Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Tình Yêu Lên Ngôi - Nhạc Phạm Anh Dũng- Hoà Âm Thanh Lâm - Minh Ngọc Hát


Nhạc: Phạm Anh Dũng
Hoà Âm: Thanh Lâm 
Tiếng Hát:Minh Ngọc  
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan

Thân Thương

  

Trao nhau hai chữ thân yêu
Nhìn nhau mến chuộng nâng niu nhẹ nhàng
Cùng nhau dìu dắt bước sang
Thương nhau đâu dễ vội vàng lìa xa
Giúp nhau từng bước vượt qua
Hiểu nhau tha thứ như quà tặng ai
Dắt nhau chăm chút chẳng phai
Dìu nhau vai sánh mãi hoài không buông
Chờ nhau cùng bước về nguồn
Đợi nhau để chẳng có buồn riêng tư
Khuyên nhau như viết trang thư
Bênh nhau bất chấp những từ khen chê

Nguyễn Cao Khải


Hoa Gạo Càng Đỏ Anh Càng Yêu Em


Tháng Ba Hoa Gạo đỏ trời
Mở lòng anh viết nên lời yêu thương
Bao nhiêu Hoa Gạo trên đường
Thì tình anh cũng đậm hương mặn mà
Cây Hoa Gạo đã trổ hoa
Lòng anh ngây ngất sa đà dáng em
Nhìn màu Hoa Gạo qua rèm
Chừng như những sợi tơ mềm nhớ nhung
Vào ra ngơ ngẩn chập chùng
Bâng khuâng màu nhớ mịt mùng thênh thang
Ngày em đi thoáng ngỡ ngàng
Con đò sao nỡ sang ngang não nề
Mây giăng kín nẽo lê thê
Nghe chừng hơi thở tái tê bẽ bàng
Nhạc buồn từ thuở hồng hoang
Hoa Gạo càng đỏ anh càng yêu em.

Toronto 22/3/2021
Nguyên Trần

***
Tháng Ba Hoa Gạo Đỏ Trời


Tháng Ba hoa gạo đỏ trời
Sắc hoa gạo đỏ như lời yêu thương
Trên đồi hoa rụng ngập đường
Thảm hoa gạo đỏ ngát hương mượt mà
Tháng Ba cây gạo nở hoa
Mẹ tôi vẫn mãi ra vào chờ em
Những chiều Mẹ đứng bên rèm
Nhớ thương mong đợi ruột mềm nhớ nhung
Tháng ngày xa xứ bùng chùng
Nửa thương nửa nhớ giăng mùng thênh thang
Chia xa một thoáng ngỡ ngàng
Nghe lòng như đã hoang mang não nề
Nhớ nhung thao thức lê thê
Người ơi sao nỡ nhiêu khê bẽ bàng
Tình vẫn đẹp thuở hồng hoang
Mỗi mùa hoa gạo bàng hoàng thân em ...

Tuyết Phan 
tháng Ba 2021

Hoa Gạo Bên Chùa



Trắng đồng, trắng bãi, trắng ao
Hoa rơi cửa Phật, xôn xao bé làng
Chạy theo cơn gió bay ngang
Bông gạo ươm trắng bàng hoàng giấc mơ
Nhớ từ năm xửa , năm xưa
Tháng ba, ngày tám, nắng mưa ngặt nghèo
Anh rời xóm nhỏ cô liêu
Có em đưa tiễn với nhiều xót xa
Thêm bông gạo trắng la đà
Cánh trong cháy đỏ đồi hoa lặng thầm

Chung Văn

Thơ Và Nhạc



Thơ vốn là những rung động thầm kín, tuyệt vời, là những giao cảm của từng tế bào trong tâm não.
Vì thầm kín nên Thơ rất êm ả, lãng mạn, dịu dàng nếu tình cảm thăng hoa hay cõi lòng an tịnh. Nhưng nếu tình cảm bị cách ngăn, tâm hồn trăn trở, thì Thơ lại mãnh liệt khôn cùng. Thơ gào thét với thiên nhiên, thở than cùng số mệnh. Người thơ thường cô đơn mà nàng thơ thì lãng đãng như gió, như mây, như sương khói và luôn chập chờn trong cõi mộng.

Vì thế, Thơ vượt trên cả thời gian lẫn không gian, để trở thành một tổng hợp của cực tiểu với cực đại, của con người nhỏ bé với trăng sao xa vời. Thơ đi vào lòng ta qua từng cảm xúc đôi khi rất bất chợt, rất nhẹ nhàng, khi buồn, khi vui, khi yêu đương và cả lúc...cô đơn. Thơ có mặt trong tận cùng đời sống của nhân loại, từ giọt lệ hạnh phúc đến khổ lụy triền miên, từ nụ cười trẻ thơ đến máu đào chinh chiến. Thơ là nguồn sống của thi nhân, là vườn hoa của tình ái. Đôi khi Thơ cũng là chén phiền được tuôn chảy qua những giận hờn, khổ lụy hay tức tưởi, thở than của những phút yếu lòng. Thơ là vườn mộng của suy tư, là phiêu du của tâm tưởng, vì thế Thơ rất vô cùng và miên viễn.

Nhạc cũng thế! Từ nguyên thủy, Âm Nhạc vốn xuất phát từ tiếng động của thiên nhiên, của vũ trụ đang hình thành. Nếu Thơ bắt nguồn từ nội tại chuyển ra ngoài cảnh giới thì Âm Nhạc ngược lại, đã đến với con người thật ngẫu nhiên bằng tiếng gió gào, sóng vỗ, suối reo và từ đó tác động vào tâm hồn của mọi người, mọi nơi, qua mọi thời đại.

Hằng mấy ngàn năm trước khi các tu sĩ Thiên Chúa Giáo hệ thống hóa Âm Nhạc bằng chuỗi âm thanh 7 Nốt, đã có tiếng tù và độc âm gọi đàn, họp nhóm. Có những tiếng trống thúc quân, thu quân, báo động, truyền tin của những bộ lạc định canh hay du mục trên các thảo nguyên thượng cổ.

Trong chiều hướng đơn giản ấy, đôi khi Âm Nhạc không cần những giai điệu, phức điệu, hay tiết tấu hiện đại hay cổ điển, và cũng không cần nhạc cụ bao gồm bộ đồng, bộ dây, bộ gõ, bộ hơi... mà chỉ cần một tiếng vang, một hơi thở cũng làm con người cải tiến được tâm thân.

Đó là tiếng OHM của Thiền môn Tây Tạng, là tiếng mõ liên hồi trong tụng niệm của Phật gia. Âm Nhạc làm người ta vui, khiến người ta buồn, buồn đến mức có thể hủy đi sinh mạng của mình. Âm nhạc làm cho con người đến gần nhau, xa rời nhau, thù hận nhau, yêu thương nhau... và cũng là phương tiện đưa ta về quá khứ, mang ta đến tương lai. Âm nhạc nói giùm ta những muộn phiền, ưu tư, hạnh phúc hiện tại, đã qua, và sắp đến. Nhạc gần gũi hơn Thơ vì người ta có thể hát, hát bất cứ lúc nào, bất cứ ở nơi đâu.

Nghe xong một bài hát là ta có thể nhớ ngay vài giai điệu đơn giản, trong khi đó Thơ phải mất thêm nhiều thời gian để thẩm thấu và tồn đọng trong tâm hồn. Tuy vậy trong Thơ thường có Nhạc và Nhạc cũng có những đặc tính căn bản giống như trong Thơ. Đó là là Tình, Ý, Cảnh...

Tóm lại, Thơ và Nhạc dù có nhiều khác biệt, vẫn có thể cộng hưởng để mang lại cho con người những hạnh phúc nội tại, hoặc trở thành một nguồn sống tinh thần và tình cảm thật dạt dào trong sinh hoạt của đời sống hằng ngày. Không có Thơ và thiếu cả Nhạc thì cuộc sống trần gian này sẽ buồn tẻ biết bao!

Huy Văn

San Định Bài Ca Thế Kỷ Này….

 

Thú thật hôm nay buồn quá đổi
Nỗi buồn vô cớ lẫn vô duyên
Nỗi buồn như thể đang vay mượn
Mong biến hình như một chứng nhân
 
Chứng nhân gà chết hay câm điếc
Nhăng cuội vu vơ diễu cợt đời
Chiếc lá vờn bay nào vẫn bụi?
Cây chiều diễn kịch vở sầu rơi….
 
Nắng vẫn dè chừng tung bóng nhỏ
Trên sân ràn rụa cỏ rêu tàn
Một con sên xám đi đo lá
Đo đến bao giờ hết lá xanh…?
 
Người có lòng sầu khôn nắm bắt
Trái tim thương cảm của cô Kiều
Kiếp mệnh so dây đàn tuẫn tiết
Sắc thường di hại đến tình yêu…
 
Thế sự kinh qua lịch sử buồn
Kinh cùn mõ lệch tắt hơi chuông
Nghe trong tiếng dế kêu mòn mỏi
Những bóng ma trơi bước ngập ngừng…
 
Những hồn oan cũ kêu kinh khiếp
Âm vọng mơ hồ ở cõi trên
Hay tận tầng sâu ngoài địa vực
Chết còn nhãn thuốc hiệu sơn đông…
 
Trái tim người của muôn năm trước
Lạc giữa trần gian đến dại khờ
Nhà ai cửa mở tung màn lưới
Gió độc di truyền hết tuổi thơ.
 
Kẻ sống hôm nay trí dật dờ
(Nghìn đời nghi hoặc bóng hư vô)
Đảo điên là chuyện bi hùng truyện
Cổ tích tân thư,một thế cờ…
 
Thành phố bừng lên pháo đỏ hoa
Gào trong đêm tối những âm ma
Ngỡ như cảnh tượng ngoài hoang địa
Qủy nhập tràng ngay giữa tháng ba…
 
Khách dọc đường xa trọ giữa đời
Bàng hoàng tiếng động lũ chim dơi
Những con chim cũ mùa vong quốc
Cánh đập ơ hờ như lá rơi…
 
Và cứ an nhiên cứ vận hành
Nỗi sầu vô tận rất phong phanh
Nhìn trăng,trăng vẫn cười khinh bạc
Nhìn tuyết,không chừng tuyết đổ nhanh….
 
Bốn phương thế giới một niềm đau?
Thiện ác mon men hóa phép mầu
Những hình thú có co ro bước?
Đổi mặt thay hình tương tiếp nhau.
 
Người lũi lầm đi giữa thế gian
Vận trôi theo định hướng điêu tàn?
Hay trong mẫu mực ngời khuôn đúc
Hiệu ứng Pavlov đã sẵn sàng…
 
Rồi vỗ tay reo cõi địa đàng
Khói mù lan tỏa nẻo phương đông
Những ai đã một lần xông khói
Cảm giác lên đồng níu thịt gân…
 
Hãy tạm ngồi yên, ở lại đây
Trái tim Chúa, Phật nhớ cầm tay
Đường lên thiên trúc hư không ảnh
San định bài ca thế kỷ này….
 
Lâm Hảo Dũng
March 5-2021- 6H57’AM

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Bốn Đóa Hoa Tình Yêu - Thơ: Hoa Văn - Nhạc Sĩ: Kim Phan


Thơ: Hoa Văn 
Nhạc sĩ: Kim Phan 
Ca sĩ: Tiến Vinh 
PPS: Hương Hoài Điệp


Một Ngày Không Giống Mọi Ngày



Buồn não can tràng buổi sớm nay
Vẫn vui, nhưng chẳng thấy chung bầy
Vì thiên hạ đủ người lưu lạc
Còn cá nhân thì ai có hay
Cười mỉm tưởng rằng hoa nở đẹp
Mắt mờ lại ngỡ lệ sầu cay
Hoá ra thân xác tươi hình bướm
Bay lượn cho quên tới cuối ngày ...

Utah 3 - 11 - 2020
Cao Mỵ Nhân


Về Sông Cửu



Sông Cửu quê tôi rất hữu tình
Ai về xin đến miệt U Minh
Cò bay thẳng cánh trên đồng ruộng
Cá lội xuôi dòng dưới rạch kinh
Dọc bến ghe xuồng trông tấp nập
Ngang vườn cây trái ngó mê xinh
Tiền nhân khai phá nhiều công sức
Hậu thế chăm lo gắng giữ gìn

Người Sông Cửu
21/03/2021


Lặng Lẽ - Cô Đơn

  

     ( Hoa Geisha Girl - Ảnh Kim Oanh)

Xướng: 
Lặng Lẽ

Hiu hắt vườn trăng một bóng côi
Sầu dâng loang tím hắt hiu đời
Vết thương hằn dấu chưa mờ xóa
Trĩu nặng gánh sầu lặng lẽ trôi

Kim Oanh
***
Các Bài Xướng:

Đơn Côi


Lặng lẽ vầng trăng bóng đơn côi,
dàn hoa sắc tím, đậm một đời,
ghi dấu người xa, chân chưa xóa,
vết đau ngày cũ hững hờ trôi.

Sông-Hương
***
Hối Tiếc Chi....

Tím rịm cuộc đời đến thế thôi
Bao nhiêu yêu dấu bấy nhiêu lời
Màu xưa tình tứ còn theo đuổi
Hối tiếc chi ngày lặng lẽ trôi

Nguyễn Cao Khải
***
Trả Lại Người


Anh gieo sầu muộn tím hoa rồi
Tím cả vầng mơ tím mộng tôi
Đợi bước thu về chen lối hạ
Đong sầu trao trả lại người thôi

Yên Dạ Thảo
***
Nỗi Niềm

Vầng trăng soi sáng bóng đơn côi
Loang loáng,hắt hiu một mảnh đời
Lặng lẽ sầu riêng hằn dấu cũ
Nỗi niềm trăn trở cứ buồn trôi

songquang
***
Lạnh Cung Đời

Ai đã thầm riêng phận lẽ côi! 
Năm canh đàn mộng lạnh cung đời. 
Có hay chăng nhỉ, phương trời cũ? 
Bóng đã nghiêng chiều mây lặng trôi! 

South Dakota, 3/2021.
Mặc Phương Tử
***
Y Đề:

Trăng cài bóng lẻ đứng đơn côi
Vẫn mảnh tình say cảnh núi đồi
Vẫn cảm niềm mơ thời khát vọng
Năm cầu tháng nguyện sẽ dần trôi


Mai Thắng
***
Cảm Tác:
Nhớ Cố Nhân

Chân trời tím ngắt cũng đành thôi
Người cũ sang ngang đã cạn lời
Khắc khoải đau lòng ta bỏ cuộc
Bâng khuâng lặng ngắm thủy triều trôi ... !

Mai Xuân Thanh

Thu Nhớ Người Thương


Áo lá thay màu sầu viễn xứ
Thu đi thu đến đau lòng thu
Tội tình tôi ngây thơ sao cứ
Mộng ngắn mộng dài mộng xuân ru

Ngơ ngẩn dấu buồn dấu yêu ơi
Người dưng sao bỗng thương thấu trời
Một ngày không gặp như tận thế
Xác rã hồn tan nhớ không rời

Thu trước người cười chân vọc nước
Suối hoa nguồn bướm thiên hương thơ
Ta vòng tay nhạc run mơ ướt
Hoàng hôn tóc rối gió trăng chờ

Thu sau hè cũ thềm rêu xanh
Phong kín gót giày hoa nghiêng thành
Người đi bến nhớ thuyền quyên bóng
Ta về bó gối ôm không đành

Thu nào ai biết say kỳ ngộ
Võng tóc quê hương ru người thương
Thay áo cánh cò thơm hoa trắng
Ca dao khép mở ngọt thiên đường...

MD.08/18/14
LuânTâm

Cây Tre Trong Văn Hoá Việt

1.Dẫn nhập.

Làng mạc Việt thường có lũy tre bao bọc. Trong bài hát Làng tôi của Chung Quân, tác giả đã nói ngay đến cây tre

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh.
Có sông sâu lờ lững vờn quanh
êm xuôi về Nam.
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau.
Bóng tre ru bên mấy hàng cau.
Đồng quê mơ màng

Xưa kia, ở các tiền đồn xa xôi, người lính thú cũng chỉ có măng tre mà ăn :

Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai 

Tình yêu trong bài hát Nắng chiều cũng nhắc đến loài tre:

Anh nhớ xót xa dưới tre la ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói : "Mến anh!"
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi... . 

 Sau đây là vài ca dao hoặc thành ngữ nói về cây tre:

-Con mèo con chó có lông
Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai

-Có thì nhà ngói lợp mè
Nghèo thì kèo nứa, cột tre cũng đành

Tục ngữ Việt cũng nhắc đến cây tre như: Tre già măng mọc, Lạt mềm buộc chặt v.v.Tre được sử dụng làm các đồ vật gia dụng, nhà, (cột, kèo), làm đũa, làm máng nước, làm rổ rá, vật dụng nông nghiệp (gầu, cán cuốc, cán xẻng). Tre non làm thức ăn (măng). Tre khô kể cả rễ làm củi. Đôi khi tre còn được sử dụng để làm thành chiếc áo tơi hay để làm mái lợp nhà. 

Có thể thấy rằng bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẽ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. 

Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, giúp người trăm nghìn công việc khác nhau.  Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp. 

Cán cuốc, cán xẻng, cán liềm gặt lúa đều làm bằng thân cây tre.  Cối xay lúa cũng làm từ tre. Giường nằm cũng làm từ tre .Trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày. Nấu bánh chưng, bánh tét ngày Tết, phải dùng lạt tre để buộc trước khi nấu:

Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc , cho anh lấy nàng...


Hút thuốc cũng dùng  chiếc điếu cày tre .Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre,  nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.Tục ngữ Việt có nhiều câu khuyên ta:

Tre già măng mọc”.

Tre có hàng ngàn giống, tre thuộc về họ Hoà Bản. Mọi loài tre đều đều có một căn hành, nghĩa là một loại rễ nằm ngang dưới đất. Rễ ngang có thể trãi dài đến vài mét, và cũng có loại rễ nằm ngay trên mặt đất.Thân tre có cấu trúc không đẳng hướng, tính chất cơ học dọc theo thân khác rất nhiều với mặt cắt ngang. Hướng dọc thân được tạo thành từ những sớ cellulose rất cứng. Hướng nằm ngang đa phần là lignin bở hơn. Vì vậy tre chịu lực dọc thân (nén, kéo) rất cao.

    Tất cả các loài tre đều ra hoa kết trái, nhưng hiện tượng này hiếm hoi lắm, chu kỳ cũng khác nhau tùy loài, và thường chúng trổ hoa cùng một loạt. Chu kỳ ra hoa được ghi nhận có khi đến 120 năm!

     Hình ảnh tre trổ hoa, gié hoa tre, và trái tre (gọi là gạo tre):

Inline image



2. Cây tre trong văn hoá Việt .Cùng với cây đa, bến nước, sân đình_một hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền, thì những bụi tre làng từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm đối với người Việt.  Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như: đàn tơ tưng, sáo, kèn,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm. Tre dùng làm biểu tượng trong văn hoá Việt: 

-Cố đè thì tre chỉ cong
Càng níu xuống thấp, càng vùng lên cao

-Công anh đi sớm về trưa
Mòn đường chết cỏ vẫn chưa gặp tình
Khuyên anh đừng ở một mình
Cây tre có bụi huống chi mình lẻ loi

Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng...

 Có thể thấy rằng bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẽ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng: “Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù’.   Lũy tre và cổng làng là thành trì bảo vệ văn hóa làng, chống giặc cướp,

Trong tâm thức của nhiều người thì  tre, trúc chính là hai loại cây biểu tượng cho sự ngay thẳng và uy phong. Ngoài ra, cây tre đã từng là ngưồn cảm hứng vô tận trong tiểu thuyết, truyện ngắn, thi ca v.v.. Hình dáng thân tre, thân trúc thanh mảnh, cao ráo và chia nhiều đốt. Sáo trúc lan tràn khắp thôn quê miền Bắc. Hát Ả Đào với nhac cụ quan trọng là cái PHÁCH bằng khúc tre già, ca nương vừa hát va gõ

 Mỗi loại tre lại mang đến cho chúng ta một công dụng riêng: có tre to để đan lát, có tre để làm hàng thủ công. Tre còn có thể được sử dụng để làm nhà cửa, lều quán. 

Tại miền Đông Nam phần như Tây Ninh, Biên Hoà, Bình Dương thường có giếng lấy nước tưới cho rau cải, Và để múc nước giếng lên để tưới rau, họ dùng ‘cần vọt” để tưới: Cần vọthai cây tre lớn bằng bắp chân đóng dính chắc vào nhau bằng những thanh ngang coi giống như một cái thang. Chân cái thang đó được chôn đứng cách giếng độ hai ba thước. Trên đầu có một cốt tròn xỏ qua hai thân tre. Bắc dính chắc trên cái cốt đó là một thân tre dài, đầu to là đầu nặng nằm đụng đất, đầu nhỏ chỉ lên trời coi giống như một đòn bẩy hay một cái đu nhún lên hạ xuống của trẻ con. Đó là cái cần. Trên đầu cần là một cây sào bằng tầm vông dài xuống gần miệng giếng, đầu dưới của sào có cái móc để móc cái gàu. Muốn lấy nước, người ta kéo cây sào thòng gàu xuống giếng đợi gàu đầy nước là kéo gàu lên, cây cần làm đòn bẩy giúp cho người kéo nước không phải ráng sức. 

Còn có tre gai, với hệ thống rễ chằng chịt trên mặt đất giúp chống xói mòn và còn giữ lại bùn trôi từ vùng núi xuống miền đồng bằng. 

3. Phân loại thực vật,  Cây Tre có thân rễ ngâm, sống lâu mọc ra những chồi gọi là măng. Thân cây có thể cao đến 10 -18m, ít phân nhánh. Mỗi cây có khoảng 30 đốt. Một số chi có nhiều loài là chi Tre gai (Bambusa) có 55 loài thì có tới 31 loài chưa có tên, chi Luồng (Dendrocalamus) có 21 loài với 5 loài chưa định tên, chi Le (Gigantochloa) có 16 loài với 14 loài chưa có tên, chi Vầu đắng ((Indosasa) có 11 loài với 8 loài chưa có tên và chi Nứa (Schizostachyum) có 14 loài thì có tới 11 loài chưa có tên.

     Tre là một loại cây quá quen thuộc với mọi người, nhưng ít ai biết được cây tre chỉ nở hoa 1 lần trong khoảng thời gian từ 10-15 năm, thậm chí cần nhiều thời gian hơn từ 30-50 năm để chúng tạo ra quả. Điều đặc biệt là không phải loại tre nào cũng ra quả, chỉ có tre Lê, có tên Khoa học là Melocanna baccifera mới có thể ra quả mà thôi.

3356 1 HoaTrevaQuaTreBy TDO

      Mọi người thường thắc mắc tại sao nó được gọi là tre Lê mà không phải là một cái tên nào khác. Lý do đơn giản là quả của loại tre này rất giống quả lê, vì vậy người ta đặt tên theo hình dáng của chúng. Tre Lê thường phát triển rất nhanh và cao trên 20 mét, thế nhưng ít người nhìn thấy chúng ra hoa. Một số người dân ở TC nói rằng: Chúng chỉ ra hoa có 1 lần trong 10 năm, mỗi lần ra hoa không nhất thiết phải có quả, hoặc đôi khi 4,5 bông hoa thì rơi rụng và cuối cùng chỉ còn lại 1 quả.

3356 2 HoaTreby TDO

3356 3 HoaTreTDO

      Những quả tre Lê trưởng thành thường có đường kính khoảng 7cm, thịt bên trong rất dày, vỏ ngoài cứng như vỏ tre. Tre Lê còn được ví như những trái dừa non. Nếu ăn sống tre Lê, hương vị của nó có thể khiến bạn nhăn mặt, nhưng nếu nướng trên lửa, hương vị của chúng hoàn toàn thay đổi, nó có mùi thơm và vị ngon đặc biệt. Vì đây loại quả này có số lượng hạn chế, rất hiếm nên nó thường có giá bán rất cao. Tại TC, mỗi quả có giá từ 800 tệ (khoảng 2.700.000 VNĐ)

3356 4 HoaTreTDO

3356 5 HoaTreTDO

     Mặc dù giá của loại quá này lúc nào cũng đắt đỏ, nhưng đó không phải là thứ mà hầu hết mọi người đều có thể mua và ăn. Khi thấy tre nở hoa, nghĩa là bạn cần chờ đợi hơn 10 năm để có thể ăn được quả của nó. Chưa kể, trong quá trình hình thành quả, nó có thể rơi rụng, hoặc bị động vật khác ăn mất. Do đó, để ăn được tre Lê bạn phải thực sự rất may mắn.

3356 6 HoaTreTDO

Cây trồng 10 năm mới ra quả quý hơn vàng, có tiền cũng khó mua vì đòi hỏi cả may mắn
Có một điều nữa là nếu tre Lê không bị hư, dập, thì quả sẽ nảy mầm trực tiếp trên cây tre sau đó rụng xuống đất và tiếp tục phát triển thành một cây tre mới.

Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”.
Họ Tre bao gồm nhiều thực vật mang các tên như nứa, vồ, lồ ô, trúc, mai, giang...Đó chỉ là những chi, những cách gọi địa phương của từng nơi với họ tre. Tre nhà (Bambusa vulgaris), tre gai (Bambusa stenostachya), tre lồ ô (Bambusa procera), tre la ngà (Bambusa multiplex), tre lộc ngộc (Bambusa arundinacea), tre hoa (Bambusa multiplex).

Ngoài các tre nằm trong chi Bambusa như trên, có thể kể chi Nứa (Neohouzeaua), chi Sặt (Arundinaria), chi Luồng (Dendrocalamus), chi Trúc (Phyllostachys) , chi Lê (Gigantochloa), chi Vầu đắng (Indosasa).

3.1.tre gai .Tre gai có nguồn gốc từ Quảng Ngãi .Tre gai là một loại tre dài và to nhưng các mắt tre ngắn và cây tre thường mọc nhiều cành nhỏ. Độ dài lớn nhất của cây tre gai tầm 10m, tuy nhiên cũng có những cây chỉ đạt độ trung binh từ 7-8m. Đường kính của tre gai khoảng 10cm, tuy nhiên cũng có những có cây nhỏ có bán kính từ 7-8cm.
3.2. cây trúc được trồng đa dạng nhiều nơi. Trúc thường có thân nhỏ hơn tre, thành các bụi rậm, lá cũng nhỏ và thưa hơn tre. Do cây có dáng đẹp, nhỏ nên được dùng làm cây cảnh phổ biến. Vỏ cây trúc có độ óng mượt, mắt ngắn. Độ cao lớn nhất của một cây trúc tầm 8m. Đường kính của cây trúc cao nhất là 40mm, cũng có những cây trúc nhỏ có đường kính nhỏ hơn tầm 20 – 30mm. Cây trúc dùng để làm cây cảnh, trang trí, làm các vật dụng như sáo trúc, các tấm mành treo nhà. Truyện Kiều có câu:

Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

3.3. cây tầm vông có nguồn gốc ở Tây Ninh, ở đây tầm vông được trồng và cung cấp nhiều cho các xưởng sản xuất.
Tầm vông có vỏ thân óng, thân đặc và lỗ nhỏ và các mắt ngắn.
Chiều dài lớn nhất của cây tầm vong là 9 – 10m và chiều cao trung bình từ 7 – 8m.
Đường kính của cây tầm vông lớn nhất 50mm và trung bình từ 35 – 40mm
Tầm vông dùng để sản xuất các  vật dụng trong gia đình, nội ngoại thất, ngoài ra còn được trồng để lấy bóng mát hay trồng làm hàng rào chắn những khu đất trống.

4. Công dụng của cây tre

Cây tre dùng để tạo ra các vật dụng trong gia đình, làm nên những sản phẩm  đẹp, sang trọng như: bàn tre, ghế tre, giường tre, quang gánh tre, võng tre…

Trong đời sống người Việt, ta gặp tre khắp nơi trong các công dụng: 

- Làm nhà cửa (vì kèo,  phên liếp, vách tường…), 

- Làm vô số vật dụng: cái cần câu, cái vó cất tôm cất tép, bè mảng, cái bẫy chuột

- Cái cầu ao và cả những cái cầu bắc qua những con mương, con kênh nhỏ; 

- Làm đồ gia dụng: đôi đũa tre,  bàn ghế, giường chõng, các loại vật dụng sinh hoạt từ cái đòn gánh  đến cái khung cửi, cái rổ, cái rá, cái dần, cái sàng gạo, cái thúng, cái gáo múc nước, cái bừa, cái cào, cái ách khoác lên cổ con trâu cày đến con dao cắt rốn lúc chào đời, cái quạt nan, đôi đũa, cái tăm… nhiều thứ vật dụng làm bằng tre .  

Tre với bộ rễ chằng chịt bám sâu trong đất và mọc nhanh cũng giúp đất chống xói mòn, cản bớt dòng chảy khi lụt lội.

Măng tre có thể ăn dạng luộc, dạng xào .

Đấy là  chưa nói tới các loại vật dụng của nhà nông, cũng như nhiều loại vũ khí thời xưa của cha ông ta đều có phần cán, phần tay cầm làm bằng một loại cây nào đó thuộc họ tre. 

Tre dùng làm đòn gánh như trong bài hát Gánh lúa:

Mênh mông mênh mông gánh lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông u rạng đông
Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng
Bước đều mà quang gánh ư nặng vai 

Cây nêu dựng lên trước cửa nhà vào dịp năm mới thời xưa để trừ ma quỷ, cái ống đựng bút và quản bút lông của các nhà nho mà những năm gần đây về nơi thôn dã ta còn thấy, đến những cánh diều mà hôm nay con trẻ còn chơi… tất cả đều làm từ tre.  

Tre là loại vật liệu bền vững và thân thiện với môi trường có tiềm năng cải thiện sự suy giảm ngày càng tăng của tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, đặc biệt tre có khả năng thay thế gỗ tự nhiên hiệu quả. Các đặc tính vốn có của tre và những tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất đã tạo nên các sản phẩm tiêu dùng có giá trị cao như ván sàn tre và nội thất tre thay thế cho ván sàn gỗ và nội thất gỗ, mang lại nhiều ích lợi cho xã hội và môi trường.

5. Một số ưu điểm và lợi ích của tre 

- Phát triển nhanh: Tre phát triển nhanh chóng và có thể được thu hoạch trong vòng 3 đến 5 năm trồng, so với gỗ cứng phải mất đến 40 năm để trưởng thành và cho chất lượng tốt để khai thác. Chặt một cây gỗ Sồi hay Lim, ước tính cần đến 30-40 năm để có thể trồng được một cây gỗ thay thế. Một số loại gỗ tốt đôi khi cần nhiều thời gian hơn hoặc thậm chí không thể trồng lại được. Trong khi đó, cây tre chỉ cần 3 đến 5 năm có thể đạt chiều cao 8 mét và khai thác cho chất lượng tốt. Ngoài chu kỳ tái sinh nhanh của cây tre, việc trồng và khai thác tre cũng rất đơn giản, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân vùng trung du và miền núi. Ở Việt Nam, một trong những loài tre phổ biến và có giá trị kinh tế cao là cây Luồng.

- Tài nguyên tre tự nhiên dồi dào: Có tới 37 triệu hec-ta rừng tre trên thế giới. Do vậy, có một nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào 

- Lợi ích cho người nghèo: Một số rừng tre được giao cho người dân nghèo quản lý và khai thác, vì vậy những tiến bộ trong ngành công nghiệp tre sẽ đem lại nhiều hơn lợi ích và cơ hội thu nhập lớn hơn cho người nghèo. 

- Tính bền vững: Tre có thể được thu hoạch hàng năm và có khả năng tự tái sinh; trên thực tế việc khai thác có kế hoạch góp phần cho sự bền vững của rừng cũng như làm tăng năng suất trong tương lại. 

- Bảo vệ đất đai: Trồng rừng tre giúp cải tạo đất bạc màu, chống xói mòn. Rễ tre còn lại trong đất sau khi thu hoạch giúp giữ lại các chất dinh dưỡng và độ ẩm cho các vụ tiếp theo. Tre cũng bảo vệ các thảm họa tự nhiên như lở đất, xói mòn đất. 

- Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu cao: Không chỉ có thân cây, tất cả các bộ phận khác của cây tre có thể được sử dụng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau như măng cho thực phẩm, lá cho thức ăn gia súc, và cành cây dùng làm chổi và củi. 

- Hấp thụ khí nhà kính: Rừng tre hấp thụ khí nhà kính. Tre hấp thụ khí các-bon-nic và thải ra 35% lượng khí oxi vào khí quyển, nhiều hơn so với gỗ cứng.

- Không cần phân bón, thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ cần thiết: Không giống như hầu hết các cây công nghiệp, tre không cần phân bón để phát triển mạnh. Cũng không giống như các cây trồng khác, tre không cần chăm sóc kỹ và việc chăm sóc không tạo ra lượng hóa chất dư thừa cho môi trường. 

 - Tre dùng làm cây trang trí trong phòng khách, ngoài balcon, mang  chút hương vị Thiền

- Tre mọc nhanh nên cũng có thể sử dụng làm màn chắn gió thổi  

Nhờ chủ động nguồn nước, phân bón, măng có quanh năm. Ảnh: Trần Trung.

 6. Kết luận

Loài tre như vậy có nhiều công dụng, từ chống xói mòn trên đồi núi đến cung cấp vật liệu ăn được như măng, làm hàng tiểu công nghệ trang trí nội thất v.v. 

Thái Công Tụng


Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Sao Người Chưa Tới Thăm Thành Tô - Nhạc & Lời Hoàng Xuân Thảo - Hòa Âm Đỗ Hải - Hà Thanh Ca


Nhạc & Lời: Hoàng Xuân Thảo
Hòa Âm: Đỗ Hải 
Tiếng Ca: Hà Thanh  

Tình Thơ Viết Vội



Thơ tình em lỡ gửi lên mây
Mây bay cao quá biết sao đây
Làm ơn, chim nhỏ tìm dùm chị
Cái mỏ xinh xinh đem lại này.

Chim bảo chị ơi! Thơ không chữ
Người ấy đọc xong mang theo luôn
Gió cuốn tình yêu chị bay mất
Treo ở đầu sông chẳng thuyền buồm.

Con sông cứ chảy gió vẫn bay
Thơ tình chị viết thuở hai hai
Gió lùa tà áo dài cô giáo
Cuốn cả bài thơ viết thật dài.

Người nhận thơ tình đi lính xa
Chị ngồi trong lớp nhớ người ta
Tóc chị nhuốm đầy màu phấn trắng
Bạc phận hồng nhan lệ nhạt nhòa.

Chị khóc, thơ tình lòe những nước
Như tóc hôm nào đẫm giọt mưa
Anh hôn lên má, lên mi ướt
Giờ có còn ai hôn sớm trưa.

Nắng đã vừa lên trời Cali
Màu xuân lấp lánh ánh xuân thì
Có con chim nhỏ mừng nắng ấm
Đậu bên song cửa chẳng chịu đi.

Chim hỏi chị ơi chàng về chưa
Có đem trả chị bài thơ xưa
Chị cười khẽ nói chàng đã mất
Bài thơ treo giữa ánh trăng thưa.

Mỗi tháng ngày rằm chị ăn chay
Trăng treo đỉnh núi bài thơ này
Xa quá chị không đọc lại được
Chắp vá từng câu phận rủi may.

Nguyễn thị Thêm

Đêm Kỹ Nữ

 

Em đứng đây, phố vắng
Đếm bước chân người qua
Chiều hoàng hôn nhạt nắng
Nhớ mẹ già quê xa

Người qua lại hờ hững
Em là cánh hoa rơi
Giờ tàn phai nhan sắc
Nhìn dòng đời đang trôi

Khách đa tình năm cũ
Đang ở đâu người ơi?
Màn đêm buông ủ rũ
Hồn em lạnh sương rơi

Hãy đến đây một lần
Cho em làn hơi ấm
Vì ngoài kia bụi trần
Em nhận nhiều cay đắng

Đây ly rượu em mời
Xin người đừng từ chối
Gối chăn cũng quen rồi
Không cần một lời nói

Chỉ cần tình chân thật
Không cần lời dối gian
Giữa cuộc đời tất bật
Giữa lòng người đa đoan

Nhưng đêm đang hấp hối
Người cũng chẳng đến rồi
Em sợ loài người tới
Em sợ ánh mặt trời ...

Kim Loan

Áo Tứ Thân - Four Panel Lady Traditional Dress -Họa Sĩ Mùi Quý Bồng

  

ÁO TỨ THÂN * FOUR PANEL LADY TRADITIONAL DRESS
(bút bi trên giấy * ballpoint pen on paper, 11”x14”)
(theo một bức ảnh trên Mạng * after a photo on the Internet)

Cứ Như Thế

Quai thao em vắt ngang vai
Chiếc khăn mỏ quạ em cài tóc mây
Tứ thân ôm gọn thân gầy
Môi xinh cười nụ làm say bao chàng
Dễ thương nhưng chẳng điệu đàng
Hồn nhiên như thể chẳng màng làm duyên
Cứ như thế, thật tự nhiên
Em là cô gái như tiên giáng trần.

Danny Mùi

03/19/2021

***

Em là cô gái Bắc xinh
Chít khăn mỏ quạ, thân hình liễu mai
Quai thao em vắt ngang vai
Nụ cười thanh thoát ai người chẳng ưa
Tứ thân vạt khép hững hờ
Lưng ong, đáy thắt làm mơ hồn người
Chợ phiên em hãy đi thôi
Về ngay không trễ ,kẻo người âu lo.


Hãn Nguyễn
***
Vuốt Sợi Tóc Mai

Thưa em cô gái Bắc Ninh
Từ Sơn quê ngoại hữu tình nước mây
Môi đào hồng thắm hây hây
Tuổi xuân hai tám làm say đắm chàng
Khăn mỏ quạ má trái xoan
Cổ cao eo kiến dịu dàng khoan thai
Làm duyên vuốt sợi tóc mai
Có chàng thả thính trao ai thư tình

 Kiều Mộng Hà
 March 22-2021
***

Kính thưa bác BS Khôi, 

“Đúng là hình ảnh một thôn nữ ngoài Bắc thời tiền chiến, và cũng là hình ảnh các dì và cô tôi và những người cùng thế hệ.”

Đã có ông thi sĩ Hoàng Cầm và biết bao nhiêu chàng trai khác bỏ hết tâm sức đi tìm “lá diêu bông” cho những cô thôn nữ này với chiếc áo tứ thân và “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng ...”

Nhưng đây cũng là thế hệ của của những anh thư nước Việt  “đi trẩy hội non sông” với “Quai thao em vắt ngang” 

“Đôi vai tơ tóc bền son sắt,
Một gánh cương thường nặng núi sông”

Chiếc áo tứ thân, trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, là thể hiện bao gồm tất cả tam cương ngũ thường mà nhiều người trong nam giới vẫn còn thiếu.  

Quân thần cương - trung quân ái quốc:

Wiki: “Theo truyền thuyết kể lại, trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Hán xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước, Hai Bà Trưng đã mặc một chiếc áo dài có 2 tà giáp vàng. Do tôn kính 2 Bà nên phụ nữ Việt tránh mặc áo dài 2 tà mà thay bằng áo tứ thân.”

Phụ tử cương - hiếu thảo với cha mẹ:

“Áo tứ thân không chỉ là một trang phục đẹp mà còn mang theo những ý nghĩa rất đặc biệt: phía trước có hai tà, phía sau có hai tà (vạt áo) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ vợ). Một vạt cụt có tác dụng như một cái yếm, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng. 

Phu phụ cương - chung thủy với vợ chồng:

“Hai vạt trước buộc lại tượng trưng cho tình chồng vợ quấn quýt” cùng với ...Năm thương cổ yếm đeo bùa xạ hương’ và ...khẩu trầu dải yếm mở ra mời chàng...’”

Ngũ thường: 

“Năm hạt nút nằm cân xứng năm vị trí cố định, giữ cho nếp áo được ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.”

Thật mong sao những truyền thống hình ảnh và thế hệ này sẽ tiếp tục mãi mãi. 

Kính,
Đông  Châu