Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Mưa Tháng Bảy - Qua Rồi Mưa Tháng Bảy


Bài Xướng: Mưa Tháng Bảy

Tháng bảy chưa về mưa vẫn rơi
Mưa rơi là bởi tại ông trời
Chiều lòng thiếu nữ ưa tinh nghịch
Cho nước ngọt lành thắm mắt môi!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Bài Họa:


Mưa Tháng Bảy

Mùa này tháng Bảy vẫn mưa rơi
Cám cảnh phân ly nước mắt trời
Rơi xuống trần thương vay phận bạc
Lệ tràn son đã nhạt màu môi

Kim Phượng
***
Qua Rồi Mưa Tháng Bảy


Tháng bảy qua rồi mưa mãi rơi
Trách bởi vì ai chớ trách trời
Đâu phải Chức Ngưu mà xa vội
Mưa rót vào lòng sao mặn môi

Kim Oanh

Mùa Thu Trong Nhạc Và Thơ


Mỗi chiếc lá như một bông hoa đẹp vô cùng, đến nỗi có một nhà văn đã gọi mùa thu là mùa xuân thứ hai của trời đất.

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu

Thấy chiếc lá ngô đồng rụng, mọi người đều biết là thu đã trở về…

Nếu ở miền Đông nước Mỹ ta có thể biết rõ thu về khi thấy lá ở các cánh rừng đã vàng ối hay đỏ rực. Mỗi chiếc lá như một bông hoa đẹp vô cùng, đến nỗi có một nhà văn đã gọi mùa thu nơi đây là mùa xuân thứ hai của trời đất.

Các văn thi sĩ Đông phương đã có một số hình ảnh diễn tả mùa thu. Những chiếc lá vàng đã bắt đầu rơi. Một vài cánh nhạn từ phương xa bay về. Hoa cúc đã nở bên liếp dậu thưa. Sương đã bao phủ cảnh vật và rừng phong đã xơ xác lá. Riêng Lưu Trọng Lư đã vẽ lại một cảnh thu đầy những âm thanh

Em không nghe mùa thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô
(Lưu Trọng Lư)

Hình ảnh con nai vàng thẫn thờ đạp trên thảm lá khô xào xạc tạo nên những âm thanh buồn bã của mùa thu tựa như một nỗi tiếc nhớ xa xôi…

Mùa thu của Việt Anh không còn nữa nhưng hình ảnh thu xưa cứ làm vương vấn mãi. Vâng, Không Còn Mùa Thu, ca khúc của Việt Anh qv&cb vừa thưởng thức trong giọng hát Hồng Nhung…

Ở Đông phương, sự cảm thông giữa thiên nhiên và con người thật sâu sắc. Mỗi mùa màng như một người bạn cũ cứ đến hẹn lại về. Mỗi lần thu tới, ta vẫn nghĩ rằng mùa thu năm nào của ta lại trở về thăm ta.

Mùa thu vẫn luôn luôn là một cái gì đó xa xôi, kín đáo, bình dị và mênh mông, cho nên thu bao giờ cũng xưa. Ta thấy như thu ở thời xưa mà về. Và ta cũng thấy lòng lắng dịu, bình yên.

Thu từ trời mà xuống…
Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
Nai cao gót lẩn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
(Huy Cận)

Mùa thu mới về, trời bớt nóng, và thêm hơi mát. Có ai thổi cơm mà khói nhẹ mơ hồ đâu đây. Chưa có sương mù, cũng chưa hẳn là sương mờ, chỉ là đôi thoáng sương mơ mỏng manh như chiêm bao… Không biết có phải sương thu mới nhóm hay đó chỉ là sự huyền ảo của chính hồn ta?

Trong bài Ký Viễn, Lý Bạch có một câu thơ làm ta say mê xúc động

Tương tư hoàng lạc diệp 
Vàng rơi từng cánh tương tư

Vì tương tư mà lá vàng đã rơi từng cánh, hay chính mỗi chiếc lá vàng đã mang mối tương tư của ta trải đầy trong gió…

Anh yêu dấu, em gửi đến anh một chiếc lá vàng mà em nhặt được bên thềm nhà vắng như gửi về anh nỗi nhớ nhung da diết.

Ở miền Bắc nước ta, mùa thu là mùa cưới. Không biết do tục lệ nào hay vì đó là mùa của những hạt cốm Vòng màu xanh ngọc và màu đỏ thắm của trái hồng chín mọng mà mọi người coi như biểu hiện của sự kết hợp lứa đôi?

Chúng ta hãy nghe Xuân Diệu giải thích:

“Mùa thu là mùa yêu nhau, yêu nhau bằng linh hồn, là mùa của những tâm hồn yêu mến nhau. Người ta ngoan hơn, dịu dàng hơn để mười hay hai mươi ngón tay đan với nhau và lắng nghe trời xanh ôm lấy lứa đôi như một tấm áo che sương. Đó là những giờ thân mật dạo qua hàng cây, bước như ngờ ngợ, hồn như giao hòa”

Xuân người ta vì ấm mà cần tình
Thu người ta vì lạnh sắp tới mà cần đôi
Cho nên không gian đầy những lời nhớ thương. 
Những linh hồn cô đơn thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau.
Và lòng ta nghe thấy tất cả những du dương của những âm thanh diệu kỳ ấy…

Gọi Mùa Thu Mơ, một ca khúc rất… mùa thu của Phạm Anh Dũng. Mùa thu thật mơ màng, thật đẹp, và lại càng đẹp hơn với giọng hát Duy Trác cùng với nghệ thuật hòa âm của Duy Cường, qv&cb vừa nghe.

Mùa thu, màu sắc, đường nét của khung cảnh, bóng dáng của con người, cho đến không gian, thời gian… Tất cả đều rất mơ hồ, không rõ nét, không xác định, mà bảng lảng trong màn sương khói của những giấc mộng và những kỷ niệm không phai.

Và rồi… không hiểu sao buồn chở một hồn đầy?

Không gian như có giây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu

*Những ca khúc minh họa trong chương trình: Không còn mùa thu của Việt Anh, Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển, Gọi nùa thu mơ của Phạm Anh Dũng. Cùng những giọng hát Khánh Hà, Bằng Kiều và Duy Trác.

Cao Nguyên
***
Nhạc: Phạm Anh Dũng
Tiếng Hát: Duy Trác


Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan


Bài Xướng:
Qua Đèo Ngang

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia 
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bà Huyện Thanh Quan 
***
Các Bài Họa:

Khắc Khoải 

Cứ buồn rười rượi mỗi chiều tà,
Đồng cảm cây vườn cũng rũ hoa.
Vận nước oan khiên hờn sóng gió,
Người dân ai oán hận nhà nhà.
Gươm thiêng Hưng Đạo hồn sông núi ,
Ngọn lửa Diên Hồng khí quốc gia.
Tuổi hạc, Bà ơi ! sầu đất khách,
Ai người chia sẻ cõi lòng ta?

Mailoc
Cali 7-17-2016
***
Chiều Bên Cầu

(Họa Nương Vận)

Ta đến thăm em lúc nắng tà
Chợ thời đóng cửa chẳng còn hoa
Quán ăn có vẻ hơi thưa khách
Lối xóm dường như cũng vắng nhà
Biết hỏi ai đây khi loạn nước,
Sao thăm bạn nhỉ lúc oan gia?
Đành thôi cầu khỉ ngồi xem xiệc
Tâm sự riêng tây ta với ta.

Thái Huy
7-17-16
***
Về Lại Chốn Xưa
( Họa Hoán Vận )

Tàu đến sân ga giữa nắng tà
Ven đường lau sậy phất phơ hoa
Đồi xa loáng thoáng vài khe suối
Xóm nhỏ im lìm mấy nóc gia
Vườn cũ tiêu điều bên lối cỏ
Rào xưa xiêu vẹo trước hiên nhà
Lá khô tràn ngập trong sân vắng
Lặng lẽ trong chiều một bóng ta.

Phương Hà
***
Bến Đò Ngang


Đò ngang tới bến buổi chiều tà,
Chợ búa gì đâu chẳng có hoa.
Cuốc bẩm nông phu lo chạy gạo,
Cày sâu thiếu phụ hết cơm nhà.
Nắng mưa chồng vợ đôi chim quốc,
Gió bão hai thân một nóc gia...
Tội nghiệp làm sao đời lận đận!
Kẻ còn người mất nghĩ thương... ta!

Mai Xuân Thanh
Ngày 19 tháng 07 năm 2016
***
Con Đường Định Mệnh

Tàu đến rồi đi dưới nắng tà
Con đường thảm nhựa nở đầy hoa
Sân ga hội tụ bao điều ước
Đoạn tuyến dần gom vạn mái nhà
Nhũng lạm khơi mào cơn thoái hóa
Tham tàn biến loạn chuỗi nguy gia
Sai lầm diễn lớp tuồng trơ tráo
Một mảnh tình ai xót với ta!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Trông Cầu Nhớ "Bắc Cần Thơ"


Cần Thơ "cầu bắc" buổi chiều tà,
Vắng ngắt buồn hiu cỏ lẫn hoa.
Cao ngất cầu treo xe lướt gió,
Thấp tè nước cuốn nóc bao nhà.
Còn đâu tiếng hát khi qua "bắc",
Đã hết người rao lúc phản gia *.
Cuộc thế nương dâu rồi bãi bể,
Tương phùng mơ ước, bạn cùng ta !

Đỗ Chiêu Đức
***
Lòng Người Viễn Xứ


Nhớ buổi ra đi lúc nắng tà
Hàng cây trước ngõ đã đơm hoa
Bao năm lăn lội đời cơ cực
Suốt mấy mùa qua chẳng trở nhà
Dạ vẫn ước mong ngày trở lại
Lòng luôn khắc khoải nổi thăm gia
Mấy ai hiểu được đời viễn xứ ?!
Chỉ có mình ta mới hiểu ta !

Song Quang 
***
(Phụng họa nguyên vận)

Đèo ngang, người trước, buỗi chiều tà,
Có đá, có cây, có cả hoa !
Dưới núi, nay đâu tiều mấy chú ?
Bên sông, cũng vắng rợ vài nhà !
Xót xa, đau nỗi lòng hoài quốc,
Cám cảnh, buồn thay kẻ báo gia.
Đọc sách, cảm thông người lớp cũ,
Tình riêng chung mảnh, Bà và Ta.

Danh Hữu

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Làm Thơ Tình Em Đọc - Trúc Hồ - Lâm Nhật Tiến

Thời đi học trung học, tuổi mới lớn, bắt đầu biết yêu và mơ mộng một tà áo trắng, yêu thầm rồi về nhà làm thơ gởi người con gái yêu thương, yêu say đắm mộng mị vì ..."yêu em không bao giờ chán chỉ tiếc mình chỉ có một đời yêu em thôi..."


Sáng Tác: Trúc Hồ
Ca Sĩ: Lâm Nhật Tiến
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Xin Cho Em Bình Yên


Đêm bơ vơ thổn thức
Ngày ray rức xa xăm
Vầng trăng rằm rạn nứt
Ngõ vắng đêm âm thầm.

Con đường mưa mùa Hạ
Quanh dốc cỏ mùa Xuân
Hồi tưởng chiều bâng khuâng
Mơ hoài người năm cũ.

Em ra đi viễn xứ
Đêm dài giấc ngủ mơ
Yêu em bao giờ đủ
Ngàn xưa đến bây giờ.

Anh ngồi buồn làm thơ
Gởi người em gái nhỏ
Bây giờ mừng tuổi thọ
Em còn nhớ hay quên?!

Xin cho em bình yên
Tháng ngày đầy hoan lạc
Mong cho em tóc bạc
Tâm hồn trẻ như tiên.

Nhớ em nhớ triền miên
Lỡ trao tình non dại
Cuối đời vương vấn mãi
Một tình yêu êm đềm…

Dương hồng Thủy

Tham Vọng




Tim ta bé sao tình ta quá lớn
Chứa càng nhiều càng rạn vỡ nhiều thêm
Em oán hận hờn trách ta tham vọng
Có trong tay mà cứ mãi đi tìm

Càng đi tìm nỗi buồn càng bám víu
Hành hạ người trong suốt chặng đường qua
Đêm rất quen mà hương tình rất lạ
Em rất gần là lúc quá chừng xa

Dòng thơ chảy như máu tim luân chuyển
Nỗi lòng này không biết gởi vào đâu
Mượn chữ nghĩa trút cạn vào trang giấy
Trút chưa xong, tóc điểm bạc trên đầu

Xếp trang giấy ném ra ngoài trái đất
Cho hành tinh không có những muộn phiền
Trang giấy chở nỗi niềm quay trở lại
Cho nỗi buồn cứ bám víu triền miên

Tình yêu cũng có lúc thừa lúc thiếu
Nên trái tim đôi lúc cũng vui buồn
Nỗi buồn ấy ở lại cùng nỗi nhớ!
Niềm vui nào cứ lưu lạc tha phương.

04-02-2004.
Ngọc Hiệp

Chợ Quê


(Chuyến đò trên sông Mỹ Tho trước năm 1975-Nhiếp ảnh gia Gene Whitme)

Đêm tôi mơ thấy mình đi chợ, ngôi chợ quê ở đầu làng, xa hơn nửa quả địa cầu và cách hơn năm mươi năm Chợ nằm trên bờ vàm, chỗ ngả ba sông Cái Cối và sông Ông Mẻ, nên được gọi là chợ Vàm hay chợ Ông Mẻ. Một cái tên quê mùa, thân thuộc như những chợ quê lân cận: Cái Thia, Cổ Cò, Ông Hưng, Ông Vẽ….nằm trong quận Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho.

Trong giấc mơ, tôi thấy mình vẫn còn là một đứa bé. Chuyến đò ngang đưa tôi qua chợ. Tôi thấy lại nguyên vẹn hàng me già ven sông, những căn tiệm lụp xụp, ngôi trường làng mái lá vách tre, nơi tôi bắt đầu những bài học vỡ lòng…. Hơn nửa thế kỷ qua rồi mà những hình ảnh này vẫn còn lẩn quất ở một góc nào đó trong trí nhớ. Hàng me già hẳn đã chết, bãi sông xưa đã lở, những căn tiệm và ngôi trường đã thay hình đổi dạng mấy lần

Bao nhiêu lần tôi đã qua sông trên chuyến đò ngang đó. Đò là một chiếc tam bản hai chèo. Vợ chồng người lái đò có cánh tay gân guốc, da rám nắng, áo bạc màu, thay phiên nhau đưa rước khách. Cứ một chuyến qua sông Cái, một chuyến qua sông Ông Mẻ. Vào lúc chợ họp, khách qua đò đông đúc, ngồi chen chúc trên mấy tấm ván lót giữ lòng ghe. Vào lúc chợ đã tan, họa hoằn lắm mới có một người khách sang sông. Vợ chồng người lái đò cư ngụ trong gian nhà lụp xụp ngay bến đò. Nhà lợp lá, có vách mắt cáo, lồng lộng gió sông.. Những lúc rảng rang, người chồng nằm trên chiếc chỏng tre, ngâm nga mấy câu vọng cổ, hay nói thơ Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa…; người vợ ngồi may vá trên ngạch cửa, chờ đợi nghe tiếng hú hoặc tiếng gọi bớ đò.

Nước ở vàm sông chảy xiết nhưng đò lúc nào cũng đuợc chèo chống khéo léo, cặp bến chính xác ngay chiếc cầu nhủi, cạnh gốc me già. Cây me chỉ còn một phấn rễ bám vào đất, phía kia trơ ra mặt sông vì phần đất dưới chân đã bị nước xoi mòn. Cả hàng me trước chơ nhiều cây cũng bị trơ rễ và thành chỗ buộc cho ghe xuồng cặp bến. Thiếu đất mà hàng me vẫn tươi tốt, trên cành ríu rít tiếng chim. Mùa me chín, mỗi lần gió lớn, trái rụng lộp độp xuống mặt đường, trên mái lá của những căn tiệm nằm sát nhau.

So với các tiệm tạp hóa trong chợ, tiệm của chú ba Huê hấp dẫn nhất với hàng keo thủy tinh trên kệ đựng đầy bánh kẹo. Những viên kẹo đủ màu, gói giấy bóng kính xanh đỏ, những loại bánh có hình chữ abc, hình con cá hoặc cây súng,lại còn thêm xí muội, cà na. Vào tiệm, người ta có thể mua mọi món cần thiết, từ kim chỉ tới bột đường, tương chao, dầu lửa, nước mắm… tới giấy mực học trò, giấy tiền vàng bạc, nhang đèn, chén dĩa, nước ngọt con cọp, rượu chát…. Hàng hóa lớp xếp trên kệ, lớp bày dưới đất. Trước tiệm, thím Ba còn bày một sạp vải, bán các loại vải ú, vải xiêm, lụa lèo, mỹ a….Cạnh đó là tiệm may, vào dịp tết nhứt, khách ra vô nườm nượp. Xa hơn chút nữa là tiêm đò thiếc, lúc nào cũng có tiếng búa đập chan chát. Trước cửa tiệm, từng chùm quặng thiếc, ca nhôm treo lủng lẳng. Người quanh vùng hễ có nồi nhôm bị lủng, thùng thiếc bị rò là mang tới đây để vá lại. Tiệm hớt tóc của bác năm Liên là một mái lá nằm dưới bóng me, thân cây me nằm lọt giữa nhà, được bác đóng đinh làm chỗ treo tấm kiếng và tấm vải choàng. Trước tấm kiếng là cái ghế dựa lưng cao dành cho khách ngồi hớt tóc. Bác ngồi trên chiếc ghế đẩu. Hộp đồ nghề của bác gồn dao cạo, kéo, tông- đơ và một hộp phấn mà cái bông dùng chung cho mọi người.

Tiệm thuốc bắc của chú Xồi khang trang nhất chợ. Trước cửa tiệm, treo một tấm bảng to, kẻ mấy chữ ” An hòa đường” bằng tiếng Tàu và tiếng Việt. Chú Xồi mạp mạp, phương phi, lúc nào cũng mặc áo thung và quần lở tới gối, ngồi bệ vệ sau quầy thuốc. Tiếng chày tán thuốc gỏ vào cối nghe loong coong rất vui tai nhưng không đứa trẻ nào thích ghé vào tiệm chú. Những vị thuốc bắc của chú đem sắc lên thành chén thuốc đen đen, đắng khủng khiếp, uống một lấn là sợ cả đời dù có được đền bằng mấy trái táo đỏ, táo đen ngọt lịm.Tiệm chú Xồi bán đủ các loại cao đơn hườn tán. Cảm mạo sơ sài có Thối nhiệt tán, Ngoại cảm tán. Nặng hơn một chút có Lục thần thủy, Bạc hà thủy. Đau bụng đã có Nhơn đơn. Đối với những bệnh không có thuốc bào chế sẵn, chú Xồi chẩn mạch rồi hốt thuốc. Những vị thuốc được chú bốc ra từ các ngăn kéo xếp dài theo vách, được cân lường và gói giấy lại thành từng thang vuông vức, có buộc sợ dây lác.

(Chợ Mỹ Thiện Cái Bè trước năm 1975- Nhiếp ảnh gia Gene Whitme)

Nhà lồng nằm giữa chợ, mái lợp tôn, không có vách. Những chiếc sạp gỗ được xếp kề nhau thành hai hàng, giữa có lối đi rộng. Đây là nơi bày bán thịt, cá, gạo, nếp và các loại rau trái, quà bánh.
Dưới mé sông có vài gian nhà sàn bán lá chầm để lợp nhà, một trại cây bán các loại gỗ và một trại hòm. Khi nước lớn, người mua có thể căp ghe xuồng sát vào nhà để chất hàng, rất thuận tiện.
Phương tiện chuyên chở ở miền quê thời đó là ghe xuồng. Lúc chợ họp, ghe xuồng đậu san sát dưới bến, chiếc nọ cột sau chiếc kia. Người đậu sau phải bước nhờ chiếc phía trước để lên bờ.

Chợ họp từ lúc tờ mờ sáng. Người ở xa phải canh theo tiếng gà gáy, con nước hay bóng trăng để tính cho kịp buổi chợ. Người xách giỏ đi bộ, kẻ bơi xuồng tấp nập. Nếu không muốn đi bộ, người ta có thể đón xuồng quá giang. Chỉ cần đứng ở đầu cầu, ới một tiếng hỏi, nếu ghe xuồng rộng chỗ, chủ sẵn sàng cặp lại để rước khách, thường là có dư một cây dầm để khách bơi phụ. Tiếng mái chèo khuấy nước, tiếng nói chuyện rì rầm. Người ta bương bả ra chợ để mua những món cần dùng, để bán một con gà, con vịt, buồng chuối, buồng cau, vài chục cam, chục quít hay mấy trái bầu, trái bí vừa hái trong vườn, mớ tôm, mớ cá vừa đánh được dưới sông.

Trẻ nhỏ thường đòi theo mẹ đi chợ, mong được mẹ mua cho đồng quà, tấm bánh. Bà mẹ trải một manh chiếu nhỏ giữa xuồng cho con ngồi ngủ gà ngủ gật vì rời nhà từ lúc trời chưa sáng. Quà bánh ở chợ quê đối với trẻ nhỏ mới tuyệt diệu làm sao, nào xôi vò, xôi nếp thang, xôi lá dứa vừa dẻo vừa thơm.; nào bánh ít, bánh tét. bánh bò, bánh chuối, bánh cam, bánh còng…đơn sơ mà đầy hương vị. Trong tuổi thơ, ai đã từng ăn qua chắc khó lòng quên được món cốm dẹp trộn dừa thơm nức gói trong lá sen, hay món bắp nấu trắng tinh gói trong lá chuối xanh, trên rải mấy lát dừa nạo, chút đường, chút muối mè, và được xúc ăn bằng một khúc lá thơm. Phải xúc bằng cọng lá thơm thì món bắp nấu mới có đủ hương vị của một thời xa xưa.
(Bến đò Cái Bè )

Một lần tôi theo mẹ đi chợ và được một món quà kỳ lạ khiến tôi nhớ mãi. Hôm ấy xuồng tôi đậu kế bên một xuồng khác, có lẽ là xuồng bán cá. Lúc đó trăng đã xế nhung vẫn còn đủ sáng để tôi thấy giữa xuồng bên cạnh có một khối vuông lớn được phủ bằng một lớp trấu. Bác chủ xuồng lấy tay khỏa lớp trấu rồi dùng búa nhỏ đập nhẹ một cái, khối vuông vỡ ra thành nhiều mảnh trong suốt, lấp lánh dưới ánh trăng, dường như có một làn hơi nhẹ bốc lên. Thấy tôi chăm chú nhìn vật thể kỳ lạ đó với vẽ tò mò, mẹ tôi nói với bác chủ xuồng bán cho tôi một cắc nước đá. Bác cầm một cục to bằng nắm tay đưa cho tôi, nói cho con nhỏ chớ tiền bạc gì. Đó là lần đầu tiên tôi cầm cục nước đá trong tay, nghe một cảm giác lạnh buốt lạ lùng.

Chợ quê họp sớm mà cũng tan sớm. Khi mặt trời lên cao, chợ đã thưa thớt. Người ta hối hả về nhà để mớ tôm mớ cá mua được vẫn tươi, hoặc để còn ra ruộng ra vườn làm việc. Những ngày cận Tết hay ngày rằm, chợ họp lâu hơn và có nhiều hàng hóa hơn. Chợ Tết có thêm hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa mồng gà, bánh mứt, thèo lèo, hột dưa. Ngày rằm, mồng một có thêm các món chay như tương, chao, kiểm. Kiểm là một loại canh chay nấu với bí rợ, khoai lang, bột khoai, sa- kê, cơm dừa nạo…nêm thêm nước cốt dừa.

(Cá Linh)
Buổi chợ sớm đã tan nhưng người ta vẫn có thể mua được thức này món nọ nhờ các xuồng ghe bán hàng lưu động. Tùy theo con nước, các xuồng rao bán cá cơm, cá linh còn nhảy xoi xói, mới vừa chày, lưới được từ dưới sông. Hai loại cá này rất mau ươn nên người bán thường dùng xuồng ba lá để bơi cho nhanh. Nghe tiếng rao ”cá cơm hơ…”, cá linh hơ…” thì phải chạy ngay xuống bến sông đón mua kẻo lỡ.. Thỉnh thoảng cũng có xuồng bán thịt. Với một tấm thớt, một con dao, người bán xẻ thịt theo ý người mua rồi dùng sợi dây lác buộc ngang đề người mua xách lủng lằng chớ chẳng gói ghém chi. Đôi khi cũng có những ghe thương hồ chở sản phẩm từ xa tới như cá duồng từ Nam Vang, mắm lóc Châu Đốc, dưa hấu Cầu Đúc. Cũng có xuồng bán sen tươi, dưa ngó sen, dưa môn, dưa bồn bồn từ Đồng Tháp Mười.

Trẻ con hào hứng nhất là vào buổi trưa buồn miệng, chợt nghe tiếng rao ” ve chai, lông vit, hột gòn đổi cốm hơ…. hoặc ” vỏ hến, cau tầm vung đổi vôi, đổi cốm hơ…”. Những món nhò nhặt vỏ hến, lông vịt tưởng như bỏ đi mà gom góp lại cũng đem đổi được những miếng cốm ngon lành. Cốm ở đây là cốm gạo, cốm búng, cốm chùi, đóng thành từng phong nhỏ, đựng trong thùng thiếc để được dòn lâu. Món bánh lọt tàu hủ mới là ngon tuyệt. Người bán dùng cái muổng nhôm trẹt, hớt từng mảng tàu hủ mịn màng cho vào chén, thêm ít bánh lọt xanh như ngọc thạch, thơm ngát mùi lá dứa vá cuối cùng là mấy gáo mù u nước đường ngào ngạt mùi gừng.. Chén tàu hủ ăn trên bến sông giữa một buổi trưa hiu hiu gió không giống chén tàu hủ ở bất cứ một nơi nào khác.

Ôi! bao nhiêu hoài niệm về thuở yên bình năm mươi năm trước. Năm mươi năm đủ cho vật đổi sao dời. Có còn kịp không để tôi được một lần về lại quê xưa, soi soi bóng mình trên dòng sông thơ ấu...

Khánh Hà

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Nỗi Niềm - Thơ Khúc Giang - Hương Nam Diễn Ngâm




Thơ: Khúc Giang
Diễn ngâm: Hương Nam 


Hoàng Hạc Lâu - Những Cảm Nhận


Một viên ngọc quý thơ Đường là Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.
Thôi Hiệu, một nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường, đầu thế kỷ thứ tám.
Theo sách "Thương Lang Thi Thoại", Nghiêm Vũ đời Nam Tống đã nói rằng: "Đường nhân thất ngôn luận thi, đương dĩ Thôi Hiệu Hoàng Hạc Lâu đệ nhất" (Thơ niêm luật đời Đường bảy chữ, phải xếp Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vào hạng nhất).

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去
此地空餘黃鶴樓
黃鶴一去不復返
白雲千載空悠悠
晴川歷歷漢陽樹
芳草萋萋鸚鵡洲
日暮鄉關何處是
煙波江上使人愁。

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tinh xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Đây là bài thơ được dịch sang Việt Ngữ nhiều nhất, từ Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Nguyễn Đức Hiển v.v…

Hoàng Hạc Lâu

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Tản Đà

Bài thơ này cũng được Vũ Hoàng Chương, là thầy dạy Việt văn, đồng thời là một nhà thơ. Sau năm Một Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Lăm, trong nỗi bi phẩn trước cảnh ly tán của bạn bè, kẻ ở người đi, ông đã cảm dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng Hạc Lâu

Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay Lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc, bay bay mãi
Trắng một màu mây, vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiếu xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

Vũ Hoàng Chương


Bài này được một người học trò của Ông Vũ Hoàng Chương, nhưng được ông xem là người bạn vong niên, nhạc sĩ Cung Tiến đã xuất thần phổ nhạc. Tuy nhiên, mối thương tâm cho người nhạc sĩ là quá trễ, vì Thầy mình không bao giờ có dịp nghe được ca khúc này.
Qua nhạc phẩm của Cung Tiến đã đem đến cho Kim Phượng một cựu học sinh Tống phước Hiệp Vĩnh Long có những suy tư...

Chào Bà Con,

Hôm nay lang thang lạc vào thế giới Thơ, Kim Phượng tìm thấy một bài thơ gây cho mình, một kẻ sống lưu vong, nhiều xúc cảm, bồi hồi, hồn như lạc cõi đâu đâu... Tuy nhiên, Kim Phượng chưa rõ hết ẩn tình bên trong bài thơ, vì bởi phần Điển tích. Đó là bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu với hai bản dịch, một của Tản Đà và một của Vũ Hoàng Chương. Kim Phượng rất mong bà con nào có thể giúp Kim Phượng hiểu rõ hơn bằng những lời giải thích đơn giản, dễ hiểu và cùng đóng góp ý kiến hầu giúp cho Kim Phượng được tường tận hơn. Thành thật cám ơn.

Kim Phượng
* * *
Sau đó một cựu học sinh Tống Phước Hiệp là Huỳnh Hữu Đức với bút hiệu Quên Đi vẫn còn giữ lại chút thơm rơi về Hoàng Hạc Lâu, đã giải đáp…

Chào Kim Phượng,

Khi đọc bài Hoàng Hạc Lâu cùng các bản dịch, đúng như Kim Phượng nói:"hồn như lạc vào cõi đâu đâu".
Vì sao? Theo Quên Đi: chỉ tên gọi Hoàng Hạc Lâu thôi cũng có vẻ thoát tục rồi. Trên thực tế, Quên Đi được biết chỉ có Bạch Hạc và Hồng Hạc thôi. Hoàng Hạc có thể là biểu tượng cho cõi Tiên, chỉ xuất hiện ở lầu Hoàng Hạc và khi đã ra đi là vĩnh viễn. Như vậy từ đầu, có phải chủ nhân Hoàng Hạc Lâu muốn ví đây là bồng lai nơi trần thế? Hay chỉ là tình cờ? Hoặc vì một lý do nào khác mà có tên Hoàng Hạc Lâu? Hoàng Hạc Lâu có từ bao giờ?
Xin giới thiệu bài Tổng hợp về lầu Hoàng Hạc do Huỳnh Hữu Đức sưu tầm và bổ sung thêm ý kiến cá nhân.

1 - Nguồn gốc về Lầu Hoàng Hạc
2 - Nguồn gốc tên gọi Hoàng Hạc Lâu.

Trong phần nầy, Quên Đi sẽ giới thiệu câu chuyện về Huyền Thoại và câu chuyện Truyền khẩu.

1 - Nguồn Gốc Lầu Hoàng Hạc:

Theo truyền thuyết, lầu Hoàng Hạc vốn là một cái tháp quân sự. Tháp này do Đông Ngô thời Tam Quốc (Hậu Hán), xây dựng trên núi nhỏ Xà Sơn để quan sát một vùng rộng lớn thuộc Hồ Bắc, nằm cạnh bờ Trường Giang. Với phong cảnh thơ mộng như cõi tiên nên được các Tao nhân mặc khách thường xuyên lui tới ngắm cảnh đề thơ.
Lầu Hoàng Hạc được xây dựng sửa chửa tổng cộng mười hai lần. Khởi đầu, Lầu có ba tầng bằng gỗ. Đến nay, Lầu được xây dựng bằng vật liệu hiện đại với năm tầng nhưng vẫn giữ phong cách của Văn Hóa Trung Hoa. Có người cho rằng vị trí hiện giờ cách nền cũ khoảng vài trăm mét.

2 - Nguồn Gốc Tên Gọi Hoàng Hạc Lâu:

- Tìm hiểu tên gọi Hoàng Hạc Lâu phần 1:

Cho đến ngày nay, không ít người vẫn chưa hiểu tại sao một cái tháp quân sự lại có tên Hoàng Hạc Lâu, cái tên có vẻ trong truyện thần tiên hơn là dùng cho giới quân sự.
Dân tộc Trung Hoa thường có quan niệm "Thiên nhân hợp nhất" nên họ thường thiên về những câu chuyện thần tiên trong bất cứ câu chuyện lịch sử, đền đài hay bảo tháp. Vì vậy câu chuyện về ngọn tháp quan sát của Đông Ngô thời Tam Quốc, cũng đã được ít nhiều khoác vào những câu chuyện thần tiên liên quan tới ngọn tháp.
Người ta có thể dựa vào một câu chuyện mây bay quanh ngọn tháp, thấy chim bay lượn trên ngọn cây cao hay bay vút vào bầu trời xanh biếc, chỉ cần các yếu tố thế thôi cũng đủ để người ta nghĩ ra câu chuyện thần tiên về ngọn tháp Quan sát của Đông Ngô này.
Theo Vương Thượng Chi đời Bắc Tống viết trong "Dư địa kỳ thắng" ghi nhận rằng sở dĩ tháp Quan sát được gọi là Hoàng Hạc Lâu, vì tháp này nằm trên Hoàng Hộc Sơn, phía Tây Nam của Từ Thành ngày Xưa. Vào thời cổ đại, chữ Hộc (con ngỗng trời: Thiên Nga) trong ngôn ngữ Cổ Đại Trung Hoa cũng có nghĩa là Hạc, nên về sau người ta dùng chữ Hạc cho rõ nghĩa hơn. Từ đó Hoàng Hộc Sơn được gọi là Hoàng Hạc Sơn, nhưng ngọn núi nhỏ Hoàng Hạc này lại có hình thù ngoằn ngoèo, tựa hình con rắn, nên về sau lấy một tên khác là Xà Sơn thay vì Hoàng Hạc Sơn.
Thời gian trôi qua, người ta có thể quên đi cái tên Hoàng Hạc Sơn, nhưng tên tháp Hoàng Hạc Lâu đi vào lòng người, bất tử và trở thành một thắng cảnh, một di tích, một huyền thoại cho người đời sau. Có lẽ chỉ vì bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu mà thôi.

(theo trang Cỏ Thơm Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật)

- Tìm hiểu về tên gọi Hoàng Hạc Lâu phần 2:

Tương truyền ngày xưa có một người họ Tân bán rượu ở chân núi Hoàng Cốc (Xà Sơn ngày nay) kiếm sống qua ngày. Một hôm, có Đạo sĩ rách rưới đến xin rượu uống. Người bán rượu nghèo tốt bụng thấy ông lão đáng thương, bèn cho rượu uống. Từ đấy, ngày nào Đạo sĩ cũng đến xin rượu. Một hôm, Đạo sĩ đến từ biệt anh bán rượu và nói:" Một năm qua ngày nào anh cũng cho rượu uống, chẳng có gì đền đáp, lão có con hạc quý, tặng anh để tỏ lòng biết ơn ". Nói rồi Đạo sĩ lấy vỏ cam vẽ lên vách một con Hạc và căn dặn: "Chỉ cần anh vỗ tay, Hạc sẽ bay ra nhảy múa, cho khách mua vui". Dứt lời Đạo sĩ biến mất. Anh bán rượu làm theo lời dặn, quả nhiên có Hạc Vàng bay ra cất tiếng hót vang và nhảy múa rất đẹp mắt, thu hút người xem.
Từ đó khách hiếu kỳ kéo đến uống rượu rất đông. Chẳng bao lâu Anh trở nên giàu có. Một hôm vị Đạo sĩ quay trở lại và nói: "Mười năm qua, tiền anh kiếm được chắc đã đủ trả phần rượu anh cho lão uống", nói xong, Ông rút cây sáo ngọc thổi lên khúc nhạc, chẳng bao lâu xuất hiện một vầng mây trắng, sà xuống cạnh bên Ông và Hạc Vàng bay ra. Ông cỡi Hạc Vàng bay theo cụm mây trắng vào khoảng không mênh mông.
Ông chủ họ Tân thấy thế nên đóng cửa Quán rượu, gom tất cả tiền mình có được xây dựng một căn lầu để tưởng nhớ đến sự việc này. Vì thế về sau căn lầu mới này được gọi là Lầu Hoàng Hạc. Còn câu: "Bạch Vân Hoàng Hạc" dùng để chỉ sự tích này, như hai câu trong bài Hoàng Hạc Lâu:

Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch Vân thiên tải không du du.

- Tìm hiểu về tên gọi Hoàng Hạc Lâu Phần 3: (sưu tầm)

Câu chuyện Thần Tiên sớm nhất được ghi nhận là câu chuyện trong bộ " Thuật Đăng Ký " nói về nhân vật tên Tấn Thuật ở Giang Lăng. Tấn Thuật đã có dịp gặp và hầu chuyện với một vị Tiên Ông cỡi Hạc, nhưng Tiên Ông này là ai lại không thấy sách nói tới.
Về sau Tiêu Tử Hiền của nước Nam Tề thì cho rằng vị Tiên ấy là Vương Tử An, Ông cỡi Hạc Vàng bay trên ghềnh đá Hoàng Hạc của Hạ Khẩu.
Đến đời Đường thì vị Tiên Vương Tử An được biến đổi thành Phí Vĩ. Đời Đường Vĩnh Thái nguyên niên, trong "Hoàng Hạc Lâu Ký" của Diệm Bá Lý có trích dẫn Sự tích trong ĐỒ KINH: Phí Vĩ sau khi tu luyện thành Tiên, cỡi Hạc Vàng và đã dừng chân nghỉ trên Ngọn Tháp Quan Sát của Đông Ngô. Vì sự tích này Tháp được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.


 Tại Sao Bài Hoàng Hạc Lâu Được Gọi Là Tuyệt Tác?

Về bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, khi mới đọc, Quên Đi nhận thấy hay thì có hay nhưng đâu đến đổi coi như Tuyệt Tác.
Chúng ta đều biết thơ Đường luật Thất Ngôn Bác Cú rất nghiêm khắc về Luật Bằng Trắc, Niêm, Đối và Vần. Người làm thơ phải tuyệt đối tôn trọng những luật này. Tuy nhiên, về sau này, để cho các nhà thơ rộng đường múa bút, nên có sự cởi mở đó là "Nhất Tam Ngũ Bất Luận". Vào thời Thôi Hiệu, nhất nhất phải tuân theo qui luật. Thế nhưng, khi xem bài thơ Hoàng Hạc Lâu, bài thơ luật Bằng thanh Trắc, nếu theo đúng luật câu thứ 3 phải:
T T B B B T T
Đằng này Câu thứ 3 trong bài thơ:
- Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
B T T T T T T
Như thế là thất luật.
Ngoài ra, nhìn tổng thể chúng ta không thấy gì là Tuyệt, nhưng trên thực tế bài thơ trên xếp vào hàng tuyệt tác.
Lý Bạch thấy bài Hoàng Hạc Lâu là không dám múa bút đề thơ.
Không biết bao thi nhân Việt Nam chúng ta cũng ca ngợi và diễn Nôm bài thơ trên.
Từ những điều trên gợi cho ta một ý nghĩ để trở thành bất hủ với 8 câu thơ, cái hay thực sự được ẩn chứa trong 56 chữ ấy. Tác giả muốn chuyển tải đến mọi người một ý tưởng hay một điều gì thật thâm thúy. Muốn thấy được cái hay của bài thơ, chúng ta phải tìm ra những ý này.
Theo Quên Đi, muốn tìm được cái ý chính của bài thơ này, chúng ta phải tìm hiểu đâu là nguyên do tạo nên sự xúc động cho tác giả. Trước hết, Quên Đi tự hỏi :
- Cái gì đã hấp dẫn Thôi Hiệu đến với lầu Hoàng Hạc?

Quên Đi đưa ra hai lý do:

1 - Sự hấp dẫn của lầu Hoàng Hạc.
2 - Sự hấp dẫn về Huyền Thoại của Hoàng Hạc.

Trong lý do thứ nhất, Quên Đi nhận thấy
không thuyết phục. Cả bài thơ, từ đầu đến cuối Ông chỉ đề cập đến Hoàng Hạc Lâu duy nhất có một lần thôi, đó là câu thứ hai.

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
(Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc)

Nhưng qua giọng thơ ta thấy rõ không phải tác giả tả hay ca ngợi lầu Hoàng Hạc mà là một tiếng than, một nỗi buồn, một sự tiếc nuối, khi ông chỉ thấy trơ trơ một lầu Hoàng Hạc vô tri vô giác.
Như thế đã chứng minh tác giả đến đây không phải bởi tòa lầu Hoàng Hạc mà chủ đích của Ông chính vì Huyền thoại của Hoàng Hạc Lâu.
Có thể từ nguyên nhân này mà Lý Bạch phải thốt lên:

Ngã thả vị quân chùy toái Hoàng Hạc Lâu
(Tôi vì Người mà đập nát lầu Hoàng Hạc)

Sau nhận xét trên, Quên Đi cho rằng ý nghĩa cao xa của bài thơ nằm trong Tích Nhân, Hoàng Hạc, Bạch Vân và ở câu thứ bảy:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
(Hoàng hôn về tự hỏi quê nhà ở nơi đâu)

Giải thích những ẩn ý trong các từ trên, chúng ta sẽ suy ra được mấu chốt của tuyệt tác Hoàng Hạc Lâu.
Như quan điểm của Quên đi ở phần trên, Thôi Hiệu tìm đến Hoàng Hạc Lâu vì Huyền thoại. Thế nhưng, thực chất Ông đến vì muốn tìm lại bóng dáng của Người Xưa.
Theo huyền thoại về quán rượu Hoàng Hạc Lâu, lão ăn mày tượng trưng cho Thánh Nhân. Hạc Vàng và Mây Trắng tượng trưng cho những phẩm chất cao quý, những tư tưởng cao siêu.

1 -Nhận xét về hai câu ĐỀ:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ (Người xưa cỡi hạc vàng bay đi mất)
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu (Nơi đây chỉ còn trơ lầu Hoàng hạc)

Tích nhân là bậc thánh hiền khi xưa,ý muốn nói đến Lão Tử, Trang Tử (*), những vị được xem là đại diện cho Đạo Giáo. Hạc Vàng là tinh túy, phẩm chất cao quý đã theo cùng Thánh Nhân.
Người xưa không còn, giờ chỉ còn lại những cái tầm thường, trơ trọi cái lầu Hoàng hạc vô tri vô giác không có giá trị gì đối với Tác giả.

2 - Nhận xét về hai câu THỰC:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (Hạc vàng một khi bay đi thì không quay lại)
Bạch vân thiên tải không du du (Mây trắng ngàn năm vẫn lênh đênh trên không)

Những phong thái thoát tục cùng Thánh Nhân đã vào cõi hư vô, nhưng một phần tinh hoa và nhũng triết lý cao xa vẫn còn để lại đó là triết lý về ĐẠO (**), Mây trắng tượng trưng cho điều này.
Bốn câu đầu cho ta biết tác giả đang tiếc nuối và mơ tưởng đến Người Xưa. Ý tác giả nói đến học thuyết cao thâm của Đạo Giáo.

(*) Sở dĩ Quên Đi chỉ đề cập đến Lão Tử Và Trang Tử, những người đại diện cho Đạo Giáo vì chỉ những người tu theo Đạo Gia mới nói đến chuyện tu Tiên. Bên Nho Giáo không có đề cập đến chuyện tu này(chỉ đến thời Tống Nho Chủ yếu có Chu Tử (Chu Hy) Trình Hạo, Trình Di...mới bổ sung thêm Triết lý của Đạo Giáo và Phật Giáo)
(**) ĐẠO: có trước tất cả, là nguồn gốc của Vũ Trụ, là cái bắt đầu của Vạn Vật. Đạo không phải là Vũ trụ cũng không phải là vạn vật nên coi như là VÔ ( không). Đạo không tách rời khỏi vũ trụ và vạn vật nên được xem là HỮU ( có). Đạo không thể định nghĩa được mà chỉ có thể hiểu là CÓ mà cũng là KHÔNG, HƯ mà lại THỰC.

Quên Đi xin tiếp tục ý kiến của mình về bốn câu cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu.

3 - Nhận xét về hai câu LUẬN:

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ (Mặt sông lúc trời trong, phản chiếu cây cối ở Hán Dương thật rõ ràng)
Phương thảo thê thê Anh Vũ Châu (cỏ thơm thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi)
Sau giây phút mơ tưởng về cõi xa, Tác giả đã trở về với thực tế, đứng trên lầu Hoàng Hạc phóng tầm mắt nhìn, cảnh đẹp dường như thu hút thi nhân?

4 - Nhận xét về hai câu KẾT:

Nhật Mộ hương quan hà xứ thị (Trời về chiều tự hỏi quê nhà ở nơi đâu)
Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Trên sông khói toả, sóng gợn khiến người thêm buồn)

Những tưởng cảnh đẹp Hán Dương và Anh Vũ sẽ làm cho tác giả quên tất cả và vui trở lại.
Nhưng không, những cảnh trước mắt càng khiến Người buồn hơn, gợi đến nỗi nhớ quê hương trong lòng tác giả. Tác giả có thực sự nhớ về quê hương hay muốn hướng chúng ta đến cội nguồn của sự sống? Cũng có thể Người muốn dẫn chúng ta đến với cái Đức (*) trong học thuyết của Lão Tử.
Điều này, cũng cho chúng ta thấy rỏ thâm ý của Tác Giả, những cảnh thực đang hiện hữu không là gì, chỉ những gì thuộc về hư vô mới là chân giá trị.

(*) Đức : theo triết lý Đạo Giáo, ĐỨC không phải là Đức hạnh mà là mầm sống, ẩn chứa bên trong của Vạn vật. Nếu ĐẠO sinh ra Vạn Vật thì ĐỨC nuôi dưỡng vạn vật. ĐẠO ĐỨC chính là nền tảng căn bản trong học thuyết của Lão Tử.


Sau khi đưa ra một số ý kiến về Hoàng Hạc Lâu, giờ đây Quên Đi xin kết luận.
Chúng ta đều biết những tư tưởng của Đạo, Nho giáo có từ rất lâu, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc. Lão Tử và Khổng Tử sắp xếp phân tích, giải thích trở nên những học thuyết uyên thâm và phổ biến rộng rãi. Đến đời Tần Thuỷ Hoàng gần như bị đốt hoàn toàn, còn những học trò thì bị chôn sống. Sang đời Nhà Hán, những tư tưởng Thánh Nhân mới được sưu tầm và biên soạn lại. Trong lúc biên soạn, có thêm có bớt, có chỉnh sửa nên không còn chính xác, đồng thời có nhiều quyển mạo danh Tiền Nhân.
Vì những lý do trên nên những tư tưởng xưa cũ của Tiền Nhân mất đi rất nhiều. Những gì còn lại chỉ có thể là Ánh Trăng so với Vầng Dương mà thôi.
Qua những nhận xét trên Quên Đi nghĩ, trong lòng Thôi Hiệu có sự tiếc nuối cái tinh túy của Thánh Nhân, nên Ông mượn Lầu Hoàng Hạc để nói lên tâm trạng của Mình. Chính cái sâu sắc đó nên Lý Bạch không thể đề thơ vịnh cảnh Hoàng Hạc Lâu:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu...

Dịch nghĩa:

Trước mắt thấy có cảnh không thể tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu rồi

Khi đi sâu vào tìm hiểu Thi Phẩm HOÀNG HẠC LÂU, Quên Đi cảm thấy một nỗi buồn như ngấm sâu vào tâm hồn, mang lại nhiều cảm xúc:

Người Xưa đà vắng bóng
Hạc Vàng chẳng còn đâu
Giờ chỉ có Tiên Lầu
Cô đơn cùng năm tháng
Ngậm ngùi mây trắng bay

và đồng cảm với Người Xưa:

Mây Trắng lang thang bao ngày tháng
Hạc Vàng mãi mãi tận nơi đâu
Tiền nhân mộng tưởng vì ý Đạo
Hậu bối ngày nay chỉ Tiên Lầu
Sông núi sau này còn biến đổi
Đạo Người muôn thuở vẫn thâm sâu

Quên Đi cũng xin theo bước Tiền Bối, Đàn Anh, dịch bài Thơ Hoàng Hạc Lâu:

Dịch thơ 1:

Hạc vàng Người cỡi về đâu
Còn trơ lầu đứng dãi dầu nắng mưa
Hạc vàng theo bóng người xưa
Ngàn năm mây trắng vẫn chưa bến về
Trời trong cây Hán sông mê
Cỏ tươi Anh Vũ chẳng hề đổi thay
Chiều buông dần khuất quê ai
Trên sông khói toả lòng đầy nhớ nhung.

Quên Đi

Bài Họa:

Một Chút Thơm Rơi

Người xa cánh hạc tìm đâu
Thơm rơi để lại cho dầu gió mưa
Bồi hồi nhớ thuở xa xưa
Lang thang mây vẫn sao chưa lối về
Dòng xưa bến cũ đam mê
Cỏ tươi Anh Vũ xanh hề chẳng thay
Cuộc tình thôi lỡ hỡi ai
Mà hình bóng mãi đong đầy mắt nhung

Kim Phượng

Dịch thơ 2:

Hạc vàng người cỡi mất từ lâu
Trơ trọi giờ đây một bóng lầu
Hạc đã một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng biết về đâu
Trời trong sông Hán cây soi bóng
Anh Vũ bãi xanh cỏ đậm màu
Ngày hết quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng dạ thêm sầu

Quên Đi

Dịch Thơ 3:

Người xưa cỡi hạc về non
Lầu Hoàng đứng đợi mỏi mòn tháng năm
Chim vàng cũng đã biệt tăm
Ngàn thu mây trắng âm thầm vẫn trôi
Sông Dương trời tạnh cây soi
Cỏ tươi Anh Vũ bãi bồi toả hương
Chiều về quê cũ hà phương
Khói sông sóng gợn người vương thêm sầu.

Quên Đi

Lê Thị Kim Phượng và Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn


Tiếng Lá Ngàn Thu



Từng phím lá buồn giữa rừng sâu
Vạn nốt trầm thăng chẳng thành màu
Ai muốn vẻ đời trên khung vải
Ta đếm đời qua nốt lá sầu

Thung lũng hồn ta cạn hay sâu
Nhạc không làm thước đo thể nào
Núi đứng, vực cao từng điệp khúc
Hay gót trần gian bước thấp cao

Sương thẩm thấu vào giọng lá rơi
Tiếng trời nghẻn lệ lạc cả lời
Câu hát hồ như, chừng đứt đoạn
Tháng ngày chấp nối những cung rời

Trong nẻo rừng sâu nhạc lá rơi
Giữa đáy lòng ta âm khúc đời
Ngàn thu chìm lắng vào cây cối
Tiếng lá âm thầm, tiếng lá rơi


Hoài Tử


Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Bạn Hiền..



Bạn trang-trọng đánh giùm bài thơ nhỏ 
"Dấu thánh " nào cồm-cộm nổi trên tay 
Tay bạn nhỏ, nhưng chân-tình không nhỏ 
Nghèn-nghẹn trong lòng, ấm-áp chiều nay
Thôi như thế , là khởi đầu tốt đẹp 
Bạn Hiền ơi! Ta bỏ viết đã lâu 
Từng con chữ chào thập-thò khép-nép 
Nhảy lung-tung, vần ráp chẵng nên câu
Thơ vài vần , gữi Bạn Hiền thăm thẵm 
Lưu lạc đơn-phương ở chổ lạ tên 
Phải " cố-gắng ", dù xa-xôi vạn dặm 
Đã ngở là " gác kiếm ", cuối trời quên......

Võ Phan Trung


Thu Biệt



Sáng nay mưa tạt qua thành phố
Còn đọng cửa gương mấy giọt dài
Lá vàng sót lại dăm ba chiếc
Lạnh lùng gió cuốn sắc thu phai

Mưa tự phương nào mưa đến đây
Bàn tay khôn vén được chân mây
Trời thu ai nhuốm màu hiu hắt
Khản cổ trong sương quạ gọi bầy

Nếu mưa có ghé qua vườn cũ
Xin chở giùm theo những ngậm ngùi
Con sông từ độ chia nguồn nước
Lặng lờ năm tháng một dòng xuôi

Nước xuôi qua mấy bờ lau lách
Lòng vẫn xanh hoài bóng núi xưa
Mặt nước êm đềm ngày nắng hạ
Là lòng đau buốt buổi thu mưa

Thu nhuốm u buồn tự cổ sơ
Lá vàng tan tác rụng trong thơ
Quan san ai vẽ màu chia cách
Mưa thu giăng mắc lạnh đôi bờ.

Khánh Hà

Các Bạn Vĩnh Long Viếng Tang Lễ Anh Phú Thạnh





Trương Văn Phú


Ăn Bắp (Ngô) Có Lợi Cho Sức Khoẻ

Ngô (bắp) là một trong những loại ngũ cốc rất quen thuộc với các gia đình Việt, giàu dinh dưỡng và dễ kiếm

Một bắp ngô luộc nặng khoảng 164 gram và chứa 177 calo, trong đó phần lõi ngô nặng khoảng 103 gram. Trong một hạt ngô, có 2g chất béo, 41g carbohydrate, 5g chất xơ và 5g protein. Nước chiếm 114g trong tổng cộng trọng lượng. Các chất béo trong ngô có xu hướng là chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn, bao gồm 29.5 mg axit béo omega – 3 và 961 mg axit béo omega – 6. Ngô luộc không chứa muối hay natri.

Với hàm lượng dinh dưỡng đa dạng, vị ngọt, dễ ăn, có thể chế biến thành nhiều món… ngô được nhiều bà nội trợ ưu tiên lựa chọn cho gia đình.


Ngô không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn có thể chống lão hóa, ung thư, tốt cho hệ tim mạch,…

Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Trong mỗi bắp ngô rất giàu chất xơ không hòa tan – chất khiến dễ tiểu tiện, giúp phát triển các vi khuẩn có lợi cho ruột già và vi khuẩn này giúp biến chất xơ thành chuỗi axit béo ngắn (SCFA). SCFA cung cấp năng lượng cho các tế bào ruột, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề ở ruột, bao gồm cả ung thư ruột kết.

Chống ung thư hiệu quả

Trong hạt ngô có chứa rất nhiều chất beta-cryptoxanthin, một loại carotenoid có tác dụng chống oxi hóa, giúp ngăn ung thư phổi hiệu quả. Một nghiên cứu kéo dài nhiều năm ở 63.000 người trưởng thành tại Trung Quốc cho thấy, những người có chế độ ăn nhiều beta-cryptoxanthin giảm được 27% nguy cơ ung thư phổi.
Một nghiên cứu khác ở 35.000 người tham gia cho biết, những người ăn thực phẩm nguyên hạt như ngô giảm được đáng kể nguy cơ ung thư vú. Lý do là trong bắp ngô có chứa hàm lượng cao chất xơ cũng như chất chống oxi hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị ung thư.

Có lợi cho não

Vitamin B1 có nhiều trong ngô, loại vitamin này có khả năng giúp cơ thể tránh được tình trạng đầu óc mệt mỏi và giảm trí nhớ. Một bát ngô có thể đáp ứng được khoảng 24% lượng vitamin mà cơ thể cần mỗi ngày.


Một bát ngô có thể đáp ứng được khoảng 24% lượng vitamin mà cơ thể cần mỗi ngày
Tốt cho mắt

Ngô cũng rất giàu beta-carotenoid và folate, đây là hai chất giúp làm chậm quá trình suy thoái điểm vàng liên quan đến tuổi tác. Beta-carotenoid trong bắp khi đi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A với tỷ lệ cao hơn so với những loại rau củ khác. Vitamin A rất cần thiết cho “cửa sổ tâm hồn” vì nó giúp sáng mắt.

Đẹp da

Nhiều hãng được phẩm trên thế giới đã phát hiện ra lợi ích tuyệt vời của ngô trong việc làm đẹp nên đã dùng ngô để chiết xuất nhiều thành phần dinh dưỡng cho quá trình chế tạo dược phẩm.
Tuy nhiên, cách đơn giản nhất là hãy ăn ngô thường xuyên sẽ giúp da sáng đẹp hơn. Nếu da bạn bị dị ứng, lấy hạt ngô non tươi giã ra và xoa lên chỗ bị dị ứng là vết ngứa sẽ dịu đi.

Tốt và bổ dưỡng cho phụ nữ mang thai

Bác sĩ thường khuyên phụ nữ mang thai tăng cường bổ sung chất folate nếu cơ thể bị thiếu. Folate là chất giúp ngăn chặn nguy cơ sảy thai và thai nhi bị khuyết tật. Trong khi đó, ngô lại rất giàu folate. Nếu bạn thường xuyên ăn ngô sẽ không cần phải bổ sung các viên folate, nó sẽ giúp cơ thể thai nhi tổng hợp tế bào mới và khỏe mạnh.

Folate có trong ngô là chất giúp ngăn chặn nguy cơ sảy thai và thai nhi bị khuyết tật

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Bắp ngô có nhiều chất xơ không hòa tan và hòa tan. Chất xơ hòa tan này khi liên kết với cholesterol trong mật đã được bài tiết ra từ gan sẽ lan truyền khắp cơ thể giúp hấp thụ cholesterol có hại. Ngoài ra, lượng vitamin B trong bắp cũng giúp làm giảm homocysteine.

Khi homocysteine trong cơ thể cao sẽ phá hủy các mao mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Một bắp ngô mỗi ngày sẽ cung cấp cho cơ thể 19% lượng vitamin B cần thiết mỗi ngày.
Ngừa thiếu máu
Thiếu máu là do thiếu vitamin B12, axít folic và chất sắt. Ăn ngô sẽ giúp bạn ngừa thiếu máu vì ngô chứa nhiều các chất trên, cần thiết cho quá trình hình thành hồng cầu.

Chắc xương

Ngô rất giàu mangan, kẽm và đồng, các dưỡng chất giúp tăng sức mạnh tổng thể cho cơ thể và củng cố hệ xương vững chắc.

Theo Vtc.vn
Thái Nguyễn sưu tầm

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Mẹ là Vầng Trăng Quê Hương - Thơ Phượng Trắng - Phổ Nhạc Lý Kiến Trung


Thơ Phượng Trắng 
Phổ Nhạc Lý Kiến Trung 
Tiếng Hát:Tố Ny


Cảm Đề Cây Thông


" Cảm Đề: Trước những cái Mơ của Thi Gia cổ"

Bài Xướng: Cảm Đề Cây Thông

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Nguyễn Công Trứ

Chán người ! Mơ sống giữa thinh không;
Dù kiếp đời, reo một giọng "thông".
Chịu trận, đưa lưng in dấu búa;
Oằn mình, cụp lá hứng mưa dông.
Ù lì xác xúc, tay thầy kiểm, (1)
Thây kệ trời trăng, chuyện núi sông.
Nếu ước, ta mong ngày tháp cánh!
Mong chi cái thế, đứng chân trồng.

Danh Hữu
(1) Thầy kiểm lâm đóng búa vào cây ghi số kiểm. Xúc = gỗ to xác.
***
Các Bài Thơ Hoạ:

Thoái Hóa!

Vinh nhục rồi thì cũng hóa không
Sao ngài lại muốn giống như thông?
Thép kia hữu dụng nhờ đe búa
Danh nọ trường tồn mặc bão dông
Vạn kiếp luân hồi nơi địa giới
Bát hồn vận chuyển tựa dòng sông
Dễ gì đoạt vị hàng nhơn phẩm
Hà cớ làm cây chỗ chẳng trồng?

Cao Linh Tử
19/7/2016
***
Hoàn Cảnh

Hoàn cảnh xưa nay chết uổng không!
Làm người khó lắm, sánh cây thông.
Đổi đời cải tạo tù lao lý,
Hóa kiếp Tây du rẽ gió dông.
Di tản gia đình ra ngoại quốc,
Về thăm xứ sở quý non sông.
Hòa bình lập lại mong vui sống,
Cây trái, tang thương, cố gắng trồng!

Mai Xuân Thanh
***
Cây Thông Đà Lạt


Sự đời sắc sắc với không không,
Tùng, bách, cẩm lai,... vi vút thông.
Gỗ quý non xanh yên một cõi,
Cành ngo vách đá lạnh trời dông.
Ngô đồng thi phú người nhân cách
Ruộng lúa, nương dâu, kẻ nước sông.
Chớ ước mơ chi, tuồng dối trá,
Hoàng triều cương thổ khéo vun trồng...

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 07 năm 2016
***
Quyển Sử Cũ

Góc xó nằm đây thấy bực không
Ngàn năm vận nước thảy đều thông
Một thời lắm kẻ say mê học
Giờ biết bao người bỏ chạy dông
Chả lẽ hậu sinh dần lạc nẻo
Cho nên cổ sự thả trôi sông
Mau mau góp sức chung tay sửa
Còn nước thì cây có thề trồng.

Quên Đi
***
Thà Là


Ngao ngán tình đời chữ có không
Thà cây hóa kiếp giữa rừng thông
Bể dâu hứng chịu cùng mưa nắng
Tuế nguyệt trần mình giữa bão dông
Ngất ngưỡng ngẩn trông ra trời đất
Ngang nhiên chẳng thẹn với non sông
Trụ chân tự tại không phiền não
Gẫm lại vui thay dẫu bị trồng

Kim Phượng
***


Cảm Đề Cây Thông
Họa y đề

Đã chán rồi sao lẽ sắc không
Mơ về dáng đứng một loài thông
Vô tâm ẩn dấu trong rừng thẳm
Dũng mãnh đương đầu với bão dông
Vẫn khó bình yên rời vận nước
Cũng đành đốn hạ thả vào sông
Đừng mong tạo tác đời đơn độc
Một nhát cưa ngang hẫng thế trồng!

Nguyễn Đắc Thắng



Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Anh Nguyễn Phú Thạnh



Cáo Phó Anh Phú Thạnh Qua Đời


Buổi chiều 25-07 hàng xóm nơi anh ngụ thấy anh đi chợ Vĩnh Long về, khỏe mạnh, đến khoảng gần 10 giờ tối cùng ngày, anh đang trên máy vi tính than tê chân gọi con lại bóp chân, rồi anh ngã ra bất tỉnh, con gọi xe cấp cứu, xe vừa đên cửa nhà là anh đi luôn. 11 giờ trưa 26-07 nhập quan, ngày mai 5 giờ chiều 27-07 động quan, chôn đất nhà, nằm cạnh chị trong khuôn viên dành cho hai vợ chồng

Bài thơ cuối cùng của anh Phú Thạnh - Chiều SaPa 

Chiều tà trên đỉnh Sa Pa
Vi vu gió rít mưa sa mịt mờ
Núi rừng trùng điệp nên thơ
Mấy tầng mây trắng lững lờ dưới chân
Chuông chùa rời rạt vang ngân
Mù sương giá buốt thương gần nhớ xa
Đêm nay trăng sáng quê nhà
Còn ta ở lại Sa Pa một mình…
(Phú Thạnh)



Trương Văn Phú

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

La Malbaie, Charlevoix


Đây là căn nhà nghỉ mát của tôi ở La Malbaie, Charlevoix.
Nhà dưa lưng chân núi, mặt trước ngó qua vịnh St-Laurent.
Từ bờ này sang bờ bên kia, Kamouraska của truyện tiểu thuyết Bonheur d'occasion của Anne Hébert, khoảng cách cũng cả bốn mươi cây số.
Phía trái, cái cầu con con dẫn ra bên bờ suối, mùa xuân nước chảy siết không ngừng. Bên đó có cái nhà nho nhỏ có tường, có mái, bên trong chưa làm xong, dự tính làm nơi ở cho bạn bè, bạn ngồi trên băng dài bên suối hay tay nắm tay dẫn nhau đi tản bô trên núi qua lối mòn đất nhà rộng cũng đến hơn mười mấy ngàn thước vuông.
Chưa nói, bạn đã làm rồi.

Khu vườn tôi gầy dựng với hai tay, dậy từ sáu giờ sáng rồi công lao cho đến lúc chiều tà.
Tôi đã trồng đến tám mươi tám cây hồng, mấy trăm cây ...Vivaces, Pavots, Iris, Jonquilles, Tulipes, Pensees, Clematis, Forsythias, Magnolias jaunes et Roses, Ancholies, Astilbes, Plox, ..
Xuân vừa về, những hoa crocus xuyên qua tuyết lên bông, hoa tulipes đủ mùa vội vã theo sau, cạnh những hoa myosotis, còn gọi là hoa forget-me-not, xanh và hồng, "hồn mơ say nâng cánh mộng", điểm phấn thoa son rồi thời gian cứ đó lững lờ đi ...

Ừ nhỉ hình như tôi đã sống hết trong đời.
Nhưng trên mảnh đất này, tôi mới thấy là tôi đang sống.

Tôi nhớ hai câu hát Huế, Thanh Tâm đã hát:

Lát nữa ra về, 
có dang dở chi không?

Câu trích trong bài tiếng Pháp nhớ sai, tuy nhiên câu dịch tres libre khá đúng.
Chắc cũng là nhớ từ trong thâm tâm đó mà.

Đỗ Đức Viên
***
Voici mon chalet à La Malbaie, Charlevoix.
Il est endosse au pied d'une petite montagne, facant le Golfe de St Laurent. 
D'une rive à l'autre, Kamouraska, est d'une distance de presque 40kms.
À gauche est un ponceau menant à un petit ruisseau ou l'eau coule à flots au printemps avec un pavillon une fois fini sera la residence des amis
qui pourront s'asseoir au banc des amoureux ou se promener la main dans la main en montagne de ma propriete qui est plus que 120 000 pieds carres. 
Ils le font deja.

Le jardin est bati de mes mains, me levant à six heures du matin et ne m'arretant qu'à la brunante.
J'y avais plante jusqu'à 88 rosiers, des centaines de vivaces, pavots, iris, jonquilles, tulipes, pensees, clematis, forsythias, magnolias jaunes et roses, ancholies, astilbes, plox, ...
A peine arrive le printemps, les crocus percent la neige, suivis des tulipes hatives, mi puis tardives, les myosotis bleus et roses gaiement montrent leur beaute, et ainsi s'en suivent, ...
J'ai pratiquement fait de tout dans ma vie. 
C'est dans ce coin de pays que je trouve vraiement que je vis et j'existe.

Un petit couplet d'un chant nostalgique de Hue: 

Lát nữa ra về, 
Có nhung nhớ gì không? 
(traduction tres libre: 
Dans quelques instants, parti(e),
Te rappelles tu vaguement de cette amourache?)

À suivre.

Viên

Le voici en photos.


















Vịnh Cầu Mỹ Thuận - Vịnh Cầu Lầu



Bài Xướng: 
Vịnh Cầu Mỹ Thuận
(Tá vận Vịnh Đèo Ngang)

Mỹ Thuận dừng chân nắng sắp tà
Một vùng cây trái chẳng còn hoa
Thuyền ai lạc lỏng đi tìm bến
Lữ khách bơ vơ thấy nhớ nhà
Nào bởi hẹn thề non với nước
Không vì vướng bận quốc cùng gia
Chỉ sợ đồng khô và biển chết
Màu xanh rồi sẽ tách rời ta.

Quên Đi
***


Bài Họa:
Vịnh Cầu Lầu

Bơ vơ lạc lõng giữa chiều tà
Thơ thẩn một mình ngắm cội hoa
Viễn xứ đọng buồn thương đất Vĩnh
Mảnh đời lưu lạc nhớ quê nhà
Cầu Lầu tìm lại bao dư ảnh
Lữ khách lặng nhìn mấy nóc gia
Lưu vong tất cả đành thôi mất
Tha thiết một điều giữ chính ta

Kim Phượng