Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Chuyện Hẹn Hò - Trần Thiện Thanh - Duy Quang


Sáng Tác: Trần Thiện Thanh
Ca Sĩ: Duy Quang
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cứ Như

 

Cứ như tàn bếp tro đêm
Mẹ vùi than mọn dành nhen lửa hồng
Cứ như lá rụng sầu đông
Vàng rơi cổ độ, xuân bùng màu son

Cứ như suối nước cỏn con
Một dòng lưu thủy nỉ non đôi bờ
Cứ như ngậm nhện nhả tơ
Trận đồ giăng lưới ngu ngơ đời mình

Cứ như tằm mượn phù sinh
Luân hồi kéo sợi thâm tình tri ân
Cứ như một đám phù vân
Lênh đênh thấu tận vô cùng nổi trôi

Cứ như mặt đất, bầu trời
Giữa lòng rỗng trống thảnh thơi, thuận tùy
Cứ như con nắng thích nghi
Bốn mùa gieo hạt lưu ly nẩy mầm

Cứ như cái gió vô tâm
Chở mây về tận xa xăm mưa nguồn
Cứ như hoa mở lòng hương
Dãi dầu một nắng hai sương nồng nàn

Cứ như thông giữa đại ngàn
Gìn xanh suốt thấu bẽ bàng giá đông
Cứ như trúc lắng vào trong
Thầm vi vu vút thinh không gió đàn

Cứ như tát nước đầu làng
Lòng quê múc ánh trăng vàng hồn nhiên
Cứ như sóng sánh ảo huyền
Soi thanh tịnh nguyệt qua miền hoại hư...

Lý Đức Quỳnh

Tình Học Trò...



Tình Học Trò...
(Yết Hậu)

Sân trường lá rụng đầy
Áo lụa dài bay bay
Em má hồng, môi đỏ
Say!

Ta lạc vào vườn thơ
Tình yêu đến bất ngờ
Nhìn hoa vàng bướm trắng
Mơ!

Tặng em một nụ hồng
Ngước mặt, mỏi mòn trông
Chu mỏ, nàng quay bước
Xong!

Thy Lệ Trang
***
Các Bài Họa:
Áo Trắng Ngày Xưa


Kỷ niệm xưa đong đầy
Gió vờn áo trắng bay
Nón nghiêng ngơ ngẩn nắng
Say!

Bâng khuâng nhận tập thơ
Ép phượng thắm ai ngờ
Riêng giấu trong ngăn cặp
Mơ!

Lối nhỏ nắng phai hồng
Xa xôi bóng dõi trông
Hoa tàn theo gió lộng
Xong!

Kim Oanh
***
Ngẩn Ngơ


Độc ẩm chén vơi đầy
Đâu rồi áo lụa bay
Tình hay men rượu thấm
Say!

Ta thi sỹ… vụng thơ
Vụng cả chữ khôn ngờ
Để lạnh bờ môi ấy
Mơ!

Cánh thiệp đến khoe hồng
Tay cầm mắt ngước trông
Ai vừa dìu áo lụa
Xong! 

Nguyễn Gia Khanh
***
Nhớ Một Thời


Phượng thắm rải sân đầy
Tóc thề trải gió bay
Hương lòng nao tuổi mộng
Say!

Trăng buồn vụn cánh thơ
Quạnh vắng có đâu ngờ
Lơ lững đò không bến
Mơ?

Tủi phận lỡ tơ hồng
Bèo trôi nuối tiếc trông
Sang ngang rồi hỡi sáo
Xong! 

Phan Tự Trí
***
Hụt Hẫng  

Mộng ước mãi dâng đầy
Ơ kìa mới vụt bay!
Trăng ơi, mình cạn nhé
Say!

Khêu đèn vuốt lá thơ
Đọc kỹ thật không ngờ
Dòng cuối "thương anh lắm"!
Mơ!

Sáng nay xé thiệp hồng
Hụt hẫng hết chờ trông
Người nỡ sang thuyền khác
Xong!

Như Thu 
***
Thất Tình


Tình đẹp tựa bài thơ
Là đây...thực chẳng ngờ
Tròn vo, đôi mắt mở
Mơ!

Anh ôm một bó hồng
Chắc tặng ...mãi hằng trông
Hóa chẳng em... mà ả!
Xong!

Tim này rỏ máu đầy
Thổn thức mộng tình bay
Biết đớn đau là thế...
Say! 

Thanh Hoà
***
Tương Tư

Đêm thu nỗi nhớ đầy
Một suối tóc bay bay
Hồn lạc khung trời mộng
Say!

Tình như một áng thơ
Êm ái đến không ngờ
Ngước mắt nhìn trăng sáng
Mơ!

Cuộc đời chẳng sắc hồng
Để mặc ta hoài trông
Nàng bước đi, hờ hững
Xong!

Sông Thu
***
Buồn

Chiều ấy sương giăng đầy
Bên đường tóc gió bay
Lòng ta xao xuyến lạ
Say!

Đây rồi . . . tựa áng thơ
Duyên dáng đến không ngờ
Đang bước vào bờ mộng
Mơ!

Chúm chím cặp môi hồng
Hình như . .. mải ngóng trông
Chiếc xe vừa chạy tới
Xong! 

Phạm Kim Lợi
***
Phong Lưu

Phong lưu một thuở đầy
Em gái tóc tơ bay
Ánh mắt càng tha thiết
Say!

Da diết nhớ, làm thơ
Niềm vui đến chẳng ngờ
Tặng em tà áo cưới
Mơ!

Chiều nay cánh thiệp hồng
Gửi kẻ chẳng chờ trông
Lệ đọng hàng mi ứa
Xong! 

Văn Thanh
***
Chuyện Xưa

Hè sang phượng nở đầy
Hai đứa tâm hồn bay
Mười điểm nên tơ mịn
Say!

Binh chiến đậm trong thơ
Mình đâu lại có ngờ
Hắn chìm hồn chốn đó
Mơ !

Hôm ấy dưới cờ hồng
Cầm tay thắm thiết trông
Chờ nghe , ngày chiến thắng
Xong!

Trần Như Tùng

***
Tình Thầy Trò

Ban mai nắng trải đầy
Tà áo tím vờn bay
Cô giáo vừa vào lớp
Say!

Hôm nay học luật thơ
Niêm vận còn ngù ngờ
Hồn lạc vào xa vắng
Mơ!

Đang thả mộng mây hồng
Qua khung cửa ngóng trông
Hết giờ cô tạm dứt
Xong! 

NS
***
Không! 
*Không theo vần cuối

Nhìn xác lá bay bay
Bên hiên chén rượu đầy
Buồn chia ly … cạn nữa
Say!

Anh viết gửi vần thơ
Thời gian sẽ khó ngờ
Có ngày sau gặp lại
Mơ! 

Ghế đá chạnh vời trông
Lung linh một đóa hồng
Gió chiều qua lặng lẽ?
Không! 

Uyên Du
170310
***
Chạnh Nhớ

Còn trong ký ức đầy
Bóng áo trắng tung bay
Chẻ vạt tang bồng rót
Say!

Bàng hoàng lượm tứ thơ
Cát bụi cũng không ngờ
Gió ước nhìn trăng rớt
Mơ!

Còn đâu thuở mặn nồng
Lặng lẽ đứng chờ trông
Tiễn biệt người hun hút
Xong! 

Như Thị
***
Tình Thơ Ngây
Bao nhung nhớ thắp đầy
Một thuở lá vàng bay
Thờ thẩn chiều qua phố…
Say!

Yêu đậm đà nàng thơ
Tim khô quá nghệch ngờ
Năm canh lòng khắc khoải
Mơ!

Khổ vì lụy đóa hồng
Thấp thỏm, đợi, chờ, trông
Hờ hững khoan thai bước
Xong! 

Thiên Hậu
***
Arizona

Nơi nầy cac-tus đầy
Cát bụi mịt mùng bay
Mắt lóa màu vàng đỏ
Say!

Hồn vương vấn tuổi thơ
Tiếng trống hội đâu ngờ
Vẫn mãi vang đồng trắng
Mơ!

‘Gi-La’ hỡi bóng hồng
Điệu múa mãi còn trông
Khúc hát theo chân bước
Xong!

Hải Rừng
Florence, Arizona
11/3/ 2017
***
Chớm Yêu 

Trên không phượng đỏ đầy
Dưới bến tóc thề bay
Lạc lõng hồn anh mất
Say!

Dáng lướt nhẹ vào thơ
Đam mê chả chút ngờ
Mây trời hay áo trắng?
Mơ!

Cầm tay một đóa hồng
Rạo rực lúc chờ trông
Chẳng được nàng quay lại
Xong!

Thanh Hoà
***
Ngàn Năm Huế Mộng  

Phượng đỏ thắm rơi đầy
Sông Hương gió lộng bay 
Dâng lên nguồn cảm xúc
Say! .

Hoàng Thành xứ Huế thơ
Cảnh tĩnh lặng nào ngờ
Cổ kính rêu xanh phủ
Mơ!

Mây quyện mặt trời hồng
Chiều ôm đứng ngẩn trông
Ru hồn người viễn xứ
Xong!

Minh Thúy

Lâm Giang Tiên 臨江仙 - Dương Thận 1488 - 1559



Lâm Giang Tiên

(Tam Quốc Diễn Nghĩa Ðề Từ -Dương Thận 1488 - 1559)

Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy
Lãng hoa đào tận anh hùng
Thị phi thành bại chuyển đầu không
Thanh sơn y cựu tại
Kỷ độ tịch dương hồng
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng
Quán khan thu nguyệt xuân phong
Nhất hồ trọc tửu hỷ tương phùng
Cổ kim đa thiểu sự
Ðô phó tiếu đàm trung

Dương Thận 1488 - 1559 
***
Lâm Giang Tiên

(Ca Từ Mở Ðầu Tập Truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa - PKT - Mây Tần 2012)

Cuồn cuộn Trường Giang về biển cả
Sóng hoa cuốn hết anh hùng
Chính, tà, thành, bại thoắt như không
Non xanh xưa vẫn đó
Bao độ nắng chiều hồng
Ðôi bạn ngư tiều đầu bến nước
Trăng thanh gió mát rong chơi
Tương phùng hồ rượu nhạt đầy vơi
Cổ kim thiên hạ sự
Khề khà chuyện vui thôi

Nhân Gian Như Mộng
(Mây Tần 2012 - PKT)

Cuồn cuộn Trường Giang về biển cả
Sóng hoa vùi cuốn hết anh hùng
Thị phi thành bại tan theo nước
Núi cũ bao chiều bóng tịch dương
Ðôi bạn ngư tiều đầu đã bạc
Gió trăng sông nước thả mây trôi
Gặp nhau mừng cạn một hồ rượu
Phó mặc chê khen những nỗi đời

Phạm Khắc Trí

***
Lâm Giang Tiên - Dương Thận 


DƯƠNG THẬN ( 1488-1559 Tương đương thời kỳ Văn Hoá Phục Hưng của Phương Tây ). Ông là Văn Học gia đời Minh, tự là Dụng Tu, hiệu là Thăng Am. Người đất Thành Đô. Đậu Tiến Sĩ hạng nhất năm Chánh Đức thứ 6 đời Minh Võ Tông. Ông là người đất Thục ( tỉnh Tứ Xuyên ) duy nhất đậu Trạng Nguyên dưới triều nhà Minh. Dương Thận tính tình cương trực, gặp việc thì nói thẳng, nên vào đời Minh Thế Tông năm Gia Tĩnh thứ 3 bị biếm đến Vân Nam và mất ở nơi nầy sau hơn ba mươi năm đi đày. Đến năm Thiên Khải đời Minh Hi Tông ( 1621-1627 ) mới được truy phong " Văn Hiến ". Trứ tác của ông còn để lại trong " Thăng Am Tập ".
Dương Thận là người học rộng biết nhiều, Minh Sử ghi ông là người trứ tác phong phú. Trong " Nhị Thập Nhất Sử Đàn Từ " kể lại lịch sử từ đời Tam Đại cho đến đời Nguyên và cuối đời Minh, văn phong lưu loát, được truyền tụng rộng rãi trong dân gian.
LÂM GIANG TIÊN là bài từ của ông viết để mở đầu khai quyển cho TAM QUỐC DIỄN NGHĨA của La Quán Trung đã làm tăng thêm sức thu hút của quyển truyện nầy.

LÂM GIANG TIÊN 臨江仙 là " Tiên trên bến sông ", là TÊN của một THỂ LOẠI " Từ " chuyên tả Thủy Tiên mà thành tên. Với nhịp đôi gồm 58 hoặc 60 chữ, đều gieo thành vần Bằng.

Bài " Lâm Giang Tiên " của Dương Thận viết để đề từ cho quyển Tam Quốc Chí rất nổi tiếng, gồm có 60 chữ và được gieo vần Bằng như sau:

臨江仙.                    LÂM GIANG TIÊN
楊慎                         Dương Thận

滾滾長江東逝水, Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy,
浪花淘盡英雄。     Lãng hoa đào tận anh hùng.
是非成敗轉頭空。 Thị phi thành bại chuyển đầu không.
青山依舊在,         Thanh sơn y cựu tại,
幾度夕陽紅。          Kỷ độ tịch dương hồng.
白髮漁樵江渚上, Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
慣看秋月春風。     Quán khan thu nguyệt xuân phong.
一壺濁酒喜相逢。 Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
古今多少事,         Cổ kim đa thiểu sự,
都付笑談中.            Đô phó tiếu đàm trung!

CHÚ THÍCH:
1. ĐÔNG THỆ THỦY : THỆ là Mất, là Chết. THỆ THẾ 逝世 là Từ trần. Nên Đông Thệ Thủy 東逝水 là Nước chảy mất hút về hướng đông không trở lại.
2. ĐÀO TẬN : là Đào thãi hết, đào thãi sạch sẽ không chừa ai cả.
3. CHUYỂN ĐẦU : là Quay đầu nhìn lại, chỉ thời gian rất nhanh.
4. BẠCH PHÁT : Tóc trắng, chỉ người gìa.
5. NGƯ TIỀU : là Ngư Ông và Tiều Phu, nhưng ở đây là Động Từ, có nghĩa là : Bắt cá và đốn củi.
6. CHỬ : là Bãi nước, là Bến nước , là Cồn ở giữa sông.
7. QUÁN KHAN : đã quen nhìn, đã thường thấy.
8. THU NGUYỆT XUÂN PHONG : chỉ Thời gian lần lựa, hết thu nguyệt thì tới xuân phong và ngược lại.
9. TRỌC TỬU : không phải là rượu dơ, mà là rượu thường của giới bình dân uống thường ngày, chưa được tinh chế chắc lọc.
10. PHÓ : là Phó mặc, là mặc cho.
NGHĨA BÀI TỪ:

Sông Trường Giang sóng xô nước cuốn cuồn cuộn chảy về biển đông rồi không bao giờ còn trở lại nữa; cũng như biết bao anh hùng hào kiệt đều như hoa sóng kia tan biến biệt tăm và chịu đào thải theo dòng lịch sử. Bất luận là thị hay phi, là đúng hay sai, là thành hay bại, trong chớp mắt quay đầu nhìn lại thì đã không còn gì nữa. Chỉ có núi xanh vẫn như cũ đứng trơ gan cùng tuế nguyệt và nắng chiều vẫn biết bao lần hồng lên rồi chợt tắt. Những ông lão đốn củi và đánh bắt cá trên bến nước, họ đã quen rồi với thu nguyệt rồi lại xuân phong, thời gian cứ thế trôi đi. Nên khi gặp nhau thì cứ cùng vui với nhau bên chung rượu lạt. Biết bao nhiêu là chuyện lớn chuyện nhỏ trên đời nầy từ xưa đến nay, chẳng qua cũng chỉ là những chuyện nói cười trong lúc nhậu, là chuyện phiếm chuyện gẫu khi trà dư tửu hậu mà thôi !
Thật là cảm khái ! Tam Quốc Chí chẳng những viết lại lịch sử, mà còn viết lại những cuộc đời anh hùng, sự chìm nổi hưng suy của anh hùng, cái khí thế và khí phách của anh hùng, cái thành công và thất bại của anh hùng, cuối cùng đều phải chịu chung sự đào thải vô tình của thời gian và lịch sử. Lịch sử đã sang trang, thời gian đà biền biệt, rốt cuộc họ còn được gì ? Chẳng qua chỉ là những câu chuyện khề khà với nhau khi trà dư tửu hậu mà thôi ! Tất cả đều qui về một chữ KHÔNG to lớn !. 
Bài Từ rất thực tế và sát sao với cuộc sống, nên có những từ Hán Việt cũng rất sát sao với cuộc sống thực tế, không cần phải diễn Nôm mà ai cũng đã hiểu nghĩa cả rồi. Như : Thị Phi Thành Bại, Thu Nguyệt Xuân Phong ...

DIỄN NÔM:

Lâm Giang Tiên

Trường giang cuồn cuộn nước về đông,
Sóng xô đào thải hết anh hùng.
Thị phi thành bại quay đầu hết!
Núi xanh vẫn còn đó,
Bao lượt nắng chiều hồng.
Ngư tiều đầu bạc trên sông nước,
Đã quen rồi thu nguyệt với xuân phong,
Một bầu rượu lạt thắm tình nồng,
Xưa nay bao thế sự,
Cười nói cũng như không!

Lục bát:

Trường Giang cuồn cuộn về đông,
Anh hùng như sóng theo dòng trôi xuôi.
Thị phi thành bại trên đời,
Quay đầu là hết núi đồi còn đây.
Núi xanh sừng sửng tháng ngày,
Hoàng hôn mấy lượt thêm dài hoàng hôn.
Ngư tiều đầu bạc ven thôn,
Trên dòng sông nước vùi chôn tháng ngày.
Một bầu rượu lạt ngà say,
Cổ kim thế sự nào ai có lòng?
Nói cười nhấp rượu như không!

Đỗ Chiêu Đức.
***
Chỉ Là Chuyện Tam Quốc

Trường Giang nước cuộn thủy triều xuôi
Sóng dập anh hùng thác ngậm ngùi.
Lý lẽ thị phi gây bát nháo,
Rừng xanh núi thẳm vẫn chưa nguôi!
Thời gian mấy độ xuân hồng thắm,
Tóc trắng ngư tiều nước với non.
Gió mát trăng thanh đời thỏa chí,
Tương phùng rượu nhạt uống say ngon.
Xưa nay thế sự gác ngoài tai,
Mặc kệ, lo trăng tròn lại khuyết!
Cao nhân ẩn sĩ lắm anh tài,
Tam quốc vòng vo dân chịu thiệt!

Mai Xuân Thanh
Ngày 15 tháng 03 năm 2017
***
Lâm Giang Tiên

Mải miết đông Trường Giang cuồn cuộn,
Bao anh hùng sóng cuốn tan thương.
Đúng sai, thành bại khói sương,
Non xanh còn đó, tà dương những chiều.
Trên bến sông ngư tiều tóc trắng,
Khi xuân nồng, khi ngắm trăng thu.
Tương phùng rượu đục lu bù
Nhẩn nha kim cổ, phàm phu khề khà 

Mailoc phỏng dịch.
***
Bạn già trên bến sông

Sông mãi trôi hoài xuôi hướng đông
Vùi chôn bao số phận anh hùng
Đúng- sai, thành - bại đều tan biến
Núi vẫn còn xanh, nắng nhạt hồng
Đôi bạn ngư tiều không bận trí
Một chung rượu nhạt cứ xoay vòng
Khề khà câu chuyện trong trời dất
Tất cả qui về một chữ KHÔNG !

Phương Hà
***
Khúc Lâm Giang Tiên

Cuồn cuộn Trường Giang mãi xuôi đông
Anh hùng khác chi bọt sóng
Hơn thua sai đúng cũng bằng không
Non xanh vẫn như cũ
Mấy lượt ánh dương hồng
Trên bến tóc ngư tiều bạc trắng
Đã quen trăng gió xoay vòng
Rượu lạt một bầu vui gặp gỡ
Xưa nay bao nhiêu chuyện
Mặc kệ cứ đùa bông.

Quên Đi
***
Tình bạn Ngư Tiều

Sông nào cũng chảy hướng về Đông
Số phận chôn đi lắm kẻ hung
Thành bại,khen chê do chính kiến
Đúng sai, tốt xấu kể như không
Ngư Tiều trà rượu cùng chung nhắp
ôi bạn thay phiên cứ chuyển vòng
Trăng gió chuyện trò quên thế sự
thời gian chẳng nhạt được tình hồng

Song Quang
***
Lâm Giang Tiên


Hướng về đông Trường Giang cuồn cuộn
Sóng xô bao lớp anh hùng
Có sá chi đúng sai thành bại
Núi còn đó vẫn xanh
Ánh tà dương mấy độ
Ngư tìều trên bến phơi tóc trắng
Quá quen trăng gió vòng xoay
Mượn rượu đục mua vui gặp gỡ
Thế sự đời đã trải
Há cớ mãi có không!

Kim Phượng 
***
Từ khúc sông dài

Sông dài nước đổ về đông
Sóng xô vẫn cuộn anh hùng thải đi
Còn gì phân rõ thị phi
Bại thành được mất cũng về biển khơi
Núi xanh vẫn đứng giữa trời
Ráng hồng vẫn cuốn chiều trôi lặng lờ
Ngư tiều bên bãi bạc phơ
Thu đi xuân đến vẫn vơ tháng ngày
Gặp nhau thù tạc cùng say
Mặc cho thế sự loay hoay nhọc nhằn
Có không … cười nói chả màng!

Nguyễn Đắc Thắng
170626
***
Chén rượu nồng


Cuồn cuộn Trường Giang xuống biển đông
Anh hùng hào kiệt xác phiêu bồng
Thị phi thành bại sai chưa đúng
Phải trái hơn thua được mất không
Tuế nguyệt non xanh cây cỏ biếc
Thời gian mai sáng ánh dương hồng
Tiều phu ngư phủ quen thân lắm
Tri kỷ bên nhau chén rượu nồng

Mại Xuân Thanh
Ngày 28 tháng 06 năm 20
***
Vui Theo Sông Nước

Sóng xô cuồn cuộn nước về đông,
Cuốn hết anh hùng lẫn chí hùng.
Thành bại đúng sai đều mất hút,
Thị phi đắc thất cũng thành không.
Ngư Tiều đôi bạn vui sông nước,
Trà rượu bao chung nhắp chuyển vòng.
Chiều tắt chiều tà chiều lại tắt,
Hoàng hôn biết mấy độ vương hồng !

Đỗ Chiêu Đức

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Thơ Tranh: Chiều Phật Đường


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh:Kim Oanh

Hạnh Phúc Mang Theo - Sáng Tác Lam Phương -Tiếng Hát Bạch Yến


Sáng Tác:Lam Phương
Tiếng Hát: Bạch Yến
Thực Hiện: Đặng Hùng


Thả Trôi Câu Thơ


Câu thơ thả sóng nước trôi
Cô em nhặt được đem phơi nắng hồng
Nắng rơi giọt nhớ giọt mong
Hay câu thơ đã phải lòng cô em ?

Bởi em chân chất dịu hiền
Nõn nà nhan sắc tóc mềm phiêu du
Dòng sông sóng lượn đôi bờ
Gió bay lồng lộng chèo đò em qua

Thơm tho chiếc áo bà ba
Tiếng cười em lượn mượt mà tình quê
Vườn thơm cây trái sum sê
Cầu tre lắc lẻo đi về nhớ thương

Thương sao giọng nói miệt vườn
"Nè anh, em hổng biết buồn đâu nghen"
Má hồng đỏ mặt trời lên
Nghiêng câu thơ lượn bên thềm gió mây

Mắt em hồ nước thu đầy
Tình ai ngụp lặn vòng tay đợi chờ
Em ngồi thả gió hong thơ
Biết đâu thơ đứng ngẩn ngơ bên người

Trầm Vân

Kêu Đò



Kêu Đò

Đò ơi bến nước biết kêu ai!
Sông lạnh chiều hôm nhẹ gót hài.
Lặng lẽ lên xe thồ cố quận,
Im lìm soi bóng ngã về tây.
Cảnh xưa khác lạ nhà san sát,
Lối cũ đổi thay quán xá đầy.
Vắng vẻ đò ngang đâu thấy nữa,
Cầu treo phương tiện phóng qua đây!

Mai Xuân Thanh
Ngày 09 tháng 03 năm 2017
***
Nhịp Cầu Chưa Trọn

Lặng ngắm dòng sông nghĩ đến ai
Đôi bờ đã mất dấu hoa hài
Từ khi kết hợp Nam liền Bắc
Là lúc chia rời Đông với Tây
U uất nơi lòng mòn mỏi đợi
Xuống lên con nước cứ vơi đầy
Bao năm nối nhịp sao như vẫn
Chẳng biết vì đâu đó với đây.

Quên Đi
***
Về  Thôi!


Sao cứ đứng hoài, mong ngóng ai?
Một tà áo mỏng, một đôi hài?
Chân trời tím sẫm nơi phương Bắc
Quầng ráng ửng hồng ở phía tây
Người đẹp đã sang bờ bến khác?
Thi nhân còn đợi chốn này đây!
Về thôi, chiều muộn, đêm dần xuống
Sương phủ mênh mông, gió ngập đầy

Phương Hà
***
Trở Về


Trở về vườn cũ để tìm ai,
Tiếng guốc xa xưa lẫn dấu hài.
Cành trúc la đà ru gió sớm,
Cổng sài kẽo kẹt gợi niềm tây.
Im lìm hàng cột dây leo kín,
Quạnh quẽ hành lang cỏ mọc đầy.
Đất khách tha hương ngày tháng lụn,
Tình quê dằn vặt nỗi lòng đây.

Mailoc
3-10-17
***
Lỡ Chuyến

Lòng cố rằng quên lại nhớ ai
Dạ rằng đừng khắc chút hình hài
Nhớ nhung tim ngóng về phương ấy
Trăn trở tâm cầu ngã hướng tây
Người hỡi chiều tàn trông quạnh quẽ
Ta ơi nắng lặn bủa vây đầy
Xuồng xưa xuôi mái chờ chi nữa
Bến cũ sạt bờ đợi bậu đây!

Kim Oanh
***
Kêu Đò

Bến vắng lâu rồi đứng đợi ai?
Chiều buông độc khách hát bi hài
Quay vòng bảng trắng sang bờ Bắc
Sốt ruột tối dần rủa tiếng Tây
Bỗng gặp ngư ông cần trúc nhỏ
Vừa nghe bìm bịp nước sông đầy
Quá giang mõi cánh tay thầy chú…
Trại lá say mèm lão chủ đây!

Cao Linh Tử
12/3/2017
***
Đợi Đò


Chuyến chót đò chiều mong đợi ai
Ngày qua mòn mỏi vóc hình hài
Bâng khuâng gửi mộng về phương Bắc
Thờ thẩn thả hồn xuôi hướng Tây
Trăng sáng sáng soi niềm khát vọng
Đò đưa đưa hộ mối tình đầy
Tơ vò trăm mối sương màu tóc
Quãng vắng lụy đò ta vẫn đây

Kim Phượng
***
Lỡ Một Cuộc Tình

Đã lỡ cuộc tình,thức đợi ai???
Tường loang còn đọng dấu hình hài
Chàng đi, vui hưởng niềm an lạc
Thiếp ở, thân mang gió bụi đầy!
Mơ ước mưa ngâu Trời tháng bảy
Để cầu Ô Thước bắt sang đây
"Kêu đò" tan giấc người đang mộng
Tiếng gọi âm vang bến nước nầy!

Song MAI Lý Lệ
3/15/2017
***
Bài Cảm Tác:
Nhở Chuyến Đò Tình
(Riêng tặng cho một người..)

Chiều buông bến đổ đứng chờ ai??
Thảm cỏ còn vương dấu gót hài
Người đã đi rồi qua ải Bắc
Ta còn ở lại chốn trời Tây
Nhở chuyến đò đưa buồn chất ngất
Mất tình chung lối dạ sầu đây
Vời trông ,viễn xứ làm sao nối!!
Người hởi! hồn quê cứ mãi đầy

Song Quang
3/14/2017

Lỡ Một Cuộc Tình - Niềm Thương Vẫn Còn Đó...



Lỡ Một Cuộc Tình

(Cảm hứng qua bài thơ "Kêu đò" của MXT)

Đã lỡ cuộc tình,thức đợi ai ???
Tường loang còn đọng dấu hình hài
Chàng đi,vui hưởng niềm an lạc
Thiếp ở,thân mang gió bụi đầy!
Mơ ước mưa ngâu Trời tháng bảy
Để cầu Ô Thước bắt sang đây
"Kêu đò" tan giấc người đang mộng
Tiếng gọi âm vang bến nước nầy!

Song MAI Lý Lệ
3/15/2017
***
Họa: Niềm Thương Vẫn Còn Đó...

Đường tình dang dỡ nhớ thương ai!
Thức giấc đầu ngày dạo gót hài.
Mới đó chàng xa hồn cực lạc,
Hôm nay thiếp lại lệ vơi đầy!
Anh ơi vĩnh biệt buồn cay đắng,
Em khóc chia ly khổ còn đây...
Tỉnh mộng bờ sông vang tiếng gọi,
"Đò ơi" lỡ chuyến tớ nơi nầy!

Mai Xuân Thanh
Ngày 15 tháng 03 năm 2017



Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Mừng Sinh Nhật 85

Kim Oanh kính tặng anh Văn Thanh món quà Mừng Sinh Nhật 85
Kính Chúc anh dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc trọn vẹn bên những người thân yêu.
Kính mến!
(KimOanh)



Thơ: Văn Thanh Trương
Thơ Tranh: Kim Oanh
***
Các Bài Họa:

Sinh Nhật Anh Tôi
(Họa bốn vần)

Rộn rịp tưng bừng khắp đó đây
Bốn phương đoàn tụ dẫu xa bầy
Xóm giềng chúc tụng trao hoa thắm
Con cháu vui đùa mở nhạc hay
Bạn hữu nâng ly lòng ấm áp
Hiền huynh mời khách rượu nồng cay
Mỗi năm mình hẹn ngày ni nhé!
Sinh nhật anh tôi đáng nhớ này! 

Như Thu
***
Mừng Sinh Nhật Thi Huynh
(Họa 4 vần )

Gia đình tụ họp ở nơi đây
Cháu chắt lao nhao cả một bầy
Con thảo ân cần dâng rượu ấy
Vợ hiền âu yếm tặng hoa này
Tinh thần sảng khoái, đời luôn đẹp
Thi tứ dồi dào, thơ mãi hay
Tuổi thọ tám lăm còn tráng kiện
Đường trần trước mặt ngát hương say.

Sông Thu
(Mừng sinh nhật thi huynh Văn Thanh 12/03/2017)
***
Mình Mới Tám Tư

Tám tư sảng khoái kém ai đây
Sinh nhật eo ơi cả loạn bầy.
Mừng chúc bì hoa phiền quá đó
Đáp chào li cốc mệt thêm này.
Gìn chân cho chắc du thiền tự
Giữ bụng cho hay chén thịt cầy.
Dồi chó cuối đời cần thưởng thức
Chết về âm phủ liệu còn hay . . .

Trần Như Tùng
***
Vẫn Còn Hoan Hỷ

Lung linh, huyền diệu ngọn đèn cầy
Con cháu lao nhao đến cả bầy.
Mâm cỗ mừng ông nhiều vật lạ
Trướng hoa chúc cụ lắm lời hay.
Láng giềng tấp nập như ngày hội
Nội ngoại reo vui đến thế này!
Ai biết, ai ngờ khi bóng xế
Vẫn còn hoan hỷ đón chờ đây. 

Huy Phương
***
Mừng Sinh Nhật 85

Cụ tám mươi lăm phúc thọ đây
Thơ thay rượu chúc tiệc đang bầy
Mời trang lão bối - xơi mâm trước
Để kẻ sinh sau - ké lộc nầy
Đũa luật, mâm vần - khay ngũ quả
Tô niêm, chén đối - cặp đèn cầy
Cầu mong bác sống hơn trăm tuổi
Hỷ lạc thân tâm, sáng tác hay.

Thủy Lâm Synh
Mar,15, 2017
***
MừngThượngThọ


Sinh nhật Cha, Ông sắp tới đây,
Cháu con mở hội kết chung bầy.
Vườn duyên khai nụ từ năm đó,
Ruộng phước đâm chồi đến tuổi nầy.
Dâu rể chúc mừng dâng chén rượu,
Thi huynh cầu nguyện thổi đèn cầy.
An chi lão gỉa sống bên vợ,
Thơ phú giao lưu trác tuyệt, hay.

Ngô Văn Giai
Virginia, Mar 16/2017
***
Thơ Lòng Kính Chúc  


Vượt biển thơ lòng kính bác đây
Trời xa cánh nhạn mặc xa bầy
Tám lăm tuổi hạc chung duyên ấy
Một gánh phong lưu hưởng chốn này
Cháu chắt thành nhân, đời sánh mộng
Trang thơ hóa ruộng, bút nên cầy (cày)
Cần chi miếng bả màu danh lợi
Chỉ thú thi cầm kể cũng hay!


Nguyễn Gia Khanh

***
Kính Mừng Sinh Nhật  

Sống thọ tám lăm giỏi lắm đây 
Bánh, hoa con cháu thỏa trưng bầy
Chị nhà vẫn khỏe ân tình đó 
Lão trượng còn tươi diễm phúc này
Cây đức suốt đời vun xới tốt
Quả nhân muôn thuở bón chăm hay
Vườn thơ xướng họa cùng thi hữu
Lại ngát tràn hoa bỏ cuốc cày. 

Phan Tự Trí
***
Các Bài Cảm Tác:
Mừng Tuổi 85 

Mừng bác tám lăm tuổi thọ đây
Hạnh duyên phúc đức cháu hàng bầy
Bình an dưới thế vui đời vậy
Cực lạc thiên đường khoẻ kiếp này
Trí tuệ nhàn cư chuyện rãnh tay
Tâm tình nhẹ gánh việc lo cầy
Trăm năm hẵn sẽ dài thêm đấy
Sống động hồn thơ vẫn cứ hay

Hải Rừng 
 14/3/2017

***
Sinh Nhật 85


Tuổi hạc đến nay đã đủ đầy

Cháu, con cùng chắt tập trung đây
Chúc ông trăm tuổi và mạnh khỏe
Diều dắt cháu con hưởng điều may
Qua cơn Bỉ cực giờ hưởng phúc
Vợ chồng vun vén phúc trời mây
Nhìn đi, ngoảnh lại đời là thế
Có nhân, có đức lộc hưởng dày



Lê Thành Tân
16/3/17
***
Các Bài Cảm Tác
Mừng Sinh Nhật 85

Hôm nay con cháu tựu về đây
Sinh nhật mừng ông tới cả bầy
Ổ bánh trang hoàng nhiều quả đẹp
Tám lăm uốn lượn giữa ly đầy
Kính mừng thượng thọ ân tình đó
Chúc hưởng yên vui hạnh phúc này
Mãi mãi bên nhau khi bóng xế
Ý thơ dào dạt điệu vần hay!

NS
***
Ngày Vui

Cứ tưởng như chừng 58 đây!
Lời thơ còn ngọt, ý còn hay
Hình tranh, ghép nhạc say chưa đủ
Fây bút, còm men* mộng mới đầy
Sinh nhật nồng nàn đôi mắt đó
Tình yêu rực rỡ trái tim này
Ngày vui, ấm áp ngồi bên vợ
Con cháu chia vui đến một bầy!

Thy Lệ Trang
***
Mừng Sinh Nhật 85

Cháu chắt các con đến cả bầy
Đề mừng tuổi thọ cụ ông đây
Xa xôi mới biết ngày sinh nhật
Hồ hởi vừa coi thi phẩm hay
Năm tháng êm đềm chăm hưởng lộc
Ngày giờ hờ hững hết lo cày
Thần tiên tuổi hạc như anh vậy
Có mấy ai đâu được thế này.
Kính chủc anh trường thọ,an khang.

Thanh Hoà 
***
Chúc Thọ 85

Hạnh phúc cuộc đời chính thực đây
85, sinh nhật, người thân đầy
Vợ hiền bên cạnh, mừng anh đó!
Bạn hữu phương xa, chúc bác này!
Con cháu vây quanh, hòa tiếng hát
Lão ông vươn tới, thổi đèn cầy
Mong khi thi bá ngoài trăm tuổi
Sức khỏe còn nguyên, óc vẫn hay

Trương Ngọc Thạch
3/14/2017
***
Hạnh Phúc Tràn Đầy

Tám mươi lăm tuổi tớ còn đây
Con cháu nhìn qua...cả một bầy
Gia quyến im rơ từ tháng trước
Cửa nhà náo nhiệt kể ngày này
Đây bình trà mới, cần câu cá
Nọ chậu hoa tươi, chiếc điếu cày
Ta biết làm sao mà hưởng hết
Cuộc đời khỏe mạnh cũng vừa hay!

Trịnh Cơ 
(Paris)15/03/2017
***
Hưởng Thọ 85
( Chúc mừng sinh nhật thứ 85 huynh Văn Thanh )

Hưởng thọ tám lăm quý lắm đây
Con đông cháu đống tựa chim bầy
Quà trao giản dị không quên được
Vật tặng đơn sơ nhớ mãi này
Ngọn nến lung linh cùng bánh trái
Hoa tươi rực rỡ với đèn cầy
Huynh nay mạnh khỏe bên bà xã
Tóc bạc răng long nghĩa vẫn đầy

19-03-2017 
Hoàng Từ
***
Mừng Anh

Mừng anh tuỗi thọ đã tám lăm
Thơ còn đẹp mãi tựa trăng rằm
Cháu con sum họp mừng ông thọ
Bạn bè giao hữu tình sâu thâm
Một lần yêu thôi, đời gắn bó
Bao năm duy nhất, mối tơ tằm
Gian truân có đũ, đời dâu bễ
Phong ba không thiếu, bước thăng trầm
Giờ đây vui với vầng nhật nguyệt
Chữ tình đẹp mãi cõi trăm năm
Thương anh, em biết làm chi nhĩ
Chĩ biết chiều nay nhớ âm thầm


Mạnh-Trương

Đa tạ Anh Chị Em thi hữu đã gửi tặng những bài họa rất tuyệt vời và đầm ấm.  Hai Thanh xin tổng kết và lưu giữ cho kỷ niệm Sinh Nhật tuổi 85 của mình. Một lần nữa xin đa tạ. Gửi thêm tấm hình, Anh Chị Em xem cho vui. Bye

Thanh Trương

Tiếng Buồn Trong Đêm - Ru Hời Trong Đêm - Mưa Và Kỷ Niệm



Tiếng Buồn Trong Đêm

Chỉ còn là kỷ niệm
Ngày tháng đẹp xa xưa
Chỉ còn sợi nắng thưa
Tan trong chiều mưa lạnh!

Chỉ còn lại đêm xuân
Những bước chân ngập ngừng
Chỉ còn thoáng bâng khuâng
Vương hồn hoa tháng hạ

Chỉ còn chút hương thơ
Nửa chừng thu viết dở
Chỉ còn chút hương mơ
Thương gởi người tri kỷ

Chỉ còn giọt sương mai
Đọng trên cành đông trắng
Chỉ còn lại bờ vai
Tựa đầu khi thổn thức

Chỉ còn trong ngăn tim
Một thoáng tình êm ả
Chỉ còn lại trong đêm
Tiếng buồn rơi của lá

Chỉ còn ta đêm nay
Và tiếng mưa tầm tã…

Yên Dạ Thảo
***
Ru Hời Trong Đêm


( Nối tiếp vần thơ 5 chữ của Yên Dạ Thảo)

Chỉ còn là kỷ niệm thoáng phôi phai
Ngày tháng đẹp xa xưa bạc hình hài
Chỉ còn sợi nắng thưa len trong mắt
Tan trong chiều mưa lạnh ngắt hoàng hôn

Chỉ còn lại đêm xuân hờ cúi mặt
Những bước chân ngập ngừng bặt âm vang
Chỉ còn thoáng bâng khuâng rơi tản mạn
Vương hồn hoa tháng hạ phượng ngậm ngùi

Chỉ còn chút hương thơ mang buồn tủi
Nửa chừng thu viết dỡ suốt canh thâu
Chỉ còn chút hương mơ mộng tình Ngâu
Thương gửi người tri kỷ cầu Ô Thước

Chỉ còn giọt sương mai sướt mướt đau
Đọng trên cành đông trắng bạc mái đầu
Chỉ còn lại bờ vai nguyện cầu run rẫy
Tựa đầu khi thổn thức mấy mùa qua

Chỉ còn trong ngăn tim bóng nhỏ tìm
Một thoáng tình êm ả trong cô miên
Chỉ còn lại trong đêm lạnh chỗ nằm
Tiếng buồn rơi của lá âm thầm gọi

Chỉ còn ta đêm nay người diệu vợi
Và tiếng mưa tầm tã ru hời ru.....

Kim Oanh
***
Mưa Và Kỷ Niệm


(Cảm tác dựa vào ý và lời bài thơ
"Tiếng Buồn Trong Mưa" của YDT)

Chỉ còn kỷ niệm mà thôi!
Ngày xa xưa đẹp đã trôi mất rồi
Còn đây sợi nắng đơn côi
Tan trong chiều lạnh mưa rơi xóa mờ

Tình Xuân còn lại trong mơ!
Ngập ngừng những bước bơ vơ ngỡ ngàng
Bâng khuâng một thoáng chân hoang
Đi tìm tri kỷ hồn hoa tháng hè

Chút hương thơ cũ còn nghe
Nửa chừng viết dở,tiếng ve gọi mời
Giờ còn lại chút gởi người
Niềm thương vang vọng,một thời nhớ ai!

Sương còn nhỏ giọt ban mai
Thì còn đọng lại bờ vai của người
Tự đầu thổn thức lệ rơi!
Để nghe run rẩy góc trời cành đông

Ngăn tim còn trống hay không?
Tình anh êm ả tỏ lòng yêu em
Tiếng buồn của lá rơi đêm
Chỉ còn sót lại bên thềm dấu chân

Đêm nay, ta lại bâng khuâng!
Tiếng mưa rả rít gởi hồn về đâu???!!

Song Quang
3/6/2017

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Thơ Tranh: Mười Sáu Tháng Ba

Vẫn chưa thể nào quên dù 42 năm (1975 - 2017) qua rồi...


Thơ & Thơ tranh: An Nguyen

Thuyền Viễn Xứ - Phạm Duy - Lệ Thu

Chiều nay sương khói lên khơi 
Thùy dương rũ bến tơi bời 
Làn mây hồng pha ráng trời 
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Khoảnh Khắc




Mộc Châu, tháng ba.
Ta đi tìm em giữa ngày đông lạnh giá.
Hoa mận còn đâu, để rụng trắng bên đồi.
Phố thỊ già nua, gập ghềnh gạch đá.

Bên ngã ba đường, ta tự hỏi . Em đâu.!

Ta đi tìm em tìm lại phút yêu đầu.
Và ta biết, em cũng gần đâu đó.
Cuộc đời ta như câu thơ viết dỡ.
Trái tim thổn thức chờ, nghe tiếng gọi. Em đây.!

Sức mạnh tình yêu ơi, sao chỉ mình trái tim ta tan chảy.
Sao người không đốt cháy trái tim em, mà đứng ngoài gõ cửa.
Để tình yêu em cứ hẹn chờ, lần lữa.
Giữa thiệt hơn, được mất đời thường

Có thể là ta lại được yêu thương.
Nhưng trái tim ta chỉ cần khoảnh khắc.
Nếu phải làm, cho cuộc đời ta đổi khác.
Ta lại bắt đầu, từ khoảnh khắc. Khoảnh khắc ơi.

Có thể rồi đây, cách biệt phương trời.
Và ký ức không lần tìm trở lại.
Những gì em đã cho ta, sẽ theo ta mãi mãi.
Dù chỉ là khoảnh khắc. Em ơi.


Hhai
*Ảnh tác giả ghi lại

Tình Hoài Hương



Dõi cánh hạc về dang gió sương
Trăng lồng mây lạnh gợi hoài hương
Tình trong đã chín chờ xuân muộn
Mộng khép mi buồn đêm vấn vương
Mây trắng có về qua lối cũ
Nón chiều nghiêng nhớ ghé người thương
Sầu riêng nửa mảnh vầng trăng khuyết
Cho gửi tâm tư mấy dặm trường

Bằng Bùi Nguyên

Sinh Nhật



Sinh Nhật 

Sinh nhật người Tây họ đặt mà

Phải đâu tập quán của ông cha
Rằng hay sao thuở nào không dạy?
Nếu dỡ thì ai lại hát ca ?
Đầy túi ăn mừng khui rượu tiệc
Khô nồi chạy vạy lấy chi quà?
Nên thường bắt chước cho xôm tụ
Chúc tụng lời hay để gọi là…!

Cao Linh Tử
4/3/2017

Các Bài Thơ Hoạ
Vui Chút Thôi


Đông –Tây khác chút,bác sao mà…
Tạo dịp mua vui khó vậy cha ?
Đây tớ xa quê đang muốn trối
Đó huynh bám trụ chắc ưa ca?
Nói vui vậy đấy-bằng lòng chứ?
Bỡn tí được không-lỗi bỏ qua?(*)
Đâu phải trên mây sinh lễ nghĩa
Cao Linh Tử,bạn đúng không là…?

Thái Huy

(Xin Thất Vận một chữ)
***
Ngày Sinh!

Hồ sơ lý lịch vẫn khai mà,
Tháng đẻ ngày sinh lẫn mẹ cha.
Tập tục xưa nay giàu lễ nghĩa,
Nhạc vàng chiếu lệ phú đờn ca.
Rượu mừng chúc tụng tùy bằng hữu,
Đãi tiệc tương thân tiện tặng quà...
Mặc khách tao nhân nay có dịp,
Làm thơ mừng tuổi chẳng lơ là!

Mai Xuân Thanh
***
Cõi Thế Có Ta


Tự mình quyết định được đâu mà
Cõi thế có ta do mẹ cha
Sinh nhật khắc ghi ngày hiện hữu
Cuộc đời chẳng khác món ân quà
Mỗi lần kỷ niệm mừng năm tuổi
Một dịp vui vầy rộn tiếng ca
Dấu vết thời gian như biến mất
Tâm hồn phơi phới cứ như là....

Phương Hà
***
Sinh Nhật

Cúng căn lúc nhỏ nhớ đi mà
Lễ lục bát..tuần kính mẹ cha
Con cháu họ hàng mừng tuổi thọ
Anh em bạn hữu xúm đàn ca
Tiệc tùng chủ yếu cầu vui khoẻ
Nào phải kinh doanh để nhận quà
Tây với Ta dù hơi khác biệt
Nhưng thêm sinh nhật có chi là...

Quên Đi
***
Mừng Sinh Nhật

Chúc mừng sinh nhật cũng vui mà
Dẫu biết tuổi đời đáng chú cha
Thân thiết bạn bè chung tiếng hát
Yêu thương con cháu họp lời ca
Nhâm nhi tí rượu xem như tiệc
Xướng họa dăm câu tạm thế quà
Trân quý những gì còn có thể
Nhỡ mai xa cách chẳng quên là

Kim Phượng***
Tiệc Sinh Nhật

Tây âu bắt chước riết quen mà..
Biết rõ tục đâu phải gốc cha
Nhạc sống mướn dàn chơi đẹp mặt
Bia ngon đãi bạn rót nguyên ca
Chủ mời lịch sự châm nhiều món
Khách uống no say dám thiếu quà ?
Thiệp tới không đi thiên hạ bảo ?
Dân tình kỳ cục giống như là….

Nguyệt Anh 
10/3/2017

Khi Bài Hát Bị Hát Sai Lời


Hiện tượng ca sĩ hát sai lời bài hát xảy ra càng lúc càng nhiều, ở trong nước cũng như hải ngoại. Với đa số khán thính giả, có thể đây chỉ là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm, vì chính họ cũng không biết chính xác lời của bài hát. Tuy nhiên với một số người quan tâm, nhất là các nhạc sĩ, các tác giả viết ra bài hát, họ đã buồn lòng không ít về vấn đề này.

Trong bài “Mộng Dưới Hoa”, Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ “Tự tình dưới hoa” của thi sĩ Đinh Hùng, câu “Mắt em lả bóng dừa hoang dại”, nhiều người đã hát thành “Mắt em là bóng dừa hoang dại”. Chữ “lả” diễn tả một hình ảnh nên thơ đôi mắt của người thiếu nữ đẹp như bóng dừa rủ xuống. Hát thành “là” thì câu hát hoàn toàn mất chất thơ đi. Có một giai thoại về chuyện này. Sau khi sáng tác bản nhạc này, nhạc sĩ Phạm đình Chương thỉnh thoảng có trình diễn bài hát này ở phòng trà Đêm Màu Hồng. Khi hát đến câu “Mắt em lả bóng dừa hoang dại”, ông đột ngột ngừng lại, rồi nói “Lả bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi”. Sau đó ông lại say sưa hát tiếp.


Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng từng bộc bạch là mỗi lần nghe ca sĩ hát câu đầu của bài “Chiếc lá cuối cùng” ông hết sức hồi hộp vì nhiều ca sĩ đã hát “Đêm qua chưa” thành “Đêm chưa qua”. “Đêm qua chưa” là một câu hỏi bâng khuâng, trước sự chia ly không còn ý niệm rõ rệt về thời gian, trong khi đó “Đêm chưa qua” đầy tính xác định. Nếu so sánh, “Đêm qua chưa” nghe hay hơn, đầy tính nghệ thuật hơn là “Đêm chưa qua”.

Cố ca sĩ Quỳnh Giao khi viết về bài hát “Ngọc Lan” của người cha kế là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng không kềm được sự bực tức khi một câu trong bài hát đã bị hát sai hoàn toàn. Trong tạp ghi Quỳnh Giao, bà đã viết:

Không chỉ là một bài hát, Ngọc Lan là một bài thơ, một bức họa và một đóa thơm lãng mạn. Ca khúc này được nhiều người trình bày, nam lẫn nữ, nhưng có lẽ thích hợp với giọng nữ hơn là nam. Ðiều này hơi lạ vì nội dung gợi ý về bậc nam tử thấy người ngọc trong “giấc xuân yêu kiều” bỗng mê đắm mà… lùi lại để tơ vương trong tâm tưởng. Ngợi ca đóa hoa như vậy thì phải là nam tử chứ?
Về nhạc thì vậy, về lời từ thì thật đáng thương cho Dương Thiệu Tước, cháu nội cụ Dương Khuê.


Ông viết nhạc đã hay mà dùng chữ rất tài cho một hậu thế lại coi thường chữ nghĩa và nỗi dụng công của ông. Khi viết “ngón tơ mềm, chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng”, ông dồn hết thi họa và nhạc vào một câu làm người ứa lệ trước cái đẹp. “Mạch tương lai láng” là một điển cố nói về giọt lệ. Nhưng đời sau lại hát ra “mạch tương lai sáng”. Dẫu có buồn thì cũng chưa đáng khóc bằng “mạch tuôn” hay “mạch tuông lai láng”!

Trong một buổi trình diễn ca nhạc của TT Thúy Nga, nữ ca sĩ TTH tức HT cũng đã hát “Mạch tương lai sáng”. Rõ ràng là người nữ ca sĩ này hoàn toàn không hiểu biết gì về ý nghĩa của ca từ này.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là nạn nhân của rất nhiều trường hợp. Những bài hát của ông ngoài giai điệu mượt mà, trong ca từ ông thường sáng tạo những từ vựng rất độc đáo, lạ lẫm, tạo nên nét nhạc rất riêng của họ Trịnh. Chẳng hạn như trong bài “Chiều một mình qua phố”. Khi ông viết “Khi nắng khuya chưa lên”, ông muốn dùng chữ “nắng khuya” thay thế ánh trăng lên, thế mà có một nam ca sĩ vì không hiểu nên đã hát “Khi nắng mưa chưa lên”, làm mất đi cái hình ảnh thi vị đó. Thật uổng cái công sáng tạo chữ nghĩa của ông.


Trong bài “Quỳnh Hương” có câu “Nụ cười khúc khích trên lưng”, vẽ lên một hình ảnh rất dễ thương của người thiếu nữ áp sau lưng chàng trai, miệng cười khúc khích. Nhưng chắc vì quên lời nên một số ca sĩ đã hát cương thành “Nụ cười khúc khích trên môi”, làm mất đi cái hình ảnh dễ thương đó. Trong bài “ Một cõi đi về”, những chữ “ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì” thì bị hát thành “thổi xuống” hay “thổi buốt” , sai lạc cả ý nghĩa. Hoặc trong bài “Biết đâu nguồn cội”, lời của bài hát là “Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ”, thì bị hát thành “thấy con trâu đang nằm ngủ”, từ một hình ảnh lãng mạn hóa thành hình ảnh trần trụi, đời thường.


Nhạc tiền chiến cũng không ngoại lệ. Bài “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương có quá nhiều câu sai khiến tác giả không ít lần muốn đính chính. “Tiếng guốc” trong câu “thanh bình tiếng guốc reo vui” bị hát thành “tiếng hát reo vui”. Với ông, tiếng guốc là âm thanh riêng của Hà Nội, vậy mà thay bằng “tiếng hát” thì còn gì là Hà Nội nữa. Rồi “Hãy tin ngày ấy anh về” hát thành “Cứ tin ngày ấy anh về”, và câu “đắm say chờ những kiếp sau…” bị hát thành “đắng cay chờ những kiếp sau…”.


Trong câu mở đầu đầy chất thơ bài “Bến Xuân” của nhạc sĩ Văn Cao: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần” đã bị hát thành “em đến chơi một lần” hay “em đến thăm một lần”, chỉ đổi một chữ mà làm mất hết hồn thơ của câu hát.

Hiện giờ hầu như các bản in đều in nhầm khiến các ca sĩ đều hát sai câu “Muôn kiếp bên đàn” thành “Muôn kiếp bên nàng” trong bài “Dư Âm” của nhạc sĩ Nguyễn văn Tý. Lòng muốn bên nàng nhưng người xưa không muốn nên phải nói tránh ra là bên đàn, tác giả đã có lần tâm sự, kể lại chuyện tình thời trai trẻ của ông.


Trong bài “Lá đổ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn, câu hát “còn nhớ phương nào hoa đã rơi” đã bị một nam ca sĩ sửa thành “còn nhớ hôm nào hoa đã rơi”. “Phương nào” nói về không gian, nơi chốn, trong khi “hôm nào”, nói về thời gian. “Còn nhớ phương nào” nghe thi vị, khoáng đãng hơn “còn nhớ hôm nào”.

Tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh, ca sĩ được xem diễn tả những sáng tác của Phạm Duy hoàn hảo nhất cho đến chính tác giả cũng phải khen ngợi là không ai có thể thay thế được, thỉnh thoảngvẫn tự ý sửa lời bài hát, hoặc hát sai khi trình diễn . Có trường hợp nhờ bị sửa mà câu hát trở nên sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Chẳng hạn như bài “Cho Nhau”, Phạm Duy viết:

Cho nhau ngòi bút cùn trơ….
Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già
Thái Thanh hát:
Cho nhau ngòi bút còn lưa….
Cho nối đêm mơ về già


Lưa là chữ cổ, có nghĩa còn sót lại, nhưng mang một âm thanh u hoài, luyến lưu, tiếc nuối. Dĩ nhiên ngòi bút cùn trơ mang ý nghĩa chính xác hơn, nhưng nghe không thi vị bằng ngòi bút còn lưa. “Cho nốt đêm mơ về già”có nghĩa là cho hết đi, không còn chừa gì cả, nhưng “Cho nối đêm mơ về già”, nghe sâu nặng, thủy chung hơn.
Phạm Duy viết: Cho nhau thù oán hờn ghen. Cho nhau cho cõi âm ty một miền.
Thái Thanh hát: Cho nhau cho nỗi âm ty một miền.
Chữ “nỗi” mang ý nghĩa sâu xa, hay hơn chữ “cõi”. Vì từ “cõi” một ý niệm hữu hình về không gian, tuy có vẻ bao la nhưng hữu hạn. Còn “nỗi”, một ý niệm vô hình, diễn tả tâm trạng con người, tưởng chừng như nhỏ bé so với “cõi” không gian, nhưng thật ra mông mênh vô tận lòng người.

Tuy nhiên trong bài “Về miền Trung”, Thái Thanh đã hát sai hai chỗ làm lệch ý nghĩa của bài hát. “Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi” bị hát sai thành “Thương thân thiếu phụ, khóc đầu hài nhi”, và “Một chiều nao đốt lửa rực đô thành”, Thái Thanh hát thành “Một chiều mai đốt lửa rực kinh thành”. Chữ “nao” mơ hồ, mông lung, không xác định rõ thời gian, có thể là không bao giờ, trái lại chữ “mai” có vẻ như một xác quyết, mong muốn. Nhạc sĩ Phạm Duy muốn gây một ấn tượng mạnh mẽ cho người nghe chứ chẳng bao giờ mong có ngày đốt kinh thành Huế.

Chuyện các ca sĩ hát sai lời từ trước đến giờ có lẽ viết mãi cũng không hết. Đó là chưa nói đến chuyện sửa “anh” thành “em” hay ngược lại để phù hợp giới tính của ca sĩ. Có những bài hát không thay đổi ý nghĩa gì nhiều khi bị sửa đổi, tuy nhiên không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái mà nhiều khi nghe rất ngô nghê, buồn cười. Phải hiểu là nhạc sĩ sáng tác một bài hát là gửi gấm tâm tình của mình vào trong đó. Vì thế khi thể hiện một bài hát cho có hồn, cho bài hát được thăng hoa hơn, ngoài việc hoà nhập cảm xúc và tâm hồn của mình vào đó, người hát không nên sửa đổi theo ý mình mà làm sai lệch ý tưởng và ý nghĩa của bài hát.


Thử tưởng tượng như trong bài Ngậm Ngùi, Phạm Duy phổ thơ Huy Cận, nếu đổi anh thành em và ngược lại, sẽ nghe một nữ ca sĩ hát như sau:
Tay em anh hãy tựa đầu,
Cho em nghe nặng trái sầu rụng rơi… 
Thì với thân hình nặng hơn 80 kí lô của chàng tựa vào, chắc chắn cả thân người của nàng sẽ rụng rơi chứ không phải trái sầu nào cả.
Tương tự, nghe hết sức kỳ cục khi: “Anh vuốt tóc em” sửa thành “em vuốt tóc anh” và “Em khóc trên vai anh” sửa thành “Anh khóc trên vai em” (Một lần cuối, Hoàng Thi Thơ). “Em ơi nép vào lòng anh” sửa lại là “Anh ơi nép vào lòng nhau” (Đôi ngả chia ly, Khánh Băng).


Trong bài “Này em có nhớ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chữ “em”, một người con gái phụ bạc, khiến “tôi”, một người đàn ông phải trách móc, buồn phiền. Thế mà một ca sĩ trong nước khi trình diễn đã đổi ngược lại làm mất hết tính tự sự đầy biểu cảm trong bài nhạc.

Ca sĩ hát sai lời có nhiều nguyên nhân. Từ việc các băng đĩa nhạc phát hành cẩu thả, đến việc những quyển sách nhạc in sai lời mà không bao giờ đính chính. Nhưng xét cho cùng, chủ yếu là từ các ca sĩ; họ đã không chịu tham khảo, tìm hiểu ý nghĩa của bài hát một cách thấu đáo trước khi trình diễn. Ở mỗi tác phẩm, tác giả khổ công gọt giũa từng nốt nhạc, trau chuốt từ câu ca, để qua bài hát chuyển tải những cảm xúc, những tâm tình của họ đến người nghe. Thế mà khi nghe một bản nhạc, hầu như người ta chỉ quan tâm đến ca sĩ trình bày chứ chẳng ai thèm nhớ hay biết tên tác giả. Ngay cả một số trung tâm sản xuất băng nhạc và một số ca sĩ cũng thế. Cách nay khá lâu nhà văn Bùi Bảo Trúc kể, có lần ông mua một băng nhạc của trung tâm nào đó sản xuất. Khi đọc trên bìa băng nhạc, thấy chỉ liệt kê tên những bản nhạc và ca sĩ trình bày mà không để tên tác giả, ông bực quá vứt băng nhạc vừa mua vào sọt rác. Ông bảo đây là sự vô ơn đối với tác giả.

Cho nên khi thưởng thức hay trình bày một bài hát, người nghe cũng như người hát cần biết đến ai là người đã sáng tác ra bài hát, và sau đó người hát cố gắng hát cho đúng lời, đúng ý. Đó là cách chúng ta tôn trọng tác giả cũng như thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với họ; những người mà từ trong cuộc sống với định mệnh đau thương, nghiệt ngã hay với hạnh phúc êm ả, ngọt ngào; đã chắt lọc thành chất liệu để cống hiến cho đời những tác phẩm thật tuyệt vời.

Nghiêm Nguyễn
January 29, 2017
(Bích Huyền chuyển)

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Trần Ngọc Em Hội ngộ CHS Tống Phước Hiệp nk 62-69

Trần Ngọc Em, tác giả nhiều tác phẩm trong số đó có "Đất Phương Nam", "Một Thoáng Nam Kỳ Lục Tỉnh"...Với bút danh Người Long Hồ, về Việt Nam ngày 01/3/2017. Hôm sau, Anh đến nhà tôi để trao bộ sách Đất Phương Nam (do bộ trước tôi đã gởi tặng Thư Viện trường Trung học Lưu Văn Liệt hậu thân Trung học Tống Phước Hiệp),và quyển "Một Thoáng Nam Kỳ Lục Tỉnh.

 Từ Trái sang: Đức, Ngọc Em



Đây là Tựa đề quyển sách đang trong giai đoạn hoàn chỉnh bản thảo'

***
Đến ngày 13/3/2017, lúc 10 giờ, Trần Ngọc Em có buổi gặp gỡ thân mật với bạn học cũ và vài người quen tại quán cơm chay Hoàng Kim (gần bến phà Đình Khao).

Từ trái Sang Phải: Đức, Siêng, Thu, Ngọc Em.

Ngọc Em, Khải (Dương), Hỉ, Khánh. 
 Khánh, Điệp Lê, Sanh, Thơ, Duyên.
Điệp Lê, Thuý, Sanh, Thơ, Duyên. 
Khải (Hoàng), Đa, Đô, Hồng. 
Anh, Khoa, Dậu, Huệ.

Tứ, Dũng, Khải (Hoàng), Đa.

Buổi gặp gỡ kết thúc vào lúc 13 giờ cùng ngày, tất cả cùng hứa hẹn sẽ gặp lại vào lần họp mặp của khối lớp vào tháng 12.

Hình ảnh: Huỳnh Hữu Đức.

Hymne Aux Cheveux Blancs - Bài Ca Tóc Trắng



Hymne Aux Cheveux Blancs

“Les cheveux qui blanchissent ne sont pas toujours signe de vieillissement; 
c’est souvent l’apparition de la douceur de la prudence et de la modération. 

"Les cheveux blancs ne veulent pas toujours dire
que l'être humain porte le poids des années,
mais qu'il reçoit des indices d'une sagesse en état d'attente.

“Les cheveux blancs ne veulent pas dire que l’homme perd son efficacité; 
Au contraire, les dimensions plus stables et plus profondes s’ offrent à lui

“Les cheveux qui blanchissent accompagnent souvent les coloris d'automne et démontre que la Nature est toujours fidèle à elle-même.

Les cheveux qui blanchisssent sont le présage d’un cycle de beauté qui s’achève et l’éveil des
sentiments plus justes et plus durables

“Les cheveux argentés ‘ c’est parfois la marque du véritable amour qui fleurit 
L’aurore d’une vision plus vaste des choses et le crépuscule qui ouvre ses bras en signe d’accueil
pour le grand et beau voyage

Les cheveux qui blanchissent sont-ils un signe de fin ?
Pour certains peut-être, pour d'autres,
c'est le signe du mûrissement des qualités latentes.

Que cet âge soit aimé pour ce qu'il est,
qu'il donne à chacun selon sa vision et son espérance.

Texte de Robert L. Gagné
***



Bài Ca Tóc Trắng 

Những sợi tóc bạc dần theo ngày tháng
Không phải luôn thấp thoáng cái bóng già.
Mà dịu dàng tươi mát ở trong ta
Là thận trọng, là ôn hòa mực thước.

Mái đầu bạc không như ta thường tưởng,
Gánh thời gian mường tượng trĩu đôi vai.
Mà khôn ngoan tích lũy tháng năm dài
Là dấu hiệu chín mùi tài tiềm ẩn.

Làn tóc trắng hiệu lực không hề hấn,
Lại vững vàng, tin cậy lẫn sâu xa.
Vào tuổi thu mái tóc phải sương pha
Theo qui luật tuần hoàn của Trời Đất.

Tóc trắng xóa khi tuổi vàng đi mất
Nhưng tình người cũng rất đẹp thiết tha.
Vẫn bền lâu, chính chắn, vẫn đậm đà.
Lòng nhân ái, đóa hoa lòng bừng nở.

Thật bát ngát trong bình minh rạng rỡ
Thật dịu dàng xòe mở lúc chiều tàn.
Luôn đón chào tình cao đẹp thế gian
Đầy ý nghĩa, cuộc hành trình mỗi lúc.

Mái tóc trắng, cuộc đời sắp chấm dứt ?
Nỗi niềm chung ray rức của kiếp người.
Kẻ an nhiên , người nghĩ ngợi xa xôi

Tùy quan niệm nhìn đời và hy vọng 

Mailoc thoát dịch
9-3-17
***
Bài Ca Tóc Trắng

Ngày tháng trôi qua tóc trắng bạc lần
Không phải là dấu hiệu dần lão hóa
Mà ẩn trong ta dịu ngọt thâm trầm
Cùng sự chừng mực cẩn trọng nhu hòa

Tóc bạc không thể nói lên tất cả
Không đề ra gánh nặng của thời gian
Mà là tính vững vàng theo năm tháng
Sự khôn ngoan ở trạng thái sẳn chờ

Tóc trắng chẳng làm mất đi hiệu quả
Chính là tầm mức ổn định sâu xa
Cánh cửa mở ra cho ta tìm thấy
Là vòng xoay theo qui luật đất trời

Tóc trắng đi kèm với sắc màu vơi
Nhưng vàng thu song tuổi đời vẫn đẹp
Mùa sang báo hiệu chấm dứt chu kỳ
Vẫn thi vị tiềm tàng dâng cảm xúc

Tóc trắng là tình yêu thực nở hoa
Trong bình minh mượt mà nắng mới
Vẫn dịu dàng dù hoàng hôn chạm tới
Cho cuộc hành trình xinh đẹp tuyệt vời

Tóc trắng dấu hiệu một thời kết thúc?
Số người âu lo thôi thúc điều này
Người tự tại suy ra sự trưởng thành
Tùy tầm nhìn và tâm sanh hy vọng.

Kim Oanh thoát dịch