Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

Ru Ta Ngậm Ngùi - Trịnh Công Sơn - Kim Trúc


Sáng Tác: Trịnh Công Sơn
Trình Bày: Kim Trúc

Ngọc Lan

 

Trong nhà EM kể lể
Ngoài ngõ mưa đang rơi
Chợt thấy buồn hoen lệ
Xa rồi một dáng người

EM điệu buồn da diết
Nhắc hoài ngày tháng xa
Buồn rơi sinh tử biệt
Thương quá một đời hoa ...

Hoàng Dũng

Xứ Bốn Mùa

 
(Photo: Nhất Hùng)

Thủ đô khí hậu thật ôn hòa
Tuần tự bốn mùa nối tiếp qua
Xuân đón đào liên hoan múa hát*
Hạ chào khách trẩy hội đàn ca
Thu sang lá đổ tô vàng phố
Đông đến tuyết rơi điểm trắng nhà
Đủ sắc màu như tranh thủy mặc
Xứng danh mỹ cảnh xứ cờ hoa


nhất hùng
*Hoa Đào
Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn Có Bốn Mùa Và Khí Hậu
Ít Cực Đoan Nhất So Với Các Bang Khác Của Hoa Kỳ

Vết Nứt Trên Tường Rêu Phong

 
Bức tường rêu xanh tại phố cổ Hội An (photoshop by le tuan)

Trên tường vết nứt rêu phong
Câu thơ nẩy mực chờ mong nụ hồng
Bãi hoa cỏ dại ngoài đồng
Mây buồn bám núi, lượn vòng chim bay.

Thương em một đóa hoa gầy
Chiều chiều ra ngõ đường mây trôi về
Giấc mơ đêm một cơn mê
Tan vào nỗi nhớ không đề vô ngôn.

Mùa thu trước bóng hoành hôn
Nhặt lên chiếc lá thấy buồn hơn xưa
Chờ người không đến tiễn đưa
Phố buồn giăng mắc gió mưa bụi đường.

Chờ người đến với yêu thương
Một phương trời thẳm mờ sương lạnh lùng
Lang thang trong cõi vô cùng
Gió vừa lay động mấy từng đào tơ.

Ngày buồn thảo nốt vần thơ
Hạt sương rơi rụng ướt tờ giấy bay
Xót xa thương dáng em gầy
Nơi thung lũng núi phố mây hoa vàng.

Mùa thu hoa lá trên ngàn
Sang xuân vạt áo đôi hàng phố vui
Xóa tan dấu vết ngậm ngùi
Thương con đò nhỏ nước xuôi một dòng.

Tiếng con chim lạc ngoài sông
Lời than lạnh thấu hoàng hôn gọi đò
Sương khuya lạnh buốt co ro
Đỉnh đồi gió hú thăm dò hồn ai.

Dải đường xa hút chạy dài
Thương em lẻ bóng trang đài nở đêm
Tóc em liễu rũ vai mềm
Cho từng thu chết bên thềm nhớ nhung.

Tế Luân
Viết theo vết nứt trên bức tường rong rêu
tháng 7 mưa ngâu07-08-23

Tìếng Còi Xe Lửa(Hồ Mộng Thiệp) - The Train Whistle (Thanh Thanh)



Tìếng Còi Xe Lửa

Có đường xe lửa nơi tôi ở,
Văng vẳng còi tàu hú mỗi đêm,
Tôi lại ngậm ngùi liên tưởng đến
Giấc mơ thân phụ lúc sanh tiền.

Người đã một lần tỏ ước ao:
Sau này đất nước hết binh đao,
Người đi tàu suốt Nam ra Bắc
Ngắm lại non sông đẹp thuở nào.

Thế rồi thân phụ biệt trời xanh,
Ước nguyện đơn sơ chửa đạt thành!
Ví phỏng ngày nay còn tuổi hạc,
Người càng đau xót lúc đêm thanh.

Còn gì mai mỉa nhất trần gian:
Khi lửa can qua đã lụi tàn,
Thiên hạ đổ xô tìm đất sống,
Trùng dương bất chấp vạn nguy nan!

Tôi vẫn chờ mong, vẫn đợi mong
Ngày về chấm dứt kiếp lưu vong,
Thay ai thực hiện điều mơ ước,
Ngắm lại non sông dưới nắng hồng.

Ngắm lại non sông đẹp tuyệt trần,
Nơi từng lấp lánh kiếm tiền nhân,
Nơi từng sáng chói gương khôi phục
Một dải sơn hà bất khả phân!

Có đường xe lửa nơi tôi ở,
Văng vẳng còi tàu hú mỗi đêm;
Nghe bánh xe lăn đường sắt lạnh,
Lòng sầu viễn xứ xót xa thêm...


Hồ Mộng Thiệp
***
Dịch Thơ:

The Train Whistle 


There is a railroad not far from where I dwell;
The night train wails within listening distance.
Its whistle in my remembrance recalls well
My dad’s eager dream throughout his existence.

At least once he yearned, by his ardor urged,
To ride an express train from South to North
Right after the country from hostilities emerged,
To revisit old beautiful sceneries henceforth.

Alas, one day he deceased, still discontent,
Leaving behind the modest wish yet not come true.
But, were he to live unto this day of no consent,
He would feel each night more grief so undue.

What of the world that exceeds the irony bitter,
If not that upon the end of all firing and dying
The crowds had to rush and seek refuge hither,
Crossing the risky oceans, any dangers defying?

Here, I have been longing and will still wait
For a glorious return from this exile line,
For his sake to realize his reverie, though late,
To contemplate again the landscapes in the shine.

Yes, to admire the divinely splendid country
Where ancestors had drawn swords since foundation,
Setting bright examples of national recovery
To dutiful heirs of that inseverable nation.

But there each night the train whistles and wails
Since the railroad is close to where I reside.
As steel wheels are rolling on chill steel rails,
Its whistle rends my heart with nostalgia inside.

Translation by Thanh Thanh






Lãng Đào Sa Kỳ 3 浪淘沙其三 - Lưu Vũ Tích (Trung Đường) Từ


Lưu Vũ Tích 劉禹錫 (772-842) tự Mộng Đắc 夢得, người Bành Thành (nay là huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô) đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), làm giám sát ngự sử đời Đức Tông. Thời Thuận Tông cùng tham dự vào những chủ trương chính trị tiến bộ cùng Vương Thúc Văn, Liễu Tông Nguyên, sau Vương Thúc Văn bị bọn cường quyền gièm pha, ông cũng bị đổi thành Lãng Châu thứ sử. Ông làm từ hay dùng tục ngữ địa phương, Bạch Cư Dị từng gọi ông là thi hào. Tác phẩm có Lưu Vũ Tích tập.

Nguyên tác Dịch âm

浪淘沙其三 Lãng Đào Sa Kỳ 3

汴水東流虎眼紋 Biện thuỷ đông lưu hổ nhãn văn,
清淮曉色鴨頭春 Thanh Hoài hiểu sắc áp đầu xuân.
君看渡口淘沙處 Quân khan độ khẩu đào sa xứ,
渡卻人間多少人 Độ khước nhân gian đa thiểu nhân.


Chú giải

虎眼紋 hổ nhãn văn: vằn trên mắt hổ.
鴨頭 Áp đầu: đầu con vịt.
渡口 độ khẩu: vượt cửa sông.
淘 đào: sàng, rửa, đãi.

Dịch nghĩa

Sông Biện chảy về đông lăn tăn như vằn mắt hổ,
Màu sông Hoài buổi sáng mùa xuân xanh như đầu vịt.
Anh thấy người ta đãi cát ở cửa sông kia,
Đã giúp việc cho nhân gian ít nhiều người

Dịch từ

Lãng đào sa kỳ 3

Sóng Biện trôi như mắt hổ vằn,
Sông Hoài sáng sớm giống đầu ngan.
Thử coi đãi cát bờ sông nhé,
Đã giúp nhân gian kiếm việc làm.

Lời bàn:

Cách diễn tả của Lưu Vũ Tích trong bài từ Lãng đào sa kỳ 3 rất độc đáo: sóng sông Biện (giống mắt hổ vằn) và màu sông Hoài (giống đầu ngan) đẹp một cách kỳ quặc; hai câu 3 & 4 còn quan tâm tới nền kinh tế địa phương nữa (giúp cho một số người có công ăn việc làm).

Con Cò
***
Lãng Đào Sa kỳ 3.

Mắt hùm sóng Biện hướng đông trôi,
Đầu vịt sông Hoài sắc sớm trời.
Bãi khẩu chàng xem miền đãi cát,
Giúp dân kiếm việc ít nhiều người.

Mỹ Ngọc
July 14/2023.
***
Cảnh Quan Nhân Thế

Hướng đông, Biện thủy lăn tăn,
Tựa vằn mắt hổ chốn ngàn lũng sâu.
Thanh Hoài xuân thắm dãi dầu,
Sớm mai xanh biếc như đầu vịt ngan.
Bao người nhóm tụ lớp hàng,
Mãi mê ray đãi cát vàng cửa sông.
Góp phần tạo việc làm công,
Sanh nhai mưu kế - thỏa lòng nhân gian.

Khánh-Hưng
***
Đây là một bài từ mà giống hệt một bài thất ngôn tứ tuyệt.

Cám ơn ÔC và anh Tâm đã giải thích rõ ràng, nhờ vậy tôi mới biết sông Biện chính là Đại Vận Hà mà Dương Quảng đã bắt dân đào để đi thuyền xuống nam coi hoa Quỳnh. Nhưng nhờ sông đào này mà việc thông thương nam, bắc được dễ dàng, kinh tế phát triển..

Lãng Đào Sa Kỳ 3

Nước Biện xuôi đông, vằn mắt hổ,
Sông Hoài đầu vịt ngát mầu xuân,
Anh ngắm cửa sông, nơi đãi cát,
Đã giúp bao người được ấm thân.

Bát Sách.
***
Lãng Đào Sa Kỳ 3

1-

Dòng Biện xuôi đông mắt hổ vằn
Nước Hoài cổ vịt biếc mầu xuân
Anh trông đãi cát vàm sông đó
Tạo việc ít nhiều giúp thế nhân!

2-

Mắt cọp vằn xuôi đông Biện thủy
Cổ biếc xanh vịt quý sớm xuân
Kìa anh, đãi cát vàm gần
Ít nhiều giúp đỡ thế nhân việc làm!

Lộc Bắc
Jun23
***
Nguyên tác: Phiên âm:

浪淘沙其三-劉禹錫 Lãng Đào Sa Kỳ 3 – Lưu Vũ Tích

汴水東流虎眼紋 Biện thủy đông lưu hổ nhãn văn
清淮曉色鴨頭春 Thanh Hoài hiểu sắc áp đầu xuân
君看渡口淘沙處 Quân khan độ khẩu đào sa xứ
渡卻人間多少人 Độ khước nhân gian đa thiểu nhân

Sách có mộc bản bài từ/thơ:

Lưu Tân Khách Văn Tập - Đường - Lưu Vũ Tích 劉賓客文集-唐-劉禹錫
Nhạc Phủ Thi Tập - Tống - Quách Mậu Thiến 樂府詩集-宋-郭茂倩
Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Hai sách đầu dùng chữ khước 卻 trong câu 4, hai sách sau dùng chữ tức却. Hai chữ là dị dạng của nhau nên cùng nghĩa.


Bài từ này của Lưu Vũ Tích thuộc điệu Lãng Đào Sa bình vận cách nhất trắc khởi (tương đương với Thất Ngôn Tứ Tuyệt luật trắc). Theo Long phổ, các chữ trong bài trắc khởi phải có thanh và vần như sau:


Thanh luật của bài từ luôn luôn chặt chẽ hơn thanh luật của thơ tứ tuyệt Đường luật vì biệt lệ nhất tam ngũ áp dụng cho bài tứ tuyệt, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng áp dụng cho bài từ. Do đó một bài từ như Lãng Đào Sa Kỳ 3 là một bài tứ tuyệt hoàn chỉnh về niêm vận thơ Đường luật, nhưng lại không đúng 100% niêm vận cũng là một bài từ Lãng Đào Sa. Chữ đa trong câu 4 phải là thanh trắc cho bài từ.

Ghi chú:

Biện thủy: sông Biện là khúc kênh đào vào đời nhà Tùy, bắt đầu từ huyện Huỳnh Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay, chảy về phía đông qua An Huy, đến Giang Tô vào sông Hoài.
Hổ nhãn văn: vằn mắt hổ, chỉ nước xoáy gợn sóng
Thanh Hoài: tên gọi chung của Thanh Giang và Hoài Thành, ngày nay là thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô. Thanh Giang là quận Thanh Phố, quận Thanh Hà của thành phố Hoài An ngày nay, Hoài Thành là quận Sở Châu của thành phố Hoài An ngày nay; sông Hoài
Áp đầu: đầu con vịt
Áp đầu xuân: thời Đường gọi màu xanh lá cây đầu vịt, hình dung màu nước mùa xuân
Hiểu sắc: sắc trời lúc bình minh
Đào sa: đãi rửa sạch cát để tìm vàng

Bối cảnh:

Bải thơ này được làm ở Trùng Khánh, có nói đến Biện Thủy và Thanh Hoài nơi Lưu Vũ Tích từng nhậm chức thứ sử Hòa Châu vào năm Trường Khánh (năm 824). Hòa Châu phía bắc giáp lưu vực sông Hoài nay là Hòa Huyện, An Huy.

Giống như nhiều bài thơ khác, bài này của LVT cũng có tích cách hoài cổ và vịnh sử, cho thấy nhân thế tang thương và lịch sử vô tình. Tình cảm cổ xưa và hiện tại của nhà thơ, cảm giác thăng trầm của lịch sử được khơi dậy từ dòng sông Biện trước mắt.

Năm 60x?, Tùy Dương Đế, một vị vua sa đọa và phung phí nhất của đời nhà Tùy, chỉ vì muốn du ngoạn Giang Đô, đã huy động hơn trăm ngàn dân công đào kênh Biện Thủy. Trên bờ đê trồng liễu và xây hành cung xa hoa để vua cùng cung nữ đến thả thuyền chơi trên sông. Dân chúng phải chịu muôn ngàn khổ cực và đưa đến sự diệt vong của nhà Tùy. Dương Đế, tên thật là Dương Quảng, sinh năm 569, mất năm 618 vì bị tướng chỉ huy cấm quân là Vũ Văn Hoá giết chết ở Giang Đô, hưởng dương 49 tuổi, ở ngôi được14 năm.

Dịch nghĩa:

Lãng Đào Sa

Biện thủy đông lưu hổ nhãn văn  Sông Biện chảy về đông lăn tăn xoáy gợn sóng,
Thanh Hoài hiểu sắc áp đầu xuân Qua vùng Thanh Hoài lúc bình mình màu nước xanh như nước xuân.
Quân khan độ khẩu đào sa xứ      Bạn có thấy người ta đãi cát ở cửa sông,
Độ khước nhân gian đa thiểu nhân Đã cứu giúp một ít người trong thế gian.

Song of Washing Sand 3 by Liu Yu Xi

Bienshui river flows east in tiger’s eye patterns,
Through Qing Huai area in early morning, the water is green as spring water.
Do you see people washing sand at the river mouth (to find gold),
A few people are helped (making a living) that way.

Điền từ/Dịch thơ:


Phí Minh Tâm

Đi Thăm ASwan - Ai Cập



Hôm nay là ngày thứ 4 trong chuyến du ngoạn Ai Cập 12 ngày. Chúng tôi rời Alexandria lúc 10 giờ sáng đến phi trường Cairo vào 3 giờ chiều. Khoảng 5 pm phi cơ cất cánh đi Aswan để viếng đền Abu Simbel. Chiếc phi cơ nhỏ chở chúng tôi chỉ có 1 cô tiếp viên hàng không. Khoảng 2 tiếng sau cả nhóm có mặt Aswan và dùng cơm tối ở khách sạn rộng lớn Old Cataract  trước kia là lâu đài của vua Ai Cập Farouk.

Ngày 5: SA MAC SAHARA

Hôm sau khi dùng điểm tâm xong, chúng tôi đibách bộ trong khuôn viên rộng rãi khách sạn. Mặt sau khách sạn hoa cỏ trang trí đẹp mắt đến tận bờ sông Nile, con sông tuy nổi tiếng trên thế giới nhưng chiều ngang nhỏ hơn sông

Cửu Long Việt Nam. Từ khách sạn nhìn qua phía bên kia sông có nơi là bờ đá, có chỗ là nhà gạch hay phố phường. Thuyền buồm, thuyền máy, tàu nhỏ chở khách du lịch đi lại trên dòng sông êm đềm, trông ngoạn mục và thơ mộng.Bờ sông phía khách sạn có đường lát gạch uốn lượn sạch sẽ và mỹ thuật. Hoa kiểng xinh xắn trồng dọc theo lối đi khá dài. Có nhà thủy tạ, bàn ghế tươm tất cầu kỳ cho khách nghỉ chân hay trò chuyện. Du khách thả bộ theo con đường lát gạch sạch sẽ ấy dẫn đến vườn hoa bên hông và phía trước khách sạn. Vườn hoa rộng, quy mô .Các loài hoa trồng theo cách thức, thứ tự của người chuyên môn nên có hàng lối, màu sắc rất đẹp, hoa lá xanh tốt, khỏe mạnh.

Sở dĩ chúng tôi có thì giờ xem hoa ngắm cảnh vì phải chờ đoàn xe   đông đủ để cùng đi viếng đền Abu Simbel. Muốn đi thăm đền xe phải đi qua sa mạc khoảng 2 tiếng 30 phút. Các xe du lich, xe bus đều đi chung một lượt thành từng đoàn, xe hộ tống đi trước và sau đoàn convoy. Mahomed, anh hướng dẫn viên cho biết sa mạc không nhà cửa, không cây cối, chi có cát, nêu hành khách hay xe bi tai nan rất nguy hiểm nếu không được cứu trợ kịp thời nên phải đi chung một lượt để giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết .Xe hộ tống có 2 chuyến một ngày, vào lúc 6g30 và 10g30 sáng Từ đền du khách phải trở về thành phố vào 4g30 chiều là chuyến chót, không thể trễ hơn nữa.

 

Chúng tôi rời khách sạn đến điểm tập trung chờ xe hộ tống đến kiểm điểm xong cả đoàn xe tuần tự lên đường. Xe rời thành phố khoảng 20 phút, chúng tôi thấy các núi đá rộng lớn nhưng không cao lắm, cách đường đi độ 5, 3 chục thước. Anh Mohamed cho biết người Ai Cập thời xưa lấy đá từ các núi này để xây Kim tự tháp. Họ chờ mùa nước nổi chở những tảng đá nặng hàng tấn từ Aswan về Giza (Cairo) bằng thuyền. Đoàn xe lăn bánh trên đường tráng nhựa bằng phẳng, trời nắng nhưng không nóng nực. Tôi nhìn hai bên đường thấy toàn là cát và cát, mênh mông, vô tận, mút mắt, không có bóng cây hay nhà cửa chi cả. Xe đang đi qua sa mạc Sahara. Thỉnh thoảng tôi nhìn trên mặt cát thấy loang loáng như nước hồ phản chiếu nhưng người hướng dẫn bảo đó là ảo giác (mirage) . Sự thật không có ao hồ nào trên quãng đường này Tôi thầm nghĩ nếu lái xe một mình trên đường này thật nguy hiểm nếu xe bị nổ lốp vì không thấy trạm xăng hay nơi nghỉ ngơi ( rest area) nào cả. Mohamed bảo Sahara tiếng Ai Cập có nghĩa là sa mạc, nếu gọi sa mạc Sahara như là gọi sa mạc, sa mac? Xe tiếp tục lăn bánh, không ngừng nghỉ. Tôi nhìn ra bên ngoài, trời nắng chói chang .Tuy thế nhưng bên trong xe bus vẫn mát mẻ vì có máy lạnh và màn cửa khép kín. Tưởng là đường dài sẽ làm du khách mệt mỏi nhưng có người kể chuyện khôi hài làm ai cũng cười thoải mái Trong đoàn có vi bác sĩ hưu trí, từng là thầy của nhiều bác sĩ trẻ Ông vốn ít nói nhưng bị mời mọc mãi , ông cũng kể một truyện vui trong lúc còn dạy học. Chị dược sĩ My Hảo hát các bài hát quen thuộc, ngâm thơ giúp vui. Tuy không phải ca sĩ chuyên nghiệp, không đàn, không trống nhưng các chị hát ngọt ngào, truyền cảm. Anh chị trưởng đoàn cũng kể lại các cuộc hành trình ở Âu châu do anh hướng dẫn tuy vắn tắt nhưng hấp dẫn thính giả Ngoài ra Mohamed cho biết tổng quát về ngôi đền Abu Simbel sắp viếng thăm nên thì giờ qua nhanh.

ĐỀN ABU SIMBEL


Chúng tôi đến bãi đậu xe khu vực Abu Simbel vào khoảng hơn 1 giờ chiều xong đi thêm một quãng ngắn đến nhà bán các loại giải khát ,tranh ảnh, các quà lưu niệm nghỉ ngơi độ 15, 20 phút, xong tiếp tục đi theo con đường nhỏ trải nhựa. Đi thêm độ 15 phút nữa thấy sừng sững núi cát rất cao. Đấy là mặt sau của đền Abu Simbel. Trên đường đi thấy các băng gỗ đặt rải rác dưới những bóng cây vệ đường. Trong đoàn du lịch có vài cụ già chống gậy lộc cộc, đi một khoảng cụ tìm chỗ ngồi nghỉ giây lát xong đứng dậy đi tiếp tục. Chúng tôi đến trước, các cụ đến sau nhưng cũng đến nơi. Có vài ba người ngồi xe lăn được thân nhân vui vẻ đẩy đi viếng đền. Sân đền rộng rãi, có nhiều dải băng gỗ để du khách ngồi nghe hướng dẫn viên thuyết minh hay để xem trình diễn các tiết mục hữu ích? Khi chúng tôi đến nắng đã lên nên cả nhóm đứng chung một chỗ có bóng mát để nghe anh Mohamed tóm tắt lịch sử, huyền thoại của đền. Nhìn lại mặt trước toàn bằng đá và theo anh Mohamed, toàn thể ngôi đền là đá, núi cát nhân tạo mặt sau đền mới có gần đây , khi ngôi đền được mang lên mặt đất từ dưới nước sâu.

Theo sách Abu Simbel của Dr Attia Radwan chuyển ngữ, trang 1 cho biết khu vực giữa đập nước lớn (high dam ) và Nubia gồm có 45 làng và một số ngôi đền. Những nơi này thường hay bị ngập lụt do nước sông Nile dâng lên. Các vua Ai Cập đã nâng cao hơn 14 ngôi đền qua nhiều triều đại. Ngôi đền to lớn và quan trọng hơn cả la Abu Simbel do vua Ramses II xây khi ong trị vì Ai Cập từ 1290-1224 trước Thiên chúa.

Vua xây ngôi đền lớn cho chính vua và các vị thần linh. Ngôi đền nhỏ hơn gần đó vua xây cho người vợ yêu quý, hoàng hậu Nefertari. Đền lớn (great temple) cao 33m, rộng 38 met, sâu 56 mét nằm trong lòng núi. Mặt tiền đền có 4 pho tượng vua Ramses ngồi, to khổng lồ, mỗi tượng cao 20m. Dưới chân vua là tượng gia đình vua gồm hoàng hậu và các con. Tượng hoàng hậu Nefertari chỉ cao đến đầu gối vua và tượng các con cao đến bắp chân vua. Đền có nhiều phòng. Các tường đá phía trước và trong đền, các phòng và trần nhà tạc chi chít các hình tượng, các cổ tự Ai Cập. Có nơi các hinh tượng, cổ tự còn giữ được màu sắc gần như nguyên thủy: vàng, xanh, đỏ... ghi lại các sinh hoạt của vua, giáo sĩ hoặc các nghi lễ, cúng tế thần linh, cảnh đi săn, ngồi chiến xa tù binh bị trói, cảnh dân chúng tụ họp cưới xin….vân, vân... Ai cập ngay xưa thờ đa thần, thần chim, thần cá, thần tình yêu, thần mặt trời mọc, thần mặt trời lặn.. và bao giờ cũng có tạc hình hoa Lotus khi cúng lễ. Lotus của Ai Cập không giống hoa sen, trông na ná như hoa loa kèn ở Mỹ. Anh Mohamed bảo hoa lotus là biểu tượng của Ai Cập như hoa dogwood là loài hoa tượng trưng cho tiểu bang Virginia

ÁNH SÁNG TRONG ĐỀN ABU SIMBEL


Từ mặt tiền đường Abu Simbel chúng tôi nhìn thẳng vào phía bên trong hành lang (Hypostyle Hall) rộng rãi, dài 18 met, ngang 16m 50 . Có hai hàng người đá to đứng ngay ngắn trên bục đá thấp, khoanh hai tay, theo khoảng cách thứ tự dài đến tận cuối hành lang. Các tượng này có vẻ mặt nghiêm trang, đội mũ như các vua, quan. Cuối hành lang có 4 tượng thật to, tạc khắc từ trong núi đá. Các vị này đội mũ, mão khác nhau. Tính từ trái qua mặt là thần Ptah, thần Amun-Ra, vua Ramses II và Ra. Anh hướng dẫn viên bảo vua Ramses II tự cho mình là thần , là trời nên đứng ngang hàng với các vị thần khác ở vị trí cao quý nhất trong đền. Màu sắc các hình tượng chạm khắc trên tường đá, trần nhà còn tốt , gần như nguyên vẹn dù có thời gian bị ngâm dưới nước hồ Nasser như màu xanh đậm, màu đen…., vàng v. v...Mỗi hình ảnh là một sự tích. Vô số hình ảnh, khắp nơi, trên những cột đá, bệ thờ, vách đá, trần nhà.. Căn cứ theo các hình tượng, văn bản khắc trên đá,. Ai Cập là kho huyền thoại vô tận, nhiều tích cổ xưa như chuyện ngàn lẻ một đêm, liên miên nghe mãi không hết. Ngoài hành lang kể trên, đền còn các hành lang và nhiều phòng khác: The Great Pillared Hall, The North, The South Hall.. v. v.

Về ánh sáng của ngôi đền đặc biệt là một năm hai lần vào ngày 22 Tháng Hai và 22 Tháng 10 , tia nắng buổi sáng chiếu thẳng từ tiền đường rọi vào 4 pho tượng kéo dài được 24 phút ( sách Abu Simbel của Dr Attia Radwan chuyển ngữ ,trang 27). Ánh nắng này rọi nửa thân tượng của RA và Amun – Ra, toàn thân tượng

vua Ramses II. Sự việc kể trên làm cho người Ai Cập hãnh diện về sự tính toán kỳ diệu của người xếp đặt vị trí các pho tượng. Căn cứ theo các hình tượng trên đá, các văn bản , anh Mohamed cho là trước Thiên chúa cả ngàn năm, người Ai Cập đã có nền văn minh, toán học và kỹ thuật cao hơn các nước trên thế giới thời bấy giờ.

HOÀNG HẬU NEFERTARI và ĐỀN NHỎ


Nefertari là vợ yêu qúy và xinh đẹp của vua Ramses II. Vua và bà có tất   cả 12 người con vừa trai vừa gái. Mohamed kể bà là người phụ nữ yêu kiều, nhu hòa và khiếu về âm nhạc. Thực vậy, trong tất cả phụ nữ trong hoàng tộc Ai cập cách đây cà 1000 năm ở bảo tàng viện Cairo, hình ảnh , y phục và nhan sắc của Nefertari trội hơn cả. Vua Ramses xây cho đền Abu Simbel cho bà cách Đền Lớn (Great Temple) 120 mét về phía Bắc. Vua Ramses II tặng bà danh hiệu là thần của âm nhạc, sắc đẹp và tình yêu.
Đền nhỏ của hoàng hậu cao 12m, rộng 28m, dài 17m. Mặt tiền đền có 6 tượng đá, mỗi tượng cao 10 mét. Bốn tượng đá tượng trưng cho

vua Ramses II, 2 tượng trưng hoàng hậu Nefertari. Bên chân phải và trái của mỗi tượng có tượng đá nhỏ cao hơn đầu gối là những con trai và gái của vua và hoàng hậu. Bức tường chính giữa đền, đục hẳn trong tường đá là tượng vị thần ở tư thế đứng, đội mảo có hình đầu bò. Bên trong có các hành lang, các phòng nọ phòng kia với nhiều hình tượng và cổ tự Ai Cập khắc trong đá. Các hình tượng này phần nhiều phụ nữ hay

cung nữ, mệnh phụ, ghi các nghi lễ, sinh hoạt hoàng cung , thờ phượng thần linh. Nhìn các mão mũ trên đầu họ là biết chức phận, địa vị của họ. Các cảnh thường thấy như dâng hoa (lotus) , dâng rượu, trang điểm, chúc tụng. Mỗi cảnh đều có bản chú thích kèm theo với ngày tháng bằng chữ Ai Cập trong thời gian ấy (hình vuông tròn hay hình chim thú v.v.) Có nơi màu sắc còn tốt, có nơi chỉ còn hình tượng trên mặt đá, màu phai nhạt hết.

PHỤC HỒI ĐỀN ABU SIMBEL


Năm 1960 Unesco kêu gọi các quốc gia trên thế giới cứu giúp di dời   đền Abu Simbel, một di tích lịch sử bị chìm trong nước hồ Nasser (Lake Nasser) . Có 51 quốc gia hưởng ứng, UNESCO thu được 36 triệu mỹ kim cho công trình cứu vãn, phục hồi (rescue) ngôi đền. Các nhà khoa học, kiến trúc, kỹ sư, v. v.. các công ty xây cất của 5 quốc gia:
Đức, Ai Cập, Pháp, Ý, Thụy Điển đảm nhiệm trực tiếp công tác di dời. Ho làm ra núi nhân tạo có vòm (dome) bằng bê tông cốt sắt xong mang đền từ dưới nước đặt vào. Nóc vòm dày 120 cm, chân vòm dày 210 cm, trên phủ cát và đá (600.000 mét khối, sách Abu Simbel, trang 45 của Dr Atia Radwan), Núi, tượng đá ngập trong nước được cưa xẻ ra thành tảng 2m x3m, trục lên gần địa điểm mới, cất giữ ở đấy Khi núi nhân tạo hoàn thành họ đem những tảng đá được gìn giữ, đặt vào vị trí thích hợp. Khoảng 1600 tảng đá to được đem khỏi mặt nước.

Theo sách Abu Simbel, trang 48,cho biết chỉ riêng công trình xẻ núi ,cưa cắt tượng, cột đá và đem từ dưới nước lên mặt đất đã mất hơn 1 năm. Các tượng to quá phải cắt làm nhiều phần như thân thể bị cắt làm 4, 5 mảnh mới có thể dùng máy trục lên bờ. Công trình dời 2 đền Abu Simbel hoàn thành tháng 9 năm 1968, tốn 42 triệu mỹ kim. Hai đền ngày nay cao hơn mặt nước sông Nile 60 mét.

Sau khi thăm viếng Abu Simbel chúng tôi trở ra bãi đậu xe bằng lối khác. Lối đi này có nhiều cửa hàng bán các vật dụng thủ công nghệ, quần áo, vật lưu niệm, sách báo …v. v. các đồ vật chỉ thấy bán ở Aswan. Đến chiều đoàn về khách sạn và khoảng 8 giờ tối .Trưởng đoàn đưa mọi người xuống thuyền qua bên kia sông Nile dùng cơm ở nhà hàng Nubian (Nubian Restaurant) có trình diễn văn nghệ. Nhà hàng đầy du khách, ánh nến lung linh, tiếp viên đi lại dưới ánh nến mờ ảo giống như chuyện liêu trai . Được cái là gần đến cửa và ngoài sân, ngoài vườn đèn điện chăng ngang dọc đến tận bờ sông, làm cảnh trí sáng sủa nhộn nhịp, vui hẳn lên. Cách phòng ăn một quãng ngắn có nơi bán quà lưu niệm, đồ thủ công nghệ, du khách mua sắm nhiệt tình. Về y phục của nhân viên, khác với các hầu bàn nhà hàng ở khách sạn Old Cataract, hầu bàn ở nhà

hàng Nubian nam và nữ mặc áo dài trắng rộng thùng thìn, không thấy ai quàng khăn, đội nón chi cả. Lúc xuống thuyền về khách sạn phần lớn các chị tươi cười, tay sách thêm túi nylon nhỏ đựng các món quà mới mua. Riêng anh trưởng đoàn trước khi chia tay về phòng, nhắc mọi người sẵn sàng hành lý để sáng hôm sau rời khách sạn, lên đường tiếp tục viếng thăm các nơi khác. Đến đây tôi chợt nhớ lời ru em của các bà mẹ thôn quê Việt Nam ngày xưa:

“Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn...”

và cảm thấy hâm mộ cô gái con bà cụ 84 tuổi đã không ngại khó nhọc đưa mẹ đi viếng thăm quốc gia xa xôi, cách ngôi nhà thân yêu hơn 10 giờ bay. Tôi cũng thán phục vị du khách vừa đi vừa chống gậy lộc cộc trong cuộc hành trình. Tuy tuổi cao nhưng cụ tham dự đầy đủ các buổi tham quan, vui vẻ, tươi cười nếu ai thăm hỏi, chuyện trò như các du khách khác trong đoàn du lịch.

Ngọc Hạnh


Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Paris À Tes Côtés - Paris Bên Em - Lời: Thanh Vân - Nhạc: Quách Vĩnh Thiện


Lời: Thanh Vân
Nhạc: Quách Vĩnh Thiện

Cô Liêu

 

Sông thu nhè nhẹ sóng cô liêu 
Chiếm lấy hồn ta suốt buổi chiều 
Thoảng tiếng chuông chùa Thiên Mụ gọi 
Ru hồn mục tử tiếng thông reo 

Cảnh đó người đây sầu cổ độ 
Người về Tây Trúc gió trăng theo 
Đêm tiếp nối ngày... mòn mỏi đợi 
Hồn ta tơ tưởng một đôi điều ...

Thư Khanh
Seattle- 2021

Đăng Hoàng Hạc Lâu 登黃鶴樓 - Phan Thanh Giản

 

Năm 1834, Minh Mạng thứ 15, cụ Phan Thanh Giản đi sứ Trung Quốc. Khi ngang qua ngôi lầu nổi tiếng Hoàng Hạc Lâu, Cụ đã lên thăm và ngắm HHL. Sau đây là bài thơ Đăng Hoàng Hạc Lâu của Cụ:

Đăng Hoàng Hạc Lâu 
Phan Thanh Giản

Tích thời hạc dĩ hà niên khứ?
Thiên tải nhân tòng Nam cực lâm.
Anh vũ châu tiền phương thảo lục,
Tình Xuyên Các thượng bạch vân thâm.
Bán liêm lạc nhật phù Giang Hán,
Nhất phiến hàn lưu tống cổ câm (kim)
Mãn mục yên ba chuyển trù trướng,
Du du trần mộng thập thu tâm.

登黃鶴樓
藩清簡
昔時鶴已何年去?
千載人從南極臨。
鸚鵡洲前芳草綠,
晴川閣上白雲深。
半簾落日浮江漢,
一片寒流送古今。
滿目煙波轉惆悵,
悠悠塵夢拾秋心!

***
Phụng Dịch:
Lên Lầu Hoàng Hạc

Hoàng hạc bay cao tự thuở nào?
Phương Nam viễn khách ghé chơi lầu
Mây đùn nõn trắng Tình Xuyên các
Cỏ dệt thơm xanh Anh Vũ châu
Giang Hán nửa vành trôi lấp loáng
Cổ kim dòng lạnh cuốn sâu sâu
Bâng khuâng khói sóng ôm dòng biếc
Cõi mộng thu tâm gặm nỗi sầu

Nguyễn Minh Thanh 

Có Những (Bài 2)

 

Có những linh hồn luôn ớn lạnh
Một ngày lang bạt gánh đau thương
Đêm đêm mơ mãi đời chinh chiến
"Tìm một san hà mất cuối phương" ̣(*)

Có những chàng trai đang độ xuân
Mộng ước yêu đương chửa một lần
Đã phải lên đường xông chiến trận
Ơn nhà nợ nước tiếc gì thân.

Rồi trong binh chủng em gặp anh
Gắn bó nhau như lá với cành
Không cùng huyết quản nhưng chung cảnh
Vào sinh ra tử họa cầm canh

Để rồi một sớm kia anh đã
Ngã gục bên đàng chốn ải xa
Nợ nước đời trai anh đã trả
Xác thân vùi nấm mộ không hoa

Còn lại bơ vơ đứa bạn hiền
Vẫn còn phải chiến đấu triền miên
Phải còn trả nợ trai thời loạn
Cô độc đêm dài với nỗi riêng.

Có những người con, mẹ đã mờ
Với người vợ trẻ, với con thơ
Với đàn em dại, cần nâng đỡ
Vị quốc, anh đành dẹp ước mơ.

Ngày đi con út còn măng sữa
Nay đã lên năm, tuổi dại khờ
Mẹ già sớm tối nhìn ra cửa
Đợi đứa con về, mắt hỏm khô

Vợ khi xưa, đài các mỹ miều
Cung cầm phong nguyệt lắm người yêu
Quỳnh Nương-Phạm Thái in như đã
Định mệnh dành cho kiếp nhiễu điều

Chinh phu ruổi ngựa màn đêm xuống
Thiếp cố ngăn cầm giọt lệ tuôn
Yêu nhau tất phải cùng tâm hướng
Kiêu hãnh vì chàng, ngạo gió sương.

Có những gia đình ngập tóc tang
Cha, con, em, chị biệt mây ngàn
Hay đà ngã gục nơi tiền chiến
Xương máu mình đắp vá giang san

Con cúi đầu van lạy ơn trên
Cho chí người đi mãi vững bền
Cho người ở lại lòng son sắt
Cho nước non mình đỡ bấp bênh


Hàng vạn người ra đi đất lạ
Hàng ngàn người biệt tích rừng xa
Hàng muôn xác liệm lòng sâu bể
Đợi ngày ta hát khải hoàn ca.


Ơi Việt Nam! Ới đất Thăng Long!
Việt Nam yêu dấu của muôn lòng,
“Xa quê mới biết tình ly biệt
Mòn mỏi phương trời chuyện nhớ mong.”(**)

(*) (**) Câu thơ mượn của một thi sĩ mà tôi không nhớ tên)

Cao Minh Nguyệt
Las Vegas 02/21/2012

Bên Hiên Nhà Xưa - Hương Quê


Bài Xướng:

Bên Hiên Nhà Xưa


Hoàng hôn theo nắng đưa chiều
Đễ cho ngõ trúc cô liêu lắng buồn
Chim chi gọi bạn bên vườn
Nghe tình mưa nắng còn vương bến đời
Còn chăng chiếc bóng cùng tôi
Cùng chung cút rượu đễ rồi lặng thinh
Ngoài hiên trăng vẫn một mình
Gửi người ly khách chút tình quê hương

Hương Thềm Mây
1.7.2023
***
Bài Họa:

Hương Quê

Vẳng xa xa tiếng chim chiều
Ngóng về cố quận tịch liêu gợi buồn
Nụ hồng sót lại sau vườn
Ngậm hương ngày cũ vấn vương một đời
Bên trời đất khách phận tôi
Xót xa là chuyện đã rồi làm thinh
Ấp yêu hình bóng quê mình
Con tim ray rứt nặng tình hoài hương

Kim Phượng
***
Trông Vời Quê Mẹ

Nắng chưa tắt hẳn …tiễn chiều
Vời trông quê Mẹ liêu xiêu nỗi buồn
Chim còn ríu rít trong vườn
Cảm thương thân phận sầu vương chợ đời
Từ ngày viễn xứ …riêng tôi…
…ôm niềm u uất thế rồi …nín thinh
Bởi vì …xét tủi kiếp mình
Thân già vẫn nặng nghĩa tình vọng hương…

songquang
20230717

Thành Ngữ Điển Tích: Phạn, Phần, Phận

 

Sinh rằng quán khách lạ lùng,
Trộm nghe đây lối PHẠN CUNG cảnh màu.

PHẠN CUNG 梵宮 là Nhà Chùa. PHẠN là Saṃskṛtam संस्कृतम्, là một trong 22 ngôn ngữ cổ của Ấn Âu và là nguồn gốc của các ngôn ngữ hiện đại của Ấn Giáo, Bà La Môn và Phật Giáo, được dùng để ghi chép nhiều kinh Phật xưa. Nên trong văn học cổ nhắc đến Phạn văn là người ta nghĩ ngay đến Phật Giáo. Nên PHẠN CUNG là cung điện dùng để chứa các kinh sách của nhà Phật, tức là Đình Chùa Miếu Mạo. Từ đó, ta có các từ phát sinh như: PHẠN HỌC 梵學 là Phật học; PHẠN VĂN 梵文 là Văn tự để chép kinh Phật; PHẠN ÂM 梵音 là tiếng tụng kinh và PHẠN CUNG là nhà chùa, như hai câu thơ mở đầu cho bài viết nầy khi tả Trương Quân Thụy tìm đến nhà chùa nơi mà Thôi Oanh Oanh đang cư ngụ:

Sinh rằng quán khách lạ lùng,
Trộm nghe đây lối PHẠN CUNG cảnh màu.

Không gọi là PHẠN CUNG thì gọi là PHẠN GIÀ 梵迦, Già là GIÀ LAM 迦藍 Gọi tắt của “tăng-già-lam-ma” 僧迦藍摩 (tiếng Phạn: "saṃgha-ārāma") nghĩa là "khu vườn của chúng tăng", "chúng viên", là nơi thanh tịnh để tu tập thiền định. Cũng chỉ nhà chùa hay tu viện Phật giáo. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du gọi Cửa Chùa là CỬA GIÀ khi Thúy Kiều đang tu với vãi Giác Duyên ở Chiêu Ẩn Am:

Gió quang mây tạnh thảnh thơi,
Có người đàn việt lên chơi CỬA GIÀ.

Nên PHẠN GIÀ cũng chỉ nhà chùa, như trong truyện thơ Nôm "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ" (Bạch Viên Tôn Các) khi Tôn Các mất tích :

Người rằng lạc dấu thuyền ngư phủ,
Kẻ nói nương thân chốn PHẠN GIÀ.

Trong chữ Nho ta còn gặp từ PHẠN 飯 là Cơm, động từ có nghĩa là Cho Ăn, là Nuôi; nên PHẠN NGƯU 飯牛 là nuôi cho trâu ăn, tức là Chăn Trâu đó. Trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú" của cụ Nguyễn Công Trứ có câu:"Tiếc tài cả lúc PHẠN NGƯU bản trúc, dấu xưa ông Phó ông Hề". Chỉ Bá Lý Hề người nước Ngu thời Chiến Quốc theo tích sau đây :

Bách (Bá) Lý Hề 百里奚 (700-621 trước Công Nguyên) là người nước Ngu, gia cảnh cơ hàn, ba mươi tuổi mới lấy vợ, sanh con đầu lòng xong, Bá Lý Hề mới từ giã vợ con lên đường lập nghiệp, nhà chỉ vỏn vẹn còn có con gà mái, nhưng làm gà xong lại không có củi để nấu, vợ phải chẻ cả cánh cửa tre để làm củi nấu gà làm tiệc tiễn chồng ra đi tìm sự nghiệp. Tội nghiệp, bà phải đợi đến 40 năm sau chồng mới thành đạt làm quan..... Bá Lý Hề ra đi lưu lạc khắp nơi, chăn dê rồi chăn trâu với người bạn nối khố tên là Kiển Thúc ở nước Tấn...
Năm 655 TCN, Tần Mục công sang nước Tấn, hỏi cưới Mục Doanh làm phu nhân. Bá Lý Hề bị bắt làm tùy tùng theo Mục Doanh gả về nước Tần. Giữa đường, Bá Lý Hề bỏ trốn sang đất Uyển, bị dân biên giới nước Sở bắt được và giam giữ. Tần Mục công nghe Bá Lý Hề là người hiền tài, bèn sai người sang chuộc về nước, nhưng sợ người nước Sở biết ông là người giỏi mà không cho chuộc, nên chỉ dùng Năm Tấm Da Dê theo giá chuộc một nô lệ để chuộc. Bá Lý Hề được về nước Tần. Năm đó ông đã hơn 70 tuổi.

Tần Mục công đích thân ra đón Bá Lý Hề, và cùng bàn quốc sự suốt ba ngày. Sau đó, vua Tần phong ông làm Thượng khanh, cai quản quốc chính, gọi là Ngũ Cổ Đại Phu 五羖大夫 . (Ngũ Cổ tức là năm tấm da dê). Sau, Bá Lý Hề giúp Mục Công dựng nên nghiệp lớn.
Bỏ qua ông Ngũ Cổ Đại Phu nầy, ta chỉ nói về 5 tấm DA DÊ...
Năm tấm da dê là dịch ở nhóm từ NGŨ TRƯƠNG HẮC CÔNG DƯƠNG BÌ 五张黑公羊皮. Có nghĩa là : Năm tấm da dê đực màu đen. Dê ở đây là Miên Dương 綿羊, ta gọi là con CỪU. Da Cừu đực màu đen dày và bóng rất đẹp, nhất là loại cừu của đất Hồ: HỒ CỪU, dùng may áo ngự hàn thì không chê vào đâu được : Đó chính là ÁO HỒ CỪU quí giá !. Nhưng dù quí giá đến đâu, 5 bộ da Hồ cừu đổi lấy một Tướng Quốc cũng còn rẻ chán ! Nhưng Bá Lý Hề phải mất 40 năm mới làm nân sự nghiệp, cũng như cụ Nguyễn Công Trứ của ta sau bao lần lận đận "lều chõng", mãi đến năm 41 tuổi (1819), ông mới thi đậu giải nguyên (1820–1847) làm quan dưới triều Nguyễn. Cho nên trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú" ông mới so sánh mình như là Bá Lý Hề :

Tiếc tài cả lúc PHẠN NGƯU bản trúc,
dấu xưa ông Phó ông Hề...

Về từ PHẦN, trong văn học cổ ta hay gặp từ PHẦN DU 枌榆 là quê hương của Hán Cao Tổ có xuất xứ như sau:

Theo sách "Hán Thư 漢書. PHẦN DU tức là Phần Du Xã 枌榆社, nơi thờ đình thần thổ địa, là quê hương của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Vì Lưu Bang khởi binh ở đất Phong, nên mới tế thần ở Phần Du Xã của đất Phong xong xuôi, mới cùng với các hương đảng là Tiêu Hà, Chu Bột, Lư Quán... khởi nghĩa binh chống Tần dựng nên cơ nghiệp của nhà Hán.
Nên PHẦN DU thường dùng để chỉ quê hương nói chung, như trong truyện thơ Nôm Từ Thức Gặp Tiên có câu:

Ngập ngừng nhớ cảnh PHẦN DU,
Anh em bè bạn mấy thu đến giờ...

Không gọi là PHẦN DU thì gọi là PHẦN TỬ 枌梓. TỬ 梓 là TANG TỬ 桑梓, là cây dâu và cây thị, 2 loại cây thường trồng trong sân trước hoặc sân sau nơi nhà cha mẹ ở, có xuất xứ từ chương Tiểu Nhã- Tiểu Biện 小雅·小弁 trong Kinh Thi 詩經 là :

維桑與梓,必恭敬止。 Duy tang dữ tử, tất cung kính chỉ.
靡瞻匪父,靡依匪母。 Mĩ chiêm phỉ phụ, mĩ y phỉ mẫu.

Có nghĩa:

Cây dâu cây thị trong sân,
Phải cung phải kính như gần mẹ cha.
Ai không tôn kính cha già,
Ai không quyến luyến mẹ già ấp yêu ?!

Nên TỬ cũng là cây dùng để chỉ nơi cha mẹ ở, như khi Thúy Kiều ở Lầu Ngưng Bích đã nhớ về cha mẹ với 2 câu thơ sau:

Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi GỐC TỬ đã vừa người ôm!

Trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" thì cụ Nguyễn Du dùng từ PHẦN TỬ để chỉ nơi cha mẹ ở như vế thơ sau đây :

Bóng PHẦN TỬ xa chừng hương khúc,
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang.
Cô hồn nhờ gởi tha phương
Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng!

Còn trong Truyện Kiều thì cụ đão ngược lại là TỬ PHẦN, khi Từ Hải ra đi lập nghiệp, Thúy Kiều ở lại một mình đã nhớ về cha mẹ như sau:

Đoái thương muôn dặm TỬ PHẦN,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa...
Xót thay huyên cỗi xuân già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi!

Còn PHẬN 分(份) là số phận, là cái phần số hay thân thế của ai đó... như Thúy Kiều ví phận nhi nữ của mình như là cây liễu cây bồ, nên khi đã "Một nhà sum họp trúc mai" với Thúc Sinh rồi, vẫn không quên thân phận lẻ mọn của mình mà khuyên Thúc về thăm vợ cả:

PHẬN BỒ vừa vẹn chữ tòng,
Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.
Tin nhà ngày một vắng tin,
Mặn tình cát lũy nhạt tình tào khang !...

Hay như khi bị đưa đến công đường, bị quan trên tra khảo thì cũng đành cam với số phận hèn mọn của mình:

PHẬN HÈN nào dám kêu oan,
Đào hoen hoẹn má, liễu tan tác mày !...

Hay như khi bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều đã yên thân với cái thân phận bạc bẽo của mình như lời trối trăn để lại cho Thúy Vân :

PHẬN sao PHẬN BẠC như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang !
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !

PHẬN còn chỉ cái PHƯỚC PHẦN trong duyên nợ, như khi nhờ Thúy Vân thay mình lấy Kim Trọng để trả nghĩa cho chàng, thì mặc dù trong bụng rất ưng ý vì cuộc sống rất hạnh phúc với Kim Trọng, nhưng ngoài mặt thì Thúy Vân vẫn ỡm ờ như miễn cưỡng :

Gặp cơn bình địa ba đào,
Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
Cũng là PHẬN CẢI DUYÊN KIM,
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức    

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

Trở Về Phố Xưa - Nhạc & Lời: Khanh Phương(Trần Văn Khang) Ca Sĩ: Tấn Đạt


Nhạc & Lời: Khanh Phương(Trần Văn Khang)
Ca Sĩ: Tấn Đạt

Nguồn Sống

 

Đọc nhé anh yêu, một tỏ tường
Là tình em gửi: chín, mười thương
Vần thơ lưu bút làm bằng chứng
Là áng mây hồng dưới ánh dương.

Ái Nghi
27.7.2009

Trưa Hè Virginia


Gió nồng mùa hạ
Mang đợt nắng qua
Như còn say giấc
Trưa hè Virginia

Chút nào oi ả

Mái tóc nghiêng nghiêng
Góc trời khuất nhỏ
Đôi môi thật hiền

Lá ru câu hát

Gọi nắng lênh đênh
Phố dài quán vắng
Lời chưa tỏ tình

Em hồn yên lặng

Xa tắp trời xa
Nhịp tim khao khát                                                                                                                                                       
Trưa hè Virginia

Đưa mùa nắng cháy

Biển còn đang say
Sóng theo con sóng
Hải âu chập chờn

Có phải tình yêu

Đôi cánh mịt mùng
Đàn chim khuất nẻo
Mây trời mênh mông

Hạ về trên cát

Chân người đan mau
Lòng ai có hỏi
Bước chân hôm nào

Như còn nóng bỏng

Trưa hè Virginia
Rơi giọt tím buồn
Trong mắt em qua.

Lê Mỹ Hoàn
6/28/2023

Bên Đá Đề Thơ


(Photo Kim Oanh Phùng
 Seven Magic Mountains Ouside of Las Vegas, Nevada.)

Tựa mình bên đá giữa trời
Xanh xanh màu nhớ cho đời mộng mơ
Để tôi mượn bút đề thơ
Trải lòng trên phiến đá mơ gởi người (Kim Phượng Phùng)


Xanh xanh phiến đá lưng trời
Cát vàng nắng nóng gọi mời thi nhân
Ai cười mang cả mùa Xuân
Khiến người lữ khách bâng khuâng thơ đề (Trúc Lan Ktp) 



Tháng Bảy Niềm Nhớ

 

Tháng Bảy khơi buồn dâng nỗi nhớ
Ngày nao Phượng đỏ nở trên đường
Bao O áo trắng nhìn thương
Yêu kiều dáng lụa đậm vương ảo vời

Tháng bảy buồn không lời nín lặng
Bồi hồi thủa ấy dặn chờ nhau
Đường chiều nắng gió lao xao
Tiếng cười rộn rã lòng nao chuyện hè

Tháng bảy trên cành ve rộn nghịch
Ngàn hoa nở rộ thích say cài
Em nghiêng chiếc nón che vai
Cành bông duyên dáng phủ tai tóc dài

Tháng bảy cầm tay ai dạo bước
Thì thầm những nguyện ước hoà đôi
Nữ hoàng biệt hiệu phong ngôi
Nhưng đành phận mỏng duyên ơi rã rời

Tháng bảy tha phương đời biệt xứ
Quê nhà kỷ niệm ứ trong tim
Lạc loài đất lạ cánh chim
Còn đâu tổ ấm lúc tìm biển đông

Minh Thúy Thành Nội

Mối Tình Đầu (I)


Thoạt gặp UYÊN, Giang cảm thấy thật choáng váng, chàng thầm nghĩ... giống như tiếng sét ái tình, Giang lúng túng không biết chào Uyên như thế nào cho đúng phép, may Đông đã lên tiếng trước
-Chào Cô Uyên.
Giang vội gật đầu thật lịch sự và bắt chước ngay
- Chào cô
Uyên tươi cười chào lại với nụ cười dí dỏm tự tin của một thiếu nữ xinh đẹp thấy ngay cái ngơ ngẩn của anh chàng mới gặp nàng lần đầu. Giang nhìn theo dáng thanh thoát yêu kiều và quí phái của Uyên trong chiếc áo dài màu vàng tơ nội hóa bước lên những bậc thang bằng gạch vòng cong của tòa nhà cổ, nơi anh mới bắt đầu vào làm ngày đầu tiên.
- Dân hành chánh đấy... Giọng Đông đùa cợt vì thấy cái vẻ ngưỡng mộ và bàng hoàng của Giang
- Còn đang kén chọn hiền tài, anh xem có vào nổi không?

Giang thường không để ý và nghĩ nhiều về các cô gái như những bạn trai cùng trang lứa, ảnh hưởng của lối giáo dục khó khăn và đạo đức của trường dòng mà Giang đã theo học và cũng đã có lúc muốn đi tu như các Frère để giúp đời giúp người, nên vẫn thờ ơ với phải nữ. Mãi đến năm đệ nhất Giang mới đổi sang học trường Văn học và sau đó vào học ban công pháp luật khoa. Khi ra khỏi trường dòng dù có học chung với bạn gái, Giang vẫn giữ cái vẻ thờ ơ, lạnh lùng đó. Anh có tài ăn nói nên nhiều cô có cảm tình. Giang cũng giao thiệp, đưa các cô đi ăn uống, dạo chơi đó đây nhưng vẫn không để ý đến ai nên chưa có cô nào chiếm được trái tim chàng

Sau lần gặp Uyên, Giang thường đi làm sớm, ngồi nói chuyện với Đông vì bàn làm việc của Đông gần lối đi lên lầu đến phòng làm việc của Uyên cốt để gặp nàng nói vài câu thăm hỏi. Còn Uyên thì nàng cũng không để tâm đến cái anh chàng trẻ tuổi hôm đó cho lắm. So với những sinh viên năm thứ tư đại học được tuyển dụng về làm việc tại đây thì Giang trông trẻ hơn cả, với vóc dáng trung bình, luôn luôn đeo kính mát màu nâu và nụ cười dễ thương như sinh viên năm thứ hai ...ban triết lý. Uyên dễ dàng hòa nhập với nhóm nhân viên mới vì nàng cũng mới ra trường, còn trẻ, dù lớn tuổi hơn họ đôi chút. Những chàng sinh viên học năm thứ tư năm đó được đặc ân của chính phủ cho tạm hoãn nhập ngũ để học xong cử nhân và khi vào làm công chức thì được tiếp tục đời sống dân sự, ngẫu nhiên đã mang lại sự sinh động, vui vẻ và mơ mộng cho những cô gái trẻ nơi đây vì chiến tranh nên thiếu bóng ... quần hung. Đôi khi Uyên đi ăn trưa, uống cà phê hay đi dạo phố với những người bạn mới đó, cũng có nhiều chàng có cảm tình với Uyên vì thấy nàng dễ thương, cởi mở đứng đắn, sẵn sàng giúp họ trong công việc mới. Còn Giang thì lại thân với Đông hơn những người bạn cùng hoàn cảnh vì tính tình hơi lập dị và khó khăn không chấp nhận được những sự kiện thực tế trong cách làm việc nhiều nhiễu nhương của thời chiến. Giang hay tâm sự với Đông, đôi lúc câu chuyện xoay chiều về Uyên về sự tế nhị, duyên dáng của nàng.

Dần dần Uyên cảm thấy vui vui khi mỗi buổi sáng gặp hai anh chàng đón chào nàng khi tới sở. Uyên biết Đông có cảm tình với nàng nhưng không nói vì anh không may mắn trong việc học hành thi cử, đã được biệt phái về làm việc ở nhiệm sở cũ sau khi thụ huấn quân sự tại Nha Trang. Uyên rất thân với Đông vì năm ngoái sau khi ra trường chỉ có một mình nàng được bổ nhiệm về làm việc ở đây và Đông đã giúp nàng quen với cách làm việc và những thủ tục hành chánh trong những ngày đầu, hơn nữa lại có cùng sở thích về âm nhạc. Có vài lần Đông chở Uyên về nhà hay đưa Uyên đi đến vườn cây ở Gò Vấp mua hoa về trồng như một người bạn thân mà Uyên quý mến .

Đông không ngạc nhiên về việc Giang ngưỡng mộ Uyên vì Uyên có nét đẹp và cá tính đặc biệt làm chao động lòng người. Trong một vài lần đi chơi chung với hai người, Đông không muốn Uyên biết nhiều về lòng yêu thích của Giang đối với Uyên, sợ rằng nàng sẽ để ý nhiều đến Giang vì biết tính Uyên rất lãng mạn dễ mềm lòng. Đông thấy Giang hơi trẻ so với Uyên, Đông sợ sự cách biệt đó có thể một ngày nào đó sẽ làm nàng buồn, anh luôn luôn muốn bảo vệ Uyên và thấy mình có trách nhiệm trong việc này

Trời đã vào đông, những chiếc lá cuối thu cuốn bay trong cơn gió lạnh, ngoài đường thiên hạ đua nhau mặc áo ấm đủ màu chuẩn bị đón giáng sinh. Giang nói với Uyên và Đông khi đi uống cà phê ở hè phố Lê Lợi

- Thứ bẩy này tôi có hẹn đi thăm frère Leopold ở Lasan Mossard trên Thủ Đức, cô Uyên và anh Đông đi với tôi cho vui nhé, cảnh đồi ở Lasan rất đẹp và yên tĩnh vì là chỗ tu của các frère, ngày trước tôi có ý định theo các frère nên cuối tuần thường hay lên ở trên đó.

Đông hỏi Uyên
- Cô Uyên có rảnh không? Tôi và anh Giang đến đón cô nhé,
Uyên đồng ý
- Uyên chưa đi Thủ Đức bao giờ, anh Giang mời đi thăm cảnh đồi có tu viện của các frère thì chắc là đẹp lắm, hai anh đến đón Uyên nhé.

Frère Leopold đón Giang và hai bạn với tất cả thân thiện và vui vẻ, sau khi uống nước trong phòng khách, frère dẫn ba người lên đỉnh đồi nơi có một tòa tu viện cổ kính để các frère tu, gần đó là ngôi nhà thờ nhỏ, Uyên hỏi frère khi thấy ngang cửa nhà thờ có hàng chữ “ Cho bạn bè tôi mùa Giáng Sinh “
- Thưa frère đến mùa giáng sinh thì tu viện cho mọi người đến thăm?
Frère nhìn Uyên và gỉải thích
- Thường thì mùa giáng sinh là thời gian mà thân nhân của các frère đến thăm, vì thế mà tu viện khuyến khích những thân nhân đó mời bạn bè đến đây để cùng đón giáng sinh.

Sau khi đi một vòng quanh khu đỉnh đồi , frère dẫn mọi người về khu nhà ở của các frère, lấy một chậu hoa nhỏ đưa cho Uyên
- Frère tặng cho Uyên chậu hoa này, đây là cây hoa mà frère đã trồng từ hạt hoa, bây giờ sắp đến giờ frère có khóa lễ, Giang đưa bạn đi dạo chung quanh đồi nhé.
Uyên đưa hai tay nhận lấy chậu hoa
- Chúng con xin cám ơn frère.
Frère Leopold chào ba người rồi đi về phía nhà thờ. Giang nói
- Bây giờ tôi đưa cô Uyên và anh Đông đi qua phía bên kia của ngọn đồi nhé, ở đó nhìn xuống chân đồi rất là đẹp, ngày trước tôi thường ngồi đọc sách cả ngày, rất yên tĩnh và thú vị.

Khi đến đỉnh đồi, Giang đưa hai người đi vào khu rừng đầy cây, những tia nắng của buổi trưa xuyên qua cành lá tạo nên những ống ánh sáng thật đẹp, xa xa dọc theo triền đồi những mái nhà lẫn trong sắc lá úa giống như bức tranh vẽ. Giang chỉ cho Uyên một gốc cây già đã cưa phẳng giống như chiếc bàn nhỏ
- Cô Uyên ngồi đây nghỉ chút nhé,
Giang và Đông ngồi trên bãi cỏ cạnh gốc cây, Uyên nhìn Giang cười dịu dàng
- Không phải mình anh đâu, Uyên cũng thích đọc sách trong khung cảnh thơ mộng và yên tịnh này, ngày trước Uyên khi còn học trung học ở Ban Mê Thuột, hay theo bạn vào rừng chơi , cũng đã lâu lắm rồi mới thấy lại cảnh này , cảm thấy như mình về thăm quê cũ, Uyên cám ơn anh Giang đã ...cho bạn bè tôi mùa giáng sinh … như frère đã nói.

Đông ngắm cảnh đồi bao la
- Tôi đã đi Thủ Đức nhiều lần mà không biết ở đây có đồi và tu viện của các frère đẹp như vậy, cám ơn anh Giang
Giang nhìn Uyên
- Cô Uyên và anh Đông đi thăm nơi mà đã có lần tôi định gửi cuộc đời là tôi vui lắm, ở đây khoảng tháng sáu hoa dại nở trên đồi và trong rừng đầy vẻ thiên nhiên đẹp vô cùng, nếu quý vị thích thì mình sẽ đi thăm nữa. Bây giờ cũng đã xế trưa, dưới chân đồi có tiệm ăn ngon lắm, mình ghé qua ăn trước khi về nhà .
- Đúng đấy, Đông hưởng ứng, Cô Uyên thấy sao?
- Uyên đói bụng rồi, mình đi ăn anh Giang nhé.

Như lời Đông đã hứa với Uyên khi chở nàng đi mua cây hoa, ngang qua ngôi nhà thờ cổ gần Gò Vấp là sẽ đưa Uyên đến nơi đó để xem thánh lễ nửa đêm trong mùa Giáng Sinh, Giang tỏ ra rất thất vọng không được đi cùng vì đã nhiều năm qua như tiền lệ Giang đi với các chị gái của anh đến nhà thờ Đức Bà xem thiên hạ đón giáng sinh.

Khi ra mở cửa, Uyên ngạc nhiên thấy cả hai anh chàng cùng đến đón, nhất là khi thấy vẻ mặt đầy khuất phục của Giang, rất lịch sự Đông nói
- Hôm nay là ngày đặc biệt của anh Giang, cô Uyên cho phép anh ấy được chở cô nhé
Uyên nhìn Đông với cái cười e thẹn, nàng nhẹ gật đầu.
Giang ngồi xích lên, cười với Uyên rồi nhìn Đông.
- Cám ơn anh
Đông nhìn hai người và cười, Uyên trông thật là yêu kiều khả ái với nụ cười thẹn thùng, anh cảm thấy đã có sự thay đổi giữa hai người bạn thân mà anh quý mến

Lời thánh ca vang vọng trong cái tĩnh mịch lành lạnh của đêm đông bên ngôi nhà thờ cổ trước hang đá trang trí với tượng chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ đã được cha làm lễ với tất cả sự trang trọng thành kính của người dân xứ đạo ...quang cảnh buổi thánh lễ và âm hưởng của lời nhạc đêm đó vang vọng mãi mãi trong lòng mọi người.

Buổi lễ đã xong nhưng cả ba người vẫn còn ngồi lại trên sân cỏ ẩm sương đêm, yên lặng ngắm những ngôi sao trên bầu trời trong vắt không một bóng mây, Giang lấy thuốc lá ra nhưng Uyên dành lấy bật lửa
- Để Uyên làm cho.
Hai chàng chụm đầu lại gần nhau cùng mồi thuốc lá khi Uyên bật lửa. Giang đăm đăm nhìn nàng.
- Cám ơn Uyên
Uyên ngắm những cuộn khói thả theo gió lãng đãng trong đêm vắng với hai khuôn mặt chập chờn trong đốm lửa của điếu thuốc...nghĩ đến Giang đã bỏ tất cả để đến với nàng... mơ màng Uyên cảm thấy sự dao động trong lòng.

Sau khi đưa Uyên về, lái xe một mình trong đêm vắng Giang biết chắc chắn là anh đã yêu ...anh thở dài... bởi ta là kẻ nhiều cao ngạo, nên đời đánh bại dưới tay em...nhớ lại cảm giác choáng váng khi gặp Uyên lần đầu, anh vẫn còn tự tin và cho đó là sự xúc động khi gặp đúng đối tượng nhưng rồi thấy lòng mong mỏi chỉ muốn gặp nàng, và như bị thu hút bởi sự duyên dáng, cách nói chuyện tự nhiên, tính thẳng thắn tế nhị và lòng giúp đỡ không vị lợi với tất cả mọi người của nàng.. . đến khi bỏ cuộc đi dạo hàng năm trong lễ giáng sinh để đi với Uyên thì tất cả đã hỏng hết rồi....ta đã là bại tướng dưới tay em, còn đâu những khí khái hào hùng thủa trước. Không biết rõ Uyên nghĩ gì về anh và sợ nàng từ chối vì Giang biết có nhiều người theo đuổi nàng có điều kiện hơn anh, Giang trách mình đã tự rơi vào tình yêu say đắm với nàng nhưng hy vọng với những dự định tương lai và sự khéo léo trong cách nói chuyện, anh sẽ cảm được lòng nàng.

Đang nói chuyện với Giang về đêm giáng sinh thì Đông thấy Uyên đi tới, nhẹ nhàng uyển chuyển trong chiếc áo dài màu trắng với đôi mắt đen long lanh và nụ cười tươi chưa từng thấy. Nàng đứng lại nói chuyện lâu hơn và Đông cảm thấy hai người như đã yêu nhau tự kiếp nào. Đông biết sự xuất hiện của Giang đêm giáng sinh đã làm Uyên cảm động và sự khuất phục đó đối với một anh chàng cao ngạo như Giang đã chứng tỏ tình yêu tha thiết sâu đậm anh đã dành cho Uyên. Biết tính Uyên cổ hủ theo truyền thống cũ và cảm thông được tình yêu của hai người bạn thân, Đông tự hứa sẽ giúp Giang có dịp bày tỏ nỗi lòng, anh khéo léo từ chối những cuộc đi chơi chung để hai người được tự do mà không phải ngại ngùng.

Một ngày đầu tuần khi vào sở, Uyên thấy chỉ có một mình Đông ngồi ở bàn làm việc với cái cười là lạ. Chắc là hai ông tướng này có âm mưu gì đây ,nàng nghĩ thầm vì nhớ những trò đùa tinh nghịch của những người bạn trai khi còn học lớp đệ nhất ban toán mà chỉ có Uyên là con gái, cẩn thận nàng nhìn quanh trước khi vào ghế ngồi làm việc, mọi thứ vẫn y nguyên. Tại mình quá đa nghi thôi, Uyên thầm nghĩ nhưng khi mở ngăn kéo đầu của bàn giấy Uyên thấy một quyến sách nhỏ mà tờ bìa có nét chữ triệu rất đẹp. Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư. Trang đầu với nét chữ gọn đẹp và bay bướm của Giang

Thân tặng Thảo Uyên

Trọn tuyển tập thơ Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư đã được Văn Giang chép lại và đóng thành quyển thơ tặng Thảo Uyên như một bằng chứng của sự thất bại đầu đời.

Mở tiếp Uyên thấy mỗi bài thơ được chép bằng tay trên trang giấy mỏng gấp lại thành hai với nét chữ quen thuộc của Giang mà nàng không hiểu mất bao nhiêu lâu Giang mới hoàn tất được quyển thơ này. Vừa bàng hoàng vừa cảm động về cái lãng mạn đáng yêu của Giang, Uyên chưa biết phải cảm ơn như thế nào, hèn chi mà Giang trốn không gặp nàng sáng nay và nếu ngày bây giờ mà gặp Giang nàng cũng không biết nói sao cho vừa ... với ngụ ý của chàng
- Cám ơn anh Giang
Uyên nói với nụ cười e ấp khi gặp Giang và Đông đang đứng trên sân trước sở vì nàng đang cầm quyền thơ nhỏ của Giang mà không ngờ lại thấy hai người.
- Không có chi cô Uyên, một chút quà nhỏ để đọc khi rảnh rỗi.
Giang trả lời với cái nhìn sâu thẳm về Uyên như muốn nói với nàng đã có biết bao đêm anh bỏ học để ngồi chép thơ tặng nàng với biết bao thương nhớ

Không khí tại trường luật thật là ồn ào náo nhiệt, các sinh viên tốt nghiệp cử nhân trong bộ đồ màu đen cổ trắng của luật sư đã ngồi đầy chỗ đặc biệt được chỉ định để chờ lên lãnh bằng trong buổi lễ được tổ chức qui mô như những trường đại học ở Mỹ, dù là chưa có đồng phục tốt nghiệp và phải dùng tạm áo của luật sư, nhưng như vậy cũng tốt quá rồi. Nhờ đi sớm nên Uyên có chỗ ngồi ngay hàng ghế đầu của thân nhân và bạn bè của các tân khoa

Khi được xướng danh, trong khi đi lên Giang nhìn về chỗ Uyên ngồi với tất cả hãnh diện. Thầy khoa trường đại học luật khoa (GS Vũ quốc Thông ) trao bằng cho Giang và bắt tay chúc mừng chàng cử nhân tân khoa như thầy làm cho tất cả mọi người tốt nghiệp hôm đó. Buổi lễ được làm chung cho cả ba ban tư pháp, công pháp và kinh tế nhưng số người tốt nghiệp cũng không đông lắm, với mọi thủ tục nghi lễ, kéo dài khoảng ba tiếng đông hồ.

Sau buổi lễ, Giang đưa Uyên đi giới thiệu với mấy người bạn thân của anh...như là người yêu làm Uyên cảm thấy thật mắc cỡ, nàng chào mọi người với nụ cười e thẹn, cũng may là Khoa, bạn cũ ở trường dòng của Giang có cô bạn gái nên Uyên thấy thoải mái đôi chút
Khi ra khỏi sảnh đường của luật khoa, Uyên nhẹ nhàng
- Anh làm Uyên mắc cỡ quá, Uyên chưa hề gặp bạn anh bao giờ nên ngại ngùng không dám nói chuyện
- Lâu lắm rồi mới gặp lại tụi nó nên Giang muốn Uyên biết hết bạn của Giang. Hôm nay thật là vui, cám ơn Uyên đã đến với… anh
- Buổi lễ phát văn bằng thật là trang trọng, Uyên rất vui khi được tham dự cùng anh trong ngày trọng đại này, Uyên cám ơn anh.

Mấy hôm sau, Giang đưa cho Uyên coi hình chụp khi thầy khoa trưởng trao văn bằng cho anh do nhiếp ảnh gia của trường chụp và hình Giang Uyên đứng trên bậc thềm trước sảnh đường mà bạn anh đã chụp khi anh giới thiệu nàng vớí họ
- Hình đẹp quá, Uyên trầm trồ.
- Uyên giữ giùm Giang nhé, cuộc đời của anh đấy
Sau khi đến trường luật để ghi danh thi cao học và thi năm thứ ba ban tư pháp cho Uyên , Giang đưa Uyên vào quán nước trước cửa trường, nơi đã chứng kiến sự biết bao mối tình thơ mộng vì khung cảnh lãng mạn tình tứ dễ cảm lòng người. Cùng Uyên ngắm những lá me nho nhỏ lãng đãng rơi là đà trên phố trong cơn gió nhẹ. Giang tâm sự
- Sau khoá thi này, hy vọng là còn một năm nữa là xong cao học, Giang đã chuẩn bị làm đơn xin chuyển qua bộ ngoại giao vì họ cần người có cao học công pháp cho chức vụ tham sự sứ quán tại tòa đại sứ ở ngoại quốc.
Uyên hưởng ứng
- Làm việc ở ngoại quốc có lẽ thoải mái hơn, lại còn được thăm nhiều cảnh đẹp, đời sống sẽ có nhiều thú vị. Uyên thấy những dự tính của anh hay lắm.
Giang nhìn Uyên đầy tha thiết, anh đặt nhẹ tay anh lên tay nàng
- Đối với Giang đời sống chỉ có thú vị nếu Uyên đi cùng Giang đến những nơi đó, đi với anh Uyên nhé.

Mặt Uyên hơi ửng hổng, nàng cúi xuống rồi ngước lên nhìn anh, đôi mắt đen long lanh niềm yêu mến, nàng vẫn để tay trong tay anh. Giang biết là Uyên đã xiêu lòng

Trời vào độ cuối đông, trên đường đi Thủ Đức lác đác đã có khu bán những cây hoa mai có rễ được bọc cẩn thận, sẵn sàng vào chậu và đã được căn cho hoa nở đúng vào những ngày Tết. Giang hay chở Uyên qua khu này vì gần đó có quán bán bún bò Huế và cà phê rất ngon nên hay ghé ngang cho Uyên xem hoa, nhớ Đông đã nói là nàng rất thích trồng hoa, Giang thấy có một cây mai rất đẹp và vừa với phòng khách của nhà Uyên, nhưng không cho Uyên biết, anh sẽ kiếm cách mua để biếu gia đình nàng một món quà đón Tết, tạo ấn tượng tốt để dễ dàng cho Uyên sau này khi gia đình anh đến xin cưới nàng.

Nhìn thấy nét mặt vui rạng rỡ của Uyên khi thấy anh và Khoa hì hục khiêng cây mai khá lớn vào nhà, Giang thấy thật đáng công khó của anh và cách anh bắt được anh chàng Khoa cao gầy bên tư pháp giúp anh cái việc nặng này. Uyên dọn chỗ trong phòng khách cho cây mai và lấy nước mời hai chàng công tử trường dòng.
- Mày chọn khéo lắm rất vừa và đẹp, Khoa nói với cái nhìn dí dỏm về Uyên
- Nó bắt tôi ngồi sau xe ôm cái cây lớn như thế này chạy từ Thủ Đức về đây thì cô Uyên định án phạt như thế nào?
- Hai tuần cấm túc nhé, Uyên tươi cười trả lời.
- Được lắm, ai lỗ thì ráng chịu đấy, Giang nói trong tiếng cười vui vẻ của cả ba người
-....trước khi chấp hành bản án, xin mời quan tòa và nguyên cáo đi ăn phở nóng cho đỡ mệt đi nhé.
Hai chàng ngồi tán gẫu chờ Uyên, chỉ một chút sau Uyên đi ra, tha thướt yêu kiều trong chiếc áo dài lụa màu tím đậm, Khoa lắc đầu....
- Giang ơi, thế này thì làm sao mà mày thi hành lệnh cấm túc được.

Dù Uyên rất giữ gìn ý tứ khi làm việc, không nói chuyện nhiều với Giang, Uyên làm việc trên lầu, Giang làm ở phòng dưới nhà và hay thường ra trạm kiểm tra công việc, nhưng cả sở ai cũng biết vì cách săn sóc và chiều chuộng mà Giang dành cho Uyên, hơn nữa thấy Uyên không còn đi ăn trưa và đi chơi với bạn nhiều như trước, nàng đón nhận những lời bông đùa với nụ cười tế nhị nhẹ nhàng.
- Chị Uyên ơi, anh Giang về sở rồi, em thấy anh có mua quà cho chị đó.
Tuyết Nga, cô bé trẻ nhất trong sở nói với cái cười nhí nhảnh
-...Em hỏi rồi, anh nói là của chị , anh bảo sẽ nói chị Uyên mua quà cho em sau, sao anh Giang thương chị quá vậy?

Mùa xuân qua mau, hè về với những cơn mưa rào mang nhiều nỗi nhớ, Uyên đứng giữa cửa sau nhà ngắm cây mai được mẹ nàng cho vào chậu và mang ra sân sau đã ra nhiều lá tươi xanh mướt, đang đón những giọt mưa lớn, nhớ mẹ bảo
- Cây mai này có rễ, to và tốt lắm, con chịu khó tưới cho nó, Tết sau sẽ trổ bông lại đẹp như cũ đấy.

Một cơn gió mạnh thổi qua làm những hạt mưa văng ướt chân Uyên vì mái che mái nhà sau ngắn, Uyên cảm thấy cái mát lạnh của nước mưa ...nhớ lại hôm đi dạo gặp cơn mưa lớn hai đứa chạy trú dưới gốc cây xoài to, Giang khoác lên vai Uyên chiếc áo choàng mỏng anh thường mang theo vì biết Uyên hay bị lạnh nhưng nước mưa đã làm ướt hết tóc và mặt nàng.
- Uyên có lạnh không?
Giang hỏi với giọng đầy âu yếm, anh vuốt nhẹ những hạt mưa còn đọng trên tóc và mặt Uyên.
- Có áo của anh rồi, Uyên không lạnh đâu.
Uyên trả lời, nàng lấy ngón tay đón những giọt nước chảy xuống từ tóc của Giang rồi cười
- Anh ướt hết rồi, về nhà nhớ lau tóc cho khô nhé, cẩn thận không thì bị cảm đấy.

Uyên còn nhớ Giang nhìn nàng đầy say đắm như muốn ôm nàng vào tay anh, đẵm trong cái nhìn say đắm đó Uyên thấy một sự thu hút kỳ lạ trên khuôn mặt đẫm ướt với vài giọt nước còn nhỏ xuống từ tóc anh ...Uyên biết nàng đã yêu Giang ...những giọt nước mưa vẫn rơi xuống chân Uyên, nàng cảm thấy lạnh hơn và thấy thật nhớ Giang và cơn mưa lớn ngày hôm đó.

Giang thường đưa Uyên đi chơi ở những vùng xa vắng và yên tĩnh, Uyên yêu cái tính bạo gan phiêu lưu mạo hiểm của anh mà nàng ít thấy có ở những người sống nơi đô thị, cả buổi thiếu thời Uyên sống ở vùng cao nguyên núi đồi bát ngát nên rất thoải mái khi đi đạo trên con đường mòn nhỏ quanh khu rừng trồng cây ăn trái hay ngồi nghe tiếng nước chảy róc rách trên khe đá, cảm thấy an toàn bên sự bảo vệ săn sóc của Giang ... lòng nàng hé mở đợi chờ.

Vào một buổi chiều, sau khi đi dạo bên con sông dài nhỏ, cùng Uyên ngồi dựa vào tảng đá lớn trên vùng sỏi cát , Giang lấy ngón tay vẽ một khuôn mặt nhăn nhó trên cát
- Uyên biết ai không?
Uyên lắc đầu nhìn Giang
- Giang đấy, Giang hôm đầu gặp Uyên đấy, thấy tội không ?
Uyên cười ngất
- Uyên nhớ rồi, trông anh ngơ ngẩn như bị mất hồn mà Uyên không dám cười nên đi nhanh lên lầu.
- Mất hồn rồi chứ còn gì nữa, Giang chỉ tay vào trán nàng,
-... để ở đây này.
Uyên yên lặng nhìn Giang,
-....từ đó anh không còn nghĩ đến gì nữa ngoài Uyên, không được gặp em nhiều nên dành gửi hết những nhớ thương vào những dòng thơ chép để tặng em..
- Uyên còn nhớ cái bàng hoàng cảm động khi mở quyển thơ của anh chép tặng và không hiểu mất bao lâu anh mới chép xong.
Giang nhìn Uyên đầy tha thiết
- Đến hôm anh dùng mọi cách để được đi đón Uyên đêm giáng sinh thì anh biết anh đã để hết đời anh trong tay em.... Anh yêu em, Uyên, anh muốn được yêu thương và săn sóc em cho đến hết cuộc đời.
Uyên nắm chặt lấy tay Giang như muốn cho anh biết nàng hạnh phúc biết bao khi đón nhận lời anh, cảm thấy sự rung động mạnh mẽ trong anh... thì thầm
- Em yêu anh

Vòng tay ôm lấy Uyên, Giang thấy đôi mắt nhung đen long lanh âu yếm nhìn anh như đã gửi trọn đời nàng, Giang cúi xuống hôn lên bờ môi mà nụ cười đã làm điên đảo lòng anh, cảm thấy tất cả những say đắm ngọt ngào của mối tình đầu đầy yêu dấu.

Ý Nhi