Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Man Mác Lời Mẹ Ru



Lại về tháng bảy mưa rơi
Lòng mênh mang tiếng ầu ơi mẹ hiền
Ầu ơi lời mẹ ru êm
Ru ngày thơ ấu ru mềm tóc con

Ru con từ lúc đỏ hon
Ru qua đời mẹ mõi mòn gian nan
Bàn tay bồng ẵm con ngoan
Từng đêm thao thức rơi ngàn ánh sao

Lời ru của mẹ ngọt ngào
Ru con ngàn khúc ca dao dịu dàng
Ru ngàn tiếng suối thênh thang
Chảy về thả chiếc đò ngang xuôi dòng

Là tình mẹ đó : con sông
Con là sóng bám vào lòng yêu thương
Ầu ơi tiếng mẹ ru buồn
Dãi dầm một nắng hai sương võ vàng

Lại về tháng Bảy Vu Lan
Ngậm ngùi nhớ mẹ ngày tang trắng trời
Âm dương đôi ngả xa xôi
Ngấn ngàn giọt lệ rã rời lòng đau ...

Vu Lan hoa trắng trời cao
Nén nhang con thắp nghẹn ngào khói bay
Khói mềm mang nặng ơn dầy
Quấn quanh nỗi nhớ vòng tay mẹ hiền

Trầm Vân

Vọng Lời Mẹ Ru


Giữa lênh đênh sóng thanh âm đồng vọng
Âm ba nào bằng giọng Mẹ ru con!
Trìu mến trao truyền vành nôi đong nhịp
Ấp iu buồn đọng mãi giữa bầu không

Bước hơn thua ngày tháng lịm đường mây
Lạc nẻo quắt quay cùn kiếp đọa đày
Cầm tờ cũ thẫn thờ soi bến đậu
Hâm trang ký ức tìm dấu tàn phai

Thời binh biến khắc khoải nhớ khôn khuây
Diện mục nào quên được mảnh đất này
Bom đạn tơi bời tre oằn bão lửa
Mẹ gánh con cùng mớ gạo đùm khoai

Đêm chong chờ đạn bom rơi quờ quạng
Lớ quớ mò: chăn chiếu ngỡ con mình
Hồn vía xuống hầm vỗ yên giấc mộng
Lắng bom rồi Mẹ lại khảm đồng xanh

Ngày nắng hạ nguồn sông quê đủ, thiếu …
Chi bằng suối Mẹ tuôn ngọt giao mùa
Chắt chiu cơm áo thu đông cơ khổ
Xuân đi…về ! xuân Mẹ ngóng liêu xiêu

Giêng hai, chức sắc trẩy hội nguyên tiêu*
Biết bao người cắn tay không còn máu
Trời thì xuân sao đất tứa màu tê tái
Thuở ấy chao về lòng nhói quặn đau!

Bờ tre bụi chuối ôm giọng ru hời
Mẹ đi rồi ! khuất bóng mấy mươi thu
Gối đất quê nghe buồn nứt đau đáu
Trượt bánh toa đời tím buổi mồ côi…

Nôi còn cầm giọng à ơi!
Gói tờ xưa giữ măc đời hơn thua
Lá rơi về phía cội xưa
«miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương»**


Lê Đăng Mành

Bài Thơ Nhớ Mẹ



Heo may gió thổi đón Thu sang
Giọt Hạ tàn phai giữa lá vàng
Mây thấp giăng ngang màu kỷ niệm
Tủi buồn hoa trắng lễ Vu Lan

Lắng nghe chim hót gọi yêu thương
Lay lắt niềm riêng nhớ cố hương
Bóng Mẹ thiên thu về khắp nẻo
Ru con nồng giấc giữa đêm trường

Miệng thầm gọi khẽ "mẹ yêu ơi”
Lời ngọt thiết tha giữa cuộc đời
Những lúc ốm đau cùng hoạn nạn
Người là bóng mát đắp sầu vơi

Hương trầm bay tỏa ngát trời xanh
Cúng Phật dâng hoa ý thiện lành
Tiếng trống vang lên xa tục lụy
Niệm Kinh hồi hướng đấng sinh thành 

Minh Thúy
Tháng 8_2017
***
Cảm Tác:
Bài Thơ Nhớ Mẹ
Heo may gió thu sang,
Hạ tàn theo lá vàng.
Mây giăng màu kỷ niệm,
Hoa trắng lễ Vu Lan.

Nghe chim hót yêu thương,
Chạnh lòng nhớ cố hương.
Bóng mẹ về khắp nẽo,
Ru con suốt canh trường.

Thầm gọi khẻ " Mẹ ơi ! ",
Lời mẹ nhớ cả đời.
Ốm đau cùng hoạn nạn,
An ủi vạn sầu vơi !

Hương trầm ngát trời xanh,
Lễ Phật ý thiện lành.
Mẹ đà xa tục lụy,
Hồi hướng đấng sinh thành.

Công ơn từ mẫu vút cao,
Bao la như nước dạt dào đại dương.
Nỗi lòng cố quốc tha hương,
Nhớ về đất mẹ luyến thương vạn phần!

Đỗ Chiêu Đức
Vu Lan 2017


Mưa Sài Gòn



Mưa Sài Gòn bây giờ sao buồn quá
Trời đang nắng bổng chợt mưa vật vã
Tiếng nước xối người không kịp ẩn náo
Nghe điều gì như trốn chạy hối hả

Còn đâu em cũng Sài Gòn xưa ấy
Thuở học trò quen thương tiếng mưa ngày
Mình vẫn bước bên nhau thật bình yên
Thoảng không gian áng mây hồng nhẹ bay

Mưa Sài Gòn như chợt giận chợt thương
Của tình nhân hòa điệu muôn ngõ đường
Vẫn bên ngoài ướt lạnh làn mưa rơi
Mà trong lòng hơi ấm dậy yêu đương

Là đây em cũng Sài Gòn mưa nắng
Sao bây giờ bóng tối như đè nặng
Người âm thầm và lặng lẽ khắp nơi
Nghe chừng mưa trời sụp đổ màu tang

Mưa Sài Gòn bây giờ anh thương lắm
Chốn quê nhà điêu đứng giữa thở than
Bà mẹ già quang gánh ngồi run lạnh
Em đâu đây mà lòng anh chạnh khổ

Mưa Sài Gòn còn đâu em đôi tay
Dắt dìu nhau trên phố vạc áo bay
Mái trường xưa mình đứng nhìn làn nước
Mưa Sài Gòn mà sao cũng đổi thay

Hải Rừng

23/8/2016

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Thơ Tranh: Đêm Giông - Bơ Vơ


Thơ: Minh Thúy & Kim Oanh
Ảnh Chụp và trình bày: Bảo Trâm

Ru Đêm


Ai rằng công mẹ như non
Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn
Ca Dao

Muỗi vo ve đèn dầu leo lét
Bên võng má ngồi kẽo kẹt ầu ơ
Tiếng ru vỗ giấc con thơ
Ngoài hiên vắng lặng trăng mờ sương sa
Ó o vang vọng tiếng gà
Má còn đưa tiễn canh qua qua dần
Thương con nào kể chi thân
Mặc cho muỗi cắn chẳng lần động lay
Giấc nồng trẻ vẫn đang say
Má mòn mỏi với đêm dài lạnh tanh
Gió khuya vừa lướt qua mành
Vội vàng túm lấy chăn lành đắp mau
Con lạnh ruột má xót đau
Ôi tình của má rộng cao vời vời
Mặc cho vật đổi sao dời
Tấm lòng hiền mẫu trọn đời vì con

Quên Đi

Vu Lan - Rằm Tháng Bảy



Xướng: Vu Lan - Rằm Tháng Bảy

Vu Lan ai cũng biết bông hồng
Là đỏ thắm tươi ngực áo không
Hoa trắng thôi cài lên phía trái
Cánh vàng em ước ngắm chờ mong
Tượng trưng ý nghĩa ta còn mẹ
Biểu hiện hồng nhung ấm áp lòng
Hạnh phúc nào hơn tình mẫu tử
Làm con hiếu hạnh tấm gương trong

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 08 năm 2017
***Họa: Vu Lan !

Thong dong cõi thọ nương hồn
Chờ con lập đức giúp hườn ngôi xưa.
(Con tế cha mẹ)

Chả đợi Vu Lan sắc trắng hồng
Bồi công lập đức học tầm không
Hư linh cha mẹ cao siêu độ
Cõi thế đàn con luống ước mong
Nhất thiết Tam Kỳ luôn trước hiếu
Thời thời nhân nghĩa vẫn bên lòng
Đâu đợi cầu xin rằm tháng bảy
Tông đường siêu rỗi bởi hồn trong.

Cao Linh Tử

1/9/2017

Đêm Giông - Bão Bùng



Bài Xướng: Đêm Giông

Trời xa chim lạc chơ vơ
Tìm phương ẩn náu bến bờ hắt hiu
Từ biệt tổ ấm thương yêu
Còn đâu mẹ mớm như chiều xa xưa
Thời gian vun vút thoi đưa
Bão giông dồ dập ngày chưa hẹn về…


Kim Oanh
***
Các Bài họa: 

Bão Bùng

Trời cao lạc lõng bơ 
Tìm nơi trú ngụ vô bờ đìu hiu
Từ cha biệt mẹ dấu yêu
Còn gì mẫu tử sớm chiều như xưa
Còn đâu cái cảnh đón đưa
Bão bùng chớp giật nên chưa kịp về

Nguyễn Văn Lan
***
Bơ Vơ 

Hoàng hôn cánh Nhạn bơ vơ 
Nắng vừa rũ chết, bên bờ quạnh hiu 
Xa rồi bóng mát hương yêu 
Chỉ còn để lại những chiều nhớ xưa 
Gió vừa thổi mạnh, bão đưa 
Mẹ ơi! con khóc vì chưa trở về 

Minh Thuý
***
Đau Lòng!

Bước đường giữa chốn trơ vơ
Gặp người lữ khách bên bờ quạnh hiu
Nhắc tình phụ mẫu kính yêu
Thương đàn trẻ dại cưng chiều lúc xưa
Đau lòng vắng mặt tiễn đưa
Mẹ Cha thứ lỗi con chưa kịp về!


Như Thu
***
Đêm Buồn

Đêm buồn chợt nghĩ vu vơ
Nghe trong tâm thảm vô bờ hẩm hiu
Thương em như chợt mới yêu
Xót bao giọt đắng biển chiều năm xưa
Thuyền nan tay vớt Mẹ đưa
Sống còn lạc xứ vẫn chưa ngày về

Hải Rừng
23/4/2017
***
Qua Lá Sau Giông

Giông qua lá rớt ngồi vơ
Nghe vương đâu đó bên bờ hiu hiu
Bóng người dường mến dường yêu
Nhớ về quê Mẹ những chiều nao xưa.
Đôi câu ý trọng lời đưa
Người thương vẫn đợi dẫu chưa kịp về.


Trần Như Tùng
***
Lạc Mẹ!

Xa bầy lạc tiếng bơ vơ
Gió lay tổ xuống cầm bờ đìu hiu
Xa rồi cảnh náu niềm yêu
Đói ăn gọi bữa bên chiều nắng thưa
Vô thường khuya sớm đong đưa
Nằm ngắc ngoải thở Mẹ chưa thấy về

Như Thị
***
Nhớ Mẹ

Xa nhà, lạc lõng bơ vơ
Tha hương một cõi, mong chờ, buồn hiu
Nhìn về quê cũ dấu yêu
Trầm ngâm tưởng nhớ, thương nhiều ngày xưa
Mặc cho thân phận đẩy đưa
Mắt Mẹ vẫn sáng sớm trưa chiều về

Thạch Trương
4/28/2017
***
***
Vượt Biển

Con tàu rời bến bơ vơ
Như trôi vô tận mịt mờ đìu hiu
Nhìn về quê cũ dấu yêu
Từ đây vĩnh biệt những chiều thu xưa
Tròng trành con sóng đong đưa
Biết đâu sống thác nên chưa mộng về

Nguyễn Văn Thọ


Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Mẹ Ru Con - Nhạc & Lời Phạm Anh Dũng - Hòa Âm Đồng Sơn

(Tình Mẹ - Tranh Nguyễn Sơn)


Nhạc & Lời Phạm Anh Dũng 
 Hòa Âm; Đồng Sơn 
Tiếng Hát: Ý Lan 

Phận Cát



Mẹ tôi phận cát sinh ra
Lũ lam cố kiếp đến già nào ngơi
Tro than dần phủ mắt Người
Đến khi mắt nhắm ánh cười lặng tăm

Mẹ tôi phận cát giam cầm
Tối trăng chẳng hẹn trăng rằm sáng ra
Xương rồng có thiết chi hoa
Miếng cơm cặm cụi trồng cà, trồng rau

Mẹ tôi phận cát dãi dầu
Bán lưng bán mặt , không sầu không vui
Quần xăn , áo xổ thủi thui
Chân trần khuya sớm ngược xuôi mòng mòng


Mẹ tôi phận cát long đong
Hai bờ chẳng bến, một dòng bơ vơ
Có chồng thêm gánh dại khờ
Nuôi con từ buổi mịt mờ hồng hoang

Mẹ tôi phận cát nắng chang
Liền tay gặt vụ trễ tràng , chắt chiu
Cảnh đời tựa chiếc bóng neo
Phải chăm, phải nhẫn, phải theo cực cùng ....

Ngày về cát trắng, bụi hồng
Truyền lưu giống hạt trong lòng địa sinh
Thầm mong cây trái hữu tình
Dày công thuở mẹ nín thinh gieo mùa 


Lý Đức Quỳnh
ĐN 24/3/2010

Mùa Vu Lan



Tạo hóa ban khai cũng điểm tàn
Cho mùa chuyển động đón Vu Lan
Ân sinh nặng trĩu nhiều duyên kiếp
Nghĩa dưỡng bao la tựa biển ngàn
Nước đổ từ cao xuôi ngọn chảy
Tình thương tự cảm thệ lòng mang
Dâng hương tưởng mẹ toàn tâm khắc
Một đóa hoa thiêng niệm ánh vàng

Mai Thắng
170903

Mẹ


Bài Xướng: Mẹ

Nhân ngày “Hiền Mẫu” vọng tôn vinh
Đến Mẹ quê xưa trọn nghĩa tình
Tứ đức là nguồn trau tiết liệt
Tam tòng ấy cội giữ trung trinh
Vào đời khốn quẫn không van vỉ
Gặp bến cơ hàn vẫn lặng thinh
Bên ướt người nằm trông giấc ngủ
Chờ con êm ấm mới nghiêng mình!

Như Thị
***
Các Bài Hoạ: Ôi! Mẹ


Mẹ thí chỉ muốn kiếp con vinh
Cho chị em tôi mọi thứ tình.
Một mảnh vải lành dành để trẻ
Một con ếch béo cũng quên mình.
Đói no vẫn trọn bà thương mến
Mệt mỏi vẫn làm bố nín thinh.
Mưa gió nắng sương dần nhập cốt
Ra đi thanh thản tấm lòng trinh.

Trần Như Tùng

***
Mẹ

Con cháu bây giờ được hiển vinh
Nhờ ơn che chở suốt bên mình
Phận nghèo cơm áo mà tình cảm
Duyên phú sắc hương trọn tiết trinh
Biết rõ rách thơm nào chịu nhục
Rằng hay đói sạch ráng làm thinh
Giành ôm lạnh giá phần con ấm
Thành đạt tâm an Mẹ vẹn tình !

Phan Tự Trí
***
Bài Cảm Tác
Mẹ

Dù sống thanh bần hay hiển vinh
Vẫn luôn khắc dạ chữ " ân tình "
Phụng thờ phụ mẫu tròn trung hiếu
Gìn giữ tâm hồn vẹn tiết trinh
Vợ đảm, mẹ hiền...tâm sáng đẹp
Lòng ngay, ý thẳng...trí phân minh
Hy sinh tất cả cho con cháu
Hưởng thụ nào lo đến lượt mình.

Sông Thu

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Lời Mẹ Khẽ Ru - Nhạc Nguyễn Ngọc Phúc - Tiếng Hát: Hồng Tước



Nhạc: Nguyễn Ngọc Phúc
Tiếng hát: Hồng Tước
Thực Hiện: Phil Nguyen

Vu Lan Rửa Chân Báo Hiếu


Vu Lan mùa báo hiếu
Nhang thắp khói bừng hương
Cong dài theo bóng mẹ
Khói cuồn cuộn công ơn

Áo em cài hoa đỏ
Em vui còn mẹ hiền
Ngỡ trong vòng tay ấm
Tuổi ấu thơ thần tiên

Mời mẹ ngồi lên ghế
Em quì lạy mẹ già
Sao tóc mẹ bạc thế
Giọt lệ rơi xót xa

Tay nâng bàn chân mẹ
Em làm lễ rửa chân
Khăn tay lau nhè nhẹ
Những vết nứt phong trần

Những vết chai bước đường
Ngày một nắng hai sương
Mẹ dầm trong gian khổ
Cố nuôi con lớn khôn

Xưa mùa xuân con gái
Mẹ một thời sắc son
Dung nhan giờ phai bạc
Bởi gian khổ mõi mòn

Em lau bàn tay mẹ
Nhớ xưa mẹ ẵm bồng
Tay nâng niu trìu mến
Vỗ về con : cục cưng

Tay mẹ cứ chai dần
Trán cũng dài nếp nhăn
Cho con xanh mái tóc
Nụ cười thắm thiết xuân...

Nhớ ơn mẹ rưng rưng
Nuôi con biết bao công
Chỉ mong con hạnh phúc
Con vui, mẹ đẹp lòng

Lễ rửa chân tình nghĩa
Thắp sáng mùa Vu Lan
Mẹ con cùng rơi lệ
Niềm thương yêu vô vàn

Trầm Vân 

Vu Lan 2017



Bao giờ trở lại bờ tre
Tìm về kỷ niệm đêm hè nằm nôi
Phú Hữu quê của Nội tôi
Cánh đồng bát ngát hết rồi còn đâu
Mộ phần sương lạnh dãi dầu
Chênh vênh giữa cảnh nương dâu cõi buồn
Giọt thầm nức nở thành nguồn
Tràn dòng thương xót lòng xuồng khẫm đau
Vu Lan cài đóa trắng màu
Tưởng  nhớ  Ba Má nguyện cầu bình an
Hương Linh phảng phất mây ngàn
Về thăm con trẻ theo làn trầm hương
Các con biệt xứ  tha phương
Niềm đau nỗi nhớ còn vương vấn hoài!

Vu Lan 2017
Kim Oanh

Ngày Lễ Mẹ



Hôm qua mẹ nhăn nhó
Đau nhức từng khớp xương
Con buồn không dám ngó
Se thắt một niềm thương

Nhìn Mẹ mặt hốc hác
Lăn lộn suốt đêm trường
Cái già hành thân xác
Tóc mẹ ngày thêm sương.

Xuất viện Mẹ lê bước
Mắt con sầu vương vương
Cha con hai tay xách
Đang nghĩ chuyện vô thường

Hôm nay ngày lễ Mẹ ,
Thức giấc trong mơ màng
Bâng khuâng chẳng dám nghĩ
Ngày ấy quá phũ phàng

Lâm râm con khấn nguyện
Cho Mẹ một tâm an 
Một ngày còn bên Mẹ
Hạnh phúc thật vô vàn

Mailoc

Trước Bến Nại Hà - Nghĩa Mẹ



Trước Bến Nại Hà

Như chuối như cau mẹ phải già
Đĩa đèn dầu lạc nở toàn hoa
Mũi kim chằm áo xưa từng chuẩn
Khóe mắt nhìn con hiện đã nhòa
Suốt kiếp tâm dồn thêm bão giật
Luôn đời cật táp bởi mưa sa
Lòng son người giữ không phai nhạt
Gửi lại đời sau... bến Nại Hà.

Phan Tự Trí
***
Nghĩa Mẹ


Mỏng manh sương khói...thoảng Thân già,
Như ngọn đèn khêu lụn đốm hoa (!)
Phận gái cơ hàn đằm tuyết giá,
Thân cò lặn lồi thấu sương nhòa!
Sen tàn kết hạ hương hồi thủ,
Chiều xuống hoàng hôn chín nắng sa!
Nghĩa mẹ thâm ân ...nguồn chảy mãi
Muôn sau lưu hậu với sơn hà!

7-2017
Nguyễn Huy Khôi

Lối Cũ Ân Tình Xưa


Mùa Vu Lan Báo Hiếu

“ Một hôm, Tôn giả Xá Lợi Phất đi trì bình khất thực trong thành Vương Xá, khi ngang qua một khu vườn, trong vườn có người Bà La Môn làm vườn tuy nghèo khó và tuổi đã cao, nhưng phải đổi lấy sức già để được có chút vật thực nuôi thân qua ngày, ông thấy Tôn giả ôm bát đi ngoài ranh vườn, liền đến thăm hỏi thân thiện, và để biết sự việc, sau đó ông để vào bát một phần thực phẫm mà ông có được phần thọ dụng trong ngày, Tôn giả chứng minh và chú nguyện phước lành cho ông. Và rồi cũng từ đó thời gian đã trôi biền biệt giữa Tôn giả và ông lão Bà la môn làm vườn.

Một ngày đẹp trời, ông Bà la môn ấy đến gặp Đức Phật tại Tinh Xá Kỳ Viên ( Thành Xá Vệ) và xin Phật được xuất gia, Phật quán xét thấy ông ta có thể đắc quả Thánh, nên mới hỏi trong đại chúng có ai đã chịu ơn với người Bà la môn nầy lần nào không ? Khi ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất đối trước Đức Phật và đại chúng mà thưa rằng : Có lần con khất thực trong thành Vương Xá, người Bà la môn kia đã để vào bát của con một phần thực phẫm mà ông đã có được trong ngày ! Lúc ấy, Phật liền dạy: Vậy ông hãy tiếp độ người Bà la môn nầy và được làm phép xuất gia. Thời gian không bao lâu, được sự hướng dẫn của Tôn giả, người Bà la môn ấy được đắc quả A La Hán trong giáo pháp giải thoát của Phật.”

Từ câu chuyện được kể trên, chúng tôi muốn nói đến một việc trong những sự việc dù đã, hay đang xảy ra trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh hay ngay bây giờ. Chuyện được kể rằng: Ở thời điểm trước đây, khi chiến tranh còn leo thang và ác liệt, sống trong nỗi lo âu, sợ hải ở một vùng miền quê xa xôi, việc cơm áo dù có khó khăn, nhưng sự sống chết, ly tán, đau thương mất mát đưa đến bất ngờ đầy nghiệt ngả. Nơi ấy có một người mẹ bị bom đạn cướp đi mạng sống, cha thì phải bôn ba xứ người để tìm áo cơm, còn bé trai mới lên 6-7 tuổi, phải nhờ đến các cô Ni nuôi dưỡng lo cho cái ăn, cái mặc rồi đến trường để tìm con chữ cho mai sau.

Cơm áo, tiền nông cũng không phải dễ dàng có được trong thời buổi xã hội còn lắm nhiễu nhương nầy. Vã lại, có được đồng tiền chân chính lại càng khó hơn. Với một rổ bánh, một lố nhang thơm, đội nắng đội mưa ngày ngày hai buổi kiếm sống, tháng năm mòn mỏi lê kiếp thân nghèo, áo vai bạc màu sương gió, ánh mắt hoen bao lớp bụi phong trần, lo cho bản thân và cháu, chỉ ước mơ cho cháu sau nầy nên thân, nên phận với đời, và để biết cảm thông sâu xa cho những ai một đời cũng sớm mất mẹ và hiểu mà nhớ ơn đền ơn đối với những ai đó đã trót một đời lo cho mình và vì mình.

Thời gian lặng trôi qua bao khúc quanh, bao bước ngoặc của dòng chảy cuộc đời, thăng trầm, thịnh suy, vinh nhục bao độ của thế nhân, ngược xuôi giữa cuộc sinh tồn tạm bợ, say khướt theo ảo huyền mộng thực. Người cháu, người học trò xưa giờ đã thành danh thành phận, ôm lấy những mảnh giấy học vị (văn bằng) mà nơi ấy đã hóa thân từng con chữ, từng lời, từng câu, từng nhịp thở của buồng phổi, từng ý niệm của khối óc con tim của quí Ni, của người thân và của Thầy-Cô. Nhưng nào phải bao nhiêu việc đó thôi đâu ! Khi có được mảnh giấy danh phận ấy, để rồi được bao nhiêu lợi dưỡng trong cuộc phù sinh mỏng manh tạm bợ, thỏa mãn với bao ước vọng khoái lạc của trần tục tầm thường, thoáng chốc rồi cũng thành sương khói, rồi còn gì cho ta, cho người ! Có biết đâu rằng: Những nỗi vui buồn lẫn vào tháng năm cơ cực, lắm nỗi lo toan cơm áo sớm chiều, một nắng hai sương gót lê kiếp nghèo tất bật, chiết từng ước mơ thuở ấy, đã thấm mặn bao giọt lệ tinh khôi khi còn cái thuở quê nghèo lưng trần chân đất bạc phếch áo vai gầy.v.v.. Để cho có được ngày mai, cái ngày mai đã thấm đẫm tất cả…vào mảnh bằng mà người cháu, người thanh niên này nay có được.

Rồi một sớm trở lại quê hương, cái cảnh lên xe, xuống xe, kẻ đón người đưa, trông ra bây giờ không còn như thuở hàn vi xưa kia nữa, từ cái đi, đứng, ngồi nay đã chuyển sang lắm vẻ dáng màu danh phận, đến cái ăn mặc, nói năng cũng khéo vẽ nên hình thức địa vị… Làm cho chúng ta nhớ lại thi sĩ Nguyễn Bính đã ưu tư: 
“Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…” (Chân Quê)

Cái cảnh tha hóa đổi thay vốn không có gì đáng trách trong thói đời thường tình. Nếu có chăng, bởi sự cảm thụ tri kiến lại rót nhằm vào tờ lá sen mà nơi ấy không có sự thấm đẫm và giữ lại, càng thêm nhớ xa hơn nữa từ lời của một đại sư Tịch Thiên (Shantideva) đã khuyên nhắc và giúp chúng ta làm để có được những điều lợi lạc: “ Hãy khởi tâm hành thiện, hoặc khởi tâm đối trị (bất thiện) như cúng thí vào 3 ruộng phước là ; Kỉnh Điền (Tam Bảo), Ân Điền (Cha Mẹ) và Bi Điền ( Mọi người nhất là những người nghèo khó) thì sẽ được phước lớn” (Nhập Bồ Tát Hạnh,V.81 ).

Điều muốn nói ở đây, không nhất thiết phải đề cập đến Tam Bảo, trọng tâm thứ nhất ở chổ xác định một tính cách “nhân bản” của con người, tính nhân bản ấy đã được thiết lập trên hai nền tảng cơ bản đó là ; Sự nhớ ơn và đền ơn cha mẹ, đến những người nuôi dưỡng, cưu mang về mình và thứ đến, nói lên tình người trong cái nhìn có sự hiểu biết, yêu thương và cảm thông cùng kiếp sống như ta và nhất là những người có đời sống bất hạnh hơn ta. 

Có được nền tảng cơ bản ấy chính là một nhân cách sống lành mạnh trong sáng, như thế, ta đối với Tam Bảo mới có thể nói lên sự cung kính toàn mãn, bởi vì có biết ơn và đền ơn cha mẹ, có lòng thương tưởng đến mọi người và rộng hơn là mọi loài, thì chính ở đây đã có âm hưởng sâu sắc đến đời sống có văn hóa, phải đâu từ những mảnh bằng kia, nó chỉ là tri thức suông, mà chính hành động có đạo tình đạo nghĩa, luôn nhớ ơn và đền ơn, đó mới thật chất người, là cái hồn của văn hóa. Mà cũng là sự nương tựa và kính trọng Tam Bảo. 

Vì rằng; Tam Bảo là điểm nương tựa, trở về, là mục tiêu phục vụ đem lại sự an lạc hạnh phúc lâu dài cho chư thiên, chúng sanh và loài người.


Trong một lời dạy khác của Đức Phật như sau:
“ Nầy các Tỳ kheo, thế nào là địa vị không phải chân nhân ? người không phải chân nhân, nầy các Tỳ kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Đối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, nầy các Tỳ kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Đây hoàn toàn là địa vị không phải chân nhân… Còn bậc chân nhân, nầy các Tỳ kheo, là biết ơn, là nhớ ơn. Đối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, nầy các Tỳ kheo, tức là biết ơn và nhớ ơn…” 
(Kinh Tăng Chi, IV, 118-119).

Ngang qua lời dạy trên, chúng ta thấy Đức Phật đã khẳng định qua hai tính cách, hay một lời xác chứng về đặc tánh của các bậc thiện nhân cũng như những ai được coi là phi chân nhân. Sự kích hoạt chất liệu ấy phải được nói lên bằng cử chỉ, hành động việc làm, ý tưởng như thế nào của con người đó. Như vậy, nhớ ơn, biết ơn là một ký hiệu đặc tánh của các bậc thiện nhân hay chân nhân và trái lại, không biết ơn, không nhớ ơn cũng là một ký hiệu đặc tánh dành cho những ai được xem là phi chân nhân, chưa trọn hình người.

Sống giữa đời thường, cho dù một tổ chức, đoàn thể, đảng phái chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo.v.v… Thì tính cách nhân bản phải được nói đến như là một nếp sống, y cứ chuẩn mực tiêu biểu từ tính thể con người. Nếu tự thân chỉ biết lợi dưỡng để thỏa mãn những ước vọng thèm khát thường tình thấp kém, lấy địa vị danh xưng hay chút khả năng mọn có được để làm mục đích trú ẩn và tự mãn, ta xem đây là nguyên nhân nẩy mầm những bất thiện và có khả năng nguy cơ bất ổn, mất thăng bằng trong xã hội nói chung, và trong mỗi tổ chức đoàn thể và cho dù đó là một tổ chức tôn giáo, hay chính trị.v.v…. 

Những ơn nghĩa đạo đức được sống như là một sức mạnh tất yếu và thực sự được tôn vinh từ mỗi con người, thì giai cấp, địa vị, chức danh sẽ trở thành một bổn phận đúng nghĩa, có tư duy chân chính trong mọi hành xử và phục vụ, còn nếu như ân nghĩa, đạo đức, nhân tính và sự tôn vinh không đúng “ như pháp”, không chiết xuất từ tâm lực, niệm lực của bậc Thánh, bậc chân nhân, thì nó sẽ biến thành những độc tố nguy hại tàn phá vào tận gốc rể của cây đời và cho cả bao đời tiếp nữa.

Tóm lại, tánh cách của người biết ơn, nhớ ơn hay những vong bản vô ơn, cả hai đều tồn tại trong đời, nhưng điều gì tồn tại mà được ca ngợi, tán thán của người có trí chân chánh, thì chính đó là “lõi cây”. Những gì tự thân đã thọ nhận dù trước đây hay bây giờ để tiếp sức cho máu tim, những con chữ làm nên hiểu biết, không chỉ về pháp thượng nhân để tự điều phục chính mình mà còn phải hiểu biết sâu xa tận cùng vào trong từng mảnh đời giữa cuộc sinh tồn nhân thế, có gần gũi để thương yêu giúp đỡ, để lắng nghe, cảm thông và chia sẻ bao tâm tình, xem như là một nghĩa cử tri ân, nhớ ân mà câu chuyện về Ngài Tôn giả Xá Lợi Phất đã được nói đến, nhớ và biết mình có thọ nhận chỉ một phần thực phẫm trước đây từ nơi vị Bà La Môn già xưa mà mọi việc đã trở thành đạo nghĩa cho ngàn đời. Trái lại, với thái độ từ người thanh niên có mảnh văn bằng đã được đề cập ở trên, đủ để cho chúng ta tự thẩm xét lại chính mình. Ngày nay, chúng ta cũng không ít ưu tư về những tư duy ấy, dù cổ xưa nhưng vẫn đẹp bền, còn để lạc mất đi hay quên lãng bao chất liệu ấy thì khác nào như bị những loài cỏ hoang dại khõa đầy trên những lối mòn xưa cũ.. Để kết thúc, chúng ta cùng đọc lại lời Phật dạy:

“Người trị thủy dẫn nước
Kẻ làm tên, nắn tên
Người thợ mộc uốn gỗ
Bậc trí nhiếp tự thân” PC. 80.

Long Xuyên, 12.01.2013
Mặc Phương Tử

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Thơ Tranh: Nhớ Mẹ

 

Thơ: Kim Phượng 
Thơ Tranh: Kim Oanh

Điều Ước



Nếu cho một điều ước
con chỉ cầu xin được
trở về một buổi chiều
có bóng mẹ thân yêu
trong căn bếp ấm áp
mẹ soạn bữa cơm chiều
bát đĩa khua rộn rã
nồi cơm nóng tỏa khói
thơm ngát những nụ cười
con cá chiên rất ngoan
nằm co trong lòng đĩa
tô canh rau rất xanh
sóng sánh vị mát lành
chén nước mắm thơm tho
thấm từng giọt mặn nồng
mùi bánh nướng ngạt ngào
cho con bao hạnh phúc
Những thức ăn của mẹ
ngon nhất trên cõi đời
đi đâu con cũng nhớ
tìm hương vị một thời
ước gì con về được
buổi chiều nào.Mẹ ơi

Khánh Hà

Vu Lan Nhớ Công Đức Đấng Sinh Thành



(Rằm tháng 7 năm 2017)

Ngày rằm tháng bảy lễ Vu Lan
Ngấn lệ rưng mi đã chực tràn
Nhớ đức sinh thành công dưởng dục
Phận làm con trẻ phải đền mang
Thanh Đà tích cũ còn ghi chép
Đức Mục Kiền Liên cứu khổ nàn
Hồng trắng một cành ghim ngực áo
Khiến lòng thổn thức lúc khăn tang

Khiến lòng thổn thức lúc khăn tang
Mất Mẹ nên con lệ mấy hàng
Chín tháng cưu mang công khó nhọc
Bao năm nuôi dưỡng khổ sao đang !
Ơn nầy ghi tạc xin đền đáp
Đức nọ hứa lòng chẳng phụ phàng
Tục lê người xưa truyền để lại
Ngày rằm tháng bảy lễ Vu Lan

Song Quang

Nhớ Mẹ Hiền

 
Nhớ thương Mẹ lắm, Mẹ hiền ơi!

Mẹ đã xa con mãi mãi rồi.
Đã mấy mươi năm, con mất M 
 Mà lòng thương, nhớ vẫn không nguôi

Mẹ đã đưa con đến với đời
Khổ công dưỡng dục mới nên người
Đến ngày ly loạn, con xa 
M Không gặp được nhau, nói một lời

Ngày Mẹ bước lên tàu thiên cổ
Con đang lưu lạc ở quê người
Không về thăm Mẹ giờ phút cuối
Đau lòng con quá, Mẹ hiền ơi !!!

Hương lòng bốc khói tận trời xanh
Tưởng nhớ công ơn đấng sanh thành
Đã lỡ kiếp nầy con bất hiếu
Con nguyền đáp nghĩa, kiếp lai sinh.

Arlington,Virginia,Mùa Vu Lan
Trần Gò Công/ Lão Mã Sơn

Mùa Vu Lan Nhớ Mẹ


(viết thay em gái N.H) 

Tôi ra trường đại học sư phạm năm 23 tuổi. Cũng là năm ấy, tôi rời mẹ, rời xa mái nhà thân yêu – đã che chở - nuôi dưỡng đời tôi từng ấy năm. Tôi rất hụt hẩng cái thuở ban đầu ấy. Cái thuở lần đầu tiên xa vòng tay thân yêu của mẹ để một mình tự lèo lái cuộc đời mình. 

Nơi tôi đổi đến dạy học là một trường trung học của một thị trấn vùng ven thuộc quận Cái Răng – một quận chỉ có ruộng, vườn và sông rạch chằn chịt của thành phố Cần Thơ. 
Quê tôi, bên dòng sông Tiền – một dòng sông – một cặp đôi bên dòng sông Hậu của Cần Thơ. Cha mẹ tôi là nông dân nòi vùng Long Hồ. Cuộc sống bình lặng với nắng và gió vùng sông nước với mãnh vườn, thửa ruộng sau nhà. Chính nơi nầy đã chứng kiến những bước chân đầu đời của tôi đi chập chững mùa nước nổi vào dịp lễ Vu Lan, ngày rằm tháng Bảy. 

Thời thơ ấu của tôi, tôi ít khi được gặp mặt cha. Cha đã đi đâu dó từ lúc tôi chào đời. Chính mẹ là người thay cha săn sóc, vỗ về, dạy dỗ tôi khôn lớn bên bờ ao, ruộng nước. Tôi rất tự hào có một người mẹ tảo tần nuôi tôi lớn khôn và cho ăn học đàng hoàng. Có nhiều khi nhìn bạn bè trang lứa có cha đưa đón đi học mà cãm thấy tủi cho số phận mình. Nhưng bù lại, tôi có tình thương vô bờ bến của mẹ. Chính tình thương dó đã át đi tất cả muộn phiền trong tôi. Bù lại, tôi cố gắng dễ dạy, dễ bảo hơn và luôn cố gắng học tập tốt cho mẹ vui lòng. Tôi muốn sao hình ảnh của tôi là niềm thương yêu duy nhất của mẹ. Riêng tôi, cũng hảnh diện vì có một người mẹ hết mực yêu thương mình. 

Có những đêm mưa dầm, nước ngập, mẹ xăn quần lội bì bõm trong căn nhà mái dột, xốc nách tôi từ bộ phản trước nhà vào giường ngủ. Ôi tôi nhớ lại thấy thương và tội cho mẹ vô cùng. Tấn mùng cho tôi xong, mẹ còn ra chuồng heo xem chừng lại cửa chuồng sợ nước cuốn trôi… 
Mẹ lúc nào cũng vui vẻ bên tôi. Nụ cười của mẹ, vành môi tím nhợt của mẹ dường như không bao giờ tắt trước mặt tôi. Tôi không biết khi tôi vắng nhà, mẹ có còn nụ cười ấy trong mùa bão lũ không nữa… 


Trong năm đầu tiên mùa Vu Lan xa nhà, tôi đã đi lễ chùa để cầu nguyện cho sức khỏe của mẹ. Tôi đã khóc nức nở dưới chân đức phật cao to trong chánh điện. Ước gì được quỳ lạy bên chân mẹ của tôi… Bỗng nhiên, tôi thấy tiếc là khi còn ở nhà tôi không có biểu hiện tình cãm yêu thương với mẹ. Nhưng mẹ ơi ! dù nơi xa hay gần lúc nào con cũng tôn kính mẹ, tình cãm thâm sâu mà con đã được hưởng từ mẹ. Mẹ ơi hãy yên lòng, những tình cãm thiêng liêng đó của mẹ cho con – con không bao giờ quên. 

Mấy tháng hè qua nhanh. Mùa tựu trường sắp đến. Nhưng chưa dến ngày rằm tháng bảy… Dù sao, cũng còn vài ngày nữa thôi. Nơi quê, chắc mưa nhiều lắm cũng như ở đây, nơi tôi sắp sửa mùa dạy mới. 
Tối qua, nhớ mẹ quá, tôi gọi điện cho mẹ lúc gần nửa đêm. Mẹ hoảng sợ tưởng tôi có bề gì…Mẹ đã mắng yêu tôi : “con lớn rồi phải biết sống tự lập để vượt qua những khó khăn”. Tôi chỉ biết nức nở : mẹ ơi con nhớ mẹ! 
Tôi chợt nghĩ nếu không có mẹ, tôi không thể được như ngày hôm nay. 

Công lao của mẹ con không bao giờ kể cho hết được. Lúc con còn bé tẹo mẹ đã dùng võng lát ru con ngủ bằng những lời thơ, những câu ca dao, mẹ đã dìu con bay cao trong tình thương của mẹ. Mẹ đã nuôi con từ dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Mẹ đã dành cho con những gì tốt đẹp nhất mà mẹ có. Mẹ đã vui cười trong niềm vui của con và mẹ nhăn nhó hít hà khi con té ngã. Dù con đã khôn lớn, ra trường đi dạy học nhưng mẹ vẫn còn đó những lo lắng dõi theo từng bước chân của con. Mẹ lúc nào cũng bao dung, độ lượng và mở lòng mình che chở cho con. Con muốn nói với mẹ rằng hình ảnh của mẹ là thiên thần hạnh phúc của đời con. 

Tôi lại nhớ cây khế trước vuông sân. Bờ ao và giàn mướp phía sau. Nhớ các dãy hàng rào dâm bụt bên hông nhà. Nhớ chiếc võng trưa hè mà mẹ đưa tôi dưới tàn vú sữa râm mát quanh năm. Nhớ đôi ống quần đen mẹ buộc túm lại khi đi ruộng về. Nhớ chiếc xuồng ba lá mẹ đưa tôi đi học mùa nước nổi…Nhớ ngày lễ Vu Lan ngày xưa mẹ cài lên ngực áo trái tôi cánh hồng đỏ thắm. Ôi tôi thật hạnh phúc biết bao khi còn có mẹ trên đời. 

Chủ Nhật tới tôi nhất định làm mẹ bất ngờ là sẽ về thăm mẹ mà không báo trước. Tôi sẽ cân nhắc mua về những thức ăn và gia vị mà mẹ thích. Tôi sẽ tự tay mình nấu nướng những món ăn như ngày xưa mẹ đã từng nấu cho tôi. 

Tôi ước gì có thời gian và phương tiện cho phép tôi đưa mẹ đi du lịch đó đây. Chẳng hạn như Đà Lạt hay Nha Trang mà mẹ cả cuộc đời chưa từng đặt chân đến. Tôi cố ngăn dòng nước mắt để lẫm bẫm một câu như có sẵn trong tiềm thức : mẹ ơi ! con thương yêu mẹ nhất trên đời. Hành trình của con còn dài, dù con có đi trọn quảng đường cũng không gánh hết công ơn của mẹ. Cha của con xa nhà đã làm mẹ buồn phiền lâu rồi. Vu Lan năm nay con muốn mẹ vui lên và luôn hạnh phúc vì con. Bỡi con luôn là sự an ủi, là niềm hy vọng của cuộc đời mẹ. Con đã ra đời. Con đã lớn khôn. Con hứa sống thật xứng dáng để bù đắp sự tin yêu của mẹ. Mẹ ơi ! Con yêu mẹ thật nhiều… 

Dương hồng Thủy 
(05/09/2017 – 15/7 âl – Đinh Dậu)

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Thơ Tranh: Mẹ Thiêng Liêng


Thơ: Mai Xuân Thanh
Hình Ảnh & Thơ Tranh: Kim Oanh

Cảm Xúc Hoa Hồng



Một đóa hồng xinh thơm ngát hương
Cài lên ngực áo mặn mà thương
Bao la lòng mẹ như trời biển
Ấp áp tình cha tựa ánh dương
Thiên chức cao vời đời chỉ một
Hy sinh vạn nỗi cõi vô thường
Em ơi! tháng bảy vu lan đến
Nghe chạm hoàng hôn tóc điểm sương.

Bằng Bùi Nguyên


Ngóng Vu Lan


Ngâu đà rả rích giọt lâm ly
Lễ hiếu Vu Lan lại ngóng kỳ
Mẹ ở trên trời vui bóng hạc
Con quỳ trước ảnh lạnh bờ mi
Hoa cài ngực ấm nào vô vọng
Kệ niệm canh thâu há bất nghì
Ước mẫu thân về nương cõi Phật
Mây hồng nâng nhẹ cánh thiên di.


Nguyễn Gia Khanh

Nhớ Mẹ



Trăng đeo nỗi nhớ về ngàn
Nhớ đeo trăng vấy quanh tàn ngọn cau
Khói chiều vướng víu vườn sau
Nhớ hình bóng mẹ ruột đau chín chiều

Đoạn trường nguy khổ đã nhiều
Suốt mùa chinh chiến bao điều đắng cay
Mẹ già heo hút thân gầy
Lo toan sinh kế tháng ngày nhọc cam

Mong con nhiệm vụ bình an
Tròn lo việc nước, chu toàn dân trung
Sau cơn bỉ cực trùng phùng
Chưa vui sum họp, nảo nùng ra đi

Bởi cơn khốn khó lâm nguy
Dặm ngàn cầu thực thê nhi gánh gồng
Phương trời cánh nhạn mung lung
Mẹ ngồi tựa cửa ngóng trông con về

Trăng rừng úa lạnh sương khuya
Lòng con thổn thức ngăn chia nỗi sầu
Mẹ ơi! Từng trải canh thâu
Giữa vùng non nước ruột đau rối bời

Công ơn rộng biển cao trời
Cánh cò sương nắng suốt đời vì con
Lấy gì đong đếm lường cân
Nguyện cầu mẹ được thân tâm an lành…

Trương Văn Lủy

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Quê Mẹ - Thu Hồ - Vũ Quang Minh

Thời chiến chàng trai trẻ phải đi theo tiếng gọi núi sông, bỏ lại làng quê, bỏ lại mẹ già luôn mong ngày con trở về. Trong những buổi chiều ra đứng nhìn về hướng quê nhà mà lòng quặn đau, nhớ mẹ vô cùng, ước gì được về bên mẹ để thỏa lòng nhớ mong.


Sáng Tác: Thu Hồ
Ca Sĩ: Vũ Quang Minh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Nhớ Ngày Giỗ Mẹ



Mẹ ơi !
Bây giờ là tháng 9, mùng 3
Mây trắng vẫn thênh thang lùa vào nỗi nhớ
Phương trời cũ,
Biết đâu tìm hơi thở
Bóng mẹ mùa thu đổ xuống bóng hoàng hôn!

Mẹ ơi !
Bây giờ là tháng 9, mùng 3
Con lặng lẽ
Bên thềm thu gió về hiu hắt
Mang mang nửa khung trời, nửa vòng trái đất
Còn nửa quê nhà, hoang tái bóng chiều sa.

Mùa thu
Một thoáng đã ba năm,
Nhớ ngày mẹ mất!
Vầng trăng sơ huyền chưa kịp sáng bên trời
Nên mẹ đi không để lại một lời
Và đương lúc con vẫn còn phiêu bạt.

Ai đâu hiểu hết nỗi đời lưu lạc!
Cánh chim chiều
Vừa chếch bóng buổi nghiêng chiều
Ai đâu phủi hết bao nỗi buồn sương cát!
Trên vai gầy, và trên cả bước cô liêu.

Bây giờ
Con đâu còn có mẹ
Để nghe tiếng hát xa xưa
Từ thuở tao nôi chín vàng chín đỏ
Đâu cái thuở mẹ còn coi nhỏ
Đâu nhịp võng đong đưa
À ơi…những trưa hè hiu hắt gió - lời ru…

Bây giờ
Mẹ đã thiên thu
Bây giờ
Con vẫn nhớ “từ ngôn” xưa.
Bây giờ trời đã sang mùa
Vầng trăng mẹ - vẫn sớm trưa trong lòng.

Mẹ ơi!
Tháng 9, mùa thu
Nhớ ngày giổ mẹ
Nén tâm hương dâng đến một phương trời
Trong khi con còn lưu lạc chốn quê người

Trên vai gầy
Bước tha hương nghe nỗi buồn hạt bụi
Vẫn trải lòng năm tháng với dòng trôi!

New Orleans, tháng 9, thu 2014.
Mặc Phương Tử

Mẹ Ơi!



(Viết ngay sau khi Mẹ qua đời)

Áp Tết con có về
Thăm quê và giỗ bố
Thấy con xa về đó
Khuôn mặt gầy rưng rưng.

Ăn cam Mẹ khen ngọt
Chẳng giám cho ăn nhiều
Sao bã cam Mẹ nuốt?
Miệng móm cười mắng yêu.

Cơm ăn bữa lưng bát
Hơn năm trầu không ăn
Hơn năm rượu không uống
Chán ngồi rồi lại nằm.

Có tiếng khóc ngoài ngõ
Lắng tai nghe đứa nào?
Ai nói chuyện thì thào
Mẹ trên giường nghển cổ.

Thương Mẹ nằm một chỗ
Con đùa có đi Vinh?
Mẹ loay hoay trở mình
Như muốn vùng đứng dậy!

II

Bỗng hôm nay con về
Sao đường quê nghẹn lối
Bàn thờ nghi ngút khói
Đầu khăn tang trắng nhà.

Con như người có lỗi
Mở nắp thiên ra nhìn
Tay sờ lên trán Mẹ
Thấu buốt vào trong tim

Trong dòng người đưa tiễn
Con chống gậy đi lùi
Nghe trời đất sụt sùi
Chân bước cao bước thấp!

Bây giờ Mẹ nằm đó
Trên sườn đồi cạnh cha
Đêm về mưa rả rich
Cháu ra sân ngóng bà!

Thắp nén nhang lạy Mẹ
Tự nhủ mình gắng lên
Hãy theo đòi chúng bạn
Mẹ vẫn thắp sáng đèn.

Anh Sơn Nghệ An , ngày 25 tháng giêng năm2001

Huy Phương

Chấp Chới Bàn Tay Mẹ


Trong một tấm hình trên báo, bé Jordan gợi cho ta hình ảnh một tàn binh đang lang thang trên trận địa hoang tàn sau trận đánh long trời lở đất. Chiếc mũ lưỡi trai nhà binh trên đầu, cái bình đựng nước bên hông, một cây gậy trên tay, thằng bé sáu tuổi nầy đang khập khiễng chui qua những thân cây ngã, lội qua những con lạch, bước qua những mãnh tôn, những gỗ ván gạch đá, rác rưỡi. Cả một vùng rộng lớn nầy với đầy chướng ngại sau trận cuồng phong hai hôm trước hình như không một nơi nào thiếu bước chân của bé Jordan. 
Suốt một ngày trời, bé Jordan đã thấy hằng ngàn cây nhỏ, cây to đứt ngọn, những tấm tôn quấn quanh các thân cây như tấm giấy thiếc bọc chiếc hotdog. Khóm cây pecan sau nhà mà Jordan thường leo trèo nay chỉ là những thân cây cụt ngọn, còn sót những cành treo lủng lẳng như những cánh tay gãy. Giữa những hoang tàn đỗ nát đó, bé Jordan đã tìm lại được nhiều thứ lắm. Trước hết là chiếc xe hơi của mẹ. Chiếc xe bị đè dưới một thân cây to, mui xe dẹp gần tới tay lái, các cửa kính đã bể nát. 

Một bức ảnh trên báo chụp Jordan đang đứng trên cái thùng gỗ để đủ cao nhìn vào bên trong cửa xe. Chiếc xe nầy từ bao năm nay, dù mưa giông, dù nắng gió, mẹ đã đưa đón Jordan từ những năm nhà trẻ cho đến nay là năm Jordan học lớp một. Chiếc xe nằm đây mà mẹ thì đâu rồi! Cây gậy đánh khúc côn cầu của Jordan nằm chơ vơ bên chiếc thùng phuy móp méo cạnh khung gỗ của cái sofa. Ðôi găng tay chơi banh thì vắt vẻo trên một nhánh cây cao. Và chiếc xích đu. Chiếc xích đu mẹ đã mất trọn một tuần nghỉ phép để cưa, để đục, sơn phết, rồi hì hục leo lên cây sồi trước nhà máng hai sợi dây xích vào một nhánh to. 

Sau đó gần như mỗi năm, mẹ lại hì hục trèo lên nhánh cây để thâu ngắn hai sợi dây xích theo chiều cao lớn của Jordan. Chiếc xích đu bây giờ nằm lăn lóc trong vũng nước cạn, lấm lem bùn sình. Cái màu đỏ tươi của những miếng ván đã bay đâu mất. Bé Jordan nhớ lắm cái ngày bé nằng nặc đòi mẹ phải thay màu cam bằng màu lục; rồi ít lâu sau Jordan lại khóc lóc đòi mẹ thay màu lục bằng màu đỏ. Mỗi lần như vậy mẹ đã phải tháo gỡ cái đu xuống, dùng giấy nhám đánh đi từ những mãng sơn nhỏ trên mấy miếng gỗ, rồi tỉ mỉ sơn lên màu khác. Mẹ vừa làm vừa hát những bài hát thật vui. Mẹ nói mẹ muốn chính mẹ tự tay làm cái xích đu nầy cho Jordan, theo ý thích của Jordan. Jordan không thể hiểu mẹ muốn nói gì, lúc đó. Nay thì cái xích đu đã bay xa khỏi thân cây cổ thụ mà Jordan vẫn chỉ hiểu lờ mờ ý nghĩa câu nói của mẹ. Jordan cũng tìm thấy mấy bức ảnh gia đình. Có một bức chụp mẹ và Jordan đang xích đu, chân mẹ đong đưa, một tay mẹ quàng cổ Jordan, một tay mẹ cầm quyển truyện nhi đồng đang mở rộng. Jordan nhớ quá những buổi chiều mẹ con say sưa hay buồn vui ngậm ngùi theo từng chuyện cổ tích. Những cánh chim trên cành cao như cũng ân cần góp chuyện. Lạch nước kế bên miên man chảy, hình như không bao giờ ngưng những tiếng róc rách, thầm thì. Lòng của Jordan hình như lúc nào cũng ấm vì hơi thở của mẹ miên man phả chung quanh cho dù Jordan đang ở trường hay đang chạy chơi nơi một góc vườn hay một góc phố. Còn tiếng nói của mẹ hình như lúc nào cũng róc rách, thầm thì bên tai, ân cần, ngọt dịu, thương yêu, trìu mến. Mẹ là cả một thế giới riêng của Jordan.

Mẹ Kara từ hồi nào đã là con lạch nước bên nhà, là cây sồi cổ thụ trước nhà, là cả một vườn pecan rợp bóng sau nhà, là chái nhà, là góc bếp. Căn mobile home nhỏ nhoi như một túp nhà chòi nhưng đầy tiếng cười, giọng hát của hai mẹ con. Mẹ thấp thoáng trong dáng dấp những bà tiên hiền từ mẹ đã kể cho Jordan nghe trong những đêm hai mẹ con ôm nhau nghe mưa rầm rì trên mái tôn, hay những buổi chiều êm ả hai mẹ con tay trong tay đi dưới vòm pecan cao nghệu. Mẹ là vòng tay ôm, là hơi thở ấm. Vậy mà bỗng chốc mẹ hoàn toàn biến mất. Mẹ đã biến mất hoàn toàn. Jordan không thể nào tin được điều ấy. Chẳng lẽ sau một cơn lốc dữ mẹ cũng biến dạng như cả một rừng cây nầy, như căn mobile home nầy, như cái xe móp méo kia? Hay mẹ vốn là một bà tiên, giữa cơn phong ba đã bay về cõi khác? Không. Chắc chắn mẹ đang ở quanh đây. Mẹ Kara thương yêu Jordan lắm mà. Mẹ sẽ không bỏ Jordan mà đi đâu hết. Mẹ đang thất lạc ở một nơi nào đó, hay đang bị kẹt dưới một gốc cây to. Mẹ. Mẹ. Mẹ. Jordan đã trăm ngàn lần gọi mẹ suốt một ngày nay, gọi khan cả tiếng, gọi nát cả tim, gọi bong cả phổi. Jordan đã nằm bịnh viện mấy hôm nay để được băng bó ba cái xương sườn gãy, được chửa trị cái chân sưng vù và cái lưng đầy vết trầy trụa. 
Ðây là lần đầu tiên trong đời Jordan thiếu mẹ bên cạnh khi Jordan đau ốm, nhất là khi phải nằm bệnh viện. Vừa ra khỏi bịnh viện sáng nay, Jordan đã nói với bà ngoại , “Chúng ta phải đi tìm Mẹ”. Rồi với đôi giày bố và cây gậy, cái mũ và bi-đông nước, Jordan đã khập khiễng trốn khỏi nhà ngoại, trở về căn nhà giờ đây chỉ là một đống ngổn ngang những tôn, những ván giữa những thân cây gãy ngọn. Nơi trú ngụ đã không còn, chắc mẹ đang lẩn quẩn đâu đây. Jordan nhớ rõ lắm mà: Mới ngày hôm kia, trong cơn lốc xoáy dữ dội, căn mobile home rung rinh như cành cây bị gió giật trên cao. Các cửa kính đã bể hết. Mẹ đã ôm chặt Jordan. Rồi mấy miếng tôn trên mái lần lần bay mất. Khoảng trống trên đầu là mưa, là gió, là sấm, là sét. Một cành cây lớn đã rơi ngay giữa phòng khách. Mẹ càng ôm Jordan chặt hơn, thân người bé nhỏ của mẹ như cố trùm phủ Jordan, chở che Jordan khỏi trăm ngàn mảnh vụn bay loạn đả từ tứ phương tám hướng. Vách nhà kêu răng rắc như cũng sắp bay đi. Trời tối thui nếu không có những tia chớp trên nền trời. Mẹ con lần tìm lối đi vào phòng tắm, chỗ duy nhất trong nhà còn một chút mái che. Mẹ túm tất cả mấy cái khăn lông trùm đầu và quấn quanh mình Jordan. Hai mẹ con tay chặt trong tay cùng cầu nguyện. Gió vẫn đánh sầm sập chung quanh. Tiếng bay vun vút của những cành cây gãy, những tôn, những ván, những cát, những đá....càng làm cho Jordan lạnh run thêm. Có một khắc giây nào thật là ngắn Jordan cảm thấy thân mình như được nhấc bổng, đôi tay mình nắm một khoảng hư không chớ không phải là đôi bàn tay ướt sủng của mẹ.
Jordan chỉ thực sự thấy mất mẹ khi được chú Jim hàng xóm kéo lên từ con lạch gần nhà.

Vừa thất thểu đi tìm mẹ, bé Jordan cứ nói với những người bé gặp trên đường, “Phải chi mình nắm tay Mẹ chặt hơn nữa, chặt hơn nữa”. Bé vừa khập khiễng đi vừa nói, “Phải chi...Phải chi ....” Bé Jordan bây giờ là một kẻ mộng du trên vùng đất vừa quen thuộc vừa lạ lùng, ác độc.

***

Em Jordan thương quí,

Mấy hôm nay anh có theo dõi cơn thần phong ở Oklahoma qua truyền hình và báo chí. Anh biết đó là một cơn lốc dữ dội có cây ngã, có nhà cửa bị cuốn đi, có người chết và mất tích. Thực tâm anh có thương cảm cho các nạn nhân. Có, nhưng không nhiều. Cho đến hôm nay được nhìn mấy tấm ảnh của em trên tờ báo địa phương và được đọc một bài báo ngắn về em, anh đã xúc động thật nhiều. Anh như thấy trước mặt mình đứa bé sáu tuổi ở cái thị trấn Bridge Creek xa xôi, lạ hoắc kia là một biểu tượng tuyệt vời, đầy ý nghĩa đối với anh.

Jordan ơi, em có muốn biết anh là ai không? Anh là người đang muốn được là em bây giờ đó. Anh đang muốn là đứa bé con sáu tuổi luôn nghĩ rằng mẹ mình đang bị lạc đường để suốt ngày lang thang tìm mẹ, suốt ngày chơi trò trốn tìm cùng mẹ. Và chắc chắn sẽ gặp mẹ. Chắc chắn. Thật là hạnh phúc cho em khi em không tin lời xác nhận của người giảo nghiệm tử thi. Lão nói gì mặc lão. Bà ngoại Mary, dì Susan, cậu Steve, chỉ là những người mau nước mắt thôi. Bà Dì Darlene còn nói lằng nhằng nào là từ nay Jordan phải ở với Ngoại, nào là Jordan phải nghe lời Ngoại.... Jordan thấy những lời nầy sao lạ tai quá! Jordan à, Mẹ Kara của Jordan chắc đang ở một nơi nào đó. Trên một tầng mây cao, hay một chân đồi thấp. Ở đâu thì Mẹ Kara vẫn kề cận bên em đó Jordan ạ. Em là người con xứng đáng được mẹ thương yêu cận kề. Còn anh, Jordan biết không, anh ước muốn được trở lại cái tuổi ngây thơ, hồn nhiên, trong trắng như em, như hằng trăm ngàn trẻ thơ khác được mẹ ấp ủ trong lòng, được nói với mẹ muôn lời thương yêu. Ước muốn, có nghĩa là trong thực tế anh đã qua rồi cái tuổi ngây thơ của em. Hai mươi sáu năm làm người (hay nói cho đúng là hai mươi sáu năm có mặt trên đời), anh đã có tám năm làm người con bất hiếu, anh đã có quá nhiều tội lỗi đối với mẹ; khi nhận biết điều nầy thì mẹ đã không còn nơi cõi thế nầy cho anh nói lời xin lỗi hay bày tỏ một cử chỉ yêu thương, và ôm mẹ mà nói rằng: Mẹ ơi con thương Mẹ vô cùng.

Jordan à, chuyện của anh thì buồn lắm, anh không định kể cho em nghe vì không muốn em lây cái buồn của anh. Nhưng anh nghĩ rồi đây sau những ngày lặn lội đi tìm mẹ, sẽ có lúc em cảm thấy buồn. Và anh cũng biết một ngày nào đó em sẽ buồn lắm, buồn vô cùng tận. Nghe chuyện buồn của anh có thể làm em bớt buồn chăng, vì em biết có một người lạ hoắc lạ huơ ở một nơi xa xôi nầy đang muốn cùng em chia sẻ nỗi buồn mất mẹ, nỗi buồn lớn nhất của một đời người đó em.

Nói chuyện với em cũng là một cái cớ: anh đang nói với chính mình, đang mượn những lời nầy để mong làm dịu bớt nỗi buồn của mình. Cho nên em đừng nên cảm thấy xốn xang khi em không thể hiểu hết những điều anh nói, nhe em.

Tấn thảm kịch hình như chỉ thật sự bắt đầu tám năm trước khi anh vừa xong trung học và quyết định theo đại học tại một trường cách xa nhà hơn ba giờ lái xe.

- Như vậy là con thật sự muốn sống xa gia đình ?
- Con đâu có nói như vậy. Con chỉ muốn đi học trường con thích thôi.
- Hay là mẹ con mình dời đến thành phố đó ở cho tiện ?
- Con thấy không cần thiết đâu.
- Nếu má thấy cần thiết thì sao ?
- Còn nhà cửa, việc làm của má ở đây ?
- Ðối với má, có cái gì trên đời nầy quí hơn con của má, hả con ?
- Má tính sao cũng được hết.
Thâm tâm anh là muốn có một đời sống tự do không bị dòm ngó, ràng buộc; mà mẹ anh thì hình như lúc nào cũng dòm, cũng ngó, cũng nhắc nhở, hỏi han, cũng ngăn cái nầy, cấm cái nọ... nên anh đã nói dối một cách rất tài tình:
- Má cứ ở đây. Có gia đình bên cạnh học hành khó khăn lắm. Vài tuần con sẽ về một lần.
- ...
Từ đó anh như con chim chưa đủ lông, đủ cánh nhưng sớm sổ lồng, nên đã bước những bước chuệnh choạng, nghiêng bên nầy, ngã bên kia, lắm lúc lạc phương, lạc hướng. Bắt đầu năm học thứ hai anh đã có một vài lầm lỗi cá nhân trầm trọng. Tuy ở xa nhưng với giác quan thứ sáu của người mẹ, mẹ anh đã có vài lần dạm hỏi anh về chuyện nầy chuyện nọ. Sau nầy em sẽ biết là khi ta có một lỗi lầm nào đó, ta ít khi muốn gặp gỡ hay chuyện trò với những người thân, những người hằng quan tâm đến ta, nhất là cha mẹ ta. Cụ thể là càng ngày anh càng thấy xa mẹ, thấy mất dần những sự ràng buộc gia đình. Anh ít khi điện thoại về nhà. Những lần về nhà cũng càng ngày càng thưa. Mẹ anh thì vẫn đều đặn gọi anh mỗi tuần đôi lần như từ trước. Không gọi được ban ngày, mẹ gọi anh khi nửa đêm hay lúc một hai giờ sáng để mẹ được an tâm. Số lần mẹ nhắn tin trên máy nhiều gấp trăm lần mẹ con trực tiếp nói chuyện với nhau. Mẹ anh thì chỉ có thể lái xe loanh quanh vài dặm từ nhà đến chỗ làm, đâu có lái được trên xa lộ, nhất là lái đường xa vài trăm dặm, nên họa hoằng lắm mẹ mới quá giang người quen đi thăm anh. Vài lần mẹ đi không rồi về không vì không gặp con. Hình như những lúc đó anh bận những gì khác, không phải là bận chuyện sách đèn trường ốc. Nhưng khi mẹ hỏi, anh chỉ có thể trả lời là bận học cho an ổn mọi bề.

Tình trạng cứ như vậy mà kéo dài cho đến hết niên học thứ tư là năm anh đỗ bằng cử nhân thương mại, ngành quản trị xí nghiệp. Lúc bấy giờ mẹ anh đã muốn trực tiếp can thiệp vào công việc của anh, điều mà từ lâu anh đã không bằng lòng. Cho nên chẳng những không về gần mẹ như mẹ muốn mà anh còn đi xa hơn, tới một tiểu bang khác, lấy cớ là có được một việc làm lương cao, giờ giấc không bị bó buộc nên thuận tiện cho việc tiếp tục học để lấy bằng cao hơn. Anh nhớ như in cái khắc giây ngay sau khi mẹ nghe anh tính toán như thế: lưng mẹ đang cong oằn trên cái bàn may máy, đầu mẹ cố ngẩng lên nhìn anh đang đứng cao lêu nghêu kế bên, miệng mẹ mở rộng mà không nói lên được tiếng nào. Anh thấy rõ đôi mắt mẹ đỏ lên sau đôi tròng kính lão, và hai hàng nước mắt. Jordan ơi, hai hàng nước mắt, hai hàng nước mắt của mẹ đêm hôm ấy, bây giờ là hai con trốt xoáy trong lòng anh mãi cho đến suốt đời.

Vài ngày sau anh khăn gói đi nhận việc ở tiểu bang xa. Sáng hôm đó, trước giờ ra sân bay, mẹ còn cẩn thận nhắc anh nhớ đem theo các giấy tờ cần thiết và cái túi nhỏ mẹ để sẵn những thuốc men trị bịnh thông thường. Mẹ đứng ngay cửa tiễn anh đi. Anh đã bước qua khung cửa, chỉ kịp nói với mẹ: con đi. Vỏn vẹn hai chữ ấy. Và không có một cử chỉ thân yêu nào. Anh nghe tiếng khóc của mẹ sau lưng.

Ði làm xa nhà, chi tiêu nhiều, đồng lương có cao nhưng anh có giữ lại được bao nhiêu đâu. Mẹ anh vẫn ngày ngày đi quét dọn mấy tòa biệt thự gần nhà, đêm đêm thức đến khuya lơ khuya lắt bên chiếc máy may, bên đống áo quần vải vóc. Một mình một bóng.
Jordan ơi, một đồng lương của anh đã chưa nằm trong túi mẹ, cái bằng MBA anh chưa có trong tay mà anh đã vĩnh viễn mất đi người mẹ của anh rồi !

Con trai yêu của má,

Má không biết phải bắt đầu từ đâu và phải ăn nói thế nào để con còn có thể đọc tiếp lá thư nầy. Má nhớ mẹ con mình hơi khó chuyện trò với nhau vì má vốn ít học, ăn nói luộm thuộm, rầy trách không có căn cứ mà diễn tả lại không rõ ràng, nên ít khi mình đưa câu chuyện đến bờ đến bến; thường thì má đành yên lặng, tiếp tục việc may vá, còn con thì hoặc lớn tiếng với má bằng lý nầy lẽ nọ hay không nói gì hết, không nghe gì hết mà chỉ việc bỏ đi. Nghĩ cũng kỳ: mẹ muốn bàn chuyện với con mình mà phải chờ cơ hội, phải thế nầy, thế nọ, phải chuẩn bị kỹ lưỡng những lập luận, phải ăn nói tế nhị, mềm mỏng để không chạm tự ái con, phải biết tiến, biết thối... Cho nên có biết bao nhiêu chuyện má muốn nói với con mà nào có cơ hội, trong đó có chứng tức ngực thường xuyên từ vài năm nay của má, mà nếu có cơ hội liệu má nói với con được bao nhiêu và con nghe má được bao nhiêu. Trên cái xứ lạ quê người nầy chỉ có hai mẹ con mình là gần gũi nhất, mà không thường được chuyện trò vui vẻ với nhau thì chắc không có nỗi bi đát nào hơn phải không con? Ở những ngày tháng gần xa con vĩnh viễn như bây giờ má thấy má muốn nói với con vài điều, kẽo má không còn dịp nào nữa. Mà không nói với con được những điều nầy thì khi chết làm sao má nhắm mắt được hỡ con?

Trước hết má muốn nói thật lớn với con rằng má yêu thương con lắm. Má cứ thắc mắc hoài điều nầy: Má đã có lỗi gì với con đến nỗi hình như con không còn thương yêu má nữa. Má cạn nghĩ ví dù cha mẹ có làm lỗi với các con chẳng lẽ không được con cái tha thứ hay sao? Ngược lại lỗi lầm của con lớn cách mấy mà con cho má biết má cũng tha thứ và tìm cách giúp đỡ con hoàn thiện. Má biết con cứ nghĩ là má chỉ thương anh chị con với đám cháu nội ngoại ở quê nhà nên má phải cật lực làm hai ba công việc để gởi tiền về. Người mẹ nào cũng yêu thương các con bằng nhau hết. Còn việc con cứ muốn sống xa má, muốn được tự do bay nhảy, tự do phung phí đồng tiền và tuổi trẻ, chứng tỏ rằng con quá ích kỹ, chỉ biết có mình, cả mẹ mình mà mình còn không nghĩ đến thì rồi đây con sẽ làm được gì cho người khác. Má dốt nát không biết cái bằng cử nhân, cao học của con nó lớn thế nào nhưng má biết trái tim con chưa đủ lớn để làm người, nhất là làm người con; cái tài quản trị xí nghiệp của con má không biết đã tuyệt vời đến đâu nhưng trong cái ý nghĩ nông cạn của má con chưa biết quản trị cuộc đời của chính con. Má ít học nhưng có một câu mà má còn nhớ nằm lòng, là : Có học phải có hạnh. Con có học, có bằng cấp nầy nọ, má có thấy mừng nhưng cũng thấy buồn: con đã không có cái hạnh, không có cái hiếu để, không có cái lòng vị tha. Mẹ mình càng ngày càng già cả bệnh tật, mà cứ làm lụng vất vả. Sao con không nghĩ một ngày nào đó người hàng xóm tình cờ khám phá thân xác má đã nguội lạnh từ lâu mà không ai biết sớm?

Ðôi bàn tay của má ở gần mà con không chịu nắm thì nói gì đến việc nắm tay các anh, chị, các cháu của con ở quê nhà, hay nắm tay người khác.

Linh hồn má sẽ hoài hoài cầu nguyện cho con để con sớm NÊN NGƯỜI.
Má của con, người suốt đời thương yêu con.

***
Jordan thương quí,

Lá thư trên đây mẹ anh viết cho anh nhưng có lẽ người không muốn cho anh đọc nên đã để một chỗ rất khó thấy. Anh chỉ tìm được sau gần một tháng an táng mẹ.

Em, đứa bé sáu tuổi, đã nắm thật chặt tay mẹ em trong cơn lốc dữ, vậy mà em, đứa bé sáu tuổi, cứ hối hận là để vuột tay mẹ và cứ ngày ngày đi tìm mẹ. Còn anh, tay mẹ cứ đưa ra, cứ chấp chới đưa ra cho đến cuối đời mà anh không chịu nắm lấy một lần!

Trần Bang Thạch


Giỗ Mẹ



Liên hồi điện thoại như chuông đổ
Mẹ mất quê xa cảnh lệ rơi
Tang lễ than gào lời chữa nín
Thân nhân nháo nhác tiếng khàn rồi
Ba hồi kinh tụng người tay vái
Trăm họ buồn thinh nước mắt vơi
Ngày ấy in hằn trên nếm trán

Con về không kịp lạy ôm Người!
Con nguyện ngày nào về với Mẹ
Bình an cạnh Mẹ tận ngàn năm
Nén hương ai thắp đời nhân thế
Tình Mẹ con thờ kiếp Phật tâm
Suối cạn còn đâu dòng nước chảy
Nguồn vơi mãi đó đáy khô tràn
Vô thường cảnh giới nơi xa đó
Vần kịp đường về cõi Mẹ nằm

Hải Rừng

11/2016