chơi  


Nên...                                                Thôi...  
          Ta vẫn ngồi đấy,                               gặp đâu vui đấy   
Mặc người hay chẳng hay.                Cứ thế vậy mà hay                         
Mong sao phong hóa cũ,                   Thi phú càng thêm ý                     
Vẫn vằng vặc muôn đời!                  Thị phi phó mặc đời  

        
Đỗ Chiêu Đức                                   Quên Đi          

Tìm Hiểu Về Thuật Ngữ Design


Design là thuật ngữ tiếng Anh, có xuất xứ từ tiếng La tinh “Designare” với nghĩa gốc là “thiết kế” hay “tạo dáng hình”, vừa có ý nghĩa là “có một ý định”. Tiếng Việt gọi là “thiết kế mỹ thuật”, “thiết kế đồ họa” hay “mỹ thuật công nghiệp”.

Ngay từ thời đồ đá, ý thức về thiết kế đồ họa của người tiền sử đã hình thành, nhưng tất nhiên còn rất sơ khai. Con người lúc bấy giờ, đã biết vẽ hoặc khắc họa trên các vách đá với mục đích ban đầu là nhằm truyền tin, đánh dấu hoặc ghi nhớ. Về sau này, thiết kế đồ họa mới phát triển, mang ý nghĩa trang trí nghệ thuật, và dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. 

Vào thế kỷ XVII, thuật ngữ Design được sử dụng để chỉ bố cục của một tác phẩm nghệ thuật. Theo thời gian, từ Design được sử dụng song hành với trào lưu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào cuối thế kỷ XIX tại nước Anh, sau đó lần lượt xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ở Đức, Áo và Tiệp Khắc (cũ). Đến tiền bán thế kỷ XX, Design đã lan tràn khắp Âu Mỹ cùng cái tên New Art (nghệ thuật mới) với sự tham gia của một số nhà mỹ thuật có tên tuổi hàng đầu thế giới như Kandinsky, Chagall, Feninger…

Khi các vật phẩm chế tạo bằng máy móc thay thế sức người ngày càng chiếm đa số và tràn ngập trong đời sống, các nhà thiết kế cảm thấy thế giới đồ vật ngày càng trở nên đơn điệu và xấu xí do giống nhau hàng loạt và do hạn chế của công nghệ, nên người ta không thể thiết kế kiểu dáng các đồ vật một cách tùy tiện, ngẫu hứng. Họ cho rằng vẻ đẹp của công nghiệp xuất phát từ công năng sử dụng và công nghệ. Thời đại mới có vẻ đẹp riêng của chính nó và tính chất quốc tế của thẩm mỹ công nghiệp là tất nhiên. Nhà thiết kế phải có kiến thức tổng hợp từ mỹ thuật tới công nghệ và xã hội. Vẻ đẹp công nghiệp phải có tính phúc lợi, dùng cho toàn dân và góp phần nâng cao đời sống nhân dân lao động. Họ có nhiệm vụ phải luôn tự vấn về ý nghĩa hữu dụng và giá trị tinh thần của một sản phẩm, sao cho sản phẩm đó phải có chất lượng tốt và thỏa mãn được các tiêu chuẩn cơ bản nhất của thời mà nó được tạo ra.

Với quan điểm này, người ta bắt đầu kết hợp các sản phẩm được sản xuất hàng loạt bằng cách quay lại kết hợp chúng với các yếu tố trang trí thủ công. Chẳng hạn, các máy khâu sẽ được trang trí thêm các chùm nho, con sóc… hay những đồ nội thất bằng sắt nhưng được thêm thắt rườm rà với chủ đề như hoa lá, thiên thần… Mặc khác, do các nhà thiết kế sản phẩm và chủ nhân của nó có nhu cầu tiết kiệm chi phí từ vật tư, tiền lương công nhân cùng chi phí đóng gói, vận chuyển. Những chi phí này có thể giảm thiểu, nếu như sản phẩm được thiết kế thích hợp. Song song đó, còn có áp lực thứ ba tới từ người tiêu dùng: họ cần những đồ vật tiện dụng, hợp công năng cộng với giá thành rẻ và độc đáo.

Dưới áp lực từ ba phía ấy, ngành Design ra đời bởi các họa sĩ chuyên thiết kế sản phẩm công nghiệp và được đào tạo riêng với nhiều kiến thức liên ngành, từ mỹ thuật đến công nghệ và kinh tế. Các công ty thành công về thương mại cũng là các công ty có các Designer (người thiết kế) giỏi. 

Ngày nay, Design bao gồm tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày, từ việc sử dụng chất liệu cho đến các công đoạn tạo dáng sản phẩm. Đây là một công việc phức tạp, đòi hỏi tính sáng tạo cao.

Thế giới đang bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, xã hội lệ thuộc vào tiêu dùng và thông tin. Đây là thời đại công nghệ phát triển cao, không hạn chế việc tạo dáng, người nghệ sĩ lại có thể hoàn toàn sáng tác theo ngẫu hứng. Chủ nghĩa công năng thô thiển có thể giết chết cái đẹp của nghệ thuật trong khi then chốt của Design là tạo hình độc đáo cho các sản phẩm.

Với sự chênh lệch về chất lượng, công năng, giá thành… không đáng là bao so với khi kinh tế dựa vào sự chuyển giao công nghệ và đi vào toàn cầu hóa, việc bán được sản phẩm trong các làn sóng ùn ùn hàng hóa cùng loại tùy thuộc căn bản vào vẻ đẹp của chúng, vào kiểu dáng, màu sắc… Người ta hi vọng thời của các đồ vật đẹp sẽ trở về, con người lại có thú vui thưởng thức vẻ độc đáo của các đồ dùng có cá tính, dù rằng việc tiêu thụ sản phẩm đã theo các nhu cầu và hình thức hoàn toàn thay đổi. 

Hiện nay ở nước ta, Design có rất nhiều chuyên ngành phát triển rất nhanh, gồm có:
- Trang trí, thiết kế nội thất.
- Tạo dáng công nghiệp, thiết kế các máy dân dụng và công nghiệp.
- Thiết kế ô tô, các loại xe cộ, bao bì đóng gói, đồ gốm, thủy tinh, sân khấu, điện ảnh…

 Tín Đức

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Tục Ngữ Đinh Dậu - Như Thị


Tục Ngữ: Lê Đăng Mành
Trình Bày: Kim Oanh


Nhà




Sườn đồi năm nào rừng thông xanh
Năm nay mọc lên những mái nhà
Sau khung cửa mở nhìn trời đất
Ai đó buồn vui đang sống qua?

Hãy giữ giùm giấc mơ hạnh phúc
Ngỏ ngách quen kỷ niệm bám đầy
Làn khói quyện giữa chiều hiu quạnh
Người đi xa chỉ muốn về đây

Nhà xưa mát rượi ngoài hiên gió
Lá trúc chao êm xuống mặt hồ
Hoa giấy tím ngát trên vòm cổng
Thời gian còn đọng tiếng con thơ

Nhà nay tuyết phủ ngoài hiên vắng
Bốn phía rừng thông ngăn ngắt xanh
Mùa xuân đất xẻ tuôn dòng suối
Nước ngùi ngùi nước chảy loanh quanh

Khánh Hà

Hai Mùa Xuân



Đón Xuân này anh nhớ Xuân xưa
Đường Vĩnh Long khoe sắc giao mùa
Nhớ người em chọn hoa Cái Cá
Nắng chợ chiều soi bóng hàng dưa
Bên nhà ai trẻ con đốt pháo
Bánh tráng giòn Ba nướng ban trưa
Bàn ông Thiên bưởi xanh cúng Tết
Có bao giờ sống lại Xuân xưa!

Biện Công Danh
Mùng Một Đinh Dậu 2017

Mai Lan Cúc Trúc



Bài Xướng:Mai Lan Cúc Trúc

Mai báo xuân về se chỉ duyên
Lan thơm hương dịu chạm bên thềm
Cúc màu thêu áo vàng nhu khoác
Trúc lá xanh tình lạc bước đêm

Kim Oanh
***
Các Bài Họa:
Biểu Tượng Bốn Mùa

Mai vàng tô điểm nét xuân duyên
Lan tím đưa tin hạ đến thềm
Cúc trắng vẫy mời thu rảo bước
Trúc xanh đông tới đón sương đêm

Phương Hà
***
Đại Khái Sắc Xuân


Mai còn xanh búp nụ cười duyên
Lan nở vui Xuân lại trước thềm
Cúc rộ vàng tươi mừng tuổi thọ
Trúc đào sánh bước dạo chơi đêm

Mai Xuân Thanh
Mùng 2 Tết Đinh Dậu
***
Mai Lan Cúc Trúc

Xuân Mai theo gió thoảng hương duyên,
Hạ Lan vương gỉa lạc bên thềm.
Thu Cúc thanh cao tầm ẩn gỉa,
Đông Trúc trường thanh mặc tuyết đêm!

Đỗ Chiêu Đức

* MAI là: 風遞幽香出 Phong đệ u hương xuất. Có nghĩa: Gió thoảng đưa hương thơm nhè nhẹ của hoa mai lan tỏa ra.
* LAN là: Lan sanh ư u cốc, vi vương giả chi hương 蘭生於幽谷為王者之香!Có nghĩa: Hoa Lan sanh ra trong những sơn cốc thâm u, nhưng lại có mùi hương của bậc vương giả! 
* CÚC là: Thái cúc đông ly hạ 採菊東籬下. Có nghĩa Hái hoa cúc ở dưới bờ giậu phía đông, của ẩn sĩ đời Tấn là Đào Tiềm.
* TRÚC là: Trúc diệp trường thanh nại tuế hàn 竹葉長青耐歲寒: Có nghĩa: Lá tre vẫn xanh tốt trong cái lạnh của cuối năm.
***
Hoa Tết Đinh Dậu 2017

Mai vàng sớm trổ lộc làm duyên
Lan vẫn co ro ngủ trước thềm
Cúc tối ba mươi đầy chợ ế
Trúc già cô độc hứng sương đêm.

Cao Linh Tử
31/1/2017
***
Mai Lan Cúc Trúc

Mai vàng nở rộ đứng chào duyên 
Rạng rỡ cành Lan đón ngưỡng thềm 
Dáng Cúc tươi cười khoe sắc diễm 
Xinh màu Trúc hiện giữa trời đêm! 

Mai Thắng
170130
***
Bốn Mùa Yêu Thương

Mai vườn xuân đượm sắc thêm duyên
Lan hạ nồng hương thoảng trước thềm
Cúc ửng thu vàng tim lắng đọng
Trúc lay đông ẩn lạnh sương đêm

Kim Phượng
***
1/ Mai Lan Cúc Trúc

(Họa y đề tứ tuyệt của KO)

Mai vàng khiến nhớ áo em duyên (dáng)
Lan tím màu thương trãi trước thềm (nhà thường trồng rau lan)
Cúc trắng trinh nguyên hồn thục nữ
Trúc xanh quyến rũ dọi hằng đêm!

2/ Mùng 4 Tết

Ngày Tết, Mai vàng điểm sắc duyên
Nắng hè Lan tím trãi quanh them
Gió Thu Cúc trắng còn e ấp
Cành Trúc xanh màu quyện mỗi đêm

Song Quang
Màu hoa 4 mùa
***
Đón Xuân

Mai vàng xinh xắn nụ cười duyên
Lan tỏa hương nhu thoảng trước thềm
Cúc khoác lên mình màu áo mới
Trúc chờ xuân đến đợi trong đêm

Yên Dạ Thảo 
***
Bài Thơ Nối tiếp:
Xuân Về Vui Tươi

(Thân nối tiếp mấy vần thơ hay của Kim Oanh. Chúc Xuân Như Ý)

Xuân đến ngàn hoa rực rỡ tim
Về ru ngọn gió cánh hương mềm
Vui cùng tình nghĩa say men rượu
Tươi nét môi hồng đẹp dáng em

Trầm Vân
***
Mừng Tết Con Gà


Mừng em ly rượu, gái thuyền quyên
Tết nhất đào hoa dáng bạn hiền
Con cái sum vầy vui đáo để
dâng lễ vật cúng gia tiên...

Mai Xuân Thanh
***
Bài Họa: Tết
(Từ bài của KimOanh)

Dưa Hành Thịt Mở khéo giao duyên
Câu Đối mừng xuân hết đỏ thềm
Tràng Pháo Cây Nêu thành dĩ vãng
Bánh Chưng Bánh Tét rộn ngày đêm.


Cao Linh Tử
30/1/2017

Dấu Chân Lạc Phố - Sáng tác : Nguyễn Tâm Hàn - Ngọc Quy


Sáng Tác: Nguyễn Tâm Hàn 
Tiếng Hát: Ngọc Quy 

Mùi Rơm Giáp Tết - Từ Kế Tường

Một góc trời quê


Đồng đất quê tôi ngày xưa trồng lúa một vụ, gọi là lúa mùa. Ba tháng giáp Tết những cơn gió chướng thổi về mang theo hơi lạnh se se báo hiệu những ngày cuối năm. Lúc này mưa đã dứt, chỉ có gió chướng và nắng quái lướt nhẹ trên những cánh đồng vàng rực màu lúa chín rộ. Hôm trước vẫn còn đi trên bờ ruộng, nghe thấy gió và nắng như nhuộm thêm thứ sắc màu đẹp lộng lẫy cho những bông lúa no đầy, trĩu nặng. Một cơn gió chướng từ hướng con sông làng thổi tới, cả cánh đồng vang lên âm thanh rào rạt của lúa và lúa, những nhánh bông lúa lắc lư, đong đưa, cạ vào nhau thành tiếng gọi quen thuộc của nhà nông. Âm thanh như có cả mùi thơm bay theo vào tận xóm làng, lay động những bờ tre, nồng nàn thêm khói bếp, đong đầy những căn nhà trống và sân phơi lúa đã được dọn sạch chờ một vụ mùa rộn rã tiếng nói cười của những chàng trai, cô gái vần công, đổi công gặt, đập, cộ lúa về đầy sân.

Ấy thế mà chỉ một vài hôm đi lại trên những bờ ruộng mới hôm trước như bị thu hẹp lại bởi những nhánh lúa trĩu nặng bông vàng cạ vào chân. Nhưng hôm nay cả quãng đồng không, chẳng thấy một nhánh lúa nào lắt lĩu theo gió, đong đưa trong nắng vàng như mật ong mà chỉ toàn chân rạ tươi đang chuyển sang màu vàng nhạt để bắt đầu khô quắt lại với màu vàng sậm hơn khi nước rút khỏi chân ruộng trơ vơ một màu đất trắng đang trở mình để nứt ra theo từng dấu chân trâu. Một mùa rơm rạ mới làm đẹp thêm cho những cánh đồng chang chang nắng buổi trưa rồi trở lạnh se se vào chiều sẫm, báo hiệu thời tiết cuối đông bắt đầu chuyển sang xuân.

Có hai cách thu hoạch lúa và lấy rơm. Một là người ta gặt tới đâu, công đập bồ kéo cái bồ to đùng tới đó để đập từng ôm lúa rồi vứt rơm thành từng đống trên mặt ruộng, còn lúa được cho vào bao cột lại có xe trâu cộ về. Hai là lúa gặt tới đâu có công bó lại rồi gánh hoặc xe trâu cộ về sân nhà chờ trâu đạp. Người ta thường đợi những đêm trắng sáng để cho trâu đạp lúa, khung cảnh vừa thơ mộng, vừa mát mẻ đỡ mệt người và trâu. Muốn thế, cả nhà xúm nhau mỗi người một việc, những nhánh lúa được trải ra trên sân thành một lớp dày, trâu được cột ách hai con đạp đôi cho nhanh. Trâu đạp lúa sẽ bị chụp vào miệng một cái rọ đan bằng tre để nó khỏi vừa đạp vừa ăn lúa, một người cầm roi tre đi phía sau điều khiển cho đôi trâu đi vòng vòng thật chậm để đạp cho lúa rơi ra, rơm sẽ được một người dùng cây đòn xóc hất gom vế một chỗ. Để đề phòng trâu đạp lúa rồi “ị” bậy, một đứa nhỏ được giao nhiệm vụ cấm cái xô hoặc cái chậu chực sẵn, khi thấy trâu có dấu hiệu “ị” bậy thì lập tức cầm xô hoặc chậu chạy nhanh vào hứng. Hình ảnh này rất quẹt thuộc trong khung cảnh đạp lúa của nhà nông ngày xưa.

Dù thu hoạch lúa bằng cách đập bồ hay cho trâu đạp, rơm cũng vẫn là thứ phế thải của nhà nông. Ở thôn quê, hầu như nhà nào cũng có một cây rơm không trước sân thì sau nhà. Đống rơm vun cao là biểu tượng của một mùa lúa trúng, gia chủ no đầu. Rơm chất thành đống lúc đầu còn tươi xanh, sau khô dần sẽ biến thành màu vàng sậm. Tuy là thứ thải loại từ cây lúa sau mùa gặt, nhưng rơm không bỏ phí mà chất đống để dành, dự trữ cho trâu bò ăn cho tới mùa mưa năm sau. Rơm còn được bó lại thành con cuối để đốt un muỗi cho người và cho trâu bò. Rơm cũng được dùng làm chất đốt, lửa rơm để nướng bánh phồng, bánh tráng vào dịp Tết mà không có thứ lửa củi nào bằng. Rơm còn được chất thành vồng để nuôi nấm rơm và khi rơm khô mục sau vài mùa mưa thì dưới chân rơm sau mấy cơn mưa dầm, đất ẩm sẽ nhú lên những tai nấm rơm màu nâu, đây là nấm rơm tự nhiên không cần dùng meo để cấy nuôi và tất nhiên sẽ rất ngon khi chế biến. Những cây rơm nào sau mấy vụ mưa mà cho nấm tự nhiên thì gia chủ sẽ rất vui vì tin tưởng mình gặp may mắn, năm nay lại sẽ trúng mùa.

Trẻ con thôn quê thường có những trò chơi quanh đống rơm vào những đêm trăng sáng, nhất là trò chơi cút bắt ( trốn tìm) hay cũng còn gọi là trò chơi năm mười. Nhưng rơm còn sót lại trên đồng ruộng mới cho ta hết ý nghĩa của một mùa rơm, rồi chân rạ khô tàn lụi vừa có tên là gốc rạ nhưng cũng vừa là rơm, người thôn quê gọi tắt là rơm rạ. Khi đồng ruộng còn nước lấp xấp để đắp hầm cho cá nhảy thì gốc rạ là thứ vật liệu không thể thiếu để kết dính với bùn be bờ, nhét hang cá, đốt lên hun khói hang chuột thì không họ hàng nhà chuột nào chịu nổi mùi khói của rơm rạ ắt phải phóng khỏi hang thoát thân để …chui vào rọ thôi. Đến khi đồng ruộng cạn khô, nứt nẻ thì rơm rạ oai mục sẽ là một thứ “cỏ” tuyệt vời để lót nền ruộng thành sân đá bóng cho những đội bóng trẻ con chân đất thôn quê. Sân bóng tự nhiên có rơm rạ lót nền “cầu thủ” chạy rất êm chân, chạy mệt đứt hơi thì nằm lăn ra trên rơm rạ nằm thở, rất lạ là mùi rơm rạ khi hít vào lại tạo cho ta cảm giác dễ chịu, khoan khoái, mau lại sức và tiếp tục đua theo trái bóng của một thời thơ ấu tuyệt vời.

Sau bao nhiêu năm đi xa quê làng, tôi vẫn chỉ ao ước được trở về nằm lại một lần trên rơm rạ để hít, ngửi lại mùi thơm nồng ấm, ngọt ngào, chất chứa ngút ngàn kỷ niệm ấu thơ ấy. Nhưng rất buồn vì đồng ruộng quê tôi bây giờ người ta đã lên vườn, cải tạo thành ao nuôi tôm, hầu như không còn ai trồng lúa nữa nên mơ ước nhỏ nhoi này không thực hiện được. Quê nhà tôi bây giờ cũng ít còn những căn chòi giữ vịt, những ngôi nhà lợp lá đơn sơ mà hầu như đều là nhà tường lợp tôn giả ngói, nông dân ăn gạo đong ngoài chợ nên nhà cũng chẳng có đống rơm nào. Mấy hôm về quê tìm lại thú vui ngày cũ tôi có nuôi vài con gà, khi gà kêu ổ, tôi đi hỏi khắp xóm, khắp làng để xin nắm rơm về lót ổ gà nhưng không ở đâu có, đành phải tét lá chuối khô lót ổ đỡ cho gà đẻ vậy. Thấy tôi đi xin rơm cả làng cùng cười, bởi vì có ai còn ruộng, trồng lúa nữa đâu mà có rơm?

Bỗng dưng tôi trở thành người đi lang thang xin rơm, buồn ngẩn ngơ nơi chính quê mình và nhớ mùi rơm rạ tuổi thơ vô cùng.

Từ Kế Tường
( Ngô Minh Trí Sưu tầm)

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Câu Đối:Ơn Thiên Chúa - Đức Tổ Tiên


Câu Đối: Từ Giáo Xứ Holy Name Reservoir (Câu Đối được treo nơi Giáo Xứ Holy Name, Reservoir mỗi dịp Xuân về.)
Trình Bày: Kim Oanh

Sáng Xuân



Xướng: Sáng Xuân


Một sáng trời trong đẹp tuyệt vời,
Sương đêm còn đọng giọt rơi rơi.
Hồng đào buốt lạnh hoa hàm tiếu,
Bạch cúc eo sèo cánh tả tơi .
Trắng xoá đầu non mây tuyết phủ,
Xanh rờn bãi cỏ nắng xuân phơi.
Một mình hiên vắng lòng thanh thoát,
Bỗng thấy trần gian nhoẻn miệng cười!

Mailoc
Cali sáng 29 Tết 2017
***
Các Bài Thơ Họa:
Mừng Xuân

Bầu trời giáp Tết bỗng cao vời
Mờ sáng sương giăng lá giọt rơi,
Đại đóa vàng cây trông bắt mắt,
Chùm hoa xanh búp thấy mê tơi.
Đôi cô thiếu nữ dù che mát,
Mấy cậu thanh niên đội nắng phơi.
Chào đón mùa xuân khoe áo mới,
Tay bồng Ông Phúc miệng hay cười!

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 01 năm 2017
***
Xuân Xưa


Xuân xưa trong ký ức xa vời,
Tang tảng đầu xuân sương nhẹ rơi.
Bánh tráng mẹ bày ngoài ngỏ nắng,
Bánh phồng cha quết trước sân phơi.
Chuối khô chuối ép bà ngồi xắc,
Mức bí mức dừa chị xáo tơi.
Nhộn nhịp cả nhà lo đón Tết,
Trẻ già lớn bé thảy vui cười!

Đỗ Chiêu Đức
Xuân 2017
***
Đêm Trừ Tịch Hoạ Thơ Thầy
Thầy ơi hạnh phúc thật xa vời
Gió dữ mai vàng lả tả rơi
Bốn mấy mùa mong như đã mỏi
Muôn ngàn tiếng rũa vẫn chưa tơi
Năm qua năm lại người xưa mất
Xuân mãn xuân về tóc trắng phơi
Trừ tịch nghe buồn không đợi tết
Đường đêm vắng lặng chẳng ai cười!

Đêm trừ tịch
Cao Linh Tử
***
Đã Mất Mùa Xuân


Mùa xuân thật sự đã xa vời
Năm mới sao lòng nặng hạt rơi
Có thể lạnh lùng sương gió đổ
Hay vì nhạt nhẽo lá hoa tơi
Thế đời nào đã như tâm nguyện
Tuế nguyệt đâu màng tóc trắng phơi
Nhìn khói hương thờ lan toả ấm
Sao nghe cay đắng đọng môi cười.

Quên Đi
***
Chào Xuân Đinh Dậu


Chào Xuân én liệng thật cao vời
Gió nhẹ đầu ngày lay lá rơi
Mấy nhánh Mai vàng sương đọng giọt
Vài cành Huệ trắng nắng trơ phơi
Đỉnh non mây phủ vờn trên nóc
Bải cỏ vương đầy xác pháo tơi
Gác nhỏ buồn tênh lòng ray rứt
Xuân xưa còn nhớ bóng ai cười!

Song Quang
Chiều 30 Tết Bính Thân
***
Sáng Xuân

Sáng Xuân tốt đẹp cũng nên vời
Chỉ sợ nửa chừng bị bỏ rơi
Khỉ gió leo càn làm nát hết
Gà què ăn quen bới banh tơi
Nhiều người tưởng bở mang xôi cúng
Lắm kẻ không hay lấy mạng phơi
Vở lẽ được xơi toàn bánh vẽ
Cũng vui sau truyện khóc thay cười.

Thái Huy
***
Xuân Mới


Mùa đông lạnh lẽo đã xa vời
Lá úa không còn lả tả rơi
Ấm áp cỏ cây, tia nắng nhẹ
Dịu êm trời đất, hạt mưa tơi
Ngàn hoa bừng nở trong sương đẫm
Ong bướm lượn lờ quanh nhụy phơi
Xuân đến, lòng người vui mở hội
Bừng lên rạng rỡ nét môi cười.

Phương Hà


Bồi Hồi Phố Xưa - Hồi Ức!



Bài Xướng: Bồi Hồi Phố Xưa

Phố xưa nay vắng em rồi
Chim buồn ngưng hót mây trôi ngập ngừng.
Dạo quanh cùng với bâng khuâng
Kềm lòng mà mắt lại rưng lệ trào.

Nhớ em ngày tháng năm nào
Má môi hồng thắm tóc ngào ngạt hương.
Guốc khua gỏ nhịp đến trường
Gió vờn vạt áo vấn vương lòng mình.

Làm đuôi mắc cở lặng thinh
Vô tình em chẳng biết tình của tôi
Bây giờ người đã xa xôi
Tại sao ray rức bồi hồi nhớ thương?

Anh Tú
February 6, 2017
***
Bài Họa: Hồi Ức!

Rời bến người đã xa rồi
Mắt nhìn hun hút thuyền trôi chẳng ngừng
Sóng tràn cuốn cạn bâng khuâng
Nhận chìm xuân sắc mắt rưng rưng trào

Quay lưng người nhớ đêm nào
Nghĩa ân vàng đá ngạt ngào dư hương?
Xót chăng chiếc bóng canh trường
Hoài mơ kỷ niệm tơ vương ta mình?

Trà lời đi, sao làm thinh
Lòng ngăn dạ cách chia tình giết tôi
Ngỡ gần, tầm với xa xôi...
Ngùi trông nuốt lệ chôn hồi ức thương

Kim Oanh

Mơ Hoa - Hoàng Giác - Trần Thái Hòa

Người tuy xa cách nhưng lòng ta khắc ghi,
Bên đèn một bóng tháng ngày chờ mong



Nhạc Sĩ: Hoàng Giác
Ca Sĩ: Trần Thái Hòa
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Ngóng Xuân - Đợi Xuân




Lạnh lùng một chiếc lá rơi
Sương trong lòng bấc, thu dời đông sang
Vườn mai búp nụ chưa vàng
Hiu hiu gió chướng xao làn tóc mây

Ngày xa khuất bóng đêm dài...
Đợi hừng đông, ngóng chiều lay lắt buồn!
Nhón chân vói lấy cành suông
Xanh gầy nuỗn, mốc meo buông...xanh rờn.

Chờ xuân, xuân dỗi...giận hờn
Bóng khăn, chéo áo khi vờn khi quên
Hoa trông từng buổi nắng lên
Vỗ về duyên sắc, say bềnh bồng hương

Đâu rồi xuân lạc mùa thương
Gọi bao cánh én xa phương trở về
Không dưng mà nhớ bộn bề
Đứng trên quê...nhớ tình quê ngập hồn.

Phong Tâm
Thềm đông, đêm CáiMơn (2016)
***
Họa:
Đợi Xuân

Phố chiều nặng hạt mưa rơi
Ngậm ngùi tiễn bước hạ dời thu sang
Nhà ai bụi cúc trổ vàng
Hoàng hôn sương mỏng đọng làn cỏ mây

Rã rời trên bước đường dài
Chiều mưa, trưa nắng, tuyết lay cánh buồn
Đời người viễn xứ nào suôn
Đông về buốt giá, đêm buông …gió rờn

Còn đâu giây phút dỗi hờn
Tình xuân hoa bướm vui vờn buồn quên
Vườn mơ muôn sắc ngời lên
Bình minh hương thoảng bồng bềnh thơm hương

Cánh thư gởi nhớ ngàn thương
Én xuân khắp nẻo bốn phương bay về
Chợt đâu buồn đến tư bề
Người nơi đất khách … nhớ quê trĩu hồn!

Yên Dạ Thảo

Cái Xuân Trong Đóa Hoa Tàn - J. Leibe

Giới Thiệu: Jean Leiba tên thật là Lê Văn Bái, ông thuộc lớp nhà văn, nhà thơ tiền chiến. Bút danh của ông tuy mang tên Tây nhưng phong vị thơ, văn của ông lại rất Việt nam. Thực ra chữ Leiba là biến âm của chữ Lê Bái - một kiểu chơi chữ khá phổ biến trong làng văn, làng báo thời trước. Ngoài viết truyện, ông còn có những bài thơ với những câu thơ khá hay: 


Em nhớ năm em lên mười hai 
Một mình em trộm lấy gương soi 
Ðường ngôi đương kẻ thì anh đến 
Anh đến bên em mỉm miệng cười 
Em thẹn, quăng gương chạy xuống nhà 
Nín hơi, anh gọi cũng không thưa 
Sau mành lấp ló em nhìn trộm 
Em đợi anh về mới dám ra... 

Ngọ mở mắt dậy thì trời đã sáng lắm. Nắng xuân lùa vào trong căn phòng nhỏ, ấm áp, tưng bừng. Ngọ duỗi chân tay, còn nằm lười chưa muốn dậy. Vì chăn bông ấm quá đệm lò xo êm quá, Ngọ thấy một cảm giác khoái cảm nó lướt trên da thịt. 

Hôm nay đã là mồng bảy tháng giêng, cái Tết thế là qua rồi. Tết năm nay sao chóng thế, hay là bởi đối với Ngọ, nó vui vẻ quá chăng? Ngọ lẩm nhẩm mấy câu trong bài " valse" mà Ngọ rất quen và rất thích: 

Les beaux jours 
Sont si courts... 

Những ngày vui rất ngắn, Ngọ buồn rầu nhận thấy như thế. Ngọ nhớ lại mới hôm ba mươi Tết, chủ nhật trước Ngọ còn đi lang thang suốt buổi sáng ở chợ Ðông-xuân. Cũng như mọi năm, buổi chợ hoa tất niên này vui vẻ, tấp nập. Các thiếu nữ rộn ràng đi lại, tươi như bông cẩm chướng, cặp má hây hây như cánh hoa đào. Trời lất phất mấy hạt mưa nhưng quang đãng và ấm áp. Mấy công tử và mấy ông thợ săn hình, tay luôn luôn xoay ống ảnh, lăng xăng chạy theo những đóa hoa ngon... 

Nhưng Ngọ đến đây có phải để mua hoa đâu. Ngọ đâu có được cái diễm phúc của các cô thiếu nữ kia, có một gia đình êm đềm để Tết đến mua hoa về trang điểm căn nhà thân mật. Từ khi bỏ nhà đi làm nghề vũ nữ, Ngọ đã coi như đoạn tuyệt với gia đình rồi. Không bao giờ Ngọ có cái ý tưởng trở lại cái nhà hàng nhỏ ở một phố hẻo lánh tỉnh Ðông, nơi mà cha mẹ Ngọ đang ở. Khi nàng tự mình không ngần ngại bước chân vào con đường phóng đãng mà nàng mơ tưởng, nàng thừa biết hai cụ già lương thiện kia không còn nhìn nhận có nàng. Ngọ không thấy buồn và hối hận chút nào: nàng tưởng mình sắp bước chân vào một quãng đời sáng lạng tưng bừng mà những phút vui hiện hình thành những màu đèn đỏ xanh mơ mộng... 

Mấy tháng đầu, Ngọ tưởng mình đã tìm được nguồn hạnh phúc. Nhũng đêm vui đùa cười cợt, những bài "tango" khiêu động hay những điệu "valse" quay cuồng trong cánh tay những thiếu niên công tử Hà thành lịch sự, những phút thần tiên này, nếu Ngọ chỉ yên phận ở nhà với cha mẹ thì có đâu nàng được hưởng ? Ngọ muốn khuyên nhủ tất cả những thiếu nữ nào không may sinh vào những cảnh gia đình nghèo khó, không được ăn học, hay liệu không thể lấy được một người chồng tử tế để gây lên hạnh phúc gia đình, thì nên theo nàng đi rẽ vào con đường này, để tìm những thú vui điên dại. 

Ðời Ngọ chọn nhân tình với một công tử đẹp trai và trong mấy năm, nàng thay nhân tình mấy lượt. Ðối với một người vũ nữ, Ngọ coi như thế là một sự rất bình thường. 

Ngọ nhớ khi đang nhân tình với một công tử kia, cái tối hôm ấy, sau buổi nhảy, nàng theo một người đội Tây đánh xe hơi mời nàng đi ăn và đi ... ngủ. Rồi sau đêm hôm ấy, ngoài số tiền nàng nhận được, nàng còn được lợi cả một ... đứa con. Ðứa con mắt biếc tóc mây này, khi cất tiếng eo eo ở nhà thương Bảo-hộ, đã có chàng nhân tình bất hạnh(hay có cái hân hạnh đặc biệt kia) đứng khai sanh và nhận làm con chính thức. Lẽ tất nhiên, Ngọ lại coi là một sự tự nhiên lắm, không hối hận chút nào. 

Nhưng ba bốn năm rồi, Ngọ bắt đầu thấy mình theo cuộc đời mà tàn tạ. Phải, một bông hoa dù đẹp đến đâu, sống cuộc đời mưa gió chỉ trong vòng ba bốn năm, là tới thời kỳ héo úa rã rời. Khi Ngọ nhìn gương thấy má hóp, vẻ mặt già đi nhiều, vẻ mặt già đi nhiều, nàng mới có thì giờ nghĩ tới sự nhục nhằn bên cái vinh quang phù du của đời vũ nữ. Dạo ấy, nàng làm cho một tiệm nhảy phố Hàng Buồm. Những đêm hè oi ả, các vũ nữ nhọc mệt đều cởi áo, chỉ mặc chiếc quần đùi mỏng, ả nào còn e thẹn thì giữ thêm chiếc coóc-xê. Nhưng vũ nữ đã lão luyện trong nghề có người chỉ mặc bộ quần áo... bằng thịt bằng da để ngủ. Buổi sáng chín mười giờ còn nằm lăn như đàn lợn trên gác hẹp, những xác thịt bộn bừa như thế chỉ khiến người ta ghê tởm mà không đủ gợt tình. Thế rồi từ dưới thang gác, tiếng giày tây cồm cộp đi lên, với những tiếng xì xồ cao hứng của một người lính Tây đi tìm gái. Ðó chỉ là một viên đội cảnh sát đi "giữ trật tự" ngoài phố, nhưng ưa làm cái bổn phận khám trật tự trên gác tiệm nhảy này hơn. Rồi trước cái cảnh toàn ngực và đùi, cái bàn tay "chức trách" đưa đi khắp lượt. Có người thức dậy kêu tru tréo, nhưng phần đông nhọc mệt cứ ngủ li bì... 

Ðấy là những cảnh ở Hà-thành mà Ngọ đã trải qua. Nàng còn đi các tỉnh nhỏ, mà sự giữ gìn trật tự ở đây thuộc quyền tối cao của viên Cẩm. ở đây, nàng đã thấy, mới chập tối viên Cẩm đã vào tiệm nhảy kéo một vũ nữ lên gác, và đã giằng co nàng vũ nữ đến rách quần, rách áo. Ngọ tủi thân muốn khóc. Nhũng phút được các bạn trai chiều chuộng, không đủ bù lại những phút nhục nhã kia. Ngọ biết mình đã đi lầm đường, nhưng mà muộn quá! 

Ðến hôm ba mươi tết vừa qua, Ngọ vừa thôi không làm cho một tiệm nhảy được mấy ngày, chơ vơ không biết tạm gửi cái đời mưa gió ở đâu trong ngày xuân mới. Nếu phải những ngày thường, thì khi chưa tìm được việc, Ngọ có thể đến ở cùng với một người bạn nhảy ít lâu. Nhưng, năm cùng tháng hết, ai cũng phải lo thân phận mình. Ngọ biết là không thể đến ở cùng bạn được. Hay năm nay nàng sẽ phải ăn Tết trong xăm, như một năm trước kia, làm mồi cho một tụi bồi, chung cảnh với những gái giang hồ xấu số ? 

Ngọ thơ thẩn ngắm cảnh chợ hoa quạnh quẽ về chiều. Các thiếu nữ con nhà tử tế, giờ này đã quây quần trong cuộc hội họp của gia đình, vui vẻ mong đợi cái hạnh phúc sẽ đến với màu xuân rực rỡ. Còn Ngọ, một bông hoa lìa cành tàn tạ, thấy mình bị hắt hủi với sự cô độc trên một vỉa hè. 

Chợt nàng nhìn thấy trước mặt một bóng người quen đi lại. Ðó là Huy, một trong những chàng trẻ tuổi phóng đãng mà nàng quen biết trong "bar". Như kẻ sắp chết đuối cố bám lấy một mảnh ván trôi, Ngọ dồn cả hy vọng vào tiếng gọi: 
- Anh Huy!... 
Chàng trẻ tuổi dừng bước, đưa mắt nhìn nàng vũ nữ, cách nhìn đĩ thõa của những chàng phóng đãng, nó như muốn lột trần người đàn bà đang đứng nói chuyện với mình. Nhận ra là ai, Huy hất hàm, hỏi: 
-Ngọ đấy à ! Ðẹp nhỉ ! Ăn Tết ở đâu thế ? 
Ngọ sấn lại gần, nói bằng một giọng như đùa và cố làm ra vẻ vô tư lự: 
-Em cũng chưa biết ăn Tết ở đâu. Có lẽ gầm cầu, nhà Tế bần, hay Chợ Gạo...! 
Nàng cười như không quan tâm tới cảnh ngộ mình. Huy đưa mắt nhìn rồi ngoắc một ngón tay. 
-Thế thì về với anh. 
Rồi Huy nắm lấy tay Ngọ, cùng đi. Trước khi trở về nhà, Huy còn kéo Ngọ đến chỗ một cô hàng hoa mua một bó hồng tươi và mấy bông cẩm chướng. 

Sau khi biết Huy chỉ có ở nhà một mình cùng với thằng nhỏ, Ngọ mới yên lòng. Nàng vũ nữ lúc ấy mới làm ra vẻ một bà chủ gia đình lương thiện khiến cô gái giang hồ kia cảm động và sung sướng. Nàng trân trọng thay nước trong chiếc lọ Nhật -bảnb và dịu dàng cắm bó hoa mới mua vào. Nhìn những cánh hồng hớn hở khoe tươi, ngọ cho đó là tượng hình của cuộc đời êm đẹp. 
- Tết Anh không mua gì cả ư ? 
Huy nằm dài trên đi văng hút thuốc lá: 
-Một chai rượu mùi và một cân kẹo sô-cô-la: đủ giết thời giờ trong ba ngày Tết, Ngọ ạ! 
Nàng vũ nữ hơi ngạc nhiên: 
-Thế gia đình anh ... không còn ai để thăm hỏi nữa? 

Huy cười buồn: 
Ngọ ơi, có lẽ ở một tỉnh nhỏ kia, Ngọ còn có một gia đình, còn cha mẹ, chị em ngày Tết này, nhắc nhở đến người con gái hay người em, giang hồ lưu lạc. Nhưng anh thì đến cái an ủi ấy cũng không có nữa. Anh chỉ có một mình ... một mình ... và một mình ... không thân thuộc, mà không cả đến tình yêu ... 

Ngọ cảm động: 
-Anh mà không đến cả tình yêu ? 
-Nghĩa là, trước kia ... ngày nay ... Nhưng nói ra làm gì, hở Ngọ? Chúng mình, trong cái giờ này mà mọi người, cha mẹ, anh chị em quây quần cười vui vùng ngày Tết, chúng mình riêng là những kẻ chẳng có gia đình. Tết thì Ngọ ở đây tạm với anh, trong mấy ngày Tết thôi, để một trái tim hiu quạnh sưởi ấm cho một trái tim hiu quạnh ! Như thế, anh với Ngọ lại chẳng có một ảo tưởng là sống cuộc đời đầy đủ, đủ cả gia đình và ái tình hạnh phúc hay sao? 

Ngọ thấy trong tim thổn thức vì xúc cảm. Ôi! nếu nàng còn là một thiếu nữ con nhà tử tế, thì biết đâu - phải, biết đâu? - cái ảo tưởng gia đình và ái tình hạnh phúc kia sẽ chẳng là sự thực giữa Huy và nàng ? Tại sao trước kia Ngọ lại có thể lỡ lầm như thế được! Ðịnh mệnh ư?... Mấy ngày Tết trôi qua trong sự êm đềm, vui vẻ. Họ ăn ở với nhau như cặp vợ chồng, suốt ngày chỉ cắn hạt dưa, uống rượu mùi, ăn kẹo và đánh tam cúc. Ngọ sung sướng quá, tuy nàng vẫn có cái linh cảm rằng cái sung sướng kia sẽ chẳng được lâu bền... 

Hôm nay đã là ngày mồng bảy rồi, những ngày vui sao chóng thế. Ngọ thức dậy trong chăn, nhìn trên chỗ mắc treo quần áo, biết ngay Huy đã đi chơi từ sáng. Không còn đâu những ngày "vui như Tết" nữa. Ngày mai, ngày nay, cuộc đời lại buồn tẻ bắt đầu. Ngọ cũng biết hôm nay có lẽ là hôm cuối cùng Ngọ ở bên Huy, vì Huy còn phải đi làm, và cả nàng nữa cũng phải tìm mưu lo sống. Ngọ không muốn mà cũng không ở với Huy lâu nữa, vì nàng tự biết đời mình và không muốn bận đời Huy. đưa mắt nhìn cái tổ êm ấm trong đó nàng đã sống những giây phút thần tiên, Ngọ khẽ thở dài đẩy chăn, chống tay vào má: 

Les beaux jours 
Sont si courts 
Amoureusement... 

Những ngày vui tình rất ngắn, đẹp như mộng và rồi cũng tan như mộng một đêm. Nhưng biết làm thế nào? Một thiên tiểu thuyết tình, dù hay tới đâu, một ngày kia người ta cũng phải giở đến trang cuối. Cái trang cuối mà số mệnh đã ghi ấy, giữ Ngọ và Huy, hôm nay nàng đã giở đến rồi. 


Ngọ trở dậy điểm trang, mặc áo. Nàng ngồi trên ghế lấy thuốc lá ra hút. Mắt Ngọ trợt nhìn xuống lọ hoa, xuống bó hồng mà nàng đã cùng Huy đi mua chiều hôm ba mươi Tết ở chợ Ðồng-xuân. Bó hồng bị bỏ quên, lá đã héo rã rời, mà khi Ngọ chạm tay đến đài hoa, thì các cánh tàn trút rụng xuống cả một lượt. Ngọ chợt rùng mình nghĩ đến cái ngày tận số của một đời hoa. Nàng toan toan đứng dậy ném bó hoa đi thì Huy đã vừa hát vừa vui vẻ đẩy cửa bước vào, đem theo cả một vừng nắng xuân rực rỡ. Ngọ chưa kịp hỏi, Huy đã rối rít nói huyên thuyên: 

-Ngọ ơi! đời đẹp lắm! Bó hoa tàn này còn để làm gì? Anh đã mua một bó hồng mới đây, vừa tươi, vừa đẹp. Ngọ ạ! anh là một người sung sướng nhất đời. Từ nay, anh không chịu nỗi lẻ loi hưu quạnh nữa, anh đã tìm thấy nghĩa lý củ sự sống, cái nghĩa lý ấy anh vừa nhận ra trong hai chữ "Yêu đương"! Thì ra, Ngọ ơi! nàng cũng yêu anh, trước kia anh tưởng phải mang một mối tình vô vọng. Tình yêu ấy, anh đã được bằng chứng buổi sáng hôm nay, chính tự miệng nàng... Anh sung sướng quá. Ðáng phàn nàn và thương hại thay cho những kẻ chẳng được yêu. Ngọ ơi ! anh khuyên Ngọ nhé ! Ngọ cũng tìm một người mà yêu đi. Yêu đi, vì Ngọ đã lãng mạn nhiều rồi. Yêu đi, vì không có tình yêu, thì sau những phút vui dù điên dại mê người, người ta cũng cảm thấy ngay lại sự lẻ loi chán nản... 

Huy còn nói, nói rất nhiều, vì chàng vui vẻ quá. Huy không nhận thấy nét u buồn trên mặt Ngọ : chàng có ngờ đâu rằng Ngọ bây giờ không còn có thể yêu ai được nữa, vì mấy năm dạn dày đã giết chết mất cái tính thuần khiết của sự yêu đương. 

Ngọ rút ở lọ hoa ra bó hồng tàn mà nàng vứt bỏ trên cửa sổ, trong khi Huy cắm bó hồng mới thay vào. Nàng vũ nữ thấy hai giọt lệ nóng rơi trên má. Nàng cứ để hai giọt lệ ấy rơi xuống bó hoa khô héo, trong đó, màu xuân đã úa phai trên những cánh hồng tàn. 

J. Leiba
(Ban Biên Tập sưu tầm)

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Câu Đối: Xuân Đinh Dậu 2017 - Song Quang


Đầu Năm Đi Lễ



Đầu năm đi lễ
Nắng ấm mây xanh
Chim vui chuyền cành
Vỗ cánh bay nhanh

Sáng nay đi chùa
Nghe thầy giảng pháp
Giảng về từ bi
Chợt thấy nhu mì

Bài pháp thật hay
Từ bi hỉ xả
Xin người thứ tha
Tội lỗi con đầy

Đầu năm dâng hương
Kính cẩn cúng dường
Nguyện chẳng sát sanh
Tránh dữ làm lành

Đầu năm đi chùa
Tránh chốn lao xao

Phật ngồi trên cao
Phật quá nhân từ

Đầu năm lễ chùa
Nhàn nhã thảnh thơi
Cuộc đời rong chơi
Vui lắm ai ơi!

Sáng nay đi chùa
Hớn hở vui tươi
Phật ở trên cao
Nhìn xuống mĩm cười

Như Nguyệt

Bồi Hồi Phố Xưa - Tìm Nhau


Bồi Hồi Phố Xưa

Phố xưa nay vắng em rồi
Chim buồn ngưng hót mây trôi ngập ngừng.
Dạo quanh cùng với bâng khuâng
Kềm lòng mà mắt lại rưng lệ trào.

Nhớ em ngày tháng năm nào
Má môi hồng thắm tóc ngào ngạt hương.
Guốc khua gỏ nhịp đến trường
Gió vờn vạt áo vấn vương lòng mình.

Làm đuôi mắc cở lặng thinh
Vô tình em chẳng biết tình của tôi
Bây giờ người đã xa xôi
Tại sao ray rức bồi hồi nhớ thương?

Anh Tú
February 6, 2017
***
Bài Cảm Tác:Tìm Nhau 

Nắng chiều trải nhẹ trên hè phố
Chân bước tìm cuối ngõ cà phê
Giọt đen ru lối đi về
Nhớ xưa hai đứa đam mê cuộc đời.

Từng sợi mỏng tuyệt vời khói thuốc
Bay dịu dàng óng mượt tóc mây
Lá me thoảng nhẹ bay bay
Mắt em đen thẩm tháng ngày mộng mơ.

Theo thời gian trôi vào quên lãng
Tựa vầng mây lãng đãng tầng không
Xa nhau mới thấy đắng lòng
Quơ tay muốn níu ngược dòng thời gian.

Cà phê cạn khói tàn đêm xuống
Gieo vần thơ muôn hướng tìm nhau
Em ơi kỷ niệm ban đầu
Ta còn giữ mãi nát nhầu buồng tim.

Dương hồng Thủy
07/02/2017 – 11/01âl Đinh Dậu

Xuân Hạ Thu Đông



Xuân Hạ Thu Đông

Xuân ...đã vẫy chào, EM có hay???
Hạ ... đang bước tới gió vờn bay,
Thu... xưa hai đứa vui hò hẹn,
Đông ... vắng EM rồi , tôi lại say ...

Hoàng Dũng
***
Xuân Hạ Thu Đông


Lại say cho đến lúc đón Xuân
Túy lúy màng chi chuyện thiên Hạ
Nhất nhật bất kiến tựa thiên Thu
Giải sầu bè bạn ngày càng Đông

Nguyễn Đức Tri Tâm
***
Xuân Hạ Thu Đông

Pleime trường nữ đủ các tên
Xuân, Hạ, Thu, Đông mái tóc mềm
Em đi trong nắng môi hồng thắm
Gió nhẹ đùa vai áo lụa dài

Nguyễn Đức Tri Ân
***
Xuân Hạ Thu Đông


Xuân khoác áo màu theo gió lay
Hạ sang phượng thắm nét trang đài
Thu về vàng lá mơ đan lối
Đông ấp ủ hoài hương áo ai

Kim Oanh

***
Xuân Hạ Thu Đông

Chào Xuân Mai Cúc nở vàng bông
Đón Hạ Phượng Sen trổ sắc hồng
Lá rụng Thu về đan lối mộng
Tuyết rơi Đông đến ngập thềm sông

Song Quang

Tình Khúc Mùa Xuân - Phạm Anh Dũng - Thanh Ngọc


Nhạc:Phạm Anh Dũng
Tiếnh Hát:Thanh Ngọc


Chia Tay Bạn Hiền

Hải (áo đen) & Hà – Saigon, Summer July, 1973.

Tôi có người bạn từ thuở trung học, Lương Tế Hà, bằng tuổi tôi. Cả hai chúng tôi có tên bắt đầu bằng chữ ‘H’ nên chúng tôi vì nhân duyên hay sao đó, cả hai đã gặp nhau ‘liền tù tì’ trong nhiều lần thi QG như tú tài, thi vào nhiều trường đại học. Hà vốn thích đàn hát, với tính tình dung dị, hoà nhã, Hà ít làm ai phật lòng.
Sống ở đời có những người bạn thân là điều quí báu - bạn mà chúng ta xem như anh chị em trong nhà – Hà đúng nghĩa là một người bạn thân quí, gần gũi như huyết thống.

Trước năm 1975, chúng tôi học chung hai trường đại học: Luật khoa Sài-gòn (ghi danh lấy course về nhà gạo bài) và trường đại học Kinh tế Thương mại Minh Đức. Ngoài ra chúng tôi còn học thêm các lớp Anh văn hội Việt-Mỹ, lớp Anh văn tại gia do GS Phạm Vân Nga giảng dạy. Ngày đó có Lan, Hạnh, Hà và tôi [Sau năm 1975, Hạnh mất đi vì các cơ sở y tế tối tân trước kia nay xuống dốc, thiếu thốn thuốc men đã cướp đi mạng sống người bạn thân của chúng tôi.]
Nhớ về những ngày xa xưa đó, sau những buổi học Anh văn ban đêm… phóng xe gắn máy vô Chợ Lớn ăn hủ tíu sa-tế ở con hẻm phía sau rạp Lệ Thanh… ăn mì chú Hoả đường Nguyễn văn Sâm quận nhì… có khi cả bọn kéo nhau đi ăn bò viên ở gần chùa Kỳ Viên (gần đường Trần Hưng Đạo và Đồng Khánh) phải nói là viên bò thực là bự, jumbo size… quán mì Cây Nhãn không mấy xa hội Việt-Mỹ, nhưng có lúc cũng ráng vượt vài cây số lên mì La-Cai đường Nguyễn Tri Phương đặng ăn cho được những dzắc mì rất ư đặc biệt của họ… Sài-gòn về đêm và cái thú đi ăn tối của những ngày xa xưa …
Hà với tính tình tốt, thường kèm miễn phí các bạn học ‘yếu về toán’ kể cả các cô bạn cùng trường, cùng khoá – cho nên xung quanh Hà lúc nào cũng có nhiều tà áo dài vây quanh [chắc lá số tử vi có sao ‘đào hoa’ chiếu vào cung thân!]

Đường vô Núi Sam

Hè năm 1973, tôi theo Hà vượt hai con sông Tiền, Hậu về quê ở Châu Đốc, xứ của các lọ mắm. Gia đình người Dì của Hà có cơ sở sản xuất ‘mắm thái’ nổi tiếng nơi đây. Hmm… nghĩ về lọ ‘mắm thái’ và bữa ăn với đầy đủ rau, bún, gia vị… thì chỉ khuyến khích cái dịch vị ‘Pavlov’ mà thôi! … Chúng tôi đi thăm Tịnh Biên, leo núi Sam, viá bà Chúa Sứ Thánh mẫu… Gia đình Hà người Minh Hương, ba mẹ Hà xem tôi như con. Một điều tương tự là ba mẹ tôi cũng xem Hà như tôi.
Năm 1974, Hà khăn gói theo tôi lên Tây Ninh nghỉ hè. Những ngày nghỉ nơi quê nhà, ôi sao mà nhớ quá! … Chúng tôi cỡi xe Honda vượt biên giới Việt-Miên đi chợ trời… đi thăm địa danh “Tha La xóm đạo” được nói đến trong bài hát của Dzũng Chinh… Trảng Bàng, núi Bà Đen, Vía Bà chùa Linh Sơn Thánh mẫu… Ôi còn đâu những ngày vui đã qua!

 ***
Hà người bạn thân quá vãng và ý niệm sống gửi thác về...
Người xưa nói:“Sống và chết là hai việc lớn nhất của đời người” (Sinh tử sự đại). Người ta quen nói: Sinh ký tử qui, Sống gửi thác về. "Sống gửi" là sống tạm, sống như ở trọ, sống vắn vỏi cho dù là 60, 70 năm hay cả trăm năm; bởi thế Trịnh nhạc sĩ cho bài hát:
Tôi nay ở trọ trần gian,
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.
Còn "thác về" là chết mới về quê hương, về nơi định cư vĩnh viễn. Câu nói quen thuộc và phổ biến này nói lên một niềm tin minh nhiên hay mặc nhiên của đa số người Việt Nam chúng ta. Nhưng có lẽ khi nói "sống gửi thác về", số đông đồng bào ta chỉ có một ý tưởng rất mơ hồ về nơi quê hương thật...
Sinh lão bệnh tử vốn là lẽ thường ở đời. Thế nhưng khi người thân yêu của bạn ra đi để lại trong bạn nỗi buồn khôn nguôi và nhớ nhung không tả được trong tâm trí. Có khi nào bạn mong muốn được gặp lại họ dù chỉ một lần có thể để thỏa nỗi lòng hay để nói điều gì đó mà trước kia bạn chưa kịp nói.
Nhưng bạn biết không một số nhà ngoại cảm đã tiết lộ rằng, mặc dù về mặt thể xác người thân của bạn không còn tồn tại nữa nhưng linh hồn của họ vẫn có thể còn lẩn khuất đâu đây bên cạnh chúng ta, hay trong tâm trí chúng ta.

Việc mất đi người mà chúng ta cảm mến, người luôn bên cạnh và luôn khuyến khích chúng ta hẳn là một điều vô cùng khó để có thể chấp nhận được. Nhưng đó sẽ là một thực tế không thể nào thay đổi được. Bạn sẽ thể thay đổi quy luật của cuộc đời này, và bạn phải chấp nhận một sự thật rằng tất cả chúng ta đều đã và đang mất đi những người thân dù muốn hay không và ngay cả chúng ta cũng vậy. Rồi một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ nằm yên dưới lòng đất hay ra tro bụi...

Chết không phải là hết mà chỉ bắt đầu cuộc sống mới ?
Phải chăng đời người chỉ gói trọn trong hai chữ "Sống và Chết." Thật vậy, con người ta sinh ra ở đời này không phải để sống luôn mãi, nhưng sau một thời gian vắn dài, con người phải chết. Vì đã có sinh thì lại có tử, không trước thì sau, không sớm thì muộn, thần chết sẽ đến với ta một cách bất ngờ, đó là định luật của con người. Lối đi một chiều không có ngày quay trở lại.
Kinh nghiệm cho thấy là từ xa xưa đến nay, không có ai được sống mãi. Vào năm 2002, ông Yukichi Chuganji, người Nhật bản đã mừng ngày sinh nhật thứ 113th vào năm 2003, bà Kamato Hongo cũng ở nhật bản đã được toàn thế giới cho là người sống lâu nhất là 116th tuổi. Hai ông bà này được coi là người đã sống lâu nhất thế giới. Tuy đã được xem là sống lâu nhất, nhưng không thể nói là được sống mãi không bao giờ chết. Bạn hãy tưởng tượng xem, nếu ai cũng sống mãi mà không chết đi, thì thế giới ngày nay có chỗ đâu cho người ta ở. Chắc gia đình bạn phải xây thêm mấy cái nhà nữa mới đủ. Nhưng thật tế đâu có vậy, từ lúc ông bà tổ Adong Eva phạm tội, con người đã đánh mất đi ơn bất tử trên dương thế. Chính tội đã làm cho tất cả mọi người chúng ta cùng chia chung một số phận phải chết.
Vào thời cựu ước, Ông Adam sống được 930 tuổi (St 5:5); Seth, con Adam, sống được 912 tuổi (St 5:80); rồi Abraham sống được một trăm bảy mươi lăm tuổi (St 25;7); Bà Sara vợ ông sống được một trăm hai bảy tuổi (St 23:1). Chúng ta không được biết sao những người thời xưa sống được lâu như thế, có lẽ họ tính chu kỳ thời gian một năm hoặc một tháng ít hơn chúng ta bây giờ. Tuy nhiên, dù sống được bao nhiêu năm đi nữa, rồi cuối cùng cũng lãnh lấy cái chết.
Nhiều người quan niệm rằng, "chết là hết." Thật vậy, khi nhắm xuôi tay, chúng ta không còn gì khác ngoài trừ một cái xác không hồn bất động, một bộ xương khô, rồi cuối cùng trở thành một nắm tro tàn cuốn theo chiều gió. "Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro (Kn 3:19)." Cái chết là hết sự đời. Bao nhiêu thành công tiền của, đã một thời vất vả gom góp đều tan theo mây khói. Muốn đem theo cũng chẳng được, nuối tiếc cũng đã muộn màng. Những ý định cho hiện tại, những mộng ước cho tương lại đều trở nên ảo tưởng. Mọi sự ở đời này trở nên vô ích khi thần chết đến viếng thăm.
Vì cùng một quan niệm "chết là hết", nên nhiều người đã không muốn nhắc đến cái chết, không muốn đối diện với thực tại của sự chết. Lúc còn nhỏ, mỗi khi các trẻ con đề cập đến cái chết, thì bố mẹ đều ngăn cấm không được nói. Cách đây khoảng mấy năm về trước, tôi nói đùa với bà cô tôi rằng, "Cháu có một linh tính là chỉ sống đến ba mươi tuổi là hết đời." Bà liền trách thương tôi, "Cháu đừng nói vậy, xuôi xẻo lắm." Tuy là nói vậy, chứ bạn đâu biết là bạn có thể sống đến ngày mai hay không? Có người ra đi rất trẻ mới chỉ có đôi mươi hoặc ba mươi xuân xanh. Lại có người sống đến răng long tóc bạc. Nhưng không ai có thể bảo đảm và biết chắc được cái chết của riêng mình. Chúng ta chỉ biết là một con người sức khõe dồi dào, thì có thể sống lâu hơn một con người đau yếu bệnh tật. Đây là chúng ta không kể đến những tai ương bất ngờ xảy đến.

Lý do người ta không muốn nhắc đến hoặc đối diện với cái chết là vì họ chưa sẵn sàng để ra đi. Họ sợ bỏ lại những người thân yêu, bỏ lại của cải vật chất, sự giàu sang đang được hưởng dùng. Nói cách khác, họ còn lưu luyến những cái tạm bợ ở đời này. Họ ví cái chết như một con dao hai lưỡi vô tình cắt đứt sự quan hệ giữa người với người, giữa người thân yêu đã một thời chung sống. Hơn nữa, sự chết sẽ tướt đoạt đi tất cả những gì họ yêu quý nhất, những gì họ đã bao năm lăn lộn với mồ hôi nước mắt, dầm mưa dãi nắng mà nay chưa được một lần tận hưởng. Nhưng thần chết đâu có thương xót một ai, miễn trừ cho kẻ nào. Từ một ông vua quyền quí cho đến một bác thợ mộc nghèo nàn đều phải bước qua ngưỡng cửa của sự chết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sợ và xa lánh cái chết. Vì có lắm kẻ đã tìm đến cái chết để thoát ly nợ đời; khi phải đối điện với chán chường thất vọng, đau khổ, khó khăn hoặc khủng hoảng tinh thần trong cuộc sống. Cùng đường bí lối, u sầu tuyệt vọng. Họ nghỉ rằng chỉ có cái chết mới là phương dược tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề ngang trái. Chết đi thì còn đâu mà đau khổ, còn đâu mà nợ nần. Mọi đau khổ, lo lắng, phiền não, vương vấn của kiếp người đều tiêu tan theo bụi trần.
Nhưng họ đã lầm to, vì chết chưa phải là hết, vì theo phương diện tôn giáo, thì "chết đi là để bắt đầu một cuộc sống mới."

Bên Phật Giáo quan niệm rằng sau khi chết, nếu khi còn sống ở trên đời này, người ta ăn ở ngay lành, sống Từ Bi Hỷ Xả hay là Tứ Vô Lượng Tâm với mọi người, thì hồn thiêng hay hương linh của người Phật tử sẽ được đi về cõi cực lạc, tức cõi Niết Bàn, tương đương với bên Công Giáo là Thiên Đàng như bên đạo Công Giáo. Ở đây ta thấy có ý niệm Luân hồi, tức vòng sinh tử, điều này chỉ những lần đầu thai tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết Bàn. Theo Phật giáo, nguyên nhân trói buộc trong luân hồi là tam độc gồm có tham ái, sân và si. Tùy vào nghiệp của chúng sinh đã tạo trong quá khứ mà chúng sinh đó sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi: trời, thần, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Sau khi tái sinh, phần lớn các chúng sinh sẽ không còn nhớ gì về kiếp trước đó. Các chúng sinh sẽ có một cuộc đời mới. Việc chúng sinh sẽ tái sinh vào cõi nào sau khi chết có thể dự đoán được nếu khi quan sát cận tử nghiệp của chúng sinh đó. Ác nghiệp hay Thiện nghiệp. Còn khi tội nhẹ thì được liệt kê vào bậc cao hơn. Tội nặng như ác lai ác báo. Mọi sự đều được xử phạt tùy theo cách sống của chúng sinh.

Còn về triết thuyết bên đạo Công Giáo thì mỗi người lãnh nhận một linh hồn bất tử, phần trả công muôn đời cho mình, ngay sau khi chết, trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời.
Đối diện với sự chết theo quan điểm tâm linh; Chết là Cuộc Sống Mới..., tuy quan điểm hữu thần hay vô thần. Câu chuyện về triết gia Pascal là điển hinh như sau. Một triết gia vô thần đã gặp Pascal và nhạo báng Pascal vì tin linh hồn bất tử và có sự sống đời đời về sau hay có kiếp sau để rồi trong đời sống hiện tại Pascal phải sống thật khổ hạnh với mình và sống nhịn nhục, thua thiệt với người khác, nếu không có đời sau thì Pascal là kẻ dại dột. Pascal trả lời cho triết gia vô thần kia rằng ông bạn nói đúng, khi ông ấy tin là không có linh hồn bất tử và không tin có sự sống đời sau nên tiếp tục sống xả ga hưởng thụ. Nhưng nếu có sự sống đời sau thì ông ta là người dại hơn Pascal, vì Pascal chỉ thiệt thòi tạm bợ đời này, còn ông, ông mất cuộc sống đời đời về sau. Thật vậy, đối với những người không có niềm tin tâm linh, thì ai đó có thể cho rằng chết là hết, chết là vĩnh viễn mất đi. Do đó họ rất sợ sệt và thất vọng khi phải đối diện với cái chết. Ngày nào còn hơi thở, người ta muốn tận hưởng cuộc sống cho thỏa thích. Nhưng đối với những người tin vào niềm tin tôn giáo thì chết không phải là hết, mà là một cuộc trở về nơi cao hơn, an bình hơn. Nhân gian có câu: “Sống gửi, thác về”. Chết đối với người theo quan điểm duy tâm linh là cánh cửa dẫn vào cuộc sống mới. Cuộc sống đời này vốn dĩ phù du, mau qua chóng tàn, như cơn gió thoảng qua, không có gì vĩnh viễn. Khúc nhạc ngân lên: “Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” cho ta ý niệm kiếp sống này vốn tạm bợ mà thôi.

Do vậy, cái chết là thực tại dù thật khắc nghiệt trong cuộc sống này, thử thách tâm linh, niềm tin của người sống, của nhân loại. Tuy nhiên có thể bạn sẽ cảm thấy bớt buồn đau khi biết được rằng, họ có thể vẫn đang ở bên cạnh bạn. Một số nhà ngoại cảm cho rằng mặc dù về mặt thể xác, người thân đã khuất bóng bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ; Ôi những dòng sông nhỏ kỷ niệm nào về là những chơi vơi... Bạn ta đã từ giã cõi đời, nhưng linh hồn người quá vãng có thể vẫn lẩn quất đâu đây và ở ngay bên ta, luôn dõi theo mỗi bước đi của ta và lưu tâm đến ta khiến ta bỏ ngủ sụt cân,.. phải chăng ta nhớ đến bạn hiền?

Bạn tôi đã chia tay!
"Anh Việt Hải ơi, anh Lương Tế Hà vừa mới mất đó anh. Em nhớ anh Lương Tế Hà và anh hay đi chung, thường, xuống chỗ tập văn nghệ của tụi em... có những kỷ niệm xưa khó quên, anh há. Nhớ lắm tiếng đàn, tiếng hát của anh Hà... "Phút ban đầu gặp em tinh tú quay cuồng....", hay "Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương người... ". Đó là những bài hát, anh Hà hát rất hay, 
Băng Tâm rất thích, anh Hải ạ.".
Cô bạn gái bạn học đồng mốn tại trường đại học Kinh Thương, có làn da trắng toát xinh xắn trời cho, cũng như cha mẹ cho, một thuở đại học hẹn hò, ngất ngây tâm hồn các bạn nam đồng mốn, Băng Tâm đã gửi tôi những lôi thông báo qua email đầu tiên.Bâng Tâm, cô gái có nét duyên dáng hiện trên gương mặt trái xoan, khổ người petite, Băng Tâm ôn lại kỷ niệm học đường ngày xa xưa với nỗi lưu luyến nhớ về Lương Tế Hà.


Riêng với cảm nghĩ của tôi, Lương Tế Hà là người bạn đáng quý từ thuở trung học Petrus Ký. Năm cuối thi tú tài phần II, Hà thuộc lớp đệ Nhất B3 còn tôi lớp B4. Tuy khác lớp, nhưng cả hai thường gặp nhau và học bài chung. Ra khỏi trường thì nào là picnic, những hôm đi ăn hàng vặt, góp bàn tay làm công tác xã hội… trong quang cảnh chiến trường ‘mùa Hè đỏ lửa 1972.’ Một thế hệ học sinh đệ nhị cấp nhiều u buồn, đem theo cho đến những thiệt thòi, mất mát… nhìn lại có những người quen biết quanh đây như nghệ sĩ Việt Thảo, điêu khắc gia Phạm Thế Trung [với bức tượng ‘Mẹ bồng Con’ nổi tiếng ở Ottawa,] như nhạc sĩ Trọng Nghĩa của Minh Đức… những bạn bè cùng lứa… hôm nay, ngày qua… đã đi chung một đoạn đường mà dĩ vãng gần nửa thế kỷ qua rồi còn gì!
Hà sống những tháng ngày nơi đất khách quê người, anh lưu trú thành phố West Covina, thuộc hạt Los Angeles khá lâu. Vợ Hà là chị Tuyết có với nhau hai cô con gái, Tú Anh và Tú Duyên. Cháu lớn đã xong MBA còn cô em đang tiếp tục học trình Cao học MBA như chị. Một gia đình đầm ấm, thành đạt và kiểu mẫu nơi quê người.
Tôi nhớ mới tháng Ba năm ngoái 2016, cháu gái lớn và chàng rể Mỹ có nét hao hao như tài tử Robert Redford, chở ‘a pá Hà’ lên nhà thăm tôi. Hà bị bịnh tiểu đường khá nặng khiến cho khiếm thị, các con phải dìu "pà pá"’ đi đứng vì Hà đã từng bị té ngã nhiều lần. Tôi nghe mà lòng quặn thắt cho bạn hiền.

Nhớ lại những ngày theo học ở Minh Đức, sinh hoạt chung với nhau một nhóm còn có các khuôn mặt thân quen, những bạn … mà mình còn nhớ được như Trần Mạnh Chi, Trang Sĩ Phước, Tô thị Kim Anh, Trần thị Bảo Ngọc, Trần Thanh Long, Lê thị Khánh Trang, Lưu Mạnh Bổng, Phó Đức Trường, Trần Việt Hương, Trần Anh Tú, Châu Thái Trọng (Saint-Exupéry), Nguyễn Thu Hương (Marie Curie), Trương Thành Quyển, Nguyễn thị Bạch Mai, Tnương Vân Lan, Trần thị Thanh Châu, Cao thái Hải, Hoàng Trí Dũng, Trần Ngọc Sơn (tự Sơn Georges, Sơn ham dzui), Nguyễn thị Băng Tâm, Lâm Bạch Lan, Lưu Quỳnh Hương, Lê Nhân Ái… và Phạm Quang Hải bên Australia (*).
Ngày Lương Tế Hà ra đi, bạn bè đến thăm lần cuối, hai vợ chồng tôi đứng bên linh cửu nhìn bạn mình thiếp ngủ, nằm im bất động mà nét mặt khôi ngô thư sinh cùng nét điển trai tuấn tú, đượm vẻ hiền lành, khoan thai vẫn còn nơi bạn tôi. Quay sang nhìn Tuyết (vợ Hà) và hai cháu gái trông đang nước mắt lăn dài. Khung cảnh sinh ly tử biệt làm cho mắt tôi cay cay cùng chia xẻ nỗi niềm ngậm ngùi với tang gia.


Bao năm tháng qua đi, chúng tôi là những bạn bè đồng môn thế hệ 1953 – năm trước 2015 tiễn đưa chia tay Lê thị Khánh Trang, một người bạn khả ái, nhu mì, hiền hậu ra đi – tôi nhớ mãi nét mặt Trang như đang ngủ thiếp, một giấc ngủ dài! Nay thì đến người bạn khác, Lương Tế Hà. Những ngày cuối, tiếng bạn trong điện thoại, những lời tâm sự của người bạn từ thuở trung học, những e ngại khi đề cập đến đề tài "sinh lão tử bịnh", quy luật tử sinh, phút chia ly ở cuối nẻo đường đời, tôi hiểu tâm lý bạn tôi, Hà muốn nương tựa vào những an bình khi tìm thấy trong giáo lý nhà Phật… Hà muốn tôi email gửi qua những bài tôi có về ‘sự sống, sự chết’, ‘sống hạnh phúc, chết bình an’, ‘con người ở kiếp sau’…
Duyệt qua quyển sách mà nội dung của nó mô tả như có một điều gì đó hay làm bận tâm tất cả chúng ta là làm cách nào để sống và chết bình an. Để có thể thản nhiên nhìn thẳng vào sự sống và chết, phải khẳng định một phương cách hành động để khi đối mặt với nó không mảy may sợ hãi. Đó là tích cách, hoặc là thái độ chúng ta chọn lựa để thể hiện trong cuộc sống, bằng cách sống có mục đích, làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Muốn thực hiện được điều đó, theo lời khuyên dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong sách "Sống Hạnh Phúc, Chết Bình An", (The Joy of Living - Dying in Peace). Chúng ta phải kiên trì tu học thiên về ý nghĩ tâm linh: trau dồi và nuôi dưỡng lòng từ bi tâm mẫn, tuệ giác, tích cực trong nếp suy nghĩ cho đến hành động để chuyển đổi nhân tâm. Và khi đã đạt được tuệ tâm tĩnh giác, bất cứ tình huống nào của cuộc sống vô thường này, chúng ta cũng sống an vui và giữ được sự bình thản, không sợ hãi, ngay cả vào thời điểm khi ta sắp lìa khỏi thế gian...

Tôi muốn trích dẫn từ bài viết đặc sắc cùa nhà văn Huy Phương rất thích hợp cho chủ đề này, "Sống hạnh phúc, chết bình an", là điều mà Hà nhờ tôi... Nhân ngày tiễn đưa Tiễn Sĩ Alan Phan, 25 Tháng Mười Một, 2010, trong bài tạp ghi Huy Phương đăng trên tờ Người Việt như sau:
" Quả tình là không ai biết mình sẽ giã từ cuộc đời này vào lúc nào, kể cả những bệnh nhân ung thư đến thời kỳ cuối, đã được bác sĩ thông báo ngày chết. Mới vài ngày trước đây thôi, người bạn trẻ của tôi đang khỏe mạnh, nói nói cười cười, thế mà hôm nay, qua một cuộc phẫu thuật tim, thông thường sau vài ba tiếng đồng hồ sẽ tỉnh lại, anh đã không bao giờ mở mắt ra để nhìn cuộc đời này nữa. Cũng trong lúc này tôi có những người bạn nằm trong “nursing home” đã trên 10 năm dài, có người phải dùng thức ăn lỏng bơm thẳng vào dạ dày, có người đôi mắt đã hư, chỉ còn nhận ra người quen qua tiếng nói. Nghĩ cho cùng, cái chết là tất yếu, nhưng ai biết được bao giờ mình sẽ chết? Và cũng vì không ai biết trước được ngày mình chết, nên mỗi người đều đi tìm cho mình một cách sống. Ví như loài người trên trái đất này đến tuổi 60 tất cả đều phải chết, thì không còn ai phải sửa soạn hay dành dụm cho mình để lo cho những ngày chưa chết. Chính vì cái điều mà người ta thường gọi là số mệnh, cuộc sống lâu mau của mỗi người đã làm nên, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Khoa tử vi cũng không giải thích được cuộc đời của hai người song sinh, cùng cha mẹ, chào đời trong một giờ, một ngày, một năm, một tháng giống nhau.

Có ai bỏ lại được mọi sự lo lắng lại cho cuộc đời này để thanh thản ra đi. Phải chăng vì sự lo, sợ cung tần mỹ nữ sẽ không trung thành với mình hay ích kỷ muốn mang theo những vật sở hữu của mình, mà vua Khang Hy (1654-1722) đã “chôn theo” mình toàn bộ 48 phi tần của ông. Có người chết đi, “yêu mình” đến nỗi lo sợ sự nghiệp của mình không ai nhớ đến, nên lo đúc tượng mình khi còn sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn than khóc vì cuộc đời vốn đã bất hạnh của mình, sợ rồi khi mình nằm xuống, “không có nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”
Nguyễn Du cũng ngậm ngùi “bất tri tam bách dư niên hậu, thiện hạ hà nhân khấp Tố Như?” Làm chính trị cũng lo lắng chuyện dở dang, bất thành: -“Tôi chết thì trả thù cho tôi!”
Nhà văn Võ Phiến trước khi qua đời cũng băn khoăn: – “Anh nghĩ ở trong nước bây giờ người ta có đọc tôi không, hả anh?” (Nguyễn Hưng Quốc, 1 Tháng Mười, 2015). Thì ra, trước khi qua đời, ai cũng có cái lo, mỗi người lo một cách.

Chết rồi, có người chẳng muốn thiêu vì sợ nóng, nhưng cũng có người không muốn chôn, vì nằm đó, mà chẳng có đứa con nào viếng thăm, “thì buồn chết được!” Chết thì hẳn đã chết rồi, mà người chết rồi làm sao biết buồn nữa! Có người đã lớn tuổi, đau ốm quanh năm, muốn về Việt Nam thăm bà con một chuyến, nhưng bắt các con hứa, nếu lỡ có mệnh hệ nào, thì các con nhớ mang cha trở lại Mỹ. Có người ở tù Cộng Sản năm bảy năm, sang được Mỹ, bây giờ chết lại đòi mang quan tài về Việt Nam. Như vậy, chết vẫn chưa là hết, chết cũng còn nằm trong kế hoạch, chương trình, sau khi nắp quan tài được đậy lại.

Có những cái chết mang lại thương tiếc cho tất cả mọi người, có những tấm lòng và công việc của những người chết mà không ai có, không ai thay thế được, nhưng trái lại, có những người sống lâu, bị người đời nguyền rủa. Trong những cái “chẳng khoái ư!” của ông Lâm Ngữ Đường, tác giả kể chuyện ông Kim Thánh Thán, sáng sớm thức giấc, nghe đêm qua con người giảo quyệt, mưu mô nhất trong làng vừa chết, ông bèn “chẳng khoái ư?” Thoạt đầu, tôi trộm nghĩ, đã là con người với nhau, thằng xảo quyệt ấy chết, mình không buồn thì cũng dửng dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy sung sướng được, như thế chẳng hóa ra bất nhân! Nhưng nghĩ lại, nếu mình không là nạn nhân, không là người chịu đựng những nỗi khổ đau trầm luân của người trong cuộc, thì không thể thông cảm với cái “vui” khi thấy người khác chết! Một con người hay một chế độ cũng vậy!

Sống bao lâu là đủ, chết lúc nào là vừa?
Phải chăng câu trả lời còn tùy theo sự sống của mỗi người.
Lợi ích của cây đa, cây (bồ) đề là còn cho con người bóng mát, chứ không phải là nơi người ta gửi những cái ông bình vôi sứt mẻ để tạo ra một hình ảnh tôn kính quá đáng. Chúng ta chọn hình ảnh người tướng lãnh chết giữa trận tiền hay sống tàn tạ, chết già nua trong sự quên lãng của mọi người. Đối với một người lính, chúng ta chọn giữa cái chết hay sự sống dần dần phai nhạt?
Chưa có ai từ cõi chết trở lại cõi sống để mô tả cho con người biết cái chết, cũng không có bằng chứng khoa học về ý thức sự sống sau cái chết của một sinh vật, nhưng hầu hết tôn giáo đều cho rằng nếu chúng ta hình dung cái chết như là một sự biến mất, một sự chấm dứt, không còn lưu lại gì cả thì nhất định đó là một sự sai lầm.

Nhưng có một điều chúng ta ai cũng phải nghĩ đến là có sinh thì có diệt, có sống tất phải có cái chết!
“Chẳng ai sống đời đời, kiếp kiếp, chẳng cái gì vĩnh viễn không phai. Này, anh em nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống…” “Thi nhân, riêng mình, nào phải viết bài thơ trường cửu. Hoa nở rồi tàn. Và, ai đó đã cài hoa lên áo, cũng chẳng cần khóc thương mãi mãi làm gì. Đấy, anh em, nhớ kỹ điều đó, và vui lên mà sống.” (Rabindranath Tagore – Đỗ Khánh Hoan dịch)..."
Hà bạn tôi đọc sách kinh ngộ đạo nên anh hỏi rằng "Khi chết đi ta đi về đâu? Câu hỏi này cũng được sách Bí Ẩn Của Cái Chết của nhà văn Thinh Quang giải thích khá rõ, xin xem chi tiết thêm qua 

Thực vậy, tùy theo nghiệp nhân con người đã gây tạo trong qúa khứ có sai khác, mà đến khi lâm chung mỗi người hấp hối đều có những biểu hiện lâm chung khác nhau. Hoặc có người biết trước giờ chết vui vẻ niệm Phật mà chết, hoặc có người đầy sự thảng thốt, run sợ… thậm chí có người khi sắp chết đã có những tướng biểu hiện của các cảnh giới Ngạ quỷ, Súc sanh… Như thế tuỳ theo nghiệp nhân thiện hay ác mà con người sắp chết có những biểu hiện lâm chung khổ đau hay hạnh phúc để rồi tái sanh về cảnh giới lành hay dữ. Chung quy, cảnh giới mà con người tái sanh là cảnh giới tương ưng với sự khao khát và thoả mãn tự thân của mỗi người. Lý thuyết Phật học kinh qua luận cứ của thuyết tai sanh luân hồi. Tựu trung qua những cảnh giới mà con người sẽ tái sanh vào là cảnh giới trầm luân hay hạnh phúc, và điều này tùy thuộc vào những động lực căn bản nào dẫn dắt thần thức của con người đi cõi tái sanh. Sự thọ dụng khổ đau hay hạnh phúc của từng cảnh giới hay nỗi bình an, nỗi âu lo, trầm tư hay hốt hoảng để tương ứng với từng cảnh giới chuẩn bị tái sanh của con người mà ta xét đến những yếu tố cần và đủ để biện minh đưa lý luận về sự hình thành một cảnh giới là những yếu tố mà người Phật tử gáic ngộ quán triệt.

Tôi thầm nghĩ với Hà bạn tôi, sự suy nghĩ về bịnh tật hành hạ xác thân con người khiến cho bạn cần một chút ít xoa dịu từ những người thân quen, từ người bạn đã cùng chia xẻ những buồn vui ngọt bùi từ khi còn là học sinh trường Petrus Ký.
Tiễn đưa bạn về nơi xa, cõi trên cao… không còn khổ đau, bịnh tật, không còn là nỗi âu lo phiền muộn của cuộc đời này. Linh cữu Hà nằm đó, ngủ vùi bất động, tôi xoa nhẹ vai bạn mình và thầm chúc bạn ra đi bình yên. Sắp tới 49 ngày, tôi cùng với các bạn còn lại sẽ về West Covina để niệm cho hương hồn bạn an giấc ngủ nghìn thu.
Hà ơi!

Việt Hải