Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

Thơ Tranh: Cuội Đá Tương Tư


Thơ: Vũ Hối
Thơ Tranh: Kim Oanh



Mùa Giáng Sinh



Lục tím hồng xanh đỏ trắng nâu
Nơi nơi sáng rực ánh đèn màu
Bao nhà náo nức đi mua sắm
Gói ghém ân tình gởi tặng nhau

Đường xá xôn xao rộn tiếng cười
Hân hoan nhộn nhịp nét vui tươi
Giáo đường chen chúc đi xem lễ
Mừng đón Giáng Sinh gợi nhớ người

Chúa ngự trên cao khắp thế dương
Dang tay rộng mở gởi tình thương
Hiền từ độ lượng ban ơn sũng
Cứu rỗi nhân gian nép tựa nương

Cầu khẩn Chúa ban xuống phép lành
Cho dân nước Việt thoát lầm than
Thanh bình nắng mới ươm đồng lúa
Tiếng hát câu hò nhịp điệu vang

Buốt giá đêm Đông ngắm phố phường
Bước chân chậm rãi dưới trời sương
Ngân nga chuông đổ buồn man mác
Có kẻ xa nhà nhớ cố hương ...

Minh Thúy
Noel 2015

Đêm Giáng Sinh



Hôm nay còn không đầy 10 ngày nữa thì tới lễ Giáng Sinh. Đọc báo hay xem truyền hình đâu đâu người ta cũng nói về cái ngày trọng đại nầy, nhưng tôi vốn là người ngoại đạo, từ nhỏ lại sống trong vùng quê mà quê tôi chỉ có chùa Phật và Thánh Thất Cao Đài thôi, phải đi về phía Rạch Sỏi 5 cây số, hay trở lên Kinh Tám 7 cây số thì mới thấy nhà thờ Công Giáo của người Bắc di cư. Thế cho nên tôi chả có biết tí gì về nó cả, mỗi năm tới mùa Giáng Sinh, đi học ngang qua Đài Đức Mẹ, thấy người ta trang trí nhà thờ từ trong ra ngoài, tôi cũng chả buồn bước vào xem thử coi có những gì trong đó, hoặc là nó đẹp như thể nào, cho mãi tới năm 1968 bạn tôi mua xe Honda thì ngày lễ đó tôi mới biết là vui lắm, nhưng mà hai đứa tôi cũng chỉ lượn xe ngang nhà thờ, hay chạy lòng vòng trong thành phố xem anh đi qua, chị đi lại mà thôi, chứ chả có quen ma nào có đạo để mà cùng vào xem lễ cả.

(Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long - Trương Văn Phú)

Niên học 1971-1972 tôi được thằng bạn cùng khóa rủ đi xem lễ nửa đêm ở nhà thờ Công Giáo tỉnh Vĩnh Long. Chiều hôm đó tôi chuẩn bị bộ đồ vía đễ theo nó chơi cho biết, nhưng rồi khi đến nơi thằng bạn người Nam nhưng gốc rau muống đã bỏ tôi đứng xớ rớ xem cảnh nhà thờ, còn nó thì thủ cây đàn, lo tập dượt lần cuối cho ca đoàn của nó. Sợ tôi bỏ về nó căn dặn:
- Mầy cứ đi vòng vòng xem chơi trước đã, tụi tao trình diễn xong thì dẫn mầy đi chơi, bảo đảm không vui không lấy tiền .
Ca đoàn Công Giáo chắc khoảng hơn chục người vừa Nam vừa Nữ nhưng tôi chẳng có quen tay nào trong đó, nếu có đi chơi chung thì cũng chả có gì vui, thế nên tôi không lấy làm mặn mòi cho lắm:
- Tưởng đi ngay bây giờ tao mới theo, chứ chờ mầy biết tới chừng nào, mầy tập dợt rồi còn trình diễn, chắc khuya mới xong. Vậy thôi để tao về ngủ cho khoẻ .
Vậy là tôi cũng chưa biết thế nào là đêm Giáng Sinh.
Rồi mãi tới năm 1974 tôi có thêm nhiều đồng môn của khóa 10 về trường mình, mỗi đầu tháng đi lãnh lương thằng Bé thường hay dụ tôi chở nó lên Sóc Xoài cách chợ Rạch Giá chừng chục cây số về hướng Hà Tiên. 

Nơi đó có cô giáo Nga học cùng lớp mà trước đó nó đã từng đeo đuổi.
Sợ tôi không đi nó dụ:
- Chở tao tới đó đi, Cô Nga còn có một đứa bạn đẹp lắm ở chung nhà, học chung khóa, cùng quê Cờ Đỏ.
Thật tình nghe địa danh Cờ Đỏ tôi đã thấy lạ rồi, không biết nó ở trong hóc bà tó nào mà mình chưa hề nghe tới, nhưng bạn bè nhờ vả mà lại là chuyện bắt cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ thì dù không có người đẹp tôi cũng chở nó đi.
Trường Sóc Xoài nằm trên trục lộ Rạch Giá - Hà Tiên cũng không lớn lắm, nó tương tự như trường Mong Thọ ngang nhà tôi.

Cô Nga và Cô Huyền nhờ phước chủ may thầy, nên mướn được căn nhà lá sau chợ, nghe nói cũng rẻ lắm, nhưng cụ thể giá bao nhiêu một tháng thì không hề hé môi cho tụi tôi biết, trong nhà có chiếc xe Honda Dame, chủ nhân là ai tụi tôi cũng không dám hỏi. Mỗi lần đến thăm chơi, muốn tham quan vòng vòng hay đi trở lại chợ Rạch Giá ăn kem, thằng Bé luôn luôn có lý do nầy nọ để chở cô Nga, vì vậy cô giáo Huyền lúc nào cũng phải đi nhờ xe tôi. Chở sư muội nhiều lần phía sau mà tôi không biết chuyện gì để nói, ngoài chuyện học trò của hai đứa tôi, đứa nào giỏi, đứa nào lười, đứa nào phá, đứa nào dễ thương, cứ kéo đầu tụi nó ra mà nhắc mãi, không chừng tụi nhỏ lúc đó bị dị ứng rồi nhảy mũi liên tục...
Lễ Noel ngày trước chỉ nghỉ dạy có một ngày duy nhất nên đâu có ai đi về thăm nhà, thằng Bé lại rủ tôi về nhà tôi chơi. Tôi lúc đó có chiếc Honda 68 gởi nhà anh Tấn hiệu trưởng trường Tắc Cậu, muốn về nhà thì chỉ cần xuống đò, từ Xẽo Rô qua Tắc Cậu khoảng 20 phút, mà mấy chiếc đò đó thì có tới 2 chiếc là của học trò tôi, nên thường thường tôi được đi chùa khỏi trả tiền...

Về nhà chưa làm được việc gì thì nó cứ theo năn nỉ, ỉ ôi, buộc tôi chở nó đi Sóc Xoài thăm cô Nga, bực quá tôi cự nó:
- Tao chở mầy tới đó thôi nghen, chiều mai tao ra rước rồi về Xẽo Rô luôn chớ tao không có chờ mầy tới lúc về đâu đó.
Nó cười hì hì:
- Vậy là tốt rồi, chiếc xe Dame chở 3 cũng được mà, tối Noel cảnh sát chắc không phạt đâu. Tụi tao đi xem lễ nửa đêm xong rồi thì về Sóc Xoài, thức tới sáng nói chuyện chơi cũng vui. Cô Huyền đạo Công Giáo đó, cổ có nói cho mầy biết không vậy?
Tôi chưa từng dự lễ Noel bao giờ nên cũng muốn theo cho biết, nhưng đã lỡ nói rồi tôi làm lờ luôn :
- Cô ta đạo Thiên Chúa, còn nhà tao đạo Phật mà, đi theo làm gì?


(Nhà Thờ Rạch Giá)

Chiều hôm đó tôi chở nó lên Sóc Xoài thăm cô Nga, đầu tháng trước chắc tụi nó đã hẹn hò chuẩn bị rồi, hai thằng tôi vừa bước vào cửa thì cô Nga lên tiếng:
- Tụi mình xuống dãy quán cặp mé sông gần cầu đúc, kiếm cái gì ăn trước đi nghen, nghe mấy chị bạn ở chợ khoe "Đêm Noel tại Rạch Giá vui lắm" tối nay ở đó chơi.
Tôi chưa kịp trả lời thì thằng Bé đã ăn cơm hớt lên tiếng liền tay:
- Ăn ở đâu cũng được hôm nay tôi bao.
Cái anh chàng nầy uống cà phê ở chợ Xẽo Rô ít khi nào chịu trả tiền cho bọn tôi, vậy mà đi chơi với 2 cô giáo lần nào nó cũng xung phong trước. Thấy tôi làm thinh cô Nga nói tiếp:
- Huyền nó muốn nhờ anh chở nó đi nhà thờ thị xã xem lễ, mà nó không dám hỏi, vậy tối nay anh chở nó dùm tôi nghen.
Thiệt là hết nói nổi, mấy lần trước thì thằng Bé kiếm cớ nầy cớ nọ, lần nầy thì tới cô Nga. Tôi quay nhìn cô giáo Huyền hỏi lại cho chắc ăn:
- Cô muốn đến nhà thờ gần trường Thanh Bình hay là ở đâu ?
- Đúng là nhà thờ đó, nhưng mà anh có rảnh thì chở dùm tôi còn không thì tôi mượn xe đạp tụi nhỏ, đeo theo xe Nga cũng được. 
Cô Huyền chắc biết đánh phé, nên tố một ván xả láng.
Xe đạp kè theo Honda chỉ có đám con trai tụi tôi chơi lúc còn đi học, bây giờ đang cầm thước gõ đầu trẻ, ai mà làm cái màn đó, học trò tụi nó nhìn thấy chỉ còn có nước độn thổ luôn mà thôi, cho nên tôi lẹ làng trả lời:
- Được rồi để tôi chở cô đi, đeo theo Honda rủi cô sụp ổ gà thì lấy ai mà dạy tụi nhỏ?
Thằng Bé nhìn tôi cười nửa miệng, làm tôi ứa gan.
Ăn uống xong thì cặp Nga-Bé đèo nhau lên Honda, nhập vào dòng xe trên đường phố, bóp kèn inh ỏi, còn tôi thì lủi thùi chở cô Huyền đi nhà thờ. Cô giáo Huyền cũng dễ nhìn, có duyên, tuy không đẹp lắm, nhưng thân hình rắn chắc nước da ngâm đen, y như tên má cô ta đặt cho, chiều cao cũng không cao mấy, nếu không biết là đồng nghiệp thì tôi cứ tưởng là một người quen nào đó ở trong xóm tôi...

Nhà thờ Thanh Bình (tôi xin gọi như vậy vì thật ra tôi không biết nơi đó người ta gọi là gì chỉ biết trong đó có trường Công Giáo Thanh Bình mà thôi) đêm đó giăng đèn rực rở. Tượng Chúa hài đồng được đặt trong máng cỏ, rồi nào là các mục đồng, lại thêm mấy ông râu rìa đứng vây quanh. Tôi như chú Mán ra khỏi rừng thấy cái gì cũng lạ, cô Huyền vừa chỉ vừa giải thích, nhưng tôi làm sao mà nhớ nổi chỉ dương mắt ếch nhìn rồi ậm ừ cho qua chuyện. Vào trong nhà thờ, sau khi chấm nước thánh làm dấu thập tự xong chúng tôi tìm một gốc băng rồi quì gối đọc kinh. Cô Huyền thì đang thành khẩn nguyện cầu, tôi thì đưa mắt nhìn quanh xem thiên hạ đang làm gì. Nhà thờ lúc đó không đông người, chỉ vào khoảng trên dưới 20 mạng mà thôi, nhưng lại toàn là người lớn tuổi, chỉ có hai đứa tôi là thanh niên, có lẽ bọn thanh niên đang lo lượn xe trên đường phố như tụi thằng Bé không chừng.
Người ta cầu nguyện một hồi thì thay phiên nhau đi xưng tội, hết người nầy rồi tới người khác...

Cô Huyền không biết đọc kinh hay cầu nguyện việc gì mà cả giờ chưa xong, hai cái đầu gối của tôi bị chai cứng đau đớn không chịu nổi, tôi muốn ngồi bẹp xuống cho xong chuyện, nhưng lại sợ cô ta nói tôi thất kinh với Chúa của cô, vậy cho nên tôi đành cắn răng mà chịu trận. Một lúc sau tôi sắp chịu hết nổi, thì may quá cô bước đến toà xưng tội với ông cha. Tôi vội ngồi xếp bằng rồi ưởng cao người lên, nếu từ trên nhìn xuống thì thấy y như là đang quì gối. Cô ta không biết mắc tội gì mà xưng gần nửa giờ chưa xong, bây giờ đầu gối thì không còn đau mà hai chân tôi, máu chạy không đều nên bị tê cứng, tôi lại phải quì lên cho có máu xuống chân, cứ vậy tôi thay đổi hết ngồi rồi lại quì, tới mấy lần thì cô Huyền mới xưng xong tội. 
Chắc là cái tội làm tê chân và sưng đầu gối của tôi...
Tôi đứng lên muốn xây xẩm mặt mày, nhưng cố dấu đi làm như không có chuyện gì. Cô Huyền nói:
- Bây giờ mới có 10 giờ, mình đi vòng vòng chơi 2 tiếng nữa rồi trở lại nhà thờ xem lễ nửa đêm nghe anh.
Câu nói thì nghe mùi tận mạng, nhưng nhớ tới vụ quì gối thì tôi sợ phát run nên tản lờ:
- Bây giờ mình chạy xe xem thiên hạ ngoài đường một hồi đi rồi tính.
Xe Honda từ các Xã, Quận đổ về nhiều vô số, thanh niên nam, nữ quần áo đủ màu, đủ kiểu dập dìu trên đường phố còn hơn ngày Tết, bởi vì Tết thì con nít nhiều hơn người lớn, lại còn có cả người già, nhưng Noel thì chỉ toàn là thanh niên mà thôi . 
Chạy một hồi thì tôi nghe đói bụng, hồi chiều vô quán ai cũng ăn mì, nhưng tôi vốn "đạo cơm" không có cơm trong bụng thì hay bị xót ruột, thế nên tôi rủ cô Huyền:
- Hay là mình tìm quán nào bán cơm ghé vô ăn khuya đi, hồi chiều ăn mì nên giờ nầy tôi hơi đói.
Cô Huyền đang ôm eo ếch tôi cho giống thiên hạ trên đường trả lời:
- Em cũng đói nữa nè.

Nghe cô đổi cách xưng hô, tôi tưởng mình nghe lầm nên lặng yên đảo vòng thành phố, tìm thử xem coi còn quán cơm nào mở cửa không, nhưng hơn 11 giờ khuya rồi mấy quán cơm đều đóng cửa, chỉ còn quán cháo Quảng trên con đường nhỏ gần nhà lồng chợ mở cửa mà thôi. Ăn cháo xong tôi đề nghi chở cô về nhà...
Về đến nhà cô thì đã hơn 12 giờ khuya thằng Bé và cô Nga đang bàn tính chuyện tương lai hay tương ớt không biết, nhưng chắc là đang tới hồi gây cấn, thấy bọn tôi bước vào cô Nga lên tiếng :
- Hai người không dự lễ nửa đêm sao mà về sớm vậy?
Tôi vội trả lời:
- Sáng mai tôi có việc cần làm nên không dám ở khuya, vậy nên bây giờ chắc phải về liền, đâu có thời gian mà xem lễ nửa đêm .
Thằng Bé nghe vậy thì la lên:
- Về giờ nầy sao được? Hổng lẽ nửa khuya mầy kêu cửa nhà chú Sáu thức dậy để cho mầy gởi xe? Rồi sau đó réo tụi nhỏ qua rước mầy, bộ tính làm cho cả xóm thức dậy hết sao?
Cô Nga thì đưa ý kiến:
- Hay là hai anh ngủ lại đây đi, sáng về sớm, nửa đêm làm phiền bà con thì kì quá.

Thật ra đi về hay ở lại, đối với tôi không có gì quan trọng, cái quan trọng là khỏi phải quì gối thì tôi mừng rồi. Thấy tôi vẫn còn làm thinh cô Huyền nói thêm:
- Ở chơi đi, em nấu chè đậu xanh cho anh ăn thử.
Nghe cô Huyền đổi cách xưng hô thằng Bé cười giòn:
- Vậy là tháng tới đi lãnh lương tao khỏi rủ mầy, mà chắc là mầy rủ ngược lại tao rồi, phải vậy hông?
Cái tháng tới đó nghe như dễ dàng và giản dị, y như là chắc chắn nó sẽ đến nhưng 44 năm sau vẫn chưa tới...
Tại vì tháng sau là Tết Nguyên Đán ai cũng lo chuẩn bị về nhà mình, rồi qua Tết tôi được đổi về Mong Thọ, lại quen với đồng nghiệp mới, chưa có dịp trở lên Sóc Xoài lần nữa thì mất nước.
Đúng lý ra trường Sóc Xoài thuộc tỉnh Rạch Giá thì chúng tôi có dịp gặp lại nhau trong lần học chánh trị đầu tiên, nhưng đằng nầy chánh quyền mới lại sáp nhập nó vào tỉnh Long Châu Hà, cũng không chừng hai cô giáo đi trình diện ở Cờ Đỏ hay Cờ Đen đâu đó, ai mà biết được. Còn thằng Bé nó về Trà Vinh luôn, không trở lại Rạch Giá lần nào nữa cho tới khi tôi vượt biên...


Mười chín tháng ở đảo, có tới hai kỳ Christmas tôi cũng không để ý là lúc nào, sang Mỹ tôi đi làm ca đêm, tối 24 thì còn đang cầm vòi nước để mà rửa máy trong hãng, 4 giờ sáng mới ra về, nên tôi cũng chẳng bao giờ biết lễ nửa đêm ra sao. Cho tới khi con tôi vào mẫu giáo thấy nhà bạn bè của nó trang trí cây Noel thì nó đòi:
- Sao nhà mình hổng có Christmastree vậy ba?
Vậy là Giáng Sinh mỗi năm vợ chồng tôi phải rinh về cho nó một cây Christmastree để cho nó có với người ta. Cũng từ đó mỗi lần trang trí cây Noel thì tôi cứ giật mình nhìn lại hai cái đầu gối của mình, rồi mĩm cười bâng quơ. Bà xã tôi hỏi:
- Anh cười gì vậy?
- Bí mật ngày xưa mà, hỏi chi hổng biết nữa...

Lanh Nguyễn

USA Christmas Eve



Bài Xướng:

USA Christmas Eve

Christmas Eve hăm bốn nầy
Ngày vui chào đón tháng mười hai
Giáng Sinh thắp sáng cây thông đó
Thánh Lễ đèn giăng Máng Cỏ đây
Mùa Vọng Mân Côi xâu chuổi ngọc
Hài Đồng Cứu Thế cõi trần ai
Con chiên ngoan Đạo luôn cầu nguyện
Quốc thái dân an hạnh phúc thay !

Mai Xuân Thanh
Ngày 01/12/2018
*** Các Bài Họa:

V
ọng Giáng Sinh

MÙA No-el giáng thế Ngôi Hai
VỌNG tiếng chuông ngân trỗi khắp nầy !
HỒNG phúc Hài Nhi dâng vạn nẻo
ÂN tình máng cỏ tỏ trần ai
THIÊN thần chúc tụng lời cao quý
CHÚA cả hi sinh nghĩa đẹp thay !
CHAN chứa hồn ta ơn cứu chuộc
HÒA cùng sự sống kể từ đây…

Đức Hạnh

02 12 2018
***
Tình Ngài Cao Cả

DƯƠNG thế reo vui khắp cõi này
TRẦN ai thắm nở Hồng Ân đây !
CA lên khúc nhạc ngàn sao sáng
HÁT khẩn lời kinh ý nguyện đầy
MỪNG Đấng Hài nhi trao sự sống
CHÚA Vua trời đất tỏ lòng hay
GIÁNG đời cứu rỗi tình cao cả
SINH chốn hang lừa nghĩa đẹp thay !

Hồng Xuyến
07 12 2018

Trông Về



Căn nhà cũ đã bao lần mở cửa
Còn bao lần đổ vỡ với hoang liêu
Người đến đây tuổi tác xót xa nhiều
Men tường xám đi tìm khung kỷ niệm

Đàn dơi vỗ cánh bay không dấu diếm
Một bàn tay dang dở chép thơ tình
Tên một người chưa kịp nhớ đã quên
Và khi đó, nắng xanh ngời ma quái

Hồn liêu trai đã nhuộm mầu môi tái
Mắt ai nhìn hoảng hốt ánh đam mê
Trăm lần đi, căn nhà cũ, lại trông về
Vì vẫn có một bàn tay đón đợi ...


Cao Mỵ Nhân

Mai Em Lấy Chồng - Em Đi Lấy Chồng ,

Mai em lấy chồng
Mai em lấy chồng chắc anh buồn lắm!
Mai em lấy chồng hoa thắm tàn phai
Mai em lấy chồng lòng còn vương vấn
Em về với chồng anh chớ bi ai
 
Mai em lấy chồng anh có buồn không?
Ai bảo yêu em chẳng bao giờ ngỏ
Ai bảo yêu em mà chẳng tỏ tình
Em tưởng tình mình, tình bạn thong dong
 
Mai em lấy chồng lòng thấy phân vân
Em sắp sang sông bây giờ mới nói
Sao anh không nói thương em lâu rồi?
Để đến bây giờ muộn quá, buồn thôi!
 
Mai em lấy chồng, muốn khóc, bâng khuâng
Đâu ngờ tình mình quá đỗi phù vân
Sao anh không thể vẫn là bạn tốt
Nói chi biệt ly ngớ ngẩn em buồn!
Q. Như Nguyệt
Em đi lấy chồng ,

Em đi lấy chồng hẳn có kẻ buồn
Hồ nước u trầm vì thiếu trăng buông 
Nước xanh vắng nguyệt đâu còn lấp lánh 
Đêm sẽ buồn thiu vì chẳng mơ mòng !

Em đi lấy chồng buồn lắm chứ sao 
Thề non hẹn biển không còn trăng sao 
Lấy ai soi sáng để làm nhân chứng
Hẹn thề vì thế hết còn nôn nao !

Em đi lấy chồng có gã buồn hiu 
Chẳng được nghe thơ phổ nhạc những chiều 
Gốc đa ngồi ngắm hằng đêm chú Cuội 
Hết còn cái thú ngắm vẻ trăng treo !

Em đi lấy chồng ôm cầm thuyền mới 
Ngày tháng không còn rảnh rỗi như xưa 
Câu thơ vì thế sẽ phai mầu thắm
Và nét nhạc trầm sẽ giảm đong đưa !

Nhưng đi lấy chồng mới yên phận gái 
Thôi thì cứ lấy đừng hỏi buồn vui 
Cái vui người này , nỗi buồn kẻ khác 
Như dòng đời luôn mãi mãi trôi xuôi  !

Locphuc.

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Tình Trên Cánh Gió - Thơ Lạc Thủy Đỗ Quý Bái - Nhạc Nguyễn Tất Vịnh



Thơ: Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
Nhạc: Nguyễn Tất Vịnh
Hòa Âm: Phan Thanh Hùng
Ca Sĩ; Lệ Tuyền & Nguyên Trường

Ngày Chúa Đến - Mùa Vọng



Xướng:
Ngày Chúa Đến

Nay tuần Vọng nhất đến rồi đây
Thống hối người ơi kẻo muộn này
Tháng tận cùng khi đang sắp mãn
Năm dài vụt chốc hết liền ngay
Tâm hồn hướng thiện phân hiền ác
Bản ngã nhân hồi biệt dở hay
Lạy Đấng Tình Yêu và Độ Lượng
Vui Mừng Đón Chúa cảnh vui thay!

Vương Thiên
02 12 2018
***
Mùa Vọng

Mùa vọng Tin Mừng cứu rỗi đây
Sẵn sàng chỉnh đốn cảnh quan này
Con đường lổm ngổm sang cho thẳng
Mọi ngã gồ ghề sửa thật ngay
Thức tỉnh hồi tâm làm việc thiện
Ăn năn đền tội giữ điều hay
Yêu người bác ái tình cao cả
Rước Chúa vào nhà hạnh phúc thay!

Đức Hạnh
03 12 2018

Tình Mẹ ( Phần 1)


(Ảnh - Như Thị)

Bài Xướng:
Tình Mẹ

Lũ tràn nước bạc cõng phù sa
Người mãi muôn đời gánh xót xa
Ngày lụt dầm thân trên bến bãi
Đêm mưa chôn phận giữa quê nhà
Cơ hàn mà giọng nghe đằm thắm
Lạnh lẽo vẫn lời nói thiết tha
Khốn quẫn bốn mùa dù thảm đạm
Chưa hề nhìn thấy Mẹ kêu ca.

Như Thị
***
Các Bài Họa:
Cảnh Đời

Mùa đông lất phất giọt mưa sa
Nước lũ tràn về ngập lối qua
Thương lắm cánh đồng trong gió bão
Miền quê chìm đắm những mái nhà
Trời gieo thẳm cảnh đời dâu bể
Sao nỡ đoạn đành chẳng chịu tha
Nặng gánh mẹ hiền lòng quặn thắt
Xóm làng hoang vắng chẳng lời ca...!!!

Lá úa 
10/12/2018
***
Ngậm Ngùi

Thiếu phụ từng đêm giấu lệ sa
Bồn chồn mong ngóng đợi chồng xa
Người nơi hỏa tuyến gìn non nước
Kẻ chốn thôn trang giữ nếp nhà
Kết thúc chiến tranh mừng chửa kịp
Trót mang nghiệp lính rủi nào tha
Tháng năm tù tội, thân điêu đứng
Đời khác gì đâu bản thống ca.

Sông Thu
***
Lũ Tràn

Đầy trời xám xịt gió mưa sa
Nước cuộn tràn dâng phủ ruộng xa
Tội những mạ non chìm mất luống
Thương nhiều mái rạ ngập khuất nhà
Cha nhìn nước nỗi lòng tha thỏm
Mẹ ngó mây về dạ thẩn tha
Vất vả bao người xơ xác phận
Vườn cây rẫy lúa …lịm sầu ca!!!

Hương Thềm Mây 
GM.Nguyễn Đình Diệm 
10.12.2018
***
Trong Cảnh Mưa Tuôn

Đêm buồn chợt ngắm chiếc sao sa
Mà nghĩ về ngay tới nước nhà
Lũ lụt lan tràn, than đất lạnh
Cuồng phong thịnh nộ, trách trời xa
Về đâu giữa cảnh đầy giông tố
Biết có bao người sẵn vị tha
Số phận long đong dân thấp cổ
Ai người nghe tiếng hận thương ca!

Paris, 10 Déc.2018
Trịnh Cơ
***
Miền Trung Mùa Mưa Bão

Lụt lội Miền Trung thật xót xa
Ngày đông giá buốt giọt sương sa
Mưa dầm lúa má chìm trong nước
Gió bấc áo len lạnh xó nhà
Rét mướt đồng hoang mùa thất bát
Nhà hư cửa nát bão không tha
Cầu đường sạt lỡ buồn vô hạn
Dân chúng đau lòng tắt tiếng ca!

Mai Xuân Thanh
***
Mưa Lũ Thuở Nào

Tháng mười nguồn vỡ cuốn mưa sa
Lại tưởng mùa giông bão đã xa
Thủa đó bên sông thầm tủi phận
Thời nay cạnh biển nhớ thương nhà
Đò Xu, Cẩm Lệ tràn cơn lụt
Non Nước, Hoà Vang ngập rác tha
Cầu Đỏ trôi ngang về Vĩnh Điện
Sau lưng Đà Nẵng vọng sầu ca ...

Hawthorne 
 9 - 12 - 2018
Cao Mỵ Nhân
***
Lũ Lụt Bốn Mùa

Đêm đêm ngồi ngắm ánh sao sa
Nhung nhớ Mẹ già ở chốn xa
Giọt lệ trào dâng trên khoé mắt
Thiên tai tàn phá tại quê nhà
Bao người mất mát đời tan nát
Nhà cửa tanh hoanh lũ chẳng tha
Mẹ nấu nồi khoai hong củi ướt
Phì phà thổi lửa nước reo ca !

NS-CANADA
***
Lênh Đênh Phận Đời 

Trời hành cơn lụt chốn quê xa
Biển nước ngập tràn bao cửa nhà
Cuồn cuộn cuồng lưu dòng xoáy bủa
Tường xiêu mái lá giọt mưa sa
Chòng chành bè chuối bơi chèo chống
Dai dẳng mưa dầm buốt thịt da
Xơ xác kiếp nghèo lâm cảnh khổ
Níu trời thương xót giúp tai qua

Yên Nhiên
12 12 2018

 Xem tiếp: Tình Mẹ ( Phần 2)

Tình Mẹ ( Phần 2)



Bài Xướng:
Tình Mẹ

Lũ tràn nước bạc cõng phù sa
Người mãi muôn đời gánh xót xa
Ngày lụt dầm thân trên bến bãi
Đêm mưa chôn phận giữa quê nhà
Cơ hàn mà giọng nghe đằm thắm
Lạnh lẽo vẫn lời nói thiết tha
Khốn quẫn bốn mùa dù thảm đạm
Chưa hề nhìn thấy Mẹ kêu ca.

Như Thị
***
Các Bài Họa:


Mùa Đông

Đông đến tư bề lạnh tuyết sa
Mắt buồn lặng ngắm cảnh trời xa.
Sương chiều mờ mịt đìu hiu phố
Đồi núi mênh mông trắng xoá nhà.
Thương kẻ lều xiêu mưa chẳng dứt
Xót người áo rách rét không tha.
Bên đường rực rỡ đèn muôn sắc
Não nuột giáo đường vẳng thánh ca. 

Mailoc
***
Mưa Quê 

Mưa quê giọt nhẹ chẳng kiêu sa
Ta lắng nghe buôn tự chốn xa
Ý nhạc mang mang đầy hương cũ
Hồn thơ loáng thoáng đậm tình nhà
Giọt mưa lạnh buốt không khoan nhượng
Cơn gió phũ phàng chẳng thứ tha
Bụi trúc rì rào theo chiếc lá
Vang trong thôn xóm tiếng đàn ca 

Toronto 10/12/2018
Nguyên Trần
***
Mẹ Gìa Chốn Xa

Đông về, bão táp với mưa sa
Côi cút mẹ già mãi chốn xa
Đơn chiết sống còn nơi cố quận
Mỏi mòn trông đợi chốn quê nhà
Mẫu thân về vội nơi yên nghỉ
Con trẻ đành xin mọi thứ tha
Đáng lẽ mùa này bao ấp ủ
Giờ đây thương nhớ, chỉ thơ ca.

Thanh Trương 
***
Lòng Quê

Quê nghèo bạc bẽo phận mù sa
Bến nghĩa sông tình xa mãi xa
Lượm hột tà dương lùa ngấn nước
Tìm hơi ấm bếp đọng phên nhà
Ươm làn hạ mát gìn tri kỷ
Ủ nắng xuân ngời dưỡng vị tha
Bão lũ theo mùa tơi tả kiếp
Âm thầm bóng nguyệt tiễn sầu ca 

Lý Đức Quỳnh
***
Bão Lụt Quê Nhà

“Họa 4 vần”
Gió bụi giăng buồn giống lệ sa
Sương mờ phủ kín khoảng đường xa
Trầm tư lại nhớ mùa mưa bão
Khắc khoải nào quên cảnh lụt nhà
Hiện tại nghe trời hành chẳng cảm
Giờ này biết đất hại không tha
Phương đây núm ruột sầu tê tái
Ngóng dõi nguồn tin xót Mẹ già 

Minh Thuý
10 tháng 12- 2018
***

Nhớ Mẹ

(Để tưởng niệm ngày giỗ Mẹ 19 tháng Chạp âm lịch) 

Nhớ Mẹ đêm ngày tủi lệ sa
Con đi biền biệt cách quê nhà
Bao mùa Xuân đến còn ly tán
Mấy độ Thu về vẫn vắng xa
Chẳng biết bao giờ quay trở lại
Thì xin mãi mãi cúi xin tha
Xứ người cố miết lo sinh kế
Tới giỗ ngậm ngùi khúc thán ca 

Songquang
12/11/2018
***
Thương Quê

Cám cảnh dân hiền lỡ vận sa!
Ngậm ngùi quê mẹ khắp gần xa
Yêu người nhẫn nại xuôi dòng nước
Xót bạn bơ vơ mất cửa nhà
Cứ tưởng mưa sầu thôi trở lại
Đâu ngờ bão lớn chẳng buông tha
Trăng tàn viễn khách hoài thương cảm
Lệ nhỏ dây chùng đẫm khúc ca!

Như Thu
***
Tình Người

Sóng nổi tung hoành lũ tố sa
Đường làng ngập úng chuyện sâu xa..!
Dân sinh khốn khổ cơn giông bão
Đất mẹ đau thương cảnh nước nhà
Lốc xoáy từng hồi nghe thảm thiết
Mưa tràn tứ hướng vọng kêu ca…
Đương đầu thảm họa ta đoàn kết
Đứng dậy chung lòng giá lạnh tha…

Đức Hạnh

Đọc Lại Bài "Le Sonnet d'Arvers Bằng Cảm Nhận Của Một Tâm Thức Mới


Dung oi,
Cám ơn cô em đã chuyển cho đọc bài thơ của Felix Arvers cung các bản dịch của ba tác giả: Khái Hưng, Mai Lộc, Hoàng Nguyên Chương. Mới đầu anh định chỉ đọc lướt qua thôi, bụng nghĩ bài thơ này minh đọc không biết bao lần rồi tưởng chừng đã thuộc lòng như cháo. Nhưng khi có nhiều nhiều bản dịch khác nhau, mà bản nào cũng xuất sắc cả, anh đã phải chú ý đọc nguyên tác hơn để tìm hiểu ý nghĩa đích thực của nó. Nhờ vậy anh đã phát hiện ra được một vài cảm xúc mới lạ bất ngờ, tưởng chừng như vừa được đọc một phiên bản khác. Nhưng trước hết, anh muốn ghi lại một vài cảm xúc vừa thức giấc, qua phần chuyển ngữ bài thơ của F. Arvers ra lời Việt theo cảm nhận của anh mới đây.

         Chuyển ngữ bài "Le Sonnet d' Arvers" dựa trên bản dịch của Khái Hưng
                                                
                                                   Tình U Ưẩn  (Nỗi Niềm)

                                                 Lòng ta ôm một mối sầu,
                                           Tình đâu chợt đến sao thành thiên thâu:
                                                 Tình vô vọng, nỗi thảm sầu
                        4                    Mà người gieo thảm lại hầu không hay.

                                                 Hỡi ơi! người đó ta đây,
                                           Sao ta thui thủi đường trần chiếc thân?
                                                 Dẫu ta đi trọn đường trần,
                         8                   Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi?

                                                 Người dù ngọc nói, hoa cười
                                             Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
                                                 Đường đời khoan nhịp bước chân,
                         12                   Mà sao mỗi bước, ta tan nát lòng.

                                                 Một niềm tiết hạnh đoan trinh,
                                             Xem thơ nào biết có mình ở trong.
                                                 Vẩn vơ lòng tự hỏi lòng:
                         16                "Là ai, người ở mấy dòng thơ đây?"

                                           (Chuyển ngữ theo cảm tác của Khái Hưng)
                                                                                      NBH

     Trước hêt anh xin được xác minh  điều quan trọng như sau:
 Đây không phải là một bài thơ sáng tác, dù là dưới hình thức phỏng dịch. Anh không biết làm thơ, và cũng không có khả năng dịch một bài thơ tiếng nước ngoài ra thành những vần thơ Việt được. 
Tất cả các vần điệu trong bài "Tình u uẩn" trên đây anh đều phải dựa vào bản dịch của Khái Hưng, nhưng chi  đổi một số từ ngữ để nói lên cảm nhận vừa thức giấc nơi anh sau khi đọc kỹ lại nguyên tác. 
Chi "đổi", chứ không phải "sửa". đâu nhé. " Đổi" (modifier) là khi ta cần chọn một vài từ ngữ mới để đáp ứng nhu cầu diễn đạt của một tâm thức mới trong một khung cảnh sinh hoạt đã đổi thay. 
Còn "sửa" (corriger) là khi ta sử dụng chữ nghĩa của ta để thay thế một vài từ của tác giả mà ta cho là không hợp với cảm nhận hoặc không đúng với suy nghĩ của ta. Đối với Khái Hưng, một nhà văn tiên phong lão thành, cùng với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đã đóng góp lớn lao cho sự phát triển và hiện đại hóa văn học Việt Nam, mà đòi sửa thơ ông, anh coi đó không phải là việc làm của một « hậu sinh khả úy », mà là « hậu sinh khả ố ». Thanh minh thanh nga như vậy tưởng cũng đủ rồi. Giờ xin được  nói về phần chuyển ngữ  phản ánh cách tiếp cận mới của anh về bài thơ.


     Như mọi người đều biết, Félix d’Arvers (1806-1850) là nhà thơ đương thời với các nhà thơ nổi danh Pháp bấy giờ như Lamartine (1790-1869), A. de Vigny (1797-1863), A. de Musset (1810-1857)… nên được coi thuộc trường phái lãng mạn. Tuy nhiên ông lại là nhà thơ chết trẻ (44 tuổi) và sự nghiệp cũng ngắn ngủi, chỉ có tập thơ duy nhất mang tựa « Mes heures perdues » ra mắt công chúng năm 1833 khi ông được 27 tuổi. Có lẽ do tuổi đời đã ngắn, sự nghiệp thơ  còn ngắn hơn nên các sách giáo khoa hầu như không muốn dành cho ông một chỗ đứng trong phần giảng dạy về trào lưu văn học lãng mạn tây phương  thế kỷ 19. Ngay tập XIXè siècle trong Collection littéraire nổi tiếng của Lagarde &Michard do Bordas ấn hành, mà anh đã có gửi cho Dung, cũng không hề nhắc tới tác giả cũng như bài thơ này. Dầu vậy Félix d’Arvers vẫn sống mãi trong lòng giới yêu thơ ở bất kỳ thời điểm nào, không gian nào. Ấy là  nhờ vào bài thơ duy nhất không mang tựa đề, nhưng lại được người đời nhắc nhở dưới tên gọi « Le Sonnet d’Arvers ». Phải chăng nhờ cái tựa đề thuộc loại « có cũng như không » ấy mà tên tuổi ông được lưu danh thiên cổ?

      Điều không phủ nhận được, bài « Sonnet d’ Arvers »  ra đời vào đúng lúc cao trào văn học lãng mạn Tây phương, nên dù muốn dù không nó cũng được coi  thuộc trường phái lãng mạn. Riêng tại Viêt Nam, theo ông Hoàng Nguyên Chương, bản dịch thơ F. Arvers của Khái Hưng được ra mắt trước năm 1940, nghĩa là vào lúc người người đã làm quen và  bắt đầu ghiền những vần thơ lãng mạn trữ tình của Lamartine, Musset, Vigny..., tiêu biểu là hai câu thơ sau đây của Musset, mà thời đó ít ai không vừa đọc không vừa khăn tay chấm nước mắt:

                    « Les plus désespérés sont les chants les plus beaux
                      Et j’en connaîs d’immortels qui sont de purs sanglots. »
                                                  A. de Muset ( Nuit de Mai)
                   (Những câu than tuyệt vọng là những bài ca đẹp nhất
                   Tôi biết có nhiều bài bất tử chi thuần là lời thổn thức.)

Trong bối cảnh đó , bản dịch của Khái Hưng có được nồng nhiệt đón nhận cũng dễ hiểu; nhất là khi tựa đề "Tình tuyệt vọng" còn nói lên cái tâm thức thời đại đang chịu ảnh hưởng nhiều ảnh hưởng văn học lãng mạn tây phương. Bởi vậy người đời có thưởng ngoạn bài thơ này qua bản dịch bằng cảm nhận đương thời, cũng là điều dễ hiểu thôi. Và biết đâu bản dịch của Khái Hưng đã chẳng gợi hứng cho hai câu thơ của T.T.KH rát được truyền khẩu thời đó:

                      Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
                      Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.

Thế nhưng, nếu như tên tuổi của Arvers vẫn được người đời nhắc nhở, trong khi không biết bao nhà thơ đương thời từng được ca tụng nay lại chìm trong quên lãng, đâu có phải vì bài sonnet duy nhất ấy đã nói lên được cái tâm thức lãng mạn thời đại. Theo anh nghĩ sau khi đã đọc kỹ bài thơ, sự thành công ấy chủ yếu do Arvers đã sử dụng chữ nghĩa công phu, chọn lọc từng lời từng chữ  để diễn tả tâm tình chính xác bằng thứ từ ngữ đơn giản, quen thuộc nhưng giàu màu sắc âm hưởng nên đem lại cho toàn bài thơ tính chân thực (la sincérité), tính trung thực (l'authenticité), tính độc nhất (l'unicité) là những đặc tính ít tìm thấy nơi các bài thơ khác cùng loại. Cũng cần lưu ý thêm "độc nhất" (l’unicité) không đồng nghĩa với "độc đáo » (l'originalité). Độc đáo là khi muốn tìm kiêm cái mới lạ, đôi khi cố tình ra vẻ không giống ai. Một sự tìm kiếm thái quá như vậy dễ biến thành lập dị hay dị hợm. Còn độc nhất là khi ta khiến người ngoài thoạt nhìn  «thấy mình cũng chẳng khác ai, nhưng khi nhìn lại mới thấy chẳng ai giống mình.»
     Với những ai  từng làm quen với văn thơ lãng mạn, chỉ cần đọc  một lần cũng nhận thấy bài thơ của Arvers hội đủ chất tố của một bài thơ lãng mạn : về đề tài, về hình thức, về nội dung. Đó là bài thơ nói lên tâm sự của một mối tình câm, lời lẽ than thở sướt mướt khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi cảm thương cho nhân vật người hùng phải đơn côi hứng chịu một số phận nghiệt ngã. Nhưng nếu đọc kỹ, ta mới thấy, tuy cũng nằm trong luồng văn học lãng mạn, nhưng « Le Sonnet d’Arvers » lại mang dấu ấn đặc sắc riêng của nó.

     Ta có thể nhận ra dấu ấn này ngay trong câu thơ mở đầu:
             « Mon âme a son secret, ma vie a son mystère. »
Điều đập ngay vào mắt ta là  Arvers đã hai lần sử dụng động từ « avoir » trong một câu thơ có 10 chữ. Anh còn nhớ trong bài học đầu tiên về « Tập viết văn » (cours de Stylistique), ông thầy đã nhắc nhở phải cố tránh  hai động từ « être » và « avoir » là hai động từ chỉ dành cho trẻ thơ mới bi bô học nói, hoặc cho giới bình dân ít học. Và ông đã cho thí dụ : Thay vì «Dans le ciel, il y a un aigle», ta nên viết «Dans le ciel plane un aigle», như vậy câu văn mới hình tượng cụ thể và sinh động hơn. 
Nhớ lời thầy dặn, chắc anh sẽ đổi câu văn của Arvers như sau: « Mon âme enfouit un secret, ma vie endure un mystère ». Vậy mà Arvers đã không ngần ngại lập đi lập lại hai lần từ «a». Anh cho rằng hình thức diễn tả chân phương mộc mạc ấy là chính là kết quả của một tìm tòi co chủ đích nhằm làm nổi bật nội dung ý nghĩa của hai từ  secret» và « «mystère» vốn là hai từ chủ chốt, động lực gây cảm xúc cho toàn bài thơ.

    Hiểu theo nghĩa từ điển thông dụng, hay trong ngôn ngữ hàng ngày «secret» và « mystère » được coi như đồng nghĩa và được sử dụng đôi khi lẫn lộn. Ngay Khái Hưng  khi viết « Lòng ta chôn một khối tình », cũng có ý kết hợp « secret » và « mystère » vào cùng chữ « chôn » trong câu thơ mở đầu.  Động từ « chôn » (enterrer) ở đây gợi ý cho ta một nơi kín đáo để cất giấu một vật quí giá ta muốn giữ bí mật. Vậy là nghĩa « bí mật » trong câu thơ này được dành cho cả địa điểm cất giấu (lòng ta) và vật cất giấu (khối tình). 
Trong câu thơ mở đầu của Arvers trái lại, hai chữ secret mystère lại được hiểu theo nghĩa tách biệt, với sắc thái âm hưởng riêng của từng chữ một. Secret, theo nghĩa đúng của nó, để chỉ một cái gì thuộc về sở hữu riêng tư, chỉ dành cho một cá nhân hay một nhóm cá thể, và điều đó cần phải giữ kín, không để người khác biết. Thí dụ như mã số tài khoản ngân hàng (code bancaire) của ta. 
Khi chọn từ secret trong câu thơ Arvers chỉ muốn nói lên nỗi niềm u uẩn do mối tình câm của mình. Cũng trong câu thơ, mystère lại được dùng để chỉ một sự kiện mọi người đều có thể biết, như một vụ án mạng, nhưng lại  coi thuộc vòng bí mật (mystère) chừng nào còn chưa điều tra được lý do vì sao nạn nhân bị giết, ai là thủ phạm. 
Có nhận thức được cách sử dụng tài hoa hai chữ  secret mystère của Arvers theo nghĩa riêng của mỗi từ, anh mới phát hiện ra điều thú vị như sau: Khi viết ra bài « Le Sonnet d’Arvers », thực ra Arvers không có ý làm thơ mà chỉ  muốn nói lên tâm sự của mình. Và cái bàu tâm sự đem trút ra  ấy không chỉ cưu mang có một mà tới hai nỗi niềm .

     Trước hết là mối tình si câm nín (secret de mon âme) ; tiếp đến là nỗi trăn trở vì không tìm ra câu giải đáp cho cái duyên kiếp của mình (mystère de ma vie). Của đáng tội, trên đời thiếu gi những chuyện tình ngang trái. Nhưng rồi với thời gian, người ta cũng biết cách tìm quên đê mà sống. Như T.T. KH chẳng hạn. Nhưng với Arvers lại khác. Chỉ một lần được gặp, mà mới gặp thôi chứ không phải gặp gỡ, như có sợi dây định mệnh ác nghiệt nào đó đã kết chặt Arvers với người đẹp, biến nàng thành người yêu trong mộng để ông phải suốt đời tôn thờ. Một thứ tình yêu câm nín một chiều mà ông không tìm cách dứt bỏ. Trái lại, ông còn nuôi dưỡng nó, ấp ủ nó tưởng như  tìm thấy được nơi tình yêu thầm kín ấy một thứ lạc thú đau thương. 
Trong một chừng mực nào đó, ta có thể coi mối tình Arvers gửi gấm trong bài thơ của ông ít nhiều mang màu sắc macho (chi macho thôi, chứ không phải sado-macho đâu nhé). Và biết đâu chính cái tình yêu ít nhiều mang màu sắc macho ấy đã giúp cho bài thơ của Arvers  được mang dấu ấn của tính chân thật (sincérité), tính trung thực (authencité), tính độc nhất (unicité) để nó được sống mãi trong lòng người đọc?

     Thôi anh tạm ngừng ở đây để Dung có thì giờ đọc lại bài thơ của Arvers  xem một vài cảm  nhận anh ghi  trên có đúng không, hay chỉ quen thói tán dóc.

Thân mến.
Nguyễn Bảo Hưng

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Thu Về Trong Mắt Em - Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Cương - Ca Sĩ Trần Thái Hòa

Anh Phát kính mến
Gửi anh món quà nhỏ mừng Sinh Nhật
và em chúc anh luôn an vui, dồi dào sức khoẻ nha.
( Kim Oanh)

Thơ Cảm Tác: Nguyên Trần
Thơ Tranh: Kim Oanh
                   


Sáng Tác: Phạm Mạnh Cương
Tiếng Hát: Trần Thái Hòa
Thực Hiện: Không Quân 2

Rồi Cũng Qua Đi



Bảy mươi sáu tuổi thật đây rồi
Chỉ thấy đăng cay mặn khóe môi
Tai lảng không nghe lời nhạt nhẽo
Mắt mờ chẳng thấy chuyện xa xôi
Cả đời theo đuổi câu phù phiếm
Trọn kiếp bon chen chữ nổi trôi
Rồi cũng qua đi thân tẻ nhạt
Xứ người gặm nhắm nghiệp duyên trời

Toronto 9/12/2018
Nguyên Trần

Thu Sầu Muôn Thuở



Tôi lặng lẽ bước đi trên những lối mòn hiu hắt tịch liêu đầy xác lá phủ kín mặt đường như một tấm thảm với những màu vàng tím đỏ xám xịt. Những thân cây phong to lớn trơ trụi đứng sừng sững giữa không gian se sắt với màu nâu đen sầu muộn mênh mang mà với một tâm hồn đa cảm như tôi lại càng ngậm ngùi não nuột hơn. Cuộc đời tôi thường nối tiếp bằng những chuỗi buồn không tên như thế và trong những giây phút lung linh trống vắng nầy, nguồn cảm hứng lại đến để tôi có thể viết nên những vần thơ trang trải nỗi lòng cô quanh trong cuộc đời buồn nhiều hơn vui của mình. Nếu quan niệm rằng cuộc đời ai cũng có định mệnh thì chắc tôi sinh ra dưới một ngôi sao có tên là ngôi sao buồn. 

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng (Nguyễn Du) 

Đang triền miên thả hồn theo không gian trầm mặc mong manh, tôi chợt nghe tiếng hót trên cây phong gần đó. Ngước nhìn lên thì thấy một con chim giẻ xanh (blue jay) đang cất tiếng gáy êm ái dăt dìu. Tiếng chim làm tôi thấy lòng thanh thoát nhẹ nhàng trong cuộc sống tất bật rộn ràng và căng thẳng ở xã hội Bắc Mỹ. Tôi dừng lại để tận hưởng khoảng thời gian trầm mặc hiếm quý nầy. Không gian chừng như lắng động lại để chỉ còn có tôi và con chim giẻ âm thầm hòa điệu giao hưởng với nhau trong khung trời mịt mùng lung linh trước mặt. 

Những tia nắng ấm áp cuối cùng của buổi chiều Thu còn chập chùng động lại trên cây thông già to lớn như cố níu kéo chút thời gian phù du mong manh của một ngày buồn sót lại trước khị lịm chết vào bóng hoàng hôn đang từ từ đến gần với vạn vật và loài người. Khung cảnh dịu dàng sâu lắng như tỏa chứa đầy nét huyền dịêu của thiên nhiên. Một làn gió heo may nhẹ thoảng qua mang theo cơn lạnh se sắt nhưng vô cùng dễ chịu và cảm khái cho nhân gian. Cơn lạnh giữa Thu nầy xem ra đâu có oai oắc như cái lạnh nhức nhối trong long tôi. Làn gió như dìu tôi trở lại những cuộc tình không tới nhưng lãng mạn ngày xưa làm xao động bàng hoàng trong tâm tư. Hình như con người sinh ra để buồn nhiều hơn vui nhưng nếu ta sẵn sàng đón nhận thì biết đâu nó lại trở thành cái thú đau thương trong cuộc đời. Từ cảm xúc nầy, tôi thấy thanh thản để lòng mình vơi đi nỗi đau và buồn man mác dưới trời Thu đục sắc mây. 

Thu Đà Lạt 

Trong bốn mùa của thiên nhiên vũ trụ, có lẽ mùa Thu là mùa buồn nhất và khiến cho con người bậng khuâng hoài cảm nhất. Chẳng thế mà trong lãnh vực thơ văn nhạc, chúng ta cũng thấy nói nhiều về mùa Thu nhất. Chính cảnh sắc lãng mạn trữ tình của Thu đã làm thời gian lắng động và nhân loại say mê mà quên đi thời gian, một ý niệm vô hình mông lung mà chỉ con tim mới có thể đo lường kích thước và bản sắc. 

Tôi chợt nhớ lại mùa Thu xưa thuở ấu thơ trên quê hương trong ngày khai trường đầu tiên, ôm cặp sách lẽo đẽo theo sát ông ngoại tới trường với cặp mắt lo âu ngỡ ngàng. Lúc đó con nít như tôi nào có ý thức gì về mùa Thu đâu. 

Mùa Thu quê hương ngoài ý nghĩa là mùa của ngày khai trường rộn rã còn là mùa của Tết Trung Thu với tuổi thơ nhộn nhịp náo nức tay cầm những chiếc lồng đèn ngôi sao, tàu bay, tàu thủy, con cá chép, con cọp...muôn sắc muôn màu để say mê thích thú đi thi cộ đèn và hát vang lên bài “Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi” 

Mùa Thu còn là mùa hẹn hò với người yêu ngây thơ thánh thiện giống như con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư: 


Tiếng Thu 

Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức? 
Em không nghe rạo rực 
Hình ảnh kẻ chinh phu 
Trong lòng người cô phụ?  Em không nghe rừng thu, 
Lá thu kêu xào xạc, 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp lên lá vàng khô? 

T̀ôi thường thích nhìn lá vàng rơi hay nói rõ hơn là tôi trân trọng ćái đẹp trong khoảnh khắc ly biệt thơ mộng giữa chiếc lá và cành. Cái thơ mộng dễ gây cảm xúc bang khuâng nhẹ nhàng và cái đẹp trong khoảnh-khắc ấy được lập lại mỗi khi có cơn gió thổi qua đã vô tình làm nhẹ đi nỗi buồn tiền định trong lòng tôi. Lá lại rơi. Sân cỏ đã phủ đầy lá khô, những chiếc lá đang đo không gian và đếm thời gian. 

Thắm thoát thế mà tôi đã bước trên chính đời mình một thời gian hơn cả chiều dài trung bình của đời sống con người. Dường như tới mộ̣t lúc vô thức nào đó, tôi đã giã từ mùa Thu ấu thời để quay cuồng trong ngần ấy thời gian với bao vật đổi sao đời, thăng trầm vinh nhục, oan khiên nghiệt ngã, tất bật rộn ràng nhưng cho dù thế nào thì với tôi mùa Thu vẫn quyến rũ mơ màng như muôn thuở. Thu vẫn đẹp liêu trai và mang lại niềm chia sẻ tuyệt vời cho ngay cả những ai đắm chìm trong hệ lụy với những cuộc tình không tới đưa đến sự tan tác phân ly trong ngậm ngùi tiếc nuối. 

Thu trên thác Niagara Falls, Canada 

Sân cỏ nhà ai đã phủ đầy lá khô, những chiếc lá của thiên-nhiên và của tâm tình lắng động như một kết nối tuyệt vời của đất trời và lòng người. 
Giờ đây, trải qua hơn 70 mùa Thu, tôi một mình ngồi buồn nhớ lại một thời đã qua với lòng hoài niệm về những mùa Thu đong đầy nỗi nhớ niềm thương và những cuộc tình lỡ đã đánh mất trong nỗi xót xa bàng hoàng. 
Sau cùng, xin cám ơn Đời, cám ơn Người đã cho tôi niềm hạnh phúc vĩnh cửu của tình thương và sự bao dung là lòng tha thứ trong kiếp nhân sinh phù du vô thường nầy. 

Toronto 1/9/201̀̀̀5 
Nguyên Trần 

Phố Chiều



Hoàng hôn xuống phố chiều hiu hắt
Ánh đèn mờ từng giọt sương pha
Ngoài sân hoa rụng cuối mùa
Tháng năm sầu muộn trăng tà gác hiên.

Bên ngõ trúc bóng em kiều diễm
Dưới hàng cây ẩn hiện ngàn sao
Gió lay tà áo bay cao
Gieo bao nỗi nhớ thương đau ngàn trùng 

Lòng trời đất lạnh lùng không tưởng
Đốt tháng ngày cháy bỏng tuổi xanh
Nhìn em đôi mắt long lanh
Cõi lòng vương vấn tình anh lắng buồn 

Lưu Hoài
Gởi ngày 9/12/ 18

Ngoảnh Lại...



Bài Xướng:

Ngoảnh Lại ...

(Thể Tung Hoành Trục Khoán)

"Ngoảnh lại cuộc đời như giấc mộng
Hơn thua thành bại hóa hư không"

Ngoảnh đi lặng lẽ cũng đau lòng
Lại trở về thăm chẳng tiếc công
Cuộc chiến hôm nao còn hổn độn
Đời ta buổi ấy mới long đong
Như người ngớ ngẩn, già nhân nghĩa
Giấc ngủ chập chờn, trẻ ước mong
Mộng đẹp tương lai hoàn cát bụi
Hơn thua thành bại hóa hư không !

Mai Xuân Thanh
Ngày 31/07/2018
***
Bài Họa:

Thế Thái Nhân Tình


Ngoảnh nhìn thế thái xót xa lòng
Lại trách nhân tình tạo bất công
Cuộc sống đắng cay chồng trắc ẩn
Đời thường bạc bẽo lẫn sầu đong
Như dòng chia cắt đành dang dở
Giấc điệp hao mòn chẳng mỏi mong
Mộng dệt ngọt ngào hay nhạt nhẽo
Hơn thua thành bại hóa hư không

Kim Phượng

Thành Kính Phân Ưu Cụ Ông: Đào Nguyên – Nguyễn Văn Nguyện Vừa Tạ Thế


Kính thưa qúy Thân hữu, Đồng hương và quý thi hữu xa gần

Tôi vừa nhận được điện thoaị của anh Nguyễn An con trai trưởng nam của Cụ Ông Đào Nguyên - Nguyễn Văn Nguyện báo cho tôi biết tin buồn:
Cụ Ông: Đào Nguyên – Nguyễn Văn Nguyện. 
Pháp Danh: Từ Thuận
Sinh ngày 10 tháng 7 Năm 1925. Tại Bắc Ninh Việt Nam.
Tạ thế vào ngày 19 tháng 11 năm 2018 (Nhằm ngày 12 tháng 10 Năm Mậu Tuất) ở Thành phố Richmond, Virginia, Hoa Kỳ.Thượng thọ 94 tuổi).
Linh Cửu được quàn tại:1771 Woody Funeral Home.

Lễ Tang sẽ được cử hành:
Thứ sáu: Ngày 21 tháng 12 năm 2018: Từ 11giờ đến 12 giờ.
-Từ 5 giờ chiều đến 6 giờ chiều: Lễ Cầu Siêu & Từ 6 giờ chiều đến 7giờ Lễ Tưởng Niệm.
Thứ bảy: Ngày 22 tháng 12 năm 2018.
-Từ 12 giờ trưa đến 01 giờ chiều: Cúng cơm - Tiễn đưa & Hỏa Táng.

XIN MIỄN PHÚNG ĐIẾU

Bị chú:
- Điện thoại anh Nguyễn An con trai trưởng của Cụ Ông Đào Nguyên:
 1(804) 269-5328

***
VĨNH BIỆT NHÀ THƠ ĐÀO NGUYÊN 


(Kính viếng Hương Linh nhà thơ:Đào Nguyên – Nguyễn Văn Nguyện Pháp danh: Từ thuận; Sinh ngày 10 tháng 7 Năm 1925. Tại Bắc Ninh Việt Nam.Tạ thế vào ngày 19 tháng 11 năm 2018 ở thành phố Richmond, Virginia, Hoa Kỳ.Thượng thọ 94 tuổi). 

Vĩnh biệt nhà thơ đức lẫn tài, 
Đào Nguyên thi sĩ bỏ trần ai. 
Về miền Tây Trúc vui nhàn nhã, 
Lánh cõi dương gian khổ miệt mài. 
Thân thuộc gần xa buồn tiếc nhớ, 
Bạn bè sớm tối cảm thương hoài. 
Chân thành cầu nguyện Hương Linh cụ, 
Cửa Phật nương theo nhẹ gót hài. 

Phùng Trần và Gia đình 
Kính bái 
Carol Stream IL;Nov 2018 
***
KHÓC THI BÁ ĐÀO NGUYÊN 

Cõi tục từ đây vĩnh biệt rồi
Thi đàn tiếc nhớ Cụ Đào ơi
Vần thơ xưa vẫn nghe văng vẳng
Giấy bút nay đành phải nghỉ ngơi
Đã gác công hầu không quyến luyến
Nên dù khanh tướng cũng buông lơi
Hương lòng một nén xin đưa tiễn
Tịnh Độ Người về chốn thảnh thơi.

Thủy Lâm Synh 
Huntington Beach, CA 
Dec. 12, 2018 
***
VĨNH BIỆT LÃO SĨ ĐÀO NGUYÊN 



Nhà thơ lão bối hiệu ĐÀO NGUYÊN, 
Vĩnh biệt thi đàn gác bút nghiên. 
Cỡi hạc lên trời vui tịnh giới 
Du vân ngắm cảnh hết ưu phiền. 
Tăng Ni hộ niệm vang kinh kệ, 
Chư Phật độ trì chuyển nghiệp duyên. 
Đốt nén tâm hương cầu nguyện Cụ, 
Sớm về Tây Trúc cõi bình yên. 

Ngô Văn Giai & Gia Đình 
Kính Bái 
Richmond, Dec, 2018 
***
BÚT HIỆU ĐÀO NGUYÊN 

(Kính tặng nhà thơ Đào Nguyên- Nguyễn Văn Nguyện) 

Bút hiệu Đào Nguyên cảnh giới hiền 
Trời mây gió nước cõi non Tiên 
Vần thơ gởi bác mừng thêm tuổi 
Canh bạc thời gian chẳng lụy phiền. 

Tám mươi hai tuổi suốt chặng đường 
Nếm trải phong trần nợ gió sương 
Cửa Khổng Hán Nôm thông lý số 
Văn thơ dịch thuật luận từ chương. 

“Khổng Minh Thần Số” “Tập Kiều nôm” 
“Mạch Thượng Tang” đến “Mộc Lan” 
“Tiêu Trọng Khanh Thê” nhiều cảm mến 
“Đại Bi Chú Giảng” nghĩa siêu mầu. 

“Đào Nguyên Thi Tập” kính thương ơi 
Quý những vần thơ đẹp tuyệt vời 
Gởi gắm tâm tình lòng quảng đại 
Bao dung hiền đức lắng nghe đời. 

“Tuyển Tập Đường Thi” “Tập Kiều Nôm” 
“Tập Kiều” xuất chúng nét tinh son 
“Khổng Minh Xuất Hành Pháp” “Tỳ Bà Hành” 
“Tập Dân Ca Hán Ngụy Lục Triều”. 

“Cung Oán Ngâm Khúc” “Chinh Phụ Ngâm” 
“Trường Hận Ca” “Từ Điển Kiều Nôm” 
Những sách sắp in chờ độc giả 
Giúp nền văn học tiếng vui thơm. 

Viết đoạn thơ nầy tôi rất vui 
Nhà thơ dịch thuật của bao người 
Tâm từ Phật đạo hòa chung khắp 
Tín ngưỡng cao xa trí sáng ngời. 

Kính mến Đào Nguyên quý tuổi già 
Ngâm nga xướng họa góp thi ca 
Hai lần được giải nền văn học 
Nghĩa trọng Tào Khang sống vị tha. 

Bút hiệu Đào Nguyên cảnh giới hiền 
Thơ mừng kính chúc bác bình yên 
Cầu ơn Trời Phật luôn gia hộ 
Thọ hưởng nhơn duyên phước ruộng điền. 

Phùng Trần 
(Carol Stream IL Summer 2006) 
***
MỪNG TUỔI HẠC 
(Kính tặng nhà thơ :Đào Nguyên-Nguyễn Văn Nguyện) 

Mừng bác Đào Nguyên ngoại bát tuần 
Cao niên tuổi hạc vẫn ca ngâm 
Thi văn xướng họa luận bàn 
Văn chương nghệ thuật góp trang sử nhà. 

Tôi quý bác nho phong vẫn giữ 
Nếp nhà xưa trọng chữ Thánh hiền 
Tôn ti thượng hạ ưu tiên 
Trên hòa dưới thuận phước điền là đây. 

Lại thích chí ngao du sơn thủy 
Cảnh thiên nhiên hùng vĩ danh lam 
Phật Tích, Vạn Lý Trường Thành 
Thơ văn xúc cảm nổi danh xứ người. 

Lòng thanh thản hòa đồng tôn giáo 
Tâm từ bi Phật, Chúa, Lão, Nho 
Không màng danh lợi so đo 
Phát tâm từ thiện Trời cho an lành. 

Đọc tác phẩm “Đào Nguyên Thi Tập” 
Giới thiệu thơ văn toàn tập “người thân” 
Nhà thơ dịch thuật vẹn phần 
Cơ duyên hạnh ngộ tình thâm tỏ bày. 

Nghe bác ốm ở xa lo lắng 
Những mong sao bệnh bác chóng qua 
Tấm thân sinh, lão, bịnh, già 
Quy luật con Tạo bốn mùa thời gian. 

“Cáo Tật Thị Chúng” thơ Mãn Giác 
Dịch thuật Đào Nguyên đẹp ý lời 
“Đừng lo xuân hết hoa rơi, 
Đêm qua sân trước cành mai nở đầy” 

Trích hai câu lời thơ bác dịch 
Ý cao thâm triết lý văn chương 
Cõi người như bóng mây sương 
Cõi trời không có, có không tuyệt vời. 

Tôi mừng bác gia đình đoàn tụ 
Vui kim niên hai cụ nương kề 
Rể dâu con cháu tứ bề 
Khắp nơi gọi hẹn cùng về đoàn viên. 

Phùng Trần 
(Carol Stream IL;Summer 2007)
***
KHÓC CỤ ĐÀO NGUYÊN
(Họa theo vận bài thơ " Khóc Thi Bá Đào Nguyên - Thủy Lâm Synh)

Sét đánh ngang tai Cụ mất rồi
Tiếc thương, vĩnh biệt Cụ Đào ơi
Thi nhân tiền bối, Đàn Anh nghỉ
Bát cú hậu sinh, tiểu đệ ngơi
Giấy trắng mực khô lòng bịn rịn
Bút nghiên thư án dạ nào lơi
Đốt nhang một nén hương linh tiễn
Cầu nguyện Ơn Trên tịnh độ thôi

Mai Xuân Thanh
Ngày 12/12/2018