Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Nguyệt Thực Đêm Rạng 28-7-2018 Tại Vĩnh Long


Đêm 26-07 mặt trăng rất mờ trong mây mù, suốt từ đầu hôm đến sáng hôm sau, mà những ngày trước đó cũng vậy, tôi chẳng chút hy vọng.

Đêm 27 rạng 28 trời hơi trong tí, nghĩ thì nghĩ vậy, song 1 giờ sáng tôi bước ra ngoài sân, nhìn trăng khá rõ, không biết sắp tới ra sao, được ngắm, ghi hình rồi đến đâu hay đến đó. Khởi nguyệt thực vào 1 giờ 23 phút cho đến 2 giờ 36 phút, sắp đạt toàn phần, mặt trăng tối hẳn lại.









Tôi ghi được 9 ảnh đầu khá rõ, khi sắp toàn phần, mặt trăng mờ còn hơn ngôi sao kề bên “ tôi ghi 1 ảnh đối chứng “


Mãi đến 4 giờ  44 phút đến  5 giờ 11 phút ảnh rõ, ghi được 3 ảnh




5 giờ 13 phút trăng chìm hẳn trong mây dầy phía cuối chân trời.


Mời các bạn xem qua nguyệt thực vĩnh long quê tôi.

Trương Văn Phú

Quê Nghèo - Phạm Duy - Thái Thanh


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Thái Thanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Điệu Buồn Dòng Sông

 
Réo rắc bên sông khúc nhạc sầu
Đàn ai não nuột vẳng đêm thâu.
Có phải tiếng buồn than trong gió
Thương cánh bèo trôi hoa về đâu?!

Con ngõ thẳng sao đời lắc lẻo?

Cây cầu tre vẫn dáng cheo leo!
Thế kỷ con người xuyên vũ trụ
Sông quê, bờ dọc vẫn tranh nghèo!

Mùa lũ xóm làng dâng sóng biển,

Mưa chiều mái dột khổ triền miên!
Ngày nắng con kinh đào trơ đáy
Đám cỏ hoang chất ngất muộn phiền!

Em mắt ngọc bụi đường lữ thứ

Lấy chồng xa ôm giấc mơ hư!
Đời cơm áo, túp lều xiêu vẹo
Chút thơ ngây thôi cũng giã từ!

Đỗ Bình

Trên Phà Vàm Cống



Trên Phà Vàm Cống

Gió thổi lên từ mặt nước sông
Phù sa cuồn cuộn bốc hương nồng
Áo bay phần phật theo cơn gió
Tóc vướng lòa xòa che ánh trông
Người nghệ sĩ nghèo da diết hát
Đứa con gái nhỏ thiết tha mong...( * )
Mai đây cầu nối hai bờ đất
Phà chẳng còn qua, chắc...đói lòng ! ( ** )

Phương Hà

( Tháng 9/2017 )
( * ) Đứa con gái nhỏ cầm lon đi theo nhận những đồng tiền lẻ của khách bỏ vào
( ** ) TTO - Theo kế hoạch, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống sẽ thông xe tháng 11-2017. Sau đó, các bến phà Cao Lãnh và Vàm Cống sẽ ngưng hoạt động qua sông Tiền và sông Hậu.
* * *
Họa:
Bến Phà Đâu Nữa

Bến xưa nhộn nhịp khách qua sông
Khói thuốc dầu xăng hăng hắc nồng
Con gái đưa lon xin bố thí
Người cha dạo nhạc khẽ đàn trông
Đôi bờ cầu nối thôi lai vãng
Một bãi phà ngưng hết đợi mong
Khắc khoải tang thương ai kẻ lụy
Cha con bác ấy đói đau lòng

Mai Xuân Thanh

Ngày 04 tháng 11 năm 2017
* * *
Bài Họa:
Phà Xưa Đâu Tá?


Chiếc cầu ngạo nghễ bắt qua sông
Giết chết trong tôi phút ấm nồng.
Đã hết phà chiều sông lặng ngắm,
Đâu rồi cò trắng mắt xa trông.
Tiếng đàn áo não còn xao xuyến,
Giọng hát u hoài vẫn nhớ mong.
Bến bắc ngày nao đà mất dạng,
Hồn xưa cảnh cũ mãi vương lòng!

Mailoc
Cali 11-6-17
* * *
Chừng Nào Nối Nhịp?

Con phà chầm chậm chạy trên sông
Hơi nước phù sa bốc nặc nồng
Khiến khách quá giang luôn mãi nhớ
Cho người rời bến vẫn hoài trông
Đó xưa một tràn ngập lời mơ mộng
Nay hiện dở dang nỗi ước mong
Chẳng biết chừng mô khung cầu nối
Đôi bờ chung nhịp thỏa muôn lòng.

Thái Huy
* * *
Bến Phà Ngày Xưa


Cầu xây bắt nhịp để sang sông
Đã bỏ phà đưa đượm ấm nồng
Hết đón gió lùa bay mái tóc
Đâu còn nắng dọi áo xa trông
Người buôn kẻ bán buồn xao xuyến
Lữ khách qua đường mãi nhớ mong
Bến nước giờ đây hoài kỷ niệm
Một thời gắn bó đến nao lòng

Song Quang
11/6/17
* * *
Chỉ Còn Trong Ký Ức

Cả đời gắn bó với dòng sông
Vàm Cống bao năm ấm lạnh nồng
Cảnh cũ rộn ràng đà đổi khác
Bờ xưa vắng vẻ hết chờ mong
Chiếc cầu mới bắc uy nghi đứng
Ông lão thở dài lặng lẽ trông
Đâu bến đâu bờ bao kỷ niệm
Sao nghe nhơ nhớ ở trong lòng.

Quên Đi
* * *
Lão Hành Khất Và Chuyến Phà Xưa

Chuyến phà tách bến khách sang sông
Say gió lim dim vỗ giấc nồng
Giọng hát thê lương vang vọng tới
Tiếng đàn áo não ngoảnh xa trông
Nụ cười khô héo âm thầm đợi
Đôi mắt mù loà khắc khoải mong
Vàm Cống hôm nao còn tấp nập
Người đâu cảnh cũ có nao lòng

Kim Phượng

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Tìm Về - Thơ Quên Đi - Hòa Âm Nguyễn Đức Tri Tâm



Thơ: Quên Đi
Nhạc&Thực Hiện: Huỳnh Hữu Đức
Hòa Âm: Nguyễn Đức Tri Tâm


Sài Gòn Ơi



Saigon xưa, ta về theo lối mộng
Gió hiu hiu, lòng chợt thấy hiu hiu
Ta trở lại một chiều trong nắng mỏng
Nghe chút gì còn đọng bến cô liêu.

Trong những tiếng vang ồn rêm phố vắng
Trong những niềm gầy guộc chạm vào nhau
Màu dâu bể mấy mùa hương lệ đắng
Mắt nhoà theo từng bước nhỏ chiêm bao.

Người năm xưa, nay kẻ còn kẻ mất
Bạn cũ, có người về ẩn khói sương!
Đường nhân thế, mây ngàn trôi tất bật
Còn đâu đây hồn cát bụi tha phương.

Thuở kiêu hùng chìm sâu như phế tích
Chốn hoang tàn sừng sững những lầu cao
Trời sa mạc giữa lòng người say tỉnh
Ta lắng nghe lời hoa cỏ hôm nào.

Rồi chiều xưa, hay chiều sau đi nữa
Cuộc tuần lưu như thế, những dòng đời
Và như thế; giữa thanh bình - tao loạn
Dòng xoay rồi, lại tiếp một dòng trôi...!

Ta ngoảnh lại thời gian chưa mấy, đã...
Bao sắc màu ngất ngưỡng tận trời xa
Những mái chùa cong, vút hồn sỏi đá
Những niềm tin vô bổ với con người.

Rồi chiều nay ta về qua lối cũ
Nhớ chiều xưa mà chạnh nỗi chiều nay!
Một túi thơ gầy, phải đâu đời du thủ
Saigon ơi, ta còn ở phương nầy!

South Dakota, 15.12.2016.
Mặc Phương Tử


Thắp Nén Nhan Cho Tháng 7



Con muốn về ngủ với mẹ vài đêm
Những đứa con xa nhà ai nỏ nhớ
Nằm cạnh mẹ mới thấy mình bé nhỏ
Muốn được nuông chiều âu yếm như xưa

Rao ngoài đường có phải tiếng o Mơ?
“Nác ngọt rọt to đong đầy bán rẻ”
La Giang ơi sao nao lòng đến thế?
Ta muốn về ngụp lặn nước sông quê

Muốn được dạo chơi dưới ánh trăng thề
Kỷ niệm xưa vội nhặt tìm trên cỏ
Trước sân nhà có hai cây vú sữa
Ngày một vươn cao xòe tán mong chờ…

Con muốn về gặp mẹ trước lúc xa
Nơi sắp đến là Ngã Ba Đồng Lộc
Nơi sắp đến sẽ vô cùng ác liệt
Sống chết nơi này chỉ tính bằng giây

Mẹ cho con gửi lại mấy thứ này
-Chiếc khăn quoàng lụa vàng sắc nắng
-Chiếc nhẫn mẹ cho, đồng hồ con sắm
-Mớ tóc dài, tấm ảnh miệng cười tươi

Chỉ còn đêm nay! Mai đã xa rồi
Dòng tâm sự có đôi lần đứt quoảng
Mẹ thao thức bên người con im lặng
Sao ngoài trời nhấp nháy suốt đêm thâu … 

Huy Phương
Vinh tháng 7 năm 2010

Chia


Xướng: Chia

Chia cho em cả vầng trăng
Tôi còn đêm tối võng nằm hư vô
Nhớ nhung lã gió thẫn thờ
Ngẩn ngơ sóng vỗ đôi bờ lau thưa

Chia cho em cả làn mưa
Rời khăn lau tóc tôi thừa bàn tay
Thèm nơi trú ẩn hàng cây
Thì thầm đôi lứa nhớ gầy phố mong

Chia cho em hết nắng hồng
Cây dù che nắng che lòng cất đâu
Che em mái tóc xanh màu
Che tôi nỗi nhớ bạc đầu thời gian

Chia cho em hết thu vàng
Còn đâu dòng lá thắt quàng bờ vai
Chỉ nghe tiếng gió thở dài
Đỡ làn tóc xõa thắt hai dải mềm

Chia cho em cả trái tim
Chỉ còn bốn phía tôi nhìn riêng em
Chèo tình qua mắt nhung huyền
Vái trời lặng gió bình yên chuyến đò

Trầm Vân
***
Họa:Giữ Dùm Em


Giữ dùm em nửa vầng trăng
Nửa treo lơ lững đầu nằm vu vơ
Đêm ru giấc mộng ơ thờ
Bước chân ai nhẹ ngoài bờ rào thưa

Giữ dùm em những hạt mưa
Ôm tròn nỗi nhớ cho vừa hai tay
Gió rung xao động hàng cây
Ngỡ như có bóng anh gầy chờ mong

Giữ dùm em giọt lệ hồng
Vu quy ngày đó ,mà lòng xót đau
Một mai má thắm phai màu
Vẫn không quên được ngày đầu không gian

Giữ dùm em sắc úa vàng
Mùa Thu dạo bước,khăn quàng khoác vai
Chập chùng bóng ngã đường dài
Chiều buông tóc rối ,nhớ hai tay mềm

Giữ dùm em nửa trái tim
Kiếp sau anh vẫn còn nhìn ra em
Lung linh dưới ánh trăng huyền
Sông xưa ,bến cũ lặng yên chờ đò

Thy Lệ Trang
Massachusets 

Sydney Mùa Phượng Tím


Cuối tháng 10-2016 hai chị em tôi bay từ LosAngeles qua Sydney thăm bà cụ thân sinh, dự ngày sinh nhật bà 90 tuổi. Lần này chúng tôi qua nhằm lúc hoa phuợng tím đang rực rỡ giữa mùa.

Bước chân xuống phi trường, ra khỏi cổng đã là một góc phố êm ả với màu tím dịu dàng mà ở California chúng ta nhìn thấy vào tháng 5 hàng năm. Thành phố Sydney xinh đẹp cạnh biển, cũng là một nơi được xếp vào 1 trong 10 thành phố có nếp sống tốt trên thế giới.
Quanh thành phố, góc nào cũng tím màu hoa, màu tím nhẹ nhàng làm người dân có vẻ lãng mạn hơn, cuộc sống thêm phần thanh bình hơn.


Ra đến địa điểm nổi tiếng nhất Sydney, Opera House (Việt Nam mình quen gọi là nhà con sò), Habour Brigde, hôm nay có thêm một du thuyền đậu dọc theo bờ biển, du khách muốn có hình ảnh của mình lãng mạn trong cái màu tím đẹp kia. Phượng tím trên cao, dưới thấp, viền quanh thảm cỏ, con đường bờ biển. Tím ánh mắt người già chậm chạp trên đường như đang tìm lại những kỷ niệm xa xưa, tím bàn tay đôi trẻ đan nhau trong gió, tím từ nhà ra phố thị.

Cánh buồm no gió của Opera House, vòng cung mạnh mẽ của Habour Brigde như nổi bật trong màu tím hoa phượng báo mùa hè ấm áp.


Rồi quanh trường đại học Sydney, các học sinh vội vào lớp, có bạn nhàn tản tự chụp những tấm hình vào những lúc chiều về, nắng viền trên tóc, ghi lại những hình ảnh tuổi học trò, với màu hoa tím mùa hè Sydney.

Mời các bạn xem hình ảnh chúng tôi bắt được trên thành phố, nơi cha mẹ và các em tôi đã và đang sống, để chia sẻ cùng tôi cảnh đẹp, và khi rời khỏi nơi ấy, về lại nhà, nó đã giữ lại trong tôi bóng hình những người thân yêu loáng thoáng màu tím mộng mơ.

Nguyễn Ngọc Dung
* Hình ảnh: (của ba chị em)- Dung Hà Tuấn

Vài hình ảnh mùa Phượng Tím Sydney - Úc Châu








Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Thơ Tranh: Trang Trọng


Thơ & Ảnh: Nguyễn Thành Tài
Thơ Tranh: Kim Oanh


Lãng Mạn Vùng Cao



Xướng: Lãng Mạn Vùng Cao

Dẹp bao phiền toái thế gian nầy
Có chút men nồng hứng lắm thay
Kìa suối giữa rừng như trải lụa
Cùng sương quanh núi tựa mây bay
Cảnh tiên ờ nhỉ mau khai bút
Thi tứ kia rồi thả vận ngay
Xướng họa đề thơ vui bạn hữu
Rượu cần vài ngụm thú trong ngày

Quên Đi
***
Các Bài Họa:


Em Đà Lạt

Quên hết đau thương thế giới này
Cố nhân chạy thoát chắc vui thay
Em đi Đà Lạt bao năm đợi
Anh tới Hoa Kỳ mấy tháng bay
Đất hứa bồng lai đâu đến vậy
Quê nhà xứ lạnh đó về ngay
Ngâm thơ vịnh nguyệt vui bằng hữu
Xướng họa cùng nhau hết những ngày

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 07 năm 2018
***
Bóng Thói Đời

Thế thái màng chi chuyện xứ nầy
Nhân tình bạc thếch,...ngẫm buồn thay!
Hơi sương ảo hóa bồng bênh tản
Hạt bụi hư không tỗng tễnh bay(!)...
Mê mẩn thi thư chưa nỡ rứt
Đắm chìm câu chữ lại mần ngay.
Ơn nhờ phúc ấm dầy nhân ngãi
Nên được Giời thương rạng ánh ngày!

21-7-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
Lãng Mạn Vùng Cao


Cuông rún được chôn ở chốn nầy
Vậy mà đành cách đớn đau thay !
Nhớ khi sáng lại nghe chim hót
Mê lúc chiều qua ngắm lá bay
Chao đảo trên hồ con sóng nhẹ
Ảo mờ dưới nước ánh trăng ngay
Chỉ mong có dịp về thăm lại
Dẹp bỏ sau lưng những tháng ngày…

Thái Huy
***
Lâm Nguyên Viễn Cảm


Sao vội quên đi cõi thế này
Bao nhiêu sông núi đẹp tươi thay
Thác vàng hư huyễn mầu mây đọng
Suối bạc mơ hồ khói sóng bay
Cứ tưởng xuân qua vương vấn chậm
Nào ngờ hè muộn nhớ nhung ngay
Rừng ơi hoa lá từ thiên cổ
Đã nở miên man chẳng đợi ngày ...

Hawthorne. July - 20 - 2018
Cao Mỵ Nhân
***
Chiều Trên Miền Quê


Chiều đi chầm chậm nước non nầy
Khói sóng lềnh phềnh đợi đổi thay
Chiếc lá vàng rơi bờ nắng nhạt
Khung trời trắng vỗ cánh cò bay
Dòng trôi lững thững đò lên ngược
Bến cập bơ phờ khách xuống ngay
Cuộc sống dùng dằng no đói bữa
Ai mong nắm níu cũ xưa ngày?!

Lý Đức Quỳnh
***
Tìm Vui Tuổi Hạc


Hãy sống thong dong tuổi hạc này
Thân già khoẻ mạnh quý mừng thay
Bình minh dạo cảnh nhìn sương đọng
Nắng xế chăm vườn ngắm nhạn bay
Nguyệt phủ cành hoa say phút chốc
Đêm tràn chữ nghĩa hoạ thơ ngay
Thi đàn kết bạn trao duyên bút
Ngập cả niềm vui lấp tháng ngày

Minh Thuý
21 tháng 7_ 2018
***
Đồng Thanh

Hạc Vàng trở giấc dạo nơi này
Ngự lãm thọ trường,... thật quý thay!
Thư thái hiền thê chăm nụ mở
Thung dung lão thực thẩm hương bay
Học Tùng trổ ngọn thân cương chính
Noi Trúc vươn cành dáng thẳng ngay!
Giao quảng thi thư tràn bút lực...
Thâm tình bằng hữu ấm bao ngày!

21-7-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
Người Buồn Cảnh Có Vui Đâu Bao Giờ!
(Nguyễn Du)

Cũng vẫn là phong cảnh thế nầy,
Thêm tùng thêm thác lại hùng thay !
Suối tuôn róc rách luồn khe chảy,
Thông réo vi vu theo gió bay.
Là cảnh thế gian thường nhật vẫn...
Do người thưởng lãm thõa lòng ngay.
Tâm vui người cũng vui theo cảnh,
Tùy cảnh tâm an bỏ những ngày...!

Đỗ Chiêu Đức

Đất Phương Nam I - Cộng Đồng Người Minh Hương Tại Bạc Liêu

Chùa Quan Đế - Bạc Liêu

Đất Trấn Di ngày trước là một trong những vùng đất mà dòng họ Mạc ở Hà Tiên đã dày công khai phá. Chính vì vậy mà chúng ta có thể nói mà không sợ bị sai lầm là người Hoa, nhất là những người Triều Châu, chính là những người đầu tiên đến đây khai phá vùng đất nầy. Như chúng ta đã biết, đa số các địa danh có sẵn tại miền Nam đều được đọc trại ra từ tiếng Khmer. 

Riêng với địa danh Bạc Liêu hay “Pó Lẻo” được đọc trại ra từ tiếng Triều Châu, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề chài lưới, hay đi biển, cũng đủ nói lên ảnh hưởng của người Triều Châu trên vùng đất nầy như thế nào. Lịch sử thiên di của người Hoa đến vùng đất Nam Kỳ có nhiều nhóm trong nhiều thời điểm khác nhau. Nhóm thứ nhất là những người Hoa tháp tùng theo các tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, được chúa Nguyễn cho vào khai phá các vùng Cù Lao Phố ở Biên Hòa và Đại Phố Mỹ Tho. Sau khi cù lao Phố bị tàn phá vì chiến tranh giữa nghĩa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh thì những người Hoa bỏ về vùng Prei Nokor (về phía tây nam của vùng Bến Nghé) để lập nên vùng Chợ Lớn ngày nay. Sau một thời gian trên dưới nửa thế kỷ thì những người Hoa ở vùng Mỹ Tho Đại Phố đã vượt sông Tiền và sông Hậu để đi đến khai phá vùng Trấn Di. 

Đồng thời tại Hà Tiên, Mạc Cửu cũng phái nhiều đoàn đến khai phá những vùng đất phía Nam Hà Tiên. Phải nói đây là những người Minh Hương thuộc nhóm thứ hai, họ đi theo đường biển từ Hà Tiên vòng xuống Long Xuyên (Cà Mau ngày nay), hoặc từ Mỹ Tho họ đi lần theo các kinh rạch qua Bến Tre, Trà Vinh, và Ba Thắc. Đi đâu đến đâu họ cũng cất chòi, lập trại, và xây dựng làng xã và đi lần đến vùng Trấn Di (Bạc Liêu ngày nay). Đây chính là những người Hoa đi tiên phong trên vùng đất nầy. Những lớp người Hoa đến Việt Nam đầu tiên nầy hầu hết là thanh niên trai tráng, họ cưới vợ Việt Nam hay Khmer và nhận nơi nầy làm quê hương. Con cháu của họ về sau nầy chính là những người mà chúng ta gọi là người Minh Hương. Thế nhưng vào thời các chúa Nguyễn, vùng Trấn Di không được xem trọng cho lắm vì thứ nhất là đường sá xa xôi trắc trở, thứ nhì đa số đất đai chỉ là những hoang địa chưa được khai phá. Chính vì thế mà các chúa Nguyễn đã cậy tay người Hoa làm những người dẫn đạo và chỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa phương Nam thời đó. 

Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên(28), năm 1790, chúa Nguyễn hạ lệnh cho bốn dinh sửa lại sổ tiêu bạ, kể cả những người Đường(29) thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Thượng Hải và Hải Nam ngụ ở trong hạt. Chúa Nguyễn cũng ra lệnh cho quan Khâm sai chưởng cơ dinh trung quân quản đạo Toàn Dũng là Trần Công Dẫn (người Hoa) cai quản toàn bộ người Đường mới và cũ. Đến năm 1790, chúa Nguyễn sai Lâm Ngũ Quan làm tổng phủ phủ Ba Thắc và Lư Việt Quan là tổng phủ phủ Trà Vang; đồng thời chúa Nguyễn cũng hạ lệnh cho bốn dinh sửa lại sổ tiêu bạ, kể cả những người Đường (người Hoa) thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Thượng Hải và Hải Nam ngụ ở trong hạt. Lại ra lệnh cho quan Khâm sai chưởng cơ dinh trung quân quản đạo Toàn Dũng là Trần Công Dẫn (người Hoa) cai quản toàn bộ người Đường mới và cũ. Đến năm 1791, sai Lâm Ngũ Quan làm tổng phủ phủ Ba Thắc và Lư Việt Quan là tổng phủ phủ Trà Vang. Hồi nầy cộng đồng người Minh Hương chẳng những góp phần lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, mà các chúa

Nguyễn còn sử dụng nhiều nhân tài trong những cộng đồng Minh Hương nầy trong việc đi sứ sang Trung Hoa. Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên(30), chúa Nguyễn Phúc Chu sai bọn Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Quảng Đông để cầu phong. Bên cạnh đó, chính những cộng đồng người Minh Hương nầy đã cung cấp cho quân đội triều Nguyễn rất nhiều những viên quan tài ba lỗi lạc, cả văn lẫn võ. Ngoài các vị Đô đốc tài ba như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, Trần An Bình, Trần Đại Định, Mạc Thiên Tứ, còn có nhiều lắm những vị quan nổi tiếng thời đó như các quan Điều khiển Trần Công Chương, Trần Đĩnh, quan tổng binh Trần Ứng, Lâm Hức; quan Tham tướng Mạc Tử Sanh; các quan Đại tướng quân Hà Hỉ Văn, Lương văn Anh; quan Khâm sai tổng binh Chu Viễn Quyền, quan thống binh Trương Bát Quan, quan hiệp trấn thành Gia Định Trịnh Hoài Đức, vân vân.

Dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức, Nguyễn tri Phương có đến kinh lược vùng đất nầy với chánh sách sở hữu ruộng đất rất dễ dãi, nhưng rồi cũng không thu hút được nhiều người. Mãi đến năm 1882 khi lần đầu tiên người Pháp làm thống kê dân số tại Bạc Liêu thì trên tổng số 25.000 dân, đã có tới gần 5.000 Hoa kiều. Nhiều người Hoa, nhất là người Triều Châu, đều cư ngụ tại chợ Bạc Liêu và nắm vai trò chủ động trong việc buôn bán, nên ngôn ngữ chính của vùng chợ Bạc Liêu vào thế kỷ thứ 19 là tiếng Triều Châu. Ngay cả người Việt hay người Khmer ở bạc Liêu cũng phải biết tiếng Tiều, nếu không thì khó lòng giao dịch trong thương mại được. Một số không nhỏ người Triều Châu ở Bạc Liêu làm ruộng rẫy và khai thác những vùng đất ven biển như các vùng Rẫy Chệt và Trà Ban, vân vân. Kể từ khi Bạc Liêu được nâng lên làm tỉnh vào năm 1882 thì không những thương mãi tại đây phát triển rất nhanh, mà các ngành nông ngư nghiệp cũng phát triển vượt bực. Chính vì vậy mà vào khoảng thập niên 1930, những tàu buôn Hải Nam đã đưa một số không nhỏ những thanh niên người Hoa, đủ các sắc tộc từ Hải Nam, Phúc Kiến đến Quảng Đông và Triều Châu...đến làm lao động tại chợ Bạc Liêu. Đến năm 1964, theo thống kê của chánh phủ VNCH, Bạc Liêu đã có gần 22 ngàn người Hoa sinh sống, đó là chưa kể đến rất nhiều thương nhân hay những người sống trên những ghe buôn. Rồi đến năm 1997, số người Hoa tại đây đã lên đến trên 32 ngàn người.

Cộng Đồng Người Minh Hương Tại Các Vùng Khác:

Chùa Ông - Vĩnh Long

Ngoài những cộng đồng lớn của người Minh Hương tại các vùng Đồng Nai, Chợ Lớn, Mỹ Tho và Hà Tiên mà sự liệu còn ghi lại, chắc hẳn hãy còn nhiều cộng đồng người Minh Hương trong những vùng khác ở Nam Kỳ, nhưng không có tầm cỡ như những khu vực vừa kể trên. Vài năm sau khi tướng Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho thì những người Minh Hương đã ổn định và an cư lạc nghiệp tại vùng Mỹ Tho Đại Phố, tuy nhiên, sau vụ phó tướng Hoàng Tấn nổi lên giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi đem quân đi đánh phá khắp nơi, một số không nhỏ trong cộng đồng người Minh Hương trong vùng Mỹ Tho Đại Phố đã một lần nữa phải ra đi tìm chỗ khác an toàn hơn để sinh sống. Họ đã chia làm nhiều nhóm đi về nhiều hướng, một nhóm đi về phía đông để đến tái định cư tại vùng Lôi Lạp, nay là Gò Công(31), một nhóm đi về phía tây qua định cư tại vùng mà ngày nay là Sa Đéc, nhóm khác đi về phía nam để tới định cư tại dinh Long Hồ(32), và một nhóm nữa đi về phía bắc để lên vùng Tầm Bôn (vùng Tân An ngày nay). Cũng như tại các vùng khác, đa số họ làm nghề buôn bán ở các phố chợ, và tôn giáo chính của họ là Phật giáo Bắc tông. Người Việt gốc Hoa có một đặc điểm là dù họ ở đâu, họ cũng mở trường dạy tiếng Hoa cho con cháu của họ và dù làm gì đi nữa bên ngoài xã hội, đến khi về nhà họ chỉ nói tiếng Hoa chứ không nói tiếng Việt. Người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long và Bến Tre cũng như hầu hết người Việt gốc Hoa ở các nơi khác, họ sống co cụm thành nhóm và lập thành những bang hội, mỗi bang có một bang trưởng lãnh đạo. Họ sống rất đoàn kết, nếu cần thì bang của họ có thể đứng ra giúp đỡ về tài chánh để họ cùng làm ăn vươn lên vớinhau. Chính vì vậy mà đa phần họ làm kinh tế rất mạnh. Theo Gia Định Thành Thông Chí(33), ngoài các vùng Biên Hòa, Mỹ Tho và Hà Tiên là những địa điểm thu hút gần như toàn bộ những người Minh Hương vào giữa thế kỷ thứ XVII, lưu dân Minh Hương còn sống rải rác khắp mìn Tây Nam Phần, từ Mộc Hóa, Tân An, Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, vân vân. Họ đã tạo nên những cộng đồng thịnh vượng và sinh động trong hầu hết các đô thị tại miền Nam.

Ngay từ năm 1705, sau khi Nguyễn Cửu Vân đã nạo vét xong kinh Vũng Gù, hai nhóm lưu dân Việt và Hoa đã đổ xô đến định cư tại các vùng ven sông Hưng Hóa(34), vùng Trường Tàu(35), vùng cửa biển Ba Lai, vùng cửa biển Mỹ Thanh(36), khu vực núi Linh Quỳnh và khu vực cảng Cần Bộ (Kampot), cách lỵ trấn Hà Tiên khoảng 165 dặm về phía tây. Năm 1731, nhân vụ quân Chân Lạp từ vùng Tầm Bôn (Tân An) kéo lên quấy phá lưu dân ở Gia Định nên chúa Nguyễn Phúc Chu tức giận bèn xua quân đánh chiếm các vùng Định Tường và Long Hồ và sáp nhập Định Tường vào dinh Trấn Phiên (Gia Định), đồng thời thành lập thêm dinh Long Hồ. Cũng năm này thủ phủ của tỉnh Định Tường tại Cái Bè được dời về bên bờ rạch Bảo Định. Năm 1753, chúa Võ Vương cho lập đạo Trường Đồn gồm đất Mỹ Tho và Cao Lãnh, rộng đến biên giới Cao Miên bây giờ. 

Từ sau những biến cố nầy, cả một vùng đất bao la bạt ngàn về phía bắc, phía tây và phía nam của Mỹ Tho Đại Phố đã được mở ra ngay trước mắt những người Minh Hương thích phiêu lưu nầy. Năm 1756, sau khi hai vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp chính thức được sáp nhập vào xứ Đàng Trong, rất nhiều người Hoa nữa từ vùng Chợ Lớn đi xuống và từ vùng Mỹ Tho Đại Phố đi lên để tìm đất sinh nhai tại vùng đất mới Tầm Bôn, và họ đã thành lập tại đây một cộng đồng người Minh Hương, dầu không lớn như tại vùng Mỹ Tho và Chợ Lớn, nhưng cũng đủ lớn để nắm hầu hết các cơ cấu thương mãi tại đây. Như vậy, tính đến năm 1757, khi vùng đất còn lại cuối cùng của Thủy Chân Lạp là phủ Tầm Phong Long vừa được sáp nhập vào xứ Đàng Trong thì cộng đồng của người Minh Hương cũng đã phát triển và lớn mạnh trên khắp các vùng đất phương Nam.

Riêng tại vùng Bạc Liêu và Cà Mau, theo các ông bà già xưa kể lại thì ông bà mình lúc mới xuống khai khẩn các vùng rừng rậm phải đối đầu với không biết bao nhiêu là khó khăn gian khổ, lớp thì sơn lam chướng khí, lớp thì thú dữ khắp nơi đang rình rập, lớp muỗi mồng, lớp không có nước ngọt, vân vân và vân vân, nhưng các thế hệ cha ông đã kiên cường vượt qua hết những trở ngại để biến vùng đất mà chưa có dân tộc nào dám cho dân mình định cư thực thụ như vùng Nam Kỳ thời đó. Thời Phù Nam thì họ cũng chỉ co cụm tại những vùng Ốc Eo, Đồng Tháp, Tây Ninh... mà thôi, đến thời Chân Lạp thì dân họ chỉ rút lên các giồng đất cao chứ không dám bén mảng vào rừng khai phá. 

Chính vì vậy mà mãi đến thời Pháp thuộc, vùng Cà Mau có rất ít cư dân người Việt, chứ đừng nói chi đến người Minh Hương. Thật tình mà nói hồi Tây mới vô đánh nước mình thì cả một vùng rộng lớn từ Rạch Giá xuống Cà Mau, qua Bạc Liêu, Sóc Trăng hầu như hãy còn rất hoang vu và có rất ít cư dân. Ngoài khơi thì chỉ lác đác vài chiếc ghe đánh lưới của người Hải Nam, còn trên bờ chỉ lưa thưa vài cụm nhà của những người Triều Châu và Phước Kiến qua đây lập nghiệp từ thời ông Mạc Cửu.

Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links:

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

Thơ Tranh: Ngắm Hoa


Hình Ảnh: Nguyễn Thành Tài (Tặng Kim Oanh)
Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Chuyện Cái Hòm


Lớn nhỏ hèn sang những cái hòm
Chê khen vụng khéo cũng đem chôn
Bảy thanh tre mỏng mau thành đất
Hai lớp quan dày chậm trả  ơn
Luận cổ danh thơm bay lãng đãng
Suy kim tiếng ác bới om òm
Cảm thông họa vận bàn chơi vậy
Vạn sự bằng không chẳng thiệt hơn.
Cao Linh Tử
2/1/2018

Nói Với" Mi"



Bảy mươi chưa phải tuổi già
Thật ra có thể nói là sống dai
Đời người trăm tuổi mới dài
Ba mươi năm nữa sao mày bỏ đi.

Hai năm làng xóm xa “mi”
Dòng sông lờ lững đường đi thưa người
Còn không hoa lá xanh tươi
Bướm ong vờn lượn như thời dấu yêu?

Nắng hồng mai, khói lam chiều
Ta về trong mộng cô liêu một mình
Bến nước còn đó... lặng thinh
Chim chóc im tiếng đứng nhìn mắt trơ.

Nhớ mi ta viết bài thơ
Hai năm hụt hẫng không ngờ dằng dai
Hỏi mi còn thương những ai
Nói nhỏ cho biết ta ....hoài giữ im?

Anh Tú
July 24. 2018
*”Mi”<mầy>, Phú Thạnh...

Lỡ Làng - Mòn Mỏi


           (Hình Ảnh - Nguyễn Thành Tài)

Xướng: Lỡ Làng 

Anh ngỏ lời yêu trăng.
Vào một đêm trăng khuyết.
Bởi tình yêu tha thiết.
Biết tròn trước trăng rằm .

Em vui lúc trăng tròn.
Chạnh lòng khi trăng khuyết.
Anh ơi anh có biết.
Trăng vầy duyên lứa đôi.

Sao anh lại ngỏ lời ?
Vào một đêm trăng khuyết
Để bây giờ thầm tiếc
Một vầng trăng không tròn.

CTC
GK, Vĩnh Long
***
Bài Họa:
Mòn Mỏi

Anh lặng ngắm vầng trăng
Thử xem tròn hay khuyết
Mình yêu nhau thắm thiết
Đẹp trăng sáng đêm rằm.

Thề ước mùa trăng tròn
Lần lữa rồi trăng khuyết
Em ơi, em có biết?
Ngậm ngùi khi cách đôi.

Ấp úng chưa nên lời 
Trăng về khuya vẫn khuyết
Sầu đau trong nuối tiếc 
Mòn mỏi đợi trăng tròn.

Nguyễn Thành Tài

Chiều Quê Xưa



Bài Xướng: Chiều Quê Xưa

Chim ngàn về tổ gậm hoàng hôn,
Lau lách đìu hiu, bãi cát cồn.
Thuyền cá, ngư ông về viễn bến,
Lam chiều, mái lá quyện cô thôn.
Mơ màng sương khói chuông chùa vọng,
Duyên dáng cầu tre sóng nước vờn.
Thoi thóp nắng còn vương ngọn trúc,
Quê xưa đẹp qúa! ngẩn ngơ hồn.

Mailoc
7-12-18
***
Bài Họa:

Tương Tư

Người ở đầu thôn, kẻ cuối thôn
Luyến thương day dứt cả tâm hồn
Muốn theo đò dọc xuôi dòng đến
Còn ngại triều cao ngược gió vờn
Cậy cánh lục bình trao nỗi nhớ
Nhờ làn sáo trúc chuyển môi hôn
Buồng cau mới trổ, trầu non lá
Cha mẹ chưa sang, dạ héo cồn.

Phương Hà
( 15/07/2018 )
***
Hoàng Hôn Quê Ngoại

Chạng vạng vừa buông khắp xóm thôn
Chiều tà loang nhuộm áng mây hôn (mây hoàng hôn)
Thuyền câu lờ lững sông đầu bãi
Đèn đóm nhá nhem mỏm cuối cồn
Nhịp mõ đều đều chuông thánh thót
Tiếng người ơi ới...going chon vờn
Vầng trăng bán nguyệt nghiêng le lói
Quê ngoại tình xưa đắm đuối hồn

Song Quang
7/15/18
***
Mối Tình Quê

Lâu quá xa em nhỏ́ nụ hôn
Ngày đi chài lủỏ́i, tối vô cồn
Thuyền ra ngoài biển mỏ̀ sủỏng khói
Kẻ trỏ̉ lại bỏ̀ miệt xóm thôn
Muôn tiếng âm vang ghềnh sóng vỗ
Ngàn thông réo gọi gió thu vỏ̀n
Đôi ta tủỏ̉ng nhỏ́ thỏ̀i đi học
Một lỏ́p chung trủỏ̀ng xao xuyến hồn

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 tháng 07 năm 2018
***
Miền Tây Quê Tôi


Len lỏi cây cành gió thoảng hôn
Mơn man dòng nước lượn quanh cồn
Thuyền chài chậm rãi xuôi về bến
Ghe trái chất đầy tách khỏi thôn
Ánh ráng mờ đi vàng lịm tắt
Khói chiều nhẹ tỏa lẩn sương vờn
Miền Tây tôi đấy như tranh vẽ
Nèt đẹp vùng quê ngẩn cả hồn

Quên Đi
***
Cuống Rún Chưa Lìa

Cuống rún lìa chưa lần cuối hôn
Đây này bãi cát nọ kia cồn
Cánh diều sáo trúc vang đầu xóm
Mái lá lam chiều tỏa cuối thôn
Lờ lững mây trôi cơn gió tới
Lăn tăn sóng nước mái chèo vờn
Chập chờn kỷ niệm thời thơ dại
Đất mẹ quê cha khắc khoải hồn

Kim Phượng
***
Chiều Quê Xưa

Với tháng năm xưa em nhớ hôn?
Nơi mình đang ở quẩn quanh cồn
Chợ thời lụp xụp ngay đầu ngõ
Trương lại khang trang chính giữa thôn
Tảng sáng vọng vang muôn tiếng hát
Chiều về lồng lộng cánh diều vờn
Bây chừ sao nhỉ cùng chung hỏi?
Nhìn cảnh ôi đau đến điếng hồn!

Thái Huy

*** 
Tình Non Nước

Anh ở sườn non em biết hôn ?
Nhà em lại ở bãi sông cồn.
Nước non non nước chung dòng chảy,
Chim cá cá chim cũng một thôn.
Nước biếc non xanh luôn khắng khít,
Chim trời cá nước mãi chờn vờn.
Sao không kết nối thông gia lại,
Tình nước duyên non quyện một hồn?!

Đỗ Chiêu Đức
***
Chiều Quê Tôi

Tổ ấm nằm quen cạnh bãi cồn
Bên dòng nước chảy cuộn hoàng hôn
Mờ in cảnh lặng buồm dong cánh
Cảm nhận chiều lâng sóng vỗ hồn
Mõ cốc khua đều quanh cổ tự
Tiêu trầm thổi lộng góc đầu thôn
Lần đi khắc khoải nguồn thơ vọng
Viễn xứ tình quê lệ ảnh vờn.

Mai Thắng

180719

Mất Ngủ - Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức


Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Thơ Tranh: Hoa Sen


Thơ: Minh Thúy
Hình Ảnh: Bảo Trâm
Thơ Tranh: Kim Oanh

Lụt Bát Tình Chín




Em về khua tiếng guốc đêm. 
Dẫm trong ta triệu dấu êm tình đầu. 
Chao ôi, đôi gót hồng đào. 
Nghiêng nghiêng năm ngón đi vào tim ta.

Ðất nằm nhớ bước chân qua. 
Nhớ con bướm lượn mù lòa đường bay. 
Nhớ sao, áo lụa trang đài. 
Thơm hương mật cúc, vườn ai, đầu mùa.

Buồn ta thành hạt mưa trưa. 
Rơi trên phố có em vừa đi qua. 
Hạt nào thay nỗi lòng ta. 
Long lanh từng trận mưa già tương tư.

Ðưa nhau đi giữa sương mù. 
Bờ hư vô vẫn mịt mù dưới kia. 
Ðưa nhau đi giữa đêm khuya. 
Vòng quay nguyệt đạo chưa lìa cổ kim. 

Cám ơn em, cũng trái tim. 
Trăm năm hai đứa đã tìm kiếm nhau.

Phạm Hồng Ân

Hoa Sen

         
(Hình Ảnh Hoa Sen - Nguyễn Ngọc Dung)

Bài Xướng:
Hoa Sen


( Tứ Tuyệt ) 


Đẹp quá hoa Sen nở sáng ngời

Thanh tao tinh khiết dịu dàng ơi
Hương lùa, gió mát tâm thanh tịnh
Giữa cõi hồng trần nắng nhẹ vơi

Minh Thúy
Tháng 7-2018
***
Hoa Sen




Có một loài hoa duyên dáng ngời
Sắc mầu thanh khiết tuyệt vời ơi
Hương không bị mất dù bùn bám
Tên gọi là Sen đẹp chẳng vơi

Minh-Hồ
7-7-2018 

***
Nhớ Sen Quê Nhà




Nơi ấy, hồng sen mãi thắm ngời
Hương thầm theo võng, tiếng à ơi
“Lá thơm ôm cốm cò mau lớn...”
Nhìn dáng hoa cười nhớ chẳng vơi

Trần Như Tùng 
***
Ngắm Hoa



Màu hoa nét ngọc ánh trăng ngời
Hương tỏa dịu dàng đóa mộng ơi
Vô tự tâm kinh lòng tĩnh lặng
Nửa đời hư huyễn nhẹ nhàng vơi

Kim Oanh
***
Lời Sen 



Mong mỏi giờ đây được rạng ngời
Cảm ơn nhiều lắm ruộng bùn ơi
Giúp ta chắt lọc nên hương sắc
Dâng trả ân tình nợ đã vơi

Phan Tự Trí 
 Tháng 07-2018
***
Trang Trọng



Sen ngát hương thơm đẹp rạng ngời
Gần bùn Tinh Khiết lắm người ơi
Dịu dàng cánh mỏng vươn trong nắng
Trang trọng một đời dễ đã vơi.


Nguyễn Thành Tài
12-7-2018
***
Hương Sen



Bát ngát hương sen tỏa rạng ngời
Hồn đưa chân bước bóng à ơi
Hương Sen tỏa ngát tâm thiền tọa
Chốn đó Ta Bà bớt nhẹ vơi

Tuyết Phan
12-07-2018
***
Liên Hoa 



Dù trắng hay hường vẫn rạng ngời,
Lá xanh tô điểm nhị vàng ơi.
Gần bùn vẫn giữ hương thanh khiết,
Quân tử đức cao hạnh chẳng vơi!

Đỗ Chiêu Đức
***
Hoa Sen



Buổi sáng, gương Sen nở rạng ngời,
Du nhàn, ngắm cảnh trong lành ơi.
Nhắm từng cánh nõn ghi hồn ảnh,
Kết tạo Thơ Tranh đẹp tuyệt vời.

Bảo Trâm
***
Hoa Sen Đệ Nhất Danh Hoa



Đệ nhất danh hoa vẻ rạng ngời
Phật Bà ngự tọa bạn bè ơi
Gần bùn vẫn sạch thơm tinh khiết
Nhuỵ ngát gương trong thật tuyệt vời


Uyên Quang

24/7/2018
***
Lời Bùn 



Bùn tôi đâu dám chỗ sang ngời
Hôi hám chỉ người gán, hỡi ơi!
May được Sen nàng say lọc để:
Hương lành tận hiến mãi nào vơi.

Phan Tự Trí
Tháng 07-2018
***
Bài Cảm Tác:
Hồng Liên



Hồng liên trang nhả dáng thanh ngời
Hoa nở trời mơ đẹp tuyệt vời
Từng cánh ươm tròn hương nhuỵ toả
Tuy trần nhộn nhịp vẫn nhàn khơi.

Đặng Xuân Linh
07-07-2018
***
Hỏi Sen?



Sinh ra từ đất tỏa ngời ngời
Ngoảnh lại chê bùn?...nọ hỡi ơi (!)
Chẳng lẽ bông thơm là tự có???
"Danh Hoa"-quên cội,..có chi ngời?

28-7-2018
Nguyễn Huy Khôi

Hình Ảnh: Nguyễn Ngọc Dung