Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Thơ Tranh: Nỗi Nhớ Tháng Ba


Thơ: Nguyễn Gia Khanh
Thơ Tranh: Kim Oanh


Chiều Giao Mùa


(Tặng Kha Tiệm Ly)


A ghé thăm tôi
Một chiều đông lạnh
Con chim khách trên cành đang chuốt giọng
Như đón chào người khách đến chiều nay.

Khách mới đến
Nhưng từ lâu đã đến
Ngay bây giờ và cho cả ngày mai
Trông dáng anh với chiếc áo sờn vai
Của bao lớp bụi sương đời khổ lụy.

Đâu chén rượu men đời
Đâu mây ngàn gió ký
Đâu tình đời ấm lạnh
Đâu vui khổ đầy vơi !

Ta đi qua như một bữa cơm thôi
Mà vị ngọt chua cay lòng tự biết
Mà vị ngọt chua cay lòng chẳng thiết
Không nói ra, nhưng vẫn có muôn lời.

Tâm sự mùa xuân
Hơn ba mươi năm về trước
Khói lửa tưng bừng đốt cháy quê hương !
Những giọt lệ
Sầu đơn cắn vỡ
Lăn tròn xuống gầy mộng ước
Rồi hòa tan trong tim máu tình thương.

Ai đã đi qua đoạn đường gió bụi
Mà không đậu chút tình trong giao buổi
Để bây giờ
Khi hiểu được chuyện đời thêm
Để bây giờ khi lắng xuống trời đêm
Nghe trăn trở từng con tim nhân thế !

Vửa mới hôm nào mùa xuân bỏ ngõ
Bây giờ trước gió cánh mai đưa
Bên thềm sương người thơ còn đó,
Cùng ta đối ẩm chuyện sau xưa!

Chiều nay đương hội giao mùa
Cánh hoa phong nhụy nở đùa sắc hương.
Mai nầy đón gió ngàn phương
Cho lòng phơi phới trăm đường đầy xuân.
Cho con chim khách gọi mừng
Khách xưa lối cũ nghe chừng đâu đây.

Long xuyên, cuối đông 2013.
Mặc Phương Tử

Nỗi Nhớ Tháng Ba



Xướng: Nỗi Nhớ Tháng Ba

Sao bạn không về với tháng ba?
Nhặt bông gạo rụng đỏ hiên nhà
Tiếng ve sầu đã ran chiều vắng
Cánh én xuân vừa khuất nẻo xa
Chạnh nỗi người say trời lữ thứ
Ngùi đêm rượu đắng chén quan hà
Bâng khuâng trỗi nhớ ai ngàn dặm
Chốn cũ âm thầm một bóng ta.


Nguyễn Gia Khanh
***

Các Bài Cảm Tác:
Tháng Ba Hoa Gạo Nhớ Người

Đỏ mầu hoa gạo tháng ba
Chạnh lòng ai nhớ người xa phương nào
Ngày tơ nắng dạt hanh hao
Chút mây, chút gió mùa xao xuyến trời
Chút thương, chút giận tình ơi
Phụ phàng chi để sầu vơi vơi sầu!!!
Tháng ba hoa gạo đỏ mầu
Chạnh lòng ai chữ vần câu thơ hề 


Nhị(Cố Quận)

***
Tháng Ba Hoa Gạo Nhớ Nhung

Theo ai thơ thẩn tháng ba
Chạnh lòng xao xuyến tranh ta thơ người
Gom bao tâm ý từng lời
Vẽ lên mộng tưởng rạng ngời dáng xưa
Đón mùa nỗi nhớ vàng trưa
Hoa gạo thêu áo ươm vừa nhớ nhung
Tim mơ đỏ sắc thủy chung
Dặm ngàn lữ thứ trùng phùng tháng ba


Kim Oanh
***
Họa: Nỗi Buồn Tháng Ba

Làm sao gặp lại bạn quê nhà
Tay bắt mặt mừng cuối tháng ba
Bên đó trời hanh mong gió mát
Ở đây mưa lạnh nhớ tình xa
Sài Gòn hoa lệ xưa vang bóng
Đà Lạt phố buồn kỷ niệm ta
Cách trở ngàn dâu xanh vạn dặm
Chia tay cạn chén rượu quan hà

Mai Xuân Thanh
Ngày 22 tháng 03 năm 2018

Anh Mơ Ước - Thơ: Minh Hồ - Phổ Nhạc: Tha Nhân


Thơ: Minh Hồ 
Phổ Nhạc: Tha Nhân
Hòa âm: Nguyễn Thanh Hùng, 
Ca Sĩﱠ Nguyên Trường trình bày trong video Tấn Vinh

Độc Ẩm


Ta xin cạn chén rượu này
Mong gì nữa một lần say với người
Bận lòng chi mãi chuyện đời
Vàng son rồi cũng qua thời mây bay!

Một ta một rượu còn đây,
Rượu nào mà chẳng đắng cay thế tình.
Buồn nghiêng chén uống một mình,
Dù say dù tỉnh cũng đành câu thơ.

Quê hương xa lắc mịt mờ,
Núi sông đã lỡ hẹn hò mai sau.
Nắng mưa nhuộm trắng mái đầu,
Tháng năm sương gió dãi dầu nổi trôi!

Trắng đen mấy cuộc đổi đời
Được thua còn mất ngậm ngùi xót xa.
Lòng ta như đã trăng tà,
Đêm nay uống rượu phù hoa nhớ người

Hoa Văn
(Richmond. VA.)

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Thơ Tranh: Mùa Chay Thánh


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Ơn Cứu Độ



Vì yêu nhân thế Chúa ra đời
Thập giá khổ hình…đến chết thôi!
Ngẫm nỗi tội trần đang tiếp diễn
Suy niềm đạo hạnh đã phai rồi!
Quân phàm ngược ngạo: “đóng đinh nó”
Chánh án vô tâm bỏ mặc Người.
Sâu thẳm trái tim ơn cứu độ
Nhiệm màu nhập thể Đấng Ngôi Lời.

Đức Hạnh

Lễ Chúc Thọ Cửu Tuần Cho Má Anh Đỗ Chiêu Đức

Anh Đức về Viêt Nam 4 tuần để làm lễ chúc Thọ Cửu Tuần cho Má.  

Má là bà già mặc đồ xanh lá cây.

Đây là hình ảnh của các Con Dâu nhà họ Đỗ:

- Con dâu mặc đồ đen 99 tuổi, là Bác gái của anh.
- Con dâu mặc đồ xanh lá cây 90 tuổi là Má anh.
- Con dâu mặc áo bông trắng 64 tuổi là Bà xã anh.
- Con dâu mặc áo Cam vợt 55 tuổi là Em dâu của anh.
- Con dâu mặc áo bông trắng ngồi tận cùng bên phải 41 tuổi là Con dâu của anh.
Hai người còn lại là Con Gái nhà họ Đỗ là Cô Tư và Cô Ba của anh, một người 77 tuổi, một người 81 tuổi.

Đỗ Chiêu Đức

Xuân Giao Hưởng



Xướng: Xuân Giao Hưởng


Mới tết đây mà rộn tiếng ve
Phải chăng lẫn lộn giữa xuân hè?
Trời xanh thiếu én lao xao liệng
Hoa dại đầy đường nhạt nhẽo khoe
Chóng mặt liên miên ngày lễ hội
Đau đầu mắc mỏ giá tàu xe
Bực mình chưa kịp nằm ngơi nghỉ
Trong lá râm ran tiếng hát bè!


Cao Linh Tử
8/3/2018

***
Họa: Tản Mạn Giao Mùa


"Xuân - Hè"

Ve kêu chẳng thấy bóng kêu ve
Hè nóng giao mùa mới nóng hè
Liệng cánh chim gi bay cánh liệng
Khoe màu tốt mã cũng màu khoe
Hội xuân pháo nổ vang xuân hội
Xe giá dầu tăng đắc giá xe
Nghĩ cạn ham chơi là cạn nghĩ
Bè kết qua sông nắng kết bè...

Mai Xuân Thanh

Ngày 11 tháng 03 năm 2018
***
Cuối Xuân


Trên cành chưa rộn tiếng đàn ve
Đã thấy nồng oi ánh nắng hè
Én vắng, bồ câu chao cánh lượn
Phượng trơ, sứ đại hé đài khoe
Mồ hôi nhễ nhại khi ra phố
Mắt mũi hoa mờ lúc chạy xe
Đang cuối tiết xuân mà sớm nóng
Muốn ra sông biển, xuống thuyền bè.

Phương Hà
***
Sau Tết

Sau Tết chưa gì rộn rã ve,
Chao ôi nóng nực ngỡ trưa hè.
Nhành lan sắc thắm còn mơ mộng.
Cây quất trái quằn vẫn đứng khoe.
Quay lại Saigon người chật bến,
Trở về thành phố khách chen xe.
Ngày xuân lễ nghỉ qua nhanh chóng,
Lưu luyến người em luyến bạn bè.

Mailoc
3-8-18
***
Thật Thú Vị

Âm thanh văng vẳng tựa chàng ve
Xui khiến thi nhân ngỡ tiết hè
Nên muốn buông thơ chào nắng mới
Đâu ngờ hoa nở tỏa hương khoe
Thôi thì xuân cảm từ mau dệt
Kẻo lỡ vận rồi ý khó xe
Chả mấy chốc nên bài khởi xướng
Vườn Thơ rộn rã kết câu bè.

Quên Đi
***
Mùa Sang

Can gì bận bịu tiếng vo ve
Tiễn bước xuân qua lại đón hè
Én liệng mùa xong tìm tổ nghỉ
Hoa mừng nắng ngập mở đài khoe
Thênh thang lựa nẻo hoà mây nước
Lững thững men đường rảo ngựa xe
Hữu cảnh sinh tình dòng chảy cuộn
Thiên nhiên điệp khúc chuyển tông bè.

Mai Thắng 
180309
***
Xuân Giao Hưởng

Vừa Xuân mà rộn tiếng vo ve
của bướm và ong rợp cánh khoe
Khiến ngỡ đã vào mùa lễ hội
Lại ngờ gần đến tiết Xuân Hè
Cội MAI sau Tết cành cành xanh lá
Cây Quất trong vườn trái xum xoe
Ra biển người đông đùa song nước
Ngoài xa thấp thoáng bóng tàu bè

Song Quang
3/12/18
***
Âm Xưa

Ai người rơi lệ khóc cùng ve
Như thở như than mỗi độ hè
Còn đó hương xuân tàng phượng đã
Vì sao cánh thắm sắc màu khoe
Bên nhau kỷ niệm thời thơ dại
Chia cách đôi đàng một chuyến xe
Từ đấy âm xưa còn sót lại
Vẳng trong lá biếc tiếng ca bè

Kim Phượng

Vườn Xoài Ngày Xưa


Nhà tôi ở một làng quê nằm bên bờ con sông Cái Cối, đổ ra sông Tiền Giang. Đối với tôi ngày còn nhỏ, con sông này mênh mông quá, nhất là vào mùa "nước nổi" khoảng tháng tám, tháng chín. Lúc đó, giòng sông như bụng của một con quái thú to phình ra, nước đục lờ và chảy xiết hơn. Nhiều hôm, nước dâng cao tràn bờ, ngập cả những khu vườn hai bên sông. Mỗi lần nước ngập như vậy, bọn con nít chúng tôi thích lắm vì được ngồi ở thềm nhà câu cá, xếp giấy thả tàu, hoặc lấy cây khều những "con nước" có hình dáng như con sâu dài ngoằn, màu sắc rất đẹp. Nhưng nước thường không ngập lâu, chỉ vài tiếng đồng hồ, họa hoằn lắm mới kéo dài một hai ngày. Nước rút đi để lại trong sân, trong vườn một lớp bùn non. Cây cối trong vườn không bị hư hại, mà trái lại được vun bón bằng một lớp phù sa, nên xanh tốt quanh năm, mùa nào thức ấy. 

Có những khu vườn chỉ trồng một loại cây như ổi xá lị, cam, quít... Có những khu vườn trồng đủ các loại cây. Cây xoài thì hầu như nhà nào cũng có, không nhiều thì ít, đem lại nhiều huê lợi cho chủ vườn. Vườn nhà tôi có gần đủ các loại xoài, từ loại thường như xoài tượng, xoài voi, xoài thanh ca, xoài ngựa, xoài hòn, xoài đá ...đến loại quí như xoài thơm, xoài Châu Hạng Võ và mới nhất là xoài cát.

Xoài tượng trái to, hơi dài, ít chua nên ăn sống rất ngon; để chín ăn rất lạt. Người ta hay ăn xoài tượng sống với nước mắm đường. Phải dùng loại nước mắm thật ngon, pha ít mắm nhiều đường, giầm thêm chút ớt hoặc rắc thêm chút tiêu. Miếng xoài tượng xắt không quá mỏng, đừng quá dầy, đem chấm ngập vào chén nước mắm, chưa kịp cho vào miệng đã chảy nước miếng; cắn vào, nghe đủ vị chua, ngọt, mặn, cay và dòn. Ai nếm qua cũng phải hít hà khen ngon. Xoài tượng chấm muối ớt cũng ngon lắm nhưng muốn ngon hơn nữa, thử ăn với mắm ruốc giầm ớt hiểm. Vị chua của xoài gần như biến mất khi gặp mắm ruốc nên ăn hoài không chán. Chỉ có điều sau đó sẽ xót ruột, khát nước. Xoài tượng giầm cam thảo vừa ngọt vừa chua, màu vàng ươm, phết thêm muối ớt, chỉ nhìn thôi đã phát thèm. Xoài voi cùng họ tên với xoài tượng nhưng trái tròn và nhỏ hơn; rất chua lúc còn xanh nhưng chín thì ngọt lịm, nhiều nước. Xoài thanh ca lúc sống cũng chua như xoài voi. Loại này trái dẹp, không to lắm, đầu to dít nhỏ, có hình cong cong như mặt trăng. Xoài thanh chín ngọt thanh. Có trái bị "trăng ăn", đó là những chỗ chai hình tròn, nhỏ, trong thịt xoài. Nhiều trái bị đẹt, hột dẹp lép, trẻ con rất thích cạp. Xoài ngựa hơi giống xoài thanh ca về hình thức, không mấy ngon vì có nhiều xơ. Xoài hòn trông giống xoài voi nhưng to hơn. Xoài đá trái tròn và nhỏ. Ngoài các loại thông thường trên, vườn tôi còn có ba cây xoài thơm, trái tròn dài, ngon, thơm như tên của nó, và hai cây xoài Châu Hạng Võ. Tôi không biết tên này có đúng không nhưng lúc nhỏ tôi vẫn nghe người lớn gọi như vậy. Xoài này có vẻ hiếm vì sau này tôi không thấy ở đâu có bán. Thịt xoài Châu Hạng Võ vừa ngọt dịu vừa thơm, lại có màu ửng hồng rất đẹp; trái trông giống xoài cát nhưng nhỏ hơn.


Nhắc đến xoài cát, tôi còn nhớ rõ hôm đó ba tôi nhờ người chèo tam bản qua làng Hoà Lộc để thăm một người bạn. Khi đi, ba tôi mang theo quà cáp như thường lệ nhưng lần này lại có thêm hai nhánh bưởi ổi Biên Hòa vừa mới chiết xong. Thuở đó ở nhà quê người ta hay biếu nhau những sản vật trong vườn nhà, như một trái mít nghệ, một giỏ cam sành, một rổ quít đường, hoặc một cặp vịt ta hoặc một con gà mái dầu...Những loại cây mới cũng là món quà người ta hay biếu xén lẫn nhau. Khi trở về nhà, ghe vừa cặp bến, ba tôi vội mang lên khoe với cả nhà hai cây xoài con được bầu trong bẹ chuối. Ba nói đó là xoài cát mới lấy giống từ bên Miên mà người bạn bên Hòa Lộc tặng cho. Loại xoài này trái to, thịt dẻ và ngọt đậm đà, ngon hơn mọi loại xoài khác. Hai cây này lại là xoài chiết, rất mau có trái. Ba nói sẽ trồng gần nhà cho tôi, chừng ba năm sau là tôi có thể đứng dưới đất hái trái xoài cát đầu mùa.

Đúng như lời ba tôi nói, ba năm sau hai cây xoài cát của tôi đã ''xây bàn thang'' và trổ bông lần đầu, đậu được hơn hai mươi ''trái chiếng''. Thân cây thấp nên trái thòng xuống gần mặt đất, ba tôi phải dùng nạng chống lên cho người đi dưới khỏi đụng đầu. Trái xoài cát to như xoài tượng nhưng ngắn hơn, ức no tròn, đít nhọn. Khi già rọi, da xoài như áo một lớp phấn trắng bên ngoài, nhìn kỹ sẽ thấy những chấm đen nhỏ li ti. Một buổi sáng, tôi ra thăm cây xoài của mình chợt thấy một trái chín bói ức ngả màu vàng. Tôi mừng rỡ reo lên. Ba tôi chạy ra gỡ bỏ cây nạng chống để trái xoài thòng xuống thấp cho tôi hái được trái chín đầu mùa. Ăn xoài cát lúc vừa chín tới mới thưởng thức hết được hương vị ngon ngọt, đậm đà của nó; ăn lúc chín quá chỉ thấy vị ngọt mà thôi. Xoài cát cũng có hai loại - cát đen và cát trắng. Cát đen da màu xanh đậm hơn cát trắng. Cả hai đều hột nhỏ, cơm dày, thịt dẻ và ngọt; ai ăn cũng thích. Những năm đầu, xoài cát bán rất được giá vì người ta mua để làm giống.


Quê tôi lúc đó có phong trào trồng xoài cát. Nhiều đám ruộng, đám rẫy được phá đi; người ta móc mương, lên liếp để lập vườn trồng xoài. Nhà nào có xoài cát trước được bà con dặn mua trái để làm giống. Nếu không tự ương, chủ vườn có thể mua xoài con từ những ghe bán cây giống xuôi ngược trên sông. Chỉ cần dặn trước vài tháng là có cây chở tới. Người ta thường trồng vào đầu mùa mưa.

Cách trồng xoài cổ điển là ương hột. Hột được lấy từ những trái to, đầy đặn. Khi ương người ta thường tách bỏ lớp vỏ ngoài của hột, chỉ lấy phần lõi bên trong đem vùi trong đất xốp và ẩm. Bằng cách này hột mau lên cây và theo kinh nghiệm, cây xoài về sau ít bị "đốc", tức là bị lai một giống khác với cây nguyên thủy. Xoài gieo bằng hột sống lâu và cho nhiều trái nhưng phải mất bảy, tám năm mới bắt đầu có trái. Nếu trồng xoài tháp hoặc chiết chỉ mất khoảng ba, bốn năm nhưng cây lại mau lão. Vì vậy chủ vườn thường trồng xen kẽ hai đợt khác nhau sao cho khi đợt đầu lão thì đốn đi, đợt sau cũng vừa có trái. Muốn chiết xoài, người ta chọn những nhánh thẳng và sung, cắt và lột đi một khoảng da rồi bó lại bằng rễ lục bình hoặc rơm trộn đất. Phải tưới thường cho chỗ chiết mau đâm rễ. Cây thường được chiết vào mùa mưa để khỏi phải tưới. Khi rễ đã ra đủ, phần nhánh chiết được cắt rời thân cây mẹ để đem trồng chỗ mới.


Tháp cây là lấy mắt tháp, tức một mảnh vỏ của một cây loại ngon đem ghép vào chỗ đã lột da của nhánh hoặc thân một cây đồng loại, nhưng có đời sống lâu hơn hoặc cho nhiều trái hơn. Mắt tháp phải lấy ở chỗ có mụt để về sau đâm chồi. Chỗ tháp được bó lại cho đến khi phần này liền lạc của thân cây chủ thì có thể cắt bỏ phần trên của cây chủ để nhánh mới đâm ra từ mụt phát triển mạnh. Trong vườn nhà, hồi đó ba tôi có tháp xoài hòn vào một cây xoài ngựa và giữ lại một nhánh xoài ngựa chớ không cắt hết; thành ra một cây xoài mà có hai nhánh cho hai loại trái khác nhau, một bên xoài ngựa một bên xoài hòn.


Xoài ra bông vào khoảng tháng chạp. Lúc đó buổi sáng khí trời lành lạnh, tôi thường theo ba tôi đi dạo quanh vườn dưới những tàn xoài phủ bông trắng ngà. Hoa so đũa cũng nở trắng trên cành.Tiếng cu kêu rộn rã. Đó là thời gian người dân quê chuẩn bị ăn tết. Năm nào xoài trổ bông nhiều thì hình như cái tết cũng vui hơn. Bông xoài có cuống dài khoảng ba tấc, tỏa ra nhiều nhánh mang chi chít những hoa nhỏ. Hoa tàn kết thành trái non gọi là "trứng cá". Tùy theo điều kiện nắng và gió, bông xoài đậu ít hay đậu nhiều. Mỗi bông xoài mang nhiều trứng cá lúc còn non nhưng sẽ rụng dần, khi lớn lên chỉ còn giữ lại năm ba trái. Ở giai đoạn kết trứng cá, hoa xoài đổ rơi xuống đất mang theo một lớp nhựa dẻo, dinh dính trên lớp lá mục nằm dưới gốc xoài từ năm này sang năm khác, tạo thành mùi hương ngai ngái của những buổi sáng trong vườn.


Khi xoài bắt đầu lớn, các lái xoài đến từng vườn để ước lượng số thu hoạch rồi trả giá. Chủ vườn thường chừa lại vài cây để ăn, còn thì ''bán sát'' cho các lái xoài. Khoảng tháng năm, tháng sáu xoài bắt đầu già và chín. Đây là thời gian vui vẻ của bọn con nít chúng tôi. Mỗi lần trời giông gió, chúng tôi đứng hờm sẵn dưới gốc để lượm xoài rụng. Cơn giông thổi qua, những chùm xoài dong đưa mạnh trên cành. Chờ nghe tiếng "soạt soạt" ở hướng nào là đám con nít chạy nhào về phía đó. Sáng nào chúng tôi cũng cố thức dậy thật sớm, để đi lượm trước mấy đứa khác những trái xoài chín bói bị dơi gặm đêm qua. Nhiều khi trong nhà có sẵn xoài, ăn không hết, nhưng đứa nào cũng thích lượm xoài. 

Hồi đó tôi có một đứa bạn chơi chòi; nhà nó ở cách nhà tôi một con rạch có chiếc cầu khỉ bắc ngang. Sáng nào tôi với nó cũng tranh nhau thức sớm để đi lượm trước. Một hôm tôi thức sớm hơn nó, vội vàng chạy đi lượm hết những trái xoài rụng trong vườn. Lát sau, tôi thấy nó hăm hở bước qua chiếc cầu khỉ, dáo dác đi tìm hết gốc nọ tới gốc kia. Tôi đứng ở một chỗ khuất nên nó không thấy tôi, còn tôi có thể thấy nó tiu nghỉu bước về tay không. Tôi bỗng tội nghiệp nó quá. Mấy hôm sau, dù có thức sớm hơn nó tôi cũng chỉ lượm ít ít, để dành phần lại cho nó. Hình như nó cũng phát giác được điều này và cũng làm như tôi nên từ đó về sau, bữa nào tôi có ngủ quên, đi lượm trễ thì vẫn có xoài để mà vui. 

Khi lượm xoài, bọn chúng tôi không quên nhìn xuống bãi sông, những chỗ có xoài de bóng ra. Xoài rụng xuống bãi bị lún trong bùn, chỉ còn nhô lên một phần nhỏ nên phải để ý kỹ mới thấy được. Những cây xoài de ra sông, nhiều khi trái đeo lủng lẳng gần chạm mặt nước; ghe xuồng bơi qua bơi lại phải lách đi để tránh. Người ngồi trên xưồng chỉ cần giơ tay là chạm trái xoài nhưng không ai hái của ai; trừ khi gặp trái chín bói thì có thể hái xuống ăn giùm chủ vườn, để chim ăn cũng uổng.


Các lái xoài canh lúc xoài vừa già rọi thì mướn người tới hái. Hái sớm quá xoài giú sẽ bị chua; hái trễ quá sẽ hao hớt vì xoài rụng, bị dơi, chim ăn. Người hái xoài luôn luôn chuẩn bị một bịch tro đeo trên cổ, phải trèo thật nhanh lên cây, chọn một cháng hai, cháng ba nào đó để đứng cho vững rồi bắt đầu xát tro. Cần phải xát mọi nhánh chung quanh chỗ đứng, dưới chân, trên đầu để kiến vàng khỏi kéo tới làm thịt. Kiến vàng hay làm ổ trên cây xoài, thân to, bò rất nhanh, vừa cắn vừa cong đít đái vào chỗ cắn nên vết thương vừa đau vừa rát. Khi người trên cây đã an vị, người dưới đất đưa lên cái lồng có máng theo cái cần xé nhỏ buộc đầu một sợi dây luộc dài chấm đất . Người hái kiếm chỗ thuận tiện treo cái cần xé rồi bắt đầu đưa lồng hái. Gặp chùm xoài quá sai, không lọt hết vô lồng, trái bên ngoài dễ bị rụng khi hái. Những trái chín cây đã bở cuống nên nhiều khi mới đụng lồng tới đã rụng.

Trái rụng là phần của bọn con nít đang đứng hôi dưới gốc. Đôi khi lâu quá không có trái nào rụng, bọn con nít buồn hiu, người hái cố ý làm rụng vài trái cho đám con hôi vui vẻ. Khi cần xé đã đầy, người hái cho xuống giỏ. Người bên dưới chất xoài qua cần xé lớn rồi chuyển xuống ghe và sau đó được bán cho các vựa trái cây ở tỉnh. Cây xoài hái xong thường là còn sót vài trái, bọn con nít tha hồ dùng nạng giàn thung để bắn hoặc lấy đất chọi cho rụng xuống.

Xoài ''già rọi'' để tự nhiên cũng chín nhưng màu không được đẹp. Người bán thường dùng khí đá để giú. Xoài giú khí đá vẫn ngon ngọt nếu chỉ để khí đá cho đến khi xoài "trở mình" thì lấy khí đá ra, để xoài chín tự nhiên sau đó. Ở nhà quê, người ta giú xoài trong những lu, khạp bên dưới có lót lá chuối khô và đậy nắp lại. Mỗi ngày, xoài chín được lấy ra để ăn dần. Bọn con nít hay lấy riêng vài trái, dúi vô khạp gạo hay bồ lúa. Lúc xoài chín rộ, nhiều khi buổi sáng mỗi người phải ăn điểm tâm năm bảy trái xoài. Xoài ăn nhiều quá dễ bị "nóng", mắt đổ ghèn, cổ khan. Người lớn khi ăn xoài dùng dao để gọt và cắt, còn bọn con nít thường thích lột vỏ rồi cạp. Mùa xoài, nhiều đứa bị mủ xoài "ăn" đến lở mép.


Hơn hai mươi năm sau, tôi không còn là một đứa bé mỗi buổi sáng tung tăng chạy đi lượm xoài. Nhưng tôi vẫn còn được nhìn thấy cây xoài. Chỗ tôi làm việc là một tòa nhà nằm trên đường Tự-do, gần nhà thờ đức Bà ở Sài Gòn. Qua khung cửa sổ từ lầu ba, tôi có thể nhìn ra một khoảng trời xanh và nhìn được bóng nắng lao xao trên những vòm cây. Một hôm tôi chợt thấy trong vòm cây có hình ảnh gì như quen thuộc lắm. Nhìn kỹ thì ra là một cây xoài. Thật khó mà tưởng tượng ngay giữa trung tâm Sài Gòn, có thể mọc một cây xoài. Nhưng đây chỉ là một loại xoài hoang, còn gọi là cây quéo, thân rất cao và lá ngắn hơn xoài thường. Rồi một ngày cuối năm, trời Sài Gòn gây gây lạnh, cây xoài hoang cũng nở cho tôi một vài bông. Mỗi lần gió thoảng qua khung cửa sổ mở rộng, tôi như nghe lại được hương thơm của những buổi sáng trong vườn.

Ở Sài Gòn, tôi cũng có được một chút dấu tích quê nhà Mỹ Tho của tôi. đó là cây mận hồng đào có kèm theo ổ kiến vàng mà tôi kỳ cạch mang từ dưới quê lên. Và có cả cây xoài cát nữa. Cây xoài này được chiết nhánh từ cây xoài tiên tổ mà ba tôi đã trồng cho tôi năm nào.

Những buổi sáng mùa xoài chín, khi tiếng chuông nhà thờ Chí Hòa đổ vang vang gọi người đi lễ sớm, tôi thường thức dậy đứng trong cửa sổ nhìn ra khoảng sân tráng xi măng trải dài dưới bóng xoài. đôi khi, một trái xoài chín rụng hồi đêm nằm trơ ở đó. Bây giờ, không còn ai để buổi sáng cùng tôi tranh nhau thức sớm chạy đi lượm xoài. Cũng không còn ai để kéo thấp nhánh xoài xuống cho tôi tự tay hái lấy trái chín đầu mùa. Tôi đứng nhìn trái xoài nằm bơ vơ trên khoảng sân lạnh lẽo, trong mắt tôi như có sương mờ. 

Khánh Hà

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Tui Du Ký


Những ngày này, nắng như đổ lửa. Con gái tôi thủ thỉ:
- Ba, con không biết đường đi, ba đưa giùm con đi Bình Minh, tìm xã Mỹ hòa để con hỏi về loại bưởi Năm roi.
- Bây giờ đã chín giờ, nắng hơi gắt rồi đó con. Ba cũng không rành vùng đó, nhưng thôi cứ đi, đến nơi mình sẽ hỏi thăm đường vậy con.

  
Nhà chỉ có hai cha con cùng với đứa cháu ngoại. Cháu hơn hai năm tuổi, không ai trông hộ, đành mang cháu theo luôn, biết đâu nắng gió giúp cháu mạnh khỏe hơn.Tìm hỏi vòng vo những vựa trái cây tại khu vực Bình Minh,vẫn không như ý, nên đành tìm đường đi tiếp đến Mỹ hòa, một nơi nổi tiếng bưởi Năm roi không hột.

Ôi thôi, đường đang được tu bổ, nên buị mịt mù, lởm chởm mấp mô. Tội nghiệp cháu ngoại tôi, ngồi trong lòng ông, hứng chịu nắng buị, lớp bị dằn xóc, lại sợ sệt, nên êm re.Từ Bình Minh, khoảng bảy cây số đườnf, rẽ phải, qua chiếc cầu bê tông dài, nhưng hơi hẹp là đến nơi. Ở đây, có đến vài vựa bưởi, nhân công đang gánh bưởi từ ghe neo đậu trên con rạch. Trông họ thật vất vã, nhưng không kém thơ mộng.


Hỏi bạn mối lái, giá cả chuyên chở, sau đó chúng tôi tiếp tục lên đường đi Tam Bình, cách nơi đây khoảng hai mươi cây số. Tội nghiệp cháu tôi không kêu khóc vòi vỉnh chi cả, chỉ uống sữa thaycơm. Còn cha con tôi vì vội nên từ sáng đến giờ, không thứ chi bỏ bụng, chạy ngược xuôi. Cuối cùng cũng tìm và mua được cam sành Tam Bình.

Trong lúc đi lang thang, chợt thấy bụi dứa gai, tôi chợt nhớ món "bắp trét", là bắp giã cho tróc vỏ, nấu nở ra như nấu cơm. Người bán trét bắp lên lá chuối, thêm dừa rám nạo sợi, rải lên mặt bắp, rắc tí muối mè đường và múc ăn bằng lá dứa gai, thay muổng.


Trước khi ra về, chúng tôi tìm thăm người bạn lâu ngày không gặp, cách nơi này khoảng mười lăm cây số. Bạn Ngoa trước đây lên Vĩnh long ở trọ và học trường Tống Phước Hiệp. Bạn ngụ gần nhà tôi, nên quen biết rồi trở nên thân thiết hơn. Thuở còn đi học, tôi thường đến nhà nó, ở Cống Bà Tảng, vào dịp lễ hoặc Tết. Đôi lúc ở lại đêm. Sau 75, dời về ấp Cái Ngang. Căn nhà lợp lá, từ lộ làng phải đi dọc theo bờ ruộng một khoảng mới đến nơi. 

Trước nhà rất nhiều bụi cây mua, loại hoa năm cánh tim tím, nhụy vàng đẹp đơn sơ mộc mạc, nhưng trông thật bắt mắt. Bạn tôi hiền lành, tánh tình đơn giản như căn nhà của nó. Hai vợ hồng bạn sống cùng mẹ già, nay đã hơn chín mươi . Chúng tôi chuyện trò khá lâu, cùng ngồi uống nước dừa, nhắc lại chuyện năm xưa. Thật không gì thú bằng.


Bạn còn giới thiệu với tôi, miểu Bà Chúa Xứ, đã hộ trì cho dân vùng này bình yên, tên miểu Ngả Ngay, lấy tên của ấp này, nó giới thiệu, miểu này lập sau miểu bà Châu đốc khoảng năm năm, bài vị có ghi rõ. Trước đây là mái lá đơn sơ giữa ruộng, cách đây vài năm có mạnh thường quân ở Tây ninh, Sai gòn, Bình dương ra tiền của trùng tu cho khang trang. Điều đặc biệt là hàng gừa rất cổ xưa đan xen nhau sau khi cây chủ ngả xuống, nhưng vẫn còn sống,tiếp tục sanh sôi. Tôi tò mò theo nó xem ,quả thực thâm u, nhưng lại mang tính khoáng đạt, dung chứa. Nơi này có bà cụ áo thâm ngoài tám mươi làm từ. Ngoài thờ chánh vị, còn thờ cửu huyền trăm họ, tổ vị, các vị nữ lưu, đầy đủ bài vị cùng công đức những tiền hiền…liên quan đến ngôi miếu của địa phương này.

Tôi từ giã bạn. Bạn chạy xe đạp cà tàng trong nắng gay gắt buổi xế trưa, đưa đường chúng tôi đến, rồi tiễn về. Tôi kiếu chạy trước để về nhà, nhìn kính chiếu hậu, người bạn dáng ốm yếu, đầu cuối xuống gò lưng đạp xe loạng choạng trên bờ đường cao, trong nắng hạ chói chang và vắng lặng…..

Trương Văn Phú
***
 Vài Hình Ảnh chuyến đi mua bưởi năm roi Mỹ Hòa, cam sành Tam Bình và Miểu Bà Ngã Ngay (Vĩnh Long)











Hình Ảnh:Trương Văn Phú

Ngậm Ngùi



Bài Xướng:
Ngậm Ngùi

Thuyền xa bến cũ vạn trùng khơi
Thương nhớ đầy vơi một nẻo đời
Bóng dáng người đi vương kỷ niệm
Ngậm ngùi chân bước lệ thầm rơi.

Bóng ngả chiều buông tiếng thở dài,
Lưng trời ảm đạm nhớ nhung ai
Lang thang phố vắng buồn khôn xiết
Chuyện của ngày xưa lưu luyến hoài.

Chân trời góc biển biết tìm đâu
Hiu hắt sương thu nhuốm vẻ sầu
Thơ lạc vần thơ trên xứ lạ
Người ơi, có thấu nỗi lòng nhau.

Gió lùa “Sương Bụi” tỏa khung trời
Vàng úa rừng thu lá vẫn rơi
Mây xám lạnh lùng bay cuối nẻo
Thuyền xa bến cũ vạn trùng khơi.


Nguyễn Thành Tài
***
Các Bài Họa:
Bùi Ngùi

Tàu ra cửa ải sóng ngàn khơi
Chuyên chở thuyền nhân tìm kiếm đời
Sáng lạng giảm cơn buồn thất sủng
Từ khi nước mất lòng sầu rơi

Từng đêm thao thức thở than dài
Tỵ nạn xứ người, quê của ai?
Quanh quẩn tháng ngày trông ngóng đợi
Một lần thay đổi...chờ mong hoài

Hơn bốn mươi năm mải miết đâu
Lòng luôn ôm ấp vấn vương sầu
Ước mơ sum hợp chưa thành tựu
Trắc trở vẫn còn xa cách nhau

Đồng hương lang bạt bốn phương trời
Trong mắt không ngừng giọt lê rơi
Miên viễn tâm tư hằng nhớ mãi
Tàu ra cửa ải sóng ngàn khơi


Minh Hồ
10.03.2018

***
 Chiều Buồn
Mây trời bàng bạc thả ngàn khơi
Viễn xứ ta về quạnh quẻ đời
Nhớ thuở chia xa màu phượng vỹ
Bên chiều lặng lẽ nắng sầu rơi

Chiều buông lối nhỏ bóng nghiêng dài
Lẩn thẩn buồn riêng lại nhớ ai
Ngươi nở bỏ ngang lời thệ ước
Cho tình thấm thía mãi đau hoài

Cô thôn cánh nhạn biết về đâu
Bến cũ chiều thu kỷ niệm sầu
Cạn buổi tình xa đời bao nả
Còn đây lối cũ xót tình nhau

Hoàng hôn rớn nhuộm tím chân trời
Trĩu nặng tâm tư ngấn lệ rơi
Ngắm áng mây chiều bay vạn nẻo
Nghe lòng rười rượi nhớ ngàn khơi!!!


Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm.

11.03.2018, Huế

***
 Hương Tình Tuổi Dại

Thuyền tình ngày cũ đã xa khơi,
Niềm nhớ đong đưa đến mãn đời.
Kỷ niệm một thời soi tuổi dại,
Đêm đêm chờ mãi ánh sao rơi …

Xa nhau biền biệt tháng năm dài,
Tâm trí bao ngày vẫn nhớ ai:
Mái tóc nhẹ bay chiều bãi học,
Môi cười e ấp, thấy thương hoài…

Thuở ấy yêu người, dám nói đâu!
Trong tim thấp thoáng nét u sầu.
Dặn lòng ráng giữ tình trong sáng,
Mai mốt lớn rồi, sẽ… có nhau!

Thơ ngây tuổi dại khéo rên Trời,
Ước mộng tan tành như lá rơi !
Tao loạn đẩy đưa người một nẻo,
Thuyền tình ngày cũ đã xa khơi …


Man Ho
***
 Vấn Vương!

Ôm mối tơ lòng vượt biển khơi!
Gìn câu ước hẹn đến muôn đời
Tàn canh gió nhẹ hồn tê tái
Lặng lẽ sau thềm ngắm tuyết rơi!

Tâm tư trĩu nặng suốt đêm dài
Bậu nỡ vô tình dám trách ai?
Hương lửa miền xa nồng giấc điệp
Cớ sao dạ mãi vấn vương hoài!

Trăng hỡi, ôi người có hiểu đâu!
Băn khoăn thực, ảo...rối tim sầu
Rượu đầy sưởi ấm dường không thể
Vẫn mộng đôi mình chung bóng nhau

Cái nợ ba sinh bởi ý trời
Khôn cầm ướt đẫm giọt châu rơi
Tiếng yêu một thoáng xa vời vợi!
Ôm mối tơ lòng vượt biển khơi!


Như Thu
***
 Thương Thân Trách Phận

Ra đi tuy chẳng vượt trùng khơi,
Tâm tưởng luôn xui nhớ suốt đời.
Những cảnh khi xưa ghi kỷ niệm,
Lòng buồn càng khiến lệ thầm rơi !

Đơn độc mình ta cứ thở dài
Thương thân trách phận tỏ cùng ai ?
Âm dương cách biệt lòng đau xót.
Nhìn ngắm chân dung dạ tủi hoài.

Xứ lạ quê người dẫu ở đâu,
Đầu đông gió lạnh buốt lòng sầu !
Không có người quen hay thân thích,
Em ở trần gian cứ nhớ nhau.

Mây giăng mù mịt cả khung trời,
Trên khắp rừng phong lá chửa rơi.
Tổ ấm chim bay về nghỉ cánh,
Càng nhìn xa thẳm mịt mù khơi.


Thanh Khang
11-3-2018

*** 
Hoài Niệm

Tâm tư thuyền chở dặm ngàn khơi
Vẫn nghĩ thương mơ chốn dặm đời
Ngắm cảnh dần xa ghi ký ức
Nhớ sao ngày ấy lệ lòng rơi

Hoàng hôn loang bóng ủ quê dài
Màu xám vương lòng với bóng ai
Mộng dõi thẫn thờ nơi vắng vẻ
Tim lòng trao hết cảnh mơ hoài

Thời cảnh mây đài đã đến đâu?
Vầng trăng sáng đẹp vẫn mang sầu
Pha sương mái tóc, trang thay đổi...
Nhớ thuở tan trường,sánh bước nhau

Nơi đây tuyết đổ đục khung trời
Ôm chặc rừng đông trắng phủ rơi
Buốt lạnh tái tê người lữ thứ
Tâm tư thuyền chở dặm ngàn khơi.


Đặng Xuân Linh
12-03-2018

***
 Hoài Năm Cũ

Trước năm bảy bốn, vượt trùng khơi
Du học xứ Tây, cách bạn đời
Khi mất miền Nam đành ở lại
Tám năm cách biệt, nước non rơi...

Bóng tối buồn tênh đếm thở dài
Cách bờ sương cản, dõi về ai
Thẫn thờ ngắm hướng tìm hương dáng
Năm tháng tơ duyên kỷ niệm hoài

Châu hoàn hết nghĩ chuyện xa đâu
Vẹt áng sương thu giải lạnh sầu
Kệ sách không còn kê rủ vận
Hợp song mà kể chuyện bên nhau

Buồn xa đã gởi đến mây trời
Thắm thoát thời gian tiết lá rơi...
Lắm độ mùa thu nơi đất khách
Trước năm bảy bốn, vượt trùng khơi


Nguyễn Gia Linh
 13-03-201
***
 Bùi Ngùi

Từ lúc người đi đến nẻo khơi
là bao mộng ước ở trong đời
coi như tan vỡ vào hư ảo
Mắt lệ bao đêm cứ mãi rơi!

Nhiều lúc thâu đêm lệ chảy dài
Buồn nầy uống cạn bởi vì ai?
Niềm riêng trăm mối luôn trăn trở
Chẳng lẽ....thân ta cứ nhớ hoài !

Ngăn cách đôi đường bởi tại đâu?!
mà ta phải nhuốm cảnh ưu sầu
Thơ nào viết cạn niềm u uẩn
Giấy mực còn thương mến với nhau

Tiếng uất, niềm đau nghẹn ngút trời
Ta còn nhỏ giọt lệ thầm rơi
Trăng tròn lại khuyết, trăng tròn lại
Thì cứ đợi chờ kẻ viễn khơi


Song Mai Lý Lệ
3/13/2018
***
Hồng Ân Thiên Chúa!


Kinh nguyện an bình vượt biển khơi
Rời Cha xa Mẹ bước vào đời
Tình thương rộng mở vòng tay ấm
Nhân đạo xứ người cảm lệ rơi

Lặng về cố Quốc thở than dài
Dân tộc đắm chìm bởi tại ai
Gắn dạy cháu con gìn giữ lấy
Non sông đất Việt khắc tâm hoài

Dẫu sống ly hương bất cứ đâu
Vươn lên nhịp thở nén u sầu
Tương lai hướng tới cùng san sẻ
Máu đỏ da vàng chung sức nhau

Cảm tạ hồng ân của Chúa Trời
Khổ đau quẳng gánh nhẹ nhàng rơi
Thân con tro bụi Ngài ban phúc
Kinh nguyện an bình vượt biển khơi

Kim Oanh

Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ - Ngô Thụy Miên



Ngô Thụy Miên
Tiếng Hát Trần Thái Hòa
Thực Hiện: Đặng Hùng

Một Chút Tản Mạn Buổi Chiều Nay...


Trong bốn mùa của một năm Xuân Hạ Thu Đông, mùa nào là mùa đẹp nhất, mùa nào là mùa khiến lòng người ta thao thức với kỷ niệm nhiều nhất? 

Không, không thể trả lời câu hỏi ấy được.
Nắng hay mưa? Sớm mai hay chiều tà?... Không thời khắc nào mà không là lúc làm chúng ta vương vấn thao thức, nhớ nhung nếu chúng ta không ghi lại dấu vết kỷ niệm, không sống hết với tình của mình trong thời khắc ấy, cho dù hạnh phúc hay đau thương.
Khi ta đã sống, đã yêu, ở một nơi nào đó, và rồi khi có bước đi, mới hay mình đã mất thì trông ra nơi nào cũng thấy kỷ niệm lượn qua, trong trí nhớ nhỏ nhoi hay trong không gian mênh mông xa lạ. 

"Một cơn gió lướt qua 
Cũng nghe lòng tha thiết 
Tưởng như mùi hương vườn cũ theo mình? " 
Các bạn có bao giờ có những cảm giác như thế chăng? 

Nếu chúng ta còn yêu nhau, thì dù có muôn ngàn dặm cũng không là xa cách. Bích Huyền nhớ có đọc đâu đó trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Pháp Francois Sagan có nói: “Tôi biết có những người yêu nhau lúc 18 tuổi, chết bên nhau lúc 90 tuổi. Nhưng những cuộc tình lớn như thế có vẻ không thích hợp cho một cuốn tiểu thuyết.” 
Bà cũng nói thêm rằng:“Trong tình yêu, khi một người cảm thấy hạnh phúc thì người kia cảm thấy bất an.” 

Như thế thì…có nghĩa là làm sao nhỉ? 
Nó có nghĩa là chẳng có một cuộc tình nào mà cả hai người cùng cảm thấy hạnh phúc như nhau chăng? Vâng, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều hiểu rằng, không ai có thể định nghĩa đủ thế nào là tình yêu , thế nào là hạnh phúc. 

Thế nhưng, đến cả một tiểu thuyết gia danh tiếng như bà Francois Sagan mà cũng không hiểu, hay ít nhất chúng ta cũng không thể hoàn toàn đồng ý với định nghĩa của bà thế nào là tình yêu, thì chẳng lẽ…Tình là một điều bí hiểm đến thế sao? 

Cho nên thơ, nhạc có phải chăng là câu trả lời cho điều mà chúng ta không ai hiểu hết đó? Nhạc giải nghĩa thơ, thơ giải nghĩa tình, và thơ nhạc giải nghĩa yêu cho người đọc, người nghe…Có phải như thế không, thưa các bạn? 

Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng dỗ ong bướm về sân
Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng 

Mặt đất mềm bước chân em chợt nặng
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vồng hoa trắng
Và đầy thềm lá rụng liếp phên che. 

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu
Rồi Tết đến, rồi lòng anh nhớ quá. 

Khi em về bước xưa chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã vắng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước 

(Thơ Nguyễn Đình Toàn) 

Những ngày Tết đã đi qua, nhưng dư âm vẫn còn....Chúc các bạn một ngày mới rất tươi xuân... 

Bích Huyền

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Thơ Tranh: Mục Tử Nhân Lành


Thơ: Đức Hạnh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Suy Niệm


Tôi đã gặp trên chặng đường suy niệm
Cội phúc vinh danh chỉ có một điều
Sự sống cho đời không thể thiếu
Một điều duy nhất đó là yêu.

Yêu không hẳn chết trong lòng một it
Mà cho đi và chẳng đắn đo gì
Trả tội lỗi về với điều ích kỷ
Để vững lòng vượt qua cửa sân si

Tình yêu thực không thể tìm đơn giản
Tình cho đi đâu có dễ dàng gi..
Trong cay đắng có khi là dã tật
Trong ngọt ngào đâu dám chắc điều chi.!

Chúa đã chết cho tình yêu sống lại
Trong hy sinh nâng ơn đức cao dày
Tôi đi với mùa chay lòng nghĩ mãi
Phép nhiệm mầu từ đôi cánh dang tay..

Bằng Bùi Nguyên

Nhớ Mãi Người Xưa



Em liêu trai mộng mị
Anh mòn mõi gọi tên
Nhủ thầm lòng chung thủy
Em còn nhớ hay quên !

Mơ về em hiện diện
Bên liếp cửa hàng hiên
Mắt em cười lúng liếng
Trông em thật dịu hiền.

Mời em cà phê dắng
Giọt buồn lắng vào tim
Thương cuộc tình sắp mất
Hoang sơ chợt im lìm.

Anh gọi em thật lớn
Em yên lặng ngập ngừng
Bãi dài cơn sóng gợn
Mắt lệ trào rưng rưng.

Bao giờ em thấu hiểu
Tình mình như cơn mưa
Tạo hóa ơi huyền diệu
Gợi nhớ mãi người xưa...

Dương hồng Thủy

Phiếm Về... Tuất Chó Cẩu Khuyển


Tuất là ngôi thứ mười một của Địa Chi, cầm tinh con Chó, mà chó thì chữ Nho gọi là Cẩu, mà chữ cẩu lại nằm trong bộ Khuyển, và năm khuyển lại là năm Tuất. Cứ thế, vòng vòng trở lại cắn đuôi con ... khuyển. Năm Tuất nói chuyên con CHÓ, con CẨU, con KHUYỂN là nói chuyện bao đồng về con vật bốn chân nầy để nghe chơi đỡ buồn khi trà dư tửu hậu.
KHUYỂN là một trong 214 bộ của CHỮ NHO ... DỄ HỌC theo diễn tiến của chữ viết như sau:

Giáp Cốt Văn     Kim Văn         Đại Triện          Tiểu Triện                Lệ Thư

Ta thấy:
Giáp Cốt Văn là hình tượng của con chó được nhìn từ góc độ sau ra trước, đuôi chó cong lên đang cất cao đầu vểnh hai tai như đang sủa trăng, đến Kim Văn ( Chung Đỉnh Văn ) thì mình chó được đơn giản hóa bằng một nét vẽ hót vào như ... bụng chó, đến Đại Triện thì các nét được viết bằng nhau. Tiểu Triện thì nét chữ đã thành hình bằng các nét biểu tượng và đến chữ Lệ ở cuối đời Tần thì các nét chữ đã được kéo thẳng ra như chữ viết hiện tại 犬.
KHUYỂN 犬 là Chó nói chung, con vật bốn chân được thuần hóa rất sớm, cùng với con ngựa thành một cặp Khuyển Mã 犬馬, cùng sống chung và cùng tiến hóa với con người. 
Bộ Khuyển 犬 khi ghép với các bộ khác để tạo chữ mới (18 chữ), thường được đặt nằm bên tay phải, như chữ THÚ 獸 là từ chỉ chung các con vật bốn chân. Ta có thành ngữ Phi Cầm Tẩu Thú 飛禽走獸 có nghĩa : Loài chim thì bay loài thú thì chạy. Nhưng ...
Thường thì bộ Khuyển 犬 được đặt nằm bên phía trái của chữ ( khoảng 198 chữ ) và được viết cách điệu 犬 thành 犭để viết cho nhanh và chữ được ghép sẽ đẹp hơn, tiêu biểu là chữ CẨU 狗.
CẨU 狗 nguyên nghĩa là Con Chó Nhỏ, thường dùng trong văn nói, sau thông dụng với KHUYỂN, rồi tùy theo tập quán của từng vùng quen sử dụng CẨU hay KHUYỂN mà ta có các từ như : Liệp Cẩu 獵狗 là Chó Săn, Tẩu Cẩu 走狗 là Làm Tay Sai cho ai đó, Cảnh Khuyển警犬 là Chó Cảnh Sát, Quân Khuyển 軍犬 là Chó Quân Đội ...

Năm nay 2018, Thiên Can nhằm ngôi thứ 5 là chữ Mậu, hợp với Địa Chi ngôi thứ 11 là Tuất, nên ta có năm MẬU TUẤT 戊戌. Mậu Kỷ thuộc Thổ, biểu tượng là màu Vàng. Con chó mà màu vàng dân Nam Kỳ Lục Tỉnh chúng tôi gọi nó là con Phèn, có thể là do những vùng đất mới khai phá khi nước rút đi còn để lại một lớp bùn màu vàng đậm, bà con ta gọi là đất phèn. Phải qua vài mùa nước chắc cho sạch phèn thì đất mới trồng tỉa được. Đời sống của dân miệt vườn miệt ruộng luôn gắn liền với các con Phèn, con Mực, con Vện, con Vá ... mà người nước ngoài học nói tiếng Việt luôn đau đầu vì các tên gọi nầy ...
Con chó màu vàng thì gọi là con Phèn, màu đen thì gọi là con Mực, có sọc vằn vện đen trắng lẫn lộn thì gọi là con Vện, có đốm đen đốm trắng thì gọi là con Vá, và nếu toàn một màu trắng thì gọi là con Chó Cò như các câu vè về 12 con giáp :

Tuổi Tuất là con Chó Cò,
Nằm khoanh trong lò lổ mũi lọ lem.

Theo Tử vi Đẩu số thì con chó hợp với con ngựa con cọp thành một bộ Dần Ngọ Tuất tam hạp. Chó và Ngựa hợp nhau vì cùng tiến hóa với con người, chớ Cọp thì làm sao mà hợp cho được. Chúa sơn lâm chỉ cần gầm lên một tiếng là chó và ngựa qụy xuống không còn chạy nổi nữa ! Trừ phi nó là con cọp ... lạc đường đi xuống đồng bằng như câu ông bà ta thường nói :
Hổ lạc bình dương bị khuyển khi 虎落平陽被犬欺
Có nghĩa :
Cọp mà đi lạc xuống đồng bằng thì cũng bị chó khinh khi, dễ ngươi, như anh hùng thất thế bị kẻ tiểu nhân khi dễ vậy. 

Tứ Hành Xung thì có Thìn Tuất Sửu Mùi, bốn cung nầy đều thuộc thổ và đều ở trung ương. Mậu Kỷ cũng thuộc thổ ở trung ương, nên Năm Mậu Tuất 2018 nầy là con chó hoàn toàn bằng đất, đất cả Thiên can lẫn Địa chi. Bản thân con chó đất đã khó bảo toàn còn mong gì phù hộ giúp đỡ cho ai được nữa ! Tháng Tuất là Tháng 9 âm lịch trong năm, người Quảng Đông phát âm Cửu và Cẩu giống nhau, nên họ gọi tháng 9 là tháng Chó, là tháng bắt đầu ăn thịt chó cho ấm vì trời đã cuối thu sắp sang đông. Nhớ khi xưa trên đường Nhân Vị ( sau 1963 đổi thành Trần Hoàng Quân, sau 1975 đổi thành Nguyễn Chí Thanh ) đoạn bên hông nhà thương Chợ Rẩy bên kia đường Quận 11 là các quán lề đường bán thịt chó ngon nổi tiếng Sài Gòn Chợ Lớn với chiêu bày " Hương Nhục 香肉 " là Thịt Thơm. Theo giới ăn nhậu thì thịt chó dính răng của đêm trước, sáng hôm sau xiả ra miếng thịt vẫn còn thơm ! Thật vậy, hễ đèn đường nổi lên là cả khu vực nầy bát ngát mùi Hương Nhục mà không cần phải có:

Con chó khóc đứng khóc ngồi 
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng... gì cả !

Còn giờ Tuất là từ 7 đến 9 giờ tối, giờ của cuối canh một, là giờ của anh chàng họ Sở hẹn với Thúy Kiều " Ba mươi sáu chước chước gì là hơn ? " để bỏ trốn khỏi lầu xanh bằng một bức tiên mai, với rành rành TÍCH VIỆT có hai chữ đề. Cô Kiều đã qúa thông minh nên mắc bẫy :
Lấy trong ý tứ mà suy.
Ngày hai mươi mốt Tuất Thì phải chăng ?
Vì 2 chữ TÍCH VIỆT 昔越 chiết tự ra thành 廿一日走戌 trấp nhất nhựt tẩu tuất. Có nghĩa : Ngày hai mươi mốt sẽ bỏ trốn vào giờ Tuất.

Trong " Lục Súc Tranh Công " giữa trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn thì con chó cũng đã kể lể rằng:

.... Đêm năm canh, con mắt như chong, 
Đứa đạo tặc nép oai khủng động. 
Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống, 
Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh. 
Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh,
Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc.
Bao quản chui gai, lước góc,
Chi này múa mỏ, lòn hang....

Rất thực tế, toàn là những việc tầm thường chung quanh cuộc sống với con người: Canh nhà giữ cửa, đề phòng kẻ gian trôm cắp, chui gai lướt góc, đuổi sóc săn chồn ... không có thành tích chiến công to lớn như những con vật khác, nhưng con chó rất thân mật. sát sao và gần guĩ với con người, nhất là lòng trung thành của chó với chủ nhà thì không có con vật nào dám so bì cả, kể cả con ... người, có lắm người lòng trung thành cũng không bằng được chó ! Thế nên, thành ngữ đầu tiên ca ngợi chó là bốn chữ Trung Trinh Bất Nhị 忠貞不二, Có nghĩa là Lòng trung thành của chó luôn luôn bền vững, không có hai lòng, dù cho có xa cách bao nhiêu năm trường, khi gặp lại chủ cũ, con chó vẫn còn nhớ để vẩy đuôi chào mừng như thường. Có rất nhiều truyện kể cả Đông lẫn Tây, khi chủ chết đi, chỉ có con chó là còn quanh quẩn chung quanh mộ của chủ, và lắm con còn nằm chết luôn bên mộ chủ nữa mới thật là cảm động!

Trung Trinh Bất Nhị
Một lòng với chủ, theo chủ hết lòng, nên ta còn có thành ngữ: Kiệt Khuyển Phệ Nghiêu 桀犬吠堯. Có nghĩa: Con chó của vua Kiệt sủa vua Nghiêu. Kiệt là hôn quân bạo chúa của đời nhà Hạ; Nghiêu là một minh quân nhân đức của đời cổ đại. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ Chiến Quốc Sách, chỉ nêu lên lòng trung thành của chó luôn luôn hết lòng vì chủ, không cần biết đến việc chủ tốt hay là xấu, chỉ biết một mực trung thành với chủ, cũng như những người luôn đi theo ca ngợi Tổng thống Donald Trump vậy, chỉ biết có ông Trump là số một mà thôi ! Theo Chiến Quốc Sách ...

Vào thời vua Cảnh Đế đời Tây Hán, có danh sĩ giỏi mưu lược là Trâu Dương, theo về và làm việc dưới trướng của Ngô Vương Lưu Tị. Sau Lưu Tị định làm phản, Trâu Dương nhiều lần can gián, nhưng Tị vẫn không nghe, Dương bèn bỏ Tị theo về với Lương Hiếu Vương Lưu Võ. Mưu thần tâm phúc của Lưu Võ là Công Tôn Ngụy có lòng đố kỵ Trâu Dương, bèn đem việc trước đây Dương theo Ngô Vương định làm phản nói cho Hiếu Vương nghe. Vương giận, nên bắt Trâu Dương giam vào ngục, định sẽ xử tử hình. Trong ngục, Trâu Dương viết một bức thơ nổi tiếng để lại trong văn học, đó là " NGỤC TRUNG THƯỢNG LƯƠNG VƯƠNG THƯ 獄中上梁王書 " Có nghĩa : Thơ viết trong ngục gởi đến Lương Vương. Nôi dung bức thơ nêu ra rất nhiều nhân vật lịch sử bị nghi oan, thậm chí bị bức hại đến chết trong ngục tối, thực ra họ đều là những trung thần liệt sĩ. Cuối thơ, ông nêu lên câu " Kiệt Khuyển Phệ Nghiêu 桀犬吠堯 " với hàm ý : Ai vì chúa nấy, lúc đó tôi đang theo phò Ngô Vương, nên phải hết lòng với Ngô Vương mà bài bác ông, bây giờ tôi theo về với ông rồi thì tôi cũng sẽ hết lòng với ông mà thôi ! Trước đây tôi " sủa " ông, bây giờ tôi sẽ " sủa " người khác. OK!

Một con chó nữa rất nổi tiếng trong văn chương, đó là con chó xanh trong thành ngữ BẠCH Y THƯƠNG CẨU 白衣蒼狗. Có nghĩa là Áo Trắng Chó Xanh. Theo tích sau đây :
Thư sinh Vương Qúy Hữu đời Đường , có vợ là Liễu Thị, gia cảnh cơ hàn, nên vợ chồng rau cháo có nhau. Sau vì qúa nghèo túng bửa đói bửa no, nên Liễu Thị mới bỏ chồng mà đi. Bà con lối xóm đều không biết nội tình, ngỡ là Vương Qúy Hữu đuổi vợ đi, nên xúm nhau trách móc chàng. Nhà thơ Đỗ Phủ thấy vậy mới làm một bài Thất ngôn trường thiên minh oan cho Vương, gọi là " Khả Thán Thi 可嘆詩, có nghĩa : Bài thơ đáng Than Thở , nói lên sự đời, tình đời hay đổi thay, biến ảo khôn lường. Mở đầu bài thơ là 4 câu:

天上浮云似白衣, Thiên thượng phù vân tự bạch y,
斯须改变如苍狗。 Tư tu cải biến như thương cẩu.
古往今来共一时, Cổ vãng kim lai cộng nhất thì,
人生万事无不有 ! Nhân sinh vạn sự vô bất hữu !
Có nghĩa:
Đám mây nổi ở trên trời tựa như là tà áo trắng,
Chỉ trong phút chốc đã biến thành con chó màu xanh.
Từ xưa đến nay cũng đều giống như thế cả, 
Muôn việc trên đời không có gì là không có cả !

Hai câu thơ đầu đã được Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mượn để diễn ý trong Cung Oán Ngâm Khúc rất hay là :
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương!

Thành ngữ trên có thể nói trại đi thành BẠCH VÂN THƯƠNG CẨU hay Thương Cẩu Bạch Y gì cũng được.

Trong văn chương ta còn thấy một cái ... đuôi chó nữa, đó là câu Cẩu Vĩ Tục Điêu 狗尾續貂. Có nghĩa là lấy đuôi của con chó nối thay cho đuôi của con điêu. Điêu 貂 là một loài chồn sóc, to như con rái cá, lông đuôi dài màu vàng có khoan đen rất đẹp. Xưa kiểu phục sức của nhà Hán, mũ của các quan Thị-trung thường-thị hầu cạnh bên vua đều cắm đuôi con điêu, đúc con ve vàng đeo vào cho đẹp, vì thế gọi các kẻ quyền quý là "nhị điêu" 珥貂, hoạn quan gọi là "điêu đang" 貂璫. Thành ngữ Cẩu Vĩ Tục Điêu 狗尾續貂 có tích như sau:
Sau khi Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm chết, con trai là Tư Mã Trung nối ngôi là Tấn Huệ Đế. Huệ Đế bất tài, lại không rành việc triều chính, nên tất cả quyền hành đều lọt vào tay của Giả Hậu. Giả Hậu lại tính tình rất hung ác nham hiễm, nên Triệu Vương Tư Mã Luân mượn cớ nầy đem quân vào cung giết Giả Hậu, rồi tự phong mình làm tướng quốc. Vì muốn mua chuộc triều thần để mở rộng thế lực của mình, cho nên Tư Mã Luân phong quan tước bừa bãi, cả những đứa trẻ 12, 13 tuổi cũng được phong Hầu Tước. Khi vây cánh đã vững, bèn phế Huệ Đế đi để xoán ngôi vua. Theo quy định lúc bấy giờ, các vương công đại thần đội mão đều được trang sức bằng đuôi của con điêu. Nhưng vì Tư Mã Luân phong quan tước quá nhiều, nên không đủ đuôi điêu để làm mão, phải dùng đở đuôi chó để thêm vào, nên dân gian mới có câu vè nhạo rằng :" Điêu bất túc, cẩu vĩ tục 貂不足,狗尾续 ". Có nghĩa : Đuôi điêu không đủ, nên lấy đuôi chó nối vào. Vì thế thành ngữ Cẩu Vĩ Tục Điêu 狗尾續貂 có nghĩa là lấy tạm đồ dõm,đồ hạng hai để thay cho đồ tốt, đồ hạng nhất. Dùng rộng ra là đem cái dở mà nối liền với cái hay, như cô Kiều đã rất khiêm nhường nói với Thúc Sinh, khi Thúc sinh làm thơ vịnh cô đang tắm là:
Hay hèn ví cũng nối ĐIÊU,
Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.
và vì ... 
Lòng còn gởi áng mây vàng,
nên ... Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay !

Còn một con chó nổi tiếng trong Truyện Phong Thần là con HẠO THIÊN KHUYỂN 昊天犬 của Nhị Lang Thần Dương Tiễn. Theo sách Sưu Thần Ký 搜神记 thì ...
Hạo Thiên Khuyển là một con chó nhỏ truyền kỳ của dân gian, lang thang kiếm ăn, bửa đói bửa no, chẳng những bị người đời đánh đuổi, mà còn lo sợ bị chó sói xé thịt. May sao mỗi lần gặp nạn đều được Nhị Lang Thần Dương Tiễn lúc bấy giờ là một tiểu đạo đang tu tập cứu giúp. Nói cũng lạ qua ba lần gặp nạn, con chó nhỏ nầy đều được Dương Tiễn cứu giúp kịp thời, nên Dương nghĩ rằng chắc nó có duyên với mình, mới dạy cho nó cách tu luyện và dẫn theo bên mình. Đến khi viên mãn thì cả chó lẫn người đều tu thành chánh qủa. Chiến công hiển hách của Hạo Thiên Khuyển được nhắc đến 2 lần trong Tây Du Ký, Lần thứ nhất là Hồi thứ Sáu khi Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung đánh với Nhị Lang Thần, Hạo Thiên Khuyển đã nhảy đến cắn vào bắp chuối làm cho con khỉ đá phải té nhào. Lần thứ hai là Hồi thứ 36 khi đánh với Cửu Đầu Trùng. Khi Cửu Đầu Trùng bay đến, áp sát mình Nhị Lang Thần, bên hông bỗng nhiên lại mọc ra thêm một cái đầu nữa định cắn Dương Tiễn. Hạo Thiên Khuyển vội vàng nhanh nhẹn phóng lên, sủa " Gâu " một tiếng, cắn đầu của con quái thú rơi xuống đất.

Cũng cái con Hạo Thiên Khuyển nầy không chịu yên phận ở trên trời, nên có một lần trốn xuống trần gian để tác yêu tác quái. Lúc đó Lữ Động Tân, một trong Bát Tiên ở núi Bồng Lai, chỉ mới bắt đầu tu đạo, phụng mệnh dùng pháp bảo Bố Họa hồ lô đi thu phục. Khi Hạo Thiên Khuyển đã bị nhốt trong hồ lô rồi, Lữ Động Tân lại động lòng nhân đạo, sợ con chó trong hồ lô sẽ bị đốt thành tro bụi tội nghiệp, nên mới thiện tiện mở nút hồ lô thả nó ra. Không ngờ, vừa ra khỏi hồ lô, Hạo Thiên Khuyển quay đầu cắn cho Lữ Động Tân một phát rồi chạy tuốt. Vì vậy, nên ta lại có thêm một thành ngữ còn thông dụng đến hiện nay Là : CẨU GIẢO LỮ ĐỘNG TÂN, BẤT THỨC HẢO NHÂN TÂM 狗咬呂洞賓, 不識好人心。Có nghĩa : Chó cắn Lữ Động Tân, không biết là người có lòng tốt. Câu nầy thường chỉ được sử dụng có một vế đầu là Cẩu Giảo Lữ Đông Tân, có nghĩa giống như là " Làm ơn mắc oán " của ta vậy !
Tích trên có xuất xứ từ Hồi 83 & 84 trong quyển truyện Thần thoại Trung Hoa " Bát Tiên Đắc Đạo Truyện 八仙得道傳 " hoặc Đông Du Bát Tiên 東遊八仙 ".

Cẩu giảo Lữ Động Tân, bất thức hảo nhân tâm 
Chó hay sủa và hay cắn người. Mặc dù người dân Lục Tỉnh có câu " Chó sủa chó cắn ai !", ý nói : Chó chỉ sủa để " hù " người ta mà thôi chớ ít khi cắn ai lắm. Nói thì nói thế, chớ khi thấy con chó sủa quấu quấu, chòm tới nhe nanh múa vút thì ai cũng ... ớn cả, lở mà nó cắn cho một phát thì phải chích ... 60 mũi thuốc ngừa chó dại vào bụng. Nên đi đường mà gặp chó thì ai cũng " ngán " cả, nhất là giới ăn xin ăn mày, chẳng những sợ chó cắn mà còn sợ chó dành cả những thức ăn mà mình xin được trong ... miểng vùa. Vì thế mà trong tất cả những truyện võ hiệp của Kim Dung, ta thấy giới Cái Bang thường có cây gậy đánh chó, gọi là Đả Cẩu Bổng và Đả Cẩu Bổng Pháp là một môn võ công thượng thừa của Bang chủ Hồng Thất Công, một trong Võ Lâm Ngũ Bá, chẳng những dùng để đánh chó mà còn dùng để đánh cả những người xấu ... hơn chó nữa, lại có cả một Đả Cẩu Trận Pháp hẵn hoi. Các chiêu thức của Đả Cẩu Bổng Pháp thường đều có kèm theo một chữ Cẩu hay chữ Khuyển, như :
* Ác cẩu lan lộ 惡狗攔路 : là Chó dữ chặn đường.
* Bổng đả song khuyển 棒打雙犬 : là Gậy đánh hai con chó.
* Bổng đả cẩu thủ 棒打狗首 : là Dùng gậy đánh vào đầu chó.
* Tà đả cẩu bối 斜打狗背 : là Đánh xéo vào vai chó.
* Thiên hạ vô cẩu 天下無狗 : là Thiên hạ không còn chó nữa.
v.v... và... v.v.... Tất cả gồm 36 đường, xin tham khảo thêm trên web : CLB Vovinam Nguyễn Văn Cưng. Những Tuyệt Chiêu Của Đả Cẩu Bổng Pháp.

Thành ngữ tục ngữ về chó thì thật nhiều, như năm con Gà vừa qua, ta đã biết qua thành ngữ Kê Minh Cẩu Đạo 雞鳴狗盜 là Gà gáy chó trộm để chỉ những tên " Đầu trộm đuôi cướp ". Thành ngữ liên quan tới chó mà Hoa Việt gì đều thông dụng cả là : 
* Đả cẩu khán chủ 打狗看主 ta nói là : Đánh chó kiên chủ nhà. 
* Cẩu trệ bất như 狗彘不如 ta nói là : Không bằng heo chó, người Miền Bắc nói là : Không bằng chó lợn. Trệ 彘 là con heo nái, người Miền Bắc gọi là con Lợn Xề.
* Lang tâm cẩu phế 狼心狗肺 là Lòng lang phổi chó, ta nói là : " Lòng lang dạ sói ".
* Đả kê mạ cẩu 打雞罵狗 là Đánh gà chưởi chó, ta nói là " Chưởi chó mắng mèo ". 
* Quải dương đầu mãi cẩu nhục 掛羊頭賣狗肉 : Ta nói là " Treo đầu dê bán thịt chó ". Chỉ các con buôn làm ăn gian dối. 
* Cẩu chủy lý trưởng bất xuất tượng nha 狗嘴裡長不出象牙 : Ta nói là : " Miệng chó không mọc ra được ngà voi ". 
* Họa hổ bất thành phản loại khuyển 畫虎不成反類犬 : Ta nói là " Vẽ cọp không xong lại giống chó ", Chỉ sự vụng về, không khéo léo về mọi mặt. Trong Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu, dân làng đã khuyên Vân Tiên khi chàng định đi đánh tướng cướp Phong Lai :
E khi họa hổ bất thành,
Khi không mình lại xô mình xuống hang.
* Cẩu bất thực phân 狗不吃屎 là Chó không ăn cứt, ta nói là " Chó chê cứt " để chỉ sức khỏe không tốt, vì Cứt là món khoái khẩu của chó mà lại chê, chứng tỏ là khẩu vị hoặc sức khỏe có vấn đề. Nếu không thì là " làm bộ chó ". Vì ca dao của ta có câu :
Thân em như cục cứt trôi sông,
Phận anh như con chó đói chạy rông trên bờ ! 
còn gì đau khổ hơn là thấy đồ ăn mà mình yêu thích lại không thể " quằm " được! Như chàng trai thấy cô gái mà mình thương hơ hớ ra đó mà không sao " thương " được, vì môn đang hộ đối, vì thân phận nghèo hèn ... Thật đau khổ và tội nghiệp vô cùng, khi:

Mây trôi nước chảy hững hờ,
Cứt trôi chó chạy biết bao giờ gặp nhau ?
Nên đâm ra mơ ước vẩn vơ ...
Ước chi cứt dạt vào bờ,
Để cho con chó đói hết chờ hết mong.


Nhưng ...

Qua đến đất Mỹ thì con chó... lên ngôi, về thứ tự ưu tiên trong xã hội Mỹ thì thứ nhất là Đàn bà Lady first mà, thứ nhì là Trẻ em, thứ ba là con Chó và thứ tư mới tới phiên Đàn ông ! 
Nuôi chó phải có nhà ở cho chó hẵn hoi, phải nuôi bằng thực phẩm chó đàng hoàng, phải được chích ngừa, phải có bảo hiễm và phải có bác sĩ chó khám bệnh chăm sóc sức khỏe. Phải được tắm rửa làm đẹp như hớt tóc, cắt móng chân ... Khi thiến phải gắn dịch hoàn giả cho chó để khi đi ra ngoài chó khỏi mắc cở. Chưa kể mỗi buổi sáng phải dẫn chó ra đường cho đi đái đi ỉa, rồi phải dùng bao rác hốt sạch những cái mà chó thải ra, chăm sóc chó còn hơn là chăm sóc cho cha mẹ, con cái nữa !
Thức ăn của chó là dog food, thức ăn của người là hot dog, một loại xúc xích trông giống như bộ phận sinh dục của con chó đực, người Anh gọi là saveloy, mằn mặn ăn không ngon lành gì cả, thua xa lạp xưởng của ta. Các quyển sách cũ lật tới lật lui lâu ngày, các góc sách bị cuốn kèn lại, người Mỹ gọi là tai chó : dog eared. Ghét ai ta mắng là : Đồ chó đẻ ! thì Mỹ lại nói là : Con của con chó cái " Son of a bitch " hay " son of a gun ". Chỉ tánh tham lam bo bo giữ của thì ta nói như Chó Già Giữ Xương, còn Mỹ thì nói Dog in the manger. Nhưng dù đông dù tây gì thì chó vẫn là bạn thân với người Man's best friend, nhưng con chó ở Mỹ thì lại được các cô chủ của nó nâng lên thêm một bậc nữa : Love me, love my dog, có nghĩa : Nếu có yêu tôi thì hãy yêu luôn con chó của tôi nữa ! Cái nầy thì hơi "căng" một chút, chả lẽ mỗi lần hôn em phải hôn luôn con chó của em nữa sao ?!

Không nói chuyện chó tây chó Mỹ nữa, trở lại với con chó tội nghiệp của Việt Nam ta, hễ ghét ai là cứ lấy con chó ra làm đối tượng để chưởi xéo người đó. Ngoài tiếng " Đồ chó đẻ " ra, còn có " Đồ chó chết, Quân chó má, Cái thằng chó, Cái con đĩ chó ..." Có " văn hoá " một chút thì mắng người ta là " Thứ cẩu đầu, Quân Cẩu Trệ " ... Chỉ những kẻ chuyên làm tay sai cho người ác thì là " Thứ cái đồ khuyển ưng, ưng khuyển " như trong Truyện Kiều lúc Hoạn Thư cho người đi bắt Thúy Kiều, 2 câu 1623-1624 là :
Sửa sang buồm gió lèo mây,
Khuyển Ưng, lại chọn một bầy côn quang.

Để chỉ những thằng con không ra gì thì bảo là: Hổ phụ sanh khuyển tử 虎父生犬子, có nghĩa : Cha thì hùng dũng oai phong như cọp, còn con thì nhu nhược cụp đuôi như chó ! Nhưng từ " khuyển tử 犬子 " lại là từ khiêm nhường để chỉ " Con của Mình " khi giới thiệu với người khác, như : Đây là khuyển tử, có nghĩa như " Đây là thằng chó con của tôi !". Ngoài ra, ta cũng có từ Khuyển Mã 犬馬 cũng là từ khiêm nhường của các bề tôi nói với vua chúa hoặc chủ cả ngày xưa 
: Nguyện làm thân Khuyển Mã để đáp đền, ý nói làm Chó làm Ngựa để báo đáp, nhưng ta lại nói là Làm thân Trâu Ngựa để báo đáp, như cô Kiều trước đêm phải đi theo Mã Giám Sinh đã trối lại với Thuý Vân rằng:
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai 
( câu 707-708 )

Nhân năm chó, lại nhớ đến một chuyện cười dân gian thuở xưa, chuyện kể ...
Xưa có một nhà nho thanh liêm, rất được dân làng trong vọng, thấy các quan lớn quan nhỏ từ Hương quản, Hương tuần, Lý trưởng đến Tri huyện, Tri Châu đều giở trò tham nhũng, hạch sách dân đen, nên ... Một hôm, ông làm một tiệc lớn, mời cả phủ huyện, hương chức hội tề đến dự. Nào tiết canh, dồi chả, thui nướng ... món ngon thơm phức dọn lên, các quan được một bửa chén no say. Có người đứng lên đáp tạ nhà chủ và hỏi các món ăn làm bằng thịt gì ? Nhà Nho thủng thỉnh đứng lên cười đáp : Chó, mâm trên mâm dưới, mâm trong mâm ngoài, tất cả đều là CHÓ cả !
Chuyện nầy làm ta lại nhớ đến ... Nghe tiếng rao bán thịt chó ngoài đường. Có người trong nhà lớn tiếng gọi : CHÓ ! CHÓ ! Người bán thịt chó cũng không phải tay vừa, cao giọng hỏi lại : Ai CHÓ đó ?! Quả là tám lạng nữa cân, ăn miếng trả miếng.

Cao cấp hơn là chuyện của Cao Bá Quát ...
ĐẤU 鬥 là Đánh nhau, nhưng Đấu Khẩu 鬥口 là Cãi lộn nhau, Chưởi lộn nhau như Cao Bá Quát đã diễn tả lại cho vua nghe cuộc cãi cọ rồi ẩu đả nhau giữa hai vị quan trong triều là Phan Văn Nhã và Võ Văn Khải đánh nhau vì chuyện văn chương. Ông Khải xem bài ông Nhã chê kém và nói Văn như thế Chó nó cũng làm được. Thế là sinh sự đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán, khi vua hỏi, Cao Bá Quát đã tường thuật lại như thế nầy:
Bất tri hà sự, 不知何事, 
Lưỡng tương đấu khẩu. 兩相鬥口。 
Bỉ viết Cẩu, 彼曰狗,
Thử diệc viết Cẩu. 此亦曰狗。
Bỉ thử giai Cẩu. 彼此皆狗。
Dĩ trí đấu ẩu, 以致鬥毆,
Thần kiến thế nguy thần tẩu ! 臣見勢危臣走! 

Có nghĩa:
Chẳng biết việc chi,
Hai người cùng Đấu Khẩu với nhau.
Người nầy nói Chó,
Người kia cũng nói Chó.
Cả hai đều Chó.
Đến nỗi ẩu đả nhau,
Thần thấy thế nguy nên thần chạy!

Cũng Cao Bá Quát, trước khi khởi nghĩa, bị thất sủng, triều đình đưa đi làm Giáo Thụ ở Quốc Oai, vùng đất thuộc Sơn Tây, xa chốn kinh đô thành thị. Học trò ít, cảnh sinh hoạt tiêu điều. Ông đã viết đôi câu đối dán ngoài nhà học như sau : 
Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái.
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi. 

Câu đối hắc búa, tương truyền là của ông Tú Cát ra cho Trạng Quỳnh là:
Lợn Cấn ăn cám Tốn,
Có nghĩa con lợn đang cấn thai thì ăn thật nhiều, nên phải tốn thêm nhiều cám. Nhưng Cấn 艮 và Tốn 巽 là hai quẻ trong Bát Quái.
Quỳnh đã ứng khẩu đối ngay là:
Chó Khôn chớ cắn Càn.
Có nghĩa con chó khôn ngoan thì không cắn càn cắn bậy, mà Khôn 坤 và Càn 乾 cũng là hai quẻ trong Bát Quái. Thế mới tài ! ( Bát Quái là : Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài 八卦是:乾,坎,艮,震,巽,離,坤,兌”)。

Chuyện " Chó Đá Quẩy Đuôi " tuy có vẻ hoang đường, nhưng cũng nói lên được cái tinh thần đề cao và kính trọng nhân tài đất nước của dân tộc ta. Đó là truyện của Trạng Lường ...
Lương Thế Vinh 梁世榮 (1441 - 1496), tục gọi là Trạng Lường, tên tự là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thụy Hiên, là một nhà toán học, Phật học, nhà thơ Việt Nam thời Lê sơ. Ông đỗ trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông và làm quan tại viện Hàn Lâm. Ông là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú 騷壇二十八宿 do vua Lê Thánh Tông sáng lập năm 1495. Tương truyền ...
Khi Vinh lên 7-8 tuổi đi học ở làng bên, bên đường có con chó đá, hễ Vinh đi qua là nó vẫy đuôi mừng. Lấy làm lạ, Vinh về nhà kể cho cha nghe. Cha Vinh nói: “Nó đã biết mừng thì ắt biết nói, con thử hỏi nó xem vì cớ gì mà nó mừng”. Hôm sau, khi chó quẩy đuôi mừng, Vinh bèn hỏi, con chó đá đáp bằng tiếng người, rằng: “Vì ông sẽ là Trạng nguyên, nên tôi mừng ông”.

Lại kể ...
Theo " Tam khôi bị lục 三魁備錄 "… có ghi lại : Bà mẹ vua Lê Thánh Tông là Thái hậu Quang Thục có lần nằm mơ, thấy đi tới chỗ Thượng Đế. Thượng Đế ban cho bà một tiên đồng làm con, và một tiên đồng để giúp đỡ. Lúc tỉnh dậy, bà có mang Lê Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông). Sau Lương Thế Vinh thi đỗ, Thái hậu xem hình dáng, giống hệt tiên đồng đã thấy trong mộng, bèn kể lại cho vua Thánh Tông hay. Từ đấy, Lương Thế Vinh trở thành một lương thần đắc dụng dưới thời Hồng Đức. Và ...
Lê Thánh Tông chẳng những là một minh quân mà còn là một nhà thơ có khẩu khí của bậc đế vương, ông làm thơ vừa ca tụng mình vừa nhắc nhở triều thần phải hết lòng phò vua báo quốc. Cái hay của các bài thơ ông làm là không nói thẳng mà mượn một sự việc hay sự vật nào đó để nói lên cái ý muốn của mình. Ta hãy đọc 2 bài thơ CHÓ ĐÁ của ông sau đây sẽ rõ.

Bài 1.
Quyền trọng ơn trên trấn cõi ngoài, 
Cửa nghiêm chem chẻm một mình ngồi. 
Quản bao xương tuyết nào chi kể, 
Khéo giữ cao lương cũng chẳng nài. 
Mặc khách thị phi giương tráo mắt, 
Những lời trần tục biếng vào tai. 
Một lòng thờ chúa, nghìn cân nặng, 
Bền vững ai lay cũng chẳng dời.
Bài 2.
Lần kể xuân thu biết mấy mươi, 
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi. 
Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt, 
Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi. 
Cắn kẻ tiểu nhân, nào đoái miệng ? 
Chào người quân tử, chẳng phe đuôi. 
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng, 
Dầu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.

Qủa là giọng điệu khẩu khí của một vì vua có khác !

Trở lại với Đề 36 của hai sòng bài lớn Kim Chung ở Sài Gòn và Đại Thế Giới ở Chợ Lớn trước khi bị Tổng Thống Ngô Đình Diệm đóng cửa (1954). Con CHÓ thuộc nhóm Thất Sanh Ý, là bảy người làm nghề buôn bán, từ số 10 đến số 16 có tên như sau : 
Số 10 là Giang Từ : con Rồng bay,
Số 11 là Phước Tôn : con CHÓ.
Số 12 là Quang Minh : con Ngựa.
Số 13 là Hữu Lợi : con Voi.
Số 14 là Chỉ Đắc : con Mèo Rừng.
Số 15 là Tất Đắc : con Chuột.
Số 16 là Mậu Lâm : con Ong.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên rất hợp với dân đánh đề, con chó tên chữ là Phước Tôn mang số 11, lại là ngôi thứ 11 trong Địa Chi, nên hễ nằm chiêm bao hay đi đâu, hoặc tình cờ gặp được người tuổi Tuất là mua ngay số 11. Sau nầy áp dụng vào xổ số kiến thiết từ 00 đến 99, dân thua đề lại phải thua thêm 2 con nữa là : Con Chó sồn sồn 51 và con Chó già 91 nữa, vì bây giờ 11 đã trở thành con Chó nhỏ rồi. Nhớ bài Vè Thua Đề 36 của thầy giáo Kiến ở ấp Yên Thượng Trị trấn Cái Răng, huyện Châu Thành tỉnh Phong Dinh ngày xưa, có câu:

Cầm quần mà đánh Thượng Chiêu,
Sổ ra Bản Quế mất tiêu cái quần !

Thượng Chiêu là con chim én, một trong Tứ Phu Nhân, số 21.
Bản Quế là con Ốc, một trong Tứ Trạng Nguyên, số 2.

Dân chúng mê đánh số đề, không phải chỉ cầm quần, cầm áo, mà cầm cả xe cộ, ghe xuồng, nhà cửa, đất đai ... và bất cứ thứ gì cầm cố được. Số đề mê hoặc dân nghèo như một câu trong bài vè của thầy giáo Kiến:
Phải thời một vốn bỗng liền ba mươi.

Sau nầy đánh theo xổ số Kiến Thiết thì càng mê hoặc lòng tham của con người hơn với : Một đồng trúng bảy mươi ! Trước mắt, dân nghèo trong nước cũng đang vật vả, sống dở chết dở với vé số và số đề được xổ hằng ngày, mỗi ngày nhiều khi đến 2 hay 3 đài xổ nữa là đằng khác !
Song song với số đề là tệ nạn ăn nhậu, lớn nhậu theo lớn, nhỏ nhậu theo nhỏ, sang thì nhậu nhà hàng, hèn thì nhậu lề đường. Hễ đỏ đèn là các quán nhậu lại trở nên nhộn nhịp, nhất là các quán lẫu dê, thịt chó bình dân. Dân ăn thịt chó thường kháo nhau về thịt chó là : Nhất bạch nhì hoàng tam khoang tứ đốm. Có nghĩa : Thịt ngon nhất là chó lông trắng, chó Cò. Thứ nhì là lông vàng, chó Phèn. Thứ ba là lông có khoang, chó Vện. Thứ tư là lông có đốm, chó Vá. Thịt chó bổ dương lại thêm vào ba xị đế, nên cảnh " Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tại thị 酒入心如狗逛在市 ". Có nghĩa : Uống ba hột rượu vào rồi thì con người dễ mất kiểm soát mà chạy lòng vòng ngoài chợ như con chó hoang, vừa khuấy rối trật tự công cộng vừa cản trở xe cộ giao thông là việc thường xảy ra với dân nhậu nhẹt.

Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tại thị 
Chó là Cẩu, ngày xưa đọc đồng âm với âm cửu là số 9. nên ta lại có một câu chuyện dân gian về Chỉ Sự thay cho chữ viết sau đây :
Ngày xưa, có một anh lính thú ở xa, nhân có bạn được phép về thăm nhà, mới nhờ bạn đem về cho vợ ở nhà trăm quan tiền và một bức thư.
Giữa đường, anh bạn tò mò giở thư ra xem, không thấy ghi số tiền gửi là bao nhiêu cả, chỉ thấy vẽ bốn con chó, một hình bát quái, hai con dê và một cái chũm chọe, nên nảy ra cái ý ăn bớt. Về đến nơi, anh ta chỉ giao cho vợ bạn bức thư và bốn chục quan thôi.
Người vợ xem thư biết thiếu tiền, lên quan nhờ phân xử. Quan hỏi:
- Chồng chị gửi người ta bốn mươi quan tiền, người ta mang về đưa tận tay cho, còn kiện cáo nỗi gì?
Người vợ đáp :
- Bẩm quan lớn, anh ta ăn bớt ạ! Chồng con gửi cho con tới một trăm quan kia ạ!
- Sao chị biết?
- Bẩm quan lớn, thư chồng con viết rành rành ra đấy xin quan xem thư, sẽ rõ!
Quan giở bức thư quái gở kia ra xem, không hiểu gì cả liền hỏi:
- Thế là thế nào? Bức thư không có chữ nghĩa gì cả, sao chị lại biết chồng chị gửi một trăm quan?
- Bẩm quan lớn, chồng con vẽ rõ ràng ra đấy. Bốn con chó là tứ cẩu, cẩu là cửu, tứ cửu là tam thập lục, là ba mươi sáu ( 36 ). Bát quái có tám cạnh, bát bát là tám lần tám vị chi là lục thập tứ, là sáu mươi tư ( 64 ). Sáu mươi tư với ba mươi sáu chả là một trăm quan đó sao?
Quan cho là phải, bắt anh kia phải trả đủ số tiền. Nhưng ngài còn thắc mắc hỏi chị kia:
- Thế còn hai con dê và cái chũm choẹ là ý thế nào?
Chị ta sượng sùng không nói. Quan hỏi mãi mới thưa:
- Ðấy là nhà con vẽ đùa thôi ạ !.
- Ðùa thế là có ý gì, phải nói ra cho rõ ràng.
- Bẩm quan lớn, hai con dê và cái chũm chọe là nhà con muốn hẹn con rằng, đến Tết Trùng Dương ( ngày 9 tháng 9, còn gọi là Trùng Cửu ) thì nhà con sẽ về thăm cái chũm chọe, ơ... không, thăm con… đấy ạ! 

Đó, ta thấy CHỈ SỰ hay là thế, thú vị là thế, ngày xưa nước ta cũng đã có vô vàn cách Chỉ Sự để truyền đạt ý nghĩa và sự việc một cách độc đáo của riêng mình rồi !

Xin được kết thúc bài phiếm về năm TUẤT là năm con CHÓ, mà chó chữ Nho là CẨU, cẩu lại thuộc bộ KHUYỂN nầy ở đây.
À, mà còn quên, để vui Xuân đón Tết, mời tất cả cùng giải đáp câu đố nghe rất trái tai sau đây, đó là câu:

Chó đậu, chuồn chuồn sủa!
( đố là Trái gì ? )

Cầu chúc cho tất cả mọi người đều có được một mùa xuân Mậu Tuất 2018 Như Ý, An Khang và Thịnh Vượng!

Đỗ Chiêu Đức