Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Thơ Tranh:Dĩ Vãng

Dĩ Vãng đã xa nhưng chưa thể nào quên. Mời thưởng thức



Thơ & Thơ Tranh:Nguyễn Đức Tri Ân

Sài Gòn Ơi


Ngày tháng dần qua trên đất khách
Xuân lại về trong nỗi nhớ quê hương
Ba mươi mấy năm rồi, viễn xứ
Sàigòn ơi, trăm nhớ ngàn thương!
**
Xuân đã về trên cành cây nặng tuyết
Em có hay.. ngày xưa, giờ tiễn biệt
Nhìn một lần cứ ngỡ đến trăm năm
Xuân dẫu muộn nhưng đời đời tha thiết..

Ôi quê xưa đã cách xa biền biệt
Nơi xứ người.. dù nắng tan, tuyết phủ
Cách xa em vời vợi.. nửa dòng đời
Quê hương dấu yêu ngày xanh ấp ủ..

Mùa Xuân nhớ.. nụ mai vàng vừa nhú
Xuân đất người,hoa ngát giữa lòng ta
Xứ Cờ Hoa lạnh giá, vẫn ngọc ngà
Sàigòn hỡi, hẹn ngày ta trở lại…

VA, đón Xuân Quí Tỵ 2013

Bùi Thanh Tiên

Một Cõi Đi Về


Sống gởi thác về lẽ tự nhiên
Cũng bình thường lá rụng công viên.
Hoa trôi bèo dạt theo dòng nước,
Gió cuốn vàng khô rớt mái hiên.

Sức yếu bệnh đau nằm rũ liệt,
Trên giường thoi thóp thở không yên.
Dầu thăm hỏi xác thân tàn kiệt,
Hấp hối tùy duyên xót bạn hiền.

Vô thường cõi tạm cũng ra đi,
Tha thiết gì đâu tất đến kỳ.
Phú quý bần hàn ôi tuyệt vọng !
Giàu sang danh vọng chẳng còn chi !

Giã từ tất cả trần ai lụy,
Vĩnh biệt ngàn thu thế giới bi.
Kết thúc cuộc hành trình bách tuế,
"Trăm năm thân thế có ra gì" !

Mai Xuân Thanh
Ngày 16 tháng 01 năm 2015

Người Em Năm Cũ!


Ta chợt ngỡ ngàng đến ngẩn ngơ!
Trời ơi người ấy tự bao giờ!
Về đây thăm lại người xưa cũ?
Em bước lên thềm như giấc mơ.
* * *
Có phải là em … em đấy không?
Con đường chiều vắng gió bay lồng
Những tia nắng yếu theo chân nhỏ
Những giọt mồ hôi đọng má hồng.

Tóc rối bồng bềnh theo gió bay
Nón nghiêng áo giật bóng vươn dài
Chiều buông nắng tắt lòng sôi rộn
Thương quá áo hồng em ngất ngây.

Đêm chốn đồn sâu lặng ngắm sao
Một bình trà nhỏ đắng cồn cào
Em không quen đắng nhưng cùng uống
Để trải cùng anh đêm thức thâu.

Bát cháo nhái bằm vị ngọt sao!
Tự lòng thuộc hạ mến dành trao
Em nghe sờ sợ nhưng cùng nhấm
Hương vị tình thương đám lính nghèo.

Đêm vẫn oi nồng sau trận mưa
Bầu trời dần rạng ánh sao thưa
Sân phơi ghế bố nhìn sao lánh
Em hỏi sao nào được gọi vua?

Anh bật chỉ vào … đây! chính ta
Nàng là hoàng hậu của sao sa
Nhớ vua đi kiếm và đang gặp …
“Khóa chặt tay anh để giải hòa!”

Canh đã về khuya đêm thấm lạnh
Hỏa châu lấp lóe góc trời xa
Vài tiếng súng buồn đêm lặng lẽ
Từng giờ phiên gác cũng trôi qua.
* * *
Em đến cùng ta chung cảnh ngộ
Mảnh đời khốn khó nỗi đơn côi
Em cho tất cả mà chưa nhận
Để nợ lòng ta đến suốt đời.

Ngày tháng dài qua ta vẫn nhớ
Bể dâu thêm đậm cuộc tình hờ
Em đi lần ấy rồi đi biệt
Ta khắc vào tim một bóng chờ!


Nguyễn Đắc Thắng
20150419

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Chia Buồn Cùng Gia Đình Anh Khiếu Long


Nhận tin buồn thân mẫu của Thi sĩ Khiếu Long là

Cụ Bà Ana Nguyễn Thị Nghĩa

Đã được Chúa gọi về vào lúc 8:25pm ngày 25 tháng 04 năm 2015
nhằm ngày 07 tháng 03 năm Ất Mùi Âm Lịch
tại San Diego, California USA
Hưởng thượng thọ 95 tuổi

Xin thành kính phân ưu cùng anh chị Khiếu Long và toàn thể tang quyến. Nguyện cầu linh hồn Cụ Bà Ana sớm được vui hưởng hạnh phúc trên nước Thiên Đàng.

Đồng Thành Kính Phân Ưu:

Anh Bằng, Lê Dinh, Nguyễn Thanh Liêm, Lê Văn Khoa, Dương Ngọc Sum, Cung Trầm Tưởng, Kim Liên, Lưu Trung Khảo, Trần Huy Bích, Nguyễn Huy Quang, Minh Đức Hoài Trinh, Lê Ngọc Hà, Thanh Hằng, Lam Phương, Thinh Quang, Nguyễn Hữu Thời, Nguyễn Bá Thảo, Đào Đức Nhuận, Phan Ni Tấn, Võ Vĩnh Thuần, Phan Bái, Võ Tá Hân, Phạm Gia Cổn, Phan Anh Dũng, Lê Tuấn, Lê Tất Điều, Phan Đình Minh, Phạm Kim, Thiên Thạch, Ngọc Mai, Ngọc Long, Quế Hương, Tâm Bùi, Minh Tâm, Như Hảo, Phạm Kim, Kim Châu, Lệ Hoa, Kim Châu, Tiểu Yến, Hồng Vũ Lan Nhi, Hồng Tước, Hồng Thủy, Phương Oanh Paris, Trần Văn Khang, Hoàng Thy, Vũ Thư Nguyên, Hoàng Thy, Nguyễn Ngọc Tuấn, Trần Quang Hải, Thu Đào, Trịnh Thanh Thủy, Bích Huyền, Kiều Mỹ Duyên, Lý Tòng Tôn, Lý Kim, Nina Ngọc Dung, Thụy Vy, Hùng Ngọc, Kim Vui, Mỹ Ngọc, Quỳnh Hương, Debbie Ngọc Điệp, Thụy Mi, Vũ Minh Phương, Cao Minh Hưng, Dương Viết Điền, Đường Sơn, Ái Hoa, Tiểu Thu, Lê Đình Hải, Lê Thúy Vinh, Nhược Thu, Lưu Anh Tuấn, Phi Loan, Cát Ngọc, Hạnh Cư, Huỳnh Anh, Cát Biển, Yên Sơn, Lê Hân, Lê Bình, Trương Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Của, Trần Trung Đạo, Quyên Di, Trần Mạnh Chi, Nguyễn Văn Thành, Vũ Tiểu Vi, Lê Thị Kim Oanh, Peter Morita, Yên Thư Trần Cẩm Tú, Trần Việt Hải, và nhóm bạn hữu Từ Cánh Đồng Mây

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Khóc Bạn Bùi Xoài


Tổng động viên - cùng chung đại đội
Khóa 21 Thủ Đức - sáu lăm
Ra trường về công binh chiến đấu
Cùng đi dân sự vụ… vì dân.

Có những lúc công trường “bà tó”
Rủ nhau đi đánh độ bi da
Tay rót bia làm sao gom nhỏ
Thế mà vui cho đở nhớ nhà…

Cuối 69 dựng lều Ba tháp
Nắng Phan Rang - Ninh Chữ quê nghèo
Cầu Đạo Long nước lùa như thác
Đoạn cuối đường Thống Nhất cong queo.

Năm sau chúng ta về Đà lạt
Đồi Robin sương đọng rèm mi
Hai đứa hụt chân miền Quảng Đức
Lạnh mang tai thấy chết tức thì !

Thế mà sống mầy về vùng khác
Tao bơ vơ nỗi nhớ oằn vai
Thằng bạn lính cuộc đời đốn mạt
Có ngày không ổ bánh cầm tay.

Sau 75 tan hàng bất mãn
Cải tạo về mầy mãi rong chơi
Rồi tai nạn gãy xương khớp háng
Nằm lăn quay tàn tạ cuộc đời.

Mới vừa rồi con mầy khấp báo
Ba của con rỉ máu đóng khuôn
Tình chiến hữu chung đường một dạo
Hãy yên lòng đi thật… dễ thương!

Dương Hồng Thủy
(30/04/2015)

Lương Từ Châu 涼 州 詞 - Vương Hàn

Chiến Tranh là thảm họa muôn thuở từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á... Có biết bao nhiêu người đã nằm xuống ở sa trường, sinh ly tử biệt, có mấy ai được lành lặn trở về từ chiến địa đâu ?!... Mời đọc LƯƠNG CHÂU TỪ của Vương Hàn đời Đường để thấm thía hơn với nỗi niềm " Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?!"...


涼 州 詞                   Lương Từ Châu

美酒夜光杯,        Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, 
欲飲琵琶馬上催。 Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
醉臥沙場君莫笑, Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, 
古來征戰幾人回。 Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?
王 翰                         Vương Hàn

VƯƠNG HÀN: Không rõ năm sanh năm mất. Tự là Tử Vũ. Người đất Tinh Châu Tấn Dương ( thuộc Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây hiện nay ). Lúc trẻ nhà giàu nên sống rất hào sảng phóng túng, thích uống rượu và ngao du sơn thủy. Đậu Tiến Sĩ đời Đường Tuấn Tôn Cảnh Vân Nguyên niên (719). Khi Trương Thuyết làm Tể Tướng có triệu ông về kinh làm quan, đến khi Trương Thuyết bị bãi chức, ông cũng bị biếm ra khỏi kinh thành. Cuối cùng ông nhậm chức Tư Mã Thông Châu và mất ở nơi đây. Ông sở trường về thơ Thất ngôn tứ tuyệt, thiên về biên tái, lời thơ rất hùng tráng, hoa lệ và cảm khái, bi phẫn với cảnh chiến tranh dai dẵng.
Chú thích:
1. LƯƠNG CHÂU: là đất Lũng Tây đời Đường, nay thuộc TP Võ Uy tỉnh Cam Túc. Đây là vùng đất giáp ranh, do người Hán và người Hồ luân phiên cát cứ, ai mạnh thì chiếm giữ.
LƯƠNG CHÂU TỪ : không phải là tựa chính thức của bài thơ, mà là tên của một Khúc Hát ở vùng đất Lương Châu, vì ngoài bài nầy ra, ta còn có Lương Châu Từ của thi sĩ Vương Chi Hoán cũng thuộc đời Đường. Nên bài nầy còn có tựa là XUẤT TÁI 出塞 : có nghĩa là XUẤT CHINH RA NGOÀI BIÊN TÁI.

2. BỒ ĐÀO: là Trái Nho, nên BỒ ĐÀO MỸ TỬU là Rượu ngon được ủ bằng nho. NHO là trái của người Hồ, nên rượu Nho cũng là rượu của người Hồ cống nhập vào Trung Hoa. Bây giờ ta gọi là rượu VANG( Le Vin ).

3. DẠ QUANG BÔI : là Ly uống rượu mà ban đêm phát ra ánh sáng. Ly làm bằng ngọc Dạ quang . " Có thể " là ly bằng Pha-Lê cũng do người Hồ cống vào Trung Hoa.
Trung Hoa xưa gọi những dân tộc ở phương bắc là Bắc Mông, phương Tây là Rợ Hồ, phương Nam là Nam Man. Gọi chung các nước của các dân tộc đó là PHIÊN BANG.

4. TỲ BÀ: là loại đàn có 4 dây, cũng từ đất Hồ cống nhập, nên còn gọi là Hồ Cầm, loại đàn mà cô Kiều đàn rất giỏi : 
Nghề riêng ăn đứt HỒ CẦM một chương !

5. QUÂN 君: là Nhân Vật Đại Từ, ngôi thứ 2 số ít, nên có nghĩa : Ông, Anh, Bà, Chị, Em, Mầy... Trong câu thơ nầy, xưa nay thường được mọi người hiểu và dịch là ANH hay BẠN. Sao không thể là NÀNG được chứ ?! Tại sao ?. Xin thưa :
Hai câu đầu nêu lên : Rượu Bồ Đào ( rượu Nho ), ly dạ quang ( ly pha-lê ), đàn Tì Bà, tất cả đều của Xứ Hồ: Hồ tửu, Hồ bôi, Hồ Cầm, thì sao không thể là HỒ CƠ chớ ?!( HỒ CƠ 胡姬 : là Người đẹp xứ Hồ ). Những người đẹp nầy giỏi đàn hát, giúp vui trong quân ngũ để khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ hăng hái giết giặc. Ta thấy thúc quân không phải là tiếng chiêng tiếng trống, mà là tiếng đàn TÌ BÀ, Có lạ không ? Và chắc chắn là tiếng đàn thúc quân phải do những Hồ Cơ nầy ngồi trên mình ngựa đãm nhiệm. Cho nên, trước khi phi ngựa ra chiến trường, người chiến sĩ đã nói vói lại với người đẹp Hồ Cơ rằng : " Túy ngọa sa trường QUÂN mạc tiếu !.( ta lỡ có say mà nằm gục giữa chiến trường thì NÀNG cũng đừng có cười nhạo ta nhé ! . Vì : " Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ?! Có mấy ai được trở về từ chiến trường đâu nàng ơi !!! 

Dịch Nghĩa:
Rượu Bồ Đào rót vào chén dạ quang ( Rượu vang ngon rót vào chén ngọc đẹp ). Toan uống, thì đã nghe tiếng Tì Bà thúc quân vội vả lên ngựa.( Nhưng khoan, hãy đợi ta uống cạn vài ly đã ) Vì có say nằm gục giữa chiến trường thì NÀNG cũng đừng có cười nhạo ta nhé ! Vì hãy nghĩ xem, từ xưa đến nay đem thân đi chinh chiến đã có mấy ai được trở về đâu ?!

Đây là cái khí phách ngang tàng của...
Những người chinh chiến bấy lâu, 
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.
( Chinh Phụ Ngâm Khúc )

Diễn Nôm:
Bài Hát Lương Châu
Rượu vang rót vội chén pha-lê,
Giục giã tì bà giọng tỉ tê.
Say khước sa trường nàng chớ nhạo,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?!

Lục bát:
Bồ đào rót chén dạ quang,
Tì bà giục giã sa tràng tiến ngay.
Chớ cười chiến địa ta say,
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về ?!
Đỗ Chiêu Đức.

PHỤ CHÚ:
Người Hoa gọi tất cả các loại đá quí là BẢO THẠCH 寶石, mà cũng gọi là NGỌC 玉 nữa. Ví dụ: CẨM THẠCH 錦石 mà ta làm đồ trang sức để đeo, thì người Hoa không có gọi là đeo CẨM THẠCH 戴錦石, mà gọi là ĐỚI NGỌC 戴玉 là Đeo NGỌC. Nên PHA LÊ trong thiên nhiên ngày xưa rất hiếm, có được một khối Pha Lê để làm ly uống rượu không phải là dễ. Pha Lê lại lóng lánh trong ánh đèn đêm, nên ta có thể " nghĩ " DẠ QUANG BÔI ở đây là LY PHA LÊ được nói nhấn cho có vẻ cao quí và trịnh trọng !. Mặc dù theo truyền thuyết cho rằng NGỌC DẠ QUANG là Ngọc tự nó có thể phát sáng trong đêm, chớ không phải như Pha Lê phải nhờ ánh sáng mới lấp lánh được. Nhưng trong Văn Chương ai biết được....!!!
***
Các Bài Dịch Khác:

Lương Châu Từ
(1) 
Chén ngọc bồ đào sắc đỏ gay 
Tỳ bà giục giả thắng yên ngay 
Say lăn chiến địa người đừng mỉa 
Kim cổ sa trường sống sót ai?
(2). 
Chén ngọc rượu bồ tràn óng ánh 
Tiếng tì đã giục thắng yên ngay 
Sa trường chớ nhạo khướt say 
Xưa nay chiến trận mấy ai quay về? 

Mailoc
* * *
Cám ơn anh Chiêu Đức và Mai Lộc. 

Mỗi lần đọc rồi ngồi chuyển dịch lại ,lòng không khỏi ngậm ngùi nhớ đến lớp tuổi đàn anh và các bạn đồng trang lứa đã nằm xuống. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Xưa nay chinh chiến mấy ai về . Cầu chúc an vui cho tất cả chúng ta và lớp tuổi con cháu. PKT 04/25/2015

Lương Châu Từ

Chén ngọc, rượu đào, chửa thấm môi 
Tỳ Bà đã giục lên đường rồi 
Say nằm chiến địa ai cười trách 
Đã mấy người về trọn cuộc chơi 

Phạm Khắc Trí
Phụ Chú: Tỳ Bà, chỉ khúc nhạc xuất quân khẩy bằng đàn Tỳ Bà, một loại đàn xưa .
***
Lương Châu Từ , bài thơ Tứ Tuyệt được xem là hay nhất trong loại thơ Biên Tái. Tại sao?
Đường thi Tứ tuyệt thường hàm xúc những quan niệm về nhân sinh quan và vũ trụ quan của các thi nhân bấy giờ. Lương Châu Từ của Vương Hàn cũng thế.
Từ xưa, người Tàu luôn có chiến tranh lấn chiếm qua lại với các nước phía Tây, Tây Bắc là Thổ Phồn và Hồ...
Nhân Anh Đỗ Chiêu Đức giới thiệu Lương Châu Từ ra đây, tôi cũng tóm tắt những cảm nhận của mình.

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Giục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Từ hai câu đầu chúng ta thấy rỏ ràng sự tương phản ngầm nói lên sự đối chọi của các triều đại Hán và Tây Vực, qua sự thể hiện một câu tĩnh và một câu động. Nhưng cũng nói lên sự mong muốn sống chung hoà bình giữa hai dân tộc. Ví như rượu Bồ Đào, rượu của Hồ phải uống bằng chén dạ quang của Hán mới tăng thêm cảm giác, cũng như trong Truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ , Kim Dung trình bày cách uống rượu bồ đào phải dùng chén dạ quang, qua việc Tổ thiên Thu cố lừa Lệnh Hồ Xung uống thuốc chữa bệnh, để lấy lòng thánh nữ Doanh Doanh cũng dựa vào bài thơ này...
Hai câu cuối, nói lên sự tàn bạo của chiến tranh, tại sao không thể dùng rượu thay cho binh khí, để không còn chết chóc đau thương.

Bản diễn dịch chữ Nôm đầu tiên ở nước ta:
Chữ Quốc ngữ: 

Rượu đào vơi chén pha lê,
Ngập ngừng hầu uống đàn kề bên tai
Sa trường say ngã chớ cười,
Xưa nay chiến địa mấy ai đặng về.

Quên Đi Tiếp nối Hai Thầy và Anh Chiêu Đức với hai bài dịch:

Câu Hát Lương Châu 
1/

Dạ quang chén ngọc rượu bồ đào
Muốn uống tỳ bà giục ngựa mau
Say nằm trận địa đừng cười bạn
Chinh chiến xưa nay sống được bao

2/
Bồ Đào đầy chén Dạ Quang 
Uống nhanh ngựa sẵn giục vang đàn 
Tỳ Sa trường rượu ngấm nằm lì 
Bao đời chinh chiến có đi khó về.

Quên Đi

Ghi Chú: Từ (词) : là một thể văn, có từ đời Đường, hưng thịnh thời nhà Tống, biến thể từ nhạc phủ xưa, câu dài ngắn không nhất định. Còn gọi là trường đoản cú 長短句, thi dư 詩餘 . Như: Đường thi Tống từ
***
Khúc Hát Ở Lương Châu

Toan rót rượu thêm vào chén ngọc
Đã nghe tiếng nhạc thúc ra quân
Chiến trường say ngã, xin đừng nhạo
Lạc giữa binh đao, ai vẹn thân?

Phương Hà phỏng dịch
***
Uống Rượu Trước Khi Xông Trận(Thời Xưa) 

Rượu ngon chén ngọc uống, vua ban,
Hiệu lệnh tỳ bà thắng ngựa ngang.
Chiến địa say men ai chỉ trích,
Xưa nay đánh giặc chết sa tràng...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 25 tháng 04 năm 2015
***
Khúc Hát Lương Châu

Chén rượu bồ đào uống cạn đi!
Tiếng đàn xung trận đã tung hê
Nằm giữa sa trường say chớ nhạo
Xưa nay chinh chiến mấy ai về!

Nguyễn Đắc Thắng
20150426
***
Khúc Hát Lương Châu

Quan hà cạn chén bồ đào 
Chưa vơi đàn giục ngựa mau lên đường
Trách chi say chốn sa trường
Binh đao chinh chiến có nhường mấy ai

Kim Oanh
26/4/2015
***
***
Câu Hát Lương Châu
1/
Dạ quang óng ánh bồ đào rượu
Chửa nhắp tỳ bà giục ngựa nhanh
Hà cớ cợt say người trận mạc
Chiến chinh mấy kẻ được tin lành

2/
Dạ quang chén rượu bồ đào
Sắp nâng đàn giục ngựa mau lên đàng
Nhạo chi say tỉnh sa tràng
Mấy ai chinh chiến vẻ vang trở về

Kim Phượng

Thơ Tranh: Phượng Sái Mùa


Trích Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mất Em


Một thuở bàng hoàng, chết đứng im
Gió đùa, thân đảo, đất chân ghìm
Khi mùa Xuân nổi cơn bão dữ
Tàn phá tình thương nát cả tim.

Bão lướt qua rồi ngở bình an
Hồi sinh vạn vật khắp núi ngàn
Cuồng phong vần vũ không ngừng nghỉ
Để vọng vang bao tiếng khóc than.

Em tựa hoa trời dáng diễm kiều
Dâng đời hạnh phúc ngát tình yêu
Mất người tôi tựa rơi địa ngục
Không có bình minh mất cả chiều.

Mòn mỏi đợi chờ tuyệt vọng sao?
Phần tôi hạt cát có xá nào
Thương thay đồng ruộng, non, sông, núi
Èo uột ngày qua thắt ruột đau!

Anh Tú
April 27, 2015



Khúc Thơ...Đêm


Đêm xa vắng.
Đêm lặng.
Triền miên trong giấc ngủ.
Trầm ngâm như tráng sĩ ưu tư.
Đêm mở mắt.
Qua những vì sao chưa tắt.
Lạnh lùng đêm tối bơ vơ.
Nỗi đau đè nặng câu thơ không vần....

          ***
Tàn một canh trầm ngâm.
Hết hai canh lặng lẽ.
Gà ai bên xóm lẻ.
Gọi về canh thứ năm.
Năm canh qua âm thầm....

Hhai

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Thành Kính Phân Ưu Thân Mẫu anh Khiếu Long Đã Mãn Phần


Nhận tin buồn Thân Mẫu của anh Khiếu Long là Cụ Bà Ana Nguyễn Thị Nghĩa

Đã được Chúa gọi về vào lúc 8:25pm
Ngày 25 tháng 04 năm 2015
Nhằm ngày 07 tháng 03 năm Ất Mùi Âm Lịch
Tại San Diego, California USA
Hưởng thượng thọ 95 tuổi

Xin chân thành gởi lời chia buồn đến Anh Khiếu Long cùng toàn thể tang quyến. Xin Chúa nâng đỡ gia đình anh, trong lúc đau buồn này.
Xin Chúa nhân từ đón nhận Linh Hồn Cụ Bà Ana Nguyễn Thị Nghĩa sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.

Thành Kính Phân Ưu.

Kim Oanh 

Phượng Yêu-Phạm Duy - Đức Tuấn

Thuở đi học nếu bạn không là người đi theo một tà áo dài trắng nào đó ,thì cũng là cô học trò áo trắng được có cái đuôi theo sau mổi buổi tan trường.Tình yêu thuở học trò đẹp vô cùng , giờ nhớ lại mọi người chắc ai cũng chạnh lòng, rồi tiếc một thời đi học đầy thi vị... Rồi dường như có một nỗi buồn nhẹ len lén vào trong hồn mình với rất nhiều kỹ niệm của một thời ...

Với Phạm Duy tình yêu đó mảnh liệt và dữ dội .Hè về phượng đỏ khắp nơi rực trời,đã yêu cô học trò ấy rồi yêu cả hoa phượng,Vì hè sắp chia tay mà tình yêu chưa tỏ được...Bài hát có lúc giọng hát Đức Tuấn như thét lên vì biết sẽ không còn cơ hội và thời gian nữa rồi ! Yêu hoa,yêu em ,yêu người ,yêu phượng ...yêu đến mù lòa,yêu như có ma quái xúi dục, yêu như cơn gió qua khe gập ghềnh và dáng em vào mộng mị ,mà không biết làm sao nói ra cho được tình yêu đó.

Nên khi thực hiện PPs chỉ lấy hình ảnh hoa phượng và cô học trò áo dài trắng để minh họa bài hát: Em và hoa Phượng... mà thực tình không hiểu hết ý nghĩa của cố nhạc sĩ tài hoa họ Phạm có như mình nghĩ không! bài hát này có lúc làm cho cô học trò nào đó tên Phượng ngẫn ngơ!



Sáng Tác; Phạm Duy
Tiếng Hát: Đức Tuấn
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Vấn Vương


Lần hội ngộ Washington ngắn ngủi
Sao cho ta niềm thương nhớ vô vàn.
Buổi chia tay cùng mừng mừng tủi tủi,
Để bây giờ lòng vẫn thấy mang mang.

Ta tự hỏi sau hai lần hội ngộ
Mà bỗng dưng lại thấy quá thân quen.
Khi được tin người gặp nhiều tai nạn,
Có những đêm ta thức mãi bên đèn!

Ta ước nguyện sẽ thay người gánh chịu
Những đớn đau nào người nhận hôm nay.
Từ quá khứ ta ôm nhiều cay đắng,
Dù gánh thêm chút ít nữa càng hay!

Ta bất lực với những điều ước nguyện,
Nên gục đầu ta tự thẹn riêng ta.
Vì không mượn được đôi hia bảy dặm,
Chưa một lần ghé bước viếng thăm qua!

Nếu ai đó vẫn xem ta là bạn,
Xin thứ tha cho tất cả lỗi lầm.
Ta tự hứa sẽ có ngày chuộc tội,
Xác thân ta, người mặc sức bâm vầm!

Thân gửi về Columbia, MO
Mặc Thái Thủy

Hoang Mang - Cát Bụi


Ta từ đâu đến thế gian này?
Bao nỗi ngậm ngùi, bao đắng cay
Trần trụi bước vào, tay trống rỗng
Cô đơn từ giã, óc đong đầy
Từng người gặp gỡ như mây thoảng
Mỗi cuộc vui vầy tựa gió bay
Khắc khoải tâm tư, lòng trĩu nặng
Ra đi thanh thản thế nào đây?

Phương Hà
***
Họa: Cát Bụi

Ta đã từ đâu lạc cõi này?
Nhấm qua thì đắng nếm là cay
Tàu đưa nhận vụ làm trung chuyển
Ga đón chuyền tay tính đủ đầy
Lăn lóc sững sờ cơn gió cuốn
Nghĩ suy vơ vẩn áng mây bay
Bốn mùa thay tiết như xiêm áo
Cát bụi phủ dày thêm chốn đây?

Nguyễn Đắc Thắng
20150328

Nhớ Sài Gòn


Dáng đứng Sài Gòn có vẻ kiêu,
Trai thanh, gái lịch biết bao nhiêu.
An vui phú túc giàu nhân ái,
Hạnh phúc sang hèn lấp lánh nhiều
Niềm nỡ tứ phương đây giải trí,
Ân cần khắp nẻo chốn ăn tiêu.
Thành đô nổi tiếng phồn hoa lệ,
Hòn ngọc Viễn Đông thật đáng yêu...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 21 tháng 04 năm 2015
***
Nhớ Về Sài Gòn

(Cảm tác từ bài thơ Nhớ Sài Gòn của Mai Xuân Thanh)

Sài Gòn! Nỗi nhớ khôn nguôi
Nắng mưa ngày tháng ngược xuôi dòng người
Cà phê, hàng quán khắp nơi
Đèn đêm lẫn ánh sao trời bâng khuâng

Sài Gòn xa, nhớ thì gần
Bao mùa thay lá, bao lần lệ vương
Nhớ thương từng những con đường
Thầy cô, bạn cũ, ngôi trường thân yêu

Thời gian theo áng mây chiều
Hợp tan, tan hợp như triều sóng dư
Niềm ta, riêng mãi ẩn cư 
Trong lòng phố thị lời ru Sài Gòn!

Yên Dạ Thảo
30/04/2015

Tang Lễ của Bạn Nguyễn Kỹ Khuyên Ngày 29/4/2015

Các Bạn mến,
Do có sự thay đổi nơi hoả táng, Khuyên sẽ được thiêu ở Cần Thơ cho tiện, và ngày mai mới thiêu.
Mình đã thay mặt Các Bạn mua tràng hoa và phúng điếu. 
Tối nay tôi một vài bạn nam sẽ đến chia sẻ với gia đình Khuyên, và 14 giờ ngày mai 30-4 Các bạn nam ở Vĩnh Long sẽ đến tiễn linh cữu Khuyên rời Vĩnh Long.
Gởi Các Bạn một vài hình ảnh tại đám tang Khuyên lúc 9 giờ sáng nay. 
Trong đây có ảnh các con của Khuyên. Có tên theo thứ tự từ trái sang phải: Thư, Ngọc Quỳnh, Kỹ Nguyên.
Các bạn đến phúng điếu: Hiển đứng một mình. Thới và Danh(Mặc áo nâu đỏ). Khải và Bá Lộc.








Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

CHS Tống Phước Hiệp NK 62-69 Chia Buồn Cùng Gia Đình Nguyễn Kỹ Khuyên


Một Nhóm Cựu học sinh Tống Phước Hiệp, niên khóa 62-69 rất đau buồn khi hay tin
Bạn Nguyễn Kỹ Khuyên 
Sanh năm 1950, đã từ trần, sau thời gian bạo bệnh.
Lúc 15 giờ 30 phút ngày 28 - 05 - 2015 (nhằm ngày mùng 10 - 03 năm Ất Mùi) 
Tại Vĩnh Long  
Hưởng thọ 65 tuổi
Tang lễ sẽ cử hành tại tư gia đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vĩnh Long.
Lễ động quan vào lúc 14giờ ngày 29 - 05 - 2015. 
Sẽ được hoả táng tại Sài Gòn.
Thành kính phân ưu cùng Gia đình bạn Nguyễn Kỹ Khuyên cùng các cháu
Nguyện cầu Ơn Trên Đức Phật từ bi cứu độ vong linh bạn, được thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền cưc lạc.

Đồng Kính Phân Ưu

1/ Nhóm 1 Niên Khóa 62-69
Hoàng Thị Thơ
Lê ngọc Điệp
Lê Thị Tuyết
Giản Kim Dung
Nguyễn Thị Hồng Điệp
Lê Thị Kim Phượng
Nguyễn Thành Khai
Lê Văn Hiển
Nguyễn Hồng Danh
Hoàng Xuân Khải
Lê Quý Thông
Huỳnh Hữu Đức

2/ 
Lê Thị Kim Oanh - Niên khóa 69-76

Báo Tin Buồn CHS Tống Phước Hiệp Nguyễn Kỹ Khuyên NK 62-69 Đã Qua Đời


Vô cùng thương tiếc báo cùng các bạn Cựu Học Sinh trường Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long NK 62 - 69:
Bạn Nguyễn Kỹ Khuyên
Sanh năm 1950, đã từ trần, sau thời gian bạo bệnh.
Lúc 15 giờ 30 phút ngày 28 - 05 - 2015 (nhằm ngày mùng 10 - 03 năm Ất Mùi) 
Tại Vĩnh Long  
Hưởng thọ 65 tuổi
Tang lễ sẽ cử hành tại tư gia đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vĩnh Long.
Lễ động quan vào lúc 14giờ, ngày 29 - 05 - 2015. 
Sẽ được hoả táng tại Sài Gòn.

Nay Kính Báo
Huỳnh Hữu Đức

Trên sông Cổ Chiên



Tặng Lâm Hảo Dũng

Mái chèo khuấy nước trên sông lặng
Hay khuấy động ngàn mây trắng phau?
Êm êm thuyền lướt trong sương mỏng
Tưởng lướt trong trời quê thuở nào.

Bãi sậy bờ lau phơi trắng bông
Bờ xa, lò gạch nắng nung hồng
Bóng soi bao thuở dòng năm tháng
Mờ tỏ theo con nước lớn ròng.

Ơi, dãy cồn bần nằm gối giấc
Dưới trời đầm ấm buổi thanh bình
Đợi chờ một bóng buồm mang lại
Câu chuyện thần tiên có chúng mình.

Ơi, lò rèn nép bên rìa sóng
Có thấy buồn giăng lưới tịch thôn?
Tiếng búa tháng ngày khua tịch mịch
Vọng dòn buổi sáng, nện hoàng hôn.

Thuyền ghé vườn cau, thăm bến dừa
Chuyến về ghé lại khúc quanh xưa
Trên dòng ký ức muôn hình bóng
Khỏa lớp sương mù, thắp nắng trưa.

Quán vắng trên vàm rạch cũ ơi!
Đêm đêm leo lét ánh sao trời
Ngọn đèn khí đá soi lành lạnh
Xao xác ba canh tiếng nói cười.

Bè gỗ xa giang đầu tít tắp
Chiếc sào chống nhẹ, lướt phăng phăng
Đỏ hồng ánh lửa, đêm neo lại
Thả mộng ao nhà, cá đớp trăng.

Châu thổ, vòng tay âu yếm đón
Tôi về uống nước ngọt sông xuân
Vàm khơi dẫu gửi bao âm vọng
Tâm tưởng dần im sóng hải tần.

Hồ Trường An

Tình Bạn Xưa


Lòng bỗng nhớ mấy bạn thân còn lại 
Tình bạn già đẹp mãi chẳng hư hao 
Tháng năm dài cuồn cuộn nước trôi mau 
Nơi đất khách bùi ngùi nao nao nhớ 

Có người bạn , gặp rồi lòng ngờ ngợ 
Ôi ! hình hài khác hẳn khó nhận ra 
Nước thời gian tắm gội tóc sương pha 
Nghiêng dấu mặt , xót xa lệ nhoà mắt 

Có người bạn , ba mười năm xa cách 
Giữ rượu sầu ly tách lúc chia tay 
Hẹn ta về cùng uống nốt hết chai 
Ôi tri kỷ ! khiến lòng ai thổn thức ( * )

Có người bạn chờ ta trong nao nức 
Nhắn ai về dệt lại kỷ niệm xưa 
Gặp lại nhau mừng tủi mấy cho vừa 
Ôn chuyện cũ ngày xưa khi đói rách 

Có cô bạn năm mươi năm không gặp 
Trong quán ăn , một chập nhận ra nhau 
Em cho xem tập lưu bút bèo nhèo 
Ta ngấn lệ nghẹn ngào từng trang giấy ( ** )

Tình bạn hỡi ! muôn trùng xin giữ lấy
Để cánh chim đâu đấy bốn phương trời 
Tìm về nhau an ủi lúc chơi vơi 
Cao đẹp quá ! bạn ơi tình muôn thuở 

Theo vận nước có kẻ đi người ở 
Mỗi tháng Tư quá khứ lại trở về 
Gởi hồn mình theo cánh nhạn lê thê 
Quê hương mới , ủ ê đầu bạc trắng 

Mailoc
( Tháng 4 – 2015 )
( * )
Năm tháng 12 - 1980 , tôi còn nhớ rõ lắm, hai ngày trước khi vượt biên , tôi mang chai rượu Tây đến nhà anh B, người bạn thân nhất cùng trường , hai người nhâm nhi một chút gọi là rượu chia tay , vì ngày mốt tôi phải xuống Rạch Gía rồi. Có cuộc chia tay nào không não lòng? vì thế mới vài ly nhỏ hai chúng tôi nghe như có gì nghèn nghẹn trong cổ họng, trong buồng tim uống không vô. Anh ấy bèn đóng nắp chai rượu lại bảo rằng không thể uống nữa,1/2 chai nầy anh niêm lại hứa đợi ngày tôi về tụi mình sẽ uống nốt sẽ vui hơn . Rồi anh giục tôi ra về.

Năm 2007 về VN thăm mồ mã cha mẹ, tôi ghé Saigon đến tìm anh nơi căn nhà ở khu Thành Thái cũ nhưng được biết anh ấy đã bán nhà từ lâu , tôi bèn trở lại ngôi trường sơn đỏ nơi đường Bà Huyện thanh Quan hỏi thăm về anh ; giáo viên , nhân viên văn phòng toàn người mới không ai biết về anh cả, thời may gặp vợ chồng anh Sáu người giữ trường cũ chở tôi đén nhà anh ở khu Sư Vạn Hạnh. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau mừng ra nước mắt . Anh ấy bảo rằng : tôi sẽ cho cậu một ngạc nhiên nhé rồi mở tủ lấy ra chai Remy Martin cũ còn dán băng keo đề ngày 20-12-1980, đã mấy chục năm mà anh còn cất giữ đợi tôi về. Quả thật là chuyện ngoài sức tưởng tượng của tôi. Điều làm tôi cảm động nhất khi nghe anh kể, anh đã dời nhà mây lần , cái gì không cần lắm thì bỏ hoặc kêu bán nhưng chai rượu cũ vẫn mang theo, đến đổi thằng con trai anh khi xưa 10 tuổi, rồi nó lớn lên hai ba chục tuổi nhiều lần nó đòi đem chai rượu ấy ra nhậu nhưng bị anh cấm tuyệt. Chuyện chai rượu ấy , mỗi lần nhớ lại khiến tôi bâng khuâng tự hỏi sao cái tình bạn , tình người lại thắm thiết cao đẹp như vậy?
( ** )

Năm 1962 -63, đang học năm cuối Đại Học Sư Phạm Saigon, tôi bị lao phổi phải vào nằm bịnh viện HB ở trong Chợ Lớn trong khu dành riêng cho nam nữ sinh viên. K. O cô sinh viên đẹp nhất, nước da ngâm ngâm như lai Ấn Độ, mắt to đen lay láy ,mũi cao lại hát hay nên ai cũng thích lân la chuyện trò. Suốt bảy tám tháng trời chung sống bên cạnh bạn bè chúng tôi thân thiết xem nhau như ruột thịt, hoàn cảnh gia đình của từng người chúng tôi đều biết rõ , thương nhau vì đồng bịnh mà! Cứ mỗi lần có ai xuất viện là chúng tôi mở một tiệc nho nhỏ khoản đãi mừng cho người lành bịnh. Mỗi anh chị em đều có quyển lưu bút nho nhỏ chuyền nhau để bạn bè ghi lại vài dòng lưu niệm trước khi chia tay. Giữa năm 1963 tôi được ra về tiếp tục lại năm cuối . Sau đó mỗi người một ngã lâu lâu chúng tôi có gặp nhau hỏi thăm về nhau thế thôi. Rồi vận nước ập xuống, nhà nhà ly tán nói gì đến bạn cũ xưa mấy ai còn lòng dạ để thăm hỏi. 

Nhưng mười năm trước đây, trong tiệm phở Hoà ở nam Cali ngang Phước Lộc Thọ, tôi thấy bên bàn đối diện có một bà Việt tóc bạc muối tiêu ngồi giữa hai cậu thanh niên Mỹ có vẽ lai, tôi liếc nhìn và cố moi trí nhớ vì thấy người nầy có nét quen quen .Khi nàng vừa bước ra khỏi cửa tiệm, tôi tạm buông đủa rồi vội vàng bước theo sau , miệng gọi nho nhỏ gọi K O.. K O! ghi đến gần. Nàng bèn quay lại ,nàng nhận ra tôi ngay sau gần năm chục năm không gặp Trở lại tiệm phở chúng tôi kể sơ sơ cho nhau nghe hoàn cảnh của mình , trao nhau địa chỉ và số điện thoại rồi bỗng nhiên nàng mở xách tay lấy ra quyển sổ mau xanh nhỏ đưa ra trước mặt tôi hỏi tôi có còn nhớ cái chi không ? Trời ơi quyển lưu bút cũ bèo nhèo sình to của bịnh viện HB mấy chục năm trước mà KO còn giữ và mang kè kè mãi bên mình ,thật không thể tượng tượng nàng trân qúi vật kỷ niệm và tình bạn đến thế . Đọc và nhìn lại tuồng chử năm xưa của mình viêt ,lòng tôi bồi hồi vô cùng xúc động. Ôi! cả một bầu trời thương nhớ .
Cả hai chuyện riêng của tôi xin chia sẻ cùng Bạn không là huyền thọai đâu nhé!

Mailoc

Lá Vàng




Lá vàng rơi! Lá vàng rơi!
Nhẹ như ai đó nói lời chia tay
Lòng buồn ngắm lá Thu phai
Gió se sắt lạnh thổi hoài bụi mưa

Trăng lung linh hạt sương thừa
Lệ vươn phiến lá mới vừa thả bay
Hồi chiều chim đậu cành cây
Gọi khan điệu hát tình say nhớ người

Gió về đây tự muôn nơi
Sao không nhắn gửi những lời em yêu
Gửi chi tiếng lá rơi chiều
Đề hồn rệu rã bóng xiêu nghiêng đời

Chạnh lòng khẽ gọi em ơi!
Thinh không vọng lại tơi bời nhớ nhung
Đầu sông con nước ngược dòng
Cuối sông trôi lá vàng không bến bờ

Người đi bỏ lại vầng thơ
Không câu giã biệt ai ngờ chia ly
Áo bay phơi phới xuân thì
Tóc bồng một thuở rối khi bão tình

Lá vàng màu áo em xinh
Trăng đem phủ lụa ngỡ mình cởi trao
Lẫn trong sóng gió ba đào
Cuốn bao xác lá làm đau lòng mình

Phạm Tương Như

11/2013

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Ngày Giỗ Tổ Hùng


Ngày giỗ Tổ Hùng ôn lịch sử
Mấy ngàn năm từ thuở sơ khai
Cuộc đời mẹ Việt thiên gian khổ
Mưu sự tồn vong cuộc chiến dài

Từ thuở cùng cha đi mở nước
Tạo nên huyền sử giống tiên rồng
Khởi nguồn Hoa hạ đường nam tiến
Trải dọc bờ sóng gió Biển Đông

Qua cả nghìn năm đời Bắc thuộc
Cả nghìn năm độc lập dựng xây
Mấy trăm năm mở mang bờ cõi
Minh định giang sơn gấm vóc này

Từ lúc mang gươm đi mở cõi
Tự do mời gọi chí hào hùng
Phương Nam nắng ấm trời cao rộng
Biển cả mênh mông mộng vẩy vùng

Đất phương nam gió lồng trăm hướng
Nước Cửu Long cuồn cuộn phù sa
Dòng sông con nước hiền hòa
Cánh cò bay lả bay qua khắp miền

Người phương nam lưu truyền khí phách
Nếp tự do chống ách bạo tàn
Bước chân mở nghiệp khai hoang
Con đường dân chủ mở mang dân quyền

Cuộc vân cẩu trắng đen lẫn lộn
Người dân quê số phận hẫm hiu
Mấy mươi năm cuộc đời lam lũ
Quanh quẩn chưa ra khỏi kiếp nghèo!

Nguyễn Đắc Thắng
28-04-2015

***
Hôm nay, ngày 28 tháng Tư năm 2015, nhằm ngày Mùng 10 tháng 3 Âm lịch, làm cho Đỗ Chiêu Đức tôi nhớ câu Ca dao :

Dù ai buôn bán ngược xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba!

Nên... Có đôi dòng Cảm Tác nhân ngày GIỖ TỔ 

Nhớ Ngày Giỗ Tổ

Mười tám đời Vua dựng nước ta,
Bốn ngàn năm cũ có đâu xa.
Hà Đồ Hồng Lạc còn ghi dấu,
Dòng giống Rồng Tiên mãi chẳng nhòa.
Dựng nước Tổ Tiên đà gắng sức,
Giữ nhà con cháu quyết xông pha.
Dù cho đi ngược về xuôi vẫn...
Luôn nhớ Mùng Mười giỗ Tháng Ba!

Đỗ Chiêu Đức
***
Giỗ Tổ Hùng Vương 

Giỗ Tổ Hùng Vương lịch sử ta,

Công ơn Trời Biển, nước non nhà.
Cháu con Hồng Lạc mang tâm huyết,
Dòng giống Rồng Tiên tiếp bước xa...
Tổ Quốc ghi công xây dựng vững,
Quê cha mồ mã của Ông Bà...
Làm ăn sinh sống đời xuôi ngược,
Giỗ Tổ Mùng Mười nhớ Tháng Ba...

Mai Xuân Thanh


Thơ Tranh: Lẻ Loi Chiều Tà Trông Bạn

Chia sẻ cùng bạn Khánh Hà


Ảnh chụp: CKNguyễn
Thơ Cảm Tác: Khánh Hà

Sợi Tóc Vô Tình


Cơn gió vô tình, bay chiếc nón!
Tôi vờ nhặt lấy để xem tên
Hương thơm thoang thoảng len mùi tóc
Phải chút hương tình em bỏ quên??

Sợi tóc vô tình đã vướng quai
Tóc làm vương vấn chút hồn ai
Đêm về mãi nhớ mùi hương tóc
Nón đã trả người sao vẫn say??

Trách gió vô tình thổi nón bay!
Để ta sầu nhớ suốt đêm ngày
Vần thơ viết vội cài lên nón
Trao lại người rơi: tình chẳng phai

Em đã quên rồi có phải không??
Để hồn thơ thẩn cứ hoài mong!
Gió ơi! Thổi nữa làm rơi nón
Sợi tóc se tơ mối chỉ hồng


Song Quang

Bước Chân

Cộc..cộc..cộc..
         Thầy Đoàn ngưng giảng bài, nhìn ra, thầy Hiệu Trưởng đang trước cửa lớp.
- Các Em chờ Thầy một lát.
         Thầy bước ra cửa:
- Có gì không gì anh Bằng?
- Không gì quan trọng, chỉ muốn báo cho các em học sinh một chuyện.
- Vậy à, mời anh.
         Hướng về học sinh, thầy Đoàn nói:
-Chúng ta tạm ngưng, Thầy Hiệu Trưởng có chuyện thông báo với Các Em.
         Quay sang thầy Bằng:
- Mời thầy Hiệu Trưởng.
         Thầy Bằng bước vào lớp, tất cả học sinh đứng lên chào.
- Chào các em, các em ngồi xuống, Thầy đến báo với các em một tin, bắt đầu từ hôm nay, Cô Phương sẽ thay Thầy Vân hướng dẫn lớp 8A, lớp 9 các em sẽ do Thầy Đoàn hướng dẫn. Thầy hy vọng các em sẽ không thất vọng dưới sự hướng dẫn của Thầy Đoàn. 
         Thôi, Các em tiếp tục học. Chào Các em
         Lớp vang lên tiếng reo, có em im lặng. Nhóm thì mừng nhưng cũng có những em buồn.
         Sau khi bắt tay thầy Bằng, thầy Đoàn bước vào lớp:
- Các em đừng buồn, tuy cô Phương không còn hướng dẫn, nhưng vẫn tiếp tục dạy Các em. Bây giờ chúng ta tiếp tục bài học. Vào giờ học sau Thầy Trò mình có chuyện cần thảo luận.
.............................. .............................. .............................. ........................

- Hôm nay các em học đến đây thôi, 15 phút còn lại chúng ta sẽ bàn một chuyện rất mới với các em cũng như với trường chúng ta.
- Chuyện gì mới vậy Thầy? - Thầy nói mau đi Thầy...
-Các Em im lặng đi, Thầy nói ngay đây.
         Hiện nay trường dự định làm Đặc San, lớp được giao thực hiện là lớp các em, và Thầy có trách nhiệm hướng dẫn các em từ khởi sự cho đến khi hoàn thành.
- Làm Đặc San khó hông Thầy?
- Chúng em sẽ làm gì? 
- Bài vở ai viết Thầy? 
- Mướn ai in thầy?....
         Rất nhiều câu hỏi được các em đưa ra.
- Được rồi, thầy sẽ giải thích từ từ cho các em. Khi muốn làm một quyển đặc san, trước hết chúng ta đặt tên và xác định chủ đề cho quyển đặc san. Từ đó chúng ta sẽ sáng tác văn, thơ, truyện ngắn, truyện vui, các bài sưu tầm, câu đố ...theo chủ đề đó.
          Điều quan trọng là chính các em sẽ thực hiện từ hình thức đến nội dung quyển Đặc san này. Thầy và tất cả Thầy Cô trong trường sẽ giúp đỡ các em trong việc chỉnh sửa bài viết và chỉ dẫn các em tập in ấn. Nói tóm lại, quyển đặc san này là của các em, do chính tay các em làm nên.
- Nhưng tụi em không biết gì cả 
- Phải bắt đầu từ đâu 
- Sẽ phải viết những gì?
 .....
- Chuyện này Thầy sẽ sắp xếp và hướng dẫn các em làm theo trình tự như sau:
  
1- Chủ Đề
2- Đặt tên tờ đặc san
3- Nội dung bài viết 
4- In ấn và hoàn thành

-  Chúng em có cần hùn tiền không Thầy?
- Không, các em không phải đóng tiền. Tất cả chi phí Nhà Trường sẽ xuất quỹ cho chúng ta, bây giờ chúng ta bắt đầu, 
      1-  Trước hết, thầy nói về chủ đề.
         Đây là trường học, Chúng ta là học sinh, đương nhiên đây là chủ đề chính.
       2- Đặt tên cho tờ Đặc San
          Tên tờ đặc san cũng dựa vào chủ đề, nhưng mang ý nghĩa rộng và sâu hơn chỉ cần không đi quá xa chủ đề là được.
           Chúng ta sẽ đặt tên cho tờ đặc san này, các em cứ đề nghị lên, nhưng khi đề nghị một cái tên các em phải nêu rõ ý nghĩ cũng như lý do chọn tên đó, sau cùng cả lớp sẽ biểu quyết chọn tên nào.
          Bây giờ các em suy nghĩ và đề nghị.
.............................. .............................. .............................. ..................

- Thưa thầy, em đề nghị tên là "Mực Tím" vì mực tím cũng tượng trưng cho tuổi học trò.
- Thưa Thầy, em thấy không đúng vì hiện nay đâu có ai viết bằng mực tím đâu, chỉ viết toàn là mực xanh và viết nguyên tử không hà (thời đó những cây viết BIC ngòi bút bằng những viên đạn tròn nhỏ bút bi được gọi như thế).
- Các em đề cử thêm đi chúng ta còn chọn lại nữa mà
- Thưa thầy, em đề nghị lấy tên "Hoa Phượng", vì loài hoa này gắn liền với tuổi học trò.
- Em phản đối vì hoa Phượng là nói đến mùa hè còn bây giờ đã qua mùa hè rồi.
.............................. .............................. .............................. ...........................

- Các em còn đề cử thêm không?  bây giờ Thầy cũng đề cử một tên
- Tên gì Thầy?
- Thầy đề cử tên : "Những bước đi"
- Có ý nghĩa gì vậy Thầy?...
- Thầy sẽ giải thích sau. Bây giờ để các em dễ dàng trong việc lựa chọn cái tên cho quyển đặc san của mình,Thầy sẽ giải thích từng cái tên.
         Trước hết Thầy nói về "Mực tím".
- Đúng là ngày nay không còn sử dụng mực tím. Vào cái tuổi của thầy, ở những năm học Tiểu học, ngoại trừ lớp Năm tức lớp Một ngày nay, phải viết bằng viết chì, tất cả học sinh các lớp trên khi đi học đều mang theo bình mực tím và những cây viết có ngòi hình lá tre nên thường được gọi là "viết lá tre", mỗi khi viết sẽ chấm vào bình mực, khi viết hết mực trong ngòi tiếp tục chấm mực tiếp...
         Sau giờ tan học, nếu để ý, sẽ thấy hầu hết các em nhỏ tay dính đầy mực tím. Có những em mực tím lem cả áo quần.
         Giờ nhớ lại những cảnh hồn nhiên ngây thơ ấy, thầy cảm thấy bồi hồi luyến nhớ.......

- Bây giờ mà trở lại như thế, chắc một ngày thay không biết bao nhiêu là cái áo,
-Còn bị đòn nứt đít nữa...
- Lúc đó Thầy và các bạn có chơi trò tạt mực vào nhau không Thầy? - Chắc vui lắm.
- Ở đó mà vui. Thế nào cũng bị đòn, về nhà còn bị Ba  Má khẻ roi vô đít nữa phải hông Thầy?
- Đúng vậy, Thầy vẫn không quên giọng nghiêm khắc của Ba, những lời khuyên dỗ yếm âu của Má sau những buổi tan trường.
         Nhưng cũng may là sau đó có những bình mực không đổ rất tiện cho các em học trò Tiểu Học.
- Thầy kể nghe hay và dễ thương quá....
- Thầy còn nhớ một đoạn bài thơ "Màu mực tím" của nhà thơ Kiên Giang, giờ đọc cho các em nghe

            Màu Mực Tím
Mực tím phai rồi anh vẫn nhớ
Mùa hoa điệp nở, mộng ngày xanh
                                                        KG

Tôi đã tương tư màu mực tím
Từng ngày mới viết chữ A, B
Cong queo dòng bút tình thơ dại
Chữ nghĩa đẹp trong nét vụng về
Mỗi lần trái mồng tơi chín
Anh hái làm mực tím
Tặng cô bạn nữa ve bầu
Cô đem mực tím nhuộm màu áo thơ
Từ ngày nhuộm áo màu tim tím
Bè bạn gặp em ở cổng trường
Thường gọi : Này cô em áo tím
Cho anh nhểu mực viết văn chương

.............................. .....
- Rất tiếc là Thầy chỉ nhớ có bấy nhiêu thôi.
-Thật là thơ mộng và hay quá hén Thầy.

          Tiếp theo Thầy nói về "Hoa Phượng"
           Phượng Vỹ theo nghĩa Hán Việt là đuôi chim phượng hoàng, do những nhánh lá non xoè giống đuôi phượng. Trước đây ở Việt Nam mình không có Cây Phượng.Theo Thầy biết Phượng Vỹ gốc ở Phi Châu. Khi Pháp sang xâm chiếm nước ta, họ đem giống Phượng trồng suốt từ Nam ra Bắc. Hoa phượng không chỉ có màu đỏ, Phượng còn có màu Vàng, có nơi gọi là Điệp (thời bấy giờ ở VN chưa có phượng tím và phượng trắng)
           Như các em thấy, hoa phượng chỉ nở vào lúc các em nghĩ hè. Khi những cành phượng bắt đầu nở nhưng bông hoa đỏ rực, chúng ta biết ngay mùa hè đang đến, niên học sắp hết, giây phút chia tay cũng cận kề. Không biết bao nhà thơ đã thi vị hoá hoa phượng,đồng hoá hoa phượng với tuổi học trò và còn gọi hoa phượng là hoa học trò. Nói đến đây Thầy nhớ đến bài thơ thật hay và buồn của nhà thơ Xuân Diệu :


"Phượng mười năm"  

Phượng trong sáng nảy hồng trên một cõi 
Như muôn đàn cùng gảy dưới mái cao 
Ánh sáng trùm trong không gian vòi vọi 
Tấc lòng hè kiều diễm hoá ly tao 

Biển bướm đỏ rào rào trong gió mát 
Lá non xanh như suối chảy trên trời 
Phượng, phượng hỡi, cớ sao mà man mác 
Mỗi mùa hè run rẩy dưới triều môi 

Xanh đã ngủ ở dưới trời yên tĩnh; 
Đỏ còn ngân trong tiếng nói dịu dàng; 
Ta mơ màng thấy gió đang sóng sánh, 
Trống sân trường văng vẳng đánh - mười năm. 

Mười năm phượng, phượng huy hoàng vẫn phượng 
Áo trắng trong ngày tháng phất phơ soi 
Ta cùng mình như cành cây riết quấn 
Vương lòng nhau ràng rịt biết bao đời 

Phượng mười năm.... hiu hắt gió mười năm 
Yêu mười năm.... nhớ muôn thuở.... mười năm
                

- Thầy đọc bài thơ nghe hay quá 
- Sau này khi nào dư giờ, Thầy ngâm thơ cho tụi em nghe nghen Thầy.
- Nghe các em khen thầy nhớ lại khi còn học lớp Đệ Tam ( lớp 10 bây giờ), giáo sư Lạc, Thầy của Thầy. Thầy Lạc ngâm thơ rất hay, những bài thơ Thầy ngâm đều là những bài thơ rất nổi tiếng như Màu tím hoa sim, Đôi mắt người Sơn Tây, Hổ nhớ rừng...chính thầy cũng ảnh hưởng phần nào nơi Thầy Lạc.
- Vậy mai mốt Thầy ngâm những bài đó cho chúng em nghe đi Thầy..
- Được rồi, giờ chúng ta tiếp tục.
         Bây giờ thầy giải thích về "Những bước đi"
          Loài người chúng ta thoát khỏi kiếp thú, khởi sự với cách di chuyển bằng hai chi dưới mà ta gọi là chân. Khi đứng vững được trên đôi chân, chập chửng với bước đầu tiên là một việc khó khăn phải gắng gượng cho khỏi ngã. Khi đã bước được bước đầu tiên, những bước sau dễ dàng hơn. Từ khi con người di chuyển nhanh nhẹn trên đôi chân của mình, sự tiến hoá càng phát triển rất nhanh.
         Trở lại đặc san của chúng ta, đây là quyển đặc san đầu tiên của trường này, giống như bước chân đầu tiên của loài người. Chính các em là những học sinh tạo nên bước đầu tiên, để rồi sau đó các lớp đàn em sẽ tiếp nối bước thứ hai, thứ ba...và cứ thế những bước đi sẽ tiếp tục mãi.
         Đó là ý và cũng là mong ước của Thầy khi đề nghị lấy tên " Những bước đi".
   .............................. .............................
- Thầy đã giải nghĩa rõ về ý của ba tên được đề nghị, bây giờ các em suy nghĩ và chúng ta biểu quyết bằng cách bỏ thăm kín cho công bằng.
.............................. .............................. .........
        
          Sau khi kiểm phiếu, tên được chọn cho quyển Đặc San là "Những Bước Đi".

- Tiếp tục,Thầy nói về vấn đề thứ ba
         3- Nội dung bài viết 
- Các em sẽ viết về đề tài học đường, về học sinh, về con đường phía trước, những mơ ước ở tương lai. Nói chung, các em sẽ viết về những suy tư, những cảm nhận về tuổi học trò của các em.
         Các em có thể viết bất cứ thể loại nào, văn xuôi như hồi ký, truyện ngắn, chuyện kể, ký sự, tự sự ...văn vần như thơ Lục Bát, Song thất Lục bát, Thơ Mới...hay sưu tầm những mẫu tin về khoa học văn chương, chuyện vui cười....
         Tóm lại ,các em thích thể loại nào thì viết nấy, 
         Các em có hiểu chưa? hay còn thắc mắc gì? 
          Nên nhớ, tất cả các em đều phải viết, mỗi em ít nhất là một bài.
- Thưa Thầy nhưng mà tụi em không quen viết, làm sao mà viết đây?
- Khởi đầu bao giờ cũng khó, nhưng quan trọng là ý tưởng, cứ coi như các em đang viết một bài luận văn mà đề tài do chính các em tự đặt ra. Theo kinh nghiệm của Thầy, các em cứ mạnh dạn viết rồi ý tưởng sẽ tuôn tràn ra trang giấy, từ từ các em sẽ quen và viết dễ dàng. Các em đừng ngại rằng mình viết dỡ, đã có các Thầy Cô sẽ sửa bài cho các em trước khi in.
          Hãy mạnh dạn lên, những gì người làm được thì các em cũng làm được. Trong khi sáng tác viết bài, các em cần hỏi gì, cứ đến gặp thầy, thầy sẵn sàng chỉ dẩn.
         Các bài viết xong, các em sẽ giao cho Út Trưởng ban văn nghệ và báo chí của lớp. 
         Sao, các em còn thắc mắc gì không? nếu không, chúng ta tiếp tục phần cuối cùng.
         4- In ấn và đóng cuốn.
- Trong việc in ấn này, chúng ta sẽ sử dụng phương pháp in lụa thủ công, chúng ta sẽ in tại trường. Việc này Thầy khá rành.
          Chúng ta sẽ mướn đóng những khung gỗ chữ nhật kích thước 30 cm x 40 cm,sau đó căng loại vải KT 2000 hay KT 4000 lên khung.
          Về bản in Thầy sẽ hướng dẫn các em viết bài hay vẽ trên các tờ giấy sáp Stencils hoặc đánh máy để làm bản in, qua các công đoạn đó,Thầy sẽ hướng dẩn các em cách in.
          Sau khi tất cả đã được in xong, chúng ta sẽ tự đóng cuốn, để cho quyển đặc san được đẹp, mình sẽ mang ra Cà Mau mướn cắt cho ngay ngắn. Thế là các em đã tự tay hoàn thành quyển đặc của các em, cũng là quyển đầu tiên của trường.
         Tuy nhiên, để mọi việc trôi chảy, các em phải hoà đồng với nhau, những xích mích, những bất đồng, hiềm khích trước đây phải dẹp bỏ, cùng chung sức một lòng để hoàn thành Đặc San này, tạo nên một tiền đề tốt cho trường và các lớp đàn em.
          Việc này các Em đồng ý với thầy không?
- Đồng ý 
- Hoan hô Thầy 
- Chúng em luôn nghe lời dạy của thầy.
- Chúng em sẽ hoàn thành Đặc San của chúng em, quyển đặc san đầu tiên của Trường
.............................. .............................. ...................

Cả không khí hào hứng, vui tươi, sôi động đang đến với cái lớp nổi tiếng phá phách và chia rẽ nhất trường.

 Huỳnh Hữu Đức