Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

Về Lại Chốn Xưa - Thơ Hồng Thủy - Phổ Nhạc Vĩnh Điện - Ca sĩ Như Hương


Thơ: Hồng Thủy 
Nhạc: Vĩnh Điện 
Ca sĩ: Như Hương

Huyền Thoại


( Trường Đồng Khánh& Trường Quốc Học - Huế)

Như chuyện cổ tích đẹp
Hai ngôi trường song song,
Lớn lên cùng năm tháng
Soi chung một dòng sông.

Con đường xanh bóng lá
Nằm giữa anh và em,
Chia hai màu hồng, tía
Đập chung một nhịp tim.

Chung giọt mưa trên ngói
Chung vạt nắng giữa sân,
Có những năm anh trọ
Trong trường em vôi hồng.

Những cánh hoa phượng đỏ
Rơi hoài trên cỏ xanh,
Tà áo em quấn quít
Bay hoài trong trí anh.

Bước theo nhau đến cổng
Còn ngẩn ngơ đứng nhìn,
Giữa dòng sông áo trắng
Vành nón nào nghiêng nghiêng.

Trống trường em vừa đổ
Bên anh hồi kẻng vang,
Mắt ai còn bịn rịn
Gót chân ai ngập ngừng.

Sông thơm cùng năm tháng
Chở bao nhiêu cuộc tình,
Đi về trên từng nẻo
Huế yêu thuơng của mình.

Như chuyện cổ tích đẹp
Hai ngôi trường anh em,
Một thời ngây thơ đó
Một đời không thể quên.

Sông Hương

Chào Tháng 6


Tháng 6 về ao ước giọt mưa rơi
Trời oi ả khiến tim em khô héo
Tháng 6 ơi sao mùa mưa chậm đến
Trang thơ em chưa gởi đã úa màu.

Nắng bây giờ gay gắt đến hanh hao
Chờ anh như chờ mưa về réo gọi
Như băng đá vẫn vô tình ngóng đợi
Người phương xa sao chậm bước quay về…

Tháng 6 nầy chờ ướt một bờ mi
Như mưa tháng 6 xanh màu lá úa
Em hay giận và thường hay chu mỏ
Anh thì thầm trong hơi thở vu vơ !

Em đứng mãi bên hàng đèn tối mờ
Bài thơ cũ móc ra giờ đăng lại
Nhớ bài toán ngày xưa không lời giải
Chờ anh như chờ mãi hạt mưa rơi !..

Dương hồng Thủy
13/06/2020

Tình Hoa



Có một cành hoa Mimosa
Đã làm khơi động cõi lòng ta
Cuối đông chút nắng vàng hanh đó
Đã đổ mưa lòng những cánh hoa

Ta đã nhủ lòng trong lãng quên
Khói sương Đà Lạt tóc vai mềm
Khăn ấm vòng quanh tình ấm mộng
Mimosa vàng, dĩ vãng dịu êm

Chiều đã dâng lên hồn vọng tưởng
Trong tình yêu một cánh hoa lòng
Mimosa nỗi buồn mong nhớ
Vẫn nở từng mùa trong gió đông

Ta ngồi đây sóng hồ Than Thở
Cho hoàng hôn nhuộm nỗi bơ vơ
Anh trở về, tình yêu và gió
Hoa vàng xưa khoảnh khắc mong chờ

Lê Mỹ Hoàn
6/2020
(Một mùa đông ghé thăm Đà Lạt 1971)

Chuyện Một Đời Người



Cuối nẻo đời, xác thân thành tro bụi
Lối quy nguyên cứ thế: thẳng một đường!
Nắng ngậm ngùi vương trên phố tha hương
Dài bóng đỗ trên nhánh đời phiêu lãng.

Tháng năm trỗi những điệu Hời ai oán
Xuân xanh mang hy vọng của tương lai
Lúc hoàng hôn viễn xứ trắng đêm dài
Thao thức gửi tấc lòng về cố quận.

Gánh phong sương đã từ lâu vỡ vụn
Bởi dã tâm trong một ván cờ tàn
Nhịp quân hành bỗng thành bước chân hoang
Ngày vàng võ. Đêm ngập tràn nỗi nhớ.

Có khác gì kiếp trôi sông, lạc chợ
Khi nhìn quanh: toàn phố lạ, người dưng
Có gì vui khi đời rất vô chừng
Nên đọng mãi giọt sầu trên mắt nhớ!

Chuyện thế nhân như bọt tràn, sóng vỡ
Đành tìm vui trong góc quán thân quen
Phận lưu vong nên mặc kệ sang, hèn
Thân du tử nên quen rồi tục lụy.

Chiếc ghế trống mang dáng buồn thế kỷ
Người xa rồi, cà phê rót cho ai?!
Mới hôm qua rôm rả chuyện vắn, dài
Nay tiếng nói, giọng cười là huyễn mộng.

Quán vẫn đông, người vẫn hồn nhiên... sống!
Mấy ai hay nay vắng một tiếng cười
Chuyện đời mà! Chuyến miên viễn về xuôi
Một hàng dọc! Chờ vé lên tàu suốt.

Huy Văn
( Kính tặng Liên Đoàn 1&12 BĐQ/HN
để nhớ Mũ Nâu Hoàng Bá Kiệt. R.I.P)
1947-2020

Lại Nhớ Người


Bài Xướng:

Lại Nhớ Người


Phượng thắm ve sầu đón hạ sang
Sông Hương nước biếc chảy xuôi ngàn
Tình quê nẻo cũ phương trời ấy
Áo trắng vai nghiêng dưới nắng vàng

Kỷ niệm buồn qua mấy nhịp cầu
Bao thời dệt mộng tận canh thâu
Vui đêm nguyệt rạng muôn trùng thắm
Tiếng hẹn thương còn giữa biển dâu

Xóm vắng đêm về lặng lẽ tôi
Tình xưa nghĩa cũ đã xa rồi
Người đi còn lại mùa thương ấy
Đọng lại trang lòng nghĩa khó vơi

Tím bóng thời gian một bóng đời
Ân tình một thuở dệt mơ trôi
Chưa tròn thệ nguyện tình mơ ước
Dặm liễu chiều nay lại nhớ người.

Hương thềm Mây
tháng 5.2020
***
Bài Họa:

Một Cánh Hoa Đời


Não nùng sắc phượng mỗi hè sang
Áo trắng ngày xưa cách dặm ngàn
Lờ lững sông Hương con nước vẫn
Hoàng hôn trải lụa nắng chiều vàng

Hôm nao chung bước tiễn qua cầu
Thổn thức lệ đầy suốt mấy thâu
Những hẹn hò đành thôi khép lại
Nhà người an phận kẻ làm dâu

Hồng nhan mệnh bạc chỉ riêng tôi
Vàng đá trăm năm chuyện đã rồi
Nỗi nhớ cuộn dài len giấc mộng
Kéo dòng mắt ướt khóc sao vơi

Ai lau nhan sắc cảm thương đời
Sóng nước hoa tàn lặng lẽ trôi
Chuông đổ chừng như hồi vĩnh biệt
Xa xôi có biết hỡi chăng người.


Kim Phượng


Cám Ơn Nỗi Đau



Cám ơn mãi cám ơn em
Một đời bóng mát êm đềm
Chắn che tôi qua giông bão
Nụ cười ru giấc bình yên

Cám ơn đôi bàn tay nắng
Giữ lời chim hót xôn xao
Nụ hôn cháy bừng hơi thở
Thiên đường tôi mãi lạc vào

Cám ơn ánh mắt dòng sông
Đò tôi chèo mãi nhớ mong
Dung nhan mùa xuân hoa thắm
Cho thơ tôi mãi ẵm bồng

Cám ơn giọt lệ dỗi hờn
Buồn em. tóc xõa hoàng hôn
Tình tôi ăn năn sám hối
Cho lòng thương nhớ nhiều hơn

Cám ơn tình cắt vết dao
Vết thương rỉ máu ngọt ngào
Lỡ lầm tình xa rách nát
Vẫn còn hò hẹn kiếp sau

Trầm Vân

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Đóa Tâm Hồng


Vẫn một tình yêu tha thiết nồng
Giữa trời giá lạnh tiết sang đông
Vì ai ngời sắc mang xuân đến
Hạnh phúc trao nhau đóa tâm hồng!


Kim Oanh
6/2020


Tình Muôn Thuở - Thơ Đỗ Bình - Nhạc Minh Sơn - Tiếng Hát Tấn Đạt



Thơ: Đỗ Bình
Nhạc: Minh Sơn
Tiếng Hát: Tấn Đạt

Tan Giấc Mộng Vàng



Bài Xướng:

Tan Giấc Mộng Vàng


Nụ cười đã tắt nhạt son môi
Tiếc nuối mà chi chuyện đã rồi
Đôi ngả đường đời xa cách mãi
Thật gần bóng cũ vẫn quanh tôi

Bồi hồi đông đến lại sang đông
Sính lễ nhà ai khoác lụa hồng
Chăn ấm nệm êm mà thấm lạnh
Cầm bằng sương phụ cảnh phòng không

Chim trời giục giã gọi nhau về
Lẵng lặng buồn trông dạ tái tê
Có phải sầu đơn riêng phận số
Mộng vàng tan biến cả trời mê 


Kim Phượng
***
Bài Họa:

Nỗi Buồn Cô Phụ


Vì ai em đã nhạt màu môi ?
Vì biết rằng đây hết nợ rồi
Nên có đau lòng khi cách trở
Cũng không hàn gắng được chung đôi

Mùa đông tiếp nối những mùa đông
Nhớ đến hôm nao bếp lửa hồng
Quanh quẩn bên nhau cùng sưởi ấm
Bây giờ quạnh quẽ cảnh hư không

Biết chắc rằng anh chẳng trở về
Vì người đã ở phía bên tê !
Chân trời xa thẳm vùng miên viễn
Kỷ niệm đi vào cõi mộng mê!


songquang
 20200612

Tình Ca


Mới ngày nào đây,
Gặp nhau còn bỡ ngỡ,
Em thẹn thuồng khi ta hỏi tên nhau.
Nhưng rồi tình cảm lớn lên mau.
Như hoa hồng buổi sáng,
Đứng thẳng lên cho thinh sắc ngút ngàn sao!

Có những đêm trời vắng,
Trong những trận mưa rào,
Ngồi bên nhau cùng che chung tấm áo,
Mưa thấm vào từng giọt ướt vai nhau.
- “Lạnh không em?”
- “Không đâu anh,
Ngồi bên anh em như chim non nằm trong tổ,
Sưởi ấm lòng và ấm cả thân em!”

Lạy trời cho gió mưa thêm,
Ví dầu thân có lạnh -
Mà được ở bên nhau cũng đành!

Tình yêu lớn - Như núi rừng rộng lớn,
Cho niềm vui khuất kín lối u buồn.
Thay áng sầu bằng suối nhạc thương thương,
Trong hoang vắng
mà nghe lòng vương niềm háo hức.
Đời gian khổ
- Nhưng tình mình cao vút!
San sẻ chuyện lòng bằng ánh mắt buồn vui.
Xóa ưu tư trong tiếng nói giọng cười,
Với ánh mắt - Mình trao nhau biết bao lời tha thiết!
Khi hờn giận - Là lúc lòng càng da diết,
Theo tháng năm dài -
Bao kỷ niệm quấn quanh nhau!

Trại Bàu lâm, Dec. 21, 1980
Thái Quốc Mưu


Giữa Hai Mùa Mưa Nắng



Ôi! Giữa hai mùa mưa nắng
Là khoảnh khắc buồn nhớ vắng người yêu
Giữ mùa gió lộng đìu hiu
Là mùa thương giọt mưa chiều em qua
Mùa thu lá ngập chân ngà
Biết ai nhặt lá làm quà cho em
Mùa mưa ướt ngọn cỏ mềm
Làm sao tìm nắng bên thềm kết thơ
Giọt nắng từng sợi vàng tơ
Là mùa phượng thắm anh chờ tiếng ve
Dù mưa nắng, dẫu đông hè
Đã yêu thì phải chở che mỗi mùa


Trúc Lan KTP

Tự Thán



Xướng:

Tự Thán

Cuộc đời mấy lúc được an nhiên 
Nghèo khó cưu mang lắm lụy phiền 
Quanh quẩn lao đao cùng vật chất 
Loay hoay vất vả với đồng tiền 
Ngâm thơ gom chữ chào Thi Khách 
Uống rượu góp lời mộng Dáng Tiên 
Bè bạn xa gần vui xướng họa 
Quên đi sầu khổ đến triền miên 

Hoàng Dũng
( Trích trong Thi Tập Hoa Tiên số 46 )
***Họa:

Tư Thoát

Dâu bể cuộc đời đến tự nhiên.
Nào ai thoát được cảnh ưu phiền 
Chẳng qua thể phách chưa tinh tiến 
Cũng bởi tâm linh vướng nghiệp tiền 
Vì thế bao người đà bạc phước 
Cho nên lắm kẻ ước mơ tiên 
Tu tìm cõi phúc mong thanh tịnh 
Thoát nẻo vô thường đạt viễn miên 

Lâm Hoài Vũ
22/05/2020
 

Đời Tôi Là Những Bước Đi



Đời tôi là những bước đi
Đèo cao, dốc đứng, mệt nhoài tấm thân
Khi vui bước lẹ qua cầu
Khi buồn nặng bước đêm thâu mệt nhoài.

Sống trong ngày,-biết hôm nay
Nào ai đoán được ngày mai của mình
Thăng trầm một kiếp phù sinh
Sáng chiều gần gũi nhân tình éo le.

Đêm nằm nghe dế tỉ tê
Trách sao trí lực vụng về mà đau
Trông lên nhiều kẻ sang giàu
Nhìn xuống đau đớn nghẹn ngào phận ta.

Người ta áo gấm thêu hoa
Riêng tôi áo vải bà ba nhăn đùm
Xin ơn trên mách bảo dùm
Để tôi chuẩn bị bắt đầu… tập đi!

Dương hồng Thủy
03/06/2020

Mùa Xuân Lên Núi


Qua một mùa thu rụng lá và một đông dài tuyết rơi, xuân trở lại thành phố Mộng. Thành phố Mộng vào những ngày đầu xuân chẳng đẹp, chẳng mộng chút nào. Tuyết đang tan, giống như vũng nước dơ, thêm vào đó những lá vàng còn lại của mùa thu vừa qua quyện vào nhau và quyện cả vào rác rưởi trông cũ rích, dơ bẩn đến thê thảm. Thành phố thường phải chờ đến khi tuyết tan hết, trời ấm mới bắt đầu cho xe đi rửa đường và cũng lúc này, nhà trường cũng như thành phố kêu gọi những người dân đi làm công tác thiện nguyện: đi nhặt rác tại những công viên nhất là trên núi Mont Royal, lá phổi của thành phố Montréal.

Núi Mont Royal không cao lắm, nằm giữa thành phố, gần về phía trung tâm thành phố và là nơi có nhiều du khách hàng năm.

Lac Castor Chateau trên núi
Người ta có thể lên núi bằng nhiều ngả khác nhau: đường Mont Royal, đường Cote des Neiges, đường Avenue des Pins. Từ trên núi có nhiều chỗ để du khách dừng chân ngắm cảnh, trên đỉnh núi có lâu đài, nay được xử dụng như nhà hàng và có hồ nhân tạo mang tên Lac Castor bao quanh bởi công viên rất đẹp.

Anne theo mẹ và anh lên núi nhặt rác. Mỗi người được trang bị bao đựng rác, bao tay và kẹp nhặt rác. Đó là một ngày đẹp trời. Anne tung tăng chạy nhẩy hết chỗ nọ đến chỗ kia. Mới sáu tuổi nhưng mẹ dẫn Anne theo vì mẹ muốn sau này Anne biết giữ gìn sạch sẽ nơi công cộng và nhất là biết làm thiện nguyện.

Gia đình bên cạnh cũng đang nhặt rác. Họ có một cô bé trạc tuổi Anne và lại còn mang theo con chó bông trắng nho nhỏ rất xinh. Cô bé thẩy trái banh và con chó chạy lại nhặt banh rồi mang về cho cô chủ. Thấy Anne chăm chú nhìn ra chiều thích thú, cô bé thẩy trái banh về phía Anne. Anne thẩy trái banh ra rõ xa thế mà con chó Bông cũng hiểu, nó lượm trái banh và đem về chân Anne:


- Mercie!

Anne và con chó Bông chơi được một chút thì chợt Anne nhìn thấy vũng nước, dĩ nhiên là rất dơ. Tinh nghịch, Anne tung trái banh vào vũng nước. Con chó bông trắng không ngần ngại, lao mình vào vũng nước nhặt trái banh, đem lại cho Anne và sủa gâu gâu ra điều vừa lập được kỳ công. Anne cười nắc nẻ vì con chó bây giờ dính đầy bùn, lấm lem và ướt nhẹp từ đầu đến cuối.

Con Bông ngạc nhiên và theo tự nhiên, nó rùng mình thật mạnh để rũ bớt nước tẩm vào người nó.
Nước bùn bắn hết cả vào áo đầm của Anne, chiếc áo mà Anne thích nhất.
Anne oà khóc và mẹ nhìn Anne lắc đầu!!!!!

Sao Khuê 
13 avril 2014

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Tự Tình Khúc - Thơ Thu Hương - Nhạc: Phạm Lynh Phương



Thơ: Thu Hương 
Nhạc: Phạm Lynh Phương
Tiếnh Hát: Duyên Quỳnh
Thực Hiện: Dĩ Vãng Buồn

Lake Tahoe Hạ



Hạ sang màu nước trong như ngọc
Tiếng gió vi vu hát cuối chiều
Tuyết phủ đỉnh xa loang loáng bạc
Thời gian ngưng đọng cõi hoang liêu

Đứng ở đồi cao nhìn xuống dưới
Rừng thông thăm thẳm lá thông xanh
Mấy chú sóc con đang rượt đuổi
Bầy chim nhảy nhót giữa cây cành

Mùa Đông năm trước đến nơi đây
Tuyết lấp đường đi ngập dấu giày
Hạ nầy tia nắng xuyên vòm lá
Trên trái thông khô nhựa bám đầy…

Lake Tahoe Hạ, Đông đều đẹp
Hồ xanh tràn ngập khách về thăm
Bây giờ, đỉnh núi còn hoang vắng
Sang Đông…tấp nấp khách chơi băng…

Kim Phú
(Mùa Hè 2010)

Ngày Anh Đến Thăm Tôi



Một ngày anh đến thăm
Trăm năm chỉ một lần
Thì thầm cơn gió thoảng
Ôi mộng đời xa xăm!

Ngày anh đến thăm tôi
Mây lang thang cuối trời
Lung linh màn sương sớm
Cho bình minh thắm tươi.

Một ngày anh đến chơi
Tim réo rắt bồi hồi
Ngày vui trong đêm tối
Không chỉ là mơ thôi!

Có phải duyên tình muộn?
Đến rồi tan theo mây
Như muôn ngàn bọt sóng
Như bóng chim xa bầy

Trông hoa như duyên đời
Tình nở trên tiếng cười
Gió vờn cành lá biếc
Tiếng đàn ai buông lơi

Xin đừng theo mây trôi
Mang lá rơi giữa đời
Bay về phương trời ấy
Tình heo hút chơi vơi.

Thu sang đâu có ngờ
Heo may buồn ngẩn ngơ
Lá vẫn rơi vàng lối
Tình theo bước chân người

Ngọc Quyên

Xa Cách



Em cứ ngỡ chia tay là đoạn tuyệt
Là dứt tình, là từ biệt ly tan
Hai cuộc đời hai số phận cắt ngang
Không quen biết và trở thành xa lạ

Và em ngỡ anh bây giờ thỏa dạ
Bên vợ hiền, con thảo, phận chồng ngoan
Ngày qua ngày tròn trách nhiệm lo toan
Đã yên ổn cuộc đời nơi chốn lạ

Em đâu ngỡ anh rối bời trong dạ
Gửi tình buồn chan chứa mộng yêu đương
Dịu dàng xưa vẫn thoang thoảng sắc hương
Xao xuyến mãi tình anh vẫn còn đấy

Cung Thị Lan


Sơn Du



Xướng:

Sơn Du

(Ngũ Độ Thanh)

Nhàn du thử sức mạnh chân trèo
Cảnh vĩ, non hùng giục hứng leo
Lũng thẳm rừng vây, cuồng phách lạc
Đồi cao mắt thả giật mình teo
Là bay vịn gió mây chiều tỏa
Mãi đổ xuôi dòng, nhạc thác reo
Lãng thỏa yên hà thơ gợi hứng…
Hoàng hôn rượu ẩm quán bên đèo…


Cao Bồi Già
03-06-2020
***
Các Bài Xướng:
(Ngũ Độ Thanh)

Kiếp Phong Trần

Băng ghềnh vượt núi nhởn nhơ trèo
Thác lũ non ngàn chẳng sợ teo
Chuỗi ngọc thoi vàng, không đếm xỉa
Lòng nhân việc nghĩa, ấy mừng reo
Năm cùng, tháng tận còn chưa nghỉ
Hạ đến thu về vẫn mãi leo
Thoảng chợt se lòng trong gió bão
Quê nhà vọng tưởng cuối chân đèo

Thúy M.
***
Lên Núi


Dãy núi nhìn cao vợi phải trèo
Xa vùng huyễn ảo đẹp càng leo
Đường đi sỏi đá chân đờ rụng
Ngõ bước cây rừng dạ oải teo
Mé vực im lìm chim đảo khẽ
Lưng đồi quạnh quẽ suối tràn reo
Thăm Dì trú ngụ ngôi Chùa cổ
Đã lắng hồn chuông vọng đỉnh đèo

Minh Thuý
Tháng 6/3/2020
***
Hãy Thử Xem Nào

Từ lâu lão chẳng có chơi trèo
Hãy thử xem nào cố lượn leo
Gối mỏi chân chồn đâu sợ ngã
Tay nhừ sức kiệt chẳng nề teo
Đường xưa kiếm chỗ bầy chim đậu
Vực cổ tìm nơi lũng suối reo
Tớ đã bao ngày vui vẻ thật
Dù cho mệt xoãi ngủ lưng đèo

songquang
20200604
***
Lên Non
\Thân gầy yếu xịu mãi ham trèo
Cửa động cao vời thích vẫn leo.
Quạnh quẽ lều tranh chiều gió nổi
Mơ màng dáng nguyệt liễu ngàn reo.
Vương buồn nhạn trắng mây vờn đỉnh
Lặng lẽ đồi hoang khói phủ đèo.
Bóng ngả hoàng hôn rừng tĩnh mịch
Tư bề thú dữ chẳng hề teo.

MaiLoc
6-6-2020

Y Học Thường Thức - Thần Kinh Hệ (Bác Sĩ Đinh Đại Kha)


Y HỌC THƯỜNG THỨC
Thần Kinh Hệ

Cấu tạo tổng quát của thần kinh hệ 

Thần kinh hệ là hệ thống sinh lý trung ương điều hành toàn thể các cảm giác và hoạt động của cơ thể. Thần kinh hệ còn có những chức năng rất đặc biệt về cảm nghĩ, suy xét và trí thông minh của con người. Thần kinh hệ chia ra làm 2 phần: Thần kinh hệ trung ương bao gồm não bộ và tủy sống. Thần kinh hệ ngoại biên bao gồm mọi loại dây thần kinh trong cơ thể. 

Thành phần cơ bản của thần kinh hệ là tế bào thần kinh, có kích thước lớn hơn mọi tế bào khác trong cơ thể. Mỗi tế bào thần kinh gồm có thân tế bào và 2 loại sợi thần kinh: Một sợi dài tên là sợi trục để truyền các xung động thần kinh (một luồng điện) từ thân tế bào chạy ra. Nhiều sợi ngắn tên là sợi nhánh có nhiệm vụ tiếp nhận xung động thần kinh để truyền vào thân tế bào. Chung quanh tế bào thần kinh có nhiều tế bào đệm để bảo vệ và phụ giúp hoạt động của thần kinh hệ nhờ các chức năng sau đây: 
* Chúng họp thành một thứ đệm che chở thần kinh hệ chống các chấn thương vật chất trực tiếp. 
* Cung cấp hóa chất dinh dưỡng cho tế bào thần kinh. 
* Tăng hoặc giảm tốc độ truyền xung động thần kinh để điều hòa hoạt động của mọi vùng thần kinh. * Có khả năng tiêu diệt vi trùng. 
* Di chuyển tế bào chết trong thần kinh hệ mang đi nơi khác. Não bộ và tủy sống chia ra chất sám và chất trắng. Chất sám gồm có thân các tế bào thần kinh cùng với rất ít sợi thần kinh, các tế bào đệm và mao quản. Chất trắng gồm nhiều sợi trục có chất my-ê-lin bao quanh cộng thêm rất ít thân tế bào thần kinh. Chất my-ê-lin màu trắng và có 2 chức năng là che chở các sợi trục và tăng tốc độ truyền xung động thần kinh. 

Não bộ 

Não bộ là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của cơ thể đồng thời là cơ quan tiếp nhận mọi cảm giác của toàn thân. Về mặt vật chất, não bộ nhận biết sự vật chung quanh chúng ta cùng mọi điều xảy ra trong cơ thể do chức năng cảm giác của ngũ quan và của nội tạng. Não bộ đồng thời chỉ huy sự vận động tự ý của thân thể và điều hòa hoạt động của nội tạng. Về mặt tinh thần, não bộ khiến con người biết cảm nghĩ, biết suy xét và có trí thông minh. Não bộ có nhiều chức năng phức tạp như vậy nên cần nhiều năng lượng để hoạt động. Nguồn năng lượng này gồm có ô-xy và đường glucôt do máu động mạch mang tới. Não bộ cần sử dụng tới 20% lượng máu tuần hoàn trong toàn thân và khi các động mạch não bộ bị tắc nghẽn thì chỉ 10 giây sau là con người sẽ bị bất tỉnh. Não bộ có 2 cơ chế tự bảo vệ chống lại sự thiếu năng lượng để tiếp tục hoạt động (do chất a-drê-na-lin tiết ra theo phản xạ tự nhiên): Khi tuần hoàn tới óc bị trở ngại mà chậm lại thì nhịp tim tăng nhanh hơn để duy trì lượng tuần hoàn 20% của tổng thể dẫn tới não bộ. Khi lượng đường glu-côt trong máu giảm dưới mức bình thường thì tuyến thượng thận sẽ hoạt động (tiết ra a-drê-na-lin) để chuyển chất đường dự trữ trong gan chạy qua máu. Ngoài ra não bộ cũng không bị đa số các hóa chất độc hại hiện diện trong máu xâm nhập vì thành mao quản trong óc không có lỗ chỗ như các mao quản khác trong toàn thân. Tuy nhiên có nhiều loại thuốc và ma túy chuyển được tới óc là do tính chất đặc biệt của chúng có thể đi xuyên qua các tế bào nơi thành mao quản não bộ. 

Cấu tạo và chức năng của não bộ 


Não bộ gồm có 3 thành phần là đại não, tiểu não và thân não. 
Đại não là thành phần vừa nằm ở phía trên vừa bao bọc bên ngoài não bộ. Tính từ ngoài vào trong thì đại não phân chia ra như sau đây: Ở ngoài cùng là lớp tế bào thần kinh dày từ 2 tới 4 ly tên là vỏ não và chính là chất sám của não bộ. Vỏ não điều hành mọi hoạt động tự ý của cơ thể và cũng là nơi tiếp nhận cảm giác toàn thân. Ngoài ra khối chất sám này còn liên quan tới các cảm xúc, sự suy xét và trí khôn của con người. Ngay phía dưới vỏ não là chất trắng của não bộ do nhiều sợi thần kinh họp lại và có chức năng liên kết vỏ não với tủy sống. 

Kế tiếp là thành phần dưới vỏ não gồm các hạch thần kinh trung ương do nhiều tế bào thần kinh hợp lại, có chức năng điều hòa các cử động khéo léo của cơ thể và tiếp nhận các cảm giác cần phân tách tỉ mỉ như các tính chất của cảm giác đau, các chi tiết của cảm giác nóng lạnh và các chi tiết của sự đụng chạm nhẹ ngoài da. Tại đây còn có một khối chất sám gọi là hệ viền cũng gồm nhiều tế bào thần kinh và có chức năng về cảm xúc, vận động tự động và điều hành nội tiết. Nếu nhìn theo hình dáng bên ngoài thì đại não gồm có 2 bán cầu bên phải và bên trái do một khe hẹp phân chia ra. Hai bán cầu não liên kết với nhau do nhiều sợi thần kinh từ bên nọ chạy sang bên kia đi xuyên qua khe phân chia. Mỗi bán cầu não lại kết nối đối nghịch với thần kinh ngoại biên hai bên thân thể, nghĩa là bán cầu não bên phải nối tiếp với thần kinh của nửa người bên trái và đảo lại. Vỏ não tại mỗi bán cầu não chia ra nhiều vùng phù hợp với vị trí của chúng đối với xương sọ, mỗi vùng gọi là một thùy. Các thùy não đều có chức năng riêng biệt như sau đây: Thùy trán điều hành các hoạt động cơ thể tự ý, cũng là trung tâm thần kinh giúp con người học các cử động phức tạp và là cơ sở của phần trí khôn liên quan tới tiếng nói, tới sự suy nghĩ và tới tình cảm. Thùy đỉnh tiếp nhận cảm giác của ngũ quan, nhận biết tư thế của thân thể và ghi nhớ các thông tin về ngoại cảnh. Thùy đỉnh cũng là nơi trí khôn suy luận về toán học. Thùy chẩm liên quan tới thị giác và là cơ sở của trí nhớ về các hình ảnh. Thùy thái dương liên quan tới trí nhớ và cảm xúc tổng quát, cũng là nơi trí khôn phân tích các tiếng động và hình ảnh. 

Tiểu não nằm dưới đại não và ở trên thân não. Chức năng đầu tiên của tiểu não là điều hành các cử động của cơ thể cho được nhịp nhàng và chính xác. Tiểu não cũng lại phối hợp với thân não để duy trì sự thăng bằng của cơ thể khiến người ta đi đứng dễ dàng mà không ngã. Một chức năng khác của tiểu não là ghi nhớ các cử động phức tạp sau khi tập dượt (khiêu vũ, võ thuật…). 

Thân não ở dưới tiểu não, có những chức năng trực tiếp liên quan tới mạng sống của con người và là nơi liên kết đại não với tủy sống. Chức năng của thân não bao gồm:  Gìn giữ cho con người không lâm vào tình trạng bất tỉnh và duy trì mức độ chú ý tới sự việc chung quanh ta.  Điều hành mọi chức năng quan trọng về nội tạng: điều hòa huyết áp và nhịp tim, duy trì sự hô hấp tự động và động tác nuốt. Vì vậy cho nên nếu thân não bị hư hại thì sẽ gây tử vong mau lẹ. Đối lại khi đại não bị tổn thương lớn mà thân não còn nguyên vẹn thì sự sống vẫn tiếp tục mặc dầu con người không còn cử động và suy nghĩ được nữa. 

Che chở não bộ chống chấn thương 

Não bộ được che chở chống các loại chấn thương do nguyên nhân ngoài cơ thể gây ra nhờ ở màng não tủy và xương sọ. Màng não tủy bao bọc toàn thể não bộ cùng tủy sống và gồm 3 lớp: Lớp trong cùng rất mỏng, dính sát vào não bộ cùng tủy sống và có tên là màng mềm. Lớp giữa ở cách màng mềm một khoảng hẹp và gồm nhiều sợi nhỏ đan lẫn với nhau như lưới nhện nên gọi là màng nhện. Khoảng trống giữa màng mềm và màng nhện chứa một chất lỏng là dịch não tủy. Lớp ngoài cùng dính vào màng nhện. Lớp này dày và bền chắc được gọi là màng cứng. Màng não tủy che chở não bộ chống chấn thương nhẹ nhờ màng cứng và dịch não tủy. Xương sọ bao bọc não bộ và che chở chống chấn thương mạnh. Xương sọ bao gồm đáy sọ ở phía dưới và các thành phần xương nhỏ ở phía trên phân chia ra là xương trán, xương đỉnh, xương chẩm và xương thái dương. 

Tủy sống 


Tủy sống là một cơ quan dài và mềm, khởi đầu ngay dưới thân não, hình dáng giống như cây gậy cong queo, đầu dưới nhọn đầu trên cắt ngang thì có hình bầu dục. 
Chiều dài của tủy sống bằng ¾ chiều dài của ống xương sống. 
Tủy sống gồm nhiều dây thần kinh truyền xung động thần kinh chạy đi chạy về giữa não bộ và mọi phần cơ thể, đồng thời cũng là trung tâm của các phản xạ. 
Tủy sống nằm trong ống xương sống bao gồm các khoảng trống ở bên trong 26 đốt xương sống. Các đốt xương sống nằm cách nhau một khoảng nhỏ do các đĩa sụn phân cách. 
Các đốt xương sống này cùng các đĩa sụn có chức năng bảo vệ tủy sống chống chấn thương mạnh. Tủy sống cũng có màng não tủy bao bọc để bảo vệ chống chấn thương nhẹ. 
Có 31 đôi dây thần kinh cột sống (mỗi đôi có 1 dây bên phải và 1 dây bên trái) xuất phát từ tủy sống và gồm nhiều sợi thần kinh đi tới làn da và mọi cơ bắp trong thân thể. 
Mỗi dây thần kinh này gồm có một rễ vận động nhô ra từ phía trước xương sống và một rễ cảm giác nhô ra từ phía sau xương sống. Hai rễ trước và sau tụ lại thành một dây thần kinh cột sống. 
Chiều dài của tủy sống chỉ bằng ¾ chiều dài của ống xương sống. Khoảng trống còn lại của ống xương sống chứa nhiều dây thần kinh tỏa ra từ cuối tủy sống. Nhóm các dây thần kinh này dính chùm với nhau trông giống như lông ở chót đuôi con ngựa nên y khoa đặt tên là thần kinh đuôi ngựa. Chúng có chức năng điều hành cử động và cảm giác của 2 chi dưới (chân). 


Nếu ta cắt ngang tủy sống thì thấy chất trắng ở phía ngoài và chất sám ở phía trong. Chất sám có hình dáng tương tự như con bướm gồm có 2 sừng lớn ở phía trước thuộc về thần kinh vận động và 2 sừng nhỏ ở phía sau thuộc về thần kinh cảm giác. Trong chất sám cũng còn có các sợi thần kinh mang tín hiệu cảm giác lên não bộ và truyền tín hiệu vận động từ não bộ ra ngoại biên. Chất trắng gồm nhiều sợi thần kinh có 2 chức năng là truyền tín hiệu lên xuống trong tủy sống và liên kết thần kinh giữa não bộ và ngoại biên. 

Các dây thần kinh trong cơ thể 

Toàn thể các dây thần kinh trong cơ thể con người là do lối 100 tỷ tế bào thần kinh hợp thành. Các dây thần kinh này chạy chằng chịt trong toàn thân để kết nối thần kinh trung ương với thần kinh ngoại biên. Ngoài 31 đôi dây thần kinh tủy sống còn có 12 đôi dây thần kinh não bộ liên quan tới mắt, mũi, tai, lưỡi, da mặt và các cơ bắp trên mặt. Đôi dây thần kinh số 11 kéo dài xuống tới ổ bụng và điều hành hoạt động của dạ dày. Thần kinh trung ương truyền tín hiệu qua các dây thần kinh để điều hành hệ thần kinh cơ thể và hệ thần kinh tự động. Thần kinh cơ thể liên quan tới cử động và cảm giác của toàn thân. Một điều rất đặc biệt của thần kinh hệ là sự tiếp nối nghịch đảo giữa 2 bán cầu não và thần kinh cơ thể, nghĩa là bán cầu não bên phải tiếp nối với thần kinh cơ thể bên trái và bán cầu não bên trái lại tiếp nối với thần kinh cơ thể bên phải. Thần kinh tự động điều hành các hoạt động nội tạng và lại phân chia ra thần kinh giao cảm và thần kinh đối giao cảm. Hai loại thần kinh này hoạt động phối hợp, khi một bên gia tăng chức năng thì bên kia bớt mức độ hoạt động và đảo lại. Thần kinh giao cảm kích động khi cơ thể gặp tình huống nghiêm trọng hay nguy hiểm khiến cho mọi chức năng nội tạng đều gia tăng để con người sẵn sàng hoặc chiến đấu hoặc tháo chạy. Thần kinh đối giao cảm điều hòa các chức năng nội tạng khi cơ thể sinh hoạt trong trạng thái bình thường. 

Sự lão hóa của thần kinh hệ 

Khi con người tới tuổi già, các hoạt động cùng chức năng của thần kinh hệ đều suy yếu theo lẽ thiên nhiên. Sự lão hóa đó xảy ra như sau đây. 
Sự lão hóa của não bộ 
Não bộ của người già bị suy yếu do hai cơ chế sau đây: 
* Một số tế bào thần kinh sẽ chết mà không có tế bào khác sinh ra để thay thế. 
* Các tế bào thần kinh còn lại cũng vì tuổi già mà hoạt động yếu hơn khi trước. Như vậy là sự lão hóa giảm bớt cả số lượng và chất lượng của các tế bào trong não bộ. Tuy nhiên cũng lại có những sự kiện thiên nhiên giúp cơ thể chống lại sự lão hóa của não bộ. Đó là: 
* Hoạt động thần kinh bình thường chỉ sử dụng tới một thiểu số các tế bào thần kinh trong não bộ. Như vậy nghĩa là trong óc chúng ta còn có rất nhiều tế bào thần kinh dự trữ. Một số các tế bào dự trữ này có thể khởi sự hoạt động để thay thế các tế bào chết. 
* Đôi khi tế bào thần kinh của người già có khả năng sản xuất các sợi thần kinh mới để liên kết các vùng thần kinh và tăng cường chức năng của toàn não bộ. 
* Trong khi hồi phục các tổn thương thuộc chất sám của não bộ (tai biến mạch máu não, chấn thương…), cơ thể đôi khi phát sinh khả năng sản xuất thêm tế bào thần kinh mới để thay thế các tế bào bị hư hại và tái lập chức năng đã mất (rất hiếm có). Đôi khi, các tế bào mới này còn tạo thêm cho bệnh nhân những chức năng khi xưa chưa hề có. Thí dụ như một bệnh nhân hồi phục tai biến mạch máu não, không những lại đi đứng được gần như bình thường mà tự nhiên có thêm khả năng dễ dàng nhớ số điện thoại của người quen là điều khi trước họ không làm được. Sự lão hóa của não bộ xảy ra sớm hay muộn tùy theo tính di truyền và sức khỏe tổng quát của mỗi người và diễn tiến như sau đây: * Phần trí nhớ về các việc mới xảy ra yếu kém đi khiến cho sự học hỏi những kiến thức mới gặp trở ngại. 
* Khả năng phát biểu bị giảm sút vì người già quên lững một số hiểu biết về ngữ vựng và ngữ pháp. Điều này thường xảy ra ở lứa tuổi 70. 
* Khả năng về trí tuệ tổng quát cũng bị giảm bớt khi con người tới lứa tuổi 80. Theo kinh nghiệm lâm sàng, có những phương cách sau đây làm giảm bớt tốc độ lão hóa của não bộ: 
* Hãy vận động thân thể ít nhất là 3 ngày mỗi tuần. 
* Không uống rượu. 
* Không hút thuốc lá. 
* Các bệnh huyết áp cao, dư mỡ trong máu và tiểu đường phải điều trị cho tới mục tiêu nghĩa là đạt được các kết quả lâm sàng theo chỉ định. 

Sự lão hóa của tủy sống 
Khi con người tới tuổi già, các đĩa sụn xương sống xẹp bớt đi khiến khoảng cách giữa các đốt xương sống thu hẹp lại nên rễ của các dây thần kinh xương sống có thể bị chèn ép. Sự kiện này giảm bớt mức độ truyền xung động thần kinh giữa tủy sống và ngoại biên, liên quan tới cả sự vận động lẫn cảm giác của toàn thân. Kết quả là: 
* Một số cảm giác ngoại biên bị giảm bớt. 
* Hoạt động cơ bắp sẽ yếu kém. 
* Người già dễ bị mất thăng bằng. 
 Sự lão hóa của các dây thần kinh ngoại biên 
 Tới tuổi già, tuần hoàn bị suy kém làm giảm bớt chức năng của các dây thần kinh ngoại biên và kết quả là: 
* Các hành động phản xạ bị chậm lại. 
* Sự khéo léo tay chân cũng giảm bớt. 
* Cảm giác ngoại biên cũng suy kém. 

Tóm tắt 

Thần kinh hệ điều hành mọi hoạt động và cảm giác của cơ thể, ngoài ra còn có chức năng đặc biệt về cảm nghĩ, suy xét và trí thông minh nữa. Não bộ và tủy sống hợp thành thần kinh hệ trung ương. Thần kinh hệ ngoại biên gồm toàn thể các dây thần kinh trong thân thể. Thần kinh hệ trung ương cũng chia ra chất sám do các tế bào thần kinh kết hợp lại và chất trắng do các sợi thần kinh liên kết với nhau. Kể từ trên xuống dưới thì não bộ gồm có đại não, tiểu não và thân não. Kế tiếp ở phía dưới là tủy sống. Đại não gồm 2 bán cầu não, bên phải và bên trái. Điều rất đặc biệt của thần kinh hệ là sự tiếp nối nghịch đảo giữa 2 bán cầu não và thần kinh ngoại biên của 2 bên thân thể. Chức năng của đại não bao gồm các hành động tự ý kể luôn tiếng nói, các cảm giác về sự vật chung quanh thân thể cùng cảm giác trong thân thể và mọi sự liên quan tới trí khôn của con người. Chức năng của tiểu não là giữ thăng bằng cho thân thể và điều hành các cử động chính xác, nhịp nhàng của con người. Chức năng của thân não liên quan tới hoạt động của tim, phổi, phản xạ nuốt và giữ cho con người không bị bất tỉnh cho nên khi thân não bị hư hại sẽ gây tử vong mau lẹ. Thần kinh hệ cũng bị lão hóa như các thành phần khác của thân thể theo lẽ tự nhiên và thường khởi đầu ở lứa tuổi 70. Theo kinh nghiệm lâm sàng, mọi người đều có khả năng giảm thiểu sự lão hóa thần kinh bằng cách vận động thân thể thường xuyên, không uống rượu, không hút thuốc lá và điều trị cho tới mục tiêu các bệnh tiểu đường, huyết áp cao và dư mỡ trong máu. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Thần kinh hệ trung ương Central nervous system 
Thần kinh hệ ngoại biên Peripheral nervous system 
Tế bào thần kinh Neurone Sợi trục Axon Sợi nhánh Dendrite 
Tế bào đệm Glial cell Xung động thần kinh Impulse 
Chất sám Grey matter 
Chất trắng White matter 
Đại não Cerebrum 
Tiểu não Cerebellum 
Thân não Brain stem 
Bán cầu não Cerebral hemisphere 
Thùy trán Frontal lobe 
Thùy đỉnh Parietal lobe 
Thùy chẩm Occipital lobe 
Thùy thái dương Temporal lobe 
Hệ viền Limbic system 
Tủy sống Spinal cord 
Thần kinh đuôi ngựa Cauda equina

Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

O Áo Tím -Thơ PhamPhanLang - Nhạc Mai Hoài Thu - Ca Sĩ Vân Khánh



Thơ: PhamPhanLang
Nhạc: Mai Hoài Thu 
Ca Sĩ: Vân Khánh

Thêm, Vô



Hiểu và không hiểu được
Dây trói buộc kiếp người
Nghĩ tưởng còn có ta
Còn chịu hoài buộc trói

Tâm an nhiên vô ngại
Hiểu,không hiểu mây trôi
Tu, vô tu - tác nghiệp
Tự do xa vợi vời

Thanh thản không giữ bỏ
Buồn vui chẳng lìa mời
Là trăng thơ, là bạn
Ngăn "ai"(?) vầy cuộc chơi

Cùng thông không dính mắc
Hơn, thiệt không tiếng lời
"Sắc, không" đồng diệu vợi
Đến, đi chẳng ta người

Hiểu và không hiểu được
Bận tâm chi người ơi!

Hà Nguyên Lãng

Sóng Vỗ Bờ Xa


Nằm nghe sóng vỗ bờ xa
Hoa rơi tàn tạ nhạt nhòa hương xưa 
Nằm nghe sóng vỗ giữa trưa
Câu thơ lục bát đong đưa đời mình
Buồn tình cha chả buồn tình
Ai qua bên nớ cho mình gởi thơ
Nằm nghe sóng vỗ vào bờ
Trời xanh mây trắng lững lờ bay đi
Nằm nghe sóng vỗ thầm thì
Anh ơi anh hởi! Anh đi phương nào??

Hoàng Long

Lá Mùa Thu Trở Lại



Mùa thu nữa đã về cành lá đỏ
Nón che vành mượn chút nắng thời gian
Em có lẽ đang ngồi nhìn lá đợi
Bước chân người từ dĩ vãng về ngang

Mùa thu trước có mấy phần sắc lá
Vàng mênh mông trên những vết tay người
Ai giữ được gió mùa hương phấn cũ
Lược cũng buồn từng sợi tóc gương soi…

Em yêu dấu, lá thu mùa trở lại
Có mấy lần vàng thắm đỏ thân cây
Có mấy lần hỏi em mùa thu trước
Những ngại ngùng từ hơi ấm bàn tay

Thôi em nhé, ngủ yên mùa thu cũ
Đông sẽ về dù lá có buồn rơi
Như thắm mặn biển xa ngày nắng cạn
Những giọt thầm còn đọng lại viền môi…


(Viết cho mùa thu Melbourne, Australia)
Người Chợ Vãng


Trường Bà Tuần: Một Thuở Mê Tuồng Tích Hát Bội Ở Huế

Bà Tuần là ai? 

Đối với những “ôn mệ” người Huế năm ni thuộc lớp tuổi từ thất tuần sắp lên mà hồi trước sống ở “Côi Dinh” (tức là thành phố Huế) nhắc đến Trường hát Bà Tuần tức là nhắc đến nhiều kỷ niệm đặc biệt mà lớp con cháu sau này không thể nào chia xẻ được những cái nét thú vị của chúng…
– Chà, lâu hung rứa ? Một bà cụ năm ni tuổi ngoài bát tuần đã nói với tôi – Cháu ơi, bác làm răng nhớ “hắn” thành lập năm mô. Tra quá nên lú lẩn rồi.

Nghe bà cụ không giúp chi nhiều cho tôi được về phương diện ký ức của trường hát này, tôi bèn viết thơ qua Paris (Pháp) vấn kế, tham khảo với ông anh cả học giả Thái văn Kiểm của tôi. Chẳng phải chờ lâu lắc, tôi đã nhận được hồi âm mau mắn từ bộ óc thông thái này, tác giả cuốn “Cố Đô Huế”.

“Rạp Bà Tuần là cái rạp hát ở đường Ngã Giữa, do bà vợ ông Tuần Phủ Đặng Ngọc Oánh (cũng có tên Kim) tạo lập. Ông này gốc người Nam. Có mấy người con trai. Đặng Ngọc Vinh làm Tham Tá Tòa Khâm Huế, rồi đổi ra Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ. Đặng Ngọc Sách làm Kho Bạc (sau cũng làm Trưởng Ty Kho Bạc Đà Lạt). Đặng Ngọc Lựu (Kho Bạc Hà Nội). Còn Đặng Ngọc Hùng, em út trông coi cái rạp Bà Tuần Oánh. Bác sĩ Đặng Ngọc Hồ là một trong những người cháu của Bà Tuần. Rạp Bà Tuần đã xuất hiện sau Đệ Nhứt Thế Chiến (14-18)”.

Thế là tôi chợt nhớ đến anh bạn cùng trang lứa tên là M., con của giáo sư Hán tự của trường Quốc Học, cụ Phan Xuân Hiển. Nhà của anh ở khu Cầu Đất trong Thành nhưng chịu khó đi “nghễ gái” ở đường Ngã Giữa (có tên khác là đường Gia Long nếu dò theo bản đồ chính thức của thành phố Huế). Đường Gia Long sau này lại đổi thành đường Phan Bội Châu vào khoảng từ 1954 trở về sau. Công trình của anh M. – Trời đâu có phụ – đã giúp anh làm “đông sàng” trong gia đình họ Đặng bề thế này. Chị M. nghe đâu gọi Bà Tuần bằng bà nội. Hồi trẻ chị cũng thuộc loại mũm mĩm dễ thương, chả trách đã lọt vô mắt xanh của chàng trai Cầu Đất.

Trong trí nhớ mù mờ của tôi, Bà Tuần đã ở trong căn nhà của dãy phố trệt, nằm cách phía dưới rạp hát về bên tả khoảng chừng hơn một trăm thước trở lại, nhưng lại phía trên cùng dãy với những quán bún bò, những tiệm thợ bạc, nhà sách cũ của ông Lê Thành Tuân, tiệm bán guốc. Và đặc biệt hơn cả, dãy phố Bà Tuần nằm đối diện với phòng tranh của họa sĩ Phi Hổ lâu đời ở Huế và cửa hàng coi tướng số của cô “Thanh Ròn”. Theo tôi nhớ, cô Thanh Ròn là một phụ nữ tuổi xồn xồn vào khoảng cuối thập niên 50, ăn mặc điểm trang kỹ lưỡng vô cùng nên son phấn nhìn thấy rõ trên khuôn mặt xương xương. Đồ nữ trang luôn luôn óng ánh chói lòa ở cổ. Tác người của cô – trời đặc biệt cho khỏi cần phải ăn kiêng cữ – nghĩa là “ròm” tự nhiên.

Nhà tôi nguyên ở đường Cửa Đông Ba (khu Bến Tượng), tên thuở Pháp thuộc là rue Mirador Neuf (đường Vọng Lâu số 9) và tôi đã học trường Khải Định tức Quốc Học bên Hữu ngạn sông Hương ( tính từ trên nguồn đổ xuống theo kiểu Tây, còn theo kiểu ta thì tính ngược lại vì tính từ cửa biển đi ngược lên)…. đằng đẳng bảy năm trời. Do đó, con đường Ngã Giữa (hay đường Gia Long, hay Phan Bội Châu) là con đường tôi đã đi qua khiến mòn không biết bao nhiêu là… guốc, săng đan và lốp xe đạp. Cảnh trí và các nhân vật trên con đường này vô tình đã chui tọt nằm êm ả trong góc tư của ký ức của tôi.

Chính mắt tôi chưa từng thấy Bà Tuần Oánh vì trong thời gian này bà đã già, chỉ ở trong nhà của dãy phố trệt, phía trước có một cái hiên dài dựng trên nhiều cây cột gỗ. Nhưng một năm nào đó, tôi còn nhớ ở nhà bà có một đám tang lớn – hình như của người con làm Tòa sứ gì đó – Sở dĩ tôi nhớ vậy vì đám tang có tổ chức lễ “Hò Đưa Linh” rất trọng thể mà tôi được coi thấy chỉ một lần duy nhất trong đời. Quang cảnh buổi đưa linh với những người âm công làm trạo phu, tay cầm chèo khoát qua khoát lại trong không khí cùng với những giọng hò nhịp nhàng nhưng ai oán khiến đầu óc thơ ngây của tôi thuở đó tưởng rằng linh hồn của mình sau khi tắt nghỉ tức nhiên phải đáp lên một con thuyền để đi từ cõi dương qua cõi âm huyền bí… Và một năm khác, đi qua nhà bà Tuần Oánh, tôi lại thấy tổ chức một lễ ăn mừng thượng thọ của bà, nhưng tuyệt nhiên chưa hề một lần biết mặt bà ra sao…

II. Rạp Đồng Xuân Lâu

Tuy nhiên, ngược lại, tôi lại biết khá rõ về cái rạp hát do Bà Tuần tạo lập. Dù rằng tên chính thức của rạp là rạp Đồng Xuân Lâu nhưng dân Huế vẫn gọi bằng một cái tên quen thuộc, đầy bình dân tính là Trường Bà Tuần… Trường đây là “hí trường”, gọi tắt theo kiểu nói của dân Huế… Nhưng đối với tôi, “Trường Bà Tuần” là một thứ trường học của tôi học được nhiều thứ mà sách vở nhà trường không có dạy… Tôi đã học được rất sớm về hát bội, ca Huế, coi cải lương…, học đủ thứ hỉ nộ ái ố của cuộc đời diễn ra trên cái hí trường nhỏ hẹp cổ lỗ này.. May mà thuở nhỏ, tôi không mê “trường gà” ở Huế.

1. Vị trí

Trường Bà Tuần tọa lạc trên đường Ngã Giữa (Gia Long), ở phía bên tay phải nếu đi từ phía dưới của Đông Ba lên phố chính của Huế tức là đường Paul Bert (Trần Hưng Đạo). Đối diện với Trường hát bên kia đường là phía sau của Đình Phú Hòa (hay Đình của Phường Đệ Nhất, một trong chín phường của kinh thành Huế thuở còn Tây) và một con đường hẽm không có tên khá rộng đi thông ra đường Hàng Bè (hay Quaie de Đông Ba), con đường này chạy dọc theo dòng sông Đông Ba, ngó qua bờ bên kia là đường Hàng Đường, đường Huỳnh Thúc Kháng (vì hồi trước có tờ báo Tiếng Dân của nhà cách mạng này ở gần Bến Tượng).

Vào cái thuở cuối thập niên 40, Trường Bà Tuần xây vào khoảng sau Đệ Nhất Thế Chiến ( 1914 – 1918) cũng đã liệt vào hàng kiến trúc cổ lỗ với hoảng 25 tuổi đời, so với các hí viện được tạo lập về sau để dùng chiếu bóng như rạp Tân Tân (trên đường Trần Hưng Đạo), rạp Morin (bên phố Tây), rạp Châu Tinh (khu Gia Hội) v.v… Trước đó, Trường Bà Tuần cũng có một thời oanh liệt vẻ vang khi mới thành lập vì đó là một hí viện xưa, duy nhất của thành phố Huế được diễn những vở tuồng hát bội hay những buổi tuồng ca Huế của gánh Kim Sanh được thành lập vào năm 1925. Chính ở Trường Bà Tuần này, tôi đã thấy ảnh của kép Năm Châu và các đào Kim Lan, Kim Cúc khi gánh hát cải lương Năm Châu trình diễn ở Huế… cũng như thấy những bảng quảng cáo của nhiều gánh hát khác như Kim Chung, Tiếng chuông vàng Bắc Việt, tuồng tàu Hồ Quảng, hay Đồng Ấu Ban mà đào kép là những nhi đồng hay thiếu niên thuộc lứa tuổi 15 – 20 như tôi thuở đó. Khoảng đất của trường Bà Tuần chỉ vào khoảng gấp đôi, cùng lắm là gấp ba diện tích của một nhà thường dân ở Huế. Trước mặt là đường Ngã Giữa, phía sau quay vào bờ hào của ngoại thành Huế. Mặt tiền của Trường Bà Tuần có một cái nghi môn xây bằng gạch đỏ xi măng sơn vội vàng. Tôi nhớ hình như tên rạp chính thức Đồng Xuân Lâu được đúc xi măng rồi gắn vô một bức cuốn thư trên cái nghi môn.

Tiền phòng của rạp ở mặt phố tuy thấp nhỏ, nhưng cũng đủ chỗ để làm một phòng bán vé và một gian trong để một vài nhạc công ngồi đó đánh trống thổi kèn ầm ĩ… Chính những tiếng trống tiếng kèn này hằng đêm đã vang dội ra mặt đường, kích thích tôi vô tả… Như một sự giao kết mặc nhiên giữa cha tôi và tôi thuở đó, mỗi tối sau khi cơm nước xong và các bài học bài làm của trường mà tôi đã học thuộc và làm xong thì tôi có quyền chạy đi chơi tự do… miễn là phải về nhà khoảng tám rưỡi chín giờ để ngủ… Sự giao kết này tôi luôn luôn thực hiện đúng có nửa phần đầu, còn phần sau, tôi thường vi phạm qui định về giờ giấc trở về nhà ngủ vì tuồng hát thường vãn về khuya 11 giờ rưỡi… Đặc biệt là những hôm mà tôi thấy một hai chiếc xe kéo của rạp hát đi diễn qua ngoài đường cho bảng quảng cáo tuồng diễn buổi tối về Thầy Đường Tam Tạng Tây du thỉnh kinh có ba đồ đệ là khỉ Tề Thiên, heo Bát Giới, và quỉ Sa Tăng… Thuở đó, tiền túi đương nhiên là tôi không có để mua vé đàng hoàng, nhưng như một con nắc nẻ thích ánh đèn, tôi khoái chạy lên Trường Bà Tuần đứng vớ vẩn để nghe trống kèn, hoặc chực có người quen thì xin đi ké vô. Giả dụ, gặp bữa mô tuồng hát hấp dẫn ly kỳ quá thì tiền dành dụm được 5 xu, 1 giác (trong Nam gọi là cắc)… tôi bèn “chuồi” lót cho anh gác cửa để vô lậu trong rạp khỏi mua vé… Cũng có bữa, không có tiền chuồi lót thì chạy qua lối hông ở sau rạp và leo lên nhìn qua kẻ hở của bức vách ván gỗ để thấy đào kép diễn ở bên trong… Đứng coi như thế mà lòng hồi hộp vô cùng vì lâu lâu bị người gác rạp cầm roi phết đít đuổi đi… Và mũi thì ngửi nồng nặc mùi nước tiểu… tuy rằng trên vách tường có viết ba chữ bằng sơn đỏ, to bằng con gà mái mệ : CẤM PHÓNG UẾ !

Gặp bữa mô gánh ca Huế Kim Sanh trình diễn có màn đấu boa-nha (poignard) ác liệt hay tuồng Phong Thần đấu phép là trí óc của tôi lại vận dụng để cố kiếm cách đi xem lậu. Hoặc là vào giấc xẩm tối trước khi rạp hát bắt đầu hoạt động, tôi lẻn vô núp trong gầm hay kẹt tối của bức gỗ của rạp… Thường mười lần hết chín là bị xách tai đuổi ra ngoài… Hoặc là một cách công khai… đường đường chính chính… chờ cho đến khuya rạp “thả cửa” vào màn cuối… thường thường chỉ có 10 – 15 phút sau cùng, ai cũng vô được không cần vé thì thế nào cũng có mặt tôi trong đám khán giả “thả cửa” này. Vào lúc này thì trống ở trước cửa khôn g đánh thì thùng nữa mà chỉ đánh “cắc cắc” báo hiệu sắp vãn…Do đó dân Huế thường nói “Trường Bà Tuần khỏ cắc rồi”, liệu đi ngủ, mai đi làm chứ.

Bây giờ nghĩ lại chuyện ngày xưa, tôi hoàn toàn không cảm thấy nhục nhã gì cả, vì lớp tuổi thiếu niên coi đó là những chuyện mạo hiểm phiêu lưu, như những lần đi coi đá banh bên sân vận động ở khu Đất Mới (sau khu Đất Mới có một “xóm đĩ” và một quán bán “cơm Âm Phủ” cho khách chơi khuya vào thời trước). Đi mười lần hết chín là “chui rào”. Chui thành công vô trong cũng sướng như sau này đi thi thấy tên trên bảng vậy… Ai ngờ sau này là người lớn, tôi cùng gia đình lại “đi chui” khi vượt biên… và cái sướng lần này to lớn như trúng số vậy.

2. Kiến trúc

Trước cửa trường hát Bà Tuần, hàng quà bánh cực kỳ hấp dẫn : có vài gánh cháo lòng hay bún bò mà nồi nấu luôn luôn bốc khói vì để trong cái thúng đựng cái “bếp trú” lửa cháy âm ỉ hoài, mùi thơm ngào ngạt… Bây giờ nhớ lại tôi vẫn có cảm giác như xưa… lại có gánh “phở Huế” dọn ra những đọi phở hoàn toàn khác phở Bắc nhưng cũng có vị ngon riêng… Ngày Tết, trước cửa rạp lại có nhiều hàng rong hấp dẫn… khiến dân ăn hàng nhân tâm tùy bọc chứa tha hồ mà thưởng thức như dấm nuốc chả mực, bánh ướt, bánh ram, bánh đúc xanh kiểu Huế, ăn với mật bằng cái dao tre…


Bây giờ các bạn hãy để tôi cố gắng vận dụng trí nhớ mà đi vô kiến trúc của Trường hát vào khoảng cuối thập niên 40. Bên phải cửa tiền phòng làm chỗ bán vé của trường hát là một căn nhỏ có một hàng bán nước chè Huế, bày cái bàn thấp cùng với vài cái đòn để khách ngồi. Tôi nhớ mãi mùi nước chè nóng thơm ngai ngái lẫn mùi gừng dễ chịu lạ thường, cũng như mùi thuốc lá quấn mà mấy người khách bình dân hút thì châm điếu thuốc vô một cái mồi làm bằng sợi dây dừa dài treo lũng lẳng từ cái đòn… Còn bên trái cửa tiền phòng bán vé cũng có một căn nhỏ cho “thợ cúp tóc” thuê… trên trần treo một cái “quạt bàn”, tức là một tấm cót tre hình chữ nhật được điều khiển phe phẩy qua lại bằng cách kéo dây. Rời phòng vé đi vô rạp phải đi qua một lối lộ thiên về hướng tay trái khoảng 5 – 10 bước để rồi lại rẽ phải để tiến vô cái lòng rạp chính thức. Ở cửa lối lộ thiên là một lối ra có cửa đóng. Cửa chỉ mở khi vãn hát để khách đi ra… Nếu rẽ bên phải cửa lối lộ thiên là vô phòng làm việc của bạn quản trị, và phòng đào kép trong hậu trường.

A. Khán trường

Lòng rạp chia làm hai phần. Khoảng hơn 8/10 là khán trường để sắp ghế ngồi cho khán giả. Hạng nhứt và hạng nhì là những ghế mây ở chính giữa có mang số cẩn thận… Còn hạng chót là hai hàng bục gỗ ở hai bên, từ thấp lên cao, khỏi cần có số, ngồi đâu tùy ý. Tôi còn nhớ cuối rạp ngay chính giữa có một cái gác lửng, trên cũng để ghế cho khách ngồi coi, có thể đó là hạng ba trên hạng tư là hạn chót.
Tường của rạp xây bằng gạch, đặc biệt có nhiều lỗ thông hơi bằng cách xếp gạch xéo xéo để người bên ngoài ngó vô không thấy bên trong, mà người bên trong thấy thoáng khí…

Cách thức sắp xếp chỗ ngồi của lòng rạp của Trường Bà Tuần (tức Đồng Xuân Lâu) cũng được một rạp khác mô phỏng. Rạp này ít được ai biết đến vì nó dựng ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên, quê của bà Từ Cung mà tôi sẽ nói đến ở kỳ sau. Rạp hát Mỹ Lợi đựng bên rạp là các bục từ thấp lên cao cho hạng chót hay hạng cá kèo như trong sân vận động vậy. Chính vì cái lối kiến trúc với tường vách có lỗ thông hở hang và diện tích nhỏ hẹp của rạp nên Trường hát Bà Tuần không thể nào được mượn để chiếu bóng hay tổ chức những buổi thuyết hay trình diễn văn nghệ như Hội trường của hội Quảng Tri nằm trên cùng đường Ngả Giữa, ở phía trên và xoay mặt ra đường Hàng Bè (hay đường Huỳnh Thúc kháng). Một điểm đặc biệt khác là vào khoảng của những năm 40, Trường hát vẫn còn dùng những tấm quạt mát cho những khán giả hạng nhứt và hạng nhì…Còn mấy khán giả ngồi hai bên bục gỗ bậc cấp thì chịu khó nóng bức. Nếu có gió mát mà lọt vô là từ một dẫy cửa sổ ở trên cao gần nóc… Nên gặp mùa nóng cức tháng tư ở Huế nhiệt độ cỡ 39 – 40 thì kể như được tắm hơi. Tôi luôn luồn lỏi đứng ở gần sân khấu nên thấy các đào kép mồ hôi nhễ nhãi trên những bộ mặt vẽ phấn son, nhất là họ phải mang đủ thứ trang phục cân đai mũ mãng v.v….

B. Hậu trường sân khấu

Thuở nhỏ, vì con nít, tôi mặc tình đi luông tuồng thám thính nhiều nơi vì tò mò kích thích… Tôi lò mò vô đến hậu trường chỗ mấy đào kép ngồi vẽ mặt và mặc trang phục trước khi ra sân khấu… Có bữa tôi cũng bị họ la rầy đuổi ra, nhưng vẫn lén vô coi. Sau nầy tôi đọc sách về ngành hát bội thấy mấy khuôn mặt vẽ khiến tôi bồi hồi cảm xúc nhớ lại buổi ấu thơ… (Xin quý bạn coi những hình chụp). Tôi lại tò mò đứng ngắm bàn thờ Tổ một cách vừa sợ sệt vừa thích thú… Đó là hình một con “búp bê” làm bằng đất nung, mặt sơn son, mình mặc áo gấm ngồi trong một cái trang thờ bằng gỗ. Đào kép thường gọi là “Ông Làng” mà họ thường cung kính vái lạy mỗi khi bắt đầu hát xong mỗi tối.

Thuở nhỏ nhìn thấy “Ông Làng” thì tôi chỉ biết vậy nhưng không thắc mắc tại sao “Ông Làng” lại là con búp bê. Vì theo tài liệu tôi đã tra cứu sau này thì Tổ nghề hát bội có hai người:

Một người là Lý Nguyên Cát, người Trung hoa bị Việt nam bắt khi nhà Nguyên qua xâm lấn nước ta vào đời Trần. Ngành hát bội theo lịch sử đã bắt đầu có từ đời nhà Nguyên. Chính Lý Nguyên Cát đã dạy dân ta về cách giải trí sân khấu nên được thờ làm Tổ.

Người thứ hai tên là Liên Thu Tâm, cũng người Trung hoa, được Lê Ngọa Triều dùng để giảng dạy các cung nữ cách hát tuồng từ năm 1005 (phỏng theo tài liệu từ cuốn Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ – Khai Trí 1970).

Nhưng mới đây, nhờ đọc cuốn “Cố Đô Huế”, lịch sử cổ tích thắng cảnh của Thái Văn Kiểm, trí tò mò của tôi về con “búp bê” được thờ làm Tổ của ngành hát bội được thỏa mãn qua đoạn viết sau :

Theo tục truyền, vị thần bổn mạng này xưa kia là một vị hoàng tử mê say hát bội. Một hôm có tổ chức một buổi hát cho vua ngự giám, hoàng tử muốn đi xem nhưng sợ phụ thân quở phạt đành phải thúc thủ, nhưng không thể nào thắng được dục vọng là lòng hâm mộ, ông bèn cải trang rời cung điện, trốn đi cho kỳ được, rồi lén ngồi trên dàn tre chung với dân chúng.

Hôm ấy, như người ta đã tiên đoán hát rất hay, tất cả đào kép đều vô cùng xuất sắc, vua ban khen, dân chúng hoan hô cuồng nhiệt làm sập dàn tre, đè hoàng tử chết.

Từ ngày ấy, tuy thành người thiên cổ, oan hồn của hoàng tử không tiêu dao miền cực lạc mà cứ vấn vương theo các gánh hát để phù hộ những nghệ sĩ đã làm cho ông lúc sinh thời tìm được một thứ tiêu khiển thanh nhã lý thú.
Người ta tin chắc rằng vị thần này linh thiêng lắm nên họ thờ kính rất trịnh trọng mong được ngài truyền cho ngọn lửa thiêng của nghề để có cảm hứng và thanh âm đặng hát cho hay, tức cảnh ứng cảnh và ứng khẩu cho may mắn, cho có duyên, điệu bộ cho mùi mẫn để thành công trong nghề nghiệp.

Tục còn truyền rằng vì ông chết thảm trong tuổi hoa niên, hồn chưa sạch nợ nần vật chất, nhất là hương thơm, nên chi ông có thể còn giữ cái phù khi lúc còn sống mà chạy theo hương thơm. Cho nên người ta yêu cầu những người có mang theo các vật có mùi thơm nên tránh xa sân khấu, cấm ngặt khán giả hát bộ không được đem theo một số hoa quả “có tên trong sổ đen” như trái thị chẳng hạn, vì nó có thể tạo sóng gió trong buổi diễn xuất và làm trở ngại cho sự thành công của gánh hát.

III. Một thuở mê say tuồng tích

Tôi khoái nhất là đoạn nói ông Hoàng tử nhỏ bé này mê hát bội nên cải trang lên ngồi trên dàn tre chung với dân chúng rồi dàn tre bị sập nên đè chết ông. Tôi thấy sao giống tôi quá vì tôi cũng mê đi coi hát mà chui vô núp dưới cái bục gỗ trong rạp Bà Tuần để đặng coi hát, nhưng may không bị… đè sập, mà chỉ bị xách tai kéo đuổi ra ngoài sau khi hít đã đời cái không khí “khai khai” ẩm mốc của gầm bục gỗ. Nói là “khai khai”, kỳ thực là “hôi xoong” vì có lắm vị nhi đồng đã tè kín đáo khỏi mất công bỏ đi… sợ mất chỗ tốt ! Con nít thì thuở nào cũng giống nhau. Chắc có bạn thắc mắc hỏi tại sao tôi thích coi hát xướng. Nói nào ngay thì thuở đó đâu có chi giải trí ngoài sự đùa nghịch, chạy đua với tụi bạn nhỏ ở quanh vườn bông Ngã Giữa. Tôi bị thu hút vì ánh đèn sáng trưng, tiếng trống thùng thình, tiếng nhạc kéo ỉ ôi, điệu kèn mu-dích (musique) du dương vang dội từ cái Trường hát Bà Tuần. Tuy nhiên thưởng thức được hát bội không những phải hiểu tuồng tích mà còn phải biết nghe hát, biết nhận xét bộ điệu của các diễn viên. May mắn cho tôi là trong xóm Đông Ba của tôi có cụ già làm nghề thợ ma~hay thỉnh thoảng kể chuyện đời xưa cho tụi con nít nghe… nào là chuyện Phong Thần, nào là chuyện Tam Quốc, nào là chuyện Tây Du… Rồi sau đó, lớn lên thêm một chút, tôi lại kiếm những sách về những chuyện xưa để đọc thêm… Mỗi khi đọc được chuyện chi hay lại đàn đúm nhau ngoài Vườn bông Ngã Giữa mà kể lại cho nhau. Tôi lại nhờ ông cụ trên chỉ vẽ thêm về cách nghe hát bội mà tiếng hát thường rống to như thét vào tai… nhưng có lúc hạ xuống nỉ non áo não vô tả, nhất là những đoạn biệt ly bịn rịn mà đấng phu quân nhẩy lên ngựa ra đi để đánh trận, thì bà vợ cứ quyến luyến cầm tay không dứt áo…

Nhờ coi hát bội mà sau này học Chinh Phụ Ngâm tôi mới thấy cái hay cực kỳ thấm thía của câu thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn:

Ngữ phục ngữ hề, chấp quân thủ
Bộ nhất bộ hề, phan quân nhu

mà Bà Đoàn thị Điểm đã diễn Nôm:

Nhủ rồi tay lại trao liền
Bước đi một bước lại vin áo chàng.

Dịch nôm ra thơ lục bát như vậy đã là hay, nhưng xét về cách điệp ngữ cố ý của các chữ Ngữ… ngữ, Bộ… bộ ( lời… lời, bước… bước) thì câu dịch dù khéo thế nài cũng không thể diễn đúng cái nhịp điệu và ngẫu đối của nguyên văn:

Lời tiếp lời… tay chàng em nắm chặt
Bước một bước… áo chàng em níu theo.

Coi hát bội, khán giả phải giầu tưởng tượng mới thấy hay : Thấy ông tướng cầm cái roi có tua thì phải tưởng tượng rằng ông đang cưỡi ngựa. Thấy một giải lụa trắng dăng ngang sân khấu hãy cho đó là một con sông…Thấy hai ba tên cầm cờ chạy qua chạy lại tức là đang đánh trận, ba quân đông đảo (mấy tên này ở Huế gọi là chạy hiệu).

+1. Tuồng San Hậu

Tôi học cách nhận định một nhân vật bằng cách nghe họ xưng danh khi mới bước ra sân khấu. Như khi trong tuồng San Hậu, vua Tề Vương Thiện Đế tuy rằng đã có đủ tam cung lục viện nhưng chưa có con trai để nối nghiệp đế vương thì hát để tự giới thiệu thân thế và ước mong của mình như sau:

Thế an chân vạc
Sửa trị ngôi trời
Nối Tề trào truyền dõi Tống Ban
Cầm Kiền Tượng Tề Vương là trẫm
Ngoài đã yên trăm cõi
Trong lại vững giềng ba
Lòng con lo cơ nghiệp Tề gia
Sau truyền ngôi, nhiếp tôn đế vị
Một căn nơi lục viện
Hai bệ ở tam cung
Tưởng có đức có nhân
Trẫm công đồng dường ấy…


Tuồng San Hậu là vở tuồng quen thuộc, thường được trình diễn ở Trường Bà Tuần thường xuyên, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán ở Huế. Vở tuồng đề cao lòng “Trung trinh báo quốc” và rất có hậu ở đoạn kết : Vua Thiện Đế tuy rằng lấy hai chị em thuộc dòng họ Tạ nhưng lại không có con trai, nhưng vua Thiện Đế mất nên Thái sư Tạ Thiếu Lăng, em của chánh cung, bèn mưu cướp ngôi vua và giam Phàn thứ hậu vô lãnh cung. Các nhân vật trung thần là Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá phò ấu chúa lên San Hậu Thành rồi về sau trở về trung nguyên khôi phục ngôi vua.

Tôi còn nhớ ở Huế thuở trước, người dân đầu xuân thích bói tuồng. Nếu lúc vô rạp mà gặp lúc nhân vật trung thành như Đổng Kim Lân đương hát tức là năm đó sẽ gặp quý nhân phò trợ dù rằng đang gặp phải nhiều trở ngại khó khăn… Ngược lại, mới vô gặp lúc gian thần đang đắc thời đắc thế thì năm đó làm ăn sẽ không khá… mà có bề hắc ám…

Phụ thân tôi cũng thường thích kể chuyện đời xưa cho tôi nghe, nhất là chuyện Tam Quốc. Điều này cũng giúp tôi hiểu tuồng tích khi đi coi hát bội… Sau này đọc về địa lý nước Trung Hoa, tôi thấy có dòng sông Dương Tử (Yang Tse) mà người Tàu thường gọi là Trường Giang vì nó là con sông dài nhất Á Châu (khoảng ba ngàn năm trăm dậm Anh) bắt nguồn từ Tây Tạng rồi đổ nước ra biển ở phía đông. 

Nhà thơ Thế Lữ có câu thơ rất hay mà tôi còn nhớ mãi:

Lòng em như nước Trường Giang ấy
Sớm tối theo chàng đến Phúc Châu


Phúc Châu tức là đất Phúc Kiến, nằm ở hải khẩu của con sông dài ngút ngàn này. Ca dao miền Nam ta cũng có câu đậm đà tình nghĩa :

Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ mấy năm cũng chờ

Chính trên con sông Trường Giang (Dương Tử) của Trung Hoa, cách đây gần 1800 năm đã là một diễn trường cho cuộc mưu mô tranh đoạt và chém giết đổ máu của những con người thời Tam Quốc (221-223). Tôi đã xem nhiều vở tuồng Tam Quốc ở Trường Bà Tuần, nhưng hai vở làm tôi nhớ mãi là: Giang Đông Phó Hội và Giang Tả Cầu Hôn.

+2. Tuồng Giang Đông Phó Hội

Câu chuyện Giang Đông Phó Hội như sau: Thời Tam Quốc, lúc Ngô Lưu hội binh chống Tào trên sông Trường Giang, Châu Du lập kế mời Lưu Bị từ Hạ Khẩu qua Giang Đông ( phía đông sông Trường Giang), bề ngoài là để kết chặt thâm tình trong việc chống Tào, bề trong là để giết Lưu Bị cho tuyệt hậu hoạn. Nhưng trong tiệc, Châu Du thấy Quan Công oai dõng đứng sau lưng Lưu Bị, nhớ lại việc Trụ Văn xử trảm Nhan Lương, nên sợ không dám xuống tay. Mãn tiệc, Lưu Bị và Quan Công về Hạ Khẩu vô sự (Việt Nam Tự Điển Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ).

+3. Tuồng Giang Tả Cầu Hôn

Và câu chuyện Giang Tả Cầu Hôn như sau : Lần này, Chúa Đông Ngô là Tôn Quyền hao tôn binh tướng rất nhiều mới thắng được Tào Tháo trên sông Xích Bích, nhưng bị Lưu Bị đoạt mất Kinh Châu của Tào Tháo. Tôn Quyền mấy phen đòi lại không được. Châu Du dâng kế gạt mời Lưu Bị qua gả em gái Tôn Quyền cho, cốt ý cầm chân Lưu lại mà đòi Kinh Châu. Ai ngờ quân sư Khổng Minh của Lưu Bị bèn tương kế tựu kế khiến cho Lưu cưới được vợ là Ngô Quận Chúa đem về Kinh Châu. Châu Du đem binh rượt theo bị phục binh của Khổng Minh đánh tan vỡ… Châu Du vốn bị chứng loét bao tử đã nặng, đã từng bị Khổng Minh chọc tức nhiều lần… Đến lần này là lần thứ ba (Tam khí Châu Du) thì Châu Du tức tối vô cùng vì quân của Châu Du vừa bị quân Lưu Bị đánh tan, vừa bị họ đồng thanh hô lớn:

“Châu Lang nhọc sức an thiên hạ
Đã mất phu nhân lại tổn binh”.

Châu Du nghe vậy bèn ngửa mặt lên trời mà than : “Trời sinh Du sao lại sinh Lượng”. Tức khí quá bèn hộc máu mạng vong. Do đó, ở Huế có câu :”Tức hộc máu” là do điển tích này.

Nhìn lại cách đây hơn 40 năm, Trường Bà Tuần tuy là một rạp hát cổ lỗ nhưng đối với tôi quả là một ngôi trường học để tôi học những điều tôi không thể thu thập được trên ghế học đường chính thức. Tôi đã ít nhiều thấy được bao nhiêu hỉ nộ ái ố… của cuộc đời qua những tuồng tích và sự diễn xuất của các diễn viên… Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi những đoạn tuồng có nhiều tình tiết tâm lý lâm ly như vở “Dự Nhượng đả long bào” cũng đã từng diễn ra ở rạp Bà Tuần nhiều lần.

IV. Một món nợ ân tình bao giờ trả được?


Bản thân tôi là con cháu dân dã và là đám hậu sinh sau xa – đương nhiên tuyệt đối không được coi hát ở chỗ trường hát của các bậc quyền quý mà chỉ được coi hát “chui” ở cái trường hát Bà Tuần là một địa điểm của tôi ghi nhớ mãn đời… Về sau này, với thời gian, tôi dần dần khôn lớn, cảm quan về sự giải trí và nghệ thuật cũng tiến triển, không nhứt thiết còn ở trình độ “coi hát bội” cổ lỗ, và tiến lên coi ca Huế và coi cải lương, coi kịch và chiếu bóng…Duy chỉ có gánh Kim Sanh ca Huế là tôi còn coi ở Trường Bà Tuần một thời gian ngắn ngủi vì xảy ra những biến cố Nhật đảo chánh và Việt Minh cướp chính quyền, rồi sau đó tản cư và hồi cư… Còn những thứ giải trí khác như kịch và chiếu bóng… thì tôi phải đến các rạp hát “văn minh” hơn như Hội Quảng Tri, rạp Tân Tân, rạp Morin, rạp Richard, rạp Châu Tinh… Xa mặt nên đương nhiên cách lòng. Do đó, trường hát Bà Tuần đối với tôi đã trở nên một nơi lỗi thời cũ kỹ… hầu như không còn dịp nào khác trở lại để tìm những giây phút thú vị chui “lòn” vô coi hát…

Bây giờ hồi tưởng lại thuở ngày xưa, một mặc cảm phạm tội len lén trong tâm tư của tôi… nên phải dùng bút ghi lại vài trang giấy kỷ niệm để tạ lỗi của mình. Và tự thấy mình đã chịu ơn cái trường hát này rất nhiều về những điều kiến thức mà sau này tôi không thể tìm thấy ở bất cứ sách vở nào.
Món nợ ân tình biết bao giờ tôi trả được?

Bác Sĩ Lê Văn Lân
(Tuyển tập Nhớ Huế 1994)

Nụ Hôn Trong Mơ


Xướng:

Nụ Hôn Trong Mơ

Nụ tình dịu ngọt đọng trên môi
Tỉnh dậy, hương yêu thấm đẫm người
Cảm giác nôn nao dâng choáng ngợp
Trái tim rạo rực đập liên hồi
Trở về hạnh phúc thời chung bóng
Gặp lại thiên đường thuở sánh đôi
Nhắm mắt mơ màng ngày tháng cũ
Nghe lòng xao xuyến mãi không thôi.

Phương Hà
( 26/05/2020 )
***
Các Bài Họa:

Nụ Hoa Đơn Lẻ

Người hỡi hương yêu vẫn đọng môi
Mà sao ta mãi nhớ nhung người
Phải rồi người đã về thiên cổ
Còn chỉ ta đang khổ vạn hồi
Ồ lạ hồn ma thường lãnh cảm
Thế nhưng thân bướm lại đơn đôi
Người đi thăm thẳm trời sương khói
Đêm bỗng hoang liêu, sợ quá thôi...

Hawthorne 26 - 5 - 2020
Cao Mỵ Nhân
***
Giấc Mơ Ngọt Ngào...

Trong mộng nụ hôn đã gắn môi
Êm đềm ngọt lịm sướng trân người
Con tim rung động từng giây phút
Cảm giác say mê mới phản hồi
Nhớ thuở yêu đương hình với bóng
Thương thời gắn bó dáng chung đôi
Mơ màng một giấc còn vương vấn
Ước sống bên nhau suốt kiếp thôi !...

Mai Xuân Thanh
Ngày 26/05/2020
***
Nhớ chỉ để mà...

Một nụ hôn nồng ấm khóe môi
Vấn vương hương tóc nhớ ơi người
Long lanh khóe mắt lưu muôn kiếp
Xao xuyến làn mi chớp vạn hồi.
Đất khách phương này còn lẻ bóng
Quê nhà chốn ấy có chung đôi
Từng đêm hồn vẫn hoài nhung nhớ
Nhớ chỉ để mà... nhớ thế thôi...

Dương Thượng Trúc

May 26/2020
***
Giấc Liêu Trai

Tĩnh giấc,nụ tình đọng khoé môi
Quanh phòng phản phất thoảng hương người
Bóng mờ huyển hoặc nào đâu rõ
Ảnh ảo mơ màng chỉ vậy thôi !
Cứ ngỡ vết xưa ngày sánh bước
Hay là dấu cũ thuở chung đôi
Bâng khuâng mộng ấy sao vương vấn?
Tôi lặng lòng đi nhớ một hồi!

songquang

20200526
***
 Thắm Nụ Hôn

Mơ giấc đẹp nồng môi thắm môi,
Ngạt ngào hương quyện ấm tình người.
Thơ ngây mắt biếc nhìn yêu đắm,
Diệu ảo duyên hồng luyến tưởng hồi.
Tơ liễu tóc huyền xuân hợp bóng,
Ngọc ngà trăng quyến hạc hoà đôi!
Trơ buồn tỉnh mộng cười… thân lão…
Xơ cứng tim mình… nghĩ bậy thôi!

Liêu Xuyên
***
Bởi Yêu Người


Son đã phai màu nhạt nhẽo môi!
Vì ai dạ mãi nhớ thương người?
Rồi mơ giấc mộng đừng tan biến
Vẫn biết niềm tin khó vãn hồi
Lắm thủa trông chờ đi trọn lối
Bao lần hy vọng kết thành đôi
Âm dương cách biệt mờ nhân ảnh
Dõi mắt sau rèm giọt chẳng thôi!

Như Thu
26/05/2020
***
Mộng Thực

Từ ngày nếm mật chót đầu môi
Rồi dắt nhau đi suốt phận người
Vất vả năm canh cùng sáu khắc
Gian nan bảy hiệp lại ba hồi
Bóng hình vậy đó nào đi lẻ
Dép guốc xem kìa phải có đôi
Năm tháng ngộ tri nguồn hạnh phúc…
Theo dòng châu lệ mặn mà thôi…

 Cao Bồi Già
26-05-2020
***
Hương Xưa

Nắng hạ ly dừa ngọt mát môi
Về đây dạo cảnh gặp bao người
Sông xưa ngắm dạ nao nhiều lúc
Bến cũ nhìn tim đập lắm hồi
Ký ức mơ màng thời kết cặp
Tâm tư rộn rã thuở chung đôi
Ôi màu kỷ niệm bừng say khướt
Kẻ ấy đâu rồi nhớ chẳng thôi

Minh Thuý
Tháng 5/26/2020
***
Nụ Hôn Ngọt Mật

Cả đời chết lịm với bờ môi
Cảm kích hóa công cho gặp người
Giọng nói ngọt ngào gây luyến nhớ
Tiếng cười khúch khíc tạo bồi hồi
Đam mê má tựa riêng hai đứa
Quấn quít vai kề chỉ cặp đôi
Một gánh ân tình vầng nguyệt tỏ
Không gian chi có chúng mình thôi.

Toronto26/5/2020
Nguyên Trần
Viết cho một người miền Viễn Tây
***
Xin Gửi Nụ Hôn

Mơ mộng cho mình đặt xuống môi
,Chiếc hôn yêu ái gởi cho người.
Có thương xin nhớ đừng xoa vội,
Nếu giận bình tâm chớ hộp hồi.
Gặp gỡ nói vài câu tự kỷ,
Khi về ngơ ngẩn chuyện song đôi.
Tình hờ nghĩ lại lòng ân hận,
Nên chỉ mong chờ dịp thế thôi.

Hồ Nguyễn
(27-5-2020)
***
Mơ Hôn

Như ấm hẳn lên trên khóe môi
Như hồn say đắm ở bên người
Như trăng cuối tháng không nguyên vẹn
Như lá mùa thu khó thục hồi (*)
Như thuở ban đầu đi có cặp
Như ngày tháng cũ bước song đôi
Như con diều nhẹ bơi cùng gío
Như cảnh phù vân mãi thế thôi!


(*) Thục hồi ,lấy ý từ một câu ca vịnh
trong Kinh Thánh,tạm hiểu khó trở lại tình trạng ban đầu.
Thái Huy
5/26/20
***
Ai Như Từ Thức Mộng Đào Nguyên

Đông phong mọng thắm ướt đôi môi
Mở cửa hồn hoang lánh cỏi người
Cung oán cung thương ngôi Cữu ngủ
Đàn trời sao sáng rạng từng hồi
Bao chày hội ngộ tiên trong mộng
Thức tỉnh dây tơ hoa kết đôi
Duyên tục tình tiên sa giới thượng
Chìm sâu mộng mị chút tình thôi

Trần Đông Thành.
***
Giấc Mơ Hoa


Đêm mộng xuân hồng ấm áp môi,
Vòng tay da diết lúc bên người.
Là cơn mê sảng khi nhung nhớ,
Hay giấc mơ hoa lúc tái hồi.
Tình đã bay xa hai gối chiếc,
Hận còn lưu lại nửa chăn đôi.
Phòng loan lạnh lẽo chờ thao thức,
Đợi bóng ai về chỉ thế thôi.

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc.
May 27/2020
***
Tình Câm

Thổn thức đàn lòng chẳng hé môi
Thảm sầu chôn kín dẫu bên người.
Một đời trân quí tình bè bạn
Trọn kiếp ôm buồn chuyện lứa đôi.
Đi lại lối xưa hồn khắc khoải
Mơ về dáng cũ dạ bồi hồi.
Rụt rè khờ dại thời trai trẻ
Tiếc nuối u hoài cũng thế thôi!

Mailoc
5-26-2020


Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Cà Phê Đời - Thơ Hư Vô - Nhạc Hoàng Xuân Thảo - Hoà Âm Đỗ Hải





Thơ: Hư Vô 
Nhạc & Thực Hiện PPs:  Hoàng Xuân Thảo
Hoà Âm: Đỗ Hải
Tiếng Hát: Hồng Nhiên

Mùi Hương Của Huế



Trăng soi mình trên dòng sông lấp lánh
vườn nhà ai thoáng nhẹ hương ngọc lan,
tiếng chuông chùa lơ lững giữa không gian
như tiếng gọi linh hồn xưa cổ kính.

Rồi trăng ghé bên thềm nhà thanh vắng
có dòng sông là mái tóc đen mun,
em quay lưng cho trăng được ngắm nhìn
mái tóc đẹp còn thơm mùi bồ kết.

Giữa vườn đêm hoa tường vi khép nép
đóa hải-đường vẫn rực rỡ dưới trăng,
mắt ai nhìn sau hàng dậu chè xanh
như muốn níu hương và người muôn thuở

Rồi trăng xuống gần em hơn chút nữa
để hương cau thơm ngọt đậu môi mềm,
nụ cười em làm rạng rỡ đêm đen
hương của Huế cho lòng anh thơm mãi.

Sông-Hương