Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Yêu Em Giữa Trời Quên Lãng - Nhạc Sĩ: Trường Sa - Tiếng Hát: Đình Lộc


Nhạc Sĩ: Trường Sa
Tiếng Hát: Đình Lộc
Thực Hiện: Oanh Dang

Góc Riêng Không Hẹn

 

Em chờ từ cõi trăm năm hẹn
Khăn áo màu trăng úa giống trăng
Xuôi ngược giữa dòng trôi ngược dốc
Màu yêu màu nhớ sánh đâu bằng

Anh về từ góc nghiêng không hẹn
Ánh mắt nhìn nhau thoáng sững sờ
Tóc rối vì sao em biếng chải
Để từng cuộn rối rớt trong thơ ?

Điều chia ly đó xưa từng đến
Chẳng ước đâu em chuyện vá trời
Chỉ ước bàn tay em bé bỏng
Nắm truyền hơi thở của nhau thôi

Ngày rơi chiều xuống bao niềm nhớ
Như nắng như mưa rát cuộc trần
Như những dòng sông buồn lạc bến
Đôi bờ em có thấy bâng khuâng ?

Thì thôi nếu có nghiêng sầu cũ
Ngan ngát hồn anh cuối vực này
Em hãy, cho dù như suối cạn
Chảy vào sa mạc thiếu mưa bay


Nhược Thu

Nguyện Cầu Hòa Bình An Lạc

 

Thơ & Trình Bày: Minh Lương

Cà Phê Sáng

 

Buổi sáng uống cà phê

Trong góc đời thâu nhỏ

Vị đắng nào ngăn được

Nỗi buồn viết trong thơ.

 

Lắng nghe thu gió lạnh

Mang theo cả nỗi buồn

Những cơn đau nhức nhối

Nhớ nhau đến điên cuồng.

 

Hiện về trong tách nước

Màu mắt của người xưa

Mùa thu về bịn rịn

Chiếc lá buồn đong đưa.

 

Âm vang bài tình ca

Giấc mơ xưa hiện về

Lời tình buồn ướt át

Nỗi buồn dài lê thê.

 

Em cố ngăn dòng lệ

Giọt cà phê sóng sánh

Bồng bềnh thêm vị đắng

Em nhớ anh! Nhớ anh.

 

Tế Luân

10-14-23

Quả Mận

Bài Dịch:

Người mẹ vừa mới mua một ít quả mận về, và định sẽ chia cho các con sau khi ăn tối.
Bà để mận trên cái đĩa-

Bé Vania chưa bao giờ ăn mận cả, khi nhìn thấy, cậu rất thèm được nếm thử; cậu bé hít hà hương thơm của quả, và ao ước làm sao được thử một chút, cậu cứ đi vòng quanh cái đĩa. Khi nhận thấy chỉ còn mỗi mình trong phòng ăn, cậu ta nhón lấy một quả và nhai ngon lành. Trước bữa ăn, bà mẹ đếm mận trên đĩa và nhận thấy thiếu mất một trái. Bà nói với người cha.
Khi cả gia đình quây quần để ăn tối, người cha hỏi:
- Này các con, có ai đã ăn một quả mận không?
Tất cả đều trả lời:
- Dạ thưa con không ăn.
Rồi cha nói: - Nếu như có đứa nào ăn, tất nhiên là ăn vụng thì không tốt, nhưng đó không phải là điều xấu nhất; điều qua trọng là trong quả mận có hột, và nếu ta nuốt hột mận, thì ta sẽ chết trong vòng hai mươi bốn giờ; đó là điều mà cha lo sợ!
Gương mặt của Vania bỗng trở nên tái mét, và nó thốt lên:
- Dạ thưa cha, con đã nhả hột mận ra của sổ rồi ạ.

Tất cả mọi người đều phá lên cười, còn Vania thì khóc.

Thái Lan

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Cây Đàn Năm Xưa - Nhạc&Lời Nguyên Bích -Hòa Âm&Phối Khí: Quang Đạt - Ca Sĩ: Ngọc Quy


Nhạc&Lời Nguyên Bích
Hòa Âm&Phối Khí: Quang Đạt
Ca Sĩ: Ngọc Quy

Tình Đầu Ảo Mộng



Mình đến với nhau khung trời ảo mộng
Ngơ ngác tình đầu mộng vỡ trôi nhanh
Mình nói với nhau yêu nhau mãi mãi
Đâu có ngờ rằng tình sẽ tàn phai

Tình đầu là tình khờ khạo
Tình đầu hai đứa ngu ngơ
Tình đầu quá đỗi mong manh
Cứ ngỡ tình đầu tình đẹp như mơ

Anh nói với em: “Bé là tình đầu,
Chỉ yêu mỗi bé, chẳng thể yêu ai!”
Tin lời anh nói, tưởng tình vĩnh cửu
Sau này mới biết tình người đổi thay!

Hai đứa ngây thơ làm sao mà hiểu
Tình đầu mong manh, yêu sáng vỡ chiều
Tình đầu mơ màng, tình đầu ảo tưởng
Dẫu thương nhau nhiều, yêu biết bao nhiêu!

Đành chịu thua thôi, số phận an bài
Tự nói với mình xin chớ bi ai
Em là tình đầu không là tình cuối
Dẫu yêu đắm đuối tình vẫn nhạt phai

Nên đành chấp nhận tình đầu sương khói
Nên đành chấp nhận tình đầu tàn phai
Nên đành chấp nhận tình đầu chóng vánh
Nên đành chấp nhận tình đầu mây bay

Quách Như Nguyệt


Tôi Nàng Chung Một..

 

Gió chọc hoa cười
Bướm vờn theo gió
Ướp nhụy hương đời
Tình hoa mở ngỏ
Tôi vì ai tình sầu ý khổ
Ai vì tôi dạ nhớ nao nao
Hỏi cùng mây gió trăng sao
Bao giờ kết hợp nợ vào với duyên
Trần gian sạch hết ưu phiền
Tôi nàng chung một con thuyền ái ân?

Nguyễn Thùy


Đêm Sao Sáng - Nguyễn Bính

 

Đêm hiện lần lên những chấm sao
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
Ai biết cầu ô ở chỗ nào?

Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu,
Thấy con vịt lội giữa dòng sâu
Sao Hôm như mắt em ngày ấy,
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tầu.

Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi...

Sao đặc trời sao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.

Nguyễn Bính


Mời Anh Hoa Quả Mùa Thu


Em mời anh những hoa quả mùa Thu,
Đây Crepe Myrtle những ngày mùa hạ,
Giữa tháng Mười hoa vẫn còn rực rỡ,
Hoa đỏ trên cây.rạo rực lòng em.

Đây chùm nho còn phấn, qủa táo thơm,
Anh thích thứ nào để em chọn lựa?
Qủa táo bổ đôi mỗi người một nửa,
Anh và em cùng chia sẻ ngọt ngào.

Nếm một qủa nho mùi vị thanh tao,
Nhớ đến em màu son môi nho tím,
Mùa Thu và em vì anh tìm đến,
Tình Thu, tình em. Anh cảm nhận không?

Đây hoa Lily mùi rất thơm nồng,
Hoa Tuyết trắng như cuối trời mây trắng,
Hoa Thủy Tiên cho mùa Thu đài các,
Mà vẫn chờ anh người khách phong trần.

Mùa Thu về hoa Sữa trắng mong manh,
Cây Hoa Sữa đời thường trên hè phố,
Hoa Sữa thành thơ những ngày trở gío,
Ngàn vạn cánh hoa rơi rắc trên đường.

Đủ loại hoa Hồng và hoa Cúc vàng,
Loài hoa mùa Thu sắc màu huyền ảo,
Hoa kiêu kỳ, hoa dịu dàng, sắc xảo,
Hay yêu đời yêu người hoa Hướng Dương.

Bước vào mùa Thu anh chẳng lạc đường,
Nhưng tình em bao la hơn trời đất,
Hoa qủa mùa Thu và em là thật,
Đừng lạc em giữa thế thái nhân tình.

Đây những qủa lê chĩu nặng trên cành,
Qủa lê chín khi vườn chưa thay lá,
Em hái xuống bày lên mâm hoa qủa,
Em bày ra đủ thứ để anh vui

Em ra chợ mua qủa bưởi xanh tươi,
Bưởi theo mùa Thu vội vàng chín đấy,
Mua qủa lựu đỏ, chuối tiêu vàng ấy,
Mua qủa Hồng này mùa Thu về nhà.

Anh là khách qúy để em tặng qùa,
Anh tạm quên những bôn ba cuộc sống,
Món qùa mùa Thu cho anh mơ mộng,
Muôn ngã cuộc đời xin mộng thành đôi.

Hoa quả mùa Thu làm lòng anh xiêu,
Q
uả  bí vàng mùa Thu vàng thêm đẹp,
Những mùi hoa thơm, những mùi qủa ngọt,
Và có em. Mùa Thu đủ chưa anh?

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Oct. 31- 2013)

Hemingway: Nhà Văn, Con Người Và Cuộc Sống

(Ernest Hemingway 1918)
Phần I: Hemingway nhà văn

Ernest Hemingway (1899-1961) là một trong số hiếm hoi các nhà văn Mỹ nổi danh toàn cầu. Tôi bắt đầu biết tên ông khoảng thập niên 60 thế kỷ trước, khi Sài Gòn bắt đầu rầm rộ những lời quảng cáo cho các bộ phim phỏng theo một số tác phẩm của ông như: L'Adieu aux Armes, Le Soleil se lève aussi, Pour qui sonne le glas, Le vieil homme et la mer… 

Tới khi biết thêm là ông được trao giải văn học Nobel (1954), tôi có tìm đọc một vài tựa sách của ông. Đọc do tò mò muốn biết chứ thực tình mà nói, nay tôi chỉ nhớ lờ mờ những gì đã đọc, và cũng chẳng giữ lại được một cảm nhận đáng kể nào. Có nhớ chăng là một vài xen ấn tượng của những bộ phim phỏng theo các tác phẩm của ông cùng với tên tuổi của một số tài tử gạo cội Hollywood thời bấy giờ như Ava Gardner, Ingrid Bergman, James Stewart, Gary Cooper … Theo chương trình Pháp từ hồi tiểu học, sau trung học lên đại học lại tiếp tục ban cử nhân Pháp, tôi cứ đinh ninh văn chương Pháp là " năm bờ oăn", là "số dzách", và chỉ có thơ của Lamartine, của Baudelaire, của Prévert, văn của Hugo, của Proust, của Malraux, của Sartre, của Camus mới là đáng đọc. Bởi vậy khi thấy báo chí thời đó đua nhau ca tụng sự thành công của các bộ phim vĩ đại chứ không mấy ai chịu bàn về giá trị văn học của Hemingway, tôi chẳng hề bận tâm thắc mắc. Sự chấp nhận thụ động này, nay tôi mới thấy quả là một lầm lẫn tai hại. Tai hại, bởi sự đồng tình dễ dãi ấy khiến hiểu biết về văn học thế giới của tôi đã bị bế môn tỏa cảng không biết bao lâu. Nếu không có cơ trời run rủi khiến tôi phải tìm đọc cuốn "Paris est une fête", liệu còn có ngày tôi được mở mắt để thoát khỏi vòng kim cô kiềm tỏa của văn chương Pháp mà nhìn ra chân trời văn học thế giới bao la. 

Cuốn "Paris est une fête", đã dạy dỗ tôi cần đọc lại Hemingway, đọc nhiều lần, vừa đọc vừa tham khảo, có thế mới mong hiểu được ông sâu hơn, hiểu đúng hơn.. Nhờ vậy tôi mới phát hiện được một Hemingway nhà văn chân chính, chân tài theo nghĩa đúng: Theo đuổi nghiệp văn, với ông, là một thiên chức (une vocation), chứ không chỉ cốt theo đuổi một sự nghiệp (une carrière). Nhưng thế nào là một nhà văn do thiên chức? Sự khác biệt giữa một nhà văn do thiên chức với nhà văn chuyên nghiệp ra sao? Tôi gọi Hemingway là nhà văn do thiên chức (écrivain à vocation) vì ông coi việc viết văn là một hành vi cao cả, là để hoàn thành một sứ mạng thiêng liêng, như một thầy tu đến với tôn giáo để nghe theo tiếng gọi của Đấng tối cao mình muốn tôn thờ. Và cũng như nhà tu hành tự cho sứ mạng đem rao giảng chân lý đời sống theo tín ngưỡng của mình, Hemingway cho rằng nhà văn có thiên chức đi tìm chân lý cuộc sống, và phải biết dùng ngòi bút để phản ánh trung thực những gì mình cảm nhận được về người thật, việc thật trong cuộc sống. Để làm sáng tỏ khái niệm về nhà văn do thiên chức, ta cần theo dõi chặng đường của những năm đầu khi Hemingway bước vào giai đoạn trưởng thành. Ta có thể nói đây là chặng đường gian nan trắc trở, nhưng Hemingway lại quyết tâm theo đuổi. Và cũng như nhà tu lấy cuộc sống khổ hạnh làm con đường đi đến cõi niết bàn, Hemingway đã không chọn con đường khoa bảng để tiến thân, mà lấy sự dấn thân gây vốn sống để làm chất liệu sáng tác và để có điều kiện quan sát, tìm hiểu mà nói lên sự thật, việc thật về con người, về cuộc sống ở đời. 


Vốn có khiếu văn chương lại được các ông thầy sớm phát hiện tài năng và khuyến khích, ngay khi còn là học sinh trung học, Hemingway chỉ muốn theo đuổi nghiệp văn. Bởi vậy, ông không chịu theo đuổi ngành y theo ý muốn của cha vốn là bác sĩ. Mà ông cũng không muốn học tiếp trên đại học, theo lời khuyên bảo của bố mẹ và thầy dạy. Vừa xong trung học, cũng như một vài bạn thân, ông có ý gia nhập quân đội để tìm cơ hội cọ sát với đời và thỏa chí tang bồng hồ thỉ. Nhưng vì chưa đủ 19 tuổi lại không được cha mẹ cho phép theo luật định, ông đành chấp nhận làm việc cho tờ Kansas City Star qua sự giới thiệu của một ông cậu để được sống tự lập. Chưa đầy năm sau, thời cơ lại đến với ông vào cuối xuân 1918 khi có tin Hồng Thập Tự Quốc Tế cần tuyển mộ nhân viên lái xe tải thương. Ông liền đăng tên tình nguyện và được gửi tới chiến trường rặng núi Alpes, nơi đang diễn ra các trận đánh ác liệt giữa quân đội Ý và Áo quốc. Tới Ý vừa tròn một tháng, ngày 8-7-1918 Hemingway đã bị thương do một quả đạn pháo cối đã để lại hơn trăm miểng vụn trên thân thể ông, nhất là nơi hai đầu gối. Ông được chuyển tới điều trị tại một bịnh viện ở Milan. Tại đây, ông được săn sóc và đâm phải lòng một nữ y tá người Mỹ gốc Đức-Ba Lan lớn hơn ông bảy tuổi, tên Agnès von Kurowski. Nhưng mối tình một chiều này không kéo dài quá thời gian dưỡng bệnh bởi vì cảm tình người đẹp y tá dành cho ông chỉ là sự thiện cảm đối với một bệnh nhân trẻ trung vui tính mà thôi. Tuy nhiên hình ảnh người đẹp này vẫn vương vấn tâm hồn ông và Hemingway đã làm sống lại qua chân dung nhân vật y tá Catherine Baker trong cuốn "L'Adieu aux Armes " mà ta sẽ đề cập trở lại trong phần tiếp theo. Sau khi rời bệnh viện, Hemingway trở về Mỹ nhưng không ở với gia đình bao lâu. Mùa thu 1919, với tiền trợ cấp phế binh, Hemingway tới sống tại Chicago, một thành phố đang cựa mình chuyển động để trở thành biểu tượng cho nếp sống phóng túng hiện đại. Nơi đây ông gặp Hadley Richardson, lớn hơn ông tám tuổi. Nhưng không vì vậy hay có lẽ vi vậy, cũng như mối tình của ông với cô y tá Agnès von Kurowski, nên chẳng bao lâu Hadley trở thành người vợ đầu của ông. Thời gian gần hai năm sống tại Chicago cũng là thời gian Hemingway chập chững bước vào nghiệp văn. Nhưng các sáng tác đầu tay này thường là những câu chuyện ngắn cốt gửi đăng báo để có tiền nhuận bút. Đó là những câu chuyện phần nhiều với nội dung lính tráng, bút pháp thuộc loại tầm tầm, chạy theo sở thích thời thượng nên có bài được đăng có bài không. May mắn tại đây ông gặp được nhà văn Sherwood Anderson biết đánh giá tài năng của ông nên khuyên ông tới Pháp, và viết thơ giới thiệu ông với Gertrude Stein, chủ một phòng triển lãm tranh và cũng là nhà văn và nhà thơ Ezra Pound là hai khuôn mặt có uy tín trong giới văn nghệ sĩ Mỹ ở Paris bấy giờ. Thê là tháng 12 năm 1921, Hemingway cùng vợ đặt chân lên đất Pháp và tới cư ngụ tại số 74 rue Cardinal Lemoine, dấn thân vào một cuộc sống thiếu thốn phiêu lưu mạo hiểm.

Trên đây là sơ lược giai đoạn trưởng thành của Hemingway khi ông khởi sự bước vào nghiệp văn. Giai đoạn tuy ngắn ngủi, chưa đầy năm năm, nhưng lại đánh dấu khúc ngoặt quan trọng trong văn nghiệp của ông. Quan trong bởi vì ba sự kiện hay biến cố trong giai đoạn này đã giúp ông rút ra được một vài bài học hay kinh nghiệm quý báu giúp ông vững vàng tiến bước xây dựng sự nghiệp văn học. Sự kiện cần nêu trước tiên, ây là thời gian một năm ông nhận làm việc cho tờ Kansas City Star. Nhưng bài viết giai đoạn phần nhiều là những câu chuyện kể (conte ou récit) thuộc loại phóng sự hay hồi ký thời thượng liên quan đến chiến tranh, nhưng không lấy gì làm đặc sắc. Biến cố thứ hai là giai đoạn ông bị thương khi làm công tác tải thương tại Ý và phải nằm điều trị tại Milan. Thời gian phục vụ tuy ngắn ngủi, nhưng những điều được chứng kiến tận mắt tại chiến trường đã giúp ông thay đổi được thế giới quan và cái nhìn về thân phận con người trong chiến tranh. Sau cùng là quyết định đến ở Paris như là lựa chọn môi trường sinh hoạt thuận lợi cho việc phát triển tài năng và theo đuổi sự nghiệp văn chương của ông.

Bài học đầu tiên ông rút tỉa được chỉ sau một thời gian làm việc cho tờ Kansas City Star, ấy là tuy cùng trong ngành cầm bút nhưng có sự khác biệt giữa nhà văn và nhà báo. Làm báo (hay nhân viên truyền hình cũng vậy), dù là phóng viên hay biên tập, ít nhiều đều phải lệ thuộc vào chủ trương đường lối của tờ báo nhằm phục vụ một thành phần độc giả nào đó. Để phát triển hoặc tồn tại, tờ báo phải biết phục vụ nhu cầu hiểu biết, thậm chí chạy theo thị hiếu hay sở thích đối tượng độc giả của mình. Tin tức, thời sự không những cần phải nóng bỏng, sốt dẻo, mà phần tường trình cũng phải biết thêm mắm thêm muối để tăng phần hấp dẫn câu khách. Càng biết mày mò gãi đúng chỗ ngứa độc giả chừng nào, càng được quần chúng hâm mộ và nổi danh chừng đó. Làm báo, do đó, là một chức nghiệp (une profession) mà, nếu biết cách, có thể dễ dàng đưa ta tới thành công về mặt danh vọng, tiền tài. Nhưng đó lại không phải là mục đích Hemingway theo đuổi. Viết văn, với ông là một thiên chức (une vocation). Ông đến với văn chương là do lòng yêu chữ nghĩa, quý trọng chữ nghĩa, muốn mỗi chữ viết ra đều là phản ánh trung thực của đời sống chân thật

Phần II: Hemingway, con người và cõi sống


Đến với Hemingway ta có thể tìm thú vui thưởng ngoạn qua các tác phẩm của ông dưới nhiều hình thức. Hoặc ta coi các trang sách của ông thuộc loại truyện kể phiêu lưu mạo hiểm hay ái tình diễm lệ. Bằng cách tiếp cận này, Les neiges du Kilimandjaro hay Le vieil homme et la mer sẽ cho phép trí tưởng tượng ta được tự do bay bổng đi chinh phục đỉnh tuyết Kilimanjaro trắng bóc, hay tới bàu bạn với ông già San Diego một thân một mình lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ giữa biển cả sóng gió. Với L'Adieu aux armes hay Pour qui sonne le glas, trái lại, ta sẽ được dịp chia sẻ niềm đau cô đơn của Patrick Henry sau cái chết của Catherine Baker với đứa con sơ sinh, hay cảm thông với tiếng khóc nức nở của Maria trước sự hi sinh mã thượng của Robert Jordan, người nàng hết lòng yêu thương. Những cảm xúc phiêu bạt hay yêu thương, dẫu sao, cũng chỉ đem lại cho ta vui buồn chốc lát trong tinh thần đọc sách mua vui giải trí. Còn cái thực sự làm nên giá trị văn học nơi Hemingway lại nằm trong ý nghĩa hàm súc ẩn dấu giữa hai hàng chữ, như phần chìm khuất trong lòng đại dương mà ta phải lặn sâu mới thấy được. Có đến với Hemingway bằng cách tiếp cận sau này, ta mới thấy rằng mỗi tác phẩm của ông đều là kết quả của một trải nghiệm trong cuộc sống và mỗi tựa đề chọn lựa còn là một thông điệp Hemingway muốn gửi gấm đến ta. Để bàn về sự nghiệp văn học đa dạng phong phú của Hemingway, có lẽ phải cần tới hàng pho sách, chưa chắc đã nói hết. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới hai cuốn L'Adieu aux armes và Pour qui sonne le glas mà thôi. Để cho thấy sách của Hemingway không chỉ thuộc loại truyện kể nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí. Trái lại, chúng còn là những tác phẩm có giá trị văn học cao đem lại cho ta cái nhìn nhân bản và sáng suốt về hiện thực xã hội loài người.

Thoạt đọc hai tác phẩm kể trên, ta có thể xếp Hemingway vào loại các nhà văn phản chiến. Thực ra, Hemingway không hề là con người hiếu hòa hay phản chiến. Phản chiến có tính cách phong trào hay cá thể. Như khi một cá nhân vì lý do riêng tư hay ý thức hệ lên tiếng chống đối hay từ chối tham dự vào một cuộc chiến nào đó. Chẳng hạn thái độ chống đối của Jane Fonda về sự tham dự của Mỹ vào chiến cuộc Việt Nam. Hemingway, trái lại, không phải là nhà văn phản chiến : ông không ngại dấn thân vào cuộc xung đột giữa Áo và Ý trong Đệ nhất thế chiến. Và nhờ có tham dự vào cuộc chiến này ông mới mang tâm trạng chống chiến tranh. Chúng ta còn nhớ, vừa xong trung học Hemingway đã có ý nhập ngũ để mong được đóng góp vào cuộc chiến tại Âu châu bên cạnh liên minh Anh-Pháp-Ý, mà ông tin là phục vụ cho lý tưởng tự do, dân chủ. Nhưng vì chưa đủ tuổi luật định, nên ông đành nhận làm lính tải thương cho Hồng Thập Tự quốc tế. Chỉ sau một tháng có mặt trên chiến trường Ý, ông mới trở thành nhà văn mang tâm trạng chống chiến tranh.

Không được là lính tác chiến, nhưng Hemingway lại tìm thấy ở cương vị lính tải thương nơi tiền tuyến một vị thế ưu đãi để biết được hậu quả của chiến tranh và nỗi thiệt thòi mất mát của con người, đúng ra là của những con người trong chiến tranh. Lính tác chiến chỉ lo giành được chiến thắng hay thoát khỏi hòn tên mũi đạn, là đã quá đủ. Chỉ có lính tải thương nơi tiền tuyến mới có điều kiện được thấy tận mắt cảnh thịt rơi máu chảy của những thân hình co quắp, được nghe bằng tai những tiếng rên la cầu cứu « Ôi ! Mẹ ôi, mẹ ôi ! (Oh ! Mamma, mamma mia !) hoặc những tiếng rên xiết cầu khẩn vì không chịu nỗi đớn đau «Lạy Chúa, xin giải thoát cho con. Mẹ Maria ơi, hãy giải thoát cho con !” ( Dio ti salvi, Maria. Dio ti salvi, Maria!” – L'Adieu aux armes - Gallimard, 2013, coll. Folio 27, chap. Ĩ, p57). Đó là những gì Hemingway học hỏi được, không chỉ bằng tai nghe mắt thấy, mà còn bằng trả giá bản thân khi ông bi thương nơi đầu gối do miểng đạn pháo cối. Nhờ được cọ sát với thực tế chiến trường, lại với cặp mắt quan sát tinh tế và cảm quan bén nhọn, Hemingway đã rút được từ thời gian công tác ngắn ngủi hai bài học bổ ích cho sự nghiệp văn học của ông. Trước hết là tính chính đáng bề mặt của chiến tranh, hay đúng ra là những lý lẽ người ta nêu ra và nhân danh chúng để gây hấn và xô đẩy con người vào các cuộc chém giết khốc liệt với kết quả thường là « nhất tướng công thành vạn xác khô ». Tiếp đến, chiến tranh không phải là phương tiện hữu hiệu để giải quyết mọi tranh chấp, mọi bất đồng, đặc biệt là về mặt ý thức hệ. Thay vì dẫn đến một xã hội tiến bộ hơn, làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn, chiến tranh thường lại là guồng máy khổng lồ nghiền nát con người, đúng ra là những con người bị cuốn hút vào chiến tranh. Đê trình bày quan điểm thực tiễn chống chiến tranh của mình, Hemingway không cần nhiều lời giải thích, mà chỉ mượn vài mẩu đối thoại tâm tình của người trong cuộc. Khi người ta phải trải qua những trạng huống sống khắc nghiệt và có cơ hội tâm sự với nhau, thì dăm ba lời để trút bầu tâm sự ấy có khả năng thuyết phục gấp mấy lần những bài diễn ngôn khoa trương hùng biện. Có hai phần đối thoại trong L'Adieu aux armes đáng để ta chú ý.

Trước hết là chương IX, khi Patrick Henry nghe được mấy người lính dưới quyền tán gẫu với nhau về cuộc chiến, trước khi một quả pháo rơi trúng hầm trú ẩn khiến một người lính thiệt mạng và Henry bị thương. Gọi là tán gẫu chứ thực ra mỗi người đều biểu lộ tâm tình chán ghét chiến tranh như nhau. Có đọc kỹ những lời họ cùng nhau tâm sự (Sdd. ch.IX, tr. 50-53), ta mới thấy đằng sau những lời lẽ quê mùa mộc mạc, mấy người lính ấy đã có tiếng nói của thiên lương (la voix du bon sens) về thực chất và tác hại của cuộc chiến tranh do tham vọng của nhóm người chủ động gây nên. Kế đến là phần tâm sự của cha tuyên úy (l’aumônier) khi đến thăm Henry (Sdd, ch. XI). Vì là mục sư nên ông trở thành đối tượng chọc quê cho đám sĩ quan chỉ biết đánh giặc rồi về bàn chuyện du hí để quên đời. Thông cảm với tình cảnh của họ, những lời diễu cợt ấy không làm cho vị tuyên úy tức giận mà chỉ mỉm cười vị tha. Tuy nhiên lần tới gặp Henry, ông lại tỏ ra mệt mỏi xuống tinh thần. Vai trò của ông, cha tuyên úy, là phải kiếm lời ủy lạo và khích lệ binh sĩ. Nhưng trò chuyện với Henry, ông lại để lộ tâm trạng mệt mỏi buồn nản, không mấy tin tưởng vào mục tiêu chiến đấu và chỉ mong cuộc chiến sớm chấm dứt. Nhìn vị mục sư lủi thủi ra về, Henry nhớ lại những gì ông nói về Abruzzes, quê hương ông. Đó là một mảnh đất hiền hòa, người dân sống lễ độ, cư xử thân ái với nhau. Ban đêm không ai được thổi sáo để tránh làm giao động những cô gái tới độ xuân thì. Dân tình cởi mở hiếu khách, coi như một vinh dự nếu mời được bạn ở lại dùng bữa với họ. Hình ảnh một mảnh đất hẻo lánh hài hòa nhưng đậm đà chất thơ thôn dã đã giúp Henry nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ… Đọc Hemingway, nếu ta chỉ quan tâm theo dõi câu chuyện tình éo le gút mắc giữa Patrick Henry với Catherine Baker mà lơ là vài mẩu đối thoại kể trên và đặc biệt là đoạn văn chót của chương XI, có thể ta đã bỏ lỡ cơ hội thưởng thức ý vị văn chương nơi Hemingway.

Lý do dẫn đến chán ghét chiến tranh nơi những người lính thường mà lời lẽ thô thiển không nói lên hết được, hoặc mong mỏi thầm kín sớm thấy chấm dứt chiến tranh mà cha tuyên úy không dám bộc lộ, Henry đã mượn lời của Henry nói lên giùm họ qua đoạn văn tuy ngắn ngủi nhưng hàm súc trăn trở suy tư như sau : « Tôi luôn luôn bối rối trước các lời nào là thiêng liêng, nào là vinh quang, nào là hi sinh, hoặc thành ngữ "vô ích" (l'expression "en vain")… Chúng tôi thường phải đứng nghe, đôi khi dưới mưa, những lời ấy, hầu như không phải từ cửa miệng người nói, mà chỉ rặt những tiếng hô vang mà thôi. Chúng tôi cũng được đọc những lời cổ võ đó trên những bích chương cũ rích còn được dán chồng lên những bức chương khác. Tôi chẳng thấy gì là thiêng liêng cả, và điều người ta gọi là vinh quang chẳng thấy gì là vinh quang, còn cái được gọi là hí sinh thực ra cũng giống như những lò sát sinh tại Chicago, chỉ mỗi khác biệt là những tảng thịt lại đem dành cho nghĩa trang. Có nhiều lời ta nghe khó lọt tai cho nổi và, xét cho cùng, chỉ có một vài địa danh là còn giữ được phần nào phẩm cách. Số tên của một vài đơn vị hay của một vài ngày tháng nào đó cũng vậy. Chỉ những con số đó, cũng như một số địa danh mới đáng coi là còn phẩm cách. Còn những từ ngữ trừu tượng như vinh quang, danh dự, dũng cảm hay thần thánh đều trở thành trơ trẽn (indécents), nếu đem sánh với cái tên cụ thể của các ngôi làng, của những con lộ, con số của mấy trung đoàn hay của ngày tháng." (J'ai toujours été embarrassé par les mots sacré, glorieux, sacrifice, et par l'expression "en vain"... Nous les avions entendus debout, parfois sous la pluie, presque hors portée de l’ouïe, alors que seuls les mots criés nous parvenaient. Nous les avions lus sur les proclamations que les colleurs placardaient depuis longtemps sur d’autres proclamations. Je n’avais rien vu de sacré, et ce qu’on appelait glorieux n’avait rien de gloire, et les sacrifices ressemblaient aux abattoirs de Chicago avec cette différence que la viande ne servait qu’à être enterrée. Il y avait beaucoup de mots qu’on ne pouvait plus tolérer et, enfin de compte, seuls les noms des localités avaient conservé quelque dignité. Il en était de même de certains numéros et de certaines dates. Avec les noms de localités c’était tout ce qui avait encore un semblant de dignité. Les mots abstraits tels que gloire, honneur, courage ou sainteté étaient indécents, comparés aux noms concrets des villages, aux numéros de routes, aux noms des rivières, aux numéros des régiments, aux dates.- Sdd 177-178).

Đọc Hemingway, ta không nên đọc vội vã theo kiểu đi ăn MacDonald, hay liếc mắt đọc như khi đọc tin nhắn trên smartphone, trên laptop. Có thế ta mới không bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức ý vị văn chương của ông qua thủ pháp tiết kiệm lời nhưng giàu ý, dồi dào cảm xúc. Để nói lên quan điểm chống chiến tranh của mình, Hemingway không cần tới hàng trang giấy để biện minh thuyết phục. Trái lại, chỉ cần một vài hình ảnh cụ thể với thủ thuật châm biếm trào lộng là đủ (les sacrifices ressemblaient aux abattoirs…, dont la chair ne servait qu’à être enterrée). Ta hãy tưởng tượng quang cảnh một khoảng đất lớn với những hàng lính đội ngũ chỉnh tề, đôi khi dưới mưa, đứng nghe cấp chỉ huy trên bục có mái che, hùng hồn diễn thuyết hay ban huấn lệnh. Nhưng vì khoảng đất trống trải hay vì tiếng mưa rào, nên lời lẽ chẳng đến tai, họ đành chỉ biết, theo dấu hiệu, hô to các khẩu hiệu " thiêng liêng", "vinh quang",  "chiến thắng", "dũng cảm"… Cảnh tượng ấy với ngần ấy khẩu hiệu vẫn lập đi lập lại không biết bao lần. Có khác chăng là mỗi lần lại thấy nhiều khuôn mặt mới để bổ sung cho số lính cũ đã bị đem « "nướng" trong các trận đánh ác liệt để giành giật một quả đồi, một ngọn núi không biết bao lần đổi chủ mà kết quả chẳng đi tới đâu, chỉ tội cho những người lính đã bị hi sinh vô ích (en vain). Ngoài đời, ta cũng được đọc những lời lẽ cổ vũ tương tự trên những bức chương rách nát dán chồng lên nhau, chẳng khác chi các tờ quảng cáo cho mấy loại thuốc gia truyền chuyên trị bịnh hôi nách hay ghẻ cóc cả. Bởi vậy từ ngữ càng mang ý nghĩa cao cả chừng nào, ta càng phải biết quý trọng và sử dụng thận trọng chừng nấy. Để bảo toàn ý nghĩa thanh tao cho chúng, chỉ nên sử dụng trường hợp cần thiết, chính đáng như trong Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo hay tiếng hô vang "hy sinh","quyết chiến", "quyết thắng" của các bậc bô lão tại Hội nghị Diên Hồng. Còn đem sử dụng một cách tùy tiện bừa bãi, chẳng mấy chốc ta khiến chúng mỗi lúc thêm giảm giá, mỗi lúc thêm sa đọa chẳng khác gì chữ « yêu » thốt ra từ miệng lưỡi gã sở khanh, hay câu mở miệng "Mô Phật" của mấy ông sư hổ mang hay mấy bậc "cẳn" tu chuyên nghề buôn thần bán thánh.

Nhưng làm sao để xác định được một cuộc chiến là chính đáng, là có chính nghĩa, để phân định được ai là chính ai là tà? Đây là câu hỏi gai góc, khó tìm ra câu trả lời, nhất là ở kỷ nguyên tin học thuận lợi cho các chủ nghĩa, các ý thức hệ, các phe phái tôn giáo đua nhau bành trướng như thời đại chúng ta. Bên nào cũng cũng cho mình là có chính nghĩa, cũng giành phần lẽ phải về mình. Mà những kẻ tà tâm lại là những kẻ thích giương cao lá cờ chính nghĩa hơn ai hết. Đó là trường hợp những kẻ mắc chứng cuồng vĩ ôm mộng dược tôn lên hàng đại diễn viên lịch sử, những kẻ đầu cơ chính trị hoặc những tập đoàn lái súng cối chiến tranh là một thị trường kinh doanh lấy cái chết người khác làm cơ hội gây dựng sự nghiệp cơ đồ, mà hậu quả khốc liệt vẫn là hủy diệt sự sống: môi trường, đô thị, di tích lịch sử, thậm chí những cái được coi là tốt đẹp nhất cho đời sống con người : tình yêu, hạnh phúc, tình gia đình, tình người… Hai cuộc Đệ nhất, Đệ nhị thế chiến không nói làm chi, chỉ cần nhìn vào những cuộc chiến mới xảy ra và còn đang tiếp diễn : Như cuộc chiến tại Ukraine do tham vọng bành trướng lãnh thổ của Poutine để tái lập đế chế Nga hoàng trước đây. Hay cuộc chiến tại Trung Đông giữa Israel và Palestine về dải đất Gaza. Quay sang phương Đông cũng chẳng thua kém gì. Trong khi chu tịch nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình còn đang diễu võ dương oai tìm cách làm chủ biển Đông, thì Kim Jong Un lãnh tụ Bắc Triều tiên cũng ôm mộng dược làm thánh nhân như Tần Thủy Hoàng, Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông hay Pol Pot : Trong khi người dân trong nước phải sống lầm than cực khổ trước nạn đói thường trực đe dọa, bao nhiêu tiền của đều dồn vào việc chế tạo vũ khí nguyên tử để lên cơ bắp chọc tức thiên hạ . Báo hại cho các hội viên Bảo An Liên Hiệp Quốc lo sốt vó, hết bàn lại họp tìm cách can giải. Chỉ sợ thứ người học làm bạo chúa đang nảy mầm (tyran en herbe) còn trẻ người non dạ ấy, trong lúc tinh nghịch, lỡ bấm lầm một đầu đạn nguyên tử tới một quốc gia lân cận khiến có thể gây ra đại họa thế chiến thứ ba. Khi đó không biết bao nhiêu con người vô tội sẽ bị thiệt mạng oan uổng. Thế mới biết tư tưởng gia kiêm khoa học gia Blaise Pascal (1623-1662) đã không bấm quẻ sai tí nào khi ông lên tiếng cảnh báo ngay từ đầu thế kỷ 17 : « Con người không phải là thánh thần mà cũng không phải là con thú. Bất hạnh thay kẻ nào muốn làm thánh thần, kẻ đó sẽ biến thành con thú. " (L'homme n'est ni ange ni bête, et le malheur veut que qui veut faire l'ange fait la bête". Blaise Pascal, Pensées 358 – Classiques Garnier 1961, p.164).


Là nhà văn thiên chức, Hemingway không cho mình có sứ mạng đem rao giảng một học thuyết chân lý cho đời, mà chỉ nói lên những sự thật biết được ở đời. Bởi vậy ông không mấy quan tâm tới việc xác định thế nào là cuộc chiến có chính nghĩa hay không chính nghĩa. Vả lại theo ông, chính hay tà thường do nhận định chủ quan, có thể thay đổi với thời gian, tùy giai đoạn, đôi khi còn do tính toán lợi ích riêng tư. Bởi thế ta mới thấy diễn tấn tuồng có kẻ đang hết lòng giúp ta nâng cao lá cờ tự do chính nghĩa, bỗng bỏ rơi ta làm đồng minh tháo chạy. Cũng như trường hợp mấy kẻ ngày nào còn cùng ta cất cao lời ca hẹn một ngày về, nay lại bỏ ta về trước, về một mình. Cũng chỉ để hát hỏng thôi, nhưng vì tưởng có điều kiện được thêm no cơm ấm cật. Xét cho cùng, lòng người có sớm đổi thay nay trắng may đen, thì cũng dễ hiểu thôi. Đời mà. Chỉ tội cho hai chữ « chính nghĩa », mới ngày nào còn trên lá cờ phất phới tung bay, nay phải mang cái mùi khang khảng chỉ vì gió đã trở chiều. Nhưng dù gì, ai muốn làm gì, thì các từ ngữ thanh cao ấy, trước sau vẫn là những bông sen, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Vậy đó, chữ nghĩa với Hemingway không chỉ có là phương tiện thông tin hay truyền đạt, mà còn là một phong cách diễn tả nữa. Mỗi từ vựng, với ông, còn có đời sống tinh thần riêng. Bởi vậy nhà văn không thể sử dụng chữ nghĩa nhất nhất theo từ điển được. Từ điển chỉ là cẩm nang để học sinh tra cứu mỗi khi làm luận văn nộp cho ông thầy ; nó cũng hữu ích cho một vài nhà làm văn hóa chỉ thích trưng tước vị đại học theo nghĩa từ điển mà không chịu trau giồi thêm kiến thức, để cái miệng được bô bô, nói cho thật kêu nghe sao thật nổ, mà không biết vì bên trong cái đầu hãy còn nhiều khoảng trống. Nhà văn cũng cần tới từ điển, có khi còn cần tới hơn ai hết. Nhưng nếu ông ta chi tra cứu từ điển để rồi cũng sử dụng chữ nghĩa đồng phục, đồng loạt như mọi người, chẳng mấy chốc ông ta sẽ biến chúng thành những xác chết ướp khô. Chỉ có nhà văn sáng tạo mới biết phả hơi thở đời sống vào chữ nghĩa, giúp chúng từ một bộ xương khô khốc, trở nên có thân xác, có linh hồn để chúng được hội nhập đời sống xã hội. Bản thân mọi chữ nghĩa đều hiền lành vô tội như lời nói trẻ thơ đầu đời, hay như cái nhìn bỡ ngỡ của ông An Dong, bà E Và trước khi cắn phải trái cám. Còn xấu đẹp, hay dở ra sao, một phần do phong cách người sử dụng, phần còn lại do nơi bộ não người đọc. Không tin, cứ đi hỏi Bà Hồ Xuân Hương thì biết. Còn muốn chắc ăn, ta hãy tạm lấy các từ "điếm thúi" và "cao sang" làm thí dụ khảo sát. Mỗi lần nhắc tới "điếm thúi", chẳng cần tra từ điển, ai cũng hiểu từ đó muốn nói gì, chỉ định ai. Còn từ "cao sang" thường chỉ dành cho những kẻ giàu sang, quyền thế được coi là thuộc giai tầng thượng lưu xã hội. Nhưng có thực bao giờ chỉ ở chốn thanh lâu mới có hạng người điếm thúi? Và chỉ tại những khu biệt thự sang trọng ta mới gặp toàn những kẻ được mô tả con nhà đài các kiêu sa?

Giả dụ một cô gái nhà nghèo, gia đình sống trên mảnh đất bị sức mạnh của đồng tiền hay thế lực trục xuất để dựng lên những tòa biệt thự nguy nga hoành tráng. Vì muốn giúp cha mẹ già có phương tiện sinh sống và nuôi bày em nhỏ, cô đành chấp nhận kết hôn với một người nước ngoài. Chẳng may cô rơi vào một đường dây buôn người, nên trở thành một gái thanh lâu. Vậy khi thấy cô, do nghề nghiệp, phải đóng vai lả lơi với khách, ta có nên ném về phía cô cái nhìn thành kiến xã hội để bĩu môi chê là đồ điếm thúi ? Trái lại, trước cảnh mấy cô chiêu cậu ấm ngày ngày ra vào tại khu biệt thự sang trọng vừa được cất lên: Cô, cũn cỡn trong bộ đồ đúng mốt thời trang ngoại nhập "thịt thừa vải thiếu", nhưng lại điệu bộ « em chã em chã » ra đều ta đây con nhà gia giáo nết na. Cậu, nghênh ngang bên chiếc xe đắt tiền, điệu bộ ga lăng tây phương, cũng ra điều ta đây con nhà giòng dõi được cho du học nên người văn minh tiến bộ. Học hỏi để trở thành những Bill Gates Việt Nam, đem cái tinh hoa tiếp thu nơi xứ người về đóng góp cho phát triển đất nước và công bằng xã hội đâu không thấy ; chỉ thấy đua đòi chạy theo mấy thói sống rởm khoe khoang phách lối, sao mà nhanh thế, sao mà tài thế. Họ đâu biết rằng càng phô trương cái vỏ văn minh kiểu cách chừng nào, họ càng chứng tỏ chưa trút bỏ được mặc cảm tự ti nhược tiểu chừng nấy. Bởi thế họ mới trâng tráo đua nhau khoe tiền khoe của, chắc gì được gây dựng bằng công sức mồ hôi nước mắt, hay chỉ bằng thủ đoạn lọc lừa hoặc mua chuộc quyền thế. Cứ tưởng được khoe khoang như thế, trước cảnh đa số người dân lương thiện vẫn phải tất tả ngược xuôi kiếm miếng ăn vì muốn trung thành với truyền thống dân tộc "đói cho sạch, rách cho thơm", là chứng tỏ ta đây đã thành công, vậy ắt là phải thành nhân. Thành công ư, chưa chắc. Còn thành nhân đâu không thấy, chỉ thấy rặt một bầy vĩ nhân (từ "vĩ ", theo tôi hiểu, trong tiếng Hán hình như còn có nghĩa là cái đuôi thì phải). Vậy mấy cậu ấm cô chiêu mô tả trên có đáng gán cho từ ngữ "cao sang" không? Hay biết đâu khu biệt thự họ vẫn ra vào ấy lại chẳng là nơi chứa chấp không ít ổ "điếm thúi"?

Có nắm được sự khác biệt giữa chữ nghĩa như là phương tiện truyền đạt và chữ nghĩa như là một phong cách diễn ta nêu trên, ta mới hiểu được tại sao Hemingway lại viết ra có lúc không chịu nổi hay dung thứ nổi (tolérer) một số từ trừu tượng như danh dự, dũng cảm, vinh quang hay chính nghĩa. "Tolérer", theo từ điển, có nghĩa là chấp nhận, chịu đựng hay dung thứ. Vậy mà tôi lại dịch nhóm từ "ne plus tolérer "ra là "không hửi nổi". Dịch dung tục như vậy, không cốt chỉ để gây sốc, mà vì muốn làm sáng tỏ quan điểm chống chiến tranh của ông. Bằng cách sử dụng chữ nghĩa nêu trên, Hemingway không có ý chống đối mọi cuộc chiến tranh. Cái mà ông không chịu nổi là chủ mưu của những kẻ núp sau ý nghĩa cao quý của các từ ngữ đẹp đẽ để thực hiện ý đồ của mình. Bởi vậy, Hemingway không đánh giá con người theo đường ranh phân định giữa chính và tà, kẻ nào chung chiến tuyến với ta đều là chính, luôn luôn được coi như trắng bóc; kẻ nào đứng về phía địch chỉ có thể là tà, ắt lúc nào cũng phải tối thui. Lối phân biệt chủ quan, triệt để như vậy, lại thêm tầm nhìn bị giới hạn bởi những cặp kính cận thị mang đủ loại nhãn hiệu chủ nghĩa, ý thức hệ, tôn giáo cực đoan…, chẳng những không giải quyết được gì, mà còn khiến cuộc chiến thêm dai dẳng, hận thù thêm chồng chất. Do được cọ sát với thực tế chiến trường, Hemingway không đánh giá theo kiểu đó. Chính hay tà, với ông, không do đường ranh phân định danh nghĩa, mà là ở cái tâm, là do nơi lòng người. Bởi vậy Henry, trong L'Adieu aux armes, mới có cái nhìn cảm thông và vị tha với Gino là người y được cử tới thay thế: "Gino là con người yêu nước, do đó anh ta hay nói ra những điều đôi khi phân cách chúng tôi; nhưng anh ta là một con người dễ thương và tôi hiểu được lòng yêu nước của anh. Anh ta sinh ra đã là con người yêu nước." (Gino était un patriote, aussi disait-il des choses parfois nous séparaient; mais c’était un gentil garçon et je comprenais son patriotisme. Il était né patriote. Sdd, tr. 178). Cái nhìn tỉnh táo và vị tha ấy đã soi tỏ quan điểm chống chiến tranh của Hemingway : Ông chỉ chống lại những cuộc chiến do mưu đồ vị kỷ của những kẻ chủ mưu gây ra; trái lại, ông dành thiện cảm cho những ai dấn thân vào cuộc chiến do thiện tâm, thiện ý và tin tưởng vào nghĩa vụ cao quý của mình. Sự đánh giá khách quan về chính, tà nơi con người, hay đúng ra nơi mỗi con người trong chiến tranh sẽ được Hemingway trình bày cụ thể hơn qua một số nhân vật trong Pour qui sonne le glas.


Pour qui sonne le glas hay Chuông gọi hồn ai là câu chuyện về Robert Jordan, một công dân Mỹ chuyên viên về châm ngòi nổ. Vì lý tưởng tự do dân chủ, anh tình nguyện gia nhập đạo quân quốc tế chiến đấu bên cạnh chính phủ Cộng Hòa Tây Ban Nha chống lại nhóm quân phiệt nổi loạn do Franco cầm đầu. Jordan được giao phó nhiệm vụ đánh sập cây cầu trong vùng đồi núi hiểm trở Segovia nhằm chặn đường tiếp viện của quân phát xít. Công tác thực ra chẳng có gì khó khăn nếu không có đòi hỏi ngặt nghèo sau : chỉ được đánh sập cây cầu khi có tiếng máy bay quân chính phủ như là dấu hiệu cuộc tấn công bắt đầu. Để thi hành sứ mạng, Jordan được sự tiếp tay của một nhóm nghĩa quân trên danh nghĩa do Pablo cầm đầu, nhưng trên thực tế lại do cô vợ là Pilar chỉ huy. Thời gian ba ngày sống cùng toán dân quân trong một hang đá hốc hiểm, Jordan làm quen với một thiếu nữ tên Maria, cha mẹ đều bị quân phát xít phá hại. Mặc dù tấm thân đã bị một bầy lính phát xít làm hoen ố; nhưng lời nói, cử chỉ của Maria chứng tỏ một tâm hồn ngây thơ trong trắng đã chinh phục được Jordan. Là con người phong sương dạn dầy nhưng tâm hồn mã thượng, Jordan hứa sẽ cưới Maria sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc tình duyên chỉ kéo dài được ba ngày vi sau khi đánh sập cây cầu, Jordan bị thương không thể cùng đồng đội chạy trốn, nên quyết định hy sinh một mình ở lại để cản đường quân phát xít truy lùng. Trước lời khuyên chân thành của Jordan và cũng để đáp ứng nguyện vọng của người yêu, Maria đành nức nở gạt nước mắt lên ngựa theo Pilar về nơi trú ẩn mới.

Trên đây là tóm lược nội dung cuốn sách của Hemingway. Do kết cấu bi thảm của câu chuyện tình, lại diễn ra trong một khung cảnh không gian giới hạn (một khu đồi núi hiểm trở), thời gian giới hạn (ba ngày), Pour qui sonne le glas hội đủ yếu tố để dựng nên một bi kịch cổ điển tây phương như của Corneille hay Racine. Nhưng Hemingway lại mượn thể loại truyện kể để viết ra một cuốn sách dài ngót nghét năm trăm trang. Có lẽ vì vậy lần đầu đọc, tôi chẳng thấy cuốn sách có gì dặc sắc so với những hình ảnh ấn tượng được thấy trên màn bạc : nào là những pha phi ngựa đuổi nhau bắn súng cắc chíu pằng pằng, nào là cảnh Jordan hối hả lo đánh sập cây cầu trong khi đoàn chiến xa phát xít rầm rộ tiến tới. Rồi lại còn cảnh Pablo tổ chức sách động quần chúng tham gia vào vụ sát hại các viên chức trong guồng máy hành chánh phát xít bị bắt giữ nữa chứ.(1) Chu choa, thấy mà ghê. Cảnh tượng này làm tôi nhớ tới những câu thơ sặc mùi gió tanh mưa máu của Tố Hữu nhằm kêu gọi tận diệt điền chủ, cường hào ác bá trong cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc. Đó là không kể bên cạnh đó, còn có những pha tình tự yêu đương thắm thiết giữa Maria và Jordan trong khung cảnh đồi núi âm u, chỉ kéo dài có ba ngày để rồi kết thúc oan khiên với những tiếng khóc nức nở của Maria… Cũng vì vậy, khi ấy, tôi chỉ chú ý đọc những đoạn có liên quan tới các xen ấn tượng được thấy trên màn bạc ; phần còn lại tôi chỉ đọc lướt qua, có khi còn đọc theo kiểu nhảy cóc. Nay đọc lại, tôi mới thấy đọc theo kiểu tôi hồi đó quả là thiếu sót, quá hời hợt. Bởi vì những cảnh, những xen dù có hấp dẫn đến mấy, cũng chỉ cho ta cái thú thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật thành công. Còn giá trị cuốn sách về mặt văn chương, tư tưởng lại thuộc về phần nằm trong lòng đại dương, mà ta phải chịu bỏ công ngụp lặn mới có cơ hội thưởng thức. Phải đọc, chú ý đọc một số chương, một vài đoạn trong sách ít được nhà đạo diễn khai thác, có khi còn bỏ qua vì cho là không lấy gì làm hấp dẫn để đưa lên màn bạc. Nhưng đó mới là những chương, những đoạn nói lên quan điểm chống chiến tranh của Hemingway, cũng như cái nhìn nhân bản, vị tha của ông về thân phận con người, về những con người trong chiến tranh.

Đáng chú ý nhất, có lẽ phải kể đến cái chương nói về ông già Anselmo trong vai khiêm tốn là kể dẫn đường cho Jordan (ch.XV). Là một nông dân thất học, tuổi xấp xỉ thất tuần, đêm đó ông có nhiệm vụ đứng gần cây cầu để quan sát và báo cáo mọi điều động của quân phát xít. Một mình phải đứng rét run hàng giờ giữa cơn bão tuyết mà chẳng thấy động tĩnh gì, đã có lúc ông tính bỏ về. Nhưng nghĩ lại, ông cho hành động như thế là vô trách nhiệm, nên quyết định không rời vị trí quan sát. Trong khi chờ đợi, ông nhìn về phía trạm canh ở giữa cây cầu với những người lính gác sinh hoạt trong đó. Nhận ra họ đều là người cùng quê với mình, ông đâm bối rối khi nghĩ rằng ngày mai những người lính ấy có thể phải chết do chính tay ông. Vốn chất phát hiền lành lại là con chiên ngoan đạo, ông cảm thấy áy náy khi phải hành động sát nhân, vì như vậy là trái với điều răn trong Kinh thánh. Hơn thế, ông thầm nghĩ : « Những kẻ đó không phải là phát xít .Ta họ gọi vậy, nhưng họ không phải là vậy. Họ cũng chỉ là những kẻ khốn khó như ta. Lẽ ra họ không nên chống lại ta, và nghĩ tới phải chém giết, ta chẳng thích thú gì…Họ không thể đào ngũ vì, khi ấy, người ta sẽ xử bắn gia đình họ. »(Ces hommes-là ne sont pas des fascistes. Je les appelle comme ça, mais ils ne le sont pas. Ce sont des pauvres gens comme nous. Ils n’auraient jamais dû combattre contre nous et je n’aime pas l’idée de tuer…Ils ne peuvent pas déserter parce que, alors, on fusillerait leurs familles ». Sdd, tr. 217). Nhưng tin tưởng công việc mình làm là một đóng góp cho lợi ích chung, ông tự nguyện sau này sẽ làm lễ sám hối để chuộc lỗi. Chương này (XV), trước đây tôi đọc lơ là vì chẳng thấy có gì hấp dẫn. Nay đọc lại, tôi mới thấy nó là một trong những chương đặc sắc nhất, ý vị nhất đem lại cho tôi nhiều thích thú. Thích thú, trước hết cho chính bản thân. Tôi, con người trái tim đã từ lâu sỏi đá cái đầu lại cũng đã đầy sạn mất rồi, tôi như bỗng được làm cuộc hành hương về nguồn trước những ưu tư trăn trở đầy cảm thông của một ông già phúc hậu ; cũng như cái lần tôi bị lúng túng trước thắc mắc tưởng là ngớ ngẩn của đứa bé còn nhân chi sơ tính bản thiện. Thích thú, bởi ý vị văn chương trong lời lẽ đạm bạc không pha dầu chế mỡ Hemingway dùng để phản ánh đúng trầm ngâm suy tư của một ông già quê mùa thất học. Thích thú bởi cái nhìn vị tha ăm ắp tình người của ông già Anselmo đã soi tỏ cho tôi quan điểm chống chiến tranh của Hemingway, đồng thời giúp tôi nhìn ra giá trị văn học nhân bản trong tác phẩm của ông. Và tôi mới hiểu được tại sao ông lại chọn cho cuốn sách cái tựa Pour qui sonne le glas cũng như ý nghĩa thông điệp ông có ý gửi đến ta.

Khởi thủy, Hemingway có ý viết một cuốn sách để chỉ nói về những gì ông ghi nhận được trong thời gian làm phóng viên cho tờ North American Newspaper Alliance về cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1937-39). Bởi vậy ông chỉ muốn thuật lại những gì nhận biết được về những con người độc đáo, với những phong cách sống dị thường đậm đặc bản sắc địa phương như Pilar, Maria, Anselmo, El Sordo, thậm chí cả Pablo nữa. Bởi vậy ông đã có ý chọn cho cuốn sách cái tựa The Undiscovered Country (Miền đất xa lạ). Nhưng khi viết dược quá nửa, tới chương XXXIII, tình cờ ông đọc được đoạn văn như sau trong bài giảng của John Donne (1572-1631), một mục sư người Anh: "Nul Homme n’est une Isle complète en soy-même, tout homme est un morceau de Continent, une part du tout…; la mort de tout homme me diminue, parce que je suis solidaire du Genre Humain. Ainsi donc, n'envoie jamais demander : pour qui sonne le glas, il sonne pour toi." (Không Người nào có thể coi mình là một ốc đảo, mỗi Người trong chúng ta đều là một mảnh đất của cùng một Lục địa, một phần của tổng thể…, cái chết của bất kỳ ai đều là một mất mát cho tôi, bởi vì tôi thuộc Loài Người. Vậy đừng cho người đi hỏi: chuông gọi hồn ai đấy: nó còn là cho chính ngươi đó".) Đoạn văn này đã làm Hemingway thay đổi ý định sáng tác ban đầu, và ông không ngần ngại dùng nó làm lời dẫn nhập cho cuốn sách của mình. Hơn thế, ông còn mượn lời của John Donne Pour qui sonne le glas dùng làm tựa sách, thay thế cho cái tựa The Undiscovered Country dự kiến. Duy có điều khác biệt, lời của John Donne là lời giảng của một mục sư nhằm nhắc nhở tình đoàn kết, tình thương yêu đùm bọc con người với nhau trong tinh thần bác ái tôn giáo : Cùng một chủng loại, chúng ta không thể chỉ mưu cầu hạnh phúc riêng tư, mà phải biết sống san sẻ, lấy cái vui của mình làm cái vui cho người khác, lấy cái đau khổ mất mát của người khác làm cái đau khổ mất mát của chính mình. 

Không phải là nhà truyền giáo, chỉ là nhà văn muốn nói lên sự thật, viết ra những sự thật được biết, Hemingway lại có ý mượn lời của John Donne để chỉ nhắc nhở ta về tình người, kêu gọi ta cần có thái độ cảm thông, vị tha giữa con người với con người trong chiến tranh, cho dù họ không đồng quan điểm, không cùng chung chính kiến với ta. Từ những gì chính mình được tai nghe mắt thấy qua từng trường hợp cụ thể một, ông muốn lưu ý ta rằng, trong bất kỳ cuộc xung đột nào, đằng sau bộ quân phục khác màu, những người lính đối địch cũng là những con người như ta, là người chồng, người cha, người con, người anh, người em như ta. Đó là thái độ cảm thông của Henry với Gino trong L'Adieu aux armes, lòng trắc ẩn của ông già Anselmo với những người lính phát xít trong Pour qui sonne le glas. Bởi vì, biết đâu viên đạn mà ta tưởng chỉ dành cho kẻ thù, lại nhắm vào người có thể là bạn ta, như vào chính bản thân ta. Đó là ý nghĩa ẩn dụ của đoạn kết trong cuốn Pour qui sonne le glas, mà Hemingway chủ ý gợi lên cho ta: Trước khi tử thương do đạn pháo cối của quân phát xít, viên đạn cuối cùng Jordan dành cho địch, trớ trêu thay, lại để bắn hạ trung úy Bernardo, một sĩ quan giàu nhân tính biết thương lính, binh vực, che chở cho người lính dưới quyền khỏi phải hi sinh vô ích trước đòi hỏi kiêu căng hợm hĩnh của viên đại úy Moro (Sdd. ch.XXVII, tr. 341- 343).

Thế nhưng Hemingway không chỉ mượn lời giảng của mục sư John Donne cốt nhắc nhở ta cần có thái độ cảm thông, vị tha với những con người tự nguyện dấn thân hay bị lôi cuốn ngoài ý muốn vào mọi cuộc xung đột vũ trang. Khi chọn nhóm từ Pour qui sonne le glas làm tựa cho cuốn sách, ông còn muốn mượn ngụ ý của John Donne để biến câu truyện ái tình phiêu lưu mạo hiểm ấy thành một bản anh hùng ca cho thời đại chúng ta. Bản anh hùng ca thời đại, câu chuyện kể về hoạt động phá hoại lén lút của một nhóm du kích tại một vùng đồi núi cheo leo chẳng ai thèm biết tên ? Bản anh hùng ca thời đại với nhân vật anh hùng sử thi cái nhóm người vô danh tiểu tốt ấy, kẻ sống thì chạy trốn chui trốn nhủi, còn kẻ chết thì hi sinh lãng nhách chẳng đem lại chút thành công cơm cháo gì ? Vâng, chính mẩu tin chiến sự vụn vặt ấy, với dúm người thuộc loại tép riu, lau sậy ấy, mới chính là những yếu tố đáng cho Hemingway khai thác để viết lên một bản anh hùng ca. Bản anh hùng ca của thời đại chúng ta, hay đúng hơn là để dành cho thế hệ chúng ta.

Đã qua rồi, thời kỳ trí tưởng tượng loài người ở buổi sơ khai còn cần đến những câu chuyện thần kỳ với những anh hùng huyền thoại như Ulysse trong Iliad của Homère, hay Phù Đổng Thiên Vương trong lịch sử dựng nước ta, để khơi dậy ý niệm quốc gia và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Cũng đã qua rồi, và cần phải cho qua luôn, thời kỳ của mấy anh hùng sử thi cận đại và hiện đại với câu chuyện về những nhân vật người hùng khổng lồ chân đất thó đem thân mình bịt lỗ châu mai, làm tắc họng súng địch để đồng đội tạo chiến công hiển hách. Hoặc câu chuyện mấy anh du kích, nhờ quyết tâm, chỉ với súng trường cũng bắn hạ được chiến đấu cơ phản lực của địch. Những câu chuyện thần thoại dựng đứng ấy, viết theo toa đặt hàng chỉ có tác dụng phục vụ cho tham vọng hoang tưởng của những kẻ ôm mộng cải tạo thế giới : Nhân danh một thế giới thiên đường, một xã hội công bằng lý tưởng, họ hô hào phải đập cái cũ để xây dựng cái mới, nhưng thực chất lại là một xã hội ngày càng vô cảm với hai giai tầng xã hội giàu, nghèo phân ranh rõ rệt như hai đường thẳng song song không muốn thấy nhau để khỏi phải lưu tâm tới nhau. Bài học hai trận Thế chiến vừa qua, rồi hiểm họa về một cuộc chiến tranh nguyên tử thứ ba có thể xảy ra, tưởng cũng đủ để chúng ta được thấm đòn trước những lời gào thét đòi cải tạo thế giới ấy. 
Có thấm đòn ta mới hiểu tại sao, trong L'Adieu aux armes, Hemingway lại viết ra có lúc ông không:"hửi nổi" (ne plus tolérer) một số từ ngữ thanh cao trừu tượng ; trái lại, chỉ có tên « cụ thể » của một vài địa danh, con số "cụ thể" của một vài đơn vị, của một vài ngày tháng, với ông, mới giữ được phần nào phẩm cách. Và có biết thấm đòn ta mới nhận thức được tại sao vấn đề cấp bách của thời đại chúng ta, của thế hệ chúng ta không phải là cải tạo thế giới mà là giữ cho thế giới khỏi bị tan rã, như Camus đã lên tiếng kêu gọi thế hệ ông : «Hẳn là mỗi thế hệ đều cho mình sứ mạng phải tái tạo thế giới. Thế nhưng thế hệ của tôi lại biết rằng nó sẽ không làm thế. Nhiệm vụ của nó có lẽ, vì thế, lại cao cả hơn : đó là giữ cho thế giới khỏi bị tan rã » (Chaque génération, sans doute, se croit vouée à refaire le monde. La mienne sait pourtant qu'elle ne le fera pas. Mais sa tâche sera peut-être plus grande. Elle consiste à empêcher que le monde ne se défasse. A. Camus .- . Essais, Discours du 10 Décembre 1957, Bibliothèque de la Pléïade, Gallimard 1965, p. 1073).(2) Lời kêu gọi này, Camus tưởng chỉ dành cho thế hệ ông, thế hệ lớn lên và trưởng thành qua hai Đại thế chiến với những hậu quả khốc liệt của chúng, ai ngờ lại có giá trị thời sự hơn bao giờ hết.

Giữ cho thế giới khỏi bị tan rã, nhiệm vụ xem ra có vẻ tầm thường hèn mọn làm sao, so với sứ mạng rêu rao của những kẻ ôm mộng cải tạo thế giới. Nhưng trước những gì đang diễn ra tại Trung Đông như cuộc thánh chiến giữa hai hệ phái Hồi giáo shiite và sunni dẫn đến hủy hoại cả tâm hồn lẫn cơ sở vật chất, trước những tìm tòi tiến bộ khoa học nhằm phục vụ hạnh phúc thực sự cho con người thì ít, mà mưu cầu tìm kiếm lợi nhuận thì nhiều, dẫn đến nguy cơ hủy hoại môi trường, thậm chí còn dẫn đến nguy cơ đe dọa cuộc sống thế gian, ta mới thấy lời kêu gọi của Camus là sáng suốt, không chỉ dành cho thế hệ ông, mà còn cho cả chúng ta nữa. Mà để hoàn thành nhiệm vụ hèn mọn tầm thường này, ta đừng trông mong gì ở những kẻ tự xưng người cầm lái vĩ đại, những kẻ ôm mộng tạc tượng lịch sử cho mình. Nhiệm vụ hèn mọn, tầm thường nhưng rất cao cả ấy, như nhận xét xác đáng của Camus, ta lại chỉ thấy ở những con người bình thường thuộc loại tép riu, những thân phận lau sậy bèo bọt nhưng lại vô cùng cao cả bởi vì, như Pascal đã sáng suốt đánh giá, đó là những cây sậy biết suy tưởng (roseau pensant)(4). Ta có thể thêm rằng là những cây sậy còn có trái tim. 
Đó là những con người như ông già Anselmo quê mùa , thất học nhưng phúc hậu. Như El Sordo tha thiết với cái đẹp tự nhiên của thế gian này : Biết rằng mình không thoát khỏi cái chết khi máy bay phát xít tới oanh tạc, El Sordo, không lo tới chuyện phải hi sinh, mà chỉ luyến tiếc phải giã từ cuộc sống thế gian với những cảnh đẹp thiên nhiên quyến rũ:"Chết không có nghĩa gì hết, và ý nghĩ không gợi lên trong hắn hình ảnh khiếp đảm nào trong đầu. Nhưng sống, là để được thấy cánh đồng lúa đong đưa lưng đồi lộng gió. Sống, là được thấy con chim ưng bay lượn trên trời… Sống, là được hai chân kẹp lưng ngựa, khẩu cạc bin trong túi da, mắt hướng về phía quả đồi, về phía thung lũng với con suối cây xanh bóng mát, và bên kia thung lũng, vẫn là đồi nối tiếp đồi trùng trùng điệp điệp." (Mourir n’était rien et il n’en avait aucune peinture terrifiante dans l’esprit. Mais vivre, c’était un champ de blé balancé dans le vent au flanc d’un coteau. Vivre, c’était un faucon dans le ciel… Vivre, c’était un cheval entre les jambes ,une carabine dans les fontes, et une colline, et une vallée, et un ruisseau bordé d’arbres et l’autre bord de la vallée avec, au loin, d’autres collines. Sdd. ch. XXVII, tr.337). Và như Robert Jordan, nhân vật người hùng (3): Biết mình bị thương nơi hai đầu gối, không thể ngồi trên lưng ngựa để cùng đồng đội chạy trốn, Jordan quyết định hi sinh ở lại để cản đường truy lùng của quân phát xít. Tuy hãi hùng với ý nghĩ phải giã từ cõi thế, Jordan đã tìm được an ủi trong mãn nguyện tự hào:" Ta đã chiến đầu từ một năm nay cho điều ta tin tưởng. Nếu chúng ta chiến thắng tại đây, chúng ta sẽ dành được chiến thắng cùng khắp. Thế giới này đẹp đẽ và đáng để ta chiến đấu cho nó. Và ta hãi hùng phải giã từ nó. (Je combats depuis un an maintenant, pour ce en quoi je crois. Si nous sommes vainqueurs ici, nous serons vainqueurs partout. Le monde est beau et vaut la peine qu’on se batte pour lui et j’ai horeur de le quitter. Sdd. ch. XLIII, tr. 495)

"Giữ cho thế giới này khỏi bị tan rã ", phải chăng là cái thế giới còn có tình người chưa bị những toan tính tham lam ích kỷ hủy hoại hủy diệt, cái thế giới còn có những ông già Anselmo quê mùa thất học, nhưng giàu tình người, giàu lòng vị tha, muốn được coi kẻ cầm súng đối diện là bạn chứ không phải là thù? "Giữ cho thế giới này khỏi bị tan rã", phải chăng là cái thế giới còn giữ được những cảnh đẹp thiên nhiên khiến El Sordo phải luyến tiếc khi biết phải giã từ nó ? Vâng, "giữ cho thế giới này khỏi bị tan rã », chính là cái thế giới của những con người thuộc về đời sống thế gian, cái thế giới mà Jordan có "may mắn" được sống ba ngày vừa qua (Tu as une vie aussi bonne que possible grâce à ces derniers jours".- Sdd, tr.495). Chỉ cần ba ngày được tiếp xúc với đời sống chân thật tại một vùng đồi núi hoang dã, bên cạnh những con người như Pilar, như Anselmo, như El Sordo, thậm chí cả với Pablo, và nhất là ba ngày được sống tình yêu trọn vẹn bên cạnh Maria… Ngần ấy thứ cũng đủ giúp Jordan nhìn ra ý nghĩa cuộc sống thế gian, và sẵn sàng hi sinh, không phải để thay đổi nó theo lời rêu rao về một thiên đường hoang tưởng của những chủ nghĩa, những ý thức hệ, những hệ phái tôn giáo cực đoan… Không, Jordan sẵn sàng hy sinh không phải để chạy theo những thiên đường hoang tưởng đó, mà chỉ để mong sao gìn giữ cái thế giới của ba ngày hạnh phúc thế gian ấy khỏi bị tan rã, và đóng góp vào cải thiện nó mà thôi. Phải chăng đó mới chính là những yếu tố để Hemingway muốn biến Pour qui sonne le glas thành một bản anh hùng ca thời đại? Nếu quả đúng vậy, ta có thể coi Hemingway là một nhà văn tiên phong có những bước chân đi trước cả Les Justes" (5) của Camus, trước cả lời nhà văn Pháp lên tiếng kêu gọi tại Stockholm. Và phải chăng cũng chính giá trị văn học nhân bản ấy nơi ông mới là yếu tố khiến Hàn Lâm Viện Stockholm quyết định trao tặng giải văn học Nobel 1954 cho ông, chứ không phải riêng vì trong các sách của ông có những pha gay cấn cụp lạc như phi ngựa đuổi nhau bắn súng cắc chíu pằng pằng?


Trên đây là phần trong bài viết được gửi đi trước đây. Hôm nay, khi đọc lại, tôi mới thấy bài viết đã không nhắc nhở gì tới cuốn Le vieil homme et la mer. Với tôi, đây là một lỗi lầm sai sót lớn. Thực ra, Le vieil et la mer không phải là một truyện kể nội dung nhạt nhẽo chán phèo, lời lẽ chẳng chút văn vẻ mà lại tầm thường ta dùng trao đổi trong cuộc sống hàng ngày, như ta tưởng. Trái lại, có chú ý đọc, ta mới nhận thức được rằng câu chuyện ông già Santiago, sau ba ngày lênh đênh trên biển cả lại phải vật lộn với các bầy cá bám sát để rỉa thịt con kình ngư ông đã câu được. Kết quả là khi về tới bến, chỉ còn lại có một bộ xương trắng hếu trước cặp mắt ái nghiệp của bạn đồng nghiệp hay cái nhìn diễu cợt của một vài du khách. Nhưng với Hemingway, đây lại là một bài học sáng giá mang ý nghĩa biểu tượng : Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi ta có một mục tiêu đấu tranh để vươn lên. Kết quả ra sao, không quan trọng. Chỉ có nỗ lực không ngừng để vượt qua mọi gian nan trở ngại, để không chịu bỏ cuộc vì nản lòng. Đó chính là bài học ông già Santiago muốn nhắn nhủ chúng ta khi ông thầm nhủ: Con người có thể bị đánh bại ( hủy diệt), nhưng không bao giờ chịu khuất phục (hay buông tay đầu hàng): (L' homme ne doit jamais s' avouer vaincu... Un homme peut-être détruit, mais pas vaincu. Folio edit 1952, p. 121). Và trong cuộc chiến đấu vươn lên không mệt mỏi này, bằng tình người, bằng sự cảm thông, bằng sự tương thân, tương ái mà cậu bé Manolin đã dành cho ông, giúp ông tìm lại được giấc ngủ an bình, không để bị rơi vào tâm trạng tuyệt vọng. Câu truyện ngụ mang ý tưởng biểu tượng làm ta liên tưởng tới nhân vật huyền thoại Sisyphe đã được thuật lại trong cuốn Le mythe de Sisyphe của Camus: Vì ăn cắp lửa thiêng để đem lại sự sống cho thế gian, Sisyphe đã bị các thần linh trừng phạt bằng cách buộc Sisyphe phải vần một tảng đá nặng từ chân núi lên tới đỉnh một ngọn núi cao. Do sức nặng của nó, nên khi vần được lên tới đỉnh núi rồi thì tảng đá lại lăn trở lại xuống chân núi. Cứ thế, cứ thế Sisyphe phải làm công việc mệt nhọc vô ích này. Các thần linh cho rằng đây là hình phạt ác nghiệt nhất vi sẽ dồn Sisyphe tới chân tường tuyệt vọng. Họ đâu có ngờ rằng Sisyphe lại lấy việc thành công đẩy tảng đá lên tới đỉnh núi làm niềm vui chiến thắng vì đã đánh bại được ý đồ trả thù thâm độc của các thần linh. "Ta phải tưởng tượng Sisyphe có hạnh phúc"( Il faut imaginer Sisyphe heureux). Đó là lời kết của Camus cho bài tiểu luận Le Mythe de Sisyphe của ông.

Nhưng không phải chi có Sisyphe trong câu truyện thần thoại Hy Lạp, hay chi là sản phẩm của hư cấu như ông già đánh cá Santiago trong cuốn truyện kể của E, Hemingway. Trong một chừng mực nào đó, ta có thể coi cuộc đời và sự nghiệp của Hemingway cũng là một bản anh hùng ca thời đại. Chỉ có khác một điều là khi phấn đấu vượt qua được trở ngại để thành công lên tới đỉnh cao của danh vọng và tiền bạc, Hemingway lại tự kết liễu đời mình bằng một viên đạn. Tại sao vậy?

Muốn có câu trả lời xác đáng, ta cần theo dõi tiến trình từ học hỏi tại Paris để mở rộng kiến thức và trau dồi cho mình một văn phong của Hemingway đến khi thành công với các tác phẩm của ông. Không chỉ vừa lòng với kiến thức và văn phong thủ đắc, Hemingway cho rằng một nhà văn chân chính phải lấy vốn sống của mình làm chất liệu sáng tác, theo đúng phương châm sống rồi mới viết, chứ không phải viết để mà sống. Bởi vậy sự thành công văn học của ông đều là kết quả của những gì ông rút ra được từ những trải nghiệm ông đã sống qua. Tới đây, ta có thể nói Hemingway xứng đáng là người hùng cho một bản anh hùng ca thời đại. Nhưng khi gặt hái được thành công với giải văn học Nobel 1954 đưa ông tới đỉnh cao danh vọng và giàu sang rồi, Hemingway lại mỗi lúc một rời bỏ vai người hùng để trở về làm kẻ phàm phu tục tử như bất cứ ai. Chả thế mà ông đã rất lấy làm hãnh diện hợm hĩnh khoe khoang tấm huy chương bạc chính phủ Ý tặng thưởng tưởng rằng ông bị thương vì đã xông pha nơi trận tuyến để cứu giúp đồng đội bị thương, rồi mới ngất đi. Thật ra ông chỉ bị thương khi làm công tác phát bánh kẹo cho binh sĩ dưới giao thông hào mà thôi. Rồi tới khi thành danh tiền bạc vào như nước, Hemingway mới biến doanh trại mua trước đây ở gần La Havane, thủ đô Cuba, thành một dinh thự hoành tráng đặt tên la Finca Vigia làm nơi đón khách viếng thăm đủ mọi thành phần. Từ những ngôi sao màn bạc tiếng tăm như Ingrid Bergman, Ava Gardner, Tyrone Power, Gary Cooper … tới khách ngưỡng mộ cũng như phóng viên đủ loại.

Khỏi phải nói, đây là thời gian sống say sưa bù khú với những buổi tiệc tùng đình đám tưng bừng. Ở ngoài nhìn vào, thấy Hemingway sống hưởng lạc trong khung cảnh xa hoa vương giả ấy, ai mà chẳng thèm. Nhưng phải ở trong chăn mới biết trong chăn có rận. Họ đâu biết rằng, càng ngập ngụa trong hơi men đình đám chừng nào, mỗi lần tỉnh giấc Hemingway lại thêm một lần rơi vào chán chường tuyệt vọng. Chán chường tuyệt vọng, do thương tích bịnh hoạn lại thêm tác hại của thức đêm rượu chè, Hemingway cảm thấy cơ thể ngày một mỏi mệt, sinh lực mỗi lúc thêm kiệt quệ như cái đồng hồ tới lúc hết pin : cây kim đang chạy đều, vừa chỉ đùng sáu giờ rưỡi bỗng khựng lại không nhúc nhích thêm được nữa. Họa vô đơn chí : thân xác bỗng dưng cụt vòi làm cái đầu cũng đâm tịt ngòi theo. Do sức khỏe không cho phép tung hoành ngang dọc như xưa, Hemingway không tìm ra được nguồn cảm hứng sáng tác. Mà ông cũng không thể làm theo lời dạy khôn của một vài người ông quen biết : Dại gì đi đó đi đây. Cứ ở nhà rờ tí vợ, rồi dùng bộ nhớ và óc tưởng tượng để tha hồ phóng tác, ấy mới là người khôn. Là nhà văn thiên chức, không phải để rao giảng một lý thuyết chân lý cho đời, mà chỉ để nói lên những sự thật biết được ở đời, ông thấy không thể viết lách theo kiểu đó được. Để tìm khuây khỏa, Hemingway bèn quay ra thú chơi mèo. Nghe nói trong nhà ông có lúc tá túc tới cả trăm con mèo lận. Nhưng mèo đây là mèo thứ thiệt biết kêu meo meo, chứ không phải như mấy con mèo để các bà vợ rình đánh ghen đó nghen.

Nhưng tiệc tùng nào chả tới lúc phải tàn canh, xoa lông mèo riết rồi cũng có lúc chán. Mỗi lần say sưa thức tỉnh, lại một lần Hemingway thêm chán chường cuộc sống phù du ảo ảnh trong khung cảnh giàu sang tù túng ấy. Quanh đi quẩn lại vẫn từng ấy tiệc tùng, vẫn ngần ấy khuôn mặt ; người thân chí tình thì ít, vo ve tiếng đám ruồi bu thì nhiều. Và ông đâm tiếc nuối "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy". Cái thuở ông cùng người vợ đầu tên Hadley tới sống vô danh trong căn phòng chật hẹp thiếu tiện nghi số 74 đường Cardinal Lemoine tại Paris. Tiếc nuối, vì ông nhận thức được đó mới là thời kỳ sống vàng son huy hoàng thực sự. Vàng son, bởi vì có gì quý giá trên đời bằng tình yêu của một người hết lòng tận tụy cho mình. Huy hoàng, bởi vì có nguồn vui sống nào bằng niềm tin phấn khởi trước viễn ảnh một tương lai rực rỡ đang vẫy tay mời gọi. Đó mới chính là cái thực sự giàu sang, cái thực sự hạnh phúc trong bần hàn, mà biểu tượng là hình ảnh Hadley được ông gợi lên trìu mến:"Nàng có khuôn mặt được tạc khả ái, và đôi mắt nàng và nụ cười nàng rạng ngời tưởng chừng các dự tính của tôi đều là những món quà tôi đem tặng nàng". (Elle avait un visage joliment modelé, et ses yeux et son sourire s’illuminaient comme si mes projets étaient autant de cadeaux que je lui présentais".- Paris est une fête.- Folio 5454, Gallimard 2011, p.48).

Chả lẽ cứ sống mãi trong tiếc nuối với chán chường tuyệt vọng hay sao? Bởi thế cái gì phải đến đã đến: một sớm mai đẹp trời (2-7-1961), trong lúc chợt bừng tỉnh khi vừa thức giấc, Hemingway đã tự kết liễu đời mình bằng một phát súng săn, như để thực hiện phương châm sống của một nhân vật trong Pour qui sonne le glas, và chắc ông cũng muốn mượn làm lời trăn trối: "Thà chết đứng còn hơn sống quỳ " (Il vaut mieux mourir debout que vivre à genoux . – Sdd. tr. 332). Vậy đó. Dẫu có là nhà văn thiên chức, thiên tài, con người Hemingway cũng không thoát khỏi vòng hệ lụy tham, sân, si ; cũng nếm đủ mùi ca ngâm hỉ, nộ, ái ố, và cũng trải qua đủ bốn giai đoạn sinh, lão, bịnh, tử như bất kỳ thập loại chúng sinh nào phải (hay được ?) sống trầm luân hệ lụy trong cõi thế gian ta bà. Chữ não ở đây xin hiểu theo nghĩa phiền não, ảo não như trong từ điển, chứ không phải chữ lão do tôi đọc ngọng mà viết thành não đâu nhá.

Kết

Chết là hết chuyện! Đành rằng là thế. Nhưng ở đời, đôi khi có những điều ta nghe tưởng vậy, té ra chưa hẳn đã là vậy. Bởi vì phàm ở đời, cái gì dù có là gì hay chẳng ra gì, thì ở cái gì cũng còn lại chút gì đó. Bởi vậy vì thế cho nên, cuộc đời Hemingway có ra sao, thì nhà văn Hemingway cũng đáng cho ta nheo mắt dòm. Và để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời của chính Hemingway viết về Paris để nói về ông như sau: Không thể có bài nhận định hoàn tất nào về Hemingway cho được. Những ai có đọc Hemingway đều tìm ra cho mình những cảm nhận thích thú riêng. Hemingway rất đáng cho ta đọc. Và nhà văn Hemingway sẵn sàng đãi ngộ những ai có lòng đến với ông.

(Bắt đầu hạ bút viết ngày 30-4-2017. Viết xong, đọc lại để bổ sung và sửa đổi cho hoàn chỉnh ngày 22-10-2023)
Nguyễn Bảo Hưng

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Chiều Thu Ấy

 

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Sương Thu

 

(Một Mình Trong Sương - Nhiếp Ảnh Gia Phạm Minh Cường)

Người đi trong lớp áo thu
Lối mòn phủ kín sương mù sớm mai
Lặng thầm tiễn bước dặm dài
Chạnh lòng kẻ ở lá phai bao mùa..

6/12/2018
Thơ: Kim Oanh
Hình Ảnh: Phạm Minh Cường

Bài Thơ Buông Rơi

 

Em đứng lên buông thả lá thư

Bài thơ rơi rụng lá thu bay

Linh hồn tan nát trong đau xót

Thành phố mưa thu giọt ướt tay.

 

Trí nhớ em còn thấy vấn vương

Một lần buông bỏ mối tình thương

Lòng nghe gió chướng mùa thổn thức

Những vệt sương bay mờ phố phường.

 

Lôi kéo buồn vui vào cõi không

Chẳng còn nhận thấy người thương trông

Cố ôm lầm lỗi đầy cay đắng

Tan nát trời thu gió bụi hồng.

 

Tiếng nhạc tình ca nơi góc phố

Âm xưa vang vọng xót sa về

Giấc mơ gợi nhớ cùng say đắm

Bài hát lời thơ đã hẹn thề.

 

Tô vẽ phấn hồng cho mặt hoa

Kiếm tìm dung ảnh của ngày xưa

Lời thơ cào xước hồn đau buốt

Tiếng khóc lòng đau như ướt mưa.

 

Em cố ngăn từng giọt nước mắt

Giọt Cà phê sóng sánh màu đen

Tưởng chừng thu nhớ khung trời lạ

Chắng biết bao giờ còn thấy em.

 

Sao vẫn thương đời đi giữa thu

Tìm nhau nỗi nhớ đến bao giờ

Lá thu vàng úa bao nhiêu đợt

Chồng chất lên nhau mấy lớp bờ.

 

Ngọn gió thu phong hưu hắt thổi

Dòng đời lạnh buốt mối tình si

Lá rơi phủ lấp bàn chân mỏi

Những tiếng âm vang từ bước đi.

 

Em bước chân đi trong nước mắt

Lá thu làm chứng dấu ân tình

Đèn đêm thức giấc đầy thương nhớ

Mơ sáng thu về soi bóng mình.

 

Tế Luân