Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Một Chút Nhìn Nhau - Thơ: Cao Nguyên - Nhạc: Võ Tá Hân - Ca Sĩ: Ngọc Quy


Thơ: Cao Nguyên
Nhạc: Võ Tá Hân
Ca Sĩ: Ngọc Quy

Một Chút… Vương

  


Một gặp gỡ một chút thương
Mơ màu lụa nắng trải đường người qua
Một chút gió lùa hương xa
Đến phương trời nhớ thật thà cho nhau

Một chút vui dịu nỗi đau
Nối lại hẹn ước tình đầu bên em
Một chút gọi tiếng yêu quen
Ru mộng tròn giấc êm đềm sầu rơi

Một chút tình chợt tả tơi
Vỡ ra từng mảnh khóc đời lệ rưng
Một chút vương ... lòng lại nhưng...
Chỉ còn chút cuối xin ngừng thời gian!

Kim Oanh
01.10.24

Mùa Thu

 

Bờ tường vi bông hoa cuối mùa
Chim khuyên không rủ nhau đua hót
Em lặng im, mùa Thu đang đến
Chiếc lá vàng hối hả tình yêu

Những cây phong ngả màu vàng cốm
Áo ngả màu theo gió heo may
Má em chút phấn hồng rám nắng
Tiếng phong cầm trong gió thoảng bay

Có loài hoa cúc lên vàng rực
Để bước chân em những ngỡ ngàng
Hôm qua anh đến thu vừa lại
Trăng thu vừa tới độ trăng tròn

Ánh mắt nai lá vàng ngơ ngác
Hai ta hồn là một mùa Thu
Bên kia hoa sứ vàng sân trước
Một chút hương về trên áo bay

Rượu thu vừa nhấp chút hơi cay
Sóng sánh lòng một chút men say
Có hay nắng thuở tàn phai cũ
Hao hớt trên tay chút thu gầy.


Lê Mỹ Hoàn
9/2024

Lều Trăng Quán Gió

Lều trăng quán gió sương tan khói
Ba tiếng cu kêu tết nhớ nhà
Hai đầu trái đất xơ xác gọi
Cha mẹ không còn chị em xa

Nhìn trước nhìn sau nhìn trên dưới
Thương cây nhớ cội tội tình xưa
Dấu chân kỷ niệm đau tức tưởi
Cát trắng bụi hồng trần trong mưa

Chẻ tre bện lưới cho dày mộng
Ngăn ngang sông suối núi lở chờ
Câu thơ ngây tưởng hình như bóng
Cũng được cũng đành cũng ngẩn ngơ

Dấu buồn thương quá quên thân thế
Lên voi xuống chó khó khăn tang
Nước ròng nước lớn nương dâu bể
Hôn bóng thiên thu sỏi đá vàng ...


MD.01/06/13
LuânTâm

Thu Từ Ly



Xướng:

Thu Từ Ly

Bỏ nước ra đi một buổi chiều
Lá vàng đưa tiễn bước cô liêu
Tiếng chuông thánh thót buồn ly khách
Giọt lệ long lanh tủi phận kiều
Vận nước trầm luân cơn bão lửa
Đời người trôi nổi kiếp bèo rêu
Em ơi! Nếu chúng mình duyên nợ
Hẹn buổi tương phùng thắm dáng yêu!

Lâm Hoài Vũ
Thu 1980
***
Họa:

Giọt Sầu Xứ Lạ
 

Xứ người, nhớ quá khói lam chiều
Đẹp quá hương quê bóng tịch liêu!
Tiếng sáo lùa trâu vang xóm nhỏ
Giọng hò theo nước quyện sông kiều
Nửa đời hạnh phúc nay ly biệt
Một thuở thanh bình đã phủ rêu
Đất khách ưu tư lòng khắc khoải
Bao giờ tìm lại cảnh thân yêu!

Hoàng Dũng
Cuối Thu 2021


Làm Học Trò Xứ Mỹ May Mắn Thay


Đây là bài số bảy trăm ba mươi chín (730) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Ngày xưa tôi thường nghe nói cụm từ "Năm Thìn bão lụt" ý nói là có nhiều tai họa bão lụt xảy ra trong năm Thìn. Bây giờ lớn lên tôi thấy người xưa nói đúng thật vì năm nay là năm Thìn.

Có một sự trùng hợp kỳ lạ của Năm Thìn Bão Lụt đặc biệt là chu kỳ năm Giáp Thìn 60 năm gây thiệt hại rất nặng nề. Mời xem Youtube dưới đây có đúng hay không nhé.

Sự trùng hợp kỳ lạ của "năm Thìn bão lụt" | Truyền hình Hậu Giang

1-Năm Giáp Thìn 1904 ở Miền Nam
2-Năm Giáp Thìn 1964 ở Miền Trung
3-Năm Giáp Thìn 2024 ở Miền Bắc

Những đứa trẻ nạn nhân trong các cơn bão lũ ở Miền Bắc năm nay, thật đáng thương. Các em không có cơm ăn, áo mặc nhà cửa. để dung thân, nói chi là được cắp sách đến trường đi học vì các ngôi trường cũng có thể bị đổ nát chìm trong bão lũ.

Trong khi đó ở xứ Mỹ đang vào mùa tựu trường, học trò xứ Mỹ thật là sung sướng, được cha mẹ hay xe bus nhà trường đón đưa đi học an toàn. Nếu trời có tuyết lạnh thì được nghỉ ở nhà hay đi học trễ vài giờ sau.

Tôi lại lan man nhớ đến việc tôi đã đi làm thiện nguyện trong lớp Mẫu Giáo của Mya, cô cháu nội của tôi, sau khi tôi nghỉ hưu. Tôi xin kể cho bạn nghe sinh hoạt của Học Trò Xứ Mỹ xem có khác "Ngày Xưa Tôi Đi Học" không nhé.

Tôi yêu trẻ thơ nên được sinh hoạt với quý vị học sinh tí hon này là tôi vui lắm vì ít ra trong tuần, tôi có hai giờ được gần gũi với Mya để xem cô nàng học hành như thế nào ở trường và được ngắm nhìn những khuôn mặt thơ ngây, hồn nhiên của con nít.

Lớp học ở Mỹ rất đầy đủ tiện nghi, đầy đủ các học cụ cần thiết. Cô giáo có toàn quyền tổ chức, dạy học trò theo phương cách riêng của mình, miễn làm sao cho học trò lảnh hội dễ dàng những lời hướng dẫn của mình, làm đúng theo lời hướng dẫn của cô giáo, tôn trọng kỷ luật học đường là được. Dĩ nhiên là cô giáo phải theo đúng chương trình học của mỗi lớp đã được đặt ra cho toàn quốc, nhưng thầy cô giáo có thể uyển chuyển tìm thêm tài liệu, phát huy sáng kiến để dạy học trò thế nào đạt được hiệu quả cao là được rồi


Phụ huynh học sinh ở Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục con em vì nhà trường cần sự hợp tác giữa phụ huynh và học đường trong việc làm thiện nguyện ở trường và giúp đỡ con em làm bài tập ở nhà.

Mỗi năm hai lần, phụ huynh được mời chính thức đến trường để nghe báo cáo về việc học của con em mình. Lần thứ nhất, một tháng sau ngày tựu trường để thầy cô giáo trình bày cho phụ huynh biết cần phải làm gì để giúp con em học ở trường. Lần thứ nhì vào cuối năm học để báo cáo cho phụ huynh biết kết quả sau một năm học. Đấy là chưa kể những lần họp bất thường nếu con em của quý vị có những vấn đề đặc biệt cần được giúp đỡ khác.

Phụ huynh người Mỹ đã được huấn luyện từ trước nên rất quan tâm và tham dự hầu hết các buổi họp của nhà trường. Phụ huynh Việt Nam hình như chưa quen với lề lối giáo dục ở Mỹ nên thường vắng mặt trong những buổi họp này.

Quan niệm của người Việt Nam là thích “giao khoán” việc dạy dỗ con em cho nhà trường vì vẫn nghĩ việc giáo dục học sinh là trách nhiệm của nhà trường, chứ không phải là bổn phận của phụ huynh như từ xưa người Việt Nam đã nghĩ và đã làm qua bao thế hệ ở Việt Nam trước đây.

Quan niệm “Quân Sư Phụ” ngày xưa đã lỗi thời rồi. Ngày nay chúng ta cần phải biết tầm quan trọng của phụ huynh đối với học đường như thế nào để giúp con em học hành tiến bộ hơn là bỏ mặc con em muốn làm gì thì làm, học thế nào thì học phụ huynh không cần biết đến.

Dù bận việc mưu sinh như thế nào, phụ huynh Việt Nam cũng cần phải đến trường nghe thầy cô báo cáo việc học của con em để biết con cháu mình cần được giúp đỡ về phương diện nào. Tại các trường học hay tại bất cứ công sở, dịch vụ nào cũng đều có thông dịch viên người Việt giúp đỡ quý vị để giúp phụ huynh hiểu rõ vấn đề. Đừng viện cớ rằng vì không thông thạo Anh Ngữ hay bận đi làm mà phụ huynh học sinh vắng mặt trong các buổi họp quan trọng liên quan đến việc học của con em quý vị. Đây là quyền lợi và trách nhiệm của quý vị phụ huynh nơi đất Mỹ mà người viết cần phải chia sẻ với quý vị phụ huynh Việt Nam biết, nếu không, tôi cảm thấy áy náy làm sao đấy!

Có sinh hoạt trong các lớp học, tôi mới thấy có những trường hợp đáng thương hơn hơn là đáng ghét của những học sinh bị bịnh “over energy” tạm dịch là “quá năng động” (tôi không phải là bác sĩ hay một chuyên viên tâm lý nên không biết dịch sao cho đúng nghĩa) để nói về các học sinh bị bệnh không chịu ngồi yên một chỗ, hay đi phá phách, la hét trong lớp học.

Đứa bé trai này mặt mũi sáng sủa, dễ thương nhưng không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ nghe lời hướng dẫn của cô giáo mà lại hay phá phách, la hét làm ồn trong lớp. Có thể cậu bé này được cha mẹ nuông chiều quá độ nên muốn làm gì thì làm và cũng có thể là cậu bé bị bệnh đặc biệt, tâm trí không được bình thường. Em bé này được cho học chung trong lớp học để được sinh hoạt bình thường như các học sinh khác, nhưng khi cậu bé phá phách quá thì lại được một cô giáo thuộc chương trình “Special Education” đến dẫn lên văn phòng ngồi ở đấy một thời gian rồi mới trả về lớp. Nếu em bé này ở Việt Nam thì đã bị thầy cô giáo ”uýnh” hay bị khẻ tay, quỳ gối “mệt nghỉ” vì bị xếp vào thành phần “học trò bướng bỉnh, bất trị” hay bị cha mẹ không cho đi học vì mắc cỡ có con bị bệnh như thế. Ở Mỹ thì lại khác, tất cả trẻ em đều được bình đẳng trong việc giáo dục, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, bệnh tật v..v..

Nhìn cậu bé như thế, tôi thấy tội nghiệp, đáng thương cho cậu bé vô cùng vì thật ra cậu bé đâu muốn như thế đâu? Tôi lại nghĩ lan man đến phần phúc và duyên nghiệp mà cậu phải gánh chịu và không biết tương lai của cậu bé sẽ ra sao?

Còn biết bao nhiêu cảnh khổ khác nữa như nghèo đói cơ hàn, bệnh tật ốm đau, cuồng tâm loạn trí, nhà tan cửa nát, mất mát người thân vì thiên tai, bão lụt, chiến tranh v..v…nữa, phải không bạn?

Khi bạn và tôi còn khoẻ mạnh, có cơm ăn áo mặc đầy đủ, tâm trí bình thường, gia đình đầy đủ thì xin hãy cảm tạ Phật Trời đã ban phước lành cho chúng ta và cũng có thể, chúng ta đã làm được nhiều chuyện phước lành trong tiền kiếp, trong quá khứ nên mới được hưởng những may mắn, thiện lành trong hiện tại. Luật nhân quả là thế đấy! 

Người viết xin phép được mời quý bạn đọc những lời hay ý đẹp dưới đây để chúng ta biết rằng chúng ta là những người may mắn trong hiện tại.


Bạn có là người may mắn không

1. Nếu bạn thức giấc vào buổi sáng, tươi tắn khỏe mạnh hơn là bệnh hoạn.
Bạn đã may mắn hơn cả triệu người đang hấp hối tuần này.

2. Nếu bạn chưa hề biết đến sự hiểm nguy trong chiến trận, sự cô đơn trong ngục tối
nỗi đau đớn khi bị tra tấn, sự cào cấu của cơn đói.
Bạn đã đứng trên 20 triệu người quanh thế giới.

3- Nếu bạn dự thánh lễ ở nhà thờ không hề sợ bị quấy nhiễu, bắt bớ, đánh đập, hay chết chóc.
Bạn đã may mắn hơn khoảng ba tỷ người trên thế giới

4. Nếu bạn có thực phẩm trong tủ lạnh, quần áo trong ngăn, một mái nhà che đầu và một chỗ để ngủ.
Bạn đã giàu hơn 75% số người trên thế giới.

5. Nếu bạn có tiền gửi ngân hàng, tiền trong ví, và dư dả tiền lẻ trong dĩa ở một nơi nào đó.
Bạn là một trong 8% người giàu có của thế giới.

6. Nếu bố mẹ bạn vẫn sống và còn bên nhau,
Bạn là người quý hiếm, nhất là trên xứ Hoa Kỳ này.

7. Nếu bạn ngẩng cao đầu với nụ cười trên nét mặt và thành thực tạ ơn,
Bạn rất may mắn vì đa số thì có thể, nhưng phần nhiều thì không.

8. Nếu bạn có thể cầm tay ai, ôm họ hay dù chỉ vỗ vai họ.
Bạn rất may mắn vì bạn có thể chuyển được sự hàn gắn của Chúa.

9. Nếu bạn có thể đọc thông điệp này.
Bạn đã may mắn hơn hai tỷ người trên thế giới đã không thể đọc được bất cứ điều gì.

Bạn đã may mắn trong mọi điều mà có thể bạn chưa hề biết đến.
Sự may mắn này chỉ xảy ra nếu được chuyển tiếp liên tục.
Nếu bạn là người thụ hưởng sự may mắn này, hãy tiếp tục trở thành nguồn của sự may mắn của người khác.
(Nguồn: Email bạn gửi- SL chuyển tiếp)

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 730-ORTB 1161-92524)

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Hai Quê - Thơ: Võ Đình Tiên - Nhac: Trần Đại Bản - Ca Sĩ Duyên Quỳnh


Thơ: Võ Đình Tiên
Nhac: Trần Đại Bản
Ca Sĩ Duyên Quỳnh

Tháng Mười Sương Khói

 

Sáng rồi chưa thấy mặt trời
Đã mang cảm giác thiếu người tri âm
Đời bao nhiêu lỡ nhiêu lầm
Tình bao nhiêu để một lần thủy chung
Tách trà ấm, nhắp lạ lùng
Sáng ra đưa tiễn người trong hồn mình
Hôm xưa cách trở đao binh
Ngày nay nào có chiến chinh mà chờ
Thôi thì cứ bảo rằng thơ
Đã chuyên chở hết tâm tư cả rồi
Tháng mười sương khói tê môi
Thành San trả lại chỗ ngồi cho ai...

Cao Mỵ Nhân
Hawthorne 11-10-2022

Nụ Yêu!

 

Nhịp tim em vốn “Slow”
Gặp anh nó hóa thành “Tango” rồi
Ôi chao sao mà bồi hồi!
Thu về sao lại đâm chồi nụ Yêu?

Ái Nghi
1-10-2013

Chào Thu Đang Về

 

Chào thu, thu đã đang về 
Ngọn đồi phong đã đỏ hoe lá vàng 
Gió hiền hòa nhè nhẹ bay sang 
Phải như hơi thở của Nàng Thơ không?
Má môi ai đã tô hồng 
“Để Em lên kiệu theo chồng về dinh ...?!”
Lòng anh đăm đắm hương tình 
Phòng anh chỉ có một mình anh thôi ...
Nhìn ra ngắm những ngọn đồi 
Lá Vàng như thể hoa rơi bồng bềnh 
Chào Em, cô bé đoan trinh
Dáng Em đổ nước nghiêng thành đó sao 
Đêm thì trăng tỏ đầy sao 
Chị Hằng cười mỉm trên cao ...thế này 

Thư Khanh
Seattle- 10/18/ 2022 

Nhạc Sĩ Thông Đạt - Văn Giảng

Vợ chồng nhạc sĩ Văn Giảng chụp năm 1949

Nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng sinh ngày 12, tháng 5, năm 1924 tại Huế. Ông là Giám Đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế. Trưởng phòng Học Vụ Nha Mỹ Thuật, đảm trách học vấn của các trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Năm 1970 ông được huy chương vàng giải Văn Học Nghệ Thuật (Âm nhạc loại A) của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng là tác giả những bài hành khúc hùng tráng và là tác giả nhạc phẩm bất hủ “Ai Về Sông Tương”

“Ai có về bên bến sông Tương/ Nhắn người em gái tôi thương/ Bao ngày ôm mối tơ vương...” Đó là một đoạn ngắn trong bản nhạc tình bất hủ “Ai Về Sông Tương” của nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng đã đi vào lòng người mộ điệu Việt Nam qua nhiều thế hệ.


Cũng như bao nhiêu học sinh, sinh viên ở thời tuổi ngọc dưới Chánh thể Cộng Hòa. Tôi vẫn nhớ là thuở đó người Việt sống trong miền Nam hoàn toàn tự do, tự do làm theo sở thích của mình. Tự do yêu, hận, ghét, thương... Miễn sao đừng làm phiền người khác và phạm pháp. Có những bản nhạc của nhạc sĩ ba tôi và tôi thích nghe mà đôi khi còn hát theo những ca sĩ tài danh trong radio, trong băng nhựa (cassette)“Ai Về Sông Tương” đó là bản nhạc của nhạc sĩ “Thông Đạt-Văn Giảng” Bài “Trăng Mờ Bên Suối” của nhạc sĩ “Lê Mộng Nguyên”. 

Riêng nhạc phẩm“Chiều Lên Bản Thượng” của nhạc sĩ “Lê Dinh” tôi không thể nào quên được. Vì đó là bài hát đệm cho bọn nam nữ học sinh chúng tôi gồm có 8 đứa, múa biểu diễn trong ngày mãn khóa học năm Đệ tứ (lớp 9) trước mấy trăm phụ huynh học sinh và chánh quyền tham dự. Và tôi còn thích rất nhiều, rất nhiều những bản nhạc bát ngát tình người, tình lính, tình quê... của những nhạc sĩ khác.

Vận nước nổi trôi, sau 30 tháng 4 năm 1975 nước Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay quỷ dữ! Theo đoàn người chạy loạn, gia đình tôi bôn ba đến xứ người được vào Mỹ đầu năm 1980, và khi nếp sống gia đình tạm thời yên ổn trong một nước tự do, vợ chồng đi làm, con cái đến trường... Thì lúc đó tâm trí tôi mới trở lại với chính mình là thèm muốn những riêng tư phải có cho sự đòi hỏi của tâm hồn. Tôi thèm nghe nhạc, thèm đọc sách, và nỗi đam mê viết lách bắt đầu âm ỉ ngún ngòi!

Ở thập niên 80, không biết vùng tôi tạm cư Chicago (Illinois) có bao nhiêu người Việt tị nạn Cộng sản, và bao nhiêu du học sinh miền Nam trước năm 1975. Nhưng chỉ có một tiệm duy nhứt của người Việt lai Tàu bán những vật dụng và gia dụng Á Đông (có các thứ của Việt Nam). Nhà tôi đến chợ nầy phải mất một giờ lái xe. Hôm đó tôi vô cùng mừng rỡ, mằn mò từ kệ hàng nầy qua kệ kia mới tìm được 6 băng cassette nhạc Việt Nam, thu đâu hồi năm ngoái kỳ xưa ở Sài Gòn.

Xin quý vị đừng cười cho “Bà Tư Kẹo” (đó là cái tên cúng cơm do các chị, em đặt cho tôi) mà mấy mươi năm rồi, giờ tôi mới chợt nhớ! 
Mèn ơi, bởi khi ra tính tiền những băng nhạc tôi tá hỏa tam tinh 7$/1 cassette (7 đô la một băng)! Trong khi quý vị à, tôi làm có 3$15 cắc/1giờ, ngoài chợ Mỹ bán thịt đùi heo 19 cắc/1lbs, 12 trứng gà /10cắc, thịt gà đùi 14cắc/1lbs... Tôi xót xa trong bụng, 6 băng nhạc nhiều lần cầm lên rồi để xuống... Phu quân tôi nhìn thấy biết vợ cái mặt méo xẹo vì tiếc tiền! Chàng tỏ ra tự nhiên hào sảng, bảo nhỏ: “Em thích thì mua về nghe đi...”

Tôi nhìn chồng biết ơn và e dè như người có tội, mua 3 cái, trả lại ba cái mà lòng đầy tiếc nuối. Nhưng eo ơi, có lẽ vì băng thu lại lâu đời, dùng nhiều nên về nhà 3 băng nhạc, chỉ có 1 băng hát nghe đỡ một chút, còn hai cái kia cái bị cà lăm, cái bị rè không nghe được...

Thuở đó được đồng hương trong vùng cho mượn sách, tập truyện, báo cũ... Việt ngữ thì quý và vui mừng lắm. Rồi dần dà tìm được địa chỉ một vài nguyệt san ở Nam, Bắc California... tôi chắt mót gởi mua sáu tháng, một năm... thì chủ báo gởi nhiều lắm là hai ba, lần... rồi mất tiêu luôn... Hoặc gởi tiền đi nhưng báo không bao giờ đến, gọi hỏi tòa soạn không ai trả lời...

Nghe tôi láp dáp cằn nhằn mấy tờ báo đời đó, phu quân tôi cười khì:

- Thôi bỏ đi, đền hoặc thưa gởi ai bây giờ? Đã mất tiền còn buồn bực làm chi cho mệt, ở đời người ta thiếu mình sướng hơn, chớ đừng để mình thiếu người ta... mang tội!

Bị dối gạt mất tiền. Lòng còn đang hết sức bực bội mà nghe ổng xã mình nói chuyện huề vốn thấy mắc ghét! Tôi hấy ổng con mắt có đuôi như dao cạo râu, rồi bỏ ra ngoài sân nhìn trời hiu quạnh cho thoải mái tâm hồn!

Trong dịp tình cờ, năm đó tôi đọc được bài của nhạc sĩ Lê Dinh viết về nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng trên nguyệt san Nghệ Thuật (của nhạc sĩ Lê Dinh). Từ lâu tôi đã cảm mến về nhạc của ông, giờ đây đọc được bài viết về ông, khiến tôi càng kính phục về người nhạc sĩ tài hoa Thông Đạt-Văn Giảng nhiều hơn.

Nhờ nhạc sĩ Lê Dinh cho địa chỉ, tôi mạo muội gởi tặng ông Thông Đạt-Văn Giảng hai thi tập của mình để làm quen. Sau tháng gởi thi phẩm tặng, tôi nhận được thiệp cảm ơn của ông, và trong thiệp ông có hỏi “Chị còn có thi tập nào nữa không...?” Tôi mừng húm, lật đật gởi tiếp ông 4 thi tập còn lại! Bởi theo thiển nghĩ của tôi: “Viết ra là mong tác phẩm của mình được đến tay người đọc... Có độc giả càng nhiều càng tốt, văn thơ được đi xa, xa tít khắp năm châu bốn biển càng hay... Và được có người cảm nhận văn thơ mình thì tôi sung sướng hạnh phúc vô cùng...”

Nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng ở nước Úc, chúng tôi ở nước Mỹ, hai Châu khác nhau. Trên bản đồ thế giới hai nước cách xa hơn nửa vòng trái đất, một biển Thái Bình Dương bao la, các múi kinh tuyến, các tầng vĩ tuyến. Phải mất khoảng 16 giờ máy bay không ngừng nghỉ từ Hoa Kỳ mới đến Úc Đại Lợi.

Vào năm 2003 du lịch ở Úc, có đi qua vùng Melbourne nơi nhạc sĩ tạm cư. Chúng tôi điện thoại đến, xin được ghé qua thăm ông. Và kể từ sau lần thăm, tôi gọi ông bằng bác (ông cùng tuổi với ba tôi)

Bác Thông Đạt-Văn Giảng tôi gặp năm đó có vóc dáng cao ráo, ốm, khuôn mặt phúc hậu, nước da trắng xanh. Nét mặt nghiêm trang, giọng Huế của bác nhỏ nhẹ, ôn tồn, ấm áp... Bác lắng nghe người đối diện nói nhiều hơn bác nói. Bác khiêm tốn, có phong cách phương phi, điềm đạm của một nhà mô phạm hơn là một nghệ sĩ...

Chúng tôi vì phải theo đoàn du lịch qua tiểu bang khác trong ngày, nên dừng lại thăm bác chỉ một giờ thôi. Bác đãi chúng tôi tách trà mai quế hoa với bánh “phục linh” (loại bánh in nhỏ bằng ngón tay cái, để vào miệng không cần nhai mà bánh thao ra) ngọt đường, béo nước cốt dừa và phảng phất hương lá dứa. Bánh có màu xanh nhạt, màu hồng phấn và màu lá cẩm đặt trên chiếc dĩa kiểu mạ vàng trên vành.

Nhân dịp đến thăm, tôi tặng bác món cổ ngoạn nhỏ để bàn, đó là tượng phật Quan Âm bằng ngọc thạch nhân tạo, có vân xanh da trời và trắng màu mây. Mấy năm trước du lịch tôi đã mua trong một ngôi chùa bên khu Tam Giác Vàng (Nơi đây có ba dòng sông của ba nước: Thái Lan, Lào, và Burma) nhập lại.

Đưa chúng tôi ra cửa, bác nhẹ giọng:

- Chúc thượng lộ bình an, cảm ơn anh chị đến thăm, và tặng món cổ ngoạn... Từ rày thỉnh thoảng gởi sách, hoặc thơ chị viết cho tôi đọc là quý lắm rồi... Tôi không nhận quà nữa nghe...

Cuối năm đó, tôi vui mừng sung sướng nhận được những bài thơ của mình được bác phổ nhạc... Và thật cảm động có kèm theo lá thư dưới đây là nguyên văn và bút tích của bác:


“.....Nhận được mấy thi tập của nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn gửi tặng đầu năm 2001. Tôi nghĩ rằng một nhà thơ chưa quen biết mà gởi tác phẩm tặng, có lẽ muốn mình phổ nhạc. Nếu không phổ một bài nào e mình thiếu lịch sự! Nên tôi bắt đầu đọc thơ của Dư Thị Diễm Buồn để kiếm một bài phổ nhạc làm quà quen biết với nhà thơ, người có ý tốt hâm mộ tôi. Tôi đã chọn được bài thơ “Nhớ” phổ theo âm hưởng Huế làm món quà văn nghệ ban sơ... Mấy ngày sau tiếp tục đọc kỹ thì thấy có nhiều bài hay, ý tứ súc tích, từ ngữ phong phú, mộc mạc, chất phác, tình cảm đậm đà, nhất là chất nhạc dồi dào rất gợi cảm cho người phổ nhạc. Do đó tôi viết thêm bài thứ hai, thứ ba và tiếp tục từ bài nầy đến bài khác... Tôi ngâm nga lời thơ để viết nhạc một cách lý thú... Tôi có thói quen khi viết được khúc nhạc nào cảm thấy hay hay, thì thường hát cho vợ con nghe, đặc biệt câu nào thích nhứt trong bài, tôi thường hát lập đi, lập lại nhiều lần để tự mình và những người thân trong gia đình thưởng thức. Thỉnh thoảng tôi hỏi họ: Đã nghe... câu ấy chưa, được không?” Khi họ trả lời: “Nghe hay, dễ nhớ...” Lúc đó tôi mới hạ bút viết thành nhạc... Khi phổ đến bài thơ thứ năm, tôi thấy cũng đủ rồi, ngưng là vừa... Thế rồi lật tập thơ khác ra đọc tiếp, thì cảm hứng dấy lên tôi muốn phổ nhạc thêm... Như vậy đủ thấy thơ Dư Thị Diễm Buồn thật là phong phú tình cảm, nhạc tính dồi dào dễ rung động người đọc.

Tôi có ý định phổ thơ cho đủ chị làm một CD... Cuối cùng tôi đã thực hiện xong ý mình, và tôi lại tiếp tục phổ nhạc thơ của Dư Thị Diễm Buồn nhiều hơn đã định...”
Melburne, ngày 12 tháng 4 năm 2001
Văn Giảng-Thông Đạt
(Trích trong tập nhạc của ba nhạc sĩ: Văn Giảng-Thông Đạt, Võ Tá Hân, và Hiếu Anh)

Thỉnh thoảng tôi điện thoại thăm bác một lần, hoặc gởi bác cái thiệp vấn an. Sách nào, văn cũng như thi tập, CD ngâm thơ tao đàn nào khi phát hành tôi cũng gởi tặng bác... 

Có lần bác bảo:

- Chị có định ra CD nhạc chưa?

- Kính bác, cháu có hỏi thăm những nhà làm nhạc thu vào CD ở California. Họ bảo trung bình làm một CD gốc, ca sĩ thường hát nghe được thì từ 7000$ (bảy ngàn đô la Mỹ còn những ca sĩ hát hay nổi tiếng phải từ 12000$ (mười hai ngàn đô la) đó bác ạ... Cháu chưa có khả năng... 

Bác từ tốn bảo:

-  Ờ nhiều tiền quá hả? Thôi thì cứ để đó đi... Khuyên chị đừng gởi về bển thâu rồi họ sửa đổi bậy bạ... Tôi viết nhạc lâu nên chẳng ngại chi cả, còn chị là cây viết trẻ... có cái cớ để bị chụp mũ thì nhiều phiền phức lắm!
Tôi “Vâng, dạ…” mà cả thấy lòng buồn hiu. Rồi một năm, hai, năm qua những bài nhạc bác phổ cho thơ tôi vẫn còn nằm yên đó. Có một hôm tôi gởi tặng bác CD nhạc của anh Lê Quang Diệp (sư huynh đồng môn Trung học Phan Thanh Giản& Đoàn Thị Điểm) thời xa xưa tặng, vì trong đó có bài thơ tôi được anh phổ nhạc.

Nghe xong CD, bác bảo:

- Bây giờ chị có thể gởi những bài nhạc tôi phổ thơ về bên ấy, cho họ soạn hòa âm, và làm CD được rồi... Và nhớ yêu cầu những ca sĩ đã hát trong CD chị cho tôi, hát cho CD mới nầy của chị nghe...

Thế là: Tình khúc thơ phổ nhạc CD 1“Con Đường Xưa Mưa Bay” thơ Dư Thị Diễm Buồn, nhạc Thông Đạt-Văn Giảng được hiện hữu trên thế gian nầy vào mùa xuân California ngày đẹp nắng.

  Nhờ sự chiếu cố của thính giả, năm sau tình khúc thơ phổ nhạc CD 2 “Ướp Hồng Tuổi Ngọc” Nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng phổ thơ Dư Thị Diễm Buồn, được ra đời.

Mỗi lần nghe tôi sắp ra CD bác rất vui. Bác chăm chút sửa chữa lại chỗ nào chưa ưng ý, sắp xếp bài nào hát trước, bài nào hát sau, và đặt cho CD cái tên đẹp! Khi ra CD xong tôi hỏi bác muốn bao nhiêu cái để tôi gởi qua. Bác cười hiền: “Chị gởi cho tôi xin 10 CD để tặng... con cháu”


Chúng tôi trở lại Úc, nhân dịp trường xưa tổ chức “Đại hội cựu học sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Thế Giới Năm 2010” ở Victoria. Và sau ngày tới vùng Melbourne, tôi gọi điện thoại xin được đến thăm bác Thông Đạt-Văn Giảng. 

Phòng khách của bác giản dị, và tượng ngọc thạch Quan Âm tặng bác năm nào vẫn còn trên bàn viết. Bác vui vẻ đón tiếp chúng tôi... 

Trong lúc trà đàm, tôi hỏi thăm:

- Thưa bác cháu thấy nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như bác thường hay lên truyền hình, hay DVD trong những trung tâm băng nhạc lớn... Và cháu có nghe nhạc bác luôn trong DVD họ phát hành... vậy họ có trả tác quyền những bản nhạc của bác không, thưa bác?

Bác cười nhẹ:

- Chỉ có Trung tâm Asia, mặc dù tôi không đòi hỏi nhưng họ có gởi tặng chút tiền uống trà. Họ cũng có mời sang bên đó... nhưng tôi từ chối, vì tuổi tác lớn rồi, đi đứng khó khăn và đường quá xa xôi.

- Hàng ngày ở nhà rảnh rỗi, bác làm gì, và còn viết nhạc nữa không?

- Hôm nào trời nắng ráo, tôi đi vòng quanh những con đường nhỏ gần nhà để giãn gân cốt... Con tằm phải nhả tơ mà chị, tôi vẫn thường viết nhạc đạo. Hơn 20 năm rồi tôi không có viết nhạc tình, gần đây chỉ phổ nhạc thơ của chị thôi... và về sau nầy tôi sẽ chuyên viết nhạc đạo...

Lần đó tôi có mời bác đến dự Đại hội trường tôi, nhưng bác từ chối:

- Từ sang đây đến giờ tôi không có tham dự lần nào hội họp, hay lễ Tết ở bên ngoài. Cảm ơn anh chị có nhã ý mời, xin thông cảm cho...

Anh bạn thân đưa chúng tôi đến thăm bác Văn Giảng là một nhà văn và chủ của một tờ báo lớn ở Úc, nhưng đưa chúng tôi đến đó thì đi chớ anh không vào. Lần đến thăm nầy tôi mang từ Mỹ qua tặng bác gói thanh trà nguyên chất, và hộp kẹo sô-cô-lat hiệu See’s

Thời gian không chừa một ai lão hóa! Bác Văn Giảng trông già hơn lần chúng tôi đến thăm lần trước nhưng bác khỏe mạnh nét mặt phương phi và vẫn điềm đạm trong phong cách của một người đứng tuổi. Đến thăm bác chừng một giờ chúng tôi cáo từ.

Chúng tôi có hẹn trước, nên phu quân tôi gọi nhờ anh bạn đưa lúc nãy đến chở chúng tôi về nhà. Bây giờ trên xe ngoài vợ chồng tôi còn có anh Bùi Hữu Trạng (Úc) Huỳnh Ngọc Minh (TX, Hoa Kỳ) Anh bạn lái xe nhìn tôi như dò xét rồi chân tình, dè dặt bảo:

- Hỏi thiệt chị chớ nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng phổ nhạc thơ chị ổng lấy bao nhiêu tiền một bản vậy?

Tôi ngạc nhiên, mở to mắt hỏi lại anh:

- Bộ bác Thông Đạt phổ nhạc thơ cho người ta ăn tiền hả? Không anh, tôi không có trả cho bác đồng nào, bác cũng chưa hề nhắc hay đề cập với chúng tôi vấn đề tiền bạc... Thật ra khi nhận được thư, tôi mới biết những bài thơ mình được bác phổ nhạc.

Thấy anh cười cười như không tin, tôi bảo tiếp:

- Ra CD, tôi chỉ tốn tiền trả cho ca sĩ, ngâm sĩ ở Việt Nam làm cho tôi bản gốc nhạc, hoặc ngâm thơ Tao Đàn thôi. Khi được những bản gốc rồi tôi gởi xuống trung tâm làm CD ở Nam California nhờ họ in ra... Giá cả tương đối, có thể chịu được, không cao ngất trời xanh đâu... Chớ nhiều tiền quá chúng tôi sẽ không làm sao kham nổi... Anh cũng biết, sách, nhạc, thơ... phát hành sẽ tặng nhiều hơn là được ủng hộ. Các nhà văn nhà thơ lớn thì có thể bán được nhiều tiền, còn tôi là tép rong tép rêu trong ao đìa... viết in thành sách, và làm CD với tâm tình ưa thích và đam mê văn nghệ thôi. Tôi cũng không phải là người nổi tiếng, vả lại “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” mà! Ờ, tại sao anh lại hỏi tôi như vậy?

Anh bạn tôi vừa lái xe vừa trả lời:

- Người ta đồn cụ Văn Giảng-Thông Đạt rất nghiêm khắc, khó tánh lắm. Cụ sống âm thầm ít giao tiếp bên ngoài, tôi ở đây mấy chục năm rồi chưa bao giờ thấy cụ đi dự các hội họp, lễ, Tết... cộng đồng, đoàn thể, đảng phái, hay cựu quân nhân... chi cả. Cũng không thấy bài vở, nhạc... của cụ mới viết gởi đi trên cách sách báo Việt ngữ hay các diễn đàn điện tử... Và rất nhiều người như tôi ở đây lâu cũng chưa hề biết mặt cụ... Hôm nay nếu không chở anh chị đến thăm, tôi cũng chưa biết chính xác cụ ở đâu... Tôi cũng chưa nghe bản nhạc nào cụ phổ nhạc thơ người khác... Nhưng thấy 2 CD nhạc của cụ phổ thơ chị, nhiều quá nên tôi tò mò hỏi thôi...

Tôi lí lắc cười hì hì, trả lời anh:

- Đó là nhờ cái duyên văn nghệ của Dư Thị Diễm Buồn. Cũng có lẽ bác thấy tôi là con nhỏ có cái mặt bơ bơ, quê mùa khờ khạo, chân chưa sạch phèn ở vùng sanh tôi ra và lớn “Con cá gô, bỏ chông gổ nhẩy gồ gồ” thật tội nghiệp đó mà!

Hai ông anh đồng môn trên xe cười ồ, ồ... chọc ghẹo tôi:

-  Thôi đủ rồi nghe chị Diễm ơi, khiêm nhường vừa vừa thôi chớ...

Nhìn bầu trời Úc nắng chang chang, nóng muốn la làng nếu trong xe không có máy lạnh đang chạy rè rè. Vì vào cuối mùa hè của nước Úc, lại là cuối mùa đông nối tiếp đầu mùa xuân ở nước Mỹ.

Tôi cười nhẹ nói tiếp:

- Bác Thông Đạt-Văn Giảng khó tánh đâu tôi không biết. Nhưng mấy anh cũng thấy, tôi là một đứa nói cười tự nhiên hỉ, nộ, ái... hiện rõ trên nét mặt, và trong cử chỉ của mình. Nhưng trước cái từ tốn, hiền lành, nghiêm trang, thâm trầm của bác... đã khiến tôi phải chùn lại! Để mỗi khi điện đàm với bác, hay nói chuyện trực tiếp với bác tôi phải lựa lời, và cười phải đúng chỗ... chớ không dám chí chóe, tía lia nữa. 

Xe vẫn bon bon trên đường về, trên xe yên lặng không ai nói lời nào, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Nền trời Melbourne hôm nay trong như lọc, vẫn còn sao nắng chấp chóa thấy được ngoài kiếng xe... Anh bạn tôi tế nhị mở CD nhạc “Con Đường Xưa Mưa Bay” của bác Văn Giảng-Thông Đạt đã phổ nhạc thơ tôi cho cả xe cùng nghe.

Anh ta vẻ mặt an nhiên, bảo:

-  Nghe nhạc êm dịu của nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng, khiến người ta cảm thấy tâm hồn lâng lâng, nhẹ nhàng dễ chịu làm sao...

Trong xe không ai có ý kiến gì qua lời nhận xét của anh. Nhưng không một người Việt nào mà không thừa nhận, bác Thông Đạt-Văn Giảng là một nhạc sĩ có tài, có đức độ… Chỉ nghe tên bác cũng khiến cho nhiều người ngưỡng mộ và kính phục... 


THÔNG ĐẠT-VĂN GIẢNG

(1924-2013)

Hôm nay thời tiết nước Mỹ đã vào chánh mùa xuân, thì ở nước Úc vào đông. Hai phương trời bên hai bờ Thái Bình Dương khác biệt từ thời gian, khí hậu chuyển sang mùa...

 Tôi bàng hoàng xúc động, tin từ các diễn đàn điện tử: “Nhạc sĩ Việt Nam Thông Đạt-Văn Giảng vừa vĩnh viễn ra đi” Bác ra đi để lại buồn thương tiếc nuối cho gia đình, và mất mát lớn cho nền Âm nhạc Việt Nam! Dẫu biết rằng sanh lão bệnh tử là kiếp con người trên trần thế, kẻ trước người sau không ai tránh khỏi. Nhưng lòng tôi cảm thấy ưu hoài thương tiếc bác một nhạc sĩ tài hoa ngưỡng phục. 

“...................................
Tin bác ra đi bàng hoàng xao xác!
Xuân Ca-li mây nhòa nhạt xám giăng
Để chiều nay nhìn mây tím băn khoăn 
Tôi nghe vẳng thơ nhạc lòng ai hát...

Bác an bình trên bầu trời ấm mát
Chốn hồng trần là cõi tạm mông lung...
Lòng xót xa và kính ngưỡng vô cùng
Hương tưởng niệm thắp cho người quá cố

Nguyện hương linh bác về miền vĩnh độ
Mảnh u hồn sẽ trở lại cố hương
Thăm làng xưa và viếng lại miếu đường
Hưởng nhang khói trong đêm rằm tháng Bảy...”


Trong lòng tôi bác là một người thầy đức độ, một người cha hiền, một nhạc sĩ tài hoa khả kính. Tôi nhớ ơn bác đã bỏ công sức phổ nhạc cho tôi hơn hai mươi bài thơ vào CD. Dòng nhạc êm dịu du dương của bác ru hồn bao nhiêu người ái mộ, và dòng nhạc hùng ca của bác trong các quân trường của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa… đã đi vào Quân sử, và nhạc sử Việt Nam.


Tích từ tuyển tập 

“Bóng Thời Gian.2” phát hành năm 2024


Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

Dư Thị Diễm Buồn

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Thu Về Hôm Nao - Lời:: Phạm Anh Dũng- Nhạc: Nguyên Bích - Tiếng Hát: Vân Châu - Dương Cầm: Lê Minh Trí


Lời:: Phạm Anh Dũng
Nhạc: Nguyên Bích
Tiếng Hát: Vân Châu
Dương Cầm: Lê Minh Trí

Đường Em Đi

 

Em bỏ lớp văn ngộ cõi thiền
Gĩa từ phấn trắng tuổi hoa niên.
Học trò chắc nhớ cô nhiều lắm ?
Trường vắng bóng em ta cô miên.

Bể dâu phiêu bạt đời trôi mãi

Thấp thoáng mây trời màu nắng phai!
Tội quá bài toán kèm năm ấy,
Em vẫn ngây thơ, ta giải sai!

Thuở đó tình trong thơ bẽn lẽn,

Đêm về nằm mộng thấy đóa sen.
Em như ngọn nến hồn thanh khiết,
Tâm sáng lung linh ngộ trước đèn,

Ta sợ đường trần nhiều gió bụi,

Thì xin dạo khúc nhạc đời vui
Em thoát tục niềm đau sẽ hóa
Ta chấp mê vẫn cảm bùi ngùi!

Ở đây ngày tháng như chiếc bóng

Thành quách trăm năm cũng rêu phong.
Bãi vắng, biển chiều trời mây nước
Quê cũ mờ xa vọng tiếng lòng.

Đỗ Bình

Hoa Gió Hòa Thu

 

Dáng duyên hoa cợt gió chao mình
Búp lẳng lơ cười vẻ nghịch tinh
Cánh thắm tỏa quang ngời rạng rỡ
Nụ hồng bừng sáng ánh lung linh
Sóng thơ cuồng chảy, thơ kiều mị
Ý nhạc trào dâng, nhạc diễm tình
Man mác triền non lan tím nụ
Mây ngàn lờ lượn nét dung xinh

Phương Hoa


Dạ Lan Hương

 

Lá xanh thẳng đứng mượt mềm
Hương thơm phảng phất trong đêm lâu tàn
Vòng tròn từng cánh dịu dàng
Ðầu Xuân tỉnh giấc theo làn gió qua
Dạ Lan Hương, đẹp mặn mà
Mỹ miều duyên dáng cánh hoa rạng ngời
Hôm nay, buổi sáng đẹp trời
Bón phân, nhổ cỏ, làm tơi đất trồng
Em mạng Mộc, thích màu hồng
Vườn nhà sân trước tôi trồng tặng em
Sáng ra em bước qua thềm
Hương thơm hoa Dạ ngọt mềm xung quanh
Ước mơ giấc mộng đã thành
Sân vườn trước ngõ duyên lành kết hoa
Mỗi khi về đến trước nhà
Trăm hoa vẫy gọi ngân nga đón chào!

Y Thy Võ Phú


Tháng 9

Tháng 9 là tháng có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Sau đây là một số ngày đáng chú ý:

01 tháng 9

-1939 - Vào lúc 5 giờ 30 sáng, quân đội của Hitler xâm lược Ba Lan, mở đầu cho Thế chiến II ở Châu Âu.
-1985 - Xác tàu Titanic được phát hiện.

-1875- Ngày sinh của tác giả Tarzan of the Apes Edgar Rice Burroughs (1875-1950) . Trước khi trở thành tiểu thuyết gia, ông là phóng viên của tờ Los Angeles Times.

02 tháng 9

-1945 - Tổng thống Harry Truman tuyên bố Ngày V-J (Ngày Chiến thắng Nhật Bản) để kỷ niệm sự đầu hàng chính thức của Nhật Bản trước quân Đồng minh trên tàu USS Missouri ở Vịnh Tokyo.
-1945 - Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập của Việt Nam và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

-1973: Ngày mất của J. R. R. Tolkein (3/1/1892 – 2/9/1973) là một nhà văn, tiểu thuyết gia, và giáo sư người Anh, được công chúng biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm Anh chàng Hobbit (The Hobbit) và Chúa tể những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings). Ông giảng dạy về ngôn ngữ Anglo-Saxon hay tiếng Anh cổ tại Đại học Oxford

03 tháng 9:

-Đại hỏa hoạn London bắt đầu (1666) Ngay sau nửa đêm, Đại hỏa hoạn London bắt đầu tại một tiệm bánh ở Pudding Lane gần Cầu London và Tháp London. Gió mạnh đã giúp đám cháy lan nhanh và không lâu sau đó đã biến thành một trận bão lửa. Bốn ngày sau, đám cháy cuối cùng đã được kiểm soát. Tổng cộng 13.000 ngôi nhà đã bị thiêu rụi, nhưng thật kỳ diệu là chỉ có sáu người thiệt mạng.
-Kết thúc Thế chiến thứ II (1945) Gần sáu năm sau ngày bắt đầu, Thế chiến thứ II cuối cùng đã kết thúc với sự đầu hàng của Nhật Bản. Cuộc xung đột này là cuộc xung đột chết chóc nhất trong lịch sử với ước tính khoảng 70-85 triệu người thiệt mạng.
-1914 Giáo hoàng Benedict XV được bầu làm Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo La Mã. Ông là Giáo hoàng từ năm 1914 đến năm 1922. Tên thật của ông là Giacomo Paolo Giovanni Battista della Chiesa.
-1971 Qatar tuyên bố độc lập.

05 tháng 9

-1972: Thảm sát Munich xảy ra trong Thế vận hội mùa hè2.-1997 - Mẹ Teresa qua đời tại Calcutta ở tuổi 87, sau một cuộc đời làm việc thiện giúp đỡ người bệnh và người nghèo ở Ấn Độ thông qua dòng Truyền giáo Bác ái của bà.
-1900 - Một cơn bão với sức gió 120 dặm/giờ tấn công Galveston, Texas, giết chết hơn 8.000 người, trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Cơn bão và sóng thần sau đó đã phá hủy hơn 2.500 tòa nhà.

08 tháng 9

-2022 - Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh qua đời tại Lâu đài Balmoral ở Scotland, thọ 96 tuổi, sau 70 năm trị vì, dài nhất trong lịch sử Anh. Sau khi bà qua đời, con trai bà là Charles, 73 tuổi, trở thành quốc vương mới với tước hiệu là Vua Charles III. Sinh ngày 21 tháng 4 năm 1926, Công chúa Elizabeth là người thứ ba trong danh sách kế vị ngai vàng, và trở thành Nữ hoàng vào năm 1952, ở tuổi 25, sau khi cha bà là Vua George VI qua đời trong giấc ngủ. Bà lên ngôi vào năm 1558 ở tuổi 25. Trong thời gian trị vì của bà, Anh đã trở thành cường quốc thế giới bằng cách đánh bại Hạm đội Tây Ban Nha. Giáo hội Anh giáo cũng được thành lập hoàn chỉnh. Trong suốt thời gian trị vì của mình, Nữ hoàng đã gặp 13 tổng thống Hoa Kỳ và đến thăm hơn 100 quốc gia.

Ngày 11 tháng 9 năm 2001: 

Vụ tấn công khủng bố bi thảm ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ.
(Osama bin Laden, người sáng lập tổ chức al-Qaeda và chủ mưu các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ, đã bị lực lượng biệt kích của Hoa Kỳ giết chết bằng các phát súng bắn vào đầu và ngực ngày 2 tháng 5 năm 2011, lúc 01:00 sáng giờ địa phương Pakistan trong một cuộc đột kích. )

Ngày 12 tháng 9:

-1953 - John Fitzgerald Kennedy kết hôn với Jacqueline Lee BouvierJohn Fitzgerald Kennedy kết hôn với Jacqueline Lee Bouvie tại Nhà thờ St. Mary ở Newport, Rhode Island vào ngày 12 tháng 9 năm 1953. Khoảng 750 người đã tham dự lễ cưới và hơn 3.000 người chứng kiến chờ đợi để được nhìn thoáng qua đôi vợ chồng mới cưới khi đoàn xe hộ tống đưa họ đến địa điểm tổ chức tiệc cưới tại Hammersmith Farm.
-1959 - Liên Xô phóng Luna 2, tàu vũ trụ đầu tiên thành công khi tiếp cận Mặt trăngLiên Xô đã phóng Luna 2, tên lửa thứ hai lên Mặt trăng vào ngày này năm 1959. Nỗ lực thứ hai này của người Nga đã thành công khi Luna 2 hạ cánh xuống Mặt trăng 36 giờ sau khi phóng. Nó mang theo thiết bị đo từ trường của Trái đất và Mặt trăng cũng như mức độ bức xạ xung quanh Trái đất.
-2011- Bảo tàng tưởng niệm 9/11 mở cửa đón công chúng vào ngày 12 tháng 9 năm 2011, mười năm và một ngày sau khi Trung tâm thương mại thế giới bị bọn khủng bố tấn công. 2.983 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong vụ tấn công làm sụp đổ các tòa tháp và thay đổi địa hình đường chân trời của Manhattan mãi mãi. Bảo tàng này trưng bày các hiện vật đồ sộ liên quan đến các sự kiện ngày 11 tháng 9 và cũng kể những câu chuyện về lòng trắc ẩn, mất mát, sự tính toán và phục hồi.

Ngày 13 tháng 9

-1959 - Vật thể nhân tạo đầu tiên (Luna 2) bay đến Mặt trăng1960 OPEC được thành lập
-1966 - Mức lương tối thiểu tăng lên 1,40 đô la tại Hoa Kỳ
-1982 - Công chúa Grace xứ Monaco qua đời

14 tháng 9

-1920 - Vụ đánh bom Phố Wall
-1928 - Bão Okeechobee tấn công Florida
-1932 - Mahatma Gandhi bắt đầu tuyệt thực
-1997 - Steve Jobs trở lại Apple

16 tháng 9:

- 1994 - Ngày Ozone thế giới, nâng cao nhận thức về tầng ozone3.
- 1970 - Jimi Hendrix qua đời vì dùng thuốc quá liều.
-1620 - Mayflower khởi hành đến Tân Thế giới. Con tàu Anh được gọi là Mayflower khởi hành từ Plymouth trong chuyến hành trình đến Châu Mỹ. Trên tàu có 102 hành khách đang tìm kiếm cuộc sống mới ở Tân Thế giới. Con tàu mất 10 tuần để băng qua Đại Tây Dương trước khi thả neo gần Cape Cod, Massachusetts.

18/9/ 1946
- Liên hoan phim Cannes đầu tiên

19 tháng 9

- 1851- Báo The New York Times được thành lập
-1893 - New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trao quyền bầu cử cho phụ nữ.

Ngày 19-20 tháng 9 năm 1985 

- Động đất ở Thành phố Mexico đã giết chết khoảng 5.000 đến 20.000 người và khiến hơn 100.000 người mất nhà cửa, gây thiệt hại 4 tỷ đô la. Các trận động đất được ghi nhận là 8,1 và 7,5 độ Richter.

21 tháng 9- 1792

- Chế độ quân chủ bị bãi bỏ ở Pháp-Sau khi bắt đầu vào năm 1789, Cách mạng Pháp cuối cùng đã xóa bỏ chế độ quân chủ vào năm 1792. Sau khi chế độ này bị bãi bỏ, Pháp đã trở thành một nước Cộng hòa.

2 tháng 9 -1862: 

Tổng thống Abraham Lincoln đã ban hành Tuyên bố Giải phóng nô lệ sơ bộ, giải phóng nô lệ tại các vùng lãnh thổ do Liên minh miền Nam nắm giữ kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1863.

26 tháng 9 - 1973: 

Chuyến bay đầu tiên vượt Đại Tây Dương của Concorde - Concorde, máy bay chở khách siêu thanh đầu tiên trên thế giới, đã thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên trong thời gian phá kỷ lục: 3 giờ 32 phút.


27 tháng 9- 1959 
- Bão Vera tấn công Honshu, Nhật Bản
- 1964 Ủy ban Warren công bố phán quyết chính thức về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy

28 tháng 9

-1928 -Alexander Fleming phát hiện ra Penicillin
-1542 - Nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Juan Rodriguez Cabrillo đã phát hiện ra California khi ông đến Vịnh San Diego.
-1978 - Giáo hoàng John Paul I qua đời chỉ sau 33 ngày tại vị. Người kế nhiệm ông là John Paul II.
-1995 - Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat đã ký một hiệp định tại Nhà Trắng thiết lập quyền tự trị của người Palestine ở Bờ Tây.

Ngày 29-30 tháng 9 năm 1941 

- Đức Quốc xã đã giết 33.771 người Do Thái trong vụ thảm sát Babi Yar gần Kiev.

30 tháng 9:

- 1955: James Dean tử nạn trong vụ tai nạn xe hơi.
- 1981 Sandra Day O'Connor trở thành nữ thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đầu tiên trong lịch sử.
- 2009 Động Đất ở Sumatra.

Thái Lan
Sưu tầm và Dịch